Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:58:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng  (Đọc 310330 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #40 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 04:38:32 pm »

12. Tỉnh Quảng Bình

Diện tích khoảng 8.052 km2

Dân tộc: Việt, Bíu, Vân Kiều, Chức, Lào...

Tỉnh lị là thành phố Đồng Hới.

Các huyện: Tuyên Hoá, Minh Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ.



Vùng đất Quảng Bình có lịch sử khá lâu dài, phức tạp. Thời các vua Hùng, cùng với Quảng Trị, nơi đây thuộc bộ Việt Thường. Sau đó, vùng đất này khi thì thuộc quận Cửu Chân thời Triệu Đà, khi thì nằm ngang quận Nhật Nam thời nhà Hán. Trong các triều Chiêm Thành, Quảng Bình là các châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh. Từ năm 1075, đổi làm châu Lâm Bình. Từ năm 1361, đổi gọi là phủ Tân Bình. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, vùng đất này bị chia làm hai, từ Nam sông Gianh trở vào thuộc chúa Nguyễn, từ Bắc sông Gianh trở ra thuộc chúa Trịnh. Đời Lê trung hưng đổi thành Tiên Bình. Năm 1604 đổi là Quảng Bình. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên và Đào Duy Từ sai đắp các thành luỹ Trường Dục, luỹ Đồng Hới, Nguyễn Hữu Dật đắp luỹ Trường Sa, Nguyễn Hữu Tiến đắp luỹ Sa Phụ để chống nhau với Chúa Trịnh. Chúa Nguyễn Phúc Khoát chia Quảng Bình ra làm ba dinh là Bố Chánh (dinh Ngói), Lưu Đồn (dinh Mười) và Quảng Bình (dinh Trạm). Từ năm 1786, đổi gọi là Thuận Lý. Năm 1801, Gia Long lấy hai huyện Lệ Thuỷ và Phong Lộc và hai châu Bố Chính nội, ngoại (Bắc Bố Chính và Nam Bố Chính) làm dinh Quảng Bình. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) đặt phủ Quảng Ninh và tỉnh Quảng Bình, năm thứ 17 đặt thêm phủ Quảng Trạch. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Quảng Bình có hai phủ là Quảng Ninh và Quảng Trạch. Năm 1976, hợp nhất ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên thành tỉnh Bình Trị Thiên. Từ ngày 01-7-1989, theo quyết định của Quốc hội Khoá VII kỳ họp thứ 5, tỉnh Quảng Bình được tái lập.


Tỉnh Quảng Bình hiện nay là tỉnh thuộc miền Trung của Việt Nam. Phía bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh. Phía Đông giáp biển Đông. Phía Tây giáp nước Lào. Phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị. Thành phố Đồng Hới cách Hà Nội 491 km đường bộ.


Địa hình tương đối phức tạp, núi rừng sát biển tạo thành độ dốc cao dần từ Đông sang Tây. Đồng bằng nhỏ hẹp, chủ yếu tập trung theo hai bờ sông chính. Có nhiều sông ngòi. Nhiệt độ trung bình 25 - 26°C. Giao thông thuận tiện.


Tỉnh Quảng Bình có đường biên giới giáp nước Lào dài 186 km. Có 5 huyện, 8 xã biên giới:

- Huyện Tuyên Hoá có 1 xã Thanh Hoá;

- Huyện Minh Hoá có 3 xã (Dân Hoá, Thượng Hoá, Hoá Sơn);

- Huyện Bố Trạch có 1 xã Thượng Trạch;

- Huyện Quảng Ninh có 1 xã Trường Sơn;

- Huyện Lệ Thuỷ có 2 xã (Ngân Thuỷ, Kim Thuỷ).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #41 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 04:57:08 pm »

13. Tỉnh Quảng Trị

Diện tích khoảng 4.746 km2

Dân tộc: Việt, Bíu, Vân Kiều, Paco, Tà Ôi, Nùng, S'tiêng, Xu Đăng...

Tỉnh lị là thị xã Đông Hà. Có 1 thị xã Đông Hà và các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Hướng Hoá, Đak Rông, Cồn Cỏ.



Đời Trần là đất châu Thuận. Đời Lê là một phần của phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hoá gồm cả châu Thuận Bình và Sa Bôi ở phía Đông tỉnh Sa-vẳn-nạ-khệt nước Lào. Đời chúa Nguyễn là Chính Dinh. Năm 1831, tỉnh Quảng Trị được thành lập. Năm 1896 đời vua Thành Thái, hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên dưới quyền cai trị trực tiếp của Khâm sứ Trung Kỳ. Năm 1900 đặt tỉnh Quảng Trị riêng biệt và là một trong 19 tỉnh, thành phố của Trung Kỳ. Năm 1954, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ đặt giới tuyến quân sự tạm thời ở sông Bến Hải, vĩ tuyến 17. Năm 1976, hợp nhất các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và khu vực Vĩnh Linh tỉnh Thừa Thiên thành tỉnh Bình Trị Thiên. Từ ngày 01-7-1989, theo quyết định của Quốc hội Khoá VII kỳ họp thứ 5, tỉnh Quảng Trị được tái lập.


Ngày nay, Quảng Trị là một tỉnh ở miền Trung của Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình. Phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế. Phía Tây giáp tỉnh Sa-vẳn-nạ-khệt của nước Lào. Phía Đông giáp biển Đông với đường bờ biển dài 75 km. Thị xã Đông Hà cách Hà Nội 582 km.


Địa hình đa dạng bao gồm núi, đồi, đồng bằng, cồn cát và bãi biển chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Bờ biển dài 75 km. Mạng lưới sông ngòi dày đặc. Khí hậu khắc nghiệt, có gió Tây Nam và gió Lào rất nóng.
Tỉnh Quảng Trị có đường biên giới giáp nước Lào dài 182 km. Có 2 huyện, 16 xã biên giới:

- Huyện Đak Rông có 4 xã (A Bung, A Ngo, A Vào, Pa Nang);

- Huyện Hướng Hoá có 12 xã (Hướng Lập, Hướng Phùng, thị trấn lao Bảo, Tân Long, Tân Thành, Thuận, Thanh, A Xing, A Túc, Xi, Pa Tầng, A Dơi).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #42 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 04:58:23 pm »

14. Tỉnh Thừa Thiên - Huế

Diện tích: 5.054 km2

Dân tộc: Việt, Tà Ôi, Cà Tu, Bíu, Vân Kiều, Hoa...

Tỉnh lị là thành phố Huế. Các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thuỷ, Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông.



Vùng đất sông Hương - núi Ngự có một lịch sử khá lâu dài, phức tạp Vùng đất này chính thức hoà nhập vào Việt Nam từ năm 1306 sau sự kiện sáp nhập đất châu Ô - Lý vào Đại Việt. Kể từ khi Nguyên Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá năm 1558, nơi đây trở thành trung tâm chính trị, văn hoá của Đàng Trong. Dưới vương triều Nguyễn, phủ sở tại của kinh đô Huế đặt năm 1821 thay cho tên cũ dinh Quảng Đức đời Gia Long. Phủ "phụ kỳ" của kinh đô. Sau năm 1945, phủ Thừa Thiên đổi gọi là tỉnh Thừa Thiên. Năm 1976, hợp nhất ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên thành tỉnh Bình Trị Thiên. Từ ngày 01-7-1989, theo quyết định của Quốc hội Khoá VII kỳ họp thứ 5, thành lập tỉnh Thừa Thiên - Huế.


Hiện nay, Thừa Thiên - Huế là một tỉnh ở miền Trung của Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Trị. Phía Nam giáp thành phố Đà Nẵng. Phía Tây Nam giáp tỉnh Quảng Nam. Phía Tây dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ giáp nước Lào. Phía Đông giáp biển Đông. Thành phố Huế cách Hà Nội 660 km.


Địa hình của tỉnh có cấu tạo dạng bậc khá rõ. Vùng núi chiếm khoảng 1/4 diện tích nằm ở vùng biên giới Việt Nam - Lào và kéo dài đến Đà Nẵng. Địa hình trung du chiếm khoảng 1/2 diện tích độ cao phần lớn dưới 500 m, có đặc điểm chủ yếu là đỉnh rộng, sườn thoải, phần lớn là đồi bát úp với chiều rộng vài trăm mét. Đồng bằng của tỉnh là một phần của đồng bằng duyên hải miền Trung, bề ngang hẹp và chiều dọc kéo dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam song song với bờ biển. Hầu hết các sông lớn của tỉnh đều bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn, chảy ngang qua đồng bằng, xuống đầm phá, chảy ra biển. Bờ biển của tỉnh dài 120 km có cảng biển Thuận An và vịnh Chân Mây có khả năng xây dựng cảng nước sâu. Khí hậu đủ bốn -mùa, nhiệt độ trung bình cả năm 25°C.


Giao thông rất thuận lợi. Tỉnh Thừa Thiên - Huế có đường biên giới tiếp giáp với nước Lào dài 68 km. Có 1 huyện A dưới, với 12 xã biên giới (Hồng Thuỷ, Hồng Vân, Hồng Trung, Hồng Bắc, Nhâm, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hương Phong, Đông Sơn, A Đớt, A Ràng, Hương Nguyên).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #43 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 05:00:43 pm »

15. Tỉnh Quảng Nam

Diện tích khoảng 10.408 km2

Dân tộc: Việt, Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Co...

Tỉnh lị là thị xã Tam Kỳ. Có 01 thị xã Hội An và các huyện: Tây Giang, Đông Giang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Nam Giang, Thăng Bình, Quế Sơn.



Trong tiến trình lịch sử, vùng đất Quảng Nam cùng với Đà Nẵng được tạo lập trên con đường phát triển về phía Nam của nhiều thế hệ người Việt. Xưa nguyên là đất Nhật Nam đời Hán, đến đời Tuỳ là đất Chiêm Thành. Đời Hồ Quý Ly lấy đất Đại Chiêm và Cổ Luỹ đặt làm bốn châu Thăng, Hoa (nay thuộc tỉnh Quảng Nam) và Tư, Nghĩa (nay thuộc tỉnh Quảng Ngãi). Đời Lê Sơ gọi là Nam Giới. Vua Hồng Đức lập ra đạo Quảng Nam. Chúa Nguyễn chia đặt các dinh Quảng Nam, Quảng Nghĩa và phủ Quy Nhơn. Năm 1808, Gia Long đổi dinh làm trấn. Năm 1832, Minh Mạng đổi trấn làm tỉnh, còn gọi là Nam Trực (ở phía Nam kinh kỳ Phú Xuân). Thời Mỹ ngụy chia tỉnh Quảng Nam thành hai tỉnh, Quảng Nam ở phía Bắc tỉnh lị là Đà Nẵng và tỉnh Quảng Tín tỉnh lị là Tam Kỳ. Chính phủ Cách mạng lâm thời gọi là tỉnh Quảng Đà ở phía Bắc, Quảng Nam ở phía Nam. Năm 1976 Quảng Nam cùng với Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng hợp nhất thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngày 6-11-1996, Quốc hội Khoá IX kỳ họp thứ 10 tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương.


Ngày nay, tỉnh Quảng Nam nằm ở giữa miền Trung của Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Phía Tây giáp nước Lào. Phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi. Phía Đông giáp biển Đông.
Quảng Nam là tỉnh có nhiều núi và đồi, chiếm 72% diện tích với nhiều ngọn núi cao như núi Lum Heo cao 2.045 m, núi Tiến cao 2.032 m, núi Gole Lang cao 1.855 m. Vùng đất thấp ven biển là đồng bằng châu thổ. Các con sông lớn đều chảy từ dãy núi Trường Sơn ra biển Đông. Tỉnh có hai loại khí hậu khá rõ rệt là khí hậu của vùng nhiệt đới ven biển và khí hậu ôn đới vùng cao. Nhiệt động trung bình hàng năm là 25°C.

Tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với nước Lào dài 115 km. Có 2 huyện, 12 xã biên giới:

- Huyện Hiên có 8 xã (A Tiếng, Pha Lê, A Nông, Lăng, Tr'hy, A Xan, Ch"ơm, Ga Ri);

- Huyện Nam Giang có 4 xã (La Ê Ê, La Dê, Đăk Pre, Đăk Prinh).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #44 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 05:02:08 pm »

16. Tỉnh Kon Tum

Diện tích khoảng 9.615 km2

Dân tộc: Việt, Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai...

Tỉnh lị là thị xã Kon Tum. Các huyện: Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Kon Rẫy, Kon Plông, Đăk Hà, Sa Thầy, Tu Mơ Rông.



Vùng đất Tây Nguyên thuộc vào lãnh thổ của nước Đại Việt từ cuối thế kỷ XIV. Năm 1834 dưới triều vua Minh Mạng, Phan Huy Chú lập bản đồ toàn lãnh thổ nước Việt Nam (Đại Nam thống nhất toàn đồ). Trên bản đồ này, Tây Nguyên được thể hiện với những đường sông núi, đường phân thuỷ giữa lưu vực sông Cửu Long và Biển Đông. Từ năm 1900, bắt đầu thành lập các đơn vị hành chính tỉnh của Tây Nguyên. Năm 1905, tỉnh Kon Tum được thành lập. Năm 1907 bị chia thành hai đạo (đạo Kon Tum thuộc vào tỉnh Bình Định, đạo Cheo Reo thuộc vào tỉnh Phú Yên). Năm 1913 thành lập lại tỉnh Kon Tum gồm hai đại lý hành chính Buôn Mê Thuột và Cheo Reo, nhưng vì địa thế quá rộng, năm 1923 cắt Buôn Mê Thuột làm tỉnh Đắc Lắc. Năm 1932 lại tách đặt tỉnh Pleiku mà Nam triều gọi là tỉnh Trà Cú sau là tỉnh Gia Lai. Đến cuối thời kỳ Pháp thuộc, Việt Nam có 69 tỉnh thì Kon Tum là một trong 19 tỉnh của Trung Kỳ. Từ năm 1945, Kon Tum vẫn giữ tên cũ và là một trong 69 tỉnh của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Từ năm 1975, nhập hai tỉnh Kon Tum và Pleiku thành tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Từ năm 1991, tách tỉnh Gia Lai - Kon Tum, tỉnh Kon Tum tái thành lập.


Kon Tum là một tỉnh phía bắc cao nguyên Gia lai - Kon Tum. Phía Tây giáp nước Campuchia và giáp nước lào. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam. Phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi. Phía Nam giáp tỉnh Gia Lai. Thị xã Kon Tum cách Buôn Mê Thuột 246 km, cách Quy Nhơn 215 km, cách Pleiku 49 km.


Phần lớn lãnh thổ Kon Tum nằm ở phía Đông của dãy Trường Sơn, địa hình thấp dần từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam. Có trên 50% diện tích là rừng. Tỉnh có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm 23,4°C.


Kon Tum đường biên giới tiếp giáp Lào dài 150 km và tiếp giáp Campuchia dài 95 km.

Với Lào, có 2 huyện, 7 xã biên giới: Huyện Đăk Glei có 3 xã (Đăk Blô, Đăk Nhoáng, Đăk Long); huyện Ngọc Hồi có 4 xã (Đăk Dục, Đăk Nông, Đăk Sú, Bờ Y) với đường biên giới.

Với Campuchia có 2 huyện, 3 xã biên giới: Huyện Ngọc Hồi có 1 xã. Sa Loong; huyện Sa Thầy có 2 xã (Mo Rai, Cờ Rơi).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #45 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 05:03:31 pm »

17. Tỉnh Gia Lai

Diện tích khoảng 15.496 km2

Dân tộc: Việt, Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng...

Tỉnh lị là thành phố Pleiku. Có 1 thị xã An Khê và các huyện: Ayun Pa, Chư Pah, Chư Prông, Chư Sê, Đức Cơ, Ia Grai, Kbang, Krông Pa, Krong Chro, Mang Yang, Đăk Đoa, Ia Pa.



Gia Lai là một đạo thành lập năm 1932 tách ra từ tỉnh Kon Tum. Đầu tiên gọi là đạo Trà Cú, sau gọi là Gia Lai. Pháp gọi là Pleiku. Đến cuối thời kỳ Pháp thuộc, Việt Nam có 69 tỉnh thì Pleiku là một trong 19 tỉnh của Trung Kỳ. Từ năm 1945, Pleiku vẫn giữ tên cũ và là một trong 69 tỉnh của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Từ năm 1975, nhập hai tỉnh Kon Tum và Pleiku thành tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Từ năm 1991, tách tỉnh Gia lai - Kon Tum, thành lập tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai.


Tỉnh Gia Lai ngày nay là tỉnh ở phía Bắc Tây Nguyên trên độ cao 600 - 800 m so với mặt biển. Phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum. Phía Nam giáp tỉnh Đắc Lắc. Phía Tây giáp Campuchia. Phía Đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Thành phố Pleiku cách Quy Nhơn 180 km.


Gia Lai là tỉnh đầu nguồn của nhiều hệ thống sông đổ về miền duyên hải và Campuchia. Có khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, nhiệt độ trung bình 21 - 25°C.

Tỉnh Gia Lai có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Ra-ta-na-ki-ri (Campuchia) dài 90 km. Có 3 huyện, 6 xã biên giới:

- Huyện Ia Grai có 2 xã (Ia O, Ia Chia);

- Huyện Đức Cơ có 3 xã (Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn);

- Huyện Chư Prông có 1 xã Ia Puch.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #46 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 05:05:15 pm »

18. Tỉnh Đắc Lắc

Diện tích khoảng 13.062 km2

Dân tộc: Việt, Ê Đê, Nùng, M'nông, Tày...

Tỉnh lị là thành phố Buôn Mê Thuột. Các huyện: Ea H'leo, Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M'gar, Krông Búk, Krông Năng, Ea Kar, M'Đrắc, Krông Bông, Krông Păk, Krông Ana, Lăk.



Tỉnh Đắc Lắc thành lập năm 1900. Trong thời Mỹ ngụy Sài Gòn, tỉnh Đắc Lắc bị cắt một phần phía Tây sông Srêpôk để thành lập tỉnh Quảng Đức. Sau nhập lại làm một tỉnh Đắc Lắc và nay tách thành hai tỉnh mới là Đắc Lắc và Đắc Nông.


Tỉnh Đắc Lắc nằm trên cao nguyên Đắc lắc, có độ cao trung bình 400 - 800 m so với mặt biển. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Gia Lai. Phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắc Nông. Phía Tây giáp Campuchia. Phía Đông giáp tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hoà. Thành phố Buôn Mê Thuột cách Hà Nội 1.410 km.


Là tỉnh có nhiều núi, rừng, có vùng đất đỏ mầu mỡ và bằng phẳng rất thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, chăn nuôi và trồng rừng. Khí hậu tương đối ôn hoà, nhiệt độ trung bình 24°C.


Tỉnh đắc Lắc có 73 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Môn-đun-ki-ri (Campuchia). Có 2 huyện, 4 xã biên giới:

- Huyện Ea Súp có 3 xã (Ya Tờ Mốt, Ea Bung, Ya Lốp);

- Huyện Buôn Đôn có 1 xã Krông Na.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #47 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 05:09:40 pm »

19. Tỉnh Đắc Nông

Diện tích khoảng 6.514 km2

Dân tộc: Việt, M'nông, Ê Đê, Nùng, Tày...

Tỉnh lị là thị xã Gia Nghĩa. Các huyện: Đăk Glong, Đăk Rlấp, Đăk Mil, Đăk Song, Cư Jut, Krông Nô.



Là tỉnh mới tách ra từ tỉnh Đắc Lắc cũ, nằm về phía Đông Nam của Tây Nguyên. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh đắc Lắc. Phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Lâm Đồng. Phía Nam giáp tỉnh Bình Phước. Phía Tây giáp Campuchia.


Địa hình tỉnh thoai thoải hình bát úp, là khu vực đầu nguồn của nhiều sông, suối nên có nhiều cảnh quan, nhiều thác nước, có nhiều tiềm năng thuỷ điện. Khí hậu ôn hoà, nhiệt độ trung bình năm 22 - 24°C.

Tỉnh có 120 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Môn-đun-ki-ri (Campuchia). Có 3 huyện, 6 xã biên giới:

- Huyện Cư Jut có 1 xã Ea Pô;

- Huyện Đăk Mil có 3 xã (Đăk Lao, Thuận An, Thuận Hạnh);

- Huyện Đăk Rlấp có 2 xã (Quảng Trực, Đăk Buk So).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #48 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 05:13:25 pm »

20. Tỉnh Bình Phước

Diện tích khoảng 6.856 km2

Dân số (2003): 764.600 người. Dân tộc: Việt, Siêng, Khơ-me, M'nông...

Tỉnh lị là thị xã Đồng Xoài. Các huyện: Đồng Phú, Phước Long, Lộc Ninh, Bù Đăng, Chân Thành, Bù Đốp, Bình Long.



Là vùng đất thuộc tỉnh Biên Hoà xưa. Thời Pháp, thuộc tỉnh Thủ Dầu Một. Thời Mỹ ngụy, Bình Phước là một trong 44 tỉnh của miền Nam Việt Nam. Năm 1976, sáp nhập ba tỉnh Bình Phước, Phước Long và Bình Dương thành tỉnh mới gọi là Sông Bé. Năm 1996, tỉnh Sông Bé tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước.


Bình Phước hiện nay là một tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Nam Bộ của Việt Nam, ở vị trí tiếp giáp giữa đồng bằng và cao nguyên. Phía Bắc và Tây Bắc giáp Campuchia. Phía Nam giáp các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Phía Đông giáp các tỉnh Đắc Nông và Lâm Đồng. Phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh. Thị xã Đồng Xoài cách thành phố Hồ Chí Minh 128 km.


Tỉnh Bình Phước có nhiều rừng, ở Đông Bắc có ngọn núi Bà Rá cao 733 mét và dãy núi thấp quanh Lộc Ninh, còn lại là rừng bạt ngàn. Có hai con sông chảy từ Bắc xuống Nam là sông Sài Gòn và sông Bé. Khí hậu ẩm thấp, chia làm hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô.


Tỉnh Bình Phước có đường biên giới dài 212 km giáp Campuchia. Có 2 huyện, 12 xã biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh của Campuchia (Môn-đun-ki-ri, Cra-chê, Công-pông-chàm):

- Huyện Lộc Ninh có 10 xã (Lộc Thành, Lộc Thiện, Lộc Tấn, Lộc Hoà, Lộc An, Tân Thành, Tân Tiến, Thanh Hoà, Thiện Hưng, Hưng Phước);

- Huyện Phước Long có 2 xã (Đăk Ơ, Bù Gia Mập).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #49 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 05:14:42 pm »

21 . Tỉnh Tây Ninh

Diện tích khoảng 4.028 km2

Dân tộc: Việt, Chăm, Khơ-me...

Tỉnh lị là thị xã Tây Ninh. Các huyện: Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Hoà Thành, Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng.



Tây Ninh là tỉnh biên giới của miền Đông Nam Bộ, là nơi có lịch sử hình thành từ rất sớm. Khi chưa hình thành lục tỉnh Nam Kỳ, Tây Ninh là đất Rung Dam Rey của nước Phù Nam cổ. Khi các trấn ở xứ Nam Kỳ hình thành, Tây Ninh thuộc trấn Phiên An, dinh Gia Định được đặt làm Phiên trấn năm 1779 từ đời chúa Nguyễn Ánh. Năm 1831, nhà Nguyễn bỏ đơn vị hành chính lớn Bắc thành, chia đặt từ Quảng Trị trở ra thành 17 tỉnh. Năm 1832, Minh Mạng đặt các tỉnh ở xứ Nam Kỳ, gọi là tỉnh Phiên An, đến năm 1838 đổi tên thành tỉnh Gia Định gồm ba phủ Tân Bình, Tân An, Tây Ninh. Sau khi chiếm xong "Lục tỉnh Nam Kỳ", năm 1889 thực dân Pháp tiến hành chia “Lục tỉnh Nam Kỳ" thành 20 tỉnh và hai thành phố, tỉnh Gia Định cũ được Pháp chia thành bốn tỉnh mới, trong đó thành lập tỉnh Tây Ninh trên đất phủ Tây Ninh cũ gồm 10 tổng và 50 làng. Thời Mỹ - ngụy, Tây Ninh là một trong 44 tỉnh của miền Nam Việt Nam.


Tây Ninh hiện nay là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ. Phía Bắc giáp Campuchia với 240 km đường biên giới. Phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và Long An. Phía Đông giáp các tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Thị xã Tây Ninh cách thành phố Hồ Chí Minh 99 km.


Tây Ninh là nơi tiếp giáp vùng núi cao nguyên Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, thuộc miền đất cao của Nam Bộ. Phía Bắc của tỉnh từ thị xã Tây Ninh trở lên nhiều rừng núi, cao nhất là núi Bà Đen cao 986 m. Phía Nam đất khá bằng phẳng. Có hai con sông lớn chảy qua là sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn. Tỉnh có khí hậu nóng ấm, ôn hoà quanh năm, nhiệt độ trung bình hằng năm 26 - 27°C.


Tỉnh Tây Ninh có đường biên giới dài 240 km tiếp giáp với 3 tỉnh của Campuchia (Công-pông-chàm, Svey-riêng, Prây-veng). Có 5 huyện, 20 xã biên giới:

- Huyện Tân Châu có 4 xã (Tân Hoà, Tân Đông, Tân Hà, Suối Ngô);

¬- Huyện Tân Biên có 3 xã (Tân Lập, Tân Bình, Hoà Hiệp);

- Huyện Châu Thành có 6 xã (Phước Vinh, Hoà Thạnh, Hoà Hội, Thành Long, Ninh Điền, Biên Giới);

- Huyện Bến Cầu có 5 xã (Long Phước, Long Khánh, Long Thuận, Lợi Thuận, Tiên Thuận);

- Huyện Trảng Bàng có 2 xã (Phước Chỉ, Bình Thạnh).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM