Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 04:10:05 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng  (Đọc 310697 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« vào lúc: 27 Tháng Hai, 2011, 07:26:02 am »



Tác giả: Trương Như Vương - Hoàng Ngọc Sơn - Trịnh Xuân Hạnh
Nhà xuất bản: Công an Nhân dân
Năm xuất bản: 2007
Số hoá: ptlinh, quansuvn, dungnuocgiunuoc


LỜI GIỚI THIỆU


Đối với mọi quốc gia sự toàn vẹn lãnh thổ và biên giới là rất thiêng liêng. Do biên thiên của các nhân tố lịch sử, chính trị và thiên nhiên, vấn đề biên giới luôn chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp và nhạy cảm.


Nước ta có đường biên giới trên đất liền với 3 quốc gia là Trung Quốc, Lào và Campuchia. Đường biên giới đó hình thành trong suốt chiều dài lịch sử từ thời Văn Lang cho tới ngày nay và trải qua không ít biến động.


Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành mối quan tâm lớn lao và sâu sắc tới vấn đề biên giới, vừa nhằm giữ vững biên cương và sự toàn vẹn lãnh thổ do bao đời ông cha ta gây dựng nên, vừa bảo toàn và tích cực chủ động giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ với các nước láng giềng, biến đường biên giới quốc gia thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác.


Tuy nhiên, không ít người chưa hiểu rõ, thậm chí hiểu sai vấn đề biên giới, trong khi các thế lực thù địch trong và ngoài nước lại tìm mọi cách xuyên tạc sự thật lịch sử biên giới nước ta.


Cuốn sách "Lịch sử biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng” do TS. Trương Như Vương, Viện trưởng Viện Chiên lược và Khoa học Công an và nhóm cộng sự đã giới thiệu một cách hệ thống những vấn đề cơ bản về lịch sử hình thành đất nước, lịch sử đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia trong quá khứ và hiện tại; góp phần làm rõ và khẳng định cơ sở pháp lý và lịch sử biên giới và chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đây là tài liệu rất quý giá và bổ ích cho các cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà nghiên cứu và tất cả nhũng ai quan tâm tới vấn đề hệ trọng này.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.


Hà Nội, ngày 20.5.2007

« Sửa lần cuối: 18 Tháng Bảy, 2020, 12:04:55 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2011, 07:26:47 am »

LỜI TÁC GIẢ


Quốc gia hình thành bởi ba thành tố cơ bản là "Lãnh thổ, Nhà nước và Dân cư”. Trong đó, yếu tố biên giới - lãnh thổ là nền tảng đầu tiên. Bản chất vấn đề biên giới - lãnh thổ là hệ trọng và hết sức nhạy cảm, việc bảo vệ sự toàn vẹn biên giới - lãnh thổ luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia, dân tộc.


Trong tiếng Việt, lãnh thổ là một danh từ, có nghĩa "đất đai thuộc chủ quyền của một nước". Với vị trí địa lý của mình, Việt Nam có lãnh thổ bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời" kể cả lòng đất của đất liền, của các hải đảo, đáy và lòng đất dưới đáy vùng biển như quy định trong Điều 1 Hiên pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.


Phạm vi chủ quyền lãnh thổ quốc gia gắn liền với đường biên giới quốc gia. Về mặt địa lý, biên giới của một quốc gia là đường và mặt thẳng đứng đi qua đường xác đinh phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó. Trên phương diện pháp luật, biên giới quốc gia là "hàng rào pháp lý" xác đinh giới hạn vùng đất, vùng nước, vùng biển, vùng trời và lòng đất thuộc chủ quyền quốc gia. Biên giới quốc gia là nơi phân chia chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia với quốc gia khác và /hoặc với các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia đó. Nói một cách khác, biên giới quốc gia chính là giới hạn ngăn cách lãnh thổ của quốc gia này với quốc gia khác và ngăn cách lãnh hải với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.


Việt Nam có chung đường biên giới trên đất liền với ba nước là Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia với tổng cộng chiều dài khoang 4.610 km (trong đó với Trung Quốc là 1.406 km, với Lào là 2.067 km, với Campuchia là 1.137 km). Là quốc gia có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và các nước láng giềng cũng trải qua nhiều biến cố thăng trầm. Quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta gắn liền với cuộc đấu tranh giữ gìn biên cương của Tổ quốc qua nhiều thế hệ.


Vấn đề cương vực - biên giới lãnh thổ Việt Nam đã được ghi chép từ lâu đời trong các sử liệu, được đề cập rộng rãi trong các công trình nghiên cứu của tập thể hoặc cá nhân trong và ngoài nước, được việt thành sách, được đăng tai trên thông tin đại chúng, được thể hiện trong giáo trình giảng dạy và sách học lịch sử của trung học... Về đại thể, đã có cả một lượng thông tin rất đồ sộ về vấn đề này, nhưng chưa được tổng hợp thành một tài liệu chuyên biệt.


Từ tình hình trên, chúng tôi tập hợp những thông tin chủ yếu trong một tập sách chuyên khảo về biên giới lãnh thổ Việt Nam từ khởi thuỷ đến cuối năm 2005. Hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích trong việc tra cứu, tham khảo của các nhà hoạch định chính sách về vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam và các nước láng giềng.


Mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng vì khả năng có hạn và gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện nên chắc chắn công trình này còn nhiều khiếm khuyết. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý quý báu của bạn đọc để lần tái bản sẽ được hoàn thiện hơn.

Xin chân thành cảm ơn!

Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2007.
TM. Tập thể tác giả
TRƯƠNG NHƯ VƯƠNG
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Mười Hai, 2011, 09:49:25 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2011, 07:27:58 am »

CÙNG BẠN ĐỌC


Vấn đề biên giới là rất thiêng liêng và nhạy cảm đôi với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong lịch sử, khái niệm biên giới xuất hiện rất sớm và chúng ta cũng nghe nói rất nhiều đến vấn đề biên cương, biên giới. Gần đây trong kháng chiến và sau kháng chiến danh từ biên giới được dùng khá phổ biến. Sự hiểu biết phổ biến về biên giới là nơi giáp giới giữa hai quốc gia.


Sự thật khái niệm biên giới là khái niệm xuất hiện khá sớm trong lịch sử hình thành xã hội loài người.

Nói về thời đại dã man của loài người, Ănghen viết: "dân cư sống hết sức thưa thớt, chỉ ở những nơi cư trú của bộ lạc mới có đông người hơn, chung quanh nơi đó thì trước hết là một đất đai rộng dùng làm nơi săn bắn, rồi đến miền rừng bảo hộ không thuộc về bộ lạc nào (schurzwald) và làm cho bộ lạc đó cách biệt với các bộ lạc khác"(1) (F.ENGHEN, "Nguồn gốc gia đình - XII", Thời đại dã man và thời đại văn minh). Miền rừng bảo hộ tuy không thuộc bộ lạc nào, nhưng làm cho một bộ lạc cách biệt với các bộ lạc khác - đó là khái niệm đầu tiên về biên giới vùng. Khi các quốc gia xuất hiện cũng là lúc xuất hiện phạm vi chủ quyền của các quốc gia, dân tộc nhưng buổi ban đầu biên giới chưa phải là thành tuyến dứt khoát, rõ ràng mà là một vùng lãnh thổ. Tất nhiên những bộ lạc lưu động luôn luôn di chuyển, không có khái niệm về biên giới. Đối với Thành Cát Tư Hãn không có khái niệm biên giới. Đế chế La Mã quan niệm trước mắt chỉ có Limes, nghĩa là điểm dừng chân vì La Mã luôn đưa quân đi đánh chiếm các nước, không có đường biên giới.


Cái mà la Mã thời xưa gọi là giới hạn "Limes" là toàn bộ vùng biên giới cách biệt La Mã với thế giới dã man, khu vực đó vừa là giới hạn của sự canh phòng vừa là một hệ thống bảo vệ vì mục đích quân sự và đến thế kỷ thứ III nó có chiều dài khoảng 9.000 km.


Trong lịch sử các nước phương Đông có quan niệm biên giới giống như các nước phương Tây, họ cũng quan niệm biên giới là một vùng, dọc vùng đó lập thành những ải để kiểm soát người vào nước mình. Theo lịch sử Trung Quốc, nhà Chu có một hệ thống cửa ải như vậy và một phong hoả dài để đốt lửa lên nhằm mục đích báo cho các nước chư hầu đem quân đến cứu thiên tử khi có giặc ngoại xâm. Lịch sử Trung Quốc còn ghi chuyện thiên tử nhà Chu là U Vương đã đốt lửa phong hoả dài theo yêu cầu của nàng Ba Tự.


Mãi đến đời hoàng đế Charlemagne nước Pháp mới bắt đầu thực hiện biên giới tuyến. Sau khi Charlemagne chết, ba con trai của ông chia nhau đế quốc của Charlemegne khi đó bao gồm cả một phần lãnh thổ Đức, Ý, Bỉ, Thuỵ Sĩ. Các con của Charlemegne phải huy động 120 nhà địa lý để chia gia tài của Charlemegne cho đúng.


Năm 1807, sau trận thắng Friedlen, Napoleon gặp Sa Hoàng Nicolas đệ nhất trên sông Niemen (thuộc Đông Phổ thời bấy giờ) trên một chiếc bè. Để bảo đảm chủ quyền mỗi bên, chuyên gia hai bên phải căng một sợi dây ngang sông và coi là biên giới giữa hai bên.


Biên giới là một sáng tạo pháp lý để ngăn cách chủ quyền hai bên. Vì biên giới gắn liền với vấn đề lãnh thổ nên có tính chất thiêng liêng.

Theo quan niệm được chấp nhận rộng rãi ngày nay, lãnh thổ là một mảnh của mặt địa cầu trong đó có một hệ thống pháp quy có thể được vận dụng. Nói cách khác lãnh thổ là một danh nghĩa thẩm quyền làm cơ sở cho hành động của nhà nước. Do quan niệm lãnh thổ như thế các nhà nước đều có quan điểm về biên giới và vấn đề toàn vẹn lãnh thổ. Hiệp định Geneve năm 1954 về Đông Dương đã quy định toàn vẹn lãnh thổ là một quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam. Hiến chương Liên hợp quốc cũng đã quy định các nước phải tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nước khác.


Sự toàn vẹn lãnh thổ là một nhân tố hoà bình bao gồm sự lên án mọi sự xâm lược. Từ yêu cầu bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp đã đề ra nguyên tắc biên giới bất khả xâm phạm (intangibilite frontieres). Vấn đề này quan trọng đến mức các luật gia phương Tây tranh cãi nên dùng từ bất khả xâm phạm (inviolabilite) hay từ bất khả động đến (intangibilite). Ta dùng một từ bất khả xâm phạm (inviolabilite) cũng đủ nghĩa. Qua tiến trình lịch sử cũng đã chứng minh năm 1846 tướng người nước Êquatơ Flores đang chuẩn bị một cuộc xuất quân lớn tại Tây Ban Nha nhằm lập ra một vương quốc lớn để đưa một ông hoàng Tây Ban Nha lên. Các quốc gia thuộc Tây Ban Nha ở Mỹ thấy nền độc lập của họ bị uy hiếp nên họp nhau lại tại Lima để ký một hiệp ước quy định lãnh thổ của họ là bất khả xâm phạm. Do sự tuyên bố long trọng đó về toàn vẹn lãnh thổ mà họ phá được âm mưu của Flores. Nhằm bảo vệ nền độc lập của mình, các nước Nam Mỹ năm 1865 lại ký hai công ước: (1) Công ước thứ nhất về liên minh phòng ngự, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ và sự bất khả xâm phạm của biên giới; (2) Công ước thứ hai về việc giữ gìn hoà bình.


Nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ và tính bất khả xâm phạm của biên giới càng về sau càng được các châu lục khác chấp nhận như Hiến chương của Tổ chức thống nhất châu Phi (OVA) hay Thông cáo cuối cùng của hội nghị Á Phi ở Băngđung, Hiệp ước Bali của tổ chức ASEAN.


Định ước cuối cùng của Hội nghị Helsinski năm 1975 về an ninh và hợp tác ở châu Âu cũng nêu nguyên tắc bất khả xâm phạm của các biên giới và nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.


Như vậy nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ, tính bất khả xâm phạm lãnh thổ, bất khả xâm phạm biên giới gắn liền với nhau để bảo đảm an ninh lãnh thổ và ổn định biên giới cho mỗi quốc gia, dân tộc.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Mười Hai, 2011, 09:49:37 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2011, 07:28:41 am »

Biên giới chiến lược và không gian sinh tồn

Giữa các năm 1933 và 1945 tại nước Đức quốc xã (Reich thứ III) các luật gia đức đưa ra một học thuyết mới gọi là thuyết không gian sinh tồn (LEBENSTRAUM). Các luật gia quốc xã giải thích là một khoảng không gian mà một dân tộc có thể giành để đảm bảo mọi lúc duy trì và phát triển sự sinh tồn của dân tộc đó. Các luật gia quốc xã cố chứng minh rằng đó là một quan niệm pháp lý giải thích khái niệm lãnh thổ. Sự thật đó là một học thuyết chính trị. Giới luật gia châu Âu khi đó không chấp nhận đó là một quan điểm pháp lý về lãnh thổ. Nhưng Hitler đã địa học thuyết đó vào các hiệp ước ký với các nước. Trong Hiệp ước Đức - Ý ngày 23-9-1939, hai nước ghi "quyết định tương lai sẽ sát cánh bên nhau và với lực lượng liên kết của họ can thiệp để bảo đảm không gian sinh tồn của hai nước và duy trì hoà bình". Hiệp ước Đức - Ý - Nhật ngày 27-9-1930 ghi "việc mỗi quốc gia giành được không gian sinh tồn mà họ có quyền được hưởng" là điều kiện đầu tiên của một nền hoà bình bền vững. Thuyết không gian sinh tồn trộn lẫn khái niệm không gian và khái niệm lãnh thổ là một sự đe doạ thường trực của bọn bành trướng lãnh thổ Đức - Ý vì Hitler đòi các lãnh thổ ở Trung Âu và Đông Âu, còn Mussolini đòi Địa Trung Hải là biển nội thuỷ của nước Ý, Nhật Bản tăng cường xâm lược Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Người ta hiểu vì sao các luật gia trên thế giới đều bác bỏ thuyết không gian sinh tồn.


Người ta ngạc nhiên và phẫn nộ thấy các học giả Trung Quốc nửa thế kỷ sau lại nêu lại và phát triển học thuyết đó của các bành trướng Đức, ý. Trong số báo Giải phóng quân Trung Quốc ra ngày 13-4-1987, Từ Quang Dụ có đăng bài "Theo đuổi biên giới chiến lược không gian ba mặt hợp lý" trong đó ông ta nói biên giới địa lý lấy lãnh thổ, lãnh hải, lãnh không được quốc tế công nhận làm chuẩn, còn biên giới chiến lược không chịu sự giới hạn của lãnh thổ, lãnh hải, lãnh không. Biên giới chiến lược quyết định không gian sinh tồn của một dân tộc, một quốc gia, cho nên cần tìm mọi cánh để đẩy chiến trường từ biên giới địa lý ra biên giới chiến lược. Ông Từ Quang Dụ viết "các nước bành trướng theo đuổi biên giới chiến lược mang tính chất xâm lược khu vực. Trung Quốc là một nước xã hội chủ nghĩa yêu chuộng hoà bình. Trung Quốc theo đuổi biên giới chiến lược ba mặt hợp lý, tranh thủ không gian an toàn và phát triển cái đó không phải là bành trướng bá quyền biên giới địa lý, cũng không phải là biên giới bành trướng xâm lược mà những bọn theo chủ nghĩa bành trướng bá quyền thi hành". Nhưng ông lại viết thêm "cần phải đẩy... từ biên giới địa lý ra biên giới chiến lược". Phải chăng đó là lời giải thích cho việc Trung Quốc hai lần đưa quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam?


Ít lâu sau người hưởng ứng tích cực thuyết biên giới chiến lược của ông Từ Quang Dụ là học giả Thôi Húc Thần, tác giả cuốn sách "Cuộc đấu tranh giành giật biên giới mềm". Ông Thôi khẳng định muốn khống chế và phòng thủ biên giới sinh tồn phải làm cho biên giới sức mạnh lớn hơn biên giới địa lý, phải bảo vệ "đại biên giới", phải dùng "xâm nhập mềm", làm "chiến tranh mềm" và khẳng định phải thắng trong cuộc "chiến tranh không khói này". Phát triển thuyết không gian sinh tồn, ông Thôi đưa ra đề nghị dùng "chiến tranh mềm" "không đánh mà khuất phục được người": Lợi dụng ưu thế kinh tế, khoa học, kỹ thuật nhằm vào lúc đối phương gặp khó khăn mà "nhẹ nhàng" xâm lược "biên giới mềm" của đối phương, rồi theo phương thức vết dầu loang mở rộng biên giới của mình, dần dần làm cho nội bộ đối phương phải thay đổi, bắt đối phương phải dựa vào mình, lặng lẽ biến nước người thành "thuộc địa kinh tể” "thuộc địa tin tức" "thuộc địa văn hoá" "thuộc địa môi trường" của mình, thực sự đạt được mục đích không đánh mà khuất phục được người!


Trong một chương cuối sách, ông thống thiết kêu gọi "Hồn nước ơi, xin hãy trở về”. Đó là hồi kèn xung trận phát động "chiến tranh mềm". Tôi cũng kêu gọi "Người ơi, hãy cảnh giác".


Đây là kiểu bành trướng kinh tế, khoa học, kỹ thuật trong điều kiện Trung Quốc không dùng "chiến tranh cứng", không thích hợp bối cảnh quốc tế hoà bình. Đây cũng là biến tướng tinh vi của thuyết "không gian sinh tồn".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2011, 07:29:50 am »

Từ biên giới ngăn cách sang biên giới hợp tác

Trong hàng nghìn năm qua, với chức năng bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền, biên giới kiểm soát việc qua lại, ngăn chặn buôn lậu, di cư, nhập cư trái phép, thật sự là bức tường ngăn cách giữa hai nước. Từ khoảng giữa thế kỷ XX đến nay, sự hợp tác quốc tế được mở rộng, du lịch thành một phong trào giao lưu của hàng trăm triệu người, sự hợp tác công nghiệp, thương mại, văn hoá đã thành một nhu cầu xuyên quốc gia. Việc xây dựng những sân bay, những đập nước, những con đường xuyên quốc gia, các hoạt động văn hoá, thể thao ở vùng biên giới đòi hỏi mở biên giới cho hàng triệu con người qua lại.


Thời đại ngày nay là thời đại hội nhập, kinh tế ngày nay là kinh tế toàn cầu hoá, khu vực hoá. Nhiều vấn đề đòi hỏi sự hợp tác của cộng đồng quốc tế. Việc mở rộng mậu dịch, hợp tác công nghiệp, nông nghiệp, du lịch đòi hỏi mở rộng biên giới.


Mở rộng biên giới là mở rộng sự hợp tác, việc giao lưu không phải là coi nhẹ chủ quyền, an ninh. Mở rộng biên giới là nới rộng thể thức qua lại biên giới, bỏ bớt những thủ tục rườm rà, chặt chẽ không cần thiết, giảm bớt mức thuế, dùng kỹ thuật cao kiểm soát những chất gây cháy nổ, những hàng hoá nhập lậu, những chất phóng xạ, ngăn chặn di cư nhập cư trái phép.


Giữa hai nước phát triển, lĩnh vực hợp tác rất nhiều: môi trường, hợp tác kinh tế địa phương, năng lượng, việc làm và các vấn đề xã hội, đầu tư công nghiệp và nông nghiệp, đô thị hoá, sử dụng nguồn nước, vấn đề đi lại trên sông hồ biên giới, việc đánh cá, chống tiếng ồn, quy hoạch xây dựng, vấn đề bảo vệ thực vật, thú rừng, hợp tác y tế, văn hoá, thể thao, giải trí, du lịch, cứu trợ. Nước ta hiện nay có vấn đề khai thác sông Mê Công, vấn đề mua điện của Trung Quốc, bán điện cho Lào và Campuchia, vấn đề Lào và Thái Lan quá cảnh qua Việt Nam, có nhiều cửa khẩu quốc tế trên biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, Việt Nam - Campuchia.


Biên giới hợp tác đòi hỏi mở rộng cửa hợp tác mà vẫn bảo đảm giữ vững chủ quyền, bảo đảm an mình.


Vấn đề biên giới trong lịch sử

Vấn đề biên giới gắn với sự phát triển của loài người. Có lãnh thổ là có biên giới. Nói chung các quốc gia đều coi trọng vấn đề biên giới vì biên giới là yếu tổ bảo đảm chủ quyền, hoà bình, tức cũng là yếu tố bảo đảm sản xuất và sự sống cho nên các quốc gia yêu chuộng hoà bình đều lo bảo đảm biên giới của mình đồng thời tôn trọng biên giới của nước láng giềng. Nhưng con người thường tham lam, muốn mở rộng lãnh thổ của mình, chiếm thêm nhiều nô lệ, nhiều trâu bò, muốn thành thủ lĩnh hùng mạnh. Cho nên từ thời cổ đại đã có nhiều xâm phạm biên giới, chinh phục nước khác. Nước Hy Lạp có Alesandre đại đế kéo một đạo quân hùng mạnh liên tiếp chiếm các vương quốc ở Lưỡng Hà, chinh phục toàn bộ đế quốc Ba Tư, tiến đến Trung Á (Uzbêkittan ngày nay) rồi tiến sang Ấn Độ đến tận sông Ấn Độ (Indus). César chinh phục Ai Cập, đô hộ xứ Gaule 500 năm và nhiều quốc gia châu Âu. Attila vua của người Hung Nô tấn công đế quốc phương Đông, xâm lược vùng Ban Căng, chiếm một số thành phố xứ Gaule, tàn ác nổi tiếng với khẩu hiệu "nơi nào ta qua không có cỏ mọc". Thành Cát Tư Hãn đánh chiếm tất cả các vương quốc từ Biển Đen đến bờ Thái Bình Dương, cuối cùng chinh phục Trung Quốc, từ đó xuất quân đánh Đại Việt ba lần, đánh Nhật Bản và Nam Dương nhưng không thành công. Đến thế kỷ XIX, Napoleon chinh phục toàn châu Âu. Đến thế kỷ XX, Hitler chinh phục các nước châu Âu, gây ra cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Từ thế kỷ XVI, các nước tư bản phát triển ở châu Âu đua nhau đi chinh phục các nước châu Mỹ, châu Á, châu Phi làm thuộc địa. Đế chế Trung Quốc không ngừng bành trướng lãnh thổ, chinh phục các nước nhỏ chung quanh. Từ các quốc gia cổ đại đến các quốc gia ngày nay, tư tưởng bành trướng là nghịch lý của nguyên tắc tôn trọng biên giới và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, là yếu tố phá hoại kinh tế và cuộc sống thanh bình của các dân tộc.


Loài người đã phải đấu tranh liên tục với các lập luận bao che, bào chữa cho các thủ đoạn lấn chiếm, cưỡng đoạt lãnh thổ. Bọn bành trướng nêu ra đủ kiểu biên giới để che đậy mưu đồ bành trướng: biên giới lịch sử, biên giới tự nhiên, biên giới ngôn ngữ, biên giới tôn giáo, biên giới chủng tộc, biên giới văn hoá. Giáo hoàng Alexandre VI đã can thiệp vào sự tranh giành thuộc địa giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để đưa đến hiệp ước Tordesillas ngày 7-6-1894 phân chia khu vực lấn chiếm thuộc địa. Sau này các nước đế quốc châu Âu đi kiếm thuộc địa không chịu công nhận hiệp ước này. Năm 1885 các nước châu Âu quyết định chia nhau châu Phi bằng Hiệp ước Berlin, hiệp ước Yalta năm 1945 giữa Liên Xô, Mỹ và Anh quyết định phân chia lãnh thổ của Đức, Nhật Bản. Hiệp ước Tordesillas thực tế mất hết giá trị.


Tuy vậy, cuộc đấu tranh của các dân tộc chống lại thủ đoạn bành trướng của các nước lớn chưa phải đã kết thúc.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2011, 07:30:52 am »

Các vấn đề tranh chấp biên giới

Đến nay chưa ai thống kê được số lượng các vụ tranh chấp về biên giới, chỉ biết là rất nhiều và đa dạng. Có thể phân biệt thành 4 loại:

Tranh chấp chủ quyền một đoạn biên giới đã được hoạch định.

Tranh chấp về quá trình phân vạch biên giới.

Tranh chấp về việc phân vạch trên thực địa.

Tranh chấp về quản lý biên giới.


Trong 4 loại này phức tạp nhất là các vụ tranh chấp liên quan đến lãnh thổ và chủ quyền.

Những người làm công tác phân vạch biên giới về lý thuyết đều rất cẩn thận nhưng không thể vì thế mà khẳng định việc phân định biên giới là hoàn hảo. Có nhiều nguyên nhân:

Do di sản của thời thuộc địa nếu là thuộc địa cũ.

Do thiếu sót trong khi hoạch định đường biên giới hay khi phân vạch đường biên giới trên thực địa.

Do ý đồ tranh giành lãnh thổ của đối phương.

Do kỹ thuật lạc hậu của thời làm biên giới.


Về vạch biên giới thời thuộc địa có những vấn đề để lại. Thí dụ rõ nhất và cũng là đáng tiếc nhất là vấn đề phân vạch biên giới của nước Togo. Nước Togo lúc đầu là thuộc địa của Đức do đó Đức đã phải phân vạch biên giới lần thứ nhất với Anh năm 1885 - 1923. Sau khi Đức thất bại trong cuộn chiến tranh và thua vào năm 1918, Đức mất Togo và Togo được trao cho nước Pháp, do đó Pháp phải phân vạch biên giới Togo với Ghana là thuộc địa của Anh. Việc chia đất không công bằng, phần lớn các đồn điền ca cao lại chia cho Anh. Việc chia đất lại mắc một vấn đề khác là chia đôi dân tộc Êvê ở vùng biên giới bất chấp các quan hệ lịch sử, các quan hệ thân tộc, gây trở ngại cho hoạt động trồng ca cao của dân. Vấn đề đặt ra với các nhà lãnh đạo Togo và Ghana là giữ nguyên trạng đường biên giới hoặc điều chỉnh lại biên giới theo yêu cầu của lãnh tụ dân tộc Êvê. Vấn đề phức tạp và khó khăn đến mức người ta nghĩ chỉ có trở về biên giới khi là thuộc địa của Đức mới giải quyết nổi. Nhưng biên giới lời thuộc Đức đã được Pháp và Anh bàn bạc giải quyết rồi.


Việc giải quyết vấn đề biên giới

Trong phong trào phi thực dân hoá, các quốc gia thâu Phi mới giành được độc lập đứng trước một vấn đề mới là giải quyết thế nào vấn đề biên giới với các nước láng giềng? chấp nhận biên giới thời thuộc địa hay xoá bỏ hết và thương lượng một biên giới mới? Điều thú vị là tại hội nghị thành lập Tổ chức thống nhất châu Phi (OUA) năm 1958 các đại biểu đề nghị huỷ bỏ các biên giới giả tạo thời thuộc địa, nhưng đến năm 1964 tổ chức OUA lại nhấn mạnh việc áp dụng nguyên tắc UTI Possidetis, nghĩa là chấp nhận biên giới do thực dân để lại.


UTI Possidetis nghĩa là "như anh đã có trong tay, anh hãy tiếp tục giữ lấy". Đầu thế kỷ XIX khởi xướng phong trào độc lập của các nước thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Biên giới của các nước nói tiếng Tây Ban Nha tương tự với các thuộc địa của Tây Ban Nha. Còn Brazin là thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha. Theo nguyên tắc UTI Possidetis, các nước nói tiếng Tây Ban Nha chấp nhận nguyên trạng đường biên giới do Tây Ban Nha đã vạch. Brazin chấp nhận nguyên trạng đường biên giới do Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã vạch.

Về sau, nguyên tắc UTI Possidetis được các nước châu lục khác chấp nhận.

Trong hội nghị các nước không liên kết họp tại Cairo tháng 10-1964, nguyên thủ và Thủ tướng 45 nước đã trịnh trọng tuyên bố "tất cả các Chính phủ cam kết tôn trọng các biên giới đang tồn tại vào thời điểm nước họ giành được độc lập".


Trong bản tuyên bố về việc giành độc lập của các quốc gia và dân tộc ngày 14-12-1960 của Liên hợp quốc cũng bảo vệ nguyên tắc UTI Possidetis.

Ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng giải quyết vấn đề biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuehia là một vấn đề quan trọng và nhạy cảm, nước ta đã giải quyết vấn đề biên giới với các nước láng giềng theo nguyên tắc UTI Possidetis.


Là một người có nhiều duyên nợ với vấn đề biên giới nói chung và lịch sử biên giới đất liền Việt Nam nói riêng, tôi may mắn được các tác giả mời góp ý cho công trình quý giá này xin được đôi lời trao đổi cùng bạn đọc.


Luật gia LƯU VĂN LỢI
NGUYÊN TRƯỞNG BAN BIÊN GIỚI
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #6 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2012, 08:17:37 am »

PHẦN I

TÓM TẮT LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CƯƠNG VỰC
VÀ BIÊN GIỚI LÃNH THỔ NƯỚC VIỆT NAM

Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương giữa khu vực Đông Nam Á, phía Bắc giáp nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, phía Tây giáp nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào, phía Tây Nam giáp Vương quốc Campuchia, phía Đông và Nam giáp biển Đông. Việt Nam có diện tích lãnh thổ đất liền rộng 330.991 km2 và trên một triệu km2 mặt biển với hơn ba ngàn hòn đảo gần bờ, xa bờ trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa án ngữ giữa biển Đông có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế đất nước. Phần lãnh thổ đất liền có chiều dài từ Bắc xuống Nam khoảng 1.650 km, nơi rộng nhất khoảng 600 km (Bắc Bộ), nơi hẹp nhất khoảng 50 km (tỉnh Quảng Bình). Điểm cực Bắc ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang (vĩ độ 23°23'), điểm cực Nam tại hòn Đá Lẻ, tỉnh Cà Mau (vĩ độ 08°02'), điểm cực Đông tại Hòn Đôi, tỉnh Khánh Hoà (kinh độ 109°28'), điểm cực Tây tại xã Sìn Thầu, huyện Mường Tè, tỉnh Điện Biên (kinh độ 102°08'). Đường biên giới trên đất liền của Việt Nam tổng cộng chiều dài khoảng 4.610 km (trong đó với Trung Quốc là 1.406 km, với Lào là 2.067 km, với Campuchia là 1.137 km), đi qua 25 tỉnh biên giới (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang). Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km, với vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán tiếp giáp với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực là Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Philippin, Campuchia, Thái Lan. Dân số nước ta khoảng 84 triệu người (số liệu năm 2006) gồm 54 dân tộc anh em sinh sống trên khắp các vùng đồng bằng, rừng núi và hải đảo.


Bản đồ hành chính Việt Nam

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Quốc hiệu thay đổi đã nhiều lần: Lúc đầu tên là Văn Lang, sau đổi thành Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu (sau trở lại Đại Việt), Việt Nam, Đại Nam, Việt Nam Dân chủ cộng hoà, bây giờ là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Nhà nước Văn Lang – Âu Lạc xuất hiện, cũng đồng thời xuất hiện các vùng cương giới bao quanh lãnh thổ, là tiền đề cho sự tồn tại và phát triển của cương giới lãnh thổ Việt Nam. Kể từ đó đến nay trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, có những thời kỳ bị nước ngoài tấn công xâm lược, có thời kỳ độc lập và hưng thịnh, có thời kỳ bị mất chủ quyền, nhưng nhìn chung trong quá trình đó dân tộc Việt Nam đã tồn tại và phát triển với sức sống mãnh liệt trên một lãnh thổ thống nhất và ngày càng được củng cố vững chắc. Có thể nói, lãnh thổ Việt Nam ngày nay là kết quả của một quá trình lịch sử mấy chục thế kỷ dựng nước, giữ nước, liên tục đấu tranh, liên tục giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, chiến tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam. Sự nghiệp tự cường của họ Khúc và tiếp đó là chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền đã đưa nước Việt vào thời kỳ xây dựng quốc gia độc lập: Mở đầu là nhà Ngô, Ngô Quyền không xưng là tiết độ sứ nữa mà xưng là Ngô vương, đóng đô ở  Cổ Loa. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối, định đô ở  Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, xây dựng quốc gia, củng cố chính quyền. Năm 980, Lê Hoàn thừa kế quốc gia của nhà Đinh, lập ra nhà Tiền Lê. Kể từ đây, nước Đại Việt thống nhất được xây dựng chủ yếu từ thời Đinh - Tiền Lê. Trải qua các triều đại Lý - Trần càng được hoàn thiện và đến triều Nguyễn thì đạt đến mức hoàn chỉnh và ổn định cơ bản giống như ngày nay.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #7 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2012, 08:19:22 am »

I. CƯƠNG VỰC LÃNH THỔ VĂN LANG - ÂU LẠC THỜI KỲ ĐẦU DỰNG NƯỚC
Theo truyền thuyết thì thuỷ tổ dân tộc Việt Nam là Kinh Dương Vương (tên huý là Lộc Tục - hiện còn có mộ tại làng Á Lữ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Kinh Dương Vương làm "vua" vào khoảng năm 2879 trước Công nguyên, lấy con gái của Thần Long là vua hồ Động Đình sinh được một con trai đặt tên là Sùng Lãm, sau nối ngôi vua cha, hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ sinh ra một bọc "Một Trăm Trứng" nở ra "Một Trăm Người Con". Một hôm, Lạc Long Quân bảo bà Âu Cơ "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thuỷ hoả khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt, chia "Năm Mươi Con" theo mẹ lên rừng núi, "Năm Mươi Con" theo cha về miền biển, phong cho con trưởng làm Hùng Vương nối ngôi.


Dựa vào các tài liệu và những thành tựu nghiên cứu về thời đại Hùng Vương hiện nay, có thể đoán định có cơ sở rằng thời điểm ra đời của nhà nước Văn Lang với tư cách là một nhà nước sơ khai là vào khoảng thế kỷ VII - VI trước Công nguyên. Sự ra đời sớm của nhà nước Văn Lang, dù còn sơ khai, đã đánh dấu một bước phát triển lớn lao có ý nghĩa thời đại trong lịch sử Việt Nam - mở đầu thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc Việt Nạm.


Cương vực lãnh thổ của nước Văn Lang đã được ghi chép trong nhiều sách sử. Theo sách Thông Điển của Đỗ Hựu đời Đường thì "Châu Phong (735 - 812) là nước Văn Lang xưa"; theo Cựu đường Thư Địa lý Chí của Lưu Hú thì: "Châu Phong ở Tây Bắc An Nam, trị sở là Gia Ninh. Đời Hán (từ năm 206 trước Công nguyên đến năm 220), huyện Mê Linh thuộc huyện Giao Chỉ,... đất Văn Lang xưa". Như vậy, theo hai sách trên thì nước Văn Lang ở vào huyện Mê Linh đời Hán và ở Châu Phong đời Đường, nhưng hai sách này chỉ chép tên nước Văn Lang, không đề cập gì đến cương vực đất đai của nó. Chuyện tướng nhà Hán là Mã Viện thu gom trống đồng của người Lạc Việt để đúc ngựa đồng chép trong Hậu Hán Thư đã chứng minh rằng người Lạc Việt là cư dân nước Văn Lang thời Hùng Vương. Về sau này, các sách sử của Việt Nam cũng đều chép tên mười bốn bộ lạc của nước Văn Lang thời Hùng Vương (trừ tên bộ lạc Văn Lang) như sách Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp đầu thế kỷ XIV, Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi năm 1438, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sỹ Liên năm 1479. Theo đó thì: Hùng Vương lên ngôi vua, đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở  Phong Châu (nay là vùng Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ). Chia nước làm mười lăm bộ(1) (Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức (2000), Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, tr. 10- 11):

1) Văn Lang (Phú Thọ);

2) Châu Diên (Sơn Tây);

3) Phú Lộc (Sơn Tây);

4) Tân Hưng (Hưng Hoá - Tuyên Quang);

5) Vũ Định (Thái Nguyên, Cao Bằng);

6) Vũ Ninh (Bắc Ninh);

7) Lục Hải (Lạng Sơn);

8 ) Ninh Hải (Quảng Ninh);

9) Dương Tuyền (Hải Dương);

10) Giao Chỉ (Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình);

11) Cửu Chân (Thanh Hoá);

12) Hoài Hoan (Nghệ An);

13) Cửu Đức (Hà Tĩnh);

14) Việt Thường (Quảng Bình, Quảng Trị);

15) Bình Văn (?).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #8 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2012, 08:20:56 am »

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là bộ chính sử đầu tiên của Việt Nam chép về Văn Lang và theo đó thì nước Văn Lang "Đông giáp Nam Hải, Tây giáp Ba Thục, Bắc giáp hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn"(1) (Nguyễn Khắc Thuần (2000), Thế thứ các triều vua Việt nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.13). Nam Hải tức biển Đông; nước Ba Thục là một vương quốc cổ có lãnh thổ nay là vùng Tứ Xuyên (Trung Quốc); hồ Động Đình là một thắng cảnh nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc); Hồ Tôn là một trong những tên gọi quốc gia của người Chăm (tương tự các tên gọi Hoàn Vương, Lâm Ấp, Chăm Pa, Chiêm Thành) có lãnh thổ tương ứng với vùng từ Quảng Bình đến Bình Thuận của Việt Nam ngày nay. Hoặc theo sách Tìm hiểu quá trình hình thành lãnh thổ của các vua Hùng của Hoàng Xuân Chinh thì "trung tâm người Việt cổ sinh sống ở vùng trung du đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Thanh Hoá" và Cương vực nước Văn Lang, Hùng Vương dựng nước (Tập IV) của Nguyễn Mạnh Lộc "vào lúc thịnh lãnh thổ của các vua Hùng có thể từ trung tâm sông Hồng, sông Mã vươn tới Hoành Sơn ở  phía Nam và biên giới Việt Nam - Trung Quốc ở  phía Bắc"(2) (Ban Biên giới của Chính phủ, Tập san Biên giới và Lãnh thổ (Số 2 tháng 10- 1995), tr. 21 -22). Năm 221 trước Công nguyên, Tần Thuỷ Hoàng kết thúc cục diện "thất hùng" thời chiến quốc (Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Nguỵ, Tần), thống nhất Trung Quốc, thiết lập một nhà nước quân chủ trung ương tập quyền chuyên chế hùng mạnh. Năm 218 trước Công nguyên, Tần Thuỷ Hoàng sai hiệu uý Đồ Thư chỉ huy năm mươi vạn quân, chia làm năm đạo tiến xuống phía Nam chinh phục các dân tộc Bách Việt. Năm 214 trước Công nguyên, quân Tần chiếm được vùng Lĩnh Nam (là địa bàn sinh sống của người Mân Việt, Tây Âu tương ứng với các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu của Trung Quốc ngày nay) lập thành ba quận Nam Hải, Quế Lâm, Quận Tượng sáp nhập vào lãnh thổ đế chế Tần. Nhưng người Việt Tây Âu không chịu khuất phục, kéo nhau chạy vào rừng dưới sự chỉ huy của các tù trưởng chiến đấu chống lại quân Tần. Từ Tây Giang, quân Tần tiến vào xâm lược nước Văn Lang.


Từ trước cuộc xâm lăng của quân Tần, giữa người Lạc Việt của vua Hùng và người Tây Âu của Thục Phán đã xảy ra xung đột kéo dài chưa phân thắng bại. Đứng trước tình hình mới, hai bên chấm dứt xung đột, cùng chiến đấu chống ngoại xâm. Bộ lạc Tây Âu hợp nhất với Văn Lang, các Lạc tướng suy tôn Thục Phán là lãnh tụ chung để chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân Tần. Đến khoảng năm 208 trước Công nguyên, kháng chiến thắng lợi, Thục Phán với tư cách người chỉ huy chung đã được thay thế Hùng Vương làm vua, xưng là An Dương Vương, đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc; đóng đô tại Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Phạm vi lãnh thổ cơ bản không có gì thay đổi(1) (Trương Hữu Quýnh, Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, Tập I, tr.49). Tuy nhiên, phạm vi cương vực nước Âu Lạc ra sao cho đến nay cũng chưa thật rõ. Theo khảo cứu của nhà sử học Đào Duy Anh trong sách Đất nước Việt Nam qua các đời thì nước Âu Lạc "tương đương với miền Bắc nước ta hiện nay, phía Nam đến Hoành Sơn, phía Bắc lấn vào miền Nam tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc ngày nay".


Cũng trong khoảng năm 208 trước Công nguyên, nhân lúc nhà Tần suy loạn, Triệu Đà giết Trưởng Lại của nhà Tần, chiếm đất Vân Nam (gồm ba quận Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận) lập nước Nam Việt, tự xưng là Triệu Vũ Đế (có sách chép là Việt Vũ Vương), đóng đô ở Phiên Ngung (nay là Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Để mở rộng phạm vi lãnh thổ và thế lực nước Nam Việt, Triệu Đà đã đẩy mạnh các hoạt động vũ trang xâm lược về phía Nam mà hướng chủ yếu là nước Âu Lạc. Nhưng quân của Triệu Đà chỉ tiến được đến vùng núi Tiên Du - Vũ Ninh (Bắc Ninh ngày nay), không thể nào tới được Cổ Loa. Sau nhiều lần đánh chiếm không khuất phục được âu Lạc, Triệu Đà dùng mưu hoà hoãn, cho con trai là Trọng Thuỷ lấy con gái An Dương Vương là Mỹ Châu và cho Trọng Thuỷ ở  rể tại Âu Lạc. Khoảng năm 179 trước Công nguyên, nhân cơ hội An Dương Vương già yếu mất cảnh giác, Triệu Đà bất ngờ đem đại quân đánh chiếm kinh đô Cổ Loa, thôn tính Âu Lạc. Theo sách Quảng Châu ký(1) (Ban Biên giới của Chính phủ, Tập san Biên giới và Lãnh thổ (Số 3 năm 1996), tr.3-5), sau khi chiếm được Âu Lạc, Triệu Đà "sai hai điển sứ làm chủ hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, tức là nước Âu Lạc". Khi nước Âu Lạc bị sáp nhập vào Nam Việt, nếu Triệu Đà lập hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân mà nhà Hán vẫn để nguyên như thế thì giới hạn hai quận này cũng là cương vực nước Âu Lạc trước khi bị thôn tính. Quận Cửu Chân thì đã rõ, bao gồm các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay. Còn quận Giao Chỉ, theo sách sử Trung Quốc bao gồm cả các phủ Thái Bình, Tư Minh, Trấn Yên thuộc tỉnh Quảng Tây đời Thanh, nghĩa là giới hạn phía Đông Bắc quận Giao Chỉ bao gồm cả vùng đất ở bên kia đường biên giới hiện nay thuộc địa phận hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng vài trăm km.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #9 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2012, 08:22:55 am »

II. CƯƠNG VỰC LÃNH THỔ VĂN LANG - ÂU LẠC THỜI KỲ BẮC THUỘC
Kể từ khi Triệu Đà thôn tính Âu Lạc, chia thành hai quận và sáp nhập vào nước Nam Việt, đất nước ta bước vào thời kỳ bị Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm. Các triều đại phong kiến phương Bắc kế tiếp nhau biến lãnh thổ Âu Lạc thành những đơn vị hành chính "thuộc quốc" để cai trị.


Nhà Triệu thống trị nước Nam Việt từ năm 208 trước Công nguyên đến năm 111 trước Công nguyên (bao gồm cả Âu Lạc từ năm 179 trước Công nguyên). Gồm năm đời vua: Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) từ năm 208 trước Công nguyên; năm 136 trước Công nguyên, Triệu Hồ (con của Trọng Thuỷ) lên ngôi xưng là Triệu Văn Vương; năm 124 trước Công nguyên, Triệu Anh Tề (con trưởng của Triệu Hồ) lên ngôi xưng là Triệu Minh Vương; năm 112 trước Công nguyên, Triệu Hưng (con thứ của Triệu Anh Tề) lên ngôi xưng là Triệu Ai Vương, ở  ngôi chưa đầy năm thì bị quan tể tướng là Lữ Gia giết chết; năm 111, Triệu Kiến Đức (con trưởng của Triệu An Tề) lên ngôi xưng là Thuật Dương Vương nhưng cũng không được bao lâu thì bị nhà Hán diệt.


Thời cổ đại, ở  Trung Quốc có hai triều Hán khác nhau: Nhà Tây Hán, khởi đầu là Lưu Bang (Hán Cao Tổ) tồn tại từ khoảng năm 206 trước Công nguyên đến năm thứ 8 sau Công nguyên; và nhà Đông Hán, khởi đầu là Lưu Tú (Hán Quang Võ), tồn tại từ năm 25 đến năm 220. Cả Tây Hán và Đông Hán đều coi Âu Lạc là lãnh thổ của Trung Quốc.


Khoảng năm 111 trước Công nguyên, nhà Tây Hán diệt nhà Triệu, chiếm toàn bộ Nam Việt (bao gồm cả Âu Lạc), đổi tên thành Giao Chỉ bộ chia thành chín quận và sáp nhập vào đất đai của nhà Hán. Riêng phần lãnh thổ nước Âu Lạc cũ được chia làm ba quận là Giao Chỉ đại thể là vùng Bắc Bộ ngày nay), Cửu Chân (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh) và Nhật Nam (từ đèo Ngang trở vào phía Nam đến khoảng Quảng Nam - Đà Nẵng)(1) (Trương Hữu Quýnh, Sách đã dẫn, tr.64).


Năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, cầm quân đánh chiếm được các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố, thống nhất đất nước. Bà Trưng Trắc lên làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở  Mê Linh.


Năm 42, nhà Hán sai lão tướng Mã Viện đem quân thuỷ, bộ xâm lược Âu Lạc. Năm 43, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại. Đặt lại ách xâm lược, Mã Viện cho đặt cột đồng để phân chia giới hạn giữa đất Hán và đất Giao Chỉ. Việc này chứng tỏ nhà Hán phải nhìn nhận về một sự ngăn cách nào đó giữa lãnh thổ nước ta và Trung Quốc, đồng thời cũng là ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng khởi đầu trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước của dân tộc Việt Nam.


Sau khi lật đổ chính quyền tự chủ của Hai Bà Trưng, nhà Hán thiết lập lại chính quyền đô hộ ở  Âu Lạc chặt chẽ hơn, loại bỏ những tổ chức cũ của chính quyền bản xứ cai quản ở cấp huyện, tiến thêm một bước trong việc tổ chức cai trị trực tiếp bằng quan lại người Trung Quốc. Âu Lạc vẫn bị chia làm ba quận như thời Tây Hán. Chính quyền của nhà Đông Hán ở nước Âu Lạc cũ được tổ chức chặt chẽ hơn với một bộ máy quan lại đông đảo người Trung Quốc. Theo ba bộ sử cổ nhất của nước ta là An Nam chí lược (quyển 7), Đại Việt sử lược (quyển 1) và Đại Việt sử ký toàn thư (ngoại kỷ, quyển 3, 4 và 5) đã chép danh sách bốn mươi hai quan đô hộ Trung Quốc bao gồm cả Thứ sử lẫn Thái thú đã cai quản nước Âu Lạc trong thời kỳ này.


Năm 137, một thủ lĩnh người Chàm ở huyện Tượng Lâm (quận Nhật Nam) vận động nhân dân trong huyện nổi lên đánh đuổi quan quân nhà Hán, thành lập nước Lâm Ấp. Như vậy, phần đất phía Nam lãnh thổ nước Âu Lạc thời Bắc thuộc đã xuất hiện một quốc gia mới là Lâm Ấp.


Cuối thế kỷ II, đầu thế kỷ III, vùng đất Âu Lạc nằm dưới quyền thống trị của cha con, anh em nhà Sỹ Nhiếp (người Hán bản địa hoá). Lợi dụng tình hình rối loạn ở chính quốc, Sỹ Nhiếp nắm toàn bộ quyền hành ở Giao Chỉ. Năm 203, theo đề nghị của Sỹ Nhiếp (bấy giờ là Thái thú Giao Chỉ), nhà Hán đổi Giao Chỉ thành Giao Châu. Đến năm 213, nhà Hán lại bỏ Giao Châu và nhập ba quận của Âu Lạc cũ vào Kinh Châu.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM