Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:02:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa - Phần 2  (Đọc 290591 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #70 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2011, 12:52:16 pm »

THÁNG TƯ VỚI QUẢNG TRỊ CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH NGÂN HÀNG

30/4 năm nay tôi không được đi củng anh em CCB của ĐHXD về QT nữa mà phải dẫn đoàn CCB của cơ quan tôi đi QB và QT vì hết tháng 5 sang năm là tôi nghỉ hưu và lại là 40 năm QT giải phóng (2/5/1972), 40 năm ngày nhập ngũ (27/5/1972) và 40 năm ngày mất Thành cổ QT (16/9/1972). Với những sự kiện như thế bản thân chúng tôi sẽ phải lăn lóc rất nhiều với anh em và với QT chính vì thế năm nay tổ chức cho anh em cơ quan đi.

Chi nhánh NHTMCP Công thương Hà Nội có hơn 30 CCB trong đó tôi là người nhiều tuổi nhất (nhất cả cơ quan), tôi và 2 người nữa cũng là lính QT (1 ở c20/e95, cậu này mát da mát thịt đi đến tận cùng của cuộc chiến nhưng tí chết ở Ngã ba Dầu Giây ngày 21/4/75 vì bom đốt không khí CBU-55; còn 1 thì ở phòng không 673) số còn lại là anh em thuộc thế hệ sau 1975.

Đoàn CCB ĐHXD xuất phát chiều tối 29/4 bằng xe Dòng Hiến ở Đội Cấn với 9 thành viên hầu hết là lính 325 (5 là SV ĐHXD, 1 ĐHTH - chính là TTNL, 1 ĐH ngoại thương và 1 là ĐH ngoại ngữ ở e24/f304). Không ngờ lần này vé xe đắt quá 450K giường nằm, 400k ghế ngồi trong khi trước đó giường nằm 200-220k, ghế ngồi 180k. Phải nói rằng giới KD rất nhậy bén trong những dịp này. Dòng Hiền là 1 CTy du lịch ở QT tham gia chương trình Hành trình về miền ký ức do tỉnh QT chủ trì được phát động từ nhiều năm nay với việc tổ chức cho các CCB được trở lại thăm chiến trường cũ với 1 giá ưu đãi. Nhưng thực ra chúng tôi chưa 1 lần nào được hưởng ưu đãi cả. Mà nói vui thì đi như kiểu mấy anh em chúng tôi (mỗi năm không dưới 3 lần, có năm tới 7 lần) thì họ sẵn sàng "chào các bác em ngược, chúng em chỉ tổ chức cho các bác nào 5 đến 10 năm mới đi 1 lần và phải có xác nhận đầy đủ từ phường, xã cho tới tỉnh, TP và đi vào thời gian tháng 10  khi mùa mưa đến đỉnh tại QT thời điểm chúng em đang không có khách..." .

Hành trình của nhóm chúng tôi bao giờ cũng là 1 lộ trình không thay đổi từ nhiều năm nay. Sau khi đến ĐH, chúng tôi thuê 1 cái xe đi qua các NTLS như Triệu Phong (ở Ái Tử), NTLS Hải PHú, NTLS Thị xã QT, vào Thành cổ, đến Đài chứng tích SV-CS, ra bến thả hoa vào NTLS Triệu Thành, Triệu Long, Triệu Vân, Triệu An - 4 NTLS này chính là nơi yên nghỉ hàng ngàn chiến sĩ của e101 của tôi từ tháng 7/72 cho đến 31/1/73 và kết thúc tại cảng Nam Cửa Việt lộng gió nhâm nhi mấy chén rượu rồi nhắc lại những chuyện đã qua mà không biết bao nhiêu lần đã nói... Năm nay cũng vậy, ngày 30/4 sau khi đi hết các NTLS thắp hương cho anh em, họ băng qua cầu Cửa Việt sang bờ bắc và ngược theo tuyến đường duyên hải ra Cửa Tùng và lên NTLS Trường Sơn. 1/5 họ lên Tà Cơn, Khe Sanh, Lao Bảo tạt qua Đầu Mầu, 544 về Quất Xá. Ngày 2/5 họ dùng xe máy quay vào Tích Tường, Như Lệ, Thượng Phước, Đá Đứng, Phương Thúy... nơi đã từng in dấu chân với tuổi 20 của họ mà mỗi khi nhắc đến những địa danh ấy bên những nối xót xa nhớ thương bạn bè đồng đội đã nằm lại ở những nơi này là còn có lòng tự hào vì những gì mình đã làm được cho ngày hôm nay.

Tôi không tham gia với họ được, nghĩ tiếc quá mặc dù mình cũng đi nhưng đi với đồng đội bao giờ cũng có sự chia sẻ của những người trong cuộc nhất là bổ sung những gì mình chưa rõ. Chiều qua họ lên xe quay về HN. Thế nào TTNL cũng chia sẻ với chúng ta trong mấy ngày này.

Còn đoàn CCB NH Công thương VN-CN Hà Nội chúng tôi sớm 30/4 xuất phát từ cơ quan qua tượng đài cụ Lý là lễ cẩn cáo cụ về chuyến đi này (đây là một việc thông lệ của chúng tôi mỗi khi đi đâu). Khi cơ quan chấp nhận đề nghị của chúng tôi rất nhiều anh em đăng ký nhưng phút cuối cùng chỉ còn gần 20 người vì công việc (nhất là anh em bảo vệ) vả lại năm nay nghỉ tới 4 ngày nhiều gia đình có chương trình đi nghỉ. Chúng tôi đi bằng 2 xe 16 chỗ của cơ quan, lái xe cũng là những CCB và lên đường HCM qua Hà Đông. Chọn đi tuyến đường này có ý nghĩa rất lớn trong những ngày này mặt khác đây cũng là phương án tránh sự ùn tắc trên QL1 vì mật độ xe rất lớn trong ngững ngày nghỉ dài như thế này.

Đường HCM từ Xuân Mai đến Chợ Bến chủ yếu dựa trên trục đường 21 đi Chi Nê (Lạc Thủy, Hòa Bình) Đoạn này chính là đoạn đường mà những năm tôi học cấp 2 (1965-1966) sơ tán tại Tuy Lai (Mỹ Đức, Hà Tây) mỗi lần đi lấy củi hoặc lấy sim phải băng qua 1 quèn đá vôi và gặp đường nhựa 21 (lúc ấy còn nhỏ) trên đất Lương Sơn (Hòa Bình). Có một lần đi cùng ông chủ nhà nơi sơ tán nghỉ đêm tại 1 bản người Mường gần trục đường 21 trong một lần mang muối đi đổi mật ong, đêm ấy ngủ trên nhà sàn nghe tiếng ì ầm từ phía đường thì ra đây chính là tuyến hành lang vận tải quân sự sau này mang tên đường HCM đi từ Xuân Mai hoặc ở đâu đó theo đường 21 tiến về Nam. Rồi những năm 1979 khi chúng tôi đang học ở ĐHSP Ngoại ngữ đã lên khu vực xã Thanh Nông gần Ngã ba Hàng Đồi trên trục đường 21 để lấy đất làm gạch phục vụ cho việc XD phòng tuyến sông Cầu. Chúng tôi thường đạp xe từ Ba Hàng Đồi thuộc huyện Kim Bôi vượt hơn 20 km để đến Chi Nê để đi chợ trong những ngày nghỉ. Đoạn đường này với những địa danh nổi tiếng trong KCCP như Ba Hàng Đồi, Đầm Đa, Chi Nê, Xích Thổ với hành lang đông tây hay còn gọi là phòng tuyến Delattre de Tassighy trong những năm 1950-1952. Ông ta là 1 thống chế nổi tiếng của Pháp nhưng kết thúc sự nghiệp tại VN. http://vi.wikipedia.org/wiki/Jean_de_Lattre_de_Tassigny

Đường HCM hôm nay đến Chợ Bến thì không theo trục đường 21 cũ mà hướng về phía Tây Nam qua Hàng Trạm (Yên Thủy, HB). Tới đây con đường đi theo mặt phía đông của Cúc Phương. Đây là 1 đoạn đường tuyệt đẹp với những dãy núi đá vôi chạy từ Sơn La phía Tây Bắc bắt nguồn từ mạch phía Nam của dãy Hy-ma-lay-a trên cao nguyên Tây Tạng. Bức tranh thủy mặc này với con đường luồn lách qua những quả núi đá vôi, lúc chạy theo những con sông cạn vào mùa này nhưng vô cùng hung dữ mỗi khi mùa mưa đến. Theo một số người nói để khỏi ảnh hưởng môi trường sinh thái của Vườn QG Cúc Phương, những người làm đường đã phải nắn tuyến ra bên dìa của Vườn, đoạn chạy dọc sông Bưởi và 1 số sông suối đã làm cầu cạn uốn lượn theo địa hình đồng thời lấy chỗ cho thú rừng xuống sông uống nước.Ở đây người ta dựng ở 2 bên đường hàng rào căng bằng dây cáp tránh cho thú rừng khỏi bị va chạm với các phương tiện giao thông trên đường. Phải nói rằng cung đường này chính là 1 trong những cung đẹp nhất trên tuyến đường HCM mà tôi đã từng đi qua với dãy núi đá vôi chạy dọc theo 1 bên đường, bên kia là những trảng đồi thoai thoải và những cánh đồng lúa xanh rờn chạy xa ngoài tầm mắt mình. Có một điều làm tôi không khỏi lấn cấn trong lòng vì mỗi lần tôi qua đây, những cảnh vật nên thơ này lại được thêm những hàng quán cụm nhau lại thành những phố cơm, phố phở, phố đặc sản...với mọi kiểu dáng làm phá hỏng những gì mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người.

(còn tiếp)  
   
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Năm, 2011, 10:16:14 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #71 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2011, 06:47:03 pm »

Bác LXT, TTNL: Tối hôm qua trên VTV1 có đưa tin hội thảo về trận "An Đôn - Nhan Biều" - Chúc mừng bác LXT, TTNL, 6971 và các CCB 325 trên QSVN nhé. Em thấy có cụ Huy trên ti vi, hình như lúc đó cụ Huy là et e18 hay fphó phải không ạ.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #72 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2011, 10:30:47 pm »

Bác LXT, TTNL: Tối hôm qua trên VTV1 có đưa tin hội thảo về trận "An Đôn - Nhan Biều" - Chúc mừng bác LXT, TTNL, 6971 và các CCB 325 trên QSVN nhé. Em thấy có cụ Huy trên ti vi, hình như lúc đó cụ Huy là et e18 hay fphó phải không ạ.

Lúc trận Nhan Biều đầu tháng 11/1972 cụ Huy là e trưởng e18/f325. Trước đó là e trưởng e9/f304 và là trường ban quân quản TX QT (5/1972)
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #73 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2011, 10:35:36 am »

Bác Lê Xuân Tường ơi ; Em đây hôm nay mới được vào để tham gia trang Quan Sử VN , Đợt 30/4 năm nay bác không đi cùng với anh em sao bác thuộc hành trình của anh em CCB DHXD thế nhưng còn một chi tiết nữa nhưng chắc là bác chưa nắm được, là sau khi đoàn đi thắp hương cho anh em xong, đoàn đã được anh Trần Khánh Khư ở Ban Quan lý di tích, danh thắng Quảng Trị đưa đi thăm khu Bắc Cửa Việt và nam Cửa Tùng .Phải nói đây là khu vực có nhiều tiềm năng về du lịch vì biển rất đẹp và hoang sơ chưa có ô nhiễm và mọi thứ đều rất rẻ. Sau đó đoàn về nhà hàng Xuyên Á để ăn cơm tối do cháu Năm ở CA tỉnh Quảng Trị giúp đỡ, thật không ngờ đó là một bữa ăn cực kỳ thú vị với thức ăn của Đông Hà và "rượu gạo làng ta" từ Hà Nội mang đi, bên mâm bên lại có đoàn CCB của Trường ĐH Phú yên sau đó tự nhiên hai đoàn nhập lại tổ chức giao lưu ca hát những bài ca truyền thống : Đường Chúng ta đi ( huy du), Người chiến sĩ ấy( Hoàng Vân ) Bài Ca Trường Sơn ( Trần Chung"... mọi người cùng hát rất vui vẻ chỉ tội thiếu mỗi mình bác thôi.
Sáng 2/5 sau khi xe của đoàn các bác đi rồi, chúng em ở lại để "cửu vạn" 04 hộp đựng khung kỷ niệm chương để tiết kiệm cho đoàn. Trong đó Đại tá Vượng và em TB 61% xung phong vác mỗi người một thùng. Sáng qua 3/5 xe Dòng Hiền chạy về đến HN lúc 05h sớm hơn dự kiến. anh em rất phấn khởi; một chuyến đi thành công và an toàn. Xin chào bác nhé. Thái Minh Hùng
Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #74 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2011, 10:55:16 am »

Bác Lê Xuân Tường ơi ; Em đây hôm nay mới được vào để tham gia trang Quan Sử VN , Đợt 30/4 năm nay bác không đi cùng với anh em sao bác thuộc hành trình của anh em CCB DHXD thế nhưng còn một chi tiết nữa nhưng chắc là bác chưa nắm được, là sau khi đoàn đi thắp hương cho anh em xong, đoàn đã được anh Trần Khánh Khư ở Ban Quan lý di tích, danh thắng Quảng Trị đưa đi thăm khu Bắc Cửa Việt và nam Cửa Tùng .Phải nói đây là khu vực có nhiều tiềm năng về du lịch vì biển rất đẹp và hoang sơ chưa có ô nhiễm và mọi thứ đều rất rẻ. Sau đó đoàn về nhà hàng Xuyên Á để ăn cơm tối do cháu Năm ở CA tỉnh Quảng Trị giúp đỡ, thật không ngờ đó là một bữa ăn cực kỳ thú vị với thức ăn của Đông Hà và "rượu gạo làng ta" từ Hà Nội mang đi, bên mâm bên lại có đoàn CCB của Trường ĐH Phú yên sau đó tự nhiên hai đoàn nhập lại tổ chức giao lưu ca hát những bài ca truyền thống : Đường Chúng ta đi ( huy du), Người chiến sĩ ấy( Hoàng Vân ) Bài Ca Trường Sơn ( Trần Chung"... mọi người cùng hát rất vui vẻ chỉ tội thiếu mỗi mình bác thôi.
Sáng 2/5 sau khi xe của đoàn các bác đi rồi, chúng em ở lại để "cửu vạn" 04 hộp đựng khung kỷ niệm chương để tiết kiệm cho đoàn. Trong đó Đại tá Vượng và em TB 61% xung phong vác mỗi người một thùng. Sáng qua 3/5 xe Dòng Hiền chạy về đến HN lúc 05h sớm hơn dự kiến. anh em rất phấn khởi; một chuyến đi thành công và an toàn. Xin chào bác nhé. Thái Minh Hùng

Bạn thấy mình thành công trong việc khích tướng để tham gia diễn đàn cùng chia sẻ với nhau. Không có gì tuyệt vời và đầy đủ hơn những người trong cuộc viết về mình. Mỗi người 1 chút cùng tham gia, chúng ta sẽ có đầy đầy đủ bức tranh của một thời bi hùng đã qua để hôm nay và mai sau chúng ta càng thêm gắn bó với nhau, có phải thế không bạn.

Anh em c1/d1/e101 của bạn có rất nhiều câu chuyện phải được kể ra cho mọi người được biết, ví dụ như "có 3 anh hùng là Hùng côn, Hùng bồ (hay còn gọi là Hùng ếch-eczema-) và Hùng m... cùng ở tiểu đội 1, trung đội 1, đại đội 1, tiểu đoàn 1, trung đoàn 1 (101) của sư đoàn 325 đã bám trụ kiên cường tuyến chốt Chợ Sãi những ngày tháng 9/1972".
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #75 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2011, 12:00:17 am »

THÁNG TƯ VỚI QUẢNG TRỊ CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH NGÂN HÀNG (2)

(tiếp theo)
Đi hết dãy núi đá vôi bên dìa VQG Cúc Phương chúng tôi vào đất Thanh Hóa. Đây là vùng đồi núi huyện Thạch Thành và Cẩm Thủy với những quả đồi xanh ngắt rừng keo, rừng thông và nhất là mía. Đây là vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy đường Lam Sơn. Qua sông Bưởi tôi lại nhớ đến thằng Mai Mường. Nó là Quách Ngọc Mai, dòng họ quan lang người Mường ở vùng núi Thanh Hóa. Tôi biết đến sông Bưởi qua những câu chuyện của nó về dòng sông quê hương, về những buổi quăng chài bắt cá trên sông...nó là xạ thủ B41 tăng cường cho tiểu đội tôi sau khi đơn vị rút ra Bắc Cửa Việt để củng cố tháng 11/1972. Nó đã nằm lại ở Phan Rang tháng 4/1975...

Đến cầu Cẩm Thủy bắc qua sông Mã ta lại thấy những núi đá vôi chạy ven đường. Qua thị trấn Cẩm Thủy rẽ phải có đường đến hang cá thần ở xã Cẩm Lương. Trong dịp kỷ niệm 62 năm ngày thành lập QDND VN tháng 12/2006, đoàn CCB của cơ quan chúng tôi (lúc ấy gọi là Sở giao dịch 1 NHCT VN) trên đường vào Quảng Trị đã ghé thăm hang cá thần Cẩm Lương. Đi hết Cẩm Thủy đến huyện Ngọc Lặc đường HCM bắt vào đường 15 tại thị trấn Ngọc Lặc. Đường 15 bắt đầu từ ngã ba Tòng Đậu trên QL6 thuộc huyện Mai Châu, Hòa Bình và trục đường HCM trên đất Thanh Nghệ nhiều đoạn chạy trên nền đường 15 này. Đi qua các huyện Thọ Xuân, Thường Xuân và Như Xuân của Thanh Hóa ta vào đất Nghĩa Đàn của tỉnh Nghệ An.Tuyến đường HCM trên đất Thanh ta sẽ gặp nhiều đường nhánh rẽ về phía Đông với những địa danh nổi tiếng như huyện Vĩnh Lộc với thành nhà Hồ, huyện Thọ Xuân với đất Lam Kinh - quê hương của Lê Lợi - và sân bay Sao vàng, huyện Như Thanh với VQG Bến En ...

Ngày hành quân vào Nam ấn tượng khi rời đất Thanh Hóa để vào Nghĩa Đàn là đơn vị được chuyển sang đi xe Hoàng Hà 3 cầu. Dốc Bò lăn lầy thụt trong mưa, xe chở quân chao đảo nhiều lúc tưởng chừng lật xe. Cây rừng hai bên đường sũng nước va đập vào thành xe, vào mặt mũi chúng tôi tới tấp. Xe không có mui bạt chúng tôi phải khoác vải mưa nhưng vẫn ướt lướt thướt...Giờ đây xác định vị trí dốc Bò lăn ở đâu nhỉ các bác giúp tôi với.

Nghĩa Đàn với mầu đất nâu sậm đặc trưng của đất ba-zan thích hợp với cà phê, cao su và cam. Hai bên đường người ta bầy rất nhiều cam vàng. Cũng lạ từ trước đến nay chúng tôi quen với giống cam Vinh vỏ xanh vàng của xứ Nghệ, còn giống cam bày bán đầy bên đường quả rất giống những quả cam tầu được bầy bán ở HN.!!! Ngẫm lại chuyện người ta đưa cam tầu lên đất cam Nghĩa Đàn để bán cũng như việc chở tỏi ra Lý Sơn để ma giáo thành tỏi Lý Sơn và lại quay vào đất liền với cái danh tỏi Lý Sơn nổi tiếng. Từ Thái Hòa đường HCM tiếp tục đến Tân Kỳ. Nơi đây là cột mốc số 0 của đường HCM thời chống Mỹ. Mấy chục năm trước trên đường chuyển thương ra Bắc, đoàn xe chở thương binh chúng tôi bị B52 rải thảm trong đêm 18/11/1972, cũng rất may hơn 200 thương binh cùng hơn chục chiếc Giải phóng không việc gì chỉ bị sứt đầu mẻ trán, bẹp nóc, bẹp mũi xe do đất đá và cây rừng bị bom dập xuống. Không thể nào xác định nơi ấy ngày xưa nữa. Cầu Tri Lễ bắc qua sông Lam, 2 bên bờ vẫn còn lại những vết tích của 2 trận lụt khủng khiếp tháng 10 vừa qua. Đây là đất của huyện Anh Sơn và chúng tôi gặp QL7 từ đường 1 lên Mường Xén và sang Lào. Đây là con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường Bắc Lào những năm tháng chống Mỹ, giờ đây lại nổi tiếng là con đường ma túy . Buổi trưa chúng tôi dừng lại ăn trưa tại xã Thanh Thủy, Thanh Chương. Đã lâu lắm rồi mới lại được ăn món nhút xơ mít xào của Thanh Chương. Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn là 2 trong nhiều món ăn đặc trưng nổi tiếng của xứ Nghệ.

Trời nắng khủng khiếp, mặt đường nhựa rung rinh vì hơi nóng loáng loáng như đổ nước, chúng tôi vào đất Hà Tĩnh. Đường 8 từ TX Hồng Lĩnh dưới đường 1 gặp đường HCM ở Phố Châu. Những dãy núi đã ở xa về phía Tây. Đây là vùng đồng bằng xen lẫn những vạt đồi thấp khô xác. Xe chạy qua những quả đồi trồng keo của huyện Vụ Quang. Từ xa chúng tôi đã thấy những biển báo đây là khu vực vườn quốc gia nhưng rừng già ở tận đâu chứ hai bên đường có còn gì đâu ! Từ xa chúng tôi đã thấy lô nhô những nóc nhà thờ trên đất huyện Hương Khê, hầu như những nhà thờ ở đây đều được xây mới với tháp chuông cao vút.

(còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Năm, 2011, 02:27:53 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #76 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2011, 02:53:45 pm »

Bác Tường ơi : Từ hôm đi Quảng Trị về đến giờ cảm thấy tâm hồn mình "thư thái thêm" hôm về có gọi điện cho Đức, Nghĩa Cụt, sáng nay lại gặp Anh Hùng "xì ke" mọi người đều hỏi thăm và bảo tại sao không rủ họ đi, nhưng em phải nói rằng phải đăng ký trước thì mới lo được ( nhưng có lẽ chỉ có những CCB Trung kiên, bền bỉ và có trách nhiệm" thì Mõ gọi lúc nào cũng có, đi bất cứ đâu khi cần. Hôm qua em có gặp Trừu (Thái Bình) trên điện thoại nó rất mừng hẹn khi nào gặp nhau ở HN, Trừu có gửi cho em 08 bài thơ nó viết về anh em ở Triệu phong, An Tiêm qua email. Hẹn Bác Thứ Bẩy này ta gặp nhau để bàn cụ thể công việc của Hội ta cuối tháng 5 này. Xin chào Bác nhé : Thái Minh Hùng
Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #77 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2011, 03:38:25 pm »

Đọc bài viết của Đặng Ngọc Trừu về trường hợp hy sinh của đồng đội Cao Minh Sơn làm tôi ứa nước mắt vì tiếc thương một người bạn đồng niên, đồng khoá 16 DHXD . Sơn là một người rất nhanh nhẹn, đẹp trai, da hơi đen và có sức khoẻ, vì dọc đường hành quân Sơn là liên lạc của Đại đội. Khi vượt sông Thạch Hãn ở khu vực Ái Tử bom B52 đánh , nhưng tôi thì không biết bơi phải đợi . Sơn là người Hải phòng bơi rất giỏi , sau khi anh bơi qua sông và cất đồ đạc, thì quay lại dìu tôi qua sông. Khi về đến đại đội thì Sơn vẫn được cử làm liên lạc đại đội và thường sang hầm của chúng tôi chơi vì Chúng tôi toàn sinh viên K16 ( tôi, Bùi Đăng Biên 16t, Phạm Khang cùng lớp 16nước với Sơn, Nghĩa ( tẩm bòng) 16V, Nguyễn Minh Sơn 16Cầu, Đặng Ngọc Trừu Lính cũ Thái Bình. Hôm đưa cơm và đạn dược vào chốt cho C2 vì sơn là lính mới nhưng nhanh nhẹn Đại đội cử Sơn đi, và anh đã không trở về, Hôm đó cứ của Đại đội 1 bị đánh B52 trúng khi từ chốt trở về Trừu tìm mãi mới được hầm của anh em và thông báo Sơn mất tích không thấy đâu cả chắc là hy sinh rồi, một không khí buồn bã bao trùm lên anh em vì đã có một người đồng đội, một người bạn đã hy sinh khi tuổi chỉ mới có 18, nhắc lai về trường hợp hy sinh của Cao Minh Sơn để anh em biết và mong linh hồn anh thanh thoát, và phù hộ cho nhưng người bạn đã cùng Anh chiến đấu trong những ngày ác liệt để chúng tôi có đủ sức khoẻ, cố gắng thay nhau mỗi năm một lần vào thắp hương cho những người lính, những người đồng đội đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị.
Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #78 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2011, 03:41:42 pm »

"Em đây hôm nay mới được vào để tham gia trang Quan Sử VN , Đợt 30/4 năm nay bác không đi cùng với anh em sao bác thuộc hành trình của anh em CCB DHXD thế nhưng còn một chi tiết nữa nhưng chắc là bác chưa nắm được, là sau khi đoàn đi thắp hương cho anh em xong, đoàn đã được anh Trần Khánh Khư ở Ban Quan lý di tích, danh thắng Quảng Trị đưa đi thăm khu Bắc Cửa Việt và nam Cửa Tùng .Phải nói đây là khu vực có nhiều tiềm năng về du lịch vì biển rất đẹp và hoang sơ chưa có ô nhiễm và mọi thứ đều rất rẻ. Sau đó đoàn về nhà hàng Xuyên Á để ăn cơm tối do cháu Năm ở CA tỉnh Quảng Trị giúp đỡ, thật không ngờ đó là một bữa ăn cực kỳ thú vị với thức ăn của Đông Hà và "rượu gạo làng ta" từ Hà Nội mang đi, bên mâm bên lại có đoàn CCB của Trường ĐH Phú yên sau đó tự nhiên hai đoàn nhập lại tổ chức giao lưu ca hát những bài ca truyền thống : Đường Chúng ta đi ( huy du), Người chiến sĩ ấy( Hoàng Vân ) Bài Ca Trường Sơn ( Trần Chung"... mọi người cùng hát rất vui vẻ chỉ tội thiếu mỗi mình bác thôi."
Chào Hùng M, sao bác không ký nghệ danh này cho thêm phần thân mật. Mà cũng phải đây là tài sản riêng của anh em mình, không thể chia sẻ được. Xem bài viết của bác mà tiếc đứt ruột (nhất là cái vụ giao lưu với các CCB ĐH Phú Yên). Do hoàn cảnh không thể tham gia đoàn của hội mình được. Đề nghị đoàn tổ chức gặp mặt báo cáo kết quả chuyến đi cho anh em cùng biết. Hẹn gặp nhau cuối tuần. Thân: Phạm Chiến
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #79 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2011, 10:33:15 pm »

THÁNG TƯ VỚI QUẢNG TRỊ CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH NGÂN HÀNG (3)

(tiếp theo)

Qua khỏi thị trấn Vụ Quang chừng hơn hai chục cây số chúng ta đến Ngã Ba Khe Giao - nơi đường HCM gặp đường 15. Từ đây ré trái đi chừng gần ba chục cây số là đến Ngã ba Đồng Lộc - một trọng điểm nổi tiếng ác liệt trong những năm chống Mỹ với tên tuổi của 10 cô gái TNXP đã hy sinh cho mạch máu giao thông được thông suốt.  

Đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua Hương Khê chủ yếu đi trên nền của QL 15 cũ đã được nắn thẳng và mở rộng rất đẹp. Cách không xa về bên trái, thấp hơn đường HCM một chút là đường sắt Bắc - Nam và đường 15 cũ chạy song song. Cảnh vật ở đây là những gò đồi thấp liên tiếp nhau không khuất tầm nhìn để có thể nhận ra một dải núi xanh ngắt ở phía Tây - đấy là Trường Sơn - xương sống của bán đảo Đông Dương. Thị trấn Hương Khê nhỏ bé, tĩnh lặng nằm ven đường, xung quanh là những vạt đồi trồng chuyên canh giống bưởi Phúc Trạch nổi tiếng.

Đi hết đất Hương Khê chúng ta vào Tuyên Hóa, Quảng Bình. Tới ga Tân Ấp, đường HCM tách khỏi đường sắt và đường 15 để đi chếch về hướng Tây. Hai bên đường làng bản thưa thớt của người Chứt. Ven đường có những tấm biển thông báo đây là khu vực vành đai biên giới.
 
Xe chúng tôi dừng chân tại Khe Ve. Đây là ngã ba của đường HCM gặp QL 12A nối Đông - Tây Trường Sơn đi Cổng Trời 40 km, và qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Khu vực này chính là thượng nguồn của sông Gianh. Đường HCM ở đây lọt vào giữa những ngọn núi đá vôi hiểm trở. Trong giai đoạn đầu chiến tranh chống Mỹ cung đường này là cung đường vận tải cơ giới duy nhất nối Đông với Tây Trường Sơn, chính vì thế địch tập trung đánh phá ác liệt. Ở đây không phải chỉ các loại bom phá, bom xuyên bom khoan mà chính tại  tuyến đường chiến lược này, Mỹ bắt đầu dùng B52 rải thảm đầu tiên đối với miền Bắc, có ngày tới 27 lần/chiếc B52 dội bom xuống khu vực này. Lớp bom sau đè lên lớp bom trước...Chính trên cung đường này là trận địa pháo phòng không của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân với câu nói nổi tiếng: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Anh nguyên là chính trị viên đại đội của tiểu đoàn 14 pháo cao-xạ của sư đoàn 325A - lớp đàn anh của chúng tôi, những chiến binh của sư đoàn 325D. Các thế hệ của sư đoàn 325A, B, C, D là con đẻ của mảnh đất Bình - Trị - Thiên khói lửa sinh ra và lớn lên trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trưởng thành và phát triển trong chiến tranh chống Mỹ, bước chân của các anh đã dọc ngang khắp bán đảo Đông Dương.
      
Qua Tuyên Hóa ta vào đất Minh Hóa, con đường uốn lượn qua những núi đá vôi, những vạt đồi cỏ gianh lúp xúp. Vết tích con đường 15 cũ khi nhập vào đường mới, khi ẩn hiện trong lớp cây rừng bên đường. Vết tích chiến tranh hầu như bị xóa nhòa may ra còn lại ở những mố cầu nham nhở vì bom đạn còn sót lại qua những khe sông, khe suối.

Đèo Đá Đẽo, ranh giới giữa Minh Hóa và Bố Trạch, thuộc dãy Giăng Màn chạy từ biên giới Việt - Lào ra biển Đông mà điểm cuối là Đèo Ngang. Đây  là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ trong năm 1965 - 1972. Khu vực này có địa hình đa dạng gồm đồi núi, thung lũng xen kẽ và bị chia cắt có chiều dài 16 km với một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Cái tên Đèo Đá Đẽo đã đi vào lịch sử chiến tranh như một bản hùng ca đầy bi tráng. Ấy thế mà Đèo Đá Đẽo nói riêng cũng như những cung đường chiến lược chi chít của miền Tây này vẫn thông, vẫn sống thì quả là ngoài sức tưởng tượng của con người. Xe chúng tôi đổ đèo để vào đất Bố Trạch. Địa hình tại đây khá bằng phẳng vì nằm trong một thung lũng hẹp kẹp giữa những dãy núi đá vôi cao. Đó chính là dãy Phong Nha - Kẻ Bàng. Tại đây một sân bay dã chiến có thể nói là độc nhất vô nhị trên hành tinh này có tên là Khe Gát (hay còn gọi là sân bay Troóc). Nói đúng hơn là chỉ vỏn vẹn một đường băng cho một chiếc MiG lăn cất cánh và hạ cánh rồi chui giấu trong lòng núi. Ngày 19/4/1972, lúc 16g, một chiếc MiG 17 xuất phát từ sân bay Khe Gát này và chỉ trong 17 phút đồng hồ đã bắn cháy tầu khu trục của hạm đội 7 Mỹ. http://www.nguoiquangbinh.net/forum/diendan/showthread.php?t=23361. Đòn bất ngờ bởi cách đánh sáng tạo bí mật ấy đã khiến nhiều tàu chiến Mỹ không dám táo tợn liều lĩnh mò sâu vào vùng biển Quảng Bình để gây tội ác như trước. Điều kỳ diệu nữa là sân bay bí mật ấy đã không bị phát hiện bởi hệ thống mắt thần tinh vi của đối phương và tồn tại cho đến ngày toàn thắng.

Hôm nay đi trên đoạn đường này người ta đang đang đổ bê-ton làm lại lại sân bay Khe Gát. Nhưng không hiểu việc đổ bê-ton như thế có đúng với việc phục dựng lại lịch sử không đây. Tôi đã đọc ở 1 tài liệu nào đó nói về việc xây dựng sân bay này. Người ta làm nền lu chặt và rải ghi lỗ để làm đường băng. Bình thường đường băng được ngụy trang bằng cây rừng, khi xuất kích, máy bay được đưa ra đường băng lúc đó cây cối đã được dẹp lại để máy bay cất cánh.

Khe Gát cũng là điểm xuất phát của đường HCM cánh Tây. Từ đây đường cánh Tây sẽ vượt 214 km qua dãy U Bò để tới đường 9 tại ngã 3 Khe Sanh. Từ Ngã Ba Khe Gát chúng tôi theo nhánh đường HCM cánh Tây chừng hơn 20 km quanh co uốn lượn qua những núi đá vôi và theo 1 nhánh của sông Son và gặp đường 20. Đây là con đường nổi tiếng được gấp rút xây dựng với thời gian 127 ngày cắt ngang dãy Phong Nha - Kẻ Bàng tới cửa khẩu Cà Roòng để sang Lào với chiều dài 123 km vượt qua nhiều trọng điểm ác liệt. Lực lượng TNXP đã đảm nhận xây dựng con đường này với lứa tuổi trung bình mười tám, đôi mươi, chính vì thế con đường được mang tên Đường 20 Quyết thắng. Từ ngã tư Trạ Ang chúng tôi rẽ trái qua Động Thiên Đường - 1 hang động đẹp mới được phát hiện mấy năm nay vừa được đưa vào khai thác du lịch. Chúng tôi đến hang 8 cô. Đây là nơi yên nghỉ của những cô gái đã hy sinh vì tuyến đường này. Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước đền thờ những liệt nữ đã trọn đời dâng hiến cuộc đời cho Tổ quốc. http://dulich.chudu24.com/tin-du-lich/kham-pha/chau-a/viet-nam/quang-binh/hang-tam-co.html.

Đường 20 được xây dựng lại nhưng mật độ phương tiện đi lại rất thưa thớt. Lúc chiều tà chúng tôi có mặt tại Hang tám cô đã chứng kiến 1 đoàn xe tải nặng chở những xúc gỗ lớn đang dừng ở trước cửa hang để nghỉ và đợi trời tối hẳn sẽ đi tiếp. Khu di tích Hang tám cô hiện tại được giao cho Kiểm lâm của VQG Phong Nha-Kẻ Bàng quản lý để tránh chồng chéo nhiều đơn vị quản lý trong khu vực VQG. Vậy thì việc các xe chở gỗ của lâm tặc ngang nhiên như thế chắc chắn phải có sự bảo kê của kiểm lâm của VQG.

Trời tối chúng tôi rời Hang Tám cô theo đường 20 trở ra, vượt 16 km tới qua 1 con đèo khá dốc và tới Phong Nha gặp lại đường HCM cánh Đông. 8 giờ tối đoàn chúng tôi đến Nhật Lệ và nghỉ đêm tại đây. Phải nói là bữa tối hôm đó tại 1 nhà hàng bên bờ biển chúng tôi mới biết việc ngành du lịch mài dao chín tháng để chặt chém khách du lịch như thế nào trong những dịp nghỉ dài ngày như thế này !!!

(còn tiếp)


« Sửa lần cuối: 06 Tháng Năm, 2011, 02:53:07 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM