Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:40:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng  (Đọc 310339 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #140 vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2015, 04:18:13 am »

        Tuy nhiên, kinh tế Campuchia chưa phát triển được là do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Trước thời Pháp thuộc, Campuchia dựa vào nền kinh tế tự nhiên, tự cung, tự cấp là chủ yếu với các nghề chính như nông nghiệp, ngư nghiệp. Công cụ sản xuất lạc hậu. Thời kỳ Pháp thuộc, kinh tế Campuchia cơ bản vẫn là nông nghiệp lạc hậu, là nơi tiêu thụ hàng hoá và là nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho Pháp. Dưới thời Cộng đồng Xã hội bình dân của N. Xi-ha-núc, Campuchia muốn đi từ một nước nông nghiệp lạc hậu lên Tư bản chủ nghĩa nhưng gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Campuchia phải vừa dựa vào tư bản đế quốc, vừa dựa vào phe xã hội chủ nghĩa. Phe xã hội chủ nghĩa lúc đó, nhất là Trung Quốc đã viện trợ cho Campuchia một số cơ sở công nghiệp về dệt, gỗ dán, giấy, điện, cơ khí, xi măng. Thực tế, sau năm 1953, kinh tế Campuchia trải qua một thời kỳ chuyển từ tay tư bản ngoại quốc vào tay người Campuchia (1954 - 1956). Campuchia đã thực hiện kế hoạch kinh tế 2 năm (1957 - 1958) và kế hoạch 5 năm (1960 - 1964). Các kế hoạch đó có tác động thúc đẩy đối với kinh tế Campuchia nhưng nhìn chung nền kinh tế còn lệ thuộc nặng vào đế quốc. Trước năm 1963 nền kinh tế Campuchia lệ thuộc cả vào Mỹ và Pháp, sau 1963 dựa hẳn vào Pháp, nhưng từ 1969 lại dần dần lệ thuộc vào Mỹ. Dưới thời Lon-nol (1970 - 1974) nền kinh tế Campuchia hoàn toàn bị khủng hoảng. Chính quyền Lon-nol bị cô lập cao độ sau khi đảo chính lật đổ Xi ha-núc (18-3-1970). Sản xuất bị đình đốn, đời sống nhân dân khổ cực, kinh tế phụ thuộc vào Mỹ. Thời kỳ 1975 - 1979, bè lũ Pôn-pôt - Iêng-sary áp dụng sách kinh tế kỳ quặc. Chính sách kinh tế đó được nêu tổng quát trong nghị quyết Đại hội lần thứ IV tháng 01-1976 nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội với lập trường độc lập tự chủ, tự lực cánh sinh là quan trọng nhất. Tiến hành xoá bỏ đồng tiền, xoá bỏ chợ búa và buôn bán, tịch thu toàn bộ tài sản của giai cấp tư sản. Lấy nông nghiệp làm cơ sở để phát triển công nghiệp. Sản xuất quân sự hoá, tự cung, tự cấp . Khẩu hiệu có lúa là có tất có tất cả. Phấn đấu trong 10 - 15 năm biến Campuchia thành nước nông nghiệp hiện đại và công nghiệp hoá trong vòng 15 - 20 năm. Nghị quyết cũng khẳng định việc xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi hay không, không phải là kỹ thuật mà là vấn đề lập trường. Chính sách kinh tế sai lầm của chế độ Campuchia Dân chủ đã khiến nền kinh tế Campuchia ngày càng đình đốn, cơ sở vật chất kỹ thuật bị huỷ hoại gần như còn con số không. Đời sống nhân dân khổ cực, hàng triệu người chết vì đói và bị thanh lọc. Thời kỳ Cộng hoà nhân dân Campuchia (1979 - 1991), sau khi giành được chính quyền từ Khơ-me Đỏ, Đảng và Nhà nước Campuchia đã có nhiều nghị quyết về khôi phục và phát triển kinh tế. Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia lần thứ V tháng 10 năm 1985 đã đề ra nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn cách mạng mới là bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, xây dựng đất nước Campuchia từng bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Nghị quyết Đại hội định ra phương hướng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nhấn mạnh từng bước xây dựng nền kinh tế quốc dân có quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, đưa nông - lâm - ngư nghiệp trở thành thế mạnh thực sự của nền kinh tế quốc dân với 4 mũi nhọn là lương thực, cao su, gỗ và thuỷ sản. Các ngành công nghiệp cũng được chú trọng phát triển, tập trung vào một số ngành nghề chủ yếu như điện lực, cơ khí, hoá chất, cao su, phân bón, vật liệu xây dựng, thực phẩm, dệt và hàng tiêu dùng nhưng do trình độ còn lạc hậu nên sản lượng còn thấp. Từ sau tuyển cử năm 1993, Chính phủ Hoàng gia Campuchia thực hiện chế độ kinh tế thị trường tự do. Chính phủ tập trung mọi nỗ lực thực hiện chương trình tái thiết Campuchia. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Campuchia. Hàng năm, Campuchia được các nước viện trợ 450 - 500 triệu USD. Nền kinh tế được phục hồi nhưng còn chậm và bấp bênh. Tổng thu nhập quốc dân (GDP) giảm từ 6% năm 1996 xuống còn 2% năm 1997 và năm 1998, năm 1999 đạt 4%, năm 2000 đạt 4,5% (3.100.000.000 USD). Trong nhưng năm gần đây, trong nền kinh tế Campuchia nông nghiệp vẫn là ngành chủ đạo, đóng góp 50% trong tổng thu nhập quốc nội, bao gồm trồng trọt (60%), thuỷ sản 10%), chăn nuôi (24%), lâm nghiệp (3%) thu hút trên 85% lao động trong cả nước. Sản lượng lúa đạt trung bình 3,5 triệu tấn. Nông sản chính là lúa, ngô, đỗ, lạc. Sản xuất nông nghiệp rất lạc hậu, phụ thuộc thiên nhiên vì hệ thống thuỷ lợi yếu kém, hàng năm vẫn thiếu khoảng 200.000 - 300.000 tấn gạo. Cây công nghiệp chủ yếu có cây cao su. Diện tích cây cao su chiếm 5,5 vạn ha với sản lượng 5 vạn tấn. Ngư nghiệp tăng chậm, hàng năm Campuchia đánh bắt được khoảng 70.000 tấn cá nước ngọt. Về công nghiệp, tỷ trọng công nghiệp trong mấy năm gần đây tăng liên tục. Trong các năm 1993 - 1996 tăng khoảng 16%, 1997 - 1998 tăng khoảng 17 - 18%. Dự kiến từ 1999 - 2002 tăng 21%, trong đó ngành may mặe là ngành phát triển mạnh nhất nhưng bị phụ thuộc cô-ta của Mỹ và EU.

        Đặc điểm xã hội, văn hoá và con người Campuchia: Campuchia có nhiều dân tộc như người Mã Lai, người Chàm, người Lào và người Miến Điện. Trong dân tộc Khơ-me cũng có nhiều loại như Khơ-me Giữa (Khơ-me Kandal), Khơ-me Thượng (Khơ-me Lâu) và Khơ-me Dưới (Khơ-me Khom). Tuy nhiên, người Khơ-me luôn luôn được coi là dân tộc chính thống, chiếm đa số. Ngôn ngữ chính được qui định là tiếng Khơ-me. Mọi công dân Campuchia được gọi là người mang "quốc tịch Khơ- me", không dùng từ "quốc tịch Campuchia" để khẳng định địa vị chính thống của dân tộc Khơ-me.

        Campuchia có nền văn hoá Á Đông - Ấn Độ lâu đời và huy hoàng mà đỉnh cao là nền văn hoá Angkor. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa nền văn hoá của người Campuchia (Á Đông - Ấn Độ) với văn hoá Việt Nam (Á Đông - Trung Quốc) cũng trở thành vấn đề trong quan hệ hai nước. Hai nền văn hoá Á Đông - Trung Quốc và Á Đông - Ấn Độ đã phát triển lâu đời và có những đặc thù bền vững. Sự tiếp giáp đó đã có trước thế kỷ 17 khi còn nước Chăm Pa và càng rõ hơn ở thế kỷ 19 khi biên giới hai nước được mở rộng. Tuy nhiên, đáng lẽ hai nền văn hoá có thể bổ sung cho nhau thì ngược lại, với ý đồ đồng hoá của phong kiến nhà Nguyễn, nền văn hoá Việt Nam trở thành đối lập, thành mối đe doạ đối với nền văn hoá của Campuchia. Tư tưởng này đã gây mối hận thù dân tộc sâu sắc của người Campuchia đối với Việt Nam. Về mặt này, nếu so sánh hai trường hợp Thái Lan và Việt Nam, ta sẽ thấy rõ điều đó. Phong kiến Thái Lan lấn chiếm dần đất đai của Campuchia, việc thôn tính được tiến hành cực kỳ tàn bạo; chúng thiêu huỷ cố đô Angkor, bắt hàng vạn người Campuchia về làm nô lệ, vua Thái giết vua Campuchia hứng máu vào chậu để ngâm nhân mình nhưng sự hận thù dân tộc của người Campuchia đối với người Thái tuy cũng được ghi lại trong lịch sử nhưng không hằn sâu như đối với người Việt Nam, có lẽ một phần do nền văn hoá không mấy khác biệt giữa Campuchia với Thái Lan. Dân Campuchia ở những vùng bị Thái thôn tính vẫn sống trong môi trường xã hội không khác trước bao nhiêu, cũng là đạo Phật tiểu thừa với cùng một kiểu chùa, cùng những hàng sư áo vàng đi khất thực. Thậm chí những nghệ nhân múa của Campuchia vẫn có thể múa trong cung đình của Thái, góp phần làm phong phú hơn nghệ thuật múa cung đình của Thái Lan. Khi người Việt đến làm người láng giềng của người Campuchia, phong kiến Việt Nam đã xem người Campuchia như một giống người man rợ, phải làm sao cho họ theo nền văn hoá của người Việt Vua Minh Mạng đã chỉ thị cho tướng Trương Minh Giảng: “Bọn mọi rợ (ở Campuchia) nay đã trở thành thần dân của trẫm, nên nhà ngươi phải giúp đỡ chúng, dậy cho chúng theo phong tục của chúng ta. Chúng phải được dạy cho nói tiếng Việt. Chúng phải ăn mặc theo tập quán của chúng ta. Nếu cần giản đơn hoá hay xoá bỏ những phong tục lỗi thời hoặc dã man, nhà ngươi cứ làm". Và Minh Mạng đã phải thừa nhận: "Phong tục của bọn mọi rợ này rất khác với phong tục của chúng ta, cho dù ta có chiếm hết đất đai của chúng cũng không chắc rằng ta sẽ thay đổi chúng được" (Đại Nam thực lục chính biên).

        Tóm lại, hai nền văn hoá Việt Nam và Campuchia đáng lẽ phải làm phong phú cho nhau, nhưng trái lại là một trong những nhân tố gây chia rẽ quan hệ hai nước. Hiểu được sự khác biệt văn hoá này có nghĩa là chúng ta phải có chính sách về giao lưu văn hoá, làm cho hai nền văn hoá bổ sung cho nhau, làm cho bạn và ta gần gũi nhau hơn.

        Quan hệ quốc tế: Tham gia các tổ chức quốc tế ASEAN, ASDB, FAO, G-77, IAEA, IBRD, ICAO, IFAD, ILO, IMF, IMO, IOC, ITU, UN, UNCTAD, UNESCO, UNIDO, UPU, WFTU, WHO, WIPO, WMO, Interpol…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #141 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2015, 04:04:12 am »

   
Chương I

TỔNG QUAN ĐẶC ĐIỂM KHU VỰC BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN VIỆT NAM – CAMPUCHIA

        So với các vùng địa lý của Việt Nam, so với địa bàn Đông Dương, địa bàn Đông Nam Á và cả lục địa châu Á nói chung, vùng biên giới Tây Nam Việt Nam có một tầm chiến lược rất quan trọng về nhiều mặt: Về tự nhiên, nó là điểm hội tụ của cả một bốn lưu vực sông của một lãnh thổ lớn đổ về Nam biển Đông và chi phối đến một vùng lãnh thổ rộng hơn; về giao lưu kinh tế như cửa ngõ của tuyến đường xuyên Á; về giao lưu văn hoá, từ lâu đây là địa bàn gặp gỡ của nhiều luồng di cư sinh vật và nhân văn từ châu Úc lên, từ Án Độ đến, từ Hymalaya về và từ Bắc Á và Đông Á tới. Điều đó lý giải tại sao đây là một lãnh địa mới hình thành về mặt thành tạo lãnh thổ hành chính nhưng rất phong phú về dấu ấn văn hoá, văn minh theo tiến trình lịch sử. Cũng do đó mà nó trở nên phức tạp cả về văn hoá - lịch sử và về địa - chính trị.

        1. ĐƯỜNG BIÊN GIỚI

        Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia có chung đường biên giới trên đất liền với chiều dài khoảng 1.137 km (điểm khởi đầu tại vị trí ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, điểm cuối ở trên bờ biển tiếp giáp giữa tỉnh Kiên Giang và tỉnh Kăm-pốt). Theo Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Campuchia ký ngày 27-12-1985, đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia có đặc điểm: Có 90 điểm chuyển hướng, 34 điểm cắt khe hoặc cắt sông, suối, 18 điểm cắt đường giao thông, 24 điểm cao xác định, 12 đỉnh núi, 67 đoạn kẻ thẳng (tổng chiều dài khoảng 330 km), 16 điểm gặp bờ sông, suối, 4 điểm gặp hợp lưu hoặc ngã ba và một số điểm đặc trưng khác.

        Đường biên giới trên đi qua 10 tỉnh biên giới phía Việt Nam (với 31 huyện thị, 102 xã phường biên giới) và 9 tỉnh biên giới phía Campuchia, cụ thể:

        - Tỉnh Kon Tum (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Ra-ta-na-ki-ri (Campuchia): Đường biên giới dài khoảng 95 km. Có 2 huyện, 3 xã biên giới.

        - Tỉnh Gia Lai (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Ra-ta-na-ki-ri (Campuchia): Đường biên giới dài khoảng 90 km. Có 3 huyện, 7 xã biên giới.

        - Tỉnh Đắc Lắc (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Môn-đun-ki-ri (Campuchia): Đường biên giới dài khoảng 73 km. Có 2 huyện 4 xã biên giới.

        - Tinh Đắc Nông (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Môn-đun-ki-ri (Campuchia): Đường biên giới dài khoảng 120 km. Có 3 huyện, 7 xã biên giới.

        - Tỉnh Bình Phước (Việt Nam) tiếp giáp với 03 tỉnh của Campuchia (Môn-đun-ki-ri, Cra-chê, Công-pông-chàm): Đường biên giới dài khoảng 210 km. Có 2 huyện, 12 xã biên giới.

        - Tỉnh Tây Ninh (Việt Nam) tiếp giáp với 03 tỉnh của Campuchia (Công-pông-chàm, Svey-riêng, Prây-veng): Đường biên giới dài khoảng 220 km. Có 5 huyện, 20 xã biên giới.

        - Tỉnh Long An (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Svey-riêng (Campuchia): Đường biên giới dài khoảng 136 km. Có 5 huyện, 19 xã biên giới.

        - Tỉnh Đồng Tháp (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Prây-veng (Campuchia): Đường biên giới dài khoảng 49 km. Có 2 huyện, 8 xã biên giới.

        - Tỉnh An Giang (Việt Nam) tiếp giáp với 02 tỉnh của Campuchia (Kần- đan, Tà-keo): Đường biên giới dài khoảng 96 km. Có 5 huyện, 17 xã biên giới.

        - Tỉnh Kiên Giang (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Kăm-pốt (Campuchia): Đường biên giới dài khoảng 48 km. Có 2 huyện thị, 5 xã phường biên giới.

        2. ĐỊA HÌNH KHU VỰC BIÊN GIỚI

        Nhìn chung, đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia đi qua hai dạng địa hình đặc trưng. Đoạn biên giới thuộc các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước và một phần tỉnh Tây Ninh đi qua địa hình đồi núi, độ cao trung bình từ 100 m đến 1.400 m, có một số đoạn biên giới đi theo dãy núi cao, một số đoạn biên giới cắt qua rừng già rậm rạp tập trung ở khu vực biên giới tiếp giáp ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, có những đoạn biên giới là đường thẳng dài hàng chục km cắt qua rừng hoặc địa hình bất kỳ. Từ phía nam tỉnh Tây Ninh qua các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang, đường biên giới đi ngoằn ngoèo qua địa hình khá bằng phẳng gồm những sông rạch, đồng ruộng, sình lầy, có những đoạn trong mùa mưa nước ngập mênh mông không phân biệt được đường biên giới ở chỗ nào trên mặt đất, cũng có một số đoạn đường biên giới chạy theo đường thẳng qua các ruộng nước và đầm lầy.

        Đường biên giới đất liền giữa Campuchia và Việt Nam có đặc thù là từ Long An (đối diện là Svay-riêng) đến Kiên Giang (đối diện là Kăm-pôt) đi qua vùng đồng bằng, qua lại biên giới dễ dàng. Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cách biên giới ở An Giang, Tây Ninh khoảng 50 km theo đường chim bay. Trên biển, đảo Phú Quốc của Việt Nam cách đất liền Campuchia khoảng 10 km. Việc qua lại giữa hai nước bằng đường bộ, đường sông, đường biển đều rất thuận lợi. Mùa khô, bất cứ ở đâu cũng có thể qua lại được. Mùa mưa, nhất là khi nước lớn, Campuchia và miền Nam Việt Nam được nối liền thành một biển nước mênh mông, dùng một chiếc xuồng con có thể đi thông hai nước từ biển Hồ đến Cà Mau. Do đặc điểm địa lý thuận lợi như vậy nên sự giao lưu giữa hai nước trở nên rất dễ dàng và tạo thuận lợi cho việc qua lại làm ăn của cư dân hai bên biên giới từ đời này qua đời khác. Sự thông thương dễ dàng giữa hai nước mang lại nhiều lợi ích về hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại nhưng cũng gây không ít khó khăn cho công tác quản lý qua lại cũng như việc chống buôn lậu qua biên giới. Hiện nay, hàng ngoại từ Thái Lan đi qua Campuchia nhập lậu vào Việt Nam với số lượng lớn rất khó ngăn chặn. Mặt khác, việc quá cảnh của hàng hoá Campuchia qua Việt Nam cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Các đảng đối lập thường vu cáo Việt Nam gây khó khăn cho việc vận chuyển quá cảnh của Campuchia qua Việt Nam tới cảng Phnôm Pênh. Về mặt an ninh, nhiều toán phản động, kể cả những toán phản động chính trị có vũ trang hoặc không có vũ trang xâm nhập qua biên giới về các tỉnh miền Nam hoặc vùng Tây Nguyên. Trong thời gian gần đây, bọn xấu cũng đã lợi dụng việc qua lại biên giới dễ dàng để kích động người Thượng vượt biên trái phép sang Campuchia đòi tỵ nạn và đi nước thứ ba để gây rối, phá hoại ổn định của Việt Nam. Ngoài ra, do Việt Nam và Campuchia chưa tiến hành phân định đường biên giới nên hiện tượng xâm canh, xâm cư và các vụ tranh chấp biên giới diễn ra thường xuyên càng làm cho quan hệ ở vùng biên giới phức tạp hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #142 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2015, 03:34:25 am »

       
        3. SÔNG, SUỐI BIÊN GIỚI


        Theo Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985, trong tổng số 1.137 km chiều dài đường biên giới trên toàn tuyến, có hơn 500 km đường biên giới đi theo 28 đoạn sông, suối. Cụ thể như sau: Kon Tum khoảng 17,409 km (2 đoạn); Gia Lai khoảng 19,020 km (1 đoạn); Đắc Nông khoảng 150,407 km (6 đoạn); Bình Phước khoảng 183,071 km (4 đoạn); Tây Ninh khoảng 45,581 km (3 đoạn); Long An khoảng 37,289 km (6 đoạn); Đồng Tháp khoảng 40,717 km (5 đoạn); An Giang khoảng 7,726 km (2 đoạn) - Bảng 1.

        Hiện nay, do tác động của thiên nhiên, có một vài sông rạch biên giới tuy được thể hiện trên bản đồ nhưng không còn tồn tại hoặc tồn tại không rõ ràng trên thực địa (rạch Đìa Gai, rạch không tên tại cù lao Khánh Hoà). Sông, suối biên giới ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Nông, Bình Phước và Tây Ninh đi qua các dạng địa hình rừng núi, thổ nhưỡng tương đối bền vững, nên dòng chảy và hai bên bờ khá ổn định. Ngược lại, sông rạch biên giới ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp và An Giang đi qua vùng đồng bằng hàng năm bị ngập lụt theo mùa nên thường bị phù sa bồi lắng làm thay đổi lòng sông và lưu lượng dòng chảy, có một số nơi hai bờ bị sạt lở ảnh hưởng rất lớn đến vị trì của đường biên giới như hợp lưu sông Tam Ly - Cái Cỏ - Sở Hạ, sông Hậu và hợp lưu sông Hậu - rạch Bình Di.

BẢNG 1: CÁC ĐOẠN BIÊN GIỚI SÔNG, SUỐI

TT---Tên sông, suối---------Thuộc tỉnh Việt Nam---Thuộc tỉnh CampuchiaChiều dài(mét)
1Không tênKon TumRatanakiri8.138
2Nậm Sa ThầyKon TumRatanakiri9.271
3Se SanGia LaiRatanakiri19.020
4Không tênGia LaiRatanakiri757
5Prêk Dak DamĐắc NôngMondunkiri113.671
6Không tênĐắc NôngMondunkiri1.540
7O PorĐắc NôngMondunkiri5.343
8Prêk Dak DangĐắc NôngMondunkiri15.350
9Dak HuytĐắc Nông, Bình PhướcMondunkiri74.946
10Dak JermanBình PhướcCôngpôngchàm68.408
11Prek KriouBình PhướcCôngpôngchàm17.578
12ChàmBình PhướcCôngpôngchàm35.810
13Không tênTây NinhCôngpôngchàm3.050
14Beng GôTây NinhCôngpôngchàm40.454
15Cái CậyTây NinhCôngpôngchàm2.077
16Sóc NócLong AnSveyriêng1.021
17O Kâmpong RouLong AnSveyriêng11.450
18Cá RôLong AnSveyriêng800
19PrêkKâmpong RôtehLong AnSveyriêng582
20Long KhốtLong AnPrayveng1.126
21Cái CỏLong AnPrayveng22.310
22Tam LyĐồng ThápPrayveng734
23Sở HạĐồng ThápPrayveng27.660
24Cái XuĐồng ThápPrayveng652
25Không tênĐồng ThápPrayveng2.580
26Sở ThượngĐồng ThápPrayveng9.091
27HậuAn GiangTakeo5.593

        Trừ một số sông biên giới tương đối lớn và dài (như sông Se San, Nậm Sa Thầy, Beng Go, Sở Thượng, sông Hậu), còn lại đa số là các suối, rạch biên giới nhỏ và hẹp. Các sông, rạch biên giới từ phía nam tỉnh Tây Ninh đến An Giang có giá trị sử dụng tương đối cao về giao thông, thuỷ lợi, thuỷ sản, nhưng có điểm yếu là không ổn định, dễ bị xói lở thay đổi dòng chảy, thậm chí thay đổi hình dáng. Dân cư hai bên đường biên giới tập trung ở khu vực này tương đối đông. Sông, suối biên giới từ phía bắc tỉnh Tây Ninh đến Kon Tum ít bị thay đổi dòng hơn, một số sông, suối có tiềm năng thuỷ điện, nhưng do địa hình rừng núi, dân cư thưa thớt, nên hiện tại chưa có điều kiện đầu tư, khai thác. Trong tương lai, việc khai thác sử dụng nguồn nước đối với các sông, suối biên giới phục vụ tưới tiêu cây công nghiệp (cà phê, cao su...) ở các tỉnh này có thể sẽ gặp khó khăn nếu không có hình thức thoả thuận hợp lý về sử dụng nguồn nước.

        Toàn tuyến hiện có ba đoạn (10 km trên sông Sở Thượng và hai đoạn 5 km trên sông Hậu) tàu thuyền lớn có thể qua lại quanh năm. Ngoài ra, có khoảng gần 70 km sông rạch ở phía nam như Beng Gô, Cái Cậy, Sở Hạ, Cái Cỏ, Tam Ly v.v... tàu thuyền loại nho và vừa (dưới 5 tấn) có thể đi lại được.

        Các cồn, bãi trên sông, suối biên giới không nhiều, tập trung ở các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai và Tây Ninh. Trên sông Sê San, Dak Dang và Beng Gô có khoảng hơn 20 cồn bãi. Một số cồn, bãi có diện tích tương đối lớn và có giá trị kinh tế (trồng trọt, khai thác gỗ) như đảo Nai, Cồn 1 trên sông Sê San, cồn ở ngã ba sông Sê San và suối Iamun, cồn trên sông Beng Gô. Còn lại chủ yếu là bãi đá lúc chìm lúc nổi theo con nước, diện tích mỗi bãi chỉ khoảng vài chục đến vài trăm mét vuông, giá trị kinh tế thấp. Sông rạch biên giới thuộc các tỉnh đồng bằng hầu như không có cồn bãi nổi, chỉ có một cù lao trên sông Hậu.

        4. KHÍ HẬU, THỜI TIẾT

        Khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ ẩm cao. Khí hậu có hai mùa rõ rệt, mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 4-5 đến tháng 9 - 10 (dương lịch) tập trung tới 90% lượng mưa cả năm; mùa khô thường bắt đầu từ tháng 10 - 11 đến tháng 5 - 6 năm sau, có lượng mưa chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng nước mưa cả năm. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26 - 27°C, biên độ nhiệt độ hàng năm thường không quá 4 - 5°C, một điểm đáng lưu ý là do ở gần xích đạo nên một số địa phương đã có dạng diễn biến của chế độ nhiệt tương tự như chế độ nhiệt của các địa phương ở vùng xích đạo.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Mười Một, 2015, 04:22:10 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #143 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2015, 09:41:15 am »

        5. CỬA KHẨU BIÊN GIỚI

        Đến thời điểm tháng 6 năm 2006, theo Điều 12 của Hiệp định về quy chế biên giới Việt Nam - Campuchia ký ngày 20-7-1983 và những thoả thuận của hai bên trong thời gian gần đây, hai nước đã mở thống nhất mở các cửa khẩu quốc tế, và cửa khẩu quốc gia dọc trên tuyến biên giới. Hiện nay, đáp ứng nhu cầu giao lưu hợp tác qua biên giới của cả hai nước, Việt Nam và Campuchia đang tiếp tục xem xét mở mới và nâng cấp một số cửa khẩu. Ngoài các cửa khẩu quốc tế và của khẩu quốc gia, còn có các cửa khâu phụ (tiểu mạch) do các địa phương hai bên mở phục vụ cho việc qua lại của cư dân hai bên biên giới - Bảng 2.

Bảng 2 - Cửa khẩu biên giới Việt Nam – Campuchia
TT--Tên----------------thuộc tỉnh-------------Loại--------Từ NămPhạm vi (xã: VN-Cpc)
1Bờ YKon TumPhụBờ Y - Boun
2Tà Bộp – Tà DạtKon TumPhụRờ Cơi – Boun
3Mo RaiKon TumPhụMo Rai - Boun
4Hồ Le – NhangKon TumPhụMo Rai – Nhang
5Sa ThàyGia LaiPhụLa Chia – Nhang
6Lệ ThanhGia LaiPhụ2007La Nan – Ô Gia Tung
7Sê Rê PôkĐắc LắcPhụCrông Na – Nhơn
8Dak RuêĐắc LắcQuốc Gia2007Ea Pô - Chi Miết
9Bu PrăngĐắc NôngQuốc GiaHĐ 1983Quảng Trực-Dak Dam
10Hoàng DiệuBình PhướcPhụTân Tiến - Bu Raneng
11Bonuê (Hoa Lư)Bình PhướcQuốc tế2006Lộc Tấn – Xô Lecha
12Sông MăngBình PhướcPhụThanh Hoà-Tuấn Lung
13Tà ThiếtBình PhướcPhụLộc Thiện - Car Viên
14Tống Lê ChânTây NinhPhụTân Hoà - Car Viên
15Cà TumTây NinhPhụTân Đông - Chăn Mun
16Tràng DiệcTây NinhQuốc Gia2006Tân Lập - Peng Long
17Xa MátTây NinhQuốc tế2006Tân Lập - Ka Rết
18Tân PhúTây NinhPhụTân Bình - Kân lêng
19Bến RaTây NinhPhụHoà Hiệp - Xúa
20Lò GòTây NinhPhụPhước Vinh - Tà Ki
21Vàm TrảngTây NinhPhụBiên Giới - Duôl
22Ba ChàmTây NinhPhụBiên Giới - Duôl
23Phước TânTây NinhPhụHoà Hội – Than Thluông
24Long PhướcTây NinhPhụLong Phước - Tà Y
25Mộc BàiTây NinhQuốc tếHĐ 1983Lợi Thuận - Ba Vét
26Mỹ Thạnh TâyLong AnPhụMỹ Thạnh Tây - Tua Sa Đây
27Bình HiệpLong AnQuốc Gia2004Bình Hiệp - Thơ Mây
28Tuyên Bình ĐôngLong AnPhụTuyên Bình Đông - Ti Ca Răng
29Mỹ Quý TâyLong AnQuốc Gia2007Thái Bình Trung - Xầm Dong
30Vàm ĐồnLong AnPhụHưng Hà - Chàm
31Đức HuệLong AnPhụHưng Điền B – Pèm Tia
32Thông BìnhĐồng ThápPhụThông Bình - Pèm Tia
33Dinh BàĐồng ThápQuốc tế2007Tân Hộ Cơ - Tia Tcậy
34Cá ĐônĐồng ThápPhụTân Hội - Sa Đách
35Mỹ CânĐồng ThápPhụThường Thới Hậu - Côs Sâm Pưu
36Đất LiềnĐồng ThápPhụThường Phước - Cô Rô Ca
37Sông TiềnAn Giang, Đồng ThápQuốc tếHĐ 1983Thường Phước, Vĩnh Xương - Cô Rô Ca, Om Sa No
38Khánh BìnhAn GiangQuốc Gia2006Khánh An
39Vĩnh Hội ĐôngAn GiangPhụVĩnh Hội Đông - Bung Xăng
40Tịnh BiênAn GiangQuốc tế2004An Nông - Tham Đựng
41Vĩnh NgươnAn GiangPhụVĩnh Ngươn - Công Pông Xăng
42Vĩnh GiaAn GiangPhụVĩnh Gia - Ta Ô
43Chợ ĐinhKiên GiangPhụVĩnh Điều - Thốt Nốt
44Giang ThanhKiên GiangQuốc Gia2007Tân Khánh Hoà - Tà Lê
45Đầm ChítKiên GiangPhụTân Khánh Hoà - Tà Lê
46Rạch GỗKiên GiangPhụPhú Mỹ - Prây Kờ Rờ
47Xà XíaKiên GiangQuốc tế2007Mỹ Đức - Xây Xoọc Tây

        6. ĐƯỜNG GIAO THÔNG

        Trong khu vực biên giới, ở các tỉnh miền núi, hệ thống đường sá chủ yếu là đường mòn, đi lại khó khăn nhất là ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước thậm chí nhiều khu vực hầu như không có đường giao thông. Các tỉnh ở vùng đồng bằng có hệ thống đường sá tốt hơn và còn có thêm hệ thống kênh, rạch chằng chịt nên việc lưu thông, di lại thuận lợi hơn.

        Trong vùng biên giới hiện nay có các loại đường bộ: Đường ASEAN, đường liên quốc gia, quốc lộ, tỉnh lộ, đường sông và nhiều đường mòn, đường tiểu mạch (một số cắt ngang đường biên giới, một số chạy song song với đường biên giới) tạo nhiều thuận lợi cho việc qua lại của nhân dân hai bên biên giới, nhưng gây khó khăn, phức tạp cho việc quản lý, kiểm soát qua lại biên giới của hai bên.

        7. DÂN CƯ

        Dân cư ở khu vực biên giới phân bố không đều (cả ở bên đất Việt Nam và đất Campuchia). Mật độ dân cư ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Bình Phước và bắc Tây Ninh rất thưa thớt, nhất là ở các tỉnh Kom Tum, Gia Lai, Đắc Lắc và Đắc Nông nhiều địa bàn kéo dài dọc theo biên giới không có dân (trung bình từ 1 đến 26 người/km2 ở các tỉnh còn lại thì mật độ dân cư có đông đúc hơn (Long An khoảng 290 người/km2, Đồng Tháp trung bình 400 người/km2 nhưng cũng phân bố không đều, tập trung rất đông dọc bờ các con sông lớn và những nơi đất cao, ruộng đất phì nhiêu.

« Sửa lần cuối: 17 Tháng Mười Một, 2015, 09:48:31 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #144 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2015, 08:26:55 am »

 
Chương II

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỊCH SỬ CỦA ĐƯỜNG BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN VIỆT NAM - CAMPUCHIA

        1. SỰ CHUYỂN DỊCH LÃNH THỔ VIỆT NAM VÀ CAMPUCHIA QUA CÁC TÀI LIỆU LỊCH SỬ

        Từ khoảng đầu Công nguyên đến thế kỷ VII, hàng loạt quốc gia sơ kỳ đã được hình thành và phát triển ở khu vực phía Nam của Đông Nam Á lục địa. Các vương quốc cổ này thoạt đầu có thể chỉ là những địa điểm quần cư, hoặc đã là nhà nước thực sự, được nói tới trong thư tịch cổ hay trong bia ký. Nhưng dù trong trường hợp nào thì cho đến nay người ta cũng chỉ biết tên gọi của các vương quốc này mà thông thường đó là tên gọi của kinh đô hoặc các vùng trung tâm mà thôi. Đã có khoảng 30 tiểu quốc như thế được hình thành rải rác ở khu vực Đông Nam Á, ví dụ như Vương quốc Chăm Pa (Chiêm Thành) ở Nam Trung Bộ Việt Nam, Bơhavapura ở Nam Korat, Naravara ơ vùng Óc Eo và Vyadhapura (tức là Vương quốc phù Nam) ở Nam bộ Việt Nam (Phan Ngọc Liên (chủ biên 2002), Lược sử Đông Nam Á, NXB Giáo dục, tr.27).

        Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia láng giềng nằm trên bán đảo Đông Dương và đã cùng nhau trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của hàng trăm năm lịch sử. Tuy nhiên, hai nước cũng có những nét riêng biệt do sự khác biệt về các yếu tố của điều kiện tự nhiên, xã hội, lịch sử và dân tộc nên sự hình thành biên giới giữa hai nước có những diễn biến lâu dài và hết sức phức tạp.

        1.1. Quá trình xác lập chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên

       * Nước Chiêm Thành (Chăm Pa, Lâm Ấp) (Phần này tổng hợp theo tuyển tập báo cáo toàn văn Hội nghị khoa học về Đề tài "Xây dựng luận Cứ khoa học về lịch sử, địa lý và pháp lý đường biên giới đất liền phía Tây Nam của nước CHXHCN Việt Nam" Trường Đại học quốc gia Hà Nội, năm 2000):

        Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học đã phát hiện và chứng minh rằng, trên dải đất miền Trung của Việt Nam vào khoảng nửa sau thế kỷ 1 trước Công nguyên đã từng tồn tại một nền văn hoá khá phát triển thuộc sơ kỳ đồ sắt - văn hoá Sa Huỳnh. Chủ nhân của nền văn hoá này là cư dân Malayo - Polinesia (Lương Ninh (1991) Sự hình thành và phát triển của vương quốc cổ Chăm Pa. Lịch sử Việt Nam, tập 1, Hà Nội, tr. 186). Địa bàn phân bố của văn hoá Sa Huỳnh khá rộng và có mối liên hệ khá mật thiết với văn hoá Đông Sơn ở phía Bắc và văn hoá Đồng Nai ở miền Đông Nam Bộ (Hà Văn Tấn: Phù Nam - Óc Eo: ở đâu, bao giờ và ai? Báo cáo hội thảo khoa học 2000). Dựa vào những ghi chép trên các bia ký, cùng với nhiều chứng cứ lịch sử khác, chúng ta có thể phân chia những cư dân trên địa bàn phân bố của văn hoá Sa Huỳnh thành ba bộ phận chủ yếu như sau:

        (1) Bộ phận dân cư phía Bắc cư trú ở phần đất tương đương với vùng đồng bằng thuộc Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên ngày nay. Ngoài những di chỉ thuộc văn hoá tiền Sa Huỳnh, người ta còn tìm thấy ở đây nhiều dấu vết của văn hoá Đông Sơn, điều này cho phép các nhà khoa học nhận xét rằng vào thời tiền sử ở đây có sự cư trú đan xen của các cư dân Việt cổ và cư dân Malayo - Polinesia;

        (2) Cư dân thuộc bộ lạc Dừa sinh sống chủ yếu ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay;

        (3) Cư dân thuộc bộ lạc Cau cư trú ở vùng phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay.
Khi người Việt bước vào thời kỳ lập quốc, nước Văn Lang - Âu Lạc ra đời thì ở phía Nam các bộ phận cư dân trên địa bàn phân bố của văn hoá Sa Huỳnh còn đang trong thời kỳ bộ lạc. Thời nhà Hán, quận Nhật Nam là đất cực Nam của bộ Giao Chỉ, có năm huyện là Lư Dung, Tị Cảnh, Châu Ngô, Tây Quyển và Tượng Lâm. Theo Đại Nam Thống nhất chí thì phía Nam của quận Nhật Nam vào đến Phú Yên ngày nay. Năm 84 sau Công nguyên, cư dân ở quận Nhật Nam có dâng tê và bạch trĩ lên vua Hán để tỏ lòng cung thuận, nhưng từ cuối thế kỷ I trở đi thì họ nhiều lần nổi lên chống nhà Hán để vận động độc lập (Phan Khoang (2001), Việt sử xử Đàng Trong, Nxb Văn học. tr.15). Năm 192 sau Công nguyên, nhân lúc chính quyền đô hộ tập trung lực lượng đàn áp sự chống đối ở Giao Chỉ và Cửu Chân, nhân dân huyện Tượng Lâm đã nổi dậy giành lấy chính quyền, lập ra một nhà nước độc lập mà trong các thư tịch cổ gọi là nước Lâm Ấp, lấy đất Quảng Nam ngày nay làm trung tâm, dựng đô ở Trà Kiệu (Phan Khoang: Sdd, tr.18).

        Ngay từ sau khi tách ra thành một quốc gia riêng, Lâm Ấp đã rất quan tâm đến việc mở rộng cương giới ra phía bắc. Trong khoảng thời gian hơn ba thế kỷ (từ năm 248 đến năm 589), chỉ tính riêng những sự kiện được chép trong sử liệu Trung Hoa, Lâm Ấp đã tiến hành gần hai mươi lần tiến công vào phần đất phía Bắc quận Nhật Nam và địa phận quận Cửu Chân, thậm chí có lần đánh ra đến tận phủ Giao Chỉ (năm 399) (Phan Khoang (1967), Việt sử xứ Đàng Trong. Sài Gòn, tr.16-34). Kết quả là một dải đất kéo dài từ Nam dãy Hoành Sơn đến phía bắc đèo Hải Vân dần dần bị sáp nhập vào lãnh thổ của Lâm Ấp, và quốc gia mới mở rộng này sử Trung Quốc gọi là Chăm Pa.

        Cùng với việc mở rộng lãnh thổ ra phía Bắc, Chăm Pa cũng rất chú trọng đến việc mở rộng lãnh thổ về phía Tây và Tây Nam. Chăm Pa đã tiến hành nhiều cuộc chinh phạt xâm chiếm vùng đất của các bộ lạc tự do ở miền núi như bộ lạc Bồn Man và bộ lạc Lục Hoàn (nay là tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Khăm Muộn của Lào), vùng Bassac bên tả ngạn sông Mê Công (nay là tỉnh Attapư của Lào), các bộ tộc "man di" ở cao nguyên (nay là vùng Tây Nguyên), tấn công Chân Lạp và sau đó lại bị Chân Lạp tấn công tạo ra cuộc chiến tranh một trăm năm giữa Chăm Pa và Chân Lạp.

        Từ năm 875, khi một vương triều mới lên làm vua ở lndrapura (Đồng Dương - Quảng Nam), thì sử Trung Hoa đổi gọi nước Chăm Pa là Chiêm Thành (Phan Khoang, Sdd (xuất bản 2001), tr.29). Đến đầu thế kỷ XI, đất Chiêm Thành khi ấy gồm ba châu: Châu Ô - Lý ở vùng trung du, châu Bị - Thi ở vùng đồng bằng ven biển và châu Thượng Nguyên ở miền núi phía Tây (Đào Duy Anh (1994), Nước Việt Nam qua các đời, NXB Thuận Hoá).

        Phần nhiều các vua Chiêm Thành đều rất hiếu chiến, nên duy trì một đội quân đông đảo và thiện chiến. Với đội quân ấy, trong suốt mấy thế kỷ, đã làm khốn khổ lực lượng đô hộ của Trung Hoa, quấy phá vùng ven biển của nước Đại Việt, bao phen làm mưa gió ở tận Thăng Long, tiến đánh Chân Lạp và làm chủ vương quốc này trong một thời gian. Nhưng vì quá hiếu chiến, phải đối phó với cả hai nước láng giềng ở Bắc và Nam, nên Chiêm Thành tự làm suy yếu trong những cuộc chiến tranh, để rồi không còn đủ sức lực giữ mình và dẫn đến bị xoá tên trên bản đồ thế giới.
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Mười Một, 2015, 08:43:00 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #145 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2015, 01:59:34 am »

        * Quan hệ Đại Việt - Chiêm Thành và quá trình mở rộng lãnh thổ, xác lập chủ quyền của Đại Việt về phía Nam:

        Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, dân tộc Việt của nước Văn Lang - Âu Lạc đã liên tục đấu tranh và đã nhiều lần lật đổ chính quyền đô hộ. Nhưng phải đến chiến thắng Bạch Đằng năm 938 mới hoàn toàn chấm dứt được ách thống trị của phong kiến phương Bắc, lịch sử dân tộc Việt Nam mở sang trang mới - thời kỳ quốc gia độc lập tự chủ. Năm 939, Ngô Quyền đã xưng vương và đóng đô ở Cổ Loa, cố đô của An Dương Vương, biểu hiện ý chí nối liền quốc thống của nhà nước Văn Lang - Âu Lạc.

        Năm 944, Ngô Quyền mất, đất nước lâm vào tình trạng chia cắt cát cứ trầm trọng mà lịch sử gọi là "Loạn 12 sử quân". Năm 977, Đinh Bộ Lệnh dẹp yên nạn cát cứ, thống nhất lãnh thổ cả nước, lên ngôi vua xưng là Đinh Tiên Hoàng, lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đặt đô ở Hoa Lư. Việc Đinh Bộ Lĩnh xưng đế và đặt tên nước là Đại Cồ Việt một lần nữa khẳng định nền độc lập tự chủ của dân tộc Việt với một mức độ cao hơn trước đây. Năm 979, Đinh Tiên Hoàng bị thái giám là Đỗ Thích sát hại. Nghe được tin này, vua Chiêm Thành đã dẫn hơn 1000 chiến thuyền thuỷ quân đi đánh kinh đô Hoa Lư, đến cửa biển Đại An (Nam Định ngày nay) gặp bão bị đắm hết, chỉ có thuyền vua Chiêm Thành thoát nạn phải quay về nước.

        Đinh Tiên Hoàng mất, triều thần đưa con trai của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Toàn lúc đó mới 6 tuổi lên làm vua, tôn mẹ của Đinh Toàn là Dương Vân Nga làm Hoàng Thái hậu. Năm 980, nhân lúc nội bộ nhà Đinh lục đục, nhà Tống đem quân xâm lược Đại Cồ Việt. Vì lợi ích dân tộc, áo "Long cổn" - ngôi vua được trao cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Lê Hoàn lên ngôi vua, lấy hiệu là Lê Đại Hành, mở đầu triều đại nhà Tiền Lê . Sau khi lên ngôi vua, Lê Hoàn sai sứ là Từ Mục và Ngô Tử Canh sang giao hiếu với Chiêm Thành nhằm yên mặt Nam để chống giặc Tống, nhưng lúc đó vua Chiêm Thành cậy thế hùng mạnh đã bắt giữ hai sứ giả của Đại Cồ Việt. Năm 982, Lê Hoàn tự làm tướng cầm quân đi đánh Chiêm Thành, giết vua Chiêm Thành là Ty Mi Thuế, tiến vào kinh đô Đồng Dương, vua mới của Chiêm Thành phải chạy vào phía Nam, quân Việt ở lại Đồng Dương một năm sau mới rút về nước. Tiếp theo đó, quân Việt còn tiến đánh Chiêm Thành hai lần nữa (985, 990), nhưng chỉ để răn đe và bắt Chiêm Thành thần phục, do đó không có một sự thay đổi nào về lãnh thổ trong suốt thời kỳ triều Tiền Lê (Trương Hữu Quýnh (chủ biên - 1999), Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập I, NXB Giáo dục, tr.118). Năm 1002, nhà Tiền Lê chia cả nước thành 10 đạo, khi ấy biên giới phía nam của Đại Cồ Việt giáp Chiêm Thành ở khu vực đèo Ngang.

        Năm 1009, Lý Công Uẩn làm vua thay thế nhà Tiền Lê, mở đầu triều đại Lý từ năm 1009 đến năm 1225. Năm 1010, nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long và đổi 10 đạo trong cả nước thành 24 lộ. Đến năm 1054, đổi quốc hiệu Đại Cồ Việt thành Đại Việt.

        Khi vương triều Lý thành lập, Chiêm Thành có sai sứ sang cống (năm 1011), nhưng sau đó không thông sứ nữa. Vì vậy, đến năm 1020, Lý Thái Tổ sai quân đi đánh Chiêm Thành ở trại Bố Chính (Bắc tỉnh Quảng Bình ngày nay) để răn đe. Năm 1043, Chiêm Thành cho quân sang cướp bóc ở ven biển phía Nam của Đại Việt. Năm 1044, Lý Thái Tông đem quân tiến vào kinh đô Chà Bàn của Chiêm Thành, giết vua Chiêm Thành là Xạ Đẩu, bắt Chiêm Thành phải thần phục nhà Lý.

        Đến năm 1065, vua Chiêm Thành là Chế Củ sau khi chuẩn bị về quân sự đã cắt đứt hẳn quan hệ với Đại Việt. Năm 1068, quân Chiêm Thành xâm lấn biên giới, vượt biển tiến vào Nghệ An. Thời gian này, nhà Tống đã hậu thuẫn cho quân Chiêm Thành và còn có kế hoạch lôi kéo Chiêm Thành và Chân Lạp hợp sức với nhau xâm lược Đại Việt. Để dẹp nguy phương Nam, phòng hoạ phương Bắc, Lý Thánh Tông quyết định đánh Chiêm Thành. Tháng 2 năm 1069, Lý Thánh Tông hạ chiếu thân chinh đánh Chiêm Thành, chọn Lý Thường Kiệt làm nguyên suý đem theo năm vạn quân theo đường thuỷ tiến đánh Chiêm Thành, số thuyền đến vài trăm. Quân Chiêm Thành bị thua liên tiếp, vua Chiêm Thành là Chế Củ đem theo vợ con chạy vào phía Nam. Vua Thánh Tôn vào thành Trà Bàn, sai Lý Thường Kiệt đuổi theo Chế Củ, một tháng sau thì bắt được Chế Củ ở sát biên giới Chân Lạp. Tháng 5-1069, quân Đại Việt rút về nước, mang theo Chế Củ về Thăng Long, Chế Củ xin dâng Đại Việt ba châu là Bố Chính, Địa Lý và Ma kinh mới được tha về. Sau đó, vua mới của Chiêm Thành lên ngôi lấy hiệu là Harivarman tiếp tục cho quân quấy phá Đại Việt. Năm 1075, vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đi đánh Chiêm Thành nhưng bị thua, chỉ hoạ đồ hình thể núi sông ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh rồi trở về, vua Lý đổi tên châu Địa Lý thành Lâm Bình và châu Ma Linh thành Minh Linh đồng thời xuống chiếu chiêu mộ dân đến ở và tổ chức lại việc cai trị ở các châu đó. Đáp ứng chiếu chỉ của vua Lý Nhân Tông, nhiều người ở phía bắc (chủ yếu từ miền Nghệ An) đã di cư vào nam lập nghiệp, lập nên các làng xã ở Lâm Bình và Minh Linh (nam tỉnh Quảng Bình và bắc tỉnh Quảng Trị ngày nay). Tuy nhiên, dân Việt không dừng lại ở châu Bố Chính mà còn đi thẳng vào Lâm Bình là nơi đất thấp và phì nhiêu hơn (cực nam tỉnh Quảng Trị). Năm 1104, vua Chiêm Thành đem quân đánh lấy lại ba châu, nhưng mấy tháng sau vua Lý sai Lý Thường Kiệt đem quân vào đánh, quân Chiêm Thành thua phải trả lại ba châu đó. Những năm tiếp theo thuộc vương triều Lý, Chiêm Thành và Chân Lạp đã ba lần hợp sức với nhau tiến đánh Đại Việt (1132, 1216, 1218) nhưng đều bị Đại Việt đánh bại. Lúc này, biên giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành ở vào khoảng sông Thạch Hãn (Quảng Trị ngày nay).

        Nhà Lý suy yếu, các thế lực phong kiến nổi lên đánh giết lẫn nhau để tranh giành quyền lực. Năm 1226, họ Trần chấm dứt được nội chiến, lập ra triều đại nhà Trần (1226 - 1400). Năm 1242, nhà Trần đặt lại đơn vị hành chính, chia nước làm 12 lộ và đặt một số trấn ở các vùng xa kinh thành hoặc ở vùng biên giới. Đến năm 1497, lại đổi các lộ thành trấn để thống nhất quản lý trên cả nước. Trong suốt thời đại Trần, ngoài việc tổ chức thắng lợi chống các cuộc chiến tranh xâm lược của quân Mông - Nguyên, biên giới phía bắc của Đại Việt không hề có một vụ bạo loạn hay cát cứ nào của các thủ lĩnh địa phương. Ở vùng cương vực phía tây, do việc quản lý của chính quyền phong kiến thời Lý đối với vùng này còn lỏng lẻo, các tù trưởng địa phương thường dựa vào địa thế xa xôi hiểm trở, đi lại khó khăn để chống lại sự quản chế của triều đình. Nhà Trần đã phải triệt để áp dụng việc kết hợp các biện pháp phủ dụ và trấn áp, năm 1337 thu phục toàn bộ miền thượng lưu sông Đà, đến cuối thời Trần vùng biên cương phía tây Nghệ An mới được yên ổn. Ở phía nam, nhà Trần duy trì quan hệ hữu hảo với Chiêm Thành, năm 1306, vua Chiêm Thành là Chế Mân cưới công chúa Huyền Trân, cắt đất Ô - Lý cho Đại Việt để làm vật dẫn cưới, nhà Trần đổi đất ấy thành châu Thuận và châu Hoá (nay là đất Quảng Trị, Thừa Thiên), lúc này lãnh thổ Đại Việt đượm mở rộng về phía Nam tới đèo Hải Vân.

        Đến cuối thế kỷ XIV, nhà Trần suy yếu, Hồ Quý Ly đã phế truất vua Trần, lập ra triều Hồ (năm l400), đổi quốc hiệu là Đại Ngu, đóng đô ở Tây Đô (Thanh Hoá). Nhà Hồ rất chú trọng biên giới phía Nam, nhằm ổn định và giữ vững vùng biên ải này để tập trung đối phó với nhà Minh ở phía Bắc. Với chủ trương đẩy thêm biên giới về phía Nam để triệt tiêu nguy cơ bị xâm lược quấy rối sau lưng. Năm 1402, nhà Hồ tiến đánh Chiêm Thành, buộc vua Chiêm Thành cắt cho Đại Ngu hai vùng đất phía Nam đèo Hải Vân là Chiêm Động và Cổ Luỹ, nhà Hồ đặt hai vùng đất ấy thành bốn châu là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và đặt trấn Tân Ninh ở phía Nam đèo Hải Vân (bao gồm vùng Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ngãi ngày nay). Lãnh thổ của Đại Ngu lúc bấy giờ đã mở rộng tới phía Nam tỉnh Quảng Ngãi.

        Năm 1406, nhà Minh lấy cớ Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, đem quân sang đánh chiếm Đại Ngu. Năm 1407, cha con họ Hồ bị bắt, triều Hồ bị đổ, đất nước ta lại rơi vào ách đô hộ của nhà Minh với một chính sự vô cùng hà khắc. Nhà Minh đổi Đại Ngu thành quận Giao Chỉ gồm 15 bộ.

        Năm 1418, Lê Lợi lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa chống Minh. Năm 1428, cuộc khởi nghĩa giành được thắng lợi, Lê Lợi lên làm vua, lập nên triều đại nhà Lê Sơ. Trong thời kỳ Đại Việt kháng chiến chống nhà Minh, Chiêm Thành đã chiếm lại hai vùng đất Chiêm Động và Cổ Luỹ cắt cho nhà Hồ năm 1402. Do vậy, đầu đời Lê Sơ, địa phương biên giới phía nam nước Đại Việt giáp Chiêm Thành là Hoá Châu (Thừa Thiên ngày nay) giống như ở thời Trần. Năm 1470, vua Chiêm Thành là Trà Toàn "thình lình đem hơn 10 vạn quân thuỷ, bộ cùng voi ngựa đến đánh úp Hoá Châu” (Phương Đình Nguyễn Siêu: Quốc sử quán triều Nguyễn. Cương mục, tập IX, tr.25) quân Việt chống không nổi phải lui vào thành cố thủ và cấp báo về Thăng Long. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông quyết định trực tiếp cầm quân đánh thẳng vào kinh đô Chà Bàn của Chiêm Thành để trừ tận gốc nguy cơ quấy rối, xâm lấn. Vua Chiêm Thành là Trà Toàn bị bắt đưa về Đại Việt, vua Thánh Tông lấy đất từ Nam đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông (Phú Yên ngày nay) đặt làm đạo thừa tuyên Quảng Nam. Đất còn lại của Chiêm Thành bị chia thành ba "tiểu quốc" phiên thuộc Đại Việt là Nam Bàn, Hoa Anh, Chiêm Thành, vẫn do người Chiêm Thành làm vua.

        Năm 1570, khi Đoan quận công Nguyễn Hoàng được trao quyền trấn thủ Thuận Hoá và Quảng Nam thì đất của hai trấn này chỉ gồm từ phía Nam đèo Ngang (bắc tỉnh Quảng Bình) tới đèo Cù Mông (Phú Yên).

        Năm 1611, người Chiêm Thành quấy phá biên giới, Nguyễn Hoàng cho quân vào đánh Chiêm Thành, lấy đất bên kia đèo Cù Mông đến núi Thạch Bi, đặt làm phủ Phú Yên gồm hai huyện là Đồng Xuân và Tuy Hoà. Đến năm 1629, viên quan cai quản phủ Phú Yên cấu kết với người Chiêm Thành làm phản, Nguyễn Hoàng sai quân đi đánh, dẹp yên và đổi phủ Phú Yên làm dinh Trấn Biên. Năm 1648, quân của họ Nguyễn và quân của họ Trịnh giao tranh ở Quảng Bình, quân Nguyễn thắng lớn, bắt giữ nhiều tướng Trịnh và ba vạn quân. Chúa Nguyễn chia số tù binh cho ra ở các nơi trên vùng đất mới chiếm được từ Thăng Hoa, Điện Bàn đến Phú Yên, cứ 50 người làm một ấp, cấp cho lương ăn nửa năm, lại cho họ được khai thác những mối lợi ở núi, đầm và ra lệnh cho nhà giàu bỏ thóc cho họ vay. Năm 1653, quân Chiêm Thành lại quấy phá Phú Yên, chúa Nguyễn sai quân đánh, chiếm đất đến sông Phan Rang, phần đất từ sông Phan Rang ra đến Phú Yên đặt làm dinh Thái Thượng (tức tỉnh Khánh Hoà ngày nay). Năm 1692, quân Chiêm Thành lại tấn công dinh Thái Thượng, năm 1693 chúa Nguyễn sai quân đi đánh, bắt được vua Chiêm Thành, chiếm hết đất còn lại của Chiêm Thành và đổi đặt làm một trấn là Thuận Thành (sau đổi làm phủ Bình Thuận). Như vậy, kể từ năm 1693, Chiêm Thành chính thức diệt vong.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Mười Một, 2015, 02:21:07 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #146 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2015, 03:06:27 am »

        * Về vùng đất Tây Nguyên (Theo: Gia Lai - Đất nước, Con người. Tạp chí Việt Nam và Đông Nam Á ngày nay 5/1999, tr. 52 - 60):

        Các dấu tích vật chất cũng như các sử liệu đều cho biết, trước khi người Việt bắt đầu mở mang bờ cõi vào phía Nam, một số vùng đất của Tây Nguyên trong những thời gian nào đó đã thuộc lãnh thổ của người Chăm Pa xưa. Các bia ký của Chăm Pa thường gọi những người Tây Nguyên là Kiritas (người miền núi). Cũng các sử liệu cho biết, ông vua Lửa và ông vua Nước ở cao nguyên Pleiku bị coi là chư hầu của Chăm Pa. Sau khi chinh phạt Chăm Pa (Chiêm Thành) năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã phong hai vua Thuỷ Xá (vua Nước) và Hoả Xá (vua Lửa) nước Nam Bàn ở phía Tây đầu nguồn phủ Phú Yên xứ Quảng Nam (vùng đất có thể là thuộc hai huyện Trông Pa và Ayun Pa hiện nay), nơi đây vẫn còn nhà ở của ông vua Lửa và hiện đã phát hiện một số di vật và di tích cổ của Chăm Pa. Năm 1693, chúa Nguyễn lấy toàn bộ đất đai của Chiêm Thành sáp nhập vào Đại Việt, riêng châu Thượng Nguyên chủ yếu là các dân tộc thiểu số nên các chúa Nguyễn chỉ đặt ở chế độ thuộc quốc. Đến năm 1751, khi chúa Nguyễn Phúc Khoát sai Nguyễn Cư Trinh đi kinh lý miền Tây (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà) thì hai bộ lạc Thuỷ Xá và Hoả Xá thuộc xứ Hoa Anh (các tỉnh Tây Nguyên ngày nay) mới về thần phục chúa Nguyễn. Năm 1753, bộ lạc Côn Man ở xứ Nam Bàn Lâm Đồng ngày nay) nổi loạn, đánh phá vùng Bình Thuận, chúa Nguyễn sai Nguyễn Cư Trinh đem binh đàn áp, đến cuối năm 1754 thì bộ lạc này mới chịu thần phục nhà Nguyễn.

        Từ khi vua Lê đánh chiếm Chiêm Thành, lập ra nước Nam Bàn cho các vua Thượng cho đến thời các chúa Nguyễn khai phá miền Trung và miền Nam thì một số vùng đất Tây Nguyên bắt đầu dần hoà nhập vào với đất nước Việt Nam. Thế nhưng, người Việt cho đến thời các chúa Nguyễn vẫn chưa lên Tây Nguyên khai thác, mà chủ yếu quan hệ với người Tây Nguyên qua buôn bán mà trong dân gian gọi là "buôn Thượng". Trong những thế kỷ XVII, XVIII, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã mở rộng dần quyền lực của mình lên vùng rừng núi Tây Nguyên của các dân tộc thiểu số còn chưa lệ thuộc vào quốc gia nào. Để quản lý cư dân và mở rộng quyền lực, các chúa Nguyễn đặt ra một loạt đơn vị hành chính đặc biệt, gọi là "nguồn". Chính sách của nhà Nguyễn đối với các "nguồn" ở Tây Nguyên mà cụ thể là nước Thuỷ Xá và nước Hoả Xá là phủ dụ rồi dần dần lập quyền khống chế. Bên cạnh việc phủ dụ, thu thuế, mua bán, các chúa Nguyễn còn tổ chức đặt quân trấn giữ các "nguồn" để bảo vệ biên giới chống lại sự cướp bóc của người Chân Lạp, người Lào và người Xiêm. Ví dụ, năm 1697, người Ai-lao quấy rối nguồn Hương Bình, nhà Nguyễn lên dẹp và thu phục thêm hai sách là Man Ala và Bát. Mỗi khi thu phục được đất mới, nhà Nguyễn dùng ngay người "man" cai quản luôn người “man" ở đấy. Chính nhờ những biện pháp rất mềm dẻo và thuyết phục mà các nguồn người "man" trên Tây Nguyên dần dần hoà nhập vào đất nước Việt Nam.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Mười Một, 2015, 03:09:45 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #147 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2015, 03:26:14 am »

         
        1.2. Tóm tát quá trình khai phá và xác lập chủ quyền lãnh thổ trên vùng đất Nam Bộ của Việt Nam


        * Lược sử cương giới lãnh thổ và quan hệ giữa nước Phù Nam và nước Chân Lạp (Phạm Đức Thành (1995), Lịch sử Campuchia, NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội, tr. 53 - 103):

        Nước Phù Nam: Trong số hàng chục tiểu quốc đã xuất hiện ở Đông Nam Á trong khoảng từ thế kỷ I đến thế kỷ VII, nổi bật lên nước Phù Nam với vai trò tiếp thu và truyền bá văn hoá Ấn Độ. Về vị trí của Phù Nam, Lương thư (sử nhà Lương) chép như sau: Nước Phù Nam ở phía Nam quận Nhật Nam, trong một vịnh lớn, ở phía Tây biển. Nước cách Nhật Nam chừng 7000 lý và cách Chăm Pa hơn 3000 lý về phía Tây Nam. Đô thành cách biển 500 lý. Một con sông lớn từ Tây Bắc chảy về phía Đông và đổ ra biển. Nước rộng hơn 300 lý, đất thấp và bằng phẳng, khí hậu và phong tục đại thể giống Chăm Pa.

        Những thông báo mơ hồ của thư tịch cổ đã làm cho nhiều người đoán định rất khác nhau về phạm vi lãnh thổ của Phù Nam. Theo Giáo sư Lương Ninh "Lãnh thổ thuộc quyền cai quản của vương quốc Phù Nam, phía Nam giáp vịnh Thái Lan, phía Bắc có lẽ giới hạn bởi sông Mun (chảy qua Ubon, Thái Lan), phía Đông giáp biển Đông và phía Tây có lẽ bao gồm hạ lưu sông Mê Nam và một phần Bắc bán đảo Mã Lai" (Lương Ninh, Đặng Đức An (1978), Lịch sử thế giới trung đại, NXB Giáo dục, tr. 224).

        Khi nghiên cứu về Phù Nam, nhiều học giả cho rằng chủ nhân của vương quốc này là cư dân gốc Đông Nam Á nói tiếng Nam Đảo. Họ đã xây dựng vương quốc của mình tồn tại hơn 5 thế kỷ và đã có lúc chinh phục được hầu hết các tiểu quốc ở phía Nam bán đảo Trung Ấn. Nhưng nước Phù Nam không phải là một quốc gia thống nhất chặt chẽ với đúng nghĩa của nó. Trong đó có thể bao gồm nhiều tiểu quốc phụ thuộc với nhiều mức độ khác nhau.

        Ngày nay, người ta biết Phù Nam nhờ vào những tập ký của Khang Thái và Chu Ứng đã từng thăm nước này vào giữa thế kỷ III sau Công nguyên. Danh xưng "Phù Nam" là theo tiếng Trung Quốc, có lẽ do phiên âm từ tiếng Khơ-me cổ "B'iu nam" “B'nam", ngày nay đọc là "Phnom" (có nghĩa là núi). Các vua Phù Nam đều lấy vương hiệu là "Trung B'nam" có nghĩa là "Vua núi". Do đó, ngày xưa người Trung Quốc quen gọi nước này là Phù Nam.

        Địa bàn chính của Phù Nam là vùng hạ lưu và vùng tam giác châu thổ sông Mê Công. Thời cực thịnh, lãnh thổ Phù Nam bao gồm cả Nam bộ Việt Nam, Trung Lào, Hạ Lào, lưu vực sông Mê Nam và Bắc bán đảo Malaysia. Thủ đô của Phù Nam là Vyadapura gần ngọn núi Ba Phnom ở làng Ba Nam thuộc tỉnh Prây-veng của Campuchia ngày nay.

        Khoảng nửa đầu thế kỷ III sau Công nguyên, Phù Nam bắt đầu những mối quan hệ ngoại giao với Ấn Độ và Trung Quốc. Theo một văn bản viết ở thế kỷ V do học giả người Pháp tên là P. Pelliot đưa ra thì vua Phù Nam là Fan Tchan đã phái sứ thần của mình sang Ấn Độ, sứ thần này được triều vua Mu-run-đa đón tiếp nồng nhiệt và lúc ra về được nhà vua cho 4 con ngựa chiến đem về tặng vua Phù Nam. Còn sứ thần của Fan Tchan sang Trung Quốc năm 243 theo sử Tam Quốc, có mang theo lễ vật và đoàn nhạc công sang tặng. Sau đó khoảng những năm 245 - 250, Trung Quốc có cử sứ thần là Khang Thái và Chu Ứng thăm nước Phù Nam. Hai vị sứ thần Trung Quốc được vua Fan Tchan đón tiếp ở kinh đô cùng với sứ thần của triều Mu-run-đa Ấn Độ.

        Nhờ vào những bút tích và truyện ký của hai sứ thần Trung Quốc nói trên mà ngày nay chúng ta biết chút ít về Phù Nam thời đó: Trong nước có nhiều thành quách, lâu đài, nhiều nhà cửa; người trong nước đều xấu xí nước da đen, tóc xoăn, ở trần và đi đất, tính tình giản dị, thật thà; họ sống băng nghề nông, gieo hạt một năm và gặt hái ba năm; thích chạm trổ và điêu khắc; có nhiều dụng cụ nhà bếp làm bằng bạc; lấy vàng, bạc, ngọc trai và hương liệu để nộp thuế; họ có chữ viết giống như chữ viết của người Hồ.

        Từ sau thời vua Fan Giun (khoảng năm 268 - 287), không thấy có bộ sử nào ghi chép. Chỉ biết rằng vào khoảng năm 375 do những biến cố lịch sử nào đó, Phù Nam được đặt dưới quyền cai trị của ông vua mang vương hiệu Tchan Than. Sau đó, sử sách không nói gì về Phù Nam nữa. Mãi tới đầu thế kỷ V, lịch sử Phù Nam lại được tiếp tục ghi chép qua công cuộc "Ấn Độ hoá lần thứ hai" (M. Giteau (1957), Histoire du Cambodge - Didier, Paris, tr. 27). Nhiều tăng lữ và tri thức Ấn Độ không ngừng di cư đến Phù Nam, truyền bá một thứ văn tự mới, chữ viết Panlava cùng với những phong tục, tập quán mở đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên Sa ka trong lịch sử Phù Nam.

        Theo sử nhà Lương, vào nhưng năm 434, 435 và 438, vua Phù Nam đã nhiều lần sai sứ thần sang triều cống nhà Tống để giữ hoà hiếu. Đối với nước Lâm Ấp, thì từ chối không ủng hộ vua nước này trong âm mưu đánh chiếm đất Giao Châu của người Việt, về sự kiện này, sử nhà Lương chép: Năm 431 - 432, nước Lâm Ấp muốn đánh đất Giao Châu, có yêu cầu Phù Nam giúp sức, nhưng Phù Nam từ chối.

        Tới nửa sau thế kỷ V, sử Nam Tề nói đến một ông vua Phù Nam tên là Jayavacman I thuộc dòng dõi Kaun-dinya. Ông vua này đã có lần sai sứ thần đem lễ vật tới tặng vua Tề và yêu cầu vua Tề giúp đánh Lâm Ấp, vua Tề nhận lễ vật nhưng từ chối đưa quân đi giúp.
Cũng theo sử nhà Lương, thời trị vì của vua Jayavacman I là thời kỳ thịnh vượng của Phù Nam. Nhân dịp đoàn sứ thần Phù Nam sang Trung Quốc năm 503, vua nhà Lương có ra một tờ chiếu rằng: vua Jayavaeman I nước Phù Nam và các đời vua trị vì phương Nam xa xăm từ đời này qua đời khác, tuy ở xa nhưng họ vẫn tỏ rõ lòng trung thực và tính hoà hiếu đối với Trung Quốc, nhiều lần họ sai sứ thần mang lễ vật sang tặng, bởi vậy cần phải tưởng lệ nhà vua bằng cách phong tặng danh hiệu "An Nam đại tướng quân, Phù Nam đại vương".

        Năm 514, Phù Nam đại vương Jayavacman I chết. Nhiều văn bia ví ông như "mặt trăng mọc và mặt trăng rằm" để đề cao công lao của ông trong việc mở mang cá công trình thuỷ lợi như đào sông, khai mương, đắp đê biến vùng đồng lầy rộng lớn ở hạ lưu sông Mê Công thành một vùng đồng bằng phì nhiêu, màu mỡ. Con của Jayavacman I kế vị ngôi cha hiệu là Rudravacman (514 - 550) là ông vua cuối cùng của Phù Nam. Rudravacman đã nhiều lần sai sứ sang Trung Quốc triều cống (những năm 517, 530) để củng cố vương quyền. Nhưng ông không thuộc dòng cả mà thuộc dòng thứ nên việc lên ngôi của ông là bất hợp pháp. Do vậy, một cuộc chính biến đã lật đổ ông để đưa người dòng cả lên thay. Biến cố này làm Phù Nam bị chia cắt và cuối cùng bị sụp đổ vào năm 550. Sang thế kỷ VI, sử ký nhà Đường chép: Thủ đô của săn bắn, cố đô của đất Phù Nam bị Chân Lạp cướp mất và nhà vua trốn về miền nam ở Nafouna.

        Vương quốc Phù Nam tuy bị Chân Lạp thôn tính vào năm 550, nhưng vương quốc này vẫn còn chống giữ được đến năm 627. Trong khoảng thời gian này, có bốn vị quốc vương nối tiếp trị vì và tìm cách khôi phục cơ đồ. Triều đình Phù Nam ở vùng Bassac tại Nafouna, trong các năm 616 và 627 có cử sứ thần sang Trung Hoa cầu cứu đánh Chân Lạp, nhưng bị khước từ.

        Trên đây là những điều chúng ta biết được về Phù Nam, một trong những quốc gia cổ đại quan trọng bậc nhất ở Đông Nam Á thời cổ đại. Hầu hết tài liệu chúng ta dựa vào để tìm hiểu lịch sử Phù Nam là những sử liệu của người Trung Quốc viết lại. Sau này, có thêm các nguồn chứng liệu về văn minh Phù Nam được phát hiện bởi các cuộc khai quật khảo cổ học hiện đại, cùng với các nguồn sử liệu trên càng khẳng định rõ về sự tồn tại của một quốc gia Phù Nam cổ đại - chủ nhân đầu tiên của vùng đất Nam Bộ của Việt Nam ngày nay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #148 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2015, 03:33:54 am »

        Nước Chân Lạp - vương triều Angkor và vương quốc Campuchia: Trước đây, một số người cho rằng Phù Nam là tiền thân của nước Campuchia ngày nay, hoặc là giai đoạn đầu của lịch sử Campuchia. Quan điểm cho rằng Phù Nam là tiền thân của nước Campuchia được nêu ra đầu tiên trong các công trình nghiên cứu của các học giả châu Âu chủ yếu là các học giả trường Viễn Đông Bác Cổ từ nửa đầu thế kỷ XX. Nhiều công trình nghiên cứu sau này đã bổ sung, củng cố những quan điểm này. Cho đến nay, một số nhà nghiên cứu đã thừa nhận rằng để hiểu biết về tình hình chính trị, đời sống, phong tục tập quán của Phù Nam cần dựa vào nguồn thư tịch cổ của Trung Quốc. Theo đó, Phù Nam và Chân Lạp là hai tiểu quốc riêng biệt cùng tồn tại ở những thế kỷ đầu Công nguyên. Hai nước nằm ở những vị trí khác nhau tuy vẫn có những quan hệ nhiều mặt. Tuỳ thư quyển 82, tờ 3 có đoạn chép về hai nước Phù Nam và Chân Lạp như sau (Lịch sử Campuchia (1982), NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Hà Nội, tr. 28 - 29): "Chân Lạp ở phía Tây Nam nước Lâm Ấp nguyên trước là thuộc quốc gia Phù Nam. Họ vua Chân Lạp là Tchali, tên riêng là Tchơtosơna. Tổ tiên đã dần dần làm cho nước trở nên hùng cường. Tchơtosơna chiếm được Phù Nam và bắt thần phục". Tân Đường thư do Âu Dương Tu và Tống Kỳ biên soạn, quyển 222, tờ 2 có đoạn ghi về nước Phù Nam như sau: "Nước Phù Nam ở cách quận Nhật Nam bảy ngàn lý về phía Nam, đất thấp cũng như Lâm Ấp, có thói quen lập thành phố bọc tường... Vua đóng đô ở thành Đặc Mục, thành ấy bị Chân Lạp đánh bất ngờ và phải dời đến thành phố Naphậtna phía Nam".

        Qua hai tài liệu trên, bước đầu chúng ta có thể xác định: (1) Hai tài liệu trên ghi lại rằng vị trí của Phù Nam ở phía Nam quận Nhật Nam, tức là phía Nam đất Trung Bộ của Việt Nam và cách quận này bảy ngàn lý. Còn nước Chân Lạp nằm ở phía Tây Nam nước Lâm Ấp tức vùng Hạ Lào và có thể gồm cả phần đất đai phía Đông Bắc nước Campuchia ngày nay nữa. Như vậy là vị trí của hai nước đã được xác định rõ; (2) Nước Chân Lạp bị Phù Nam chinh phục và trở thành thuộc quốc của Phù Nam; (3) Sau một thời gian bị lệ thuộc Phù Nam, Chân Lạp dần dần mạnh lên, không những thoát khỏi ách thống trị của Phù Nam mà còn đánh lại Phù Nam và bắt Phù Nam phải thần phục mình. Như vậy, rõ ràng không thể coi nước Phù Nam là tiền thân của nước Campuchia mà Phù Nam chỉ là một quốc gia riêng biệt với Chân Lạp.

        Cũng tương tự như Phù Nam, Chân Lạp cũng có truyền thuyết dựng nước của mình. Trong văn bia thế kỷ X, tìm thấy ở Baksay Chamkrong có ghi như sau: Một tu sĩ khổ hạnh tên là Kambuvayambava, kết hôn với tiên nữ Mera con gái thần Xiva, sinh ra dòng các vua chúa của Kambuja, tức vương quốc của Kambu. Do vậy, ngày nay có người cho rằng gọi Campuchia là lấy từ tên nhân vật truyền thuyết Kambu mà đặt ra. Còn tên gọi Chân Lạp (T'chenla) là do người Trung Quốc đặt ra trong thư tịch cổ. Đến nay, chưa ai có thể giải thích được tên gọi này bắt nguồn từ đâu, vì không có chữ Xanxcrit hay chữ Khơ-me cổ nào phát âm như vậy. Vua Chân Lạp đầu tiên dựng nước ở miền Hạ Lào ngày nay, trong phần đất thuộc một phần Thái Lan. Kinh đô đầu tiên của Chân lạp là Bhavabura Sretapura (Bắc Biển Hồ). Buổi đầu dựng nước, Chân Lạp là thuộc quốc của Phù Nam. Sau đó khi Phù Nam khủng hoảng thì Chân Lạp đã mạnh lên, đem quân đánh bại Phù Nam và chinh phục vương quốc này. Bia Baksei Chamkrông (Campuchia) dựng năm 948 ghi: "(Đức vua Srutavaeman) hãnh diện vì đã khởi đầu việc phá bỏ sự công nạp" (tức là phá bỏ sự lệ thuộc Phù Nam).

        Vào khoảng giữa thế kỷ VI, Phù Nam rơi vào thời kỳ suy tàn. Thực ra thì sự hưng thịnh một thời của Phù Nam chỉ tập trung ở một số đô thị, đông dân cư, còn ở các vùng nông thôn thì không hề được quan tâm. Hàng năm liên tiếp xảy ra lũ lụt, biến những vùng đồng bằng vốn phì nhiêu thành những vùng đồng lầy vô dụng ở miền hạ lưu sông Mê Công, làng mạc tiêu điều, cư dân phiêu tán. Mặt khác, nội bộ hoàng tộc tranh cướp ngôi vua giữa ngành cả và ngành thứ, vì thế đất nước bị chia cắt thành những vùng riêng rẽ. Chính trong cơ hội này, vua Chân Lạp Bavavacman I (598 - 600) đã mang quân tấn công Phù Nam. Họ tiến dọc theo thung lũng sông Mê Công rồi nhanh chóng chinh phục toàn bộ Phù Nam, buộc các vua cuối cùng của Phù Nam phải chạy lánh nạn xuống miền Nam. Nước Chân Lạp khi đó được mở rộng: phía Bắc giáp sông Mun, phía Nam giáp vùng Tônlê Sáp, phía Đông giáp dãy Trường Sơn. Em của Bavavacman I là Chitơrasena (600 - 615) kế ngôi vua, tiếp tục mở rộng bờ cõi vương quốc về phía Tây và phía Nam, đặt quan hệ giao hảo với Chăm Pa láng giềng để rảnh tay về biên giới phía Đông, tập trung mở rộng biên giới phía Tây.

        Dưới thời vua Ixanavacman I (615 - 635, con của vua Chitơrasena), lãnh thổ Chân Lạp được mở rộng về Tây Nam, bao gồm Angkor Bô ray, Công-pông-chàm, Prây-veng, Kần-đan, Tà-keo và tỉnh Chan-ta-bun của Thái Lan ngày nay. Để củng cố mối quan hệ với các nước láng giềng, Ixanavacman I tiếp tục cử sứ thần sang triều cống Trung Quốc vào những năm 616, 617, 623 và 628, đồng thời gả con gái của mình cho người cháu nội của vua nước Chăm Pa (năm 653) hiệu là Vikrantavacman - một ông vua Chăm Pa nổi tiếng về những công trình xây dựng đền đài sau này. Vua Ixanavacman I dời đô đến Ixanapura (vùng Sam po Praykuk ở phía Bắc Công-pông-thom thuộc khu vực Biển Hồ ngày nay).

        Con của Ixanavacman I là Bavavacman II (639 - 655) nối ngôi cha, để duy trì chế độ phong kiến tập quyền do cha để lại, phải trấn áp nhiều cuộc nổi loạn của các chư hầu cát cứ. Con của Bavavacman II là Jayavacman I (655 - 681) đã chinh phục các miền Trung Lào và Thượng Lào, cải tổ quân đội và xúc tiến các công trình xây dựng đền đài. Ông nổi tiếng là một ông vua rất mộ đạo Xiva giáo và Visnu giáo với việc thờ thần tượng Harihara.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Mười Một, 2015, 12:06:31 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #149 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2015, 12:14:45 am »

        Jayavacman I chết vào năm 680 để lại một vương quốc rộng lớn mà không có con trai kế nghiệp. Vợ ông là hoàng hậu Jayadevi thay chồng đảm nhiệm việc nước. Nhưng việc cai trị một vương quốc rộng lớn trong hoàn cảnh lịch sử như vậy là quá sức của một người đàn bà goá đã có tuổi. Hơn nữa, vào lúc này nhiều quốc gia mới đang trỗi dậy ở Đông Nam Á như Srivijava ở Xumatra, Đơvaravati ở Miến Điện, Sailenđơra ở Java làm cho thế nước Chân Lạp thêm suy yếu. Năm 716, một người trong hoàng tộc tên là Puskaraksa tự lập vương triều mới ở miền Nam, lấy Sambhupura ở vùng Sambor làm kinh đô. Sự kiện này dẫn đến Chân Lạp bị phân liệt mà thư tịch cổ Trung Quốc gọi là sự phân chia của Chân Lạp thành Lục Chân Lạp và Thuỷ Chân Lạp. Về vấn đề này, sử nhà Đường có ghi: Nửa phía Bắc có nhiều rừng núi và thung lũng gọi là Lục Chân Lạp. Nửa phía Nam có nhiều hồ và có biển bao bọc gọi là Thuỷ Chân Lạp. Nhiều người đã cố gắng đoán định về địa bàn Lục Chân Lạp và Thuỷ Chân Lạp. Nhưng với việc lập vương triều mới ở Sambhupura ở miền Nam cho phép xác định địa bàn của Thuỷ Chân Lạp chính là lãnh thổ mở rộng ở phía Nam dãy Đăng-rek mà theo Tân Đường thư thì: nửa phía Nam giáp biển phủ đầy đầm hồ tức là nước Campuchia ngày nay và miền hạ lưu sông Mê Công. Còn vương triều cũ, gốc miền Bắc là vương triều Dhavapura đã tách ra và giữ quyền của mình ở miền Bắc trên đất khởi nghiệp của tộc mặt trời. Đó là Lục Chân Lạp.

        Lục Chân Lạp còn được thư tịch cổ Trung Quốc gọi là Văn Đan. Lãnh thổ nước này thuộc miền Trung và Hạ Lào và một phần đất của Lào và Thái lan ngày nay. Các đời vua ở đây tự coi mình là thuộc dòng dõi các đời vua nước Chân Lạp thống nhất ngày trước. Sử nhà Đường có ghi chép việc Lục Chân Lạp cử 4 đoàn sứ thần sang Trung Quốc vào những năm 717, 753, 771 và 799.

        Năm 722, Lục Chân Lạp đã đem quân sang hỗ trợ cho cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan chống ách đô hội của nhà Đường. Năm 754, quân Lục Chân Lạp lại liên minh với quân nhà Đường chống lại quân Nam Chiếu ở phía Nam Trung Quốc. Kinh đô của Lục Chân Lạp là Bavapura trên bờ sông Mê Công tại Pakhinbun ngày nay.

        Còn số phận của Thuỷ Chân Lạp phải trải qua nhiều thăng trầm, phức tạp, bị chia cắt thành nhiều công quốc độc lập và bán độc lập. Trong số các công quốc đó, đáng lưu ý nhất là Aninditabura ở phía Nam do Baladitya cai trị, kinh đô là Baladityapura được coi là kinh đô chính thức của Thuỷ Chân Lạp cách Angkor khoảng 20 km về phía Đông Nam. Phía Bắc của Thuỷ Chân Lạp là một công quốc khác có vùng Biển Hồ, kinh đô là Sambupura trên bờ sông Mê Công ở phía Bắc tỉnh Cra-chê của Campuchia ngày nay. Có người cho rằng người đứng đầu công quốc này là bà hoàng Jayadevi, vợ goá của vua Jayavacman I mà sau đó bà đã nhường ngôi cho người chồng thứ hai là Pusơkara con vua nước Amnditabura. Như vậy trong thời kỳ này bằng những cuộc hôn phối các dòng họ vua chúa thuộc các công quốc khác nhau cũng thể hiện sự mong muốn thống nhất đất nước. Nhưng thế nước đã suy vi nên họ không thể thực hiện được. Do vậy, vào cuối thế kỷ VIII, Thuỷ Chân Lạp lại bị chia thành 5 công quốc thù địch nhau. Ngoài hai công quốc đã nêu trên, còn có ba công quốc khác nằm rải rác ở phía Bắc hồ Tônlê Sáp là Sakơranxapura, Apgapurava và Indơrapura.

        Về vương triều Angkor: Trước tình hình bị chia cắt, vương quốc Chân Lạp ngày càng bị suy yếu. Đây là cơ hội tốt cho các thế lực ngoại bang xâm lược. Chính trong thời gian này, vương triều Sailenđơra được lập ở nước Kalinga (Java - Indonesia) trỗi dậy, đem quân xâm nhập và cướp phá Chân Lạp. Vào năm 787, quân của Sailenđơra đã tiến vào kinh đô Sambhupura cướp bóc và giết vua Mahipati. Sự kiện này đã chấm dứt thời kỳ thứ nhất của lịch sử dựng nước của Campuchia.

        Sau khi giành lại được độc lập, thoát khỏi ách thống trị của Java, từ năm 944 đến 1181, là giai đoạn phát triển mới của Chân Lạp. Trải qua mười một đời vua trị vì đất nước, các ông vua này đã tập trung vào củng cố vương quyền, xây dựng đất nước. Ngoài ra, còn đưa quân chinh chiến mở rộng quyền lực về phía Tây, thần phục vùng

        Nguyên nhân sâu xa của quá trình này chính là sự suy thoái từ bên trong - sự suy thoái về kinh tế xã hội sau nhiều thập kỷ đã tận dụng hết các tiềm năng của mình để xây dựng những công trình đồ sộ và tiến hành các cuộc chiến tranh nhằm củng cố quyền lực và tranh giành lãnh thổ. Đồng thời còn một nguyên nhân khác nữa, hết sức quan trọng - đó là sức ép từ bên ngoài mà đặc biệt là của người Thái. Ngay từ cuối thế kỷ XIII và nhất là từ sau năm 1350 khi nước Ayuthaya (Thái Lan) đã chinh phục được Sukhôthay và cao nguyên Korat, người Thái liên tục tấn công Campuchia, thống trị hoặc dồn đẩy người Khơ-me về phía Nam. Các cuộc xâm lược của người Thái đã gây những tổn hại vô cùng lớn lao cho Campuchia. Cung điện, nhà dân phần lớn làm bằng gỗ lá đã bị đốt cháy rụi. Quân lính Thái còn đập phá các đền tháp, chân bệ đặt tượng để tìm vàng, nhiều của cải bị lấy đi, nhiều người dân bị bắt làm nô lệ. Chính vì thế, giữa những lần tấn công của quân Thái, nhiều người dân Khơ-me đã buộc phải di cư về miền Đông Nam để tìm nơi sinh sống yên ổn hơn. Kinh đô Angkor đã mất đi bộ mặt đông đúc và thịnh vượng của hơn một thế kỷ trước. Tình trạng đó kéo dài cho tới năm 1432 khi vua Ponheayat dõng dạc tuyên bố trước cuộc họp đông đủ các quần thần: "Vương quốc ta có kẻ thù là Xiêm. Xưa kia các tỉnh phía Tây đông đúc dân cư này đã bị mất về tay bọn Xiêm. Những tỉnh còn thuộc về ta, cũng bị chúng bắt mất nhiều dân, mà chúng ta thì không có đủ người để đưa đến lập lại... Kinh đô rộng lớn có tường thành vũng chắc, nhưng ít người, không đủ phòng vệ. Chúng ta hãy rời bỏ kinh đô mà chúng ta không bảo vệ được... Chúng ta sẽ xây dựng kinh đô mới... (Phạm Đức Thành, Sdd, tr. 100). Năm 1432, kinh đô dời về Srei Santhor trên bờ sông Mê Công thuộc tỉnh Công-pông-thom và đến năm 1434 lại dời về khu vực sông Bốn Mặt là nơi gặp nhau của sông Mê Công và Tônlê Sáp trước khi đổ ra biển Đông, đó là địa điểm Phnôm Pênh ngày nay. Thời đại Angkor chấm dứt, trung tâm quần cư đã di chuyển từ Tây Bắc về Đông Nam Biển Hồ. Từ đây, chế độ phong kiến và đặc biệt là giai cấp phong kiến Campuchia đã suy thoái nhanh chóng và không sao gượng dậy nổi. Đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, kéo dài suốt thời kỳ hậu Angkor (1434 - 1863). Trong những thế kỷ này, trong khi người Thái càng tăng cường tấn công vào Campuchia, thì chính quyền phong kiến ở đây lại sa vào những vụ mưu sát tranh giành địa vị lẫn nhau. Họ đã bất lực trước sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Năm 1863, vua Nô-rô-đôm nhận sự bảo hộ của Pháp, lịch sử vương quốc Campuchia đã mở sang trang.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Mười Một, 2015, 02:42:53 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM