Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:57:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa - Phần 2  (Đọc 290642 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #420 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2011, 09:04:56 pm »


Hành trình về với đồng đội tại Quảng Trị (tiếp theo)

NTLS đường 9 nằm cách Đông Hà 6km là nơi yên nghỉ của hơn một vạn LS đã hy sinh trong các chiến dịch ở đường 9, Khe Sanh, Nam Lào...trong những năm chiến tranh trước đây. Khu vực Đài tưởng niệm và khu hành lễ là những nhóm tượng, phù điêu ca ngợi sự hy sinh của những người con trung hiếu, sự đùm bọc, chở che và tình quân dân của 2 dân tộc Việt, Lào.






Đêm tri ân các Anh hùng, Liệt sĩ đã đã dâng trọn cả cuộc đời cho dân, cho nước.



NTLS Trường Sơn nằm trên thượng nguồn Bến Hải, kề với cầu treo Bến Tắt. Hơn một vạn LS đủ mọi miền đất nước đã yên nghỉ nơi đây. Họ đã dâng hiến cả tuổi trẻ của mình cho con đường Trường Sơn huyền thoại - con đường mang tên Bác Hồ kính yêu.










Cây bồ đề huyền thoại phía sau Đài Liệt sĩ.






Các LS quê Hà Nội yên nghỉ tại đây.




Bên mộ người thân.



Những gì còn lại của di tích cầu treo Bến Tắt sau trận lũ lịch sử năm 2005.






Cầu bê tông Bến Tắt trên trục đường HCM.

« Sửa lần cuối: 05 Tháng Tám, 2011, 08:27:22 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #421 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2011, 01:50:53 pm »

Chen ngang vào câu chuyện của chú Tường một chút. Bài này cũng có một thời hoa lửa, cũng có một người lính pháo binh của thành cổ Quảng Trị 1972 và cũng có một câu chuyện rất đời, rất NGƯỜI nữa. Nguồn : ở đây.

Trích dẫn
Tôi nhớ, trong buổi trò chuyện với tôi, đã không ít lần đôi mắt chị đỏ hoe khi nhắc về người mẹ chồng của mình, người mẹ chồng đã tự đi gả chồng cho con dâu, bất chấp mọi sự phản đối, ngăn cản, thì chị khóc. Chị bảo kiếp trước chắc chị tu nhân tích đức cả đời nên kiếp này mới được làm con dâu của mẹ và được mẹ yêu thương cho đến tận lúc chết. Nhờ tấm lòng của mẹ, chị đã tìm được hạnh phúc của mình sau những mất mát, đau thương trong chiến tranh.

Câu chuyện tình thời hoa lửa và những mất mát của chiến tranh

Giờ chị đã có một cuộc sống hạnh phúc bên chồng con, đã trở thành bà nội, bà ngoại của những đứa cháu xinh xắn, dễ thương và chị hoàn toàn có quyền mỉm cười khi nghĩ đến gia đình nhỏ của mình, với người chồng tốt bụng, chân thành, với những đứa con thành đạt và những đáu cháu ngày ngày ríu rít bên cạnh. Nhưng vào mỗi buổi tối, chị vẫn lần giở lại những lá thư cũ đã ố vàng theo thời gian– kỉ vật mối tình đầu của chị và người lính đã hi sinh ở chiến trường Quảng Trị. Những lúc đó, bên cạnh chị, chồng chị lặng yên không nói. Anh tôn trọng quá khứ của chị, tôn trọng góc riêng tư của cuộc đời của chị. Đó là một lời hứa thiêng liêng mà suôt 35 năm qua, trong cuộc sống vợ chồng, anh vẫn gìn giữ, như một cách thể hiện tình yêu của anh dành cho chị.

Chị Nguyễn Thị Vân kể, chị biết yêu từ năm 16 tuổi, cái tuổi mà nhan sắc của một thiếu nữ bắt đầu nở rộ: “Ngày đó, tôi là con gái nhà giàu, đi học lúc nào cũng có xe đưa xe đón. Còn Vương Thiết Căng là con trai của Trung tướng Vương Thừa Vũ. Anh ấy hơn tôi hai tuổi, nhưng chúng tôi đã là bạn bè từ khi còn bé. Năm tôi 16 tuổi, anh ấy 18 tuổi và đi học ở trường thiếu sinh quân về, chúng tôi đã bắt đầu yêu nhau”.

Chị bảo, ngày anh chị đến với nhau, anh không nói hay viết cho chị một bức thư tỏ tình như những người đàn ông khác. Giữa lúc đi dạo cùng nhau trên đường, anh đột nhiên hỏi: “Vân đã để ý đến ai chưa?”. Lúc đó chị chỉ cười, lặng yên không nói. Sự im lặng và nụ cười của chị là câu trả lời mà chị dành cho anh. Suốt đoạn đường còn lại, họ đã nắm tay nhau. Anh chị bắt đầu yêu nhau từ ngày đấy.

Những năm tháng đó, họ chỉ yêu nhau qua những lá thư. Chị là cô sinh viên trường Y, còn anh học ở trường quân sự xa nhà. Mỗi năm được nghỉ phép một lần, anh về thăm chị. Suốt cuộc đời mình, chị không bao giờ quên kỉ niệm về những lần đón anh ở ga Hàng Cỏ. Anh bước xuống sân ga, nhìn thấy chị,  chạy lại bế chị lên và xoay 1 vòng – đó là điều anh vẫn làm trong suốt quãng thời gian anh chị yêu nhau. Tình yêu đẹp của anh chị đã có một cái kết có hậu bằng một đám cưới giản dị năm 1966. Chị về làm vợ anh, và trở thành con dâu của gia đình Trung tướng Vương Thừa Vũ.

Anh lên đường sang Liên Xô học khi chị vừa kịp mang thai đứa con đầu lòng. Trở về nước, chỉ kịp nhìn vợ, nhìn con và ở bên cạnh vợ con vài ngày, anh lại lên đường vào chiến trường Quảng Trị. Ngày anh đi, ở trên sân ga, anh đã dặn dò chị ân cần vì lo lắng cho chị ở nhà. Và có lẽ cũng bởi anh biết, lần ra đi đó có thể là mãi mãi. Đất nước đang có chiến tranh, anh chị không thể vun vén cho hạnh phúc riêng của mình. Anh ra đi vì đất nước, vì bố mẹ, vì chị, vì mong muốn đứa con mới sinh ra sẽ được sống trong hạnh phúc, hòa bình. Trước lúc đi, anh để lại cho chị một chiếc phong bì và nói: “Trong chiếc phong bì này có địa chỉ của Thủy, bạn thân nhất của anh. Khi anh đi vắng, Thủy sẽ thay anh chăm sóc mẹ con em”. Khi đó, chị chẳng bao giờ biết đó là lần cuối cùng chị gặp anh, và cũng không bao giờ biết lời dặn cuối cùng của anh trước lúc đi xa sau này sẽ trở thành định mệnh của đời chị….

Trong lá thư cuối cùng anh viết cho chị từ chiến trường, anh nói: “Lúc bom đạn, khói lửa khốc liệt nhất, anh chỉ nghĩ đến hình ảnh mẹ con em. Đó là sức mạnh giúp anh tiến lên và chiến đấu, giúp anh không sợ hãi trước bom đạn quân thù. Em hãy yên lòng chờ đợi anh về. Tình yêu của em và con sẽ che chở cho anh trong mưa bom bão đạn. Và em ơi, em hãy đợi. Một tối thứ 7 nào đó, anh sẽ trở về. Anh, em và con – gia đình ta sẽ được đoàn tụ…”. Chị đã làm như lời anh dặn. Chị đợi anh mỗi ngày, chờ đợi anh mỗi thứ 7, từ tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác. Nhưng tối thứ 7 đó đã không bao giờ đến trong cuộc đời chị. Anh đã nằm lại mãi mãi ở chiến trường Quảng Trị, cùng với bao đồng chí đồng đội của mình.

1 tuần sau khi anh mất, chị mới nhận được tin anh hi sinh. Suốt 1 tuần đó, dù bố mẹ chồng cố giấu, nhưng chị vẫn không thể không cảm thấy sự khác lạ trong không khí gia đình. Bố chồng chị - Trung tướng Vương Thừa Vũ trầm lặng hẳn đi. Ngoài những lúc giải quyết công việc, ông ngồi trầm ngâm không nói. Mẹ chồng chị vẫn chăm sóc, vẫn yêu thương chị. Nhưng trong bữa cơm, chị thấy bà nhìn chị, nhìn đứa cháu mới hơn 1 tuổi rồi chạy ra ngoài. Bữa cơm nào bà cũng chạy ra ngoài như thế vài lần. Khi ấy chị không biết, bà chạy ra ngoài để khóc, vì thương con dâu đã trở thành góa bụa khi còn quá trẻ, thương đứa cháu nội mới 1 tuổi đã mồ côi cha. Chị kể: “1 tuần đó, ngày nào trước khi tôi đi làm, mẹ cũng ép tôi ăn hết một bát chè. Tôi không biết bà cụ chăm chút tôi, để tôi lấy sức chuẩn bị đón nhận nỗi đau sắp tới. Bà giấu tôi cho đến khi không thể giấu được nữa. Hôm đó, trước ngày tổ chức lễ truy điệu cho anh Vương Thiết Căng ở quê nhà, bà bảo tôi về quê chơi, thăm mẹ đẻ. Ngày hôm sau bà xuống tận nhà tôi ở quê. Bà nhìn mẹ tôi, bảo: thằng Căng nó cướp công của chị em mình rồi. Rồi bà quay sang ôm lấy tôi và cháu nội rồi cứ thế khóc. Bà nói với tôi: đất nước có chiến tranh, gia đình nào cũng phải đóng góp. Đây là phần đóng góp của mẹ và con cho đất nước. Đó là phần mất mát của gia đình ta trong mất mát của cả dân tộc. Nó là chồng con, nhưng cũng là con trai mẹ. Mẹ và con cùng chịu chung nỗi đau này. Con có thể đau đớn, nhưng con phải tự hào vì nó đã hi sinh cuộc đời mình cho tổ quốc”.

Khi đó, trong vòng tay mẹ chồng, chị biết mình đã mất anh mãi mãi. Chị đã sống những ngày tháng không hề dễ dàng sau khi anh mất. Những ngày tháng đó, chỉ có tình yêu của mẹ chồng, chỉ có hình ảnh của đứa con gái bé bỏng mới giúp chị có sức mạnh vượt qua đau thương và mất mãi. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi khắp nơi vang lên tiếng loa báo mừng thắng lợi, mừng đất nước thống nhất, khi triệu triệu người dân Thủ đô vỡ òa trong niềm vui, thì chị đứng đó, lặng lẽ khóc. Khi đó, ngoài niềm vui chung của cả dân tộc, chị còn có một nỗi đau riêng không thể nói với ai. Đất nước thống nhất, nghĩa là sẽ có rất nhiều người lính trở về, nghĩa là sẽ có rất nhiều gia đình được sum họp, đoàn tụ. Nhưng chị biết chị sẽ không bao giờ còn có thể được đón anh trên sân ga, không bao giờ được anh bế lên, xoay vòng như những ngày xưa cũ. Chị biết chị và con chị sẽ không bao giờ được hưởng cái hạnh phúc bình thường như những gia đình khác. Những gia đình đó, họ đầy đủ và không mất mát. Mỗi chiều thứ 7, vợ chồng họ cùng đưa con cái đi chơi công viên. Đó là điều chị sẽ không bao giờ còn có được – cùng anh.

Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #422 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2011, 01:51:24 pm »

Phần tiếp theo:

Trích dẫn
Câu chuyện cảm động về người mẹ chồng đi gả chồng cho con dâu

Ngày chồng chị vào chiến trường, anh để lại cho chị một lá thư ghi địa chỉ của Trần Văn Thủy – người bạn thân thiết của anh. Chị không biết rằng anh cũng tình cờ gặp người bạn thân Trần Văn Thủy trên chuyến tàu đó. Trong lúc gặp nhau vội vã đó, anh đã nói: “Khi mình đi vắng, hãy thay mình chăm sóc mẹ con Vân”. Lời nhắn nhủ đó không ngờ lại thành sự thật. Nó đã đưa chị và anh Thủy đến với nhau, gắn kết cuộc đời anh chị với nhau. Phải đến sau ngày đất nước giải phóng, chị mới gặp anh Thủy – người bạn cũ thân thiết của chồng chị. Biết tin bạn mình đã hi sinh, giữ đúng lời hứa với bạn, Trần Văn Thủy thường qua lại nhà thăm hỏi mẹ con chị. Thỉnh thoảng anh đưa chị đi chơi. Ban đầu là tình bạn, sau là một thứ tình cảm đặc biệt hơn thế. Có một ngày anh viết thư ngỏ lời với chị: “Ngày xưa có lần Căng nhờ tôi chuyển quà về cho Vân. Lần đầu gặp Vân, tôi đã xao lòng trước người con gái xinh đẹp, hiền lành, có mái tóc dài chấm gót. Nhưng khi đó, biết Vân là người yêu bạn mình, tôi chỉ biết mỉm cười chúc phúc cho hai bạn. Giờ Căng đã hi sinh, liệu tôi có thể thay Căng chăm sóc Vân, yêu thương con gái của Vân và Căng? Liệu tôi có thể là chỗ dựa cho mẹ con Vân suốt cuộc đời sau này?” . Khi đó anh vẫn là trai tân. Nhưng bất chấp điều đó, anh vẫn dành cho chị - người phụ nữ đã qua một đời chồng và có một đứa con – một tình yêu chân thành.

Sau khi chồng mất, chị vẫn ở trong ngôi nhà 36 Hoàng Diệu cùng bố mẹ chồng. “Gái một con trông mòn con mắt”, trong nỗi đau mất chồng, chị vẫn đẹp, dù vẻ đẹp đó chất chứa sự u buồn. Ngày đó, nhiều thanh niên chưa vợ vẫn xao lòng trước vẻ đẹp của chị. Họ thường đứng trước cửa ngôi nhà 36 Hoàng Diệu lấy cớ gặp chị. Nhưng chị không mở lòng với bất cứ ai. Suốt gần 4 năm sau khi chồng mất, chị đã đinh ninh mình sẽ sống một mình. Nhưng mẹ chồng chị thì không bao giờ nghĩ thế. Trong sâu thẳm trái tim bà, bà đã coi chị như con ruột của mình. Bao nhiêu tình thương dành cho con trai, bà dồn hết sang  cho chị và cháu nội. Những ngày chị đi sơ tán, cứ cuối tuần có xe của cơ quan chị lên nơi sơ tán, bà lại tất tả đạp xe đến chỉ để gửi cho chị một ít pate, một chút quà bánh. Có bao nhiêu tem phiếu, bà đều dành mua những thứ quà bánh gửi lên cho chị. Lần nào bà cũng gửi cho chị một lá thư đầy yêu thương và dặn dò. Khi đó bà như một người mẹ dứt ruột đẻ ra chị, chứ không phải một người mẹ chồng như bao người mẹ chồng khác. Có lần trong thư, bố mẹ chồng chị viết: “Cây chanh bố mẹ trồng giờ đã rất sai quả. Bố mẹ phần con cả cây, để dành bao giờ con về gội đầu”. Chị không nhớ mình đã khóc bao nhiêu lần khi đọc những lá thư đầy tình cảm của bố mẹ chồng dành cho mình.

Nhưng mẹ chồng chị cũng hiểu, tình thương của bà dù lớn lao đến mấy cũng không thể đủ bù đắp những thiệt thòi cho chị.  Bà thương chị còn trẻ, còn đẹp, còn đang độ son sắc mà phải chịu cảnh sống cô đơn, góa bụa. Dù xót con trai, dù thương con trai đến cháy ruột cháy gan, dù là vợ một vị Tướng quyền uy, bà vẫn không muốn con dâu mình phải sống góa bụa suốt đời. Bà nói với chị: “Bố mẹ thương con như con gái. Nhưng bố mẹ sẽ không sống bên con cả đời. Các anh chị em trong nhà có thương con thì chúng nó cũng chỉ dành cho con được những lời an ủi. Sau này bố mẹ chết đi, các anh chị mỗi người mỗi phận, chúng nó sẽ chẳng thể lo lắng cho con. Con phải tìm một người đàn ông tốt, để mẹ con con có thể nương tựa sau này”. Thời đó, dù xung quanh chị có rất nhiều người theo đuổi, nhưng khi biết Trần Văn Thủy – người bạn thân của con trai mình có ý với chị, mẹ chồng chị đã ra sức vun vào cho tình cảm đó. Bà bảo với chị: “Thằng Thủy là quân nhân. Nếp sống của anh cũng giống với nếp sống của gia đình mình. Mẹ thấy nó tốt tính, thật thà. Nó sẽ là chỗ dựa cho con”. Vì lời khuyên của mẹ chồng, vì những cảm tình với anh vì biết anh là bạn thân của chồng mình, cuối cùng chị cũng gật đầu đồng ý làm vợ anh.

Chị bảo đời chị, chị biết ơn nhất, yêu thương nhất, kính trọng nhất là mẹ chồng chị, dù bà không mang nặng đẻ đau chị, nhưng bà đã yêu thương chị bằng một tình yêu nhân ái đến lạ kỳ. Ngày chị đi lấy chồng lần hai, chị không gặp bất cứ khó khăn gì từ bố mẹ chồng, nhưng lại gặp phải sự phản đối quyết liệt từ chính mẹ ruột mình. Bố chị hi sinh khi mẹ chị mới 25 tuổi. Khi đó bà mới có một mình chị. Bà đã ở vậy nuôi con suốt đời. Vì vậy, khi thấy con gái mình lặp lại số phận của mình, bà cũng đinh ninh con gái mình sẽ đi đúng con đường bà đã đi, sẽ ở vậy thờ chồng, nuôi con. Bà không bao giờ cho phép chị được đi bước nữa. Biết suy nghĩ của bà thông gia, nên có một dạo ngày nào cũng như ngày nào, cứ buổi trưa khi cả gia đình đang nghỉ trưa, mẹ chồng chị lại giấu cả chồng, giấu con dâu, đạp xe hai chục cây số từ Hoàng Diệu về tận quê bà thông gia ở Thanh Trì để thuyết phục bà thông gia đồng ý gả chồng cho con dâu mình. Mẹ chồng chị nói với mẹ ruột chị: “Nó trẻ trung như thế. Thế hệ chúng nó cũng hiện đại hơn thế hệ chúng ta. Bà không thể bắt nó sống như bà suốt đời được”. Nhưng mẹ chồng chị thuyết phục từ ngày này sang ngày khác, nói hết nước hết cái, mẹ ruột chị trước sau chỉ nói một câu: “Tôi chỉ gả con một lần”. Bất lực vì không thuyết phục được bà thông gia, mẹ chồng chị gạt nước mắt nói: “Bà không gả thì tôi gả. Bà đã gả nó về nhà tôi, nó đã là dâu con nhà tôi. Bà không gả nó, tôi sẽ đứng ra gả nó”. Bà nói thế và bà làm thật.

Ngày chị đi lấy chồng, mẹ ruột chị nhất định không chịu đến. Mẹ chồng chị đứng ra lo liệu việc đưa chị về nhà chồng. Bà sắm cho chị từ bát đũa đến nồi niêu xoong chảo để chị bắt đầu cuộc sống mới. Nhiều người thấy bà gả chồng cho chị đã nói với bà: “Con dâu bà đi lấy chồng khác thì bà phải giữ cháu nội lại chứ”, nhưng bà đều gạt đi. Bà nói: “Tôi có cho cháu tôi ăn vàng ăn bạc, cũng không bằng để nó ở bên mẹ nó. Nó ở với mẹ, dù ăn cơm độn khoai, nhưng được mẹ yêu thương. Cái đó là cái tôi không cho nó được. Cháu tôi đã mồ côi cha, tôi nỡ lòng nào chia tách mẹ con nó”.

Chị đi lấy chồng mới, mẹ chồng chị vẫn yêu thương chị, vẫn coi chị như con đẻ. 3 lần chị sinh con với người chồng thứ hai, mẹ ruột chị đều không có mặt, nhưng cả 3 lần mẹ chồng chị đều đến nhà hộ sinh. Bà bảo, bà đến để đón cháu của bà về. Lần chị sinh đứa con gái thứ 3, bà đến đúng lúc chị đi ra ngoài. Nhưng lúc chị vào, chị đã thấy bà đang bế ẵm đứa con gái mới sinh của chị đầu âu yếm. Chị ngạc nhiên hỏi mẹ chồng, sao mẹ biết đó là con của con, thì bà cười nói: “Mẹ chỉ cần nhìn, chỉ cần ngửi là đã thấy nó đúng là con cháu nhà mình”. Lúc ấy, chị chỉ biết quay mặt đi, không để bà biết là chị đang khóc.

Chị không bao giờ quên những lần bà đến đón chị ở nhà hộ sinh sau mỗi lần sinh nở, gọi cho chị chiếc xích lô để đưa mẹ con chị về nhà, còn bà thì cứ đạp chiếc xe đạp cọc cạch đi sau xích lô, vừa đi vừa lo lắng sợ mẹ con chị gặp nắng, gặp gió. Cả đời bà sống khắc khổ, ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu. Bà nuôi lợn, nuôi gà, tằn tiện đến cuối đời cũng dành được 24 chỉ vàng. 24 chỉ vàng đó, bà chia đều cho tất cả các con, các cháu, mỗi đứa một chỉ. 4 đứa con của chị - 1 đứa con đầu với người chồng trước là con trai bà và 3 đứa con với người chồng sau- cũng nhận được món quà đó của bà, dù những đứa con sau này của chị, không thể nói là cháu ngoại của bà, cũng không thể nói là cháu nội của bà. Nhưng bà thì yêu thương tất cả những đứa cháu ấy mà chưa một lần so đo toan tính. Chị nhớ, những ngày bà nằm viện trước khi mất, nhiều người đến thăm thấy chị ở đó chăm sóc bà mới hỏi bà chị là con dâu hay con gái. Lúc đó nằm trên giường bệnh, bà cười hiền hậu và yếu ớt nói: “Gọi là dâu cũng đúng, gọi là con cũng không sai”.

Khi đó, những người đến thăm không hiểu vì sao chị khóc…

 Bà mất cách đây 2 tháng, trước dịp Tết Nguyên đán 2011. Trong di chúc của bà, bà chia đều tài sản của mình thành những phần bằng nhau, một phần trong đó là dành cho chị - cho người con dâu đã được bà yêu như máu mủ, ruột già. Tôi không hỏi bà để lại cho chị những gì trong di chúc đó, nhưng tôi biết dù đó là bất cứ thứ gì, thì với chị đó cũng là vô giá.

Người phụ nữ hai đời chồng nhưng chưa từng một lần chụp ảnh cưới

Ngày chị đi lấy chồng lần thứ hai, có hai điều chị lo lắng nhất: chị sợ mất đi tình cảm yêu thương mà chị vô cùng trân trọng của gia đình nhà chồng; và chị sợ người chồng chị cưới sẽ không yêu thương đứa con gái mồ côi của chị. Nhưng đến giờ thì chị biết, tất cả những lo lắng đó là thừa. Vợ chồng anh chị vẫn mãi mãi là con của gia đình Tướng Vương Thừa Vũ, vẫn được ông bà yêu thương như những người con khác. Và điều chị tự hào nhất là người chồng sau này của chị đã thay liệt sỹ Vương Thiết Căng làm con của ông bà, đứng ra lo lắng công việc mỗi khi gia đình có công to việc lớn.

Người chồng đầu của chị - liệt sỹ Vương Thiết Căng mất từ năm 1972. Nhưng mãi đến sau này, gia đình mới tìm được mộ anh. Và người vào chiến trường Quảng Trị năm xưa để đưa hài cốt anh về không phải ai khác mà chính là người chồng bây giờ của chị - anh Trần Văn Thủy. Khi tìm thấy mộ người bạn của mình, suốt đêm hôm đó, anh Trần Văn Thủy đã ngủ trong gian phòng đặt chiếc quách đựng hài cốt, để có thể trò chuyện với người bạn đã hi sinh của mình sau bao năm không gặp lại. Hôm đó trước mộ bạn, Trần Văn Thủy đã khấn: “Mình lớn hơn Căng hai tuổi nhưng lại đến sau Căng, nên mình xin được làm em của Căng. Mình xin phép Căng được thay Căng chăm sóc cho mẹ con Vân”.

Liệt sỹ Vương Thiết Căng mất từ năm 1972, nhưng đến bây giờ, sau gần 40 năm, anh vẫn hiện diện trong ngôi nhà của vợ chồng chị. Tất cả những người con của chị đều gọi anh là bố Căng. Những chiếc tã lót, những bộ quần áo anh dành dụm tiền để mua tặng cho con gái đầu lòng, chị vẫn dùng để mặc cho những đứa con sau này của mình. Chị giữ gìn những bộ quần áo lót của anh, những bộ pijama đến những bộ quân phục anh mặc trước lúc mất. Và những bộ quần áo đó bây giờ chồng chị vẫn mặc. Bởi chồng chị nói, đó là cách anh muốn gần gũi, gắn bó hơn với người bạn đã hi sinh của mình. Vào mỗi buổi tối, chị thường có thói quen mang những lá thư, những bài thơ kỉ vật mà người chồng cũ để lại ra đọc. Những lúc đó chồng chị đều tế nhị im lặng đi ra chỗ khác. Anh muốn để cho chị một góc riêng tư để nhớ nhung, hoài niệm.

Chồng chị yêu thương đứa con gái riêng của chị bằng một tình yêu không khác gì máu mủ. Có lẽ bởi, ngoài tình yêu với chị, còn có cả tình đồng đội, tình bạn của anh với người chồng đã hi sinh của chị. Cả hai tình yêu đó đã dồn lại, tạo ra một tình yêu lớn hơn mà anh dành cho cô con gái riêng của vợ mình. Ngày mới lấy nhau, anh chị còn nghèo. Nhưng có lần, vì muốn con gái mình bằng bạn, bằng bè, anh đã nhịn ăn, nhịn tiêu, bỏ ra số tiền bằng cả tháng lương chỉ để mua cho con gái chị một chiếc áo khoác đẹp. Anh dựng vợ, gả chồng cho con 4 lần, 3 đứa là con do anh dứt ruột đẻ ra, một đứa là con riêng của chị, nhưng chỉ duy nhất lần đưa con gái chị về nhà chồng, chị mới thấy anh khóc. Không phải khóc bình thường, mà khóc nức nở như một đứa trẻ. Anh yêu thương con gái chị đến nỗi mãi đến tận sau này, khi lớn lên và thực sự hiểu chuyện, con gái chị mới tin anh chỉ là bố dượng chứ không phải bố đẻ ra mình. Nhưng điều đó cũng chẳng ngăn cản tình yêu mà hai bố con dành cho nhau. Chị kể: “Trong nhà có treo cả ảnh bố Căng, cả ảnh bố Thủy. Nhưng có những lần có khách đến chơi, khách chỉ vào ảnh bố Căng và hỏi ai đấy, con gái tôi bảo đó là bác, chứ không dám nhận là bố. Không phải nó không yêu bố, không tự hào về bố. Nhưng nó sợ điều đó sẽ làm cho bố Thủy buồn”. Năm 2004, khi con gái của chị với liệt sỹ Vương Thiết Căng mất sớm vì căn bệnh u não, theo phong tục truyền thống, chị không được đưa con đi chôn cất. Nhưng những người đưa con gái chị về quê an táng đã kể lại rằng hôm đó, chồng chị cứ ngồi bên gốc cây hồng xiêm trong vườn, ôm mặt khóc nức nở. Bởi với anh, đứa con gái vừa mất đi, không khác gì ruột thịt, thậm chí là còn hơn thế.

Có một điều mà chị mãi ân hận sau khi người chồng đầu tiên của mình hi sinh, đó là suốt những năm tháng yêu nhau rồi nên vợ nên chồng, chị và anh chưa một lần có cơ hội chụp chung một bức ảnh, bởi chiến tranh cứ liên miên và những lần anh về thì đều vội vã. Nên sau này, trong cuộc hôn nhân thứ hai của mình, chị đã cảm động đến ứa nước mắt, khi người chồng sau này của chị cũng đồng ý với chị không chụp ảnh cưới. Đến bây giờ, sau bao năm chung sống, ngoài những bức ảnh chụp chung cùng với con cháu, anh chị cũng không bao giờ chụp ảnh riêng với nhau, như một cách anh chị thể hiện sự tôn trọng người đã khuất. Chị nói với tôi, suốt bao nhiêu năm nay, khi sống với người chồng sau này – Trần Văn Thủy – chị chưa bao giờ nghe anh gọi một tiếng em, xưng anh ngọt ngào như với người chồng trước. Anh chỉ gọi cậu, xưng tớ lúc trẻ, gọi bà, xưng tôi lúc về già, nhưng chị hiểu tình yêu và sự chân thành mà anh dành cho chị. Chị vẫn nói với anh, cuộc đời chị có hai người đàn ông. Hai người đàn ông đó chị yêu bằng hai cách khác nhau. Với người chồng đầu tiên – mối tình đầu của chị là một tình yêu thi vị và lãng mạn, thì với người chồng thứ hai là tình yêu của sự chia sẻ, cảm thông và đầy biết ơn. Đó là hai mối tình mà chị một đời gìn giữ. Để sau này, khi nhắm mắt xuôi tay, chị có thể mỉm cười về cuộc đời mình, về những tình cảm, những sự yêu thương mà chị đã có được trong những năm tháng sống trên đời.
Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #423 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2011, 08:41:48 pm »


@quangcan : Cũng tình cờ cách đây mấy hôm chú có đọc cuốn Sự kiện và Nhân chứng số tháng 4/2011 có bài viết về phu nhân của trung tướng Vương Thừa Vũ. Thật là cảm động một người mẹ chồng đã đứng ra lo việc tái giá cho con dâu của mình sau khi con trai mình đã mất. Sau khi ông mất bà đã tự nguyện trao trả lại căn biệt thự cho nhà nước để về nơi ở mới chật hẹp hơn. Trong thời buổi này quả thực hiếm có một bà vợ của 1 vị tướng nổi danh lại có việc làm cao thượng như vậy. Cũng ở trên phố Hoàng Diệu, ngay cạnh ngôi biệt thự cũ của ông bà là 1 ngôi biệt thự của 1 nhà tư sản lớn đã giúp đỡ hết mình cho CM trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Chính Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng của Hồ Chủ tịch ra đời trong tòa nhà 48 Hàng Ngang của nhà TS này. Và chính họ đã hiến cho Chính phủ lâm thời trong Tuần lễ vàng hơn 5000 lượng vàng. Ấy thế mà tòa biệt thự của họ ở 34 HD do gia đình của 1 vị tướng ở phải trải qua mấy chục năm qua bao chữ ký đồng ý trả lại của mấy đời lãnh đạo tối cao của Đảng và Nhà nước cho đến bây giờ mới gọi là tạm ổn để vào ở.

Thế đấy, nhân tình thế thái là như vậy đấy. Cũng may chung quanh ta còn có những người tử tế, những việc làm tử tế, những suy nghĩ tử tế...thì mới thấy được ý nghĩa của cuộc sống hôm nay mà biết bao con người đã phải đánh đổi cả cuộc đời để mà có nó...
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #424 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2011, 09:31:21 pm »


...VÀ ĐẾN VỚI CÁC ANH HÙNG, LIỆT SĨ TRÊN NHỮNG NẺO ĐƯỞNG ĐẤT NƯỚC

ĐIỆN BÊN PHỦ.


Cánh đồng Mường Phăng nơi diễn ra lễ mừng công chiến thắng ĐBP


Tượng đài chiến thắng ĐBP thật là hào sảng nhưng...


Cổng vào NTLS đồi A1







HÀ TĨNH VỚI NGÃ BA ĐỒNG LỘC


Đài tưởng niệm 10 cô gái TNXP đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho mạch máu giao thông được thông suốt.






« Sửa lần cuối: 05 Tháng Tám, 2011, 10:08:14 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #425 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2011, 10:37:23 pm »


...VÀ ĐẾN VỚI CÁC ANH HÙNG, LIỆT SĨ TRÊN NHỮNG NẺO ĐƯỞNG ĐẤT NƯỚC
 (tiếp theo)

QUẢNG BÌNH

Từ đầu cầu Xuân Sơn rẽ vào Khu du lịch Phong Nha, là nơi bắt đầu của con con đường 20 huyền thoại. Đây là con đường nổi tiếng được gấp rút xây dựng với thời gian 127 ngày cắt ngang dãy Phong Nha - Kẻ Bàng tới cửa khẩu Cà Roòng để sang Lào với chiều dài 123 km vượt qua nhiều trọng điểm ác liệt. Lực lượng TNXP đã đảm nhận xây dựng con đường này với lứa tuổi trung bình mười tám, đôi mươi, chính vì thế con đường được mang tên Đường 20 Quyết thắng. Bom đạn kẻ thù đã làm sập hang nơi trú ẩn của 8 cô gái TNXP khi tuổi đời họ còn rất trẻ.  



Đền thờ và hang Tám cô trên đường 20 Quyết thắng








THỊ TRẤN HỒ XÁ - VĨNH LINH - QUẢNG TRỊ

Trên đường 1 từ Bắc vào Nam, ngay đầu thị trấn Hồ Xá bên trái đường 1, trên một quả đồi có một công trình kiến trúc kỳ vĩ mang đậm mầu sắc kiến trúc tượng đài đương đại. Đó là NTLS Hồ Xá, nơi yên nghỉ của hàng ngàn LS đã hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước.







« Sửa lần cuối: 05 Tháng Tám, 2011, 08:28:43 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #426 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 08:26:36 pm »


...VÀ ĐẾN VỚI CÁC ANH HÙNG, LIỆT SĨ TRÊN NHỮNG NẺO ĐƯỞNG ĐẤT NƯỚC
 (tiếp theo)

THỪA THIÊN - HUẾ

Thị trấn A Lưới nằm trên trục đường 14 cũ nay là đường HCM trong 1 thung lũng bao bọc bởi những dẫy núi cao của Trường Sơn. Trong những năm chiến tranh đây là 1 trọng điểm hủy diệt của kẻ thù với B52 rải thảm và đặc biệt là chất độc da cam hủy diệt môi trường sống. Giờ đây vẫn còn hiện diện hậu quả chiến tranh sau mấy chục năm là những thân cây cổ thụ chết khô vươn lên giữa những rừng cây bụi và cỏ tranh khô xác.

Đây cũng là quê hương của 2 người Anh hùng người dân tộc PaKoh đã trở thành những nhân vật huyền thoại trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc: Anh hùng Hồ Vai và nữ Anh hùng Kan Lịch.

Chị Kan Lịch công tác tại BCH QS huyện A Lưới, sau khi nghỉ hưu chị được chính quyền địa phương cấp cho mảnh đất trong thị trấn. Một ngôi nhà nhỏ được dựng lên làm 1 quán cà-phê và là nơi chị làm đầu mối cho hoạt động từ thiện trợ giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong đó có nhiều em là con em các LS, TB.


Đường HCM chạy qua trước nhà chị Kan Lịch.




Nhà chị Kan Lịch đây rồi


Khách đến với chị như những người thân trong gia đình


Hai chị em có một thời cùng chung trận tuyến.


QUẢNG NAM

Nhà tưởng niệm Anh hùng LS Nguyễn Văn Trõi tại thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Nam, huyện Điên Bàn, Quảng Nam.




Bàn thờ anh Trỗi trong nhà lưu niệm.


Di ảnh hai anh em đều là LS, anh Trỗi và người em trai, trên bàn thờ trong ngôi nhà của gia đình


Người em gái ở vậy trông nom nhà cửa và hương khói cho người đã khuất
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Tám, 2011, 10:09:51 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #427 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 09:54:19 pm »


...VÀ ĐẾN VỚI CÁC ANH HÙNG, LIỆT SĨ TRÊN NHỮNG NẺO ĐƯỞNG ĐẤT NƯỚC
 (tiếp theo)

QUẢNG NGÃI

Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, ước nguyện của người nữ bác sĩ anh hùng đã được xây dựng nơi Chị đã sống, chiến đấu và hy sinh tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Bệnh xá là nơi lưu niệm về người nữ bác sĩ anh hùng đồng thời là nơi chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa phương.  













Từ bệnh xá Đăng Thùy Trâm đi ngược ra Bắc chừng 10 km đến ngã ba Thạch Trụ rẽ trái theo QL 24 chừng 30km ta đến huyện Ba Tơ, một huyện miền núi phía Tây của Quảng Ngãi. Tại trung tâm thị trấn Ba Tơ còn lưu giữ di tích nhà tù Ba Tơ. Trước CM tháng 8/1945 đây là 1 vùng rừng thiêng nước độc, nơi giam cầm đầy ải các tù nhân cộng sản của thực dân Pháp. Tháng 3/1945 Nhật đảo chính Pháp, tranh thủ thời cơ những người tù CS đã lãnh đạo khởi nghĩa thành công và xây dựng nên Chính quyền CM và Đội du kích Ba Tơ là tiền thân cho lực lượng vũ trang khu V sau này.

Đại tá Lê Kích - vị chỉ huy sư đoàn 325 trong những năm tháng chống Mỹ - là 1 trong những đội viên du kích Ba Tơ ngày ấy.


Đài tưởng niệm Khởi nghĩa Ba Tơ


Di tích còn lại của nhà tù Ba Tơ

Những người khởi nghĩa


Sa bàn của cuộc khởi nghĩa

« Sửa lần cuối: 06 Tháng Tám, 2011, 10:11:27 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
sudoan5
Thành viên
*
Bài viết: 790


Bao giờ cho đến ngày xưa


« Trả lời #428 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 10:56:05 pm »

   Xin góp với các bác hình ảnh AHLLVTDN Hồ Vai - Hồ Đơm - Can Lịch , chúng tôi CCB - QKTĐ , trung tâm hỗ trợ nhân đạo Tây Trường sơn có dịp gặp mặt giao lưu với các anh chị trước thềm đại lễ 1000 năm Thăng Long
Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #429 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 11:11:11 pm »

   Xin góp với các bác hình ảnh AHLLVTDN Hồ Vai - Hồ Đơm - Can Lịch , chúng tôi CCB - QKTĐ , trung tâm hỗ trợ nhân đạo Tây Trường sơn có dịp gặp mặt giao lưu với các anh chị trước thềm đại lễ 1000 năm Thăng Long


@sudoan5: Hỏi nhỏ bác chút xíu, nhân vật nữ thứ hai từ trái sang tên là Liên phải không bác.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM