Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:03:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng  (Đọc 310809 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #10 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2012, 08:24:36 am »

Nhà Hán đổ, cục diện Tam quốc chiến tranh loạn lạc dẫn đến Âu Lạc bị nhà Ngô đô hộ. Năm 226, nhà Ngô tách các quận Hợp Phố (thuộc Quảng Châu, Trung Quốc), Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thành lập Giao Châu.


Năm 263, Lã Hưng, một tướng của Đông Ngô nổi dậy diệt Thái thú Giao Châu, lấy đất Giao Châu sáp nhập vào Tây Tấn. Năm 264, Ngô Vương Tôn chia Giao Châu (gồm đất Âu Lạc cũ và một phần đất Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc) thành Quảng Châu (đất Lưỡng Quảng) và Giao Châu. Giao Châu từ đó thu hẹp trong phạm vi lãnh thổ nước Âu Lạc cũ, thành Long Biên (Từ Sơn, Bắc Ninh) là châu lị. Năm 271, sau khi diệt Lã Hưng, nhà Ngô đặt thêm quận Cửu Đức (được tách từ một bộ phận ở phía Nam quận Cửu Châu tương ứng với huyện Hàm Hoan cũ). Quận Cửu Đức gồm sáu huyện thuộc hầu hết đất đai hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay(1) (Trương Hữu Quýnh, Sách đã dẫn, tr.66).


Từ năm 280, Tây Tấn diệt hẳn Đông Ngô, đất Giao Châu lại thuộc về Tây Tấn(2) (Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức (2000), Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam, Nxb VHTT, Hà Nội, tr.26). Nhà Tây Tấn đặt quan Thứ sử cai trị Giao Châu và quan Thái thú ở bảy quận của Giao Châu là: Hợp Phố, Vũ Bình, Tân Xương, Giao Châu, Cửu Đức, Nhật Nam (lúc này Nhật Nam chỉ còn đất từ Quảng Bình đến Quảng Trị). Nhà Tấn mở rộng thêm địa giới quận Cửu Đức đến Hoành Sơn, đặt thêm huyện Nam Lăng và huyện Đô Giao tương ứng với các huyện Nghi Xuân, Hương Sơn, Hương Khê, Thạch Hà thuộc tỉnh Hà Tĩnh ngày nay.


Do các thân vương nội triều Tấn đánh giết lẫn nhau làm cho nhà Tấn suy sụp. Nhân cơ hội đó, các nước Triệu, Tần, Yên, Lương, Hạ, Hán nổi dậy chiếm cả vùng đất phía Bắc sông Trường Giang. Nhà Tấn chỉ còn lại vùng đất ở Đông Nam, phải rời về Nam Kinh, từ đó gọi là Đông Tấn. Năm 420, Lưu Du cướp ngôi nhà Đông Tấn, lập ra nhà Tấn ở phía Nam. Trung Quốc lúc đó phân chia ra thành Nam - Bắc triều: Nam triều gồm Tống, Tề, Lương, Trần kế nhau cai trị; Bắc triều gồm Nguỵ, Tề, Chu nối nhau cai trị(1) (Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, Sách đã dẫn, tr. 27).


Sau khi nhà Tấn suy sụp, ở Trung Quốc diễn ra cục diện Nam - Bắc triều. Nước Âu Lạc bị đặt dưới ách đô hộ của Nam triều gồm các triều Tống, Tề, Lương, Trần: Khoảng đầu thế kỷ V, Giao Châu bị nhà Tống thống trị, năm 470 nhà Tống tách Hợp Phố sáp nhập vào nội địa Trung Quốc, bản đồ Giao Châu còn lại trong phạm vi vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay, vùng Nghệ An, Hà Tĩnh vẫn gọi là Cửu Đức; năm 479, nhà Tề thay thế nhà Tống; năm 505, Giao Châu thuộc nhà tưởng, năm 523 nhà Lương đặt Ái Châu ở Thanh Hoá, đổi quận Cửu Đức thành Đức Châu, đặt thêm hai huyện mới là Lợi Châu và Minh Châu, năm 535 đặt thêm một châu mới là Hoàng Châu (Quảng Ninh).


Năm 542, Lý Bí lãnh đạo nhân dân Giao Châu tấn công quân Lương, chiếm được hầu hết các quận, huyện và thành Long Biên. Năm 543, Lý Bí đánh tan quân Lương ở Hợp Phố. Cũng năm 543, quân Lâm ập kéo sang cướp phá quận Nhật Nam, Lý Bí sai lão tướng Phạm Tu đưa quân tiến đánh vào Cửu Đức, quân Lâm Ấp bỏ chạy. Với hai thắng lợi này, cương vực lãnh thổ nước ta bấy giờ được bảo vệ suốt từ Hoành Sơn đến Hợp Phố. Năm 544, Lý Bí xưng Nam Việt Đế (Lý Nam Đê), đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên (Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay)(2) (Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, Sách đã dẫn, tr. 28, 29).


Năm 545, nhà Lương đem quân đánh Vạn Xuân. Năm 548, trước khi mất ở động Khuất Lão (vùng Tây Vĩnh Phú), Lý Nam Đế trao quyền cho Triệu Quang Phục tiếp tục kháng chiến chống quân Lương, Triệu Quang Phục lên ngôi vua, xưng là Triệu Việt Vương. Năm 550, Triệu Quang Phục khôi phục lại được nền độc lập, nhưng từ đó nội bộ Vạn Xuân bị chia rẽ. Lý Thiên Bảo (anh họ của Lý Bí) và Lý Phật Tử (người cùng họ) không quy phục Triệu Việt Vương. Năm 549, Lý Thiên Bảo xưng là Đào Lang Vương. Năm 555, Đào Lang Vương chết, toàn bộ binh quyền được trao cho Lý Phật Tử. Năm 571, Lý Phật Tử bất ngờ diệt Triệu Việt Vương để giành ngôi vua, tự xưng là Hậu Lý Nam Đế, đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc, Vĩnh Phú)(1) (Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, Sách đã dẫn, tr. 32).


Năm 589 nhà Trần ở Trung Quốc bị tiêu diệt, nhà Tuỳ lên thay thế, dẹp yên Nam - Bắc triều. Lúc này, mặc dù chưa xâm lược được Vạn Xuân nhưng nhà Tuỳ đã tìm mọi cách để khẳng định quyền đô hộ đối với Vạn Xuân. Năm 598, nhà Tuỳ đổi Hưng Châu làm Phong Châu, đổi Hoàng Châu làm Ngọc Châu, Đức Châu làm Hoan Châu, Lợi Châu làm Trí Châu. Năm 602, nhà Tuỳ sai mười vạn quân xâm lược Vạn Xuân, Lý Phật Tử đầu hàng, từ đó Vạn Xuân lại bị nhà Tuỳ đô hộ. Khoảng từ năm 603 - 607, sau khi đánh bại nhà nước Vạn Xuân, ổn định được nền đô hộ, nhà Tuỳ bỏ các tên châu, gọi là quận như thuở trước. Giao châu được chia là bảy quận: Giao Chỉ (các tỉnh Bắc Bộ); Cửu Chân (Thanh Hoá); Nhật Nam (Nghệ An); ba quận Tỵ Ảnh, Hải Âm và Lâm Ấp tương đương Bình - Trị Thiên ngày nay; Ninh Việt gồm Ngọc châu và Khâm châu. Nhà Tuỳ chuyển trị sở châu từ Long Biên về Tống Bình Hà Nội)(2) (Trương Hữu Quýnh, Sách đã dẫn, tr. 67-68).


Năm 618, nhà Tuỳ đổ, nhà Đường thay nhà Tuỳ trị vì Trung Hoa. Thái thú Giao Châu của nhà Tuỳ thần phục nhà Đường, từ đó đến năm 904, Giao Châu bị nhà Đường đô hộ. Nhà Đường đổi các quận thành châu như cũ. Năm 622, đổi Giao Châu thành An Nam Tổng Quản Phủ. Năm 679 lại đổi thành An Nam Đô Hộ Phủ, chia thành 12 châu:

- Có 3 châu là Giao Châu, Phong Châu, Trường Châu bắc Bộ ngày nay);

- Có 4 châu là Thang Châu, Chi Châu, Vũ Nga Châu, Vũ An Châu (Quảng Đông, Quảng Tây);

- Có 4 châu là Ái Châu, Phúc Lộc Châu, Diễn Châu, Hoan Châu bắc Trung Bộ);

- Lục Châu (thuộc đất Trung Quốc và vùng Quảng Ninh).


Năm 757, do tình hình rối loạn ở Trung Quốc, nhiều cuộn nổi dậy của nhân dân đánh phá các châu huyện, nhà Đường đã đổi An Nam Đô Hộ Phủ thành Trấn Nam Đô Hộ Phủ, đến năm 768 lại đổi thành An Nam Đô Hộ Phủ như cũ. Năm 863, nhà Đường bãi bỏ phủ đô hộ. Đến năm 866, sau khi đánh bại được quân Nam Chiếu, chiếm lại thành Tống Bình, phủ đô hộ mới được đặt lại ở đây(1) (Trương Hữu Quýnh, Sách đã dẫn, tr.68).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #11 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2012, 09:52:35 pm »

III. CƯƠNG GIỚI LÃNH THỔ ĐẠI VIỆT TRONG KỶ NGUYÊN ĐỘC LẬP
Năm 938, Ngô Quyền lãnh đạo nhân dân Văn Lang - Âu Lạc đánh bại quân Nam Hán xâm lược, chấm dứt hơn 1000 năm đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập tự chủ, cương vực lãnh thổ nước Văn Lang - Âu Lạc về cơ bản được khôi phục. Các triều đại phong kiến Việt Nam kế tiếp nhau về sau từ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê Sơ, Trịnh - Nguyễn đã không ngừng bảo vệ cương giới và phát triển mở rộng lãnh thổ của đất nước.

1. Thời kỳ tự chủ Khúc - Ngô - Đinh - Tiền Lê
Năm 905, nhân lúc nhà Đường suy yếu, Khúc Thừa Dụ khởi binh đánh chiếm thành Tống Bình, quan quân đô hộ nhà Đường rút chạy về nước. Khúc Thừa Dụ tự xưng là Tiết Độ sứ. Nhà Đường buộc phải công nhận Khúc Thừa Dụ là người đứng đầu nước Việt(2) (Hà văn Thư, Trần Hồng Đức, Sách đã dẫn, tr.36). Họ Khúc cai quản đất nước tự chủ từ năm 905 đến năm 938, "đóng đô" ở Đại La (Tống Bình đổi thành), lãnh thổ thuộc quyền cai quản của chính quyền mới được mở rộng hơn trước, được chia thành năm cấp hành chính là lộ, phủ, châu, giáp và xã. Năm 907, Khúc Thừa Dụ chết, Khúc Hao lên thay. Năm 917, Khúc Hao chết, Khúc Thừa Mỹ lên thay.


Cũng trong năm 905, nhà Đường đổ, nhà Hậu Lương thành lập ở Trung Quốc. Năm 917, Lưu Nham không quy phục nhà Hậu Lương, thành lập tiểu quốc Nam Hán trên vùng đất Quảng Châu.

Năm 923, quân Nam Hán đánh chiếm thành Đại La, bắt được Khúc Thừa Mỹ, rồi tiến quân xuống phía nam cướp phá.

Năm 931, Dương Đình Nghệ kéo quân từ Thanh Hoá ra bao vây công phá, chiếm lại được thành Đại La, quân Nam Hán thua phải rút chạy về nước. Dương Đình Nghệ được suy tôn làm Tiết Độ Sứ, tiếp tục sự nghiệp của họ Khúc.


Năm 937, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ, giành quyền Tiết độ sứ. Ngô Quyền là con rể của Dương Đình Nghệ (được cha giao cai quản Ái châu) đã tập hợp lực lượng, tiến quân ra Giao Châu trừng trị Kiều Công Tiễn. Kiều Công Tiễn bị giết, nhưng trước đó vì quá khiếp sợ đã sai người sang Nam Hán cầu cứu. Nhân cơ hội này, vua Nam Hán đã sai quân xâm lược nước Việt. Mùa đông năm 938, đại binh Nam Hán tiến vào sông Bạch Đằng, bị Ngô Quyền đánh tan.


Năm 939, Ngô Quyền lên ngôi vua, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Ngô Quyền làm vua được 5 năm thì mất (939 - 944), truyền ngôi vua cho con trưởng là Ngô Xương Ngập. Người em vợ Ngô Quyền là Dương Tam Kha cướp ngôi và tự xưng là Dương Bình Vương. Từ đó diễn ra cuộc tranh chấp giữa các con của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn với Dương Tam Kha. Năm 950, Ngô Xương Văn (em Ngô Xương Ngập) lật đổ Dương Tam Kha, giành lại ngôi vua, xưng là Nam Tấn Vương, Ngô Xương Ngập xưng là Thiên Sách Vương (lúc này nước ta có hai vua), đóng đô ở Cổ Loa.


Năm 954, Ngô Xương Ngập chết. Năm 965, Ngô Xương Văn chết. Đất nước rơi vào tình trạng chia cắt, hỗn loạn. Nổi lên mười hai vùng đất biệt lập do mười hai thủ lĩnh đứng đầu, đem quân đánh chiếm lẫn nhau, sử cũ gọi là "loạn mười hai sứ quân":

- Ngô Xương Xí giữ Bình Kiều (Nông Cống, Thanh Hoá);

- Đỗ Cảnh Thạc giữ Đỗ Động Giang (Thanh Oai, Hà Tây);

- Trần Lãm giữ Bố Hải Khẩu (thị xã Thái Bình);

- Kiều Công Hãn giữ Phong Châu (Bạch Hạc, Vĩnh Phú);

- Nguyễn Khoan giữ Tam Đái (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc);

- Ngô Nhật Khánh giữ Đường Lâm (Phúc Thọ, Hà Tây);

- Lý Khuê giữ Siêu Loại (Thuận Thành, Bắc Ninh);

- Nguyễn Thủ Tiệp giữ Tiên Sơn (Bắc Ninh);

- Lữ Đường giữ Tế Giang (Văn Giang, Hưng Yên);

- Nguyễn Siêu giữ Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội);

- Kiều Thuận giữ Hởi Hồ (Cẩm Khê, Phú Thọ);

- Phạm Bạch Hổ giữ Đằng Châu (Hưng Yên).


Loạn mười hai sứ quân không chỉ dẫn đến đất nước bị chia cắt mà còn gây ra rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của nhân dân. Vì vậy, cuộc đấu tranh để thống nhất đất nước lại trở thành một nhu cầu sống còn của dân tộc. Sứ mệnh lịch sử đó được trao cho Đinh Bộ Lĩnh.


Nổi lên ở đất Hoa Lư từ đầu những năm 50 của thế kỷ X, lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh nhanh chóng mạnh lên nhờ sự hưởng ứng của nhân dân. Đến cuối năm 967, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn mười hai sứ quân. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên làm vua, hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đổi tên nước thành Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), chia nước thành mười "Đạo". Đất đai lãnh thổ không có gì thay đổi lớn so với thời Ngô Vương. Từ năm 970, vua Đinh đã cử sứ thần sang giao hảo với nhà Tống. Năm 973, vua Tống phong Đinh Bộ Lĩnh là Giao Chỉ Quận Vương. Trong nhiều năm, quan hệ giữa Đại Cồ Việt và nhà Tống hoà hiếu tốt đẹp.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #12 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2012, 09:54:25 pm »

Cuối năm 979, Đĩnh Bộ Lĩnh và con trai là Đinh Liễn bị ám hại. Đinh Toàn mới sáu tuổi lên ngôi vua. Nhân cơ hội này, nhà Tống đã sai Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng, Lưu Trừng đem hơn ba vạn quân thuỷ, bộ sang đánh Đại Cồ Việt. Để tổ chức cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, triều đình nhà Đinh quyết định đưa Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua thay Đinh Toàn. Lê Hoàn đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi, tiếp tục củng cố nền độc lập của đất nước.


Từ những năm 70, nước Chăm Pa ở phía Nam nước Đại Cồ Việt đã cố ý lấn chiếm. Năm 980, sau khi lên ngôi vua, Lê Hoàn sai sứ sang giao hảo với Chăm Pa để vỗ yên cương vực phía Nam, tập trung lực lượng chống giặc ngoại xâm ở cương vực phía Bắc. Vua Chăm Pa đã bắt giữ các sứ thần của Đại Cồ Việt. Năm 982, sau khi đánh tan quân xâm lược nhà Tống, Lê Hoàn quyết định cầm quân đi đánh Chăm Pa. Quân Chăm Pa thua to. Vua Chăm Pa bị tử trận. Lê Hoàn sai quân phá hết thành trì của Chăm Pa rồi rút quân về nước. Quan hệ Đại Cồ Việt - Chăm Pa tạm hoà hoãn trong một thời gian.


Lên ngôi vua, Lê Hoàn xưng là Lê Đại Hành (sử gọi là nhà Tiền Lê), vẫn giữ tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, đổi mười "Đạo" thời Đinh thành mười “Lộ", phủ, châu (tương đương đơn vị hành chính cấp tỉnh ngày nay). Căn cứ vào địa danh chép trong hai đời nhà Đinh và nhà Tiền Lê và theo chú thích của Viện Sử học khi xuất bản bản dịch Đại Việt Sử Ký Toàn Thư năm 1972, người ta tìm được các địa danh thời Tiền Lê ngày nay là:

- Thuộc Ninh Bình (Hoa lư, Cổ Lãm, Đàm Gia Loan);

- Thuộc Thanh Hoá (Vũ Lũng, Hà Đông, Cử long, Châu Ái, Chi Long, Đinh Sơn);

- Thuộc Nghệ An (kênh Đa Cái);

- Thuộc Hà Tĩnh thạch Hà, Hoàn Đường, Kỳ La, cửa biển Nam Giới) 

- Thuộc Quảng Bình (Đại Lý);

- Thuộc Nam Định (cửa Đại Ác, sông Đại Hoàng);

- Thuộc Thái Bình (Bố Hải Khẩu);

- Thuộc Hưng Yên (Châu Đằng, trại Phù Lan, Mại Liên);

- Thuộc Hải Dương (Nam Sách Giang, phủ Đái);

- Thuộc Quảng Ninh (Trấn Triều Dương, châu Tô Mậu, Bạch Đằng);

- Thuộc Bắc Ninh (Tiên Du, Siêu Loại);

- Thuộc Bắc Giang (Bắc Giang, An Châu);

- Thuộc Lạng Sơn (Lạng Châu, Chi Lăng);

- Thuộc Hà Nội (Tây Phù Liệt);

- Thuộc Hà Tây (Đường Lâm, Đỗ Động Giang);

- Thuộc Phú Thọ (Châu Phong, Tam Đái);

- Thuộc Tuyên Quang (Vị Long, Đô Lương);

- Thuộc Hà Giang (Vị Long)(1) (Ban Biên giới của Chính phủ, Tập san Biên giới và Lãnh thổ (Số 5 tháng 4-1999), tr. 31-32).


Như vậy, cương vực lãnh thổ nước Đại Cồ Việt thời kỳ nhà Đinh - Tiền Lê đã bao trùm lên hầu hết các tỉnh miền Bắc Việt Nam ngày nay từ Quảng Bình trở ra cho đến Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang. Tuy nhiên, ở thời Tiền Lê, biên giới phía Tây vẫn chưa được định hình. Cương vực phía Nam giáp Chăm Pa ở khu vực đèo Ngang. Phía Bắc và Đông Bắc giáp đất Tống, phía Tây Bắc gần với Đại Lý (tức Nam Chiếu ở vùng Vân Nam) đều chưa ổn định. Đất đai lãnh thổ không có thay đổi gì so với thời Đinh.


Năm 1005, Lê Đại Hành chết, con là Long Việt nối ngôi cha, xưng là Lê Trung Tông, nhưng chỉ được ba ngày thì bị em là Long Đĩnh giết, cướp ngôi vua. Long Đĩnh bị bệnh trĩ, không ngồi được, phải nằm để hội thầu nên sử gọi là vua "Ngoạ triều”. Năm 1009, Lê Long Đĩnh chết, triều đình suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Triều đại nhà Tiền Lê chấm dứt, mở ra một triều đại mới - triều đại nhà Lý.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #13 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2012, 09:55:48 pm »

2. Nước Đại Việt thời Lý (1010 - 1 225)
Lý Công Uẩn lên ngôi vua, xưng là Lý Thái Tổ, vẫn lấy tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, chia đặt mười "Lộ", phủ, châu thời Tiền Lê thành hai mươi bốn "Lộ". Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô về thành Đại La, đặt tên kinh đô là Thăng Long. Năm 1054, đặt quốc hiệu mới là Đại Việt. Căn cứ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, người ta biết được một số địa danh thời Lý ngày nay như sau:

- Thuộc Nam Định (lộ Thiên Trường, lộ Hoàng Giang);

- Thuộc Hà Tây (lộ Quốc Oai, châu Cổ Lãm, châu Thượng Oai);

- Thuộc Quảng Ninh (lộ Hải Đông);

- Thuộc Thái Bình (lộ Kiến Xương, lộ Long Hưng);

- Thuộc Hải Dương (lộ Hồng);

- Thuộc Bắc Ninh (lộ Bắc Giang, phủ Thiên Đức);

- Thuộc Ninh Bình (lộ Trường Yên, phủ Thiên Trường);

- Thuộc Thanh Hoá (lộ Thanh Hoá);

- Thuộc Nghệ An (lộ Diễn Châu, phủ Nghệ An);

- Thuộc Hà Tỉnh (châu Hoàn Đường);

- Thuộc Quảng Bình (châu Bố Chính, Địa Lý);

- Thuộc Quảng Trị (châu Ma Linh);

- Thuộc Hà Nội (phủ Ứng Thiên);

- Thuộc Thái Nguyên (phủ Phú Lương, châu Tư Nông, châu Tuyên Hoá);

- Thuộc Cao Bằng (châu Quảng Nguyên, Thông Nông, Tư Lang, Thảng Po, Định Biên);

- Thuộc Lạng Sơn (châu Lang, Vạn Nhai, Thất Nguyên);

- Thuộc Bắc Cạn (châu Tượng Nguyên, Hạ Nông, Cảm Hoá);

- Thuộc Yên Bái (châu Định Nguyên, Trệ Nguyên);

- Thuộc Phú Thọ (châu Chân Đăng);

- Thuộc các tỉnh Tây Bắc (trấn Đà Giang)(1) (Ban Biên giới của Chính phủ, Tập san Biên giới và lãnh thổ) (số 5 tháng 4-1999), tr. 32-34).


Nhà Lý đã có những cố gắng bước đầu để quản lý cương vực đất nước, nhưng biên giới Đại Việt bấy giờ vẫn chưa rõ ràng và ổn định. Đầu thời Lý, vùng biển tiếp giáp Chiêm Thành (Chăm Pa) được tổ chức thành trại Định Phiên; dọc sông Mê Công là vùng đất thuộc quốc của Chân Lạp, vùng rừng núi phía Đông sông Mê Công vẫn còn là lãnh địa tự do của nhiều bộ tộc ít người; ở phía Tây và Tây Bắc không xác định được ranh giới với Nam Chiếu. Phải đến cuối thời Lý, biên giới Đại Việt giáp đất Tống ở phía Bắc và Đông Bắc mới tương đối ổn định. Thêm vào đó, nhà Lý luôn phải tiến hành cuộc đấu tranh để chống lại các hành động xâm lấn, quấy rối của các láng giềng. Năm 1164, nhà Tống đã buộc phải thừa nhận Đại Việt là một quốc gia riêng và kể từ đây người Trung Quốc gọi nước ta là An Nam quốc.


Đầu thời Lý, có nước Nam Chiếu ở tiếp giáp đất Tây Bắc của Đại Việt. lợi dụng địa thế xa xôi hiểm trở, người Nam Chiếu kích động thủ lĩnh châu Vị Long là Hà Trắc Tuấn nổi loạn chống lại triều Lý. Nam Chiếu còn đem hai mươi vạn quân chiếm đất để tiếp ứng cho Hà Trắc Tuấn. Châu mục Quảng Nguyên là Hoàng An Vinh không chống nổi giặc, sai quân cấp báo triều đình. Năm 1014, Dực Thánh vương được lệnh đem quân lên biên giới, cùng thổ binh đánh tan quân Nam Chiếu, thu phục lại đất Ngũ Hoa. Năm 1015, quân triều đình dẹp được loạn, bắt Hà Trắc Tuấn đem về kinh chém đầu.


Tại cương giới giáp đất Tống, nhà Lý luôn phải đối phó với những âm mưu thủ đoạn xâm lấn của người Tống. Nhà Tống thường mua chuộc các thổ tù của Đại Việt để chiếm đất đai, xúi giục dân Tống ven biên tràn sang quấy phá Đại Việt: Năm 1022, quan nhà Tống ở biên hạt Khâm Châu (Quảng Đông) liên tục xúi giục dân tràn qua biên giới lấn đất và cướp bóc của dân Đại Việt, nhà Lý phải điều động một lực lượng lớn quân đội, cùng thổ binh ở biên giới truy đuổi người Tống tới tận Khâm Châu lỵ, tình hình mới yên; trên đoạn biên giới giữa Ung Châu của nhà Tống giáp đất Lạng Châu, Thái Nguyên, năm 1023, thủ lĩnh châu Thất Khê là Lý Tự bị nhà Tống mua chuộc định đem đất ấy sáp nhập vào đất Tống, phò mã Thân Thừa Quý đem quân biên hạt Lạng Châu tiến vào đất Tống bắt được Lý Tự mặc dù bọn quan lại Ung Châu cố tình che chở v.v...


Khi vương triều Lý bắt đầu thành lập, Chiêm Thành có sai sứ sang cống (năm 1011), nhưng đến năm 1020, Lý Thái Tổ đã sai con là Khai Thiên Vương và tướng Đào Thục Phụ vào đánh Bố Chánh. Năm 1044, Lý Thái Tông đem quân tiến vào kinh đô của Chiêm Thành là Chà Bàn (Bình Định ngày nay) giết vua Chiêm là Xạ Đẩu. Bị thất bại nặng nề, Chiêm Thành bề ngoài phải thần phục, cống nạp nhà Lý, nhưng bên trong luôn tìm cơ hội đánh lại nhà Lý để báo thù. Từ những năm 1050, vua Chiêm Thành là Chế Củ thường khiêu khích Đại Việt, ra sức chuẩn bị về quân sự để chờ thời cơ đánh Đại Việt. Từ năm 1065, được nhà Tống ủng hộ, Chế Củ cắt đứt hẳn quan hệ với Đại Việt. Năm 1068, Chiêm Thành đưa quân xâm lấn biên giới, vượt biển vào cướp phá Nghệ An. Để dẹp nguy phương nam, phòng hoạ phương bắc, vua Lý Thánh Tông quyết định đánh Chiêm Thành. Năm 1069, vua Thánh Tông hạ chiếu thân chinh cầm quân đánh Chiêm Thành, bắt sống vua Chế Củ. Chế Củ phải cắt cho nhà Lý ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh (Quảng Bình và bắc Quảng Trị) để được tha về(1) (Trương Hữu Quýnh, Sách đã dẫn , tr. 135-136).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #14 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2012, 09:56:29 pm »

Đến cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII, biên thuỳ và bờ biển của Đại Việt phía Nam giáp Chiêm Thành, phía Tây Nam (đoạn tây Nghệ An, Quảng Bình ngày nay) giáp Chân Lạp. Thời kỳ này, Chiêm Thành và Chân Lạp thường cấu kết với nhau liên tục xâm lấn và cướp phá vùng biên Đại Việt, nhất là trong các năm 1126, 1132, 1137, 1150, 1203, 1216. Có năm, quân Chiêm Thành và Chân Lạp tấn công Đại Việt tới hai, ba lần. Tất cả các cuộc xâm chiếm cướp phá của Chiêm Thành và Chân Lạp đều bị quân của triều đình, thổ biên và nhân dân địa phương vùng biên Đại Việt đẩy lùi. Song các cuộc chiến đó cũng gây không ít thiệt hại cho nhân dân Đại Việt. Điển hình là tháng 7-1203, một viên tướng Chiêm Thành là Bố Trì đem một số quân đến xin cư trú ở cửa biển Cơ La (cửa Nhượng, Hà Tĩnh) với lý do bị chủ đánh đuổi. Do cả tin, mất cảnh giác, tri châu Nghệ An là Đỗ Thanh và châu mục Phạm Diên đã bị Bố Trì đánh úp rồi giết chết, sau đó Bố Trì tàn phá, cướp bóc nhân dân ven biển và rút về Chiêm Thành an toàn.


Nhà Lý giữ đất không chỉ bằng sức mạnh quân sự, mà còn bằng chính sách ngoại giao. Nổi bật nhất trong lịch sử bang giao thời Lý là cuộc đấu tranh đòi vùng đất Quảng Nguyên (thuộc Cao Bằng ngày nay) ở ven biên giới bị nhà Tống bao chiếm từ sau khi Tống bị bại trận ở sông Như Nguyệt. Năm 1078, một năm sau khi đánh bại cuộc xâm lược của nhà Tống, nhà Lý đã cử một sứ bộ do Đào Nguyễn Tông dẫn đầu sang biếu vua Tống ba thớt voi với chủ trương đòi lại đất Quảng Nguyên, Bảo Lạc bị nhà Tống chiếm. Với chủ trương hoà hiếu và kiên trì, cuộc đàm phán đã đạt được thoả thuận: Nhà Lý trao trả tù binh cho Tống và Tống trả lại đất Quảng Nguyên cho Đại Việt vào năm 1079; năm 1084, Thị lang binh bộ Lê Văn Thịnh dẫn đầu một sứ bộ sang trại Vĩnh Bình (Ung Châu) để cùng nhà Tống tranh biện về vùng đất phía Tây Bắc Quảng Nguyên. Lê Văn Thịnh đã buộc nhà Tống trả lại cho Đại Việt vùng đất sáu huyện, ba động phía Tây Bắc Quảng Nguyên và định 8 cửa ải làm giới hạn phân chia lãnh thổ hai nước. Về các cuộc bang giao đòi đất giành được thắng lợi của Đại Việt, nhà sử học Phan Huy Chú bình luận: "Việc biên giới ở đời Lý được nhà Tông trả lại đất rất nhiều. Bởi vì trước có oai thắng trận, đủ làm cho nhà Tống phải phục. Sau khi sứ thần bàn bạc, lời lẽ thung dung càng thêm khéo léo, cho nên cần gì được nấy, làm cho lời tranh biện của người Trung Quốc phải khuất và thế lực của Nam giao được mạnh. Xem đó cũng có thể biệt qua thêm cường thịnh của thời bấy giờ”(1) (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương, Tập IV, tr. 196).


Qua các sử liệu trên đây cho thấy cương vực lãnh thổ Đại Việt thời Lý đã bao trùm lên toàn bộ miền Bắc Việt Nam ngày nay, từ các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc đến tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra trên biển, tất cả các hải đảo ven bờ bao gồm hàng nghìn hòn đảo trên vịnh Hạ Long đã đặt dưới sự kiểm soát của vương triều nhà Lý. Năm 1172 vua Lý Anh Tông đã đi kinh lược, kiểm tra các hải đảo ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị ngày nay và cho vẽ bản đồ, ghi chép phong vật. Và như vậy, triều Lý đã giữ vững cương giới phía Bắc, mở rộng cương vực về phía Nam đến tỉnh Quảng Trị và kiểm soát toàn bộ hải đảo ngoài khơi vịnh Bắc Bộ ngày nay.


Năm 1028, Lý Thái Tổ mất, thái tử Lý Phật Mã lên ngôi vua, xưng là Lý Thái Tông. Năm 1054, Lý Thái Tông mất, Lý Nhật Tôn lên ngôi vua, xưng là Lý Thánh Tông, đổi tên nước là Đại Việt. Năm 1072, Lý Thánh Tông mất, Lý Càn Đức lên ngôi vua, xưng là Lý Nhân Tông. Năm 1127, Lý Nhân Tông mất, Lý Dương Hoán lên ngôi vua, xưng là Lý Thần Tông. Năm 1138, Lý Thần Tông mất, Lý Thiên Tộ lên ngôi vua, xưng là Lý Anh Tông. Năm 1175, Lý Anh Tông mất, Lý Long Cán (tên khác là Lý Long Trát) lên ngôi vua, xưng là lý Cao Tông. Năm 1210, Lý Cao Tông mất, Lý Hạo Sảm lên ngôi vua, xưng là Lý Huệ Tông. Năm 1224, Lý Huệ Tông truyền ngôi vua cho công chúa Chiêu Thánh, hiệu là Lý Chiêu Hoàng, rồi đi tu. Năm 1225, Lý Chiêu Hoàng trao ngôi vua cho chồng là Trần Cảnh. Vương triều Lý đến đây chấm dứt sau 216 năm cầm quyền, mở ra một trang lịch sử mới của dân tộc Việt Nam - triều đại nhà Trần.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #15 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2012, 08:23:32 am »

3. Nước Đại Việt thời Trần - Hồ (1225 - 1407)
Tháng 12 năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Triều Trần được dựng lên từ đó. Thời Trần, Đại Việt là một trong những quốc gia hùng cường có uy danh lừng lẫy, ngoại xâm phải kiêng sợ, lân bang phải kính nể.


Nhà Trần trải qua mười hai đời vua, trị vì được 175 năm: Năm 1225, Trần Cảnh lên ngôi vua, xưng là Trần Thái Tông (mất năm 1277); năm 1258, Thái Tông nhường ngôi cho thái tử Trần Hoảng, hiệu Trần Thánh Tông (mất năm 1290); năm 1278, Thánh Tông nhường ngôi cho thái tử Trần Khâm, hiệu Trần Nhân Tông (mất năm 1308); năm 1293, Nhân Tông nhường ngôi cho thái tử Trần Thuyên, hiệu Trần Anh Tông (mất năm 1320); năm 1314, Anh Tông nhường ngôi cho thái tử Trần Mạnh, hiệu Trần Minh Tông (mất năm 1357); năm 1329, Minh Tông nhường ngôi cho thái tử Trần Vượng, hiệu Trần Hiến Tông; năm 1341, Hiến Tông mất, Trần Hạo (con của Minh Tông) lên ngôi vua, hiệu Trần Dụ Tông; năm 1369, Dụ Tông mất, Hiến từ Tuyên Thánh Hoàng thái hậu đưa Dương Nhật Lễ lên ngôi vua; năm 1370, các tôn thất nhà Trần khởi binh giết chết Dương Nhật Lễ, đưa Trần Phủ (con của Minh Tông) lên ngôi vua, hiệu Trần Nghệ Tông; năm 1372, Nghệ Tông nhường ngôi cho em là Trần Kính làm vua, hiệu Trần Duệ Tông; năm 1376, vua Duệ Tông chết, con trưởng là Trần Hiện lên thay, hiệu Trần Phế Đế, năm 1388, Phế Đế bị ép thắt cổ chết, Trần Nhung (con của Nghệ Tông) lên làm vua, hiệu Trần Thuận Tông. Năm 1397, vua Thuận Tông bị ép dời kinh đô từ Thăng Long về Tây Đô (Thanh Hoá). Năm 1398, vua Thuận Tông lại bị ép nhường ngôi cho con trai là Trần Án làm vua, hiệu là Trần Thiếu Đế.


Dựa trên nền tảng xã hội thời Lý, nhà Trần tiếp tục xây dựng và củng cố đất nước về mọi mặt. Năm 1242, nhà Trần đổi hai mươi bốn "Lộ" thời Lý chia đặt thành mười hai "Lộ", ở phía Nam còn đặt thêm phủ Lâm Bình (vùng Quảng Bình và Quảng Trị ngày nay).


Thời Lý, biên giới Đại Việt với Trung Quốc mới chỉ được xác định khá rõ ràng ở đoạn từ Tây Bắc châu Quảng Nguyên (Cao Bằng) tới châu Vểnh An (Hải Ninh). Đến dời Trần, đoạn biên giới phía Bắc và Tây Bắc Đại Việt dần định hình. Như vậy, đến đời Trần, biên giới giữa Đại Việt và Trung Quốc cơ bản đã định hình rõ ràng, trừ đoạn cực Tây Bắc tới giữa thế kỷ XIV mới có Mường Lễ (Lai Châu) thuộc trấn Gia Hưng. Cùng với việc không ngừng củng cố cương vực lãnh thổ ở phía Bắc, nhà Trần đã ba lần đánh lui và đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lược của quân Nguyên Mông (các năm 1258, 1285, 1288), bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Đại Việt.


Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1242, nhà Trần chia đất nước làm 12 lộ, nhưng sử không thép rõ tên mười hai "Lộ” là gì (đơn vị hành chính như cấp tỉnh ngày nay). Song, dưới thời Trần người ta thấy ngoài các đơn vị hành chính được gọi là "Lộ" còn có các đơn vị hành chính được gọi là "Phủ” và "Trấn" vào những thời điểm khác nhau, tuỳ theo đặc điểm địa lý của từng đơn vị hành chính.


Theo biên niên sử trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thu, người ta tìm thấy các đơn vị hành chính sau đây:

Những đơn vị hành chính gọi là "Lộ":

- Thiên Trường (1246) nay thuộc Nam Định.

- Long Hưng (1246) nay thuộc Hưng Yên, Thái Bình.

- Trường Yên (1248) nay thuộc Ninh Bình.

- Kiến Xương (1246) nay thuộc Thái Bình.

- Khoái (1246) nay thuộc Hưng Yên.

- Hải Đông (1266) nay là Quảng Ninh, tồn tại đến 1397.

- Yên Khang (1292) nay thuộc Ninh Bình.

- Diễn Châu (1375) nay thuộc Nghệ An.

- Quốc Oai Thượng (1394) nay thuộc Vĩnh Phúc.

- Đông Đô (1397) nay là Hà Nội.

- Bắc Giang (1397) nay thuộc Bắc Ninh.

- Tam Giang (1397) nay thuộc các vùng ở xung quanh ngã ba Việt Trì, trong đó có những phần đất thuộc các tỉnh Hà Tây, Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc.

- Sơn Nam (1397) xuất hiện vào cuối đời Trần. Giới hạn lộ này không được rõ, nhưng vào đời Lê Hồng Đức, lộ này bao gồm các tỉnh phía Nam châu thổ sông Hồng.

- Kinh Bắc (1397), xuất hiện cuối đời Trần, bao gồm những nơi nào không rõ, vì lúc này vẫn có lộ Bắc Giang, ở vào địa phận tỉnh Bắc Ninh ngày nay.


Những đơn vị hành chính gọi là "phủ”:

- Thanh Hoá, nay là tỉnh Thanh Hoá, được gọi là "phủ” suốt thời Trần.

- Thiên Trường, thấy chép vào các năm 1261, 1299, năm 1246 gọi là "lộ (đã đề cập ở trên).

- Long Hưng, chép vào những năm 1288, 1312 mà năm 1246 gọi là "Lộ Long Hưng" (đề cập ở trên).

- Trung Đô, nay là Hà Nội, chép vào năm 1377, năm 1397 gọi là "Lộ Đông Đô" (đề cập ở trên).

- Lâm Bình, nay là Quảng Bình, chép vào năm 1361, 1372, năm 1375 đổi là "phủ Tân Bình".

- Nghệ An, nay gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, chép vào năm 1390. Có lúc chỉ chép địa danh "Nghệ An" (1313) hoặc chép là "Trấn Nghệ An" (1351, 1356), "Trại Nghệ An" (1372).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #16 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2012, 08:24:23 am »

Những đơn vị được gọi là "Trấn" gồm có:

- Đà Giang, gồm các tỉnh Tây Bắc ngày nay, chép năm 1370.

- Thái Nguyên, gồm tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, chép năm 1375.

- Quảng Oai, nay thuộc tỉnh Hà Tây, chép năm 1375 và 1383.

Ngoài ra, còn có hai châu có vị trí tương đương đơn vị hành chính cấp lộ, phủ, trấn là "Châu Hoá" và "Châu Thuận". Địa danh Châu Hoá chép vào năm 1535, 1316 và 1374, Châu Thuận chép vào năm 1374. Đây là hai châu được thành lập trên đất Ô - Lý do vua Chiêm Thành Chế Mân dâng vua Trần Anh Tông (1293-1314) làm lễ vật cưới Huyền Trân Công Chúa vào năm 1306. Châu Thuận nay thuộc tỉnh Thừa Thiên. Châu Hoá nay thuộc Bắc Quảng Nam.


Địa danh cấp huyện hoặc thị trấn thời Trần thấy chép Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn, Vân Đồn, Khâu ôn, Tây Kết, Phả Lại, Vạn Kiếp (1266), Tiên Du (1383), Thuỷ Vĩ (1384), Đồng Đăng (1395).


Qua các địa danh trên thấy rõ, cương giới nước Đại Việt đời Trần có mở rộng chút ít về phía Nam so với cương giới nước Đại Việt đời Lý, được giới hạn bởi các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang ngày nay ở phía Bắc, sông Thu Bồn ở phía Nam, quần đảo Hạ Long ở phía Đông. Nếu ghi tên các lộ, phủ đời Trần được chép trong sử sách trên bản đồ hiện đại, chúng ta sẽ thấy lãnh thổ nước Đại Việt đời Trần bao gồm các tỉnh thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (ngày nay đến sông Thu Bồn tỉnh Quảng Nam ngày nay)(1) (Ban Biên giới của Chính phủ, Tập san Biên giới và Lãnh thổ (Số 6), tr. 29-30).


Đại việt vào cuối thế kỷ XIV, ở phía Bắc nhà Minh ngày càng lộ rõ ý đồ xâm lược; ở phía Tây nước Lạng Xang thống nhất đang phát triển mạnh trên đất Lào; ở phía Nam quân Chiêm Thành không ngừng gây nạn cướp bóc ven biên giới. Trong khi đó, nội bộ triều Trần đã trở nên mục nát, suy yếu.


Năm 1400, Hồ Quý Ly là một đại thần của nhà Trần phế truất vua Thiếu Đế, tự xưng vua lập ra triều Hồ, đổi tên nước thành Đại Ngu, đóng đô ơ Tây Đô (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá).

Hồ Quý Ly làm vua được một năm, đến năm 1401 bắt chước nhà Trần nhường ngôi cho con thứ hai là Hồ Hán Thương lên làm vua, còn mình thì xưng là Thái thượng hoàng điều khiển triều đình. Năm 1402, nhà Hồ tiến đánh Chiêm Thành, buộc vua Chiêm Thành phải nộp hai vùng đất Chiêm Động và Cổ Luỹ (vùng đất bắc Quảng Ngãi ngày nay), nhà Hồ đổi tên thành 4 châu là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (sau đó lại ghép thành hai châu là Thăng Hoa và Tư Nghĩa). Năm 1404, tiếp tục đánh Chiêm Thành lần nữa nhưng không đạt kết quả gì, phải rút quân về. Trên biên giới phía Bắc, để cầu sự hoà hoãn với nhà Minh, cha con họ Hồ đã phạm một sai lầm mà các sử gia phong kiến về sau cho rằng "dù giết cũng chưa hết tội". Đó là việc năm 1405 họ Hồ cắt đất Lộc Bình (trấn Lạng Sơn) cho nhà Minh.


Cuối năm 1406, nhà Minh mượn cớ phù Trần diệt Hồ đã đem quân đánh Đại Ngu, quân nhà Hồ thua to, Hồ Quý Ly cùng đình thần phải rút về Tây Đô. Năm 1417, quân Minh tấn công chiếm Tây Đô, bắt được cha con Hồ Quý Ly. Triều đại Hồ chấm dứt từ đây. Trong thời gian trị vì đất nước, họ Hồ đổi tên một số trấn, trong đó có Thanh Hoá đổi thành trấn Thanh Đô. Sau năm 1417, quân Minh tiếp tục đánh vào Thuận Hoá, chiếm nốt vùng đất phía nam. Trong lúc đó, quân Chiêm Thành cũng thừa cơ đánh ra, lấy lại vùng Thăng Hoa (Quảng Nam, Quảng Ngãi).


Năm 1407, một số người yêu nước lập Trần Ngỗi (con thứ của Trần Nghệ Tông) lên làm vua, hiệu Giản Định Đế, đổi tên nước trở lại tên Đại Việt (sử cũ gọi là nhà Hậu Trần). Năm 1409, Trần Quý Khoáng (cháu nội của Trần Nghệ Tông) làm vua thay Giản Định Đế, hiệu Trung Quang Đế lãnh đạo nhân dân chống lại quân Minh. Đến cuối năm 1413, do lực lượng yếu không thể chống lại được quân Minh, Trùng Quang Đế và quần thần bị quân Minh bắt đưa về Trung Quốc, trên đường đi vua tôi nhà Trần đã nhảy xuống biển tự tử. Nhà Hậu Trần chấm dứt từ đó.


Đến thời điểm này, cương giới Đại Việt ở phía Bắc cơ bản giữ nguyên như thời Lý (ngoài việc vùng Lộc Bình bị nhà Hồ cắt cho nhà Minh), ở phía Nam lãnh thổ đã mở rộng thêm đến địa phận thuộc tỉnh Quảng Ngãi ngày nay.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #17 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2012, 08:31:24 am »

4. Nước Đại Việt thời thuộc Minh (1407 – 1427)(1)
(Ban Biên giới của Chính phủ, Tập san Biên giới và Lãnh thổ (Số 7), tr.36-37)

Từ năm 1414 đến năm 1427, nước Đại Việt một lần nữa trở thành quận huyện của phong kiến phương Bắc.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quân Minh vào Đông Đô (Hà Nội ngày nay) tháng 12 năm Bính Tuất (1406). Tháng tư năm Đinh Hợi (1407), đặt "Giao Chỉ thừa tuyên bố chính sứ ty" biến nước Đại Việt thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc. Theo quy chế hành chính của Trung Quốc thời đó, dưới cấp "bố chính sứ ty" có phủ, châu, huyện. Đối với Đại Việt, nhà Minh đặt làm "bố chính sứ ty", bên dưới cũng đặt các đơn vị phủ, châu, huyện. Theo sách Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư của Cố Viêm Vũ đời Thanh thì năm 1407, nhà Minh đặt 15 phủ và 5 châu trực thuộc. Dưới phủ là châu, dưới châu là huyện dựa trên cơ sở hệ thống hành chính thời Trần - Hồ. Tuy nhiên, trong thời kỳ thuộc Minh một số châu, huyện được tách ra hoặc nhập lại, hoặc thay tên mới. Song về cơ bản các đơn vị hành chính từ cấp phủ đến cấp huyện vẫn giữ nguyên tên cũ thời Trần - Hồ. Cụ thể:

- Phủ Giao Châu gồm 5 châu, 23 huyện thuộc vùng Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc ngày nay;

- Phủ Bắc Giang gồm 3 châu, 13 huyện ở vào vùng Bắc Ninh và huyện Việt Yên ngày nay, vùng huyện Đa Phúc trước đây;

- Phủ Lạng Giang gồm 3 châu, 15 huyện ở vào vùng Bắc Giang, Hải Dương ngày nay Phủ Tam Giang gồm 3 châu, 9 huyện ở vùng Phú Thọ, Tuyên Quang ngày nay;

- Phủ Kiến Bình (phủ Kiến Hưng cũ) gồm 1 châu, 9 huyện ở vào vùng Ninh Bình ngày nay;

- Phủ Tân Yên (phủ Tân Hưng cũ) gồm 3 châu, 21 huyện ở vào vùng Quảng Ninh, Hải Phòng ngày nay;

- Phủ Kiến Xương gồm 1 châu, 9 huyện ở vào vùng Hưng Yên, Thái Bình ngày nay;

- Phủ Phụng Hoá (phủ Thiên Trường cũ) gồm 4 huyện ở vào vùng Nam Định ngày nay;

- Phủ Thanh Hoá gồm 3 châu, 19 huyện ở vào vùng Thanh Hoá ngày nay Phủ Trấn Man gồm 4 huyện ở vào vùng Thái Bình ngày nay;

- Phủ Lạng Sơn gồm 7 châu, 16 huyện ở vào vùng Lạng Sơn ngày nay;

- Phủ Diễn Châu gồm 1 châu, 4 huyện ở vào vùng Diễn Châu, Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An ngày nay;

- Phủ Nghệ An gồm 2 châu, 12 huyện ở vào vùng Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay;

- Phủ Tân Bình gồm 2 châu, 9 huyện ở vào vùng Quảng Bình ngày nay;

- Phủ Thuận Hoá gồm 2 châu, 11 huyện ở vào vùng Quảng Trị, Thừa Thiên ngày nay;

- Châu Thái Nguyên gồm 11 huyện ở vào vùng Thái Nguyên ngày nay;

- Châu Tuyên Hoá (trấn Tuyên Quang cũ) gồm 9 huyện ở vào vùng Tuyên Quang, Hà Giang ngày nay;

- Châu Gia Hưng gồm 3 huyện ở vào vùng Thanh Sơn (Phú Thọ), Phúc Yên, Mộc Châu (Sơn La) ngày nay;

- Châu Quy Hoá gồm 4 huyện ở vào vùng Yên Bái, Lào Cai ngày nay;

- Châu Quảng Oai gồm 2 huyện ở vào vùng Quảng Oai, Tùng Thiện (Sơn Tây) ngày nay.


Cùng năm 1407, hai châu Thái Nguyên, Tuyên Hoá được nâng lên thành phủ. Năm 1415, nhà Minh đặt thêm phủ Thăng Hoa trên phần đất Chiêm Thành mà nhà Hồ đã đặt 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa năm 1402, lãnh 4 châu, 11 huyện. Tổng cộng Đại Việt thời thuộc Minh có 18 phủ, 43 châu, 177 huyện. Cương giới lãnh thổ không có biến đổi lớn ngoài việc một số phủ, châu, huyện bị đổi tên hoặc điều chỉnh lại địa giới.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #18 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2012, 08:37:28 am »

5. Nước Đại Việt thời Lê Sơ (1428 - 1788)
Năm 1418, Lê Lợi lãnh đạo nhân dân không nhà Minh. Năm 1428, lật đổ ách cai trị của nhà Minh, giành lại Đại Việt, lập nên triều đại nhà Lê. Lê lợi lên ngôi vua, hiệu Lê Thái Tổ, giữ tên nước là Đại Việt đóng đô ở Đông Đô (Hà Nội). Năm 1433, Thái Tổ mất, con là Lê Nguyên Long lên làm vua, hiệu Lê Thái Tông. Năm 1442, Thái Tông bị bạo bệnh chết, con là Lê Bang Cơ (mới hai tuổi) lên làm vua, hiệu Lê Nhân Tông. Năm 1459, Nhân Tông bị thái tử Nghi Dân giết chết, cướp ngôi. Năm 1460, triều thần truất ngôi Nghi Dân, lập hoàng tử Lê Tư Thành lên làm vua, hiệu Lê Thánh Tông. Năm 1497, vua Thánh Tông mất, thái tử Lê Tăng lên làm vua, hiệu Lê Hiến Tông. Năm 1504, vua Hiến Tông mất, con là Lê Thuần lên làm vua, hiệu Lê Túc Tông, trị vì được 6 tháng thì bị bệnh mất, trước khi chết đã chỉ định anh trai là Lê Tuấn lên thay ngôi. Năm 1504, Lê Tuấn làm vua, hiệu Lê Uy Mục, rất tàn ác, dân gian gọi là "vua quỷ". Năm 1509, Lê Uy Mục bị bức tự tử, Lê Oanh (cháu nội vua Lê Thánh Tông) lên làm vua, hiệu Lê Tương Dực, rất gian dâm, người đương thời gọi là “vua lợn". Năm 1516, Tương Dực bị đâm chết, Lê Huệ (cháu bốn đời của Lê Thánh Tông) lên ngôi, hiệu Lê Chiêu Tông (năm 1526 bị Mạc Đăng Dung giết chết). Năm 1522, Lê Chiêu Tông bị truất ngôi, em là Lê Xuân lên làm vua, hiệu Lê Cung Hoàng. Năm 1527, Mạc Đăng Dung ép Lê Cung Hoàng nhường ngôi (sau đó ép vua và thái hậu tự tử). Như vậy, kể từ khi Lê Thái Tổ lên ngôi năm 1428 đến khi Lê Cung Hoàng bị giết năm 1527, trải qua 10 đời vua, trị vì cả thảy 99 năm, các nhà sử học gọi là triều Lê Sơ.


Năm 1428, sau khi khôi phục lại nền độc lập cho Đại Việt, nhà Lê Sơ chia nước làm năm đạo là Đông, Tây, Nam, Bắc (tương ứng với Bắc Bộ ngày nay) và Hải Tây (từ Thanh Hoá vào đến Thuận Hoá). Cụ thể là(1) (Ban Biên giới của Chính phủ, Tập san Biên giới và Lãnh thổ (Số 8 ), tr. 11-12):

- Đông Đạo gồm các tỉnh Hải Dương, Quảng Yên (nay là tỉnh Quảng Ninh);

- Tây Đạo gồm các tỉnh Sơn Tây (cũ), Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu ngày nay;

- Nam Đạo gồm các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình ngày nay;

- Bắc Đạo gồm các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, dạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Cạn ngày nay;

- Hải Tây Đạo gồm các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào cho đến đèo Hải Vân.  


Năm 1466, lại chia nước thành 12 "Đạo thừa tuyên" (tên gọi đơn vị hành chính cấp tỉnh thời đó):

- Thanh Hóa (sau đổi là Thanh Hoa, nay là tỉnh Thanh Hóa);

- Nghệ An (bao gồm cả tỉnh Hà Tĩnh ngày nay);

- Thuận Hóa (bao gồm cả Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Bắc Quảng Nam ngày nay (huyện Điện Bàn và huyện Hoà Vang);

- Thiên Trường năm 1469 đổi là Sơn Nam) bao gồm các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam và phía Nam tỉnh Hà Tây ngày nay);

- Quốc Oai (năm 1469 đổi thành Sơn Tây) bao gồm tỉnh Sơn Tây cũ và các tỉnh Vĩnh Phúc, một phần tỉnh Phú Thọ ngày nay;

- Bắc Giang (năm 1469 đổi thành Kinh Bắc), bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay; An Bang nay là Quảng Ninh);

- Hưng Hóa (bao gồm các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu ngày nay);

- Tuyên Quang (gồm tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang - Thái Nguyên (bao gồm cả Bắc Cạn, Cao Bằng ngày nay);

- Phủ Trung Đô, tức kinh thành Thăng Long (năm 1 469 đổi làm phủ Phụng Thiên).


Qua phạm vi địa giới năm đạo năm 1428 và 12 đạo thừa tuyên năm 1466 thấy rõ cương giới lãnh thổ nước Đại Việt thời Lê Sơ bao trùm lên các tỉnh Bắc bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ ngày nay, bao gồm cả hai huyện Điện Bàn và Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, bên kia là đèo Hải Vân.


Năm 1469, nhà Lê Sơ xác lập bản đồ các phủ, huyện châu thuộc 12 thừa tuyên và phủ Trung Đô. So sánh thấy địa giới hành chính 12 thừa tuyên và Phủ Trung Đô không thay đổi, chỉ đổi tên 5 thừa tuyên như trên đã đề cập và định rõ địa giới phủ, huyện, châu thuộc 12 thừa tuyên và Phủ Trung Đô.


Năm 1471, sau khi chiến vùng đất ở phía Nam Thuận Hoá cho đến đèo Cù Mông (từ phía Nam huyện Điện Bàn đến Đèo Cả ngày nay), nhà Lê Sơ lập thêm thừa tuyên Quảng Nam. Như vậy, đến thời gian này nước Đại Việt gồm 13 thừa tuyên (cấp tỉnh ngày nay) và phủ Trung Đô (tức kinh thành Thăng Long).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #19 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2012, 08:40:32 am »

Vào năm Hồng Đức thứ 21 (1490), vua Lê Thánh Tông cho ban hành tập "Bản đồ Thiên hạ”, thường được gọi là Bản đồ Hồng đức được làm trên cơ sở bản đồ do các thừa tuyên gửi về được thực hiện theo chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 8 (1467). Sự kiện này được Đại Việt Sử Ký Toàn Thu chép như sau: "Mùa Hạ, tháng Tư, ngày mồng năm, định bản đồ thiên hạ: 13 xứ thừa tuyên có 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6.851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 40 động, 30 nguyên, 30 trường".


Tập Bản đồ Hồng Đức gồm có 15 tấm bản đồ. Trong đó có một bản đồ cả nước, một bản đồ phủ Trung Đô, 13 bản đồ các thừa tuyên cùng bản liệt kê tên phủ, huyện, châu thuộc cả nước. Trên mỗi bản đồ, hình thế núi sông tổng quát cùng vị trì các phủ, huyện, châu, danh lam thắng cảnh của đơn vị hành chính liên quan đều được thể hiện.


Bản đồ cả nước mang tên An Nam đồ được thể hiện phía Đông giáp biển cả. Phía Tây giáp nước Ai-lao. Phía Bắc giáp Trung Quốc với núi Phân Mao ở Quảng Đông, ải Quan (tức ải Nam Quan, nay là Hữu Nghị Quan) ở Quảng Tây, Bạch Thành (tức Bạch Mã thành, nay là huyện Mã Quan) ở Vân Nam. Phía Nam giáp Chiêm Thành ở núi Thạch Bi (nay là Đèo Cả, dải núi ngăn cách tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa ngày nay).


Qua địa giới hành chính thể hiện trên bản đồ này có thể thấy rõ phạm vi cương giới, lãnh thổ nước Đại Việt thời Lê Sơ bao gồm miền Bắc Việt Nam và được mở rộng về phía Tây giáp nước Lào, kéo dài xuống phía Nam đến tỉnh Phú Yên ngày nay.


Bản đồ Phủ Trung Đô thể hiện phía Đông là sông Hồng. Phía Tây là sông Tô Lịch bên ngoài bức tường thành Thăng Long. Phía Nam là dải đất ven đô bên ngoài bức tường thành nay là đường Đại La, đường Đại Cồ Việt và đường Trần Khát Chân. Phía Bắc là Hồ Tây. Ở giữa là thành Thăng Long với Cấm Thành hình vuông mà tâm là Điện Kính Thiên.


Bản đồ các thừa tuyên được xếp theo thứ tự: Thanh Hoa, Nghệ An, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Lạng Sơn, An Bang, Thuận Hóa, Quảng Nam.


Thanh Hoa là thừa tuyên được đặt ở hàng đầu, có thể do nhà Lê Sơ coi đây là nơi Lê Thái Tổ dựng nên cơ nghiệp, là quê hương của triều Lê. Trên bản đồ người ta thấy Tây Kinh được thể hiện ở miền thượng du Thanh Hóa ngày nay.


Sau đây là các đơn vị hành chính phủ, huyện, châu của các thừa tuyên và phủ Trung Đô được thể hiện trong tập bản đồ này.

- Phủ Trung Đô: 1 phủ, 2 huyện.

+ Phủ Phụng Thiên.

+ 2 huyện (Vinh Xương, Quảng Đức).

- Thừa tuyên Thanh Hoa: 6 phủ, 22 huyện, 4 châu.

+ Phủ Thiệu Thiên: 8 huyện (Lương Giang, Vĩnh Ninh, Côn Dương, Đông Sơn, An Định, Cẩm Thuỷ, Bình Giang, Thạch Thành).

+ Phủ Hà Trung: 4 huyện (Hoẵng Hóa, Thuần Hậu, Nga Giang, Tống Giang).

+ Phủ Tĩnh Ninh: 3 huyện (Nông Cống, Quảng Xương, Ngọc Sơn).

+ Phủ Trường Yên: 3 huyện (Gia Viễn, Yên Mô, Yên Ninh).

+ Phủ Thiên Quan: 3 huyện (Phụng Hóa, An Hóa, Lạc Thổ). Hai phủ Trường Yên và Thiên Quang năm 1831 được đặt thành tỉnh Ninh Bình.

+ Phủ Thanh Đô: 1, huyện, 4 châu (Thọ Xuân, Gia Quan, Lương Chính, Tầm Châu, Sầm Châu). Hai huyện Tầm Châu và Sầm Châu nay thuộc Lào.

- Thừa tuyên Nghệ An: 9 phủ, 25 huyện, hai châu.

+ Phủ Đức Quang: 6 huyện (La Giang, Thiên Lộc, Nghi Xuân, Châu Phúc, Hương Sơn, Thanh Giang).

+ Phủ Diễn Châu: 2 huyện (Đông Thành, Quỳnh Lưu).

+ Phủ Anh Đô: 2 huyện (Hưng Nguyên, Nam Đàn).

+ Phủ Hà Hoa: 2 huyện (Thạch Hà, Kỳ Hoa).

+ Phủ Trà Lân: 4 huyện (Kỳ Sơn, Hội Ninh, Tương Dương, Vĩnh Khang).

+ Phủ Quỳ Châu: 2 huyện (Trung Sơn, Thuỳ Vân).

+ Phủ Ngọc Ma: 1 huyện (Trịnh Cao).

+ Phủ Lâm An: 1 châu (Quy Hợp).

+ Phủ Trấn Ninh: 7 huyện (Khang Vinh, Minh Quảng, Cảnh Thuần, Kim Sơn; Thanh Vị, Chu Lương, Trung Thuận nay thuộc Lào).

- Thừa tuyên Sơn Nam: 8 phủ, 36 huyện.

+ Phủ Thường Tín: 3 huyện (Long Đàm, Thượng Phúc, Phù Vân).

+ Phủ Khoái Châu: 5 huyện (Đông An, Thiên Thi, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Dung).

+ Phủ Ứng Thiên: 4 huyện (Thanh Oai, Chương Đức, Sơn Minh, Hoài An).

+ Phủ Lỵ Nhân: 5 huyện (Duy Tân, Kim Bảng, Thanh Liêm, Nam Xương, Bình Lục).

+ Phủ Thiên Trường: 4 huyện (Mỹ Lộc, Thượng Hiền, Tây Châu, Giao Thuỷ).

+ Phủ Tân Hưng: 4 huyện (Ngự Thiên, Diên Hà, Thần Khê, Thanh Lan)

+ Phủ Kiến Xương: 3 huyện (Thủ Trì, Vũ Nga, Chân Định).

+ Phủ Thái Bình: 4 huyện (Quỳnh Côi, Đông Quan, Phụ Dực, Thụy Anh).

- Thừa tuyên Sơn Tây: 6 phủ, 26 huyện.

+ Phủ Quốc Oai: 5 huyện (Từ Liêm, Đan Phượng, Phúc lộc, Ninh Sơn, Thạch Thất).

+ Phủ Tam Đới: 6 huyện (Yên Lãng, Yên Lạc, Bạch Hạc, Phú Ninh, Lập Thạch, Tân Phong).

+ Phủ Thao Giang: 4 huyện (Sơn Vi, Thanh Ba, Hoa Khê, Hạ Hoa).

+ Phủ Đoan Hùng: 5 huyện (Đông Lan, Tây Lan,Để Giang, Đương Đạo Tam Dương).

+ Phủ Đà Dương: 2 huyện (Tam Nông, Bất Bạt).

+ Phủ Quảng Oai: 2 huyện (Mỹ Lương, Ma Nghĩa).

- Thừa tuyên Kinh Bắc: 4 phủ, 20 huyện.

+ Phủ Thuận An: 5 huyện (Gia Lâm, Thiệu Tài, Siêu Loại, Tế Giang, Gia Định).

+ Phủ Từ Sơn: 5 huyện (Tiên Du, Yên Phong, Quế Dương, Đông Ngàn, Vũ Ninh).

+ Phủ Bắc Hà: 4 huyện (Tân Phúc, Hiệp Hòa, Kim Hoa, Yên Việt).

+ Phủ Lạng Giang: 6 huyện (Phượng Nhỡn, Hữu Lũng, Yên Dũng, Yên Thế, Lục Ngạn, Bảo Lộc).

+ Phủ Cao Bình: 4 châu (Thượng Lang, Hạ Lang, Thạch Lam, Quảng Uyên).

- Thừa tuyên Tuyên Quang: 1 phủ, 1 huyện, 5 châu.

+ Phủ Yên Bình: 1 huyện, 5 châu (Sùng Yên, Thu Vật, Lục Yên, Đại Man, Bình Nguyên, Bảo Lạc).

- Thừa tuyên Hưng Hóa: 3 phủ, 4 huyện, 17 châu.

+ Phủ Gia Hưng: 1 huyện, 5 châu (Thanh Nguyên, Phủ Hoa, Mộc Châu, Mai Châu, Việt Châu, Thuận Châu).

+ Phủ Quy Hóa: 3 huyện, 2 châu (Trấn Yên, Yên Lập, Văn Chấn, Văn Bàn, Thuỷ Vỹ).

+ Phủ Yên Tây: 10 châu (Luân Châu, Lai Châu, Quỳnh Nhai, Chiêu Tấn, Tung Lăng, Lễ Tuyên, Hoang Nham, Hợp Phì, Khiêm Châu, Tuy Phụ).

- Thừa tuyên Lạng Sơn: 1 phủ, 7 châu.

+ Phủ Trường Định: 7 châu (Thất Tuyền, Văn Lãng, Văn Uyên, Ôn Châu, Thoát Lãng, Lộc Bình, An Bác).

- Thừa tuyên Hải Dương: 4 phủ, 18 huyện.

+ Phủ Thượng Hồng: 3 huyện (Đường Hào, Đường Yên, Cẩm Giàng).

+ Phủ Hạ Hồng: 4 huyện (Trường Tân, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Vĩnh Lại).

+ Phủ Nam Sách: 4 huyện (Thanh tâm, Chí Linh, Bình Hà, Tân Minh).

+ Phủ Kinh Môn: 7 huyện (Giáp Sơn, Đông Triều, An Lão, Nghi Dương, Kim Thành, Thuỷ Đường, An Dương).

- Thừa tuyên Thái Nguyên: 3 phủ, 8 huyện, 6 châu.

+ Phủ Phú Bình: 8 huyện, 1 châu (Phổ Yên, Đại Từ, Tư Nông, Bình Tuyền, Động Gia, Phú Lương, Văn Lãng, Tuyên Hóa, Vũ Nhai).

+ Phủ Thông Hóa: 1 huyện, 1 châu (Cảm Hóa, Bạch Thông).

- Thừa tuyên An Bang: 1 phủ, 3 huyện, 4 châu.

+ Phủ Hải Đông: 3 huyện, 4 châu (Hoành Bồ, Yên Hưng, Chi Phong, Tân Yên, Vạn Ninh, Vĩnh An, Vân Đồn). Châu Vĩnh An đời Mạc đã cắt cho Trung Quốc, nay thuộc huyện Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây.

- Thừa tuyên Thuận Hóa: 2 phủ, 6 huyện, 4 châu.

+ Phủ Tân Bình: 2 huyện, 2 châu (Kiến Lộc, Lệ Thuỷ, Minh Linh, Bố Chính).

+ Phủ Triệu Phong: 6 huyện, 2 châu (Vũ Xương, Đan Điền, Hải Lăng, Kim Trà, Tư Vang, Điện Bàn, Thuận Bình, Sa Bôi).

- Thừa tuyên Quảng Nam: 3 phủ, 9 huyện.

+ Phủ Thăng Hoa: 3 huyện (Lê Giang, Hà Đông, Hy Giang).

+ Phủ Tư Nghĩa: 3 huyện (Bình Sơn, Mộ Hoa, Nghĩa Giang).

+ Phủ Hoài Nhân: 3 huyện (Bồng Sơn, Phù Ly, Trung Viễn).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM