Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:34:14 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thế giới: Một góc nhìn  (Đọc 46923 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #80 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 04:59:23 pm »

THỂ HIỆN SỨC MẠNH QUÂN SỰ VÌ MỘT TRẬT TỰ THẾ GIỚI ĐA CỰC

   Sau cuộc chiến tranh ở Nam Ô-xê-ti-a (ngày 8-8-2008), nhiều chính khách và chuyên gia phân tích chính trị ở phương Tây cho rằng, trật tự thế giới đơn cực mà Mỹ kỳ vọng đã kết thúc. Một trật tự thế giới mới - trật tự thế giới đa cực đang bắt đầu. Trong đó, các quốc gia và các dân tộc được quyền có vị thế, được tôn trọng trong các quan hệ quốc tế. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép và Thủ tướng Nga V.Pu-tin cũng đã từng tuyên bố như vậy.

   Một quốc gia có thể trở thành một cực trong trật tự thế giới, nếu quốc gia - cực đó có sức thu hút các nước khác về phía mình và đương nhiên phải có khả năng bảo vệ mình, một khi an ninh quốc gia bị các cực khác đe dọa. Nước Nga đang trở thành một cực như vậy trong trật tự thế giới mới, nghĩa là Nga không chỉ có sức thu hút mà còn có khả năng bảo vệ các quốc gia khác. Với cách tư duy như vậy mà gần đây, Nga bắt đầu hiện diện sức mạnh quân sự ở một số khu vực trên thế giới. Sự hiện diện này không chỉ vì nước Nga có lợi ích quan trọng sống còn ở Trung Đông, Mỹ La-tinh hay trong không gian hậu Xô-viết v.v.. mà còn vì ở những nơi đó, các “bạn bè cùng chí hướng” rất cần Nga sử dụng sức mạnh quân sự khi cần thiết, để bảo vệ lợi ích của họ. Chính vì thế, cuộc hành quân của đoàn chiến hạm Nga thuộc Hạm đội Phương Bắc xuất phát vào ngày 24-9-2008 từ căn cứ hải quân Xe-ve-rô-mô-xcơ, vượt qua ngàn dặm biển đầy sóng gió tới Mỹ La-tinh, là một sự kiện quân sự và chính trị, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận Nga cũng như thế giới.
 
   Dẫn đầu đoàn chiến hạm này là tàu tuần dương nguyên tử hạng nặng mang tên “Pi-e Đại Đế”. Cùng đi, có chiến hạm chống tàu ngầm mang tên “Đô Đốc Chu-ba-nen-cô” và 2 tàu yểm trợ tác chiến khác. Cuộc hành quân của đoàn tàu chiến này thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia quân sự ở Lầu Năm góc, bởi sau nhiều năm hải quân Nga gần như “án binh bất động” tại các căn cứ đóng quân thường xuyên. Điều khiến các chuyên gia phân tích chính trị - quân sự quốc tế quan tâm hàng đầu là điểm đến trong cuộc hành quân chưa từng có này. Đó là vùng biển Ca-ri-bê, nơi các tàu chiến của Nga sẽ thực hiện cuộc diễn tập trên biển với hải quân Vê-nê-xu-ê-la. Không chỉ có vậy, trên đường hành quân, đoàn chiến hạm của Nga còn ghé thăm một địa điểm có ý nghĩa chiến lược không kém là cảng Tác-tút (Tartus) của Xy-ri - nơi mà trong tương lai không xa, sẽ trở thành căn cứ hải quân quan trọng của Nga.

   Ngoài ra, các chiến hạm thuộc Hạm đội Phương Bắc của Nga còn đi qua vịnh Gi-bran-ta ở Địa Trung Hải, nơi có căn cứ quân sự của Hạm đội 6 hải quân Mỹ. Chính các tàu chiến của Hạm đội 6 trong tháng 8-2008 vừa qua, đã từng đến biển Đen để thực hiện các hoạt động “viện trợ nhân đạo” cho Gru-di-a sau cuộc chiến tranh ở Nam Ô-xê-ti-a. Eo biển Gi-bran-ta ở Địa Trung Hải là một địa điểm có ý nghĩa chiến lược đặc biệt nhạy cảm đối với hải quân các cường quốc quân sự trên thế giới. Trong những năm “Chiến tranh lạnh”, các tàu chở dầu và tàu nổi của Liên Xô đã từng đi qua eo biển này làm phông che chắn cho các tàu ngầm hạt nhân qua lại mà các thiết bị do thám hiện đại nhất của Hạm đội 6 Mỹ không thể phát hiện ra tung tích. Bí mật công nghệ được ẩn giấu ở chỗ tiếng ồn từ chân vịt và từ trường của các thân tàu nổi là một tấm che chắn lý tưởng, làm cho các tàu ngầm của Nga trở thành “tàng hình” trước “con mắt cú vọ” dõi bám của các trạm trinh sát Mỹ và NATO được bố trí ở eo biển có ý nghĩa chiến lược quan trọng này.

   Theo thông báo gần đây của ông An-đrây Ba-ra-nốp, Phó Đô đốc Nga, Trưởng ban tác chiến hạm đội hải quân Nga, các đội kỹ sư và kỹ thuật viên công binh của Nga đã đến khảo sát và làm việc ở cảng Tác-tút (Xy-ri) nhằm mở rộng khả năng tiếp nhận các tàu chiến mới của Nga. Một đội kỹ sư khác của Nga cũng đã đến làm việc ở La-ta-ki-a - một quân cảng khác của Xy-ri, để nghiên cứu khả năng mở rộng và nâng cấp kết cấu hạ tầng nhằm tiếp nhận các tàu của hải quân Nga. Theo tin từ Bộ tham mưu hạm đội biển Đen, Nga dự kiến xây dựng căn cứ cho tàu sân bay và tàu tuần dương mang tên lửa tại những quân cảng này trong tương lai gần. Theo các chuyên gia quân sự Nga, Mát-xcơ-va rất cần sự hiện diện chính trị, không chỉ dưới dạng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và sửa chữa cho hạm đội biển Đen mà còn tạo kết cấu hạ tầng để Nga hiện diện như là một cường quốc hải quân. Tàu tuần dương hạt nhân “Pi-e Đại Đế” rất thích hợp cho mục tiêu này.

   Theo kế hoạch đã được soạn thảo và phê duyệt từ đầu năm 2008, trong cuộc hành quân lần này, các chiến hạm của hải quân Nga lần đầu tiên sẽ thực hiện cuộc diễn tập quân sự phối hợp với hải quân Vê-nê-xu-ê-la, nhằm hoàn thiện kỹ năng hợp đồng tác chiến trong các chiến dịch cứu hộ trên biển và chống khủng bố. Đây cũng là lần đầu tiên, tàu tuần dương nguyên tử hạng nặng của Nga tham gia các cuộc diễn tập quân sự quốc tế tương tự.

   Cuộc hành quân của đoàn tàu chiến thuộc Hạm đội Phương Bắc của Nga đến Vê-nê-xu-ê-la diễn ra trong bối cảnh các hạm đội hải quân Nga vừa phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa “Bu-la-va”, từ tàu ngầm lặn sâu dưới đáy đại dương ở biển Bắc và biển Thái Bình Dương, trong các cuộc diễn tập quân sự trong tháng 9-2008. Tên lửa “Bu-la-va” sẽ được trang bị cho các tàu ngầm nguyên tử thế hệ mới mang tên “Bô-rây” sắp được đưa vào trang bị cho hải quân Nga. Tên lửa “Bu-la-va” thuộc loại tên lửa mang nhiều đầu đạn (có thể mang được 10 đầu đạn hạt nhân) có khả năng độc lập, cơ động tiến công các mục tiêu bố trí cách xa nhau tới hàng trăm km trên lãnh thổ đối phương. Theo nhận xét của các chuyên gia quân sự, bất kỳ một quốc gia nào muốn bảo vệ lợi ích của mình trên toàn cầu, cũng đều phải có phương tiện thể hiện sức mạnh. Nước Nga không phải là một ngoại lệ và hạm đội hải quân là phương tiện đầu tiên thực hiện chức năng này.

   Với cuộc hành quân của Hạm đội Phương Bắc sang Mỹ La-tinh, ngày 22-9-2008, các lực lượng vũ trang Nga đã tiến hành cuộc diễn tập chỉ huy tham mưu chiến lược mang tên “Sự ổn định - 2008”, với nhiệm vụ chủ yếu là hoàn thiện kỹ năng hoạt động, nhằm bảo đảm an ninh cho Nhà nước liên bang giữa Nga và Bê-la-rút. Kế hoạch cuộc diễn tập chỉ huy tham mưu chiến lược “Sự ổn định - 2008” đã được Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép phê chuẩn. Ngày 20-9-2008, Tổng thống Nga gặp Bộ trưởng quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng Nga để nghe báo cáo về kế hoạch chuẩn bị cuộc diễn tập. Từ ngày 22-9-2008 đến ngày 21-10-2008, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng Nga, cuộc diễn tập được thực hiện với sự tham gia của những người đứng đầu các cơ quan lập pháp của Nga như Bộ Nội vụ, Bộ Tình trạng khẩn cấp, Cục An ninh liên bang Nga, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải v.v.. Mục đích của diễn tập là hoàn thiện việc triển khai các lực lượng vũ trang Nga nhằm giải quyết các cuộc xung đột vũ trang, đối phó với hoạt động khủng bố, khắc phục thảm hoạ môi trường, kỹ thuật, răn đe chiến lược và bảo đảm an ninh cho Nhà nước liên bang Nga cũng như Bê-la-rút. Quân đội Bê-la-rút cũng thực hiện cuộc diễn tập quân sự mang tên “Mùa Thu - 2008” từ ngày 22-9 đến ngày 27-9-2008 để kiểm tra khả năng hợp đồng tác chiến với quân đội Nga. Tham gia cuộc diễn tập “Sự ổn định - 2008” có chỉ huy và lực lượng của các Quân khu Mát-xcơ-va, Quân khu Viễn Đông, Hạm đội Ban-tích, Hạm đội Phương Bắc, Hạm đội Thái Bình Dương, Tập đoàn không quân số 11, Tập đoàn không quân số 16, Tập đoàn không quân số số 37, Quân đoàn phòng không số 32, Lực lượng tên lửa chiến lược, Binh chủng vũ trụ và các lực lượng hậu cần của quân đội Nga. Về phía Bê-la-rút có các cơ quan của Bộ Quốc phòng, các binh đoàn và đơn vị, các lực lượng thuộc cơ quan hành pháp liên bang. Tham gia khối diễn tập này còn có các lực lượng thuộc Bộ Chỉ huy đặc biệt tinh nhuệ của Nga. Ngoài ra, Quân khu Ngoại U-ran cũng tiến hành cuộc diễn tập tác chiến chiến lược mang tên “Trung tâm - 2008”.

   Có thể nói, chưa bao giờ kể từ khi kết thúc “Chiến tranh lạnh”, các lực lượng vũ trang Nga tiến hành diễn tập quân sự quy mô lớn như trong tháng 9-2008. Sắp tới, Nga sẽ tiến hành các cuộc diễn tập chỉ huy tham mưu chiến lược và triển khai sự hợp tác quân sự giữa Nga với nhiều nước bạn bè ở Đông và Tây bán cầu. Theo đánh giá của các quan chức trong Bộ Quốc phòng Nga, triển vọng hợp tác là khá tốt đẹp. Đáng chú ý là “những nước bạn bè” của Nga đều phản đối trật tự thế giới đơn cực và sẽ cùng với Nga xây dựng một thế giới đa cực, trong đó nhiều nước và nhiều dân tộc sẽ giành được vị trí xứng đáng của họ trong trật tự thế giới đó./.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #81 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 05:00:30 pm »

NƯỚC NGA MÃI TRÂN TRỌNG KÝ ỨC VỀ CHIẾN TRANH VỆ QUỐC VĨ ĐẠI!

   Hôm nay, 9-5-2009, trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Mát-xcơ-va đã diễn ra Lễ kỷ niệm 64 năm Ngày chiến thắng phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới lần thứ II (9-5-1945 - 9-5-2009). Đây là một trong những ngày lễ trọng đại nhất không chỉ của Liên Xô trước đây, nước Nga ngày nay, mà còn của tất cả các dân tộc yêu chuộng hoà bình, tự do và công lý trên thế giới.

   Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô (trước đây), đã có tới gần 27 triệu người dân Xô-viết ngã xuống. Sự hy sinh của các chiến sỹ Hồng quân Liên Xô và những người dân xô-viết đã cứu loài người khỏi thảm hoạ diệt chủng khủng khiếp nhất trong lịch sử văn minh nhân loại. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng thống Nga Đ.Met-vê-đep khẳng định, ngày 9-5-1945 mãi mãi được ghi vào lịch sử là ngày chấm dứt thảm kịch lớn nhất trong thế kỷ XX.

   Năm nay, cũng như những lần kỷ niệm trước đây, các lực lượng vũ trang Nga tham gia duyệt binh với một lực lượng hùng hậu gồm 9.000 binh sĩ, hơn 100 xe quân sự các loại, 70 trực thăng và máy bay, các hệ thống vũ khí hiện đại nhất như tên lửa đường đạn xuyên lục địa thế hệ mới Topol-M, tên lửa phòng không S-400 tiên tiến nhất thế giới và nhiều vũ khí trang bị hiện đại khác. Cùng tham gia duyệt binh còn có 1.100 nghệ sĩ biểu diễn những ca khúc hùng tráng, ca ngợi chiến công hiển hách của đại gia đình các dân tộc trong Liên bang Xô Viết trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

   Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Nga Đ.Met-vê-đep khẳng định: “Nước Nga đã phải trả giá rất lớn để có được Ngày Chiến thắng vĩ đại. Chúng ta vô cùng trân trọng và nâng niu tương lai hoà bình trên hành tinh này, trân trọng và nâng niu sự bình yên và cuộc sống vững tin vào tương lai. Ngày Chiến thắng chứng tỏ, toàn bộ sức mạnh của chủ nghĩa phát xít nhằm bao vây, phong toả, tiêu diệt nước Nga, cuối cùng đã phải thất bại. Chúng không thể bẻ gãy được ý chí và niềm tin của một dân tộc vào sự nghiệp chính nghĩa và tương lai của Tổ Quốc. Ký ức về Chiến tranh vệ quốc vĩ đại rất quan trọng trong thời đại ngày nay, và, các thế hệ mới cần biết rằng, biết bao máu và nước mắt đã đổ xuống để bảo vệ hạnh phúc của họ. Nước Nga cùng với các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế kiên trì đấu tranh nhằm củng cố các nguyên tắc an ninh quốc tế nhằm thiết lập một nền hoà bình bền vững”.

   Lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng năm nay có ý nghĩa rất quan trọng đối với nước Nga, khi đất nước này đang phải đấu tranh để giữ vững và phát huy những thành tựu mới đạt được trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quân sự, đối ngoại sau hai nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống V.Pu-tin, và nay đang được Tổng thống Nga Đ.Met-vê-đep lãnh đạo, để tiếp tục phát triển trong bối cảnh nước Nga đang chịu những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

   Ý nghĩa của Ngày Chiến thắng vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay, bởi trên thế giới vẫn còn những mưu toan núp dưới những khẩu hiệu “xúc tiến dân chủ”, “phổ biến các giá trị”, “bảo vệ nhân quyền” v.v.. để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, vì lợi ích vị kỷ của mình. Trong bài phát biểu trên Quảng trường Đỏ, Tổng thống Nga Đ.Met-vê-đep nhấn mạnh: “Kỷ niệm ngày này, chúng ta mãi mãi ghi nhớ chiến công vĩ đại của nhân dân Nga, sức mạnh tinh thần không gì có thể khuất phục nổi mà nhân dân Nga đã hun đúc và mang theo để đấu tranh nhằm giữ vững quyền được phát triển trong độc lập và tự do, quyền được sống, được sinh ra và nuôi dưỡng các thế hệ con cháu và truyền lại cho họ các giá trị và truyền thống để nuôi dưỡng dân tộc Nga trong nhiều thế kỷ. Quân đội và nhân dân Nga chỉ có thể có được sức mạnh tinh thần và đạo đức vô địch như thế xuất phát từ tình yêu Tổ Quốc, kế thừa các giá trị và bản sắc riêng, lý tưởng về một cuộc sống tự do và hòa bình. Các lực lượng vũ trang Nga ngày nay đang được xây dựng trên nền tảng đạo đức và tinh thần đó của truyền thống Nga. Đội quân đó phải đủ mạnh và có trình độ chuyên nghiệp cao, trung thành với lý tưởng chính nghĩa và hoà bình”.

   Với tinh thần đó, Tổng thống Nga Đ.Met-vê-đep khẳng định: “Bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào các công dân của chúng ta sẽ nhận được sự đáp trả thích đáng. Tương lai của nước Nga sẽ luôn là hoà bình”.

   Để phát huy truyền thống và giá trị lớn lao của Lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng, Tổng thống Nga Đ.Met-vê-đep đã ký một đạo luật mới, theo đó, kể từ năm 2009, các cuộc diễu hành kỷ niệm Ngày chiến thắng với sự xuất hiện của nhiều vũ khí quân sự hạng nặng sẽ được tổ chức tại 23 thành phố trên khắp nước Nga, chứ không chỉ riêng ở thủ đô Mat-xcơ-va.

   Theo số liệu của Hãng thống tấn ITAR-TASS, đã có 4 triệu người Nga ở các thành phố tham gia Lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng trong ngày 9-5-2009. Trên toàn nước Nga diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi để người dân Nga ôn lại chiến thắng hào hùng và khẳng định sự hồi sinh mạnh mẽ của một quốc gia vốn được coi là một cường quốc trên thế giới, đồng thời biểu dương sức mạnh kinh tế và chính trị của nước Nga thời hiện đại. Ngày Chiến thắng còn là dịp để Nga thể hiện sức mạnh chiến đấu và là sự “đáp trả hoà bình” đối với những ai còn nghi ngờ sức mạnh quân sự của Nga./.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #82 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 05:01:40 pm »

CHUYẾN THĂM CHÂU PHI CỦA TỔNG THỐNG Đ.MET-VÊ-ĐÉP: CHẬM CÒN HƠN KHÔNG BAO GIỜ

   Chuyến thăm châu Phi từ ngày 23 đến 26-6 vừa qua của Tổng thống Nga Đ.Met-vê-đép là động thái mới của nước Nga trong cuộc cạnh tranh địa - chính trị và địa - kinh tế tại “lục địa đen” mà trước đó, các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ đã có mặt và xác định vị thế của họ. Có thể thấy, nước Nga dường như đã chậm chân trong cuộc chạy đua khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, tục ngữ Nga có câu “Chậm còn hơn là không bao giờ”. 

   Nước Nga liệu có cần tài nguyên của các nước khác?

   Bước sang kỷ XXI, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và nhiều nước công nghiệp phát triển phải đương đầu với một thách thức nghiêm trọng là “đói và khát” tài nguyên thiên nhiên, trước hết là dầu lửa và các kim loại rất cần cho các ngành công nghiệp “ống khói” đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Một khi tài nguyên trong nước không đủ (Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ), hoặc gần như thiếu vắng (Nhật Bản), các quốc gia phải hướng tới các khu vực giàu có những thứ “trời cho” này như Trung Đông, Trung Á, châu Phi v.v.. Và thế là, châu Phi lọt vào “tầm ngắm” bởi châu lục này được tạo hoá ban tặng các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào mà các quốc gia sở tại chưa cần tới hoặc không có khả năng khai thác.

   Nga là quốc gia có diện tích lãnh thổ lớn nhất thế giới, ẩn chứa trong đó gần như tất các loại tài nguyên thiên nhiên có trên Trái Đất, từ dầu mỏ, khí đốt, các kim loại thông thường và kim loại hiếm, nước ngọt, đất đai màu mỡ v.v.. Vì thế, giới nghiên cứu ở phương Tây nhận định, nếu trên thế giới này có nước nào muốn xưng bá là “siêu cường số 1” thế giới thì có lẽ chỉ có nước Nga, bởi họ có đầy đủ mọi thứ để đứng vào vị thế ấy, từ tiềm năng trí tuệ đến tài nguyên thiên nhiên.
 
   Từ thời Liên Xô tới nay, người Nga nổi danh bởi hoạt động khai thác và xuất khẩu tài nguyên. Nhưng rồi họ chợt nhận ra, tài nguyên thiên nhiên không chỉ có hạn mà còn là thứ “vũ khí” trong cuộc khẳng định ảnh hưởng chính trị trên thế giới. Việc các nước lớn xâm nhập ảnh hưởng vào không gian hậu xô-viết là bài học địa - chính trị và địa - kinh tế nhức nhối đối với nước Nga.

   Vì thế, trong Chiến lược an ninh quốc gia mới đến năm 2020 và trong chính sách đối ngoại, Nga bắt đầu chú ý tới việc bảo vệ lợi ích quốc gia bên ngoài lãnh thổ của Nga. Theo chiến lược đó, Nga đã triển khai lực lượng quân sự tới Bắc Cực, kiên quyết “mạnh tay” đối phó đối với sự can thiệp của các nước vào không gian hậu xô-viết v.v. Chuyến thăm châu Phi của Tổng thống Đ.Met-vê-đép diễn ra trong bối cảnh đó.

   Chậm mà tốt còn hơn không bao giờ

   Chuyến thăm châu Phi kéo dài tới 4 ngày của Tổng thống Đ.Met-vê-đép là chuyên công du nước ngoài dài nhất của một tổng thống Nga từ trước tới nay. Điểm dừng chân đầu tiên của Tổng thống Đ.Met-vê-đép là Ai Cập, nơi mà cách đây vài tuần, Tổng thống Mỹ B.Ô-ma-ma đã có một bài phát biểu “nhằm tranh thủ trái tim” của thế giới Hồi giáo. Tiếp đó là Ni-gê-ri-a - xứ sở sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn của thế giới. Điểm dừng chân cuối cùng là Na-mi-bi-a và Ăng-gô-la, quốc gia rất giàu tài nguyên u-ra-ni và kim cương.

   Cùng đi với Tổng thống Đ.Met-vê-đép tới châu Phi có Bộ trưởng Năng lượng Xéc-gây Xmat-cô; người đứng đầu Tập đoàn năng lượng quốc gia, đại diện của Tập đoàn dầu lửa và khí lớn nhất ở Nga “Gazprom” và nhiều tập đoàn năng lượng khác, Xéc-gây Ki-ri-en-cô.

   Tại Ai Cập, Tổng thống Đ.Met-vê-đép và Tổng thống nước chủ nhà, ông Mu-ba-rắc, đã ký 5 thoả thuận hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh, tư pháp, môi trường, văn hóa và thông tin. Tập đoàn năng lượng nguyên tử “Rosatom” của Nga ký với Ai Cập thoả thuận cho phép tập đoàn này xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân đầu tiên ở Ai Cập. Cũng tại Ai Cập, Tổng thống Đ.Met-vê-đép đã kêu gọi tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh về hoà bình Trung Đông tại Mat-xcơ-va trong bối cảnh tình hình ở khu vực này đang nóng lên quá mức và rất cần có một diễn đàn đủ uy tín và độ tin cậy để “hạ nhiệt”. Nga là nước duy nhất trong số 4 thành viên nhóm bảo trợ tiến trình hòa bình I-xra-en - Pa-le-xtin có thể đàm phán được với phong trào của Ha-mat ở Pa-le-xtin.

   Tại Ni-gê-ri-a, nước có trữ lượng khí lớn thứ 7 thế giới, kinh tế là vấn đề chủ chốt trong các cuộc hội đàm cấp cao. Tháng 4-2009, Ni-gê-ri-a đã chọn Tập đoàn “Gazprom” trong số 15 công ty làm nhà đầu tư chính trong việc khai thác và sản xuất khí đốt thiên nhiên của nước này. Trước đó, tháng 9-2008, “Gazprom” và Công ty quốc doanh xăng dầu quốc gia Ni-gê-ri-a ký thoả thuận lập liên doanh xây dựng các khu khai thác khí đốt và vận chuyển nhiên liệu. Trong chuyến đi này, hai nước còn ký kết thoả thuận về hợp tác năng lượng hạt nhân.

   Tại Na-mi-bi-a, các công ty con của Tập đoàn “Rosatom” bàn về việc khai thác mỏ u-ra-ni ở phía Tây Na-mi-bi-a.

   Tại Ăng-gô-la, Giám đốc Tập đoàn độc quyền về kim cương của Nga “Alrosa” đã từng hoạt động ở nước này từ năm 1990 ký kết với Ăng-gô-la những thoả thuận mới.

   Trong chuyến thăm 4 ngày với lịch làm việc được tính sát tới từng phút, Tổng thống Đ.Met-vê-đép không chỉ tạo ra ấn tượng tốt đẹp về một nước Nga mới hồi sinh mạnh mẽ và có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn mà còn đem lại cho Mát-xcơ-va những hợp đồng năng lượng trị giá nhiều tỉ USD.

   Dĩ nhiên, chỉ với một chuyến thăm, tuy là của nguyên thủ quốc gia, nước Nga khó có thể chinh phục được nguồn tài nguyên của “lục địa đen” đã từng bị lãng quên trong tâm thức của Mat-xcơ-va và chắc chắn không thể hạn chế được ảnh hưởng khá sâu sắc của Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ tại châu lục này. Nhưng, những kết quả đạt được trong chuyến thăm của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép cho thấy, nước Nga thà “chậm còn hơn là không bao giờ” trong việc chinh phục lục địa giàu tài nguyên nhưng trình độ phát triển hoàn toàn chưa tương xứng này./.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #83 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 05:03:33 pm »

CÓ GÌ MỚI TRONG CHIẾN LƯỢC ĐỐI NGOẠI CỦA TỔNG THỐNG NGA Đ.MÉT-VÊ-ĐÉP?

   Ngày 15-7-2008, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép ký phê chuẩn “Chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga”. Đây là văn kiện thể hiện một cách hệ thống những quan điểm cơ bản về nguyên tắc, nội dung và định hướng đối ngoại của Liên bang Nga trong tình hình mới.

   Chiến lược đối ngoại do Tổng thống Đ.Mét-vê-đép ký phê chuẩn tuy không có những nội dung mới mang tính đột phá so với Chiến lược đối ngoại do cựu Tổng thống V.Pu-tin phê chuẩn vào ngày 28-6-2000, nhưng vẫn có những điểm mới, những bổ sung và thậm chí một số thay đổi đáng kể, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu cũng như các nhà bình luận quốc tế.

   Thứ nhất, khẳng định nước Nga có ảnh hưởng đáng kể trong các quan hệ có tính toàn cầu.

   Trong thời gian vừa qua, nước Nga đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị, khơi dậy niềm tự hào và đang dần lấy lại vị thế của của một cường quốc trên thế giới. Dựa trên nền tảng đặt lợi ích quốc gia trên hết, nước Nga đã thể hiện vai trò của mình trong các công việc quốc tế; tích cực và chủ động tham gia vào các công việc của châu Âu, Trung Đông, châu Á, khu vực Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Mỹ La-tinh v.v.. Nga đang có ảnh hưởng đáng kể đối với việc hình thành cấu trúc mới trong các quan hệ có tính toàn cầu. Một số chuyên gia nghiên cứu chính trị ở Mỹ đã từng cho rằng, Nga hoàn toàn có thể trở thành siêu cường hàng đầu thế giới bởi họ có đầy đủ mọi thứ để làm điều đó như tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng trí tuệ, truyền thống văn hoá v.v.. Thực tế này đã phủ nhận quan điểm của nhiều chuyên gia phương Tây trong những năm 90 của thế kỷ trước cho rằng, Nga mãi mãi sẽ không thể trở thành siêu cường, và vì thế, Điện Crem-li cần phải chấp nhận và thoả mãn với vị thế khu vực.

   Để khẳng định vị trí siêu cường của mình, nước Nga đang thực hiện chính sách đối ngoại được cho là thực dụng, cởi mở, có thể dự báo trước, nhằm phục vụ lợi ích quốc gia.

   Thứ hai, Nga cho rằng, sức mạnh quân sự không nên và không thể là yếu tố chủ yếu tác động tới nền chính trị quốc tế.

   Chiến lược đối ngoại của Nga khẳng định những thay đổi cơ bản diễn ra trong các quan hệ quốc tế trong hai thập niên gần đây. Đó là sự chuyển hoá căn bản các quan hệ quốc tế, chấm dứt sự đối đầu về tư tưởng và từng bước khắc phục các di sản của “chiến tranh lạnh”. Nguy cơ chiến tranh quy mô lớn đã giảm bớt, trong đó có cả nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Cách tiếp cận theo khối để giải quyết các vấn đề quốc tế đang được thay thế bằng nền ngoại giao đa phương, hay còn gọi là nền “ngoại giao mạng”, dựa trên những hình thức tham gia linh hoạt vào các cơ cấu quốc tế đa phương. Theo đánh giá của Nga, yếu tố sức mạnh quân sự trong nền chính trị đương đại không thể, không nên là yếu tố cơ bản, và, càng không phải là yếu tố duy nhất. Cùng với sức mạnh quân sự, các yếu tố chủ yếu để các quốc gia tác động vào nền chính trị quốc tế là kinh tế, khoa học công nghệ, sinh thái, dân số và thông tin.

   Thứ ba, Nga khẳng định, những giá trị của phương Tây không phải là duy nhất cho cả thế giới.

   Chiến lược đối ngoại của Nga đề cập đến quá trình toàn cầu hoá và những nguy cơ, thách thức phát sinh từ toàn cầu hoá. Trong vấn đề này, quan niệm của Nga tuy có phần nào đó gần giống với quan niệm của các chuyên gia nghiên cứu chính trị phương Tây, nhưng có những động thái quan trọng mà các nước phương Tây không muốn thừa nhận. Đó là, Nga cho rằng, lần đầu tiên, sự cạnh tranh toàn cầu trong lịch sử đương đại bắt đầu có dáng dấp cạnh tranh phát sinh từ các định hướng giá trị và mô hình phát triển khác nhau. Ý nghĩa của yếu tố tôn giáo trong việc hình thành hệ thống các quan hệ quốc tế ngày càng gia tăng. Sự cạnh tranh giữa các giá trị và giữa các mô hình phát triển chứng tỏ rằng, trong quá trình toàn cầu hoá, các giá trị và mô hình phát triển của phương Tây không thể và không phải là hiển nhiên.

   Điều này có ảnh hưởng quan trọng đến nước Nga, một quốc gia mà kể từ thời kỳ đối đầu hai cực, vẫn luôn bị phương Tây coi là đối tượng chủ yếu của họ. Ngày nay, lo sợ trước nguy cơ mất đi vị thế độc quyền chi phối các quá trình toàn cầu hoá, phương Tây vẫn theo đuổi quan điểm chính trị và tâm lý kiềm chế nước Nga.

   Thứ tư, Nga không chấp nhận quan điểm thế giới đơn cực.

   Trong Chiến lược đối ngoại mới của Nga không nói đến khái niệm “kẻ thù”, mà chỉ đề cập đến sự cạnh tranh và hợp tác. Chiến lược cũng không nói đến tên của quốc gia đe dọa nhiều nhất đối với vị thế của Nga trên thế giới, nhưng đã lột tả một cách cụ thể phương pháp hành động của quốc gia này. Nga không chấp nhận việc cậy thế sức mạnh và quan điểm thế giới đơn cực, bởi Nga cho rằng, cách tiếp cận đơn cực đối với công việc của thế giới là nguy hiểm, các hành động đơn phương sẽ làm cho tình hình quốc tế bất ổn, gây căng thẳng và kích thích chạy đua vũ trang, làm gay gắt thêm mâu thuẫn giữa các quốc gia, làm trầm trọng hơn nguy cơ xung đột quốc gia và tôn giáo, đe dọa an ninh của các quốc gia khác, làm gia tăng tình hình căng thẳng trên thế giới.

   Thứ năm, Nga thể hiện rõ quan điểm tôn trọng luật pháp quốc tế.

   Nga quan tâm đến một hệ thống quan hệ quốc tế ổn định, dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Vì thế, Nga kiên quyết củng cố nền tảng pháp lý trong các quan hệ quốc tế và bằng cách đó sẽ trở thành lá chắn tin cậy nhất bảo vệ trật tự pháp lý quốc tế. Chiến lược đối ngoại mới của Nga nêu rõ, trong khi đứng ra bảo vệ các nguyên tắc pháp lý quốc tế, nước Nga có thể trở thành trung tâm thu hút nhiều nước khác chủ trương bảo vệ các quy chuẩn pháp lý đã được hình thành. Nước Nga có thể trở thành một trong những yếu tố thúc đẩy sự hình thành trật tự thế giới mới.

   Thứ sáu, đề cao vai trò của Liên hợp quốc trong điều chỉnh các quan hệ quốc tế.

   Chiến lược đối ngoại mới của nước Nga cho rằng, trật tự thế giới cần phải được thể chế hoá. Chiến lược khẳng định, những thay đổi diễn ra trên thế giới tất yếu sẽ dẫn đến trật tự thế giới mới và nước Nga sẽ tích cực tham gia vào quá trình đó nhưng sẽ luôn bảo vệ các thể chế quốc tế đã từng chứng tỏ có hiệu quả, trước hết là Liên hợp quốc. Theo quan niệm của Nga, trung tâm điều chỉnh các quan hệ quốc tế và phối hợp nền chính trị thế giới trong thế kỷ XXI phải là Liên hợp quốc - tổ chức duy nhất và có cơ sở pháp lý mang tính toàn cầu. Về nội dung này, quan điểm của Nga được đánh giá là dễ bị tổn thương nhất, bởi lúc này Liên hợp quốc đang đứng trước yêu cầu phải cải tổ. Tuy vậy, Nga vẫn khẳng định rằng, không có một phương án nào khác, và bảo vệ Liên hợp quốc là nhiệm vụ quan trọng và có lợi đối với Nga.

   Thứ bảy, xác định hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại.

   Trong chiến lược đối ngoại mới nêu rõ những lợi ích của Nga tại các khu vực trên thế giới và những liên minh mà Nga cần hợp tác. Hướng ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga là phát triển hợp tác song phương và đa phương với các nước láng giềng thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) trong lĩnh vực bảo đảm an ninh cho nhau, cùng phối hợp đối phó với các mối đe doạ và thách thức chung. Quan điểm này chắc chắn sẽ được các thế lực dân tộc chủ nghĩa ở các nước thuộc không gian hậu Xô-viết nhìn nhận khác nhau, bởi họ vẫn chưa xoá bỏ được quan niệm coi Nga là “mối đe dọa có tính đế quốc”.

   Trong điều kiện môi trường chính trị toàn cầu có những biến động như tình hình ở Cap-ca, sự mở rộng NATO về phía Đông, việc Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu..., Chiến lược đối ngoại mới của Nga còn có thêm những nội dung mới liên quan đến sự bành trướng của Mỹ trong không gian hậu Xô-viết; việc ưu tiên thành lập nhà nước liên bang với Bê-la-ru-xi-a và chuyển quan hệ sang nguyên tắc thị trường; đưa ra một liên minh nhằm thay thế NATO qua việc đề xuất thành lập một hệ thống an ninh thống nhất ở châu Âu; xác lập sự cân bằng trong việc hợp tác với các cường quốc mới nổi lên như Trung Quốc và Ấn Độ.

   Thái độ và cách ứng xử “mềm mại”, không mang tính xung đột của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép trong cuộc gặp gần đây nhất với nguyên thủ các nước trong Nhóm G-8 được nhận xét giống như là một “trận đánh nhỏ” để thăm dò đối phương trước khi mở màn một chiến dịch lớn. Chiến lược đối ngoại mới của Nga là một câu trả lời dứt khoát và thẳng thắn đối với những suy đoán của Nhóm G8 là: trong chính sách đối ngoại, nước Nga sẽ không có những thay đổi căn bản; Nga sẽ vẫn tiếp tục hợp tác và hữu nghị với các nước G8 nhưng là trên cơ sở lợi ích của Nga phải được bảo vệ./.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #84 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 05:04:38 pm »

KHÔNG NÊN BẮN VÀO QUÁ KHỨ

   Ở châu Âu lưu truyền câu phương ngôn: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng ngắn, thì tương lai sẽ nã vào anh bằng đại bác”. Đó là lời khuyên chúng ta về cách ứng xử thông minh, có đạo lý và có lương tâm về quá khứ, dù đó là quá khứ đau buồn, hạnh phúc hoặc bất hạnh. Thế nhưng, thật đáng buồn, hiện nay không ít người ở nhiều nước châu Âu đang có cách ứng xử hoàn toàn ngược lại, họ không chỉ bắn vào quá khứ bằng súng ngắn mà thậm chí còn nã bằng đại bác.

   Chuyện là, trong những năm gần đây, sau khi Liên Xô tan rã, ở nhiều nước châu Âu, thậm chí cả ở nước Nga, không ít người có suy nghĩ cực đoan rằng, phàm là những gì liên quan đến Liên Xô đều là “không có giá trị”, thậm chí là “phi đạo lý”, trong đó có chiến công của Hồng quân và nhân dân Liên Xô đập tan chủ nghĩa phát-xít, cứu loài người thoát khỏi hoạ diệt chủng, đã từng được lịch sử ghi nhận. Một hiện tượng rất đáng lo ngại, vô đạo đức và phản lịch sử đang diễn ra. Ở một số nước đã từng được Hồng quân Liên Xô cứu thoát khỏi bàn tay sát nhân của chủ nghĩa phát-xít, giờ đây lại đang quay sang tặng thưởng huân chương cho các nhân viên của Đức quốc xã, những kẻ đã từng phạm tội ác diệt chủng đối với người Do Thái và các dân tộc ở châu Âu, thậm chí tôn sùng họ như “những người anh hùng” và dùng họ làm “tấm gương” để giáo dục thanh niên. Thật là một trò hề (!). Nhiều đài tưởng niệm chiến công của Hồng quân Liên Xô bị dỡ bỏ. Một số nước cộng hòa Liên Xô trước đây đã từng cùng kề vai sát cánh trong đại gia đình Liên Xô trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, thì nay đã không còn tổ chức kỷ niệm Ngày Chiến thắng, thậm chí còn đưa ra những lời giải thích rất tùy tiện về lịch sử chiến tranh thế giới thứ hai. Nhiều quốc gia mới hình thành sau khi Liên Xô sụp đổ bắt đầu viết lại lịch sử để phục vụ cho mục đích riêng của họ. Họ đang làm một việc đáng khinh, đó là xuyên tạc lịch sử!

   Tình hình xuyên tạc lịch sử về chiến tranh thế giới thứ hai ở một số nước Đông Âu còn đáng lo ngại hơn, đặc biệt là ở Ba Lan. Lịch sử thế giới đã từng ghi nhận, ngày 1-9-1939, bằng hành động của phát-xít Đức tiến công Ba Lan, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Đây là cuộc chiến tranh tàn khốc và đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại, diễn ra trên hầu hết các châu lục, đại dương, liên quan đến 72 nước với dân số 1,7 tỉ người và 110 triệu quân tham chiến. Một cuộc chiến mà đã có gần 55 triệu người chết, hơn 20 triệu người bị tàn phế. Riêng Liên Xô, quốc gia gánh chịu trách nhiệm lớn nhất và cũng là quốc gia đóng góp phần quyết định trong cuộc chiến nhằm tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít, cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa diệt chủng khủng khiếp nhất trong lịch sử văn minh nhân loại cũng đã phải hy sinh tới 27 triệu người. Cựu Thủ tướng Ốt-xtrây-li-a Pôn Ghét-tinh đã từng viết rằng, thế giới đang mang một món nợ lớn đối với người Nga vì họ đã hy sinh hơn 20 triệu người trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai để mang lại hoà bình cho nhân loại; số người Nga thiệt mạng trong cuộc chiến tranh đó lớn bằng dân số của cả nước Ốt-xtrây-li-a. Đó là sự thật không ai có thể chối cãi được!

   Thế nhưng, nhân dịp tưởng niệm 70 năm bùng nổ chiến tranh thế giới thứ hai được tổ chức vào ngày 1-9-2009, ở nhiều nước, đặc biệt là Ba Lan, đang có những hành động nhằm hạ thấp vai trò của Liên Xô trong việc đập tan chủ nghĩa phát-xít Đức và đổ lỗi cho Liên Xô “là quốc gia mở đường chiến tranh” với hành động ký kết Hiệp ước không tấn công lẫn nhau vào năm 1939 mà lịch sử quen gọi là Hiệp ước Mô-lô-tốp-Ri-ben-trốp. Không ít chính khách và dân thường ở Ba Lan cho rằng, Hiệp ước này là “vô đạo đức” và “vi phạm luật quốc tế”. Vậy sự thực thế nào và Hiệp ước này đã được ký kết ra sao?
 
   Theo Giáo sư luật quốc tế Ô-lếch Khle-xtốp thuộc Học viện Quan hệ quốc tế Nga, lịch sử đã từng ghi lại bằng giấy trắng mực đen rằng, ngay sau khi lên cầm quyền, Hít-le đã bắt đầu chuẩn bị một cuộc chiến tranh lớn nhằm đánh chiếm “không gian sinh tồn cho chủng tộc A-ri-an”. Chính phủ các nước Anh và Pháp đã đẩy Hít-le tiến về phía Đông và gây chiến với Liên Xô. Luân Đôn và Pa-ri không chỉ tạo điều kiện mà còn cho phép Đức tăng cường sức mạnh quân sự. Năm 1936, Hít-le được sự đồng ý của Anh và Pháp, đánh chiếm xứ Ranh, sau đó đánh chiếm toàn bộ nước Áo và Tiệp Khắc. Đứng trước nguy cơ chiến tranh nhãn tiền, Liên Xô có ý định thành lập liên minh quân sự, thực chất là hệ thống an ninh tập thể, để chống lại cuộc xâm lược của Hít-le, nhưng đã bị chính phủ Pháp và Anh phản đối. Trong khi đó, nước Pháp từ chối thực hiện Hiệp ước đã từng ký kết năm 1935 giữa ba nước là Pháp, Liên Xô và Tiệp Khắc nhằm bảo vệ Tiệp Khắc trước nguy cơ Hít-le phát động chiến tranh để chiếm một phần lãnh thổ của Tiệp Khắc và sáp nhập vào nước Đức. Giá như nước Pháp thực hiện những cam kết của mình thì chiến tranh thế giới thứ hai đã có thể được ngăn chặn vì lúc đó lực lượng quân sự của Pháp và Tiệp Khắc vượt xa quân đội Đức.

   Trong tình hình Pháp và Anh mở rộng và thắt chặt quan hệ với nước Đức, Liên Xô bị sa vào tình hình vô cùng bất lợi. Ở Viễn Đông, Liên Xô đứng trước nguy cơ chiến tranh từ phía Nhật Bản và có thể sẽ phải tiến hành chiến tranh trên hai mặt trận. Để bảo vệ đất nước, Liên Xô buộc phải ký Hiệp ước không tiến công lẫn nhau với Đức mà trước đó, Pháp, Anh và Ba Lan ký kết với Đức những Hiệp ước tương tự. Đó là, Tuyên bố chung Anh - Đức ký ngày 30-9-1938 và Tuyên bố chung Pháp - Đức ký ngày 6-12-1938, theo đó, Anh và Pháp đã tạo cơ sở pháp lý để tự bảo vệ, chống lại nguy cơ xâm lược của Đức. Thế nhưng, họ không biết rằng những thoả thuận đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho nước Đức hướng toàn bộ sức mạnh tiến công về phía Liên Xô. Về thực chất, Hiệp ước Đức và Ba Lan ký ngày 28-1-1934 về việc các bên không sử dụng lực lượng vũ trang trong quan hệ giữa hai nước không khác gì nội dung của Hiệp ước Ri-ben-trốp-Mô-lô-tốp giữa Liên Xô và Đức. Do đó, nếu cho rằng Hiệp ước giữa Liên Xô và Đức là “vô đạo đức và mâu thuẫn với luật pháp quốc tế” là hoàn toàn không có cơ sở. Còn nếu vẫn cố tình đổ lỗi cho Liên Xô thì cần nhớ, những thoả thuận và Hiệp ước “vô đạo đức và mâu thuẫn với luật pháp quốc tế “ tương tự đã từng được Pháp, Anh và Ba Lan ký kết với Đức trước đó.

   Nếu nói là “vô đạo đức và vi phạm mọi nguyên tắc và luật pháp quốc tế”, thì chính Hiệp ước Mu-ních ký năm 1938 giữa Anh và Pháp với nước Đức phát xít cũng như việc Ba Lan tham gia cùng với Đức trong việc đánh chiếm một phần lãnh thổ của Tiệp Khắc đáng bị lên án hơn cả. Việc các nhà lãnh đạo Ba Lan trước đây ngăn cản việc ký kết Hiệp ước quân sự giữa ba nước Anh, Pháp và Liên Xô nhằm bảo vệ cả Ba Lan, chống lại hành động xâm lược của phát-xít Đức mới là hành động phi đạo đức, vô trách nhiệm và thù địch đối với Liên Xô. Cái giá phải trả cho chính sách sai lầm đó là gần 6 triệu người Ba Lan thiệt mạng và thể chế nhà nước Ba Lan hoàn toàn biến mất, mà sau này, Hồng quân Liên Xô đã phải hy sinh nửa triệu binh sĩ trong các cuộc chiến đấu ác liệt với phát-xít Đức mới góp phần quan trọng vào việc thiết lập nhà nước Ba Lan mới.

   Vậy mà hiện nay, nhân tưởng niệm 70 năm mở đầu chiến tranh thế giới thứ hai, dư luận ở Ba Lan, nghiêm trọng hơn là ngay cả các quan chức nhà nước lại khẳng định, Hiệp ước Mô-lô-tốp-Ri-ben-trốp giữa Liên Xô và Đức “là nguyên nhân gây nên chiến tranh thế giới thứ hai”, và còn định “làm rõ mọi chuyện” khi Thủ tướng Nga V. Pu-tin tới dự lễ tưởng niệm 70 năm mở đầu chiến tranh thế giới thứ hai được tổ chức tại thành phố Gơ-đan-xcơ, nơi đầu tiên chứng kiến đòn tiến công chớp nhoáng của quân Đức, mở màn cuộc chiến tranh diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử (!).

   Vào thời điểm tưởng niệm 70 năm mở đầu chiến tranh thế giới thứ hai, châu Âu đang đứng trước sự chia rẽ đáng lo ngại. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã đưa ra đề nghị thành lập Hệ thống an ninh tập thể chung để bảo vệ các nước trong khu vực này. Việc các nước châu Âu trong những năm 1930 đã không thể thành lập được hệ thống an ninh tập thể, để xảy ra cuộc chiến tranh vô cùng đẫm máu là bài học lịch sử đau buồn mà các nước châu Âu cần phải tính đến. Chính đó là điều quan trọng nhất mà kinh nghiệm lịch sử đã mách bảo các dân tộc châu Âu trong những ngày này, chứ không phải là đi “dùng súng ngắn bắn vào quá khứ” để rồi “tương lai sẽ nã vào họ bằng đại bác”./.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #85 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2011, 08:48:53 am »

TỔNG THỐNG NGA Đ.MÉT-VÊ-ĐÉP ĐỀ XUẤT TRẬT TỰ AN NINH QUỐC TẾ MỚI

   Ngày 8-10-2008, tại Hội nghị về chính sách quốc tế tổ chức tại thành phố Ơ-vi-an (Pháp) với sự tham gia của nguyên thủ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di, đương kim Chủ tịch EU, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã phát biểu đề cập tới 3 chủ đề “nóng” với nội dung chính dưới đây. Xin thông tin để bạn đọc tham khảo.

   Ba chủ đề chính trong phát biểu của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép

   Thứ nhất, thế giới đơn cực chỉ tạo ra sự bất ổn an ninh trên toàn cầu

   Thế giới hôm nay đang trải qua thời kỳ rất quan trọng, và, là thời kỳ quá độ. Những sự kiện diễn ra trong tháng 8-2008 chứng tỏ rằng, thế giới đã không thể ngăn chặn được hành động xâm lược trong khuôn khổ tiếp cận theo kiểu phân chia thế giới thành các khối. Việc Gru-di-a, một nước tương đối nhỏ, mà lại có khả năng gây nên tình hình bất ổn trên thế giới, dường như đã nói lên rằng, không thể chấp nhận hệ thống an ninh dựa trên trật tự thế giới đơn cực. Sự ích kỷ về kinh tế, tham vọng một mình điều khiển nền kinh tế toàn cầu, cũng là dấu hiệu của một trật tự thế giới đơn cực. Trật tự đó, rõ ràng là, không có triển vọng tồn tại.

   Cách đây bảy năm, thời điểm xảy ra sự kiện 11-9-2001, nước Mỹ do tham vọng muốn khẳng định vai trò bá chủ thế giới, đã đánh mất cơ hội lịch sử để xây dựng một trật tự thế giới thực sự dân chủ. Khi đó, nước Nga đã sẵn sàng giúp đỡ nước Mỹ, không chỉ xuất phát từ cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa khủng bố, mà còn thể hiện muốn vượt qua sự chia rẽ đã từng hình thành trong thời kỳ “chiến tranh lạnh” giữa Mỹ và Nga.

   Sau sự kiện 11-9, Mỹ đã có các hành động không phù hợp với các định chế của Liên hợp quốc như gây ra cuộc chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan, cuộc chiến tranh I-rắc, vấn đề Cô-xô-vô, hình thành các căn cứ quân sự xung quanh nước Nga, triển khai các căn cứ tên lửa ở Cộng hoà Séc và Ba Lan. Số lượng tên lửa tuy không lớn, nhưng một câu hỏi tự nhiên được đặt ra là vì sao khi thông qua những quyết định đó, không một ai (ở Mỹ) tham khảo ý kiến các đồng minh của họ ở châu Âu và cũng không tham vấn ý kiến của các đối tác trong NATO?

   Tiếp theo, một câu hỏi nữa được đặt ra là: vì sao NATO lại cứ tiếp tục mở rộng sang phía Đông, sát đến tận biên giới nước Nga? Việc kết nạp Gru-di-a và U-crai-na vào NATO dường như được coi như một sự kiện để thể hiện ai thắng ai: nếu kết nạp những nước này có nghĩa là sẽ giành thắng lợi trước nước Nga, còn nếu không, có nghĩa là chịu đầu hàng nước Nga. Trước những động thái mang tính “hệ thống” như vậy, nước Nga khẳng định, dù châu Âu có giải thích thế nào đi nữa thì Mát-xcơ-va vẫn coi những hành động đó là chống lại nước Nga.

   Tuy nhiên, sự kiện Cáp-ca và việc Nga rút quân ra khỏi vùng đệm quanh Nam Ô-xê-ti-a va Áp-kha-di-a cho thấy, Nga và các nước vẫn có thể cùng nhau hành động một cách thực dụng và có trách nhiệm. Nga vẫn kêu gọi từ bỏ thái độ đối đầu vì nó không có triển vọng và không đem lại lợi ích cho ai; xóa bỏ tư tưởng “bài Xô” - một “căn bệnh” mà Nga cho là rất nguy hiểm, nhưng đáng tiếc là một bộ phận trong chính quyền Mỹ hiện nay đã nhiễm “căn bệnh” này một cách trầm trọng; đồng thời, cần phải nghiên cứu, tìm hiểu nước Nga mới, mà không nên tưởng tượng ra các “mối đe dọa” như trước đây.

   Những gì mà thế giới trải qua trong hai tháng gần đây là do hậu quả của trật tự thế giới đơn cực. Sức mạnh một khi không dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế sẽ tạo nên sự bất ổn như đã từng xảy ra ở I-rắc. Do đó, phải kiên quyết chống lại cách tiếp cận coi chiến tranh như là một công cụ để giải quyết chính sách. Cần phải xây dựng các tiêu chí cơ bản để kiểm soát vũ trang. Nếu công nhận quan hệ quốc tế như là quan hệ giữa các chủ thể có quyền bình đẳng thì không thể chấp nhận ưu thế áp đảo của một chủ thể này so với một chủ thể khác; cũng không thể chấp nhận một quốc gia nào đó áp đặt thể chế quốc gia của họ cho một nước khác.

   Và như vậy, đã đến lúc phải đề xuất những nguyên tắc của trật tự thế giới đa cực.

   Thứ hai, giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu

   Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay xuất phát từ sự ích kỷ về kinh tế của nhiều nước, đã gây bất ổn cho toàn thế giới. Trong trật tự thế giới đơn cực có hàng loạt vấn đề làm suy yếu vị thế của đồng USD. Sự vỡ vụn của hệ thống tài chính quốc tế đang diễn ra. Để thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay, ổn định nền kinh tế thế giới cần phải có một hệ thống tài chính đa cực, đồng thời, thực hiện một hệ thống các giải pháp: Một là, lập lại trật tự trong hệ thống các thể chế quốc gia cũng như các thể chế điều chỉnh quốc tế. Hai là, từ bỏ sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các công cụ tài chính được đề xuất và thu nhập thực tế của các chương trình đầu tư. Cuộc chạy đua cạnh tranh sẽ tạo ra nền tài chính “bong bóng”. Ba là, củng cố các hệ thống quản lý rủi ro. Mỗi một thành viên tham gia thị trường ngay từ đầu phải chịu một phần rủi ro cũng như trách nhiệm, và không nên có ảo tưởng có thể gia tăng đến vô hạn bất kỳ một loại vốn nào. Bốn là, công khai tối đa thông tin đến các hãng, tăng cường yêu cầu giám sát, trách nhiệm của các cơ quan và các hãng thông tấn. Năm là, phải chia lợi ích từ việc loại bỏ các rào chắn trong thương mại quốc tế và tự do luân chuyển vốn đến tất cả các thành viên trong cộng đồng quốc tế.

   “Trong cái rủi có cái may”, bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào cũng là giải pháp để giải quyết một cách tự nhiên các mâu thuẫn có tính chất hệ thống. Điều quan trọng là cần phải thấy được tính cấp thiết phải xây dựng một trật tự thế giới mới đa cực, cũng như tính chất phức tạp của quá trình toàn cầu hoá.

   Từ bài học của nước Mỹ, và không chỉ có Mỹ, có thể thấy rằng, từ chủ “nghĩa tư bản có điều tiết” đến “chủ nghĩa xã hội tài chính” chỉ là một bước. Hiện nay, rõ ràng là các nước đã sẵn sàng quốc hữu hoá nhiều hoạt động kinh tế. Các yếu tố mới để tạo ra sự ổn định là xây dựng các trung tâm tài chính mới và các đồng tiền khu vực mạnh. Nước Nga sẽ tích cực hoạt động để củng cố quá trình lành mạnh hoá hệ thống tài chính quốc tế, không chỉ trong khuôn khổ G-8; đồng thời, các nền kinh tế then chốt khác trên thế giới cũng cần phải được huy động vào quá trình này như Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, Mê-hi-cô, Cộng hoà Nam Phi. Trong trường hợp này, châu Âu không thể đứng ở vị thế yếu và dễ bị tổn thương. Vì thế, ý tưởng của Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế về cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và xây dựng một không gian kinh tế chung của EU - Nga là một đề xuất có tầm nhìn xa.
 
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #86 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2011, 08:49:49 am »

   Thứ ba, cuộc khủng hoảng ở Cáp-ca và hệ thống an ninh mới

   Đến nay, mọi đánh giá đã được đưa ra, mọi quyết định cần thiết đã được thông qua và động cơ của các quyết định đó thế giới đã rõ. Lực lượng gìn giữ hoà bình của Nga đang rời khỏi các khu vực an ninh liền kề với Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a. Quan sát viên của EU đã được bố trí tại đây để bảo đảm an ninh.

   Sự kiện ở Cáp-ca cho thấy, hệ thống an ninh hiện nay không cho phép ngăn chặn được thảm kịch ở Cáp-ca. Do đó cần phải xây dựng một hệ thống an ninh mới, công bằng với tất cả các nước thành viên, và nó cần phải liên kết toàn bộ các nước châu Âu và Đại Tây Dương. Cần xây dựng một hiệp ước an ninh mới, trong đó quy định rõ ràng trách nhiệm phải thực hiện các cam kết quốc tế, tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia và tôn trọng tất cả các nguyên tắc của Liên hợp quốc, chấm dứt sử dụng sức mạnh hoặc nguy cơ sử dụng sức mạnh. Cần phải dựa vào các quá trình đàm phán có tính đến ý kiến của các bên và tôn trọng các cơ chế gìn giữ hoà bình nhằm tạo ra một nền an ninh công bằng. Để làm được điều đó cần phải có 3 “không”: không tạo ra an ninh cho trong khi làm tổn hại an ninh của nước khác; không được phép hành động làm suy yếu hệ thống an ninh chung; không tham gia các liên minh quân sự có thể làm suy yếu các thành viên tham gia của hiệp ước. Không một quốc gia nào, không một tổ chức nào có quyền ngoại lệ đối với việc duy trì hoà bình và ổn định ở châu Âu, kể cả Nga. Cần phải xây dựng những nguyên tắc cơ bản mới để kiểm soát trang bị, nghiên cứu để soạn thảo những quy định chung đối với tất cả các nước.

   Cần công khai thảo luận về những yếu tố khác trong hiệp ước an ninh tập thể. Chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân hiện nay không thể giải quyết được những nhiệm vụ của thế giới hiện nay mặc dù vẫn còn có tiềm năng tích cực. Bởi rõ ràng là chế độ này có nhiều khiếm khuyết, không đạt được sự tiến bộ trong việc cấm phát triển vũ khí hoá học và sinh học, triển vọng mờ mịt của việc thực hiện hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện. Nga đặc biệt quan tâm tới việc ký kết một hiệp ước mới có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý giữa Mỹ và Nga về giải trừ vũ khí hạt nhân để thay thế Hiệp ước về trang bị tiến công chiến lược. Đây phải là một hiệp ước chứ không thể là tuyên bố.

   Những gì mà nước Nga đề xuất tại diễn đàn này có ý nghĩa rất quan trọng đối với tương lai của châu Âu, đối với tất cả những ai tôn trọng và cần đến sự bình yên của con người và thiết tha đối với hoà bình. Điều này cần phải được thảo luận tại Hội nghị này với sự tham gia của lãnh đạo tất cả các tổ chức then chốt trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương.

   Bình luận của Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di

   Bình luận về bài phát biểu của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép, Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di công nhận rằng, quan hệ giữa Nga và EU trở nên phức tạp nghiêm trọng liên quan đến những sự kiện gần đây ở Cáp-ca, nhưng không thể vì thế mà cô lập Nga ra khỏi nền chính trị thế giới. Nga và EU không thể tách rời nhau, không thể để xảy ra sự phân chia mới ở châu Âu, thậm chí là ý tưởng về một cuộc “chiến tranh lạnh” mới. Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh rằng, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đã giữ đúng cam kết rút quân khỏi khu vực xung đột ở Gru-di-a. Việc thực hiện đầy đủ các cam kết liên quan đến việc rút quân Nga ra khỏi khu vực này mở ra triển vọng tiếp tục các cuộc đàm phán về một hiệp ước có tầm cỡ và quy mô lớn giữa Nga và EU. Các bên ở Cap-ca cần phải kiềm chế gây hấn và tôn trọng công việc của các quan sát viên quốc tế.

   Ông N.Xác-cô-di cũng chia sẻ quan điểm của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép và công nhận rằng, trật tự thế giới đơn cực đã không thể vượt qua nhiều thử thách và các thách thức. Thế giới đơn cực hôm nay dường như không được điều khiển theo một quỹ đạo đúng. Tổng thống N.Xác-cô-di cho rằng, không một thực thể hành động nào, dù mạnh đến đâu, có thể đơn thương độc mã giải quyết các cuộc khủng hoảng, đương đầu với các thách thức hoặc buộc thế giới phải tuân theo quan điểm của mình về thế giới và các sự vật xung quanh. Sự bất ổn và hỗn loạn sẽ gia tăng nếu không áp dụng các thể chế quốc tế được kế thừa trong quá khứ và áp dụng vào tình hình thực tế của thế kỷ XXI.

   Tổng thống Pháp cho rằng, kinh tế là một yếu tố nữa để thắt chặt quan hệ giữa Nga và EU, vì thị trường Nga hiện nay đang mở rộng và là thị trường lớn thứ 3 đối với châu Âu. Đối với Nga, châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất, và là nhà đầu tư lớn nhất. EU chiếm tới 80% đầu tư ở Nga. Trong khi đó, có tới 80% đầu tư của Nga ở nước ngoài tập trung vào EU. Vậy nên, sự đối đầu giữa Nga và EU là việc làm không sáng suốt. Tổng thống Pháp nhắc lại rằng, trong năm 2007, châu Âu đầu tư vào Nga gấp 10 lần so với đầu tư vào Trung Quốc.

   Châu Âu mua 1/3 tài nguyên năng lượng từ Nga. Còn Nga bán cho châu Âu 60% khối lượng dầu mỏ và khí đốt. Do đó, châu Âu cần Nga để bảo đảm an ninh năng lượng, còn Nga cần châu Âu để bảo đảm thị trường. Rõ ràng là, theo tư duy sáng suốt thì châu Âu và Nga phải là đối tác chiến lược của nhau. Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di còn cảm ơn Tổng thống Đ.Met-vê-đép đã ủng hộ đề nghị của ông về việc tổ chức hội nghị G-8 vào cuối năm 2008. Ông N. Xác-cô-di khẳng định: “Nước Nga đã trở lại. Nước Nga đã phục hồi sự phát triển kinh tế và lấy lại uy tín của một cường quốc”. Tổng thống Pháp ủng hộ việc hợp tác sâu hơn nữa với Nga chứ không chỉ là quan hệ đối tác chiến lược. Việc xây dựng một không gian kinh tế thống nhất giữa EU và Nga là một nhiệm vụ quan trọng và nên làm. Châu Âu hy vọng, Nga sẽ có sự lựa chọn chiến lược có lợi với đối tác là EU./.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #87 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2011, 08:51:23 am »

“DÒNG CHẢY PHƯƠNG NAM” TĂNG THÊM VỊ THẾ CỦA NGA Ở CHÂU ÂU

   “Dòng chảy phương Nam” là dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt của Nga cho châu Âu nằm trong chiến lược năng lượng đầy tham vọng của Mátxcơva trong thế kỷ XXI. Dự án đó đã có lúc rơi vào bế tắc do những toan tính chính trị của các bên tham gia cùng với Nga, nay đã được khai thông và sẽ góp phần quan trọng tăng cường vị thế của Nga ở châu Âu và trên thế giới.

   Tuần vừa qua diễn ra hai sự kiện quan trọng liên quan tới nước Nga và châu Âu. Đó là chuyến thăm chính thức của Tổng thống Nga Đ. Métvêđép tới Cộng hoà Xécbia và chuyến thăm không chính thức của Thủ tướng Italia Bêluxcôni tới Nga, nhằm xúc tiến thực hiện các thỏa thuận xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt mang tên “Dòng chảy phương Nam”, được đánh giá là “con đường tơ lụa” của Mátxcơva trong thế kỷ XXI. “Dòng chảy phương Nam” có chiều dài 900 km, đi qua dưới đáy Biển Đen, có đoạn sâu 2.000 m, với chi phí xây dựng lên tới trên 20 tỷ USD, có khả năng hàng năm vận chuyển tới khoảng 60 tỷ m3 khí từ Nga và các nước Trung Á sang các nước khu vực Đông và Nam Âu, với sự tham dự của Nga, Italia, hai đối tác chính, cùng với các quốc gia khác là Thổ Nhĩ Kỳ, Áo, Xécbia, Bungari, Hy Lạp và Hunggari. Chính phủ Nga cho biết, công trình này dự kiến bắt đầu triển khai vào cuối năm 2010 và sẽ đi vào hoạt động sau đó hai năm.

   Một thứ “quyền lực mềm”

   Dự án “Dòng chảy phương Nam” là một công trình mang tầm thế kỷ, sẽ góp phần gia tăng đáng kể vị thế của nước Nga, bởi đa số các chuyên gia phân tích chính trị và kinh tế quốc tế có chung nhận định rằng, tài nguyên dầu khí là thứ “quyền lực mềm”, quốc gia nào nắm giữ nó sẽ không chỉ có lợi ích về mặt kinh tế mà còn phát huy ảnh hưởng địa - chính trị to lớn. Vì thế mà nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng, đằng sau cuộc chiến tranh Irắc, chiến tranh Apganixtan, những hoạt động ngoại giao dồn dập của các cường quốc tới châu Phi và những cuộc cạnh tranh thầm lặng nhưng rất quyết liệt ở Bắc Cực, đều có “mùi thơm” cuốn hút của dầu mỏ và khí đốt. Nước Nga, với tư cách là một trong ba nhà cung cấp khí đốt lớn nhất thế giới, đang có kế hoạch mở rộng đường ống dẫn khí ra toàn châu âu nhằm củng cố vị trí số một của họ trên thị trường năng lượng ở châu lục này. Thời gian qua, Nga đã tăng cường khả năng vận động và thuyết phục các quốc gia tham gia vào dự án xây dựng một hệ thống đường ống dẫn khí thống nhất và hoàn chỉnh trên toàn lục địa châu Âu, từ đó vươn ra các khu vực khác của thế giới, trong đó dự án “Dòng chảy phương Nam” chiếm một vị trí đặc biệt. Đối với nước Nga, dầu mỏ và khí đốt có một sức mạnh đặc biệt về kinh tế và chính trị. Vì thế, các nước châu âu cho rằng, họ sợ “vũ khí dầu mỏ và khí đốt” của Nga hơn cả sợ tên lửa hạt nhân xuyên lục địa, bởi không có khí đất thì cả châu âu sẽ chết lạnh về mùa đông, còn tên lửa hạt nhân chỉ là để doạ chứ khó có thể dùng.

   Cùng với dự án “Dòng chảy phương Nam”, Nga đang xúc tiến một dự án khác nhằm xây dựng đường ống dẫn khí mang tên “Dòng chảy phương Bắc” đưa khí đất của Nga đi qua biển Bantích tới châu Âu, hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ thống vận chuyển năng lượng khổng lồ nhằm cung cấp hầu hết năng lượng cho cả châu Âu trong thời gian tới.

   Nguyên nhân thúc đẩy khai sinh dự án “Dòng chảy phương Nam”

   Từ nhiều năm trước đây, Mátxcơva đã nghĩ đến việc mở rộng và đa dạng hóa khả năng vận chuyển khí đốt đến với các khách hàng truyền thống của Nga ở châu Âu, và coi đó là một chiến lược quốc gia nhằm khẳng định vai trò của Nga như một cường quốc về năng lượng trong khu vực và trên thế giới. Mục tiêu của Nga là tăng thị phần trên thị trường năng lượng nhập khẩu của châu Âu từ khoảng 40% hiện nay lên thành 60% trong những năm tới. Tuy nhiên, nhìn vào bản đồ hệ thống dẫn khí lúc này có thể thấy các đường ống dẫn khí đều đi qua Ucraina, một đất nước mà trong hai nhiệm kỳ tổng thống gần đây không hề che giấu ý đồ xa lánh khỏi ảnh hưởng của Nga. Các cuộc chiến khí đốt diễn ra như cơm bữa giữa Nga - nhà cung cấp với Ucraina - nhà trung chuyển đã khiến hoạt động vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu bị gián đoạn cả tháng trời trong thời gian mùa đông lạnh giá, cho Nga thấy làm ăn với đối tác như Ucraina là không an toàn cho bất kỳ dự án nào trong tương lai. Sau rất nhiều kỳ họp kín trong giới lãnh đạo EU, ngày 13-7- 2009, năm nước châu Âu là Thổ Nhĩ Kỳ, Bungari, Rumani, Hunggari và áo đã ký kết thỏa thuận làm sống lại dự án đường ống “Nabucco” của EU sau nhiều năm dự án rơi vào quên lãng. Đường ống này lấy khí đốt từ Trung Đông và Trung Á chạy tới Đông - Nam Âu mà không đi qua lãnh thổ Nga. Ngay lập tức, dự án “Dòng chảy phương Nam” của Nga đi qua Biển Đen đến Italia, đã từng được các đối tác ký kết xây dựng từ ba năm trước, được xúc tiến theo từng bước đi cụ thể, nhằm cạnh tranh với dự án “Nabucco” của châu Âu.

   Xét về mục đích, quy mô và thời hạn, cả “Nabucco” và “Dòng chảy phương Nam” đều nhằm tạo ra một dòng khí đốt lưu thông từ nguồn khí đốt của các nước Trung Á đến các nước Trung - Nam âu mà không qua Ucraina. Nhưng để gia tăng khả năng cạnh tranh, Tập đoàn “Gazprom” của Nga tuyên bố “Dòng chảy phương Nam” sẽ hoàn thành sớm hơn dự kiến, vào khoảng năm 2013, trước Nabucco” một năm. Triển vọng đó là hoàn toàn khả thi vì “Dòng chảy phương Nam” chỉ dài 900 km, còn “Nabucco” dài tới 3.300 km. Ngoài ra, Nga và các đối tác tham gia “Dòng chảy phương Nam” đã có rất nhiều kinh nghiệm trong những dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt. Theo nhiều chuyên gia phân tích. “Dòng chảy phương Nam” với công suất lớn, ổn định, giá thành rẻ, rất có thể sẽ vô hiệu hóa mục tiêu của dự án “Nabucco”.

   Ngoài ra, năm 2002 Nga đã xây dựng tuyến đường ống “Dòng chảy Xanh” dài 1.213 km đi qua Biển Đen sang Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2010, tuyến này sẽ đạt công suất thiết kế là vận chuyển 16 tỷ m3 khí một năm. Ngoài tuyến đường ống “Dòng chảy phương Nam” đi qua Biển Đen, Nga còn có dự án lớn “Dòng chảy phương Bắc” đi từ phía bắc nước Nga qua biển Bantích sang Đức, khởi công từ năm 2005.

   Đã có lúc “Dòng chảy phương Nam” rơi vào bế tắc

   Vì là một thứ “quyền lực mềm” nên quốc gia nào tham gia vào dự án “Dòng chảy phương Nam” cũng đều tranh thủ giành lấy lợi ích nhiều hơn cho mình. Nhưng trong thế giới ngày nay, có một nguyên tắc bất di bất dịch là để làm ăn lâu dài, các quốc gia đối tác phải tôn trọng lợi ích của nhau. Đã là kinh doanh thì chữ tín phải đặt lên hàng đầu. Về phía Nga, ông V. Putin khi còn ở cương vị Tổng thống Nga đã từng tuyên bố, vì lợi ích của mình, Liên Xô trước đây ngay cả trong những năm tháng “chiến tranh lạnh”, khi hai bên chĩa thẳng tên lửa vào nhau để sẵn sàng khai hoả, cũng chưa bao giờ để xảy ra tình trạng ngừng trệ, dù chỉ một giây, hoạt động cung cấp khí đốt sang các nước Tây Âu. Ngày nay, nước Nga cũng hành động trung thành với các đối tác như vậy. Nhưng lãnh đạo một số quốc gia ở châu Âu xuất phát từ những toan tính chính trị đã có lúc gây khó khăn cho Nga. “Cuộc chiến khí đốt” do Ucraina khởi xướng nhằm vào Nga là một minh chứng để lại ấn tượng khó quên trong các nước châu Âu. Bungari là một đối tác tham gia xây dựng đoạn đường ống Bugat Alêchxăngrupôlit đi qua lãnh thổ nước này thuộc dự án “Dòng chảy phương Nam”. Gần đây, sau khi chính phủ mới được bầu vào đầu năm 2009, xuất phát từ những toan tính chính trị hơn là kinh tế, Xôphia dự định xem xét lại việc tham gia dự án “Dòng chảy phương Nam”. Trước tình hình đó, Thủ tướng Nga V. Putin tuyên bố. “Điều duy nhất mà Nga đề nghị là Bungari cần xác định dứt khoát vì đoạn đường ống Bugat Alêchxăngrupôht dài 280 km đã được thảo luận trong bảy năm. Cứ nói thẳng ra là “không” và Nga sẽ chấm dứt thảo luận tại đây”. Để giải quyết bế tắc, Nga đã quyết định chuyển đoạn đường ống Bugat Alêchxăngrupôlit đi theo một hướng kháo, không qua Bungari. Chuyến thăm Nga khẩn cấp của Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Bungari ngày 22-10-2009 khó có thể thay đổi được quyết định của Nga.

   Liệu Nga có sử dụng “Dòng chảy phương Nam” như một thứ “vũ khí chiến lược”?

   Châu Âu, với tư cách là khách hàng lớn nhất của Nga về năng lượng, tỏ ra lo ngại về chính sách của Nga trong vấn đề này bởi những suy tính hoàn toàn có cơ sở. Nhiều nước châu Âu quá lệ thuộc vào khí đốt của Nga: Phần Lan lệ thuộc 100%, Áo 75%, Đức 45%, v.v.. Do đã nhiều thập kỷ sử dụng khí đốt của Liên Xô (cũ) và Nga, các nước châu Âu không lo Nga sẽ sử dụng khí đốt như một thứ “vũ khí chiến lược” mà họ lo ngại tuyến đường dẫn khí cung ứng không ổn định do khủng bố hoặc do bất ổn chính trị. Hiện nay, “Dòng chảy phương Nam” đã phần nào giải toả những lo ngại đó vì không còn liên quan tới Ucraina và Bêlarút - hai đối tác có hành vi “khó dự đoán trước” như thời gian qua cho thấy. Có lẽ, Nga chỉ dùng khí đốt như một thứ vũ khí để tự vệ, buộc các nước châu Âu phải coi Nga như một đối tác bình đẳng trong các công việc quốc tế.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #88 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2011, 08:56:14 am »

VỀ HỌC THUYẾT QUÂN SỰ NGA TRONG ĐIỀU KIỆN MỚI
Tổng hợp theo tài liệu nước ngoài

   Đầu năm 2007, tại một cuộc hội thảo ở Mátxcơva, các nhà khoa học quân sự Nga cho rằng đã đến lúc cần soạn thảo Học thuyết quân sự trong điều kiện mới, gọi tắt là Học thuyết quân sự mới, vì so với bản Học thuyết quân sự hiện đang lưu hành từ năm 2000, tình hình địa - chính trị và chính trị - quân sự, tính chất các nguy cơ đối với an ninh quốc phòng của Nhà nước Nga đã có những thay đổi đáng kể. Ngoài ra, một số nội dung của Học thuyết quân sự đã được phê chuẩn không còn thích hợp trong tình hình hiện nay. Với lý do đó, các nhà khoa học quân sự Nga đưa ra định nghĩa mới về Học thuyết quân sự như sau: “Học thuyết quân sự là hệ thống các quan điểm và luận điểm được nhà nước chính thức thông qua về các hoạt động nhằm đối phó với nguy cơ chiến tranh; về bảo đảm an ninh quốc phòng; về hoạt động ngăn chặn chiến tranh và xung đột vũ trang, xây dựng quân đội, chuẩn bị đất nước và các lực lượng vũ trang nhằm bảo vệ Tổ quốc; về các phương thức chuẩn bị và tiên hành đấu tranh vũ trang và các hình thức đấu tranh khác nhằm mục đích bảo vệ đất nước”.

   Từ định nghĩa này có thể thấy, văn bản Học thuyết quân sự hiện có của Nga chưa phản ánh đầy đủ những vấn đề an ninh quốc gia mà chỉ hàm chứa những nội dung liên quan đến an ninh quốc phòng. Do đó, sẽ có cơ sở khoa học hơn nếu soạn thảo Học thuyết quân sự sau khi đã thông qua phiên bản mới của Chiến lược an ninh quốc gia. Nhưng do việc soạn thảo văn kiện về Chiến lược an ninh quốc gia bị chậm nên các nhà khoa học Nga cho rằng cần đồng thời xem xét một số vấn đề mang tính chất quan điểm về an ninh quốc gia.

   Các vấn đề an ninh. Phần “Mở đầu” của Học thuyết quân sự thường trình bày ngắn gọn và cô đọng tình hình và triển vọng chính trị - quân sự. Khi đánh giá nguy cơ chiến tranh hiện đại và các phương thức đối phó, học thuyết đưa ra hai cách tiếp cận. Cách tiếp cận thứ nhất đã từng được thông qua trong văn kiện Học thuyết quân sự hiện có, chỉ hướng vào các nguy cơ quân sự. Cách tiếp cận thứ hai xuất phát từ những thay đổi chính trị - quân sự căn bản trên thế giới, có tính đến phạm vi các mối nguy cơ rộng hơn, cả quân sự và phi quân sự. Bài học kinh nghiệm từ sự sụp đổ của Liên Xô, Nam Tư và các cuộc cách mạng sắc màu ở Grudia, Ucraina, Cưrơgưxtan và nhiều khu vực khác cho thấy, những nguy cơ chủ yếu luôn tồn tại khách quan do tác động của các yếu tố chính trị - ngoại giao, kinh tế và thông tin, các hoạt động phá hoại khác nhau và sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Trước đây, Học thuyết quân sự của Nga chỉ xác định các nguy cơ quân sự và các phương thức quân sự nhằm bảo đảm an ninh quốc gia. Hiện nay còn phải đối phó cả với các nguy cơ phi quân sự, vì tất cả các nguy cơ quân sự và phi quân sự không tách rời nhau mà liên quan chặt chẽ, gắn bó với nhau. Trong điều kiện hiện nay, nguy cơ chủ yếu là chính sách và nỗ lực của các thế lực quốc tế và các quốc gia hàng đầu vi phạm chủ quyền quốc gia của Liên bang Nga, làm phương hại đến lợi ích kinh tế và các lợi ích khác của Nga, các hình thức gây áp lực về chính trị và thông tin khác nhau và các hoạt động phá hoại, trong đó đặc biệt cấp bách là nguy cơ an ninh năng lượng; nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga và việc phổ biến vũ khí sát thương hàng loạt; nguy cơ xuất phát từ các cuộc xung đột vũ trang có thể dẫn đến chiến tranh quy mô lớn; nguy cơ xuất phát từ tham vọng của các quốc gia hàng đầu tạo ra sự bứt phá về chất lượng nhằm đạt được ưu thế vượt trội về kỹ thuật quân sự; nguy cơ từ sự hiện diện các cụm lực lượng vũ trang quy mô lớn trên các hướng tiếp cận với biên giới Nga đang làm thay đổi đáng kể cán cân quân sự; nguy cơ khủng bố và ly khai. Do đó, nhiệm vụ hàng đầu của các lực lượng vũ trang Nga là luôn sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong những cuộc xung đột vũ trang cục bộ, trong các chiến dịch chống khủng bố và sẵn sàng động viên lực lượng để thực hiện nhiệm vụ trong các cuộc chiến tranh khu vực quy mô lớn.

   Cơ sở chính trị. Trong khi kêu gọi hoà bình và hợp tác với tất cả các nước, Nga phải xác định rõ ràng khả năng sẵn sàng và kiên quyết bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình, bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ bằng tất cả các phương tiện hiện có, trong đó có cả sức mạnh quân sự. Trong những năm gần đây, vai trò ảnh hưởng của các phương tiện phi quân sự ngày càng gia tăng. Các cơ quan nhà nước khác nhau cần phối hợp chặt chẽ hơn và rõ ràng hơn để đối phó với các nguy cơ phi quân sự. Cơ quan nhà nước đứng đầu chịu trách nhiệm về hướng hoạt động này là Hội đồng An ninh. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Nga phối hợp hoạt động của tất cả các cơ quan nhà nước và các bộ máy sức mạnh nhằm bảo vệ đất nước. Quyền chỉ huy các cơ cấu sức mạnh thuộc về Tổng thống Liên bang Nga. Hệ thống chỉ huy quốc phòng và chỉ huy tổ chức quân sự của nhà nước cần phải được xây dựng sao cho không phải thay đổi khi chuyển sang thời chiến. Trong phần cơ sở chính trị của Học thuyết quân sự nói rõ mối quan hệ của Nhà nước Nga đối với quốc phòng. Quan hệ này phải mang tính chất toàn dân. Việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước cần phải được xác định là một nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà nước và có tính xã hội.

   Khiếm khuyết lớn trong văn bản hiện có của Chiến lược an ninh quốc giaHọc thuyết quân sự là tất cả các nhiệm vụ nhằm bảo đảm an ninh được giao hết cho các cơ quan liên bang, làm giảm vai trò của các thống đốc bang và các cơ quan quyền lực địa phương cũng như bản thân các công dân. Tất cả những khiếm khuyết đó được tính đến khi soạn thảo Chiến lược an ninh quốc gia mớiHọc thuyết quân sự mới.

   Cơ sở chiến lược quân sự. Đặc điểm chủ yếu của sự đối đầu quốc tế và chiến tranh trong thế kỷ XXI là sự đan xen ngày càng chặt chẽ hơn các quá trình xã hội - chính trị, kinh tế, thông tin và quân sự. Do đó, nhiệm vụ hàng đầu của các lực lượng vũ trang là sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang và các hoạt động chống khủng bố. Các cuộc chiến tranh tương lai sẽ được tiến hành chủ yếu bằng vũ khí thông thường công nghệ cao nhưng luôn luôn đứng trước nguy cơ thường xuyên bị tiến công bằng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, với tính chất mới của các nguy cơ, không thể tuyệt đối hoá vũ khí hạt nhân. Hiện nay khả năng của các phương tiện vũ trụ, của hệ thống vũ khí tiến công chiến lược và các phương tiện phòng chống tên lửa quốc gia của Nga bị suy giảm, nên khó có thể trông cậy vào hiệu quả của đòn tiến công trả đũa nhằm vào đối phương tiềm tàng. Vì vậy phải tăng cường tiềm lực hạt nhân. Đồng thời, Học thuyết quân sự của Nga chú ý phát triển lực lượng thông thường gồm Không quân, Hải quân và Lục quân. Nước Nga cũng không thể để xảy ra tình trạng thiếu các cụm lực lượng thông thường mạnh. Không có lực lượng Biên phòng và lực lượng Lục quân cần thiết tối thiểu trên các hướng chiến lược quan trọng nhất thì không thể bảo đảm an toàn và ơn định cho các căn cứ không quân, phòng không, hải quân và các lực lượng khác, cũng như hoạt động của toàn bộ hạ tầng cơ sở của quốc gia. Hệ thống phòng thủ đường không - vũ trụ, vai trò của vũ khí chiến lược mang đầu đạn thông thường như là các phương tiện để tiến hành chiến tranh và các phương tiện tiến công đường không - vũ trụ vẫn có ý nghĩa quyết định. Quy mô không gian chiến tranh vũ trang đang không ngừng mở rộng. Vũ khí tương lai và khả năng chiến đấu ngày càng cao của các lực lượng vũ trang cho phép thực hiện những đòn tiến công mạnh trên toàn bộ chiều sâu bố trí lực lượng của các quốc gia tham chiến, trước hết là nhằm vào các hệ thống kinh tế và năng lượng, truyền thông của quốc gia. Nghĩa là việc đập tan cuộc tiến công đường không - vũ trụ có ý nghĩa quyết định đối với bên phòng thủ. Do đó, nhiệm vụ chống xâm lược không chỉ giao cho Quân chủng phòng không mà phải bao gồm nỗ lực phối hợp và các đòn tiến công chủ động của tất cả các quân binh chủng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #89 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2011, 08:57:23 am »

   Đã đến lúc cần phải đánh giá một cách đầy đủ ý nghĩa quyết định không chỉ của thời kỳ đầu chiến tranh mà trước hết là của đòn tiến công chiến lược đầu tiên. Theo kinh nghiệm của các cuộc chiến tranh vùng Vịnh và Nam Tư, nếu chỉ dựa vào các hoạt động đánh trả để đối phó với đòn tiến công ồ ạt đầu tiên là không thể được. Với hoạt động tình báo được tổ chức tốt, sau khi xác định được hoạt động chuẩn bị chiến tranh của đối phương, cần phải đưa các phương tiện tiến công vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ trước và ngay phút đầu tiên của chiến tranh thực hiện các đòn tiến công trả đũa mạnh nhằm vào các phương tiện tên lửa, máy bay và tàu chiến của đối phương. Khi sử dụng các lực lượng vũ trang chống khủng bố, cần phải chủ động đánh trước, luôn luôn đề cao cảnh giác, bảo vệ chắc chắn tất cả các mục tiêu trọng điểm của nhà nước, xã hội và nhiều tổ chức khác trên lãnh thổ quốc gia và tất cả các yếu tố trong đội hình chiến dịch của quân đội, căn cứ của hạm đội, mạng lưới truyền thông, sân bay, các sở chỉ huy, các cơ sở bảo đảm hậu cần và kỹ thuật.

   Trong điều kiện nhiệm vụ chiến lược được giải quyết bằng nỗ lực phối hợp của các quân binh chủng khác nhau và việc lập kế hoạch tác chiến được thực hiện không theo quân binh chủng mà là theo các kế hoạch phối hợp chiến lược, thì Bộ Tổng tham mưu và Tư lệnh các quân binh chủng không còn là các cấp chỉ huy khác nhau mà trở thành một cơ quan chỉ huy chiến lược thống nhất đối với các lực lượng vũ trang dưới sự chỉ huy từ Tổng hành dinh của Tổng Tư lệnh tối cao. Việc lập kế hoạch tác chiến với sự tham gia của các Tư lệnh quân binh chủng, việc giao nhiệm vụ cho các liên đoàn trên các hướng chiến trường sẽ được Tổng Tư lệnh tối cao thực hiện thông qua Bộ Tổng tham mưu và giao cho các cơ quan chỉ huy có quyền chỉ huy tất cả các lực lượng, phương tiện trên chiến trường, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tác chiến do Tổng Tư lệnh tối cao giao phó và kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ đó.

   Học thuyết quân sự mới .giành vị trí xứng đáng cho yếu tố con người trong tất cả các hoạt động cải cách tổ chức quân sự của Liên bang Nga. Trước hết yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước, các chính đảng kiên quyết khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong ngành quân sự và tư tưởng bảo vệ Tổ quốc. Hạt nhân chỉ huy quân sự vẫn là một người chỉ huy do pháp luật quy định. Học thuyết quân sự mới sẽ phải đề cập yếu tố kiểm soát dân sự đối với tổ chức quân sự. Nhưng hình thức kiểm soát này cần phải được xây dựng trên cơ sở pháp luật và có sự quan tâm về quyền của các quân nhân, cũng như hiểu biết về nhiệm vụ và tính chất đặc thù của tổ chức quân sự, quan tâm chung đến việc củng cố trật tự pháp lý và kỷ luật trong các đơn vị quân đội. Học thuyết quân sự còn xác định những định hướng cơ bản hoàn thiện hệ thống giáo dục quân sự, thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm cho các quân nhân, các thành viên gia đình họ và các nhân viên dân sự hoạt động trong quân đội được bảo hiểm về mặt xã hội, nâng cao mức độ bảo đảm vật chất cho họ.

   Cơ sở kinh tế - quân sự và kỹ thuật quân sự. Trong phần này của Học thuyết quân sự mới, cần nêu rõ nhiệm vụ xây dựng cơ sở kinh tế cho một nền quốc phòng tin cậy; bảo đảm an ninh kinh tế, các ưu tiên của chính sách kỹ thuật quân sự; các vấn đề lập kế hoạch tài chính cho quốc phòng và bảo đảm xã hội cho các quân nhân. Cũng cần trình bày ngắn gọn định hướng hợp tác kỹ thuật quân sự. Nên nhấn mạnh cơ sở quốc phòng và trang bị kỹ thuật cho các lực lượng vũ trang là sức mạnh kinh tế của nhà nước, của quốc gia. Ở đây cần tránh những tuyên bố mang tính hình thức. Ví dụ, trong Học thuyết quân sự mới, một trong những nhiệm vụ bảo đảm kinh tế cho nền quốc phòng là sử dụng tối ưu các tài nguyên vật chất và tài chính. Trong mọi tình huống, Nga không thể thực hiện được nhiệm vụ trang bị cho quân đội và hạm đội các loại vũ khí mới trong 10-15 năm tới. Theo đánh giá của Viện Hàn lâm khoa học Nga, 94% thu nhập của Nga là do bán các di sản trước đây và tài nguyên thiên nhiên. Một nền kinh tế như vậy không thể bảo đảm an ninh cho nước Nga. Rất có thể, trong 10- 12 năm nữa sẽ phải chi cho quốc phòng ít nhất là 3,5% tổng thu nhập quốc dân. Mức này đã được ghi rõ trong các văn bản Học thuyết quân sự trước đây. Tất nhiên trong mối quan hệ với xã hội thì đây là một biện pháp ưu tiên, nhưng nếu không có được mức chi tiêu đó thì không thể có được các thế hệ vũ khí trang bị mới.

   Trong Học thuyết quân sự mới cần đưa ra yêu cầu kiên quyết tập trung tiềm lực khoa học, tài chính và cơ sở vật chất để tạo ra sự đột phá trong lĩnh vực cơ sở nền tảng, công nghệ tiên tiến để chế tạo các phương tiện truyền thông, trinh sát, dẫn đường, tự động hoá và chỉ huy, chiến tranh điện tử và tin học hoá. Cần tập trung tiềm lực khoa học và vật chất với mức độ kiên quyết như đã từng làm ngay sau khi kết thúc cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại để chế tạo vũ khí tên lửa hạt nhân. Các ưu tiên trong sự hợp tác kỹ thuật quân sự quốc tế cũng như một số lĩnh vực khác cần phải được giữ nguyên như trong Học thuyết quân sự hiện hành. Sự hợp tác kỹ thuật quân sự cần phải phù hợp với quan niệm chung về hợp tác quốc tế và chính sách đối ngoại của Nga.

   Trong phần kết luận của Học thuyết quân sự mới sẽ phải nêu rõ thời hạn có hiệu lực và trình tự thực hiện học thuyết. Theo Hiến pháp của Liên bang Nga, Điều 3, Khoản 83, Học thuyết quân sự được Tổng thống Liên bang Nga phê chuẩn để trở thành một văn kiện pháp lý. Học thuyết quân sự của Liên bang Nga thể hiện quan điểm chính thức về các vấn đề quốc phòng, sẽ là bắt buộc đối với tất cả các cơ quan nhà nước và cán bộ quân đội. Trên cơ sở các nội dung Học thuyết quân sự sẽ chuẩn bị các đề án pháp lý, lập pháp, soạn thảo các kế hoạch xây dựng quân đội, chương trình cải cách quân sự, văn bản, điều lệnh và điều lệ khác về các vấn đề quốc phòng tại các cơ quan nhà nước và các tổ chức quốc phòng khác.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM