Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:17:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sống Mãi Với Thủ Đô - Nguyễn Huy Tưởng  (Đọc 42355 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #10 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2011, 07:59:15 pm »

Bà ta nắn lại cái mũ méo cho con :

- Trăm sự nhờ các ông. Bố cháu chỉ còn có nó.

Dân nói:

- Được ạ. Được ạ. Bà cứ yến tâm cho em Thắng ở đây. Anh ấy mất rồi, chúng tôi sẽ thay anh ấy bảo vệ em Thắng.

Trần Văn đưa tiền cho Thắng. Anh thợ nặn nói:

- Bà mua cho em một cái.

Anh nhổ một Quan Công chìa cho người mẹ:

- Quan ngài thì khước lắm. Đây, giống ngài như đúc. Mua cho em lấy may. Chả nói giấu gì bà, cũng là để kiếm ít tiền cho mẹ cháu về quê.

Dân hỏi:

- Thế còn ông?

- Cháu thì về thế nào. Phải ở lại chiến đấu chứ lị.

- Thế thì cho tôi một Quan ngài. Mặt đỏ râu dài, đẹp lắm, Thắng này.

Anh cầm cái tượng đưa cho Thắng, và lại cõng em lên vai, đi về trụ sở. Người mẹ và Nhân bước theo sau.
Vóc người lực lưỡng của Dân nổi bật lên. Thấy người ta reo cười, anh lắc lư cái đầu thỉnh thoảng lại làm bộ suýt ngã. Một bà vừa cười vừa nói:

- Cái ông ấy đến hay.

Anh thơ nặn thu dọn đồ đạc và đẩy xe đi:

- Bộ đội lại chả vui. Không có bộ đội thì cũng chẳng bà con nào mua cho tôi lấy một cái. Các anh ấy tinh
lắm, biết người biết của.

- Cái bà ấy gan quá, dám ủng hộ con cho bộ đội.

Anh thợ nặn đẩy xe đi, cái vườn hoa bỗng trở nên buồn tênh như sân đình dỡ rạp. Loan thấy thương người nghệ sĩ bình dân, và nhơ nhớ những trò vui đơn giản làm nhộn nhịp thêm, thân mật thêm những vườn hoa, những rìa hè, những đầu đường Hà Nội, đem lại chút giải trí cho những kẻ nghèo. Người ta ngơ ngác nhìn theo anh thợ nặn vô duyên, cái hình ảnh duy nhất còn lại của thời bình trong buổi sáng hôm nay. Một bà già nói:

- Khốn nạn, mua cho anh ta một cái thì phải.

Có những tiếng ầm ầm phía đường Cột Cờ đưa lại. Một đoàn xe gíp, háp-tờ-rắc tiến rầm rộ vào phố Tràng
Thi. Một người đi xe đạp ở đầu phố bị một xe gíp thúc vào. Người ấy chỉ kịp nằm sóng xoài trên hè đường, lặng đi như một xác chết. Hết xe này đến xe khác lao đi chồm chồm, phố xá chung quanh rung chuyển, dọc đường Cột Cờ, Tràng Thi, bụi bốc như trong một cơn lốc rối mù. Xe chở toàn tụi Tây mũ đỏ, kèm theo mấy con nhà thổ, me tây lòe loẹt. Người ứ lại ở đầu phố Hàng Bông. Cả một đoàn xe điện chở đầy người tản cư cũng phải đỗ lại. Một thằng lính đội mũ sắt có dấu Cờ-roa đờ Lo-ren của quân Đờ Gôn ngang nhiên đứng ở ngã tư, ngăn không cho người qua lại.

Anh thợ nặn đứng sau lưng Trần Văn bật lên một tiếng chửi và nói một mình:

- Đánh Đức thua Đức, đánh Nhật thua Nhật, đánh đâu thua đấy, bắt nạt Việt Nam. Mẹ cha mày, bố mày
cũng không dám đánh đêm.

Lời nói lỗ mãng nhưng dầy tự hào. Trần Văn quay lại cười, tỏ ý đồng tình. Đoàn xe vẫn rầm rầm đi, những thằng Tây đứng ngồi trên xe giơ lên những quả đấm doạ nạt. Văn nhìn con đường lúc này không còn là của anh nữa. Trống ngực anh đánh mạnh. Tay phải anh nắm chặt. Anh nói trong lòng: Không. Chúng mày sẽ không trở lại được đâu. Một người mẹ đã ủng hộ đứa con một của mình cho bộ đội. Những người học sinh lũ lượt xin vào tự vệ. Một anh thợ nặn bình thường cũng coi rẻ chúng mày. Với cái thái độ của một người chịu ảnh hưởng của nho giáo, thường coi khinh bạo lực, có thể đắc chí nhưng chỉ nhất thời, anh thấy mình cao hơn chúng nó. Dưới con mắt anh, bọn lính viễn chinh trông ngu độn và trẻ con một cách thảm hại. Anh bĩu môi, lẩm bẩm: Mọi bạo lực, mọi cường quyền mạnh đến như sấm như sét rồi cũng tan đi như bọt. Hạng Vũ, At-ti-la, Nã Phá Luân, Hít-le và Lơ-cờ-léc, tất cả, trước hay sau, chóng hay muộn, tất cả đều sụp đổ. Chỉ có nhân tâm là muôn thuở…
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #11 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2011, 08:00:40 pm »

Chương 4

- Anh cán bộ còn trẻ, bị tra tấn nhiều nên xanh lắm. Bọn mật thám dẫn anh ta ra Cửa Nam để chỉ cho chúng bắt một anh cán bộ khác đã hẹn anh ta gặp nhau ở đây, tức là Quốc Vinh. Bọn mật thám trà trộn vào với mọi người. Không ai nhận ra chúng. Hôm ấy cũng vào buổi sáng và cũng rét lắm. Quốc Vinh vừa đi tới. Chỉ một giây là có thể lộ. Vừa lúc ấy, xe điện ở Hàng Bông chạy xuống. Anh ta kêu: “Bọn mật thám muốn tao khai thì đây này”. Giữa lúc chúng nó khôngngờ, anh ta lao vào cái xe điện. Trông thương lắm.
Bọn mật thám lủi rồi, dân chúng còn đứng ngẩn ngơ nhìn cái nơi mà một người cách mạng đã hi sinh để khỏi lộ đồng chí. Chưa bao giờ tôi xúc động như buổi sáng hôm ấy mà chính mình được chứng kiến. Biết bao nhiêu người đã hi sinh trên đất Hà Nội này mới có ngày nay.

Trần Văn mỉm cười, chua chát:

-Có điều là mình nhát sợ. Mình phục những người cộng sản thì có phục nhưng không dám nhìn. Những hi sinh của họ quá cái sức của mình. Chính trong cái khoảng thời gian ấy, Quốc Vinh đến tìm tôi…

Loan quay mặt lại nhìn anh, chờ đợi. Trần Văn nói:

- Nhưng tôi không dám đi hoạt động, vì sợ nguy hiểm. Cái tầm thường của mình là thấy con đường mà vẫn
cứ quanh co!

Họ lặng lẽ bước trên con đường Tràng Thi lúc này không có xe chạy, chỉ lẻ tẻ có vài người đi vội vã. Lòng giận giặc, nỗi bực mình lẫn với ở Trần Văn cái bồi hồi của nhớ tiếc, gợi lên do những lá bàng tím đỏ đầy đường sột soạt dưới chân và mấy con chim đậu trên dây thép trong ánh bạc của khoảng cây trụi lá. Đây là một trong những con đường đẹp nhất của Hà Nội, mà những hàng cây hai bên cao hơn nhà gác làm cho Hà Nội đắm trong thiên nhiên, và khi lộc non chuyển sang xanh râm, hay khi hoa phượng nở, hay khi lá rụng thay cho tiếng ve sầu, người ta như trông thấy và nghe thấy sự tuần hoàn của vũ trụ. Trên con đường thi cử của ông cha khi xưa, một đêm hè, dưới vòm cây mát, Trần Văn và Trinh đã nói với nhau những lời tình tự ban đầu. Con đường lúc này trông đau thương quằn quại và như quấn lấy anh. Thư viện trung ương mà anh là người đến đọc sách thường xuyên, thì im lặng như ngôi đền, chỉ có lá bàng, lá đa rụng đều xuống những thảm cỏ, xuống mấy cái ghế đá lơ thơ ngoài vườn vắng. Trần Văn nói:

- Cái phần khó khăn nhất, những người cán bộ ấy đã làm. Chúng ta bây giờ không có lí do gì để từ chối cái phần của chúng ta. Không thể để mất tất cả những cái này một lần nữa…

Người đổ xô từ phố Tràng Tiền về Bờ Hồ. Một đám thanh niên đang đứng trước dãy hàng hoa bỏ trống, vất điếu thuốc lá hút dở, rảo bước đi về phía tháp Bảo Thiên. Mấy chú khách bán phá xa ôm hòm lạc, lom khom bò, mắt sợ hãi nhìn trước nhìn sau. Những người chạy về cắt không còn hột máu. Tiếng kêu, tiếng gọi ầm ầm, hoà lẫn với tiếng chân huỳnh huỵch, tiếng giày, tiếng dép, tiếng rung chuông xe đạp không ngớt, tiếng ếp ếp của những anh xích-lô thục mạng lao cái xe không. Và bao trùm là cái gì không thành tiếng, nhưng nó phóng đại gấp trăm, gấp nghìn mọi tiếng động, nó vang trong đầu óc những khi bừng bừng căng thẳng, như cái tang trống phẳng chỉ một tiếng đập nhỏ cũng rung lên rất mạnh.

Trần Văn định ra nhà Thông tin phố Tràng Tiền để xem tin tức. Anh vẫn theo dõi tình hình chiến sự ở Lạng Sơn, ở Hải Phòng, ở Đà Nẵng, nhất là tình hình chính phủ mới của Pháp. Có tin Moóc-li-e đòi chính phủ ta không được bảo dân chúng Hà Nội sửa soạn phòng thủ, và phải phá ngay những ụ dựng lên ở các phố. Và nghe đâu trong một buổi gặp gỡ chớp nhoáng với Moóc-li-e, ông Võ Nguyên Giáp đã không chấp nhận cái yêu sách của viên tướng ấy. Lí do rất chính đáng. Người dân Hà Nội phải tự bảo vệ trước những hành động khiêu khích của quân đội Pháp.

Khi Trần Văn và Loan tới đầu quán hàng hoa thì người càng đùn về, lúc nhúc như sau một trận đá bóng. Nhìn xuống phố Tràng Tiền, thoáng thấy đằng xa Nhà Hát Lớn, trên đỉnh nóc cao lá cờ đỏ vẫn bay. Nửa phố về phía nhà hát vắng tanh. Nửa phố về phía Bờ Hồ, người đông nghịt, tỏa ra hai bên phố Hàng Bài và đường Bờ Hồ. Bên kia đường, trong nhà Ta-véc Roay-an, mấy người bồi Việt Nam khom khom đứng bên các bàn lố nhố đầm và tây, phần lớn là nhà binh. Loan khó chịu sao còn có những thằng bồi phục dịch chúng nó trong lúc này. Chúng nó thản nhiên ngồi uống rượu, hút thuốc lá khói um. Nhìn những người chạy bên ngoài, một con đầm tóc khô như rơm, nhún vai. Một thằng Tây đập cái roi da vào ủng một cách an nhàn, bên chân nó là hai con chó săn vểnh tai nhọn hoắt.

Người ta níu lấy những người ở Tràng Tiền chạy lại. Tiếng hỏi đáp dồn dập:

- Tụi mũ đỏ giở cái trò gì nữa đấy?

- Nó phá nhà Thông tin Tràng Tiền.

- Sao nó lại phá?

- Ai biết được. Đang phát thanh, dân đang nghe tin tức thì nó vào đến mấy chục đứa. Bộ đội ngăn lại, nó
đánh luôn. Nhân viên chạy hết. Nó xé tất cả các báo, các bản đồ, đập nát các máy. Chậu cảnh nó quăng
hết. Nó phá sạch phòng triển lãm. Nó lấy giấy má đem đi.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #12 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2011, 08:02:14 pm »

- Thế là nó gây sự rồi à?

- Lúc ra, thấy ảnh Cụ, một thằng lấy lưỡi lê đâm nát. Một thằng trèo lên lấy cá cờ đi. Một thằng treo một lá cờ tam tài lên tường, rồi viết ở dưới: kẻ nào hạ lá cờ này, kẻ ấy phải đền mạng.

- Liên kiểm đâu? Sao để nó hoành hành thế?

Mấy người đang nói chuyện trước dãy hàng hoa, thì một thanh niên ở đâu nhảy vào. Đang đà nhảy, nhưng khi chân vừa tới đất thì anh đã đứng nguyên, người thẳng và mềm mại, nhẹ nhàng như con chim liệng xuống đất. Anh không đụng phải ai, nhưng cũng nói một câu xin lỗi kiểu cách. Anh có vẻ chú ý đến vụ Tràng Tiền, nhưng hỏi thì cũng chỉ hỏi như mọi người thôi. Anh vừa nghe vừa huýt con chó lài, một giống chó Lào Kay cao lớn và sạch, lông hung hung, cổ và lưng đen mượt. Theo một cái lườm trịch thượng và che chở của anh, con chó đứng im, không quẩn chân mọi người nữa.

Trông thấy Trần Văn, người thanh niên nháy mắt cười. Anh ta có đôi mắt quá bé so với cái mặt quá dài, miệng đầy răng, đặc biệt có hai cái răng nanh lộ liễu. Anh bỏ những người mà anh vừa nói chuyện, vừa nhảy vừa huýt sáo, vừa gọi:

- Lu lu, Lu lu.

Con chó nhảy chồm theo. Người thanh niên bắt chặt tay Trần Văn, tưởng như vặn nghiến, khiến cho Trần Văn nhăn mặt lại. Anh ta kéo Trần Văn ra một chỗ, tay ra hiệu như người câm nói chuyện. Loan thấy Trần Văn, vẻ tò mò, quay mặt ra phía hồ, như để tìm ai. Dưới bờ hồ, một người bé nhỏ đứng nhìn lên, thấy Trần Văn nhận ra mình, khẽ gật đầu và biến vào đám đông.

Một xe gíp phóng như bay từ phố Tràng Tiền lại. Nó đi sát cái bục của anh công an ở giữa ngã ba. Viên trật tự nhảy choàng xuống bục lánh sang một bên. Tên lái cứ phóng xe, không thèm ngoảnh mặt lại. Mắt mọi người bỗng trố ra, kinh hãi. Đằng sau thằng lái xe, một thằng mũ đỏ, vai lủng lẳng những dây thừng vàng, giữ riệt lấy một người còn trẻ, mặc toàn ka-ki, mặt mũi sưng vù. Người ta còn thoáng thấy cả ảnh Cụ Hồ và một lá cờ vò nát. Tiếng chân chạy ầm ầm. Một tiếng kêu thất thanh:

- Nó bắt anh thông tin rồi!

Người thanh niên bỏ Trần Văn, nhảy lên hè phố Hàng Khay, nói:

- Casse lui la gueule! (1)

Cái xe vừa đi qua. Nhanh như cắt, anh thanh niên thò tay vào túi áo ra-gờ-lăng, rút ra một khẩu súng lục
nhỏ, chĩa vào cái xe định bắn. Một anh bộ đội giữ anh thanh niên lại và nói:

- Không nên mắc mưu khiêu khích của nó.

Người thanh niên mặt dài, trật cái mũ nhung đen, vò đầu:

- Nó chửi vào mặt mình mà cứ bảo tránh khiêu khích mãi.

Nhưng anh ta đã bị dìu lẫn vào trong đám đông đang tản dần ra. Hình như bọn Tây mũ đỏ bên kia đường
Hàng Khay không nhận thấy cử chỉ của người thanh niên. Nhưng chúng cũng nhìn theo, vẻ ngờ ngợ. Một thằng nhún vai một cách rất lính tẩy. Nó đưa bàn tay chém vào cổ nó, ra vẻ dọa những người bên Bờ Hô, uốn lưỡi, gầm gừ dằn từng tiếng:

- Việt Minh, vermine! (2)

Rồi chúng tiếp tục đặt những dây điện thoại óng ánh vàng theo con đường Tràng Thi, Hàng Khay, Tràng
Tiền.

Tự nhiên Loan thấy yêu cái anh chàng mặt dài kia mà Trần Văn cho biết tên là Nhật Tân. Nếu anh bắn vào
trúng đầu thằng Tây ngồi xe gíp lúc nãy, thì Loan hả hê biết mấy.

Trần Văn kéo Loan đi. Bàn tay trong bàn tay lạnh giá của Trần Văn, Loan cảm động thấy mình được anh
giữ gìn, che chở. Nhưng Loan khe khẽ rút tay ra, vừa vì ngượng, vừa vì thấy mình không đến nỗi bé bỏng quá để phải có người lớn dắt, nhất là trong lúc mọi người đang phải cứng cáp lên. Trần Văn lại cầm lấy tay Loan, nói nhỏ, nhưng giọng bực tức đến nghẹn ngào:

- Pháp nó đòi tước vũ khí của tự vệ. Ở Hải Phòng, nó đánh ta, cũng mở đầu bằng việc đòi giải tán tự vệ.
Loan hỏi:

- Mình có chịu không, thưa anh?

- Hội đồng Chính phủ đang bàn. Nhưng chịu thế nào được. Chính phủ đã hạ lệnh cho thanh niên sẵn sàng,
tức là đã có thái độ cương quyết. Đối với chúng nó, không thể nói lẽ phải mãi được, mà phải cứng.

- Lúc nãy cứ để cho cái anh gì bắn chết mấy thằng có hơn không? Có khi nó sợ không dám làm già nữa. Cứ thế này mãi thì hoang mang lắm.

Vừa nói, Loan vừa chỉ vào Nhật Tân đi trước cách họ chừng năm sáu bước. Bên cạnh là cái anh nhỏ bé chỉ cao đến vai Nhật Tân. Nhật Tân hoa chân múa tay, con Lu lu chạy lên rồi lại quay xuống. Họ đi về phía Hàng Trống. Trần Văn giữ Loan lại, thở dài:

-Nóng gáy không được. Nó chỉ tìm cớ để đổ vạ cho mình. Mình thì khổ một cái là cứ phải giữ gìn. Nhục quá Câu Tiễn. Một người của nó bị giết, nó sẽ nói: Đấy tự vệ của anh thế đấy. Chúng tôi phải đảm bảo an ninh
cho quân đội và kiều dân chúng tôi. Rồi nó sinh sự. Tám mươi năm nó cướp bóc nước mình, còn lạ gì cái dã tâm của nó.

- Cái ông cán bộ đi với Nhật Tân lúc nãy chào anh là ai đấy?

- À chính ông Quốc Vinh đấy.

- Ông Nguyễn Quốc Vinh đấy ư, anh? Bé nhỏ thế thôi à? Phó chủ tịch ủy ban bảo vệ mà trẻ thế ư, thưa anh?
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #13 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2011, 08:03:20 pm »

Loan trông theo Nguyễn Quốc Vinh đi trước năm sáu bước, mà anh thoáng thấy gầy và xanh. Loan ngạc nhiên trước một sự thật hoàn toàn khác với quan niệm của anh. Qua những câu chuyện do Trần Văn kể lại trong khi đi đường, anh cho là cái nhân vật quan trọng ấy phải to lớn, vạm vỡ, đanh thép, theo đúng nghĩa một chiến sĩ cách mạng. Nhưng Loan lại nhớ đến những thiếu niên tướng quân nho nhã trong các tiểu thuyết Tàu có dưới trướng hàng trăm vạn binh và những tì tướng võ nghệ cao cường. Nghe tiếng kêu của Loan, Quốc Vinh quay lại. Lần này thì Loan thấy anh ta tiều tuỵ quá, mắt lại có vẻ lấm lét. Trần Văn nói như để giải thích về cái trẻ của Quốc Vinh:

- Người ta nói Chính phủ ta trẻ. Các bộ trưởng còn trẻ, huống chi là những cán bộ như ông này. Thế là tốt chứ, nghĩa là dân tộc mình còn trẻ…

Anh chưa nói hết câu, thì từ phía nhà Quốc hội tiến lại, hãi hùng như trong một cơn mộng dữ, một đám người to lớn, quần áo toàn một màu xám xịt. Chúng nói một thứ tiếng Tàu nặng trịch, cộc lốc, man rợ. Đứa thì đầu để trọc, đứa đội mũ bê-rê, có đứa đội cả cái thứ nón sơn vành rộng. Đứa thì đi giày Tây không đánh xi bao giờ, đứa thì đi giày Tàu vải đen, đứa thì đi hải sảo. Phần lớn đứa nào cũng đeo cái bao súng gỗ, nó càng làm tăng cái vẻ thô lỗ của chúng. Mặt đứa nào cũng to, với những nét nhăn của bọn hung đồ. Một đứa có một vết sâu hoắm làm lũng cả một bên má, vết sẹo tội lỗi của một tên tướng cướp. Chúng đi nghênh ngang, lộn xộn, hơi rượu bốc lên sặc sụa. Hình ảnh cục cằn, tục tĩu, ồn ào dâm ác của sòng bạc, của tàu ô, của hắc điếm, của những cuộc bắt cóc, chém giết vô tội vạ. Hình ảnh ghê tởm còn rớt lại của đạo quân Tàu trắng tiếp phòng những ngày đầu cách mạng còn in sâu trong kí ức của người Hà Nội đã trải qua nhiều cuộc hưng vong. Hình ảnh hãi hùng của những con quỷ đã gây nên bao nhiêu vụ tàn sát đẫm máu gần đây ở Hải Phòng. Mấy hôm nay, cái tin Pháp đưa rất nhiều thổ phỉ ở Phòng lên càng làm cho dân chúng xôn xao, lo sợ. Khi chúng đến gần Loan có một cảm giác lành lạnh, hôi hám tưởng như mình sắp gặp một điều gì chẳng lành.

Trần Văn nháy Loan rẽ ra phía bờ hồ. Lá rụng trên cái thảm cỏ sạch khô, mới hôm nào còn là những hầm trú ẩn đào trong những ngày chiến tranh vừa qua, gợi lên những tiếng còi báo động, rùng rợn, và ban đêm những cái bóng lạnh lẽo của những gái lữa làm tiền. Một buổi sáng mùa thu, chỉ cách đây vài tháng, khoảng cái ngày Trần Văn đến dạy ở trường mới, tất cả Hà Nội đã ra đây lấp các hầm hố. Trong buổi sáng ấy, Trần Văn tưởng như bóng ma chiến tranh sẽ không bao giờ còn trở lại nữa. Không ngờ, nó đang rầm rập đến sau lưng. Nhưng lần này thì không phải là một cuộc chiến tranh mà đối với nó, anh có thể là một người ngoài cuộc, mong bên này được, muốn bên kia thua như trong cuộc xung đột lớn trên thế giới vừa qua. Đây là một cuộc chiến đấu sống chết với cả khối Pháp, thổ phỉ, lê dương liên kết lại, trong đó anh phải là người dự cuộc và mặc dầu bỡ ngỡ, anh không thể trốn tránh. Từ lúc nãy đến giờ, sự xấu hổ tủi nhục cứ xoáy mãi vào lòng anh, làm cho anh tức thở và chốc chốc lại đau nhói. Anh muốn thoát ra, mà có cái gì cứ chập lấy anh. Anh muốn vươn lên, nó cứ đè anh xuống. Anh muốn bước nhanh, mà chân cứ nặng nề. Anh muốn thét lên một tiếng kêu to, nhưng miệng anh như ngậm sỏi, và khi anh nói ra, anh cảm thấy lời nói gượng gạo, nhạt nhẽo, rời rạc, đứt hơi. Nỗi giận càng phải kìm đi anh càng thấy mệt mỏi và bất lực. Trong trí anh, lộn xộn những hình ảnh của bọn mũ đỏ thâm thù, của bọn Tây đầm ngạo nghễ, của mấy thằng bồi hèn hạ, của lá cờ bị vò nát, của anh thông tin vô tội mà lúc này có lẽ chúng đang tra tấn trong khi đó có thể vợ anh ta đang rưng rức khóc thầm. Hai hàm răng rít lại, anh run run nghĩ đến cái phút sảng khoái được cầm một con dao sắc thọc sâu vào cổ một thằng giặc không cứ là đứa nào. Nhưng anh nhắm mắt lại, cảm thấy bàn tay mình yếu ớt, không quen. Trong uất ức, anh bỗng thấy chói lên những vinh quang của người anh hùng áo vải mà sự nghiệp cứu nước dính chặt với Hồ Gươm. Nhưng chúng chỉ lóe lên như ánh chớp. Anh vẫn đứng trước cái thực tế đau khổ là mấy thằng mũ đỏ đang chửi vào mặt anh, ngay bên cái hồ oanh liệt.

Lá rụng trên vai anh. Gió lạnh của Hồ Gươm phả vào mặt anh, làm cho anh dịu dịu. Nước hồ phẳng như gương, lá cây và váng nước xanh vẩn. Hàng liễu trên bờ phía Cầu Gỗ buông rủ những mành thấp thoáng như sương. Những con đường nhỏ lượn dưới bóng những cây cổ thụ quạnh hiu, cuốn bay vài tà áo màu còn sót lại. Cầu Thê Húc, khom khom, đã ngả màu hồng nhạt. Trấn Ba Đình ủ rũ thấp xuống như bị dình. Tất cả đều im lìm, chờ đợi. Những con rùa lịch sử, chiến thắng và hoà bình, không thấy bóng tăm trên mặt nước. Cả đến đàn cò, từ năm này qua năm khác, không bao giờ rời cây gạo thân cao thẳng vút và trắng toát cũng không xào xạc như mọi khi. Chúng đi đâu hay đã nằm im trong tổ. Cái hồ yêu dấu như cũng cảm thấy dân tộc đang gặp khó khăn, và lắng xuống lo âu.

Trần Văn chỉ cái tháp Rùa mốc rêu đứng giữa hồ, nói với Loan, như để tự an ủi:

- Loan có trông thấy không, lá cờ trên đỉnh tháp Rùa. Nếu không còn nó thì chẳng còn gì!

Bỗng có mấy tiếng súng nổ ở đâu gần lắm. Loan ríu lưỡi không nói được. Tiếng súng mỗi lúc một ran ran, oàng oàng, cục cục. Hai người chưa nhận ra được tiếng súng nào vào tiếng súng nào, chỉ có cảm tưởng hoang mang là đã có bắn nhau. Tiếng nổ mỗi lúc một dữ dội. Đã chiến tranh rồi ư? Trần Văn và Loan cắm đầu chạy. Chung quanh hồ, những bóng người lao đi trông trước trông sau. Chẳng thấy bóng bọn mũ đỏ, thổ phỉ đâu nữa. Một chiếc máy bay rè rè lượn trên đầu mọi người.

Chú thích:

(1)Đập vỡ miệng nó ra!

(2) Việt Minh loài giòi bọ!
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #14 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2011, 08:48:15 pm »

Chương 5

Không quen dậy sớm, nên khi trở về, Trinh lên ngay gác, vào buồng riêng định ngủ thêm. Bao đã đi làm, con Diễm còn ngủ. Chồng Trinh xếp đặt nhà ở theo đúng cái tiện nghi của một đời sống Âu hoá. Hai vợ chồng và con Diễm đều có buồng riêng. Trinh có thêm cả một phòng chứa những quần áo rất nhiều của mình. Nhà dưới là xa-lông, phòng ăn, và nơi làm việc của Bao, bồi, bếp, sốp-phơ ở nhà ngang.

Trinh không sao ngủ được, mấy lần đã định dậy, nhưng nghĩ chẳng có việc gì, nên vẫn nằm. Chị với lấy một cuốn Dekobra, nhưng mỏi tay và cóng buốt, chị lại bỏ sách cho tay vào trong chăn, lim dim mắt hưởng cái êm dịu của ấm áp và yên ổn. Từ khi lấy chồng, Trinh đã quen với một cuộc đời mà mình hoàn toàn không phải lo liệu. Bao không muốn Trinh phải bận vào một việc gì có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và sắc đẹp của Trinh. Đối với Bao, không những Trinh có tình yêu mà còn có cả biết ơn và kính phục. Sau khi đoạn tuyệt với Trần Văn, Trinh cũng có nhiều lúc bứt rứt. Nhưng rồi ngày một ngày hai, trôi theo hạnh phúc của gia đình, câu chuyện cũ ấy như một mũi nhọn đã bị mài đi không xoáy vào lòng Trinh nữa. Vả lại, trong việc Trinh lấy Bao, mới đầu Trinh có cưỡng lại. Cũng như nhiều kẻ ích kỉ, lợi thì mình hưởng, nhưng trách nhiệm thì đổ cho người khác, Trinh thường tự bào chữa: Cuối cùng là mẹ quyết định chứ không phải Trinh. Khi có con rồi, Trinh càng yên tâm. Phận của Trinh đã được an bài như thế rồi.

Trinh là con một gia đình tầm thường. Bố Trinh làm nghề bán sách. Khi ông mất, bà Hai Vịnh mới ngót ba mươi. Nhưng bà ở vậy nuôi con. Trước bà đi buôn hàng tấm, sau mới được một cửa hàng quần áo cũ. Buôn bán cũng đủ ăn. Bị họ nhà chồng và cả họ nhà mình khinh rẻ, vì không có của, bà chỉ có một nguyện vọng thiết tha là Trinh sẽ sung sướng hơn mình. Bà dốt nát thì Trinh phải được đi học. Bà vất vả thì Trinh phải được an nhàn. Bà không có thừa tiền thì Trinh phải giàu có. Trinh chỉ có việc ăn và học. Bà đón cả thầy giáo về kèm cặp thêm cho Trinh. Trần Văn được bà tin cẩn trong công việc ấy. Văn hơn Trinh bốn tuổi. Trinh phục Trần Văn là người đứng đắn, tự học mà đỗ tú tài tây. Song song với sự tiến bộ trông thấy của Trinh, mối tình giữa hai người dần dần nảy nở. Vì là chỗ quen cũ với mẹ Trần Văn, bà Hai cũng muốn cho hai trẻ nên vợ nên chồng. Bà chưa vừa ý một điểm: Trần Văn chỉ là một cậu giáo trường tư. Thấy Trần Văn có đủ sức để đỗ bằng to, có lần bà đã khuyên anh nên dấn học thêm, nhưng anh chỉ cười. Mẹ Văn đã xin cho cưới, nhưng bà Hai muốn để cho Trinh đỗ cao đẳng tiểu học xong đã, Trinh còn đang học năm thứ tư. Thế rồi Bao ở Pháp về. Gặp Trinh trong một đám cưới, Bao chú ý ngay đến vẻ đẹp dịu dàng của Trinh mà Bao cho là rất phương Đông. Bao có đủ những điều kiện giàu sang mà bà Hai hằng mơ ước; nên không đầy nửa năm theo đuổi, anh lấy Trinh…

Trinh sống một cuộc đời đầy đủ, cách biệt với bên ngoài. Bạn bè cũng thưa dần. Có gặp Trinh, họ cũng không niềm nở lắm. Có người nói Trinh lấy được chồng sang, khinh chị em, có người lại thưỡi Trinh là bà hoàng đường Quan Thánh. Trinh được biết rằng Oanh, người bạn học cùng trường Đồng Khánh trước kia nói là Trinh nô lệ chồng. Những chuyện ấy không làm cho Trinh vui lắm, nhưng Trinh nghĩ: “Cho chúng nó nói. Đời ai người ấy lo. Lạ gì cái thói ghen ghét”. Trinh biết là bạn học có nhiều đứa hoạt động. Trinh lại càng xa. Một hôm, Trinh đọc một bài phóng sự về phụ nữ Thủ đô đăng trên trang phụ nữ của một số báo Cứu quốc, thấy nói chị em hăng hái lắm; người thì đi mượn ống tiêm để làm cứu thương; người thì huấn luyện một lớp tuyên truyền xung phong; ở ngoại ô lại có cả một chị đeo súng đứng gác kiểm soát giấy má những người qua lại… Trinh cho là đua đòi, là mốt mới. Những công việc ấy có một.cái gì trẻ con, khôi hài, lố lố. Hợp với tính chồng Trinh sợ tất cả những cái gì là pô-puy-lô (1). Tuy vậy, Trinh vẫn thấy ngượng mỗi khi gặp lại một đứa bạn học cũ. Trinh sợ chúng nó hỏi Trinh làm gì. Trinh sợ chúng nó nhắc lại những chuyện hồi đầu cách mạng năm ngoái. Trong những ngày rầm rộ ấy, Trinh đã tham gia cuộc biểu tình rất lớn phản đối phái bộ Anh, dịp quân Anh giúp Pháp trở về Nam Bộ. Trinh muốn quên hết cả để được sống cho mình, vì mình. Trong cái thế giới của Trinh rút lại chỉ còn mẹ, chồng và con Diễm.

Nhưng gần đây, tình hình bên ngoài cũng bắt đầu làm cho Trinh lo ngại. Bao không muốn để cho Trinh biết, sợ Trinh bận tâm vô ích. Mặc dầu vậy, một vài tin tức chung quanh vẫn cứ bay tới nơi Trinh ở, như những giọt nước nhỏ của một trận mưa rào lọt qua khe cửa kín. Trinh không dám hỏi Bao, sợ phiền chồng. Sau vụ Pháp đánh Hải Phòng, Trinh băn khoăn, Bao nói: “Nước Pháp tôn trọng chữ kí. Không có gì đâu”. Bạn bè của Bao đến chơi, cũng nói: “Nó chiếm Hải Phòng chứ không dám động đến Hà Nội. Hà Nội là Thủ đô”. Nhưng người ta đục nhà, đục cửa, người ta sắm súng ống. Năm lần bảy lượt, tự vệ đến từng nhà giục đàn bà trẻ con tản cư. Trước bà Hai còn nói: “Rồi lại như hồi đầu năm. Cụ Hồ sẽ thu xếp đâu vào đấy”. Thế rồi mấy hôm nay ngày nào bà cũng chạy đến bảo Trinh nên lo cho con về quê ngay. Nhiều bạn của Bao cũng cho gia đình đi. Trinh sốt ruột hỏi chồng. Bao gắt và nói: “Em không tin vào anh nữa à? Anh còn ở đây thì em lo cái gì?” Trong thâm tâm, Trinh cũng muốn rời Hà Nội ít bữa. Nhưng từ khi Bao gắt, và đây là lần đầu tiên Bao gắt, Trinh không muốn nói gì với Bao nữa. Trinh đành bàn với mẹ hãy về quê trước, xem thế nào rồi Trinh sẽ nói với Bao cho về sau.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #15 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2011, 08:49:15 pm »

Tiễn mẹ đi rồi, Trinh thấy như hẫng hẳn cuộc đời. Cái xã hội nhỏ bé của Trinh lại càng thu hẹp. Trinh tủi vì Bao không ra ga tiễn mẹ. Cuộc gặp gỡ với Trần Văn làm cho Trinh nghĩ ngợi thêm nhiều. Trinh ngược lên những ngày của mối tình đầu, trở lại cái buổi sáng hôm nay, bứt rứt không hiểu vì sao Trần Văn đang nói chuyện lại bỏ đi ngay. Kể từ khi Trinh đi lấy chồng, Trần Văn chưa hề có một lời trách móc, nhưng sự im lặng giữa hai người không bằng lòng nhau, thường đau đớn hơn là một sự bùng nổ. Từ chuyện Trần Văn, Trinh lại trở lại mối lo về tình hình Trinh không muốn nghĩ, nhưng mối lo cứ ùa tới. Tiếng khuân gỗ, tiếng reo hò đóng cọc của anh em tự vệ đang chuẩn bị phòng thủ ở dưới đường, bên ngõ Yên Ninh, ầm ầm đưa lên, làm cho Trinh nhức óc, và như làm rối cái buồng Trinh ở. Nó yên và ấm biết bao cái buồng lịch sự, quét vôi xanh sẫm, mà qua cái cửa sổ rộng rèm kép, ánh sáng gạn lọc rọi vào dịu như nhung tơ. Cái gương lớn trên bàn phấn phản chiếu cái giường gỗ lát kê trên tấm thảm lông dê. Trinh tự thấy mình đẹp đẽ giữa cái đống gối chăn thơm nhẹ, mớ tóc đen làm nổi cái màn trần tuyn trắng muốt. Tất cả đều tĩnh mịch, cái ghế phô-tơi nặng bên cái đèn cây góc phòng, những cái pouf (2) quanh cái bàn nhỏ màu cờ-rem sô-cô-la nhạt. Không có tranh, không có tượng làm loạn mắt. Chỉ có ảnh con Diễm treo tường, trên cái tủ sách nhỏ của Trinh. Một bó hoa hồng trong cái lẵng pha-lê Tiệp xinh xắn đặt trên nóc tủ gieo một niềm vui kín đáo vào gian buồng xinh đẹp. Trinh bâng khuâng trong cái không khí nhàn nhã, mà những đồ đạc như mơ, và quấn lấy chị. Nhưng Trinh vẫn cảm thấy có cái gì đang lay mạnh dưới giường. Chênh vênh như một cái cây người ta đang đẵn gốc, Trinh hoảng hốt, bịt tai để không nghe những tiếng động bên ngoài. Trinh úp mặt vào gối, buông một tiếng thở dài khuấy động cái buồng lặng lẽ.

Trinh đọc báo thấy đăng ở một góc mấy dòng vắn tắt: “Hãy đề phòng trường hợp lạc trẻ. Ngay từ bây giờ, mỗi gia đình chưa tản cư nên sẵn sàng đính vào áo, hoặc làm dây đeo tay, những mẩu vải ghi tên và họ các em, tên cha mẹ và địa chỉ gia đình để đề phòng những trường hợp lạc trẻ khi xảy ra chiến tranh”. Không phải là một tin quan trọng, mà sao Trinh lo sợ, tay chân run rẩy. Trinh bấm chuông gọi người vú em sang. Diễm ngồi trên tay người vú, một chiếc áo lông trắng phủ kín cả đầu và chân tay con bé, chỉ để lộ cái miệng, cái mũi và đôi mắt một mí giống Bao. Trông Diễm như một đứa trẻ Nhật. Hai bàn tay Diễm lút trong ống tay áo đập không khí một cách vụng dại, chân Diễm đạp nhoay nhoáy, miệng Diễm vừa reo vừa phun nước mưa. Trinh ngồi trên giường chìa tay đón con. Diễm hêu miệng ngóng chuyện. Trinh ôm con trong cánh tay nhỏ nhắn, áp má nó vào má mình. Người ta có cảm tưởng rằng đấy là hai chị em, vì Trinh trẻ một cách lạ lùng. Trong cảnh êm ấm Trinh không dám nhìn xuống đường. Nhưng bên kia, đầu ngõ Yên Ninh, Trinh vẫn có cái cảm giác là cái ụ đất với những cây gỗ lớn tua tủa đang sừng sững dâng lên. Nam nữ thanh niên đang tấp nập, rối rít, kẻ cuốc đất người kéo gỗ. Trinh nhắm mắt, nhưng cảnh cảnh tượng rối loạn ấy vẫn cứ quay cuồng làm cho Trinh chóng mặt. Trinh phân vân không biết cho Diễm đi hay ở lại, đeo dấu cho con hay không. Diễm khóc đòi đứng lên. Nó đã quen được ẵm trước cửa sổ để nhìn ra ngoài. Trinh nói: “Sợ lắm con ạ!”. Nó càng khóc, toài ra với người vú. Vú em hé cái rèm kép. Đầu ngõ Yên Ninh đen đặc những người đang đắp ụ.

Trinh giật mình. Tiếng máy bay ù ù, rè rè trên đầu. Trinh chưa kịp đưa Diễm cho vú em thì cái gác xinh xắn của Trinh rung lên. Máy bay là là các mái nhà, nghiêng cánh. Tiếng súng nổ vang động cái phố yên tĩnh. Trinh thoáng thấy trong ngõ Yên Ninh người ta chạy bắn vào hai bên hè. Một con bé đang ăn phở bị trúng đạn, ngã xuống, bát phở văng đi. Người vú một tay ẵm Diễm, một tay dắt Trinh, chạy xuống dưới nhà. Trinh ôm chầm lấy người vú, rên rỉ: “Làm thế nào bây giờ?”.

Hai đầu ngõ Yên Ninh bị vít lại. Xe tăng, háp-tờ-rắc của quân Pháp đỗ bên đường Quan Thánh, bắn phá cái ụ, bắn xả vào trong ngõ. Súng trường của tự vệ Yên Ninh lẻ tẻ bắn lại. Một tên lính Pháp đứng trên xe cam nhông ngã gục xuống đường. Một tiếng thét: “A mort les Viet Minh assassins!” (3). Những cây gỗ đã bị nhổ mang lên xe. Cái ụ đất bị san phẳng. Trọng pháo ở trong thành bắn sang yểm hộ. Ngôi chùa nhỏ ở trong ngõ đổ sụp. Tiếng súng của tự vệ im bặt. Hơn một chục lính mũ đỏ rầm rập tiến vào cái ngõ vắng tanh, bụi bốc mù rải rác mấy xác người nằm chết hai bên hè. Từ cái chùa đổ cuồn cuộn bốc lên một đám khói to. Bọn lính sục vào trụ sở của tự vệ ở đầu phố.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #16 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2011, 08:50:32 pm »

Một thằng lính thấy hút một thanh niên từ trụ sở chạy sang một cái nhà nhỏ không có gác. Nó lăm lăm khẩu súng đuổi theo. Cánh cửa mở ra, giữa tiếng kêu hãi hùng của một người đàn bà và hai đứa con luống cuống trong một gian nhà nhỏ tối mờ mờ, đồ đạc được thu dọn cả, chỉ còn trơ một cái giường. Nó hỏi Việt Minh, người mẹ không biết tiếng Pháp quỳ xuống chắp tay vái lia lịa, miệng van lạy: “Quan lớn làm phúc, tha cho mẹ con chúng tôi”. Tên lính hỏi dồn. Nó nắm lấy tóc người mẹ lôi dậy, gật gật đầu cười. Người mẹ tưởng như nó tha mình, ú ớ: “Trăm lạy quan lớn”. Nhưng tên lính cười gằn, lật mặt người mẹ ngửa ra đằng sau. Cái cổ tròn căng thẳng thoi thóp, gợn mấy đường gân xanh. Một bàn tay chới với nắm lấy cái bàn tay của đứa con trai lớn chừng năm tuổi. Đứa con gái nhỏ mới hai tuổi giẫy đành đạch hờn với mẹ, hai tay bíu vào cái gấu quần lụa trong: “Mợ ẵm con. Mợ ẵm con”. Tên lính tháo đôi hoa tai của người mẹ, thản nhiên đút vào túi. Mặt người đàn bà trắng như một tờ giấy, thân oãi cong lên. Môi tên lính rung rung. Nó tuốt lưỡi lê đâm gọn vào cái cổ, tay nắm tóc buông ra. Đầu người mẹ gieo mạnh xuống sàn gạch. Không một tiếng kêu. Lưỡi lê lại vung lên, đứa con lớn đứng bên xác mẹ vừa khóc vừa đưa hai bàn tay nhỏ bé lên đỡ. Một ánh chớp loáng. Hai bàn tay vụng dại nắm chầm lấy cái lưỡi lê đâm mạnh, thọc sâu vào ngực nó. Người thanh niên từ lúc nãy vẫn chúi dưới gầm giường, đến đây không chịu nổi, anh thét: “Quân dã man phát-xít!” Anh bò ra đứng phắt dậy, xông thẳng tới trước mặt tên lính, giáng một quả đấm vào ngực nó. Lưỡi lê trong tay nó bắn ra, rơi xuống gạch. Tên lính lùi lại. Đứa con gái không khóc nữa. Nó bò tới xác mẹ, rúc đầu vào nách, chân gác lên bụng, tay quờ lên má mẹ. Thấy tay nó đỏ lòm, nó lại khóc rít lên. Anh thanh niên lao cả người vào tên giặc. Nó vừa lùi vừa rút súng lục. Anh rú như điên: “Tao giết mày. Cả lò thằng Pháp chúng mày”. Bên ngoài, hai tên lính khác bước vào. Một đứa giơ giày đinh đá phốc vào mạng mỡ người thanh niên. Anh bị bắn vào tường. Vừa ôm bụng, vừa chửi rủa, anh gượng đứng lên. Tay anh quờ được cái âu trầu ném thẳng vào tên lính. Cái âu rơi đánh xoảng xuống đất. Chúng nó đã sấn lại. Một thằng nắm được tóc anh, một thằng giữ lấy hai tay anh, bẻ ngoặt sang sau. Đầu người thanh niên vênh lên, tóc rũ xuống che kín mặt. Tên lính đứng trước mặt anh, và thong thả tát vào hai má anh như mèo tát chuột, mồm nó làu bàu những tiếng Pháp thô tục. Chúng kéo anh đến giường, ấn anh nằm xuống, đè ngửa lên, lột hết áo ra. Anh giãy giụa một cách tuyệt vọng. Một thằng lấy cái âu trầu. đem đến đặt ở dưới đầu giường. Anh vùng đậy, chửi rủa. Chúng nó dằn anh xuống. Thằng lính lạnh lùng nói: “Mày đừng sợ. Tao không làm gì mày đâu. Mày xem, tao có làm gì mày đâu”. Nó vít đầu anh xuống. Chợt một lũ lính khác dẫn một đám dân phố đi qua. Thằng lính ê ê gọi vào. Tiếng cười của bọn lính cất lên như trong một đám tiệc. Chúng dồn mấy người già lên trước. Họ quay mặt đi, nhưng những bàn tay lông lá đã vặn những cái đầu quay lại phía đầu giường. Chân người thanh niên đạp mạnh, cáí bụng phập phồng. Hai hàm răng nghiến vào nhau kèn kẹt. Lưỡi lê đỏ máu của tên lính hung ác dứ dứ mấy cái rồi đâm phập vào cổ ằng ặc của người thanh niên. Nó xoay nghiêng cái cổ cho máu ồng ộc chảy xuống cái âu trầu. Mấy ông già run rẩy ngồi thụp xuống nhắm nghiền mắt lại. Một ông cụ râu tóc đều bạc xô một thằng Pháp đứng sau để chạy. Bên xác người mẹ, đứa con gái khóc bằn bặt không thành tiếng. Bỗng tên lính giết người kéo ông già râu bạc lại. Nó cầm cái âu đầy máu ngầu bọt, kề vào miệng cứng đờ của ông cụ, nói: “Mày húp đi, mày húp trước đi. Rồi chúng mày thay nhau mà húp”. Những tiếng cười của bọn giết người lại nổi lên trong cái gian nhà lênh láng máu…

Cuộc chém giết kéo dài cho đến quá trưa. Chúng quăng mấy cái đầu lâu ra giữa đường và lên xe kéo về Cửa Bắc. Một chiếc máy bay vẫn lượn sát các mái nhà. Tiếng khóc thảm thiết nổi lên trong cái ngõ đổ nát và cháy rừng rực. Người ta bới tìm xác của những người thân.

Một chú bé chừng tám chín tuổi chạy vào trong cái nhà đã xảy ra vụ thảm sát. Người ta đang lố nhố thu dọn. Một tự vệ ẵm đứa con gái đỏ lòm ở trong đi ra. Chú bé nhận ra em nó. Nó vồ lấy con bé, tay áo và áo sơ-mi của nó cũng bê bết máu. Người tự vệ nói: “Em hãy ẵm em bé di. Chốc nữa hãy về”. Nó nhòm vào trong nhà, khóc rống lên: “Mợ ơi! Mợ ơi!” Con bé hỏi anh: “Mợ đâu? Mợ đâu rồi?” Nó lại oà lên khóc, nhưng sợ một cái gì, nó lại nín. Thằng anh cõng đứa em, ngơ ngác đứng ở trước cửa nhà mà cái thềm hằn những vết chân đỏ nhợt. Chú bé thất thểu đi, hai tay giữ lấy hai chân em. Đầu con bé rũ xuống vai anh. Nó im thin thít bậm môi nuốt những dòng nước mắt đỏ. Chú bé đứng ngây nhìn vào trong nhà, chân nó giẫm lên đống gạch vụn. Người ta xúm lại chung quanh hai em. Thằng anh vẫn ngẩn ngơ hỏi: “Mợ em đâu?” Một bà cụ gạt nước mắt bế con bé, ủ nó bằng vạt áo bông cộc của mình và nói: “Chính phủ còn đợi gì? Để cho nó giết dân thế này”.

Tất cả những chuyện ấy, qua những lời thì thầm của người trong nhà, đều đến tai Trinh. Trinh chỉ biết chúi vào cái xó sâu nhất của cầu thang. Trinh rên rỉ, tay ôm lấy Diễm, chốc chốc lại gọi chồng. Trinh giận Bao và định bụng cứ về quê với mẹ dù Bao không cho phép.

Khi Bao về, Trinh vẫn như người mất trí. Trông thấy Bao, Trinh chỉ thở dài. Bao giục:

- Hãy tạm đến nhà bác Cự Lâm đã. Chúng nó có thể trở lại.

Trinh run rẩy bước ra khỏi nhà, lạnh buốt như người đang mặc ấm phải cởi áo ra. Mỗi bước chân đi, tưởng như là một bước nguy hiểm. Trinh lầm lì không nói, nhắm mắt không dám nhìn sang bên ngõ. Nhưng Trinh cũng thoáng thấy người ta đang cáng những xác người chết. Ngoài đầu ngõ, sau một ụ cát, một người tự vệ quen mặt vẫn bồng súng đứng gác, như không có chuyện gì xảy ra. Trinh ngẫm nghĩ: Không đánh được thì bày trò ra làm gì. Không đắp ụ thì làm gì mà nó giết! Trong xe, Bao ngồi bên Trinh, tay ôm vai vợ:

- Em không sợ. Anh sẽ kiếm một nơi yên ổn nhất để em ở. Ở đấy em sẽ chẳng biết lo sợ là gì.

Trinh ngả đầu vào vai chồng, và dịu dịu ngồi yên để Bao vuốt lại tóc cho mình. Chiếc xe Xi-tờ-rô-en chạy trên đường Quan Thánh nhốn nháo những người dắt díu, bồng bế nhau chạy. Anh sốp-phơ phải bóp còi inh ỏi, nhưng xe vẫn phải dừng lại luôn.

Chú thích

(1) Bình dân lôm lam, tầm thường

(2) Ghế đẩu thấp, không chân, có nệm

(3) Tàn sát bọn Việt Minh giết người!

Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #17 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2011, 08:51:31 pm »

Chương 6

- A-lô! A-lô! Thưa quốc dân đồng bào. Bộ chỉ huy Pháp đã lộ dã tâm bội ước của họ. Chúng âm mưu vi phạm Hiệp định sơ bộ mồng sáu tháng ba và Tạm ước mười bốn tháng chín mà Chính phủ Pháp đã long trọng kí với Chính phủ ta, công nhận nước ta là một nước tự do. Sau khi đánh chiếm Hải Phòng, từ đầu tháng này, chúng đã khiêu khích chúng ta ở ngay thủ đô Hà Nội. Từ những vụ tụi lính mũ đỏ được tung ra đi quấy rối các phố, cướp giật từng gói thuốc lá, từng quả chuối, từng chiếc bánh mì, thậm chí cướp cả hộp xi đánh giày của trẻ con, đấm đá những người tàn tật, hành khất, bắt cóc đàn bà, con gái, xông vào các hiệu ở bờ sông, Hàng Bông, Hàng Nón, cướp của tống tiền, từ những vụ lẻ tẻ ấy, chúng tiến lên những hành động trắng trợn như ở Gia Lâm xông vào làng cướp hai mươi chín con bò, ở nhà thông tin Tràng Tiền, chúng hạ quốc kì của ta, đâm nát ảnh Hồ Chủ tịch. Và sáng hôm nay, ngang ngược hơn nữa, chúng đã huy động cả máy bay, xe cơ giới gây ra vụ tàn sát ở ngõ Yên Ninh, Hàng Bún. Thưa quốc dân đồng bào…

Chiếc xe ô tô Rơ-nôn, sơn nguỵ trang màu đất và lá cây loang lổ, gợi lại cái hình ảnh của thời kì Nhật đóng, từ từ đi khắp các phố Hà Nội loan báo cái tin hung dữ. Mũi xe cắm một lá cờ đỏ sao vàng đuôi nheo viền đen. Hai thành xe, có hai biển vải trắng đen. Một bảng đề: Trả thù cho 23 đồng bào bị giết ở ngõ Yên Ninh! Một bên đề: Thanh niên sống chết với Thủ đô! Qua chiếc máy phóng thanh đặt bên cửa kính trước mặt, tiếng nói phụ nữ đưa ra, chua chua, đều đều. Xe chật lèn những thanh niên nam nữ, phần lớn là học sinh, kẻ mặc áo ka-ki, người mặc áo màu xanh đỏ. Người dân khu phố ngồi ở trong nhà nghe, hoặc mở cửa chạy ra đón cái xe, mặt người nào cũng rầu rầu sắt lại. Tin Yên Ninh đã truyền đi khắp thành phố như một luồng gió thổi qua. Hà Nội lầm lì, căm giận và lo sợ. Xe đi qua phố Cầu Gỗ xơ xác, tán loạn. Máy bay vẫn ầm ì trên đầu. Tiếng người phụ nữ cất lên:

- Quân Pháp đã bắt anh em tự vệ Yên Ninh phải phá ụ đi. Anh em không chịu, nhưng vẫn theo lệnh của Chính phủ, hết sức tránh khiêu khích. Khi chúng nổ súng rồi, anh em bắt buộc phải bắn lại… Hiện nay, ngõ Yên Ninh chìm trong đau thương, tang tóc. Nhưng có phải vì khủng bố mà anh em tự vệ mất tinh thần không? Không. Trật tự trong phố lại được trở lại, các ụ lại được dựng lên, tự vệ lại gác. Thanh niên Hà Nội là như thế đó. Đô đốc Đác-giăng-li-ơ nói rằng: Một luồng gió kinh hoàng chưa hết thổi trên nhân dân Việt Nam. Không. Không có một luồng gió kinh hoàng nào thổi lên nhân dân Việt Nam, như nó đã thổi trên nhân dân Pháp khi chúng đón quân Hít-le vào, khi chúng quăng súng ôm đầu chạy trong trước quân Nhật hồi mồng chín tháng ba năm ngoài.

Trong đám đông, một thanh niên mặt dài, nhảy lên kêu:

- Bravo! Bravo! (1)

Đấy là Nhật Tân. Anh mặc chiếc áo ra-gờ-lăng màu xám, phình ra ở hai bên hông, dưới gấy thò cái đầu vỏ thanh kiếm Nhật, mũ nhung đen che một bên mắt. Con Lu lu đứng bên anh. Tiếng người phụ nữ lại nói:

- Đồng bào yêu quý. Tình hình trở nên nghiêm trọng. Nhưng chúng ta hãy bình tĩnh đợi lệnh Chính phủ. Ai không có việc gì, nhất là cụ già, trẻ em, thì nên thu xếp tản cư, không nên dùng dằng nữa. Hỡi anh chị em thanh niên. Tổ quốc đang chờ đợi chúng ta. Đối với những khủng bố của quân Pháp, chúng ta chỉ có một con đường: Sống chết với thành phố Hà Nội. Chỉ có sống cho ra sống hay chết trong danh dự. Không thể khác được. Dù ở trong tình thế nào, dù trong tay tôi chỉ có một thỏi sắt nhỏ, tôi vẫn phải xứng đáng là thanh niên Hà Nội, thủ đô của ba miền Việt Nam, thủ đô của một nước cộng hoà trẻ nhất thế giới. Sống chết với thủ đô, đấy là khẩu hiệu của chúng ta. Chúng ta phải như anh chính trị viên Đạo ở Nhà hát thành phố Hải Phòng, khi quân Pháp ập vào bắt anh giơ tay hàng, anh không giơ tay, và thét vào mặt bọn giặc: “Chúng ta là kẻ chiến thắng, không phải chiến bại”. Không hoang mang, không dao động, anh chị em hãy tích cực chuẩn bị. Thắng lợi nhất định về tay chúng ta.

Chiếc xe lại từ từ đi về phía Hàng Gai. Nhật Tân quay mặt vào hiệu cà phê ở ngã đường Cầu Gỗ rẽ vào Gia Ngư, Hàng Bạc, trước cửa chất năm sáu bao cát. Anh hất hàm hỏi một người:

- Thế nào, nghe rõ chưa Tân?

Người thanh niên là Tân nói:

- Nghe chứ.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #18 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2011, 08:52:43 pm »

Tân trạc ngoài hai mươi, trễ tràng trong trong bộ quần áo xanh trả, sơ-mi không đeo cờ-ra-vát. Nhật Tân là bạn thân của Tân. Để vĩnh viễn ghi mối tình bằng hữu nảy nở từ thuở bé, anh đã ghép tên bạn vào tên mình thành cái tên Nhật Tân mà bạn bè cũng như gia đình đều quen gọi. Nhật Tân lại hỏi:

- Mày nghĩ thế nào?

Tân mở hộp thuốc là Cờ-ra-ven A, lấy ra một điếu hút, cười nói với Nhật Tân:

- Để xem có thật không. Hay lại tuyên truyền…

Nhật Tân bước vào cửa, kéo cái mũ phớt xuống tận bên mắt phải theo thói quan nhà nghề của anh. Nhật Tân làm nhiệm vụ trinh sát. Các hiệu ăn, các hàng giải khát, cả những tiệm hút đều biết mặt anh, tên anh, biết cả công việc anh đang làm vì cái áo ra-gờ-lăng, con chó Lu lu của anh không giấu được ai cả. Nhưng anh vẫn tưởng tung tích của anh bí mật lắm, và lúc nào anh cũng làm ra vẻ li kì, bí hiểm của một nhà trinh thám đại tài. Công tác trinh sát rất hợp với cái tính lang thang của anh. Bạ chỗ nào anh cùng sà vào. Nhật Tân chỉ vào mặt bạn:

- Mày ăn nói như thế à? Nếu mày không muốn làm thì im đi cho người khác làm việc.

- Ít ra mày cũng phải trọng cái tự do của tao chứ.

- Tự do, tự do. Ôi tự do, biết bao nhiêu tội ác người ta gây nên vì mày. Tao rất trọng cái tự do của mày, nhưng tao không cho phép mày nói nhảm. Cả Hà Nội đang sôi lên, căm thù thằng Pháp, đau thương vì vụ thảm sát Yên Ninh mà anh bào là tuyên truyền à? Mon Dieu! Mon Dieu! (2)
Đôi mắt nhỏ của Nhật Tân hoe hoe đỏ. Anh dang hai cánh tay như người xem hướng, nhìn tất cả những người đang uống cà phê bước vào nói:

- Tuyên truyền hay là sự thật? Đứng về Pháp thì đấy là tuyên truyền, đứng về phía ta thì đấy là sự thật.
Có khác gì những kẻ nói rằng vì ta phòng thủ, nên thằng Pháp nó khiêu khích. Sao không nói ngược lại vì nó khiêu khích, nên ta mới phải chuẩn bị? Sự thật đã rõ ràng như thế rồi, còn gì nữa. Máy bay của chúng nó vẫn ầm ầm trên đầu chúng ta đây này. Đã nghe rõ chưa? Đấy là sự thật hay tuyên truyền?

Anh đặt tay lên sườn, khuỳnh ra, nhìn ông chủ, hất hàm:

- Ông chủ, tôi hỏi ông, đấy là sự thật hay là tuyên truyền?

Chủ quán vừa nhìn khách vừa nhìn Nhật Tân:

- Vâng.

- Vâng là thế nào?

- Anh có nghe thấy không? Chúng tôi đang đục tường trong bếp. Và tôi, tôi sắp ra đắp ụ với anh em đây.

Đầu ngõ thông sang Gia Ngư, tự vệ đang đào rãnh xẻ ngang đường, hắt đất lên thành một cái ụ khá cao. Người ta đang hì hục đóng chắn ngang đường, chồng lên nhau đã cao ngang đầu. Một chiếc xe bò chở gỗ đến, giữa những tiếng reo hò của nam nữ. Ngoài phố Cầu Gỗ, xe tay chạy ùn ùn. Một bà ngồi trên xe, ngoái cổ lại, chào đám tự vệ đang tới tấp đào hầm, và nói:

- Các anh ở lại nhé. Giữ Hà Nội cho chúng tôi đấy.

Nhật Tân quay ra, đứng trước cửa, hoa tay rối rít và nói:

- Hoan hô đồng bào tản cư. Đồng bào cứ yên trí. Thanh niên chúng tôi cương quyết bảo vệ thủ đô. Sống chết với thủ đô.

- Cậu Nhật Tân đấy à? Cậu ở lại nhé. Chúng tôi phải về thế này cũng buồn lắm.

Đám tự vệ giơ tay chào. Một anh chỉ một thiếu nữ trên xe và nói:

- Thôi, con Bảo đi rồi!

Những người tản cư cũng vẫy tay. Họ ngoái cổ lại đằng sau quyến luyến. Một đám người đi bộ, kẻ gồng người gánh, kẻ bồng con, người bế cái. Một tiếng chửi: “Mả mẹ cái thằng Pháp. Tết nhất đến nơi rồi!” Mấy nữ sinh, áo màu tha thướt, đi len lỏi trong đám đông hỗn độn: họ đứng nép vào hè, lổng chổng những bao cát. Trên cái bãi rộng đầu phố Hàng Đào, từng tốp người đứng nói chuyện. Họ ngơ ngác trông trước trông sau. Xa nữa, Hồ Gươm vắng ngắt, lẻ tẻ vài bóng người vội vã. Đã quá trưa. Phố xá và đám đông ủ rũ dưới một bầu trời tro xám. Trông ra Bờ Hồ và dựa vào phố Cầu Gỗ, cái nhà đồ sộ, ba tầng của hiệu sách Nam Ký, đang xây dựng dở, với những tường gạch đỏ kệch, với những đà dáo tua tủa, chổng chơ, im lặng, càng làm cho khu phố thêm ngổn ngang, loét lở. Tiếng máy bay vẫn rì rì, mỗi lúc một rõ, rung chuyển bầu trời. Người ta rạp xuống. Một chiếc thám thính đen bay sạt trên các mái nhà, rú lên như ở trên cao lao xuống, rồi lại ngỏng đầu bay về phía Hồ Gươm, đuôi phụt ra một làn khói dài. Nhật Tân thét mọi người: “Không sợ, không sợ. Hãy tỏ cho chúng nó biết rằng chúng ta không sợ”. Chủ quán mặt tái không còn hột máu, hỏi: “Nó định làm gì?” Nhật Tân quay vào, và tự hào là người hiểu biết, anh nói: “Potez, thám thính. Trộ ai chứ không trộ được nguời Hà Nội. Nát ai?” Ở Hàng Đào, bỗng rẹt rẹt mấy tiếng súng. Người ta chạy nháo nhào.
Một chiếc cam nhông chở lính mũ đỏ phóng ra, bụi bốc mù trên cái bãi rộng. Nhật Tân quay vào hỏi Tân:

- Tuyên truyền hay sự thật?

Tân vừa trả tiền chủ quán xong, tay ôm đầu con Lu lu bước ra. Anh nói:

- Thôi, không cãi nhau nữa nhé. Chịu ông rồi!

Tân vỗ vai Nhật Tân:

- Tao về đây.

- Mày nên nghĩ đi. Không thể nhởn nhơ được nữa đâu. Tao không thể coi mày là bạn nữa.

- Cũng được thôi. Quyền tự do của mọi người. Nhưng tao tin rằng không thể có đánh nhau.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #19 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2011, 08:53:49 pm »

Thăng Long phi chiến địa. Sấm Trạng không có nói sai. Hà Nội mà đánh nhau thì tao chỉ buồn mà chết thôi. Thôi, khi khác.

Tân hích vào sườn Nhật tân, gọi cái xe hàng bước lên, quay lại:

- Đến chơi tao?

- Đi đi cho rảnh mắt.

- Tao còn một khẩu súng dành cho mày đấy.

Nhật Tân mỉm cười:

- Tao muốn mày bắn chứ không phải nhờ người khác bắn cho mày.

Anh lách qua cái ụ, vừa đi vừa lẩm bẩm chửi Tây. Anh nghiến răng: “Phải chơi chúng nó một mẻ. Không thể nhịn được nữa. Nhịn là nhục”. Mấy ngày hôm nay, anh chỉ mong giết được một thằng Pháp, chết cũng hả. Sau khi không làm được một “cú” liều ở Hàng Khay, Nhật Tân càng hậm hực. Trở về nhà bị Quốc Vinh phê bình, Nhật Tân chịu lỗi nhưng vẫn nói: “Ức đến hộc máu ra được”. Anh lại đi bát phố. Những tin về vụ Yên Ninh vừa đến tai anh thì cái ý muốn giết Tây lại trở lại thôi thúc anh. Trong công việc này anh muốn Tân cùng đi, vì Tân bắn giỏi. Hai anh em sẽ làm mưa làm gió một phen cho bọn Pháp biết tay. Nhật Tân vẫn tha thiết với cái lí tưởng đôi bạn thân cùng chiến đấu bên nhau. Nhưng thực tế thì lại trái với lòng mong mỏi của ấy. Từ khi quân Pháp khiêu khích ở Hà Nội, đã mấy lần Nhật Tân đến giục Tân vào tự vệ, nhưng Tân đều từ chối. Nhật Tân nói với Tân: “Tao không có mày như mất một cánh tay”. Anh buồn hơn nữa là thấy mỗi khi nói đến tên Tân thì rất nhiều người, kể cả những người bạn cũ, đều cười chế giễu. Ai cũng cho Tân chỉ là một anh công tử nhà giàu, ăn chơi trác táng. Vì thế, Nhật Tân lại càng muốn gột cái tiếng xấu ấy đi cho bạn. Hôm nay tình cờ lại gặp Tân, anh sung sướng nói một lần nữa với Tân. Nhưng Tân vẫn phớt. Nhật Tân bực mình, nghĩ: “Thôi kệ, để cho người ta khinh mày như con chó”. Nhưng anh lại tiếc: “Thế nào thì cũng phải bảo nó một lần nữa”.

Phố Gia Ngư, cái phố nhỏ không có cá tính, bà con nghèo của những phố Hàng Đào, Hàng Bạc, tự vệ đang lúi húi đào những hố tác chiến bên hè. Cuối cái ngõ thông ra Hàng Đào, nhầy nhụa, khai nồng suốt năm tháng, mấy thanh niên, thuộc lớp người lao động, gắt gỏng giục bọn nhà thổ ra đào hố. Đằng sau cửa nửa khép nửa mở, một ả ló ra ngoài cái mặt nhăn nhở, tóc chưa vấn xoã kín một bên má, nói một cách sốt sắng và sỗ sàng: “Chờ em thay cái quần đen đã, các anh nhá”. Trên đường phố, nhựa đã mòn, ngổn ngang những mô đất đen, úp sùm sụp, mới thoạt trông như những đầu lâu to nhỏ quăng đấy. Một cái biển giấy trắng cắm bên một cái nồi, đề một hàng chữ viết tay bằng mực đỏ, còn ướt, mực rỏ xuống như máu chảy: “Mồ chôn thực dân Pháp”. Được dịp chủ vắng nhà, một thằng nhỏ và một con sen, mỗi người xách một cái nồi đất vỡ, đuổi nhau đú đởn, rú lên những tiếng người sằng sặc. Để tỏ ra mình là người dân chủ, trong một xã hội mà mọi người đều bình đẳng, Nhật Tân niềm nở với họ: “Các anh các chị cũng chuẩn bị đấy à? Ai bảo đem nồi đất ra thế kia?” Thằng nhỏ nói: “Thưa cậu, các anh ấy bảo đấy ạ. Đâu trên Hàng Bún Tây nó đi rồi, thì các anh úp nồi như thế này, một lúc nó trở lại, xe tăng không dám xông xáo nữa”. Nhật Tân gật đầu huýt một tiếng sáo nhẹ. Con Lu lu đang cúi xuống hít hít một cái nồi đất. Anh ra hiệu cho nó đi. Mấy thím khách búi tóc cài trâm, ngồi trong khung của nhìn ra ngoài, mắt sợ hãi, vẻ mặt ngây thộn. Thấy các tường nhà Hoa kiều nào cũng dán những miếng giấy đỏ dài, viết chữ nho và vẽ lá cờ Thanh thiên bạch nhật, lại thấy các thím có vẻ an nhàn, Nhật Tân khó chịu. Anh nói to: “Này, có đọc báo không? Ở Hải Phòng, Tây nó giết cả nguời Tàu đấy”. Một thím nói: “Ừ, nó giết cả đấy, nó ác lắm kia mà”. Nhật Tân đắc chí, tiến về phía nhà mình. Xưởng gỗ trước mặt, còn đầy những súc gỗ chưa xẻ. Sờn, anh thợ xẻ, đang khoá trái cửa lại để đi ra đầu phố đắp ụ. Bên cạnh, trước miếu nhỏ, treo trên thân một cây si cổ thụ thâm thấp, sần sùi, vặn vẹo, rủ xuống những rễ non chi chít, mấy bà cụ, tay cầm những nén hương cháy, đang thì thầm khấn vái. Gió thổi hun hút, là là mặt đường, vờn trên những nồi đất im rờn rợn. Nhật Tân nghĩ thầm: “Người ta đang chuẩn bị đánh giặc thì các cụ đi lễ. Thần Phật nào đánh được thằng Tây, các cụ ơi!” Anh hét thất thanh: “Tây nó vào đấy, bà con ơi!” Các cụ chạy tán loạn, và anh vén mành chui tọt vào trong nhà.

Trong nhà, bà Ký, mẹ Nhật Tân đang ngồi khóc. Chị gái và năm đứa em gái Nhật Tân đứng xúm xít chung quanh. Va-li và các bọc để đầy trên giường. Thấy Nhật Tân về, bà Ký thở dài. Phượng, người chị gái nói:

- Em về vừa kịp, mợ không chịu đi này.

Nhật Tân quắc mắt. Là con trai lớn của một gia đình đông con gái, anh có một uy quyền đặc biệt trong nhà. Nhật Tân hỏi, giọng gia trưởng:

- Sao chưa đi?

Anh nhặt quả cam giấy bóc dở vứt trên giường, vừa ăn vừa nhằn hột, và nhả bã xuống đất. Phượng nói:

- Anh Quốc Vinh giục mợ mãi, mợ vẫn cứ dùng dằng. Nhỡ chuyến tàu tối thì làm thế nào?

Chị nói tên Quốc Vinh với vẻ ngượng nghịu âu yếm của một người vợ chưa cưới. Hai người đã đính hôn. Bà
Ký định Tết ra khi Quốc Vinh đoạn tang mẹ, thì gả Phượng cho anh. Nhật Tân nói:

- Đánh nhau đến nơi rồi đấy. Mợ đi đi. Thằng Tuệ nó đâu?

Phượng nói:

- Em phải bảo nó. Nó không chịu về thì mợ cũng không về đâu.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM