Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:39:42 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đất Rừng Phương Nam - Đoàn Giỏi  (Đọc 41909 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #70 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2011, 09:05:02 pm »

Chương 17

Sân chim

Ở vùng này, những chiếc thuyền nhỏ cỡ thuyền chúng tôi, chẳng ai làm buồm. Có lẽ để tránh bớt sự cồng kềnh, choán chỗ, và để cho thuyền được nhẹ. Khi cần, cứ chặt một tầu lá dừa nước mọc theo bờ sông cắm lên thuyền là đã có ngay một chiếc thuyền buồm rồi. Thuyền chúng tôi đổ ra dòng một con sông lớn, với bốn cánh buồm thiên nhiên kiểu đó, cắm trong bốn lỗ cột chèo. Má nuôi tôi ngồi giữ lái. Gió đưa chiếc thuyền buồm xanh của chúng tôi lướt chạy ào ào như chiếc ca-nô. Chạy một mạch hai ngày hai đêm như vậy, đến ngang một cái chợ, tía nuôi tôi mới "hạ buồm" vứt xuống lòng sông trả lại cho bà Thủy.

Người ta gọi chợ này là chợ Mặt Trời. Có lẽ vì chợ nhóm tại doi đất ngã ba vàm một con kênh có tên là kênh Mặt Trời. Còn thằng Cò thì cứ bảo tôi đây là chợ chim. Hôm qua, chợ chưa nhóm. Tía nuôi tôi còn cắm sào ở bên chợ, hy vọng có thể bán nốt mấy tấm da cá sấu còn vướng chỗ trong thuyền. Suốt ngày, ánh nắng rừng rực đổ lửa xuống mặt đất. Bốn phía chân trời trống huếch trống hoác. Từ lúc mặt trời mọc cho tới khi mặt trời lặn, không kiếm đâu ra một bóng cây để tránh nắng. Con kênh Mặt Trời còn phơn phớt màu đào buổi sáng, giữa trưa bỗng hóa ra một dòng thủy ngân cuồn cuộn lóa mắt, rồi dần dần biến thành một con suối lửa lúc trời chiều. Năm ba ngôi quán lèo tèo ngó cửa ra một khoảng đất rộng. Trên mặt đất nứt nẻ, vết cứt chim khô trắng khắp nơi, lông chim theo gió cuốn lên xoáy tít trong nắng như những cánh bông gòn rụng bay lấp lóa. Từ sáng sớm, ghe xuồng đã vào cập bến chợ, đậu san sát như lá tre. Mũi xuồng này buộc nối vào lái thuyền kia, đen kín mặt nước. Tiếng chim kêu râm ran trong đám ghe xuồng và trên sân chợ. Tía nuôi tôi ngồi uống rượu một mình trong ngôi quán ồn ào, toàn những đàn bà và trẻ con đang húp cháo chim xì xà xì xụp. Mấy tấm da cá sấu hoa cà dựng trên ngạch cửa, bên lối ra vào. Mùi chim nướng từ trong những ngôi quán bay ra thơm phức. Tiếng dao thớt khua lộp cộp trong tiếng chim kêu xé màng tai, làm cho cái chợ nhỏ lạ lùng này thêm phần náo nhiệt. Má nuôi tôi xách rổ lên chợ mua chim non và trứng để làm thức ăn dự trữ mang theo thuyền. Thằng Cò, vì bàn chân hãy còn sưng, không được phép lên bờ, phải ngồi lại trong mui ôm con Luốc ngó lên chợ, coi bộ thèm thuồng lắm. Tôi cầm bát lên mua một tô cháo chim băm hành củ rắc hạt tiêu bưng xuống cho nó, rồi quày quả nhảy lên chợ ngay. Con Luốc cũng muốn theo tôi. Nó cứ vẫy đuôi kêu ư... ử... Nhưng thằng Cò cứ ôm cổ giữ nó lại. Nó tức mình, quay ra mấy xuồng chim đậu chung quanh gắt ngậu xị. Chim nhốt trong các giỏ tre nghe tiếng chó sủa, hoảng hốt đập cánh kêu loạn lên. Tôi đi một mình, luẩn quẩn theo những người bán chim trên chợ. Ngay dưới bờ sông chỗ tôi đứng, có mấy người đàn bà đang mặc cả, cãi nhau trên một chiếc thuyền to. Giỏ cần xé chất ngổn ngang, đựng đầy các thứ trứng chim. Từng xâu chim trắng, chim đen buộc chân, dồn chật trong khoang: những con chim bị trói chen nhau ngóc cổ lên, con này mổ vào lưng con kia, đập cánh phành phạch. Một thằng bé gánh tòn ten hai con chim gì lạ quá, cổ dài như cổ rắn, to gấp rưỡi con vịt bầu, sắc lông màu vàng xám.

-A, bán chim gì đó, mậy?

Tôi men theo, tay chắp đít hất hàm hỏi nó.

-Con điêng điểng mà cũng không biết!
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #71 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2011, 09:06:14 pm »

Cặp môi nó trề ra, cái mặt vênh vênh nhưng bộ tướng nhỏ thó và đôi mắt chân thật của nó nhìn lâu cũng rất dễ mến.

-Bộ mày ở đâu mới tới hả? -Nó hỏi tôi.

-Ờ, mới tới. Xứ tao cũng... vô khối chim. Nhưng không giống như chim ở đây, thành ra tao mới hỏi mày chứ!
Tôi nói phét với nó như vậy, để nó đừng chê tôi là "quê". Coi ra nó cũng khoái. Nó trỏ từng con chim, gọi tên cắt nghĩa cho tôi nghe, ý như muốn khoe với tôi rằng nó là "tổ sư Bồ Đề" ở đây... Những con chàng bè đồ sộ như con ngỗng, mỏ to bằng cổ tay cứ gõ vào nhau lộp cộp, làm rung rung mảnh da mềm thòng xuống tận cổ như cái diềm lụa mỡ gà. Những con giang sen cẳng cao lêu nghêu, nặng hàng năm bảy cân thịt, bị khớp mỏ, tréo cánh đứng giữa đám sếu đen sếu xám mào đỏ, đầu không ngớt nghiêng qua nghiêng lại ngó theo mấy con ó biển đang lượn vòng trên kênh. Cò thì không biết bao nhiêu mà kể. Cò ngà, cò trắng, cò xanh, cò ma... buộc từng xâu, chất nằm hàng đống. Một đám đàn bà trẻ con đang ngồi lúi húi vặt lông chim cồng cộc gần đấy.

-Mày muốn kiếm tiền xài không?

Thằng bé kéo tay tôi, bảo nhỏ.

-Nhổ lông chim mướn đấy. Mày muốn làm thì lại nói với cái thím đội nón lông chim ó rằn đang đứng chống
nạnh hai quai trước quán kia kìa!

Thấy tôi lắc đầu, nó hích khuỷu tay vào hông tôi:

-Chê à? Làm một ngày, kiếm bộn tiền. Mày không lấy tiền thì lấy thịt chim về ăn. Lông chim bán riêng, thịt bán riêng mà! Chỗ này mươi giỏ le đặt bên cạnh một đống lồng nhốt đầy chim trích. Những con trích lông xanh, mỏ đỏ như quả ớt ngắn, cặp chân hồng như đôi đũa sơn, coi bộ tốt mă nhất. Con nào con nấy lộng lẫy như con gà tre, cứ ngước cổ kêu trích... trích... ché..., nghe đến nhức màng tai. Chỗ kia lổm ngổm hàng sọt chim cồng cộc lông đen như nhọ chảo, không ngớt cựa quậy, mổ vào nhau kêu léc chéc.

-Chim ở đâu mà họ bắt nhiều vậy?

Bấy giờ tôi mới đành chịu hỏi thằng bé ấy.

-Chim bắt ở sân chim chứ đâu, mậy!

-Sân chim ở đâu?

-Ở chỗ nó ở chứ còn ở đâu!

Thằng bé cười cười, ra vẻ thích thú lắm. Dường như nó chỉ chờ nghe tôi hỏi để được trả lời, nhưng vẫn còn làm bộ làm tịch, chưa vội bảo ngay. Hồi lâu, nó mới nói:

-Mấy người đàn bà mặc áo cộc tay đứng dưới tam bản chở trứng chim kia, là dân hốt trứng chim đồng.
Trứng le le, trứng trích, trứng cò... đẻ rơi trong đồng cỏ, không có chủ. Ai gặp nấy hốt. Hốt trứng tự do mà! Còn cái ông ngồi bán quạt, tết bằng lông ó rằn, lông chim già đãy ở chỗ mấy con sếu kia, là chủ vườn cò. Mày biết vườn cò hả? ừ, vườn cò... thì chỉ có cò ở thôi. Không nhiều bằng sân chim đâu. Sân chim thì vô phương nói được. Đủ các thứ chim. Mày thấy mới biết! Mặt trời đã lên cao. Nắng bắt đầu gay gắt. Cái chợ chim nhóm giữa trời đã có phần bớt huyên náo. Bỗng nghe tiếng hu... hu... từ đâu vẳng tới. Mọi người còn đang ngơ ngác ngóng lên trời thì từ dưới đám thuyền có tiếng thét vang dội:

-Máy bay giặc, bà con ơi!

Chợ nhốn nháo như vỡ đám làm chay. Người ta quýnh quáng chạy tới chạy lui lộn xộn trên khoảng đất trống. Không một lùm cây, bụi cỏ để lấy chỗ nấp tạm. Nhiều người đàn bà hãi quá, nhảy bừa xuống kênh tìm một chỗ ẩn mình dưới các gò đất dựa bờ. "Con đầm già đi guốc" bay là là trên mặt sông, vút qua ngang chợ. Nó cất lên cao, rồi từ từ quay lại lượn trên chợ một vòng, thả ra những cục gì đen đen. Tôi nằm úp mặt xuống đất, nín thở chờ nghe tiếng nổ.

-Giặc thả truyền đơn, bà con ơi!

-Đừng sợ, nó không bắn đâu!

-Ai dám nói nó không bắn đó!
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #72 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2011, 09:07:29 pm »

Tiếng kêu thét, cãi nhau nghe ran chung quanh. Tôi nghiêng đầu ngó lên. Những cục đen đen từ trong chiếc thủy phi cơ thả ra ban năy đã tan trong gió, bay trắng trời, lấp lánh trong nắng như vảy cá. Gió thổi giạt những tờ truyền đơn bay đi xa lắc. Ghe xuồng vội vă chèo đi. Giầm chèo va vào nhau, khua lốp cốp. Chim kêu điếc tai. Tiếng hú, tiếng ì, tiếng gọi nhau ran mặt nước. Khi tôi chạy xuống bến, trèo lên thuyền thì đã thấy bộ da cá sấu vắt nằm trước mũi. Tía nuôi tôi cũng vừa quay xong quai chèo lái. Tôi chụp lấy guốc chèo mũi, quạt mạnh mấy cái, đưa thuyền quay ra cho trôi xuôi theo dòng. Trong chốc lát, ngoảnh lại thì cái chợ chim đã biến mất chỉ còn trơ khoảng đất trống và dãy quán lụp xụp đứng buồn thiu.

-Không biết giặc rải truyền đơn nói cái gì?

-Mươi hôm trước, nó cũng rải trên chợ Cái Rắn. Nó gọi mình đầu hàng!

-Bộ đội mình đâu, sao không đánh nó?

-Chỗ nào cũng chờ bộ đội à? Vậy chứ bà con mình cụt tay hết rồi sao? Nó vô đây, vác dao vác rựa chém
nó ra từng khúc như khúc chuối, cho bỏ cái thói cướp nước người ta.

-Nghe có lính Bắc Bộ ngoài Cụ Hồ đưa vô rồi mà!

-Ờ, cũng có nghe đấy!

-Sao lại cũng có nghe? Vô nhiều lắm rồi. Tướng Vũ Đức chỉ huy. Đâu còn ở mạn trên Phước Long.

Mặt sông vang dậy tiếng người tranh nhau nói. Ai cũng muốn tỏ ra thông thạo. Ai cũng nói, thành ra không ai nghe ai... Thuyền chúng tôi cứ xuôi theo dòng nước chèo đi. Tía nuôi tôi định đi về hướng Năm Căn. ông bàn với má nuôi tôi:

-Năm Căn là xứ tiền rừng bạc biển. Sông rạch hiểm trở. ở đó toàn là rừng. Rừng đước, rừng mắm, rừng
bần... Tây khó bề tới. Về đó, ta có thể đi đốn củi mướn cho các lò than...

Má nuôi tôi nói xuôi lơ:

-Cái đó tùy ông. ở đâu thì ở, miễn được yên nơi yên chỗ mà làm ăn. Chứ lênh đênh mãi thế này, tôi e có ngày hai đứa nhỏ chết lép xác thôi!

Mờ sáng hôm sau, tôi còn đang ngủ trong mui bỗng nghe thằng Cò gọi giật tôi dậy:

-Mau ra coi, An ơi! Gần tới sân chim rồi. Đã sáng bét mà mày còn ngủ à?

Tôi giụi mắt bò ra khoang trước, vốc nước dưới sông lên rửa mặt. Trên vệt rừng đen ở chỗ con sông ngoặt như lưỡi cưa cá mập chơm chởm dựng đầu răng nhọn đã ửng lên màu mây hồng phơn phớt. Từ chỗ vệt rừng đen xa tít đó, chim cất cánh tua tủa bay lên, giống hệt đàn kiến từ lòng quả đất chui ra, bò li ti đen ngòm lên da trời. Càng đến gần, khi bóng chim chưa hiện rõ hình đôi cánh, thì quang cảnh đàn chim bay lên giống như đám gió bốc tro tiền, tàn bay liên tri hồ điệp. Những bầy chim đen bay kín trời, vươn cổ dài như tàu bay cổ ngỗng lướt qua trên sông, cuốn theo sau những luồng gió vút cứ làm tai tôi rối lên, hoa cả mắt. Mỗi lúc tôi càng nghe rõ tiếng chim kêu náo động như tiếng xóc những rổ tiền đồng. Và gió đưa đến một mùi tanh lợm giọng, khiến tôi chỉ chực nôn ọe. Chim đậu chen nhau trắng xóa trên những đầu cây mắm, cây chà là, cây vẹt rụng trụi gần hết lá. Cồng cộc đứng trong tổ vươn cánh như tượng những người vũ nữ bằng đồng đen đang vươn tay múa. Chim già đăy, đầu hói như những ông thầy tu mặc áo xám, trầm tư rụt cổ nhìn xuống chân. Nhiều con chim rất lạ, to như con ngỗng đậu đến quằn nhánh cây. Một con điêng điểng ngóc cổ lên mặt nước, thoạt trông tôi tưởng là một con rắn từ dưới nước cất đầu lên. Khi thuyền chúng tôi chèo đến gần, nó bèn ngụp xuống lặn mất. Chốc sau đã lại thấy nó nổi lên gần bờ, mỏ ngậm con tôm xanh gần bằng cổ tay còn đang vung râu cựa quậy. Tôi mê quá! Mà thằng Cò cũng mê như tôi. Hai đứa cùng ước: phải chi mình được dừng thuyền lại đây vài hôm để bắt chim thì phải biết! Chim từ những đâu tập trung về ở đây, nhiều không thể nói được! ở đây, còn có rất nhiều giống chim lạ, không thấy bày bán ở chợ Mặt Trời. Chúng đậu thấp lắm, đứng dưới gốc cây có thể thò tay lên tổ nhặt trứng một cách dễ dàng. Tôi chồm người ra be thuyền, kêu to:

-Dừng lại đây bắt một mớ chim đi, tía!

-Sân chim có chủ, không bắt của người ta được đâu! -Tía nuôi tôi bảo.

-Bộ họ nuôi nó sao? Chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn chứ!

-Đúng là không ai nuôi. Nhưng chim về ở trên vùng đất của ai thì nó thuộc về tài sản của người đó. Họ phải đóng thuế hằng năm như đóng thuế ruộng đấy, con ạ. Thấp thoáng trong xa, bốn năm người quảy giỏ, cầm sào trúc có ngoéo sắt đang ngoéo cổ chim non xuống bắt. Coi bộ dễ hơn bắt gà nhốt trong chuồng. Tiếng chim kêu vang động bên tai, nói chuyện không nghe nhau được nữa. Thuyền chúng tôi chèo đi hơn ba nghìn thước rồi mà hãy còn thấy chim đậu trắng xóa trên những cành cây gie sát ra sông.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #73 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2011, 09:08:39 pm »

Chương 18

Rừng đước Cà Mau

Nếu như có ai bảo tôi quay trở lại một nơi nào đó -một bến chợ hoặc một xóm làng chẳng hạn, nơi mà tôi đã rời đi cách đó chừng dăm ngày -trở lại bằng đúng con đường cũ mà không được hỏi ai đường đi, thì tôi sẽ chịu thôi. Chỉ mới đi qua một lần thì dứt khoát là không thể nhớ và không dễ dàng nhận ra con đường cũ. Trông chỗ nào cũng như chỗ nào. Càng đổ gần về hướng mũi Cà Mau thì sông ngòi, kênh rạch càng bủa giăng chi chít như mạng nhện. Trên thì trời xanh dưới thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá. Tiếng rì rào bất tận của những khu rừng xanh bốn mùa, cùng tiếng sóng rì rào từ biển Đông và vịnh Thái Lan ngày đêm không ngớt vọng về trong hơi gió muối -thứ âm thanh đơn điệu triền miên ấy ru ngủ thính giác, càng làm mòn mỏi và đuối dần đi tác dụng phân biệt của thị giác con người trước cái quang cảnh chỉ lặng lẽ một màu xanh đơn điệu. Từ khi qua Chà Là, Cái Keo... rồi bỏ con sông Bảy Háp xuôi thuyền trôi theo dòng, thì tôi bắt đầu có cảm giác trên đây... ở đây, người ta gọi tên đất tên sông không phải bằng những danh từ mỹ lệ, mà cứ theo đặc điểm riêng biệt của nó mà gọi thành tên. Chẳng hạn như gọi rạch Mái Giầm, vì hai bên bờ rạch mọc toàn những cây mái giầm cọng tròn xốp nhẹ, trên chỉ xòa ra độc một cái lá xanh hình chiếc bơi chèo nhỏ; gọi kênh Bọ Mắt vì ở đó tụ tập không biết cơ man nào là bọ mắt đen như hạt vừng, chúng cứ bay theo thuyền từng bầy như những đám mây nhỏ, ta bị nó đốt vào da thịt chỗ nào là chỗ đó ngứa ngáy nổi mẩn đỏ tấy lên; gọi kênh Ba Khía vì ở đó hai bên bờ tập trung toàn những con ba khía, chúng bám đặc sệt quanh các gốc cây. (Ba khía là một loại còng biển lai cua, càng sắc tím đỏ, làm mắm xé ra trộn tỏi ớt ăn rất ngon). Còn như xã Năm Căn thì nghe nói ngày xưa trên bờ sông chỉ độc có một cái lán năm gian của những người tới đốn củi hầm than dựng nên, cũng như Cà Mau là nói trại đi theo chữ Tức khơ mâu tiếng Miên nghĩa là "nước đen". Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn. Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng.

Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng được dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận. Cây đước mọc dài theo bãi, theo từng lứa trái rụng, ngọn bằng tăm tắp, lớp này chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông, đắp từng bậc màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ... lòa nhòa ẩn hiện trong sương mù và khói sóng ban mai. Chợ Năm Căn nằm sát bên bờ sông, ồn ào, đông vui tấp nập. Vẫn là cái quang cảnh quen thuộc của một xóm chợ vùng rừng cận biển thuộc tỉnh Bạc Liêu, với những túp lều lá thô sơ kiểu cổ xưa nằm bên cạnh những ngôi nhà gạch văn minh hai tầng, những đống gỗ cao như núi chất dựa bờ, những cột đáy, thuyền chài, thuyền lưới, thuyền buôn dập dềnh trên sóng... Nhưng Năm Căn còn có cái bề thế của một trấn "anh chị rừng xanh" đứng kiêu hãnh phô phang sự trù phú của nó trên vùng đất cuối cùng của Tổ quốc. Những bến vận hà nhộn nhịp dọc dài theo sông; những lò than hầm gỗ đước sản xuất loại than củi nổi tiếng nhất của miền Nam; những ngôi nhà bè ban đêm ánh đèn măng-sông chiếu rực trên mặt nước như những khu phố nổi, và nơi đây người ta có thể cập thuyền lại, bước sang gọi một món xào, món nấu Trung Quốc hoặc một đĩa thịt rừng nướng ướp kiểu địa phương kèm theo vài cút rượu, ngoài ra còn có thể mua từ cây kim cuộn chỉ, những vật dụng cần thiết, một bộ quần áo may sẵn hay một món nữ trang đắt giá chẳng hạn, mà không cần phải bước ra khỏi thuyền. Những người con gái Hoa kiều bán hàng lởi xởi, những người Chà Châu Giang bán vải, những bà cụ già người Miên bán rượu, với đủ các giọng nói líu lô, đủ kiểu ăn vận sặc sỡ, đã điểm tô cho Năm Căn một màu sắc độc đáo, hơn tất cả các xóm chợ vùng rừng Cà Mau.

- Ở lại đây thôi, ông ạ!
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #74 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2011, 09:10:19 pm »

Má nuôi tôi vừa đưa mắt nhìn lên bờ vừa bảo tía nuôi tôi. Tía nuôi tôi ngồi trước mũi thuyền thong thả nhồi thuốc vào nõ tẩu, nheo mắt cười với tôi và thằng Cò:

-Hai đứa bay muốn ở đây hay đi nữa?

Giọng đùa vui hiền lành dễ dãi của tía nuôi, nhất là nét cười bên hai khóe mắt của ông cứ mở ra, khiến tôi và thằng Cò cũng cười theo mà không đứa nào trả lời.

-Không nên ở đây!

Tía nuôi tôi buông lửng một câu ngắn cộc bất ngờ, rồi dặng hắng ngước lên nhìn má nuôi tôi dò hỏi.

-Ông tính ra ngoài biển ở hay sao?

Dường như không chú ý tới sự phản ứng của má nuôi tôi, và cũng không buồn nhìn bốn con mắt thô lố đầy ngạc nhiên của hai thằng nhỏ con mà ông thừa biết rằng qua bao nhiêu chặng đường dài mệt mỏi, đều đang chờ đợi phút dừng chèo, cắm thuyền là nhảy lên mảnh đất định cư hằng mong ngóng, tía nuôi tôi cứ thong thả bật lửa lên đốt thuốc, bập bập hít mấy hơi dài.

-Ở lại đây, nhưng không ở tại đây!

-Ở chợ vui hơn chứ, tía?

Thằng Cò hong hóng ngó lên bờ, buột miệng kêu lên.

-Người ta đông như thế này mà... mình còn đi đâu nữa, hở tía?

Tía nuôi tôi như cười mà như không cười, sẽ sàng nói:

-Mình có phải là dân buôn bán đâu mà cần ở chợ!

-Ông có cần mua sắm gì không? -Má nuôi tôi hỏi.

-Chưa vội. Để lo tìm chỗ cất nhà trước đã. Bà có muốn cho hai đứa nhỏ lên chợ chơi thì ghé lại một chốc cũng được.

-Thôi, để lúc khác!

Bao giờ đang lúc căi nhau vì sự bất đồng ý kiến trên một vấn đề nào đó với tía nuôi tôi, mà má nuôi tôi bỗng dưng quay ra nói một câu chuyện gì khác, thì tôi hiểu ngay rằng bà đã chịu cái lý lẽ của tía nuôi tôi là
đúng. Thuyền chúng tôi không đỗ lại chợ.

Chúng tôi còn đi non một buổi nữa mới cập bến. Đây là một xóm nghèo, nhà cất lưa thưa trên bờ một con rạch nhỏ dựa lưng vào rừng. Những người thợ đốt than đã tiếp tay đốn cây, chặt lá dựng cho chúng tôi một ngôi lều nhỏ. Ngày ngày tía nuôi tôi vác rìu theo thợ rừng đốn củi mướn cho các lò hầm than. Má nuôi tôi thì xách giỏ đi bắt ba khía về làm mắm. Thằng Cò và tôi bữa nào cũng rủ bọn trẻ trong xóm dắt con Luốc sục sạo vào rừng săn chồn, săn kỳ đà. Cũng có khi chúng tôi mò ra tận sông cái lội xuống bãi bắt cua, bắt vọp. Chúng tôi thường men theo con đường mòn của thợ đốn củi dắt nhau ra chơi dọc bờ sông. Nơi nào cũng vậy, bọn trẻ nhỏ chúng tôi bao giờ cũng tìm ra được nhiều trò chơi trên các bờ sông, cho đến lúc chán thì nhảy ngay xuống nước tha hồ bơi tắm. ở đấy khi nước triều xuống, còn có những con cá biển đủ các loại màu sắc và hình thù khác nhau, mắc cạn nằm trong những vũng nước trong veo. Con nào bé thì sau khi đã nghịch chán, chúng tôi bụm nó trong tay mang ra thả xuống mé nước. Con nào kha khá, ăn được thì chúng tôi xâu mang xách về. ở vùng rừng ngập nước của xứ Cà Mau này, sông ngòi kênh rạch là đường giao thông chính. Hầu như ngày nào tôi cũng mò ra đứng trên bờ sông hưởng cái thú xem đủ các kiểu thuyền sông thuyền biển dong buồm cánh én chạy phăng phăng rẽ nước trắng xóa như tàu thủy -từ chiếc xuồng vỏ gòn nhỏ, như con cá thòi lòi nhảy sóng rất tinh, cho đến chiếc ghe chài đồ sộ như một quả đồi ì ạch, nặng nề, chỉ có thể nhờ tàu kéo dắt đi. Nơi bờ sông, người ta chờ gọi thuyền mua thuyền bán, và lúc nào cũng có thể nghe được tin tức chiến sự nhiều nơi của khách tứ phương trên những con thuyền từ khắp chốn đi qua.

Và ở bờ sông, không những đôi lúc tình cờ có thể vớ được con rùa con rắn một cách dễ dàng, tôi còn tìm gặp nhiều cây cỏ lạ không thấy có ở mọi vùng chung quanh. Có nhiều thứ cây mỗi cái lá đẹp như một cái hoa, do dòng nước mang hạt giống từ những vùng đất xa xôi nào đưa về tận đây nhờ bọt sóng đánh giạt lên bờ. Một buổi sáng sớm, tôi và thằng Cò xách chai ra bờ sông chờ thuyền trà vải đón mua dầu lửa. Bỗng nghe đằng xa có tiếng bọn trẻ con gọi nhau í ơi. Trong ánh nắng nhẹ chưa xua tan hết lớp mù kéo lê trên đầu ngọn cỏ ướt đẫm sương, bóng những người đàn ông xách xà beng, cầm chĩa, xách phảng chạy hộc tốc về hướng đồng mả. Bao giờ có một điều bất thường, một biến cố gì vừa xảy ra thì tức khắc bọn trẻ con kéo đến đó ngay. Tôi lôi thằng Cò ba chân bốn cẳng chạy theo bọn nhỏ. Đám người cởi trần, lăm lăm dao mác trong tay, đang quây thành một vòng tròn chung quanh một ngôi mả trên gò đất cao hiện ra trước mắt chúng tôi.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #75 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2011, 09:12:05 pm »

-Bọn con nít lui ra! Nó chưa chết đâu. Coi chừng cái đuôi... Cái đuôi nó còn cựa quậy đấy!

Tiếng một người nào đó hét oang oang. Vòng người giãn ra rồi lại thít lại như cũ. Bọn nhỏ vừa chạy giạt ra xa đã thoăn thoắt quay lại. Tôi chắc mẻm rằng người ta vừa hạ một con beo con cọp gì đây, nhưng chưa kịp hỏi ai thì nghe có tiếng một người nào đó trong đám đông kêu lên:

-Đúng là con kỳ đà rồi!

"Con kỳ đà thì một mình mình cũng đập chết được, làm gì mà xôn xao dữ vậy? " Tôi vừa thầm nghĩ như thế, vừa chen lách đám người đang thở hổn hển, nét mặt đầy kinh dị đứng ngáng trước mặt tôi, kiếm một chỗ trống ghé nhìn. Vừa nhìn vào, tự nhiên người tôi bỗng bật lùi ra sau. Trời ơi, một con kỳ đà kinh khủng, tôi chưa từng thấy và chưa từng nghe tía má nuôi tôi nói đến bao giờ! Con vật bò sát to lớn vừa bị đâm chết, những vết thương toang hoác trên lưng, bên bụng, giữa đầu tóe máu, máu còn chảy ròng ròng. Ngôi mả ai mới chôn, nấm đất đắp chưa khô đã không may bị nó moi vào lưng gò ngang chân mộ. Và từ cái hang rộng đào bằng hai chân trước ấy, con vật đã chui vào, cạy bật nắp áo quan lên, thò đầu vào ăn thịt cái thây ma. Vết đất bị móng chân con vật cào sâu lúc giẫy chết, bới tung lên, cùng những lùm cây bụi cỏ gãy rạp, nhàu nát, nhốm đầy máu chung quanh, chứng tỏ rằng một cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra nơi đây giữa con vật kinh khủng với đám người chiến thắng cởi trần, mồ hôi mồ kê nhễ nhại còn đang cầm xà-beng, cầm chĩa đứng vây quanh. Một ông cụ già nghiêng đầu ngắm nghía con vật đã bị đâm chết, thở phào ra:

-Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, tôi chưa gặp con nào lạ lùng khủng khiếp như con này. Không phải cá sấu, mà cũng không phải là kỳ đà. Kỳ đà thì mõm nhọn chứ! Cái mõm con này lại bằng, không ra hình đầu kỳ nhông mà cũng không ra hình đầu rắn mối. Chắc nó là một con lai... gì đó!

-Nom như một con rồng. Nhất là khi nó cất đầu lên, cái lưỡi dài đỏ hỏn le ra thụt vào nhanh như chớp, chẳng khác gì một con rồng đang phun lửa. May mà tôi né kịp, không thì tôi đã chầu Diêm Vương rồi!

-Ờ... Khi nó táp hụt thằng này, hai hàm răng chơm chởm của nó bập vào nhau nghe một tiếng "cảng" rợn người.

Một người đàn ông bạo dạn thò tay vào nắn nắn những mụn gai trên lớp da lưng rất dày đóng đầy bùn khô mốc của con vật lâu lâu còn giật giật co co mấy cái, cũng lắc đầu bảo:

-Hồi nhỏ tôi có nghe ông nội tôi nói, nhưng tôi không tin, nghĩ có lẽ là các ông già xưa hay vẽ ra bằng tưởng tượng... Không biết có chắc là giống này chăng?

Con vật kinh khủng nằm đấy, không động cựa gì nữa. Mình nó dài và to cỡ một chiếc xuồng ba lá, chỗ vòng bụng thòi ruột còn đỏ vì máu chảy ri rỉ kia, phải đến hai vòng tay người to lớn ôm mới giáp.

-Chạy đi mời thầy giáo đi. Chắc ổng biết đấy!

Trong đám đông, sáng kiến của một người nào đó vừa gợi lên, lập tức được hưởng ứng ngay:“Phải rồi! Phải rồi! Chạy đi tìm thầy giáo Bảy mau lên". ở vùng rừng xa xôi này, thầy giáo Bảy là người trí thức duy nhất của xã, am tường mọi việc. Lại nghe nói thầy là người có cảm tình với cộng sản, bị bọn thực dân luôn luôn làm khó dễ, và chúng "đày thầy về tận cái xứ khỉ ho cò gáy này cho muỗi đốt", nên thầy càng được phụ huynh học sinh nể trọng. Giỗ chạp, cưới gả gì người ta cũng mời thầy giáo Bảy. Thậm chí những việc kiện tụng, tranh chấp nhau mà làng xã không phân xử nổi, một ý kiến của thầy đưa ra có thể giảng hòa được đôi bên. Cho nên trong trường hợp đứng trước con vật quái lạ không ai rõ tông tích nó là con gì này, người ta chỉ còn đợi chờ ở sự hiểu biết có tính cách quyết định của thầy giáo Bảy thôi.

-Ai lại để cái mùi người chết xông ra mà đứng quanh hít thở mãi như vầy được! Thời bây giờ chứ có phải ngày xưa đâu mà để vậy chờ tề tổng tới làm biên bản!

-Nào, bà con ta mỗi người một tay... nhanh lên!

-Chao ui! Kinh khủng quá!

Trong lúc thầy giáo Bảy chưa đến, người ta gấp rút đóng lại nắp áo quan, lấp cái hang ăn thông vào huyệt mả, và không ngớt xôn xao bàn tán về sự xuất hiện bất thường của con vật quái lạ này...

-Thầy Bảy tới rồi!

Tiếng bọn trẻ reo lên trước tiên. Mọi người tránh giạt ra, nhường lối vào cho một người đàn ông trạc ngoài bốn mươi tuổi, mặc áo sơ-mi cộc tay, quần bà ba đen xắn cao ngang ống chân, vừa từ dưới một chiếc tam bản cập bờ, gấp bước đi lên.

-Thầy coi giùm nó là con gì, thầy Bảy?
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #76 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2011, 09:14:03 pm »

ông cụ già ban nãy đã ước đoán nó là "con lai", bước tới gật đầu chào thầy giáo, vừa hỏi vừa nhìn vào mặt thầy rồi lại đưa mắt nhìn con vật. Mọi người chung quanh ồn lên một thoáng rồi bắt đầu im phăng phắc.
Thầy giáo Bảy lần túi lấy mục kỉnh ra lau vào vạt áo, đoạn thong thả đeo lên mắt, đầu khẽ nghiêng qua nghiêng lại ngắm nghía con vật. Những nếp nhăn trên trán thầy cứ giãn ra co vào, càng làm tăng thêm vẻ quan trọng trên gương mặt xương xương mà ai nấy đều kính nể, và càng làm cho mọi người thêm háo hức đợi chờ lời phán của "con người thông tường mọi lẽ, nhất xứ làng quê" này.

-Nó là một con kỳ đà thôi! Đúng như vậy, một con kỳ đà.

Thầy giáo Bảy chép miệng nói, đầu gật gù như khẳng định thêm cho câu mình vừa thốt ra. Tiếng xôn xao lại bắt đầu dậy lên. Một người nào đó trong đám đông cười hô hố:"Hồi nãy, tôi đã bảo nó là con kỳ đà mà không ai chịu nghe!" Có tiếng người cãi lại:“Hứ! Kỳ đà thì to hơn bắp vế là cùng, chứ kỳ đà gì mà to bằng con cá sấu vậy?" Không biết đó là lời phản đối lại người vừa cất tiếng cười, hay lời phản đối lại ý kiến của thầy giáo Bảy. Thầy giáo Bảy mỉm cười. Nụ cười độ lượng không tỏ ra có chút gì khó chịu, mà còn làm tăng thêm vẻ đôn hậu trên gương mặt hiền lành. Thầy ngắm nghía con vật một lúc nữa, rồi thong thả nói:

-Con kỳ đà này to thật! Hồi năm 1942, lúc tôi còn dạy học ở xã Đốc Vàng thuộc Đồng Tháp Mười, bà con cũng có đâm chết một con, đo dài ba mét sáu. Con này là con thứ hai mà tôi được thấy tận mắt đấy...

-An thịt được chứ, thầy Bảy?

Một người đứng phía sau hỏi với vào.

-An thịt được. Giống kỳ đà thôi!

Thầy giáo Bảy lại gật gù, nhấc mục kỉnh lên.

-Con này là con thứ hai mà tôi được thấy đấy. Như vậy là hiếm lắm. Có thể nó sinh sống ở một vùng nào khác, nhờ một điều kiện ngẫu nhiên nào đó, bị bão tố giạt đi, bám trên một khúc gỗ trôi qua biển chẳng hạn, mà nó lạc tới đây.

-Im để nghe thầy Bảy nói, làm gì mà ồn ào vậy?

-Nói tiếp đi, thầy Bảy!

Chờ cho mọi người lắng xuống, thầy giáo Bảy mới nghiêm sắc mặt, bảo:

-Thời tiền sử, có những con vật to lớn khủng khiếp, có loại có sức nặng đến bốn năm mươi tấn, nhưng ngày nay đều đã bị hủy diệt cả. Trong điều kiện thích nghi nào đó thì chúng mới có thể sống được. Sự thay đổi khí hậu trên vỏ quả đất nguội dần đã làm biến mất nhiều loại sinh vật và thực vật mà ngày nay người ta chỉ còn tìm ra được những bộ xương hay dấu vết đã hóa thạch đào được dưới nhiều tầng đất sâu...

Nhiều tiếng xì xào bắt đầu nghe lâm râm chung quanh. Dường như những danh từ xa lạ từ miệng thầy giáo Bảy nói ra, những chuyện vỏ quả đất, xương hóa thạch xa xôi mà sự hiểu biết của họ còn lâu lắm mới có thể với tới, khiến họ không còn tập trung chú ý nghe thầy nói nữa. Nhưng chắc chắn là mọi người đều thán phục thầy giáo Bảy, và nhiều người bắt đầu chêm vào đôi ba câu gì đó, tỏ ra mình cũng có ít nhiều chỗ lĩnh hội được ý nghĩa của lời thầy giáo nói, gây nên một sự mất trật tự rất thỏa thuê, không người nào phản đối người nào cả. Khi mọi người sắp sửa xả thịt con kỳ đà khổng lồ, thầy giáo Bảy tháo mục kỉnh ra, mặt đăm chiêu hồi lâu, nói với những người còn ngong ngóng đứng chung quanh:

-Bất cứ chúng nó từ đâu tới, hung hăn đến thế nào, nếu bà con ta đều đồng tâm nhất trí thì chúng ta có thể diệt trừ được chúng cả. Sá gì con quái vật này!

Tôi biết thầy giáo Bảy muốn ám chỉ đế quốc xâm lược. Hình như thầy còn toan nói điều gì nữa thì phải. Nhưng mấy tiếng kêu bất thình lình từ chỗ bờ sông vọng tới khiến thầy quay mặt trông ra và thôi không nói nữa. "Tiếng ai mà the thé như tiếng dì Tư Béo?" Tôi vội ngóng cổ lên nhìn. Quả đúng là dì Tư Béo thật!

-Một trăm đồng cái mật con kỳ đà, tôi mua đây. Hai trăm đồng cái mật, tôi mua đây. Để cái mật cho tôi!
Dì Tư Béo vẫn béo tròn béo trục như trước, tay trái cầm tờ giấy bạc con voi đỏ giơ cao lên, miệng vừa gào, chân vừa lạch bà lạch bạch chạy về phía chúng tôi, tay phải vừa lần túi mở kim băng rút ra một tờ giấy bạc nữa, hai tay xòe cao hai tờ giấy bạc phẩy lia phẩy lịa như sợ ai mua cướp cái mật trước. Tôi vội chạy ra, kêu lên:

-Dì Tư mới tới đó hả? Dì ở đâu tới đây?

Dì Tư Béo "ơ" một tiếng, toét mồm cười, bàn tay cầm tờ giấy bạc bóng mỡ đập vào vai tôi một cái khiến tôi suýt ngã. Bà ta gật đầu lia lịa, như ra ý bảo:“Chờ đấy, chốc sau hẵng nói chuyện", rồi vội vă chen lách mọi người bước vào trong. Thằng Cò nãy giờ vẫn theo dõi tôi, nó kéo tay tôi hỏi:

-Dì mày đó hả?

-Ờ... Nhưng mà không phải dì.

-Bà chủ quán rượu ở chợ Ngã Ba Kênh, mày không nhớ à? Hồi trước tao làm hầu bàn ở đấy mà!

Thằng Cò ngó chằm chằm vào mặt tôi, buông thõng một câu:

-Thôi, về. Có ghe vải đậu đằng kia. Mình đi lại đó mua dầu lửa rồi về. Má trông lắm đấy.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #77 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2011, 09:16:04 pm »

Tôi ngần ngừ:

-Mày không ở coi xả thịt con kỳ đà à?

-Coi làm quái gì! Về ăn cơm, trưa này còn đi rừng cho kịp.

Dì Tư Béo quay ra tìm tôi, mặt tiu nghỉu:

-An, cháu có quen ai trong này không?

-Làm chi vậy, dì?

-Hỏi mua giùm tao cái mật đi. Tao nói mãi mà họ không chịu bán!

-Như vậy là họ không bán đâu!

Bà chủ quán rượu thở ra một hơi dài nặng nề, chậc lưỡi tiếc mãi. Thảo nào ngày trước có lần lão Ba Ngù bảo tôi:"Bà phệ của mày lưng mật đấy. Lúc nào cũng tìm mật tọng vào bụng. Bả là bà chúa nhát sợ tàu bay mà!". Tôi hỏi thăm dì có khỏe không, lâu nay dì ở đâu... Nhưng bà ta chỉ ừ ào đáp qua loa. Thất vọng vì không mua được cái mật con kỳ đà hiếm có này đã làm rơi rụng hết mọi tươi vui của bà ta khi gặp lại tôi ban nãy.

-Bây giờ mày ở đây à? Có khá không?

Giọng xởi lởi của bà ta bỗng trở lại nhanh chóng, và trên gương mặt phì phị buồn thiu hé mở một nét cười.

-Thôi, đi với dì đi, An ạ! ở với dì, cháu sẽ chẳng đến nỗi nào đâu...

-Cháu có ba má ở đây rồi! -Tôi cười cười, đáp.

-Ủa, mày gặp ba má mày rồi sao?

-Gặp rồi!

Thằng Cò cũng cười theo tôi. Tôi chợt hiểu ngay vì sao lúc nãy nó cứ giục tôi đi về gấp. Dì Tư Béo phàn nàn cuộc sống khó khăn, giặc giã đánh lung tung làm cho bà ta không ở yên nơi yên chỗ làm ăn buôn bán. Bà ta còn nấn ná đứng lại một lúc nữa, đến khi đã biết chắc rằng không thể mua được cái mật con kỳ đà, bà ta mới chịu xuống thuyền chèo đi. Lần gặp gỡ đầu tiên và buổi chia tay cuối cùng của tôi với dì Tư Béo đều bắt đầu và kết thúc bằng câu "ngã giá" của bà ta. Nhưng dẫu sao cũng có lúc tôi đã chịu hàm ân bà ta trong những ngày đầu lưu lạc, nên lòng không khỏi có đôi chút ngậm ngùi. Chúng tôi mua dầu lửa xong, lo muộn, bèn lội tắt qua rừng mà không về theo lối cũ. Hai đứa xắn quần lên đến bẹn, vừa đi vừa khảo chuyện về con kỳ đà khủng khiếp. Bỗng dưng thằng Cò tặc lưỡi, kêu lên:

-Phải chi hồi sáng mình dắt con Luốc theo, An nhỉ!

-Ờ!

-Mày liệu con Luốc có chống cự nổi với con kỳ đà ấy không?

-Biết đâu được!

-Sao lại biết đâu được? Cọp nó còn không sợ mà!

-Ờ!

-Tao chắc chỉ còn lại mỗi con này và nó đã bị đâm chết, chứ ở đây không còn con nào nữa đâu!

-Con gì cũng sống có đôi. Biết đâu lại không còn một con đang chờ mình trong này...

-Đừng có nói bậy!

Thằng Cò bỗng quát tôi, rồi nó vênh vênh bộ mặt làm ra vẻ cứng cỏi, vung vẩy chai dầu lửa trong tay, lội bươn tới trước đi một mình. Rừng đước mênh mông. Cây đước mọc dài tăm tắp, cây nào cây nấy thẳng như cây nến khổng lồ. Rễ cao từ ba bốn thước tua tủa giương ra chung quanh như những cánh tay từ trong thân cây thò ra bám đất. Mặt đất lầy nhẵn thín, không một cọng cỏ mọc. Chỉ có vài chiếc lá rụng mà nước triều chưa lên kịp để cuốn đi, và bóng nắng chiếu xuyên qua những tầng lá dày xanh biếc, soi lỗ chỗ trên lượt bùn mượt mà vàng song li ti vết chân của những con dã tràng bé tẹo. Những buổi triều lên, nước chỉ ngập quá gối thôi, chúng tôi năm bảy đứa rủ nhau đi bắt vọp, bắt cua, trên đường về thường đuổi nhau chui qua những "cánh tay đước", móc bùn ném nhau, té nước và reo đùa ầm ĩ, những lúc đang vui vẻ chung quanh có đông bạn bè ấy thì tôi có cảm giác như rừng đước đang xôn xao từ dưới biển mọc lên. Nhưng hôm nào đi một mình, chung quanh vắng lặng, nhìn làn nước đục ngầu xô nhau tràn qua cội đước xù xì, thì tôi lại thấy như khu rừng cứ lặng lẽ chìm dần xuống biển, và một nỗi lo sợ không đâu, bất thần ập tới, khiến đôi lúc tôi phải hét to lên để tự trấn tĩnh và ba chân bốn cẳng hộc tốc chạy về hướng một ngôi lều nào đó, mà tôi biết là gần nhất.

Thằng Cò vẫn mải miết ộp oạp lội bùn đi trước tôi. Giữa vắng lặng xanh nhờ của rừng đước âm u, từng bước di động của chúng tôi mồn một vọng vào tĩnh mịch. Tự nhiên, tôi ngoái nhìn ra phía sau lưng và dặng hắng một tiếng, gấp bước đuổi theo thằng Cò, nghĩ lan man rằng nguy hiểm xảy ra trong rừng hầu như bao giờ cũng đến với kẻ do dự, nhút nhát đi sau.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #78 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2011, 09:18:06 pm »

Chương 19

Du kích trong rừng

Dòng sông Năm Căn hơn hai tháng trước còn ồn ã khua động tiếng mái chèo xuôi ngược, giờ đã trở nên lạnh ngắt, vắng teo. Thuyền bè rút mãi theo các đường kênh rạch nhỏ, chạy sâu vào rừng cho dễ đánh du kích, tiêu hao sinh lực địch. Quán lều dỡ đi theo, lùi vào tận trong "đớn". Lò than bỏ cho các loại dây rừng bò kín nóc. Cáo cầy tha hồ dắt nhau làm tổ trong những đống củi gỗ đước cao như núi chất ngoài sân lò, mọc đầy nấm dại.

-Hừ! Thằng Tây mới tới Năm Căn hơn hai tháng thôi. Vậy mà gần chục mạng người đã hy sinh! Hai anh du kích diệt được khá nhiều Tây và lính ngụy vừa bị nó bắt và bắn chết, buộc xác phơi ở chỗ gốc cây mắm gần bờ sông chiều hôm qua... Bà con trong chợ đến cướp xác hai anh em về chôn, bị nó bắt đánh một trận gần chết, bữa nay còn giam trong đồn!

Ông già thợ đốn củi nói đến đây ngập ngừng cúi xuống cời lại đống hun. Khói cay nồng, đặc sệt từ đống hun ngùn ngụt bốc lên, tỏa trắng khắp gian lều. Bầu không khí ẩm ướt từ trong ngôi lều của chúng tôi như quánh lại, ngột ngạt đến tức thở. ông lại ngẩng nhìn tía nuôi tôi, nói tiếp.

-Như vậy là hết đất rồi. Chỗ nào cũng có thằng giặc. Chí như cái Hòn Khoai ngoài biển kia mà nó còn mò tới đóng đồn! Vậy thì mình cũng phải làm thế nào chứ, anh Hai?

Tía nuôi tôi cứ gật gù im lặng ngồi nghe. Khi ông già đốn củi ngừng nói, với tay rứt một dúm thuốc trong
cái ống bơ nhồi vào tẩu, tía nuôi tôi bèn cầm chai rót thêm rượu vào bát:

-Uống đi, ông bạn!

-Trời ơi, bộ anh Hai muốn tôi "mượn tửu binh giải phá thành sầu à?"

Ông già nhếch nụ cười móm mém, đưa tay đỡ bát rượu.

-Chẳng qua đó là cái thói tật không bỏ được của anh em bọn mình đấy thôi! Chỉ có chúng ta mới giải phá được thành sầu này, chứ cái thứ tửu binh... thì nó chỉ quật cho mình say mèm, nằm đó đợi giặc đến trói cổ dắt về đồn thôi.

Đôi bạn già ngồi xếp bằng trên một tấm đăng trải giữa nhà cùng cười lên mấy tiếng và chuyển bát rượu cho nhau mỗi người tợp một ngụm. Tiếng cười khành khạch gượng gạo của ông già đốn củi có lẽ cũng làm lây đôi chút buồn sang cho tía nuôi tôi. Cả hai người cùng im lặng, đưa mắt ngó ra ngoài. ánh nắng trời chiều xuyên qua những tầng lá đước rậm rạp, chiếu xuống mặt đất lầy ngoài bờ bên kia con rạch nhỏ một màu xanh tai tái. Gió từ biển khơi thổi tới, hun hút lùa qua những vòm lá đước tối om, thốc mạnh vào lều làm cho mái lá rung lên và ngọn lửa cháy lép bép trong đống củi hun bỗng phụt sáng đỏ ngòm... Cứ vài hôm lại có một ông khách tạt vào lều uống vài chén rượu với tía nuôi tôi. Có người tôi quen, có người tôi chỉ biết mặt chứ không rõ tên. Đôi khi cũng có một vài người lạ mà tôi đoán chừng là bị giặc càn chạy tới đây. Những lần đầu, tôi còn thường la cà bên tía nuôi tôi, lắng nghe câu chuyện giữa những ông già trao đổi với nhau qua chén rượu suông, nhưng mãi rồi tôi cũng không chú ý nữa. Quanh đi quẩn lại, vẫn là chuyện bọn giặc ruồng bố, càn quét. Họ rất căm thù bọn giặc ở đồn Năm Căn, nhưng nghe cái giọng rượu lè nhè của họ, tôi biết rằng họ chỉ có thể mượn rượu để nói ra cho hả một lúc vậy thôi. Thậm chí có một ông nom còn trẻ tráng, gọi tâng tía nuôi tôi là bác, mà cũng thở ra cái giọng bạc nhược của những lão già cổ hủ, một hai tin rằng sự xuất hiện con kỳ đà kinh khủng nơi đồng mả mấy tháng trước là điềm trời giáng tai họa cho dân xứ này. Sau những bữa rượu như vậy, tiễn khách đi rồi, tía nuôi tôi thường đứng rất lâu một mình ngoài bờ cỏ. ông lắng nghe tiếng ca-nô giặc chạy tận ngoài sông Cửa Lớn, hay nghĩ gì về những câu chuyện của các ông bạn già thì không rõ, nhưng tôi thường thấy ông khoát khoát tay làm những cử chỉ bực tức khó chịu. Mỗi ngày tía nuôi tôi lại một thêm lầm lì, ít nói.

Có khi ông ngồi lặng lẽ hàng giờ bên đống củi hun, như một gốc cây khô giữa rừng, đến nỗi tôi và thằng Cò đứa nào cũng len lét không dám đi mạnh chân. ông thường bỏ nhà đi luôn. Chẳng rõ đi đâu. Nhiều lúc đi hai ba hôm mới về. Má nuôi tôi rất lo. Cơ sự này thì ông lão đến quẫn chí mất. Nhưng mỗi lần tía nuôi tôi trở về, tôi lại thấy ông tỉnh táo và vui vẻ hơn trước. Có khi ông còn cầm về cho tôi và thằng Cò một vài thứ quả lạ, màu đỏ óng, có những chấm li ti xam xám rất đẹp mà ông bảo là chỉ để cầm chơi chứ không ăn được. Chà, có thứ quả rừng nào mọc ngoài bờ sông và trong những khu rừng chung quanh đây lại có thể lọt khỏi con mắt của tôi và thằng Cò? Thế mà cả hai đứa chúng tôi đều chưa hề trông thấy những thứ quả tía nuôi tôi cầm về.

-Tía lấy quả này ở đâu vậy, tía?

-Ngoài xóm kia thôi...

-Xóm nào vậy tía?

-Xóm ngoài chứ xóm nào. Con sao cứ lục vấn mãi...

Tôi lặng im không hỏi nữa. Thằng Cò tưởng ông mệt mà tôi cứ đeo hỏi mãi làm ông bực, nó bèn lôi tôi đi bắt mồi câu cá. ở nhà được vài hôm, tía nuôi tôi lại sắm sửa đi. ông soạn mấy bao diêm, một cái xoong nhôm và hơn chục lít gạo bỏ trong bao cà-roòng. Điều đó càng khêu gợi thêm sự tò mò trong tôi bấy nay một cách mãnh liệt, khiến tôi không nén được ý định: phải dò xem tía nuôi tôi đi đâu và làm gì? Cũng như mấy bận vừa rồi, tía nuôi tôi lấy xích buộc con Luốc vào chân cột cẩn thận, rồi sai bảo tôi và thằng Cò đi làm một công việc gì đó, hoặc chờ đúng lúc chúng tôi vắng mặt, ông mới đi. Tía nuôi tôi đã sắm sửa xong rồi. Chẳng đợi ông bảo, tôi cầm con dao bước ra cửa, còn quay lại nói vọng vào bếp:

-Má ơi, con ra ngoài bờ sông chẻ mớ lạt dừa nghe má!
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #79 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2011, 09:21:22 pm »

Tía nuôi tôi "ừ" đáp thay cho má nuôi tôi, ông còn cười cười nhìn tôi bằng con mắt khuyến khích. Tôi cầm dao men theo bờ rạch, đi tới một chỗ ngoặt bèn chui ngay vào núp trong một bụi sậy um tùm. Từ nơi trú ẩn này, tôi có thể nhìn rõ mọi hướng chung quanh. Ngồi chưa yên chỗ, tôi đã thấy tía nuôi tôi quẩy bao cà-roòng lên vai lững thững bước ra sân. ông còn đứng giữa sân giũ chiếc khăn rằn bịt lên đầu, quay qua quay lại chung quanh rồi mới lẩn ra bờ rạch. Tôi nén thở, cúi thấp đầu xuống gối, không dám động cựa. Lâu lắm mà vẫn không thấy ông đi qua chỗ tôi. Như thế này thì dứt khoát là tía nuôi tôi đi vào hướng rừng trong kia rồi. Tôi nhảy ra khỏi bụi, chạy về. Chưa vào tới cửa, tôi đã hỏi giật giọng:

-Má ơi, tía con đâu? ông đi rồi hở má?

Má nuôi tôi bước ra, "ừ" một tiếng:

-Mày hỏi ổng có việc gì? Sao hồi ổng còn ở nhà mày không hỏi, để cho ổng đi rồi mới chạy tìm cuống lên vậy?

-Tía có nói đi đâu không, má?

-Không. Mày còn lạ gì tính của tía mày nữa. ổng đã không muốn nói thì hỏi ổng làm gì, hở con?

Má nuôi tôi nói giọng buồn buồn, có hơi giận dỗi. Tôi chạy vào mở xích thả con Luốc ra sân. Rồi tôi bước đến, cầm tay má nuôi tôi:

-Con đi theo tía đây. Theo coi tía đi đâu.

-Ổng đập mày chết đấy. ổng đi đâu mặc ổng, theo làm gì? Đến như tao mà ổng còn giấu, không nói thay...

-Đúng rồi! Như vậy là đúng rồi. Con đã biết đúng là tía con đi đâu rồi!

-Ổng đi đâu?

Tôi ghé vào tai má nuôi tôi, thấp giọng:

-Ổng đi vô chơi với mấy anh du kích trong rừng! Má không thấy tía con mang theo nào diêm, nào gạo, cả cái nồi nữa đấy sao?

Má nuôi tôi lùi lại một bước, tròn xoe mắt nhìn tôi:

-Ai nói với mày vậy?

-Con đoán vậy thì biết chớ đợi gì phải nghe ai nói!

-Ờ, mày nói không chừng phải đấy. Tao cũng nghĩ mang máng như vậy. Từ hôm ổng nhặt cái quả gì ở đâu về cho chúng mày đấy. Bà Tám ngoài xóm có bảo nhỏ với tao rằng: nghe đâu anh em bộ đội đằng mình còn ẩn trong rừng. Bả còn nói họ rách lắm. Nghe vậy, thì để bụng thôi, đừng có hở ra cho ai nghe con!

-Má còn phải dặn! Thôi, để con vào gọi thằng Cò dậy đi với con.

Má nuôi tôi nắm tay tôi, lôi lại:

-Không được! Không được đâu. Con đi một mình thôi. Có con Luốc theo con là đủ rồi. Cái miệng thằng Cò
hay bép xép lắm!

Má nuôi tôi vội vã quay vào, soạn trong rổ may lấy một ống kim khâu và mấy cuộn chỉ, gói vào mảnh giấy nhật trình cũ, nhét vào túi áo tôi:

-Nhà nghèo chẳng có gì... Con vào gặp các ảnh, nói là của má gởi biếu... Đi cẩn thận nghe con.

Tôi gật đầu, huýt sáo một tiếng. Con Luốc nhảy phóc theo chân tôi, chạy dọc theo bờ rạch ăn sâu vào rừng. Cứ men theo dấu chân tía nuôi tôi, tôi vừa đi vừa dắt con Luốc chạy ộp oạp trên bờ đất sình lút ngang ống chân. Đi độ hai ngàn thước thì mất dấu. ở đây, hãy còn có nhiều vết chân của những người lội vào rừng bắt cua, bắt vọp. Những vết cũ lội từ trên bờ xuống rạch đã được phủ một lượt phù sa mỏng khi triều xuống rất dễ phân biệt với dấu chân mới của tía nuôi tôi. Tôi lội ngay xuống rạch, ngược theo dòng nước gợn bùn vẩn đục ngầu từ trong rừng chảy ra, mải miết bươn ra. Con Luốc cứ kêu ư... ử... trong cổ, dường như muốn gọi tôi lên mà mãi không thấy tôi lên, nó bèn co giò phóng tùm xuống nước, lội xộn xộn sát theo tôi. Càng đi sâu vào rừng, lòng rạch càng hẹp lại. Nhiều quãng bị cành lá rậm rạp trên cây che phủ, bóng nắng không lọt xuống tới, khiến cho dòng nước tối om om, trông rất dễ sợ. Tôi vẫn mải miết đi tới. Chừng nửa giờ sau thì thấy mất những gợn nước vẩn bùn, mà trông hai bên bờ lại chẳng có một vết chân nào lội lên. Nhìn những cánh tay đước từ trên bờ tua tủa thò xuống lòng rạch, tôi nghĩ có lẽ tía nuôi tôi đã lợi dụng những cái rễ to lớn này làm cầu trèo lên cây, đi lên bờ rồi. Quả nhiên con Luốc vẫy đuôi lia lịa, làm bùn và nước bắn tung tóe vào mặt tôi. Lập tức tôi bám theo cái rễ ấy, trèo ngay lên cây. Nhìn xuống phía dưới chân, chỉ thấy những cọng rễ đước xám ngắt chung quanh tua tủa cắm xuống mặt bùn phẳng lì. Con Luốc cứ đứng dưới gốc cây ngửa cổ lên chực sủa. Tôi phải suỵt suỵt luôn mồm, nó mới chịu im. Không lẽ tía nuôi tôi đến đây biến thành chim bay mất hay sao?

Mà lại không có vết chân tụt xuống chung quanh gốc. Vậy thì dứt khoát là ông đã lần theo những cái rễ đước to lớn, xỏ rễ vào nhau này mà lần đi trên cao thôi. Sau khi đã đoán vậy, tôi bèn đưa mắt quan sát từng cái rễ một, và chỉ một chốc sau, khi đã tìm thấy một cái rễ có lớp da bên ngoài bị đạp tróc xước những mảnh vỏ con để lộ ra một vết xanh còn mới, thế là tôi đã nắm được đầu mối con đường bí mật đã đưa tía nuôi tôi đi về hướng nào rồi. Trên khoảng tầm cao quá đầu người, tôi như con vượn, cứ dò theo dấu vỏ rễ xước, chuyển từ cây này sang cây khác đi tới mãi. Con Luốc trung thành vẫn bám theo sát phía dưới chân tôi. Chiều ở rừng bao giờ cũng xuống rất mau, chẳng mấy chốc mà trời đã gần tối. Vết vỏ cây tróc dẫn đường còn tìm thấy lờ mờ được một lúc, rồi sau đó tôi không còn nhìn ra được một dấu nào nữa. Ngồi trên một cái rễ cao, tựa người vào thân cây, ngơ ngẩn nhìn ra màu xanh trùng điệp quanh mình đang chìm dần vào bóng tối, tôi cảm thấy tay chân mình bủn rủn, nhấc không muốn nổi. Một con chim hồng hoàng to như con ngỗng, sắc lông đen, vỗ cánh phành phạch bay vút qua bên trên đầu tôi. Chiếc mỏ cong to tướng và những rìa lông màu trắng ở chót cánh mất hút trong bóng tối lờ mờ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM