Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:28:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa - Phần 2  (Đọc 290635 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #80 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2011, 10:50:51 am »

Hôm nay 6/5 chỉ còn một ngày nữa là kỷ niệm 57 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, lừng lẫy địa cầu, xin kính chúc các CCB thế hệ chống Pháp "tiếp tục khoẻ" để hưởng những ngày tháng tươi đẹp của đất nước. Thế hệ chúng ta những người Lính thế hệ chống Mỹ tuổi đời đã trên dưới 60 nhưng vẫn còn rất khoẻ sẽ tiếp tục viết những điều mà chúng ta chưa làm được.
Hôm nay gặp dược Bác chienc3.1972 trên trang này em xin chào bác. Quả thật Bác LXT xứng danh là "mõ" của hội ta có công lao rất lớn để tập hợp anh em, giúp mọi người được nhiều việc, xứng đáng được thưởng "Huân chương Môn thục", " Biểu dương thốc tháo vào mặt, ghi tên Đáy nồi quân dụng".Vừa rồi đi QT chụp được rất nhiều ảnh nhưng vì ảnh có độ phân giải lớn, nên rất nặng không thể cho lên trang được, để hôm nào vào FOTOSHOP xong em sẽ đưa lên để mọi người cùng xem.
Bác Chiến ạ hôm vừa rồi không có Bác tham gia cùng Anh em. thành ra một mình em phải gánh việc Hát không cần màn hình. May mà có Đại tá Vượng hỗ trợ không thì chỉ có mình em độc diễn. các anh em khác cũng hát được nhưng phải có màn hình, cũng thông cảm thôi vì già rồi, chí nhớ giảm sút làm sao nhớ được hết . Mong Bác Chiến và bác LXT thông cảm tếu táo vài lời cho vui. vì "Sống một ngày vui một ngày, Vui một ngày lãi một ngày" Như CDC đã nói . Xin chào các bác nhé ! Thái Minh Hùng
Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
ditimlietsy69
Moderator
*
Bài viết: 276


« Trả lời #81 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2011, 11:41:24 am »

                                                             
                                                 Một chiều hè lịch sử
                                                      Bố kể chuyện Điện biên
                                                           Bồ đội mình chiến thắng
                                                              Lũ tây bị bắt sống
                                                                  Ta giải đi từng hàng
                                                                     Tướng Đờ Cát xin hàng
                                         Bồ đội mình chiến thắng
                                         Một chiều hè lịch sử
                                         Chiều mùng 7 tháng 5.

chúc các bác CCB ,TNXP, đã tham gia 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, mạnh khỏe và bình an. Thầm cảm ơn những người đã hy sinh vì độc lập tự do hạnh phúc.
Logged

thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #82 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2011, 11:08:11 pm »

Báo cáo các bác em có ghi lại bài thơ " Tuổi Sáu mươi" do Bác PGS.TS Cường "Ba ngang" sưu tầm các bác đọc và cho ý kiến. Riêng em trộm nghĩ răng nó "hơi bị hay" đấy và rất thực tế vì em và các bác đang ở cí "ngưỡng này"rồi:


Tuổi Sáu mươi
-----
Thời gian nào có đợi ai
Cuộc đời bước ngắn, bước dài tới nơi
Sáu mươi là tuổi ăn chơi
Sáng, trưa, chiều, tối hết ngồi lại đi
Sáu mươi là tuổi dậy thì
Rất yêu bác sĩ bảo gì cũng nghe
Sáu mươi tuổi thích bạn bè
Liền anh, liền chị buôn lê đường dài
Sáu mươi là tuổi thành tài
Được con bổ nhiệm cho vài nhân viên
Sáu mươi là tuổi thần tiên
Quên quên, nhớ nhớ khỏi phiền cháu con
Sáu mươi là tuổi trăng tròn
Con tim loạn nhịp, mạch còn vữa xơ
Sáu mươi là tuổi mộng mơ
Đêm đêm thao thức nằm chờ bình minh
Sáu mươi tuổi sét ái tình
Mắt nhìn đắm đuối một hình thành hai
Sáu mươi tuổi giọt sương mai
Nâng niu đừng để phí hoài tuổi xuân
Sáu mươi là tuổi dừng chân
Quay đầu nhìn lại xem gần hay xa
Ngắm nhìn lại quãng đường qua
Khổ đau, hạnh phúc hay là hiển vinh
Bằng lòng với số phận mình
Sống vui, sống khỏe, biết mình, biết ta

Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #83 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2011, 09:20:31 am »

THÁNG TƯ VỚI QUẢNG TRỊ CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH NGÂN HÀNG (4)

(tiếp theo)

Buổi sớm trên biển Nhật Lệ, khi mặt trời còn e ấp giấu mình sau mặt nước xanh ngắt của đại dương, thì những tia sáng đỏ rực của bình minh đã rực rỡ ở phía Đông. Nhật Lệ còn có nghĩa rực rỡ dưới ánh sáng mặt trời như đúng tên gọi của nó. Sáng nay biển lặng, bãi cát chạy dài mênh mông, những lớp sóng lăn tăn tinh nghịch chạy đuổi nhau...Chếch về phia bên phải là rặng dừa của bán đảo Bảo Ninh, quê hương của Mẹ Suốt. Bảo Ninh chạy dọc theo bờ Nhật Lệ, giờ đây trở thành một khu resort sang trọng không giành cho các thế hệ con cháu của Người Mẹ Anh hùng - chủ nhân đích thực của mảnh đất này. Cầu Nhật Lệ, duyên dáng nối từ trung tâm TP Đồng Hới sang Bảo Ninh như một điểm nhấn tuyệt vời cho TP rực rỡ dưới ánh sáng mặt trời này nhất là mỗi khi đêm xuống. Trước đây người ta đi từ Bảo Ning sang TP con đường ngắn nhất là qua bến đò Mẹ Suốt, mỗi khi biển động phải đi vòng hai chục cây số vào Quán Hàu rồi lại ngược lên TP.

Chúng tôi đến đầu phía Bắc cầu Quán Hàu, bắc qua sông Kiến Giang, rẽ phải lên đường HCM.Ta lại gặp đường sắt Bắc - Nam trên đất huyện Quảng Ninh. Cầu Long Đại bắc qua sông Long Đại, sông này hợp lưu với sông Kiến Giang thành sông Nhật Lệ đổ ra biển tại cửa Nhật Lệ ở TP Đồng Hới. Những năm chiến tranh đây là một trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ với cái tên “phà Long đầu”.

Lệ Thủy là huyện cuối cùng của Quảng Bình, là nơi hẹp nhất của dải đất hình chữ S, từ biển lên tới biên giới Việt - Lào chỉ vẻn vẹn có 45 km đường chim bay. Đây cũng là quê hương của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - một danh tướng của chúa Nguyễn Phúc Chu, ông được xem là người đã tiên phong trong việc đi mở đất phuơng nam, xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định vào năm 1698, kể từ thời điểm đó, miền đất này chính thức trở thành một đơn vị hành chính thuộc lãnh thổ Đại Việt; là quê hương của Dương Văn An, tác giả của quyển sách địa lý - lịch sử nổi tiếng Ô châu cận lục (có nghĩa: ghi chép về Ô châu gần đây), Ô Châu thuộc vùng Triệu Phong, Hải Lăng bây giờ, lúc còn dưới sự thống trị của Chăm Pa, năm 1306, sau khi tiếp quản, nhà Trần đổi thành Châu Thuận Hóa; cũng là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Tương truyền vùng đất này là địa linh sinh nhân kiệt. Lúc Ngô Đình Diệm còn đang đương chức, năm 1962, nhân dân xã Lộc Thủy, Lệ Thủy đào kênh thủy lợi nhưng vô tình đã cắt đứt long mạch (sau này là Hói Cùng), lúc đào con hói này, màu đỏ của phèn nổi lên. Sau đó năm 1963 anh em Ngô Đình Diệm bị đảo chính và bị giết hại tại Sài Gòn.

Con sông Kiến Giang bắt nguồn từ núi rừng Trường Sơn chảy qua địa phận Lệ thủy, chảy theo hướng đông bắc nên còn được gọi là nghịch hà trong khi đó hầu hết các con sông ở Việt Nam đều chảy theo hướng đông nam. Tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy song song với đường HCM đến khi tách ra và hướng về phía Đông, cắt qua sông Kiến Giang tại Cầu Mỹ Trạch thuộc xã Mỹ Thủy và là quê hương của điệu hò khoan Lệ Thủy. Mỹ Thủy chính là nơi Đội điều trị 43 tiếp nhận các thương binh từ QT được chuyển ra. 5 ngày nằm tại đây nhưng những hình ảnh của 39 năm về trước vẫn hiển hiện trong tôi. Tôi đã kể lại trong Ngược dòng ký ức http://www.quansuvn.net/index.php/topic,17230.180.html

...Gần sáng chúng tôi tới nơi, đây là một xóm nhỏ nằm kề đường xe lửa. Chúng tôi được đưa vào một căn nhà tranh núp dưới một rặng tre, chị chủ nhà đưa chúng tôi một manh chiếu trải dưới nền nhà. Mặc dù mệt đi cả đêm nhưng tôi không thể ngủ ngon được vì chặng đường hơn 20 cây số khiến các vết thương ở đùi đau nhức, lại không thể nằm được vì các vết thương ở bả vai và bắp tay, duy nhất chỉ còn một cách dựa cột để ngủ gà ngủ gật. Cạnh tôi thằng Thủy nằm co như một con tôm ngủ ngon lành.

Sáng ra có ai lay tôi: “Răng mà chú ngủ như ri?”. Thì ra chị chủ nhà thấy tôi dựa vào cột nhà gục đầu mà ngủ. Tôi cho chị biết tôi bị thương không thể nằm được. Hôm sau chị chủ nhà kiếm được ở đâu 1 cái ghế băng nhờ người cưa bớt chân cho thấp đưa về cho tôi nằm. Chiếc ghế băng quả là chỗ ngủ tuyệt vời khi 2 bả vai bị thương được chìa ra ngoài mặt ghế nằm lọt vào giữa lưng, khi máy bay hoặc pháo kích xoẹt trên đầu thì chỉ cần nghiêng người là đã tiếp đất một cách an toàn.
 
Đây là Mỹ Thủy thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, nằm ngay bên dòng Kiến Giang. Đầu xóm là vết tích một cây cầu đường sắt bị sập còn trơ lại những trụ và 2 mố cầu được xây bằng đá hộc. Trạm điều trị của Đội điều trị 43 đóng tại đây. Chị chủ nhà là bí thư phụ nữ có chồng cũng là bộ đội đi B. Những ngày ấy ở đây ban ngày rất yên tĩnh nhưng đêm xuống thì pháo sáng rực trời, đủ các loại máy bay Mỹ đang tọa độ trục đường 15 cách đấy không xa, lại cả những tiếng rú rít của pháo từ hạm đội 7 vọt qua đầu chúng tôi tạo ra những quầng lửa ở phía núi. Có những lúc yên tĩnh giữa các đợt oanh kích của địch, 2 bên bờ lại vọng vang tiếng hò khoan man mác làm chạnh lòng chúng tôi - những thằng lính xa quê. Gian nhà lá nơi chúng tôi ở chứa khoảng hơn chục thương binh, đủ các đơn vị tham chiến ở Quảng Trị. Những câu chuyện không đầu, không cuối của đời lính, đủ các thể loại từ chuyện gia đình, chuyện học hành, yêu đương, chuyện chiến đấu được kể ra để giết thời gian.Tuyệt nhiên những chuyện bị thương như thế nào thì có hỏi thì mới nói có lẽ đó là chuyện đương nhiên và rất may mắn được thoát chết. Đêm xuống tất cả đều phải xuống hầm, hầm không đủ cho từng ấy con người nên những người còn lại phải nằm võng hạ thật thấp hoặc nằm đất phòng khi bom pháo nổ gần còn có cơ may sống sót. Tôi bị thương chi chít khắp người vì quá tham ăn cả quả cối cá nhân M79 mà không thèm chia cho thằng nào cả. Khi được khiêng ra viện chẳng có quân trang gì ngoài 1 cái thìa US bằng i-nox (cái thìa này nay tôi vẫn còn giữ). 5 ngày ở đây đã sống mãi trong ký ức của tôi.
...


Bỏ qua những vạt đồi, những cánh rừng cao su Lệ Ninh ở phía sau, chúng tôi cứ theo vạch vàng của đường HCM đi tiếp. Đường quá đẹp hầu như không có xe chạy ngược lại, thỉnh thoảng lại phải giảm tốc độ vì những đàn bò đang thủng thẳng gặp cỏ ở 2 bên đường.
 
(còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Năm, 2011, 02:09:15 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #84 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2011, 03:48:35 pm »

THÁNG TƯ VỚI QUẢNG TRỊ CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH NGÂN HÀNG (5)

(tiếp theo)

Xe đến khu vực Bến Quan thuộc huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Hai mạch đường dây 500 KV lúc chạy song song, lúc cắt ngang đường băng qua những vạt rừng keo, rừng cao-su. Khu vực này năm 1966 chính là nơi bộ đội tên lửa của ta đã tổ chức phục kích máy bay ném bom chiến lược B52 của Mỹ. Để hạ được B52 bằng cách đưa tên lửa vào khu vực bắc Bến Hải này quả là 1 câu chuyện huyền thoại thế mà chúng ta đã làm được mặc dù đã phải trả giá cho trận đánh này. Đây cũng chính là những kinh nghiệm quý về sau này cho bộ đội tên lửa ta trong việc hạ bệ thần tượng của siêu phái đài bay khổng lồ của Mỹ.

Đâu là Bãi Hà nơi chúng tôi tập kết và bổ sung vũ khí trang bị để chuẩn bị vượt Bến Hải về đơn vị ? Ngày xưa đây là những cánh rừng của đại ngàn Trường Sơn, giờ chỉ là những vạt rừng cao su,rừng keo mới trồng...Nhớ đến Bãi Hà bên tai tôi lại văng vẳng tiếng hát của ca sĩ Mỹ Bình với Người Hà Nội chập chờn qua tiếng đài của ai đó giữa những âm thanh gào rú của lũ máy bay Mỹ và những tiếng rền vang của những trận oanh kích gần đó. Tiếng hát của chị làm thổn thức những người lính trẻ Hà Nội, đã mang những hình ảnh thân quen của thành phố quê hương đến với chúng tôi trước giờ ra trận. Nhiều người trong số những người lính đêm đó đã trăn trở đầy tâm trạng khi nghe bài hát này đã không bao giờ được thấy lại những phố phường thân yêu nữa...

Cầu Bến Tắt bắc qua sông Bến Hải trên trục đường Hồ Chí Minh hôm nay, ngày xưa gọi là ngầm B trên trục đường 15, đây là ngầm cho xe vượt sông. Năm 1973 cầu dây Bến Tắt được xây dựng cho đến khi cầu bê-ton hiện nay được đưa vào sử dụng thì cây cầu dây trở thành di tích lịch sử. Cách đây mấy năm 1 trận lũ lớn đã phá hủy cây cầu dây, cho đến giờ bao nhiêu phương án phục dựng lại mà vẫn chưa đâu vào đâu.

Tôi gửi tới các bạn trích dẫn trong Ngược dòng ký ức về cái ngày chúng tôi lội qua Bến Hải.
http://www.quansuvn.net/index.php/topic,17230.70.html

...sáng hôm đó chúng tôi rời Bãi Hà theo giao liên ra khỏi rừng, qua những vạt rừng thưa, lúc xuyên qua những trảng lau lách, rồi men theo vệt bánh xe ô-tô tạt vào 1 vạt rừng. Đường dẫn xuống 1 khe suối đi qua mấy ngôi mộ bên đường - đó là nơi yên nghỉ của mấy cô gái TNXP. Chúng tôi vượt sông Bến Hải ở thượng nguồn, hai bên bờ những tán cây rừng xòa xuống mặt nước. Dòng sông như một con suối, nước chỉ ngang đùi. Qua hết sông cô giao liên mới nói: “Đây là sông Bến Hải, từ giờ trở đi các anh đã đặt chân lên đất miền Nam”. Sững người vì câu nói đó chúng tôi quay ngay lại dòng sông: thằng thì trầm mình, thằng thì vục mặt vào dòng nước mát lạnh đó, có thằng quỳ sụp dưới nước đầu hướng về bờ Bắc vái lấy vái để … mỗi thằng một kiểu. Từ Bắc vào đây qua bao sông, bao suối nhưng chỉ có ở đây thôi khi nhớ tới bài học thời ấu thơ về dòng sông giới tuyến như vết dao cứa vào lòng đất nước, đó làm chúng tôi xúc động như vậy.

NTLS Trường Sơn nằm ngay đầu phia Nam của cầu dây Bến Tắt, đây là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ, là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Đoàn chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước trước vong linh của các liệt sĩ Trường Sơn. Mấy chị em trong đoàn chuẩn bị lễ để dâng lên các LS rất chu đáo. Ngoài vàng hương là những gói thuốc lào, thuốc lá, chè, lương khô... là những thứ rất cần cho người lính còn có cả điếu cày nữa (điếu cày thật không phải là đồ mã). Chúng tôi bảo nhau tới những khu vực khuất nẻo, xa trung tâm để thắp hương cho các LS. Quả là trần sao âm vậy, những ngôi mộ ở những nơi này rất ít người đến thắp hương...

Phải nói rằng nếu không có Trường Sơn, không có đường Hồ Chí Minh có lẽ sẽ không bao giờ có Đại thắng mùa  xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Xe ra đến đường 9 và rẽ trái về hướng Đông Hà. Trên 1 dãy đồi cao cách ĐH 6km nằm bên phải đường là NTLS đường 9. http://www.dongha.gov.vn/Include/default.asp?option=2&ChitietID=406&MenuID=213&MenuChaID=191&hienthivanban=0

...Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường số 9 là một con đường chiến lược nối liền từ biên giới Việt Lào về tới Đông Hà. Dọc trục đường số 9, Mỹ - ngụy đã cho xây dựng các căn cứ quân sự, các cứ điểm và lô cốt nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Đường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công hào hùng và oanh liệt và cũng chính nó là nỗi ám ảnh, kinh hoàng cho binh lính Mỹ và ngụy trong những năm 1965 - 1972.

...Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 là nơi yên nghĩ của hơn một vạn các anh hùng, liệt sỹ với đầy đủ của ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ...

...  Tượng đài chiến thắng cao 18m. Phần bệ tượng được kiến trúc thành hai phần: mộ tượng phía đông (nhìn lên bên trái) là biểu tượng sự đổ nát của Thành cổ Quảng Trị; mộ tượng phía tây tượng trưng cho một ngọn núi trong đại ngàn của dãy Trường Sơn "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù". Phần tượng thể hiện hình ảnh anh bộ đội giải phóng quân Việt Nam với cô thiếu nữ và em bé người Lào mừng chiến thắng sau ngày chiến tranh kết thúc, biểu thị tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt - Lào.

   Khu hành lễ có các công trình: Nhà tưởng niệm - 2 bức phù điêu - 4 cụm tượng.

   Nhà tưởng niệm là một công trình có diện tích 90m2 được xây dựng bằng bê tông cốt thép, có 4 cột tròn, phía trên có 4 mái. Trên nóc có gắn một ngôi sao 5 cánh. Bên trong đặt một lư hương lớn để thắp hương. Xung quanh 3 phía của nhà tưởng niệm là ba mảng phù điêu khá lớn quây thành 3 góc. Trên mảng phù điêu chính giữa có gắn hàng chữ "Tổ quốc ghi công các liệt sỹ". Mảng phù điêu phía đông có nội dung thể hiện tinh thần đấu tranh bám trụ kiên cường của quân và dâm miền Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng kể từ sau ngày hiệp định Genève được ký kết (20/07/1954) cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/04/1975); chính giữa là hình ảnh bà mẹ giới tuyến đang ngồi vá cờ tổ quốc. Mảng phù điêu phía tây thể hiện nội dung quá trình phối kết hợp của các lực lượng quân binh chủng của ta đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ - ngụy, lập nên chiến thắng lẫy lừng Đường 9 - Nam Lào.

   Phía trước nhà tưởng niệm có 4 cụm tượng ở bốn góc:

   Cụm 1: Thể hiện hình ảnh anh bộ đội giải phóng cầm khẩu súng B41 cùng kề vai sát cánh bên anh bộ đội chủ lực của Pha thét Lào.

   Cụm 2: Thể hiện lực lượng ba thứ quân của ta sau ngày chiến thắng trở về, có hình ảnh anh thương binh đến viếng các anh hùng liệt sỹ.

   Cụm 3: Thể hiện cuộc tiễn đưa các anh bộ đội giải phóng của ta sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào; người thiếu nữ đang làm thao tác buộc sợi chỉ đỏ vào cổ tay của anh bộ đội thể hiện tình cảm quốc tế gắn bó giữa hai dân tộc.

   Cụm 4: Thể hiện hình ảnh anh du kích người dân tộc, cô gái thanh niên xung phong là lực lượng đưa đường, chỉ lối, tiếp lương tải đạn cho bộ đội giải phóng.

   Nghĩa trang liệt sĩ đường 9 là nơi an nghỉ của các chiến sĩ đã hy sinh trên chiến trường đường 9 và chiến trường Quảng Trị nói riêng và trên đất bạn Lào nói chung. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ quy mô lớn, có tính nghệ thuật cao; thể hiện sự  tri ân của Đảng và Nhà nước ta đối với những người con trên mọi miền tổ quốc đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.


Rất tiếc chuyến đi này không có mặt Thắng béo - trưởng phòng giao dịch số 9 nguyên là lính phòng không của f673. Lần trước vào năm 2004 cũng trong 1 chuyến đi như thế này Thắng đã tìm thấy mộ của 2 đồng đội đã hy sinh ở Cam Lộ mà các anh đã chôn cất năm 1972.

(còn tiếp)


« Sửa lần cuối: 08 Tháng Năm, 2011, 05:08:30 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #85 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2011, 10:26:19 pm »

THÁNG TƯ VỚI QUẢNG TRỊ CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH NGÂN HÀNG (6)

(tiếp theo)

Chúng tôi theo đường 1 qua 1 loạt những địa danh nổi tiếng mà có lẽ bất cứ người lính Quảng Trị thuộc thế hệ chúng tôi chẳng thể nào quên: Đông Hà, Lai Phước, Ái Tử...Cầu Thạch Hãn sừng sững bên bờ Bắc Đài tưởng niệm của trung đội Mai Quốc Ca với hình tượng 20 giọt máu đỏ thắm, các anh đã hy sinh đến người cuối cùng để chặn đường rút của địch vào một ngày tháng tư các đây 39 năm.

Một thị xã nhỏ chưa đầy 3 km2 với ngôi thành cổ nằm ở trung tâm bên dòng Thạch Hãn. Cổ thành Quảng Trị là nơi yên nghỉ của bao chiến sĩ có tên và chưa kịp biết tên đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh…Trân trọng lắm một thời hoa lửa hào hùng của dân tộc Việt. Máu của chiến sĩ và đồng bào ta đã đổ xuống, tô thắm cho trang sử vẻ vang của dân tộc, để xanh ngời cỏ non Thành cổ hôm nay. Đài tưởng niệm có hình tròn tượng trưng nấm mồ lớn cho những người đã mất nhưng cũng là hình tượng của căn hầm chiến đấu, ở đây có hành trang giản dị người lính gồm mũ tai bèo, ba lô và cây súng nhưng chất chứa biết bao suy tưởng. Phía trên đài tưởng niệm có một ngọn nến và ánh hào quang vươn lên trời xanh xuyên qua ba áng mây, dưới tầng mây cuối cùng có gắn hình tượng chung là bát cơm tiễn người đã khuất. Hình tượng cây thiên mệnh biểu tượng cho Thiên, Địa, Nhân, Âm dương, Ngũ hành hòa quyện với mái đình thân thương như nhắn nhủ vong linh của những con người vì Nước hiến thân khi tuổi đời còn rất trẻ sẽ mãi mãi bất tử với tuổi mười tám, đôi mươi của mình cùng với Bản hùng ca đầy bi tráng của Thành Cổ Quảng Trị sẽ muôn đời sống mãi trong tâm thức của những thế hệ con dân đất Việt chúng ta. Ngoài vòng tròn gắn 81 tờ lịch bằng đồng thể hiện 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ. Bên ngoài cổng thành phía Tây, một tháp chuông lớn được đặt tại quảng trường nối liền Thành cổ và bờ sông Thạch Hãn thường xuyên vang lên những hồi chuông ngân dài với ý nghĩa cầu mong linh hồn các liệt sĩ đã hy sinh được siêu thoát. Đối diện với tháp chuông sát ngay bờ sông nơi bến vượt vào Thành Cổ là Nhà hành lễ và Bến thả hoa đây là những công trình của hơn một vạn tấm lòng cán bộ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam ủng hộ, tri ân tới hương hồn những người đã hy sinh trên mảnh đất đau thương này. Góc phía Tây Nam của Thành cổ là Bảo tàng với rất nhiều chứng tích chiến tranh được lưu giữ và thuyết minh đầy cảm xúc, khiến bất cứ ai thăm nơi này đều xúc động, bồi hồi. Đến Thành cổ, thắp một nén hương ở mảnh đất thiêng liêng ấy, chưa bao giờ bạn cảm nhận giai điệu bi tráng của hành khúc “Hồn tử sĩ” vang lên với nhiều cung bậc cảm xúc đến vậy

Là những người may mắn sau chiến tranh được sống trở về, mỗi khi trở lại đây thắp nén nhang thơm tưởng nhớ tới những đồng đội đã hy sinh trong đó có rất nhiều người là sinh viên các trường đại học, lòng chúng tôi lại xót xa mỗi khi ngước nhìn cây thiên mệnh như một cây bút lông tượng trưng cho những kẻ sĩ Bắc Hà đang viết lên bầu trời xanh ngắt Bản anh hùng ca đầy Máu và Nước mắt của Thành Cổ Quảng Trị.

Trong khuôn viên của Thành Cổ, một bức tường sinh viên hay Đài Chứng tích Sinh viên - Chiến sĩ đã được dựng lên bởi các Cựu Sinh viên-Chiến sĩ Thành cổ QT để ghi nhận những công lao của một thế hệ Sinh viên đã chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất này.“Tại đây Thành Cổ Quảng Trị kiên cường bao Chiến sĩ Sinh viên Việt Nam đã anh dũng chiến đấu vì Độc lập, Tự do và Thống nhất Tổ quốc, nhiều người trong số họ đã hy sinh oanh liệt. Các Anh sống mãi trong lòng đất nước, nhân dân và đồng đội thân yêu”.

Cuộc chiến Quảng Trị đã lùi vào quá khứ nhưng không nơi nào như ở chính nơi đây đất chật mà Nghĩa trang liệt sĩ lại đông đến thế và có cả hai Nghĩa trang lớn không bia mộ đó chính là Thị xã - Thành Cổ Quảng Trị và dòng Thạch Hãn. Dòng Thạch Hãn vẫn trong xanh như ngày nào nhưng mang trong mình những linh hồn trẻ trai mãi mãi tuổi Hai mươi, mãi mãi ở lại với núi sông và đất trời Quảng Trị không về.

Giờ đây Thành cổ đã trở thành một trong 4 địa danh tâm linh của nhiều người dân Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung, đó là Cầu phước La Vang, cầu an Sắc Tứ, cầu tự Trường Sơn, cầu ơn Thành Cổ.

Hôm trước mấy người đồng đội tôi cùng là cựu SV ĐHXD đã vào đây để làm lễ tưởng nhớ tới các bạn bè đã ngã xuống nơi này. Hôm nay tôi đưa các các CCB của cơ quan đi qua những khu vực tôi đã chiến đấu ngày xưa để thắp cho các LS những nén hương để cẩn cáo với họ tôi lại trở lại nơi các bạn, các đồng đội tôi yên nghỉ: Triệu Thành với An Tiêm, Chợ Sãi, Nại Cửu ; Triệu Long với Đầu Kênh, Phương Ngạn...Triệu Trạch với Lệ Xuyên và cao điểm 5,2 ; Triệu An với cao điểm 12, Hà Tây, Phó Hội, cảng Cửa Việt...

Chúng tôi rời bờ Nam Cửa Việt sang bờ Bắc, cầu Cửa Việt duyên dáng nối hai bờ. Đứng trên cầu phóng tầm mắt về phía tay phải nơi cửa sông, dòng sông bị thắt lại trước khi hòa vào lòng đại dương xanh ngắt. Cầu Cửa Việt là nằm trong dự án tuyến đường ven biển. Giờ đây ta đã có thể ung dung phóng xe từ Cửa Tùng qua cầu Cửa Tùng, chạy ven biển đế Cửa Việt và tiếp tục đến Mỹ Thủy (Hải Lăng) cho tới tận đất Thừa Thiên ở Thuận An.

Bờ bắc Cửa Việt thuộc đất Gio Linh với khung cảnh trù phú hơn bờ Nam. Tôi không còn nhận ra đâu là cao điểm 31 nữa, ngày xưa từ bờ Nam ta nhìn thấy nó rõ mồn một có lẽ vì khung cảnh xung quanh trơ trụi vì bom đạn. Con đường nhựa phẳng lì đưa chúng tôi về Ngã Tư Sòng để quay lại Đông Hà.

Hành trình tâm linh về với QT của đoàn CCB NHCT Hà Nội đã hoàn tất trước dự định. 15g chiều chúng tôi về Khách sạn nghỉ ngơi để sớm mai quay trở ra.

Sáng 2/5, chúng tôi chia tay Đông Hà và theo đường 1 để ra Bắc. Đi hết Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh tới Vinh. Chúng tôi quyết định ra đến Yên Lý (Diễn Châu, NA) sẽ rẽ trái theo đường 48 để lên đường HCM. Chọn phương án này tuy phải đi thêm mấy chục cây số nhưng sẽ không bị kẹt xe, tắc đường trên đường 1 đoạn từ Thanh Hóa trở ra - một vấn nạn thường xuyên xảy ra vào những dịp nghỉ lễ dài ngày như thế này.

Đường 48 giờ đã được nâng cấp, mở rộng đẹp lên rất nhiều. Đây là con đường nổi tiếng trong thập niên 80, 90 của thế kỷ trước với cái tên con đường đá đỏ. Con đường này đã đưa bao con người như những con thiêu thân đến vùng đá đỏ Quỳ Hợp với ảo tưởng làm giàu để thoát khỏi cảnh nghèo đói. Giầu có đâu có giành cho những con người cơ cực ấy mà chỉ làm cho họ bần cùng hơn trong cái ảo tưởng hão huyền. Nhưng cũng có một số rất ít kẻ đã làm giầu trên sự bần cùng của đại đa số, không phải bằng con đường chân chính mà bằng nhiều thủ đoạn ma giáo ở cái vùng đất chỉ tồn tại một thứ luật đó là luật rừng.

Đi trên đường 48 ta bắt gặp nhánh đường sắt Cầu Giát - Thái Hòa với đường ray cỡ nhỏ. Giờ đây con đường sắt này không còn hoạt động nữa, có một thời nó là phương tiện chủ yếu chuyên chở hàng từ ven biển lên miền Tây xứ Nghệ. Đường 48 gặp đường HCM tại Ngã Tư Thịnh Mỹ.

Chặng đường ra trên đường HCM là dòng chuyển động của các xe mang biển HN và các tỉnh phía Bắc. 4 ngày nghỉ thiên hạ nô nức đi chơi, đi nghỉ và sẽ giành 1 ngày cuối cùng có mặt ở nhà để nghỉ ngơi chuẩn bị cho những ngày làm việc sắp tới.

Chúng tôi ăn với nhau 1 bữa cơm kết thúc chuyến đi tại 1 quán ăn nhà sàn khu vực Cúc Phương giáp với Hòa Bình. Một chuyến đi vui vẻ, an toàn và hoàn thành những mục tiêu đề ra.

22g chúng tôi về đến cơ quan.

Hết
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Năm, 2011, 08:09:39 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #86 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2011, 08:42:48 am »

Hôm nay 6/5 chỉ còn một ngày nữa là kỷ niệm 57 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, lừng lẫy địa cầu, xin kính chúc các CCB thế hệ chống Pháp "tiếp tục khoẻ" để hưởng những ngày tháng tươi đẹp của đất nước. Thế hệ chúng ta những người Lính thế hệ chống Mỹ tuổi đời đã trên dưới 60 nhưng vẫn còn rất khoẻ sẽ tiếp tục viết những điều mà chúng ta chưa làm được.
Hôm nay gặp dược Bác chienc3.1972 trên trang này em xin chào bác. Quả thật Bác LXT xứng danh là "mõ" của hội ta có công lao rất lớn để tập hợp anh em, giúp mọi người được nhiều việc, xứng đáng được thưởng "Huân chương Môn thục", " Biểu dương thốc tháo vào mặt, ghi tên Đáy nồi quân dụng".Vừa rồi đi QT chụp được rất nhiều ảnh nhưng vì ảnh có độ phân giải lớn, nên rất nặng không thể cho lên trang được, để hôm nào vào FOTOSHOP xong em sẽ đưa lên để mọi người cùng xem.
Bác Chiến ạ hôm vừa rồi không có Bác tham gia cùng Anh em. thành ra một mình em phải gánh việc Hát không cần màn hình. May mà có Đại tá Vượng hỗ trợ không thì chỉ có mình em độc diễn. các anh em khác cũng hát được nhưng phải có màn hình, cũng thông cảm thôi vì già rồi, chí nhớ giảm sút làm sao nhớ được hết . Mong Bác Chiến và bác LXT thông cảm tếu táo vài lời cho vui. vì "Sống một ngày vui một ngày, Vui một ngày lãi một ngày" Như CDC đã nói . Xin chào các bác nhé ! Thái Minh Hùng
Chào bác thaiminhhung! Riêng khoản mõ thì tôi tán thành với bác: LXT là số 1. Chả thế mà anh em hội ta để cho hắn chung thân luôn. mà cũng chả thế mà vợ hắn bảo là ông dở hơi...Nhưng nếu mà không có thằng dở hơi ấy và mấy đ/c trung kiên thì Hội mình cũng khó mà tồn tại được bác nhỉ. Hôm rồi Công-K16 có đến CT đặt vấn đề liên kết thầu công trình. Bên đ/c Phùng đã tiếp nhận hồ sơ và triển khai với quan điểm giúp bộ đội CCB lấy tiền nuôi vợ con. Có điều đ/c Công hơi amater quá nên cũng phải chỉnh sửa ít nhiều. Hôm t.7 họp kết quả ra sao thông báo cho anh em mừng chút.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #87 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2011, 11:12:42 am »

Chào bác thaiminhhung! Riêng khoản mõ thì tôi tán thành với bác: LXT là số 1. Chả thế mà anh em hội ta để cho hắn chung thân luôn. mà cũng chả thế mà vợ hắn bảo là ông dở hơi...Nhưng nếu mà không có thằng dở hơi ấy và mấy đ/c trung kiên thì Hội mình cũng khó mà tồn tại được bác nhỉ. Hôm rồi Công-K16 có đến CT đặt vấn đề liên kết thầu công trình. Bên đ/c Phùng đã tiếp nhận hồ sơ và triển khai với quan điểm giúp bộ đội CCB lấy tiền nuôi vợ con. Có điều đ/c Công hơi amater quá nên cũng phải chỉnh sửa ít nhiều. Hôm t.7 họp kết quả ra sao thông báo cho anh em mừng chút.
[/quote]

Tổ chức trao KNC vào sáng CN 29/5/2011 tại Bảo tàng HCM với số lượng 120 người. Tỉnh QT sẽ cử người ra trao tặng cho anh em. Đợt này là anh em của 325. Nhóm DHXD của mình sẽ thêm 1 số anh em ở c20/f325 và a12/f325 tổng cộng hơn 50 người. Cụ thể sẽ thông báo sau. QT tặng KNC cho anh em nhưng chi phí về thuê hội trường, vận chuyển, bữa liên hoan, mời văn nghệ ... mình phải lo. Ban tổ chức bên mình có tôi, Hùng côn, Hùng m.... Hùng m... chịu trách nhiệm in ấn giấy mời các đại biểu và chương trình kiêm MC. Bên mình sẽ kế hợp KN 39 năm ngày nhập ngũ. Tối thiểu mỗi người phải đóng góp 300K. Từ nay đến hôm đó còn nhiều việc. Mình sẽ thông báo tiếp cho bạn.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Năm, 2011, 08:14:49 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #88 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2011, 11:22:11 am »

Hôm nay 6/5 chỉ còn một ngày nữa là kỷ niệm 57 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, lừng lẫy địa cầu, xin kính chúc các CCB thế hệ chống Pháp "tiếp tục khoẻ" để hưởng những ngày tháng tươi đẹp của đất nước. Thế hệ chúng ta những người Lính thế hệ chống Mỹ tuổi đời đã trên dưới 60 nhưng vẫn còn rất khoẻ sẽ tiếp tục viết những điều mà chúng ta chưa làm được.

Nghĩa Trang Liệt Sỹ Điện Biên Phủ ngày 7/5/2011

Đồi A1 ngày 7/5/2011
Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #89 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2011, 09:10:06 pm »

Hôm nay cả thế giới kỷ niệm 66 năm ngày chiến thắng phat-xit. Tôi nhớ lại năm 1991, Liên bang xô-viêt sụp đổ. Vào thời kỳ ấy biết bao con người đã hẫng hụt thậm chí không tin vào những gì xảy ra. Liên-xô tan rã và chủ thể bấy giờ là nước Nga với El-xin làm TT. Ngày kỷ niệm chiến thắng phát-xit đầu tiên sau sự kiện động trời ấy là hình ảnh TT của nước Nga, kẻ đã chôn vùi LBXV, cùng toàn bộ tùy tùng kính cẩn nghiêng mình trước ngọn lửa bất tử của Đài LS vô danh. Thế đấy, một khi thời thế thay đổi nhưng với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc sẽ mãi mãi không bao giờ bị lãng quên.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM