Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:32:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một đời chinh chiến  (Đọc 60695 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #70 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2012, 01:21:35 pm »

PHỤ LỤC

Hà Nội, 25-01-1975

Má Tuyết Hà, vợ thương yêu của anh và mẹ hiền của các con,

Anh được thư em ngày 22.01.1975. Do anh Tám Hòa gởi máy bay nên nhanh, còn thư gửi cho Lâm chưa tới. Mỗi lần được thư em, anh rất mừng. Mở thư ra thấy ảnh em Thoại, anh ngỡ là em.

Đọc thư, anh lo cho em nhiều. Em ốm đau là một việc, kèm theo là hà tiện nữa thì em sẽ gầy ốm đi mãi. Ráng chữa bệnh. Không tiền, có ít đồ tư trang thì bán đi để bồi dưỡng. Sức khỏe là quý nhất. Mong em khỏe, anh mừng.

Em thương yêu,

Nhìn cảnh các con, anh vô cùng thương xót. Không biết rồi đây các con có may mắn được hưởng hạnh phúc sống trong tình thương yêu đùm bọc của cha mẹ chúng?

Hùng có vẻ trầm ngâm tư lự. Có lẽ Hùng mang một tâm tư buồn tủi như cha nó lúc tuổi còn thơ như nó? Hải có vẻ lanh hơn anh, nghịch ngợm hơn anh. Nhưng trong ánh mắt vẫn không tránh khỏi một nét buồn như anh nó, vì chưa bao giờ được sống gần cha mẹ. Còn gái Hà xem chừng vui hơn cả, sau này có thể cũng lanh lợi hơn cả, Hà đẹp và thông minh sẽ là nữ hoàng của ba, má.

Ngày tháng cứ trôi qua, các con cứ sống trong tình thương yêu đùm bọc của ông bà ngoại, của các dì rồi chúng sẽ ra sao? Nỗi lo âu đè nặng lòng anh. Sống với ông bà các dì, các con sẽ không bao giờ đói, rách, được nuông chiều, nhưng lớn lên sẽ đưa đẩy các con tới đâu? Các con sẽ đóng góp được gì cho Tổ quốc mai sau.

Với tất cả vì tương lai các con, anh suy nghĩ nhiều. Rồi đây trong cuộc sống mái với kẻ thù để giành độc lập cho non sông đất nước nào ai đoán được chữ ngờ. Rằng con có phải mang cảnh mồ côi chăng hay lại giống như cha nó thời thuở bé? Anh nghĩ cảnh của anh mà xót xa cho các con.

Ngày nay, các con được ông bà đùm bọc, dì cậu nuông chiều... ơn này cha mẹ nó ngàn năm không trả được, nhất là cha nó. Anh và em phải nhớ ơn này. Các con lớn lên phải nói cho chúng biết. Các con phải ăn ở thế nào để bù đáp lại công lao ấy.

Em thương yêu,

Em là nguồn nghị lực vô tận đối với anh. Em là người vợ đảm đang, nhất mực thương yêu chồng, có lòng tự trọng, em đã chịu đựng hy sinh để chồng yên tâm làm nhiệm vụ trong hoàn cảnh chiến tranh gian khổ, ác liệt. Gần 10 năm xây dựng với nhau, chúng mình có sống với nhau được mấy ngày đâu. Anh thương em vạn lần. Sự chịu đựng ấy của em đã tăng thêm sức mạnh cho anh lao vào việc chung...

Anh đã nhiều lần tâm sự với em. Trong chiến tranh anh đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh tàn phá. Nhưng không có cảnh tàn phá nào bằng cảnh tàn phá tâm hồn và tình cảm, bằng cảnh chia ly, vợ xa chồng, con lìa cha. Năm 1969, em có thai con Hùng 6 tháng, trong hoàn cảnh ác liệt của chiến trường, anh phải xa em đi làm nhiệm vụ mãi. Có người vợ nào không đau nhói tim gan, song em đã vững dạ tiễn chồng rồi sau đó em phải xa con, gửi về ngoại. Năm 1971, em có thai con Hải, trong hoàn cảnh đói khổ hơn, anh lại đi xa thăm thẳm, lên tận đất Campuchia. Rồi được tin anh chết. Em tự sanh, tự gửi con về ngoại, lại xa con. Năm 1972. em có thai con Hà, em ở đất Campuchia, anh đi tận đồng bằng sông Cửu Long, lại được tin anh chết. Lúc con Hà hơn 5 tháng, trong hoàn cảnh tương đối dễ dàng, tưởng rằng sẽ sống gần nhau dù rằng gian khổ còn hơn chia ly nhưng nào được đâu. Anh nhớ mãi đêm cuối cùng trước khi xa em và con, Hà thức không chịu ngủ, cứ đến với ba. Rồi sau đó em phải gởi Hà về ngoại... Anh nhắc lại, anh nhớ tất cả...


*
*   *

Hà Nội, giao thừa Tết Ất Mão

Má Tuyết Hà thương yêu,

Với anh, tuy chưa làm được gì nhiều lắm đối với Tổ quốc, với nhân dân nhưng cũng không đến nỗi sống thừa trong những ngày đen tối của dân tộc. 13 tuổi anh đã lao vào cuộc chiến tranh đến nay chưa mỏi mệt. Từ tuổi xanh đến nay mớ tóc mẹ cho đã bạc màu. Anh đã sống không đến nỗi hổ thẹn với non sông đất nước, với mẹ hiền nơi chín suối, với bà con làng nước thân yêu.

Tuy nhiên, nhìn lại cuộc đời riêng tư của anh, có nhiều điều anh cứ trăn trở mãi. Mồ côi mẹ từ lúc lên 2, xa cha từ lúc lên 10, mất anh, xa tất cả bà con thân tộc, cuộc chiến tranh có thể còn kéo dài, đời người chưa biết bị xô đẩy tới đâu, liệu anh có diễm phúc tìm lại những người thân, tìm về lại nơi cội rễ của mình? Cả một đời anh chưa một lần biết nũng nịu với mẹ, chưa hề được cha dạy bảo, được chị, được bà âu yếm. Anh hoàn toàn thiếu tình cảm gia đình.

Anh đã tâm sự với em nhiều lần. Vì anh muốn gởi gắm vào vợ anh tất cả những gì thầm kín của cuộc đời mình. Anh mong tìm ở em một nguồn an ủi êm ấm cho vơi đi nỗi niềm trống vắng đó. Mọi sự chăm sóc của em đối với anh thật đã thèm. Em đã trợ lực cho anh thêm sức mạnh, là nguồn động viên tình cảm lớn với cuộc đời anh. Cám ơn em, người vợ thân yêu của anh.

Em còn nhớ ngày mình xây dựng với nhau không? Trước khi làm lễ tuyên hôn anh lại hành quân đi đánh Vạn Kiếp. Trước ngày vui mà lao vào cuộc sống chết, ai không sợ. Hôm làm lễ tuyên hôn tại Tiểu đoàn 1, cái đơn vị đối với anh thật trọn tình trọn nghĩa, hôm ấy anh không cầm được nước mắt. Ngày vui ấy má lại vào căn cứ ngoài dự kiến. Vì thương con mà má vào, tưởng đâu chết vì pháo địch bắn ở Suối Xoài. Lại nữa, đoàn công tác của anh hai Hồng Lâm cũng bất ngờ đến dự. Ngày tuyên hôn ấy vô tình lại trùng với ngày thành lập Mặt trận, 20 tháng 12. Thật có nhiều cái đáng để nhớ!

Rồi các con lần lượt ra đời. Mẹ nó phải khắc phục bao thiếu thốn, gian khổ để bảo vệ nó từ lúc còn thai nghén... Nguyễn Nam Hùng được mẹ sanh ra ngày 31.12.1969, năm Kỷ Dậu; Nguyễn Nam Hải sinh 12.05.1971, năm Tân Hợi và Nguyễn Tuyết Hà 07.11.1973, năm Quý Sửu. Ba con đều cầm tinh các loại con vật nuôi trong nhà - gà, heo, trâu - có lẽ lớn lên sẽ thuần tính, sẽ không bao giờ xa nhà, xa ba má nó.

Em thân yêu,

Còn mấy giờ nữa là giao thừa, là tết năm Giáp Dần bước sang năm Ất Mão. Mọi người, mọi nhà của Hà Nội đang chuẩn bị đón năm mới trong hòa bình và hạnh phúc. Anh đón giao thừa bằng viết thư cho em.

                                                           Thư một bức nghìn lời tâm huyết.
                                                           Đêm canh dài thức viết cho em
                                                           Bồn chồn máu chảy về tim
                                                           Chảy theo ngòi bút hiện lên thư này...

Chồng em không phải nhà thơ, không phải nhà văn. Cả một đời cho đến bây giờ chỉ quay cuồng với súng đạn, mưa bom. Bên ngoài tưởng là sắt thép lắm, song trong tình cảm riêng tư lại chứa chất bao nhiêu u hoài, bao nhiêu xót xa, buồn tủi, vì vậy càng thêm thương yêu vợ, càng lo lắng cho các con... Làm sao anh mở được trái tim mình ra xem nó bao nhiêu đường thương nhớ giành cho em và các con?

Mồng một Tết Ất Mão.

Ngày đầu năm mới, anh viết tiếp cho em. Mong rằng sang năm mới em mạnh khỏe, cố gắng nhiều, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành mọi công tác lúc xa anh.

Mồng năm tết, ngày 15 tháng 2, anh vào học. Anh sẽ tiếp tục học tốt. Tình hình cách mạng sắp tới có nhiều thuận lợi. Ngày thắng lợi đã gần. Nhưng trên mặt trận quân sự sẽ ác liệt hơn, mật độ phi pháo cao, đề phòng B52 tái diễn. Em cố gắng chịu đựng và vượt qua trong trận cuối cùng sắp tới...

   

« Sửa lần cuối: 29 Tháng Mười, 2012, 03:02:27 pm gửi bởi macbupda » Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM