Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 10:58:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 8  (Đọc 102603 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #110 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2011, 06:42:36 pm »

Cùng trong ngày 30-4-1975, thực hiện Nghị quyết của Trung ương Cục miền Nam: “Phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp ba mũi giáp công, ba thứ quân, ba vùng, vùng lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa, nhanh chóng đánh sụp toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân với khí thế quyết liệt, thần tốc, táo bạo và quyết giành toàn thắng”(1), các đảng bộ địa phương ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, nắm vững thời cơ, thừa thắng xốc tới giải phóng hàng loạt tỉnh như Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu, Gò Công, Kiến Phong, Mỹ Tho.

15 giờ ngày 30-4, trước sự hoang mang, rệu rã của binh lính, sĩ quan và nhân viên của quân đội và chính quyền Sài Gòn, lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với quần chúng tại chỗ nổi dậy giải phóng đảo Phú Quốc.

Ngày 1-5-1975, ta tiếp tục giải phóng các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Kiến Tường (nay thuộc Long An), Cà Mau, Long Xuyên, Châu Đốc (nay thuộc An Giang), Sa Đéc, Chương Thiện (nay thuộc Hậu Giang).

Cùng thời gian này, Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức lực lượng ra giải phóng Côn Đảo, giải thoát cho các chiến sĩ cách mạng bị địch giam giữ, đày ải nhiều năm tại đây.

Côn Đảo là quần đảo gồm 16 đảo lớn nhỏ nằm ở cực nam của Tổ quốc với diện tích 77,28km2, cách Vũng Tàu 97 hải lý (180 km). Trước năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), Côn Đảo thuộc tỉnh Gia Định, sau đó thuộc tỉnh Vĩnh Long. Năm 1862, sau khi thực dân pháp hoàn thành việc chiếm ba tỉnh miền Đông, chúng đã dựng lên ở đây nhà tù đầu tiên ở Việt Nam và cũng là nhà tù đầu tiên ở Đông Dương. Trong gần 100 năm thực dân Pháp thống trị Việt Nam, nhà tù Côn Đảo đã trở thành “địa ngục trần gian”. Hàng ngàn người Việt Nam yêu nước đã bị thực dân pháp đảy ải, giết hại một cách dã man.

Thế chân Pháp nhảy vào miền Nam Việt Nam dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, từ năm 1954, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã biến Công Đảo thành một trại tập trung khổng lồ để đày ải, giết hại những nguồi yêu nước và cách mạng theo kiểu thực dân mới.

Đến đầu năm 1975, tại nhà tù Côn Đảo, đã có trên 7.000 người, trong đó có khoảng 4.000 tù chính trị, còn lại là tù thường phạm, quân phạm bị giam giữ, đày ải. Trại II, Trại III, địch dùng để giam tù thường phạm, quân phạm, còn lại tù chính trị được giam rải rác từ trại I đến trại VIII và một số trại phụ như Chuồng Bò, Cỏ Ống, Sở Muối…

Lực lượng địch đóng trên đảo có khoảng 2.000 tên, bao gồm: 1 tiểu đoàn bảo an khoảng 500 tên, 1 đại đội cảnh sát khoảng 100 tên, gần 1.000 tên làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự, an ninh (được chọn trong đám quân phạm lưu manh nhất để khủng bố, đàn áp tù nhân) và lực lượng giám thị trại. Tiểu đoàn bảo an, chúng bố trí 2 đại đội ở 2 đồn khống chế trung tâm thị trấn Côn Đảo. Đại đội còn lại của tiểu đoàn này đóng ở sân bay Cỏ Ống và chi khu quân sự Bến Đầm.

Khi ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng Tây Nguyên và cả miền Trung, quân địch ở Côn Đảo bắt đầu hoang mang Chúng đưa toàn bộ tù chính trị giam rải rác ở các trại về giam tập trung ở trại cầm cố biệt lập (trại VII). Trong khi đó, ở đất liền, Nguyễn Văn Thiệu ra sức tăng cường tuyến phòng thủ quanh Sài Gòn và hô hào “từ thủ”. Mặt khác, phái hiếu chiến do Thiệu đứng đầu đã tính đến phương án nếu mất Sài Gòn sẽ rút về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, giữ Côn Đảo - Phú Quốc làm bàn đạp để phản kích chiếm lại. Chính vì vậy, Thiệu lệnh cho Tỉnh tưởng kiêm Quản đốc nhà lao tổ chức phòng thủ Côn Đảo và lập phương án ngăn chặn, đối phó với sự nổi dậy của tù chính trị.

Thực hiện phương án này, bên trong, chúng quản lý chặt chẽ các trại, nhất là trại VII; bên ngoài, chúng củng cố con đường từ thị trấn Côn Đảo qua Hàng Dương lên Sở Tiêu. Đây là con đường chạy bọc sau lưng suốt 8 trại. Từ con đường này, địch còn mở thêm 2 đường nhánh nữa, một chạy từ đường chính vào trại I, IV, V, một chạy thẳng vào trại VI, VII, VIII. Với hệ thống đường như vậy, địch có thể khống chế cả 8 trại từ phía chân núi. Nếu các trại nổi dậy, bằng con đường này, chúng có thể bố trí hỏa lực và cơ động lực lượng đến đàn áp, dồn lực lượng nổi dậy ra phía biển và dễ dàng tiêu diệt. Thậm chí, địch còn dự kiến một phương án nếu Quân giải phóng từ đất liền đánh ra, chúng sẽ sử dụng lực lượng tù thường phạm, quân phạm vốn là những tên lưu manh, côn đồ hung hãn để đàn áp lực lượng nổi dậy và dùng lựu đạn thủ tiêu tù chính trị.

Với sự quản chế gắt gao của địch, thông tin bị hạn chế, các chiến sĩ cách mạng của ta bị giam giữ ở đây không nắm được diễn biến tình hình bên ngoài, nhất là tình hình ở đất liền. Mối liên hệ giữa các trại và hoạt động của Ban lãnh đạo các trại càng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Đảng ủy đảo vẫn tìm cách để hai đồng chí trong Thường vụ giả bệnh ra nằm ở bệnh xá để có điều kiện nghe ngóng, nắm bắt tình hình, chỉ đạo phong trào. Phát hiện những biểu hiện bất thường của địch, Đảng ủy đảo nhận định ở đất liền có biến cố lớn, thời cơ để giải thoát tù chính trị sắp đến. Đảo ủy chỉ đạo các trại hết sức cảnh giác với địch, đồng thời chuẩn bị tinh thần sẵn sàng khi có thời cơ sẽ nổi dậy. Đây cũng là thời điểm sắp đến ngày Quốc tế lao động 1-5, các trại đều chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm. Riêng trại VII, trại cầm cố biệt lập mà địch tập trung giam các tù chính trị, các chiến sĩ cách mạng chủ trương kỷ niệm ngày 1-5 thật lớn để động viên tinh thần anh em tù nhân và thăm dò phản ứng của địch.


(1) Nghị quyết đặc biệt của Hội nghị Trung ương Cục miền Nam lần thứ V, ngày 29-3-1975.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #111 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2011, 06:43:46 pm »

Ngày 29-4-1975, các cánh quân của ta tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh sau khi đập tan tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch đã áp sát Sài Gòn. Lực lượng cố vấn Mỹ và quan chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn tìm đường chạy ra nước nogài. Sân bay Cỏ Ống ở Côn Đảo lúc này trở thành trạm trung chuyển quan chức của chính quyền Sài Gòn di tản từ sân bay Tân Sơn Nhất ra các tàu Mỹ đậu ngoài khơi. Địch ở Côn Đảo đã hoang mang càng hoang mang hơn. Đêm ngày 29-4, thấy cố vấn Mỹ ở đảo rút chạy, chỉ huy đảo cùng vợ con cũng bí mật trốn ra bàu, bỏ lại kế hoạch thủ tiêu tù chính trị và cả đám thuộc hạ thân tín. Đa số công chức, giám thị và lính bảo an hoảng sợ, rệu rã. Số ít tỏ ra thức thời muốn liên hệ với tù chính trị để lập công chuộc tôi, hy vọng được cứu sống khi chính quyền cũ bị lật đổ. Phái hiếu chiến chủ yếu gồm những tên ác ôn khét tiếng biết rằng cách mạng sẽ không dung tha cho những tội ác mà chúng đã gây ra thì ngoan cố, tìm cách chống trả đến cùng và dự định sẽ thủ tiêu tù chính trị như kế hoạch đã định trước.

Song, diễn biến quá mau lẹ của chiến dịch Hồ Chí Minh đã làm chúng không kịp thực hiện âm mưu thủ tiêu tù chính trị. Trưa ngày 30-4-1975, Sài Gòn đã được giải phóng, Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Nhận được tin này, phái hiếu chiến ở trên đảo vội vàng tháo chạy thoát thân. Cuộc di tản hỗn loạn của đám tàn quân quân đội Sài Gòn diễn ra trong suốt cả đêm 30-4.

Trên đảo lúc đó vẫn còn 442 gia đình bính sĩ, công chức và giám thị. Họ hoang mang chưa biết xử trí thế nào khi bọn ác ôn tìm cách tháo chạy, bọn trật tự an ninh vốn là những phần từ lưu manh quân phạm thừa cơ nổi lên cướp phá. Tình thế đã buộc họ phải tìm đến với tù chính trị, dựa vào tù chính trị với hy vọng may ra còn được yên thân.

Nửa đêm ngày 30-4, trong lúc các trại vẫn tích cực chuẩn bị cho lễ kỷ niệm ngày Quốc tế lao động vào sáng hôm sau, thì nhóm công chức, giám thị và binh sĩ bảo an kéo đến trại VII mở cửa phòng 1 thuộc khu H báo tin Sài Gòn đã về tay Quân giải phóng, bọn cầm quyền đảo đã bỏ chạy. Họ đề nghị anh em tù chính trị ra trừng trị bọn lưu manh, quân phạm, giải phóng đảo và bảo vệ trật tự trị an trên đảo. Lãnh đạo khu H hội ý chớp nhoáng và quyết định hành động, ra lệnh cho binh sĩ, giám thị, công chức nộp vũ khí và chìa khóa trại VII, đồng thời yêu cầu họ vận động giám thị các trại khác mở cửa giải phóng cho tù nhân. Có được chìa khóa trong tay, anh em vừa mở cửa, vừa phát loa thông báo cho cả trại VII biết tin Sài Gòn đã được giải phóng, chính quyền Sài Gòn đã bị lật đổ, đồng thời phát lệnh cho tù chính trị nổi dậy giải phóng đảo vào lúc 1 giờ sáng ngày 1-5-1975. Sau 1 tiếng đồng hồ, toàn bộ 496 xà lim của trại VII đã hoàn toàn giải phóng.

3 giờ sáng ngày 1-5, lãnh đạo trài VII họp quyết định thành lập Đảo ủy lâm thời và đề ra chương trình hành động gồm ba điểm chính:

1 - Cử người đi mở cửa giải phóng toàn bộ các trại, trước hết là các lao giam giữ phụ nữ.

2 - Tổ chức ngay lực lượng vũ trang, triển khai đánh chiếm các trại lính và các vị trí xung yếu trên đảo.

3 - Thành lập Ủy ban hòa giải, hòa hợp dân gộc để quản lý và giải quyết mọi công việc trên đảo.

Thực hiện chương tình này, 1 trung đội vũ trang được thành lập bao gồm các thanh niên khỏe mạnh, trang bị súng vừa thu được của địch và các loại vũ khí thô sơ, trung đội thực hiện ngay nhiệm vụ đánh chiếm trại lính Bắc Bình Vương ở khu vực Lò Vôi, gần trại VI, trại VII. Ngay sau đó, trung đội thứ 2 được tổ chức làm nhiệm vụ đánh chiếm trại Bình Định Vương ở gần Sở Ruộng. khu vực trại I, trại IV, Trại V. Lính bảo an ở hai trại này đều đã bỏ chạy hết chỉ để lại một số lựu đạn và mấy khẩu súng không còn sử dụng được.

Cùng thời gian này, một bộ phận của trại VII đã được giải thoát đến giải phóng các trại khác.

Gần với trại VII có trại VI B. Tại đây, có khoảng 500 nữ tù nhân, trong số đó, một số vừa bị đưa từ đất liền ra. Nhờ giấu được một chiếc rađiô, chị em biết được tin tức ở đất liền. Khi nghe tin Sài Gòn đã giải phóng ngày 30-4-1975, chị em đã kiên trì vận động và cuối cùng, gần sáng ngày l1-5, đã thuyết phục tên phụ trách trại mở cửa cho ra. Ngay sau đó, chị em cử đại diện sang liên lạc với trại VII và nhận được sự chỉ đạo của Đảo ủy lâm thời.

Ở khu vực trại I, trại IV, trại V, các trại viên hầu như không nắm được thông tin gì về tình hình chiến sự đang điễn ra nên khi bộ phận của trại VII đến ở cửa giải thoát cho họ, họ rất ngỡ ngàng, tỏ vẻ nghi ngờ. Có người ở trại V còn cảnh giác đòi phải gặp được đại diện của trại VI B mới tin.

Rạng sáng ngày 1-5-1975, Trung đội vũ trang thứ ba của Côn Đảo được thành lập, nâng lực lượng vũ trang ở đây lên 1 đại đội. Ngay sau khi thành lập, trung đội này được giao nhiệm vụ đánh chiếm trụ sở cảnh sát đảo, mở các kho vũ khí của địch lấy súng đạn trang bị cho ta. Được tăng cường lực lượng, trang bị thêm vũ khí, ta tiếp tục mở cửa giải phóng các trại còn lại như trại II, trại VIII và chiếm các công sở của địch ở khu vực thị trấn. Cho đến 8 giờ sáng ngày 1-5-1975, ta đã làm chủ thị trấn Côn Đảo, giải phóng gần 8.000 tù nhân ở 8 trại chính và các trại phụ.

10 giờ sáng ngày 1-5-1975, tin Côn Đảo được giải phóng và danh sách Ủy ban hòa giải, hòa hợp đã được công bố trên đài phát thanh Côn Đảo.

Cùng trong sáng ngày 1-5, cuộc họp Đảo ủy lâm thời lần thứ hai được triệu tập. Cuộc họp đã quyết định thành lập Ban Dân vận để vận động, quản lý số binh sĩ và công chức và gia đình họ còn ở lại trên đảo. Cùng với việc thành lập Ban Dân vận, Ban Binh vận cũng đợc thành lập để quản lý số quân phạm, thường phạm và bọn trật tự, giám thị ác ôn. Bên cạnh đó, Ban Quản trị cũng ra đời để quản lý các kho vật chất và tổ chức đời sống trên đảo.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #112 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2011, 06:44:24 pm »

Đến chiều ngày 1-5-19754, lực lượng vũ trang ở Côn Đảo đã phát triển lên đến 1 tiểu đoàn. Với lực lượng này, ta tổ chức đánh chiếm các mục tiêu còn lại như Chi khu quân sự Bến Đầm, Đài rađa trên núi Thánh Giá, sân bay Cỏ Ống. Tại khu vực sân bay, Trung đội bảo an và nhân viên bảo vệ nộp vũ khí đầu hàng. Ta thu 27 máy bay các loại, trong số đó, nhiều chiếc còn nguyên vẹn.

18 giờ ngày 1-5, ta hoàn toàn làm chủ Côn Đảo. Buổi tối, Đảo ủy lâm thời họp mở rộng có đầy đủ đại diện các trại tham dự bàn việc tổ chức quản lý, bảo vệ đảo. Tại cuộc họp này, Đảo ủy được củng cố gồm 14 đồng chí.

Cho đến thời điểm ấy, Côn Đảo vẫn chưa liên lạc được với đất liền nên không nắm được chủ trương của Trung ương đối với đảo. Trong khi đó, một số tàu của Mỹ vẫn lớn vởn quanh đảo. Một số binh lính bảo an rã ngũ chưa nộp vũ khí, bọn ác ôn còn trốn ở các đảo xung quanh. Chúng có thể tập hợp lực lượng để chiếm lại đảo. Đề phòng tình huống bất trắc có thể xảy ra, Đảo ủy xây dựng kế hoạch phòng thủ đảo nhằm đối phó khi địch phản kích, kiên quyết bảo vệ đảo. Đảo ủy cùng toàn bộ trại VII quyết định rời về trại VI B, một địa điểm sát chân núi.. Các trại đào hầm lâp phòng tuyến sẵn sàng phương án tác chiến đánh địch phản kích. Đảo ủy còn dự kiến, nếu địch dùng lực lượng mạnh tấn công thì sẽ rút vào núi lập hai căn cứ ở núi Thánh Giá và bãi Ông Dung để chiến đấu lâu dài.

Vấn đề cấp bách đối với đảo lúc này là phải tìm mọi cách liên lạc được với đất liền để nhận sự chỉ đạo của Trung ương và xin lực lượng ra bảo vệ đảo. Với nỗ lực vượt bậc, tối ngày 2-5-1975, trạm vô tuyến trên đảo đã bắt được liên lạc với đất liền. Mọi tin tức trên đảo được báo cáo với Trung ương và Bộ Chính trị. Trong khi đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cũng đã có phương án giải phóng đảo và triển khai phương án sử dụng lực lượng hải - lục - không quân tiến công, giải phóng Côn Đảo từ ngày 1-5-1975. Ngày 2-5, khi các lực lượng tiến ra giải phóng đảo còn đang trên đường thì nhận được tin các chiến sĩ cách mạng của ta ở Côn Đảo đã nổi dậy diệt địch từ giải phóng đảo. Đêm ngày 4, rạng ngày 5-5-1975, tàu ta ra đến đảo. Lực lượng vũ trang trên đảo phối hợp với lực lượng từ đất liền ra truy quét tàn quân địch, bắt gọn số ác ôn lẩn trốn ở Hòn Cau và các đảo nhỏ xung quanh.

Ngày 7-5-1975, kỷ niệm 21 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tại Côn Đảo, Đảo ủy và Ủy ban cách mạng Côn Đảo đã thành công một cuộc mít tinh trọng thể mừng Côn Đảo hoàn toàn giải phóng. Côn Đảo được giải phóng góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Việc giải phóng các đảo và quần đảo trên biển Đông do quân đội Sài Gòn chiếm đóng có ý nghũa rất lớn, bởi đây là một phần lãnh thổ Việt Nam, có vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự và kinh tế mà nhiều nước từng nhòm ngó muốn chiếm. Nhờ có đánh chiếm các đảo sớm, ta ngăn chặn ý đồ của một số nước, bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Nhìn chung lại, cùng với đòn tiến công chiến lược Tây Nguyên, đòn tiến công giải phóng Huế - Đà Nẵng và các tỉnh Trung Trung Bộ đã góp phần quyết định làm thay đổi so sánh tương quan lực lượng về mặt chiến lược, tạo sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta. Nét độc đáo của đòn tiến công chiến lược giải phóng Huế - Đà Nẵng là chúng ta đã đập tan âm mưu co cụm chiến lược của địch, tạo điều kiện rất thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Chính đòn tiến công này gây cho địch tổn thất lớn về vật chất, kỹ thuật (trang bị vũ khí) cũng như tan rã lớn về tổ chức, bế tắc về chiến thuật, chiến lược và quan trọng hơn là làm cho địch suy sụp về tinh thần. Đà Nẵng là căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất của địch ở miền Nam. Sau khi mất Tây Nguyên và Huế, chúng hy vọng Đà Nẵng sẽ là nơi có thể tập trung lực lượng từ các nơi khác dồn về hòng ngăn chặn, làm chậm bước tiến của ta để có thời gian củng cố các tuyến phòng ngự ở phía nam, chờ sự can thiệp trở lại của Mỹ. Chính vì vậy, Nguyễn Văn Thiệu hô hào phải “tử thủ Đà Nẵng”. Song ý đồ này đã nhanh chóng đổ vỡ. Trước sức tiến công như vũ bão của ta, Tướng Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh Quân đoàn 1 - Quân khu 1 cũng bỏ mặc cấp dưới để chạy thoát thân. Binh lính, sĩ quan quân đội Sài Gòn càng trở nên hoang mang, tan rã về tổ chức, đã tháo chạy tán loạn. Đà Nẵng trở thành nỗi kinh hoàng của binh lính, sĩ quan quân đội Sài Gòn. Các hãng thông tấn phương Tây khi ấy đã bình luận: việc Đà Nẵng thất thủ, sự sụp đổ chế độ Sài Gòn chỉ tính bằng ngày và giờ.

Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn, đòn tiến công chiến lược giải phóng Huế - Đà Nẵng còn tạo điều kiện để ta tổ chức lực lượng tiến công giải phóng các vùng biển đảo ở phía nam - một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc - có vị trí chiến lược rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #113 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2011, 08:16:31 am »

Chương 36

CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH TOÀN THẮNG,
KẾT THÚC CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ,
CỨU NƯỚC

I - TẬP TRUNG SỨC MẠNH CỦA CẢ NƯỚC
CHO ĐÒN TIẾN CÔNG CHIẾN LƯỢC CUỐI CÙNG

Sau một tháng tổng tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, liên tục, quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam đã giành được những thắng lợi to lớn, toàn diện của về chính trị, quân sự. Ta đã tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực và đập tan toàn bộ hệ thống chính quyền địch ở hai quân khu - quân đoàn; giải phóng một vùng rộng lớn gồm 16 tỉnh và 5 thành phố (Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt) cùng một số quận lỵ, chi khu, yếu khu quân sự thuộc miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Thế trận và lực lượng so sánh trên chiến trường nghiêng mạnh về phía ta. Cục diện chiến tranh đang ở bước nhảy vọt “một ngày bằng hai mươi năm”.

Về phía chính quyền và quân đội Sài Gòn, sau khi mất Quân khu 1 và Quân khu 2, tình hình càng trở nên hỗn hoạn. Tinh thần binh lính, sĩ quan quân đội Sài Gòn sa sút rất mạnh, “nhiều quân nhân không chờ đợi sự giúp đỡ của chính phủ, họ bỏ đơn vị tự động đi tìm kiếm vợ con, người thân của họ”(1). Trong khi đó, nhiều nơi “cảnh sát và lực lượng an ninh địa phương biến mất vào đám đông tị nạn…; công chức, cảnh sát, lính địa phương tự động bỏ đơn vị, đào nhiệm”(2). Để trì hoãn cuộc tiến công của ta, ổn định phần nào tình hình đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, một mặt, kêu gọi Chính phủ Mỹ chi viện binh khí kỹ thuật để bù lại số lượng vật chất khổng lồ đã bị phá hủy hoặc rơi vào tay Quân giải phóng; mặt khác, nhanh chóng củng cố hai quân khu 3 và 4, thiết lập hệ thống phòng thủ nhằm trấn giữ những phần đất còn lại. Với gần nửa triệu quân chủ lực (kể cả tàn binh từ Quân khu 1 và 2 chạy vào), Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn tăng cường biên chế cho 7 sư đoàn bộ binh, 5 liên đoàn biệt động quân, 33 tiểu đoàn pháo binh, 12 thiết đoàn xe tăng thiết giáp (1.100 xe), 1.360 máy, 1.496 tàu chiến các loai. Căn cứ vào vị trí, vai trò từng địa bàn chiến lược, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn quyết định bố trí lại lực lượng, hình thành 5 khu vực phòng thủ bảo vệ Sài Gòn - Gia Định.

Ở phía bắc, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn đi lấy hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận - hai phòng tuyến cuối cùng của Quân khu 2, đặt dưới quyền điều khiển của Quân đoàn 3 kể từ ngày 4-4-1975. Trên hướng này, địch tăng cường lực lượng, lập tuyến phòng ngự từ xa ở Phan Rang. Lực lượng đó bao gồm Sư đoàn bộ binh 2, Liên đoàn 31 biệt động quân, Sư đoàn 6 không quân, lực lượng bảo an, dân vệ địa phương. Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân đoàn 3 dưới quyền chỉ huy của viên Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, được thiết lập tại sân bay Phan Rang. Đây là cố gắng của quân đội Sài Gòn nhằm ngăn chặn cuộc tiến công của ta dọc theo đường số 1 vào, đường số 11 từ Đà Lạt xuống, tạo điều kiện cho lực lượng chủ yếu của Quân đoàn 3 thiết lập phòng tuyến Xuân Lộc - Long Khánh. Trên hướng Tây Ninh - Long An, ngoài việc điều Sư đoàn bộ binh 22 (Quân đoàn 4) ra bảo vệ Long An, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn sử dụng Sư đoàn bộ binh 25, hai liên đoàn biệt động quân, 3 thiết đoàn tăng thiết giáp, 2 tiểu đoàn địa phương quân khẩn trương củng cố các vị trí trọng yếu Gò Dầu Hạ, Trảng Bàng, Củ Chi, Hậu Nghĩa, hòng chặn phá các đợt tiến công của ta từ hướng tây bắc vào. Hướng quan trọng Bình Dương - đường 13, địch tăng cường cho Sư đoàn bộ binh 5 hai liên đoàn biệt động quân, 2 thiết đoàn tăng thiết giáp, lực lượng bảo an, cảnh sát địa phương, gấp rút củng cố tuyến phòng ngự Bến Cát, Lai Khê, Tân Uyên hòng phá thế tiến công của ta từ hướng bắc xuống. Khu vực chủ yếu Xuân Lộc - Long Khánh được mệnh danh là “lá chắn thép” bảo vệ Sài Gòn - Gia Định, địch bố trí Sư đoàn bộ binh 18 (lực lượng mạnh nhất của Quân khu 3), 1 liên đoàn biệt động quân, 1 thiết đoàn tăng thiết giáp, lực lượng bảo an dân vệ địa phương quyết ngăn chặn bằng được tất cả các đợt tiến công của ta từ Lâm Đồng theo quốc lộ 20 xuống, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ cho phòng tuyến Phan Rang. Tuyến trong cùng Sài Gòn - Biên Hòa, địch bố trí lực lượng dự bị chiến lược gồm Sư đoàn dù, Sư đoàn lính thủy đánh bộ (thiếu), 1 liên đoàn biệt động quân, 1 thiết đoàn tăng thiết giáp, lực lượng cảnh sát, bảo an quân khu và biệt khu.

Ở phía Quân khu 4 (đồng bằng sông Cửu Long), lúc này, địch còn 3 sư đoàn bộ binh của Quân đoàn 4, một sư đoàn không quân, 5 trung đoàn thiết giáp… Địch tập trung một lực lượng mạnh tăng cường phòng thủ đường số 4, đoạn Tân An - Mỹ Tho, hòng bịt cửa ngõ vào Sài Gòn từ phía tây.

Với nỗ lực trên đây, chính quyền và quân đội Sài Gòn “hy vọng có thể bảo vệ được nửa phía nam của nước này và đi đến cuộc đám phán “công bằng” với Hà Nội”(3)[/sup; hy vọng giữ được phần lãnh thổ còn lại đến mùa mưa và sẽ tổ chức phản công đánh chiếm lại những vùng đã mất.


(1), (2) Cao Văn Viên: Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, Sđd, tr. 184, 188-189.
(3) Frank Snepp: Cuộc tháo chạy tán loạn, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1985, tr. 200.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #114 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2011, 08:19:12 am »

Nắm bắt thời cơ hết sức thuận lợi về quân sự, chính trị của ta và âm mưu, thủ đoạn mới của địch, trong phiên họp ngày 25-3-1975, Bộ chính trị chủ trương tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí, kỹ thuật và vật chất, giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Để đáp ứng yêu cầu chi viện ngày càng lớn về mọi mặt của chiến trường, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương, cũng trong ngày 25-3, Bộ chính trị ra Nghị quyết số 241-NQ/TW thành lập Hội đồng chi viện miền Nam của Trung ương do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, đồng chí Lê Thanh Nghị làm Phó Chủ tịch. Nhiệm vụ của hội đồng là: “tính toán, quyết định những chủ trương, kế hoạch, biện pháp tích cực nhất, có kết quả nhất để chỉ đạo và kiểm tra, đôn đốc các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền huy động sức người, sức của thật đầy đủ, kịp thời để đáp ứng mọi yêu cầu của miền Nam trong tình hình mới(1).

Lúc này, ở miền Nam, quân và dân ta trên các chiến trường đang tiến công và nổi dậy mạnh mẽ. Ngày 25-3, Bộ Tổng tư lệnh cho Quân đoàn 1 chuyển trục hành quân từ đường số 1 lên đường Trường Sơn, nhanh chóng cơ động xuống miền Đông Nam Bộ. Ngày 27-3, Quân đoàn 3 được thành lập. Tình hình biến chuyển mau lẹ. Cách mạng miền Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt. Trong bức điện chiều ngày 29-3 gửi Trung ương Cục miền Nam, Bộ Chính trị chỉ rõ: “Lúc này, cần hành động hết sức kịp thời, kiên quyết và táo bạo. trên thực tế có thể coi chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu từ đây.

Trong khi gấp rút xúc tiến thực hiện quyết tâm chiến lược đã định…, một điểm cấp thiết phải làm ngay là mạnh bạo tăng thêm lực lượng thực hiện chia cắt và bao vây chiến lược từ phía tây Sài Gòn, ở vùng Mỹ Tho và Tân An”(2).

Ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp nghe Quân ủy Trung ương báo cáo sự phát triển của tình hình cuộc chiến. Bộ Chính trị nhận thấy: “Về chiến lược, về lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo, địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, dù có tăng viện cũng không cứu vãn được tình thế của ngụy. Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta đã bắt đầu”(3). Bộ Chính trị quyết định: Nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian sớm nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm(4). Yêu cầu mà Bộ Chính trị đặt ra cho trận quyết chiến chiến lược này là: phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ” phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp; phải tập trung lực lượng lớn hơn nữa vào những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng trong từng lúc. Trước mắt, Bộ Chính trị yêu cầu gấp rút tăng cường lực lượng, vũ khí và phương tiện chiến tranh vào hướng tây Sài Gòn, thực hiện chia cắt và bao vây chiến lược, triệt hẳn đường số 4, áp sát Sài Gòn, đồng thời nhanh chóng tập trung lực lượng ở hướng đông và đông nam, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, thực hiện bao vây cô lập Sài Gòn từ phía Long Khánh, Bà Rịa - Vũng Tàu; tổ chức sẵn những đơn vị binh chủng hợp thành mạnh để khi thời cơ xuất hiện thì tức khắc đánh chiếm các mục tiêu quan trọng nhát ở trung tâm thành phố Sài Gòn. Ở đồng bằng sông cửu Long, cần thúc đẩy lực lượng quân sự, chính trị của ta hành động mạnh bạo, khẩn trương, phát triển tiến công và nổi dậy. Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn để tập trung thống nhất cao độ sự lãnh đạo và chỉ đạo đối với chiến trường trọng điểm này. Ba đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Văn Tiến Dũng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ được cử làm đại diện của Bộ Chính trị tại mặt trận. Bộ Chỉ huy mặt trận Sài Gòn - Gia Định do Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh; đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị làm Chính ủy, các đồng chí Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện là Phó Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền làm quyền Tham mưu trưởng chiến dịch. Ngày 22-4-1975, Bộ Chính trị bổ sung Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng làm Phó Tư lệnh, Trung tướng Lê Quang Hòa, Phó Chủ nghiệm Tổng cục Chính trị làm Phó Chính ủy chiến dịch.


(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.36, tr. 82-83.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.36, tr. 91-92.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.36, tr. 95.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.36, tr. 96.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #115 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2011, 08:20:54 am »

Nghị quyết về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn của Bộ Chính trị được nhanh chóng quán triệt đến toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Trên khắp mọi miền đất nước từ nông thôn đến thành thị, từ biên giới đến hải đảo, từ hậu phương tới chiến trường, quân và dân ta khẩn trương tập trung sức người, sức của cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Trên rẻo cao Tây Bắc, Việt Bắc, đồng bào các dân tộc thiếu số mặc dù còn thiếu thốn nhiều nhưng vẫn chủ động đề nghị Trung ương tạm dừng việc cung cấp và vận chuyển hàng hóa (kể cả các mặt hàng thiết yếu gạo, muối, thuốc chữa bệnh) lên địa phương mình để tập trung cho tiền tuyến. Nhiều nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường, cơ quan, xí nghiệp, trường học đã động viên 30% đến 50% số người trong biên chế để lên đường vào miền Nam chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Bộ Quốc phòng tập trung hơn 10.000 xe vận tải của tuyến đường vận chuyển chiến lược Trường Sơn, 2.745 xe của các đơn vị kỹ thuật, 3.929 xe của các quân khu, quân đoàn, quân, binh chủng vào phục vụ chiến dịch. Các bộ, ngành ngoài quân đội huy động hơn 1.000 ôtô, 32 tầu vận tải biển (5.000 tấn phương tiện), 130 toa tầu hỏa (9.000 tấn phương tiện) và hàng trăm lần chiếc máy bay phục vụ theo yêu cầu của chiến trường. Tại các ga xe lửa, bến ôtô, bến cảng, bến sông ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Đông Hà… hàng đoàn tàu, đoàn xe, đoan thuyền hối hả hướng vào Nam, chuyển vận người và vận chuyển từ hậu phương miền Bắc ra tiền tuyến. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 sử dụng 1.800 lần chiếc ôtô vận chuyển hàng nghìn quân và hơn 4.000 tấn vũ khí đạn mới thu được của địch ở các tỉnh miền Trung Trung Bộ, bổ sung cho các lực lượng tham gia chiến dịch lịch sử giải phóng Sài Gòn.

Để khẩn trương vận chuyển hàng chục nghìn quân, hàng vạn tấn phương tiện vật chất, vũ khí, kỹ thuật phục vụ chiến dịch, bộ đội công binh, ngành cầu đường Bộ Giao thông vận tải, Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân các địa phương ngày đêm chạy đua với thời gian, khắc phục biết bao trở ngại, khó khăn, thông đuờng, thông tuyến giữ vững mạch máu giao thông. Đường 1A từ Quảng Trị vào Sài Gòn dài 1.150 km, có 52.614 cầu bị phá hủy cần phải được sửa chữa hoặc thay thế. Đường 14 từ Đắc Tô (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài 569 km, có 9/45 cầu bị địch đánh phá nghiêm trọng. Các tuyến đường 19, 21, 13, 20, 22 có tới 96 cầu phải gia cố hoặc làm mới. Lực lượng giao thông các cung, chặng, với sự giúp sức của nhân dân địa phương, đã sửa chữa kịp thời, đảm bảo cho bộ đội vận tải, các lực lượng bộ binh cơ giới, các đơn vị binh chủng kỹ thuật trên hai trục chính đông, tây Trường Sơn tiến vào Đông Nam Bộ.

Ở Nam Bộ, trên cơ sở thế trận và lực lượng hậu cần B2 - được Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật chi viện tối đa về mọi mặt, hậu cần chiến dịch gấp rút điều chỉnh thế trận, bổ sung lực lượng, vật chất, bảo đảm cho các hướng tiến công của chiến dịch vào Sài Gòn - Gia Định: hướng tây bắc, Đoàn hậu cần 235 kết hợp với hậu cần Quân đoàn 3 thành thế liên hoàn, đảm bảo tác chiến của quân đoàn và các lực lượng hoạt động trên hướng: hướng bắc, Đoàn hậu cần 210 từ bắc Đồng Xoài chuyển dịch xuống nam Đồng Xoài vào đến Bến Bầu, hình thành thế liên hoàn với hậu cần Quân đoàn 1, bảo đảm cho hoạt động tác chiến của quân đoàn và các lực lượng phối thuộc; hướng đông, Đoàn hậu cần 814 từ nam Đồng Xoài dịch chuyển xuống nam sông Đồng Nai - quốc lộ 20 - quốc lộ 1 gần Bà Rịa, tạo thành thế liên hoàn với hậu cần Quân khu 7, Quân đoàn 4, Quân đoàn 2 đểm bảo đảm cho hai quân đoàn (2, 4) và lực lượng bộ đội địa phương, biệt động, đặc công hoạt động trên hướng đông Sài Gòn; hướng tây nam, Đoàn hậu cần 240 (vừa được xây dựng), bố trí ở bắc quốc lộ 4 (Tân An đi Bến Lức) cùng với Đoàn hậu cần 230 ở nam - bắc quốc lộ 1 qua Đồng Tháp Mười, quốc lộ 4 xuống Quân khu 8, bảo đảm cho Đoàn 232 và các lực lượng đặc công, biệt động trên hướng này; hướng nam, hậu cần Quân khu 8 đảm nhiệm, tổ chức thêm một cánh hậu cần lấn sâu ở Cần Giuộc, kết hợp với hậu cần nhân dân, đảm bảo cho Sư đoàn 8, Quân khu 8, lực lượng đặc công, biệt động ở nam Sài Gòn.

Bộ tư lệnh chiến dịch chỉ đạo hậu cần chiến dịch điều chỉnh Đoàn hậu cần 770 từ đầu cầu tiếp nhận cũ ở Bù Gia Mập xuống lập khu tiếp nhận mới ở Đồng Xoài và tổ chức tổng kho của chiến dịch; điều chỉnh lực lượng của Đoàn hậu cần 220 và 340 cùng lực lượng hậu cần trực thuộc miền để thành lập cụm hậu cần dự bị đặt ở An Lộc, do Đoàn 220 phụ trách và tăng cường lực lượng cho phía trước. Về cơ bản, việc điều chỉnh lực lượng, bố trí thế trận hậu cần, từ ngày 8 đến ngày 20-4-1975, đã hoàn tất. Tổng cục Hậu cần đã điều thêm ra phía trước trên 10.000 người, thành lập 8 tiểu đoàn cơ động phục vụ bốc xếp, làm đường; tổ chức 15 bệnh viện dã chiến, 17 đội điều trị có khả năng thu dung 10.000 thương binh.

Để hoàn thành việc chuẩn bị và vận chuyển bổ sung 20.000 tấn vật chất (trong tổng số 60.000 tấn)(1) chủ yếu là đạn pháo lớn và xăng dầu còn thiếu so với nhu cầu chiến dịch, hậu cần chiến lược đã chỉ đạo việc tổ chức thu gom vật chất từ miền Trung, Tây Nguyên, tuyến 559, cấp cho hậu cần chiến dịch 5.700 tấn (có 5.100 tấn đạn và 600 tấn xăng dầu). Bên cạnh đó, hậu cần các quân đoàn, đơn vị quân binh chủng mang theo vào 9.347 tấn (có 500 tấn đan, 1.500 tấn xăng dầu). Sau nửa tháng (từ ngày 11-4 đến ngày 15-4-1975) tập trung tổng lực vận chuyển “nước rút” vật chất bổ sung, hậu cần chiến dịch đã đảm bảo được 55.000 tấn vật chất, đạt 90% so với kế hoạch đặt ra.


(1) Đến ngày 15-4-1975, ở B2 đã có 40.000 tấn vật chất.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #116 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2011, 08:22:00 am »

Đồng thời với việc khẩn trương huy động và vận chuyển một khối lượng rất lớn vật chất đảm bảo cho chiến dịch, từ những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4-1975, theo quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã điều động các binh đoàn tham gia trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Từ hậu phương miền Bắc, ngày 31-3-1975, Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết thắng - đang làm nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và cùng nhân dân Ninh Bình đắp đê sông Hoàng Long phòng chống úng lụt, đã nhận lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, khẩn trương hành quân cấp tốc vào Nam Bộ tham gia chiến dịch. Thực hiện mệnh lệnh, quân đoàn để lại Sư đoàn 308 - Sư đoàn Quân tiên phong - làm nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc. Trước đó, Sư đoàn 320 B vào Trị - Thiên từ cuối tháng 3 làm lực lượng dự bị cho Quân đoàn 2. Các đơn vị còn lại của quân đoàn gồm Sư đoàn 312 - Sư đoàn Chiến thắng, các lữ đoàn, trung đoàn tăng, thiết giáp, pháo mặt đất, pháo phòng không, công binh, thông tin, quân đoàn bộ và các tiểu đoàn trực thuộc được lực lượng cơ giới của Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần, gồm 1.053 xe) và 893 xe của Quân đoàn chuyển vận theo đường 1 vào Đông Hà, rẽ lên tây Trường Sơn(1), tiến thẳng vào miền Đông Nam Bộ. Từ Trị - Thiên, Sư đoàn 320B được lệnh của các đơn vị trong quân đoàn hành quân vào mặt trận Sài Gòn - Gia Định.

Sau khi phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương đập tan tập đoàn phòng ngự chiến lược của quân đội Sài Gòn tại Vùng 1 chiến thuật, giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, ngày 4-4-1975, Quân đoàn 2 - Binh đoàn Hương Giang nhận lệnh hành quân khẩn cấp vào tham gia chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn. Lúc này, đội hình của quân đoàn vẫn đang phân tán trên nhiều khu vực: một bộ phận lực lượng Trung đoàn pháo cao xạ 245 và Trung đoàn pháo mặt đất 164 đang ở khu vực đường 9 - Quảng Trị; cụm pháo mặt đất chi viện cho Sư đoàn 304 còn đứng chân ở Thượng Đức (Quảng Nam); hơn một nửa số xe, pháo của Sư đoàn phòng không 673 còn ở trên đường 14, 73, 74. Nhưng, với sự nỗ lực vượt bậc của toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong quân đoàn, lại được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Đoàn 559 tạo điều kiện về vật chất, kỹ thuật, nên chỉ vài ngày sau khi nhận lệnh tập trung, Quân đoàn đã hoàn tất mọi công việc chuẩn bị.

Ngày 5-4-1975, đồng chí Lê Trọng Tấn, Lê Quang Hòa, Nam Long đến Đà Nẵng chỉ huy Quân đoàn 2 và lực lượng của bộ tăng cường tác chiến dọc theo vùng duyên hải và tiến vào khu vực tập kết tham gia giải phóng Sài Gòn.

Sáng ngày 7-4-1975, để lại Sư đoàn 324 bảo vệ Huế - Đà Nẵng mới đuộc giải phóng, cánh quân Duyên hải gồm đại bộ phận Quân đoàn 2 và lực lượng của bộ tăng cường với 2.588 xe ôtô, xe tăng, thiết giáp, xe kéo pháo, xe cơ giới chở quân, chia làm 5 khối bắt đầu tiến về phía nam, theo trục đường số 1. Dọc đường hành quân, nhân dân các tỉnh duyên hải miền Trung mới được giải phóng đổ ra đường đón chào bộ đội.

Thực hện phương châm hành quân thần tốc để kịp thời tham gia chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ cánh quân Duyên hải không chỉ triệt để chấp hành mệnh lệnh bám xe, bám đường, giữ nghiêm tốc độ hành quân, mà khi gặp sự cố, khó khăn như cầu gãy, đường hỏng, xe chết máy là cùng tìm mọi biện pháp sửa chữa. Vì thế, tốc độ hành quân luôn đạt trung bình 150 km mỗi ngày. Vừa hành quân, cán bộ, chiến sĩ vừa tranh thủ học tập sử dụng các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật thu được của địch chiếm một tỷ lệ khá lớn trong số vũ khí trang bị của quân đoàn. Sau một tuần hành quân hết sức khẩn trương, bộ phận đi đầu của quân đoàn vào tới Cam Ranh bắt liên lạc với Sư đoàn 3 - Quân khu 5 vừa được bộ quyết định tăng cường cho đội hình quân đoàn. Ngày 16-4, toàn quân đoàn vào tới cửa ngõ Phan Rang - nơi quân đội Việt Nam Cộng hòa đang dồn sức lập tuyến phòng thủ ngăn chặn quân ta tiến công từ xa để bảo vệ sào huyệt Sài Gòn - Gian Định.

Trong khi Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 đang thần tốc tiến vào thì ở Tây Nguyên, ngày 4-4-1975, Quân đoàn 3 - Binh đoàn Tây Nguyên được lệnh hành quân gấp vào miền Đông Nam Bộ. Hơn 3.000 xe ôtô của Sư đoàn 471 (Đoàn 559) và của quân đoàn được huy động vào cuộc hành quân này. Hai trung đoàn công binh (7, 675) đi trước mở đường, bắc cầu đảm bảo giao thông cho quân đoàn cơ động. Từ thị xã Tuy Hòa mới được giải phóng, Sư đoàn 320A - Sư đoàn Đồng Bằng - gấp rút quay trở lại Tây Nguyên bằng đường số 7, sau đó, theo đường 14, đường 13 tiến vào Bến Súc ở phía tây sông Sài Gòn. Sư đoàn 316, Sở chỉ huy nhẹ quân đoàn, Trung đoàn đặc công 198, Trung đoàn xe tăng 273, hai trung đoàn pháo mặt đất (40, 6750, hai trung đoàn pháo cao xạ (232, 234) xuất phát từ Đắc Lắc theo đường 14 qua Bình Long vào khu vực Dầu Tiếng phía tây bắc Sài Gòn. Sư đoàn 10, lúc bấy gờ đang truy quét địch ở Nha Trang, Cam Ranh được lệnh nhanh chóng thu quân, rồi theo tỉnh lộ 11 hành quân lên quốc lộ 20 Lâm Đồng để vào Nam Bộ.


(1) Tây Trường Sơn dù nhiều đèo dốc, sông núi chia cắt nhưng chọn con đường phía tây, quân đoàn và các đơn vị binh chủng phối thuộc sẽ giữ được bí mật, bất ngờ, không bị ùn tắc, tránh được sự chú ý của địch bấy giờ đang tập trung ở hướng đường số 1.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #117 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2011, 08:24:04 am »

Tại Nam Bộ, đầu tháng 4-1975, sau khi giải phóng Chi khu Dầu Tiếng, thị xã An Lộc và Chơn Thành, Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long chuyển xuống phía đông, tiến công giải phóng Đà Lạt, Di Linh và toàn tỉnh Lâm Đồng. Tiếp đó, theo đường 20, quân đoàn cơ động xuống áp sát tuyến phòng thủ Xuân Lộc (Long Khánh), lúc bấy giờ do Sư đoàn bộ binh 18, Vùng 3 chiến thuật và các lực lượng dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn trấn giữ, chuẩn bị thế trận từ hướng đông của chiến dịch. Ở hướng tây nam, Đoàn 232 mới thành lập, bao gồm ba sư đoàn bộ binh (5, 3, Cool, Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) và hai trung đoàn chủ lực 24, 88 của Quân khu 8 tăng cường, cũng tích cực chuẩn bị lực lượng, thế trận ở khu vực Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, tạo nên hướng tiến công chia cắt chiến lược giữa Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long và tạo thế đưa lực lượng áp sát các mục tiêu của chiến dịch từ hướng này.

Phối hợp chặt chẽ với các hướng tiến công của các binh đoàn chủ lực vào sào huyệt cuối cùng của địch, Quân khu 7, Thành ủy và Thành đội Sài Gòn - Gia Định đã đưa 1.700 cán bộ cơ sở xuống các xã, phường, quận, huyện nội thành và ngoại thành thâm nhập các xí nghiệp, công sở, trường học, các đoàn thể xã hội, tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng sẵn sàng nổi dậy, tiếp lương thực, thực phẩm cho bộ đội khi các cánh quân chủ lực đánh vào nội đô. Nhiều nơi, quần chúng in truyền đơn, may cờ, viết biểu ngữ háo hức chờ đón bộ đội và giải phóng thành phố. Thành ủy và Thành đội cử hàng trăm chiến sĩ biệt động, tự vệ thành ra ngoại ô dẫn đường cho các cánh quân của ta tiến công vào các mục tiêu then chốt như sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, Biệt khu Thủ đô và Nha Cảnh sát đô thành.

Ngày 7-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh cho các cánh quân: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng”(1).

Ngày 10-4-1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định họp bàn, thống nhất phương thức lãnh đạo, chỉ huy tác chiến chiến dịch. Bộ Tư lệnh xác định: Đây là đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc chiến tranh, giành thắng lợi triệt để, vì thế, cần phải tập trung lực lượng và binh khí, kỹ thuật, phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo thành ưu thế áp đảo nhanh chóng tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch còn lại, đập tan ngụy quyền từ trung ương đến cơ sở, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, tạo điều kiện giải phóng miền Nam. Quá trình tiến hành chiến dịch, cần kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy của quần chúng, nhưng tiến công quân sự phải đi trước một bước, giữ vai trò quyết định. Từ tư tưởng chỉ đạo đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã thống nhất phương án tác chiến chiến dịch: “Dùng một bộ phận thích hợp trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài, đồng thời dùng lực lượng mạnh, nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích binh chủng hợp thành cơ giới hóa mạnh đã được tổ chức mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các tục đường lớn đánh thẳng vào năm mục tiêu đã được chọn lựa trong nội thành”(2).

Lúc này, ở Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ, thực hiện kế hoạch đợt 2 mùa khô 1974-1975 của Bộ Tư lệnh Miền, bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương cùng các đơn vị đặc công, biệt động, pháo binh chuyên trách đẩy mạnh hoạt động quân sự, tiến công địch ở khắp nơi từ Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cần Thơ, Rạch Giá…, giải phóng nhiều vùng lõm ở Long An, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, mở rộng hành lang từ miền Đông Nam Bộ qua Đồng Tháp Mười xuống miền Tây Nam Bộ, làm chủ được nhiều đoạn đường giao thông quan trọng trên quốc lộ 1, quốc lộ 4, quốc lộ 22.

Những thất bại liên tiếp trên chiến trường cùng với thái độ “hờ hững” của phía Mỹ lúc bấy giờ càng khiến chính quyền và quân đội Sài Gòn thêm hoang mang. Trong một nỗ lực nhằm cứu vãn phần nào tinh thế đang rất nguy ngập, từ ngày 13-3 đến ngày 6-4-1975, Nguyễn Văn Thiệu cử phái đoàn gồm nhiều dân biểu Quốc hội sang Oasinhtơn, tìm cách vận động Quốc hội Mỹ tăng viện trợ cho chế độ Sài Gòn. Cố gắng đó nhanh chóng trở thành vô vọng(3). Ngày 28-3-1975, Tổng tham mưu trưởng lục quân Mỹ Uâyan (Frederick C. Weyand) cùng một số chuyên gia về Việt Nam được cử sang Sài Gòn xem xét tình hình. Tại Sài Gòn, Uâyan thống nhất với Nguyễn Văn Thiệu về việc tổ chức tuyến phòng ngự từ xa và đề ra các giải pháp nhằm cầm cự, chờ đến mùa mưa sẽ tổ chức phản công hòng giành lại những địa bàn đã mất. Trở về Oasinhtơn, Uâyan mang theo đề nghị của Nguyễn Văn Thiệu, xin thêm 722 triệu đôla viện trợ khẩn cấp. Đề nghị này đã bị Quốc hội Mỹ thẳng thừng bác bỏ.


(1) Điện số 157/ĐK: TK gửi lúc 0 giờ 30 phút ngày 7-4-1975, số lưu 450/ĐB.
(2) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.11, tr. 432.
(3) Trong phái đoàn này, có Đinh Văn Đệ - một cơ sở tình báo của ta, lúc bấy giờ là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ nghị viện của chế độ Sài Gòn. Đinh Văn Đệ tìm cách mô tả tình hình nguy ngập không phương cứu chữa của chế độ Sài Gòn cho đến thời điểm đó, nhằm làm nản lòng hơn nữa Quốc hội Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #118 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2011, 08:24:55 am »

Trong khi đó, trên chiến trường, quân đội Sài Gòn gấp rút xây dựng, củng cố tuyến Xuân Lộc - Phan Rang, đồng thời tăng cường phòng giữ tuyến đường số 4 phía nam Sài Gòn nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hình thành tuyến phòng ngự bảo vệ Sài Gòn với các mắt xích Xuân Lộc - Phan Rang, Tây Ninh, bắc Củ Chỉ, Long An - Bến Lức.

Xuân Lộc (tỉnh lỵ tỉnh Long Khánh cũ) nằm cách Sài Gòn 80 km về phía đông. Đây là địa bàn án ngữ các trục giao thông quan trọng như quốc lộ 1, quốc lộ 20 nối Sài Gòn với Đà Lạt, quốc lộ 15 nối Sài Gòn với Bà Rịa - Vũng Tàu.

Vào đầu tháng 4-1975, Xuân Lộc trở thành một trong những mục tiêu được đặt ra trong tính toán của của cơ quan chỉ đạo chiến lược của ta, trở thành một nhân tố có ý nghĩa quyết định tới khả năng tận dụng thời cơ, đánh địch bất ngờ để nhanh chóng giải phóng Sài Gòn - Gia Định trước mùa mưa năm 1975. Cho đến lúc này, địch vẫn còn trong tay 7 sư đoàn bộ binh, 5 tiểu đoàn biệt động quân, 33 tiểu đoàn pháo binh, 12 tiểu đoàn xe tăng và xe thiết giáp, 1.360 máy bay, 1.496 tàu, xuống chiến đấu trên sông, trên biển. Đồng thời, vào lúc đó, Mỹ cấp tốc lập cầu hàng không chuyên chở vũ khí hạng nặng gồm xe tăng và đại bác tiếp viện cho quân đội Sài Gòn, lệnh cho tàu sân bay Hencốc cùng 300 lính thủy đánh bộ Mỹ tiến vào khu vực biển Đông.

Ở Xuân Lộc, địch bố trí một lực lượng mạnh gồm Sư đoàn 18 còn nguyên vẹn và một số tiểu đoàn bảo an, cảnh sát phòng ngự trong công sự kiên cố. Khi Xuân Lộc bị ta tiến công, địch còn tăng viện thêm Lữ dù số 1, Lữ đoàn 3 thiết giáp, chiến đoàn 3 (của Sư đoàn 5), Liên đoàn biệt động quân và các trung đoàn thiết giáp số 315, 318, 320 và toàn bộ hỏa lực pháo binh của Quân đoàn 3 và của không quân từ hai sân bay Biên Hòa và Tân Sơn Nhất. Trong khi đó, bên trong thị xã, bộ máy kìm kẹp của địch hầu như còn nguyên vẹn với tổng cộng khoảng 1.522 tên. Báo chí phương Tây lúc bấy giờ xem “Xuân Lộc là ốc xoáy cuối cùng” quyết định số phận Sài Gòn; còn chính quyền Nguyễn Văn Thiệu mệnh danh Xuân Lộc là “phòng tuyến thép”. Sư đoàn trưởng Sư đoàn 18 Lê Minh Đảo lớn tiếng tuyên bố “tử thủ” Xuân Lộc bằng mọi giá!

Về phía ta, do tầm quan trọng của Xuân Lộc nên Bộ Tư lệnh chiến dịch và Bộ Tư lệnh Miền quyết định giao cho quân đoàn 4 với lực lượng hiện có (Gồm Sư đoàn bộ binh 7, Sư đoàn bộ binh 341, Sư đoàn bộ binh 6), 4 lữ đoàn phòng không, pháo binh, công binh, thông tin (71, 24, 25, 26), 2 tiểu đoàn xe tăng và 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Long Khánh mở chiến dịch tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ Xuân Lộc. Trước trọng trạch được giao, ngày 3-4-1975, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 đã họp bàn, đưa ra hai phương án tác chiến:

Phương án một, với cụm cứ điểm phòng thủ mạnh của địch ở cửa ngõ Sài Gòn, ta phải lấy diệt địch bên ngoài là chính, tạo thế bao vây cô lập, khi có thời cơ sẽ tiến công dứt điểm.

Phương án hai, trong tình hình địch đang hoang mang dao động, ta cần phải khẩn trương, táo bạo dùng lực lượng bộ binh, xe tăng, pháo binh đánh thẳng vào sở chỉ huy tiểu khu và Sư đoàn 18, nhanh chóng chiếm Xuân Lộc tạo thế và lực cho hướng tiến công chủ yếu của ta ở hướng đông áp sát Biên Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu, chuẩn bị cùng đại quân tiến công vào Sài Gòn - Gia Định. Với quyết tâm cao độ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 quyết định chọn phương án hai và giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 7 tiến công hướng chủ yếu, từ hướng đông đánh chiếm căn cứ Sư đoàn 18 địch; Sư đoàn 341 đảm nhiệm hướng thứ yếu, từ phía bắc đánh xuống, chiếm Tiểu khu Long Khánh và các mục tiêu trong thị xã; Sư đoàn 6 chia cắt quốc lộ 1 (đoạn giáp ngã ba Dầu Giây), tiêu diệt các chốt vòng ngoài của địch từ ấp Hưng Lộc đến đèo Mẹ Bồng Con, đánh viện binh và quân địch rút chạy.

Sau 4 ngày khẩn trương chuẩn bị (trinh sát mục tiêu, điều động lực lượng, xây dựng phương án tác chiến và quán triệt nhiệm vụ chiến đấu), 5 giờ 40 phút ngày 9-4-1975, bốn cụm pháo binh của chiến dịch và của quân đoàn bắn phá cấp tập vào các mục tiêu trong và ngoài thị xã, mở màn chiến dịch. Sau đợt tập kích hỏa lực, bộ binh và xe tăng ta trên các hướng tiền tiêu được lệnh xung phong. Trung đoàn 165 - Sư đoàn 7 đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu, được 8 xe tăng yểm trợ, đồng loạt đánh Sở chỉ huy Sư đoàn 18, hậu cứ Trung đoàn 5 thiết giáp địch. Dựa vào các bãi rào và hầm hào kiên cố đã được chuẩn bị kỹ, địch chống cự quyết liệt,. Trong vòng 1 giờ, chúng đã bắn cháy của ta 3 xe tăng, hàng chục chiến sĩ bị thương vong. Trung đoàn 165 - buộc phải dừng lại đánh địch phản kích, tìm cách chuyển hướng tiến công. Trên hướng thứ yếu, Trung đoàn 226 và Trung đoàn 266 - Sư đoàn 341 được hỏa lực súng cối 82, ĐKZ 75, súng 12,7mm trực tiếp hỗ trợ, ồ ạt đánh chiếm khu thông tin, khu cố vấn, ty cảnh sát, khu bảo an, khu gia binh. Khi đến gần dinh tỉnh trưởng, lực lượng tiến công bị chặn lại. Trong khi đó, Trung đoàn 209 - Sư đoàn 7 và Trung đoàn 270 - Sư đoàn 341 chốt giữ ở vòng ngoài đánh bại 2 tiểu đoàn địch đến giải tỏa, ứng cứu cho Sở chỉ huy Sư đoàn 18 và dinh tỉnh trưởng, diệt và bắt gần 200 tên, bắn cháy 7 xe tăng, giải phóng ấp Bảo Toàn. Tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa diệt 1 đại đội địch ở Suối Cát, bắt 21 tù binh. Trên hướng phối hợp, Sư đoàn 6 phát triển ra đường số 1, tiến công ấp Trần Hưng Đạo, diệt 6 chốt địch trên đoạn từ Hưng Nghĩa đến đèo Mẹ Bồng Con, phá hủy 11 xe tăng, diệt và bắt hơn 300 tên địch, thu 100 súng (có 2 khẩu pháo 105 mm).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #119 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2011, 08:26:42 am »

Để tiếp tục tiến công làm chủ những mục tiêu trọng yếu còn lại trong thị xã, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 đã tung toàn bộ lực lượng, kể cả lực lượng dự bị, vào cuộc chiến đấu. Trong hai ngày 10 và 11-4, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7 đã cho 2 trung đoàn (141, 165) có xe tăng và pháo binh yểm trợ, từ bàn đạp đã chiếm được, mở cuộc tiến công hậu cứ Sư đoàn 18, Chiến đoàn 52 và Trung đoàn 5 thiết giáp. Trung đoàn 209, sau khi tiêu diệt 1 đại đội địch nống ra vùng ngoài, được lênh chuyển sang tiến công vào hướng nam thị xã, phối hợp với Trung đoàn 165 và Trung đoàn 141, đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu của địch. Tuy nhiên, cả ba mũi tiến công trên hai hướng của Sư đoàn 7 đều bị địch chặn lại. Ở khu vực thứ yếu, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 341 quyết định đưa Trung đoàn 270 vào thị xã kết hợp với Trung đoàn 266 đánh địch phản kích, giữ vững các vị trinh sát đã chiếm. Đồng thời, Sư đoàn sử dụng 2 tiểu đoàn (5, 7) có hỏa lực yểm trợ tập kích sân bay Cáp Rang, hậu cứ chiến đoàn 43. Cuộc tập kích không thành, bộ đội ta bị địch tập trung đẩy lùi. Trên hướng Sư đoàn 6y, Trung đoàn 33 đánh chiếm Chi khu Dầu Giây, đánh bại các đợt phản kích của 2 tiểu đoàn hỗn hợp thuộc Chiến đoàn 52, buộc lực lượng này phải co về vị trí cố thủ.

Qua ba ngày tiến công đột phá liên tục, các đơn vị tham gia chiến dịch, đặc biệt là Sư đoàn 341, đã chiến đấu hết sức dũng cảm, chiếm được nhiều mục tiêu quan trọng như khu cố vấn, khu thông tin, ty cảnh sát; đánh bại hầu hết các đợt phản kích của các chiến đoàn địch. Những ngày sau đó, địch tăng cường lực lượng chặn đánh quyết liệt các đợt tiến công của ta. Từ ngày 11 đến ngày 14-4, đã thêm ba lữ đoàn (2 lữ đoàn lính thủy, 1 lữ đoàn dù), 1 liên đoàn biệt động quân, 1 trung đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 2 thiết đoàn tăng thiết giáp được tung vào mặt trận Xuân Lộc. Nếu tính cả Sư đoàn 18 và các đơn vị bố trí ở Xuân Lộc, thì địch đã tập trung ở đây 50% lực lượng bộ binh, 60% pháo binh, phần lớn xe tăng, xe thiết giáp của Quân đoàn 3 (300 chiếc) và lực lượng tổng dự bị chiến lược tương đương một sư đoàn. Ngoài ra, chúng còn huy động lực lượng không quân từ các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, chi viện hỏa lực tiến công tối đa, trung bình 80 lần chiếc/ngày, gây cho ta nhiều khó khăn tổn thất(1). Đặc biệt, trong tình thế tuyệt vọng, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn được Mỹ cho phép, đã sử dụng máy bay C-130 ném 2 quả bom CBU-55(2) xuống khu vực tập kết của quân ta lúc 14 giờ ngày 12-4-1975. Đây là loại vũ khí có sức hủy diệt lớn, lần đầu tiên được sử dụng ở chiến trường miền Nam. Do vội vàng, địch ném xuống xã Xuân Vinh - địa bàn xát thị xã Xuân Lộc, đốt cháy toàn bộ không khí trong vùng, làm hàng trăm người chết và bị thương.

Trước tình hình địch tăng cường lực lượng quyết “tử thủ” ở Xuân Lộc, Bộ Chỉ huy Miền và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 quyết định đưa Quân đoàn 4 ra ngoài chiếm giữ ngã ba Dầu Giây, đánh tiêu diệt các đơn vị địch đến phản kích đứng chân chưa vững, thiếu công sự ẩn nấp; cắt đường 1, cô lập Xuân Lộc và Biên Hòa; cắt đường số 2 đi Bà Rịa; dùng pháo tầm xa bắn khống chế sân bay Biên Hòa… Thay mặt Bộ Tư lệnh chiến dịch và Bộ Tư lệnh Miền, Thượng tướng Trần Văn Trà từ Lộc Ninh xuống Quân đoàn 4 chri đạo và đôn đốc Quân đoàn thực hiện cách đánh mới.

Cùng thời gian Quân đoàn 4 tiến đánh Xuân Lộc, cánh quân Duyên hải - Quân đoàn 2 và lực lượng tăng cường đã vượt tỉnh Khánh Hòa, gần tiến vào địa phận tỉnh Ninh Thuận, chuẩn bị tiến công thị xã Phan Rang - một trong ba cụm phòng ngự then chốt bảo vệ Sài Gòn của Quân đoàn 3 quân đội Sài Gòn. Tại đây, trong tuần đầu tháng 4-1975, thấy sức ép ngày càng gia tăng của ta, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn vừa tăng cường thêm lực lượng và phương tiện ra Phan Rang, vừa khẩn trương bố trí lại thế trận phòng ngự. Ở khu vực trung tâm và sân bay Thành Sơn - nơi có Bộ Chỉ huy tiền phương Quân đoàn 3 quân đội Sài Gòn do viên Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi trực tiếp phụ trách, Bộ Tư lệnh sư đoàn 2 địch (vừa tái thành lập) sử dụng Trung đoàn 5 lập trận địa phòng ngự phía tây, tây nam bảo vệ sân bay Thành Sơn và đường vào thị xã; Trung đoàn 11 bảo vệ ngã ba quốc lộ 1 và tỉnh lộ 11; Lữ đoàn dù 2 (lực lượng dự bị chiến lược) bảo vệ Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 3 đặt tại căn cứ không quân Thành Sơn. Tại Du Long, khu vực cách phía bắc Phan Rang 20 km, Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 bố trí Liên đoàn 31 biệt động quân lập chiến tuyến ngăn chặn bảo vệ sân bay. Hai trận địa pháo binh 105mm và 155 mm gồm 20 khẩu được bố trí ở phía sau, có nhiệm vụ bắn ngăn chặn quân ta tiến công trên các hướng. Với tuyến phòng ngự này, địch hy vọng có thể cản phá hoặc làm chậm tốc độ tiến công của ta.


(1) Đợt tác chiến 1 (ngày 9-4 đến ngày 11-4), Sư đoàn 7 thương vong hơn 300 cán bộ, chiến sĩ; Sư đoàn 341 thương vong 1.200 đồng chí, 6 xe tăng bị phá hủy, pháo 85 và 57 bị hủy gần hết vì bom pháo địch.
(2) CBU-55 là loại bom được Mỹ nghiên cứu, chế tạo từ cuối những năm 60 thế kỷ XX và được trang bị cho lực lượng không quân chiến thuật quân đội Mỹ. CBU-55 là loại bom chùm hàng không dạng cátxét, nổ theo nguyên lý xon khí, có chiều dài 2,3 m, đường kính 0,36 m, sải cánh đuôi 0,72m, trọng lượng 235 kg. Mỗi quả bom mẹ chứa 3 bom con. Bom con nặng 45 kg, nạp 32,6 kg êtylen lỏng, có dù hãm để giảm tốc độ rơi xuống còn 33m/s (giây). Khi chạm đất, ngòi nổ hoạt động gây nổ ống thuốc đặt giữa trục hơn, phá vỡ vỏ bom, làm văng ôxít êtylen thành các giọt, tạo ra đám mây xon khí (nhiên liệu và không khí) có đường kính 15-17m, cao 2,5-3m. Đám mây này được một trạm nổ kích nổ ở độ cao 1m sau khi hình thành 0,125s. Bán kính sát thương của một bom con là 50m. CBU-55 được thiết kế cho máy bay tốc độ dưới âm (như A37, OV10 và máy bay trực thăng UH1 ở độ cao bay 600m, tốc độ bay 120km/h). Loại bom này sử dụng trong chiến tranh Việt Nam với mục đích diệt sinh lực đối phương, dọn bãi cho máy bay trực thăng đổ bộ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM