Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:49:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng  (Đọc 310377 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #30 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2012, 07:52:51 pm »

2. Tỉnh Lạng Sơn

Diện tích khoảng 8.305 km2.

Dân tộc: Việt, Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Chay, Ngái...

Tỉnh lị là thành phố Lạng Sơn. Có 10 huyện: Tràng Định, Văn Lãng, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập.


Ngay từ thời xa xưa, hai từ "xứ Lạng" đã được ghi vào sử sách. Thời các vua Hùng, vùng đất Lạng Sơn nằm trong bộ Lục Hải. Đời Trần gọi là lộ Lạng Giang. Năm 1397 đổi làm trấn Lạng Giang. Đời Minh gọi là phủ Lạng Sơn. Năm 1466 đặt làm thừa tuyên Lạng Sơn.  Năm 1490 đổi là xứ Lạng Sơn. Năm 1509 đổi là trấn Lạng Sơn. Năm 1831 đổi là tỉnh Lạng Sơn. Năm 1975, hợp nhất tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng thành tỉnh Cao Lạng. Năm 1978 lại tánh thành hai tỉnh cũ là Lạng Sơn và Cao Bằng.


Hiện nay, Lạng Sơn là một tỉnh nằm ở phía Bắc của Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng. Phía Nam giáp tỉnh Bắc Giang. Phía Đông giáp tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Phía Đông Nam giáp tỉnh Quảng Ninh. Phía Tây Nam giáp tỉnh Bắc Cạn. Thành phố Lạng Sơn cách Hà Nội 154 km theo quốc lộ 1A.


Địa hình chủ yếu là rừng núi. Hệ thống sông, suối tương đối dày đặc đã tạo nên những cánh đồng thung lũng màu mỡ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Khí hậu ôn đới mát mẻ, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 21,5°C. Là tỉnh có tiềm năng về khoáng sản và nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử, văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc.


Tỉnh Lạng Sơn có đường biên giới giáp Trung Quốc dài 253 km. Có 5 huyện, 20 xã biên giới:

- Huyện Đình Lập có 2 xã (Bắc Xa, Bính Xá);

- Huyện Lộc Bình có 4 xã (Tam Gia, Tú Mịch, Yên Khoái, Mẫu Sơn);

- Huyện Cao Lộc có 4 xã, 1 thị trấn (Xuất Lễ, Cao Lâu, Lộc Thanh, Bảo Lâm, thị trấn Đồng Đăng);

- Huyện Văn Lãng có 5 xã (Tân Mỹ, Tân Thanh, Thanh Long, Thụy Hùng, Trùng Khánh);

- Huyện Tràng Định có 4 xã (Đào Viên, Tân Minh, Đội Cấn, Quốc Khánh).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #31 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2012, 07:57:34 pm »

3. Tỉnh Cao Bằng

Diện tích khoảng 6.691 km2.

Dân tộc: Việt, Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Chay, Hoa...

Tỉnh lị là thị xã Cao Bằng. Có 12 huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Thông Nông, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Nguyên Bình, Hoà An, Phục Hoà, Quảng Uyên, Hạ bang, Thạch An.



Cao Bằng là địa danh đã xuất hiện từ lâu đời ở nước ta. Vào thời các vua Hùng, vùng đất này thuộc bộ Vũ Định. Đến đời Lý, thuộc vào đất Thái Nguyên. Đầu triều Lê, Cao Bằng thuộc đạo Bắc rồi đặt vào thừa tuyên Ninh Sóc, sau đổi thành phủ Cao Bình. Nhà Mạc thất thế chạy lên đóng đô ở Cao Bình với 3 đời vua. Khi nhà Lê dẹp xong nhà Mạc mới đặt đất riêng không để thuộc Thái Nguyên nữa. Nhà Tây Sơn kỵ huý (vì tên vua Quang Trung là Nguyễn Quang Bình), đổi tên Cao Bình thành Cao Bằng. Triều Nguyễn, năm 1808 đổi phủ Cao Bằng thành phủ Trùng Khánh thuộc trấn Cao Bằng. Năm 1831 đổi là tỉnh Cao Bằng. Cuối năm 1975, hợp nhất tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng thành tỉnh Cao Lạng. Đến năm 1978 lại tách thành hai tỉnh cũ là Lạng Sơn và Cao Bằng.


Hiện nay, Cao Bằng là một tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam. Phía Bắc và phía Đông giáp Trung Quốc. Phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang. Phía Nam giáp tỉnh Bắc Cạn và tỉnh Lạng Sơn. Thị xã Cao Bằng cách Hà Nội 286 km theo Quốc lộ 3.


Địa hình của tỉnh tương đối phức tạp vì vậy giao thông giữa các huyện trong tỉnh bị hạn chế. Cao Bằng có khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm, có nhiều núi cao, phong cảnh thiên nhiên hữu tình rất thích hợp cho nghỉ ngơi, du lịch.


Tỉnh Cao Bằng có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài km. Có 9 huyện, 42 xã biên giới:

- Huyện Thạch An có 1 xã Đức Long;

- Huyện Quảng Hoà có 4 xã (Mỹ Hưng, thị trấn Tà Lùng, Đại Sơn, Cách Linh);

- Huyện Hạ Lang có 8 xã (Cô Ngân, Thị Hoa, Thái Đức, Việt Chu, Quang Long, Đồng Loan, Lý Quốc, Minh Long);

- Huyện Trùng Khánh có 7 xã (Đàm Thuỷ, Chi Viễn, Đình Phong, Ngọc Khê, Phong Nậm, Ngọc Chung, Lãng Yên);

- Huyện Trà Linh có 5 xã (Tri Phương, Xuân Nội, Hùng Quốc, Quang Hán, Cô Mười);

- Huyện Hà Quảng có 9 xã (Tổng Cọt, Nội Thôn, Cải Viên, Vân An, Lũng Nậm, Kéo Yên, Trường Hà, Nà Xác, Sóc Hà);

- Huyện Thông Nông có 2 xã (Vị Quang, Cần Viên);

- Huyện Bảo Mạc có 5 xã (Xuân Trường, Khánh Xuân, Cô Ba, Thượng Hà, Cốc Pàng);

- Huyện Bảo Lâm có 1 xã Đức Hạnh.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #32 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2012, 07:59:27 pm »

4. Tỉnh Hà Giang

Diện tích khoảng 7.884 km2

Dân tộc: Việt, Tày, H'mông, Nùng, Dao, Cao Lan, Hoa...

Tỉnh lị là thị xã Hà Giang. Có 9 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Xỉn Mần, Bắc Quang.



Thuộc Khu quân sự thành lập năm 1891 gồm một phủ Tương Yên tách từ tỉnh Tuyên Quang ra gồm ba châu Bảo Lạc, Vị Xuyên và Vĩnh Tuy. Năm 1900 gọi là tỉnh Hà Giang. Năm 1976, hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang thành tỉnh Hà Tuyên. Năm 1991, Hà Tuyên lại tách thành hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.
Hiện nay, Hà Giang là mảnh đất địa đầu cực Bắc của Việt Nam. Phía Bắc giáp Trung Quốc. Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng. Phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai. Phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang. Thị xã Hà Giang cách Hà Nội 320 km.


Địa hình của tỉnh Hà Giang khá phức tạp. Có thể chia làm ba vùng. Vùng cao núi đá phía Bắc nằm sát chí tuyến Bắc, có độ dốc khá lớn, thung lũng và sông, suối bị chia cắt nhiều, khí hậu ôn đới chia làm hai mùa khô và mưa, nhiệt độ trung bình hàng năm 24 - 28°C. vùng cao núi đất phía Tây thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy, sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng và lòng suối hẹp, khí hậu cũng có hai mùa mưa và khô. Vùng thấp gồm đồi, núi, thung lũng sông Lô và thị xã Hà Giang, nhiệt độ trung bình hàng năm 21 - 23°C.


Tỉnh Hà Giang có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài 274 km. Có 7 huyện, 34 xã biên giới:

- Huyện Mèo Vạc có 3 xã (Sơn Vĩ, Xín Cái, Thượng Phùng);

- Huyện Đồng Văn có 8 xã, 1 thị trấn (Đồng Văn, Lũng Cú, Mã Lé, Lũng Táo, Xà Phin, Sủng Là, thị trấn Phố Bảng, Phố Là, Phố Cáo);

- Huyện Yên Minh có 4 xã (Thắng Mỗ, Phú Lũng, Bạch Đích, Na Khê);

- Huyện Quản Bạ có 5 xã (Bát Đại Sơn, Nghĩa Thuận, Cao Mã Pờ, Tùng Vải, Tả Ván);

- Huyện Vị Xuyên có 5 xã (Minh Tân, Thanh Thuỷ, Thanh Đức, Xin Chải, Lao Chải);

- Huyện Hoàng Su Phì có 4 xã (Thèn Chu Phin, Pố Lồ, Thàng Tín, Bản Máy);

- Huyện Xín Mần có 4 xã (Nàn Xỉn, Xín Mần, Chí Cà, Pà Vầy Sử).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #33 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2012, 08:02:52 pm »

5. Tỉnh Lào Cai

Diện tích khoảng 6.357 km2

Dân tộc: Việt, Tày, Nùng, Dao, H'mông, Thái, Giáy, Lự, Bố Y, Kháng, La Chi, Phù Lá, Hà Nhì, Mường, La Ha...

Tỉnh lị là thành phố Lào Cai. Có 8 huyện: Mường Khương, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Thắng, Sa Pa, Bảo Yên, Văn Bàn, Si Ma Cai.



Nguyên là đất Lão Nhai (Phố Cũ) đọc trại ra thành Lào Cai. Tỉnh thành lập năm 1886. Năm 1907, Lào Cai gồm châu Thuỷ Vĩ và châu Bảo Thắng. Năm 1975 hợp nhất với tỉnh Nghĩa Lộ và tỉnh Yên Bái thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Năm 1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn tách thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái.


Lào Cai hiện nay là một tỉnh vùng cao phía Bắc của Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Phía Tây giáp tỉnh Lai Châu. Phía Đông giáp tỉnh Hà Giang. Phía Nam giáp tỉnh Yên Bái và tỉnh Sơn La. Thành phố Lào Cai cách Hà Nội 330 km.


Địa hình của tỉnh gồm có núi, đồi và thung lũng. Hệ thống sông, suối chằng chịt, lắm thác ghềnh. Có nhiều dải rừng lớn, giàu tài nguyên và có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Nhiệt độ trung bình hàng năm 18-28°C.


Tỉnh lào Cai có đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc dài 203 km. Có 1 thị xã, 4 huyện, 26 xã, phường biên giới:

- Huyện Bắc Hà có 3 xã (Sán Chải, Xí Ma Cai, Xã Nàn Sán);

- Huyện Mường Khương có 9 xã (Tả Gia Khâu, Dìn Chin, Pha Long, Tả Ngải Chồ, Tung Trung Phố, Mường Khương, Nậm Chẩy, Lùng Vai, Bản Lầu);

- Huyện Bảo Thắng có 1 xã Bản Phiệt;

- Huyện Bát Xát có 10 xã (Quang Kim, Bản Qua, Bản Vược, Cốc Mỹ, Trịnh Tường, Nậm Chạc, A Mú Sung, Ngài Thầu, A Lù, Y Tý);

- Thị xã Lào Cai có 3 xã, phường (Lào Cai, Xuyên Hải, Đông Tuyến).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #34 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2012, 08:04:07 pm »

6. Tỉnh Lai Châu

Diện tích khoảng 9.065 km2

Dân tộc: Thái, Mông, Việt, Khơ Mú, Hà Nhì, Giãy, La Hủ, Lào, Cống, Mảng, Phù Lá, Kháng, Si La ...

Tỉnh lị là thị xã Lai Châu. Các huyện: Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên, Mường Tè.



Vùng đất Lai Châu thuộc phủ Điện Biên tỉnh Hưng Hoá xưa. Năm 1909, tỉnh Lai Châu được thành lập gồm 3 châu là châu Lai, châu Quỳnh Nhai và châu Điện Biên được tách ra từ tỉnh Sơn La. Trải qua nhiều triều đại và các giai đoạn lịch sử, ranh giới tỉnh Lai Châu hầu như vẫn giữ nguyên, không bị sáp nhập hoặc thay đổi nhiều. Năm 2004, tỉnh Lai Châu tách thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu.


Tỉnh Lai Châu hiện nay mới tách ra từ tỉnh Lai Châu Cũ là một tỉnh miền núi cao nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Phía Bắc giáp Trung Quốc. Phía Đông giáp tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái. Phía Nam giáp tỉnh Sơn La. Phía Đông Nam giáp tỉnh Điện Biên. Thị xã Lai Châu cách Hà Nội 450 km đường bộ.


Địa hình của tỉnh chủ yếu là núi đồi cao và dốc, xen kẽ nhiều thung lũng sâu và hẹp, có nhiều cao nguyên, sông, suối. Sông có nhiều thác ghềnh, dòng chảy lưu lượng lớn nên tiềm năng thuỷ điện rất lớn. Khí hậu mang tính chất gió mùa chí tuyến, nhiệt độ trung bình hàng năm 21 - 23°C, chia làm hai mùa mưa và khô.


Tỉnh Lai Châu tiếp giáp với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, với đường biên giới dài 273 km. Có 2 huyện, 15 xã biên giới:

- Huyện Sìn Hồ có 3 xã (Huổi Luông, Pa Tần, Nậm Ban);

- Huyện Phong Thổ có 12 xã (Ma Li Pho, Vàng Ma Chải, Pa Vây Sử, Mồ Sì San, Sì Lờ Lầu, Ma Li Chải, Dào San, Tông Qua Lìn, Mù Sang, Nậm Se, Bản Lang, Sìn Suối Hồ); sau khi tách một số huyện thành lập tỉnh Điện Biên, có thêm huyện Mường Tè là huyện biên giới.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #35 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2012, 08:05:34 pm »

7. Tỉnh Điện Biên

Diện tích khoảng 9.544 km2

Dân tộc: Thái, H'mông, Việt, Dao, Giáy ...

Tỉnh lị là thành phố Điện Biên Phủ. Có 1 thị xã (Mường Lay) và các huyện: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Điện Biên, Mường Nhé, Mường Chà.


Tỉnh mới tách ra từ tỉnh Lai Châu cũ, nằm ở phía Nam sông Đà, thuộc vùng núi cao phía Tây bắc của Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Phía Đông Bắc giáp tỉnh Lai Châu. Phía Đông Nam giáp tỉnh Sơn La. Phía Tây Nam giáp nước Lào. Thành phố Điện Biên Phủ cách Hà Nội 474 km theo quốc lộ 6 và 279.


Địa hình tỉnh khá phức tạp, nhiều núi cao, những thung lũng hẹp, cao nguyên nhỏ, sông, suối hẹp và có độ dốc lớn. Khí hậu có hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 21 - 23°C.


Tỉnh Điện Biên có đường biên giới tiếp giáp với nước Lào dài 360 km và tiếp giáp với Trung Quốc dài 50 km. Có 1 huyện Mường Nhé mới tách ra từ Mường Tè với 6 xã biên giới giáp Trung Quốc (Hùa  Bum, Pa Vệ Sử, Pa Ủ, Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả) và 3 huyện, 17 xã biên giới tiếp giáp nước Lào: Huyện Mường Nhé có 4 xã (Mường Nhé, Mường Tong, Xín Thầu, Chung Chải); huyện Mường Chà có 5 xã (Mường Mươn, Mường Pồn, Nà Hi, Si Pha Phìn, Chà Nưa); huyện Điện Biên có 8 xã (Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Pa Thơm, Na Ư, Mường Lói, Mường Nhà).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #36 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2012, 08:07:27 pm »

8. Tỉnh Sơn La

Diện tích khoảng 14.055 km2

Dân tộc: Việt, Dao, Xinh Mun, Khơ Mú, Kháng, La Ha, Thái, Mường ...

Tỉnh lị là thị xã Sơn La. Các huyện: Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu, Phù Yên, Bắc Yên, Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu, Mộc Châu, Sốp Cộp.



Tỉnh thành lập năm 1886, lúc đầu gọi là tỉnh Tạ Bú (còn gọi là Vạn Bú vì khi đó tỉnh lị đặt ở Vạn Bú). Đến năm 1904, tỉnh lị chuyển về Sơn La nên đổi tên tỉnh là Sơn La. Cuối năm 1975 được sáp nhập thêm hai huyện là Phú Yên và Bắc Yên trích từ tỉnh Nghĩa Lộ.


Sơn La hiện nay nằm ở vùng Tây Bắc của Việt Nam. Phía Bắc giáp các tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Phía Tây giáp tỉnh Lai Châu. Phía Đông giáp tỉnh Phú Thọ và tỉnh Hoà Bình. Phía Đông nam giáp tỉnh Thanh Hoá và Hoà Bình. Phía Nam giáp nước Lào. Thị xã Sơn La cách Hà Nội 328 km theo Quốc lộ 6.


Địa hình chủ yếu là núi và cao nguyên. Mạng lưới sông, suối dày đặc nguồn nước dồi dào có tiềm năng về thuỷ điện. Là tỉnh có khí hậu đa dạng, nhiều nét đặc thù nhưng vẫn mang tính chất khí hậu gió mùa chí tuyến. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 21°C, rất thích hợp cho nghỉ dưỡng.


Tỉnh Sơn La có đường biên giới tiếp giáp nước Lào dài 250 km. Có 4 huyện, 19 xã biên giới:

- Huyện Sông Mã có 10 xã (Mường Lèo, Púng Bánh, Dồm Càng, Nậm Lạnh, Mường Và, Mường Lạn, Mường Cai, Chiềng Khương, Mường Hung, Mường Sai);

- Huyện Mai Sơn có 1 xã Phiêng Pằn;

- Huyện Yên Châu có 4 xã (Phiêng Khoài, Chiềng On, Chiềng Tương, Lồng Phiêng);

- Huyện Mộc Châu có 4 xã (Lóng Sập, Chiềng Khừa, Xuân Nha, Chiềng Sơn).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #37 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2012, 08:08:47 pm »

9. Tỉnh Thanh Hoá

Diện tích khoảng 11.106 km2

Dân tộc: Việt, Mường, Thái, Lào, Lự ...

Tỉnh lị là thành phố Thanh Hoá. Có 2 thị xã (Sầm Sơn, Bỉm Sơn) và các huyện: Mường Lát, Quang Hoá, Quang Sơn, Bá Thước, Cẩm Thuỷ, Lang Chánh, Thạch Thành, Ngọc Lạc, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Yên Định, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Thiệu Hoá, Hoằng Hoá, Đông Sơn, Triệu Sơn, Quảng Xương, Nông Cống, Tĩnh Gia.



Nguyên là đất quận Cửu Chân đời Hán. Đời Lương Vũ Đế đổi gọi là Ái châu cho đến đời Ngô, Đinh, Lê. Đời Lý, năm 1010 đổi là trại. Năm 1029 đổi làm phủ Thanh Hoa. Năm 1397 sau khi dời kinh đô vào Tây Đô, Hồ Quý Ly đổi trấn Thanh Hoa thành trấn Thanh Đô, đổi phủ Thanh Hoá làm phủ Thiên Xương cùng với Cửu Chân và Ái châu làm miền phụ kỳ của Tây Đô. Đời Minh lại đặt làm phủ Thanh Hoa, Ái châu và châu Cửu Chân. Năm 1469 đổi làm Thanh Hoa vì là đất thang mộc, đất Lê Lợi dựng nghiệp để ví với đất Kỳ nhà Chu, đất Bái nhà Hán. Thừa tuyên xứ, trấn Thanh Hoa đòi Lê gồm cả phủ Trường Yên và phủ Thiên Quan trấn Ninh Bình sau này nhà Mạc giữ đất từ Tam Điệp trở ra, gọi hai phủ ấy là Thanh Hoa nội trấn. Nhà Lê giữ từ Tam Điệp trở vào. Đời Lê trung hưng (1592 - 1788) lấy 4 phủ Thiệu Thiên (Thiệu Hoá), Hà Trung, Tĩnh Gia, Thanh Đô (Thọ Xuân) làm Thanh Hoa nội trấn, hai phủ Trường Yên, Thiên Quan (Nho Quan) làm Thanh Hoa ngoại trấn, nhưng về mặt tổ chức cai trị hai bộ phận vẫn là một. Năm 1806, đổi ngoại trấn là trấn Thanh Bình, năm 1821 đổi trấn Thanh Bình làm đạo Ninh Bình, năm 1829 đổi làm trấn Ninh Bình, năm 1831 đổi trấn làm tỉnh gọi là tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hoa. Năm 1840 đổi làm tỉnh Thanh Hoá.


Thanh Hoá ngày nay là một trong những tỉnh lớn của Việt Nam, nằm ở cửa ngõ nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ và Nam Bộ. Phía Bắc giáp các tỉnh Sơn La, Hoà Bình, Ninh Bình. Phía Nam giáp tỉnh Nghệ An. Phía Đông giáp biển Đông. Phía Tây giáp nước Lào. Thành phố Thanh Hoá cách Hà Nội 150 km đường bộ.


Địa hình tương đối phức tạp, đa dạng, thấp dần từ Tây sang Đông gồm có vùng núi, trung du, đồng bằng, vùng ven biển. Khí hậu thuộc vùng chuyển tiếp giữa Bắc Bộ và Trung Bộ. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 23 - 24°C. Nằm ở độ cao không lớn nên mùa đông không lạnh lắm, mùa hè dịu mát. Giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt đều thuận lợi.


Tỉnh Thanh Hoá có đường biên giới tiếp giáp với nước Lào dài 192 km. Có 5 huyện, 15 xã biên giới:

- Huyện Thường Xuân có 1 xã Bát Mọt;

- Huyện Lang Chánh có 1 xã Yên Chương;

- Huyện Quan Sơn có 6 xã (Tam Lư, Tam Thanh, Mường Mìn, Sơn Điện, Na Mèo, Sơn Thuỷ);

- Huyện Quan Hoá có 1 xã Hiền Kiệt;

- Huyện Mường Lát có 6 xã (Trung Lý, Pù Nhi, Mường Chanh, Quang Chiếu, Tẽn Tần, Tam Chung).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #38 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2012, 08:12:40 pm »

10. Tỉnh Nghệ An

Diện tích: 16.487 km2

Dân tộc: Việt, Khơ Mú, O Đu, Thổ, Sán Dìu, H'mông ...

Tỉnh lị là thành phố Vinh. Có 1 thị xã Cửa Lò và 17 huyện: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuộng, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn.



Xưa là đất quận Cửu Chân đời Hán, quận Cửu Đức đời Tần, quận Nhật Nam đời Tuỳ, năm 622 đời Đường đổi là Nam Đức lĩnh 6 huyện. Năm 628 lại đổi làm Đức Châu, rồi lại đổi làm châu Hoan và châu Diễn. Đời Đinh, Lê gọi là Hoan Châu. Năm 1101, Lý Nhân Tông đổi làm phủ Nghệ An. Năm Quang Thái đời Trần Thuận Tông (1397) đổi Nghệ An làm Lâm An trấn. Năm Quang Thuận thứ mười (1469) hợp cả Hoan, Diễn thành thừa tuyên Nghệ An, sau đổi làm xứ. Đời Lê Tương Dực đổi làm trấn cho đến hết đời hậu Lê (1788). Tây Sơn đổi Nghệ An làm Nghĩa An. Gia Long đổi lại làm Nghệ An. Năm Minh Mạng thứ mười hai (1831) đặt làm tỉnh Nghệ An, tách Hà Tĩnh làm tỉnh riêng. Năm 1975, Nghệ An và Hà Tĩnh hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh lại tách thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.


Tỉnh Nghệ An hiện nay là một tỉnh lớn ở phía Bắc Trung Bộ của Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hoá. Phía Đông giáp biển Đông. Phía Tây giáp nước Lào. Phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh. Thành phố Vinh cách Hà Nội 291 km đường bộ.


Địa hình của tỉnh bao gồm đồi núi và thung lũng, độ dốc thoải dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Hệ thống sông ngòi dày đặc. Bờ biển dài hơn 80 km có Cửa Lò là cảng biển quan trọng của miền Trung. Giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không đều thuận lợi Vì nằm trong vùng chuyển tiếp khí hậu nên khí hậu vừa mang tính đông lạnh của miền Bắc, vừa mang tính nắng nóng của miền Nam. Nhiệt độ trung bình hàng năm 23 - 24°C.


Tỉnh Nghệ An có đường biên giới tiếp giáp với nước Lào dài 419 km. Có 6 huyện, 26 xã biên giới:

- Huyện Quế Phong có 4 xã (Thông Thụ, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Tri Lễ);

- Huyện Tương Dương có 4 xã (Nhon Mai, Mai Sơn, Tam Hợp, Tam Quang);

- Huyện Kỳ Sơn có 11 xã (Mỹ Lý, Bắc Lý, Keng Đu, Na Loi, Đoọc May, Nậm Cắn, Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải, Ba Ngoi, Nậm Càn);

- Huyện Con Cuông có 2 xã (Châu Khê, Môn Sơn);

- Huyện Anh Sơn có 1 xã Phúc Sơn; Huyện Thanh Chương có 4 xã (Hạnh Lâm, Thanh Hương, Thanh Thịnh, Thanh Thuỷ).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #39 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 04:37:00 pm »

11 . Tỉnh Hà Tĩnh

Diện tích khoảng 6.056 km2

Dân tộc: Việt, Chức ...

Tỉnh lị là thị xã Hà Tĩnh. Có 1 thị xã (Hồng Lạnh) và các huyện: Hương Sơn, Đức Thọ, Nghi Xuân, Can Lộc, Hương Khê, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Vũ Quang.



Địa danh Hà Tĩnh có lẽ nghĩa là có con sông chảy êm đềm vì sông chảy qua giữa tỉnh là sông Minh (sông Nghẽn). Đời Tiền Lê là châu Thạch Hà. Đời Lý là huyện Thạch Hà. Đời Trần là châu Nhật Nam. Đời Minh gọi là Tĩnh Châu. Đời Lê thuộc trấn Nghệ An, sau là tỉnh Hà Tĩnh tách ra. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), cắt hai phủ Thọ Đức và Hà Hoa của Nghệ An để thành lập tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1848, vua Tự Đức bỏ tỉnh làm đạo gồm một phủ Hà Hoa, còn phủ Đức Thọ nhập vào tỉnh Nghệ An. Năm 1875 đặt lại làm tỉnh Hà Tĩnh. Hà Tĩnh là đất rất cổ của nước Văn Lang xưa, vùng đất này có tên là bộ Cửu Đức. Tục truyền Kinh Dương Vương lúc đầu đóng đô trên núi Hồng Lĩnh, sau mới rời ra Phong Châu ở Phú Thọ và Chử Đồng Tử đã vào ở núi Quỳnh Viên, tức là núi Nam Giới ở gần cửa Sót. Năm 1975, Hà Tĩnh và Nghệ An hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Đến năm 1991, tỉnh Hà Tĩnh được tái thành lập.


Hà Tĩnh ngày nay là một tỉnh ở dải đất miền Trung của Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An. Phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình. Phía Đông giáp biển Đông. Phía Tây giáp nước vào. Thị xã Hà Tĩnh cách Hà Nội 340 km đường bộ.


Địa hình đa dạng, chủ yếu là đồi núi. Đồng bằng chỉ là một dải đất hẹp ven biển và xung quanh các trụt đường quốc lộ. Có tới 14 con sông lớn nhỏ và nhiều hồ nước. Bờ biển dài 137 km. Giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt đều thuận lợi.


Tỉnh Hà Tĩnh có đường biên giới tiếp giáp với nước Lào dài 145 km.

Có 2 huyện, 8 xã biên giới:

- Huyện Hương Sơn có 2 xã (Sơn Hồng, Sơn Kim);

- Huyện Hương Khê có 6 xã (Vũ Quang, Hoà Hải, Phú Gia, Hương Lâm, Hương Liên, Hương Vĩnh).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM