Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:11:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 8  (Đọc 102571 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 27 Tháng Hai, 2011, 07:13:09 am »

Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), tập VIII
Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia
Năm xuất bản: 2008
Số hóa: macbupda

CHỈ ĐẠO NỘI DUNG
Thiếu tướng, TS, PHẠM VĂN THẠCH

CHỦ BIÊN
Đại tá, PGS, TS. HỒ KHANG

TÁC GIẢ
Đại tá, PGS, TS. HỒ KHANG
Đại tá, ThS. TRẦN TIẾN HOẠT
Đại tá, TS. NGUYỄN XUÂN NĂNG
Đại úy NGUYỄN VĂN QUYỀN
Đại úy LÊ QUANG LẠNG

Với sự công tác của
Thiếu úy TRẦN HŨU HUY
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Giêng, 2021, 02:46:59 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2011, 07:16:08 am »

LỜI NHÀ XUẤT BẢN


Nhân kỷ niệm 64 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2008) và ngày quốc phòng toàn dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp với Viện Lịch sử quân sự Việt Nam xuất bản tập VIII mang tiêu đề Toàn thắng của bộ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), gồm 9 tập. Đây là tập phản ánh tiến trình lịch sử ở giai đoạn cuối cùng - giai đoạn toàn thắng của sự nghiệp kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta chống lại tên đế quốc đầu sở của thời đại.

Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, với việc ký Hiệp định Pari vào ngày 27-1-1973, quân và dân ta đã đánh đuổi đội quân viễn chinh Mỹ có lúc đông tới hơn nửa triệu tên và quân các nước phụ thuộc ra khỏi miền Nam nước ta. Ngày 29-3-1973, Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ làm lễ cuốn cờ rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Nắm vững thời cơ chiến lược ngàn năm có một được mở ra sau gần 20 năm chiến đấu, Bộ thống soái tối của của cuộc kháng chiến, sau khi phân tích thế và lực của ta và của địch, tình hình quốc tế phức tạp lúc đó, đã triệu tập lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường ra Hà Nội làm việc để củng cố quyết tâm giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất. Từ sau Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa III) họp hai đợt (đợt I từ ngày 19-6 - 6-7-1973, đợt II từ ngày 1-10 - 4-10-1973) toàn dân tộc từ Bắc chí Nam đã nỗ lực cao độ dốc sức cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Miên Bắc đã làm hết sức mình chi viện tối đa sức người, sức của cho cách mạng miền Nam.

Bộ đội Trường Sơn đã tổ chức lại lực lượng, mở rộng mạng đường chiến lược, nâng cao năng lực vận chuyển đảm bảo đủ hậu cần cho miền Nam đánh thắng.

Trước khi Hiệp định Pari được ký kết, Mỹ đã ồ ạt thăng viện cho chính quyền và quân đội Sài Gòn cùng với vũ khí, khí tài, đạn dược, phương tiện chiến tranh để lại sau khi phải rút quân, tạo thành kho vũ khí khổng lồ, hy vọng quân đội Sài Gòn đứng vững.

Hiệp định Pari ký chưa ráo mực, Nguyễn Văn Thiệu lập tức tung quân “tràn ngập lãnh thổ” đánh phá vùng giải phóng để lấn đất, giành dân.

Nhận rõ bản chất hiếu chiến, phản động của chính quyền Sài Gòn, khả năng thống nhất Tổ quốc hòa bình là không hiện thực, quân và dân ta ở miền Nam đẩy mạnh phản công và tiến công mạnh mẽ trừng trị quân địch để bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng.

Năm 1974 quân và dân ta mở cuộc tiến công tạo thế trên khắp các chiến trường miền Nam, làm cho quân địch bị động đối phó. Với chiến dịch đường 14 - Phước Long, quân và dân Đông Nam Bộ đã giải phóng toàn tỉnh Phước Long, nhưng quân đội Sài Gòn không đủ sức tái chiếm địa bàn vừa bị mất, trong khi đó người Mỹ buộc phỉa chấp nhận nhìn quân đội Sài Gòn sụp đổ. Đây là liều thuốc thử quan trọng để cơ quan Tổng hành dinh xây dựng và củng cố quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976, nếu có thời cơ thì giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975, thậm chí là trước mùa mưa năm 1975.

Với đánh đánh điểm huyệt Buôn Ma Thuột tạo một đột biến về chiến dịch và chiến lược làm cho chính quyền và quân đội Sài Gòn choáng váng dẫn đến sai lầm chiến lược rút bỏ toàn bộ Tây Nguyên, quân và dân ta đã lập tức giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung. Mất địa bàn chiến lược, sự sụp đổ của chính quyền và quân đội Sài Gòn chỉ còn là vấn đề thời gian, không gì có thể cứu vãn nổi.

Tiếp đó, bằng chiến dịch Huế - Đà nẵng, với sức mạnh tổng hợp của các binh đoàn chủ lực cũng như lực lượng vũ trang địa phương và sự nổi dậy của quần chúng, ta đã giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên, đánh chiếm cố đô Huế, đặc biệt là căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng sụp đổ hoàn toàn chỉ trong một thời gian ngắn.

Với tầm nhìn chiến lược xa rộng, sau khi giải phóng Đà Nẵng, quân đội ta đã lập tức tổ chức các hải đoàn đánh chiếm ngay các đảo ven bờ và quần đảo Trường Sa, làm cho cả ngụy quân, ngụy quyền vav các thế lực âm mưu nhòm ngó bờ cõi nước ta không kịp trở tay.

Trước tình thế cách mạng khẩn trương “một ngày bằng 20 năm”, chấp hành mệnh lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng”, các binh đoàn chủ lực đã kiên quyết đánh địch trong hành tiến, lần lượt giải phóng Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, hình thành thế bao vây chia cắt Sài Gòn, Sài Gòn - Gia Định đã nắm trong tầm ngắm của xe tăng và pháo binh Quân giải phóng.

Thể theo nguyện vọng của đồng bào đồng chí miền Nam, theo đề nghị của Bộ Tư lệnh chiến dịch, Bộ Chính trị đã đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Từ ngày 267-3-1975, chiến dịch tổng công kích giải phóng Sài Gòn - Gia Định mang tên Bác bắt đầu. Từ năm hướng, năm quân đoàn chủ lực với tinh thần quyết chiến và toàn thắng đã lần lượt đánh chiếm các địa bàn đầu cầu, các địa bàn vùng ven rồi cùng một lúc với các mũi thọc sâu táo bạo đánh thẳng vào các cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội Sài Gòn.

11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc lập - ghi nhận thời khắc huy hoàng của ngày toàn thắng.

Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn bị bắt, phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Ngay sau đó các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các hải đảo còn lại như Thổ Chu, Côn Đảo, Phú Quốc đã được giải phóng.

Toàn bộ diễn biến lịch sử trong giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến từ năm 1973 đến năm 1975 đã được Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), tập VIII mang tiêu đề Toàn thắng ghi lại một cách toàn diện và tương đối đầy đủ với tinh thần trách nhiệm cao của các nhà viết sử chiến tranh.

Xin trận trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Tháng 11 năm 2008           
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2011, 07:21:38 am »

Chương 32

ĐẤU TRANH BUỘC MỸ VÀ CHÍNH QUYỀN
SÀI GÒN THI HÀNH HIỆP ĐỊNH PARI,
TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG
CỦNG CỐ THẾ TRẬN KHÁNG CHIẾN

I - ĐẤU TRANH BUỘC MỸ VÀ CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN
THI HÀNH HIỆP ĐỊNH PARI

Thắng lợi to lớn, toàn diện trong năm 1972 và Hiệp định Pari được ký kết đã tạo ra bước ngoặt căn bản cho cách mạng Việt Nam, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước sang giai đoạn phát triển mới.

Theo Hiệp định Pari, cuối tháng 3-1973, tất cả các đơn vị quân viễn chinh Mỹ và quân đồng minh của Mỹ sẽ rút khỏi lãnh thổ Việt Nam(1).

Tuy nhiên, vấn đề lớn đặt ra đối với chúng ta là liệu Mỹ và chính quyền Sài Gòn có nghiêm chỉnh thực hiện ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, thành lập Chính phủ liên hiệp theo Hiệp định Pari đã quy định hay không? Phía Mỹ có thực hiện cam kết “không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam” hay là vẫn ngoan cố tiếp tục can thiệp bằng những cách khác?

Đây là những vấn đề đặc biệt quan trọng và có tính cấp thiết đặt ra đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộc hòa bình trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ, đều mong muốn sớm chấm dứt cuộc chiến tranh lâu dài, đã gây ra nhiều đau khổ, tổn thất, hy sinh này cho cả hai bên. Tuy nhiên, trên thực tế, trước ngày Hiệp định Pari ký kết hai tuần, từ ngày 14 đến ngày 17-1-1973, Tổng thống Mỹ Níchxơn đã liên tiếp gửi thư cho Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu mà ở đó, một mặt, “Mỹ đã gây một sức ép để Thiệu ký hiệp định”(2) và một mặt khác, “một khi Thiệu đã ký, thì họ cho Thiệu mọi phương tiện để vi phạm hiệp định”(3) bằng việc cam kết tiếp tục viện trợ đầy đủ về kinh tế và quân sự”(4) cho Sài Gòn; chỉ công nhận chính quyền của Nguyễn Văn Thiệu là “Chính phủ hợp phát duy nhất ở miền Nam Việt Nam”(5); không thừa nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam như đã thỏa thuận trong Hiệp định Pari mà Chính phủ Mỹ buộc phải ký kết ít ngày sau đó. Đồng thời, Níchxơn còn hứa sẽ gặp lại Nguyễn Văn Thiệu trong thời gian sớm nhất tại San Clemente, bang Caliphoócnia để tiếp tục xác nhận những cam kết và đi vào bàn bạc các phương án hợp tác cụ thể với nhau sau khi Hiệp định Pari được ký kết và chính thức có hiệu lực.

Ngày 23-1-1973, Tổng thống Mỹ Níchxơn ra tuyên bố tiếp tục khẳng định quan điểm của Mỹ là sẽ không ủng hộ cuộc tổng tuyển cử tự do ở miền Nam Việt Nam và Mỹ sẽ làm những gì có thể để bảo vệ cho sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn.

Ngày 27-1-1973, tại Pari, Thủ đô nước Cộng hòa Pháp, hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Ngay sau đó, ngày 28-1-1973 tại Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu lập tức công khai tuyên bố lập trường của phía chính quyền Sài Gòn:

- Không liên hiệp;

- Không thương lượng với đối phương;

- Không có hoạt động của cộng sản hoặc đối phương trong nước;

- Không để lọt vào tay đối phương bất cứ lãnh thổ nào, tiền đồn nào do Quân đội Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ và khẳng định “không có hòa bình với cộng sản”, “phải xóa thế da beo”, “bắn bỏ những ai chứa chấp cộng sản”.


(1) Thực tế, ngày 29-3-1973, tướng Uâyen (Weyand), Tổng Chỉ huy và Bộ Tham mưu quân viễn chinh Mỹ cùng với. 2.051 lính Mỹ cuối cùng làm lễ cuốn cờ, lên máy bay rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
(2), (3) Dẫn theo Gabrien Côncô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991, t.2, tr.138.
(4), (5) Gabrien Côncô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Sđd, tr.138.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Ba, 2011, 08:27:30 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2011, 07:27:00 am »

Ngày 3-4-1973, tại San Clemente thuộc bang Caliphoócnia (Mỹ) diễn ra cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Níchxơn và Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu. Hai bên đã ra thông cáo chung, trong đó, phía Mỹ tái khẳng định cam kết sẽ tiếp tục viện trợ cho chính quyền Sài Gòn và “Mỹ sẽ trả đũa không thương tiếc mọi vi phạm lệnh ngừng bắn”. Trên thực tế, thay vì phải phá hủy các căn cứ quân sự của quân đội Mỹ trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam như đã quy định tại Điều 6 của Hiệp định Pari, thì ngược lại, phía Mỹ đã chuyển giao toàn bộ những cơ sở này cho chính quyền và quân đội Sài Gòn. Đối với số lượng máy bay chiến đấu, quân đội Mỹ không chuyển về nước mà phân tán sang các căn cứ quân sự ở Thái Lan nhằm sẵn sàng chi viện cho quân đội Sài Gòn và can thiệp vào miền Nam Việt Nam khi cần thiết. Từ cuối năm 1972 đến đầu năm 1973, phía Mỹ đã khẩn trương chuyển gấp cho quân đội Sài Gòn tổng cộng 700 máy bay các loại, 500 khẩu pháo, 400 xe tăng, xe bọc thép, bổ sung dự trữ vật tư chiến tranh là 2 triệu tấn và những viện trợ khác trị giá lên tới 2.670 triệu đô la (năm 1973)(1).

Trong năm 1973, Mỹ đưa thêm vào miền Nam 90 máy bay, 100 khẩu pháo và một khối lượng lớn các loại phương tiện chiến tranh. Bộ Chỉ huy và viện trợ quân sự Mỹ ở Việt Nam - MACV (Military Assistance and Command in Vietnam) giờ được đổi thành Cơ quan tùy viên quân sự Mỹ ở Việt Nam - DAO (Defence Attache Office). Các cố vấn quân sự Mỹ chuyển sang khoác áo dân sự, dưới sự chỉ huy của Đại sứ quán Mỹ. Tổ chức và nhân viên tình báo CIA tại miền Nam Việt Nam cũng chuyển sang hoạt động dưới danh nghĩa của Tổ chức viện trợ và phát triển - USAID (United States Agency International Development). Tổng số cố vấn quân sự và dân sự Mỹ ở miền Nam tính đến giữa năm 1973, có tới 24.000 người. Với lực lượng cố vấn dông đảo này ở mọi cấp, mọi ngành, từ trung ương xuống tới các địa phương, cả ở hệ thống chính quyền và lực lượng quân đội, đế quốc Mỹ tiếp tục can thiệp sâu vào công việc nội bộ của miền Nam, quyết định những chủ trương lớn về quân sự, chính trị, kinh tế, bố trí nhân sự cao cấp của chính quyền và quân đội Sài Gòn.

Được Mỹ tăng viện và khuyết khích, chính quyền, quân đội Sài Gòn, ngay từ đầu đã ngang nhiên vi phạm các điều khoản của hiệp định, đẩy mạnh các hoạt động quân sự, nhằm cải thiện tình hình, mở rộng vòng chiếm đóng, tăng cường nhanh chóng sức mạnh quân sự của Việt Nam cộng hòa. Dưới sự chỉ đạo chỉ huy trực tiếp của đội ngũ cố vấn Mỹ khoác áo dân sự, quân đội Sài Gòn ráo riết xúc tiến thực hiện Kế hoạch chiến tranh 3 năm (1973-1975) hòng lấn chiếm vùng giải phóng, tiêu diệt các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, tiến tới xóa bỏ tình trạng hai chính quyền, hai quân đội và ba lực lượng hiện có ở miền Nam, độc chiếm và biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ.

Để xóa “thế da báo” trên chiến trường miền Nam, quân đội Sài Gòn liên tiếp mở các hoạt động “tràn ngập lãnh thổ” trong khuôn khổ Kế hoạch Lý Thường Kiệt. Theo thống kê của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, năm 1973, địch đã mở 11.365 cuộc hành quân lấn chiếm quy mô từ chấp trung đội trở lên, trong đó có 10.072 cuộc từ cấp tiểu đoàn trở lên, 50 cuộc từ 5 tiểu đoàn trở lên. Cùng trong năm 1973, địch còn tiến hành 49.676 cuộc hành quân cảnh sát trên khắp miền Nam. Với những cố gắng mới, địch đã lấn chiếm được nhiều vùng giải phóng, kiểm soát được 11.430 ấp, trong đó có 5.008 ấp loại A với số dân là 19.049.000 người(2).

Ở Trị - Thiên - Huế, địch tập trung tới 51.000 quân (33.000 quân chủ lực, 18.0000 quân địa phương, cảnh sát, phòng vệ dân sự) mở hàng trăm cuộc tiến công càn quét, lấn chiếm. Tại Quảng Trị, từ ngày 27-1 đến 31-1-1973, chúng huy động 2 lữ đoàn bộ binh, 2 thiết đoàn thiết giáp, 3 tiểu đoàn pháo binh, 5 khu trục hạm, 72 lần chiếc máy bay B52 chi viện, mở cuộc hành quân Sóng thần tái chiếm Cửa Việt. Từ ngày 6 đến 19-3, địch tiếp tục huy động 25.000 quân thuộc Lữ đoàn 147 và các đơn vị tăng cường mở cuộc hành quân lấn chiếm lại các lõm căn cứ của ta ở Hải Lăng - Triệu Phong. Từ ngày 1-3 đến 15-3, 2 lữ đoàn bộ binh cùng 20 xe tăng, 45 khẩu pháo của quân đội Sài Gòn có máy bay chi viện mở cuộc tiến công lấn chiếm Tích Tường - Như Lệ. Ở Thừa Thiên, từ ngày 28-1 đến 31-1, địch dùng 5 đại đội bảo an và hắc báo lấn chiếm, líp lại An Đô, Lại Bằng. Từ ngày 28-1 đến ngày 2-2-1973, địch huy động 5 tiểu đoàn, 5 đại đội, 2 chi đoàn thiết giáp lấn chiếm, líp lại nam Phổ Cần, Dưỡng Mong. Tiếp đó, từ ngày 15-2 đến ngày 15-3 các đơn vị quân Sài Gòn chiếm làng loạt các vị trí quan trọng ở tây và tây nam Thừa Thiên như Khe Thai, bắc Mỏ Tàu, Ly Hy, Cảnh Dương, Cồn Tre, các điểm cao: 502, 303, 165. Tới tháng 4-1973, địch nối thông lại được tuyến đường sắt Huế - Đà Nẵng và hình thành tuyến phòng ngự theo hình vòng cung hòng ngăn chặn và đẩy lùi các cuộc tiến công của lực lượng cách mạng từ các hướng bắc, tây xuống khu vực đồng bằng và thành phố Huế. Tuyến phòng ngự mới này của địch bao bọc một vùng quan trọng, gồm đồng bằng Thưa Thiên và phần còn lại của đồng bằng Quảng Trị và được bố trí thành ba tuyến: bắc, tây, tây nam Huế.

- Tuyến phòng ngự phía bắc kéo dài từ Thanh Hội đến bắc Cổ Thành, qua động Ông Do, các điểm cao 367, 300, khoảng 60 km.

- Tuyến phòng ngự phía Tây bao gồm các điểm cao Cổ Bi, Núi Gió, Sơn Na, Chúc Mao.

- Tuyến phòng ngự phía tây nam Huế kéo dài từ Mỏ Tàu, Ly Hy, qua các điểm cao 224, 303, Kim Sắc.


(1) Ban Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và Bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.316.
(2) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Tổng kết tác chiến chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975) Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.611.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2011, 07:31:56 am »

Trên địa bàn Khu 5, chỉ tính trong tháng 1-1973, ở Phú Yên, quân đội Sài Gòn mở 449 cuộc hành quân càn quét vào vùng giải phóng, bắn hơn 54.000 quả đạn pháo và ném hàng ngàn quả bom vào làm cháy 590 nhà, phá hủy 710 tấn lúa gạo của nhân dân. Trước sự đánh phá ác liệt của địch, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên xuất hiện tâm lý và những biểu hiện mong muốn hòa hoãn, ngại va chạm với địch, trở lên lúng túng và bị động trong ứng phó với các hành động lấn chiếm của địch, thậm chí ở một số địa phương còn chủ trương rút hết các lực lượng vũ trang đang cắm sâu trong vùng địch về vùng giải phóng để xây dựng và củng cố. Ở một số vùng căn cứ lõm, vùng mà trước đây ta vẫn làm chủ và giữ được thế hợp pháp thì nay, do ta thực hiện chủ trương “cắm cờ”, “giành đất” nên ta đã bị bộc lộ lực lượng và vì thế bị kẻ địch đàn áp, đánh phá quyết liệt. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 1973, ở nhiều địa phương trên địa bàn Khu 5, địch đã lấn chiếm được những vùng ta mới mở trước ngày lệnh ngừng bắn có hiệu lực và cả một số khu vực mà nhiều năm trước đây, cho dù tập trung đánh phá quyết liệt, chúng không thể nào lấn chiếm được. Tính riêng năm tỉnh: Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, địch đã đóng thêm 450 chốt điểm và cụm chốt điểm(1).

Ở Khu 8, từ sáng sớm ngày 28-1-1973, địch đã xua quân tiến công, lấn chiếm, giành giật quyết liệt với ta ở hai bên đường 4 và các vùng ven thành phố Mỹ Tho. Ngày 7-2-1973, đại bộ phận Sư đoàn 7 và các tiểu đoàn bảo an cơ động quân đội Sài Gòn đánh sâu vào Vùng 20-7, nam đường 4 Mỹ Tho của ta. Liên tiếp từ ngày 15t đến ngày 19-2-1973, quân địch lần lượt đánh chiếm các khu vực nam Giồng Trôm, Bến Tre, bắc đường 4 Mỹ Tho. Trên vùng chữ U của An Giang, từ ngày 28-1-1973, địch đẩy bật toàn bộ lực lượng vũ trang ba thứ quân của ta ra khỏi các xã Vĩnh Xương, Tân Phú, Phú Hữu; quân ta buộc phải lui về khu vực giáp biên giới Campuchia.

Ở miền Đông Nam Bộ, ngay khi hiệp định có hiuệ lực, địch tăng cường các hoạt động chiến tranh tâm lý đi đôi với đàn áp, khủng bố, phủ nhận các quyền tự do, dân chủ, cấm đoàn người dân về với chốn cũ làng xưa làm ăn sinh sống; thậm chí, chúng còn mở các hoạt động tiêu diệt cơ sở cách mạng và thủ tiêu tù chính trị mới được thả. Trên mặt trận quân sự, chúng dồn sức mở nhiều cuộc tiến công lấn chiếm nhằm vào các địa bàn xung yếu, các trục đường giao thông quan trọng, giành đất, giành dân; mở rộng phạm vi kiểm soát khu vực đường số 7 Bến Cát, đường số 2 Bà Rịa - Long Khánh, đường số 23 Long Tân - Long Phước - Bà Rịa, đường xe lửa Hưng Lộc - Gia Ray (Long Khánh)… Ở những khu vực này, ngay khi vừa lấn chiếm, địch lập tức ủi phá địa hình, xóa “thế da báo” hòng chiếm đóng lâu dài. Ở Thù Dầu Một, trung tuần tháng 2-1973, địch tiến công lấn chiếm và cho lực lượng đốt phá các cánh rừng ở Cò Mi (Lái Thiêu), Vĩnh Lợi (Châu Thành), bố trí hàng chục chốt trên vùng 14, dọc theo sông Đồng Nai để bảo vệ sân bay Biên Hòa và làm bàn đạp tiến công mở rộng vùng kiểm soát. Trên địa bàn hai tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh, toàn bộ Sư đoàn 18 quân đội Sài Gòn và lực lượng bảo an, dân vệ với sự yểm trợ của phi pháo, xe tăng, thiết giáp, mở các cuộc tiến công lấn chiếm các vùng xung yếu do ta làm chủ, chiếm các khu vực xung quanh các trục đường giao thông quan trọng như đường số 1, 2, 20, 15, 23, 44; tiếp tục ấn sâu vào các vùng giải phóng của ta ở ven Chiến khu Đ, ủi phá các cánh rừng ở Đại An, Tân Định, Thiện Tân (Vĩnh Cửu), Hưng Lộc, Hưng Nghĩa, Bàu Hàm (Trảng Bom), khu Lòng chảo (Nhơn Trạch), tây đường 15 (Long Thành). Phi pháo của địch đã hủy diệt trên 10 xã, 17 ấp, làm chết 79 người, bị thương 192, cháy 237 ngôi nhà dân. Cuộc chiến diễ ra ngày càng khốc liệt do âm mưu và hành động phá hoại hiệp định của chính quyền và quân đội Sài Gòn đặc biệt ở các vùng đông dân cư có ý nghĩa chiến lược. Trên tuyến vành đai phòng thủ Sài Gòn, các khu vực trọng yếu ven thị xã Tây Ninh, đường số 10, tây bắc Hậu Nghĩa, đông tây đường số 2, bắc chi khu Đức Thạch, Bà Rịa… do ta lúng túng sai lầm(2) trong nhận thức và hành động, nên chỉ hơn hai tháng sau khi Hiệp định Pari ký kết, nhiều vùng ta mới giải phóng được trước ngày 27-1-1973 ở miền Đông Nam Bộ gần như rơi vào tay quân đội Sài Gòn.

Tại miền Tây Nam Bộ, ngày 28-1-1973, cuộc míttinh chào mừng Hiệp định Pari của 36.000 quần chúng Cần Thơ bị địch đàn áp. Tiếp đó, ngày 30-1-1973 chúng lại nã hàng nghìn quả đạn pháo vào ấp Cái Nai (xã Long Trị, huyện Long Mỹ, Cần Thơ) và đốt hàng chục nghìn giạ lúa của nhân dân xã Lương Phi (Châu Hà). Ngay 2-2, Bộ Tư lệnh Vùng 4 và quân đoàn 4 quân đội Sài Gòn tuyên bố “trên hòa bình, dưới chiến tranh”, sẵn sàng bắn chết tại chỗ bất cứ những ai công khai chào mừng Hiệp định Pari, đòi hòa bình, những binh lính nào bỏ trốn. Chúng buộc các gia đình trong vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát phải treo cờ ba sọc trước nhà và các phương tiện xuồng ghe. Đặc biệt, ngày 9-3-1973, địch huy động Sư đoàn bộ binh 21, một phần Sư đoàn 9, các tiểu đoàn bảo an, thiết giáp 6 (52 xe M.113), 4 tiểu đoàn pháo binh, 2 giang đoàn đánh vào Chương Thiện - “vùng ruột” của Hậu Giang, một địa bàn quan trọng giáp ranh các tỉnh: Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu. Cuối tháng 4-1973, địch tiếp tục huy động tới 46 tiểu đoàn đánh chiếm vùng giải phóng của ta thuộc các huyện: Long Mỹ, Gò Quao, Giồng Riềng… Có thể nói, trên địa bàn miền Tây Nam Bộ, với số quân vượt trội so với lực lượng cách mạng, chỉ trong thời gian ngắn, địch đã chiếm thêm được một vùng khá rộng lớn, đóng thêm 78 đồn và 105 chốt dã ngoại.


(1) Bộ Tổng tham mưu: Chiến tranh nhân dân địa phương trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) chuyên đề: Chống phá bình định giành dân và giữ dân trên địa bàn Khu 5, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr.52.
(1) Đầu năm 1973, Ban Binh vận Miền triệu tập hội nghị cán bộ binh vận từ cấp huyện trở lên có phổ biến 5 điều cấm chỉ ở Nam Bộ (cấm tiến công, cấm pháo kích, cấm đánh càn, cấm xây dựng xã ấp chiến đấu, cấm đánh đồn bốt) và đưa ra lập luận rằng: nếu địch vi phạm mà ta cứ dùng vũ khí đánh lại thì đến bao giờ mới ngừng bắn, bao giờ mới ổn định tình hình cho nhân dân ta để khẩn trương tạo thế và lực mới. Dẫn theo: Hội đồng chỉ đạo Ban biên soạn Lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam Bộ: Lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam Bộ lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.474.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2011, 07:36:30 am »

Đẩy mạnh các cuộc hành quân lấn chiếm, bình định vùng giải phóng, chính quyền và quân đội Sài Gòn đồng thời thẳng tay đàn áp, khủng bố những đảng phái đối lập và những người yêu nước, tiến bộ muốn thực hiện hòa bình, hòa hợp dân tộc. Ngay 16-5-1973, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh giải tán 26 đảng và tổ chức chính trị; ra lệnh bắn bỏ bất cứ ai kêu gọi nhân dân biểu tình đòi hòa bình, hòa hợp dân tộc; bắt giam những người thuộc phe đối lập và trung lập, những người mà chúng cho là khuyến khích việc gây rối hoặc xúi giục dân chúng từ những vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát sang các vùng giải phóng làm ăn, sinh sống. Đối với các ban liên hiệp quân sự các bên, chúng tìm mọi cách gây khó khăn, ngăn chặn việc thực thi nhiệm vụ, thậm chí còn đe dọa khủng bố các nhân viên; rút quyền ưu đãi bất khả xâm phạm đối với các thành viên thuộc phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cắt điện thoại, cắt điện và nước sinh hoạt.

Hỗ trợ cho các hành động phá hoại Hiệp định Pari của chính quyền và quân đội Sài Gòn, chính quyền Níchxơn đồng thời vi phạm các điều khoản đã được quy định trong hiệp định cũng như các cam kết đã thỏa thuận với phía Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ngày 30-1-1973, Tổng thống Mỹ Níchxơn gửi công hàm cho Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng thôn báo rằng theo chính sách truyền thống của mình, phía Mỹ sẽ đóng góp vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam 3,250 tỉ đô la trong 5 năm (1973-1975); khẳng định phía Hoa Kỳ sẽ chịu trách nhiệm về việc quét sạch các loại bom, mìn tại các sông ngòi thuộc nội địa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong quá tình thực hiện phá gỡ các loại bom, mìn, phía Hoa Kỳ sẽ cung cấp đầy đủ các phương tiện cũng như hướng dẫn về kỹ thuật để đảm bảo cho công việc được tiến hành một cách thuận lợi nhất.

Ngày 8-2-1973, cố vấn của Tổng thống Mỹ, H.Kítxinhgiơ đến Hà Nội. Trong chuyến đi này, H. Kítxinhgiơ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thảo luận rõ hơn về chác thức thực hiện vấn đề viện trợ của Hoa Kỳ cho miền Bắc Việt Nam, đồng ý thành lập Ủy ban kinh tế hỗn hợp Việt - Mỹ để cùng nhau soạn thảo chi tiết chương trình viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Đông Dương. Ngày 10-3-1973, Ủy ban kinh tế hỗn hợp Việt - Mỹ chính thức khai mạc phiên họp đầu tiên tại Pari, Thủ đô của nước Cộng hòa Pháp. Tiếp đó, ngày 19-3-1973, Hội nghị hiệp thương giữa hai miền Nam, Bắc cũng được triệu tập.

Chỉ một thời gian sau đó, đâu tháng 4-1973, chính quyền của Tổng thống Níchxơn ngang nhiên đơn phương đình chỉ các cuộc họp của Ủy ban kinh tế hỗn hợp Việt - Mỹ, đình chỉ các cuộc họp hiệp thương hai bên miền Nam, cản trở các hoạt động của Phái đoàn Liên hiệp quân sự, kéo dài thời gian rà phá bom, mìn trên vùng biển miền Bắc Việt Nam. Và cuối cùng, ngày 5-4-1973, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu cấm Tổng thống Mỹ viện chọ miền Bắc Việt Nam.

Mặc dù bị hạn chế bới các quân đội của Quốc hội Mỹ, nhưng chính quyền của Tổng thống Níchxơn vẫn âm mưu tiếp tục duy trì chế độ thực dân mới ở miền Nam. Sau khi buộc phải hết quân viễn chinh ra khỏi miền Nam, chính quyền Mỹ vẫn hy vọng quân đội Sài Gòn có đủ sức mạnh để đương đầu một cách hiệu quả với quân đội đối phương nhờ vào các nguồn viện trợ của Mỹ, vào các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại và các căn cứ quân sự khổng lồ mà quân đội Mỹ để lại, đội ngũ cố vấn quân sự khoác áo dân sự Mỹ và cả sự răn đe của các lực lượng quân sự Mỹ đang có mặt tại các khu vực như đông bắc Thái Lan, Guam, Philippin và Hạm đội 7.

Hơn nữa, chính quyền Mỹ tiếp tục xúc tiến mạnh mẽ con bài ngoại giao thân thiện với cả Liên Xô và Trung Quốc, khoét sâu vào mâu thuẫn giữa hai cường quốc này để nhằm hạn chế tới mức thấp nhất sự ủng họ và giúp đỡ của hai nước đối với sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Các hoạt động ngoại giao xỏa quyệt của phía Mỹ đã tạo ra những khó khăn và ảnh hưởng nhất định tới cuộc kháng chiến của nhân dân ta(1). Trên thực tế, từ năm 1969 trở đi, Liên Xô đã từng bước thực hiện cắt giảm viện trợ cho Việt Nam, đặc biệt là về viện trợ quân sự; Việt Nam đã không nhận thêm được quả tên lửa nào(1). Cho tới những năm 1974 -1975 thì nguồn viện trợ của hai nước Liên Xô, Trung Quốc dành cho Việt Nam gần như không đáng kể. Nếu như năm 1973, viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam trị giá 248 triệu rúp thì sang năm 1974 đã tụt giảm còn 98 triệu rúp và năm 1975 chỉ còn 76 triệu rúp. Tương tự, viện trợ quân sự của Trung Quốc cho Việt Nam cũng không ngừng giảm, năm 1973 trị giá 1.415 triệu tê nhưng năm 1974 chỉ còn 452 triệu tệ và năm 1975 là 196 triệu tệ. Tính riêng về vũ khí, trang bị năm 1973, viện trợ hai nước đã giảm 60% so với năm 1972, năm 1974 giảm còn 34% và năm 1975 lại tiếp tục giảm chỉ bằng 11% so với năm 1972(3). Phía Mỹ đã không tính hết được rằng, về đường lối đối nội và đối ngoại của Việt Nam những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tỏ ra tương đối độc lập: tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của đông đảo nhân dân và các quốc gia trên thế giới; không bị chi phối lớn bởi Liên Xô và Trung Quốc. Mặt khác, lúc này, toàn thể dân tộc Việt Nam đang nỗ lực tới mức cao nhất, dồn sức người sức của thực hiện quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.


(1) Chính phía Mỹ thừa nhận rằng: “Sau khi ký kết Hiệp định Pari, Liên Xô đã chấm dứt viện trợ quân sự cho miền Bắc theo mong muốn của Washinhton. Tương tự như vậy, năm 1974, Trung Quốc đã giảm đán kể viện trợ của mình cho Bắc Việt Nam”, dẫn theo Kissinger, Henry A. White House Years, Boston; Little, Brown and company, 1979, page, 1465, White House Years, tr, 1465.
(2) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh tron mùa xuân toàn thắng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.16.
(3) Tổng cục Hậu cần: Tổng hợp viện trợ quân sự của các nước cho Việt Nam (1954-1975), tờ số 1-24.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2011, 07:40:08 am »

Về phần mình, nước Mỹ kể từ sau khi Hiệp định Pari được ký kết, tiếp tục lâm vào một loạt vấn đề nan giải về chính trị, kinh tế, quân sự, đối ngoại… Cuộc chiến tranh Việt Nam đã gây ra cho nước Mỹ những khó khăn chồng chất cả về kinh tế, chính trị, quân sự và ngoại giao. Cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm 1969 đến năm 1971 ở Mỹ vừa lắng xuống thì lại diễn ra cuộc khủng hoảng trong hai năm 1973 và năm 1974 khiến cho tình trạng nhập siêu, thất nghiệp, lạm phát ngày càng tăng lên, làm nhức nhối đời sống kinh tế, xã hội Mỹ. Phong trào phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã lôi cuốn hàng triệu người Mỹ tham gia gồm đủ các thành phần. Trên trường quốc tế, vị thế của nước Mỹ cũng bị ảnh hưởng sâu sắc do những tác động của cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhật Bản, Tây Âu và Liên Xô lần lượt vươn lên vượt Mỹ trong một số lĩnh vực công nghiệp như: khoa học - kỹ thuật quân sự, khai thác than đá, dầu mỏ… Không những vậy, Tây Âu và Nhật Bản đã phản đối quyết liệt chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Hy Lạp rút khỏi khối NATO, khối SEATO do Mỹ lập ra(1) đứng trước nguy cơ tan vỡ. Tháng 9-1973, khối Cộng đồng chung châu Âu (EEC) chống lại một số chính sách độc quyền của Mỹ. Phong trào chống chiến tranh của các nước không liên kết, phong trào giải phóng dân tộc tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới làm cho chính quyền Mỹ càng thêm lúng túng. Chưa bao giờ, nước Mỹ lại phải đối diện với một loạt vấn đề nóng bỏng và bị phản ứng như thời điểm này.
Trong khi đó, mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm quyền Mỹ tiếp tục có những diễn biến mới. “Những cuộc xét xử Oatơhết, triển khai đầy đủ vào tháng 3-1973, củng cố sự sẵn sàng và khả năng của Quốc hội thách thức chính quyền”(2). Ngày 30-4-1973, Níchxơn buộc phải cho hai trợ lý cao cấp của mình là H.R Hanđơman và Giônơlisơman từ chức vì bị tố cáo là liên quan tới vụ bê bối Oatơghết. từ ngày 4 đến hai ngày 14 và 15-3-1973, Hạ viện và Thượng nghị viện Mỹ đã tiến hành bỏ phiếu yêu cầu Chính phủ Mỹ chấm dứt mọi hoạt động quân sự tại chiến trường ba nước Đông Dương và không được thực hiện bất cứ khoản viện trợ quân sự nào cho Campuchia và Lào.

Liên tiếp từ ngày 17-5 đến ngày 7-11-1973, Thượng nghị viện và Hạ nghị viện Mỹ lại thêm bốn lần bỏ phiếu thông qua đạo luật hạn chế quyền của Tổng thống Mỹ trong việc đưa các lực lượng chiến đấu của Mỹ ra nước ngoài tham chiến. Nếu tính tổng số từ cấp Tiểu ban chuẩn chi quốc phòng đến Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Quốc hội Mỹ đã 11 lần ra nghị quyết buộc phe chính quyền cắt mọi khoản viện trợ cho Nguyễn Văn Thiệu, ngăn cấm tổng thống không được tự tiện tiến hành chiến tranh không tuyên bố nếu không được phép của Quốc hội.

Bắt đầu từ ngày 17-5-1973, Thượng nghị viện Mỹ công khai điều tra vụ Oatơghết(3). Vụ này đã trực tiếp góp phần làm tiêu tan sự nghiệp chính trị của Tổng thống Mỹ Níchxơn và vì vậy, tác động mạnh tới những toan tính tiếp tục can thiệp sâu vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam của chính quyền Mỹ cũng như những dự định sẽ ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam nếu Hà Nội vi phạm các điều khoản của Hiệp định như phía Mỹ đã cam kết với chính phủ Sài Gòn(4). Theo yêu cầu của Tòa án tối cao liên bang Mỹ, Níchxơn phải gửi giấy khai trước Tòa án liên bang và Ngoại Trưởng H. Kítxinhgiơ cũng phải ra toàn điều trần về những sai phạm xung qunh vụ Oatơghết. Trước tình hình phức tạp trong nội bộ, ngày 10-10-1973, Phó Tổng thống Mỹ Spairơ Acniu (Spiro Agnew) buộc phải từ chức sau khi bị kết án 3 năm tù án treo và bị phạt 1 vạn đôla vì tội trốn thuế.


(1) Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO (South East Asia Treaty Organization), khối quân sự bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Ôxtraylia, Niu Dilân, Thái Lan Philíppin, Pakixtan do Mỹ chi phối nhằm chống lại phong trào giải phóng và tiến bộ xã hội đang phát triển mạnh mẽ ở Đông Nam Á được thành lập theo Hiệp ước Malina (Philíppin ngày 8-9-1954. Lợi dụng khối hiệp ước này, Mỹ lôi kéo một số nước trong khối tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Do ảnh hướng của chủ nghĩa xã hội, sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc và do mâu thuẫn trong nội bộ ngày càng sâu sắc, nhất là tác động bởi thất bại của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, tháng 9-1975, SEATO tuyên bố giải thể. Tháng 6-1977, tổ chức này chấm dứt hoàn toàn sự tồn tại.
(2) Dẫn theo Gabrien Côncô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Sđd, t.2, tr.160.
(3) Đêm ngày 17-6-1972, cảnh sát Mỹ bắt được 5 kẻ đột nhập vào tụ sở Đảng Dân chủ đặt tại khách sạn Oatơghết để đặt máy nghe trộm những hoạt động của Đảng Dân chủ đang trong thời kỳ tranh cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm 1972. Trong số bị bắt có Giêm Mắccô phụ trách an ninh của Ủy ban vận động tái cử đương kim Tổng thống Níchxơn. Đảng Dân chủ phát đơn kiện và đòi phạt Đảng Cộng hòa 1 triệu đôla. Níchxơn từ chối trách nhiệm nhưng trước những chứng cứ do các Ủy ban điều tra đặc biệt của Tòa án liên bang và Ủy ban Tư pháp Hạ viện, Ủy ban điều tra Thượng viện Quốc hội Mỹ, ngày 30-4-1973, Níchxơn phải lên truyền hình liên bang thừa nhận những trách nhiệm liên quan tới vụ bê bối này. Ngày 24-4-1973, Ủy ban Tư pháp Hạn viện bắt đầu điền trần chuẩn bị cơ sở pháp lý tiến tới truy bố và bãi chức tổng thống. Ngày 31-5-1974, Ủy ban điều tra Thượng viện đã công bố những sai phạm của Níchxơn. Trước những căn cứ pháp lý và sai phạm của mình ubộc Níchxơn phải tuyên bố từ chức vào đêm ngày 9-8-1974.
(4) Theo TS. Nguyễn Tiến Hưng và Jerold L.Schecter: “Trong các cuộc hội đàm riêng với Nguyễn Văn Thiệu tại San Clemete, Níchxơn lặp lại những cam kết mà Níchxơn đã hứa trong thư, Hoa Kỳ sẽ đáp ứng mọi yêu cầu nếu hiệp định vi phạm. Một bản thông cáo chung nhấn mạnh sự phát triển kinh tế và viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ, đồng thời đe dọa: Hoa Kỳ sẽ trả đũa không thương tiếc mọi vi phạm lệnh ngừng bắn” và trên thực tế theo hồi tưởng của Kissinger “chúng tôi đã quyết định cho ném bom. Chúng tôi đã đề ra những mục tiêu hoanh tạc trên đường mòn Hồ Chí Minh và ở Vinh… Chúng tôi đã lên kế hoạch ném bom trong một tháng kể từ trung tuần tháng 4… nhưng vụ bê bối Oatơghết đã xen vào… Ảnh hưởng của Níchxơn đã suy sụp đến mức ông ta không còn đủ sức đưa ra quyết định vấn đề ném bom nữa… Đến cuối tháng 4 thì chiến lược (ném bom) của chúng tôi về Việt Nam chỉ còn là mớ giẻ vụn”. Dẫn theo TS. Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L.Schecter: Từ toa Bạch Ốc đến dinh Độc Lập, Nxb. Trẻ, 1990, tr. 231, 258, 259. Cũng theo Giáo sư chính trị học Mỹ Larry Berman thì: “Oatơghết đã làm hỏng kế hoạch của Tổng thống nhằm đập tan Hà Nội, và rằng vào lúc đó tình trạng tâm thần của Níchxơn quá bất ổn để tái oanh tạc”. Dẫn theo Larry Berman: Không hòa bình, chẳng danh dự Níchxơn, Kítxinhgiơ và sự phản bội ở Việt Nam, Nxb. Trẻ, 2003, tr. 346.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2011, 07:46:47 am »

Ở miền Nam Việt Nam, mặc dù trước và sau khi hiệp định được ký kết, Mỹ tăng cường tuồn vũ khí, phương tiện chiến tranh nhưng việc quân Mỹ và quân một số nước đồng minh của Mỹ rút ra, đã tạo nên một khoảng trống, khiến so sánh lực lượng nghiêng hẳn về phía quân và dân Việt Nam. So với tháng 3 năm 1969, thời kỳ số lượng quân Mỹ và quân một số nước đồng minh của Mỹ lên tới đỉnh cao, thì đến năm 1973, bộ binh địch giảm 43%, pháo binh giảm 34%, thiết giáp giảm 52%, không quân giảm 67%. Hơn nữa, do một số khó khăn về nhiên liệu nên sức cơ động của quân đội Sài Gòn giảm đi 50%(1). Hàng nghìn máy bay không hoạt động được vì thiếu nhiên liệu và các phụ tùng thay thế. Việc Mỹ cắt giảm viện trợ kinh tế và quân sự cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã khiến sức chiến đấu của quân đội Sài Gòn chẳng những giảm mà còn đẩy tình hình kinh tế, xã hội của chế độ Sài Gòn càng lâm vào tình trạng khó khăn.

Chính quyền Sài Gòn lại tìm cách tăng nguồn thu ngân sách bằng cách ban hành thuế giá trị gia tăng. Biện pháp này khiến giá cả càng tăng vọt, đẩy đời sống nhân dân càng gặp khó khăn. Thu nhập của nhiều gia đình binh lính, sĩ quan, quân đội Sài Gòn chủ yếu dựa vào các dịch vụ cho quân đội Mỹ giờ đã không còn, hai phần ba thu nhập từ lương của sĩ quan, binh sĩ phải chi trả cho cuộc sống hằng ngày. Tinh thần chiến đấu của quân đội Sài Gòn vì thế ngày càng sa sút mạnh, nạn đào ngũ tăng nhanh và phát triển đấu tranh chống bắt lính của nhân dân càng làm cho quân số của quân đội Sài Gòn thiếu hụt. Sức chiến đấu của quân đội Sài Gòn bị giảm sút nghiêm trọng.

Các khó khăn lớn về kinh tế, chính trị cùng những thất bại quân sự liên tiếp trên khắp các chiến trường khiến cho mâu thuẫn nội bộ chính quyền Sài Gòn càng trở nên gay gắt, Nguyễn Cao Kỳ, Phó Tổng thống và các địch thủ chính trị của Nguyễn Văn Thiệu như Bộ trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm âm mưu tiến hành đảo chính lật đổ Thiệu. Tòa thánh Vaticăng cũng lên án Thiệu, để tạo uy tín cho chính sách “canh tân hòa giải”(2).

Về phía ta, ngay sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra lời kêu gọi đồng bào cần phải “Tăng cường đoàn kết, luôn luôn đề cao cảnh giác, ra sức phấn đấu để củng cố những thắng lợi đã giành được, giữ vững hòa bình lâu dài, hoàn thành độc lập, dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc"(3).

Cuối tháng 1-1973, Bộ Chính trị họp đểa chủ trương “Kiên quyết giữ vững hòa bình, không chủ động gây ra xung đột quân sự, gây ra nội chiến, ra sức phát huy thắng lợi đã giành được, củng cố và tăng cường thế lực mọi mặt, tranh thủ thuận lợi mới, khả năng mới để đưa cách mạng tiến lên bằng cao trào chính trị, có lực lượng vũ trang làm hậu thuẫn”, nhưng “nhất thiết lực lượng vũ trang ta phải mạnh và luôn luôn sẵn sàng chiến đấu. Bất kể trong tình huống nào, địch gây hấn trở lại nhất định phải bị giáng trả đích đáng và ta sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn”(4).

Tiếp sau đó, ngày 27-3-1973, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta họp hội nghị mở rộng nhằm đánh giá tình hình miền Nam. Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn khẳng định: “Mỹ đã thực sự rút quân nhưng chưa chấm dứt dính líu, ngụy còn ngoan cố phá hoại hiệp định. Ta cần tranh thủ xây dựng lực lượng mọi mặt ở miền Nam, miền Bắc, quy trách nhiệm của Mỹ, buộc đối phương phải thi hành Hiệp định Pari(5).

Theo phương hướng đó, trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, chúng ta khẩn trương thúc đẩy công tác chuẩn bị họp Hội nghị quốc tế về Việt Nam ở Pari nhằm góp phần xác lập vững chắc cơ sở pháp lý của Hiệp định Pari. Sau một quá trình tích cực chuẩn bị, ngày 2-3-1973, Hội nghị quốc tế về Việt Nam gồm bốn bên tham gia ký Hiệp định Pari: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; bốn nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc: Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, bốn nước trong Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế: Ba Lan, Canađa, Hunggari, Inđônêxia và Tổng thư ký Liên hợp quốc đã ký vào bản Định ước ghi nhận và bảo đảm thi hành Hiệp định Pari. Đây là một thắng lợi lớn về ngoại giao của Việt Nam. Ở trong nước, ta đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệp định, về ý nghĩa “hòa hợp” dân tộc, về chính phủ ba thành phần: khẩn trương tổ chức phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để tiam gia vào Ban liên hợp quân sự bốn bên(6). Phái đoàn quân sự này mang mật danh Đoàn 315 B, do Trung tướng Trần Văn Trà (Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam) làm Trưởng đoàn. Song song với việc thành lập phái đoàn quân sự ở cấp trung ương của Chính phủ Cách mạng lâm thới, ta còn thành lập các phái đoàn quân sự cấp khu vực; xây dựng các nhà hòa hợp tại các tuyến trực tiếp tiếp xúc giữa địch và ta để quân đội hai bên trao đổi về ngừng bắn, hòa hợp, hòa bình.


(1) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Tổng kết tác chiến chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), Sđd, tr. 611.
(2) Theo TS. Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L.Schecter thì trên đường từ San Clemente, bang California (Mỹ) trở về nước, “Thiệu dừng lại ở Rome để gặp Đức giáo hoàng, người mà trong cuộc hội kiến riêng đã khuyên ông ta cố gắng đi đến một hòa giải với chính quyền Cách mạng lân thời. Điều này đã làm Thiệu sửng sốt…” (Sách Từ tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc Lập, Sđd, tr. 237-238).
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 34, tr. 13.
(4) Dựa thảo Nghị quyết Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi Trung ương Cục và các khu cuối tháng 1-1973, lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.
(5) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, Sđd, tr. 55.
(6) Ban Liên hiệp quân sự Trung ương bốn bên bao gồm: Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Thiếu tướng Lê Quang Hòa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, làm Trưởng đoàn; Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Trung tướng Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, làm Trưởng đoàn; Đoàn đại biểu quân sự Mỹ do Thiếu tướng Útoát (Woodward) làm Trưởng đoàn; Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Cộng hòa do Trung tướng Ngô Du, nguyên Tư lệnh Quân đoàn II và Vùng II chiến thuật, làm Trưởng đoàn. Theo hiệp định, Ban Liên hợp quân sự bốn bên trung ương hoạt động trong 60 ngày kể từ ngày 28-1-1973 đến hết ngày 28-3-1973 và có nhiệm vụ bảo đảm sự phối hợp của các bên thực hiện các điều khoản về ngừng bắn, rút quân Mỹ và quân đội nước ngoài ra khỏi miền nam Việt Nam, trao trả nhân viên quân sự các bên và thường dân nước ngoài bị bắt, giúp đỡ lẫn nhau tìm kiếm thông tin về những người mất tích trong chiến đấu. Ban Liên hợp quân sự làm việc theo nguyên tắc hiệp thương và nhất trí giữa bốn bên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2011, 07:51:04 am »

Nhiệm vụ chính của các phái đoàn quân sự ta là đấu tranh pháp lý với phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn nhằm đạt được các mục tiêu:

- Chấm dứt sự dính líu quân sự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, rút hết quân, phá bỏ các căn cứ quân sự, giữ vững lập trường nước Việt Nam là một, giới tuyến quân sự chỉ là tạm thời, thực tế miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng, đấu tranh giữ vững và phát triển lực lượng ta, làm suy yếu địch, tạo thế trận ngày càng có lợi cho ta.

- Bảo đảm ngừng bắn, giữ vững hòa bình, ngăn chặn địch khiêu khích, lấn chiếm, kết hợp đòi tự do, dân chủ cho nhân dân.

- Buộc địch trao trả hết nhân viên quân sự của ta và trao trả tối đa nhân viện dân sự của ta bị địch bắt.

- Đấu tranh để giữ vững hoạt động của Ban liên hiệp quân sự bốn bên và triển khai tổ chức, hoạt động của Ban liên hiệp quân sự hai bên, xây dựng mối quan hệ tốt với Ủy ban quốc tế, nhất là với Ba Lan và Hunggari.

Phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn, ngay từ những ngày đầu khi Hiệp định Pari có hiệu lực, đã tìm mọi cách ngăn trở, phá hoại các cuộc trao đổi tiếp xúc giữa hai bên. Hải quan chính quyền Sài Gòn liên tiếp gây ra những khó khăn nhập cảnh cho phái đoàn ta tại sân bay Tân Sơn Nhất. Nghiêm trọng hơn, quân đội Sài Gòn còn cho máy bay ném bom uy hiếp xuống các khu vực hẹn đón các phái đoàn Trung ương và khu vực ta(1)  . Chính quyền Sài Gòn bố trí cho hai phái đoàn quân sự của ta một trụ sở sinh hoạt và làm việc tại trại Đavít trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng trụ sở này bị cách ly hoàn toàn với bên ngoài bởi rất nhiều lớp rào kẽm gai, đồn bốt. Mặc dù địch tìm mọi cách gây khó khăn, né tránh nhưng trước sự đấu tranh kiên quyết của đoàn ta, ngày 29-1-1973, Ban liên hiệp quân sự bốn bên đã tổ chức được phiên họp đầu tiên ở cấp phó đoàn, tiếp đó, ngày 2-2-1973, bắt đầu phiên họp các trưởng đoàn. Tại các phiên họp tiếp theo, cuộc đấu tranh diễn ra gay go và phức tạp. Trong hai tháng, hai đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tập trung đấu tranh trên ba vấn đề lớn:

- Rút hết quân và hủy bỏ tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh ở Việt Nam.

- Trao trả tất cả các nhân viên dân sự, nhân viên quân sự của các bên và thường dân nước ngoài bị bắt.

- Buộc phía Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn ngừng bắn, không lấn chiếm vùng giải phóng.

Về vấn đề rút quân viễn chinh Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, phía Mỹ cố tình trì hoãn, không thông báo cho Ban liên hiệp quân sự theo quy định. Bị ta kiên quyết phản đối, ngày 16-2-1973, phía Mỹ mới gửi công hàm chính thức thông báo cho ta biết các địa điểm quy định để giám sát việc rút quân Mỹ. Tuy nhiên, trong quá tình rút quân, phái Mỹ để toàn bộ số súng đạn lại cho quân đội Sài Gòn. Phái đoàn ta kiên quyết đấu tranh buộc phía Mỹ phải chấp nhận để các thành viên phái đoàn ta cùng tham gia giám sát việc rút quân viễn chinh Mỹ tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nha Trang.

Ngày 27-3-1973, những người lính Mỹ cuối cùng bắt đầu rút khỏi miền Nam Việt Nam. Ngày 29-3-1973, Bộ Tham mưu quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam làm lễ cuốn cờ. Tướng Uâyen, Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam cùng với 2.510 lính Mỹ cuối cùng lặng lẽ ra sân bay Tân Sơn Nhất rời khỏi Việt Nam dưới sự kiểm soát và giám sát của Ủy ban quốc tế và các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban liên hiệp quân sự bốn bên. Cùng ngày, những người lính Nam Triều Tiên và Philíppin cũng lên đường rút về nước. Tuy nhiên: “Thay vì triệt thoái các căn cứ của mình, Mỹ đã trao lại cho Nam Việt Nam trước khi Hiệp định Pari có hiệu lực. Hàng tiếp tế được dán nhãn phi quân sự và được coi là đủ điều kiện để chuyển giao. Đoàn cố vấn quân sự được thay thế bằng tổ chức dân sự 9.000 người, trong đó, rất nhiều người được cho giải ngũ và đưa vào phục vụ chính quyền Việt Nam”(2).


(1) Theo Gabrien Côncô, thì: “Thiệu ngăn cản có hệ thống ngay từ đầu công việc của Ban liên hiệp quân sự bốn bên. Ngoài việc ném bom và hầu như tiêu diệt Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời trong Ban liên hiệp trong dịp tết 1973, thỉnh thoảng Thiệu cũng không chíu giúp phái đoàn Mỹ” (Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Sđd, t.2, tr. 139). Và cũng trong ngày 28-1-1973, địch sử dụng 2 máy bay chiến đấu ném bom xuống sân bay Thiện Ngôn, địa điểm hẹn đón đoàn của Trung tướng Trần Văn Trà, nhưng do ta cảnh giác kịp thơi di chuyển nên không bị tổn thất gì. Còn với các đoàn đại iểu của ta ở các khu vực quân đội Sài Gòn tổ chức phục kích, bắn pháo tại các điểm hẹn đón (Khu 5, 6). Ở Plâycu, Buôn Ma Thuột, Hếu, Đà Nẵng, Đức Phổ, Tam Kỳ…, chúng tổ chức cảnh sát trá hình hành hung các sĩ quan liên lạc ta làm nhiệm vụ.
(2) Dẫn theo George C.Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.334.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2011, 07:54:51 am »

Việc thực hiện trao trả nhân viên quân sự các bên, thường dân nước ngoài và nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ là vấn đề quan trọng đối với cả Mỹ và ta. Về phía ta, do có sự phối hợp nhịp nhàng giữa phái đoàn ở Tân Sơn Nhất với Bộ Tư lệnh Miền và Bộ Tư lệnh các quân khu ở miền Nam, nên việc trao trả luôn được tuân thủ và bảo đảm đúng kế hoạch, đúng thời gian, đúng địa điểm(1). Trong khi đó, quân đội và chính quyền Sài Gòn lại thường xuyên gây cản trở, trì hoãn hoặc lẩn tránh việc trao trả tù chính trị. Họ tỏ ra không mấy quan tâm tới số người của họ bị bắt. Phía Mỹ, do mong muốn nhận được tù binh Mỹ, nên buộc phải đáp ứng đòi hỏi của ta, kể cả gây sức ép đối với chính quyền Sài Gòn trong việc trao trả người của các bên bị bắt.

Để việc trao trả diễn ra đúng kế hoạch, bảo vệ được tính mạng của tù chính trị, phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam một mặt, hết sức tranh thủ sự ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế, dựa vào Ủy ban quốc tế, kiên quyết yêu cầu phía chính quyền Sài Gòn phải thực hiện đúng theo tinh thần Hiệp định Pari, theo đúng các kế hoạch, mặt khác, chủ động và kịp thời tìm ra các giải pháp đúng đắn, xử lý tốt những tình huống bất trắc xảy ra. Các thành viên phái đoàn của ta liên tục đấu tranh với phái đoàn của chính quyền Sài Gòn đòi được trực tiếp đến các trại giam xét xét tình hình ăn, ở, sinh hoạt của tù binh. Mặc dù tìm mọi cách ngăn cả, nhưng trước áp lực của dự luận và trước sự đấu tranh kiên quyết của phái đoàn quân sự ta, phía chính quyền Sài Gòn buộc phải đồng ý để cho phái đoàn đi thăm một số trại giam. Tại những nơi đó, các thành viên phái đoàn ta đã kịp thời thông báo về tình hình thực hiện Hiệp định Pari và động viên các chiến sĩ đang bị giam cầm trong lao tù của chính quyền Sài Gòn kiên cường đấu tranh, giữ vững khí tiết cách mạng; đồng thời, yêu cầu phía chính quyền Sài Gòn phải có biện pháp cải thiện chế độ sinh hoạt cho các tù nhân. Tính đến cuối tháng 3-1973, kết thúc thời kỳ hoạt động của Ban Liên hiệp quân sự bốn bên, ta đã trả cho phía Mỹ 128 nhân viên quân sự Mỹ và nước ngoài bị bắt, trả cho chính quyền Sài Gòn 5.426 nhân viên quân sự, đồng thời nhận về 26.492 cán bộ, chiến sĩ. Con số này rất nhỏ so với thực tế trên 20 vạn cán bộ, chiến sĩ cách mạng còn đang bị chính quyền Sài Gòn cầm tù(2).

Cuộc đấu tranh đòi phía chính quyền và quân đội Sài Gòn thực hiện ngừng bắn, chấm dứt các hành động lấn chiếm các vùng giải phóng diễn ra quyết liệt không chỉ trên chiến trường mà cả trên bàn nghị sự. Ngay từ khi Hiệp định Pari chưa ký kết, chính quyền Sài Gòn đã chủ trương phá hoại hiệp định; đến khi hiệp định có hiệu lực thì kẻ địch vẫn không ngừng chống phá ta, thậm chí có mặt còn quyết liệt hơn trước(3). Tại các diễn đàn trong nước và quốc tế, Phái đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phối hợp chặt chẽ với phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bằng những chứng cứ cụ thể và lập luận vững chắc, bác bỏ sự vu khống và tố cáo những hành động phá hoại hiệp định của phía Sài Gòn. Không chỉ đấu tranh về mặt pháp lý tại các diễn đàn hội nghị, phái đoàn ta còn tổ chức cho Ủy ban quốc tế xuống tận các địa phương, thực tiếp kiểm tra và giám sát thực tế tình hình thi hành hiệp định của hai phía. Hằng tuần, tại trại Đavít (nơi ở và làm việc của phái đoàn ta trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn), phía đoàn ta đều đặn tổ chức các cuộc họp báo, thông báo về tình hình thi hành Hiệp định Pari, về chính sách hoa bình, hòa hợp dân tộc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tố cáo quân đội và chính quyền Sài Gòn vi phạm hiệp định. Các cuộc họp báo này ngày càng thu hút đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước tham dự. Nhiều nhà báo nước ngoài đã yêu cầu đoàn ta trực tiếp dẫn đi thăm các vùng giải phóng, thăm chiến trường. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn mấy tháng đầu năm 1973, phái đoàn của ta đã quan hệ, tiếp xúc và trả lời phỏng vấn với các phóng viên của hơn 80 tờ báo, hãng thông tấn, vô tuyến truyền hình và phát thanh của 21 nước trên thế giới, làm cho dư luận chung ngày càng hiểu rõ thiện chí của phía cách mạng và đồng tình với ta trong việc ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm vùng giải phóng của chính quyền, quân đội Sài Gòn. Nhân dịp lễ, tết cố truyền của dân tộc, hai đoàn đại biểu quân đội của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thường tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao có mời đại biểu các phái đoàn quân sự của Mỹ, của quân đội Sài Gòn và phái đoàn bốn nước trong Ủy ban quốc tế tham gia. Những hoạt động hày đã góp phần gây thêm ấn tượng tốt đẹp với báo giới và các thành viên của Ủy ban quốc tế.


(1) Ngày 12-2-1973, cuộc trao trả tù binh đầu tiên giữa ba bên: Hoa Kỳ, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa tại sân bay Lộc Ninh đã diễn ra tốt đẹp dưới sự kiểm soát của các sĩ quan trong tổ chức quốc tế kiểm soát và giám sát đình chiến cùng các sĩ quan Ban liên hiệp quân sự bốn bên.
(2) Cũng trong những tháng ngày đen tối ấy, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ cách mạng đã bị phía chính quyền Sài Gòn lén lút thủ tiêu. Chỉ tính riêng các nhà lao miền Tây Nam Bộ, trong vòng hai tháng, từ 27-1-1973 đến hết tháng 3-1973, đã có 18.00 tù chính trị bị đưa đi mất tích. Trong hai ngày 17 và 18-3-1973, đã có 1.500 tù chính trị ở Côn Đảo bị mất tích. Đêm ngày 15-4-1973, đồng bào ta lại phát hiện thêm 25 xác tù chính trị ở Tây Ninh bị kẻ địch đâm chết cột đá thả trôi sông. Đến tháng 9-1973, trên các sông Tiền, sông Hậu, nhân dân phát hiện có hàng chục xác chết trần truồng, cụt đầu, trói vào cọc tre thả trôi sông mỗi ngày. Dẫn theo Nguyễn Thị Bình (và các tác giả): Mặt trận dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 399.
(3) Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố: Hiệp định Pari không có nghĩa là chúng ta cùng chung sống với cộng sản, cùng ngồi uống cà phê, ăn hủ tiếu với cộng sản. Chúng ta phải chống cộng sản tới cùng và tiêu diệt đến tên cộng sản cuối cùng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM