Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:22:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Người Bình Xuyên - Kiếp giang hồ  (Đọc 80086 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #50 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 04:03:03 pm »

Khí thế cao ngất trời, dù những người biểu tình chỉ mang vũ khí thô sơ, phần lớn là tầm vông vạt nhọn.
Để tránh khiêu khích, Ban tổ chức kêu gọi các đoàn thể siết chặt hàng ngũ, không để kẻ lạ chen vào. Nắng đã lên, cuộc diễu hành bắt đầu. Xuất phát từ đại lộ Norodom (1), đoàn người tiến về nhà thờ Đức Bà để quẹo xuống đường Catinat2 vừa đổi là Ba-lê công xã. Các đồng chí trong Lâm ủy Hành chính Nam bộ đi đầu. Đến Hãng Giăng Công (Jeen Comte), bỗng từ trên lầu có tiếng súng bắn xuống. Tức thì đoàn biểu tình dừng lại. Bọn Pháp ở đây đã đưa mấy con đầm trẻ đẹp dụ dỗ đám lính Anh, xúi giục chúng khiêu khích, phá rối cuộc biểu tình. Lập tức các đội cảm tử nhào lên truy tìm kẻ bắn lén. Trên gác chuông nhà thờ cũng có tiếng súng nổ. Cảm tử ta xông lên. Thầy dòng Tri-coa (Tricoire) trúng đạn gục bên khung cửa sổ.

Ban tổ chức lập tức ra lệnh: 1. Không được đổ máu. Phải bắt sống. 2. Phải bảo vệ đàn bà, trẻ con.

Bạn khiêu khích đã đánh gãy răng hai phụ nữ Pháp đi trong hàng ngũ những người biểu tình. Đó là bà Phạm Ngọc Thạch và bà Vũ Văn Huyền. Trong cuộc xô xát có bốn người Pháp chết và một số bị thương. Hai Vĩnh có dịp sử dụng nghề võ của mình. Anh đá bay một thằng Pháp to gấp đôi anh. Tất cả những tên Pháp gây rối đều được bắt giải về Khám Lớn. Hai anh Dương Bạch Mai và Huỳnh Văn Tiểng được giao nhiệm vụ theo sát những người Pháp bị ta giam giữ. Đến chiều, một bức điện từ Hà Nội đánh vào ra lệnh thả bọn Pháp để tránh rắc rối: quân Anh có thể mượn cớ này để can thiệp vào nội bộ của ta. Khi Dương Bạch Mai và Huỳnh Văn Tiểng tới các trạm gác thì bọn đầm quỳ lạy khóc lóc như mưa. Hai anh giải thích cho chúng biết những người cách mạng Việt Nam chỉ chống thực dân Pháp chớ không hề bài Pháp. Hai anh nhắc cuộc cách mạng tư sản dân quyền của Pháp năm 1789 đã mở đường tranh đấu cho tự do, bình đẳng, bác ái… và khuyên họ bình tĩnh, tin tưởng nơi những người cách mạng Việt Nam.

Đêm ấy, kiểm điểm cuộc biểu tình, Ban tổ chức rất phấn khởi mà cũng rất lo âu. Phấn khởi vì mặc dù bọn Pháp cố tình khiêu khích đồng bào vẫn giữ được bình tĩnh, nghe lời kêu gọi của Lâm ủy Hành chánh. Lo âu vì nhận định thực dân Pháp sẽ còn giở nhiều trò lôi kéo quân Anh đứng về phía chúng phá rối cách mạng. Nhưng thắng lợi to lớn của cuộc biểu tình làm mọi giới lên tinh thần. Không có giờ phút nào trang nghiêm cho bằng lúc hai triệu người đứng im chờ Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập qua làn sóng điện phát từ Hà Nội. Rất tiếc Ban tổ chức bắt không được vì trục trặc kỹ thuật. Lời tuyên bố lịch sử này bay ra năm châu bốn biển. Phái bộ Pháp tại Can-cut-ta (Caleutta) bàng hoàng khi nghe Sài Gòn biểu tình mừng độc lập có đến hai triệu người tham dự. Bọn chúng muốn bay sang ngay nhưng không có phi cơ, phải bóp bụng chờ tháp tùng chuyến bay của phái đoàn Bộ chỉ huy quân Gur-kha (cũng gọi là quân Chà chóp hay quân Anh- Ấn) từ thủ đô Răn-gun (Rangoon) của Miến Điện sang Sài Gòn ngày 12-9. Ngay ngày hôm sau, tướng Gra-xi (Gracey) Tư lệnh quân Anh- Ấn, đáp phi cơ riêng tới Sài Gòn chánh thức thi hành nhiệm vụ giải giới quân Nhật. Lâm ủy Hành chánh tổ chức đón tiếp tướng Gra-xi thật long trọng. Cờ xí, băng-rôn, bích chương. Ngoài ra còn có nhiều đoàn nữ sinh chọn trong giới sinh viên biết tiếng Anh để tặng hoa tại sân bay Tân Sơn Nhất. Khẩu hiệu viết bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp hoan nghênh phái đoàn Đồng minh đồng thời nhấn mạnh “Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”. Ta treo cờ các nước trong khối Đồng minh: Mỹ, Anh, Nga, Tàu và Việt minh (kể từ ngày 2-9 đã trở thành Quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Tuyệt đối không có một lá cờ ba sắc. Thái độ đầu tiên của tướng Gra-xi làm ta thất vọng. Hắn đã đi quá nhiệm vụ và quyền hạn của hắn. Đồng minh đã nói rõ trong một câu ngắn gọn khi giao nhiệm vụ cho Gra-xi, nguyên văn tiếng Anh như sau: “sole mission: disarm the Japanese; do not get involved in keeping order” (nhiệm vụ duy nhất: giải giới quân Nhật, đừng dính líu trong việc giữ gìn trật tự). Nhưng Gra-xi đã không bắt tay ngay vào việc giải giới quân Nhật mà tuyên bố quân Anh- Ấn không đủ sức giữ trật tự, cần có sự tiếp tay của quân Nhật. Thâm tâm của hắn là kéo dài thời gian để trong vòng 10 ngày nữa quân đội anh và Pháp tới Sài Gòn. Trong khi chờ đợi, hắn tự quyền phóng thích tù binh Đồng minh từ vĩ tuyến 16 đổ xuống, hầu hết là người Pháp. Trong 10 ngày, từ ngày 13 đến 23-9, tình hình biến chuyển cực kỳ nghiêm trọng. Luật sư Phạm Văn Bạch vừa lãnh chức Chủ tịch UBND Nam bộ đã lên tiếng kêu gọi các nhân sĩ tiến bộ Pháp như nhà văn Man-rô (Andrée Malraux), nữ sĩ Vi-ô-lít (Andrée Viollis) và các trí thức cánh tả Pháp ủng hộ cuộc chiến đấu giành độc lập của Việt Nam.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #51 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 04:04:15 pm »

Nhưng tướng Gra-xi theo đúng âm mưu của Pháp vẫn ngoan cố đi sâu can thiệp vào nội tình Việt Nam. Hắn tuyến bố thiết quân luật, giới nghiêm, cấm báo chí (hầu hết đều tranh đấu cho độc lập, tự do), cấm biểu tình, cấm mang vũ khí. Ngày 22, vào sáng sớm, quân Anh chiếm Khám Lớn Sài Gòn, trại Ông-dèm, chọn 1.000 lính Pháp khỏe mạnh cấp súng để “tiếp tay giữ gìn trật tự”. Sáng hôm sau, số lính này nhập với 500 quân Pháp tư Mác-xây (Marseille) tới, chiếm các công sở quan trọng. Đây là lúc bọn Pháp “lên chân” dám đánh người Việt trên đường Catinat. Tình hình căng thẳng đến mức đại tá Xê-đi (Cédile), ủy viên Cộng hòa phải lái xe đi khắp nơi khuyên người Pháp nên ôn hòa.

Nhưng Xứ ủy và UBND đã tranh thế chủ động. Nắm được chân tướng tên thực dân Gra-xi, ta đã cho phần lớn lực lượng quân sự ra ngoại thành bao vây thành phố khi quân Anh đòi giải giới quân đội Việt Nam. Ngày 19-9, Ủy ban đã ra lời hịch kêu gọi “đồng bào nên sẵn sàng tổng đình công và kháng chiến ngay khi phát tờ hịch này”. Bấy giờ lực lượng bảo vệ thành phố Sài Gòn là các đội cảm tử. Ta có đến 350 đội, ngày đêm sẵn sàng “một ra đi là không trở về” như bài hát mang tên “Chính khí ca” rất được phổ biến trong giới tuổi trẻ.

Trước thái độ lật lọng của bọn Anh- Pháp, lực lượng quân sự ta siết chặt vòng vây bên ngoài, bên trong thực hiện tổng đình công, tổng bãi thị. Ngày 23 là ngày chính thức Nam bộ kháng chiến và một ngày sau, bọn Pháp trong thành sống trong cảnh kinh hoàng: Không nước, không điện. Đàn bà, trẻ nít tập trung tại nhà hàng Công-ti-năng-tan (Continental), ăn ngủ cả ngoài hành lang để dễ được bảo vệ. Ban ngày còn đỡ, ban đêm không đèn là một thảm cảnh đối với bọn chúng: các đội cảm tử ẩn hiện bất ngờ khiến chúng mất ăn mất ngủ. Tìm cái ăn không phải dễ, chợ Bến Thành, cầu Ông Lãnh, cầu Kho đã bị đốt. Ta áp dụng tiêu thổ kháng chiến, không cho địch có cái ăn, có chỗ ngủ.

Thành phố trong những ngày ấy, chia ra làm nhiều khu do các lực lượng lính Chà chóp, lính Nhật và lính Pháp canh gác. Đêm 25 xảy ra một vụ thảm sát tại khu vực Tân Định, do bọn Nhật giữ trật tự. Đây là một cư xá đa số là người Pháp lấy tên là Cité Hérault (Xi-tê Êrô). Nửa đêm, một đám người đột nhập cư xá tàn sát hết tất cả, không phân biệt đàn bà, con trẻ. Trong số này có những người Pháp dân chủ tiến bộ như phi công Xô-tơ-rây (Sauterey) đã giải ngũ và tham gia cánh tả Đảng Xã hội SFIO. Anh này ủng hộ lập trường kháng chiến của ta. Anh biết phân biệt những người Pháp mới ở bên Pháp với bọn Pháp thực dân ở thuộc địa. Xô-tơ-rây đã từng tâm sự với sinh viên Huỳnh Văn Tiểng: “Nếu xảy ra cảnh đánh nhau thì các anh cho tôi cây súng, tôi sẽ chiến đấu bên cạnh các anh”. Vậy mà đêm ấy, cả gia đình anh sáu người: hai vợ chồng và bốn đứa con bị tàn sát.

Sáng hôm sau, khi hay tin này, báo “kèn gọi lính” của Trần Bửu Kiếm đã đăng lời chia buồn, đồng thời UBND mở cuộc điều tra. Có dấu hiệu cho thấy hành động bừa bãi này là do Ba Nhỏ, tay anh chị vùng Thị Nghè, cầm đầu. Ba Nhỏ chịu trách nhiệm khu vực Bà Chiểu, cách nơi thảm sát có một con rạch nhỏ, không xa Cầu Bông bao nhiêu, Ủy ban phái cán bộ tới tận nơi điều tra, nhưng bị bọn thực dân ngăn cản.

Ngày 26, một biến cố nữa làm thế giới chú ý đến thời cuộc Sài Gòn. Đại tá Đơ-vi (Peter Dewey), Giám đốc tình báo Hoa Kỳ, bị dân quân bắn chết ở Phú Nhuận, khi hắn lái chiếc xe Jeep có gắn cờ Mỹ từ Tân Sơn Nhất về Sài Gòn. Trước khi chết, hắn còn kêu to lên 1 câu tiếng Pháp “Je suis Américain” (Tôi là người Mỹ). Đây là người Mỹ đầu tiên chết về súng đạn tại Việt Nam.

Cũng trong ngày này, soái hạm Ri-sơ-liơ (Richelieu) tới Vũng Tàu và chiến hạm Tri-om-phăng (Triomphant) đưa quân Pháp vào Sài Gòn. Bọn Pháp càng thêm đắc chí xúi Gra-xi buộc Nhật đảm trách nhiệm vụ giải giới bộ đội Việt Nam. Nhưng ta khéo tuyên truyền đường lối chủ trương kháng chiến nên Nhật không nhận trách nhiệm đó, viện lẽ họ chỉ có việc giao khí giới cho Đồng minh để xuống tàu về nước. Tướng Gra-xi dọa xử tướng Numata là tội phạm không tuân lệnh hắn. Túng thế, Numata nhận là trung gian giữa hai bên Anh- Pháp và Việt minh.

Tình hình căng thẳng kéo dài đến đầu tháng 10, tướng Lơcơle (Leclerc) tới Sài Gòn. Tên háo thắng này chủ trương đánh nhanh thắng lẹ, huênh hoang tuyên bố đánh một tháng là xong ngay. Từ đó chiến tranh tăng cường độ và cháy lan thật nhanh khắp nơi.

Chú thích:

(1) Nay là đại lộ Lê Duẩn

(2) Công viên Tao Đàn

Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #52 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 04:05:40 pm »

Chương 20

BA DƯƠNG LIÊN KẾT BỘ ĐỘI THỦ THIÊM

HAI VĨNH CHIẾM HÃNG DỆT LÀM LỰU ĐẠN

Về Tân Quy trong những ngày sôi nổi này, Bảy Rô cảm thấy ngứa tay, ngứa chân. Bọn lính Chà chóp (vấn khăn có cái gù trên đầu) cùng bọn Nhật tỏ vẻ xấc láo đối với dân chúng Việt Nam. Cây “xít-trăng-xanh” của anh chỉ dùng để khử Việt gian chớ không thể dùng đánh giặc. Phải có súng trường. Bảy Rô rủ Chín Mập và Ba Bay đi Phú Xuân giật súng Nhật. Tại đó, bọn Nhật thường đi chợ từng cặp. Bảy Rô cùng hai bạn chờ chúng đi qua nơi vắng, nhảy ra tấn công giật súng, chỉ trong một vụ “đi hát” kiểu mới như thế, ba anh mang về 6 khẩu súng Nhật. Đây là chiến thắng đầu tiên của Bảy Rô. 6 khẩu súng này đủ trang bị cho một tiểu đội dân quân, 6 người không có súng được lãnh lựu đạn.

Xóm cầu Rạch Đỉa trở thành tổng hành dinh bộ đội, Ba Dương ngày đêm không ngớt luyện tập quân sự. Một ngày kia bọn Chà chóp hành quân tuần tiễu, bộ đội tản vô Rạch Miễu, ở lại chỉ còn bộ ba Bảy Rô, Chín Mập và Ba Bay. Ba Bay cũng là tay anh chị, quê ở Ba Tri, Bến Tre lên Chánh Hưng làm thợ sơn nhưng khoái “đi hát” hơn phết vôi lên vách tường. Ba Bay hợp tánh tình với Bảy Rô nên kết bạn giang hồ. Bộ ba thủ ba cây súng mút, thập thò trong mí vườn, chờ bọn Chà chóp tới. Bảy Rô nói:

- Mình đánh một trận cho tụi Chà này chạy về tới xứ cũng còn kinh hồn.

Ba Bay tưởng Bảy Rô nói phét:

- Nó chạy hay mình chạy đó cha nội?

Bảy Rô chỉ tổ ong vò vẽ ngay chân giữa cầu Rạch Đỉa:

- Tao cho đội quân cảm tử vò vẽ xuất trận khi tụi nó tới đây. Hai đứa bây chạy lên trên gió coi tao điều quân khiển tướng.

Ba Bay, Chín Mập đi trước, bỏ lại Bảy Rô một mình. Chừng bọn Chà chóp tới gần giữa cầu, Bảy Rô bắn vào
tổ ong ba phát rồi sách súng chạy theo hai bạn. Tổ ong vò vẽ vỡ tan, bầy ong bay túa ra đen kịt, đụng ai đánh nấy. Bọn Chà chóp lọt vào giữa đạo quân vò vẽ, bị đánh sưng mặt, chạy tán loạn. Có đứa hoảng quá vứt súng chạy cho nhanh, có đứa lọt tủm xuống sông.

Sau trận này, tên tuổi bộ ba Bảy Rô, Chín Mập, Ba Bay nổi như cồn ở Tân Quy, lan tận Long Kiểng. Nhưng nói chung bộ đội Ba Dương chưa có nhiều súng lớn. Ba Dương bảo Năm Hà:

- Trong giới giang hồ, chỉ bộ đội Bảy Môn, Mười Lực là có nhiều súng lớn. Nhưng tới nay chưa đánh đấm gì bên Thủ Thiêm. Chú qua bên đó, cố gắng kéo họ theo mình đánh vài trận lớn tạo thanh thế.

Ba Dương ít nói, mà nói là ra lệnh. Năm Hà bấy giờ được cử làm cò, bảo Bảy Rô cùng đi với mình. (Bộ ba Bảy Rô, Chín Mập, Ba Bay luôn đi sát hai anh em Ba Dương và Năm Hà).

Bộ đội Bảy Môn, Mười Lực đóng trong đình, cách chợ Thủ Thiêm vài chục thước, Năm Hà vô đề ngay với Mười Lực.

- Bộ đội Thủ Thiêm có mấy cây súng lớn thấy mà mê. Cho tôi xem súng đi chú Mười.

Mười Lực không đợi yêu cầu lần nữa: Súng lớn là niềm kêu hãnh của người chỉ huy:

- Tụi tôi có 4 cây Trây-đơ. Súng này lấy từ chiếc máy bay hai lườn của không quân Hoàng gia Anh, loại
B28, bị Nhật bắn rơi ở chùa Cô Tư ngày 5-5-1944. Nó chúi xuống sình chỉ ló cái đuôi lên…

- Sao còn có ba cây hà?

- Chia cho bộ đội Đồng Nai một cây. Tại vì mình hợp tác với họ mò súng, tháo gỡ, lau chùi, lắp ráp, công
phu lắm…

Xem xong súng ống, Năm Hà đánh vào chỗ yếu của Mười Lực:

- Súng ống như thế này, sao lâu nay án binh bất động? Có phải vì yếu kém tài chánh?
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #53 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 04:06:45 pm »

Mười Lực thở ra:

- Tụi tôi hết sạch tiền rồi! Tiền của tôi và tiền của Bảy Môn hai đứa hùn lại có cả trăm ngàn, nuôi quân chưa đầy một tháng mà muốn bứt. Như vậy, anh Năm đủ biết bộ đội của tụi tôi đông cỡ nào… vùng này lại không có hãng xưởng gì để sung công như bên hai anh…

- Chắc là anh em ở đây ăn uống kham khổ lắm?

- Phải, ăn ròng khô tra với canh bí rợ. Ăn thét phát ngán.

Năm Hà tung ra đề nghị:

- Vậy tôi mời hai chú liên quân với tụi tôi. Bên tôi ít lính mà nhiều tiền. Bên hai chú thì ngược lại.

Mười Lực mắt sáng rỡ:

- Thiệt chơi anh Năm?

- Thiệt mà! Đây là ý của anh Ba tôi. Đâu chú hỏi ý Bảy Môn xem?

- Bảy Môn với Mười Lực là một. Tôi chịu là Bảy Môn chịu- Mười Lực nói tới đó thì một người to lớn, ăn mặc
chải chuốt bước vào đình:

- Hai người nói xấu gì Bảy Môn đó?

- Năm Hà kêu lên:

- May quá sẵn có Bảy Môn đây, chú Mười hỏi ý chú Bảy đi.

Sau khi nghe Mười Lực nói, Bảy Môn gật lia:

- Được! Tôi chịu! Tụi tôi đang cạn túi thì có “quới nhơn” tới. Bộ đội Mười Lực, Bảy Môn là liên quân với bộ đội Ba Dương, Năm Hà thì vô địch! Hơn hẳn bộ đội Tám Mạnh- Hai Vĩnh.

Năm Hà phấn khởi:

- Hơn xa! Bộ đội Bảy Viễn cũng không bằng. Hôm biểu tình 2-9, Bảy Viễn rất nổi với bộ đồ quân sự màu xanh mới may mang khẩu súng lục to như cái đùi heo xệ bên hông, mà lính tráng chẳng thấy bao nhiêu.
Bộ đội Thủ Thiêm sát nhập với lực lượng Ba Dương bắt đầu từ đó

***

Cũng trong những ngày cướp chánh quyền ấy, Hai Vĩnh bàn với ông Tám Mạnh:

- Trong các nhóm giang hồ, lực lượng Thanh niên Tiền phong của xã Chánh Hưng mình đông hơn hết. Nhưng về súng ống thì ta có phần kém.

- Phải. Ba cũng thấy như vậy. Mình phải cướp súng của Nhật mà võ trang cho bộ đội mình. Thầy Bảy Trân
đã nhiều lần nhắc nhở mình điều đó.

- Con suy nghĩ kỹ rồi. Nay bàn với ba về một chuyện quan trọng. Đánh giặc trên đường phố thì chọi lựu đạn hữu hiệu hơn hết. Mình rất cần có thật nhiều lựu đạn. Toàn thành có tới 350 đội cảm tử, ít nhất cũng phải một ngàn trái. Con thấy trong Hãng Ataka ở Sở Thùng có bộ phận sản xuất lựu đạn.

Ông Tám Mạnh mừng rỡ:

- Vậy hả? Để ba biểu tụi nó tháo gỡ mấy cái máy đó đem xuống ghe. Có gì mình chống đi, làm binh công xưởng lưu động.

- Phải là một chiếc ghe chài mới chứa hết các bộ phận…

- Chài thì chài, thiếu gì dưới bến? Con muốn chọn chiếc nào tùy ý. Chủ là Ba Tàu đã ôm bạc chạy chốn từ
lâu rồi.

Nhờ sáng kiến của Hai Vĩnh, nhóm Tám Mạnh có một binh công xưởng lưu động sớm nhất, các nhóm khác
trông thấy mà thèm, dù lực lượng của ông Tám chỉ một trung đội, đặt tên là Trung đội 2. Ông Tám giao trung đội này cho Hai Vĩnh chỉ huy. Từ đó Hai Vĩnh chính thức được phong “Chỉ huy trưởng Trung đội số 2”.
Có bộ đội thì phải đánh giặc. Đó là chuyện tất nhiên, Hai Vĩnh vận động được một lính Nhật dạy quân sự cho Trung đội 2. Anh chọn kỹ thuật tác chiến Nhật vì đánh Pháp phải đánh theo cách mới lạ, để chúng không thể đoán được mà đề phòng. Thành thật mà nói thì Hai Vĩnh vẫn còn mê cách đánh cảm tử kiểu Kamikazê lái máy bay đâm thẳng xuống tàu địch để rồi hy sinh luôn trong chiến thắng- như trong trận đánh Trân Châu Cảng mà anh đã được xem phim trước đó vài tháng. Trận đánh đầu tiên của Trung đội 2 là trận đánh tụi Nhật canh gác nhà đèn Chợ Quán. Trong trận này, khi vượt qua cầu Chữ Y, một chiến sĩ hy sinh liền được Hai Vĩnh tổ chức ngay lễ truy điệu, càng nung sôi bầu máu nóng của anh em thanh niên đang nô nức xin tòng quân. Tại Cầu Ván giáp ranh xã Bình Đăng, mười Thanh niên Tiền phong tự chặt chót ngón tay út gởi lên UBND xin được vào bộ đội. Bảy Trân đem mười ngón tay ngâm trong lọ cồn 90 độ giao Ủy ban theo yêu cầu của đám thanh niên ấy. Trong cuộc hợp tại Chợ Đệm sau khi báo cáo tình hình trong tổng Tân Phong Hạ, anh đưa lọ ấy ra cho mọi người chuyền tay nhau xem bằng chứng của lòng yêu nước trong vùng anh.

Bảy Trấn- sau mấy năm lặn vào bí mật nay trở về chiến đấu ngay trên mảnh đất quê hương của mình là Chợ Đệm- trách Bảy Trân:

- Anh báo cáo miệng được rồi. Mang lọ này tới hội nghị làm gì. Trông mấy ngón tay trắng phếu, xanh lè,
thấy mà ghê!
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #54 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2011, 04:08:22 pm »

Nhưng một lúc sau Bảy Trấn lại phát biểu khác:

- Nhìn cái lọ của anh Bảy Trân, tôi nhớ tới tổ tiên mình. Khoảng 8- 9, 10 năm trước, người dân Cần Guộc, Chợ Đệm đã đứng lên chống giặc như chúng ta ngày nay. Nhà thơ mù Đồ Chiểu đã vẽ lại hào khí Đồng Nai trong bài văn tế, tôi còn nhớ mấy câu thơ:

“Nhớ linh xưa.

Côi cút làm ăn, lo toan nghèo khó, chẳng quen cung ngựa, chưa tới trường nhung, chỉ biết ruộng dâu, ở cùng làng hộ.

Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm.

Tập lao, tập giáo, tập súng, tập cờ, mắt chưa từng ngó.



Nào phải ai đòi, ai bắt, phen này làm ra sức đoạn kình.

Chẳng thèm trốn ngược, trốn xuôi, phen này quyết ra tay bộ hổ…”.


Nhờ binh vận, Trung đội 2 có được một số súng máy, hùng mạnh như quân chính quy. Hai Vĩnh quyết định ra quân lần thứ hai, đánh cầu Nhị Thiên Đường ở Xóm Củi. Đây là nơi bọn Pháp làm bàn đạp đánh ra vùng hai bên con đường số 5 từ Xóm Củi tới cầu Ông Thìn, dẫn tới quận Cần Giuộc. Muốn đánh tụi Tây ở đây, phải kéo quân đi qua một hàng rào phòng thủ do tụi Nhật đóng. Hai Vĩnh ngoại giao nhiều lần để Nhật nhắm mắt cho ta đi qua mà không kết quả. Anh quyết định đánh luôn bọn này. Chúng nó không yêng hùng như trong phim Kamikazê chút nào. Ngay loạt FM đầu, chúng đã bò càng. Sau đó Nhật đồn rùm: “Bình Xuyên có ông quan An Nam dữ lắm”. Từ đó, chúng chịu nhắm mắt cho ta đi ngang qua để đánh Tây ở cầu Nhị Thiên Đường. Trận này có tiến bộ hơn trận Nhà đèn Chợ Quán một chút, nhưng vẫn chưa gây được tiếng tăm gì. Hai Vĩnh quyết định đánh trận thứ ba: đón đánh tàu cá trên kinh Cây Khô. Tàu này thường kéo một đoàn ghe chài chở gạo, heo từ lục tỉnh về. Trung đội số 2 chưa đủ sức đánh, Hai Vĩnh nghĩ tới chuyện liên quân với bộ đội Ba Dương. Đề nghị này tới rất đúng lúc Ba Dương cũng muốn đánh một trận gây thanh thế. Bộ tham mưu liên quân họp bàn kế hoạch. Bộ đội Ba Dương chặn đánh khúc trên, bộ đội Hai Vĩnh đánh khúc dưới.

Bảy Rô và Hai Vĩnh gặp nhau tay bắt mặt mừng nhưng không có thì giờ để hàn huyên tâm sự vì chiếc tàu cá đã lù lù xuất hiện. Nó kéo theo một chiếc xà lan bọc sắt dùng làm lô cốt cố thủ. Phía sau là đoàn ghe chài bốn chiếc. Bên bộ đội Ba Dương có khẩu Trây-dơ do Chín Hiệp chỉ huy. Đơn vị này phục kích từ đầu hôm tới nửa đêm mới thấy tàu cá lù lù tiến tới. Tư Tình nhắm bắn phát đầu tiên. Không trúng. Tây trên sà lan phản giáo. Tư Tình trúng đạn hy sinh tại trận. Bảy Rô nóng lòng nói với Năm Hà:

- Cho tôi lãnh cây Trây-dơ. Tôi bắn nó không chìm, tôi chịu đứt đầu!

Năm Hà chưa gật, Bảy Rô đã cùng Chín Mập, Ba Bay khiêng khẩu súng đặt tại đám lá nhà Bà Kỳ. Phát thứ
nhì trúng đích. Tàu cá lủi vô bờ. Trên sà-lan, tám thằng Tây xả súng chống cự. Đánh mãi tới 10 giờ sáng mới bắt được bốn thằng Tây. Tức thì hai cánh quân chèo tam bản, xông ra thu chiến lợi phẩm. Hai Vĩnh giải bốn thằng Tây đi trước. Bốn ghe chài chở đầy gạo, heo, khô, cá… hai bên tha hồ thu. Trên tàu cá có một tủ sắt, Hai Vĩnh cho khiêng xuống tam bản đưa về ông Tám Mạnh. Giữa chiến trận không tiện bửa tủ sắt ra chia, vụ này về sau là mối bất hòa giữa hai nhóm. Ba Dương trách Hai Vĩnh giữ riêng số tiền trong tủ sắt.
Vài ngày sau, các nhóm bộ đội nhận được thư mời họp tại Chợ Đệm để lập Mặt trận số 4 chạy dài từ Thủ Thiêm đến Cầu Sập phía Tây Nam. Đến dự hội nghị có đủ mặt Ba Dương, Năm Hà, Tám Mạnh, Hai Vĩnh… Trần Văn Giàu trình bày vắn tắt nội dung hội nghị là lập Mặt trận số 4:

- Tại sao lại lấy tên là số 4? Theo kế hoạch các chiến bảo vệ thành phố, ta lập 5 mặt trận: số 1 là Thị Nghè- Bà Chiểu, số 2 là Gò Vấp, số 3 Phú Thọ, số 4 là vùng của các anh và số 5 là nội thành. Tôi cũng xin giới thiệu với các anh: anh Bảy Trân đây sẽ là Ủy trưởng quân sự mặt trận số 4. Ủy ban chọn anh Bảy Trân vì nhiều lý do: Trước hết anh là người địa phương. Bên nội lẫn bên ngoại của anh đều ở An Phú, Đa Phước. Thứ hai, anh Bảy từng phụ trách vùng này trong thời gian 15 năm qua từ năm 30 đến nay… Thứ ba là anh Bảy đã sát cánh với ông Tám Mạnh trong vụ Nam kỳ khởi nghĩa năm 40. Các anh có đồng ý về việc chỉ định anh Bảy Trân làm Ủy trưởng quân sự của các anh không?

Mọi người đồng ý. Trần Văn Giàu nói tiếp:

- Bây giờ anh em bầu một người chỉ huy…

Không ai mạnh dạn giới thiệu, Bảy Trân nói:

- Theo tôi thấy thì bộ đội anh Ba Dương đông và có nhiều súng đạn hơn hết, còn bộ đội ông Tám Mạnh thì ít, nhưng được có kỷ luật tương đối. Về tuổi tác, ông Tám Mạnh là người cao niên hơn hết, tánh tình điềm đạm, đạo đức. Tôi đề nghị ta nên chọn ông Tám…
Hội nghị nhất trí bầu ông Tám Mạnh.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #55 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2011, 11:26:46 am »

Chương 21

PHÒNG NHÌ BỐ TRÍ NẮM BẢY VIỄN

CẶP TÀI SANG ĐƯỢC CẤY TỪ ĐẦU

Sau khi thoát chết đêm nhảy dù xuống vùng Củ Chi, Xê-đi được đưa về Bộ Chỉ huy quân Nhật tại Sài Gòn. Ngày tướng Grayxi đến Sài Gòn thì Xê-đi được giải thoát, ra giữ chức Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam kỳ. Công việc của Xê-đi bề bộn mà việc cấp bách nhất là tìm cho được hai tay trùm mật thám và Phòng Nhì, thanh tra Ba-de (Bazin) và đại úy Savani. Hai tên này đều được nhốt trong thành ông-dèm, sau ngày 9-3-1945, khi quân Anh- Ấn chiếm trại ông-dèm thả một người Pháp ra thì hai người được ra trước là Savani và Bazin.

Vừa thoát cũi xổ lồng, Savani cho tìm hai cánh tay đắc lực là Lâm Ngọc Đường và Môrit Thiên. Trong cuộc họp tối mật, Lâm Ngọc Đường báo cáo tình hình các nhóm giang hồ cho “sếp” nghe để bố trí kế hoạch tái chiếm thành phố Sài Gòn.

- Tôi tham gia tất cả ba cuộc biểu tình lớn tại Sài Gòn. Đầu tiên là cuộc biểu tình ngày 21-8 của Mặt trận Quốc gia Thống nhất. Rồi đến cuộc biểu tình của Việt minh, tổ chức bốn ngày sau, tức là ngày 25-8. Đông hơn, trật tự hơn. Khoảng một triệu rưỡi người tham gia. Nhưng dễ sợ nhất là cuộc biểu tình mừng Ngày Độc lập 2-9.

Savani sốt ruột cắt ngang:

- Biết rồi! Đám giang hồ có tham gia biểu tình không?

- Có đủ. Mạnh nhất là đám Ba Dương, Năm Hà. Đem theo cả súng máy lấy của chiếc Libêrato bị hạ tại Thủ
Thiêm.

- Còn Bảy Viễn?

- Bảy Viễn cũng có mặt nhưng lực lượng yếu kém về người cũng như về súng. Sau đám Ba Dương, Năm Hà có nhóm Tám Mạnh, Hai Vĩnh…

- Hai Vĩnh là thằng nào?

- Tên này là rể của Tám Mạnh. Trước đây là dân anh chị ở chợ Long Kiểng. Hiện giờ chính nó nắm bộ đội Chánh Hưng chớ không phải ông già vợ.

- Bộ đội Chánh Hưng có đặc điểm gì?

- Người đông nhưng súng ít. Đông nhờ Tám Mạnh làm đoàn trưởng Thanh niên Tiền phong Chánh Hưng. Khi Việt minh lên, ông ta úp trọn bộ. Súng ít nhưng có binh công xưởng sản xuất lựu đạn lấy của Hãng Ataka ở Sở Thùng…

- Còn chi tiết nào đáng quan tâm?

- Hiện nay cả ba nhóm đều đáng quan tâm. Ba Dương, Tám Mạnh, tôi đã trình bày rồi. Riêng nhóm Bảy Viễn, theo tôi, mới là đáng chú ý. Bởi Bảy Viễn quy tụ được một số du đãng đáng kể như Mười Trí, Năm Bé, Sáu Đối, Sáu Tùng, Tư Tỵ, Tư Hoạnh…

- Nói rõ thêm nghe- Savani tỏ ra chăm chú.

- Mười Trí và Năm Bé cùng vượt ngục với Bảy Viễn bằng bè, đại úy biết rồi. Sáu Đối và Sáu Thơ- cũng gọi là xã Thơ- là dân anh chị ở Tân Thuận, từng đứng bến cảng Khánh Hội. Sáu Tùng là anh chị Xóm Chiếu và là cai thầu ở cảng Sài Gòn. Tư Tỵ là anh chị ở Cầu Bót trong Chợ Lớn, Tư Hoạnh, tự xưng là cố Hoạnh, ở cầu Ông Thìn. Những tay này từng “đi hát” với Bảy Viễn.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #56 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2011, 11:27:23 am »

Savani gật gù:

- Trước đây ta đã đồng ý là phải bám sát Bảy Viễn. Ông thi hành quyết định đó tới đâu rồi?
Lâm Ngọc Đường phấn khởi:

- Tôi có hai thằng đệ tử rất được. Tụi nó là hai anh em ruột, mỗi thằng có một biệt tài.

Thằng anh tên Sang giỏi về quân sự- đúng hơn là về tình báo- còn thằng em tên Tài, học giỏi hơn anh nó.
Tư Sang chỉ có đíp-lôm, còn Năm Tài đậu tú tài…

- Đừng trưng bằng cấp với tôi. Tôi chỉ trọng dụng những tay làm được việc.

- Đúng vậy. Thằng Năm Tài làm được mọi việc, thảo công văn, đánh máy, đảm trách văn phòng. Đặc biệt là sáng trí, lắm mưu nhiều kế. Tóm lại, tôi định “cấy” hai anh em họ Lại này vô bộ đội Bảy Viễn. Đại úy thấy thế nào?

- Cứ đưa hai đứa nó tới đây tôi xem mắt đã. Làm mau lên! Ta đang chạy đua với thời gian đó. Chiều nay được không?

Ngay chiều đó, Lại Hữu Tài và Lại Văn Sang đến văn phòng đại úy Savani.

- Ông Đường bảo là hai anh có thể “thâm nhập” bộ đội Bảy Viễn. Kế hoạch hai anh như thế nào, trình bày nghe?

Đây là một lối trắc nghiệm bản lãnh của những kẻ đến xin việc. Chỉ nghe qua vài câu,

Savani biết trình độ văn hóa, xu hướng chính trị, ngón nghề chuyên môn.

Hai anh em họ Lại đã vượt qua cuộc trắc nghiệm. Đúng như Lâm Ngọc Đường giới thiệu. Tài bén hơn Sang, có thể trở thành một “mưu sĩ” trong bộ đội Bảy Viễn. Bản hợp đồng được ký ngay. Savani thích lối làm việc “chớp nhoáng” như vậy.

Cũng trong ngày ấy, Savani tiếp Mô-rit Thiên và giao nhiệm vụ:

- Ông cấp tốc thành lập cho tôi một trung đội côm-măng-đô. Chọn trong giới thanh niên từ 25- 30 tuổi. Ưu tiên cho cựu quân nhân. Phải cao to, lực lưỡng, biết võ, nhất là nhu đạo. Cho tập thuần thục cách đánh cận chiến, đánh dao găm, ném lựu đạn. Làm mau lên. Ta với Việt minh sắp đánh nhau rồi đó.
Mô-rit:

- Xin đại úy một tháng...

- Không được! Nửa tháng đã là quá chậm. Làm được tới đâu, báo cáo tôi biết tới đó.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #57 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2011, 11:29:06 am »

Chương 22

BỘ ĐỘI BÌNH XUYÊN VÔ CỚ GIẾT NGƯỜI

BỘ ĐỘI GIANG HỒ CẦN CÓ CHÍNH TRỊ VIÊN

Sau vụ thảm sát Cité Hérault, Bảy Trân thấy được cái nguy hiểm của việc sử dụng du đãng trong công tác cách mạng. Không nói chuyện giết người cướp của, nội chuyện bắn súng rầm rầm làm kinh động cả xóm làng cũng là bậy rồi. Ông chỉ thị cho các chủ tịch UBND xã phải nghiêm trị những người vô cớ nổ súng.
Bây giờ ông Bảy Nhơn, anh ông Tám Mạnh được bầu chủ tịch xã Chánh Hưng. Mặc dầu đã cảnh giác cao về tánh vô chính phủ của anh em du đãng, Bảy Trân cũng đã để xảy ra một vụ đáng tiếc nữa.

Đang làm việc trong văn phòng xã Bình Đăng, nghe tiếng huyên náo khác thường, ông nhìn ra thì thấy dân quân áp giải một người Pháp. Người Pháp bị trói hai tay, chân đi cà nhắc vì đi chân không, chỉ còn đôi vớ rách. Lập tức ông cùng Ba Bang chạy ra hỏi:

- Tại sao bắt người này?

Đám dân quân ngơ ngác trước câu hỏi đó. Một người nói:

- Nó là Tây, mình phải bắt.

Bảy Trân hỏi người Pháp:

- Ông là ai? Đi đâu mà bị bắt?

Người Pháp tươi tỉnh khi nghe Bảy Trân hỏi tiếng Pháp:

- Tôi là bác sĩ. Có người rước tôi đi chữa bệnh. Tôi lái xe nhà cùng người đó qua đây. Chưa tới nơi thì bị lính của ông bắt. Xe tôi bỏ ngoài đường cái. Họ trói tôi lại, không cho đi giày.

Bảy Trân đang xem giấy tờ bác sĩ Pháp thì một đám đông du đãng kéo tới, mang theo đủ loại võ khí. Một người lên đạn khẩu Mút, bộ tướng hầm hừ. Bảy Trân khoát tay:

- Các anh lui ra. Tôi đang xem giấy tờ của người này.

Trước đám đông hung hăng, người Pháp lo âu, nói với Bảy Trân:

- Xin ông giải về thành phố. Ở đó người ta biết tôi.

- Bảy Trân trả giấy tờ lại, ôn tồn bảo:

- Bác sĩ yên tâm. Tôi sẽ cho người đưa bác sĩ lên Ủy ban thành phố.

Nhưng đám đông kéo lại bao vây người Pháp:

- Bắt được Tây là phải giết! Không đưa đi đâu hết!

Bảy Trân và Ba Bang bước tới choàng vai người Pháp, nói:

- Anh em không được làm ẩu. Đây là bác sĩ, vì lòng nhân đạo mà chữa bệnh xa...

Ông nói chưa dứt thì người cầm khẩu súng Mút đã chĩa súng dưới cánh tay ông, dí vô lưng người Pháp bóp cò. Một tiếng “đùng” chát chúa. Bác sĩ Pháp ngã lăn ra chết.

- Tôi đã bảo không được bắn, sao anh dám cãi lệnh? Ông lật sổ tay ghi tên họ kẻ giết người, đồng thời chỉ thị cho khiêng nạn nhân trở ra xe đưa về tận nhà.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #58 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2011, 11:30:15 am »

Ngay đêm đó, Bảy Trân đến gặp Trần Văn Giàu báo cáo tình trạng vô chính phủ trong bộ đội mà nòng cốt là du đãng.

Ông nói:

- Dùng Bình Xuyên như dao hai lưỡi. Không khéo có ngày nó thọc huyết mình đó. Tao ớn quá rồi. Mày cho tao từ chức Ủy trưởng Mặt trận số 4.

Sáu Giàu lắc đầu:

- Mới đụng một vụ đã co đầu rút cổ sao?

Bảy Trân nhăn nhó:

- Đây phải lần đầu? Mà nhiều vô số kể. Đây là vụ giết người tao thấy tận mắt, còn rất nhiều vụ “tiền trảm hậu tấu”, như bên cầu Rạch Đỉa, tụi nó cho biết bao nhiêu người “mò tôm”. Rồi vụ đánh Nhà đèn Chợ Quán. Bố trí đâu đó xong rồi, tới giờ nổ súng, kẻ đánh, người rút, lọt chọt chẳng ra gì hết. Một số lợi dụng súng trong tay đi ăn cướp. Đúng là ngựa quen đường cũ!

- Làm cách mạng đâu phải là lái xe hơi trên đường tráng nhựa!- Trần Văn Giàu vỗ vai Bảy Trân. Suy nghĩ một lúc Giàu nói tiếp: - Được rồi! Tao sẽ phái một số cán bộ Tổng công đoàn tới các nhóm bộ đội giữ chức chánh trị viên. Vai trò của họ là giúp Bộ chỉ huy nắm chắc binh lính, tránh những chuyên độc tài quân phiệt như bên Bình Đăng của mày. Còn riêng về mày thì tao cho một cố vấn quốc tế…

- Ai vậy? Bảy Trân nửa tin nửa ngờ.

- Mày có biệt Periê (Perrier) không? Periê là đảng viên Cộng sản Pháp, được quốc tế cộng sản cử phụ trách Viễn Đông, trụ sở tại Thượng Hải. Ông bị bọn phản cách mạng Tàu bắt giao cho Pháp tại Đông Dương, Pháp nhốt ông tại Khám Lớn Sài Gòn. Cách mạng Tháng Tám mở toang cửa khám, Periê thoát cũi sổ lồng, hiện đang ở với tao. Tao chưa biết giao ông ta cho ai thì mày tới. Periê sẽ làm cố vấn cho mày. Về quân sự ông ta không chuyên, nhưng về chính trị thì ông ta là thầy tụi mình.

Trở về Bình Đăng, Bảy Trân dẫn theo một người Pháp trung niên, cao lớn, râu rậm. Periê rất mến người bạn mới. Lý do thứ nhất là Bảy Trân nói tiếng Pháp như người Pháp. Thứ hai Bảy Trân cởi mở, vui tính, chân thật. Periê rất chịu tính chân thật của người miền Nam. Ông hoạt động bí mật ở miền Nam khá lâu nên hiểu vì sao dân miền Nam chân thật và buộc kẻ khác cũng phải chân thật với mình. Đó là nhờ họ sống sát thiên nhiên. Mà thiên nhiên là chân thật như nước ròng nước lớn, như mùa mưa mùa nắng, đâu đó đều có quy luật. Đất đai phì nhiêu, trên cơm dưới cá, họ sống sung túc, hào phóng và hiếu khách. Từ đó, Periê bám sát Bảy Trân như hình với bóng, ăn chung, ngủ chung, làm chung.

Một số cán bộ của Tổng công đoàn được tăng cường về các bộ đội Bình Xuyên.

Nguyễn Văn Tư, tự Tư Ca-rê về bộ đội Bảy Viễn, Từ Văn Ri về bộ đội Ba Dương, Nguyễn Xuân Thanh về bộ đội Hai Vĩnh, Lê Hiền về bộ đội Tư Hoạnh.

Vai trò chính trị viên trong các bộ đội Bình Xuyên rất nặng nề và nguy hiểm. Thời bình không ai dám phát súng cho ăn cướp. Nhưng gặp thời loạn, phải chọn giữa cái hại nhỏ với cái hại lớn. Đánh giặc xâm lăng là nhiệm vụ cấp bách như cứu hỏa. Nạn ăn cướp sẽ trừ sau. Bộ đội Bình Xuyên đánh giặc cũng có mà “đi hát” cũng có. Hình thức “đi hát” lúc đó là sung công tài sản thiên hạ, bắt cóc những tay “có máu mặt” cho chuộc lấy tiền gọi là “để nuôi quân”. Vì vậy, chánh trị viên được các tay anh chị xem là chướng ngại nếu không nói là kẻ thù địch, chỉ chờ dịp là thủ tiêu.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #59 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2011, 11:31:54 am »

Chương 23

NGUYỄN BÌNH ĐƯỢC PHÁI VÀO NAM

NẮM BÌNH XUYÊN ĐỂ GÂY THANH THẾ

Ngày 23-9, trong một cuộc họp liên tịch Xứ ủy và UBND Nam bộ tại một số địa điểm trên đường Cây Mai dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Quốc Việt, hội nghị quyết định kháng chiến và thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm chủ tịch. Hội nghị cũng quyết định ban hành lệnh kháng chiến.
Giữa lúc Sài Gòn đang chuẩn bị bảo vệ nền độc lập mới giành được thì từ chiến khu Đông Triều, Khu trưởng Nguyễn Bình được lệnh của Bộ Tổng vào Nam thống nhất các lực lượng võ trang. Nguyễn Bình đã cùng với Trần Cung lập căn cứ Đông Triều từ năm 1944, lấy chùa Bắc Mã làm nơi trú ẩn và hoạt động. Trong vùng nhiều người thuộc bài thơ ở chùa của Hỏa Mai, bút hiệu của Trần Cung:

Tránh Tây ta phải giả thầy chùa

Xúng xính nâu sồng bộ pháp sư

Không đạo, đóng vai người mến đạo

Chẳng tu, làm bộ kẻ chân tu

Hai mươi thu trải năm nhà ngục

Bốn chục xuân qua năm độ tù

Chiến sĩ mấy phen nương bóng Phật

Tụng kinh Mác xít, niệm nam mô.


Một mình một ngựa vô Nam, lại làm nhiệm vụ thống nhất các lực lượng võ trang của mấy chục nhóm, công việc không phải dễ, nhưng Nguyễn Bình hăng hái ra đi vì tin tưởng nơi “ông Cụ” biết dùng người đúng chỗ. Phải là một tay hảo hớn mới quy tụ được các bậc giang hồ mã thượng trong Nam. Nguyễn Bình tin tưởng mình làm nên nghiệp lớn vì thuở thiếu thời đã lưu lạc vào Sài Gòn, đã giao du với các tay anh chị và đã bị Pháp đày ra Côn Đảo cùng với nhóm Quốc dân Đảng từ năm 30 đến năm 35...

Tình hình chiến sự ngày càng gay go, Pháp quyết tâm chiếm lại Nam bộ, Sài Gòn như chảo dầu sôi. Nguyễn Bình càng hối hả vượt đường thiên lý vào chiến trường đã định. Trên đường đi, ông cố thu thập tin tức và rất mừng rỡ khi biết Bình Xuyên là một lực lượng đáng kể trong số các lực lượng ở miền Đông. Ông có nghe tiếng Ba Dương từ trước và tính ngay tới việc liên kết với Ba Dương để có thế lực ngay bước đầu.

***


Trong khi đó, quân đội Anh- Ấn của tướng Gracey không theo đúng chỉ thị giải giới quân Nhật của Đồng minh mà trắng trợn sử dụng quân Nhật kiềm hãm các hoạt động của dân quân, giúp bọn Pháp ngóc đầu dậy. Quân Nhật được bố trí đóng ở các vị trí ngoại thành. Bên vùng Chánh Hưng chúng đóng các đầu cầu quan trọng như cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chữ Y, cầu Rạch Ong. Bộ đội Ba Dương đóng ở hãng Nichinăn phải cấp tốc dời vô cầu Rạch Đỉa. Không thể vác súng đi ngờ ngờ trước mắt bọn Nhật, anh em phải rút tay không còn súng thì cho xuống ghe, xuồng nhờ chị Năm Hà chở vô Rạch Đỉa.

Sau khi tập hợp các lực lượng tại đây, Ba Dương vạch kế hoạch đánh chớp nhoáng vào nội thành gây tiếng vang. Đội chủ lực đánh bót “xít dèm” trên đường Fonk và bót thương khẩu trước mặt Cảng. Cánh Tân Quy đánh nhà đèn Chợ Quán và nhà máy Nguyễn Thanh Liêm ở Sở Rác, cánh Tân Thuận và Thủ Thiêm thọc sâu vô xã Tây (tức Tòa đô chính), bót Catinat, dinh khâm sai Nguyễn Văn Sâm (nay là bảo tàng thành phố).
Những trận đánh này hiệp cùng các trận khuấy rối của các cánh quân khác đã làm cho các tướng lãnh đầy tự cao tự đại Pháp thấy rõ dân Sài Gòn không bó tay để chúng ngang nhiên cướp nước lần thứ hai.

***

Giữa tháng mười, sau cuộc hưu chiến mười ngày, tướng Leclere bắt đầu đánh lớn, Cần Giuộc là một trong những mục tiêu đầu tiên của địch. Bộ đội Hai Vĩnh phối hợp cùng bộ đội Ba Bang chống cự dọc phòng tuyến đào cặp con lộ số 5 gần cầu Ông Thìn. Nhưng chỉ đánh một đêm rồi rút.

Vài ngay sau, kéo quân qua Long Kiểng. Hai Vĩnh gặp Ba Bang bị trói ngồi dưới đất trong văn phòng xã, còn Ba Bay đang nhậu ở bàn ngoài. Ngạc nhiên trước chuyện bất ngờ, Hai Vĩnh hỏi:

- Ba Bay, anh Ba Bang bị bắt về vụ gì?

- Anh Hai nên hỏi anh Ba, còn tôi chỉ là thiên lôi...
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM