Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:54:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa - Phần 2  (Đọc 290626 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« vào lúc: 01 Tháng Ba, 2011, 08:34:34 am »

Có 2 thông tin gửi tới các bác QSVN và các CCB:

- Ngày 11/3/2011 kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Sư đoàn 325. Lễ kỷ niệm tổ chức bắt đầu từ 6g30 tại Sư đoàn tại xã Hồng Giang huyện Lục Ngạn, Bắc Giang ( qua Chũ 3km). Giấy mời gửi tới các đại biểu rất có hạn nhưng anh em nào muốn lên cứ lên thẳng đến đó và sẽ được vào. Năm 2006, kỷ niệm 55 năm, chúng tôi không có giấy mời nhưng lên thẳng đều được đón tiếp trọng thị.

- Hội CCB ĐH Bách khoa tiến hành làm kỷ yếu của các CCB của trường, các bác nào ở ĐHBK muốn có thông tin xin liên hệ với Nguyễn Dũng ĐT 0912355861 và 0982364352, hộp thư dungnguyen317@gmail.com

Trân trọng
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Ba, 2011, 10:03:25 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #1 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2011, 11:10:48 am »

Tôi xin chuyển đến các bạn một bài viết nữa của Nguyễn Như Thìn

KHÁNH "VOI"

Đầu tháng 12 năm 71 hai tiểu đoàn sinh viên 5, 6 chia nhỏ bổ sung về các quân
binh chủng. Còn lại một số anh em chưa vể đâu phấp phỏng chờ đợi, đoán già, đoán non đơn vị mình sẽ được điều về. Trong cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của Thạc ngày 6-12 có ghi lại thời điểm đó. Hắn chê tôi sợ vào hỏa lực trợ chiến phải mang vác nặng gù lưng. Hắn chê tôi sợ chết muốn vào binh chủng tăng thiết giáp vì có vỏ thép dày che chở.

Ôi, sợ chết âu cũng là lẽ thường tình của những thằng lính trẻ, 18 đôi mươi chúng tôi, chửa biết cái chi chi, chết thì tiếc lắm.

Song, cả tôi và hắn đều nhầm. Sau này, tôi nhận ra có thứ còn đáng sợ hơn cái
chết. Đó là sự đầy đoạ về thân xác.

Người ta thường nói, " ghét của nào trời trao của ấy". Cuối cùng tôi lại được
điều về tiểu đội 12 ly 7, đại đội 12 trợ chiến thuộc trung đoàn 101 sư đòan bộ binh 325.

Một tiểu đội 12,7 ly biên chế từ 10 đến 12 người. Trừ A trưởng mang kính ngắm và một khẩu AK, còn lại chia thành 3 tổ có nhiệm vụ mang ba phần chính của súng. Tổ 1 mang thân súng nặng 33 kg và một thùng đạn khoảng 10 kg. Tổ 2 mang chân súng nặng 34 kg và một thùng đạn. Tổ 3 mang bệ súng nặng khoảng 21 kg một hộp tiếp đạn và một thùng đạn cũng nặng chừng ấy.

Khi hành quân, thân và chân súng được hai cặp khiêng bằng hai chiếc đòn tre dài nặng chình trịch. Bệ súng hình thù kỳ dị đầy góc cạnh được một người vác . Những cạnh sắc như băm từng thớ thịt. Hơn ba chục cân có vẻ không quá nặng. Nhưng xin thưa, hành quân cả ngày trời dưới cái nắng miền trung, cộng với tư trang khoảng 30 cân nữa thì lừa cũng phải chào thua. Khi khiêng súng, người đi sau còn đỡ chứ người đằng trước thật khốn khổ. Sức nặng của balo và súng phía sau cứ kéo ngửa người ra. Trèo đèo lội suối, rồi trong rừng rậm, súng móc bên này mắc bên kia tiến cũng chẳng được mà lùi cũng không xong. Hồi còn đi học, ngoài cái tên bố mẹ đặt cho, tôi còn mang thêm biệt danh các bạn tặng là “còm”, vì cân nặng cả bì chỉ có hơn 40 kg. Khiêng súng bị phồng, rồi loét, hai vai, mãi không lành. Mỗi lần hành quân mang vác, đối với tôi không khác gì hành xác.

Đêm ấy, bên cánh rừng ở Cự Nẫm Quảng Bình, nhận quân trang đi B balo hơn
40 cân, tôi phải đẩy lên ngôi mộ hoang, luồn hai vai vào hai quai mới gượng đứng lên được. Vậy mà lại đến phiên khiêng súng. Cố gắng bước dược chừng 50 chục mét thì ngã chúi xuống, nửa quì nửa ngồi, tôi ôm mặt khóc. Y tá Cận chạy lại, mở túi thuốc lấy ra một vốc vitamin B1 bảo tôi uống. Nghi ngờ về khả năng tăng lực của nắm B1 ấy, song tôi cũng tống đại vào mồn nhai trệu trạo. Thực tình lúc ấy tôi chỉ muốn chết quách đi cho rồi . Họặc giả có một quả pháo biển lạc vào giải thoát cho tôi thì âu cũng là số phận.

May thay trong tổ tôi còn có Khánh "voi". Trong số các anh em quê Phủ Cừ,
Hải Hưng, Khánh "voi" nổi bật vì dáng cao to như cây chuối hột trong vườn toàn chuối tiêu. Nghe nói nhà hắn nghèo lắm, ăn uống kham khổ, vậy mà hắn lại có một thân hình khá lý tưởng. Cao trên một mét bẩy lăm. Bắp thịt săn chắc. Đôi vai gấu hơi xuôi, hai hàm răng trắng đều, nước da sáng hơn că lũ bạch diện thư sinh chúng tôi. Hắn ghé vai đỡ tôi dậy, rút chiếc đòn khiêng ra quẳng sang một bên, đặt thân súng nặng như cùm lên vai, lầm lũi bước tiếp. Tôi vớ lấy chiếc đòn khiêng cố bám theo. Cuộc hành quân 5 ngày không thể nào quên, từ tây Quảng Bình theo dãy Trường Sơn qua giới tuyến 17 vào Quảng Trị tham chiến. Lính rơi rớt dọc đường. Không còn ra đội hình gì nữa, các đơn vị trộn lẫn vào nhau. Tiểu đội tôi đến nơi tập kết đầy đủ, có lẽ nhờ một phần bởi Khánh "voi".

Sau trận đầu, đêm 23 ngày 24 tháng tám năm 72 , tiểu đội bị thiệt hại nặng nề ,
thương vong non một nửa, tạm bị trưng dụng làm lính vận tải. Làm gì cũng được, miễn là không phải khiêng súng. Nhưng tôi lại nhầm. Gọi là vận tải cho oai chứ thực ra là gùi gạo, đạn. Mấy chục cân trên vai chẳng khác gì khiêng 12ly7. Trên một cung đường chừng 4, 5 cây số trống trải, phải luôn vận động thật nhanh qua những tọa độ chết người của pháo bầy và máy bay cường kích. Vô phúc dính B 52 thì coi như chấm hết. Vậy mà với Khánh "voi" dường như chẳng hề hấn gì. Bao giờ hắn cũng về trước tôi cả tiếng đồng hồ, chui tọt vào hầm không ra ngoài. "Trên mặt đất không có lợi" , hắn bảo tôi thế. Biết vậy mà đành vậy."Trên mặt đất không có lợi"...

Một tuần sau, tiểu đội lại nhận khẩu súng khác, chế tạo tại Liên Xô, nòng xoắn, tản nhiệt tốt hơn, nhưng cũng nặng hơn khẩu trước khoảng chục ký. Ngay đêm ấy lại vào chốt. Tâm trạng mọi người khá nặng nề . Nõi ám ảnh trận trước không thể bỗng chốc mà quên ngay được. Tiểu đội chốt trong một vườn chuối nhỏ lá xác xơ. Giũa vườn hiện lờ mờ một ngôi nhà, thực ra là phế tích của một ngôi nhà tan hoang. Phía trước là một bụi tre rách bươm. Nghe đâu trước bụi tre là lính đại đội 9 bộ binh. Chúng tôi vội vàng đào hầm trú ẩn, công sự pháo và một đoạn hào chừng 4 mét nối hầm trú ẩn với hầm pháo. Gần sáng công việc cũng tạm xong. Trong khung cảnh chết chóc như vậy, mà vẫn thấy một tiếng gà lạc lõng, cô đơn, gáy yếu ớt báo hiệu một ngày mới băt đầu. A trưởng Thành phân công người đứng cảnh giới dưới hào cách hầm trú ẩn khoảng một mét, còn lại tạm nghỉ. Rồi cũng đến phiên tôi đứng gác Trận địa hai bên thật yên tĩnh. Tôi nghe rõ cả tiếng con chim sâu bay chúi vào bụi cây trước mặt. Thì ra nó bị mù từ bao giờ. Chừng một tiếng sau, Khánh"Voi" đổi gác. Đôi vai gấu của nó cố nghiêng, lách ngườì cho vừa đoạn hào vừa hẹp vừa nông. Tôi chui vào hầm, chợp mắt một lúc. Bỗng một tiếng nổ vang phía cửa hầm. Minh "già"kêu thất thanh ]'Khánh chết rồi "[/i].Giật mình nhìn ra, một cảnh tượng thật hãi hùng. Khánh "voi" đang từ từ ngồi xuống, lưng tựa vách hào, đôi tay buông xuôi. Cái đầu nó bay đâu mất. Phía trên cổ, giữa một mớ xương vụn, máu ồng ộc tuôn ra ngập một đoạn hào. Trên vai Khánh, một mảng da đầu còn nguyên tóc vắt ngang, như khoác một chiếc khăn nửa đen nửa đỏ.

Cả tiểu đội chết lặng. Mặt Minh "già" thường ngày vốn đen thế, mà lúc đó trắng
bệch, đôi mắt thất thần. Sau ít phút trấn tĩnh, tôi quyết định ra ngòai. Để tránh vũng máu, tôi nắm hai cổ chân Khánh, làm động tác như đu xà kép dướn người nhoài ra . Bên mép hào, một hố vát hình nón vừa bị khoét còn vương vài mảnh gang vụn. Cối 81, Khánh chết vì một quả đạn cối của địch bắn vu vơ. Phía đối diện, một tấm gỗ ép dựng bên gốc chuối bê bết máu và óc. Giá mà Khánh thấp hơn một chút, giá mà Khánh đổi gác chậm hơn một chút thì cái thằng đang ngồi kia chính là tôi.

Mãi đến khuya mới có hai lính vận tải tiểu đoàn đến mang Khánh đi.Trăng thượng
tuần tháng cô hồn trút ánh sáng vàng vọt xuống vườn chuối. Trên ngực Khánh, nắp chiếc bút máy Pilot mạ vàng, mới nhặt được hôm qua, “để viết thư”, hắn nói thế, cứ lấp lánh thứ ánh sáng ma quái.

Nhiều năm sau, ánh sáng ma quái ấy cứ ám ảnh tôi trong những đêm mất ngủ vì
bệnh tật. Hình ảnh Khánh "voi" với đôi vai gấu lại chập chờn hiện về. Giá mà hắn thấp hơn một chút, giá mà hắn đổi gác chậm một chút. "Ở trên mặt đất không có lợi". Biết vậy mà đành vậy.

Một đêm mất ngủ tháng 2 năm 2011
Như Thìn
[/i]
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Ba, 2011, 10:00:03 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Lucphu
Thành viên
*
Bài viết: 13


« Trả lời #2 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2011, 08:39:18 pm »

Chào bác. Cháu là thế hệ sinh ra sau chiến tranh. Đọc bài viết của bác mà cháu đã khóc. Khóc vì sự khốc liệt của chiến tranh. Cháu xin chúc bác và gia đình luôn luôn mạnh khỏe.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #3 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2011, 10:32:35 am »

Hôm nay 8/3, xin gửi tới các Mẹ, các Chị, các Bà vợ, các Em và các Cháu gái lời chúc mừng chân thành của một người lính già tới một nửa thế giới này.

Hình ảnh người phụ nữ VN tập trung ở hình tượng người mẹ đã đi vào tâm khảm chúng ta suốt cả cuộc đời. Ai đã từng chứng kiến những phút lâm chung của đồng đội mình, nghe họ gọi Mẹ trước khi nhắm mắt mới thấy được tình mẫu tử thiêng liêng đến nhường nào.

Ngày trở về với Mẹ, chúng ta nghe lixeta thốt lên thật là cảm động:

"Trước mặt quân thù con là dũng sĩ
Nhưng dưới mắt Mẹ Hiền, con vẫn là một đứa trẻ thơ."


Tôi xin gửi tới các bạn lời bài ca "Về thăm Mẹ" của nhạc sĩ Trần Chung. Lần đầu tiên tôi nghe bài hát này trong 1 buổi tình cờ mở đài đúng vào giờ dạy hát. Lời ca và giai điệu của bài hát do Kiều Hưng trình bày thấm vào từng mạch máu của tôi. Sao mà hay và da diết đến thế. Bài hát lúc ấy làm nguôi ngoai tâm trạng một thằng lính sau chiến tranh trở về phải đụng chạm bao nhiêu thứ của đời thường như cơm áo, gạo tiền, chính sách... sau những phút huy hoàng của ngày chiến thắng. Nó làm cho mình dịu đi những nỗi đau của cuộc chiến và cảm thấy mình rất may mắn được trở về so với bạn bè còn nằm lại nơi chiến trường. Những mất mát của mình đâu có thấm gì những nỗi đau của những người mẹ luôn luôn ngóng chờ những đứa con trở về.

VỀ THĂM MẸ
Nhạc và lời : Trần Chung
Rạo rực niềm vui nhớ về thăm Mẹ.
Rộn ràng bàn chân, đường quê mong nhớ.
Mẹ già của tôi, như cây khô chồi biếc lên xanh
Tươi ánh mắt nụ cười long lanh
Nắm đôi bàn tay, nghe Mẹ nghẹn ngào
Niềm vui sướng, theo dòng lệ rơi.

Chuyện buồn chuyện vui, nhớ chuyện chiến trường
Chuyện về làng quê, chuyện người yêu dấu.
Ngày về mừng vui, con đi trong ngàn tiếng yêu thương
Nghe ấm áp lời Mẹ ru xưa
Phút giây bình yên, bên Mẹ dịu hiền
Vì đất nước dâng cả tình thương.

Dọc đường hành quân, nhớ Mẹ bao lần
Rạo rực lòng con, tình làng nghĩa xóm.
Dọc đường hành quân, con đi trong hình bóng quê hương
Mang bóng dáng Mẹ già yêu thương
Vững đôi bàn chân trên dặm đường dài
Đường chiến đấu thêm bền lòng tin.

Gửi một dòng thư, hẹn ngày chiến thắng: Con sẽ về, Mẹ thân yêu ơi.

[/i]
Viết đến đây tình cờ trước mặt tôi là tờ báo Lao động hôm nay 8/3. Tại trang 5 có bài Nụ cười phụ nữ của Việt Văn có đăng tấm hình "Con đã về" của Duy Anh. Trong tấm ảnh là nụ cười rạng rỡ của người mẹ già với những nếp nhăn tuổi tác đang chỉa tay về phía đứa con, nhưng hình ảnh đứa con với mũ cối trên đầu chỉ là cái bóng in trên vách... đây chính là sự thật hay cũng là điềm mong ước của biết bao bà mẹ VN có con trở về hoặc không bao giờ trở về sau chiến tranh...

Tôi không thể tải tấm ảnh này lên để chia sẻ với các bạn. Bác nào giúp tôi với.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #4 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2011, 04:44:36 pm »

Trong dịp trở về Sư đoàn để tham dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Sư đoàn 325 (11/3/1951 - 11/3/2011), tình cờ những người lính của tiểu đoàn 14 cối 120 ly đã kể lại cho tôi nghe 1 câu chuyện rất cảm động về đứa trẻ mà các anh đã tìm thấy và nuôi nấng, chở che cho nó trong những tháng ngày ác liệt bên dòng Thạch Hãn 39 năm về trước.

CÔ CON GÁI  NUÔI CỦA TIỂU ĐOÀN (1)

Những ngày tháng 7 năm 1972 đất trời khu vực thị xã Quảng Trị như một chảo lửa khổng lồ. Cuộc hành quân Lam Sơn 72 của địch nhằm tái chiếm lại những vùng chúng đã bị mất đang ở những ngày quyết liệt. Các đơn vị ta chốt giữ trong thị xã và Thành cổ Quảng Trị đang phải hứng chịu những gì khốc liệt nhất mà kẻ thù đang dội xuống nơi đây có lẽ chỉ còn thiếu bom nguyên tử. Đoạn sông Thạch Hãn sang bên thị xã sôi lên sung sục, đủ các loại hỏa lực của địch từ B52, máy bay chiến thuật, pháo từ hạm đội 7 và từ các trận địa pháo đủ loại dội vào đây tạo nên những màn nước giăng trên dòng sông còn phải kể đến những luồng 12 ly 8 và đại liên của địch quét trên sông hòng ngăn chặn sự chi viện của ta từ bờ Bắc bên Nhan Biều, Xuân An.

Đại đội 3, tiểu đoàn 14 cối 120 ly  của sư đoàn 325 bám trụ bên bờ Bắc thuộc thôn Xuân An, xã Triệu Thượng để chi viện cho quân ta ở bên Thị xã. Chưa đầy một tháng trận địa của các anh đứng chân tại đây nhưng đã tổn thất nhiều vì hỏa lực của địch. Sự chi viện của các anh cũng hạn chế rất nhiều vì đạn dược có hạn, trang bị hỏng hóc không bổ sung kịp và quân số thương vong nhiều, bắn được vài quả là địch  phản pháo lại 1 cách dữ dội.

Một đêm cuối tháng 7, tổ tuần tra do b trưởng Quýnh (người Hải Dương) phụ trách, đang cảnh giới phía bờ sông, chợt có tiếng lạch cạch va chạm của vỏ đồ hộp thu hút sự chú ý của các anh, dưới ánh sáng của pháo sáng địch, trong đống đổ nát của những căn nhà bị bom pháo phá hủy, các anh phát hiện ngay gần đấy 1 bóng đen nhỏ tụt vào đống đổ nát của căn nhà bị sập. Cái gì nhỉ ? Địch chăng ? Không thể là người được vì bóng đen đó rất nhỏ, hay là một con chó còn sót lại trong bom đạn mù trời này !!!…

Sau khi được báo cáo, anh Mai (c trưởng) và anh Sáng (cv trưởng) quyết định đêm hôm sau phải tìm cách xác định bóng đen đó có phải là chó hay con vật gì ?

Ngay khi màn đêm buông xuống, Quýnh và mấy người nữa lại bò ra khu vực mà hôm trước các anh phát hiện ra bóng đen. Mật độ pháo kích của địch rất dầy đặc vì chúng biết hàng đêm chúng ta tiếp tế lương thực, đạn dược và bổ sung quân qua bến vượt Nhan Biều và Xuân An này. Chờ mãi không thấy động tĩnh gì, mọi người chúi trong những căn hầm thay nhau ngủ và cử người cảnh giới. Gần sáng khi mật độ pháo kích đã bớt đi, giữa các trận oanh kích dữ dội, khoảng không gian đặc quánh mùi khói đạn  bỗng như yên ắng lạ thường… Chợt ngay gần đấy tiếng động của vỏ đồ hộp vọng đến. Người lính cảnh giới đá chân ra hiệu cho Quýnh hướng  về nơi phát ra tiếng động. Một bóng đen nhỏ như một con chó thò đầu qua đống gạch đổ, con vật này khác chó ở chỗ chó thì gục đầu xuống để liếm láp vỏ đồ hộp, còn nó lại ngửa đầu lên để mút mát vỏ đồ hộp được cầm bằng chi trước…Người rồi chứ không phải là chó mà đây là 1 đứa trẻ còn sót lại trong những trận bom pháo vừa qua. Các anh tiến sát đến chỗ đứa trẻ, nghe động nó thụt rất nhanh vào đống đổ nát mất dạng.

Quyết phải bắt cho bằng được đứa bé, các anh khẳng định nó dứt khoát phải ra khỏi chỗ trú để kiếm ăn khi ngớt tiếng pháo kích. Gần sáng khi pháo địch vừa ngớt, các anh áp sát nơi trú ẩn của đứa bé. Khi nó vừa thò ra khỏi đống gạch, bằng động tác chuẩn xác, một người chụp lấy đứa bé đồng thời bịt miệng không để cho nó kêu vì bên kia sông là địch.

Dưới ánh sáng leo lét khói mù của ngọn đèn thắp bằng dầu đậu nành trong hầm của đại đội, một đứa con gái quãng chừng 2 tuổi chưa biết nói, chưa biết đi, người đen nhẻm lấm láp toàn bùn đất, cóc cách toàn những nốt ghẻ lở toàn thân, đứa bé chỉ ọ… ẹ … trong vòng tay những người lính đã đón nó về, có lẽ đã bao nhiêu ngày nó tồn tại như một con vật hoang dã và chẳng còn đủ sức để khóc nữa. Anh em đoán chắc cha mẹ nó đã chết vì bom pháo và nó đã sống sót cho đến ngày hôm nay.

Anh Mai giao đứa trẻ cho y tá đại đội chăm sóc và chữa trị ghẻ lở cho nó. Với bàn tay vụng về thô ráp của những người lính pháo đã cắt may cho cháu bé những bộ quần áo từ những vỏ chăn cắt ra. Anh Mai c trưởng đã đặt tên cháu là Xuân An và lấy họ Hồ của mình để làm họ cho cháu - Hồ Xuân An.

Bé Xuân An lớn lên trong vòng tay chăm sóc của những người bố nuôi của c3 dưới những trận oanh kích dữ dội của địch. Cháu đã chập chững những bước đi đầu tiên và bập bẹ gọi bố..bố… mỗi khi có người tạt vào hầm quân y thăm cháu…

(còn tiếp)
  
 
 
 
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Ba, 2011, 04:21:08 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
dangpmc
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #5 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2011, 03:51:21 pm »

CÔ CON GÁI  NUÔI CỦA TIỂU ĐOÀN

......Bé Xuân An lớn lên trong vòng tay chăm sóc của những người bố nuôi của c3 dưới những trận oanh kích dữ dội của địch. Cháu đã chập chững những bước đi đầu tiên và bập bẹ gọi bố..bố… mỗi khi có người tạt vào hầm quân y thăm cháu…
  
Ôi , mới đọc có mấy dòng thôi nhưng em nghĩ là chuyện này lên phim được quá đi chứ và có thể trở thành huyền thoại được đó. Không biết có bác nào trong QSVN dính tới giới phim ảnh  không nhỉ. Em nghĩ là khéo dựng lên hay gấp mấy lần phim Mỹ ấy chứ ( là em nói về cốt truyện thôi nhé) , ta đâu cần phải đi coppy kịch bản Hàn về chi cho mệt nhỉ.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #6 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2011, 04:01:47 pm »

CÔ CON GÁI NUÔI CỦA TIỂU ĐOÀN (2)

(tiếp theo)

Cuối năm 1974 các đơn vị của Sư đoàn 325 lần lượt bàn giao tuyến chốt chạy từ Đá Đứng, Tích Tường, Như Lệ về Nhan Biều, Xuân An qua Chợ Sãi, An Tiêm, Vân Hòa, An Lộng ra tới Long Quang, Thanh Hội sát mép biển cho các đơn vị địa phương để lui lên  Cam Lộ chuẩn bị cho những chiến dịch mới. Những tiểu đoàn trợ chiến của sư cũng rục rịch chuyển quân, d14 cối 120 ly cũng nằm trong số những đơn vị như thế.

Trước tình hình mới, lãnh đạo tiểu đoàn chỉ đạo các đại đội gấp rút làm công tác bàn giao địa bàn cho đơn vị bạn. Với bé Xuân An gắn bó với c3 hơn một năm nay, cũng không thể mang theo đơn vị được, cái khó là tình cảm của cháu  với các bố c3 vô cùng sâu nặng. Cháu đã chạy đi chạy lại tung tăng giữa các hầm pháo, bi bô nói cười, bập bẹ hát và vỗ tay theo nhịp mỗi khi nghe các bố hát…Chẳng còn cách nào khác, D bộ 14 quyết định cho c3 trao Xuân An cho du kích địa phương. Eng (anh) Chim và o Diệp được xã trao trách nhiệm chăm sóc cháu. Ngày chia tay với các bố c3 nhìn cánh tay bé nhỏ chới với trước hàng quân trong tiếng khóc gọi bố…bố ơi... của Xuân An đã làm cho những người lính c3 phải gạt nước mắt bước đi không dám ngoái đầu nhìn lại…

Trong cơn lốc ào ạt của chiến dịch Xuân 1975, gót chân của những người lính c3/d14 trong đội hình của Sư 325 từ Quảng Trị vượt Trường Sơn thọc xuống cắt đường 1 tại Phú Lộc, tiến vào giải phóng Huế rồi cùng đội hình của Sư đoàn tiến đánh Đà Nẵng, băng qua duyên hải miền Trung, hỗ trợ e101 và e18 giải phóng Phan Rang, Phan Thiết…Trong chiến dịch Hồ Chí Minh các anh đã yểm trợ tích cực cho các đơn vị bộ binh tiến đánh Long Thành, Thành Tuy Hạ và hỗ trợ cho các đơn vị pháo binh cơ giới của Sư đoàn và Quân đoàn đưa pháo hạng nặng vào Nhơn Trạch để chế áp kẻ thù tại Tân Sơn Nhất… Khi Sư đoàn vượt sông Đồng Nai, hỏa lực của d14 cùng các đơn vị bạn đã chế áp kẻ địch bên căn cứ Cát Lái hỗ trợ tích cực cho Sư đoàn đánh chiếm BTL Hải quân ngụy, giải phóng quận 2 và 9 góp phần vào chiến công của chung của dân tộc, đưa chúng ta đến đích cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước.

Chiến tranh kết thúc, những người lính trở về với đời thường, biết bao những lo toan của cuộc sống đè nặng lên vai họ nhưng trong tâm khảm của họ không bao giờ quên những ký ức gian khổ, đầy máu và nước mắt nơi mà rất nhiều đồng đội của họ không bao giờ trở  về. Năm tháng trôi qua khi mái tóc của những CCB mỗi lúc bạc thêm thì những câu chuyện của quá khứ không những nguôi ngoai đi mà hình như càng thôi thúc họ chắp nối để tìm lại những gì mà một thời tuổi trẻ đã sống và chiến đấu.

Đại đội trưởng Mai và chính trị viên Sáng là những cán bộ quê miền Nam sau khi giải phóng đã chia tay đơn vị để nhận nhiệm vụ mới. Anh Mai được điều về các đơn vị làm nhiệm vụ truy quét tàn quân địch và FULRO tại Tây nguyên. Anh Sáng được cử đi học và về công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân Lâm Đồng. Có một sự trùng hợp là hai anh sau khi nghỉ hưu đều đưa vợ con lên Đà Lạt sinh sống. Trong tâm khảm của các anh luôn đau đáu một nỗi niềm về cháu Xuân An, sau mấy chục năm đằng đẵng, các anh muốn đi tìm cháu ngặt một nỗi không có điều kiện và không có thông tin gì về cháu.

(còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Ba, 2011, 09:44:32 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
hoang phu
Thành viên
*
Bài viết: 23


« Trả lời #7 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2011, 04:50:15 pm »

Rất cảm động, câu chuyện của bạn rất hiếm gặp nên khi kể lại câu chuyện, Tường nên kể chi tiết hơn một chút, đừng vội vì câu chuyện rất nhân văn, nó chứng tỏ phẩm chất của chúng ta, những người lính thực sự là của nhân dân, những người lính chống Mỹ nói riêng, và nói chung cho quân đội các thời kì bảo vệ đất nước. Hồi đó, chúng ta không tính toán việc nuôi một đứa trẻ sẽ tốn bao nhiêu tiền. Muốn lên cấp sẽ phải lo một khoản bao nhiêu! Cám ơn XT, mong được nghe tiếp chuyện của bạn. (Một người đã gặp XT tại Vườn treo Facific)
Logged
tantrao
Thành viên
*
Bài viết: 29


« Trả lời #8 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2011, 06:37:58 pm »

Lexuantuong là thành viên lâu năm của QSVN ,tôi rất thích đọc nhưng bài kí ức của bạn về chiến tranh,nhưng lần này câu chuyện về người con gái nuôi của tiểu đoàn làm tôi quá xúc động.Những ai từng sống những ngày máu lửa trên mặt trận Trị Thiên  của mùa hè đỏ lửa 1972 mới thấy hết được tính nhân văn của câu chuyện.Thực ra ngày ấy đến mạng sống của mình còn phải quên đi.Khi ấy tôi có người bạn cùng đơn vị trước khivào bộ đội là giáo viên cấp 2.Có lần từng tâm sự chỉ mong hết chiến tranh mà mình còn sống dù có phải đi chăn bò nuôi thân cũng sung sướng lắm rồi.Thế mà những người lính của đơn vị lexuantuong sẵn sàng nuôi cháu bé trong hoàn cảnh bom đạn khốc liệt,với tình yêu thương như con của mình.Lexuantuong kể tiếp đi.Chúng tôi đang chờ bạn trên diễn đàn.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #9 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2011, 11:11:03 am »

CÔ CON GÁI NUÔI CỦA TIỂU ĐOÀN (3)

(tiếp theo và hết)

Cao Huy Trang, quê Hưng Yên, cùng một số anh em c3/d14 sau một thời gian tìm kiếm và kết nối với nhau trong nhóm các CCB Sư đoàn 325 của tỉnh Hưng Yên. Hoạt động của nhóm các anh là trở lại chiến trường cũ tìm kiếm và xác định mộ phần các bạn đồng đội đã hy sinh để đưa về quê hương. Các anh cũng đã kết nối liên lạc được với c trưởng Hồ Mai và cv trưởng Nguyễn Đình Sáng đang ở Đà Lạt. Một trong những nguyện vọng của 2 vị chỉ huy cũ là phải tìm ra bằng được bé Xuân An

Những chuyến đi về Quảng Trị, các anh trở lại Xuân An để tìm bé Xuân An nhưng chỉ được 2 du kích cũ là eng Chim và o Diệp cho biết sau năm 1975 bà con Xuân An lục tục trở về quê cũ, trong số họ không có ai là người thân của bé Xuân An. Bé Xuân An được du kích địa phương trao cho mệ (bà) Nữ làm con nuôi. Năm 1978 nhiều gia đình ở thôn Xuân An đi xây dựng kinh tế mới  tại Nam Bộ trong đó có gia đình mệ Nữ. Từ đó mọi thông tin về bé Xuân An đều dừng lại ở thời gian này.

Năm 2008, ông Trang cùng vợ chồng ông Nguyễn Văn Cường (nguyên là liên lạc của ông Mai và ông Sáng), Bí thư tỉnh ủy Hưng Yên lên Đà Lạt thăm ông Mai và ông Sáng. Trong câu chuyện gặp lại sau mấy chục năm các ông có nói đến việc phải đi tìm Xuân An. Thông tin mà ông Mai biết là Xuân An đang làm công nhân cao-su ở Đồng Nai. Sau đó mấy ngày ông Trang cùng  ông Mai và con trai ông Mai tên là Thủy xuống Đồng Nai để tìm. Suốt 2 ngày trời cả ba người đi hết các công ty cao-su của Tổng công ty cao-su Đồng Nai mà không tìm thấy Xuân An.

Tình cờ vào khoảng tháng 4/2010 những thông tin về Xuân An lại được sáng tỏ khi anh Lý Văn Tuấn là con trai bà Nữ sau mấy chục năm quay trở lại thăm quê, lúc này anh đang là giáo viên tiểu học tại Bà Rịa - Vũng Tầu. Tuấn là trang lứa với Chim quãng chừng 55 tuổi. Bạn bè gặp gỡ nhau sau bao năm xa cách, qua câu chuyện thì bé Xuân An ngày xưa được bà Nữ đặt tên là Tuyết và mang họ của chồng bà Nữ - Lý Thị Tuyết. Bé Xuân An nay đã là bà mẹ của 5 đứa con sinh sống tại ấp 4B, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tầu.

Nhận được tin về Xuân An (Tuyết), ông Trang đã báo cáo lại cho nhóm CCB của c3/d14/f325 của Hưng Yên, ông Nguyễn văn Cường, Bí thư tỉnh ủy và ông Vũ Văn Toàn (e95/f325), Trưởng ban tuyên giáo tỉnh quyết định cử ông Trang vào BR - VT để tìm Xuân An.

Một ngày tháng 7/2010 vợ chồng ông Trang đánh xe lên Đà Lạt để đón ông Mai và ông Sáng ra BR-VT. Họ đến Xuyên Mộc để đến xã Tân Lâm và tìm đến ấp 4B, nơi Xuân An đang sinh sống.

Cuộc hội ngộ điễn ra vô cùng cảm động khi cả cái ấp nghèo ấy kéo đến nhà cô Tuyết để chứng kiến những giây phút cảm động của những người lính già đầu bạc sau bao năm ròng đã tìm thấy cô con gái nuôi của mình.

Theo gia đình mẹ nuôi vào BR-VT làm công nhân cao-su, Tuyết kết hôn với Lê Đỗ Thành sinh năm 1964 quê tại xã Triệu Độ cùng huyện Triệu Phong, QT. Hoàn cảnh của những người đi xây dựng vùng kinh tế mới vô cùng vất vả đã khiến họ đồng cảm cùng xây dựng cuộc sống gia đình. Hai vợ chồng có 5 mặt, con đứa lớn đang học đại học, đứa bé nhất mới lên 10, cuộc sống không dư giả gì với nghề cạo mủ cao-su.

Ngày 6/3/2011, anh em CCB f325 thu xếp cho Tuyết ra thăm Yên Mỹ, Hưng Yên quê hương của những bố nuôi c3/d14, những người đã cứu sống, che chở, chăm sóc cô trong những ngày chiến tranh và chính họ lại là những người đã lăn lội bao nhiêu năm tìm lại cô để có ngày hội ngộ hôm nay.
 
Mấy hôm sau, tại TP Hưng Yên, anh em CCB đã tổ chức tiếp đón Tuyết. Tại đây nhiều người lính Quảng Trị năm xưa, nay đã trở thành những cán bộ chủ chốt của tỉnh như ông Cường - Bí thư tỉnh ủy ; ông Toàn - Trưởng ban Tuyên giáo của tỉnh và nhiều CCB khác đã nồng hậu đón tiếp cháu. Niềm vui vỡ òa xen lẫn những giọt nước nước mắt nhạt nhòa trên những khuôn mặt pha sương của những người lính già khi bé Xuân An ngày xưa, cô Tuyết ngày nay - đứa con nuôi của tiểu đoàn 14 lưu lạc bao năm đã trở về trong vòng tay của những người bố nuôi như năm nào cô được che chở trong lòng những người lính giải phóng bên dòng Thạch Hãn mịt mù khói lửa. Nếu như 2 vị chỉ huy cũ của c14 là Hồ Mai và Nguyễn Đình Sáng được chứng kiến cuộc hội nghộ này thì hạnh phúc thật là lớn lao.

Thật tình cờ, Tuyết ra bắc đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Sư đoàn 325, cháu đã gặp gỡ những CCB của Sư đoàn 325 tại Lục Ngạn, Bắc Giang nơi Sư 325 đóng quân. Chúng tôi đã gặp cháu và những đồng đội c3/d14 quê Hưng Yên trong không khí náo nức của những thế hệ chiến sĩ Sư đoàn từ mọi miền đất nước về dự lễ.

Tôi viết  bài này qua câu truyện của Cao Huy Trang và các CCB c3/d14 trong dư âm của tháng 3, cái mốc thời gian mà bất kỳ CCB nào của Sư đoàn 325 đều mãi mãi khắc ghi:
-   11/3/1951 thành lập Đại đoàn 325 (nay là Sư đoàn) - Bình Trị Thiên - bằng chiến thắng Thanh Hương, Mỹ Xuyên tiêu diệt 2 binh đoàn cơ động của Pháp.
-   10/3/1975, e95 nổ súng tấn công Ban Mê Thuột mở màn chiến dịch Tây Nguyên, khởi đầu cho Chiến dịch Xuân 1975 đại thắng.
-   21/3/1975, Sư đoàn (thiếu e95 đang ở Tây Nguyên) nổ súng cắt đường 1 tại Phú Lộc (nam Huế) bắt đầu Chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng.
-    25/3/1975, e101 cắm lá cờ giải phóng lên cột cờ Phú Văn Lâu.
-    29/3/1975, e18 sau khi đập tan tuyến phòng ngự của địch trên đèo Hải Vân đã tiến công bán đảo Sơn Trà, giải phóng cảng Đà Nẵng, kết thúc chiến dịch Huế - Đà Nẵng toàn thắng.

                                                                               Lục Ngạn – Hà Nội, tháng 3/2011
                                                                                             L.X.T


Xuân An với câc CCB f325. Hàng ngồi: 1-Bí thư tỉnh ủy HY Nguyễn Văn Cường (c3/d14) ; 2-Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nguyên Sư trưởng 325 ; 3-Đinh Thế Huynh, UV BCT, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ (c20/e101/f325). Hàng đứng: 1-Đại tá Vũ Thành Vinh sư trưởng 325 ; 3-Vũ Văn Toàn, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh HY (e95/f325) ; 4-Xuân An ; 6-Cao Huy Trang (c3/d14/f325)


Xuân An trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Sư đoàn 325

« Sửa lần cuối: 19 Tháng Ba, 2011, 10:50:34 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM