Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 07:27:48 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt (Phần 3)  (Đọc 339223 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #40 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2011, 08:14:58 am »

Chuột làm lông sạch, trắng nõn, mổ bụng, vứt ruột rồi cho vào nồi luộc. Luộc xong, banh phẳng ra, đặt vào giữa hai tấm ván mà ép với lá chanh. Ép chừng một tiếng, cho ráo nước rồi chặt miếng cho lên đĩa (nắp xong). Món này chấm muối tiêu ớt. Sơi, . . . chắc cũng được. Món chuột chiên giòn có vẻ hay hơn. Chuột làm sạch, banh ra tẩm lá chanh, muối, ớt, tiêu (lúc đó chỉ có thế, giá như bây giờ thì đủ các thứ gia vị hành, tỏi, húng lìu, giềng, xả, . . .), rồi cho vào chảo có mỡ rán vàng sậm lên, bốc mùi thơm như chả nướng vậy. Vì là lần đầu tiên nhìn thấy món chuột nên tôi vẫn có cảm giác hơi ghê ghê, chỉ dám nếm một tý món chiên sau khi được động viên, chào mời mấy lần
------------    
      
       Bác TTNL như vậy là không được thưởng thức hết cái ngon của món thịt chuột đồng rồi. Tuyệt nhất là những con chuột đồng vào mùa gặt (béo núc) xả ra nấu món giả cầy thì hao rượu nút lá chuối lắm bác ơi. Thứ nhì mới đến món rán hoặc nướng. Còn món luộc ép lá chanh chỉ đứng hàng thứ ba.

        Mà thịt chuột thiếu gia vị thì kém ngon. Nhất là lá chanh, sau mới đến riềng xả. Người không ăn cay thì chả cần ớt bác ạ. Mà đồ chấm chỉ có muối giả nhỏ, chớ có chấm mắm mà khắm lắm.

         Ở Hưng yên hay Bắc ninh (đất chuột) một cân thịt gà đổi 3 cân thịt chuột đấy bác ạ.
Bác TTNL, nói đến thịt chuột thì tôi phải nhắc lại quãng thời gian chốt tại Vân Hòa, An Lộng tháng 7/1973 mà mình đã nói trong Ngược dòng ký ức

Thằng H toét làm a trưởng a tôi người Nghĩa Hưng, Nam Định là quân bổ sung từ tiểu đoàn 38 Nam Hà vào đơn vị sau trận Cửa Việt. Tiểu đoàn này bao gồm anh em mới nhập ngũ và có 1 số thu dung trong đó có không ít là đảo lạc ngũ. H là a trưởng có biệt tài làm bẫy chuột: bẫy sập và bẫy kẹp. Bẫy sập có 2 viên táp-lô nặng khoảng trên chục kg, chuột dính đòn chỉ có bẹp đầu. Đã 1 lần d trưởng Dương đi kiểm tra chốt đạp phải bẫy đè vào chân ngã xuống thì 1 bàn tay lại dính vào  bẫy khác. Thủ trưởng đau quá, chửi toáng lên, may không bị què (thủ trưởng Dương hy sinh tại Long Thành, hiện đang an nghỉ tại NTLS Long Thành, Đồng Nai). Đêm nào cũng bẫy được hơn chục con chuột, anh em phải hì hục làm thịt luôn trong đêm sợ để hôm sau bị ôi vì trời nóng quá. Gia vị làm gì có chanh, tiêu chỉ có ớt, giềng, sả và củ ném mà thôi. Thời kỳ đó thịt chuột ăn mệt nghỉ đến phát chán, nhưng cũng cái may là có nó nếu không chẳng có gì mà ăn. Mỗi ngày cả trung đội chỉ có 1 hộp thịt nấu thành canh lõng bõng toàn nước như thế mà rau cũng chỉ loáng thoáng.

H toét là a trưởng lại có tài đan võng nữa, một lần nó kiếm đâu ra 1 quả đạn khói có hỏi tôi làm thế nào để lấy thuốc để nhuộm. Nào tôi có biết gì đâu nhưng được cái hình như anh em coi tôi là biết nhiều thứ nhưng tôi cũng đáp liều: tao thấy tụi bên Ái Tử đốt thuốc để lấy tro nhuộm võng. Tôi là 1 thằng bố láo mới xui nó mang thuốc đạn khói ra bãi trống phía trước nhà c bộ để đốt: mày đốt ở đây có khói lên nhỡ địch giở quẻ pháo kích vào thì chỉ vào bãi đất trống chứ không vào hầm anh em mình.Nó không nói gì, mấy hôm sau vào buổi trưa nó lẳng lặng mang quả đạn khói ra đốt, chẳng may cho nó vào mùa này gió Tây thổi rất mạnh bao nhiêu khói tạt hết vào c bộ, ông Khảm c trưởng chạy ra chửi toáng lên và phát hiện ra nó đang ngồi hóng chờ lấy tro. Bố ấy đá tung cả bếp vả bảo: mày ăn gì mà ngu thế, đứa nào xui...Nó lắp bắp thằng Tường...- Nó bảo mày ăn c. mày cũng ăn à

Tuy khéo tay nhưng H lại là 1 tay nhát chết, chúng tôi đã chứng kiến mấy lần trong chốt khi nghe tiếng lạch cạch bên kia hàng rào hay tiếng tụi lính địch hò hét thì nó lao rất nhanh vào hầm, mặt mày nhớn nha nhớn nhác. Điệu bộ đấy ở tiểu đội là không thể chấp nhận được vì có 5 thằng thì 3 thằng là Bình , Bình trố và tôi lại là những thằng còn xót lại trong những trận chiến 1972.
http://www.quansuvn.net/index.php/topic,17230.370.html
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #41 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2011, 06:17:02 pm »

.
CHUYỆN XVI     TRÀ LIÊN TÂY   (tiếp 9)

      Lụt làng Trà là chuyện thường niên. Dân làng đã quen, chỉ có đơn vị 20 là không biết trước. Nước sông ngập tràn, đỏ quạch phù sa. Chẳng kiếm đâu ra nước sạch để nấu ăn và nấu nước uống. Dân làng Trà không ai làm nghề chài lưới, thế mà những ngày lụt thỉnh thoảng thấy có người bơi thuyền đi trên đường làng. Chúng tôi hiểu ra rằng chuyện này là bình thường ở đây. Vậy phải có cách lấy nước sạch chứ. Quả vậy, nhà dân đều có đồ trữ nước sạch, nước lên đến đâu, họ khênh nước lên đến đó. Vài ngày đầu chúng tôi còn xin nước sạch của dân nhưng mấy hôm sau, không dám xin nữa vì họ cũng chỉ tích nước để đủ dùng. Nhưng dân lại cho bộ đội phèn để về đánh nước. Phèn chua giã nhỏ, thả vào nước, khuấy mạnh. Phèn tan trong nước tạo thành keo, cuốn theo các hạt đất phù sa, rồi lắng xuống. Đợi một lúc là có nước tương dối trong có thể làm nước nấu ăn được. Tốt chán ! Lính tráng chúng tôi, ai chẳng đã từng uống nước sống dưới hố bom, hố pháo. Chuyện dùng nước hố bom đến cạn đáy mà thấy xác chiến sỹ đơn vị nào đó hay xác lính địch cũng không phải là chuyện hiếm.

      Đọc “Nhật Ký Viết Lại” của SauChiBayMot mới biết thời điểm làng Trà bị lụt năm 73 là đầu tháng 7. Lúc đó, 6971 và tôi đang biệt phái sang lớp binh địa của sư đoàn. Chắc hẳn những ngày lụt lội, 6971 và tôi đều về tiểu đội của mình nên mới có chuyện tôi đi vớt củi cho tiểu đội và được nếm thịt chuột.

      Nước rút đến đâu chúng tôi khoắng nước phù sa và quét ra ngoài đến đó, từ trong nhà ra đến thềm rồi xuống sân. Nước rút, lại hết những ngày vui chơi thoải mái. Tôi lại trở về lớp binh địa.

      Chuyện tổ chức lớp học binh địa thì bác 6971 đã kể rồi. Nghĩ lại thấy, hồi đó chúng tôi cũng hăng. Bác 6971 và tôi thay nhau lên lớp lý thuyết, bắt đầu từ ống nhòm, địa bàn, rồi bản đồ. Tôi còn nhớ, tôi phải lên lớp về bản đồ. Nói thực, dùng thì được chứ phải lên lớp bài bản lại là chuyện khác. Rất may chúng tôi được sư đoàn cho mượn tài liệu “Binh yếu địa chí”, sách in hẳn hoi và khá dầy. Chúng tôi đã được học ở d74, đã sử dụng bản đồ khá nhiều, nhưng phải dạy, phải đọc lại, mới thấm, từ cách chia mảnh bản đồ, cách ký hiệu mảnh trên bản đồ, lưới tọa độ, độ lệch của hướng bắc bản đồ so với hướng bắc của địa bàn. Thế mà F48 là gì bây giờ lại quên sạch sẽ rồi.

      Hai thằng 6971 và tôi bắt mình phải cố gắng đã đành lại còn “hành” anh em ra phết. Có 4 tiểu đội của lớp binh địa, cũng bày đặt trực ban, luân phiên các tiểu đội trưởng. Hàng ngày trung đội tập hợp thì trực ban phải điều hành trung đội. Sau khi tập hợp xong, các tiểu đội báo cáo quân số cho trực ban. Trực ban hô anh em “Nghiêm” rồi báo cáo “ Báo cáo đồng chí giáo viên, trung đội có mặt đầy đủ. Xin mời đồng chí làm việc !” Sau mỗi buổi lên lớp, trực ban lại hô anh em “nghiêm” và báo cáo giáo viên cho nghỉ. – Oai quá !  Lúc đó tôi thấy chuyện đó cũng bình thường nhưng có vẻ như không phải là hai thằng tôi tự nghĩ ra cái kiểu như ở trường sỹ quan “luộc quân” như thế mà phải do đại trưởng Ngơi dạy dỗ rồi.

     Thế nhưng hai thằng cũng bắt mọi người phải làm mỗi người một cái giá vẽ cơ động. Trông học viên binh địa đi vẽ trên thực địa cứ như là những sinh viên trường ĐH Mỹ Thuật. Cũng có kế hoạch giảng dạy,chia lịch học tập lý thuyết, thực hành, cũng vẽ dã ngoại, căn cứ địch này nọ, cũng tập sử dụng bản đồ ban ngày, ban đêm, bắt chước như hồi chúng tôi học ở d74. Bài vẽ phải nộp cho giáo viên, bốn thằng giáo viên chia nhau mà chấm.

      Tôi đi công tác miền đông trong thời gian lớp binh địa. Vừa về đến nhà thì xảy ra vụ “nổ bom nguyên tử” do học viên lớp binh địa gây ra. Lúc đó, tôi là người ngoài cuộc lại biết rất rõ ai là thủ phạm. Nhưng tôi hoàn toàn không biết đại đội lại tìm ra một thủ phạm khác cho đến khi đọc “Nhật Ký Viết Lại” của 6971 kể lại trên Quân Sử (Trong “Nhật Ký Viết Lại” đã in thành sách không nói rõ chuyện này). Thủ phạm thực sự là Chinh. Thấy bác 6971 nói lại là Chinh đã kể là đốt liều phóng gần đống đầu đạn 175. Đống đầu đạn ở trận địa pháo Ái tử thì nhiều người biết. Tôi cũng biết đống đạn đó. Chiều hôm bị nổ, tôi được anh em đi vẽ về kể lại. Chinh nó dựng ngược một quả đạn pháo lên và gày mãi thuốc đạn mới cháy. Thuốc nổ TNT đốt cháy không phải dễ, phải đủ nóng và đủ lâu nó mới cháy và cũng cháy bình thường thôi chứ không mãnh liệt lắm. Sau khi cháy mấy đứa còn thưởng thức chán rồi mới bỏ đi. Thật tệ là, trước khi bỏ đi, có một đứa đạp đổ quả đạn pháo. Ai đạp đổ quả pháo cháy đó thì không thấy ai nói mà tôi cũng không hỏi. Pháo cháy làm cháy lan sang đám cỏ và khi mọi người đã đi một đoạn xa nó mới cháy vào đến đống đạn. Chắc hẳn trong đó có ngòi nổ (ngòi nổ pháo, trước khi bắn mới lắp vào đạn).

      Bác 6971 bảo, Chinh nó đốt liều phóng là không phải đâu. Liều phóng thì chỉ xoẹt một cái là đi hết. Người đốt không cẩn thận thì cháy xém mặt mũi, lông mày, lông mi đi sạch, tóc cháy quăn vàng như châu Phi ngay. Cháy xoẹt như thế mà phun vào chỗ có ngòi nổ thì không ai còn kịp chạy nữa. Thế thì gần bốn mươi năm nay làm gì còn “Chinh Lốp”.

. . . (còn nữa)
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #42 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2011, 10:06:42 pm »

.
CHUYỆN XVI     TRÀ LIÊN TÂY   (tiếp 10)

      Hôm đại đội đi lấy củi, khoán mỗi người 30 cân củi trong một ngày. Mọi người tỏa đi khắp nơi để kiếm củi. Dễ nhất vẫn là ra sân bay Ái Tử kiếm những mảnh gỗ hay cây cọc còn xót lại. Cột điện bằng gỗ thông ngâm hắc ín ở căn cứ Ái Tử đã được cưa hết về xẻ ra làm nhà và làm hầm rồi. Những cái cột đã cưa hay chặt để lấy phần trên, bây giờ còn đoạn ngắn thì phải bổ, thậm chí phải đào.
      Nhớ lại, những cây cột rất to và rất cao cũng được cưa và để nguyên cây về làm cột cho hội trường của sư đoàn. Hội trường sư đoàn làm rất to, nóc nhà cao đến bảy, tám mét, cột đen xì. Mái hội trường được lợp tôn cũng được lấy từ căn cứ Ái Tử. Một cái hội trường rất rộng, hoàng tráng. Khi khánh thành, mọi người đều rất phấn khởi. Chưa bao giờ sư đoàn có cái hội trường to như vậy. Đại hội “Chiến Sỹ Quyết Thắng” toàn sư đoàn cũng họp được đủ trong hội trường.

      Đến mùa mưa lũ bắt đều có chuyện. Các thủ trưởng đang họp thì mưa rào đổ xuống, ầm ầm trên mái tôn như hàng trăm chiếc thùng rỗng cùng khua lên một lúc, không còn nghe thấy gì nữa. Thế là những đơn vị trực thuộc phải lăn ra cắt và đánh tranh. Sư đoàn cũng khoán cho đại đội tôi một số lượng tranh khá nhiều. Tranh nộp lên phải đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, chiều dài 2 mét, đánh dầy và phải là tranh già và dài. Được cái, chúng tôi đã từng đánh tranh làm nhà cho Chính Phủ rồi nên về kỹ thuật không khó. Nhưng chúng tôi ở Trà Liên rất xa nơi có cỏ tranh. Đại đội tôi lại khoán tiếp xuống chúng tôi. Cha con phải dắt díu nhau đi rất xa để cắt tranh rồi kiũ kịt gánh về.
      Mái hội trường lợp tranh không còn bị mưa làm ồn nữa mà lại mát. Những tưởng thế là xong. Ai ngờ, một ngày bão đến làm tốc hết mái. Lại phải đánh tranh bổ xung. Rồi ai đó nghĩ ra việc chống tốc mái bằng lưới chống B40. Vậy là phải đi kiếm lưới nộp lên. Tất cả những việc đó tiểu đoàn công binh phải làm. Chúng tôi chỉ là những người đóng góp nguyên vật liệu.

      Trở lại chuyện lấy củi. Riêng tiểu đội tôi, cứ việc cưa đám gỗ mà thằng Thìn và tôi vớt hôm lũ cũng được vài lần cho cả tiểu đội. Thằng Thìn và tôi không phải làm gì. Kệ chúng nó làm thế nào với nhà bếp thì làm. Nhà bếp mà kêu củi to quá thì chúng nó phải bổ ra. Nếu lựa đến lúc thằng anh nuôi nào dễ tính mà nộp ào đi thì thoát. Hai thằng tôi qua đò sang chợ Thuận chơi.

      Trước khi về c20, thằng Thìn là lính 12 ly 7 của tiểu đoàn 1. Ở khu miềm đông ác liệt này hồi đó nó đã từng lăn lóc, may mà không dính miểng nào.Nhưng nó lại dính bom bi ở Quất Xá khi đã về đại đội tôi. Nó dính đúng một viên. Viên bi xuyên vào đùi nó từ phía sau. Nó cũng chảng phải đi viện hay băng bó gì và vẫn làm việc bình thường.

      Rồi một hôm chúng tôi đang tắm ở sông Thạch Hãn (ở làng Trà). Thằng Thìn thấy ngứa ngứa ở chân nên thò tay gãi. Nó gãi bật cả da và gẩy ra được viên bi ở phía trước đùi để lại một lỗ hình cầu đúng khuôn của viên bi. Không chảy máu chút nào vì cái lỗ đó đều có da non phủ kín hết rồi. Bi xuyên vào đùi nó ở phía sau, mà nó lại gẩy được bi ra ở phía trước. Đùi thằng Thìn là cái đùi to nhất đại đội tôi, thế mà viên bi xuyên gần qua. Không biết có phải vậy không, hay là cơ thể thấy vật lạ nên đẩy dần ra ngoài ? Về sau này thằng thìn có lúc cân nặng trên 90 ký, rất to con và cao. Nó bị bị tiểu đường, giảm ăn chất bột đi nên thụt cân xuống còn 87 ký.

      Hai thằng đi một vòng qua chợ. Cái chợ Thuận này nằm ở ngã ba đường ủa một con đường đất. Một nhánh chạy ra bờ sông Thạch hãn rồi bám theo bờ sông. Hai nhánh còn lại đều chạy vào đường 560 chạy từ thị xã Quảng Trị về Cửa Việt. Chợ Thuận nằm giã hai thôn, thôn Phúc lộc và thôn Trúc Thuận. Không biết trước kia như thế nào nhưng vào năm 73, cái chợ chỉ toàn những lều lán lụp xụp. Hàng hóa cũng rất nghèo nàn nhưng cũng có thịt, cá, rau, quả, củ. Nhiều nhất là ruốc khô, cá khô.

      Thằng Thìn và tôi dừng lại trước một lều bán tạp hóa, rất nhiều thứ lặt vặt. Thằng Thìn cúi xuống nhặt một bao thuốc lá. Bây giờ tôi không nhớ là thuốc lá gì vì hồi đó tôi không hút thuốc. Một loại tuốc lá gia công, đóng bao, có hình vẽ đơn giản bên ngoài (in lưới). Không biết có phải thuốc “Con Gà” không? Bà già rất đắt hàng và bán cũng rất đắt. Nhân lúc mấy người khác vào mua hàng, Thìn nhấc lên đặt xuống mấy bao thuốc rồi cuối cùng mới hỏi giá và trả tiền một bao. Lúc đi khỏi hàng bà già thăng Thìn móc hai bên túi quần cho tôi xem. Mỗi bên 2 bao. Thằng này nhanh thật. Tôi hỏi:

-   Ông lấy của người ta à ?
Thằng Thìn vừa cười vừa trả lời:
-   Lấy của bà bóp mà mày.

Tôi mua một cân thịt lơn mông, giá 7 đồng rồi hai thằng quay về Trà Liên.

. . . (còn nữa)
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Ba, 2011, 10:20:47 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #43 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2011, 10:34:51 pm »

.
CHUYỆN XVI     TRÀ LIÊN TÂY   (tiếp 11)

      Đang ở lớp binh địa thì tôi nhận nhiệm vụ đi tuyến miền đông. Tôi phải vẽ sơ đồ toàn tuyến miền đông, từ Bích La, An Lộng, Long Quang, Lệ Xuyên, Thanh Hội, Tám làng, Tám cát,. . . Lâu ngày quá không nhớ nổi tên các chốt của e101 mà tôi đã lên từng chốt để vẽ sơ đồ sao cho liền tuyến giữa ta và địch. Các thông tin để vẽ đều do anh em ở các chốt cung cấp.  Lúc bấy giờ đã sau ngừng bắn được nửa năm rồi nên hai bên không còn giao lưu ở nhà liên hợp như ban đầu nữa. Bên nào biết bên đó và giữ vững phần đất của mình. Có những vùng lõm, chốt của ta nằm sâu trong đất của địch và ngược lại. Bấy giờ việc thương thảo giữa hai bên để đổi những vùng lõm đã giải quyết xong. Toàn tuyến tuy “cài răng lược” nhưng bên nào ra bên ấy. Nhà liên hợp, lúc đầu còn là nơi gặp gỡ của hai bên. Bên ta thì phần lớn đưa xê viên lên đó, còn bên địch lại đưa sỹ quan tâm lý chiến lên. Chủ yếu là tuyên truyền lẫn nhau, bên nào nói hay về bên đó và tìm điểm dở của nhau để nói qua nói lại, so sánh chế độ và kêu gọi về với chính nghĩa Cách Mạng hay “hồi chánh” về với “chính nghĩa Quốc Gia”.

      Lúc mới ngừng bắn, trinh sát chúng tôi còn phải học tất cả các loại quân hàm, quân hiệu binh chủng của địch từ cấp tiểu đội đến cấp trung đoàn để đi tuyến nắm địch, . . . Loa tuyên truyền của hai bên chĩa về phía nhau, ngày đêm nói xa xả để tuyên truyền. Cả hai bên đều lấy tinh thần dân tộc ra để tuyên truyền.

      Tôi nhớ, có một khẩu hiệu rất lớn nằm ở đầu cầu Quảng Trị, ở bờ bên ta, quay dòng chữ sang phía địch ghi “Tình cốt nhục,  nghĩa đồng bào, . . .”. Loa của mình ở bờ bắc cầu Quảng Trị, công suất lớn, chĩa sang bờ bên kia, suốt ngày phát Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình ca nhạc, thời sự. Thỉnh thoảng còn có những bài kêu gọi, nhắm vào nỗi xa quê hương hay xa mẹ già, vợ dại, con thơ, . . . Tôi luồn sâu ở Hải Lăng, gần nhà thờ La Vang bên kia sông, sau lưng địch khá xa mà sáng Chủ Nhật còn được nghe ca nhạc theo yêu cầu (chuyện này tôi đã kể trong chuyện “Một Chuyến Luồn Sâu Xè Xè”).

      Chuyến đi miền đông của tôi chỉ để lại một ấn tượng, thật là khó quên. Đó là bọ chét. Khi ở làng Tám (Tám Làng), chúng tôi đi vẽ ban ngày, tối về ở nhà dân. Nhà ở làng Tám cũng như những nhà dân chài ở vùng khác, rất nhỏ và sơ sài. Nền nhà với ngoài sân hay ngoài làng, ngoài bãi như nhau cả. Toàn cát là cát. Đi trên cát lẫn với lá phi lao rụng và xác vỏ hến, vỏ ốc li ti. Nếu trời không nắng gắt thì tốt nhất là đeo dép vào xanh tuya mà đi đất. Từng bước đi trên cát, sụt xuống, rất mất sức. Giữa nắng mà đi trên cát thì rất bỏng chân, ánh  nắng lấp lóa, chói chang, rất nhức mắt.  

      Đêm đầu, mãi chúng tôi không ngủ được vì bọ chét cắn nhoay nhoáy. Nhói, nhói, hết con đốt chỗ này, lại con đốt chỗ khác. Bọ chét từ dưới đất búng lên rất cao, bám vào quần áo và vào võng, rồi luồn đi khắp nơi mà đốt. Hai thằng trinh sát chưa quen nên không biết làm cách nào mà ngủ được. Chẳng thấy dân kêu gì. Họ vẫn nằm trên giường và ngủ đều. Cuối cùng, hai thằng nghĩ ra trò mắc võng tít lên sát nóc nhà, rồi giũ sạch võng, nhảy xuống đất. Cởi hết đồ rồi vừa nhảy tưng tưng cho bọ chét nó chạy đi vừa giũ sạch lấy chiếc quần đùi, mặc vội vào rồi trèo ngay lên võng. Còn vài con nấp đâu đó thì rình cho nó cắn rồi đập chết hết. Mãi, chúng tôi mới ngủ được.

      Ở Trà Liên, một lần tôi còn quay lại hai căn cứ Cồn Tiên và Dốc Miếu để làm lại binh yếu địa chí ở đó. Lâu ngày quá không còn nhớ lại bao nhiêu. Để tôi hồi tưởng lại, sẽ kể về hai cái căn cứ quan trọng trong hệ thống hàng rào điện tử McNamara của Mỹ tại khu phi quân sự DMZ.

. . . (còn nữa)
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Ba, 2011, 10:44:52 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #44 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2011, 10:03:58 am »

.
CHUYỆN XVI     TRÀ LIÊN TÂY   (tiếp 11)

      Đang ở lớp binh địa thì tôi nhận nhiệm vụ đi tuyến miền đông. Tôi phải vẽ sơ đồ toàn tuyến miền đông, từ Bích La, An Lộng, Long Quang, Lệ Xuyên, Thanh Hội, Tám làng, Tám cát,. . . Lâu ngày quá không nhớ nổi tên các chốt của e101 mà tôi đã lên từng chốt để vẽ sơ đồ sao cho liền tuyến giữa ta và địch. Các thông tin để vẽ đều do anh em ở các chốt cung cấp.  Lúc bấy giờ đã sau ngừng bắn được nửa năm rồi nên hai bên không còn giao lưu ở nhà liên hợp như ban đầu nữa. Bên nào biết bên đó và giữ vững phần đất của mình. Có những vùng lõm, chốt của ta nằm sâu trong đất của địch và ngược lại. Bấy giờ việc thương thảo giữa hai bên để đổi những vùng lõm đã giải quyết xong. Toàn tuyến tuy “cài răng lược” nhưng bên nào ra bên ấy. Nhà liên hợp, lúc đầu còn là nơi gặp gỡ của hai bên. Bên ta thì phần lớn đưa xê viên lên đó, còn bên địch lại đưa sỹ quan tâm lý chiến lên. Chủ yếu là tuyên truyền lẫn nhau, bên nào nói hay về bên đó và tìm điểm dở của nhau để nói qua nói lại, so sánh chế độ và kêu gọi về với chính nghĩa Cách Mạng hay “hồi chánh” về với “chính nghĩa Quốc Gia”.

      Lúc mới ngừng bắn, trinh sát chúng tôi còn phải học tất cả các loại quân hàm, quân hiệu binh chủng của địch từ cấp tiểu đội đến cấp trung đoàn để đi tuyến nắm địch, . . . Loa tuyên truyền của hai bên chĩa về phía nhau, ngày đêm nói xa xả để tuyên truyền. Cả hai bên đều lấy tinh thần dân tộc ra để tuyên truyền.

      Tôi nhớ, có một khẩu hiệu rất lớn nằm ở đầu cầu Quảng Trị, ở bờ bên ta, quay dòng chữ sang phía địch ghi “Tình cốt nhục,  nghĩa đồng bào, . . .”. Loa của mình ở bờ bắc cầu Quảng Trị, công suất lớn, chĩa sang bờ bên kia, suốt ngày phát Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình ca nhạc, thời sự. Thỉnh thoảng còn có những bài kêu gọi, nhắm vào nỗi xa quê hương hay xa mẹ già, vợ dại, con thơ, . . . Tôi luồn sâu ở Hải Lăng, gần nhà thờ La Vang bên kia sông, sau lưng địch khá xa mà sáng Chủ Nhật còn được nghe ca nhạc theo yêu cầu (chuyện này tôi đã kể trong chuyện “Một Chuyến Luồn Sâu Xè Xè”).

      Chuyến đi miền đông của tôi chỉ để lại một ấn tượng, thật là khó quên. Đó là bọ chét. Khi ở làng Tám (Tám Làng), chúng tôi đi vẽ ban ngày, tối về ở nhà dân. Nhà ở làng Tám cũng như những nhà dân chài ở vùng khác, rất nhỏ và sơ sài. Nền nhà với ngoài sân hay ngoài làng, ngoài bãi như nhau cả. Toàn cát là cát. Đi trên cát lẫn với lá phi lao rụng và xác vỏ hến, vỏ ốc li ti. Nếu trời không nắng gắt thì tốt nhất là đeo dép vào xanh tuya mà đi đất. Từng bước đi trên cát, sụt xuống, rất mất sức. Giữa nắng mà đi trên cát thì rất bỏng chân, ánh  nắng lấp lóa, chói chang, rất nhức mắt.  

      Đêm đầu, mãi chúng tôi không ngủ được vì bọ chét cắn nhoay nhoáy. Nhói, nhói, hết con đốt chỗ này, lại con đốt chỗ khác. Bọ chét từ dưới đất búng lên rất cao, bám vào quần áo và vào võng, rồi luồn đi khắp nơi mà đốt. Hai thằng trinh sát chưa quen nên không biết làm cách nào mà ngủ được. Chẳng thấy dân kêu gì. Họ vẫn nằm trên giường và ngủ đều. Cuối cùng, hai thằng nghĩ ra trò mắc võng tít lên sát nóc nhà, rồi giũ sạch võng, nhảy xuống đất. Cởi hết đồ rồi vừa nhảy tưng tưng cho bọ chét nó chạy đi vừa giũ sạch lấy chiếc quần đùi, mặc vội vào rồi trèo ngay lên võng. Còn vài con nấp đâu đó thì rình cho nó cắn rồi đập chết hết. Mãi, chúng tôi mới ngủ được.

      Ở Trà Liên, một lần tôi còn quay lại hai căn cứ Cồn Tiên và Dốc Miếu để làm lại binh yếu địa chí ở đó. Lâu ngày quá không còn nhớ lại bao nhiêu. Để tôi hồi tưởng lại, sẽ kể về hai cái căn cứ quan trọng trong hệ thống hàng rào điện tử McNamara của Mỹ tại khu phi quân sự DMZ.

. . . (còn nữa)


Chuyện bọ chét ở Cửa Việt tôi đã kể trong Ngược dòng ký ức. Nói thêm là để ngủ được phải đổ nước xuống nền nhà âm hoặc nền hầm, bọ chét thấy nước là tránh liền. Nằm võng thì chịu khó dúng nước vừa chống nóng vừa chống bọ chét. Tùy từng người mà bị bọ chét cắn có bị sưng tấy và nhiễm trùng hay không, tôi thuộc loại chỉ buồn buồn nhói nhói khi bọ chét cắn , cũng may không bị nhiễm trùng và để lại sẹo. Chị em trong đoàn văn công hải quân vào Cửa Việt biểu diễn bị bọ chét cắn để lại hậu quả cũng khá. Nữ diễn viên múa ngày ấy không có quần tất như ngày nay thì phải, nên khi chị em biểu diễn nếu được hân hạnh ngồi hàng đầu sẽ chiêm ngưỡng được vẻ đẹp lấm chấm của các chân dài văn công. Thương lắm nhưng ngày xưa cũng muốn được xoa và an ủi nhưng hổng dám đâu.  
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #45 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2011, 08:17:24 pm »

.
CHUYỆN XVI     TRÀ LIÊN TÂY   (tiếp 12)

      Đêm 27/1/1973, trước giờ ngừng bắn, địch bắn pháo rất nhiều khu vực các chốt của ta dọc theo bờ biển. Trong khi đó, xe tăng của chúng bò theo mép nước xâm nhập vào tận cảng Cửa Việt. Sau ngày ngừng bắn rồi, ta mới “vi phạm hiệp định” và đánh tan thiết đoàn xe tăng này và đẩy chúng lui trở về tám Cát. Bây giờ, sát mép nước ở tám cát, ta dựng lên một hàng rào gồm rất nhiều mìn chống tăng. Đặc biệt là loại hàng rào chưa từng có. Đó là các tấm ghi sân bay chôn sâu dưới đất dầy dặc lớp lớp theo chiều sâu, chĩa tua tủa về phía địch để chống xe tăng. Không biết hiệu quả chống tăng thế nào nhưng trông thật hùng vĩ. Tôi nhìn cái hàng rào này và nghĩ chắc cũng chẳng ăn thua vì xe tăng rất nặng, nó có thể đè lên ghi và bẻ gục tấm ghi. Tuy nhiên tăng không thể tiến nhanh được dễ bị vướng phải mìn và bị các loại B bắn tỉa ngon.

      Chuyến đi miền đông của tôi chỉ còn đọng lại hai thứ là bọ chét và hàng rào chống tăng ở mép nước trên bờ biển. Một thứ hàng rào có một không hai, không theo một bài vở nào. Bài cắm cọc dưới lòng sông thời Ngô Quền hay thời nhà Trần là cắm dưới lòng sông để chống tàu thuyền. Cọc ghi sân bay để chống tàu bò chắc chưa bao giờ và cũng không có ở đâu.

      Không nhớ là năm 73 tôi phải làm binh yếu địa chí hai căn cứ Dốc Miếu và Cồn Tiên vào lúc nào. Căn cứ Dốc Miếu tôi cũng không còn nhớ được bao nhiêu. Còn Cồn Tiên thì thật là Hoành tráng, Đây là hai căn cứ chắn “Cộng sản Bắc Việt” tràn từ phía bên kia giới tuyến sang và là sáng kiến của bộ trưởng quốc phòng McNamara. Rất nhiều tiền của đổ vào cái lá chắn này. Tất cả những thiết bị điện tử quân sự mới nhất được trang bị cho hai căn cứ. Một lá chắn được mện danh là “Hàng rào điện tử McNamara”. Hai căn cứ này cũng được trang bị hỏa lực rất mạnh lực lượng lớn lính Mỹ và lính Việt. Tôi xin trích lại một đoạn trong trang web “Văn Hóa Quảng Trị” dưới đây:

         http://www.dostquangtri.gov.vn/vanhoa/vanhoa.asp?option=2&menu=281&sub=282&chitiet=1020

Căn cứ quân sự Dốc Miếu và hàng rào điện tử Mc Namara

Căn cứ quân sự Dốc Miếu nằm ở phía Đông Quốc lộ 1A thuộc địa phận thôn Gia Phong cách thị trấn Gio Linh 3 km về phía Bắc.

Dốc Miếu là đồi đất đỏ bazan, nơi đây, từ năm 1947 thực dân Pháp đã đóng chốt quân sự để án ngữ Quốc lộ 1A, được gọi là đồn Ba Dốc.

Sau năm 1954, đặc biệt từ khi đế quốc Mỹ đổ quân vào miền Nam, địch đã tập trung xây dựng Dốc Miếu thành một căn cứ quân sự lớn nhất vùng Gio Linh với tổng chi phí hơn 800 triệu USD.

Trong những năm 1967 – 1970, để đối phó với tình hình bất lợi cho chúng và nuôi hy vọng có thể ngăn chặn mọi sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, đế quốc Mỹ đã xây dựng phòng tuyến hàng rào điện tử McNamara (mang tên Bộ trưởng bộ Quốc phòng Mỹ).

Trên phòng tuyến này, địch đã bố trí nhiều căn cứ quân sự mạnh từ bờ biển thuộc thôn 8 Gio Hải lên đến đồi 51, đồi 28, Bến Ngư, Dốc Sỏi, Dốc Miếu, Cồn Tiên cùng một loạt chốt phụ làm thành hành lang ngăn chặn từ Cồn Tiên kéo qua căn cứ Bái Sơn, Đông Tròn, nối với Tân Lâm, Đầu Mầu và phòng tuyến bảo vệ Đường 9 lên biên giới Việt Lào.

Tuy nhiên, do điều kiện chiến trường lúc đó mà Mỹ chỉ xây dựng hàng rào quy mô lớn từ bờ biển lên căn cứ 31 với chiều dài trên 3 km để bảo vệ cảng Cửa Việt.

Hàng rào điện tử McNamara gồm 12 lớp kẽm gai chồng nhau cao 3m, trên mặt hàng rào cài mìn tự động, phía dưới hàng rào là bãi mìn dày đặc rộng hàng trăm mét. Ngoài ra, địch còn rải hệ thống (cây nhiệt đới) là loại phương tiện thông tin nhạy bén nhằm phát hiện mọi vi phạm trong phạm vi phòng tuyến. Ở các cứ điểm có hệ thống đèn pha cực mạnh để kiểm soát chống mọi sự xâm nhập vào ban đêm. Cùng với hệ thống (mắt thần điện tử) là đội ngũ binh lính (hồn ma biên giới) - bọn biệt kích được huấn luyện công phu, thiện nghệ, thường xuyên len lỏi vào hành lang của ta để chống phá mọi hoạt động của du kích.

Dốc Miếu được coi là cứ điểm quan trọng nhất của phòng tuyến McNamara. Ở đây địch xây dựng những hệ thống hầm nhà ván, hệ thống lô cốt di động bằng bê tông, có trận địa pháo mặt đất thường bắn phá ra bờ Bắc sông Bến Hải, có trận địa phòng không 37, trung tâm điều khiển bảo vệ hàng rào, chi đội thiết giáp tuần tra cùng nhiều đại đội hỗn hợp Mỹ - ngụy. Xung quanh căn cứ, ngoài các hàng rào kẽm gai ken dày bom mìn là hệ thống máy móc báo động chống xâm nhập.

Tuy là một căn cứ hiện đại nhưng hàng rào điện tử này đã bị dần dần vô hiệu hóa bởi những hoạt động của ta. Trước hết, đó là sự tấn công phá hủy từng đoạn để đưa lực lượng và vũ khí vào chiến trường. Ở Trung Sơn, Trung Hải, du kích ta ngày đêm khống chế không cho địch tự do hoạt động bằng cách vây ép bắn tỉa…

Trong những ngày đầu quân ta nổ súng trên chiến trường Quảng Trị năm 1972, du kích Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn đã vây chặt và bắn hàng trăm quả đạn DKB, A2 và bom phóng vào căn cứ trong suốt 3 ngày, buộc địch phải tháo chạy vào đêm 31 tháng 3, kéo theo sự tan rã của căn cứ Quán Ngang.”


. . . (còn nữa)
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Ba, 2011, 10:52:58 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #46 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2011, 10:50:38 pm »

.
CHUYỆN XVI     TRÀ LIÊN TÂY   (tiếp 13)

      Đại đội lại cử hai đứa đi Dốc Miếu và Cồn Tiên để làm lại toàn bộ sơ đồ. Hai thằng đi bộ qua Đông Hà rồi đi tiếp dọc theo đường 1 để đến Dốc Miếu.  Nhìn sang hai bên đường, đất Gio linh là một vùng cát trắng mênh mông, nhất là về phía biển. Có thể nhìn thấy trên bản đồ, tất cả các làng của Gio Linh ở gần giới tuyến đều ghi là đã bị phá hủy. Địch dồn 13 000 dân ở đây về Cam Lộ. Tháng 3/1972 ta đã đánh pháo dữ dội và tiến đánh Dốc Miếu làm căn cứ bị phá hủy một phần. Sau ngày ngừng bắn, dân trở về làm lại nhà cửa thì vật liệu đều khai thác từ các căn cứ. Trong đó Dốc Miếu là gần nhất nên bị đào bới nhiều nhất kể từ bao cát, cọc hàng rào, các tấm ghi làm trần của lô cốt, . . . Tôi không thể tưởng tượng được tại sao dân mình lại có thể vượt qua được rất nhiều loại mìn được chôn và cài đặt bài bản ở Dốc Miếu.  Tất cả hầu như không còn gì ngoại trừ lô cốt xây từ thời Pháp và xác những chiếc tăng và pháo. Lúc đó chưa có việc khai thác kim loại để bán ve chai và người ta chỉ kiếm vật liệu để làm nhà hay làm vật dụng khác. Chắc hẳn chiếc xe tăng còn sót lại ở Dốc Miếu đã có lệnh cấm dỡ và được bảo vệ nên mới thành di tích ở đây ngày hôm nay. Cũng vì thế mà căn cứ Dốc miếu tôi không còn nhớ được bao nhiêu ngoài ấn tượng về sự liều lĩnh của dân. Âu cũng là bấn quá phải liều ! Hai căn cứ Dốc Miếu và Cồn Tiên là hai căn cứ  độc lập và nằm khá xa nhau và nằm trong hệ thống hàng rào điện tử McNamara. Đó là một hệ thống các căn cứ chạy suốt từ bờ biển qua Dốc Miếu, Cồn Tiên, lên đến Tân Lâm, Khe Sanh, Lao Bảo,. . . Không hiểu sao, trong bài viết của trang web “Văn Hóa Quảng Trị” lại nói rằng Dốc Miếu là căn cứ lớn nhất. Có tài liệu khác lại nói Cồn Tiên và Dốc Miếu là một căn cứ.

      Tôi chẳng biết mình đánh giá có đúng không nhưng trực tiếp bằng mắt thấy căn cứ pháo binh Cồn Tiên của lính thủy đánh bộ Mỹ đồ sộ hơn Dốc Miếu. Khoảng 500 lính thủy đánh bộ Mỹ thường trực ở đây, không kể lính ngụy và những lúc tập trung lực lượng trong những trận càn lớn. Khi tới Cồn Tiên, cảm giác đầu tiên của chúng tôi là lạc vào một vùng đất đỏ hoang vu. Một vùng đất rất rộng, dốc thoai thoải ra xung quanh với đỉnh cao 158 ở trung tâm. Rất nhiều lô cốt, hầm chỉ huy được dựng rất kiên cố. Nóc hầm và lô cốt đều lót đà sắt và ghi sân bay, bên trên chất bao cát rất dầy, ít nhất cũng khoảng một mét, có chỗ dầy đến hai mét. Nhìn cái lô cốt thấy ngán ngẩm vì muốn đánh sập chắc phải cần đến bom. Thế mà Cồn Tiên cũng là một trong những nơi khốc liệt đối với lính Mỹ. Pháo từ bờ bắc hàng ngày giã vào Cồn Tiên, có ngày lên đến 3000 quả (phía Mỹ đáp trả bờ bắc có ngày lên đên 20 000 quả).

      Theo thiết kế chuẩn của lớp ngăn chặn ở Cồn Tiên có độ sâu 600 mét, đặc biệt có chỗ lên đến 1000 mét. Được nghe kể, cứ sau mỗi lần hàng rào bị pháo ta phá hủy thì ngày hôm sau lính Mỹ làm lại. Một số tài liệu nói có 12 lớp hàng rào mỗi lớp cao 3 mét. Có lẽ gần đúng như vậy nhưng không phải hoàn toàn đúng. Thường chỉ có hàng rào bùng nhùng “ba” thì cao khoảng 2 mét, hàng rào bùng nhùng “năm” cao gần ba mét. Các hàng rào khác như hàng rào mái nhà, hàng rào cũi lợn, hàng rào đơn cũng thấp như bình thường. Có thể các lớp hàng rào được bổ xung liên tục sau thiết kế ban đầu. Tôi nhớ, hai thằng đếm đi đêm lại số lớp hàng rào nhiều nhất mãi vẵn nhầm. Đếm được trên hai chục lớp vẫn chư hết. Tôi nói : Thôi cứ viết vào báo cáo là ba chục lớp ở chỗ này đi.  Quả thật có máu nghề nghiệp trinh sát đến đâu mà nhìn thấy đoạn này thì cũng “xỉu”. Một đêm, dưới ánh đèn pha xenon và mìn tự động dầy đặc, cùng với mìn điều khiển chắc cũng chỉ có thể vượt qua được mười lớp. Rồi để sáng hôm sau nó ra tóm sống hay liều chết bắn vài phát AK chờ pháo nó giã lên đầu là xong.

      Từ năm 2006, Tỉnh Quảng Trị đã huy động lực lượng tìm mộ 173 chiến sỹ đặc công, sau một đêm đã bị mắc kẹt lại và hy sinh. Cho đến bây giờ mới chỉ tìm được 6 hay 7 mộ.

      Cứ sau nhiều lớp hàng rào lẫn mìn lại đến một “vành đai” trống khá rộng. Chắc chắn dưới đó chôn nhiều mìn điều khiển bằng điện. Hệ thống điện tử để phát hiện xâm nhập gồm rất nhiều thứ: Đèn pha xenon, Cảm biến phát hiện chấn động từ đất, cảm biến âm thanh, cảm biến hồng ngoại, thiết bị quan sát ban đêm bằng ra đa AN/PPS-5, AN/PP-6, Thiết bị cảm biến cân bằng áp suất, . . . hễ phát hiện được thì địch bắn pháo ra hay đánh mìn điện. Ban ngày, xe tăng và thiết giáp chạy trên vành đai trống để tuần tra và kiểm tra các lớp rào bảo vệ. Chúng tôi vẫn còn nhìn rõ vệt đường của xe chạy nhiều trên các vành đai này. Hai thằng tôi không đứa nào dại gì đi thử trên những chỗ trống đó mà chỉ đứng ở lô cốt gần đó, tia ống nhòm ra quan sát.

      Ở Cồn Tiên vẫn còn nhiều lô cốt và hầm chỉ huy nguyên vẹn nên tôi có dịp vẽ thiết đồ một vài cái tiêu biểu. Bản đồ dưới đây cho thấy căn cứ pháo binh của lính thủy đánh bộ Mỹ rất rộng. Chỉ cần tính từ đường bình độ 100 trở lên, mỗi chiều đã là 3 cây số. Lính Mỹ gọi căn cứ này là “Đồi của các thiên thần”(Hill of Angles).

.  . . (còn nữa)
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Ba, 2011, 01:21:05 am gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #47 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2011, 04:29:05 pm »

.
      Anh em xem thêm vài cái ảnh nữa ở "Đồi Của Các Thiên Thần" và cũng là một cái "Đồi Thịt Băm".

      Trong ảnh cuối, không biết những các kiện hàng ở bên trong có gì ?
Logged

jupitercocs
Thành viên
*
Bài viết: 44


« Trả lời #48 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2011, 04:46:25 am »

.
CHUYỆN XVI     TRÀ LIÊN TÂY   (tiếp 12)

      Đêm 27/1/1973, trước giờ ngừng bắn, địch bắn pháo rất nhiều khu vực các chốt của ta dọc theo bờ biển. Trong khi đó, xe tăng của chúng bò theo mép nước xâm nhập vào tận cảng Cửa Việt. Sau ngày ngừng bắn rồi, ta mới “vi phạm hiệp định” và đánh tan thiết đoàn xe tăng này và đẩy chúng lui trở về tám Cát. Bây giờ, sát mép nước ở tám cát, ta dựng lên một hàng rào gồm rất nhiều mìn chống tăng. Đặc biệt là loại hàng rào chưa từng có. Đó là các tấm ghi sân bay chôn sâu dưới đất dầy dặc lớp lớp theo chiều sâu, chĩa tua tủa về phía địch để chống xe tăng. Không biết hiệu quả chống tăng thế nào nhưng trông thật hùng vĩ. Tôi nhìn cái hàng rào này và nghĩ chắc cũng chẳng ăn thua vì xe tăng rất nặng, nó có thể đè lên ghi và bẻ gục tấm ghi. Tuy nhiên tăng không thể tiến nhanh được dễ bị vướng phải mìn và bị các loại B bắn tỉa ngon.

      Chuyến đi miền đông của tôi chỉ còn đọng lại hai thứ là bọ chét và hàng rào chống tăng ở mép nước trên bờ biển. Một thứ hàng rào có một không hai, không theo một bài vở nào. Bài cắm cọc dưới lòng sông thời Ngô Quền hay thời nhà Trần là cắm dưới lòng sông để chống tàu thuyền. Cọc ghi sân bay để chống tàu bò chắc chưa bao giờ và cũng không có ở đâu.

      Không nhớ là năm 73 tôi phải làm binh yếu địa chí hai căn cứ Dốc Miếu và Cồn Tiên vào lúc nào. Căn cứ Dốc Miếu tôi cũng không còn nhớ được bao nhiêu. Còn Cồn Tiên thì thật là Hoành tráng, Đây là hai căn cứ chắn “Cộng sản Bắc Việt” tràn từ phía bên kia giới tuyến sang và là sáng kiến của bộ trưởng quốc phòng McNamara. Rất nhiều tiền của đổ vào cái lá chắn này. Tất cả những thiết bị điện tử quân sự mới nhất được trang bị cho hai căn cứ. Một lá chắn được mện danh là “Hàng rào điện tử McNamara”. Hai căn cứ này cũng được trang bị hỏa lực rất mạnh lực lượng lớn lính Mỹ và lính Việt. Tôi xin trích lại một đoạn trong trang web “Văn Hóa Quảng Trị” dưới đây:

         http://www.dostquangtri.gov.vn/vanhoa/vanhoa.asp?option=2&menu=281&sub=282&chitiet=1020

Căn cứ quân sự Dốc Miếu và hàng rào điện tử Mc Namara

Căn cứ quân sự Dốc Miếu nằm ở phía Đông Quốc lộ 1A thuộc địa phận thôn Gia Phong cách thị trấn Gio Linh 3 km về phía Bắc.

Dốc Miếu là đồi đất đỏ bazan, nơi đây, từ năm 1947 thực dân Pháp đã đóng chốt quân sự để án ngữ Quốc lộ 1A, được gọi là đồn Ba Dốc.

Sau năm 1954, đặc biệt từ khi đế quốc Mỹ đổ quân vào miền Nam, địch đã tập trung xây dựng Dốc Miếu thành một căn cứ quân sự lớn nhất vùng Gio Linh với tổng chi phí hơn 800 triệu USD.

Trong những năm 1967 – 1970, để đối phó với tình hình bất lợi cho chúng và nuôi hy vọng có thể ngăn chặn mọi sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, đế quốc Mỹ đã xây dựng phòng tuyến hàng rào điện tử McNamara (mang tên Bộ trưởng bộ Quốc phòng Mỹ).

Trên phòng tuyến này, địch đã bố trí nhiều căn cứ quân sự mạnh từ bờ biển thuộc thôn 8 Gio Hải lên đến đồi 51, đồi 28, Bến Ngư, Dốc Sỏi, Dốc Miếu, Cồn Tiên cùng một loạt chốt phụ làm thành hành lang ngăn chặn từ Cồn Tiên kéo qua căn cứ Bái Sơn, Đông Tròn, nối với Tân Lâm, Đầu Mầu và phòng tuyến bảo vệ Đường 9 lên biên giới Việt Lào.

Tuy nhiên, do điều kiện chiến trường lúc đó mà Mỹ chỉ xây dựng hàng rào quy mô lớn từ bờ biển lên căn cứ 31 với chiều dài trên 3 km để bảo vệ cảng Cửa Việt.

Hàng rào điện tử McNamara gồm 12 lớp kẽm gai chồng nhau cao 3m, trên mặt hàng rào cài mìn tự động, phía dưới hàng rào là bãi mìn dày đặc rộng hàng trăm mét. Ngoài ra, địch còn rải hệ thống (cây nhiệt đới) là loại phương tiện thông tin nhạy bén nhằm phát hiện mọi vi phạm trong phạm vi phòng tuyến. Ở các cứ điểm có hệ thống đèn pha cực mạnh để kiểm soát chống mọi sự xâm nhập vào ban đêm. Cùng với hệ thống (mắt thần điện tử) là đội ngũ binh lính (hồn ma biên giới) - bọn biệt kích được huấn luyện công phu, thiện nghệ, thường xuyên len lỏi vào hành lang của ta để chống phá mọi hoạt động của du kích.

Dốc Miếu được coi là cứ điểm quan trọng nhất của phòng tuyến McNamara. Ở đây địch xây dựng những hệ thống hầm nhà ván, hệ thống lô cốt di động bằng bê tông, có trận địa pháo mặt đất thường bắn phá ra bờ Bắc sông Bến Hải, có trận địa phòng không 37, trung tâm điều khiển bảo vệ hàng rào, chi đội thiết giáp tuần tra cùng nhiều đại đội hỗn hợp Mỹ - ngụy. Xung quanh căn cứ, ngoài các hàng rào kẽm gai ken dày bom mìn là hệ thống máy móc báo động chống xâm nhập.

Tuy là một căn cứ hiện đại nhưng hàng rào điện tử này đã bị dần dần vô hiệu hóa bởi những hoạt động của ta. Trước hết, đó là sự tấn công phá hủy từng đoạn để đưa lực lượng và vũ khí vào chiến trường. Ở Trung Sơn, Trung Hải, du kích ta ngày đêm khống chế không cho địch tự do hoạt động bằng cách vây ép bắn tỉa…

Trong những ngày đầu quân ta nổ súng trên chiến trường Quảng Trị năm 1972, du kích Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn đã vây chặt và bắn hàng trăm quả đạn DKB, A2 và bom phóng vào căn cứ trong suốt 3 ngày, buộc địch phải tháo chạy vào đêm 31 tháng 3, kéo theo sự tan rã của căn cứ Quán Ngang.”


. . . (còn nữa)
Bổ xung chính xác với bác là cọc cỗ đóng vát 45-50 độ hướng về phía địch, sau bãi cọc là lũy phía trước chắn ghi của sân bay Aí tử ,phía sau là bao cát ,trên lũy là hầm của A1-b1-c11-D3 của tớ chốt giữ.

Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #49 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2011, 10:08:37 am »

.
CHUYỆN XVI     TRÀ LIÊN TÂY   (tiếp 14)

      Trong năm 1967, căn cứ Cồn Tiên liên tục bị pháo của ta trần cho tơi bời. Lúc đó tôi tôi mới 15 tuổi nhưng đã nghe ba địa danh nổi tiếng là Cồn Tiên, Dốc Miếu ở bên kia giới tuyến và Vĩnh Linh ở bờ bắc. Đài của ta luôn đưa tin thời sự về các nơi này. Đó là những cuộc đấu pháo giữa hai bên, rất quyết liệt.

      Năm 1971, Cồn Tiên được bàn giao cho quân ngụy. 31/3/1972, ta đã đánh chiếm được hai căn cứ Cồn Tiên và Dốc Miếu trên đường giải phóng Đông Hà và Quảng Trị.

      Khi tôi đến đây đã là hơn một năm sau rồi nên những gì đã xảy ra chỉ nghe qua báo chí và đài mà chủ yếu là đài của ta. Đọc bài báo của Al Hemingway [1] trên báo Time mới thấy phía Mỹ mô tả sự ác liệt của các trận đánh ở Cồn Tiên. Tôi xin tóm tắt nội dung các bài viết để anh em cùng đọc.

      “ConThien dịch thoáng từ tiếng Việt sang tiếng Anh là “nơi ở của các thiên thần”. Nhưng bất cứ ai đã từng chiến đấu tại Cồn Tiên sẽ cho bạn biết không có thiên thần cư ngụ ở đó. Đó là một ngọn đồi đất đỏ có đỉnh cao 158 mét. Đại tá Richard B. Smith, chỉ huy lữ 9 thủy quân lục chiến nhận xét: Nếu đối phương chiếm được Cồn Tiên, họ sẽ nhìn xuống Đông Hà như nhìn xuống cổ họng của chúng tôi.
      Tờ mờ sáng ngày 05/8/1967, hai tiểu đoàn cộng sản đã tấn công Cồn Tiên. Lần đầu tiên trong chiến tranh, quân Bắc Việt sử dụng cả súng phun lửa. Các tiểu đoàn 1 và 4 của thủy quân lục chiến đã chiến đấu cận chiến (hand – to – hand) với cộng quân. Đến khi trời sáng họ mới đẩy được địch ra khỏi căn cứ. Nhưng cái giá phải trả là rất cao: 44 thủy quân lục chiến bị giết và 110 người khác bị thương.

      Thủy quân lục chiến tiến hành một loạt các hành động để đẩy quân Bắc Việt ra khỏi khu vực căn cứ pháo binh quan trọng nhất. 700 loạt đạn pháo 105mm và 155mm nã xuống các công sự ở gần làng Phú An. Máy bay thả bom 750 và 1000 pound, tràn ngập một thứ chất lỏng napalm. Các lữ 9 và 26 thủy quân lục chiến đã chiến đấu với quân Bắc Việt trong ánh chớp của pháo gần khu phi quân sự (DMZ).

      Thủy quân lục chiến đã bị chặt nhỏ. Một số được xe tăng M48 hỗ trợ, số khác phải chiến đấu giáp lá cà với quân Bắc Việt. Tính đến cuối tháng, 142 thủy quân lục chiến bị chết và 896 bị thương.

      Trong khi đó, Hà nội quyết định dùng pháo hạng nặng làm cho Cồn Tiên rơi vào tình trạng hỗn loạn để họ "chơi trò mèo vờn chuột" suốt năm 1967. Thời gian này được lính tráng ở Cồn Tiên gọi là “bị quay trong thùng” hay là “máy xay thịt”. Vùng DMZ trở thành “vùng thủy quân lục chiến chết” (“Dead Marine Zone")

      Tồi tệ nhất là vào ngày 02/7/1967. Trong một trận càn gọi là Buffalo, Đại đội A và đại đội B của tiểu đoàn 1, lữ 9 thủy quân lục chiến càn một khu vực phía bắc Cồn Tiên dọc theo đường 561. Đại đội B bị quân Bắc Việt chia cắt ra từng mảnh. Khi lực lượng cứu trợ đến nơi, một trung sỹ của đại đội B báo cáo: “Thưa ngài, đây là đại đội, hay là những gì còn lại”. Chỉ còn lại 27 lính Thủy quân lục chiến không bị thương vong.”
     

      Vào năm 1967, lực lượng đặc công của ta cũng đã luồn qua lớp lớp hàng rào của Cồn Tiên để tập kích vào căn cứ. Trong đó có một lần 173 chiến sỹ đã hy sinh. Cho đến nay vẫn chưa có một tài liệu xác đáng nào nói về trận đánh đó. Dưới đây tôi xin trích lại một bài viết trên “Xa Lộ Tin Tức” với nhan đề:

   “Cuộc tìm kiếm 173 chiến sỹ đặc công hy sinh tại chân đồi Cồn Tiên (Quảng Trị)”
http://tintuc.xalo.vn/001988807606/Cuoc_tim_kiem_173_chien_sy_dac_cong_hy_sinh_tai_chan_doi_Con_Tien_Quang_Tri.html

      “Việc tìm kiếm kể trên đã được tiến hành trước đó, vào ngày 20/6/2006, theo một bản thông báo của Hội Cựu chiến binh Mỹ cung cấp cho phía Việt Nam về vị trí chôn 173 thi hài quân giải phóng. Họ hy sinh trong trận tấn công vào cứ điểm đồi Cồn Tiên năm 1967.
Đại uý Nguyễn Đức Ti cho biết thêm, đến nay chưa tìm thấy bất kỳ tư liệu nào nói đến sự hy sinh của 173 chiến sĩ đặc công trong trận huyết chiến với kẻ thù năm đó tại căn cứ đồi Cồn Tiên. Tuy nhiên, theo lời kể của người dân địa phương, cũng như sự phân tích của các nhà Quân sự, thì cuối năm 1967 là thời điểm chúng ta ráo riết chuẩn bị cho Chiến dịch Mậu Thân 1968, nhằm giải phóng các tỉnh miền Trung.
Do vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu bấy giờ là phải chọc thủng bằng được tuyến hàng rào điện tử McNamara. Đồng thời làm được điều đó chỉ có thể là Bộ đội đặc công.
Sau khi đột nhập qua khỏi "con mắt thần" của Mỹ - quân đội Sài Gòn (tuyến hàng rào điện tử McNamara), lực lượng này đã bí mật vây ráp căn cứ đồi Cồn Tiên. Theo một vài nhân chứng là dân quân du kích xã Hải Thái làm nhiệm vụ dẫn đường lúc đó hiện còn sống kể lại, căn cứ đồi Cồn Tiên năm 1967 được Mỹ - quân đội Sài Gòn bố trí lực lượng canh gác rất nghiêm ngặt, cùng với 9 lớp hàng rào gai kẽm bùng nhùng vây kín quanh chân đồi.
Trước lúc tiến đánh, các chiến sĩ trinh sát đặc công đã đột nhập vào sát chân đồi, vẽ lại toàn bộ sơ đồ và đếm được số lớp hàng rào gai kẽm bùng nhùng kể trên. Tuy nhiên, công tác trinh sát dường như bị bại lộ, phía địch đã bí mật giăng thêm 7 lớp hàng rào.
Do vậy, kế hoạch của ta đến 4h sáng là cắt xong 9 lớp hàng rào, thành ra đến lúc đó, hàng rào vẫn còn nhiều. Trong tình huống đó, phía ta rút không được, dùng cây khô làm chỗ đứng chân bắc ngang qua hàng rào, cảm tử tiến lên.
Địch đã lợi dụng tình huống này, nhả đạn từ đỉnh đồi xuống, đồng thời gọi pháo từ các căn cứ của chúng như đồi A1 - Quán Ngang và đồi Mới, xã Gio Bình (Gio Linh) nã đạn vào vùng chân đồi. Do thế lực không cân bằng, các cán bộ, chiến sĩ đặc công của ta đã anh dũng hy sinh.“


      Những trận đánh rất ác liệt ở Cồn Tiên mà phía ta là bên tấn công. Thương vong chắc rất lớn. Chiến sỹ ta đã chiến đấu với lòng dũng cảm và chí khí kiên cường ở đây. Họ thật xứng đáng là “Các Thiên Thần”.

. . . (còn nữa)

      
[1] Al Hemingway thường xuyên viết các bài về các trận chiến tại Việt Nam và cũng là lính thủy quân lục chiến tham chiến tại Việt Nam năm 1969. Ông này không phải là Ernest Hemingway – nhà văn nổi tiếng.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Ba, 2011, 10:29:34 am gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM