Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:18:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa - Phần 2  (Đọc 290590 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #20 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2011, 08:51:55 am »

CÔ CON GÁI NUÔI CỦA TIỂU ĐOÀN (2)

(tiếp theo)

Cuối năm 1974 các đơn vị của Sư đoàn 325 lần lượt bàn giao tuyến chốt chạy từ Đá Đứng, Tích Tường, Như Lệ về Nhan Biều, Xuân An qua Chợ Sãi, An Tiêm, Vân Hòa, An Lộng ra tới Long Quang, Thanh Hội sát mép biển cho các đơn vị địa phương để lui lên  Cam Lộ chuẩn bị cho những chiến dịch mới. Những tiểu đoàn trợ chiến của sư cũng rục rịch chuyển quân, d14 cối 120 ly cũng nằm trong số những đơn vị như thế.

Trước tình hình mới, lãnh đạo tiểu đoàn chỉ đạo các đại đội gấp rút làm công tác bàn giao địa bàn cho đơn vị bạn. Với bé Xuân An gắn bó với c3 hơn một năm nay, cũng không thể mang theo đơn vị được, cái khó là tình cảm của cháu  với các bố c3 vô cùng sâu nặng. Cháu đã chạy đi chạy lại tung tăng giữa các hầm pháo, bi bô nói cười, bập bẹ hát và vỗ tay theo nhịp mỗi khi nghe các bố hát…Chẳng còn cách nào khác, D bộ 14 quyết định cho c3 trao Xuân An cho du kích địa phương. Eng (anh) Chim và o Diệp được xã trao trách nhiệm chăm sóc cháu. Ngày chia tay với các bố c3 nhìn cánh tay bé nhỏ chới với trước hàng quân trong tiếng khóc gọi bố…bố ơi... của Xuân An đã làm cho những người lính c3 phải gạt nước mắt bước đi không dám ngoái đầu nhìn lại…

Trong cơn lốc ào ạt của chiến dịch Xuân 1975, gót chân của những người lính c3/d14 trong đội hình của Sư 325 từ Quảng Trị vượt Trường Sơn thọc xuống cắt đường 1 tại Phú Lộc, tiến vào giải phóng Huế rồi cùng đội hình của Sư đoàn tiến đánh Đà Nẵng, băng qua duyên hải miền Trung, hỗ trợ e101 và e18 giải phóng Phan Rang, Phan Thiết…Trong chiến dịch Hồ Chí Minh các anh đã yểm trợ tích cực cho các đơn vị bộ binh tiến đánh Long Thành, Thành Tuy Hạ và hỗ trợ cho các đơn vị pháo binh cơ giới của Sư đoàn và Quân đoàn đưa pháo hạng nặng vào Nhơn Trạch để chế áp kẻ thù tại Tân Sơn Nhất… Khi Sư đoàn vượt sông Đồng Nai, hỏa lực của d14 cùng các đơn vị bạn đã chế áp kẻ địch bên căn cứ Cát Lái hỗ trợ tích cực cho Sư đoàn đánh chiếm BTL Hải quân ngụy, giải phóng quận 2 và 9 góp phần vào chiến công của chung của dân tộc, đưa chúng ta đến đích cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước.

Chiến tranh kết thúc, những người lính trở về với đời thường, biết bao những lo toan của cuộc sống đè nặng lên vai họ nhưng trong tâm khảm của họ không bao giờ quên những ký ức gian khổ, đầy máu và nước mắt nơi mà rất nhiều đồng đội của họ không bao giờ trở  về. Năm tháng trôi qua khi mái tóc của những CCB mỗi lúc bạc thêm thì những câu chuyện của quá khứ không những nguôi ngoai đi mà hình như càng thôi thúc họ chắp nối để tìm lại những gì mà một thời tuổi trẻ đã sống và chiến đấu.

Đại đội trưởng Mai và chính trị viên Kháng là những cán bộ quê miền Nam sau khi giải phóng đã chia tay đơn vị để nhận nhiệm vụ mới. Anh Mai được điều về các đơn vị làm nhiệm vụ truy quét tàn quân địch và FULRO tại Tây nguyên. Anh Kháng được cử đi học và về công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân Lâm Đồng. Có một sự trùng hợp là hai anh sau khi nghỉ hưu đều đưa vợ con lên Đà Lạt sinh sống. Trong tâm khảm của các anh luôn đau đáu một nỗi niềm về cháu Xuân An, sau mấy chục năm đằng đẵng, các anh muốn đi tìm cháu ngặt một nỗi không có điều kiện và không có thông tin gì về cháu.

(còn tiếp)

« Sửa lần cuối: 21 Tháng Ba, 2011, 09:00:38 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #21 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2011, 08:53:40 am »

CÔ CON GÁI NUÔI CỦA TIỂU ĐOÀN (2)

(tiếp theo)

Cuối năm 1974 các đơn vị của Sư đoàn 325 lần lượt bàn giao tuyến chốt chạy từ Đá Đứng, Tích Tường, Như Lệ về Nhan Biều, Xuân An qua Chợ Sãi, An Tiêm, Vân Hòa, An Lộng ra tới Long Quang, Thanh Hội sát mép biển cho các đơn vị địa phương để lui lên  Cam Lộ chuẩn bị cho những chiến dịch mới. Những tiểu đoàn trợ chiến của sư cũng rục rịch chuyển quân, d14 cối 120 ly cũng nằm trong số những đơn vị như thế.

Trước tình hình mới, lãnh đạo tiểu đoàn chỉ đạo các đại đội gấp rút làm công tác bàn giao địa bàn cho đơn vị bạn. Với bé Xuân An gắn bó với c3 hơn một năm nay, cũng không thể mang theo đơn vị được, cái khó là tình cảm của cháu  với các bố c3 vô cùng sâu nặng. Cháu đã chạy đi chạy lại tung tăng giữa các hầm pháo, bi bô nói cười, bập bẹ hát và vỗ tay theo nhịp mỗi khi nghe các bố hát…Chẳng còn cách nào khác, D bộ 14 quyết định cho c3 trao Xuân An cho du kích địa phương. Eng (anh) Chim và o Diệp được xã trao trách nhiệm chăm sóc cháu. Ngày chia tay với các bố c3 nhìn cánh tay bé nhỏ chới với trước hàng quân trong tiếng khóc gọi bố…bố ơi... của Xuân An đã làm cho những người lính c3 phải gạt nước mắt bước đi không dám ngoái đầu nhìn lại…

Trong cơn lốc ào ạt của chiến dịch Xuân 1975, gót chân của những người lính c3/d14 trong đội hình của Sư 325 từ Quảng Trị vượt Trường Sơn thọc xuống cắt đường 1 tại Phú Lộc, tiến vào giải phóng Huế rồi cùng đội hình của Sư đoàn tiến đánh Đà Nẵng, băng qua duyên hải miền Trung, hỗ trợ e101 và e18 giải phóng Phan Rang, Phan Thiết…Trong chiến dịch Hồ Chí Minh các anh đã yểm trợ tích cực cho các đơn vị bộ binh tiến đánh Long Thành, Thành Tuy Hạ và hỗ trợ cho các đơn vị pháo binh cơ giới của Sư đoàn và Quân đoàn đưa pháo hạng nặng vào Nhơn Trạch để chế áp kẻ thù tại Tân Sơn Nhất… Khi Sư đoàn vượt sông Đồng Nai, hỏa lực của d14 cùng các đơn vị bạn đã chế áp kẻ địch bên căn cứ Cát Lái hỗ trợ tích cực cho Sư đoàn đánh chiếm BTL Hải quân ngụy, giải phóng quận 2 và 9 góp phần vào chiến công của chung của dân tộc, đưa chúng ta đến đích cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước.

Chiến tranh kết thúc, những người lính trở về với đời thường, biết bao những lo toan của cuộc sống đè nặng lên vai họ nhưng trong tâm khảm của họ không bao giờ quên những ký ức gian khổ, đầy máu và nước mắt nơi mà rất nhiều đồng đội của họ không bao giờ trở  về. Năm tháng trôi qua khi mái tóc của những CCB mỗi lúc bạc thêm thì những câu chuyện của quá khứ không những nguôi ngoai đi mà hình như càng thôi thúc họ chắp nối để tìm lại những gì mà một thời tuổi trẻ đã sống và chiến đấu.

Đại đội trưởng Mai và chính trị viên Kháng là những cán bộ quê miền Nam sau khi giải phóng đã chia tay đơn vị để nhận nhiệm vụ mới. Anh Mai được điều về các đơn vị làm nhiệm vụ truy quét tàn quân địch và FULRO tại Tây nguyên. Anh Sáng được cử đi học và về công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân Lâm Đồng. Có một sự trùng hợp là hai anh sau khi nghỉ hưu đều đưa vợ con lên Đà Lạt sinh sống. Trong tâm khảm của các anh luôn đau đáu một nỗi niềm về cháu Xuân An, sau mấy chục năm đằng đẵng, các anh muốn đi tìm cháu ngặt một nỗi không có điều kiện và không có thông tin gì về cháu.

(còn tiếp)

Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #22 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2011, 09:02:55 am »

CÔ CON GÁI NUÔI CỦA TIỂU ĐOÀN (3)

(tiếp theo và hết)

Cao Huy Trang, quê Hưng Yên, cùng một số anh em c3/d14 sau một thời gian tìm kiếm và kết nối với nhau trong nhóm các CCB Sư đoàn 325 của tỉnh Hưng Yên. Hoạt động của nhóm các anh là trở lại chiến trường cũ tìm kiếm và xác định mộ phần các bạn đồng đội đã hy sinh để đưa về quê hương. Các anh cũng đã kết nối liên lạc được với c trưởng Hồ Mai và cv trưởng Nguyễn Đình Kháng đang ở Đà Lạt. Một trong những nguyện vọng của 2 vị chỉ huy cũ là phải tìm ra bằng được bé Xuân An

Những chuyến đi về Quảng Trị, các anh trở lại Xuân An để tìm bé Xuân An nhưng chỉ được 2 du kích cũ là eng Chim và o Diệp cho biết sau năm 1975 bà con Xuân An lục tục trở về quê cũ, trong số họ không có ai là người thân của bé Xuân An. Bé Xuân An được du kích địa phương trao cho mệ (bà) Nữ làm con nuôi. Năm 1978 nhiều gia đình ở thôn Xuân An đi xây dựng kinh tế mới  tại Nam Bộ trong đó có gia đình mệ Nữ. Từ đó mọi thông tin về bé Xuân An đều dừng lại ở thời gian này.

Năm 2008, ông Trang cùng vợ chồng ông Nguyễn Văn Cường (nguyên là liên lạc của ông Mai và ông Sáng), Bí thư tỉnh ủy Hưng Yên lên Đà Lạt thăm ông Mai và ông Sáng. Trong câu chuyện gặp lại sau mấy chục năm các ông có nói đến việc phải đi tìm Xuân An. Thông tin mà ông Mai biết là Xuân An đang làm công nhân cao-su ở Đồng Nai. Sau đó mấy ngày ông Trang cùng  ông Mai và con trai ông Mai tên là Thủy xuống Đồng Nai để tìm. Suốt 2 ngày trời cả ba người đi hết các công ty cao-su của Tổng công ty cao-su Đồng Nai mà không tìm thấy Xuân An.

Tình cờ vào khoảng tháng 4/2010 những thông tin về Xuân An lại được sáng tỏ khi anh Lý Văn Tuấn là con trai bà Nữ sau mấy chục năm quay trở lại thăm quê, lúc này anh đang là giáo viên tiểu học tại Bà Rịa - Vũng Tầu. Tuấn là trang lứa với Chim quãng chừng 55 tuổi. Bạn bè gặp gỡ nhau sau bao năm xa cách, qua câu chuyện thì bé Xuân An ngày xưa được bà Nữ đặt tên là Tuyết và mang họ của chồng bà Nữ - Lý Thị Tuyết. Bé Xuân An nay đã là bà mẹ của 5 đứa con sinh sống tại ấp 4B, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tầu.

Nhận được tin về Xuân An (Tuyết), ông Trang đã báo cáo lại cho nhóm CCB của c3/d14/f325 của Hưng Yên, ông Nguyễn văn Cường, Bí thư tỉnh ủy và ông Vũ Văn Toàn (e95/f325), Trưởng ban tuyên giáo tỉnh quyết định cử ông Trang vào BR - VT để tìm Xuân An.

Một ngày tháng 7/2010 vợ chồng ông Trang đánh xe lên Đà Lạt để đón ông Mai và ông Sáng ra BR-VT. Họ đến Xuyên Mộc để đến xã Tân Lâm và tìm đến ấp 4B, nơi Xuân An đang sinh sống.

Cuộc hội ngộ điễn ra vô cùng cảm động khi cả cái ấp nghèo ấy kéo đến nhà cô Tuyết để chứng kiến những giây phút cảm động của những người lính già đầu bạc sau bao năm ròng đã tìm thấy cô con gái nuôi của mình.

Theo gia đình mẹ nuôi vào BR-VT làm công nhân cao-su, Tuyết kết hôn với Lê Đỗ Thành sinh năm 1964 quê tại xã Triệu Độ cùng huyện Triệu Phong, QT. Hoàn cảnh của những người đi xây dựng vùng kinh tế mới vô cùng vất vả đã khiến họ đồng cảm cùng xây dựng cuộc sống gia đình. Hai vợ chồng có 5 mặt, con đứa lớn đang học đại học, đứa bé nhất mới lên 10, cuộc sống không dư giả gì với nghề cạo mủ cao-su.

Ngày 6/3/2011, anh em CCB f325 thu xếp cho Tuyết ra thăm Yên Mỹ, Hưng Yên quê hương của những bố nuôi c3/d14, những người đã cứu sống, che chở, chăm sóc cô trong những ngày chiến tranh và chính họ lại là những người đã lăn lội bao nhiêu năm tìm lại cô để có ngày hội ngộ hôm nay.
 
Mấy hôm sau, tại TP Hưng Yên, anh em CCB đã tổ chức tiếp đón Tuyết. Tại đây nhiều người lính Quảng Trị năm xưa, nay đã trở thành những cán bộ chủ chốt của tỉnh như ông Cường - Bí thư tỉnh ủy ; ông Toàn - Trưởng ban Tuyên giáo của tỉnh và nhiều CCB khác đã nồng hậu đón tiếp cháu. Niềm vui vỡ òa xen lẫn những giọt nước nước mắt nhạt nhòa trên những khuôn mặt pha sương của những người lính già khi bé Xuân An ngày xưa, cô Tuyết ngày nay - đứa con nuôi của tiểu đoàn 14 lưu lạc bao năm đã trở về trong vòng tay của những người bố nuôi như năm nào cô được che chở trong lòng những người lính giải phóng bên dòng Thạch Hãn mịt mù khói lửa. Nếu như 2 vị chỉ huy cũ của c14 là Hồ Mai và Nguyễn Đình Kháng được chứng kiến cuộc hội nghộ này thì hạnh phúc thật là lớn lao.

Thật tình cờ, Tuyết ra bắc đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Sư đoàn 325, cháu đã gặp gỡ những CCB của Sư đoàn 325 tại Lục Ngạn, Bắc Giang nơi Sư 325 đóng quân. Chúng tôi đã gặp cháu và những đồng đội c3/d14 quê Hưng Yên trong không khí náo nức của những thế hệ chiến sĩ Sư đoàn từ mọi miền đất nước về dự lễ.

Tôi viết  bài này qua câu truyện của Cao Huy Trang và các CCB c3/d14 trong dư âm của tháng 3, cái mốc thời gian mà bất kỳ CCB nào của Sư đoàn 325 đều mãi mãi khắc ghi:
-   11/3/1951 thành lập Đại đoàn 325 (nay là Sư đoàn) - Bình Trị Thiên - bằng chiến thắng Thanh Hương, Mỹ Xuyên tiêu diệt 2 binh đoàn cơ động của Pháp.
-   10/3/1975, e95 nổ súng tấn công Ban Mê Thuột mở màn chiến dịch Tây Nguyên, khởi đầu cho Chiến dịch Xuân 1975 đại thắng.
-   21/3/1975, Sư đoàn (thiếu e95 đang ở Tây Nguyên) nổ súng cắt đường 1 tại Phú Lộc (nam Huế) bắt đầu Chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng.
-    25/3/1975, e101 cắm lá cờ giải phóng lên cột cờ Phú Văn Lâu.
-    29/3/1975, e18 sau khi đập tan tuyến phòng ngự của địch trên đèo Hải Vân đã tiến công bán đảo Sơn Trà, giải phóng cảng Đà Nẵng, kết thúc chiến dịch Huế - Đà Nẵng toàn thắng.

                                                                               Lục Ngạn – Hà Nội, tháng 3/2011
                                                                                             L.X.T


Xuân An với câc CCB f325. Hàng ngồi: 1-Bí thư tỉnh ủy HY Nguyễn Văn Cường (c3/d14) ; 2-Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nguyên Sư trưởng 325 ; 3-Đinh Thế Huynh, UV BCT, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ (c20/e101/f325). Hàng đứng: 1-Đại tá Vũ Thành Vinh sư trưởng 325 ; 3-Vũ Văn Toàn, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh HY (e95/f325) ; 4-Xuân An ; 6-Cao Huy Trang (c3/d14/f325)


Xuân An trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Sư đoàn 325



Cũng ở c3/d14 có câu chuyện những CCB đã lặn lội bao nhiêu năm đi tìm đứa con gái cho một người đồng đội, cô con gái này là kết quả của một cuộc tình giữa người lính của c3 với 1 cô gái Huế. Để viết bài này tôi phải cân nhắc rất kỹ vì có thể những nhân vật trong cuộc không bằng lòng nhưng ngược lại những người đi tìm cháu bé lại ủng hộ hết sức nhiệt thành.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Ba, 2011, 11:34:58 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lamson1981
Thành viên
*
Bài viết: 432


Chết vì thích làm oan hồn!


« Trả lời #23 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2011, 01:21:29 pm »

 Cám ơn bác Xuân Tường đã kể một câu chuyện rất cảm động về bé Xuân An - Nhưng hình như bác chưa kể rỏ cha mẹ ruột , anh em của Xuân An có phải đã chết hết trong năm 1972 ?
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #24 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2011, 01:27:25 pm »

Hôm nay 8/3, xin gửi tới các Mẹ, các Chị, các Bà vợ, các Em và các Cháu gái lời chúc mừng chân thành của một người lính già tới một nửa thế giới này.

Hình ảnh người phụ nữ VN tập trung ở hình tượng người mẹ đã đi vào tâm khảm chúng ta suốt cả cuộc đời. Ai đã từng chứng kiến những phút lâm chung của đồng đội mình, nghe họ gọi Mẹ trước khi nhắm mắt mới thấy được tình mẫu tử thiêng liêng đến nhường nào.

Ngày trở về với Mẹ, chúng ta nghe lixeta thốt lên thật là cảm động:

"Trước mặt quân thù con là dũng sĩ
Nhưng dưới mắt Mẹ Hiền, con vẫn là một đứa trẻ thơ."


Tôi xin gửi tới các bạn lời bài ca "Về thăm Mẹ" của nhạc sĩ Trần Chung. Lần đầu tiên tôi nghe bài hát này trong 1 buổi tình cờ mở đài đúng vào giờ dạy hát. Lời ca và giai điệu của bài hát do Kiều Hưng trình bày thấm vào từng mạch máu của tôi. Sao mà hay và da diết đến thế. Bài hát lúc ấy làm nguôi ngoai tâm trạng một thằng lính sau chiến tranh trở về phải đụng chạm bao nhiêu thứ của đời thường như cơm áo, gạo tiền, chính sách... sau những phút huy hoàng của ngày chiến thắng. Nó làm cho mình dịu đi những nỗi đau của cuộc chiến và cảm thấy mình rất may mắn được trở về so với bạn bè còn nằm lại nơi chiến trường. Những mất mát của mình đâu có thấm gì những nỗi đau của những người mẹ luôn luôn ngóng chờ những đứa con trở về.

VỀ THĂM MẸ
Nhạc và lời : Trần Chung
Rạo rực niềm vui nhớ về thăm Mẹ.
Rộn ràng bàn chân, đường quê mong nhớ.
Mẹ già của tôi, như cây khô chồi biếc lên xanh
Tươi ánh mắt nụ cười long lanh
Nắm đôi bàn tay, nghe Mẹ nghẹn ngào
Niềm vui sướng, theo dòng lệ rơi.

Chuyện buồn chuyện vui, nhớ chuyện chiến trường
Chuyện về làng quê, chuyện người yêu dấu.
Ngày về mừng vui, con đi trong ngàn tiếng yêu thương
Nghe ấm áp lời Mẹ ru xưa
Phút giây bình yên, bên Mẹ dịu hiền
Vì đất nước dâng cả tình thương.

Dọc đường hành quân, nhớ Mẹ bao lần
Rạo rực lòng con, tình làng nghĩa xóm.
Dọc đường hành quân, con đi trong hình bóng quê hương
Mang bóng dáng Mẹ già yêu thương
Vững đôi bàn chân trên dặm đường dài
Đường chiến đấu thêm bền lòng tin.

Gửi một dòng thư, hẹn ngày chiến thắng: Con sẽ về, Mẹ thân yêu ơi.

[/i]
Viết đến đây tình cờ trước mặt tôi là tờ báo Lao động hôm nay 8/3. Tại trang 5 có bài Nụ cười phụ nữ của Việt Văn có đăng tấm hình "Con đã về" của Duy Anh. Trong tấm ảnh là nụ cười rạng rỡ của người mẹ già với những nếp nhăn tuổi tác đang chỉa tay về phía đứa con, nhưng hình ảnh đứa con với mũ cối trên đầu chỉ là cái bóng in trên vách... đây chính là sự thật hay cũng là điềm mong ước của biết bao bà mẹ VN có con trở về hoặc không bao giờ trở về sau chiến tranh...

Tôi không thể tải tấm ảnh này lên để chia sẻ với các bạn. Bác nào giúp tôi với.


Con đã về http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Nu-cuoi-phu-nu/35359
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #25 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2011, 08:18:38 am »

Cám ơn bác Xuân Tường đã kể một câu chuyện rất cảm động về bé Xuân An - Nhưng hình như bác chưa kể rỏ cha mẹ ruột , anh em của Xuân An có phải đã chết hết trong năm 1972 ?
Như tôi đã viết qua lời kể của anh em c3/d14 thì cháu bé được tìm thấy ở thôn Xuân An. Cho đến khi sau 1975 dân làng trở về nhưng không có ai là người thân của XA. Trong bối cảnh chiến tranh lúc ấy có thể xảy ra những tình huống sau:
- Bố mẹ XA có thể không phải là người địa phương trong dòng người di tản định vượt sông Thạch Hãn chạy về phía Nam để vào Huế nhưng không thành nên kẹt lại ở Xuân An, đây là nơi giáp với căn cứ Ái Tử nên nguồn lương thực dồi dào có thể trụ lại một thời gian dài nhưng sau đó có thể bị chết do mật độ phi pháo khu vực này rất dày đặc khi địch lấn dũi ra TX QT.
- Bố mẹ XA có thể là người địa phương theo 2 luồng di tản vào Huế cuối tháng tư, đầu tháng 5/1972 hoặc ra Vĩnh Linh quãng tháng 7/1972 nhưng chẳng may đã chết.

Đó là những khả năng có thể xảy ra với gia đình XA.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #26 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2011, 03:57:53 pm »

                                            
    BÁU VẬT CỦA CUỘC ĐỜI

Nguyễn Như Thìn

              Đúng là “chim sa cá nhảy” đen quá,  tại con chim mù sa vào bụi cây hay sao mà  tiểu đội ra quân lần thứ hai, ngay ngày đầu đã mất luôn “cây chuối hột” Khánh "Voi". Để giải đen, anh Thành quyết định rời trận địa sang trái, cách trận địa cũ chừng 50 mét. Lợi dụng hai hầm trú ẩn của đơn vị nào bỏ lại, chúng tôi hối hả đào công sự. Lần này, không ai bảo ai, đào rõ sâu. Đến tầm trưa,  một tốp F4 bay đến. Chúng lượn một vòng rồi chiếc đầu bổ nhào. Tiếng bom rít thật khủng khiếp. Tôi chỉ mới quen với tiếng đạn pháo và xác định điểm rơi khá chuẩn xác, nhưng với bom, đây là  lần đầu. Cộng hưởng với tiếng gầm rú của động cơ, như khoan vào óc, ruột gan như thắt lại. Hai quả bom trùi trũi lao xuống,  ½ thân rồi ¼ thân. Hai tiếng nổ đinh tai dường như cùng một lúc, cách công sự chừng vài chục mét, đất đá rơi rào rào. Chiếc thứ hai vòng lại chúc đầu , anh Thành vội kéo tôi vào hầm pháo. Một quả bom, từ dưới  bụng máy bay bung ra. Lần này hình chiếu của nó như quả bưởi, to dần từng tíc tắc. Chân tôi díu lại, như muốn chạy mà không được.Tôi nghe thấy  văng  vẳng một tiếng  hô “ …Bổ nhào ..bắn”. Binh tĩnh lại, đưa máy bay vào kính ngắm  số không, tôi xiết một tràng dài. Một ánh chớp loé lên bên trái trận địa, kèm theo một tiếng nổ lộng óc, xô tôi dúi vào vách công sự. Chiếc máy bay chẳng hề hấn gì, bay lên, mất hút vào bầu trời. Vậy mà, anh Thành vẫn khẳng định, nó đã dính đạn, bằng chứng là không dám quay trở lại. Tôi cho rằng, nó đã hết bom, chẳng qua anh muốn động viên tôi mà thôi. Hứng chí  hơn, anh tuyên bố, từ nay tôi sẽ là tiểu đội trưởng, còn anh là trung đội trưởng tự  phong,  thay anh Châu đã hy sinh.

           Làm A trưởng cũng hay, đỡ  phải khiêng súng, nhưng cả tiểu đội còn có 5 mống không ghé vai cùng anh em thì ai mang, tôi chợt buồn. Nhưng nõi buồn của tôi cũng sớm được giải toả. Mấy đêm sau, liên lạc đại đội dẫn đến ba lính mới bổ sung. Một, tên là Thắng nhà  ở Hà Nội ; một, tên Chính, Thái Bình  còn lại là Định, Quảng Ninh. Trời tối đen như mực, dưới ánh sáng nhập nhoạng của hoả châu, tôi chỉ kip  thấy lờ mờ ba khuôn mặt. Sáng hôm sau, Chính biến mất để  lại khẩu AK. Thắng người chắc, đậm, hứa hẹn một thợ khiêng súng tốt. Nhà hắn ở ngõ Thanh Miến, con ngõ nhỏ cong như một dấu ngoặc đơn, nối phố Nguyễn Thái học với  Văn  Miếu. Thằng Định, chân tay quyềnh quàng, da ngăm đen, dáng dấp khoẻ mạnh. Tự dưng tôi thấy rất buồn cười, ngắm hai thằng lính mới, mà như mộ phu đi Tân thế giới không bằng. Thằng Định, quê hắn ở tít mãi biên giới Việt Trung. Làng hắn có đến 80% là người Hoa. Có lẽ tiếp xúc với người Hoa nhiều nên giọng hắn cũng lơ lớ như mấy ông Tầu bán lạc rang phố Hàng  Giày. Hầm chữ A, ba thằng nằm trở đầu đuôi chật cứng, chân tay thằng Định như thừa thãi. Thỉnh thoảng hắn lại rên lên: “Xịt ra một chút nào” thật buồn cười . Vì thế tôi gọi hắn là Định “xịt”. Định “xịt” có một thói quen khá lạ lùng. Thỉnh thoảng hắn móc trong  balo, một chếc gương honda gấy ra soi, ngày không dưói chục bận rất ngứa mắt. Tôi bảo hắn : “Vứt mẹ nó đi, mày định gọi máy bay đến à”. Hắn lẳng lặng cất  gương đi, nhưng chỉ được vài ngày, đâu lại vào đấy. Một  lần trực chiến, hắn ngắm khẩu 12,7 ly rất kỹ và rụt rè nói:
-   Lúc nào có dịp anh cho em bắn nhé!
-   Bắn máy bay thì phải học còn bắn bộ binh thì dễ thôi, như bắn AK vậy.
Tôi bảo hắn , đai khái thế.

           Chúng tôi lại chuyển chốt  ra sát bờ sông Thạch Hãn, giá súng bắn bộ binh. Nghe trinh sát nói, cứ ngược theo bờ sông là Thành  Cổ, nơi có tiếng súng vọng về không ngớt, suốt đêm ngày. Mặt trận phía đông chúng tôi, không có gì lạ, ngoại trừ vài trận đấu súng lẻ tẻ. Có lẽ do thời tiết. Những cơn mưa đầu mùa trút xuống liên miên. Nước từ thượng nguồn đổ về đục như máu. Mà có khi lẫn máu thật. Đêm đêm, tôi nghe thấy tiếng lạch xạch của xuồng máy chở thương binh từ Thành Cổ xuôi ra, nhiều chiếc dính phải bom từ trường, không đến được trạm phẫu tiền phương. Vào một chiều tạnh ráo hiếm hoi, phía trước pháo sáng bắn lên rực trời, chẳng hiểu chuyện gì. Hôm sau mới biết, Thành Cổ đã bị mất. Từ đấy thấy vắng dần tiếng xuồng  lạch xạch xuôi dòng.

       Nằm trong hầm, nghe mưa rơi mà buồn thấu ruột. May có thằng Định “xịt” hay chuyện. Hắn kể chuyện làng, chuỵện xóm, chuyện nhà, chuyện cửa với những phong tục khá lạ kỳ. Nhưng kể mãi cũng hết chuyện, đôi khi thấy  hắn thừ người ra, lại móc gương  soi. Có lẽ cu cậu nhớ nhà. Một bận tôi nảy ra một ý nghĩ tinh quái, hỏi hắn:
-   Này, năm nay mày bao nhiêu tuổi rồi? Hỏi thực, đã bao giờ mày thấy cái ấy của phụ nữ chưa? Đừng ngượng cứ kể đại ra đi.
Hắn đỏ mặt, thẫn thờ một lúc rồi nói:
-   Nhưng anh cũng phải kể chuyện của anh cho em nghe.
 Tôi cứ ừ bừa vì hy vọng sẽ được nghe một câu chuyện thật nhảm nhí.
    
-   Em, tháng tới là  vừa tròn mười chín tuổi. Đã một  lần được thấy cái ấy…
 Hắn kể:  
  “…Hồi còn ở quê, em có thằng bạn thân  hàng xóm, nó có một cô em gái rất xinh. Cũng vào cữ này năm ngoái, tháng ngâu, mưa cả ngày, chẳng đi đâu được. Em sang nhà nó chơi. Hai thằng nằm trong buồng tán chuyện tào lao, ngủ quên lúc nào không hay. Bỗng em nghe thấy một tiếng động mạnh ngoài cưả, giật mình, tỉnh dậy. Thằng bạn đi đằng nào mất, hoá ra  cô em nó đi chợ về, quần áo ướt sũng. Ngỡ nhà không có ai, cô ấy ra bể nước dội ào mấy gáo , rồi vào buồng cởi tung quần áo lau người. Em nằm im như chết, nín thở mà tim cứ đập thình thịch. Lần đầu tiên em được thấy một thân hình trắng như thế. Hai bầu ngực căng tròn. Em liếc xuống phía dưới, thú thực, chỉ thấy như một nắm thuốc lào. Cô ấy lại đầu giường lấy quần áo, bất ngờ phát hiện ra em, kêu thất thanh, ôm vội đống quần áo chạy bổ ra ngoài. Em ngượng quá, lồm cồm bò ra khỏi giường lủi một mạch về nhà. Kể từ đấy mỗi bận gặp em là cô ấy lại  đỏ mặt chạy vụt đi. Nhiều lần em muốn gặp xin lỗi mà không được, cô ấy cứ tránh mặt… Rồi cũng đến cái ngày em đi bộ đội. Cô ấy không tránh nữa, cùng thằng anh trai đi tiễn em. Lúc lên ô tô, bất ngờ cô ấy níu lấy balo của em khóc tức tưởi. Thằng bạn ngạc nhiên nhìn hai đứa. Em hết sức bối rối. Cô ấy dúi vào tay em một gói nhỏ. Lên xe mở ra là một chiếc khăn tay …”
            Tôi thán phục nói:
-   Truyện tình của mày hay thật đấy.
      Hắn trả lời:
 -    Nhưng chúng em đã nói được  gì với nhau đâu.
 -    Cần quái gì phải nói. Nó yêu mày rồi
      Tôi nói tiếp.
-   Hồi vào trong này, em viết liền mấy lá thư về mà chẳng thấy cô ấy trả lời.
-   Mày cứ chuyển đơn vị xoành xoạch thì làm sao mà nhận được.

       Tôi an ủi hắn.
-   Thế còn chuyện của anh.
       Hắn hỏi.
- Chuyện của tao chẳng có gì. Hồi ở Đầu Kênh, tao có chôn cất một gia đình bị trúng bom. Chị chủ nhà áo thì còn, mà quần bay đâu mất. Tao cứ thấy ghê ghê. Căn cước của chị ghi tên Huệ. Có đôi hoa tai tao chôn cả.
       Tôi kể.
-   Chuyện anh kinh bỏ mẹ, toàn chết chóc.
            Hắn nói thế.

        Đầu tháng 11 chúng tôi được lệnh bàn giao chốt cho đơn vị  khác. Một đêm mưa bão, tiểu đoàn vượt sông Cửa Việt sang bờ bắc. Sông rộng thật. Bơi giỏi như tôi mà hàng tiếng mới dìu được súng sang tới bờ. Thỉnh thoảng một quả trái phá rít qua đầu. Pháo sáng chập chờn như ma đùa trên bầu trời.

        Sau mấy tuần nghỉ ngơi, bổ sung quân, chúng tôi lại được lệnh vượt sông sang bờ nam tham chiến. Gói ghém súng đạn quân trang cho tiểu đội xong, chuẩn bị xuống nước thì bất ngờ chính trị viên đại đội gọi tôi lên. Anh bảo, bàn giao tiểu đội cho A phó, còn tôi nhận nhiệm vụ mới. Chuyện quái gì thế nhỉ? Nghĩ mãi không ra. Hoá ra, tôi được đi an dưỡng ở tuyến sau nửa tháng.
  
       Làng an dưỡng cách Quán Ngang, chừng 3 km. Ngày ngày, từng tốp B52 ném  bom miền Bắc trở về. Không biết ngoài ấy ra sao, lại thấy nhớ  nhà cồn cào. Tôi có làm quen  với mấy lính sinh viên trường Xây Dựng. Trong đó có  Dũng C1, nhà ở phố Hàng Bạc. Cùng tâm trạng, hai đứa sớm thân nhau. Một sớm, gặp Bảo tiểu đội cối 82 đi lấy gạo. Trông thấy tôi, hắn gọi thất thanh: “ Anh Thìn ơi, tiểu đội anh hy sinh gần hết rồi”. Tôi choáng váng. “Thế còn ai”. Tôi hỏi.  Hắn nói,  không được rõ vì ở tuyền khác.

       Ruột gan như lửa đốt. Rồi cũng đến ngày trở về. Liên lạc tiểu đoàn dẫn tôi ra chốt. Chỉ một dải cát dài bên trái thấp thoáng bóng phi lao, “Kia là  Tám Cát”  hắn nói. Đến một đoạn hào bị pháo cày nham nhở, tôi thấy bệ của khẩu 12,7 ly quen thuộc  bị  vặn quăn hình số tám. Đón tôi ở cửa hầm là Bình “Méo” bàn chân băng trắng xoá và Hùng ngơ ngơ điếc vì tiếng nổ. Chúng kể lại .
-   Trận Tám Cát diễn ra thật ác liệt. Pháo địch bắn suốt đêm, sáng ra bộ binh bám theo xe tăng ủi liền mấy chốt của ta. Bên này khẩu 12,7 ly phát  huy tầm xa, bắn chéo vào đội hình của địch. Chúng chết khá nhiều. Chiếc xe tăng quay nòng pháo lại, bắn liền hai phát. Phát đầu trúng cửa hầm, anh Tẹo toang bụng. Phát thứ hai hất tung khẩu 12,7, Định đang bắn sang một bên. Thằng Định bị …”
-   Tao hiểu rồi. Tôi khoát tay ra hiệu, đừng kể nữa.
    
       Một cơn gió từ biển thốc vào khiến tôi thấy lành lạnh sống lưng. Lần trứơc là Khánh “Voi”, lần này là Định “Xịt”.Chúng mày chết cho tao sống Định ơi. Bắn bộ binh không dễ đâu…khó nhất là cơ động. Không đại khái được. Tao đã  nói dối mày… Nếu không đi nghỉ hai tuần thì xạ thủ số một chính là tao”.

        Nhớ lại truyện tình đẹp như truyền thuyết nó kể cho tôi bên bờ Thạch Hãn lại thấy quặn lòng. Ước gì, những lá thư tỏ tình của mày không tới được nàng “Tiên Dung” miền sơn cước, Định ơi.

       Em vừa tròn mười chín. Đã một lần nhìn thấy …Báu vật của cuộc đời .                                      

          

                                                                             Tháng 3 năm 2011
                                                                                   N.N.T

« Sửa lần cuối: 22 Tháng Ba, 2011, 08:51:46 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
trevn
Thành viên
*
Bài viết: 43


« Trả lời #27 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2011, 06:41:36 pm »

Chuyện của chú Thìn cứ thủ thỉ nhẹ nhàng mà đầy đủ mọi sắc màu của chiến tranh, cảm động quá
Logged
jupitercocs
Thành viên
*
Bài viết: 44


« Trả lời #28 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2011, 12:45:24 am »

CÔ CON GÁI NUÔI CỦA TIỂU ĐOÀN (3)

(tiếp theo và hết)

Cao Huy Trang, quê Hưng Yên, cùng một số anh em c3/d14 sau một thời gian tìm kiếm và kết nối với nhau trong nhóm các CCB Sư đoàn 325 của tỉnh Hưng Yên. Hoạt động của nhóm các anh là trở lại chiến trường cũ tìm kiếm và xác định mộ phần các bạn đồng đội đã hy sinh để đưa về quê hương. Các anh cũng đã kết nối liên lạc được với c trưởng Hồ Mai và cv trưởng Nguyễn Đình Kháng đang ở Đà Lạt. Một trong những nguyện vọng của 2 vị chỉ huy cũ là phải tìm ra bằng được bé Xuân An

Những chuyến đi về Quảng Trị, các anh trở lại Xuân An để tìm bé Xuân An nhưng chỉ được 2 du kích cũ là eng Chim và o Diệp cho biết sau năm 1975 bà con Xuân An lục tục trở về quê cũ, trong số họ không có ai là người thân của bé Xuân An. Bé Xuân An được du kích địa phương trao cho mệ (bà) Nữ làm con nuôi. Năm 1978 nhiều gia đình ở thôn Xuân An đi xây dựng kinh tế mới  tại Nam Bộ trong đó có gia đình mệ Nữ. Từ đó mọi thông tin về bé Xuân An đều dừng lại ở thời gian này.

Năm 2008, ông Trang cùng vợ chồng ông Nguyễn Văn Cường (nguyên là liên lạc của ông Mai và ông Sáng), Bí thư tỉnh ủy Hưng Yên lên Đà Lạt thăm ông Mai và ông Sáng. Trong câu chuyện gặp lại sau mấy chục năm các ông có nói đến việc phải đi tìm Xuân An. Thông tin mà ông Mai biết là Xuân An đang làm công nhân cao-su ở Đồng Nai. Sau đó mấy ngày ông Trang cùng  ông Mai và con trai ông Mai tên là Thủy xuống Đồng Nai để tìm. Suốt 2 ngày trời cả ba người đi hết các công ty cao-su của Tổng công ty cao-su Đồng Nai mà không tìm thấy Xuân An.

Tình cờ vào khoảng tháng 4/2010 những thông tin về Xuân An lại được sáng tỏ khi anh Lý Văn Tuấn là con trai bà Nữ sau mấy chục năm quay trở lại thăm quê, lúc này anh đang là giáo viên tiểu học tại Bà Rịa - Vũng Tầu. Tuấn là trang lứa với Chim quãng chừng 55 tuổi. Bạn bè gặp gỡ nhau sau bao năm xa cách, qua câu chuyện thì bé Xuân An ngày xưa được bà Nữ đặt tên là Tuyết và mang họ của chồng bà Nữ - Lý Thị Tuyết. Bé Xuân An nay đã là bà mẹ của 5 đứa con sinh sống tại ấp 4B, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tầu.

Nhận được tin về Xuân An (Tuyết), ông Trang đã báo cáo lại cho nhóm CCB của c3/d14/f325 của Hưng Yên, ông Nguyễn văn Cường, Bí thư tỉnh ủy và ông Vũ Văn Toàn (e95/f325), Trưởng ban tuyên giáo tỉnh quyết định cử ông Trang vào BR - VT để tìm Xuân An.

Một ngày tháng 7/2010 vợ chồng ông Trang đánh xe lên Đà Lạt để đón ông Mai và ông Sáng ra BR-VT. Họ đến Xuyên Mộc để đến xã Tân Lâm và tìm đến ấp 4B, nơi Xuân An đang sinh sống.

Cuộc hội ngộ điễn ra vô cùng cảm động khi cả cái ấp nghèo ấy kéo đến nhà cô Tuyết để chứng kiến những giây phút cảm động của những người lính già đầu bạc sau bao năm ròng đã tìm thấy cô con gái nuôi của mình.

Theo gia đình mẹ nuôi vào BR-VT làm công nhân cao-su, Tuyết kết hôn với Lê Đỗ Thành sinh năm 1964 quê tại xã Triệu Độ cùng huyện Triệu Phong, QT. Hoàn cảnh của những người đi xây dựng vùng kinh tế mới vô cùng vất vả đã khiến họ đồng cảm cùng xây dựng cuộc sống gia đình. Hai vợ chồng có 5 mặt, con đứa lớn đang học đại học, đứa bé nhất mới lên 10, cuộc sống không dư giả gì với nghề cạo mủ cao-su.

Ngày 6/3/2011, anh em CCB f325 thu xếp cho Tuyết ra thăm Yên Mỹ, Hưng Yên quê hương của những bố nuôi c3/d14, những người đã cứu sống, che chở, chăm sóc cô trong những ngày chiến tranh và chính họ lại là những người đã lăn lội bao nhiêu năm tìm lại cô để có ngày hội ngộ hôm nay.
 
Mấy hôm sau, tại TP Hưng Yên, anh em CCB đã tổ chức tiếp đón Tuyết. Tại đây nhiều người lính Quảng Trị năm xưa, nay đã trở thành những cán bộ chủ chốt của tỉnh như ông Cường - Bí thư tỉnh ủy ; ông Toàn - Trưởng ban Tuyên giáo của tỉnh và nhiều CCB khác đã nồng hậu đón tiếp cháu. Niềm vui vỡ òa xen lẫn những giọt nước nước mắt nhạt nhòa trên những khuôn mặt pha sương của những người lính già khi bé Xuân An ngày xưa, cô Tuyết ngày nay - đứa con nuôi của tiểu đoàn 14 lưu lạc bao năm đã trở về trong vòng tay của những người bố nuôi như năm nào cô được che chở trong lòng những người lính giải phóng bên dòng Thạch Hãn mịt mù khói lửa. Nếu như 2 vị chỉ huy cũ của c14 là Hồ Mai và Nguyễn Đình Kháng được chứng kiến cuộc hội nghộ này thì hạnh phúc thật là lớn lao.

Thật tình cờ, Tuyết ra bắc đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Sư đoàn 325, cháu đã gặp gỡ những CCB của Sư đoàn 325 tại Lục Ngạn, Bắc Giang nơi Sư 325 đóng quân. Chúng tôi đã gặp cháu và những đồng đội c3/d14 quê Hưng Yên trong không khí náo nức của những thế hệ chiến sĩ Sư đoàn từ mọi miền đất nước về dự lễ.

Tôi viết  bài này qua câu truyện của Cao Huy Trang và các CCB c3/d14 trong dư âm của tháng 3, cái mốc thời gian mà bất kỳ CCB nào của Sư đoàn 325 đều mãi mãi khắc ghi:
-   11/3/1951 thành lập Đại đoàn 325 (nay là Sư đoàn) - Bình Trị Thiên - bằng chiến thắng Thanh Hương, Mỹ Xuyên tiêu diệt 2 binh đoàn cơ động của Pháp.
-   10/3/1975, e95 nổ súng tấn công Ban Mê Thuột mở màn chiến dịch Tây Nguyên, khởi đầu cho Chiến dịch Xuân 1975 đại thắng.
-   21/3/1975, Sư đoàn (thiếu e95 đang ở Tây Nguyên) nổ súng cắt đường 1 tại Phú Lộc (nam Huế) bắt đầu Chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng.
-    25/3/1975, e101 cắm lá cờ giải phóng lên cột cờ Phú Văn Lâu.
-    29/3/1975, e18 sau khi đập tan tuyến phòng ngự của địch trên đèo Hải Vân đã tiến công bán đảo Sơn Trà, giải phóng cảng Đà Nẵng, kết thúc chiến dịch Huế - Đà Nẵng toàn thắng.

                                                                               Lục Ngạn – Hà Nội, tháng 3/2011
                                                                                             L.X.T


Xuân An với câc CCB f325. Hàng ngồi: 1-Bí thư tỉnh ủy HY Nguyễn Văn Cường (c3/d14) ; 2-Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nguyên Sư trưởng 325 ; 3-Đinh Thế Huynh, UV BCT, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ (c20/e101/f325). Hàng đứng: 1-Đại tá Vũ Thành Vinh sư trưởng 325 ; 3-Vũ Văn Toàn, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh HY (e95/f325) ; 4-Xuân An ; 6-Cao Huy Trang (c3/d14/f325)


Xuân An trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Sư đoàn 325



Cũng ở c3/d14 có câu chuyện những CCB đã lặn lội bao nhiêu năm đi tìm đứa con gái cho một người đồng đội, cô con gái này là kết quả của một cuộc tình giữa người lính của c3 với 1 cô gái Huế. Để viết bài này tôi phải cân nhắc rất kỹ vì có thể những nhân vật trong cuộc không bằng lòng nhưng ngược lại những người đi tìm cháu bé lại ủng hộ hết sức nhiệt thành.
anh Tường ơi ,bác MAI hồi tháng 3/1975 là đại đội trưởng đại đội 11 tiểu đoàn 3 E101 phải không anh ?Anh có ảnh hay số đt của bác ấy không?vì Ctrưởng của tôi chỉ huy C11/D3/E101 chiến đấu ngày 21/3/1975 ở cao điểm 312 cũng tên là Mai người Quảng nam !
Logged
Hieu6x
Thành viên
*
Bài viết: 52


« Trả lời #29 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2011, 06:43:56 am »

Câu chuyện của bác về cô con nuôi tiểu đoàn cảm động quá. Một chuyện buồn của chiến tranh.
Nhưng sao mọi người có vẻ hết hy vọng tìm gia đình cho Xuân An vậy. Sao không thử đưa vào mục "Chưa từng có cuộc chia ly" của VTV. Biết đâu đó, có người cha, người mẹ lạc mất con trong cơn hoảng loạn, giờ đang đau đáu. Có 1 phần nghìn hy vọng thì cũng nên thử.
Logged

Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình
Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM