Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:05:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng  (Đọc 310362 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #50 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 05:17:04 pm »

22. Tỉnh Long An

Diện tích khoảng 4.492 km2

Dân tộc: Việt, Khơ-me...

Tỉnh lị là thị xã Tân An. Các huyện: Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Đức Hoà, Đức Huệ, Mộc Hoá, Tân Thạnh, Tân Trụ, Thạnh Hoá, Thủ Thừa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng).



Long An là tỉnh có nhiều biến đổi nhất về địa giới hành chính trong lịch sử so với các tỉnh khác của Nam Bộ Việt Nam. Năm 1698, chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập đất Nông Nại thành phủ Gia Định, gồm hai huyện Phước Long và Tân Bình, đất Long An thuở ấy nằm lọt trong huyện Tân Bình. Năm 1802, vua Gia Long đổi phủ Gia Định làm trấn Gia Định. Năm 1808 lại đổi làm thành Gia Định thống quản 5 trấn là Phiên An, Biên Hoà, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên. Huyện Tân Bình được nâng lên thành phủ thuộc trấn Phiên An. Năm 1832, vua Minh Mạng cải 5 trấn của thành Gia Định thành 6 tỉnh: Phiên An tỉnh thành, Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Phủ Tân Bình được tách ra, lập thành phủ mới lấy tên là Tân An thuộc Phiên An tỉnh thành. Năm 1833, Lê Văn Khôi khởi nghĩa, chiếm Phiên An tỉnh thành. Năm 1836, sau khi dẹp được Lê Văn Khôi và thu phục lại thành Gia Định thì Minh Mạng đã cho phá bỏ thành cũ, xây thành mới ở nơi khác, đổi Phiên An tỉnh thành thành tỉnh Gia Định gồm 3 phủ Tân Bình, Tân An và Tây Ninh. Khi đó, tỉnh Gia Định bao trùm cả một vùng đất rộng lớn ngày nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An. Năm 1867, Pháp chiếm xong "Lục tỉnh Nam Kỳ". Tháng 6-1867, thực dân Pháp tổ chức tỉnh Sài Gòn lập thành 7 Khu Tham, khi đó vùng đất Long An ngày nay gồm có 3 Khu Tham biện là Chợ Lớn, Phước Lộc và Tân An. Từ năm 1865 đến nam 1877 tiếp tục có những thay đổi, Khu Tham biện Tân An thuộc kiểm soát của hạt Mỹ Tho. Sau này, thực dân Pháp chia đặt Nam Bộ thành 22 tỉnh, tỉnh Tân An khi đó có 3 quận là Châu Thành, Thủ Thừa và Mộc Hoá. Năm 1951, huyện Châu Thành và một số xã của huyện Thủ Thừa được tách ra, nhập vào với tỉnh Gò Công và tỉnh Mỹ Tho lập thành một tỉnh mới có tên là Mỹ Gò, huyện Mộc Hoá và 3 xã còn lại của huyện Thủ Thừa nhập vào với 7 xã của tỉnh Sa Đéc lập thành tỉnh mới có tên là Đồng Tháp (khác với tỉnh Đồng Tháp ngày nay), hai huyện Đức Hoà và Trung Huyện nhập vào hai tỉnh Gia Định và Tây Ninh lập thành tỉnh mới có tên là Gia Định Ninh. Mãi đến sau năm 1954, mới phục hồi nguyên trạng hai tỉnh Tân An và Chợ Lớn như trước chiến tranh. Từ sau năm 1954 đến năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn giữ nguyên trạng ranh giới hành chính cũ của tỉnh Tân An và tỉnh Chợ Lớn. Đến tháng 2-1956, quận Mộc Hoá bị tách ra khỏi tỉnh Tân An, nâng lên thành tỉnh Mộc Hoá. Đến tháng 10-1956, tỉnh Mộc Hoá được đổi tên thành tỉnh Kiến Tường, gồm 4 quận là Châu Thành, Kiến Bình, Tuyên Bình và Tuyên Nhơn, phần đất còn lại của tỉnh Tân An sáp nhập vào tỉnh Chợ Lớn và lấy tên chung là tỉnh Long An (bỏ tên tỉnh Chợ Lớn). Cùng năm 1956, quận Châu Thành của tỉnh Tân An cũ đổi tên thành quận Bình Phước. Năm 1959, cắt 3 xã của quận Đức Hoà và 5 xã phía bắc của quận Thủ Thừa lập thành quận Đức Huệ. Năm 1963, lập một tỉnh mới có tên là Hậu Nghĩa gồm các quận Đức Hoà và Đức Huệ (cắt ra từ tỉnh Long An), Trảng Bàng (cắt ra từ tỉnh Tây Ninh) và Củ Chi (cắt ra từ tỉnh Gia Định). Năm 1976, tỉnh Long An cũ hợp nhất với tỉnh Kiến Tường thành tỉnh Long An ngày nay.


Tỉnh Long An ngày nay bao gồm phần lớn đất của tỉnh Chợ Lớn và tỉnh Tân An cũ hợp lại, có diện tích khoảng 4.500 km2. Điểm cuối cùng phía Nam của tỉnh nằm trên vĩ độ 10°23'40" bắc, phía Bắc trên vĩ độ 11°02'00 bắc, điểm cực Đông trên kinh độ 106°47'02" đông, cực Tây trên kinh độ 105°30'30" đông. Thị xã Tân An nằm trên vĩ độ 10°33'44" bắc và trên kinh độ 106°25'06" đông(1) (Thạch Phương, Lưu Quang Tuyến (Chủ biên - 1989), Địa chí Long An, Nxb Long An và Nxb KHXH). Long An là một tỉnh cửa ngõ của đồng bằng sông Cửu Long. Phía Bắc giáp tỉnh Tây Ninh và Campuchia. Phía Nam giáp tỉnh Tiền Giang. Phía Đông giáp thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 47 km. Phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp.


Là một tỉnh nông nghiệp, đất Long An mầu mỡ trải ra trên hai triền sông của hai con sông lớn Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, phía Bắc có một số gò, đồi thấp, còn lại là bằng phẳng, phần đất phía Tây thuộc vùng trũng Đồng Tháp Mười. Long An có mạng lưới sông rạch chằng chịt nối liền nhau, chia cắt địa bàn tỉnh thành nhiều vùng. Có khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia thành hai mùa rõ rệt, nhiệt độ trung bình hàng năm 27,4°C.


Tỉnh Long An có đường biên giới dài 136 km tiếp giáp với Campuchia. Có 05 huyện, 19 xã biên giới, tiếp giáp với tỉnh Svey-riêng (Campuchia):

- Huyện Đức Huệ có 4 xã (Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây, Mỹ Thạnh Tây, Bình Hoà Hưng);

- Huyện Thạnh Hoá có 2 xã (Thuận Bình, Tân Hiệp);

- Huyện Mộc Hoá có 5 xã (Bình Thạnh, Bình Hoà Tây, Thạnh Trị, Bình Hiệp, Bình Tân);

- Huyện Vĩnh Hưng có 5 xã (Tuyên Bình, Thái Bình Trung, Thái Trị, Hưng Điền A, Khánh Hưng);

- Huyện Tân Hưng có 3 xã (Hưng Hà, Hưng Điền, Hưng Điền B).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #51 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 05:18:20 pm »

23. Tỉnh Đồng Tháp

Diện tích khoảng 3.238 km2

Dân tộc: Việt, Khơ-me, Hoa, Chăm, Ngái...

Tỉnh lị là thành phố Cao Lãnh.



Có 1 thị xã Sa Đéc và các huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Châu Thành, Lai Vung.

Tỉnh Đồng Tháp được hình thành trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh cũ dưới thời Mỹ ngụy là tỉnh Kiến Phong và tỉnh Sa Đéc. Kiến Phong (tên cũ là Phong Thạnh) là tỉnh được thành lập năm 1956, có tỉnh lị là Cao Lãnh. Sa Đéc thành lập năm 1966 gồm 4 quận cắt ra từ tỉnh Vĩnh Long.


Đồng Tháp hiện nay là một trong ba tỉnh của vùng Đồng Tháp Mười. Phía Bắc giáp Campuchia. Phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Long. Phía Đông giáp tỉnh Long An và Tiền Giang. Phía Tây giáp các tỉnh An Giang và Cần Thơ. Thị xã Cao Lãnh cách thành phố Hồ Chí Minh 162 km.


Tỉnh có hệ thống sông rạch chằng chịt. Sông chính là sông Tiền (một nhánh của sông mê Công) chảy từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh với chiều dài 132 km. Có khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia thành hai mùa rõ rệt.

Tỉnh Đồng Tháp tiếp giáp Campuchia với 49 km đường biên giới. Có 2 huyện với 8 xã biên giới, tiếp giáp với tỉnh Prây-veng (Campuchia):

- Huyện Hồng Ngự có 5 xã (Bình Thạnh, Tân Hội, Thường Thới Hậu B, Thường Thới Hậu A, Thường Phước I);

- Huyện Tân Hồng có 3 xã (Thông Bình, Tân Hộ Cơ, Bình Phú).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #52 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 05:20:52 pm »

24. Tỉnh An Giang

Diện tích khoảng 3.406 km2

Dân tộc: Việt, Khơ-me, Hoa, Chăm...

Tỉnh lị là thành phố Long Xuyên. Có 1 thị xã Châu Đốc và các huyện: An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Chợ Mới, Châu Thành, Thoại Sơn.



Vùng đất An Giang được người Việt khai phá định cư từ lâu đời. Xưa là đất Tầm Phong Long do quốc vương Chân Lạp dâng cho chúa Nguyễn năm 1757, đặt làm đạo Châu Đốc. Đầu đời Gia Long, dân được mộ đến ở gọi là châu Đốc Tân Cương. Năm 1832, thành lập tỉnh An Giang gồm vùng Châu Đốc và huyện Vĩnh An tỉnh Vĩnh Long. Năm 1876, chính quyền Pháp chia tỉnh An Giang thành 5 hạt là Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Sa Đéc. Năm 1899, bãi bỏ các hạt đổi thành tỉnh, tỉnh An Giang bao gồm Châu Đốc và Long Xuyên. Thời kỳ 1945 - 1954, Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ chia đặt địa giới hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc thành hai tỉnh mới là Long Châu Tiền và Long Châu Hậu. Năm 1950, sáp nhập tỉnh Long Châu Hậu với Hà Tiên thành tỉnh Long Châu Hà. Năm 1951, sáp nhập tỉnh Sa Đéc với tỉnh Long Châu Tiền thành lập tỉnh Long Châu Sa. Hai tỉnh Long Châu Hà và Long Châu Sa tồn tại đến năm 1954. Năm 1956, thành lập tỉnh An Giang trên cơ sở hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên cũ. Năm 1964 lại tách tỉnh An Giang thành hai tỉnh là long Xuyên và Châu Đốc. Năm 1975, tỉnh An Giang được thành lập trên cơ sở hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc.

An Giang hiện nay là một tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ. Phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang. Phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp. Phía Tây giáp nước Campuchia.


Khác với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh vùng đồng bằng phù sa, An Giang còn có một vùng núi nhỏ dài 30 km, rộng 15km. Tỉnh có khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia thành hai mùa rõ rệt, nhiệt độ trung bình hàng năm 27°C.


Tỉnh An Giang có đường biên giới tiếp giáp Campuchia dài 96 km. Có huyện, 17 xã biên giới, tiếp giáp với 2 tỉnh của Campuchia (Kần-đan, Tà-keo):

- Huyện Tân Châu có 2 xã (Vĩnh Xương, Phú Lộc);

- Huyện An Phú có 7 xã (Phú Hữu, Quốc Thái, Khánh An, Khánh Bình, Nhơn Hội, Phú Hội, Lĩnh Hội Đông);

- Thị xã Châu Đốc có 2 xã (Vĩnh Ngươi, Vĩnh Tê);

- Huyện Tịnh Biên có 4 xã (Nhơn Hưng, An Phú, Xuân Tô, An Nông);

- Huyện Tri Tôn có 2 xã (Lạc Quới, Vĩnh Gia).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #53 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 05:21:59 pm »

25. Tỉnh Kiên Giang

Diện tích khoảng 6.269 km2

Dân tộc: Việt, Khơ-me, Hoa...

Tỉnh lị là thị xã Rạch Giá. Có 1 thị xã Hà Tiên và các huyện: Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Giềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Phú Quốc, Kiên Hải.



Thuộc vùng cực Nam của nước Phù Nam xưa. Từ năm 1708, là đất trấn Hà Tiên thuộc cai quản của chúa Nguyễn. Kiên Giang là tên Mạc Thiên Tứ đặt cho đất Rạch Giá, tên Khơ-me là Kramonsar nghĩa là nến trắng. Là huyện thuộc phủ An Biên đặt năm Gia Long thứ bảy (1808) thuộc đạo An Giang. Năm 1832, Minh Mạng đổi gọi là tỉnh Hà Tiên. Năm 1899, chính quyền thực dân Pháp chia tỉnh Hà Tiên thời Nguyễn thành hai tỉnh là Hà Tiên và Rạch Giá, đến năm 1900 lại tách thành ba tỉnh là Hà Tiên, Rạch Giá và Bạc Liêu. Năm 1913, sáp nhập tỉnh Hà Tiên vào tỉnh Châu Đốc, đến năm 1924 lại tách ra như cũ. Từ năm 1951 - 1954, không có tên hai tỉnh Hà Tiên và Rạch Giá vì khi đó Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ tách nhập để thành lập hai tỉnh Long Châu Sa và Long Châu Hà. Năm 1954, chính quyền Sài Gòn đặt lại hai tỉnh Hà Tiên và Rạch Giá. Năm 1956 - 1957, sáp nhập tỉnh Hà Tiên và tỉnh Rạch Giá thành tỉnh Kiên Giang. Từ năm 1976, tỉnh Kiên Giang mới gồm tỉnh Rạch Giá cũ, Hà Tiên, Phú Quốc và Hòn Đất.


Hiện nay Kiên Giang là một dải đất nằm ở phía Tây Nam của tổ quốc, cánh thành phố Hồ Chí Minh 250 km. Phía Bắc giáp Campuchia. Phía Nam giáp tỉnh Cà Mau. Phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh An Giang và Cần Thơ.

Là một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang có những cánh đồng lúa phì nhiêu, với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng về nông sản, hải sản, khoáng sản và du lịch. Nằm bên vịnh Thái Lan, lưu thông quốc tế bằng đường biển rất thuận lợi. Có hệ thống sông, rạch chằng chịt. Giao thông đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không thuận lợi. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng năm 27 75°C.


Tỉnh Kiên Giang tiếp giáp với Campuchia với 48 km đường biên giới. Có 2 huyện thị, 5 xã phường biên giới, tiếp giáp với tỉnh Kăm-pốt (Campuchia): Huyện Kiên cường có 3 xã (Vịnh Điều, Tân Khánh Hoà, Phú Mỹ); thị xã Hà Tiên có 1 xã và 1 phường (Mỹ Đức, phường Đông Hồ).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #54 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2012, 09:52:14 pm »

PHẦN II
BIÊN GIỚI VIỆT NAM - TRUNG QUỐC

         


KHÁI LƯỢC VỀ NƯỚC CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA:

Diện tích: Tổng cộng khoảng 9.596.960 km2 (mặt đất 9.326.410 km2, mặt nước 270.550 km2.

Số dân: 1.246.872.000 người (1999). Cơ cấu dân số ước tính: 0 - 14 tuổi 26%, 15 - 64 tuổi 68%, trên 64 tuổi 6%. Tỷ lệ tăng dân số: 0,77% (1999). Mật độ dân số: Khoảng 125 người/km2. Lực lượng lao động: 700.000.000 người (1998). Tỷ lệ sinh: 15,1/1.000 (1999). Tỷ lệ tử vong: 6,98/1.000 (1999). Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh: 43,31/1.000 (1999). Tuổi thọ trung bình (1999): 69,92 tuổi (nam 68,57 tuổi, nữ 71,48 tuổi).

Thủ đô: Bắc Kinh.

Các thành phố lớn: Thượng Hải, Thiên Tân, Thẩm Dương, Vũ Hán, Quảng Châu...

Các dân tộc: Người Hán (91,9%), Choang, Hồi, Uygur, Yi, Tây Tạng, Miêu, Mãn Châu, Mông Cổ, Triều Tiên và các dân tộc khác (8,1%).

Ngôn ngữ chính: Tiếng Hán trên cơ sở âm ngữ Bắc Kinh. Tiếng Quảng Đông và nhiều thổ ngữ khác cũng được sử dụng.

Tôn giáo: Đạo Lão, đạo Phật, đạo Hồi (2% - 3%), đạo Thiên chúa ( 1%).

Đơn vị tiền tệ: Đồng nhân dân tệ có đơn vị là Quan (nguyên).

Quốc khánh: Ngày 01-10 (năm 1949).

Lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: Ngày 18-10-1950.

Vị trí: Nằm ở Đông Á, có đường biên giới đất liền giáp 14 nước là Mông Cổ, Nga, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Mianma, Bu Tan, Nê Pan, Ấn Độ, Pakixtan, Apganixtan, Tatgikixtan, Cưrơgưxtan, Cadăcxtan. Là nước có diện tích lãnh thổ đất liền lớn thứ ba thế giới (sau Nga và Canada).

Toạ độ địa lý: 35°00 vĩ Bắc, 105°00 kinh Đông.

Địa hình: Phần lớn là đồi núi, cao nguyên và sa mạc ở phía Tây, ở phía Đông có đồng bằng và đồi.
Khí hậu: Rất đa dạng, nhiệt đới ở phía Nam đến cận Bắc. Nhiệt độ trung bình tháng - 28°C ở phía Phắc, 18°C ở phía Nam (tháng 01), từ 20 - 28°C (tháng 7). Lượng mưa trung bình hàng năm 2000 mm ở phía Đông, 250 mm ở phía Tây.

Tài nguyên thiên nhiên: Than đá, quặng sắt, dầu mỏ, khí tự nhiên, thuỷ ngân, thiếc, vônfram, ăngtimoan, ma ngan, môlypđen, vanadi, magie, nhôm, chì, kẽm, uranium...

Có tiềm năng thuỷ điện lớn nhất thế giới.

Thiên tai: Thường xuyên có bão lớn dọc bờ biển phía Nam và phía Đông, lũ lụt lớn, động đất, một số vùng bị hạn hán.

Các vấn đề môi trường: Ô nhiễm không khí do việc dùng nhiều than đá, gây ra mưa axit. Tình trạng thiếu nước, đặc biệt là ở miền Bắc. Ô nhiễm nước do các chất thải chưa xử lý. Nạn phá rừng. Xói mòn đất. Nguy cơ sa mạc hoá đang tăng lên. Tình trạng buôn bán các loài thú hiếm đang gia tăng.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #55 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2012, 09:53:13 pm »

Lịch sử: Trung Quốc là một trong những quốc gia hình thành sớm nhất trên thế giới và có nền văn minh rất lâu đời. Đầu thế kỷ XIX, Trung Quốc trở thành đối tượng xâm lược của nhiều nước tư bản, trước hết là Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Đức... Năm 1911, Tôn Trung Sơn lãnh tụ của Quốc dân Đảng lãnh đạo cuộc cách mạng Tân Hợi lật đổ chế độ chuyên chế thống trị Trung Quốc mấy nghìn năm, thành lập Trung Hoa Dân Quốc. Sau khi Tôn Trung Sơn qua đời, Tưởng Giới Thạch lên nắm quyền lãnh đạo Quốc dân Đảng. Năm 1937, phát xít Nhật mở rộng chiến tranh xâm lược Trung Quốc. Tháng 8-1945, quân đội Liên Xô đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật, giải phóng Mãn Châu, buộc phát xít Nhật đầu hàng dộng minh. Ngay sau đó, ở Trung Quốc diễn ra cuộc nội chiến giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản. Năm 1949, lực lượng của Tưởng Giới Thạch thất bại phải chạy ra Đài Loan. Ngày 01- 10-1949, nước cộng hoà nhân dân Trăng Hoa được thành lập.


Chính thể: Nhà nước xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Các khu vực hành chính: (Có 22 tỉnh, 5 khu tự trị và 4 thành phố trực thuộc): An Huy, Bắc Kinh, Trùng Khánh, Phúc Kiến, Cam Túc, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Hải Nam, Hà Bắc, Hắc Long Giang, Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Giang Tô, Tế Lâm, Liêu Ninh, Nội Mông, Ninh Hạ, Thanh Hải, Thiểm Tây, Sơn Đông, Thượng Hải, Sơn Tây, Tứ Xuyên, Thiên Tân, Tân Cương, Tây Tạng, Vân Nam, Triết Giang. Trung Quốc vẫn xếp Đài Loan là một tỉnh.

Hiến pháp: Được công bố gần đây nhất vào ngày 04-10-1982.

Cơ quan hành pháp: Đứng đầu nhà nước là Chủ tịch. Đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng. Bầu cử Chủ tịch và Phó Chủ tịch do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc bầu nhiệm kỳ 5 năm. Thủ tướng do Chủ tịch đề cử, được Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc thông qua.

Cơ quan lập pháp: Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc nhiệm kỳ 5 năm. Các thành viên do Đại hội đại biểu nhân dân các tỉnh, thành phố, khu vực bầu, tổng số 2.979 ghế.

Cơ quan tư pháp: Toà án nhân dân Tối cao, các thẩm phán do Hội nghị nhân dân toàn quốc bổ nhiệm.
Chế độ bầu cử: Từ 18 tuổi trở lên, phổ thông đầu phiếu.

Đảng phái chính: Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập năm 1921.

Kinh tế. Từ cuối năm 1978, Trung Quốc đã tiến hành cải cách mở cửa, cố gắng chuyển nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa linh hoạt hơn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản nhằm thực hiện hiện đại hoá, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội mang dặc sắc Trung quốc. Khi cơn bão tài chính tiền tệ năm 1997 tác động nặng đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc đã chấp nhận để mức thu ngân sách giảm xuống còn 14% GDP, cam kết không phá giá đồng tiền để khuyến khích sức sản xuất của các thành phần kinh tế trong nước. Nhờ đó vẫn bao đảm nhịp độ tăng trưởng GDP hàng năm trên 8%. Kết quả là Trung Quốc đã thành công trong việc tránh được tác động của cuộc khủng hoảng. Bước sang thế kỷ XXI, Trung Quốc phấn đấu trong 10 năm đầu thực hiện tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc dân so với năm 2000; đến giữa thế kỷ về cơ bản thực hiện hiện đại hoá, xây dựng thành công một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa văn minh, dân chủ, giầu mạnh.


GDP theo PPP: 4.800 tỷ USD (1999). Tỷ lệ tăng GDP thực tế: 7,8% (1998). GDP bình quặm đầu người theo PPP: 3.800 USD (1999). Cơ cấu GDP theo khu vực (1999): Nông nghiệp 15%, Công nghiệp 35%, Dịch vụ 50%. Tỷ lệ lạm phát tiêu dùng: -1,3% (1999).


Quan hệ quốc tế: Tham gia các tổ chức quốc tế AFLDB, APEC, AsDB, BIS, ESCAP, G-77, IAEA, IBRD, ICAO, IFAD, ILO, IMF, IMO, IOC, ISO, ITU, UN, UNCTAD, UNESCO, UNIDO, UPU, WHO, WIPO, Interpol, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc...


Danh lam thắng cảnh: Cấm Thành, Cố cung, Điếu Ngư đài... ở Bắc Kinh; Vạn Lý Trường Thành, Thượng Hải, Tây An, Hàng Châu, Nam Kinh, Tây Tạng, Côn Minh, Quảng Châu...

Khu hành chính đặc biệt Hồng Công: Gồm hai bộ phận là đảo Hồng Công và một phần bán đảo Cửu Long, nằm ở bờ biển phía Đông nam Trung Quốc. Diện tích: 1.092 km2. Số dân: 7.116.302 người (2000). Năm 1842, thực dân Anh chiếm Hồng Công. Năm 1898, thực dân Anh mua Hồng Công của Trung Quốc với thời hạn 99 năm. Năm 1941, phát xít Nhật chiếm Hồng Công. Theo hiệp ước được ký kết giữa Anh và Trung Quốc năm 1984, ngày 01-7-1997 Anh trao trả Hồng Công cho Trung Quốc. Các cuộc đàm phán về Hồng Công giữa Chính phủ Trung Quốc và Anh đã diễn ra bởi nhiều phiên họp để tìm ra một giải pháp trong việc bàn giao và tương lai về chính trị - kinh tế của Hồng Công. Hồng Công được coi là khu hành chính đặc biệt của Trung Quốc. Kinh tế: Phụ thuộc vào thương mại quốc tế, xuất khẩu. GDP theo PPP 158,2 tỷ USD (1999); tỷ lệ tăng GDP thực tế 1,8% (1999); GDP bình quân đầu người theo TPPP 23.100 USD (1999). Xuất khẩu 169,98 tỷ USD (1999). Nhập khẩu 174,4 tỷ USD (c.i.f. 1999).


Khu hành chính đặc biệt Ma Cao: Lãnh thổ nằm ở miền duyên hải phía Nam Trung Quốc. Diện tích: 16 km2. Số dân: 445.590 người (2000). Năm 1553, các lái buôn Bồ Đào Nha đến Ma Cao và thuê mảnh đất này của triều đình phong kiến Trung Quốc. Năm 1557, Bồ đào Nha thành lập cơ quan hành chính ở đây. Năm 1850, Ma Cao trở thành đất tô nhượng của Bồ Đào Nha. Năm 1887, theo hiệp định ký với triều đình Trung Quốc thì Bồ Đào Nha được cai quản "vĩnh viễn" Ma Cao. Thực hiện hiệp định ký ngày 13-4-1987 giữa Chính phủ Trung Quốc và Bồ Đào Nha, Ma Cao trở thành Khu hành chính đặc biệt của Trung Quốc từ ngày 20-12-1999. Kinh tế. Chủ yếu dựa vào du lịch (chiếm một phần tư GDP) và ngành dệt (chiếm ba phần tư số thu từ xuất khẩu), công nghiệp được đa dạng hoá với các ngành sản xuất đồ chơi, điện tử và hoa giả. GDP theo PPP 7,6 tỷ USD (1999); tỷ lệ tăng GDP thực tế 4% (1998); GDP bình quân đầu người theo PPP 17.500 USD (1998). Xuất khẩu 1,7 tỷ USD (1999). Nhập khẩu 1,5 tỷ USD (c.i.f 1999).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #56 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2012, 09:54:51 pm »

Chương I
TỔNG QUAN ĐẶC ĐIỂM KHU VỰC BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN VIỆT NAM – TRUNG QUỐC

1. Đường biên giới

Đường biên giới đất liền giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà nhân dân Trung Hoa dài khoảng 1.406 km (điểm khởi đầu ở vùng A Pa Chải tại vị trí ngã ba biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào, điểm cuối ở trên bờ cửa sông Bắc Luân):

- Tỉnh Điện Biên (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đường biên giới dài khoảng 56 km.

- Tỉnh Lai Châu (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đường biên giới dài khoảng 279 km.

- Tỉnh Lào Cai (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đường biên giới dài khoảng 178 km.

- Tỉnh Hà Giang (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Vân Nam trung Quốc). Đường biên giới dài khoảng 247 km.

- Tỉnh Cao bằng (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Đường biên giới dài khoảng 285 km.

- Tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Đường biên giới dài khoảng 208 km.

- Tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Đường biên giới dài khoảng 109 km.


Cột mốc ngã ba biên giới A Pa Chải



Cột mốc cửa sông Bắc Luân


Phía Trung Quốc có 14 huyện biên giới:

- Tỉnh Vân Nam có bảy huyện là Phú Linh, Ma Ly Pho, Mã Quan, Bình Biên, Kim Bình, Lục Xuân và Giang Thành.

- Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây có bảy huyện là Phòng Thành, Ninh Minh, Bằng Tường, Long Châu, Đại Tân, Nà Po và Trịnh Tây.

Đường biên giới trên đi qua 7 tỉnh biên giới phía Việt Nam (với 31 huyện thị, 102 xã phường biên giới) và tỉnh Vân Nam, khu tự trị dân tộc Choang tỉnh quảng Tây phía Trung quốc.


Phía Việt Nam có 33 huyện, thị xã, thành phố biên giới:

- Tỉnh Điện Biên có một huyện Mường Nhé.

- Tỉnh Lai Châu có ba huyện là Mường Tè, Phong Thổ và Sìn Hồ.

- Tỉnh Lào Cai có bốn huyện là Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng và Bát Xát.

- Tỉnh Hà Giang có bảy huyện là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần.

- Tỉnh Cao Bằng có chín huyện là Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông, Hà Quảng, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hạ Lang, Hà Quảng và Thạch An.

- Tỉnh Lạng Sơn có năm huyện là Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình và Đình Lập.

- Tỉnh Quảng Ninh có hai huyện là Quảng Hà và Bình Liêu.


Phần lớn đường biên giới chạy qua vùng núi cao phức tạp theo hướng chung Tây - phắc và Đông - Nam (khoảng 63,5% theo đường phân thuỷ). Một phần đường biên giới đi theo các sông, suối (26,3%). Còn lại là đi theo các đoạn kẻ thẳng hoặc các dạng địa hình khác (khoảng 10%).


Trên vùng biên giới hiện còn tồn tại một số mốc giới và dấu vết mốc giới do chính quyền Pháp và nhà Thanh cắm trong những năm 1889 - 1897 trên cơ sở hai Công ước hoạch định biên giới Pháp - Thanh năm 1887 và 1895. Hầu hết các cột mốc này đã bị hư hong, biến dạng, có nhiều mốc ở sai vị trí ban đầu.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #57 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2012, 09:59:30 pm »

2. Địa hình

Đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc chạy qua một vùng địa hình có cấu trúc rất phức tạp, có mức độ chia cắt dịa hình lớn. Các dãy núi được cấu tạo chủ yếu từ nham thạch, đá vôi và đá gres bị xói mòn, về hình dáng thì phần lớn có hình vòng cung với hướng chính Tây bắc - Đông Nam. Độ dốc chung của vùng biên giới từ Tây sang Đông, phía Tây có những dải núi cao hơn 2000 mét, cá biệt có ngọn núi cao hơn 3000 m như ngọn Phăng-xi-phăng cao 3.143 m, thấp dần về phía Đông và cuối cùng là dải đồng bằng nhỏ hẹp ven Vịnh Bắc Bộ.


Đoạn biên giới thuộc tỉnh Điện Biên chạy theo đường phân thuỷ giữa hai nước, phần lớn có độ cao trên 2000 m đến 3000 m, đồng thời có mức độ chia cắt địa hình lớn, việc đi lại khó khăn.

Đoạn biên giới thuộc tỉnh Lai Châu chạy theo đường phân thuỷ giữa hai nước, phần lớn có độ cao trên 2000 m đến 2.900 m, có mức độ chia cắt địa hình lớn, cứ khoảng một km lại có khe, suối làm cho việc đi lại rất khó khăn.


Đoạn biên giới thuộc tỉnh Lào Cai có dãy núi Hoàng Liên Sơn với ngọn núi cao nhất Phăng-xi-phăng được gọi là nóc nhà của Đông Dương, vươn ra biên giới với hàng loạt đỉnh cao từ 1.300 m đến 2.900 m.

Đoạn biên giới thuộc tỉnh Hà Giang có cao nguyên Đồng Văn cao từ 1 500 m đến 2.300 m với nhiều đỉnh cao ở dọc biên giới.

Đoạn biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng, đi về phía Tây địa hình dọc biên giới nhanh chóng chuyển thành núi non hiểm trở với nhiều núi đá nhiều dãy núi cao trên 1.000 m đến 2.000 m.

Đoạn biên giới thuộc tỉnh Lạng Sơn có một phần là những đồi thấp, còn lại là những đỉnh núi cao trung bình từ 300 m đến 800 m, cá biệt có núi Mẫu Sơn cao 1.200 m.

Đoạn biên giới thuộc tỉnh Quảng Ninh xuất phát là một dải đồng bằng ven biển có cửa sông Bắc Luân, tiếp đó là địa hình cao dần lên trên một vùng toàn đồi núi, chuyển dần từ đồi trọc tương đối thấp đến núi cao, độ cao trên dưới 500 m nối liền phía Tây là dãy núi Bắc Cương cao hơn 800 m.


Trước đây, khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc được che phủ chủ yếu là rừng, nhưng do sự khai thác không có kế hoạch và tình trạng đốt rừng làm nương rẫy nên diện tích che phủ của rừng bị giảm sút nghiêm trọng. Mặt khác, khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc là đầu nguồn của nhiều con sông, suối quan trọng như sông Hồng, sông Đà, khi bị mất thảm thực vật che phủ dẫn đến xói lở, lũ ống, lũ quét không chỉ cho miền đồng bằng ở hạ lưu mà còn tác động trực tiếp đến các vùng dân cư ở miền núi.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #58 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2012, 08:21:37 am »

3. Sông, suối biên giới

Nhìn chung, mỗi tỉnh biên giới của Việt Nam giáp Trung Quốc đều có đường biên giới đi theo sông, suối.
Các sông này là những sông miền núi, độ dốc lớn, mùa kiệt ít nước, nhiều sông có thể lội qua được. Mùa lũ nước thường chảy hung dữ, có thể gây ra lũ quét có sức tàn phá lớn. Sông, suối biên giới Việt Nam - Trung Quốc trong điều kiện tự nhiên ít biến đổi. Tuy nhiên, khi có sự can thiệp của con người xây dựng các công trình trên sông làm thay đổi trục dòng chảy, lạch sâu, gây xói lở bờ, dẫn đến thay đổi hướng đi của đường biên giới.


Theo Hiệp ước biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc ký ngày 30-12-1999, trong tổng số 1.406 km chiều dài đường biên giới trên toàn tuyến, có hơn 369 km đường biên giới đi theo sông, suối (chiếm khoảng 26,3%) - Bảng 1.

Bảng 1. Các đoạn đường biên giới Việt – Trung



Đường biên giới trên sông, suối thuộc từng tỉnh có chiều dài dược xác định cụ thể như sau:

Lai Châu có khoảng 80,278 km (bao gồm cả Điện Biên);

Lao Cai có khoảng 135,549 km;

Hà Giang có khoảng 30,397 km;

Cao Bằng có khoảng 33,999 km;

Lạng Sơn có khoảng 6,892 km;

Quảng Ninh có khoảng 82,67 km.


Sông, suối biên giới đa số là sông, suối nhỏ, lòng chảy có độ dốc lớn, nước chảy xiết, nhiều ghềnh thác, ít có giá trị về giao thông thuỷ. Thực tế chỉ có một đoạn sông Hồng, một đoạn sông Ka long và một đoạn sông Bắc Luân là có thể sử dụng vào mục đích giao thông đường thuỷ cho tàu, thuyền có trọng tải nhỏ nhưng cũng phải cải tạo cho thông thoáng mới sử dụng được luồng.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #59 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2012, 08:26:39 am »

4. Khí hậu, thời tiết
Khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc chịu ảnh hưởng của khí hậu gió mùa đặc trưng vùng Đông Nam Á. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11 (dương lịch), lượng mưa cao nhất vào khoảng tháng 7, tháng 8. Mùa khô thường bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, khô nhất là khoảng tháng 12, tháng 01. Tuy nhiên, hầu như tháng nào cũng có mưa, nên các sông, suối ở khu vực biên giới có nước quanh năm.


5. Giao thông trong khu vực biên giới
Cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới kém phát triển, đường ô tô chủ yếu đến các cửa khẩu, các đường vành đai ở quá xa biên giới, chưa thông tuyến và xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống đường liên xã còn nghèo nàn, nhiều vị trí trên đường biên, vị trí mốc giới phải di bộ nhiều ngày đường mới tới nơi.


6. Cửa khẩu biên giới
Đến thời điểm tháng 5-2005, trên toàn quyền biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc có 21 cặp cửa khẩu, gồm 4 cặp cửa khẩu quốc tế, 3 cặp cửa khẩu quốc gia và 14 cặp cửa khẩu địa phương. Ngoài ra, các tỉnh biên giới của hai bên còn thoả thuận mở các đường qua lại tạm thời - Bảng 2. 

Bảng 2 - Cửa khẩu biên giới Việt - Trung

Trong số các cửa khẩu nêu trên, có bốn cặp cửa khẩu là Đồng Đăng - Bằng Tường, Hữu Nghị - Hữu Nghị quan, Móng Cái - Đông Hưng, Lào Cai - Hà Khẩu là cửa khẩu cho người mang hộ chiếu có thị thực xuất - nhập cảnh và những người mang giấy thông hành xuất - nhập cảnh hoặc quá cảnh của nước thứ ba cũng như hàng hoá mậu dịch qua lại.


Ba cặp cửa khẩu là Tà Lùng - Thuỷ Khẩu, Ma Lu Thàng - Kim Thủy, Thanh Thuỷ - Thiên Bảo cho những người mang hộ chiếu có thị thực xuất - nhập cảnh và những người mang giấy thông hành xuất - nhập cảnh vùng biên giới của hai bên cũng như các hàng hoá mậu dịch địa phương và mậu dịch biên giới.

Các của khẩu còn lại chỉ mở cho những người mang giấy thông hành xuất - nhập cảnh vùng biên giới và các hàng hoá mậu dịch biên giới.


7. Dân cư trong khu vực biên giới
Dân cư ở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc đại bộ phận là dân tộc thiểu số, gồm hơn 20 dân tộc như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Hoa, Lô Lô, Dáy, Hà Nhì, Tu Dí, Phù Lá, Mường, U Nì, Sán Chỉ, Mãn, Cỏ Xung, Xạ Phong v.v... Dân cư tập trung đông nhất ở vùng giáp biển (Móng Cái), ở các thị xã, thị trấn biên giới, dọc các thung long lớn như thung lũng sông Hồng xung quanh Lào Cai và ven bờ sông, suối lớn. Ngược lại, ở những vùng khác, đặc biệt về phía Tây sông Hồng, mật độ dân cư thấp, nhiều khu vực hẻo lánh không có dân. Do đã có quá trình phát triển từ lâu đời, trong khu vực biên giới (trừ Điện Biên, Lai Châu) đều là những vùng dân cư cư trú sinh sống khá đông đúc ở sát đường biên giới, có quan hệ mật thiết lâu đời, thường có quan hệ thân tộc, cùng dòng họ, cùng phong tục tập quán, tiếng nói. Cũng từ những đặc điểm này đã nảy sinh nhiều phức tạp về hôn nhân, ma chay, cư trú, đi lại quá biên giới.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM