Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 08:37:48 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt (Phần 3)  (Đọc 339162 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #580 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2011, 02:56:57 pm »

.
Chuyện XXVIII     VỢ CHỒNG DU KÍCH – BIỆT KÍCH (tiếp 17)

     Xê Hai Mươi về Quất xá chẳng được bao lâu thì họ đã di chuyển cả đơn vị đi chỗ khác, chỉ còn lại kho lương thực với hai lính canh giữ. Rồi đến lượt Dê hai Bốn Quân Y cũng chuyển đi nốt. Thôn làng dường như xơ xác vắng vẻ lạ thường. Bây giờ một số ít bà con sơ tán còn lại ở Quảng Bình mới lục tục kéo về, nhưng một số bà con khác từ vùng Đông Hà ở nhờ Quất Xá trong những ngày ác liệt lại rời đi.

     Không có bộ đội, gia đình chị buồn hẳn. May mà có hai thằng cu con nghịch ngợm suốt ngày khiến ông bà phải để mắt trông chừng và ngắm nhìn chúng. Chúng là nguồn vui và là niềm an ủi cho ông bà và cho chị.

     Ba năm trôi qua kể từ ngày anh đảo qua nhà trong dịp tết rồi đi biệt tăm biệt tích thì chiến tranh đã kết thúc. Hòa đình đã được vãn hồi trên mọi miền đất. Những người lính từ hai phía, lần lượt, người đã trở về, người đã mang cả gia đình ra đi vào phía nam, bộ đội giải phóng cũng đã được về phép thăm nhà. Những người lính Quốc Gia đang trong thời gian học tập thì cũng đã có thư từ liên lạc qua lại với người thân. Vậy mà sao, riêng anh, vẫn bằn bặt tin tức ?

     Cả cái làng này chỉ có mình anh sung lính biệt kích rồi chuyển qua biệt động. Ba mẹ và chị không biết một ai cùng đơn vị anh để hỏi thăm. Nhiều gia đình hạnh phúc trong đoàn tụ thì ba mẹ và chị càng cảm thấy buồn và hết hy vọng. Bà con trong làng ai cũng động viên rằng :”Rồi anh ấy sẽ về” nhưng họ đều nghĩ chắc là anh đã chết ở đâu đó trong những ngày ác liệt ở Quảng Trị.

     Lại nói, sau ngày 30/4, theo thông báo của Ủy Ban Quân Quản thành phố Vũng Tàu, anh đã nhanh chóng ra trình diện tại Ủy Ban phường nơi anh đang ở cùng ba má vợ và người vợ mới, con thơ. Sau đó vài tháng anh được triệu tập đi học. Bản tự khai thì anh đã làm tỉ mỉ, chi tiết khi ra trình diện, thế mà ở nơi tập trung để học tập họ còn bắt anh khai lại hai lần nữa. Chắc là họ muốn kiểm tra xem anh có khai báo chính xác không. Đành rằng học tập để cho những người lính Quốc Gia nhận ra sự tốt đẹp của chế độ mới và hiểu thấu đáo cuộc kháng chiến chống Mỹ của Dân Tộc nhưng anh vẫn chắc mẩm trong lòng rằng trong thời gian đó, họ sẽ điều tra về anh. Họ sẽ biết anh không phải sỹ quan, cũng không là ác ôn hay Việt gian, rồi họ sẽ thả anh sớm thôi.

     Sau vài tháng thì anh được về lại gia đình thật, đúng vào dịp Tết Nguyên Đán bảy sáu. Tuy nhiên, có một điều mà anh cứ băn khoăn và day dứt mãi, không dứt khoát được để báo tin cho ba mẹ và chị ở nhà. Anh không ngờ cuộc chiến lại kết thúc chóng vánh đến như vậy. Tưởng rằng sự chia cắt  lại tiếp tục dài lâu như từ thời năm năm tư đến giờ. Giá mà anh biết trước thế này thì anh đã chả lấy thêm vợ. Anh không ân hận gì về người vợ mới nhưng rất day dứt. Thật là “tiến thoái lưỡng nan”. Vốn tính ngang tàng và dứt khoát, vậy mà sao việc này mãi anh cũng không thể quyết được. Anh đã không ngờ rằng sự im lặng của anh đã làm tổn thọ cha mẹ và làm cho vợ đau khổ đến mức nào. Điều này thì mãi sau này, khi gặp lại gia đình ở Quất Xá, anh mới hiểu và ân hận.

. . . (còn nữa)
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười Một, 2011, 09:12:14 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

Hai Ruộng
Thành viên
*
Bài viết: 1275


« Trả lời #581 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2011, 07:11:10 pm »

...Hôn lễ của họ được cử hành trong nhà thờ đúng theo nghi lễ cưới xin của hai người có đạo. Ở bên người vợ trẻ anh cảm thấy rất hạnh phúc. Sự dịu dàng và đằm thắm của cô đem lại cho anh những cảm xúc mới lạ. Anh không ngờ đời một phế nhân lại được chúa ban cho nhiều đến thế. Chúa đã cho anh một người vợ xinh đẹp, mạnh mẽ và hai đứa con trai đẹp như hai thiên thần. Giờ đây, Người lại ban cho anh một người vợ khác và những đứa con khác nữa. Anh tạ ơn chúa lòng lành, Amen !...


 Em không biết anh TTNL hồi còn trai trẻ có từng theo em nào có đạo chưa mà thấy anh TTNL khi viết bài " Amen " ngọt xớt ! hề ! hề !
Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #582 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2011, 09:13:00 pm »

.
Chuyện XXVIII     VỢ CHỒNG DU KÍCH – BIỆT KÍCH (tiếp 18)

     Chị không tiếc sức làm lụng và lao vào công tác xã hội. Bây giờ chị không còn quanh quẩn ở thôn nữa mà còn tham gia công tác ở xã. Chị phải họp hành nhiều hơn, có hôm đi họp cả ngày, có hôm phải họp, tối khuya mới về. Không có xe đạp nên chị phải đi bộ mất vài cây số. Cũng may, những lần họp ban đêm đều có vài ba người cùng thôn nên cũng đỡ buồn và đỡ sợ. Cái sợ không đâu của một người đàn bà khi đi một mình trong đêm tối.

     Không có tin tức gì về người con trai, nỗi buồn đè nặng lên cả gia đình ông bà. Giá mà biết chắc là anh đã tử trận như thế nào thì đã đi một nhẽ. Có thể an ủi rằng, phận anh cũng như bao người lính khác ở cả hai phía, chết oan nghiệt vì chiến tranh. Mà, trông vào hai đứa trẻ anh để lại thì nỗi đau sẽ nguôi ngoai dần. Ông bà và chị nghĩ đến anh với bao hình ảnh tưởng tượng về cái chết. Anh bị trúng đạn, chết ngay tại trận, anh bị thương trong đau đớn, bị bỏ rơi nơi trận tiền và chết vì mất máu và kiệt sức, . . . . Rồi hình ảnh anh còn trẻ nghịch ngợm, đánh nhau với lũ trẻ trong làng, mặt lấm lem bùn đất, đang la hét và cười nói,  . . . . Mỗi hình ảnh tưởng tượng về anh hay hình ảnh từ quá khứ hiện về đều thấm đẫm nước mắt của người mẹ và người vợ trẻ, làm thắt ruột người cha với những tiếng thở dài đêm đêm.

     Ông bà buồn bã và yếu đi trông thấy. Toàn bộ công việc dường như dồn hết lên đôi vai của chị. Không thể dừng lại, không thể ngồi ôm nỗi đau mất chồng, chị lao vào làm việc như điên như dại, nhắm mắt vào mà làm như đang say trong cơn du mộng.

     Nỗi buồn của chị cũng được bạn bè và các cán bộ ở xã chia sẻ và động viên. Có người ái ngại, có người thông cảm, an ủi và giúp đỡ chị trong công việc. Nhưng, cũng có người nhìn thấy chị là người đàn bà đẹp, không chồng, đang cô đơn.

     Chuyện ấy xảy ra vào một đêm trăng sáng trước ngày rằm tháng tám. Tan buổi họp xã, chị tất tả bước đi trên con đường đất liên xã để mau chóng về nhà với hai đứa con. Hôm nay cùng đi với chị chỉ có một anh cán bộ xã ở cùng thôn.

-    Út à ! Đi từ từ chút. Đêm nay trăng sáng đẹp quá nờ !
-    Dạ !

     Trăng đang lên, sáng vằng vặc. Hai bóng người đen xẫm đổ xuống phía trước, nghiêng trên mặt đường bàng bạc. Cánh đồng lúa đang thì con gái nghiêng ngả trong gió và tỏa mùi thơm của sữa. Phía xa xa là thôn Quất Xá, xẫm màu cây cối với những hàng tre đang đung đưa. Xa hơn nữa là mờ mờ dãy rừng rú Động Hà. Gió lùa trong tóc chị, rối bời, làm cho thỉnh thoảng chị phải đưa tay sửa lại. Hai người đi trong im lặng, rồi bất chợt tay xã nói:

-     Tui thấy út vất vả quá, tui thương lắm !

     Chị chưa kịp phản ứng gì thì đã thấy một bàn tay rắn chắc nắm chặt bàn tay chị.

-    Eeng mần chi rứa ! bỏ tui ra . . . .

      . . . .

     Sức chống cự mãnh liệt của một người đàn bà cũng không làm sao thoát khỏi được một con mãnh thú đang cơn.

     Vụ án hiếp dâm được đưa ra xét xử vài tháng sau đó tại huyện Cam Lộ. Mặc dù án được giảm nhẹ đối với người có công, tay xã vẫn phải lĩnh án ba năm tù giam.

. . . (còn nữa)
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Mười Một, 2011, 11:06:48 am gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #583 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2011, 11:56:11 pm »

.
     Cầu Đông Hà năm 1969


     Cầu Đuồi năm 1969 (qua sông Cam Lộ), cách Quất Xá 4 km về phía đông


     Ngã ba Đông Hà năm 1967 - 1968
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Mười Một, 2011, 12:09:12 am gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #584 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2011, 06:46:04 pm »

.
Chuyện XXVIII     VỢ CHỒNG DU KÍCH – BIỆT KÍCH (tiếp 19)

     Anh sẽ phải ân hận và hối tiếc. Giá như anh trở về ngay sau ngày hòa bình thì ba mẹ đâu có đau yếu nhanh như vậy. Giá mà anh trở về thì chị đâu có vất vả như vậy. Giá mà có anh thì liệu có ai dám động đến chị. Là năm bảy bảy rồi mà anh vân chưa tin tức gì về nhà. Vợ anh lại sinh thêm một bé gái nữa. Anh đã bỏ mặc ba mẹ, bỏ mặc chị với hai đứa con trai mà vui thú với gia đình mới, lấn bấn không biết nên giải quyết thế nào.

     Chính ba má vợ anh ở Vũng Tàu lại là người khuyên nhủ anh trở về với gia đình ở Quảng Trị. Là người có đạo, họ không thể đồng ý cho anh vợ nọ, con kia. Họ cũng không muốn vì con gái và cháu ngoại của mình mà cướp đi tấm chồng và người cha của những đứa trẻ khác. Anh thì nói với ba má vợ cho anh ở lại đến ngày đứa con gái bé cứng cáp lên một chút. Trong khi đó ba má vợ anh tìm cách thuyết phục con gái. Cô cũng là người có đạo, lại được chính cha mẹ ruột khuyên bảo lời hơn lẽ thiệt mà giới răn thứ bảy trong mười giới răn của Chúa đã dạy. Trong đó, không thể có chuyện một người đàn ông cùng lúc có hai người vợ.

     Khi đứa con gái nhỏ đầy hai tuổi thì đã là bốn năm sau ngày 30 tháng tư. Cô cứ dứt khoát đòi theo anh để biết quê hương chồng và gặp mặt người vợ cả. Cô cảm thấy không yên lòng để chồng dứt áo ra đi khi mà cô chưa được đối mặt với chị. Gửi hai đứa nhỏ cho ông bà ngoại, vợ chồng anh khăn gói lên đường.       

     Khỏi nói ngày đoàn tụ của anh với gia đình. Cả ba và mẹ anh đều ôm chầm lấy anh mà chửi, mà mắng mỏ:

-    Cha tổ mi ! Răng mi về nhà tau mần chi ? Răng mi tệ bạc rứa ? Mi nỏ còn cha mè nữa mô mà về !
-    Mi bỏ cha mè mi, giỏi thiệt đó ! Mà mi bỏ hai thằng con mi cho nó côi cút, cù bơ cù bất . . . Tao nỏ trộ ai gan tày Trời, tày Đất như mi rứa !

     Bao nhiêu nước mắt rơi trong ngày trở về, mẹ anh, ba anh và cả anh nữa. Hai người vợ của anh cũng đầm đìa nước mắt. Họ lóng nga lóng ngóng đứng ngay cạnh đó mà không ai dám cử động chi hết. Chỉ có hai thằng cu là không hiểu chuyện gì. Chúng cũng không thể nhận ra anh, khi anh ra đi năm bảy hai thì chúng còn quá nhỏ.

     Sau vài tiếng đồng hồ thì câu chuyện chia cắt của anh với gia đình mới dần dần sáng tỏ trong những tiếng thở dài của ba mẹ và tiếng nấc của hai người vợ.

     Chợt giật mình nhớ đến phải cơm nước cho cả nhà, chị lật đật ra vườn lùa bắt gà, rồi tất tả chạy sang hàng xóm mượn xe đạp để đi chợ ngoài thị trấn.

     Hai người vợ lo chuẩn bị cơm dưới bếp. Chắc hẳn là hai chị em đã chuyện trò và đã khóc với nhau nhiều lắm. Mắt của họ đều sưng húp . . . .

     Được vài ngày thì anh lại lên đường để đưa người vợ hai trở về Vũng Tàu. Hai thằng cu đã quen cách gọi anh và cô. Chúng nhất loạt khoanh tay:

-    Coong chào ba ! Coong chào gì !

. . . (còn nữa)
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #585 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2011, 06:12:53 pm »

.
     Ảnh chụp từ căn cứ pháo binh trên điểm cao 544 (Firebase Fuller). Làng Quất Xá nằm dưới chân điểm cao này.

Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #586 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2011, 11:03:41 pm »

.
     Nguồn của tấm ảnh trên: AP Photo / Jacques Tonnaire / Việt Nam ngày 20/7/1971.
     Lời thuyết minh của tấm ảnh: South Vietnamese troops move out on patrol from Firebase Fuller, a hilltop position four miles south of the demilitarized zone, Vietnam on July 20, 1971 (Quân đội nam Việt Nam di chuyển tuần tra từ Firebase Fuller, một vị trí trên đỉnh đồi, cách khu phi quân sự bốn dặm về phía nam).
Logged

sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #587 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2011, 11:22:32 pm »

Vừa đi công tác, vừa theo chuyện của TTNL. Tuần trước có việc vào Long An. Thực ra công việc liên quan tới một Trung tâm của Sở KHCN MT Sài Gòn, nên chẳng nghĩ là sẽ có dịp đi đâu xa. Chẳng ngờ, đến nơi thì đối tác lại bảo: Bọn tôi mới chuyển xuống Long An. Theo xuống Long An, qua Bến Lức, Thủ Thừa, rẽ đường đi Tân Trụ, đến một xóm nhỏ ven sông Vàm Cỏ Tây. Có một ngôi xưởng nhỏ ẩn trong những rặng dừa nước. Dáng dấp xưởng gia đình. Có những lý do éo le nhất định mà công việc lẽ ra thực hiện ở SG lại chuyển về ven sông Vàm Cỏ này. Thành ra tình cờ mà 6971 lại có dịp đến đây, lần đầu tiên sống với sông nước Nam Bộ 4 ngày. Thú vị.

Chủ đề tài là một tiến sỹ, làm việc trên SG. Cha anh là người gốc Long An, tập kết, mẹ anh là người Hải Hậu. Một gia đình Nam Bắc như vậy là khá phổ biến thời chống Mỹ. Rồi chiến tranh kết thúc, cha anh để lại 4 mẹ con anh ngoài Bắc để về tìm lại quê hương sau chiến tranh. Ông đi bẵng liền mấy năm. Đến khi mẹ con anh tìm được Ông thì anh đã bỗng dưng có thêm 4 người em cùng cha khác mẹ nữa.

Bây giờ Cha anh và mẹ anh đều đã khuất, chỉ còn lại Gì và 7 anh em. Anh cũng quý trọng Gì và thương yêu các em, con của Gì. Anh làm việc trên SG, nhưng vẫn đưa việc về cho cậu út làm ở cái xưởng gia đình heo hút miệt sông. Lúc đầu tôi rất giận anh vì làm nhỡ việc của tôi. Nhưng rồi mấy ngày ở xưởng với anh ở Tân An, tôi lại thấy thông cảm, cả với công việc, cả với hoàn cảnh éo le của gia đình anh mà chỉ có thời Vĩ tuyến 17 mới có. Đất nước mình thế đấy.  

Logged

Nhật ký Viết lại
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #588 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 12:12:39 am »

Bác 6971 có chuyến đi chắc thú vị, bác có biết : một nhạc sỹ trữ tình nổi tiếng người Miền Trung tập kết, giải phóng xong ông không về ngay thành phố quê hương. Bà trong đó biết chuyện ngoài này giận lắm, đánh tiếng nếu ổng về bả sẽ cắt xyz, cắt gì đây? he..he....Chuyện dở khóc dở cười. Cán bộ tập kết hồi xưa chắc đều được động viên giải thích rằng sau 2 năm sẽ Tổng tuyển cử thống nhất quốc gia. Ai nghĩ được lần này gần gấp 3 lần trước, ai nghĩ được sẽ phải đánh nhau với cả anh hai. Người trong đó nói giọng pha hai miền, gần như có xác suất 50-60% là con em cán bộ tập kết. trong khi đó các em các cháu nói tiếng nam chưa chắc đã là dân nam xịn. À mà sông nước Miền Tây có cái thú giao ban buổi sáng hay lắm bác đã thử chưa?
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #589 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 04:48:15 am »

Bác 6971 có chuyến đi chắc thú vị, bác có biết : một nhạc sỹ trữ tình nổi tiếng người Miền Trung tập kết, giải phóng xong ông không về ngay thành phố quê hương. Bà trong đó biết chuyện ngoài này giận lắm, đánh tiếng nếu ổng về bả sẽ cắt xyz, cắt gì đây? he..he....Chuyện dở khóc dở cười. Cán bộ tập kết hồi xưa chắc đều được động viên giải thích rằng sau 2 năm sẽ Tổng tuyển cử thống nhất quốc gia. Ai nghĩ được lần này gần gấp 3 lần trước, ai nghĩ được sẽ phải đánh nhau với cả anh hai. Người trong đó nói giọng pha hai miền, gần như có xác suất 50-60% là con em cán bộ tập kết. trong khi đó các em các cháu nói tiếng nam chưa chắc đã là dân nam xịn. À mà sông nước Miền Tây có cái thú giao ban buổi sáng hay lắm bác đã thử chưa?

Chuyện mấy bác tập kết, có vợ con ở trỏng, ra Bắc mà bị "bỏ bùa" thì nghe nhiều. Còn chuyện tuần trước ở Tân Trụ là Ổng lấy vợ ở ngoài này trước, rồi giải phóng mới về uống nước ao ta. Hình như cảnh như vậy cũng nhiều, đôi khi thấy trên "Như chưa hề có cuộc chia li". Mừng là chuyện anh bạn của 6971 ở Tân Trụ hay những chuyện của cô Thu Uyên trên TV đều kết có hậu chứ không có ai bị "xẻo xyz".

Đúng là đi ngày đàng học sàng khôn. Miền Tây có nhiều cái "hay" thật. Dù vào để làm việc cật lực cả mấy ngày trong cái xưởng nhỏ bên dòng Vàm Cỏ Tây, nhưng cũng thấy nhiều điều thú vị. Xin kể sơ sơ này:

1. Bữa cơm cả nhà quây quần cả chủ khách là 7-8 người. Già nhất là bà Gì, đâu đó hơn 70, trẻ nhất là bé gái trên quận 8, lớp 11, xuống thăm bà. Nồi cơm để một góc, không có kiểu ngồi Đầu nồi như ngoài bắc, ai hết thì ra tự lấy, ít nhiều tùy sức, bình đẳng hơn cả cơm đại táo của lính.

2. Dân Hà Nội vào, tháo giày để góc hè, cách bờ sông cả chục mét, xắn tay làm tới. Thế mà quãng 2 giờ chiều, chẳng biết vỡ đê đâu đó hay sao mà nước tràn vô hè, giầy trôi tuột ra vườn. Hóa ra "nước ròng". Có con cá gì nom như con cá bống ngồi trên giày, chắc thấy mùi protit, tưởng nhằm nhò gì. Hình như là cá Thọc lóc, thấy bảo ăn được.

3. Nhà láng giềng nuôi rất nhiều gà trống, lông dày và mượt, nom như gà thiến, mỗi con nhốt vào một lồng sắt (miền bắc kêu bằng bu). Hỏi nuôi làm chi, ông già chủ nhà bảo: Để đá. Trong Nam Đá là Chọi. Ngoài Bắc, gà chọi thì phải trụi lông, da đỏ tía, thịt dai nhanh nhách chứ lông lá lùm xùm thế chọi sao được. Ông già bảo: Chú ở đây đến chủ nhật qua sông sang Tân An xem Đá gà. Tiếc là phải ra HN gấp.

4. Hỏi chuyện ông chủ nhà láng giềng, chân đất, cởi trần, khỏe như vâm. Ông bảo: "79 rồi". Cha, sao Thất thập cổ lai hy mà khỏe thế. 79 thì chắc hối xưa có dính lính. "Có chứ, nhưng chỉ là lính bảo an, địa phương quân, không phải ác ôn. Đi được vài bữa, sỹ quan phát hiện ra mình là thợ mộc, liền lôi đi đóng đồ cho nhà mấy ổng, khỏi phải súng ống, đạn bom gì. Mà lính tráng có đánh nhau gì thì đánh ngoài miền Trung chứ quanh Tân Trụ, Long An đâu có đánh đấm gì".

5. Được hôm rảnh, rẽ ù ra Vũng Tàu thăm ông y tá C20. Mua vé ở bến xe Miền Đông. Giá rẻ, 65 nghìn, ghi trên vé là đi xe số 667. Ra thấy xe 667 to vật vã nhưng chẳng có khách nào. Một tay đeo băng đỏ đến: Vũng Tàu hả? Vé đâu, theo tôi. Hắn ta bảo 667 đỗ làm vì thôi, không bao giờ chạy và dẫn lên một xe nhỏ, 12 chỗ ngồi. Bị bán rồi. Om cho khoảng hơn 1 tiếng thì chạy. Ra đến Thủ Đức, thấy lái xe căng cái biển "SAO MAI" lên trước kính. Tay lái lụa cướp khách lượn như trong phim Điệp viên 007, Lơ ngồi thò đầu ra mời: "Vũng Tàu nào", câu trước chào, câu sau ĐM. Gần đến Vũng Tàu, thấy lái xe lại cất cái biển SAO MAI đi. Kiểu này là xe nhái rồi. 

6. Hôm từ Long An về hơi muộn. Ngồi bia bọt quãng gần ngã ba An Lạc. Chia tay, kẹp ba lô quần áo phía trước, ba lô nhỏ giấy tờ Laptop, tiền nong, huy chương, huy hiệu, ... đeo sau lưng. Thấy một thanh niên bám theo hỏi chuyện: Anh hai ngoài Hà Nội vào à? Quái, sao tay này giỏi thế, hay là dân Trinh sát. Hắn ta nói luôn: "Nom biển xe 29 thì biết liền à". Khổ, xe mượn chứ đâu phải xe mình mang HN vào. Thế rồi xoạt một cái, anh ta thò tay rút cái ba lô kẹp trước đùi, tưởng hắn xốc lại cho ngay ngắn, đâu ngờ hắn rồ máy chạy. Nghĩ tội nghiệp, mất công cướp được cái balo toàn quần áo bẩn mấy ngày làm việc dưới Tân Trụ, chưa kịp giặt. Mà bụng quần thì rộng ơi là rộng, hơn 95cm. Kể lại với mấy đứa, chúng đồng thanh bảo: "May mà thầy không đuổi, đuổi là ăn đòn liền". Khiếp!

Kể thì còn nhiều chuyện lắm, kể dần.  


« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 11:57:40 am gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM