Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 08:31:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa - Phần 2  (Đọc 290936 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #160 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2011, 08:25:30 pm »

.
     Tôi là cái bao lô.

     Hôm nay ông chủ tôi, ngọc thể bất an. Vậy mà mới sáng sớm đã thấy ông dậy, chuẩn bị đi đâu.

     Lâu nay ông chủ tôi bệnh. Lúc bệnh là không đi đâu được, chóng mặt, hoa mắt, choáng váng lắm.

     Vậy có chuyện chi mà ông vượt qua bệnh tật mà đi vậy chứ ?

     Thì ra là ông đi nhận "kỷ niệm chương chiến sỹ thành cổ Quảng Trị". Thế thì, làm gì mà chả vui.

     Nhưng mà vui hơn là các ông chủ gặp nhau và lên đồng. Tuy tôi không được đi theo mà cũng biết là ông chủ tôi sẽ nói nhiều, cười nhiều, mắt long lanh, sáng ngời. Nếu có thể, ông còn bắn súng và bơi thuyền rồng nữa chứ chẳng thường đâu.

     Ngày xưa, ông chủ tôi là lực sỹ chơi cử tạ đấy. Cơ bắp cuồn cuộn, cổ to, múp lắm. Thế mà vì bệnh bây giờ cái cần cổ của ông teo hết rồi. Không tin thì các ông chủ cứ nhìn cái ảnh này xem mà so sánh với lúc ông chủ tôi đem theo tôi và giới thiệu với bạn bè.

   
Đồng đội d3/e101
Từ trái qua:1- Nguyễn Như Thìn (c12) ; 2- Trương Hán Phùng (c12) ; 3- Dương Đình Trần (c12) ; 6- Trần Ngọc Tâm (thông tin d3)
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Năm, 2011, 08:49:04 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #161 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2011, 10:30:31 am »

Gặp Nguyến Như Thìn hôm vừa rổi tại lễ trao tặng KNC Chiến sĩ bảo vệ thành cổ QT mà ái ngại cho sức khỏe của bạn. Vẫn biết những bài viết của Thìn rất lôi cuốn những thằng lính chúng tôi nhưng cũng chỉ dám động viên bạn mình giữ gìn sức khỏe khi nào thấy ổn hẵng rờ đến bàn phím... Thế mà hôm nay trong email lại có thêm 1 bài nữa, xin trân trọng chuyển tới các đồng đội và các bạn trên QSVN:


HÃY VIẾT CHO MÌNH VÀ CHO MAI SAU

Nguyễn Như Thìn

        Tôi có mấy thằng bạn lính, viết hùng hục như trâu cầy trên trang QSVN. Dân chuyên nghiệp như tôi cũng vô cùng thán phục. Chúng làm được cái việc mà, đáng tôi phải có nghĩa vụ làm từ lâu. Thank…chúng nó. Nhân đây tôi xin kể một chuyện vui:

       Vào khoảng năm 1978, khi tôi đang học năm thứ 3 khoa Ngữ Văn trường ĐHTH Hà Nội, chúng tôi phải học một chuyên đề: “Thơ và mấy vấn đề trong thơ VN hiện đại” của giáo sư Hà Minh Đức. Học xong thì phải thi. Ôi, mà thi thơ thì thật là mông lung. Gọi là  “mấy vấn đề”, nhưng nó bát ngát, bao la không kém gì tâm hồn của mấy chàng thi sĩ say rượu. Nếu không khoanh lại một chút, chắc cả lũ, phải quay vòng tua hai, thi lại là cái chắc. Được sự đồng ý của Giáo Sư, lớp cử tôi đến nhà thày để nghe hướng dẫn ôn trọng tâm. Không khác gì như lính trinh sát đi trước tiền trạm, tôi lững thững thả bộ đến số nhà 3x… phố Hàng Đào. Ngoài là một cửa hàng bán quần áo và mỹ phẩm náo nhiệt, hỏi thăm, bà chủ chỉ vào cái ngõ, thực ra là cái ngách bên cạnh. Nó hẹp như hào chiến đấu mà cũng tối như hầm ngầm. Tôi đánh liều chui vào, mò mẫm trong bóng tối, rồi bất ngờ vấp phải một cái thang (hồi ấy ban ngày không có điện). Vẫn cứ trong bóng tối, tôi lên gác hai. Lại lần theo một cái ngách đầy bí ẩn nữa, tôi đâm sầm vào một bức vách, có lẽ  bằng cót ép, tôi nghĩ vậy. Một tiếng cười trong trẻo phá lên, may trong bóng tối, nếu không cô gái nào đó sẽ phát hiện ra tôi đang đỏ mặt vì xấu hổ. Một giọng nói thanh nhẹ của một thiếu nữ chắc chắn gốc Hà Thành cất lên:"…gặp thày Đức phải không. ..cứ đi thẳng…”. Ôi may quá, đúng là gặp cứu tinh. Cuối cùng cũng thấy ánh sáng cuối đường hầm. Không gian như bị xé toang, sáng lòa. Một căn phòng đẹp, cổ kính, sàn lát lim hiện ra. Phía trước phòng là một cái sân thượng trông ra cả một ma trận nóc nhà. Nghe kể lại, mẹ tôi suýt đẻ rơi tôi khi đi chợ Hàng Bè. May, giữa phố Gia Ngư cạnh đây, số 14 có một nhà hộ sinh. Tôi lớn lên vẫn quanh quẩn ở khu này. Vậy mà không làm sao hình dung ra nổi những nóc nhà kia, đang ở đâu? (Giá sử có bác Tích Tường Như Lệ, trinh sát ở đấy mà hỏi thì tốt quá).

     Đón tôi vào nhà, pha một ấm trà thơm, khoan thai từ tốn thày hỏi chuyện:
- Cậu cũng đi bộ đội về à? …Có phải trận mạc gì không?
Tôi đáp lại:
- Vâng,  có ạ.
- Chắc là gian lao vất vả lắm, cậu kể cho tôi nghe…
Ông nói tiếp.
    
     Tôi lưỡng lự giây lát. Nhìn khuôn mặt đôn hậu, giọng nói chân tình cởi mở của thày, tôi mạnh dạn kể. Thực ra không phải là kể, mà là cởi hết nỗi lòng của những thằng thư sinh nếm mùi trận mạc...Khi thì hành quân vất vả, khiêng súng nặng như cùm. Lúc thì vượt sông dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Những trận đánh đẫm máu…Rồi đói ăn, khát uống...Thày nghe chăm chú. Đôi mắt như cảm thông, chia sẻ và khuyến khích: Kể nữa, kể nữa đi…em.
    
      Bất chợt, nhìn đồng hồ, gần một tiếng trôi qua, tôi đã lạc đề, lỗi tối kỵ của những thằng cầm bút. Nhiệm vụ chính của tôi chưa hoàn thành. Nếu vác cái mặt về mà chỉ được dăm ba chữ thì, thằng Khanh lớp trưởng, vốn là lính trinh sát pháo sư đoàn 325 sẽ băm tôi làm đôi. Tôi vội vàng xin phép thày dừng chuyện.

     Nhìn tôi với ánh mắt trìu mến, thày nhẹ nhàng nói:
- Cậu hãy viết đi. Viết những gì mà cậu vừa kể với tôi. Trút hết những kỷ niệm ấy lên trang giấy trắng. Thêm một vài thủ pháp tu từ. Một bố cục rõ ràng, một cảm xúc chân thực. Sẽ là một tác phẩm hoàn chỉnh...Các cậu không viết thì ai viết? Hãy viết cho mình và cho mai sau.

     Giật mình nhìn lại, thế mà đã mấy chục năm qua. Tóc đã bạc, sức đã yếu, quỹ thời gian chắc chẳng còn nhiều. Nói như Xuân Diệu, lúc này phải viết như chạy đồ chữa cháy. Có thể là một túi vàng, nhưng cũng có thể chỉ là một cái chổi cùn, rế rách. Nhưng không sao...hậu xét. Nước Nga, gần một thế kỷ sau chiến tranh vệ quốc, Đại văn hào Lep-tôn-xtôi mới cho ra đời bộ sử thi bất hủ Chiến Tranh và Hòa Bình. Vậy các bạn ơi! Hãy viết đi, trước hết là được trải lòng. Sau là, giúp cho các nhà văn, tài giỏi  hiện tại và sau này, có tư liệu chân thực cho một bộ sử thi hoành tráng tương lai, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc.

                                                          
Tháng 5 năm 2011

                                                            
Như Thìn


       Một đoạn vĩ thanh buồn. Lê Đỗ Khanh, nguyên trinh sát pháo sư đoàn trong truyện đã mất mấy năm nay. Độc thân, đột tử trong một căn phòng cấp bốn khu tập thể Học viện Báo chí Và Tuyên Truyền, nơi anh công tác. Mấy hôm sau mới có người hay…Thật đau xót! Thương thằng bạn tôi râu hùm, hàm én…mày ngài. Chẳng hiểu hắn đã kịp viết gì chưa?...
  


Bạn tôi đã gửi gắm tất cả suy nghĩ về sứ mạng và trách nhiệm của cả một thế hệ vào những trang viết: hãy viết đi dù không hay nhưng nó là những tia lửa nhỏ nhen nhóm cho một đống lửa rực hồng. Không ai khác ngoài chúng ta làm cái việc ấy. Ngọn lửa sẽ mãi mãi bốc cao như khí phách của cả một lứa trai cầm súng năm xưa và hôm nay cầm bút để tôn vinh cả 1 thế hệ cho muôn đời con cháu chúng ta không bao giờ quên.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Sáu, 2011, 06:40:11 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #162 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2011, 01:50:06 am »


Bác LX Tường, mấy hôm rồi bác có ít dòng báo BTC đã họp sau sự kiện anh em mình gặp mặt ở Bảo tàng HCM để nhận Kỷ Niệm Chương Chiến sỹ Bảo vệ Thị xã-Thành cổ Quảng Trị 1972 vào ngày Thư Bảy 28/5/11 được UBND tỉnh Quảng Trị trao trực tiếp. Chúng tôi thấy mấy anh em trong BTC nhất là bác và Hùng côn rất tích cực như xưa nay, rất đáng được anh em CCB hoan nghênh và ghi nhận những đóng góp của ae BTC. Chúng tôi rất vui và vinh dự nhận KNC trang trọng của nhân dân QT. Luôn mong ae CCB SV mình luôn mạnh khỏe và có dịp gặp gỡ nhau thường xuyên.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #163 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2011, 09:05:35 am »


Bác LX Tường, mấy hôm rồi bác có ít dòng báo BTC đã họp sau sự kiện anh em mình gặp mặt ở Bảo tàng HCM để nhận Kỷ Niệm Chương Chiến sỹ Bảo vệ Thị xã-Thành cổ Quảng Trị 1972 vào ngày Thư Bảy 28/5/11 được UBND tỉnh Quảng Trị trao trực tiếp. Chúng tôi thấy mấy anh em trong BTC nhất là bác và Hùng côn rất tích cực như xưa nay, rất đáng được anh em CCB hoan nghênh và ghi nhận những đóng góp của ae BTC. Chúng tôi rất vui và vinh dự nhận KNC trang trọng của nhân dân QT. Luôn mong ae CCB SV mình luôn mạnh khỏe và có dịp gặp gỡ nhau thường xuyên.

Bác TANVINHprc25. Bác quá khen mấy thằng chúng tôi. Chúng tôi quan niệm rằng làm được những việc gì cho anh em mình thì cứ nên làm. Đây chính là sự chia sẻ của những thằng lính khi đã vào tuổi xế chiều có được những niềm vui như vậy là quý vô cùng. Tuy nhiên không tránh khỏi những khiếm khuyết nhưng thôi không làm thì không sai, làm nhiều - sai nhiều, làm ít - sai ít, miễn sao anh em mình cảm thông và vui là được.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lonesome
Moderator
*
Bài viết: 1244


« Trả lời #164 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2011, 09:20:04 am »

Giật mình nhìn lại, thế mà đã mấy chục năm qua. Tóc đã bạc, sức đã yếu, quỹ thời gian chắc chẳng còn nhiều. Nói như Xuân Diệu, lúc này phải viết như chạy đồ chữa cháy. Có thể là một túi vàng, nhưng cũng có thể chỉ là một cái chổi cùn, rế rách. Nhưng không sao...hậu xét. Nước Nga, gần một thế kỷ sau chiến tranh vệ quốc, Đại văn hào Lep-tôn-xtôi mới cho ra đời bộ sử thi bất hủ Chiến Tranh và Hòa Bình. Vậy các bạn ơi! Hãy viết đi, trước hết là được trải lòng. Sau là, giúp cho các nhà văn, tài giỏi  hiện tại và sau này, có tư liệu chân thực cho một bộ sử thi hoành tráng tương lai, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc.

Xin các bác các chú hãy tiếp tục viết, viết để những người trẻ như chúng cháu ngày nay không lãng quên, viết thay cho những người đã nằm xuống nơi chiến trường, những anh hùng được hoặc chưa được tuyên dương, những người có mộ hoặc còn nằm đâu đó giữa đại ngàn Trường Sơn, viết thay cho những người mà kí ức đã phai mờ theo thời gian ...

Năm 1972, đơn vị bố cháu cũng đánh Quảng Trị, cả 1 C19 F312 chỉ còn 4 người trở về ...
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Sáu, 2011, 09:44:31 am gửi bởi lonesome » Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #165 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2011, 09:54:56 am »

Giật mình nhìn lại, thế mà đã mấy chục năm qua. Tóc đã bạc, sức đã yếu, quỹ thời gian chắc chẳng còn nhiều. Nói như Xuân Diệu, lúc này phải viết như chạy đồ chữa cháy. Có thể là một túi vàng, nhưng cũng có thể chỉ là một cái chổi cùn, rế rách. Nhưng không sao...hậu xét. Nước Nga, gần một thế kỷ sau chiến tranh vệ quốc, Đại văn hào Lep-tôn-xtôi mới cho ra đời bộ sử thi bất hủ Chiến Tranh và Hòa Bình. Vậy các bạn ơi! Hãy viết đi, trước hết là được trải lòng. Sau là, giúp cho các nhà văn, tài giỏi  hiện tại và sau này, có tư liệu chân thực cho một bộ sử thi hoành tráng tương lai, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc...

Xin các bác các chú hãy tiếp tục viết, viết để những người trẻ như chúng cháu ngày nay không lãng quên, viết thay cho những người đã nằm xuống nơi chiến trường, những anh hùng được hoặc chưa được tuyên dương, những người có mộ hoặc còn nằm đâu đó giữa đại ngàn Trường Sơn, viết thay cho những người mà kí ức đã phai mờ theo thời gian ...

Năm 1972, đơn vị bố cháu cũng đáng Quảng Trị, C19 F312 chỉ còn 4 người trở về ...

Cháu thân mến, cám ơn cháu đã gửi gắm niềm tin của thế hệ trẻ vào những người như các chú. Các chú sẽ hết sức cố gắng viết lại những gì mình đã trải qua hết sức chân thực và động viên các đồng đội mình cùng viết: trước hết là được trải lòng. Sau là, giúp cho các nhà văn, tài giỏi  hiện tại và sau này, có tư liệu chân thực cho một bộ sử thi hoành tráng tương lai, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc... Hãy viết cho mình và cho mai sau.

Bố cháu ở c19/f312, đây chính là đại đội đặc công của sư đoàn. Sư đoàn 312, tháng 7 năm 1972 sau khi đánh Xảm Thông - Long Chẹng - Cánh đồng chum - Xiêng Khoảng đã tăng cường cho mặt trận Quảng Trị. Cái tổn thất lớn nhất của 312 là quen đánh trên chiến trường Lào với địa hình rừng núi khi ở Quảng Trị bị dính B52 tại khu vực Động Ông Do, Tân Téo, Tích Tường, Như Lệ...các trận pháo dàn, pháo bầy của địch. Đặc thù của lính đặc công là đánh theo từng mũi 3 người một với chiến thuật mật tập, trang bị chủ yếu là vũ khí nhẹ chủ yếu như AK,thủ pháo và lựu đạn, sau này có thêm B40. Địch lại không ở trong công sự vững chắc mà ở trong các công sự dã chiến, các đơn vị của địch là các sắc lính rất thiện chiến, khôn ngoan và rất linh hoạt trong tác chiến...Chú đã chứng kiến các chiến sĩ đặc công hy sinh khi tập kích địch. Lính địch ở trong các hầm nhưng đêm xuống chúng rút ra bên ngoài đề phòng bị tập kích. Xung quanh hầm chúng rải các miếng tôn bằng nhôm mỏng, rất dễ gây ra tiếng động. Chuột chạy qua những mảnh tôn này mà còn phát ra tiếng động...
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Sáu, 2011, 10:41:30 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #166 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2011, 11:24:59 am »

   
   Gửi lonesome,

link=topic=20537.msg312919#msg312919 date=1307501696]


Xin các bác các chú hãy tiếp tục viết, viết để những người trẻ như chúng cháu ngày nay không lãng quên, viết thay cho những người đã nằm xuống nơi chiến trường, những anh hùng được hoặc chưa được tuyên dương, những người có mộ hoặc còn nằm đâu đó giữa đại ngàn Trường Sơn, viết thay cho những người mà kí ức đã phai mờ theo thời gian ...

Năm 1972, đơn vị bố cháu cũng đáng Quảng Trị, C19 F312 chỉ còn 4 người trở về ...

Cháu thân mến, cám ơn cháu đã gửi gắm niềm tin của thế hệ trẻ vào những người như các chú. Các chú sẽ hết sức cố gắng viết lại những gì mình đã trải qua hết sức chân thực và động viên các đồng đội mình cùng viết: trước hết là được trải lòng. Sau là, giúp cho các nhà văn, tài giỏi  hiện tại và sau này, có tư liệu chân thực cho một bộ sử thi hoành tráng tương lai, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc... Hãy viết cho mình và cho mai sau
 Cái tổn thất lớn nhất của 312 là quen đánh trên chiến trường Lào với địa hình rừng núi khi ở Quảng Trị bị dính B52 tại khu vực Động Ông Do, Tân Téo, Tích Tường, Như Lệ...các trận pháo dàn, pháo bầy của địch.
[/quote]

  Vài lời bổ xung thêm  :
Không chỉ với lính đặc công  mà cả với lính bộ binh của 312, khi tham chiến tại Quảng trị đều không những phải đối mặt với Bom- Pháo chưa từng gặp , rồi cả các đặc điểm riêng về đánh - giữ "chốt "- rất ác liệt : Một điểm " chốt" (  là một cái đồi nhỏ, một doi cát ven sông  hay một góc làng .v,v...) ta với địch quần nhau từ ngày này sang ngày khác- hàng tháng trời, tất cả đều biết hệ thống phòng thủ, không còn yếu tố bí mật hay bất ngờ nữa. Lính 312 chưa được chuẩn bị cho kiểu chiến đấu như thế này :
Nếu ta chiếm " chốt"  ban ngày địch dùng hỏa lực ( bom- pháo ...) dội xuống rồi cho quân tấn công để chiếm lại - ta phải giữ chốt bằng được. Khi " chốt" bị địch chiếm ban đêm quân ta phải tổ chức tấn công chiếm lại. Những " chốt " ở phía bờ Nam sông Thạnh hãn, ban ngày lính ta phải tự lực chiến đấu( rất khó có thể chi viện được vì không thể qua sông ban ngày), chờ đến đêm mới có tiếp tế và chi viện.
Chỉ có  tinh thần quả cảm và sẵn sàng hy sinh thì mới có thể trụ lại được.

  Thêm chút thông tin để Cháu hiểu thêm bố cháu và chúc Cháu ngày càng tấn tới .
Logged
lonesome
Moderator
*
Bài viết: 1244


« Trả lời #167 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2011, 11:55:50 am »

Cháu cám ơn các Chú đã tả kỹ hơn về chiến trường Quảng Trị lúc đó. Những gì các Chú tả hoàn toàn không có trong sách vở.

Về Bố cháu, sau chiến dịch 74B và chiến dịch Z ở Lào thì về nằm ở trạm điều dưỡng do bị thương rồi ra quân trước khi F312 vào Quảng Trị. Cuối năm đó khi gặp lại đồng đội trong C19 thì mới biết chuyện cả đơn vị hy sinh gần hết. Theo như bố cháu nghe đồng đội kể lại thì ở sống Thạch Hãn, cứ 5 phút là pháo chuyển làn, trong 5 phút đó quân ta phải chạy qua khoảng 100m của bờ Bắc, bơi qua sông, chạy khoảng 100m nữa của bờ Nam rồi mới có thể có chỗ trú ẩn nên thương vong khi chuyển quân qua sông là rất lớn. Cháu muốn hỏi các Chú xem thực tế có đúng thế không ạ?

Riêng về giai đoạn ở Lào, C19 E165 nói riêng và toàn bộ E165F312 là 1 đơn vị thuộc loại thiện chiến, thường xuyên được BTL Mặt Trận điều đi đánh ở những giai đoạn khó khăn nhất và mục tiêu khó nhai nhất của mặt trận trong khi E141 F312 thì ...
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #168 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2011, 10:25:02 am »

Báo Quân đội nhân dân cuối tuần (số 806 ra ngày 12/6/11) có bài Người trở về từ Quảng Trị của Trần Vịnh N.A. Tác giả là người đã có dịp tiếp xúc với những nhân vật nổi tiếng của cả 2 phía trong trận chiến QT 1972. Tôi xin giới thiệu với các bạn và cũng xin đính chính 1 chi tiết về bạn tôi LS Lê Văn Huỳnh.
http://qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/91/68/72/72/72/150503/Default.aspx

NGƯỜI TRỞ VỀ TỪ QUẢNG TRỊ
QĐND - Thứ Tư, 08/06/2011, 20:46 (GMT+7)

QĐND - Là một chiến sĩ hoạt động sâu trong lòng chế độ Việt Nam cộng hòa, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Ba Thắng, Chính ủy quân khu Sài Gòn-Gia Định 1968-1972, tôi đã được sống thực với những mất mát đau thương của chiến tranh, được chứng kiến biết bao gương anh hùng liệt sĩ, những hy sinh cao cả để dân tộc mãi được trường tồn.

Nhớ về mùa xuân Đại thắng năm 1975, tôi xin được đóng góp một cái nhìn xác thực từ bên kia chiến tuyến về Quảng Trị những ngày sau chiến dịch 1972. Thời gian đã lùi xa 39 năm sau cuộc chiến nhưng những gì còn lại đều là những sự kiện trung thực trong ký ức một chiến binh thầm lặng trên một mặt trận không bom rơi, không tiếng súng nhưng cũng không kém phần ác liệt.

Sông Thạch Hãn (hay còn gọi là sông Quảng Trị) là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Sông có chiều dài 155km, bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía Tây tỉnh Quảng Trị và đổ ra biển Đông qua Cửa Việt. Dòng sông Thạch Hãn mùa hè cạn trơ đáy, có thể lội bộ qua sông đoạn thị xã Quảng Trị và nhiều đoạn khác, do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông, nên mới có tên là Thạch Hãn.

Gần bờ nam sông Thạch Hãn là Thành cổ Quảng Trị, là bến vượt đẫm máu của những đơn vị quân giải phóng vào giữ Thành Cổ Quảng Trị. 81 ngày đêm, mỗi đêm một đại đội hơn trăm chiến sĩ, hầu hết là sinh viên đã sang sông mà ngày hôm sau chỉ khoảng 10 người trở về. Hơn 14 nghìn chiến sĩ của chúng ta đã nằm lại nơi ấy, mảnh đất chưa đầy 3 cây số vuông. Thành Cổ Quảng Trị đã từng được gọi là “cối xay thịt”, còn dòng sông Thạch Hãn và sông Bến Hải… thì đã từng được gọi là dòng sông máu. Từ nhiều năm trước, có những cựu chiến binh, cứ đến ngày 27-7 lại về đây thả hoa trên sông tưởng nhớ đồng đội.

Và mấy năm gần đây, việc thả các bè hoa và nến trên sông đã trở thành một tục lệ của vùng này.

Những ai đã về thăm Quảng Trị, đã đến Thành cổ, đã viếng dòng sông Thạch hãn đều không cầm được nước mắt khi đọc lá thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, người chiến sĩ của những ngày hè đỏ lửa 1972, người sinh viên xuất sắc của Đại học Bách khoa Hà Nội. Máu anh đã nhuộm thêm đỏ dòng sông lịch sử. Trước khi anh dũng hy sinh vào ngày thứ 77 của trận chiến 81 ngày đêm khốc liệt nhất trong chiến dịch, anh đã bình thản viết thư cho người vợ trẻ để ân cần dặn dò bổn phận làm dâu, chăm sóc mẹ già và chỉ vẽ lại vị trí nơi anh sẽ nằm xuống để vợ anh tìm được hài cốt một mai khi hòa bình. Hơn 30 năm sau, anh đã được đưa về quê hương Thái Bình, nằm yên nghỉ giữa cánh đồng bao la, bên tiếng ru dạt dào ngàn đời của biển khơi.

1973... Dòng sông Thạch hãn đã vào thu nhưng lượng nước sông vẫn quá ít, chỉ đủ thấm ướt đôi bờ mênh mông đầy bùn đỏ. Lòng sông rộng hơn 100m nên không cần kính viễn vọng, chúng tôi cũng thấy bên kia bờ chiến tuyến (bờ bắc), bạt ngàn doanh trại, một màu xanh rêu trùng điệp đến ngút tầm mắt. Tiếng kèn đồng vọng trong không gian còn đục sương mai, lá cờ đỏ thắm sao vàng tung bay trong nắng và gió sớm, cho tôi cảm giác gai gai bi hùng.

Bên này bờ miền Nam tự do thì mỉa mai thay, chỉ toàn lô cốt bê tông, pháo tháp nham nhở gạch vôi và sắt thép, chằng chịt vòng rào kẽm gai quây ngang dọc, cũng mút mắt, cũng dằng dặc nhưng ngược lại, tạo cho người dân lành cảm giác bị giam hãm, tù đày. Tôi đứng dưới pháo đài chỉ huy bên dòng sông đỏ lặng lờ đã vắt cạn bao nước mắt các mẹ già, góa phụ hai miền, bên tai phần phật tiếng lá cờ to màu vàng ba sọc trong gió mà cảm khái trào dâng ướt mi, bổn phận làm trai thời loạn, là chứng nhân lịch sử một thời binh lửa của đất nước.

Chuẩn tướng Bùi Thế Lân, tân tư lệnh thủy quân lục chiến sửa lại gọng kính râm che gần hết khuôn mặt dưới vành mũ lưỡi trai rằn ri, luôn tay chỉ trỏ về phía bên kia sông và thuyết trình tình hình quân sự cho phái đoàn sinh viên Việt Nam cộng hòa từ hải ngoại về tham quan tình hình chiến sự. Viên tướng này có công đầu trong việc tái chiếm Thành cổ Quảng Trị, người chỉ huy binh chủng hùng mạnh và dữ dằn bậc nhất của quân đội ngụy làm tôi thất vọng nhiều. Dáng cao gầy, mặt thon, hai gò má nhô xương, giọng nói khản đặc không một chút hùng khí, ông luôn sụt sịt sau chiếc khăn tay trắng, cố gắng đối phó với cơn cảm nặng.

Hôm ấy là ngày trao trả tù binh theo Hiệp định Pa-ri 1973 tại bờ Nam sông Thạch Hãn, có sự chứng kiến của đại diện Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát ngừng bắn. Từ sáng sớm, chính quyền miền Bắc, thân nhân, gia đình các tù binh đã tụ tập bên kia bờ sông, lo lắng chờ đợi. Từng đợt, từng toán khoảng 20-30 người được đưa lên ghe nhỏ chạy qua sông. Khi đến giữa dòng, tất cả đều lội xuống nước để leo lên thuyền bên kia đón. Sự việc diễn tiến êm ả, khác với lần trao đổi tù binh trước đó, vào ngày 17-3-1973, ồn ào đầy kịch tính!

… Tất cả tù binh đều cởi bỏ áo quần, giày dép, túi xách ném lại trên bờ như chối từ những ân huệ, mua chuộc của chính quyền Sài Gòn. Họ cởi trần, chạy ào xuống thuyền; có tiếng khóc, có tiếng reo hò phấn khích; có người còn rút từ trong người ra, giơ cao tấm băng rôn nhỏ bé với hàng chữ “Đả đảo đế quốc Mỹ”…

Nhưng cuộc trao trả lần này diễn tiến trong vòng trật tự và đơn giản ngay trên dòng sông gần cạn nước. Đến trưa, Chuẩn tướng Bùi Thế Lân họp báo và chiêu đãi phái đoàn sinh viên hải ngoại tại Bộ tư lệnh thủy quân lục chiến đóng bản doanh tại quận lỵ Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên, phía Nam Quảng Trị.

Hương Điền - Bộ tư lệnh Thủy quân lục chiến

Chiếc cầu phao dài hơn 200m đưa đến Bộ tư lệnh sư đoàn thủy quân lục chiến tại Hương Điền chòng chành theo nhịp bước của mọi người. Nhóm chúng tôi đến muộn vì còn vui chân dạo quanh phiên chợ, thăm hỏi dân tình và trò chuyện cùng mấy cô hàng bán nước bên đường.

Là người chủ trì bữa tiệc lính rằn ri bặm trợn đầy chiến tướng các tiểu đoàn Trâu Điên, Quái Điển, Kình Ngư, Ó Biển v.v.. tướng Lân tươi tỉnh hơn buổi sáng. Dù khuôn mặt vẫn che lấp bởi đôi mắt kính râm to đen, nhưng ông ta nhanh nhẹn hơn khi trả lời các phóng viên báo chí, cười nói hoạt bát dí dỏm cùng đám nữ sinh bao quanh. Liếc nhanh, chúng tôi thấy đủ mặt các đại tá lữ đoàn trưởng lì lợm Lữ 147 Nguyễn Năng Bảo, Lữ 258 Ngô Văn Định, Lữ 369 Phạm Văn Chung; ai nấy đều bận rộn, lúng túng với đám sinh viên hải ngoại, nhất là với đám nữ sinh luôn tíu tít bông đùa không mấy phù hợp với hoàn cảnh chiến trường còn mùi thuốc súng. Cuộc tiếp xúc giữa 2 thành phần xã hội quá cách biệt nhau về lối sống, về suy nghĩ và trình độ văn hóa, làm hỏng hoàn toàn mục đích úy lạo và nối vòng tay lớn của Nha chiến tranh tâm lý ngụy quyền.

Trung tá Đỗ Hữu Tùng, chỉ huy tiểu đoàn 6 Thần Ưng, đơn vị đã cắm lá cờ vàng trên Cổ thành, trong lúc quá chén, anh ta đã nói phóng đại chiến tích tiêu diệt toàn bộ 1.500 lính của Trung đoàn 27 QĐND Việt Nam và đoàn Triệu Hải chỉ còn sống sót hơn tiểu đội khi đào thoát qua sông.

Về chuyện này, gần đây có dịp trò chuyện với Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Trung đoàn trưởng trung đoàn 27/B5, tức trung đoàn Triệu Hải thời ấy, tôi mới vỡ ra sự thật về những huyền thoại. Đồng chí Nguyễn Huy Hiệu là một danh tướng của QĐND Việt Nam, là một dũng tướng đối với quân thù nhưng lại là một người hiền lành, mộc mạc, rất chân tình với bạn bè. Trong câu chuyện, thượng tướng tiết lộ: “Trung đoàn 27/B5 vượt sông Bến Hải vào Quảng Trị từ ngày 26 tháng 2 năm 1968, là lực lượng nổ súng vào cao điểm 31 Phúc Xa-Cửa Việt, đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn địch; sau đó vây ép cứ điểm Cồn Tiên, địch gọi là “mắt thần hàng rào điện tử Mác-na-ma-ra”. Năm 1970, trung đoàn đánh bại “chiến thuật trâu rừng” của tướng A-bra-ham ở Sáp đá mài-Cam Lộ-Quảng Trị; chiến dịch đường 9-Nam Lào, tiêu diệt 28 xe quân sự trên đường 9 ở gần căn cứ Sa Mưu, cắt đứt đường tiếp tế của Mỹ-ngụy lên Khe Sanh-Bản Đông và là đơn vị đầu tiên mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị ngày 30 tháng 3 năm 1972. Trung đoàn cũng là đơn vị đã chặn đứng các đợt phản kích của địch, bảo vệ phía đông Thành cổ Quảng Trị trong thời gian gần 3 tháng. Dù thiệt hại nặng hơn 1/3 quân số vì mưa bom của B52 và pháo bầy Hạm đội 7, trải qua 5 năm chiến đấu kiên cường trên khắp các mặt trận, trung đoàn 27 đã được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và trung đoàn 27/B5 được mang tên Trung đoàn Triệu Hải anh hùng”.

... Riêng một góc trời, Trung tá Nguyễn Xuân Phúc tức Robert Lửa, Lữ đoàn phó 147 ngồi suy tư một mình dưới một gốc cây đổ nghiêng, đôi mắt đỏ lừ đầy gân máu ẩn sâu trong hố mắt diều hâu điên dại. Tôi bước lại gợi chuyện. Là một chiến binh hung hãn, liều lĩnh và khát máu nổi tiếng của đơn vị, một đặc tính chung của các binh chủng bán mạng như Nhảy dù, Biệt kích, Thám báo v.v.. nhưng khi trò chuyện có chút hơi men, hắn banh gan xẻ ruột, nói lên những bức xúc chôn tận đáy lòng.

Qua Robert Lửa, tôi chợt hiểu tình hình quân sự, chính trị và tương lai của chế độ Việt Nam Cộng hòa không còn tồn tại bao xa. Miền Nam không thể và không còn khả năng cầm cự trước đợt tấn công sắp tới chứ không như lời ông Chuẩn tướng đang thao thao nói ngoài kia, trước đám nữ sinh mắt tròn mắt dẹt. Quân trang, quân dụng, máy bay, chiến xa không được thay thế; đạn dược, xăng nhớt cạn kiệt dần. Thậm chí, những khẩu đội pháo tự hành 175 ly chỉ được phép bắn vài viên thị uy khi cần. Xe tăng M-48 không còn đủ xăng hành quân, không quân cũng lâm vào tình trạng bi thảm tương tự, không thể cất cánh tùy nghi như trước. Ngược lại, theo lời hắn thì mỗi đêm, trên đường mòn Hồ Chí Minh đang được sửa sang, mở rộng, đoàn xe quân đội Bắc Việt chi viện cho miền Nam rồng rắn nối đuôi nhau hàng trăm chiếc, đèn pha rọi sáng cả vùng.

Và thực tâm, Nguyễn Xuân Phúc đã thấm mệt, hắn cũng hiểu ngày tàn của chế độ mà hắn đang cố gắng chống đỡ và hy sinh xương máu sắp cáo chung rồi!

Trần Vịnh N.A

[/colo
Bạn tôi - LS Lê Văn Huỳnh là sinh viên K13 (năm thứ tư) khoa Cầu đường, trường Đại học Xây dựng Hà Nội cùng nhập ngũ ngày 27/5/1972. Sau 2 tháng huấn luyện tại d60/f304B tại Phú Bình, Bắc Thái chúng tôi lên đường bổ sung cho các đơn vị bộ binh chiến đấu tại khu vực Thị xã - Thành cổ Quảng Trị. Huỳnh cùng 1 số anh em về e95/f325, còn chúng tôi về e101/f325. Huỳnh cùng 9 bạn học cùng trường về đại đội công binh của trung đoàn (c17/e95). Nhiệm vụ của họ là hàng đêm dùng thuyền cao-su đưa bộ đội cùng vũ khí, đạn dược và lương thực qua sông Thạch Hãn để vào Thành cổ, khi về thì đưa thương binh, liệt sĩ về bờ Bắc. Lá thư của Huỳnh viết ngày 11/9/1972 vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến bảo vệ TX-Thành cổ QT (chỉ sau đó 5 ngày chúng ta buộc phải bỏ lại Thành cổ vì sức đã cùng lực đã kiệt). Sau khi rút khỏi TX-Thành cổ QT, e95 chuyển lên phía thượng lưu tại khu vực Tích Tường, Như Lệ ở bờ Nam, bờ Bắc là Thượng Phước. Tại bến vượt Thượng Phước Huỳnh đã hy sinh cùng 3 đồng đội nữa khi chiếc xuồng cao-su trúng 1 quả pháo của địch, lúc đó là rạng sáng ngày 2/1/1973 nghĩa là sau gần 4 tháng khi Huỳnh viết lá thư nổi tiếng như mọi người đã biết.


Về Huỳnh tôi cũng đã viết trong Ngược dòng ký ứcChúng tôi và Lê Văn Huỳnh. http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,17230.450.html
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,17230.460.html

Nguyenhuuluanc17 là người duy nhất còn sống của chiếc xuồng cao-su đó đã có những bài viết về những ngày khốc liệt trên sông Thạch Hãn tại khu vực TT-NL. Chắc chắn chúng ta sẽ đón nhận những chia sẻ của nguyenhuuluanc17 về Lê Văn Huỳnh và những chiến sĩ công binh c17/e95/f325.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Sáu, 2011, 10:15:17 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #169 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2011, 08:36:30 am »

@euxuantuong: chúng ta tự hào vì là những người lính-sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội, cũng mong cái nôi của chúng ta tự hào vì chúng ta bởi vì thực tế những cái tên như Bùi Ngọc Dương (cựu sinh viên Khoa Xây dựng-Đại học Bách khoa Hà Nội), Lê Văn Huỳnh và cả chúng ta nữa, rất đáng được tự hào, được tôn vinh. Mình tìm thấy cái này (Anh Bùi Ngọc Dương là một sĩ quan Công binh):

Anh hùng liệt sĩ Bùi Ngọc Dương- La Văn Cầu của Hà Nội
21/09/2010 | 20:08:00
(Chinhphu.vn) - Bùi Ngọc Dương là tấm gương sáng chói của tinh thần xả thân vì nước, anh đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 

Vào những ngày mà cả nước và Hà Nội hân hoan chào đón Đại lễ 1000 Thăng Long – Hà Nội, chúng tôi đã đến thăm gia đình một trong những người con ưu tú của Hà Nội, - Anh hùng-Liệt sĩ Bùi Ngọc Dương, quê làng Thịnh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội.

La Văn Cầu của Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ
Kể cho chúng tôi câu chuyện đầy xúc động về tấm gương sáng của em trai mình, ông Bùi Đức Trạch nhớ lại. Hôm ấy vào giữa đêm ngày 24/1/1968, pháo của ta bắn tới tấp vào cứ điểm Huội San, bắt đầu cho chiến dịch Đường 9 Khe Sanh.
Trung đội của Bùi Ngọc Dương được bổ sung và tiếp tục làm nhiệm vụ mở đường đưa xe tăng tiến thẳng vào Huội San. Ở chặng đường cuối cùng, anh leo lên luồn bộc phá vào hàng rào dây thép gai rồi giật nổ. Lần lượt các chiến sĩ theo anh nối tiếp lao lên đánh bộc phá. Trung đội của anh đã dọn sạch vật cản, cắm mốc an toàn cho xe tăng ta tiến vào trung tâm.
Trời sáng tỏ, quân địch được tiếp viện quay lại phản kích dữ dội. Bùi Ngọc Dương leo phắt lên xe tăng quay súng kẹp nòng bắn trả máy bay địch. Một mảnh đạn phạt trúng một cánh tay anh gần đứt hẳn. Anh quay lại nói với người đồng đội chặt hộ cánh tay bị thương cho khỏi vướng để tiếp tục chiến đấu. Người đồng đội ôm chầm lấy người đồng chí anh dũng của mình. Dương khẩn khoản: “Chặt cánh tay cho tôi đi, tôi còn chiến đấu được mà”. Trước quyết tâm của anh, người đồng đội đã giúp anh chặt bỏ cánh tay và băng bó lại. Anh tiếp tục chỉ huy đơn vị xung kích xông lên đánh cứ điểm.
Lần thứ hai bị thương vào chân, Dương đã nhường cuộn băng cuối cùng cho đồng đội, còn mình băng tạm mảnh vải áo. Anh đã cố hết sức mình, dựa vào thành công sự, tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Lúc này nhiều chiến sĩ biết Dương bị thương, vừa xúc động vừa căm hờn, anh em tiếp tục xông lên chiến đấu giành chiến thắng. Dương sung sướng nghe tiếng reo hò chiến thắng của đồng đội, cùng lúc ấy anh ngã mình trong vòng tay đồng đội.

Gương sáng Anh hùng

Tại đội điều trị quân y tiền phương, lãnh đạo đơn vị đến thăm và kết nạp anh vào Đảng ngay trên giường bệnh. Lòng tràn đầy xúc động, những giọt nước mắt lăn trên má, Bùi Ngọc Dương nhớ tới gia đình, tới Hà Nội dấu yêu, anh nói với người nữ y tá đồng hương: “Bao giờ có dịp về quê, chị cho tôi gửi lời chào Hà Nội dấu yêu, cảm ơn các thầy cô giáo, các bạn bè tôi đã giúp tôi trưởng thành. Tôi gửi lời hỏi thăm bố mẹ, thăm cả nhà cùng bà con cô bác quê hương Giáp Nhị-Thịnh Liệt và bà con khối phố Trần Nhân Tông nhé”. 

Hai ngày sau vì vết thương quá nặng, Bùi Ngọc Dương đã anh dũng hi sinh góp phần xương máu vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà khi anh tròn 25 tuổi.
Tấm gương chiến đấu của anh được các đài phát thanh, các tờ báo lớn đưa tin. Nhiều bài hát về anh ra đời lúc bấy giờ được thanh niên truyền nhau như “Bùi Ngọc Dương, gương anh ngời sáng” (Huy San); “Noi gương Bùi Ngọc Dương” (Văn Hưng); “Bùi Ngọc Dương bài ca chiến thắng” (Trọng Loan)…
Các phong trào noi gương và học tập anh hùng Bùi Ngọc Dương được dấy lên trong giới học sinh, sinh viên, bộ đội. Anh được gọi là La Văn Cầu trong kháng chiến chống Mỹ, được tôn là “dũng sĩ mở đường, anh hùng xung kích” của mặt trận Khe Sanh.
Trong số 10 anh chị em trong gia đình thì có 5 anh em tham gia bộ đội, trong đó có hai Liệt sĩ là Bùi Ngọc Dương và Bùi Đức Lưu. Tên người con tài hoa và dũng cảm đất Hà thành đã được đặt cho một con phố ở Hà Nội.
Dòng họ Bùi của Liệt sĩ là một dòng họ nổi tiếng về con đường khoa cử, đã sinh ra những người con ưu tú cho dân tộc như Tiến sĩ, Thượng thư Bùi Xương Trạch, Tiến sĩ Bùi Huy Bích, Thượng thư Bùi Phổ... Gia đình đã làm một cuốn sách về chi họ và những người con ưu tú của gia đình, trong đó có 3 anh em Bùi Ngọc Dương, Bùi Đức Lưu và Bùi Xuân Phái để con cháu hiểu và trân trọng truyền thống tốt đẹp của cha ông. Đồng thời, một quỹ khuyến học của gia đình mang tên Bùi Ngọc Dương được thành lập để khuyến khích con cháu dòng họ Bùi noi gương học tập, nối tiếp truyền thống cha anh.
Sao Chi
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM