Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:52:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt (Phần 3)  (Đọc 338765 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #60 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2011, 10:29:31 am »

.
CHUYỆN XVI     TRÀ LIÊN TÂY   (tiếp 13)

      Đại đội lại cử hai đứa đi Dốc Miếu và Cồn Tiên để làm lại toàn bộ sơ đồ. Hai thằng đi bộ qua Đông Hà rồi đi tiếp dọc theo đường 1 để đến Dốc Miếu.  Nhìn sang hai bên đường, đất Gio linh là một vùng cát trắng mênh mông, nhất là về phía biển. Có thể nhìn thấy trên bản đồ, tất cả các làng của Gio Linh ở gần giới tuyến đều ghi là đã bị phá hủy. Địch dồn 13 000 dân ở đây về Cam Lộ. Tháng 3/1972 ta đã đánh pháo dữ dội và tiến đánh Dốc Miếu làm căn cứ bị phá hủy một phần. Sau ngày ngừng bắn, dân trở về làm lại nhà cửa thì vật liệu đều khai thác từ các căn cứ. Trong đó Dốc Miếu là gần nhất nên bị đào bới nhiều nhất kể từ bao cát, cọc hàng rào, các tấm ghi làm trần của lô cốt, . . . Tôi không thể tưởng tượng được tại sao dân mình lại có thể vượt qua được rất nhiều loại mìn được chôn và cài đặt bài bản ở Dốc Miếu.  Tất cả hầu như không còn gì ngoại trừ lô cốt xây từ thời Pháp và xác những chiếc tăng và pháo. Lúc đó chưa có việc khai thác kim loại để bán ve chai và người ta chỉ kiếm vật liệu để làm nhà hay làm vật dụng khác. Chắc hẳn chiếc xe tăng còn sót lại ở Dốc Miếu đã có lệnh cấm dỡ và được bảo vệ nên mới thành di tích ở đây ngày hôm nay. Cũng vì thế mà căn cứ Dốc miếu tôi không còn nhớ được bao nhiêu ngoài ấn tượng về sự liều lĩnh của dân. Âu cũng là bấn quá phải liều ! Hai căn cứ Dốc Miếu và Cồn Tiên là hai căn cứ  độc lập và nằm khá xa nhau và nằm trong hệ thống hàng rào điện tử McNamara. Đó là một hệ thống các căn cứ chạy suốt từ bờ biển qua Dốc Miếu, Cồn Tiên, lên đến Tân Lâm, Khe Sanh, Lao Bảo,. . . Không hiểu sao, trong bài viết của trang web “Văn Hóa Quảng Trị” lại nói rằng Dốc Miếu là căn cứ lớn nhất. Có tài liệu khác lại nói Cồn Tiên và Dốc Miếu là một căn cứ.

      Tôi chẳng biết mình đánh giá có đúng không nhưng trực tiếp bằng mắt thấy căn cứ pháo binh Cồn Tiên của lính thủy đánh bộ Mỹ đồ sộ hơn Dốc Miếu. Khoảng 500 lính thủy đánh bộ Mỹ thường trực ở đây, không kể lính ngụy và những lúc tập trung lực lượng trong những trận càn lớn. Khi tới Cồn Tiên, cảm giác đầu tiên của chúng tôi là lạc vào một vùng đất đỏ hoang vu. Một vùng đất rất rộng, dốc thoai thoải ra xung quanh với đỉnh cao 158 ở trung tâm. Rất nhiều lô cốt, hầm chỉ huy được dựng rất kiên cố. Nóc hầm và lô cốt đều lót đà sắt và ghi sân bay, bên trên chất bao cát rất dầy, ít nhất cũng khoảng một mét, có chỗ dầy đến hai mét. Nhìn cái lô cốt thấy ngán ngẩm vì muốn đánh sập chắc phải cần đến bom. Thế mà Cồn Tiên cũng là một trong những nơi khốc liệt đối với lính Mỹ. Pháo từ bờ bắc hàng ngày giã vào Cồn Tiên, có ngày lên đến 3000 quả (phía Mỹ đáp trả bờ bắc có ngày lên đên 20 000 quả).

      Theo thiết kế chuẩn của lớp ngăn chặn ở Cồn Tiên có độ sâu 600 mét, đặc biệt có chỗ lên đến 1000 mét. Được nghe kể, cứ sau mỗi lần hàng rào bị pháo ta phá hủy thì ngày hôm sau lính Mỹ làm lại. Một số tài liệu nói có 12 lớp hàng rào mỗi lớp cao 3 mét. Có lẽ gần đúng như vậy nhưng không phải hoàn toàn đúng. Thường chỉ có hàng rào bùng nhùng “ba” thì cao khoảng 2 mét, hàng rào bùng nhùng “năm” cao gần ba mét. Các hàng rào khác như hàng rào mái nhà, hàng rào cũi lợn, hàng rào đơn cũng thấp như bình thường. Có thể các lớp hàng rào được bổ xung liên tục sau thiết kế ban đầu. Tôi nhớ, hai thằng đếm đi đêm lại số lớp hàng rào nhiều nhất mãi vẵn nhầm. Đếm được trên hai chục lớp vẫn chư hết. Tôi nói : Thôi cứ viết vào báo cáo là ba chục lớp ở chỗ này đi.  Quả thật có máu nghề nghiệp trinh sát đến đâu mà nhìn thấy đoạn này thì cũng “xỉu”. Một đêm, dưới ánh đèn pha xenon và mìn tự động dầy đặc, cùng với mìn điều khiển chắc cũng chỉ có thể vượt qua được mười lớp. Rồi để sáng hôm sau nó ra tóm sống hay liều chết bắn vài phát AK chờ pháo nó giã lên đầu là xong.

      Từ năm 2006, Tỉnh Quảng Trị đã huy động lực lượng tìm mộ 173 chiến sỹ đặc công, sau một đêm đã bị mắc kẹt lại và hy sinh. Cho đến bây giờ mới chỉ tìm được 6 hay 7 mộ.

      Cứ sau nhiều lớp hàng rào lẫn mìn lại đến một “vành đai” trống khá rộng. Chắc chắn dưới đó chôn nhiều mìn điều khiển bằng điện. Hệ thống điện tử để phát hiện xâm nhập gồm rất nhiều thứ: Đèn pha xenon, Cảm biến phát hiện chấn động từ đất, cảm biến âm thanh, cảm biến hồng ngoại, thiết bị quan sát ban đêm bằng ra đa AN/PPS-5, AN/PP-6, Thiết bị cảm biến cân bằng áp suất, . . . hễ phát hiện được thì địch bắn pháo ra hay đánh mìn điện. Ban ngày, xe tăng và thiết giáp chạy trên vành đai trống để tuần tra và kiểm tra các lớp rào bảo vệ. Chúng tôi vẫn còn nhìn rõ vệt đường của xe chạy nhiều trên các vành đai này. Hai thằng tôi không đứa nào dại gì đi thử trên những chỗ trống đó mà chỉ đứng ở lô cốt gần đó, tia ống nhòm ra quan sát.

      Ở Cồn Tiên vẫn còn nhiều lô cốt và hầm chỉ huy nguyên vẹn nên tôi có dịp vẽ thiết đồ một vài cái tiêu biểu. Bản đồ dưới đây cho thấy căn cứ pháo binh của lính thủy đánh bộ Mỹ rất rộng. Chỉ cần tính từ đường bình độ 100 trở lên, mỗi chiều đã là 3 cây số. Lính Mỹ gọi căn cứ này là “Đồi của các thiên thần”(Hill of Angles).

.  . . (còn nữa)


Bác TTNL ở khu vực Dốc Miếu đã được nếm vị tuyệt vời của khoai tía chưa nhỉ. Đây là loại cây có củ rất to như bình tích, lá của nó như lá trầu không gần giống với lá tiêu. Loại này nghe nói chỉ có ở vùng đất đỏ ba-zan. Gọt vỏ, bên trong có mầu tím, nấu canh rất tuyệt mặc dù không có xương hay thịt nhưng bát canh rất ngậy và bùi. http://www.quansuvn.net/index.php/topic,17230.320.html

...Qua khỏi Dốc Miếu chúng tôi đến chợ Hà Thượng họp ngay ven đường 1. Chợ cũng lèo tèo không có nhiều hàng hóa mà chỉ có hàng nông sản. Ở đây bầy bán 1 loại củ to như bình tích có mầu tía, lá rất giống với lá trầu không, cậu truyền đạt chọn mua một củ nói rằng để nấu canh ăn bữa trưa. Từ chợ Hà Thượng chúng tôi rẽ trái băng qua những đồi cát trơ trụi không 1 bóng cây. Một xóm nhỏ ở ngay ven đường, chúng tôi nấu nhờ cơm ở 1 nhà dân trong xóm. Củ khoai tía nấu canh với mì chính ăn lạ miệng rất ngon, tuy không có thịt hay xương nhưng nồi canh rất ngậy và béo...   
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #61 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2011, 11:04:24 am »

Bác Võ Văn Thời nom ốm quá nhỉ (theo cách nói của người Nam bộ). Nói ổng vốn là một biệt động hay thám báo thì hợp lý và dẽ tin chứ cái tay đẫy đà lại trắng nõn trắng nà như con gái, đang lội xuống sông Thạch Hãn, quãng gần Tả Kiên mà là thám báo thì có vẻ xi-nê-ma quá.  
Logged

Nhật ký Viết lại
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #62 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2011, 06:57:27 pm »

Trong số 5 tên lính sinh viên ở c20, có lẽ tôi là người gần và biết nhiều về ban chỉ huy đại đội, anh Hiền và 3 anh người Nam (anh Khâm, anh Thời, anh Ánh) vì đã làm liên lạc đại đội 6 tháng trước khi vào Quảng Trị, đầu tiên do viết chữ đẹp. Tôi thường nghe các anh kể chuyện gia đình, chuyện đánh nhau, nhớ tên từng người trong gia đình các anh. Hôm nọ thấy ảnh anh Thời, anh ấy gầy quá, thực rất cảm động.

----
Cái ngày đang giành giật nhau ở Thành Cổ. Lệnh từ ban 2 xuống cho toán của anh Thời là phải đưa anh em đặt đài trên cái nhà 2 tầng để quan sát và nắm địch. Trên ban còn chỉ định rõ tên từng người trong đó có Bùi Văn Thắng lên đặt đài ở đó. Anh Thời phản ứng lại: “ Yêu cầu chúng tôi đặt đài là việc tui nhận nhiệm vụ với ban, còn chuyện điều người là thuộc quyền của tui.”  Vị trên ban tức lắm nhưng không làm được gì. Sau đó, biết việc đặt đài trên cái nhà tầng đó là chắc chết vì bất cứ lúc nào cũng có thể bị bắn chết ngay lập tức. Nghĩ thương anh em phải chết vô ích, anh Thời cứ lẳng lặng không cử người lên làm đài ở nhà tầng. Chuyện này, một lần nữa bị ai đó ghi nhớ là “chống lệnh”.

      Thì, . . . ngay ngày hôm sau một trận pháo đã cho bay mất cái nhà tầng.
----

Chuyện này nếu có dịp thì có thể chính xác thêm. Theo tôi biết và nhớ, trinh sát f325 không có bên thành cổ. Trinh sát sư đoàn rải đi khắp Quảng trị, và tiểu đội tôi là bộ phận của C20 lo theo dõi tình hình chiến sự ở thành cổ từ hai đài quan sát ở bở sông Thạch Hãn cạnh làng Nhan Biều trông qua thành và đầu cầu sắt Quảng Trị, và thỉnh thoảng bơi qua sông lấy tin hoặc điều tra. Tiểu đội tôi vào tham chiến từ giữa tháng 7.1972. Về sau (hình như giữa tháng Cool có thêm một bộ phận chỉ huy của Ban Hai sư đoàn đóng ở phía sau trong làng Nhan Biều, trong đó có bọ Luyến của Ban 2 và anh Thời cùng một số lính của c20. Ban 2 nằm tít trên núi khó biết được có cái nhà 2 tầng để lệnh đặt đài quan sát ở đó. Thêm nữa, tôi nghĩ khi đó ở Nhan Biều không có cái nhà 2 tầng nào. Nhan Biều cũng bị bom pháo dữ dội nên khi tụi tôi vào đã đổ nát cả.

Có thể đấy là tranh luận giữa bọ Luyến (đại diện Ban 2) và anh Thời về điểm đặt thêm đài quan sát trong làng Nhan Biều, nên tôi thấy cũng thường tình. Thường đài cần một vị trí cao dễ quan sát, nhưng cao cũng dễ bị phát hiện hoặc bị nghi và ăn đạn. Hai đài của tiểu đội tôi do ở sát bờ sông nên đều nằm thấp, ngụy trang không khác gì những mô đất khác, còn tiểu đội chia nhau nằm ở hai hầm phía sau cách vài chục mét. Anh Thời dù sao kinh nghiệm chiến trường cũng mới hơn.

----
      Gì thì gì chứ chuyện chống lệnh,  dù đúng hay sai,  mình anh phải chịu và anh Thời bị ghi nhận như là một tay “rắn mặt”. Thể nào cũng có lúc bị “dằn mặt” cho biết. Nhưng lúc đó đang ác liệt, không thể rút anh Thời về được. Chuyện cứ để đấy đã.
----

Đây là một kỷ niệm nữa về anh Thời (có lần tôi đã kể).

Đêm 15 rạng sáng 16/9 ta mất thành cổ và thị xã. Quãng từ 11 giờ trưa làng Nhan Biều phải chịu những trận pháo khốc liệt trong hai tiếng liền, đủ các loại pháo từ biển và đất liền, pháo phá, pháo khoan (để lính ta không chịu được phải chạy khỏi hầm), pháo chụp, pháo sát thương, ... Đấy là một trận pháo tôi rất nhớ vì quá nhiều pháo khoan nổ rất gần hầm và vì chưa bao giò gặp một đợt pháo bắn dài vậy.

Quãng 2 giờ chiều bộ Luyến gọi tôi cùng mấy người tới, nói mặt trận ra lệnh trinh sát qua sông điều tra ngay để đêm dẫn bộ đội sang chiếm lại thị xã (mãi về sau đọc tài liệu mới biết khi giao ban sáng 16/9, tướng Lê Quý Hai tư lệnh mặt trận đã rất tức giận vì mất thị xã, vì bộ phận chỉ huy thành quyết định rút dù chưa có lệnh mặt trận (chỗ này cần xác định thêm), đã đập bàn quát và ra lệnh chiếm lại thị xã [tôi còn nhớ những tờ truyền đơn của ta ở mặt trận nói: Bộ chính trị, quân ủy trung ương chỉ thị ... phải quyết giữ thị xã Quảng Trị bằng mọi giá]). Tôi được giao việc này cùng một trinh sát e95. Biết là khó nên đây là lần duy nhất chúng tôi qua sông điều tra không mang súng, chỉ một quần đùi, thắt lưng đeo con dao găm và một lựu đạn với lệnh không được để bị bắt sống. Bọ Luyến lấy hộp thịt còn lại cất dưới đáy ba lô mang ra cho ăn.

Trời chiều, anh Thời, một b trưởng và hai đứa tôi đi dần ra bờ sông. Quãng đường ngắn nhưng đi và bò lâu vì gặp mấy đợt pháo bắn chùm lên. Đến sát mép nước trời đã chạng vạng tối. Bờ phía tây Nhan Biều thoai thoải còn bờ Đông bên thị xã gần dựng đứng, cách vài mét lại một ụ súng chĩa xuống nước. Chúng tôi bàn và cho rằng không thể nào đưa lực lượng lớn qua sông khi bị canh phòng như vậy lại giữ được bí mật. Nếu các ổ súng trên bờ quét xuống thì thương vong không biết sao kể xiết.

Trời chập tối. Anh Thời quyết định ''chống lệnh'' bơi qua sông trinh sát, và quyết định về báo cáo mặt trận, trính sát đề nghị không đưa bộ đội qua chiếm lại thị xã. Sau đó có lệnh ngừng cuộc tấn công chiếm lại thị xã đêm 16/9. Chắc tướng Hai (kể cả cấp trên nữa) cũng đã hạ hỏa và biết rằng đấy là một việc gần như vô vọng và tổn thất sẽ rất lớn.

Nếu không có cái quyết định mạnh mẽ ấy của anh Thời thì có thể hôm nay tôi không có dịp ngồi viết những dòng này.

Với tôi, anh Thời luôn là một người lính, người anh chân thành và quả cảm.
Logged
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #63 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2011, 07:15:34 pm »

--
Về sau (hình như giữa tháng Cheesy có thêm một bộ phận chỉ huy của Ban Hai sư đoàn ...
--

Đính chính: Tôi định viết

Về sau (hình như giữa tháng 8 có thêm một bộ phận chỉ huy của Ban Hai sư đoàn ...

mà nhầm gì đấy nên ra cái hình  Cheesy
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #64 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2011, 07:32:48 pm »

...
Quãng 2 giờ chiều bộ Luyến gọi tôi cùng mấy người tới, nói mặt trận ra lệnh trinh sát qua sông điều tra ngay để đêm dẫn bộ đội sang chiếm lại thị xã (mãi về sau đọc tài liệu mới biết khi giao ban sáng 16/9, tướng Lê Quý Hai tư lệnh mặt trận đã rất tức giận vì mất thị xã, vì bộ phận chỉ huy thành quyết định rút dù chưa có lệnh mặt trận (chỗ này cần xác định thêm), đã đập bàn quát và ra lệnh chiếm lại thị xã [tôi còn nhớ những tờ truyền đơn của ta ở mặt trận nói: Bộ chính trị, quân ủy trung ương chỉ thị ... phải quyết giữ thị xã Quảng Trị bằng mọi giá]). Tôi được giao việc này cùng một trinh sát e95. Biết là khó nên đây là lần duy nhất chúng tôi qua sông điều tra không mang súng, chỉ một quần đùi, thắt lưng đeo con dao găm và một lựu đạn với lệnh không được để bị bắt sống. Bọ Luyến lấy hộp thịt còn lại cất dưới đáy ba lô mang ra cho ăn.
...


Tôi cho rằng đây là tướng Trần Quý Hai, TLT xem lại có đúng không ? Ông này là người gắn bó với Trị Thiên và 325 suốt từ hồi đánh Pháp cho đến thời chúng mình.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #65 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2011, 08:08:17 pm »

Nhất trí nhất trí, tướng Trần Quý Hai.
Mình nhớ lõm bõm lại không kiểm tra kỹ.
Logged
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #66 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2011, 08:22:28 pm »

Mình nhờ hồi trước đọc nhiều bài viết về các tướng trong QSVN, nhưng bây giờ không nhớ ở đâu.
Trên wikipedia có ít dòng về tướng Trần Quý  Hai:

http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_Qu%C3%BD_Hai
Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #67 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2011, 11:14:47 pm »

.
CHUYỆN XVI     TRÀ LIÊN TÂY   (tiếp 18)

      Đầu tháng  11/1972. Đã là tháng rưỡi kể từ ngày “mất thành”. Địch bí mật vượt sông Thạch Hãn. Chính tên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 hay tiểu đoàn 9 Thủy quân lục chiến chỉ huy dẫn quân vượt sông. Tất cả các đài quan sát của c20 ở gần bờ Thạch Hãn đều quan sát ngày đêm động tĩnh của địch bên kia sông, đếm tất cả số lượng pháo mà địch bắn tại mọi điểm để báo cáo cho ban 2. Đó là công việc thường ngày của họ.

      Về phía địch, chúng chọn chỗ vượt sông ở đoạn Thành Cổ Quảng Trị. Hai đại đội tăng cường với đầy đủ trang bị, vượt sông bí mật vào ban đêm. Không biết chúng vượt sông trong một đêm hay mấy đêm. Sở dĩ chúng chọn đoạn này vì chỗ đó lòng sông hẹp, phía địch, bờ đông là bờ lở, rất cao. Các hầm chốt kiên cố của địch dày đặc ở đó có thể dễ dàng không chế toàn bộ mặt sông và bờ phía tây. Địch bố trí nhiều xe tăng, dàn hàng ngang ở bờ sông để dùng hỏa lực mạnh bắn thẳng của xe tăng không chế toàn bộ các chốt của ta ở bờ tây.

      Bên ta ở bờ tây, sát bờ là bãi cát với địa hình thấp và trống trải nên các chốt của ta phải lùi sâu về phía sau một đoạn khá xa. Ta cũng dễ dàng khống chế bãi trống thấp ở phía trước.

      Vấn đề đối với thủy quân lục chiến là bí mật. Và chúng đã làm được điều đó. Hai đại đội địch đã vượt sông và đào công sự cá nhân trong đêm rất bí mật. Ban ngày chúng nằm im bất động. Chắc hẳn đến giờ nào đó theo hợp đồng tác chiến, địch sẽ ồ ạt bắn pháo, ném bom, dùng pháo tăng bắn thẳng. Chúng sẽ đánh tan các chốt của ta bằng hỏa lực rồi lính thủy đánh bộ tràn lên chiếm lĩnh trận địa của ta. Khi có được đầu cầu, xe tăng và xe lội nước cùng lực lượng lớn hơn ở phía sau sẽ vượt sông. Lực lượng đột kích mạnh của thiết giáp sẽ chọc sâu và triển khai đánh vào sau lưng các vị trí tiền tiêu của ta.

     Bên ta, không phát hiện được động tĩnh gì của địch cho đến ngày 31-10-72. Lúc đó, đài quan sát do anh Thời chỉ huy ở khá gần vị trí vượt sông của địch. Không may cho chúng là mấy lính trinh sát mắt tinh đã phát hiện ra có dấu hiệu khả nghi. Hai ống nhòm dương lên dò xét từng mét đất, từng bụi cỏ nơi khả nghi và đi đến kết luận rằng, cỏ ở khu vực này có vẻ hơi héo hơn các khu vực xung quanh. Soi cẩn thận hơn thì phát hiện ra có dấu vết mới của cỏ và đất cát. Anh Thời quyết định báo cáo với ban 2 là địch đã vượt sông sang khu vực bãi cát Nhan Biều 1 và đã đào hố cá nhân, ẩn nấp kín vào ban ngày. Đề nghị sư đoàn cho triển khai đánh địch.

      Mãi đến bây giờ khi nghe chuyện anh Thời kể lại, tôi mới biết rằng trinh sát chúng tôi là những người đầu tiên phát hiện ra địch vượt sông và chuẩn bị tấn công ta.

     Khu vực chốt giữ của ta ở đây là tiểu đoàn 8, trung đoàn 18 sư đoàn chúng tôi. Sau này tất cả các tài liệu nói về trận đánh diễn ra ngày 02 và 03/11/1972 đều nói rằng ngày 01/11/1972, Bộ Tư Lệnh Mặt Trận B5 thông báo: “Địch có ý định vượt sông Thạch Hãn tấn công Nhan Biều, Ái Tử”.

      Chúng tôi vẫn biết Bộ Tư Lệnh Mặt Trận B5 có nhiều nguồn tin, đặc biệt là của trinh sát kỹ thuật (lực lượng trinh sát kỹ thuật chuyên nghe lén thông tin vô tuyến của địch, sau đó phòng quân báo phân tích và phán đoán tình hình cùng với thông tin từ trinh sát mặt đất).  Trận đánh tiêu diệt hai đại đội thủy quân lục chiến và nhiều xe tăng,  . . . sau đó là một mẫu mực về phòng ngự và đánh địch. Từ đó địch không còn dám có ý đồ vượt sông tấn công nữa.

      Mọi chuyện đã qua lâu rồi, chiến thắng là chiến thắng chung, chẳng cần phải kể công rành mạch làm gì. Bây giờ nói lại để biết những đóng góp thầm lặng của các chiến sỹ trinh sát, đã không một lần được nhắc đến.

      Dưới đây tôi xin trích dẫn một đoạn trong bài viết của bác Nguyễn Đức Huy, trung đoàn trưởng e18/f325 lúc đó:

“Cuối tháng 10-1972, sau khi chiếm được Thành cổ Quảng Trị, quân địch tiếp tục vượt sông Thạch Hãn đánh chiếm tiếp Ái Tử, Đông Hà nhằm khôi phục lại tuyến phòng thủ đường 9 như trước ngày 30-3-1972.
Phía ta, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 sau khi rút khỏi thị xã, được giao nhiệm vụ tổ chức phòng ngự bắc sông Thạch Hãn, khu vực đối diện với Thành cổ Quảng Trị. Chính diện trận địa phòng ngự khoảng 5km, chiều sâu hơn 4km, bao gồm các làng Trung Kiên, Nhan Biều 1, 2, 3, các cao điểm 20, 21, làng Ái Tử, sân bay Ái Tử, Xuân An.

Ngày 1-11-1972, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 thông báo: Địch có  ý định vượt sông Thạch Hãn tấn công Nhan Biều, Ái Tử. Trung đoàn lệnh cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, đồng thời cử đồng chí Lâm, Trung đoàn phó xuống tăng cường chỉ huy tiểu đoàn 8 trên hướng phòng ngự chủ yếu của Trung đoàn. Đêm hôm đó trời mưa, rét, rất tối, 4 giờ sáng 2-11-1972, Trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Huy đi kiểm tra tình hình các đơn vị. Tiểu đoàn 8 báo cáo không có gì xảy ra, nhưng khoảng 30 phút sau, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8 báo cáo gấp có khoảng 2 đại đội địch bí mật  vượt sông sang chiếm bãi cát Nhan Biều 1, trước khu vực chính diện của đại đội 5 và đại đội 7.  Đây là tình huống bất ngờ, trung đoàn trưởng lệnh cho kiểm tra lại thì được biết địch bí mật vượt sông khoảng 1 giờ ngày 2-11-1972. Trung đội của đồng chí Thiều Chí Đinh phát hiện được nhưng nghĩ là quân thám báo, nên chỉ cử 1 tổ ra đánh và không báo cáo với tiểu đoàn. Nhưng thực tế, địch đã đưa được 2 đại đội và cơ quan chỉ huy tiểu đoàn 6 thuỷ quân lục chiến qua sông, chiếm toàn bộ bãi cát trước mặt thôn Nhan Biều 1 (dài khoảng 300m), có  nơi chúng vào sâu chỉ cách đường số 1 khoảng 50m- 60m, mở đầu cuộc hành quân mang tên "Sóng thần 9".

Ban chỉ huy trung đoàn hội ý nhanh và nhận định đây là lực lượng đi đầu đánh chiếm đầu cầu, tiếp theo sẽ là lực lượng chủ lực sang tiếp ứng để tiến công Nhan Biều 1 và Ái Tử. Vì vậy, Trung đoàn lệnh cho tiểu đoàn 8 phải kiên quyết chiến đấu không để địch chiếm được đường số 1. Đặc biệt là trung đội của Thiều Chí Đinh phải giữ  bằng được khu lô cốt, dùng hoả lực chặn không cho địch vượt sông; các đơn vị còn lại triển khai chiến đấu theo kế hoạch.  

Mờ sáng ngày 2-11-1972, pháo địch từ các trận địa trong thị xã Quảng Trị, La Vang, Hải Lăng bắn hàng trăm quả vào trận địa phòng ngự của 2 tiểu đoàn 8, 9. Cùng lúc, hàng chục máy bay phản lực đánh bom vào thôn Nhan Biều 1 và Ái Tử, các cao điểm 20, 21, sân bay  Ái Tử. Máy bay B52 được điều tới ném bom rải thảm 2 đợt vào trận địa  phía sau của trung đoàn.

Được chi viện hoả lực mạnh của pháo binh và không quân,  khoảng hơn 7giờ, địch tổ chức tiến công trên 2 hướng: một hướng tập trung đánh chiếm chốt lô cốt do trung đội của Thiều Chí Đinh phụ trách; một hướng (chừng một đại đội) chia làm 2 mũi đánh vào đại đội 5. Bộ đội ta dựa vào các công sự đã chuẩn bị, chờ địch vào thật gần tới 20m - 30m mới nổ súng. Cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt, đặc biệt ở khu vực lô cốt địch cố chiếm bằng được. Nếu chiếm được nơi đây sẽ là bàn đạp tiến công vào đường số 1 và bảo đảm cho lực lượng tiếp tục vượt sông thuận lợi. Bộ đội ta chiến đấu rất ngoan cường, súng cối 60, cối 82 ly bắn trực tiếp vào đội hình địch trên bãi cát; cối 160 ly, hoả tiễn BM14 đánh trúng đội hình tập kết ở bờ nam sông, nên địch không thể vượt sông sang tiếp ứng. Sau chừng 30 phút tiến công, địch bị thiệt hại nặng, phải lui về phía bãi cát và mép sông để củng cố, đồng thời yêu cầu pháo binh, kể cả pháo hạm Mỹ bắn mãnh liệt vào trận địa của ta.

Gần 9 giờ, địch lại tổ chức tiếp đợt tiến công nhưng bị bẻ gãy. Khoảng 10 giờ, Trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Huy xuống thôn Nhan Biều 1 gặp tiểu đoàn phó tiểu đoàn 8 Trần Minh Thiệt nắm tình hình và giao nhiệm vụ tổ chức phản kích tiêu diệt toàn bộ quân địch đã vượt sông.

Thời gian tổ chức hoả lực chuẩn bị cho phản kích là 15 phút. Trong thời gian đó, cối 60 ly, cối 82 ly bắn trực tiếp vào đội hình địch ở phía trước, 2 đại đội cối 120 ly bắn chặn địch ở mép sông sang ứng cứu. Tiểu đoàn ĐKB bắn vào thị xã. Pháo binh của mặt trận và sư đoàn chế áp các trận địa pháo của địch, súng 12,7 ly và cao xạ khống chế máy bay địch, bảo đảm cho đội hình phản kích. Xe tăng ở trận địa dự bị nổ máy thật to để uy hiếp địch.

Sau 15 phút hoả lực chuẩn bị, nhiều tên địch đã bị tiêu diệt, đại đội 5 và đại đội 7 đồng loạt xung phong. Quân địch chống trả quyết liệt, chỉ còn chừng 30-40 tên chạy ra mép sông, lợi dụng địa hình để co cụm chống cự. Một số tên nhảy xuống sông định chạy về thị xã. Lúc này hoả lực pháo binh địch cũng bắn mạnh vào đội hình xung phong của ta làm một số bị thương vong. Để hạn chế tổn thất, bộ đội ta lui về trận địa phòng ngự.

Sáng 3-11-1972 ta sử dụng cối 82 ly, cối 60 ly chi viện cho lực lượng của đại đội 5 và đại đội 7 thực hành phản kích tiêu diệt nốt số quân địch co cụm.

Sau 2 ngày chiến đấu, ta đã diệt gọn 2 đại đội và cơ quan chỉ huy tiểu đoàn 6 thuỷ quân lục chiến, trong đó có cả tên thiếu tá tiểu đoàn trưởng, thu rất nhiều vũ khí, trang bị, đánh thiệt hại nặng 2 đại đội ở nam sông Thạch Hãn.

Trong trận đánh này, ta bị hy sinh 7 đồng chí (có 1 chính trị viên đại đội, 1 trung đội trưởng), bị thương 13 đồng chí.

Điều đáng nói, với chiến thắng này, ta đã bẻ gãy hoàn toàn cuộc hành quân mang tên "Sóng thần 9" của địch. Sau chiến thắng, bộ tư lệnh mặt trận B5 đánh giá: "Đây là trận chiến đấu phòng ngự xuất sắc nhất, mở ra kinh nghiệm đánh tiêu diệt gọn bằng sức mạnh hiệp đồng trong phòng ngự". Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện khen và đánh giá: "Trận chiến đấu phòng ngự của trung đoàn 18 thắng lợi, đã góp phần đánh bại ý chí của địch phản công lấy lại vùng đất đã mất sau 30-3-1972 tại bắc Quảng Trị". Với chiến công này, Trung đoàn 18 đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Nhân kỷ niệm 33 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, để ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ và nhân dân địa phương xã Nhan Biều, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), Sư đoàn 325 đã làm thủ tục đề nghị xây dựng một bia tưởng niệm nhằm tôn vinh, lưu giữ và giáo dục truyền thống, đáp ứng nguyện vọng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ sư đoàn. Địa điểm xây dựng ở khu vực xã Nhan Biều.


Nguyễn Đức Huy


      Tôi cũng có nhiều tài liệu khác nói về trận đánh này. Địch bỏ lại 120 xác chết, bị bắt 1 tên. Ta phá 5 thuyền, bắn cháy 5 xe tăng, xe bọc thép, 8 ô tô (ở bên kia sông). Thu hàng trăm súng, . . . (Theo Ban Liên Lạc Truyền Thống Bạn Chiến Đấu Bảo Vệ Thành Cổ Quảng Trị Hè 1972).
 
     Anh Thời kể lại, vì phát hiện được địch vượt sông chuẩn bị tấn công nên tha cho anh tội chống lệnh. Gọi là có công chuộc tội – “coi như hòa”.

. . . (còn nữa)
Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #68 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2011, 11:21:06 am »

.
CHUYỆN XVI     TRÀ LIÊN TÂY   (tiếp 18)

     ...      Mọi chuyện đã qua lâu rồi, chiến thắng là chiến thắng chung, chẳng cần phải kể công rành mạch làm gì. Bây giờ nói lại để biết những đóng góp thầm lặng của các chiến sỹ trinh sát, đã không một lần được nhắc đến.

      . . . (còn nữa)


Thực tế đầu năm 1973 có hội nghị tổng kết chiến dịch 1972 của Sư, c20 đóng góp nhiều công cho tổng kết chiến dịch cũng như các bản đồ, sơ đồ...lúc ấy đánh giá về trận Nhan Biều như thế nào là chính xác nhất vì còn nóng hổi của sự kiện cũng như những người trong cuộc còn đó. Còn cuốn Sử 325 chỉ vài dòng khiêm tốn về trận này:

... Thực hiện mưu đồ đó, đầu tháng 11, sư đoàn lính thủy đánh bộ ngụy đưa tiểu đoàn 6 - đơn vị nổi tiếng là “thiện chiến nhất” của sư đoàn này sang tập bàn đạp trên bờ tây-bắc sông Thạch Hãn (khu vực giữa Xuân An và Nham Biều).

Địch xảo quyệt lợi dụng một đêm mưa gió và tối trời để hành động, nhưng vẫn không qua nổi những cặp mắt cảnh giác tinh tường của chiến sĩ trung đoàn 18. Ngay khi những tốp binh lính địch đầu tiên vừa mò sang bờ tây-bắc Thạch Hãn, chúng đã bị các chiến sĩ ta trên trận địa chốt tiền tiêu làng Nham Biều dưới sự chi huy của phó đại đội trưởng Điềm và trung đội trưởng Thiều Chí Định chặn đánh quyết liệt.

Ngày 3 tháng 11, được pháo binh mặt trận và hỏa lực xe tăng chi viện, các chiến sĩ tiểu đoàn 8 trung đoàn 18 dũng mãnh xuất kích tiêu diệt gọn toàn bộ hai đại đội địch đang co cụm, cố thủ ở khu vực bờ tâỳ-bắc sông Thạch Hãn và đánh thiệt hại nặng hai đại đội khác đang dùng xuồng máy sang tiếp viện cho đồng bọn. Tên thiếu tá Nghĩa, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn lính thủy đánh bộ bi giết tại trận.

Chiến thắng ngày 3 tháng 11 của trung đoàn 18 thể hiện nổi bật sức mạnh chiến đấu mới của lực lượng ta, làm tiêu tan tham vọng của Mỹ - ngụy định tiếp tục lấn chiếm các huyện phía bắc tỉnh Quàng Trị, khôi phục lại “phòng tuyến đường 9”. Bộ tư lệnh chiến dịch đánh giá đây là trận đánh xuất sắc mở ra kinh nghiệm đánh tiêu diệt gọn bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng trong chiến đấu phòng ngự1. Trung đoàn 18 vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen ngợi và được tặng thưởng huân chương Chiến công hạng nhất.
  

file:///C:/DOCUME~1/ADMINI~1/LOCALS~1/Temp/Su%20doan%20325%20-%20Tap%202.htm

Có thể trong cuốn sử này, những người viết không lấy tài liệu của Hội nghị tổng kết năm 1973 mà lấy theo tài liệu của một số nhân vật tham chiến ngày đó về sau trở thành những sĩ quan cao cấp của sư đoàn, QĐ...

« Sửa lần cuối: 03 Tháng Tư, 2011, 08:45:36 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #69 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2011, 11:54:00 am »


...

Địch xảo quyệt lợi dụng một đêm mưa gió và tối trời để hành động, nhưng vẫn không qua nổi những cặp mắt cảnh giác tinh tường của chiến sĩ trung đoàn 18. Ngay khi những tốp binh lính địch đầu tiên vừa mò sang bờ tây-bắc Thạch Hãn, chúng đã bị các chiến sĩ ta trên trận địa chốt tiền tiêu làng Nham Biều dưới sự chi huy của phó đại đội trưởng Điềm và trung đội trưởng Thiều Chí Định chặn đánh quyết liệt.


Có thể trong cuốn sử này, những người viết không lấy tài liệu của Hội nghị tổng kết năm 1973 mà lấy theo tà liệu của một số nhân vật tham chiến ngày đó về sau trở thành những sĩ quan cao cấp của sư đoàn, QĐ...


      Bác LeXuanTuong xem lại kỹ bài của trung đoàn trưởng e18 bấy giờ. 4 giờ sáng ngày 2/11/1972, ông đi kiểm tra tiểu đoàn 8, vẫn được báo cáo là không có gì mặc dù đã nhận được trên thông báo.

     Thường anh em mình kể chuyện lại trận đánh, lúc đó cũng là cán bộ nhỏ, không biết hết tình hình. Anh em viết những gì mình biết, thế là tốt rồi.

     Khi tôi viết về anh Thời, tôi cũng chỉ nói là anh Thời báo cáo lên từ ngày 31/10/72. Còn Bộ Tư Lệnh Mặt Trận thông báo xuống cho e18 có phải dựa hoàn toàn vào báo cáo của anh Thời không thì tôi không dám khẳng định vì mình không biết.

      Cảm ơn bác LeXuanTuong đã trao đổi !

      
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM