Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 04:47:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng  (Đọc 310690 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #150 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2015, 02:53:04 am »

        Vương quốc Campuchia: Từ sau khi nhà vua Ponheayat dời đô về Phnôm Pênh (1434) cho đến khi Vương quốc Campuchia rơi vào ách thống trị của thực dân Pháp (1863), là một trong những giai đoạn lịch sử bi thảm và ảm đạm của Campuchia. Đây cũng là một thời kỳ còn ít được hiểu biết nhất, bởi lẽ chúng ta chỉ có tài liệu duy nhất là "Niên giám Hoàng gia" của triều đình phong kiến Campuchia, nhưng không đáng tin cậy lắm vì nó được ghi chép lại bằng trí nhớ ở những thế kỷ sau. Có lẽ, từ sau khi người châu Âu đặt chân lên đất Campuchia thì những tư liệu ghi chép mới chính xác, rõ ràng và tin cậy hơn.

        Lịch sử Campuchia từ sau thời kỳ Angkor là một chuỗi dài vô cùng phức tạp và đau thương bởi cảnh "nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn". Chính biến đẫm máu trong hoàng cung diễn ra liên tục và cảnh đời sống lầm than, cơ cực của người dân bởi chính quyền không quan tâm đến sản xuất. Bên cạnh đó là những cuộc xâm lăng, những vụ can thiệp thô bạo vào nội bộ Campuchia của các tập đoàn phong kiến các nước láng giềng để rồi cuối cùng lịch sử Campuchia thời kỳ sau Angkor bị chấm dứt bằng sự thôn tính của thực dân Pháp.

        Năm 1467, vua Ponheayat chết, triều đình Campuchia lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Con của vua Ponheayat là Prakray vừa lên ngôi đã bị người cháu là ông hoàng Soryotay làm phản, cầu viện quân Xiêm (Thái Lan) đánh chiếm các tỉnh miền Tây. Nhưng quân Xiêm đã bắt cả nhà vua và ông hoàng đưa về Xiêm và đưa người con thứ ba của Ponheayat là Thommo Reachea lên ngôi vua (1474 - 1491). Để trả ơn, Thommo Reachea đã cắt hai tỉnh Chan-ta-bun và Ko-rat cho Xiêm.

        Sau khi Thommo Reachea chết, hai người con là Đamkhat và Angchan tranh nhau ngôi vua khiến cho Campuchia bị chia thành hai miền, miền Tây do Angchan thống trị đóng đô ở Phnôm Pênh, miền Đông do Đamkhat thống trị đóng đô ở Srei Santhor. Không bao lâu, một người tên là Kân tụ quân chống lại triều đình. Angchan chạy sang Xiêm. Kân đánh chiếm Srei Santhor, giết Đamkhat rồi lên ngôi vua năm 1498. Angchan lưu vong ở Xiêm 8 năm, rồi trở về Campuchia với một đạo quân Xiêm giúp sức. Các tướng lĩnh của Angchan tôn ông lên làm vua, tước hiệu Angchan I (1505). Cuộc nội chiến kéo dài, đến năm 1525 Angchan giết được Kân. Angchan trở về làm vua ở Phnôm Pênh, vua Xiêm sai sứ đòi Angchan phải cống nộp một con voi trắng nhưng bị chối từ. Vua Xiêm Ram T'ibodi II cử một đạo quân đưa con của Srei Reachea là hoàng tử Chau Ponhea Ong về Campuchia, chiếm thành Angkor và tiến vào Lovek. Vua Angchan I đã cầm quân đại phá quân Xiêm, một đạo thuỷ quân khác của Xiêm tiến vào miền Nam cũng bị quân Angchan đánh tan. Thừa thắng, quân của Angchan còn tiến đánh quân Xiêm ở Prachin trên đất Xiêm vào năm 1531. Tuy vậy, đề phòng sự trả thù của Xiêm, Angchan cho quân rút khỏi Prachin và dời đô từ Phnôm Pênh về Lovek năm 1539.

        Con của Angchan là Barom Reachea nối ngôi (1556 - 1567), lợi dụng cuộc chiến tranh Xiêm - Miến, đã mở cuộc tấn công vào kinh đô Ayuthia buộc Xiêm phải ký hoà ước năm 1566 trả lại cho Campuchia hai tỉnh Chan-ta-bun và Ko-rat. Sau sự kiện này, vua Xiêm là Pranaret đã quyết tâm tấn công Campuchia thu lại hai tỉnh này và hạ cho được kinh thành Lovek. Vì vậy, trong thời gian con của Barom Reachea là Satha I trị vì, Campuchia luôn bị Xiêm tấn công, đến năm 1594, thành Lovek thất thủ, nhà vua và hoàng gia phải lánh nạn sang Lào. Kể từ đây đánh dấu một thời kỳ khủng hoảng đen tối của lịch sử Campuchia, nhà nước bị suy yếu, kiệt quệ, luôn bị ngoại bang xâm lấn, đe doạ chủ quyền.

        Theo niên giám hoàng gia Campuchia, kể từ khi thủ đô Lovek bị quân Xiêm chiếm đóng, quốc vương Satha I cùng con là Chay Chatta I chạy sang vào, trong nước có hai người tiếm ngôi vua là Chung Prei và Nhom. Tiếp đó, Xiêm trợ giúp Srei Soryppo từ Xiêm về lên ngôi vào năm 1603. Đến năm 1618, vua thoái vị, nhường ngôi cho con là Chay Chetta II. Vua Chay Chetta II định đô ở trong, kết hôn với công chúa Ngọc Vạn con của sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên.

        Trong thế kỷ XVI đã có tới 13 đời vua thay đổi nhau với khá nhiều biến động trong triều đình. Tình hình thế kỷ XVIII còn đen tối hơn, trong 17 đời vua thì có 7 người bị giết, 3 người bị lật đổ và trong số 7 người còn lại thì cũng phải chịu 4 cuộc bạo động chống đối lớn của quý tộc. Cuộc khủng hoảng và xung đột giữa các lực lượng kéo dài triền miên từ 1767 đến 1794. Để tranh giành ngôi vua và giữ ngôi báu, các ông vua của Campuchia, người thì dựa vào Xiêm, người thì cầu viện tới triều đình Huế. Kết cục là, một cuộc chiến tranh kéo dài diễn ra trên đất Campuchia giữa một bên là quân nhà Nguyễn bên cạnh quân của Ang Chan II và bên kia là quân Xiêm. Từ năm 1841 đến 1845, nhà Nguyễn đã cố gắng bảo vệ hoàng tộc Campuchia và ngăn cản ảnh hưởng của Xiêm. Năm 1845, Xiêm và Việt đình chiến và đến năm 1847 hai bên thống nhất đưa Ang Đương lên ngôi vua Campuchia. Năm 1860, Ang Đương mất, con là Ang Votây được Xiêm đưa về làm vua, lấy hiệu là Nô-rô-đôm, nhưng người em út là Ang Phim hiệu là Xivotha muốn tranh ngôi đã chống lại Nô-rô-đôm. Xiêm lại đem quân can thiệp và sự can thiệp này kéo dài liên tục cho đến khi Pháp và Xiêm ký kết hiệp ước năm 1876.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #151 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2015, 01:04:41 am »

   
        * Tóm tắt quá trình xác lập chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ:

        Sau khi Chân Lạp thôn tính Phù Nam, trong một số sử sách Trung Quốc đã xuất hiện tên gọi "Thuỷ Chân Lạp" (Mã Đoan Lâm, Văn hiến thông thảo), tức là vùng đất Nam Bộ để phân biệt vùng đất này với vùng đất "Lục Chân Lạp", tức là vùng đất gốc của Chân Lạp. Trên thực tế, việc cai quản của Chân Lạp đối với vùng lãnh thổ Thuỷ Chân Lạp là hết sức khó khăn. Trước hết, đây là một vùng đồng bằng mới bồi lấp còn ngập nước và sình lầy, người Khơ-me với dân số ít ỏi không có khả năng tổ chức khai thác trên quy mô lớn. Hơn nữa, việc khai khẩn đất đai trên lãnh thổ của Lục Chân Lạp cũng còn đang đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lực. Việc cai trị xứ Thủy Chân Lạp vẫn phải giao cho những người thuộc dòng dõi vua Phù Nam.

        Cho đến tận thế kỷ XIII, cư dân ở vùng đất Nam Bộ còn rất thưa thớt. Sau mấy thế kỷ chiếm đóng, các vương triều Chân Lạp đã biến vùng lãnh thổ Phù Nam cũ từ một vùng buôn bán sầm uất thành một vùng hoang vu. Sang thế kỷ XVI và nhất là từ thế kỷ XVII, do sự can thiệp của Xiêm, triều đình Chân Lạp bị chia rẽ sâu sắc, vướng quốc Chân Lạp dần bước vào thời kỳ suy vong. Trong bối cảnh như vậy, Chân Lạp hầu như không có điều kiện quan tâm đến vùng đất còn ngập nước vốn là địa phận của vương quốc Phù Nam cũ. Trên thực tế, họ đã không đủ sức quản lý vùng đất này.

        Đến cuối thế kỷ thứ XVI, nước Chân Lạp dần dần suy yếu. Trong khi đó, trên thực tế Chăm Pa (Chiêm Thành) đã sáp nhập vào Đại Việt và Đại Việt đang là một quốc gia hùng mạnh, có cương giới mới sát với Chân Lạp (lúc này đất đai Đại Việt mở rộng đến miền đông Nam Bộ, sát cửa ngõ Sài Gòn). Lúc này, Chân Lạp liên tục bị Xiêm La chèn ép, bành trướng, không tự bảo vệ được mình nên phải tìm kiếm đồng minh gần gũi là họ Nguyễn ở Đàng Trong.

        Từ đầu thế kỷ XVI, đã có những nhóm người Việt đến định cư và khai phá vùng đất Đồng Nai, Sài Côn của xứ Nông Nại. Họ tụ họp nhau lập thành "nậu", thành "thuộc" và gần như sống biệt lập với sự cai trị của các chúa Nguyễn. Khi đó, vùng đất Nông Nại còn là những miền rừng rậm hoang vu, hầu như vô chủ. Với sự cần cù, sáng tạo và nghị lực của mình, trải qua một thời gian dài, các lưu dân Việt Nam đã khai hoá, khẩn hoang và dần biến các vùng này trở thành trù phú (Thạch Phương, Lưu Quang Tuyến (chủ biên 1989), Địa chí Long An, NXB Long An và KHXH, tr.91).
Năm 1611, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho quân giúp Chân Lạp đánh đuổi quân Xiêm. Để trả công, vua Chân Lạp đã cho họ Nguyễn đưa dân vào khai khẩn, sinh sống ở vùng đất vốn hoang vu ở Đồng Nai, Biên Hoà, lập dinh điền ở Mỗi Xuy (Bà Rịa) và để đất xứ Pray Nokas (Chợ Lớn), xứ Kris Krobey (Bến Nghé) làm nơi thu quan thuế (Nguyễn Đức Châu, Nguyễn Tuấn Chung (1994), ông cha ta bảo vệ biên giới. NXB Công an nhân dân, tr. 161); năm 1620, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã đem con gái cả của mình là Công chúa Ngọc Vạn gả cho quốc vương Chân Lạp Chậy Chettha II làm Hoàng hậu. Đổi lại, năm 1623 Chân Lạp cho chúa Nguyễn lập một thương điếm ở Sài Gòn để thu thuế, năm 1679, một số viên tướng cũ của nhà Minh trốn tránh nhà Thanh đem hơn 50 chiếc thuyền và hơn 3000 người quy phục họ Nguyễn. Chúa Nguyễn chia một nửa số người Hoa này do Dương Ngạn Địch dẫn đầu tiến vào cửa Xoài Rạp lập ấp, khai khẩn xứ Mỹ Tho; số còn lại do Trần Thượng Xuyên vượt qua cửa Cần Giờ ngược lên khai khẩn, lập phố chợ buôn bán ở cù lao Phố (Biên Hoà). Về sự kiện này, sách Đại Nam thực lục thép Kỷ Mùi, năm thứ 31 (1679), mùa xuân, tháng Giêng, tướng cũ nhà Minh là Long môn tổng binh Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến, Cao Lôi Liêm, tổng bình Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình đem hơn 3000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung và Đà Nẵng, tự trần là bô thần nhà Minh, nghĩa không chịu làm tôi nhà Thanh, nên đến để xin làm tôi tớ. Bầy giời bàn bạc rằng: phong tục, tiếng nói của họ đều khác, khó bề sai dung, nhưng họ bị thế cùng bức bách đến đây thì không nỡ cự tuyệt. Nay đất Đông Phố (tên cổ của Gia Định) nước Chân Lạp đồng ruộng phì nhiêu nghìn dặm, triều đình chưa rỗi mà kinh lý, chi bằng nhân lấy sức của họ cho đến khai khẩn để ở làm một việc mà lợi ích ba điều. Chúa theo lời bàn, bèn sai đặt yến uý lạo khen thưởng, trao cho quan chức khiến đến ở đất Đông Phố. Lại cáo dụ nước Chân Lạp rằng như thế là có ý không để nước Chân Lạp ra ngoài. Bọn Ngạn Địch đến cửa khuyết tạ ơn để đi. Binh thuyền của Ngạn Địch và Hoàng Tiến vào cửa Lôi Rạp (nay thuộc đất Gia Định) đến đóng ở Bàn Lân (nay thuộc Biên Hoà). Họ vỡ đất hoang, dựng phố xá, thuyền buôn của người Thanh và các nước Tây Dương, Nhật Bản, Chà Và đi lại tấp nập. Toàn bộ số người Hoa này sinh sống, khai khẩn đất và buôn bán đều thần phục và nộp thuế cho họ Nguyễn.
Đến những năm 1689 - 1690, miền đất phía Bắc sông Tiền đã được cư dân cũ và mới ra sức khai khẩn, làm các vùng đầm lầy, rừng rú mênh mông, hoang vu rậm rạp trở nên trù phú; năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, đặt xứ Đồng Nai thành huyện Phúc Long, dựng dinh Trấn Biên ở Biên Hoà, đặt đất Sài Côn thành huyện Tân Bình, dựng Phiên trấn ở Gia Định.
Sự kiện Quốc vương Chân Lạp Chạy Chettha II trở thành con rể của chúa Nguyễn và chúa Nguyễn đã thoả thuận được với chính quyền Chân Lạp lập ra một trạm thu thuế ở Sài Gòn vào năm 1623 đánh dấu một bước tiến quan trọng của người Việt trên con đường chính thức hoá công cuộc khai phá vùng đất phương Nam của mình. Và với những sự kiện trên, họ Nguyễn đã "mở rộng đất được nghìn dặm, được hơn 4 vạn hộ" (Phương đình Nguyễn Siêu, Quốc sử quán triều Nguyễn. Thực lục, tập I, tr.54). Cũng trong khoảng thế kỷ XVII, Mạc Cửu là một cựu thần nhà Minh chạy đến Chân Lạp xin thần phục Chân Lạp. Vua Chân Lạp cho đến khai khẩn ở một vùng đất hoang vu dọc bờ biển vịnh Thái Lan từ Côngpôngsom đến mũi Cà Mau. Mạc Cửu đã chọn vùng Mang Khảm làm nơi làm ăn. Sách Đại Nam thực lục chép: Mạc Cửu... để tóc chạy sang phương Nam, đến nước Chân Lạp làm chức ốc Nha, thấy phủ Sài Mạt ở nước ấy có nhiều người buôn bán các nước tụ họp, bèn mở sòng gá bạc để thu thuế gọi là hoa chi, lại được hố bạc chôn nên thành giàu. Nhân chiêu tập dân xiêu dạt đến các nơi Phú Quốc, Cần Bột, Gia Khê, Luống Cày, Hương ục, Cà Mau (thuộc tỉnh Hà Tiên) lập thành 7 xã, thôn.

        Từ năm 1698, chúa Nguyễn đã lập phủ Gia Định, địa vị của người Việt trên "Thuỷ Chân Lạp" đã vững chãi và thế lực đang mạnh, còn ở Chân Lạp thì nội loạn triền miên luôn bị người Xiêm nhòm ngó. Vì muốn duy trì địa vị của mình, đến năm 1708, Mạc Cửu đem đất Mang Khảm dâng chúa Nguyễn Phúc Chu và thần phục chúa Nguyễn, chúa Nguyễn đổi vùng Mang Khảm thành trấn Hà Tiên và phong cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên. Việc Mạc Cửu quyết định đem vùng đất Hà Tiên do ông cai quản về với chúa Nguyễn đã xác nhận đến đầu thế kỷ XVIII lãnh thổ Đàng Trong dưới quyền kiểm soát của chúa Nguyễn đã kéo dài đến tận Hà Tiên và mũi Cà Mau, kể cả các hải đảo ngoài biển Đông và biển Tây. Lúc này bên cạnh các đội Hoàng Sa và Bắc Hải trấn giữ biển Đông, chúa Nguyễn còn đặt ra đội Hà Tiên chuyên trách khai thác hoá vật, kiểm tra kiểm soát thực thi chủ quyền của Việt Nam ở biển Tây. Sau khi Mạc Cửu chết, chúa Nguyễn phong con của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ làm Đô đốc trấn Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ là người thực sự trung thành với chúa Nguyễn, đã ra sức xây dựng, bảo vệ và phát triển vùng đất Hà Tiên về mọi mặt, biến Hà Tiên trở thành trung tâm phồn thịnh ở miền cực Nam đất nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #152 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2015, 06:37:09 am »

        Lúc này, Chân Lạp chỉ còn tồn tại là một lực lượng nhỏ bé, yếu ớt và nội bộ mâu thuẫn, chia rẽ. Có thế lực muốn dựa hẳn vào chúa Nguyễn và trái lại có thế lực lại muốn chạy theo vua Xiêm. Các lực lượng đối địch luôn tìm mọi cơ hội thuận lợi để thôn tính, tiêu diệt lẫn nhau.

        Năm 1722, vua Chân Lạp là Nặc Yêm thoái vị, nhường ngôi cho con là Nặc Tha. Năm 1731, cha con Nặc Yêm, Nặc Tha nghe theo lời của một người Ai-lao di cư sang Chân Lạp tên là Sá Tốt sàm tấu mình có tiền định đánh đuổi được người Việt trên đất Chân Lạp, đã làm ngơ cho một số người Chân Lạp đánh giết người Việt ở cầu Ba Nam và cướp phá Gia Định. Chúa Nguyễn đã sai binh đi đánh, để chuộc tội, Nặc Tha cắt đất Mô Sa (Mỹ Tho ngày nay) và Long Hồ (Vĩnh Long ngày nay) cho chúa Nguyễn. Trên đất Long Hồ, chúa Nguyễn đặt châu Định Viễn, lập dinh Long Hồ (Sa đéc nay) và cho châu Định Viễn thuộc vào; còn đất Mỹ Tho chúa vẫn để như cũ vì đã có người Việt ở đấy từ lâu, đến năm 1722 mới đặt chính quyền chính thức (Phan Khoang, Sđd, tr.335).

        Năm 1753, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên ngả theo Xiêm chống lại họ Nguyễn. Trong hai năm 1754 và 1755, họ Nguyễn tổ chức một đạo quân lớn chinh phạt Chân Lạp. Năm 1756, do bị thất bại liên tiếp nên Nặc Nguyên phải cầu hoà với họ Nguyễn và "xin hiến đất hai phủ Tầm Bôn, Lôi Lạp và nộp bù lễ cống còn thiếu về 3 năm trước để chuộc tội" (Phan Khoang, Sđd, tr.165). Sau khi bàn tính kỹ, chúa Nguyễn đã chấp nhận việc "lấy đất hai phủ ấy uỷ cho thần xem xét hình thế, đặt luỹ đóng quân, chia cấp ruộng đất cho quân và dân, vạch rõ địa giới, cho đặt lệ vào châu Định Viễn để thu lấy toàn khu (Phan Khoang, Sđd, tr. 166). Đất Tầm Bôn và Lôi Lạp tương đương đất Cần Thơ, Long Xuyên ngày nay. Khi mới nhận hai vùng đất, chúa Nguyễn đã cho lệ vào châu Định Viễn thuộc phủ Gia Định.

        Năm 1757, Nặc Nguyên chết, Chân Lạp xảy ra cuộc nội chiến giữa các phe phái trong triều đình để tranh giành quyền lực. Chân Lạp lụi tàn dần, không đủ sức cai quản được lãnh thổ của mình, đã lần lượt cắt đất cho họ Nguyễn ở các vùng: Trapeang (tỉnh Trà Vinh nay), Basaak (hay Bác Thắng, hay Ba Xuyên tương đương tỉnh Sóc Trăng), Tầm Phong Long (tương đương Đồng Tháp, Sa đốc và Châu Đốc). Chúa Nguyễn dời sở dinh Long Hồ về xứ Tàm Bào (tỉnh lỵ Vĩnh Long ngày nay), rồi đặt đạo Đông Khẩu Sa Đéc, đạo Tân Châu xứ Tiền Giang, đạo Châu Đốc xứ Hậu Giang đều thuộc dinh Long Hồ. Năm 1758, để trả ơn Mạc Thiên Tứ che chở, giúp đỡ chống quân Xiêm, vua Chân Lạp là Nặc Tôn còn chính thức cắt 5 phủ phía Nam và Đông Nam Chân Lạp cho Hà Tiên gồm Hương Úc, Cần Vọt, Châu Sum, Sài Mạt, Linh Quýnh. Chúa Nguyễn cho nhập đất ấy vào trấn Hà Tiên rồi đặt Giá Khê (Rạch Giá) làm đạo Kiên Giang, Cà Mau (gồm cả Phú Quốc) làm đạo Long Xuyên, đặt quan lại, chia thôn ấp giao Mạc Thiên Tứ quản lĩnh (Nguyễn Đức Châu, Nguyễn Tuấn Chung, Sđd, tr. 165, 165).

        Như vậy, cho đến năm 1758, toàn bộ vùng đất Nam Bộ đã thuộc chủ quyền của Việt Nam, từ tỉnh Biên Hoà đến tỉnh Hà Tiên, lãnh thổ Việt Nam tiếp giáp đất Campuchia ở 8 huyện thuộc 6 phủ, 5 tỉnh đã được xác định rõ: tỉnh Biên Hoà, ở cực Tây Bắc có huyện Phước Bình thuộc phủ Phước Long (thời Pháp thuộc tỉnh Thủ Dầu Một); tỉnh Gia Định có 2 huyện Tân Ninh và Quang Hoá đều thuộc phủ Tây Ninh (sau này là tỉnh Tây Ninh); tỉnh Định Tường có 2 huyện Kiến Phong và Kiến Đăng đều thuộc phủ Kiến Tường (sau này là tỉnh Sa Đéc); tỉnh An Giang có 2 huyện là Hà Am thuộc phủ Tuy Viễn và huyện Đông Xuyên thuộc phủ Tân Thành (sau này là tỉnh Châu Đốc); và tỉnh Hà Tiên có huyện Hà Châu thuộc phủ An Biên.

        Để thực thi chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ, các chúa Nguyễn đã sắp đặt hành chính, đặt quan cai trị, biên dân vào sổ, định các thứ thuế, từng bước ổn định những miền đất mới và xác định chủ quyền nhà nước đối với vùng lãnh thổ phía Nam.

        Cho đến giữa thế kỷ XVIII, họ Nguyễn đã làm chủ một vùng đất rộng lớn từ Nam dải Hoành Sơn cho đến mũi Cà Mau. Hình thành 12 đơn vị hành chính gọi là dinh: Vùng đất Thuận - Quảng cũ gồm 6 dinh là Bố Chính, Quảng Bình, Lưu Đồn, Cựu, Chính, Quảng Nam; vùng đất mới chia thành 6 dinh là Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ. Ngoài ra còn đặt một trấn phụ thuộc là Hà Tiên. Mỗi dinh quản hạt một phủ, dưới phủ có huyện, tổng, xã (hay phường, thuộc). Riêng dinh Quảng Nam quản 3 phủ là Thăng Hoa, Quảng Ngãi, Quy Nhơn. Sau này, các chúa Nguyễn đã tiến hành những cải tổ lại về bộ máy chính quyền, nhưng đơn vị hành chính cấp xã vẫn là quan trọng nhất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #153 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2015, 05:53:54 pm »

        Đến triều Tây Sơn, toàn bộ vùng đất phía Nam được thống nhất thành 5 trấn: Biên, Phiên, Định, Vĩnh Thanh và Hà Tiên.

        Năm 1802, Nguyễn Ánh lật đổ nhà Tây Sơn lập ra triều Nguyễn. Các vua triều Nguyễn đã có những xáo trộn, tách nhập và lập địa danh cho các vùng đất ở phía Nam, nhưng phải đến năm 1832 triều Minh Mạng (1820 - 1840), các vùng đất này mới được xác định ranh giới và đặt địa danh rõ ràng. Sau khi lên ngôi vua, Gia Long đổi phủ Gia Định (bao gồm toàn bộ Nam Bộ) làm trấn Gia Định. Năm Năm 1808 lại đổi làm "Gia Định thành", tổ chức lại cơ cấu hành chính, dưới thành là trấn, dưới trấn là phủ, dưới phủ là huyện... "Gia Định thành" thống quản 5 trấn là Phiên An, Biên Hoà, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên; năm 1832, Minh Mạng cải tổ và phân chia lại địa lý hành chính "Gia Định thành", từ 5 trấn thành 6 tỉnh: Phiên An tỉnh thành (trấn Phiên An cũ), tỉnh Biên Hoà (trấn Biên Hoà cũ), tỉnh Định Tường (trấn Định Tường cũ), tỉnh Vĩnh Long (trấn Vĩnh Thanh cũ), tỉnh An Giang (gồm 3 đạo của trấn Hà Tiên là Đông Khẩu, Tân Châu, Châu Đốc), tỉnh Hà Tiên (gồm 2 đạo còn lại của trấn Hà Tiên là Kiên Giang, Long Xuyên). Năm 1833, Lê Văn Khôi khởi binh chống lại nhà Nguyễn, chiếm Phiên An tỉnh thành, tức dinh Gia Định cũ. Năm 1836, sau khi dẹp xong cuộc loạn, thu phục lại Phiên An tỉnh thành thì Minh Mạng đã cho san bằng thành cũ (Tây Ninh), xây thành mới ở nơi khác, đổi Phiên An tỉnh thành thành tỉnh Gia Định và gọi toàn bộ "Gia Định thành" là Nam Kỳ. Danh xưng "Nam Kỳ lục tỉnh" ra đời từ đấy. Cũng trong năm 1836, vua Minh Mạng còn lấy toàn bộ đất Campuchia đặt làm trấn Tây Thành thuộc Việt Nam cho đến đời Thiệu Trị mới trả lại độc lập cho Campuchia; riêng các rải đất thuộc huyện Hoà Âm (An Giang), Vũng Thơm (Công-pông-som) và Cần Bột (Kăm-pôt) đến đời Tự Đức mới cắt trả về Campuchia. Kể từ đó, ranh giới giữa Việt Nam và Campuchia cơ bản ổn định, không có sự biến động gì lớn cho đến khi Pháp xâm lược Đông Dương (1858).

        Trong quá trình mở mang lãnh thổ về phía Nam, họ Nguyễn đã có những chủ trương, chính sách khuyến khích đặc biệt và rất cụ thể để khẳng định quyền lực trên những vùng đất mới khai thác được, đồng thời nhằm tăng thêm tiềm lực kinh tế và quân sự của mình. Ở những nơi đã có người Việt di cư đến ở và khai khẩn thì khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ làm ăn sinh sống như cho phép người dân biến ruộng đất khai hoang được thành sở hữu tư nhân, miễn thu thuế một thời gian, ra lệnh cho người giàu cấp vốn v.v...; những nơi chưa có người Việt thì hoặc trực tiếp tổ chức việc di chuyển một bộ phận dân chúng, hoặc chiêu mộ lưu dân đưa vào đó để tiến hành khai khẩn. Qua các tài liệu lịch sử (Huỳnh Lứa (2000), Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam Bộ thế kỷ 17,18,19, NXB KHXH, tr. 6 - 21), ta thấy có bốn lần di chuyển lớn một bộ phận dân chúng các tỉnh phía Bắc xứ Đàng Trong vào các tỉnh phía Nam trong thế kỷ XVII. Lần thứ nhất, sau khi mở đất Phú Yên, Nguyễn Hoàng đã sai Lương Văn Chính chiêu tập lưu dân khai khẩn đất hoang ở Cù Mông, Xuân Đài, dời dân đến ở, lại mộ dân vỡ đất làm ruộng ở vùng sông Đà Rằng, chia lập thôn ấp; lần thứ hai, sau khi đại thắng quân Trịnh ở Quảng Bình năm 1648, bắt được nhiều tướng sĩ của quân Trịnh, Nguyễn Phúc Lan đã chia số người đó cho ra ở các nơi, lập ấp cấp lương, lại cho họ khai thác những mối lợi ở những vùng rừng núi, đầm phá; lần thứ ba, khi chiếm được 7 huyện xứ Nghệ An, rút về đã bắt theo nhiều người dân địa phương cho đến ở Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Quy Nhơn, Phú Yên để tăng thêm dân số (trong số này có ông tổ bốn đời của Nguyễn Huệ); và lần thứ tư là việc Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược phía Nam năm 1698 như đã nêu ở trên. Trong dịp này, Nguyễn Hữu Cảnh đã chiêu mộ thêm lưu dân từ Bố Chính trở vào Nam đến ở, thiết lập xã thôn, phường, ấp, chia ranh giới, khai khẩn ruộng đất, đánh thuế tô, làm bộ đinh, bộ điền. Những người dân di cư vào Nam Bộ trong các thế kỷ XVII, XVIII có nhiều thành phần phức tạp : những tù nhân bị lưu đày, những người trốn tránh binh dịch, những người giàu muốn tìm nơi mở rộng việc làm ăn, những binh lính đào ngũ hoặc bị bệnh phải giải ngũ, những người nông dân nghèo không sống nổi ở quê hương vì bị áp bức bóc lột nặng nề, và tất nhiên còn phải kể đến một số kẻ vong mạng, lưu manh, trộm cướp trốn tránh. Ngoài ra, họ Nguyễn còn triệt để "tận dụng" một số lượng không nhỏ người Hoa do những lý do này khác chạy sang Việt Nam, tạo điều kiện cho họ khai khẩn đất hoang.
Bên cạnh việc mở mang bờ cõi, xác lập chủ quyền của mình, các chúa Nguyễn còn rất quan tâm đến việc xây dựng đường giao thông và các công trình thuỷ lợi trong các vùng đất mà họ Nguyễn xác lập chủ quyền. Điển hình là năm 1817 đã đào kênh Thoại Hà, từ năm 1819 - 1824 đào kênh Vĩnh Tế dài 74 km, nối Châu Đốc với vịnh Hà Tiên. Các chúa Nguyễn cũng đã bố trí lực lượng quân sự, thiết lập các đồn thủ "nơi yếu hại" để chống giặc, giữ dân và bảo vệ chủ quyền. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ các công trình xây dựng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên một tuyến phòng thủ vững chắc ở vùng biên giới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #154 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2015, 03:51:43 am »

       
        2. BIÊN GIỚI VIỆT NAM - CAMPUCHIA TRONG THỜI KỲ ĐÔNG DƯƠNG THUỘC PHÁP


        Bước vào giữa thế kỷ XIX, tư bản Anh tăng cường xâm lược các nước trong khu vực Đông Nam Á như xâm lược Malaysia, đánh chiếm Rangun, xâm lược Miến Điện, tìm cách thôn tính bán đảo Indochine, điều động hạm đội tiến vào vịnh Thái Lan, uy hiếp kinh đô Băng Cốc, buộc triều đình Xiêm phải ký thoả ước 1855 để cho Anh được hưởng nhiều đặc quyền trên đất Xiêm. Trước sự bành trướng ngày càng tăng của thực dân Anh, thực dân Pháp thúc giục Chính phủ Pháp chiếm lấy Đông Dương, vừa để ngăn chặn bước tiến của Anh, vừa để biến nơi này thành bàn đạp xâm nhập miền Nam Trung Quốc.

        Trước hết, thực dân Pháp kiếm cớ bênh vực các giáo sĩ bị triều đình Huế ngược đãi, dùng vũ lực tấn công Việt Nam năm 1845, hai lần tàu chiến Pháp vào thị uy ở Đà Nẵng. Năm 1847, tàu chiến Pháp liên tiếp khiêu chiến Việt Nam. Đi liền với những biện pháp quân sự đó, thực dân Pháp tìm cách xoa dịu tinh thần cảnh giác của giai cấp phong kiến Campuchia, tỏ thân thiện với vua Nô-rô-đôm, bảo vệ Campuchia khỏi sự chèn ép của phong kiến Xiêm.

        Năm 1858, Pháp chính thức tấn công Việt Nam. Năm 1862, Pháp chiếm xong ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường buộc triều đình Huế phải ký Hiệp ước nhường quyền cai quản các tỉnh này cho Pháp; năm 1863, Vương quốc Campuchia chịu sự bảo hộ của Pháp; năm 1867, Pháp chiếm các tỉnh còn lại của "Nam Kỳ lục tỉnh" là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Đến năm 1884, triều đình Huế đầu hàng Pháp, thừa nhận chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ, chế độ bảo hộ ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Sau khi hoàn thành việc xâm lược Đông Dương, năm 1887, thực dân Pháp thành lập "Liên bang Đông Dương" gồm một xứ thuộc địa Nam Kỳ và 4 xứ bảo hộ (Cao-miên, Ai-lao, Bắc Kỳ, Trung Kỳ). Bộ máy cai trị của thực dân Pháp được hình thành và cai quản toàn bộ Đông Dương. Cơ quan cai trị cao nhất ở Đông Dương là Phủ Toàn quyền do viên Toàn quyền đứng đầu. Toàn quyền là người đại diện trực tiếp của Chính phủ Pháp ở Đông Dương, có quyền tổ chức các công sở, chỉ định các viên chức cai trị, chịu trách nhiệm về việc phòng thủ Đông Dương, lập và duyệt ngân sách hàng năm. Dưới Phủ Toàn quyền là các cơ quan cai trị hàng xứ được tổ chức tuỳ theo đặc điểm từng nơi. Về thực chất, cả Đông Dương lúc đó là thuộc địa của Pháp, nhưng về hình thức thì Nam Kỳ là thuộc địa, là một "lãnh thổ hải ngoại" của nước Cộng hoà Pháp, có đại biểu ở Quốc hội Pháp; còn Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Cao-miên và Ai-lao chỉ là xứ bảo hộ. Cơ quan cai trị ở Nam Kỳ gọi là Phủ Thống đốc, đứng đầu là một Thống đốc đại diện trực tiếp của Toàn quyền, trong khi đó viên cai trị cao nhất ở Bắc Kỳ là Thống sứ, ở Trung Kỳ, Cao-miên và Ai-lao là Khâm sứ.

        Để quản lý hành chính và khai thác thuộc địa thuận lợi, Pháp đã tiến hành việc phân định các ranh giới giữa các xứ trong "Liên bang Đông Dương". Riêng ranh giới giữa Nam Kỳ và Campuchia được thực dân Pháp quan tâm hơn. Vì Nam Kỳ là thuộc địa, là "lãnh thổ hải ngoại" của chính phủ Pháp. Thực tế, trong khoảng thời gian từ năm 1858 đến năm 1867, Pháp đã hoàn thành việc chiếm đóng toàn bộ vùng châu thổ sông Mê Công ở Việt Nam và đã thành lập được sự bảo hộ với Campuchia. Lúc này, các nhà chức trách Pháp nhận thấy cần phải ấn định dứt khoát ranh giới giữa Nam Kỳ và Campuchia, một mặt Pháp muốn bảo vệ quyền sở hữu của họ ở Nam Kỳ, chống lại mọi sự xâm nhập của Xiêm do Anh chỉ huy từ xa nhằm hạn chế ảnh hưởng của Pháp ở Viễn Đông. Pháp muốn ngăn cản khả năng Xiêm kiểm soát các đường sông có tầm quan trọng quyết định về chiến lược cũng như về thương mại của Campuchia. Người Pháp cũng muốn bảo vệ quyền lợi của họ đối với tài nguyên cả ở Campuchia và mong muốn có cơ may kiểm soát toàn bộ lưu vực sông Mê Công nên họ quyết định bảo vệ tính trung lập của vương quốc Campuchia bằng cách "bảo hộ" họ, đồng thời tạo thế phòng thủ vững chắc ở phía Nam, lấy Campuchia làm vùng đệm giữa Thái lan và Việt Nam; mặt khác ổn định ranh giới phía Nam để tập trung chuyển hướng đánh chiếm miền Bắc Việt Nam. Năm 1873, hải quân Pháp nã pháo vào thành Hà Nội buộc vua Tự Đức phải ký một hiệp ước công nhận chủ quyền đầy đủ và hoàn toàn của Pháp đối với Nam Kỳ và mở cửa sông Hồng để buôn bán, năm 1884 Trung Kỳ và Bắc Kỳ trở thành xứ bảo hộ của Pháp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #155 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2015, 01:09:07 pm »

       
        2.1. Thực dân Pháp tiến hành phân định ranh giới giữa Nam Kỳ và Campuchia


        2.1.1. Tóm tắt việc phân vạch và cắm mốc giới trên thực địa

        Để tiện theo dõi việc xác định ranh giới trên đất liền giữa Nam Kỳ và Campuchia trong thời thuộc Pháp, có thể phân chia thành 3 phân đoạn biên giới như sau:

        a) Phân đoạn biên giới từ bờ sông Tonle Tru (Tây Ninh ngày nay) đến làng Hoà Thành (Kiên Giang ngày nay)

        Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm xong 3 tỉnh miền Đông của Nam Kỳ (Biên Hoà, Gia Định, Định Tường), từ tháng 3-1870 một Uỷ ban Pháp - Campuchia đã được thành lập để nghiên cứu hoạch định đường ranh giới ở vùng tiếp giáp giữa Tây Ninh của Nam Kỳ với Công-pông-chàm của Campuchia ngày nay. Trong tháng 3-1870, Uỷ ban này đã tiến hành phân ranh trên thực địa và cắm được 19 cột mốc từ bờ sông Tônlê Tru (mốc N°1) đến Hưng Nguyên (mốc N°19). Do có sự khiếu nại của phía Campuchia, nên khi ký Thoả ước ngày 9 tháng 7 năm 1870, Uỷ ban chỉ xác nhận đoạn ranh giới từ bờ sông Tônlê Tru (vị trí mốc N°1) đến điểm rạch Tà Sang gặp rạch Cái Cậy (vị trí mốc N°16), huỷ bỏ đoạn ranh giới từ mốc N°17 và mốc N°18 đến Hưng Nguyên, nhưng lại nhượng phần đất nằm giữa rạch Cái Cậy và rạch Cái Bác (tức rạch Beng Gô hay sông Vàm Cỏ)) cho phía Campuchia, đổi lại 486 nóc nhà hợp thành các làng Snok Tranh, Bang Chum và dành cho Nam Kỳ thuộc Pháp dải đất dọc theo hai bên sông Vàm Cỏ.

        Ngày 15-7-1873, Thống đốc Nam Kỳ và vua Nô-rô-đôm ký Công ước hoạch định vĩnh viễn đường biên giới giữa Nam Kỳ và Campuchia từ Tây Ninh đến Hà Tiên, ấn định 124 cột mốc (đánh số thứ tự liên tục từ N°1 từ N°124), mốc N°1 đặt ở Tây Ninh, mốc N°124 đặt ở Hà Tiên. Đến năm 1876, đã hoàn thành việc cắm mốc giới trên thực địa theo công ước này.

        b) Phân đoạn biên giới từ mốc số 124 đến bờ biển Hà Tiên

        Từ năm 1872, chính quyền thực dân đã tiến hành nghiên cứu để hoạch định đoạn biên giới giữa Hà Tiên (lúc đó là một quận của thuộc địa Nam Kỳ) và Campuchia. Kết quả là đoạn biên giới từ mốc N°124 đến bờ biển Hà Tiên đã được xác định bởi các biên bản hoạch định ranh giới ký ngày 23-01-1872 (Biên bản ghi: "Đường phân giới giữa vương quốc Campuchia và Nam Kỳ thuộc Pháp (quận Hà Tiên) xuất phát ở phía Đông đi theo kênh Vĩnh Tế đến nơi mà kênh này gặp rạch Giang Thành, cách Hà Tiên 2 km, từ điểm này, ranh giới được tạo thành do một thành luỹ cũ của An Nam sau khi kéo dài 8.040 m đến gặp vịnh Xiêm ở điểm tên là Hòn Táo ở vĩ tuyến 10°23'15" Bắc") và ngày 5-4-1876 (Biên bản ghi: "Từ điểm gặp nhau giữa kênh Vĩnh Tế với rạch Cái Dừa, đỉnh của ranh giới của Campuchia với hai quận Châu Đốcc, Hà Tiên, đường biên giới đi theo bờ Bắc kênh Vĩnh Tế đến chỗ kênh tiếp nước ở rạch Giang Thành, ở Prek Cros, ở điểm gọi là Giang Thành, vượt qua rạch và đi tiếp theo đường điện thoại đến khi gặp đường luỹ xa nhất về phía Bắc và đường luỹ đi qua phía Bắc mỏm đá gọi là "Mũ Lông"; từ điểm đó, đường biên giới đi theo đường luỹ đến gặp biên ở điểm Hòn Táo"). Theo đó, từ năm 1876 hai bên đã thống nhất việc cắm mốc đánh dấu toàn bộ đoạn biên giới từ mốc N°124 đến bờ biển (lúc đầu dự kiến cắm 21 mốc, sau đó giảm xuống còn 11 mốc), nhưng chưa cắm được mốc nào. Đến năm 1888, đoạn biên giới này được điều chỉnh bởi biên bản điều chỉnh việc hoạch định biên giới Campuchia với quận Hà Tiên ký ngày 28-11-1888, và biên bản của Uỷ ban phụ trách đưa lên thực địa đường biên giới giữa các tỉnh Hà Tiên và Kăm-pôt ký ngày 15-6-1896. Đến năm 1897, cắm xong 11 mốc trên thực địa.

        c) Phân đoạn biên giới từ ngã ba Trung Kỳ - Nam Kỳ - Campuchia (Đắc Lắc ngày nay) đến điểm hợp lưu Tônlé Tru - Tônlé Chàm (Tây Ninh ngày nay)

        Phân đoạn biên giới này được xác định bởi: Nghị định ngày 26-7- 1893 của Thống đốc Nam Kỳ (quyết định thành lập huyện Cần Lê thuộc tỉnh Thủ Dầu Một) và Nghị định ngày 31-7-1914 của Toàn quyền Đông Dương (Điều 3: điều chỉnh đoạn biên giới giữa các tỉnh Thủ Dầu Một và Công-pông-chàm).

        2.1.2. Về một số văn bản do Toàn quyền Đông Dương ban hành để điều chỉnh, sửa đổi một số điểm trên biên giới

        Sau khi hoàn thành việc phân ranh và cắm mốc trên toàn bộ đường biên giới giữa Nam Kỳ và Campuchia theo Công ước ngày 15-7-1873, do có những phát sinh trong quá trình quản lý thực tế, Toàn quyền Đông Dương đã ban hành một số văn bản để điều chỉnh, sửa đổi một số điểm trên biên giới, cụ thể:

        1) Nghị định ngày 10-12-1898: sửa đổi một đoạn trên biên giới giữa tỉnh Tây Ninh và tỉnh Svey-riêng, theo đó đã cắm bổ sung hai mốc là c và d giữa hai mốc N°20 và N°21.

        2) Nghị định ngày 20-3-1899: điều chỉnh đoạn biên giới từ mốc N°41 đến mốc N°50 thuộc tỉnh Long An và Svey-riêng. Thực hiện Nghị định này, một Uỷ ban đã tiến hành xây lại tất cả các mốc bằng gạch hình tháp trụ cao 0,5 m, trên nền bê tông rộng 1 mét. Tuy nhiên, trong khi làm đã có sự tranh cãi của hai bên về vị trí của mốc N°42 và mốc N°49, cuối cùng thống nhất được mốc N°49 (cắm thêm 3 mốc phụ N°47 bis, N°48 bis và N°49 bis theo ý của Thống đốc Nam Kỳ), còn mốc N°42 phải đặt thêm một điểm trung gian giữa mốc N°41 và mốc N°42 (cắm thêm mốc N°41 bis theo ý của phía Campuchia). Riêng mốc N°40 đã được làm lại bằng một tháp nhọn, xây gạch từ năm 1897.

        3) Năm 1910, một Uỷ ban được thành lập để nghiên cứu sửa đổi biên giới giữa các tỉnh Hà Tiên (Kiên Giang ngày nay) và Kăm-pôt, Tây Ninh và Prây-veng, Thủ Dầu Một (Bình Phước ngày nay) và Công-pông-chàm. Ngoài việc kiểm tra và xây lại một số mốc như đã nêu ở trên đoạn biên giới từ mốc N°94 đến mốc N°124, theo đề nghị của Uỷ ban này, Toàn quyền Đông Dương đã ký nghị định ngày 31-7-1914 gồm có 4 điều, trong đó có 3 điều sửa đổi biên giới (đã được một Uỷ ban khác tiến hành việc đo đạc và cắm mốc để ghi nhận ranh giới) như sau:

        Điều 1: đoạn biên giới giữa tỉnh Hà Tiên và Kăm-pôt từ mốc M.10 đến M.11 được điều chỉnh và cắm lại bằng 7 mốc mới A, B, C, D, E, F và G (đến năm 1917, sửa lại đoạn từ mốc M.10 đến vịnh Thái Lan, đổi cho Campuchia khu vực lõm Cái Cậy, lấy cho Nam Kỳ làng Sa Kỳ và thôn Kachast, đánh dấu từ mốc M.10 trở đi bằng các ký hiệu mốc A - M.10- G).

        Điều 2: các mốc N°16, N°17, N°18 và N°19 bị huỷ bỏ, đoạn biên giới ở đây được điều chỉnh lại từ cột mốc N°15 đi thẳng đến mốc N°20 và đoạn này được cắm 4 mốc mới là A, B, C và D (biên giới giữa tinh Tây Ninh và Công-pông-chàm).

        Điều 3: đoạn biên giới có các mốc N°1 và N°2 của tỉnh Tây Ninh bị cắt sang tỉnh Thủ Dầu Một và đoạn biên giới giữa tỉnh Thủ Dầu Một với tỉnh Cra-chê được phân ranh, đến năm 1935 đã cắm 14 mốc (A, g, h, i, k, j, B, C, a, b, c, d, e, D).

        4) Năm 1935, Khâm sứ Campuchia lập một Uỷ ban để nghiên cứu ranh giới vùng Mê Công - Bassac. Sau khi nghiên cứu thực địa, Uỷ ban này đã đề nghị sửa đổi biên giới và được Toàn quyền Đông Dương chấp thuận trong nghị định ký tại Hà Nội ngày 6-12-l935: điều chỉnh đoạn biên giới từ mốc N°84 đến mốc N°88. Đã cắm trên thực địa 4 mốc mới là A, B, C và D. Cùng trong năm 1935, Uỷ ban trên đã cắm thêm các mốc N°117 bis, N°119a bis và N°119b bis.

        5) Năm 1936, ranh giới giữa Châu Đốc và Prây-veng được sửa đổi bởi Nghị định ngày 11-12-1936 của Toàn quyền Đông Dương (ký tại Sài Gòn), điều chỉnh đoạn biên giới từ mốc N°80 đến mốc N°83.

        6) Nghị định ngày 26-7-1942: sửa đổi ranh giới giữa Kần-đan và Châu Đốc (đoạn từ mốc N°89 đến mốc N°94), theo đó cắt cù lao Khánh Hoà sáp nhập vào Châu Đốc, đổi lại sáp nhập một dải đất rộng 200 m, dài 2.500 m ven rạch Bình Ghi vào tỉnh Kần-đan. Tuy nhiên, không rõ vì nguyên nhân gì, việc thực hiện nghị định trên đây đã không được thể hiện trên bản đồ Bonne tỷ lệ 1-/100.000 do Sở Địa dư Đông dương xuất bản gần năm 1-954 (theo bản đồ Pháp để lại, cù lao Khánh Hoà thuộc Campuchia và rạch Bình Ghi thuộc Việt Nam).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #156 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2015, 06:19:45 am »

       
        2.2. Ranh giới giữa Trung Kỳ và Campuchia


        Không có văn bản xác định đường biên giới như ở Nam Kỳ và Campuchia, chỉ có hai văn bản quy định ranh giới của các tỉnh Trung Kỳ, theo đó xác định được ranh giới giữa Trung Kỳ với Campuchia (Nghị định ngày 6-12-1904 và ngày 4-7-1905 của Toàn quyền Đông Dương). Riêng đoạn biên giới dọc theo sông Dakdam thuộc tỉnh Đắc Lắc và một đoạn ngắn theo sông Sê San thuộc Pleiku (tỉnh Gia Lai ngày nay) được xác định bằng các Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ký ngày 30-3-1932 và 4-3-1933 (quy định về ranh giới hành chính phía Tây của các tỉnh đó theo suối Dakdam và sông Sê San). Ranh giới giữa Trung Kỳ và Campuchia chưa được cắm mốc giới trên thực địa.
Sự hình thành các tỉnh Tây Nguyên được bắt đầu từ khi thực dân Pháp lên khai thác vùng Tây Nguyên. Các tài liệu lịch sử cho biết, từ khi nước ta hoàn toàn thuộc quyền cai trị của thực dân Pháp thì chính quyền thuộc địa mới có chương trình khai thác vùng Tây Nguyên. Thoạt đầu là những cuộc thám hiểm, lập đồn binh ở những nơi hiểm yếu, vạch hướng những con đường sẽ làm băng qua các cao nguyên và nối vùng cao nguyên với các tỉnh ven biển. Lúc đó về pháp lý Tây Nguyên thuộc Nam triều. Đến năm 1899, Pháp buộc vua Đồng Khánh phải giao cho họ quyền bảo hộ và từ thời điểm này người Pháp bắt đầu sắp xếp bộ máy hành chính ở Tây Nguyên. Bắt đầu từ năm 1901, khi người Pháp lập Nha đại lý ở Trà Nay (Quảng Nam), lập đồn Ba Tơ (Quảng Ngãi), năm 1904 lập Đại lý hành chính ở M'drac (Khánh Hoà). Năm 1907, một toà Đại lý được thành lập tại Kon Tum trực thuộc công sứ Quy Nhơn, từ năm 1908 được đổi thành toà công sứ và tỉnh Kon Tum được chính thức thành lập. Khi ấy, tỉnh Kon Tum bao gồm cả địa vực tỉnh Pleiku và Đắc Lắc. Năm 1913, một toà Đại lý được thành lập ở Pleiku, ngày 3-12-1929 địa bàn Pleiku được tách khỏi Kon Tum để trở thành một tỉnh riêng. Như vậy, phải đến những thập niên đầu của thế kỷ XX và thông qua công cuộc khai thác Tây Nguyên của thực dân Pháp, các tỉnh Tây Nguyên là Pleiku, Kon Tum, Đắc Lắc, Đồng Nai Thượng (Lâm Đồng) cùng thành phố Đà Lạt mới được thành lập. Người Pháp đã rất chú ý đến Tây Nguyên, không chỉ chú ý để khai thác, người Pháp còn có cả một chiến lược tách riêng Tây Nguyên để chia cắt Việt Nam vì họ hiểu Tây Nguyên có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng ở Đông Dương. Chính người Pháp đã từng nói "ai chiếm được Tây Nguyên sẽ chiếm được cả Đông Dương". Vì thế, ngay từ cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã cố gắng xây dựng Tây Nguyên thành căn cứ quân sự vững chắc cho mình. Ngoài ra, người Pháp còn tìm mọi cách mua chuộc đồng bào các dân tộc, làm ra chữ cho các dân tộc, dạy trẻ em các dân tộc học tiếng Pháp, cấm người Kinh lên làm ăn sinh sống. Họ luôn tìm biện pháp để bảo vệ cho chính sách tách riêng vùng Tây Nguyên ngang hàng với 3 kỳ (Bắc - Trung - Nam) của Việt Nam.

        Sau năm 1945 trở lại Tây Nguyên, thực dân Pháp vẫn thực hiện chính sách chia tách vùng đất cao nguyên và chia rẽ Kinh - Thượng như trước đó. Họ coi vùng Tây Nguyên ngang hàng với ba kỳ của Việt Nam và cử một Uỷ viên Cộng hoà Pháp lên cai quản Tây Nguyên. Năm 1950, thực dân Pháp buộc Bảo Đại thay mặt cho Chính phủ bù nhìn ký dụ thành lập "Hoàng triều cương thổ" bao gồm các vùng dân tộc thiểu số ở miền Bắc và miền Nam trong đó có các tỉnh Đắc Lắc, Lâm Viên (Đà Lạt), Pleiku và Kon Tum hợp thành một địa phận hành chính riêng biệt gọi là miền Nam thuộc Hoàng triều cương thổ. Tuy nhiên, mưu đồ "chia để trị" của thực dân Pháp đã hoàn toàn thất bại, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn gắn bó với đất nước Việt Nam trong đại gia đình các dân tộc bản xứ gắn kết từ lâu trước khi người Pháp đến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #157 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2015, 02:07:05 am »

       
        3. MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH BIÊN GIỚI GIỮA VIỆT NAM VÀ CAMPUCHIA


        Trải qua một thời kỳ dài định hình, lịch sử biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia trước khi Pháp xâm lược Đông Dương không nằm ngoài quy luật chung của lịch sử nhân loại. Đó là một biên giới gắn với quá trình không ngừng thôn tính đất đai lẫn nhau dựa trên sức mạnh quân sự, sự khai khẩn và tranh giành cả những vùng đất giáp ranh, hoang hoá nhằm mở rộng lãnh thổ cũng như phạm vi quyền lực của các vương triều phong kiến trên bán đảo Đông Dương. Đồng thời, nó cũng gắn với cả những vấn đề mang tính chất đặc thù của các triều đại phong kiến như "cắt đất cầu phong", "phân đất phong tước", "dâng đất cầu hôn". Qua việc tạo dựng bức tranh lịch sử về biên giới Việt Nam - Campuchia trong thời kỳ này, bước đầu có thế rút ra một số nhận xét:

        1) Lịch sử lãnh thổ Việt Nam mở rộng qua vùng duyên hải miền Trung, vùng núi phía Tây Nam và đến miền Nam Bộ là lịch sử quan hệ giữa ba nước Chiêm Thành - Chân Lạp - Phù Nam và lịch sử khai hoang lập ấp của người Việt.

        2) Trong lịnh sử chế độ phong kiến, tương quan lực lượng trong mối quan hệ giữa các quốc gia phụ thuộc vào sức mạnh của chính các quốc gia đó. Những diễn biến lịch sử trong quá khứ ở Đông Dương đã thể hiện rõ điều này: Trong những thế kỷ đầu Công nguyên, nước Phù Nam (chủ nhân đầu tiên của vùng đất Nam bộ của Việt Nam ngày nay) đã từng là một quốc gia hùng mạnh, có lãnh thổ rộng lớn và có nhiều tiểu quốc phiên thuộc trong đó có Chân Lạp, nhưng rồi Phù Nam bị tiêu vong do bị chính tiểu quốc phiên thuộc là Chân Lạp thôn tính. Từ thế kỷ XI đã xảy ra tranh chấp và chiến tranh liên tiếp giữa Chăm Pa (Chiêm Thành) với Chân Lạp và cuộc chiến giữa Chiêm Thành với Đại Việt Hậu quả là, cũng giống như Phù Nam, Chân Lạp đã từng trở thành một đế quốc cổ đại với vương triều Angkor cường thịnh có lãnh thổ được mở rộng bao trùm lên cả vùng Nam bộ Việt Nam ngày nay và vùng tả ngạn sông Mê Công, nhưng rồi cũng bị suy yếu, không kiểm soát nổi những vùng đất xa xôi bởi các cuộc chiến tranh với Chiêm Thành, bởi sự mở rộng lãnh thổ của người Thái, và còn bởi sự chính loạn xảy ra liên miên trong nội bộ triều đình. Tương tự như thế, các cuộc chiến tranh giữa Chiêm Thành với Đại Việt đã làm cho Chiêm Thành bị tiêu vong.

        Chính trong bối cảnh đó, việc mở rộng bờ cõi về phía Nam được các triều đại phong kiến Việt Nam thực hiện: Toàn bộ lãnh thổ dọc duyên hải miền Trung bao gồm cả vùng núi Tây Nguyên đã sáp nhập vào Đại Việt; vùng đất Nam Bộ từ lãnh thổ của nhà nước Phù Nam đã chuyển qua giai đoạn chiếm giữ danh nghĩa của Chân Lạp và cuối cùng trở thành một bộ phận lãnh thổ không thể tách dời của Việt Nam từ thế kỷ XVIII.

        3) Trong thực tế, biên giới giữa Việt Nam và Campuchia đã dần dần hình thành, gắn liền với hàng loạt sự kiện biến động của lịch sử trải dài gần 300 năm, từ khoảng thế kỷ XVI đến XVIII: Trong bối cảnh có nhiều biến động ở mỗi nước (nội bộ triều đình Campuchia luôn xảy ra chính biến, tranh giành quyền lực, ngôi vua thay đổi liên tục; triều đình Việt Nam cũng có sự chia rẽ thành hai lực lượng đối địch cát cứ, họ Nguyễn bắt đầu mở rộng lãnh thổ về phía Nam v.v...); lúc đầu, biên giới chỉ là một "vùng đệm" trước thế kỷ XVI, những tiếp xúc đầu tiên đầu thế kỷ XVI, biên giới hình thành và tương đối ổn định cuối thế kỷ XVIII. Tuy nhiên, đường biên giới này chưa được phân vạch và cắm mốc chính quy như ngày nay, biên giới bấy giờ chỉ có ý nghĩa tương đối, là ranh giới đất đai, rừng núi, sông, suối do cư dân hai bên ở giáp biên làm chủ. Dân cư thuộc quốc gia nào thì toàn bộ ruộng nương, rừng núi mà họ sinh sống thuộc chủ quyền của quốc gia đó.
Mặc dù ở thời điểm trước khi Pháp đến Đông Dương, các vương triều phong kiến của Việt Nam, Lào và Campuchia về cơ bản đã thống nhất với chủ quyền đã được phân chia trong phạm vi chủ quyền của mình, nhưng ranh giới cụ thể giữa các vương quyền vẫn chỉ là những khu vực biên giới chưa nhất quán, dễ bị thay đổi. Trong bối cảnh này, các nhà cầm quyền Pháp nhận thấy cần phải hoạch định và phân vạch những đường biên giới hành chính thông qua những đường thẳng ấn định được vẽ trên các bản đồ và được đánh dấu bằng các cột mốc tại thực địa để xác định và cải tạo những không gian thực tại trong toàn bộ khu vực Đông Dương. Tuy nhiên, tuỳ theo các quy chế đã được xác lập ở mỗi xứ, chính quyền thực dân tiến hành việc phân ranh theo những trình tự thủ tục pháp lý riêng. Thực tế là, thực dân Pháp đã xác lập ranh giới hành chính giữa xứ thuộc địa Nam Kỳ với xứ bảo hộ Campuchia bằng công ước hoạch định biên giới và tiến hành phân vạch và cắm mốc trên thực địa, sau đó có sự điều chỉnh bổ sung một số điểm nhỏ theo quyết định của Toàn quyền Đông Dương; trong khi đó, ranh giới giữa xứ Trung Kỳ và Campuchia cũng như giữa Bắc Kỳ và Lào, Campuchia và Lào thì chỉ được vạch ra trên theo các văn bản do Toàn quyền Đông Dương ban hành, không phân vạch và cắm mốc trên thực địa.

        Trong suốt thời kỳ đô hộ Đông Dương, chính quyền thực dân Pháp luôn tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và Campuchia trên cơ sở nguyên trạng của ranh giới lãnh thổ hai nước khi Pháp đến Đông Dương. Pháp đã dựa vào đường biên giới thực tế đã được hình thành giữa Việt Nam và Campuchia từ thời phong kiến và các chứng cứ lịch sử cụ thê làm cơ sở pháp lý cho việc phân vạch và cắm mốc giới trên thực địa, đồng thời đã có những điều chỉnh phù hợp với nguyện vọng và tình hình quản lý thực tế của chính quyền và nhân dân địa phương hai bên biên giới nhằm xác định một ranh giới giữa Nam Kỳ và Campuchia rõ ràng hơn. Kết quả là, cho đến trước khi Pháp rút khỏi Đông Dương, toàn bộ đường biên giới trên đất liền giữa Nam Kỳ, Trung Kỳ của Việt Nam và Campuchia đã được thể hiện tương đối đầy đủ trên bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản, tuy vẫn còn có những khiếm khuyết, nhưng thành quả này sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để Việt Nam và Campuchia cùng nhau thảo luận vấn đề biên giới giữa hai nước với tư cách là quốc gia độc lập và thực sự có chủ quyền.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #158 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2015, 04:15:18 am »

       
        Chương III

TIẾN TRÌNH ĐÀM PHÁN GIẢI QUYẾT ĐƯỜNG BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN VIỆT NAM – CAMPUCHIA TỪ NĂM 1954 ĐẾN NĂM 2005

        Từ sau khi hoà bình được lập lại ở Đông Dương (1954), Việt Nam và Campuchia đã cùng nhau thương lượng về biên giới lãnh thổ giữa hai nước và đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, do các biến động địa - chính trị và tình hình phức tạp ở khu vực và mỗi nước, do tầm quan trọng và sự nhạy cảm của vấn đề biên giới lãnh thổ, nên đến cuối năm 2005 việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia vẫn chưa hoàn tất.

        Trên cơ sở khái quát, tổng hợp các sự kiện đàm phán, dưới đây sẽ tạo dựng lại toàn bộ bức tranh về diễn biến và kết quả đàm phán giải quyết vấn đề biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia từ năm 1954 đến cuối năm 2005. Để tiện theo dõi, trong chương này chúng tôi sẽ phân toàn bộ diễn biến đàm phán biên giới của Việt Nam và Campuchia thành những giai đoạn tương ứng với các thời kỳ lịch sử có tính đặc thù về tình hình chính trị của Campuchia.

        1. ĐÀM PHÁN GIỮA VIỆT NAM VỚI CHÍNH QUYỀN XI-HA-NÚC (GIAI ĐOẠN 1954 – 1970)

        Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương năm 1954 thừa nhận và bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia cũng như của Việt Nam và Lào, thừa nhận Chính phủ Vương quốc Campuchia là chính phủ hợp pháp của Campuchia và quy định Chính phủ Campuchia không được trả thù những người kháng chiến cũ, không để cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Campuchia, không được đưa Campuchia tham gia bất kỳ khối liên minh quân sự nào.

        Tuy nhiên, sau khi hoà bình lập lại, tình hình khu vực và trong nước còn hết sức phức tạp. Các thế lực đế quốc vẫn tiếp tục muốn Lào, Campuchia và miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng. Tình hình đó buộc các nhà cầm quyền Campuchia phải lựa chọn cho mình con đường đi thích hợp để tồn tại và phát triển. Campuchia đã chọn con đường hoà bình trung lập và từng bước thực hiện những biện pháp cải tổ chính trị, kinh tế xã hội nhằm biến Campuchia từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, phụ thuộc trở thành quốc gia tự chủ độc lập thực sự.
Ông hoàng Nô-rô-đôm Xi-ha-núc khi tham gia hội nghị Á - Phi tại Băng Đung đã tuyên bố Campuchia tán thành 5 nguyên tắc chung sống hoà bình, đi theo con đường hoà bình trung lập. Trở về nước, Xi-ha-núc đã đẩy nhanh những hoạt động cải tổ bộ máy chính quyền nhằm giải quyết tốt mọi mối quan hệ giữa bên trong và bên ngoài chống lại sự phá hoại của các lực lượng thù địch. Để có biện pháp tập trung quyền lực vào một tổ chức duy nhất do mình đứng đầu, ngày 2-3-1953 N. Xi-ha-núc đã trao lại ngôi vua cho cha mình (năm 1960, sau khi vua N. Su-ra-mu-rit chết, N. Xi-ha-núc được bầu làm Quốc trưởng) và lập ra tổ chức Sang-kum (Ban lãnh đạo Sangkum gồm Chủ tịch Nô-rô-đôm Xi-ha-núc, Phó Chủ tịch Pen Nouth, Tổng Thư ký S.E.Samyun, Phó Tổng Thư ký Châu Seng) - Cộng đồng Xã hội bình dân. Điều lệ của Sang-kum công bố vào tháng 3-1955 đã nhấn mạnh: Cộng đồng xã hội bình dân không phải là một đảng phái chính trị mà chỉ là một liên minh dân tộc, đấu tranh chống lại sự bất công, cám dỗ, tước đoạt, áp bức và những tệ nạn phản lại nhân dân Khơ-me và đất nước Campuchia.

        Cuối năm 1955, Sang-kum bắt tay vào thực hiện những cuộc cải cách ở trong nước và thực hiện đường lối đối ngoại thích hợp trong điều kiện người Mỹ ngày càng tăng áp lực đối với Campuchia: Về kinh tế - xã hội, là thời kỳ phồn thịnh nhất trong lịch sử hiện đại của Campuchia trước năm 1970; về đối ngoại, N. Xi-ha-núc là một trong sáu thành viên sáng lập phong trào Không liên kết tại Hội nghị Băng Đung 1955, nhưng phải đến tháng 2-1956 chính sách trung lập của Campuchia mới được khẳng định dứt khoát khi Xi-ha-núc đi thăm Trung Quốc và được Trung Quốc công khai ủng hộ. Tháng 7-1958, Campuchia và Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao. Đồng thời với việc tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc, Campuchia còn tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu. Tuy nhiên, Mỹ rất thù địch với chính sách hoà bình trung lập của Campuchia nên luôn gây sức ép và tìm cách phá hoại. Trước tình hình đó, Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi của Xi-ha-núc được thành lập để bảo vệ đường lối hoà bình trung lập và bảo vệ độc lập dân tộc, chống âm mưu nô dịch mới của đế quốc Mỹ. Thời kỳ này, Campuchia có quan hệ hai mặt đối với Việt Nam Dân chủ cộng hoà, vừa tranh thủ vừa nuôi ý đồ chống Việt Nam.

        Trong thời kỳ này, chính quyền Xi-ha-núc có hai bên đối thoại để thương thuyết về vấn đề biên giới với Việt Nam: Một bên là Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và một bên là chính quyền ngụy Sài Gòn. Tại sao Campuchia lại thương thuyết vấn đề biên giới với cả hai bên? phải chăng là vì khi đó Campuchia đang thực hiện chính sách trung lập? Có thể, Campuchia tin chắc rằng, rút cục cuộc cách mạng của Việt Nam sẽ thắng và vấn đề biên giới muốn được giải quyết vĩnh viễn cần có sự thoả thuận của chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Mặt khác, trên thực tế những va chạm biên giới giữa Campuchia và quân đội Việt Nam Cộng hoà có Mỹ ủng hộ, khiến Campuchia cũng cần phải thương thuyết với nhà cầm quyền Sài Gòn để tránh khỏi bị vi phạm lãnh thổ, vì không đủ sức chống chọi với quân Mỹ - ngụy để bảo vệ biên giới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #159 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2015, 12:20:04 am »

        Từ tình hình trên, Campuchia đã lựa chọn lập trường duy nhất là cố giữ vững được các biên giới hiện tại, mặc dù đôi khi Campuchia vẫn lớn tiếng chỉ trích các biên giới thuộc địa. Lập trường này của Càmpuchia được thể hiện rõ khi tham dự Hội nghị các nước không liên kết tại Le Caire tháng 10-1964, Thủ tướng Campuchia N. Kan-tôn chính thức ủng hộ nguyên tắc biên giới bất di bất dịch, khi trong bản Tuyên ngôn bế mạc của Hội nghị đã biểu quyết: "Những nước tham dự hội nghị này, phần lớn đã giành độc lập sau nhiều năm tranh đấú, nhắc lại ý chí kiên quyết chống tất cả mọi mưu toan vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời tất cả cam kết rằng khi được độc lập, có những biên giới như thế nào thì cứ tiếp tục duy trì và tôn trọng các biên giới đó". Thủ tướng Nô-rô-đôm Kan-tôn còn tuyên bố thêm: "Vấn đề chủ yếu của chúng tôi là được các nước thừa nhận biên giới với Nam Việt Nam... đường giới tuyên này do mẫu quốc Pháp đặt ra... và lấy của chúng tôi nhiều đất đai để sáp nhập vào thuộc địa Nam Kỳ. Mặc dủ các biên giới này rất bất lợi cho Campuchia, chúng tôi cũng thừa nhận những biên giới đó"(Trần Văn Minh (1978), Biên giới Việt Nam - Campuchia, vài khía cạnh về lịch sử và pháp lý, Paris, tí 20-21).

        Từ năm 1960 đến 1962, chính phủ Vương quốc Campuchia tiến hành thương lượng với chính quyền ngụy Sài Gòn nhằm giải quyết những xung đột biên giới, cải thiện quan hệ giữa hai bên. Nhưng các cuộc thương lượng đó không đạt được kết quả gì. Năm 1962, N. Xi-ha-núc đề nghị Liên hợp quốc triệu tập một hội nghị quốc tế để công nhận độc lập, trung lập và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia. Việt Nam Dân chủ cộng hoà và một số nước khác ủng hộ, nhưng Mỹ và nguỵ quyền Sài Gòn không tán thành.

        Tháng 3-1964, Chính phủ Vương quốc Campuchia gửi cho chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà một bản dự thảo Nghị định thư về tuyên bố nền trung lập của Vương quốc Campuchia, tại Điều 1 của bản dự thảo viết: "... b/ Với Nam Việt Nam, biên giới ghi trên các bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương thông dụng trước các Hiệp định Paris năm 1954 và về các đảo ven bờ trên bản đồ hải quân kèm theo..." (Lưu Văn Lợi (1990), Việt Nam - Đất, Biển, Trời, NXB Công an nhân dân, Hà Nội). Kèm theo bản dự thảo này có bộ bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000, thể hiện toàn bộ đường biên giới trên đất liền giữa hai nước, nhưng cạo sửa 9 điểm, chỗ lớn nhất là khu vực Bu Prăng lấn sang lãnh thổ Việt Nam khoảng 50 km2, và kèm theo cả hải đồ tỷ lệ 1/200.000, trên đó vẽ đường ranh giới trên biển là đường Brévié và vẽ quần đảo Thổ Chu và một số đảo khác của Việt Nam ở phía Nam đường Brévié là của Campuchia. Đáng chú ý là, phía Campuchia nói thẳng ra rằng nếu Việt Nam công nhận đường biên giới hiện tại của Campuchia và các quyền tự do dân chủ cho người Khơ-me Khom (Khơ-me Nam Bộ) thì họ sẽ đồng ý đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam ở cấp Công sứ. Phía Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã không đáp ứng đề nghị vô lý đó của Campuchia.

        Ngày 20-6-1964, Quốc trưởng N. Xi-ha-núc gửi công hàm cho Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, đề nghị được gặp Chủ tịch và nói rõ: "Chúng tôi từ bỏ mọi yêu sách lãnh thổ để đổi lấy một sự công nhận dứt khoát đường biên giới hiện tại và chủ quyền của chúng tôi đối với các đảo ven bờ của chúng tôi mà chính phủ Sài Gòn đòi không trên cơ sở pháp lý nào" (Lưu Văn Lợi, Sđd). Đến ngày 18-8-1964, N. Xi-ha-núc lại gửi một công hàm cho Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, trong đó khẳng định: "Về phần mình, Campuchia chỉ yêu cầu công nhận đường biên giới hiện tại trên đất liền của mình như nó được thể hiện trên các bản đồ thông dụng năm 1954, và sự công nhận chủ quyền của Campuchia đối với các đảo then bờ mà chế độ Sài Gòn đòi hỏi không có một lý lẽ nào" (Lưu Văn lợi, Sđd).

        Cũng trong năm 1964, nhân xảy ra vụ quân đội Mỹ - Ngụy vi phạm biên giới, Campuchia đưa việc này ra Hội đồng Bảo an biên hợp quốc. Một phái đoàn điều tra gồm các đại diện Brazin, Cote D'ivoire và Maroc sang quan sát tại chỗ và lập phúc trình ngày 27-7-1964. Phúc trình đó ghi rằng theo nhà cầm quyền Sài Gòn, địa giới hai nước không ghi rõ trên mặt đất mà cũng không ghi rõ trên bản đồ. Bản đồ tỷ lệ 1/100000 và bản đồ tỷ lệ 1/400.000 của Sở Địa dư Đông Dương lập ra không trùng hợp với nhau. Tuy nhiên, theo phái đoàn, sự chênh lệnh giữa hai bản đồ đó rất nhỏ mọn và phái đoàn kết luận rằng không có sự tranh chấp về địa giới giữa hai nước.

        Ngày 29-9-1964, nhân dịp sang Bắc Kinh dự lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có gặp N.Xi-ha-núc. Xi-ha-núc đề nghị Việt Nam Dân chủ cộng hoà công nhận đường biên giới hiện tại của Campuchia với miền Nam Việt Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: Việt Nam Dân chủ cộng hoà không thể ký trực tiếp về biên giới với Campuchia vì không có biên giới chung, nếu Campuchia và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có thoả thuận gì về vấn đề này thì Việt Nam Dân chủ cộng hoà sẵn sàng công nhận sự thoả thuận đó.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM