Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:01:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thế giới: Một góc nhìn  (Đọc 46920 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #40 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 08:24:23 am »

MỸ THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC “CHIẾN TRANH CHỐNG KHỦNG BỐ”

   Theo các chuyên gia phân tích chính trị quốc tế, chiến lược mới của Mỹ để tiến hành “cuộc chiến tranh chống khủng bố” là biến thể của một chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ mà trong thời gian gần đây, được giới quân sự gọi là “chiến lược chiến tranh mạng”.

   Cuộc phản công toàn diện

   Ngày 6-8-2009, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Mỹ, ông Giôn Bren-nan (John Brennan), cố vấn cấp cao của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, đưa ra tuyên bố về chiến lược dài hạn của Mỹ nhằm tiến hành cuộc đấu tranh chống mạng lưới khủng bố An-ke-đa. Theo đó, Oa-sinh-tơn sẽ dựa nhiều hơn vào “sức mạnh mềm”. Hiện chưa rõ Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ dùng thuật ngữ nào để thay cho thuật ngữ “cuộc chiến tranh chống khủng bố” do cựu Tổng thống G. Bu-sơ đã từng “phát minh” ra sau vụ 11-9-2001, nhưng giới phân tích chính trị quốc tế tỏ ra chấp nhận cách tiếp cận mới của ông chủ hiện nay ở Nhà Trắng. Còn Văn phòng Nhà Trắng cho rằng, bài phát biểu của ông Giôn Bren-nan là cách lý giải đầy đủ nhất về nội dung trong chiến lược mới chống khủng bố của Mỹ, theo đó, Mỹ cần phải xem xét lại một cách căn bản phương thức tiến hành “cuộc chiến tranh chống khủng bố” mang tính toàn cầu do cựu Tổng thống G. Bu-sơ phát động.

   Hiện nay, sau 8 năm “đánh vật” với cuộc chiến cam go này mà chưa mang lại chiến thắng, chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đang tập trung nỗ lực vào hang ổ của các tổ chức khủng bố ở khu vực biên giới giữa Áp-ga-ni-xtan với Pa-ki-xtan, ở Y-ê-men và Xô-ma-li. Theo hướng đó, Oa-sinh-tơn có ý định kết hợp sử dụng các đòn tiến công quân sự với các biện pháp tình báo, kinh tế, ngoại giao, chính trị, văn hoá để tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa hồi giáo cực đoan, nghĩa là kết hợp “sức mạnh cứng” với “sức mạnh mềm”. Ông Giôn Bren-nan cho rằng, đây đã không còn là “cuộc chiến tranh chống khủng bố” và lúc này, Mỹ không thể lấy cớ chống khủng bố để hành động và hiện diện ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

   Nhận xét về chiến lược mới của Oa-sinh-tơn trong thực hiện “cuộc chiến tranh chống khủng bố”, Đa-vít Li-vinh-xtơn, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ quốc tế ở Luân Đôn (Anh), cho rằng, trong 20 năm gần đây, bản chất các cuộc xung đột đã thay đổi. Chủ nghĩa khủng bố đã toàn cầu hoá mạnh mẽ và trở thành nguy cơ thực sự đối với xã hội ở tất cả các quốc gia. Trong tình hình đó, nếu chỉ sử dụng sức mạnh quân sự là chưa đủ. Ở nhiều nước, đã xuất hiện các lực lượng và tổ chức cực đoan có thể phổ biến ảnh hưởng và liên kết khắp toàn cầu thông quan các kênh truyền thông xuyên hành tinh. Để đạt kết quả, cần sử dụng mạng thông tin toàn cầu để định hướng cho mọi người tự quyết định cách thức tạo lập cuộc sống, chứ không thể áp đặt “các giá trị” cho họ. Để đạt mục đích đó, cần sử dụng “sức mạnh mềm”, để mọi người hiểu được rằng, “hoà bình” và “dân chủ” là tốt hơn các hành động bạo loạn và xung đột. Theo nhận xét của ông Xơ-vi Ma-gen, cộng tác viên khoa học của Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia thuộc Đại học Ten A-víp (I-xra-en), chiến lược mới của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma là “cuộc phản công toàn diện trên các mặt trận chính trị, kinh tế và ngoại giao trong cuộc chiến tranh chống khủng bố”.

   Biến thể của “chiến lược chiến tranh mạng”

   Theo các chuyên gia phân tích chính trị quốc tế, chiến lược mới của Mỹ để tiến hành “cuộc chiến tranh chống khủng bố” là biến thể của một chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ mà trong thời gian gần đây, được giới quân sự gọi là “chiến lược chiến tranh mạng”. “Cuộc chiến tranh chống khủng bố” ở Áp-ga-ni-xtan và ở I-rắc, được các chuyên gia quân sự gọi là “chiến tranh chống bạo loạn”, đã làm tiêu tan sức mạnh quân sự được coi là “không có đối thủ cạnh tranh” của nước Mỹ. Hoá ra, sức mạnh quân sự “truyền thống” đã từng được mô tả trong các sách giáo khoa quân sự kinh điển và được giảng dạy trong các học viện quân sự của Mỹ, đã không giúp được gì cho các tướng lĩnh Mỹ giành chiến thắng trong các “cuộc chiến tranh chống bạo loạn” - một loại hình chiến tranh sẽ rất phổ biến trong thế kỷ XXI. Theo nhiều chuyên gia quân sự ở Mỹ, trong thời đại ngày nay, cần có một chiến lược tiến hành chiến tranh kiểu mới và họ gọi đó là chiến lược chiến tranh mạng. Như vậy, có thể nói, tư duy mới về chiến lược “cuộc chiến tranh chống khủng bố” được đúc rút từ “chiến lược chiến tranh mạng” mà Mỹ đã đưa ra áp dụng trong hai cuộc chiến tranh gần đây.

   Khái niệm “chiến tranh bạo loạn” đã từng được Ép-ghe-nhi Mét-nơ (Evghenhi Messner), một nhà khoa học quân sự Nga di cư sang Mỹ, đề xuất vào đầu những năm 1960. Theo Ép-ghe-nhi Mét-nơ, “chiến tranh bạo loạn” có những đặc điểm rất mới so với các loại hình chiến tranh truyền thống, như không có đường phân giới chiến tuyến; không có ranh giới rõ ràng giữa các “đối tác” và “đối tượng”; nhận thức xã hội trở thành mục tiêu tiến công chủ yếu của các bên đối địch; không gian chiến tranh trải rộng ra trên bốn chiều, ngoài ba chiều truyền thống còn có chiều tư tưởng - tâm lý. Tuy nhiên, do hạn chế về điều kiện lịch sử, Ép-ghe-nhi Mét-nơ chưa thể mô tả một cách đẩy đủ phương pháp đối phó với những đối phương lựa chọn chiến lược “chiến tranh bạo loạn”. Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, một số chuyên gia quân sự ở Mỹ đã khắc phục khiếm khuyết này và phát triển quan niệm “chiến tranh bạo loạn” thành luận thuyết mới về chiến tranh, được gọi là “chiến tranh mạng”, hoặc “chiến tranh lấy mạng làm trung tâm”.

   Luận thuyết chiến tranh mạng dựa trên cơ sở phân loại các chu trình phát triển lịch sử loài người thành ba thời đại: thời đại văn minh nông nghiệp, thời đại văn minh công nghiệp và thời đại văn minh thông tin. Những thời đại này được mô ta bằng những khái niệm tương ứng mang tính xã hội học là premodern, modern và postmodern. Thời đại văn minh thông tin hiện nay mà loài người đang trải qua được gọi là thời đại postmodern, khi các nước phát triển cao đang chuyển dần sang thời đại hậu công nghiệp, tiếp sau thời đại văn minh công nghiệp (thời đại modern).

   Khái niệm cơ bản của luận thuyết về chiến tranh mạng là “nguyên tắc mạng”, thể hiện ở cơ chế trao đổi thông tin, mở rộng tối đa các hình thức sản xuất thông tin, tiếp cận thông tin, phân bố thông tin và các mối liên hệ thông tin ngược. Dựa trên nguyên tắc tổ chức mạng, đang hình thành một không gian mới, gọi là không gian thông tin, trong đó diễn ra các “chiến dịch chiến lược”, chủ yếu có nội dung tình báo, quân sự, thông tin đa phương tiện, ngoại giao, kinh tế, văn hoá - xã hội, khoa học - công nghệ và bảo đảm kỹ thuật. Các đơn vị chiến đấu, hệ thống truyền thông, bảo đảm thông tin cho chiến dịch và chiến đấu, sự hình thành dư luận xã hội, các hoạt động ngoại giao, các quá trình xã hội, tình báo và phản tình báo, tâm lý học sắc tộc, tâm lý học tôn giáo và tâm lý học cộng đồng, hoạt động bảo đảm kinh tế, v.v. được xác định như là các yếu tố phụ thuộc và gắn kết lẫn nhau trong một mạng thống nhất, trong đó không ngừng diễn ra quá trình trao đổi thông tin.

   Theo quan niệm của các chuyên gia quân sự Mỹ, nhiệm vụ trung tâm của “chiến lược chiến tranh mạng” là xác định mô hình ứng xử của các đối thủ tiềm tàng, của đồng minh và bạn bè, các lực lượng trung lập trong thời bình, trong thời gian xảy ra khủng hoảng và khi có chiến tranh. Nghĩa là, xác lập quyền kiểm soát toàn bộ và tuyệt đối đối với tất cả các thành viên đang và sẽ tham gia các hoạt động chiến đấu, quản lý toàn diện các mặt hoạt động của họ trong mọi tình huống: trong điều kiện hoà bình, khi chiến tranh sắp tới gần và khi chiến tranh đang diễn ra.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #41 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 09:10:59 am »

   Mục tiêu của “chiến lược chiến tranh mạng” của Mỹ là tước bỏ quyền hành động độc lập của các quốc gia, các dân tộc, các quân đội và các chính phủ trên thế giới, biến họ thành những mắt xích trong hệ thống vận hành đã được lập trình và có thể kiểm soát được, tiến tới kiểm soát mọi hoạt động của tất cả các chủ thể trên quy mô toàn cầu. Thực chất, đó là sự thống trị thế giới kiểu mới, trong đó hoạt động quản lý và chỉ huy không chỉ bao quát các chủ thể riêng biệt mà còn khống chế nội dung hoạt động, động cơ, hành động và ý định của các chủ thể đó. Đó là cuộc chạy đua để giành ưu thế ngay trước khi xảy ra chiến tranh.

   Với “chiến lược chiến tranh mạng”, Mỹ không nhất thiết phải chiếm đóng trực tiếp, không nhất thiết phải sử dụng lực lượng quân sự một cách ồ ạt hoặc đánh chiếm lãnh thổ các quốc gia khác. Mạng là một thứ vũ khí cực kỳ linh hoạt, uyển chuyển trong thời bình và sẽ được áp dụng để kiểm soát, điều khiển các hành động bạo lực và sức mạnh quân sự trong trường hợp tối cần thiết. Trong điều kiện thời bình, mục đích của “chiến lược chiến tranh mạng” là gây ảnh hưởng đến mọi hoạt động của các chủ thể trên quy mô toàn cầu như thông tin, xã hội, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, v.v., làm cho tất cả các chủ thể trên thế giới nhận thấy khó có thể cạnh tranh với Mỹ bởi sự cạnh tranh đó không dẫn tới kết quả mong muốn. Hiện nay, một số thế lực ở Mỹ đang tiến hành “chiến tranh mạng” chống lại tất cả các quốc gia và dân tộc khác, bất kể đó là kẻ thù, bạn bè, hay các lực lượng trung lập. Trước hết, cuộc chiến tranh này đang được Mỹ thực hiện để chống lại các đối thủ tiềm tàng không đi theo quỹ đạo của Mỹ.

   Một trong những nội dung “chiến tranh mạng” trên quy mô toàn cầu của Mỹ là hoạt động lôi kéo, mua chuộc các nhà chính trị, các chuyên gia, nhất là các chuyên gia phân tích, hoạch định chính sách và các chuyên gia công nghệ có thái độ ủng hộ Mỹ hiện đang hằng ngày, hằng giờ làm tham mưu, tư vấn cho các cơ quan quyền lực của chính phủ các nước trên thế giới, cũng như nhiều quỹ của Mỹ hoạt động ở nước ngoài. Các phương tiện thông tin đại chúng hằng ngày, hằng giờ “bắn phá giữ dội” vào độc giả và khán giả ở các quốc gia bằng các luồng thông tin được xây dựng theo kịch bản của Mỹ.

   Dựa vào luận thuyết “chiến tranh mạng”, Mỹ đang xúc tiến thực hiện các cải cách quân sự, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống mạng tổng hợp, thống nhất, toàn diện, có quy mô toàn cầu, làm thay đổi tư duy về chiến lược quân sự. Trong hệ thống đó, các đội quân chính quy, các hoạt động tình báo, kỹ thuật và công nghệ cao, hoạt động tuyên truyền báo chí và ngoại giao, các quá trình kinh tế và sự chuyển hoá xã hội, cộng đồng dân cư, các nhóm lực lượng độc lập, v.v., tất cả liên kết với nhau thành một mạng thống nhất, không ngừng diễn ra quá trình thu thập, xử lý, phân tích, tổng hợp và truyền tải thông tin dưới vô vàn các hình thức khác nhau. Xây dựng hệ thống mạng này là nội dung quan trọng của cuộc cải cách quân sự ở Mỹ hiện nay và trong tương lai.

   Trong những năm gần đây, các chuyên gia quân sự Mỹ phối hợp với Cục Các hệ thống thông tin của Bộ Quốc phòng xây dựng mạng thông tin toàn cầu của Bộ Quốc phòng, làm cơ sở chủ yếu để tiến hành “chiến tranh mạng”. Đồng thời, chủ đề “chiến tranh mạng” được thảo luận tại nhiều cuộc hội nghị và hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia Lầu Năm Góc. Đã có rất nhiều công trình của các trung tâm phân tích hàng đầu thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ tập trung nghiên cứu những nội dung khác nhau của “chiến tranh mạng”. Kết quả nghiên cứu được dùng làm cơ sở để xây dựng các lực lượng vũ trang Mỹ theo đề án mang tên “Tầm nhìn liên hợp 2020”, nhằm đối phó với các mối đe doạ trong thế kỷ XXI. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, các mối đe doạ trong thế kỷ XXI sẽ không chỉ xuất phát từ các đội quân chính quy ở các nước khác nhau mà còn từ các tổ chức khủng bố, các tổ chức tội phạm và các tổ chức khác liên kết với nhau thành cấu trúc giống như cấu trúc mạng. Những tổ chức tương tự không có sự ràng buộc rõ ràng giữa cơ quan chỉ huy và lực lượng thuộc quyền, thậm chí đôi khi không có sự chỉ huy thống nhất, nhưng lại phối hợp hoạt động thông qua các phương tiện truyền thông toàn cầu. Để thể hiện những cấu trúc mạng đặc biệt này, các chuyên gia quân sự Mỹ sử dụng khái niệm mạng nhiều thành phần, đa trung tâm thống nhất với nhau về mặt tư tưởng. Đứng trước các mối đe doạ xuất phát từ tổ chức mạng tương tự, vai trò và vị trí của các lực lượng vũ trang cũng thay đổi, trong đó sẽ phải thực hiện các chiến dịch khác với chiến tranh, yêu cầu có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức dân sự, trong đó có các tổ chức phi chính phủ và “sức mạnh mềm” đã phát huy tác dụng khá hiệu quả.

   Dưới hình thức “mềm mại”, “chiến tranh mạng” đã được các chuyên gia quân sự Mỹ áp dụng ở Gru-di-a, U-crai-na, Môn-đô-va và các nước cộng hoà khác trong không gian hậu Xô-viết. Cuộc “cách mạng da cam” ở U-crai-na là thí dụ điển hình về việc áp dụng phương thức “chiến tranh mạng” của Mỹ. Nhiệm vụ tách U-crai-na khỏi ảnh hưởng của nước Nga đã được thực hiện một cách quyết liệt, kiên trì, bằng cách sử dụng nhiều công cụ mà không cần sử dụng các phương pháp sức mạnh truyền thống. Trong đó, công cụ quan trọng nhất là “mạng da cam” được xây dựng theo các nguyên tắc “chiến tranh mạng”. Mỗi một thành viên tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống đầy kịch tính mùa thu năm 2004 ở Ki-ép, thủ đô U-crai-na, được kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp từ một trung tâm chỉ huy mạng. Các “chiến binh chiến tranh mạng” được điều khiển thông qua Nga, các nước châu Âu, hoặc thông qua các đòn bẩy kinh tế, tôn giáo, văn hoá, tài chính, kinh tế, các tổ chức phi chính phủ, các quỹ tài trợ, v.v.

   Thất bại của các lực lượng đối lập với các “lực lượng da cam” ở U-crai-na đã được tiền định từ trước khi xảy ra cuộc “cách mạng sắc màu” ở quốc gia này. Ở U-crai-na diễn ra cuộc xung đột của các lực lượng hoàn toàn không đối xứng với nhau, trong đó các công nghệ thời đại văn minh công nghiệp tỏ ra kém hiệu quả khi phải đương đầu với các công nghệ thời đại văn minh thông tin. Liên minh “mạng da cam” ở U-crai-na đã phần nào chứng tỏ hiệu lực và tính chất nguy hiểm của chiến lược “chiến tranh mạng”. Trên con đường hướng đến sử dụng “sức mạnh mềm” để khống chế mạng toàn cầu, Mỹ đã tiến được một bước trong cuộc thử nghiệm thành công “cách mạng da cam” ở U-crai-na.

   Theo các chuyên gia phân tích chính trị và quân sự ở Nga, lúc này Mỹ đang có ý định thực hiện chiến tranh mạng ở một số quốc gia khác. Mô hình “mạng đa cực” của bà An-ne-Ma-ri Xlâu-tơ (Anne-Marie Slaughter), Trưởng khoa Quan hệ quốc tế của Trường Đại học Tổng hợp Prin-xe-tơn, người hiện là cố vấn đặc trách việc hoạch định các kế hoạnh chiến lược cho Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn, là sản phẩm của “chiến lược chiến tranh mạng” được vận dụng ở cấp độ cao hơn, theo đó, chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cần phải xây dựng quan hệ liên minh và đối tác với tất cả các nước, các tổ chức và các cá nhân có chung mối quan tâm về một vấn đề cụ thể. Theo mô hình “mạng đa cực”, Mỹ phải chia tay với chủ nghĩa đơn phương đã từng chứng tỏ ít hiệu quả trong việc quản lý một thế giới trong đó Mỹ chiếm vị thế lãnh đạo.

   Ngày 15-7-2009, trong bài diễn thuyết gây sự chú ý đặc biệt tại Hội đồng về các quan hệ quốc tế ở Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn đã phác họa những đường nét về tư duy mới trong chiến lược đối ngoại của Nhà Trắng trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Tư duy mới này được đúc kết từ những thất bại của Mỹ trong thời gian hai nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống G. Bu-sơ, trong đó nội dung quan trọng nhất khẳng định, trong thế giới ngày nay có quá nhiều thách thức phức tạp có tính toàn cầu mà không một quốc gia đơn độc nào có thể hoá giải được. Vì thế, Mỹ cần có một liên minh mới rộng khắp, dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bao gồm chính phủ các nước, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ, phối hợp các nỗ lực dân sự và quân sự, tạo nên “hệ thống liên minh theo kiểu mạng”.

   Một số cảnh báo đối với thế giới

   “Chiến tranh mạng” đặt ra trước giới nghiên cứu chiến lược quốc phòng và chiến lược quân sự thế giới một số vấn đề cần quan tâm.

   Một là, “chiến tranh mạng” đã làm lu mờ ranh giới giữa chiến tranh và hoà bình. Ngày nay, trong điều kiện hoà bình đã ẩn chứa các yếu tố và nội dung của chiến tranh. Nếu như trước đây, khi nói về “chiến tranh kinh tế”, “chiến tranh thương mại”, “chiến tranh văn hoá”, “chiến tranh thông tin - tư tưởng”, “chiến tranh ngoại giao”, mọi người thường đặt hai chữ “chiến tranh” trong dấu ngoặc kép, thì ngày nay, trong thời đại “chiến tranh mạng” đã có thể bỏ dấu ngoặc kép đó đi vì những loại hình chiến tranh này thuộc nội dung một cuộc chiến tranh thực sự có tầm toàn cầu, không có ranh giới chiến tuyến, không phân biệt biên giới quốc gia, không phụ thuộc vào hoàn cảnh hoà bình hay chiến tranh. Từ đó, có thể thấy, chưa bao giờ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quốc gia có sự gắn bó mật thiết, biện chứng, phụ thuộc lẫn nhau như trong thời đại “chiến tranh mạng”. Yêu cầu củng cố quốc phòng và bảo vệ quốc gia đặt ra trước từng dự án đầu tư và hợp tác với nước ngoài, thậm chí trước từng công dân. Tư duy này đang được giới nghiên cứu và hoạt động thực tiễn ở các nước quan tâm.

   Hai là, “chiến tranh mạng” không phân biệt rạch ròi “đối tượng” và “đối tác”. Trong đối tượng có các yếu tố đối tác, trong đối tác có các yếu tố đối tượng, không dễ gì phân biệt được. Điều này phần nào phản ánh đặc điểm của thời đại toàn cầu hoá, trong đó các quốc gia vừa hợp tác, vừa cạnh tranh.

   Ba là, lực lượng chiến tranh ngày nay không đơn thuần là các đơn vị vũ trang, mà còn bao gồm cả các lực lượng phi vũ trang, thậm chí trong nhiều trường hợp, các lực lượng phi vũ trang đóng vai trò rất quan trọng. “Cách mạng da cam” và chống “cách mạng da cam” là thí dụ điển hình về phương diện này. Với cách tiếp cận đó, “diễn biến hoà bình” và chống “diễn biến hoà bình” thực sự là một cuộc chiến tranh quyết liệt diễn ra ngay trong thời bình.

   Bốn là, trong tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang, ngoài sức mạnh vật thể như vũ khí, trang bị và các phương tiện vật chất cần thiết khác, cần đặc biệt chú ý xây dựng sức mạnh phi vật thể như trạng thái tư tưởng - tâm lý; kiến thức về văn hoá và tôn giáo; hiểu biết về pháp luật trong nước và quốc tế; kiến thức về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, v.v. Trong điều kiện hiện nay và trong tương lai, lực lượng vũ trang sẽ phải là lực lượng tinh nhuệ, có trình độ và kỹ năng chuyên nghiệp rất cao.

   Năm là, để đối phó với “chiến tranh mạng”, cần soạn thảo “chiến lược chiến tranh mạng” và “chống chiến tranh mạng”, trong đó sử dụng sức mạnh tổng hợp của các lực lượng vũ trang, hệ thống lãnh đạo và quản lý nhà nước, các tổ chức kinh tế, thương mại, ngoại giao, khoa học - giáo dục, pháp luật, hành chính, thông tin - tuyên truyền, v.v., và sử dụng các công nghệ thời đại văn minh thông tin. Sau Mỹ, nhiều quốc gia khác đã xây dựng “chiến lược chiến tranh mạng” để đối phó với các nguy cơ đối với quốc phòng và an ninh quốc gia trong kỷ nguyên kinh tế hậu công nghiệp./.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #42 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 10:33:38 am »

HAI “VÕ SĨ SIÊU HẠNG” TRÊN “ĐẤU TRƯỜNG” CHÂU PHI

   Ngày 14-8-2009, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn kết thúc chuyến công du khá dài ngày và được dư luận Mỹ đánh giá là khá ấn tượng tới các nước châu Phi gồm Kê-ni-a, Nam Phi, Ăng-gô-la, Công-gô, Ni-gê-ri-a và Li-bê-ri-a. Chuyến công du này diễn ra chỉ sau hơn ba tuần kể từ chuyến thăm châu Phi của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tới Cộng hoà Ga-na, trong bối cảnh nguyên thủ các cường quốc là Trung Quốc và Nga cũng vừa thăm lục địa này, lại một lần nữa đưa “lục địa đen” vào tâm điểm các cuộc tranh luận về địa - chính trị trong thế kỷ XXI.

   Điều gì thu hút bước chân của Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn tới châu Phi?

   Đầu tháng 8-2009, trong khi chuẩn bị cho chuyến thăm “lục địa đen”, bà Hi-la-ri Clin-tơn tuyên bố với giới báo chí, mục đích của chuyến công du này là để “thể hiện quyết tâm của Mỹ tăng cường và củng cố mối quan hệ với các nước châu Phi và giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn nhất”. Tuyên bố đó của Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn gần như lặp lại ý tứ trong tuyên bố của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma vào đầu tháng 1-2009, rằng Mỹ sẽ theo đuổi bốn mục tiêu ở châu Phi. Đó là, “bảo đảm gìn giữ hoà bình”, “phát triển dân chủ”, “ủng hộ kinh tế thị trường” và “giúp đỡ chống lại dịch bệnh”. Giới phân tích chính trị quốc tế từ lâu đã hiểu được những gì thường ẩn dấu đằng sau những cụm từ quen thuộc đó, cái mà đã từng nhiều lần được phát ngôn từ các chính khách cao cấp nhất ở Mỹ. Theo nhiều nhà quan sát, chỉ cần lướt qua danh sách 7 nước trên đây trong chương trình chuyến thăm của Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn, có thể thấy Mỹ đang theo đuổi những lợi ích gì.

   Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ, nếu năm 2000, tỷ trọng dầu mỏ của châu Phi trong toàn bộ khối lượng dầu mỏ nhập khẩu trên thế giới chiếm chưa đến 9,5%, thì vào năm 2010, con số đó sẽ là 28-30%. Sự gia tăng đó chủ yếu là nhờ dầu mỏ ở các nước nằm ven bờ vùng vịnh Ghi-nê như Ni-gê-ni-a, Gi-nê Xích Đạo và Ăng-gô-la. Cũng vào năm 2010, những quốc gia này sẽ chiếm tới 80% dầu mỏ khai thác ở khu vực cận Xa-ha-ra. Những công trình nghiên cứu mới đây nhất chứng tỏ, nhiều khu vực khác của châu Phi như vùng thềm lục địa của các nước An-giê-ri, Tuy-ni-di, Sát, Ni-gê-ri-a và Mô-ri-ta-ni còn tiềm ẩn khối lượng dầu mỏ khổng lồ.

   Hiện tại, Mỹ đang là khách hàng chủ yếu nhập khẩu dầu mỏ của châu Phi, trong đó Ni-gê-ri-a và Ăng-gô-la là hai quốc gia xuất khẩu “vàng đen” hàng đầu thế giới. Còn Công-gô là quốc gia có trữ lượng rất lớn quặng tatal - một nguyên liệu cốt yếu trong công nghệ điện tử mà các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ rất cần đến. Nếu duy trì mức độ tiêu thụ dầu mỏ như hiện nay, trong tương lai không xa, dầu mỏ của châu Phi sẽ chiếm tỷ phần rất lớn trong nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Mỹ. Chính vì thế, một trong những ưu tiên trong chính sách của Mỹ đối với châu Phi là chiến lược tranh giành quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên ở châu lục này.

   Mỹ sẽ kiểm soát châu Phi như thế nào?

   Có lẽ chẳng ai không biết, Mỹ là nước có ưu thế quân sự hàng đầu thế giới và dĩ nhiên, họ sẽ phát huy tối đa sức mạnh của “chiếc gậy” này. Trong khi đó, châu Phi lại là môi trường lý tưởng để Mỹ phát huy ưu thế quân sự. Theo tổng kết của các chuyên gia lịch sử quân sự, trong vài thập niên gần đây, châu Phi là lục địa vô địch về con số các cuộc xung đột so với tất cả các khu vực khác trên thế giới, với số người thiệt mạng đã lên tới 10 triệu người. Nguyên nhân là do hậu quả của chủ nghĩa thực dân để lại ở châu lục này từ thế kỷ XIX, đặc biệt là sự phát triển chính trị không ổn định của các nước châu Phi sau khi họ giành được quyền độc lập.

   Lấy cớ tình hình chính trị nội bộ ngày càng căng thẳng ở nhiều nước châu Phi và nguy cơ ngày càng tăng của các tổ chức tội phạm, một số thế lực chính trị và quân sự ở Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào hoạt động bảo đảm an ninh ở các quốc gia này. Mỹ đã đề nghị các quốc gia châu Phi xây dựng hệ thống bảo vệ các khu khai thác dầu; các tuyến vận chuyển dầu mỏ và khí đốt; huấn luyện và trang bị cho các lực lượng an ninh địa phương với sự giúp đỡ của các tổ chức an ninh được quân sự hoá của tư nhân hoặc của chính phủ. Ở cấp độ khu vực, Mỹ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm xây dựng một cơ chế quân sự thống nhất để bảo vệ vùng vịnh Ghi-nê với vai trò điều phối và tổ chức của các chuyên gia quân sự Mỹ. Đổi lại, Mỹ yêu cầu mở rộng chế độ thuận lợi nhất cho các hãng dầu mỏ và khí đốt của Mỹ hoạt động trên thị trường châu Phi.

   Ngoài ra, Mỹ áp dụng phổ biến các hình thức hợp tác quân sự với các nước châu Phi như các chương trình viện trợ quân sự, chương trình tăng cường khả năng gìn giữ hoà bình và chống khủng bố cho các lực lượng vũ trang châu Phi nhằm đối phó với “các mối đe doạ và thách thức mới”, “can thiệp trả đũa” như ở Áp-ga-ni-xtan hoặc “can thiệp phòng ngừa” như tại I-rắc cho khu vực châu Phi. Mỹ còn áp dụng “Sáng kiến hoạt động gìn giữ hoà bình toàn cầu”(“Global Peace Operations Initiative-GPOI”), được Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ chính thức phê chuẩn năm 2004, nhằm xây dựng một lực lượng gìn giữ hoà bình ngoài khuôn khổ Liên hợp quốc dựa trên cơ sở 75 nghìn nhân viên quân sự các nước châu Phi do các chuyên gia quân sự Mỹ tổ chức và huấn luyện.

   Ngoài “chiếc gậy”, Mỹ còn không quên sử dụng sức thu hút của “củ cà rốt”. Chỉ tính riêng chuyện thực hiện “Sáng kiến hoạt động gìn giữ hoà bình toàn cầu”, Mỹ đã chi cho các nước châu Phi gần 1 tỉ USD. Thông qua Diễn đàn G8 và các tổ chức phi chính phủ, Mỹ đã viện trợ cho các nước châu Phi hàng chục tỉ USD nhằm mục đích khắc phục khó khăn kinh tế, chống dịch bệnh và nghèo đói. Về mặt ngoại giao, Mỹ đánh giá cao vai trò của các nước châu Phi và tranh thủ sự ủng hộ của các nước đó đối với các chủ trương của Mỹ. Trong chuyến thăm Ga-na, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố, thế giới ngày nay không chỉ được định đoạt ở Mát-xcơ-va, Oa-sinh-tơn, Pa-ri mà cả ở Ga-na. Bài phát biểu của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma ở Ga-na đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của các nước châu Phi.

   Ai sẽ “so găng” với Mỹ trên “đấu trường” châu Phi?

   Hiện có nhiều “võ sĩ” đang chuẩn bị “so găng” với Mỹ trên “đấu trường” châu Phi, như Nga, Ấn Độ, Pháp và Anh, nhưng “võ sĩ” đáng gờm hơn cả là Trung Quốc. Vì sao vậy? Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ nhiều thứ hai của châu Phi, sau Mỹ. Chiến lược của Trung Quốc ở châu Phi là vừa bảo đảm duy trì nguồn nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên, vừa cạnh tranh thị trường tiêu thụ hàng hoá do “công xưởng của thế giới” ở Trung Quốc làm ra.

   Chỉ tính năm 2008, khối lượng thương mại giữa Trung Quốc với các nước châu Phi đã lên tới 100 tỉ USD. Sau chuyến thăm châu Phi của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với “lục địa đen” sẽ còn tăng nhanh hơn nữa. Về kinh tế, Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn so với Mỹ. Trước hết, Trung Quốc chưa bao giờ bị các nước châu Phi gọi là những kẻ có tham vọng thực dân hoặc bóc lột. Trung Quốc có một thứ vũ khí kinh tế rất mạnh mà Mỹ không thể có được. Đó là hàng hoá tiêu dùng giá rẻ, chất lượng cao, mà đa số các quốc gia đang nghèo đói ở châu Phi đều rất cần. Sự phát triển mạnh mẽ quan hệ giữa hai bên trong những năm gần đây thể hiện ở một thực tế đáng kinh ngạc: từ những năm 1990, khối lượng thương mại giữa Trung Quốc với các nước châu Phi tăng 700%! Trung Quốc đã thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực kinh tế của châu Phi. Theo báo “The Financial Times” (Anh), Trung Quốc đang chuẩn bị triển khai các hoạt động ở châu Phi với quy mô vượt xa mọi nỗ lực mà họ đã từng đầu tư vào đây từ trước tới nay. Các ngân hàng Trung Quốc đang chuẩn bị mọi điều kiện và tận dụng mọi khả năng để chiếm lĩnh các vị trí then chốt trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế chủ yếu ở châu Phi như dầu mỏ và khí đốt, viễn thông, luyện kim các nguyên tố hiếm và năng lượng. Trong các kế hoạch dài hạn của Trung Quốc, có việc tăng khối lượng đầu tư vào châu Phi lên tới khoảng 100 tỉ USD đến năm 2020. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ đầu tư vào Nga khoảng 20 tỉ USD.

   Theo dự báo của tờ “Economist Intelligence Unit” (Anh), đến năm 2010, Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng kinh tế thương mại chiếm ưu thế ở châu Phi và sẽ là đối tác thương mại chủ yếu của các nền kinh tế lớn nhất ở khu vực này như Ai Cập, Xu-đăng, Ni-gê-ri-a, Ăng-gô-la và đẩy lùi các đối tác truyền thống như Mỹ, Anh và Pháp ra khỏi “lục địa đen”. Công ty “China Civil Engenering Constrruction” đã ký với Ni-gê-ri-a một hợp đồng trị giá 8,3 tỉ USD để xây dựng tuyến đường sắt kéo dài 1200 km đến bờ Đại Tây Dương. Đây là đề án đầu tư ở nước ngoài lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn giúp phục hồi hoạt động của các xí nghiệp khai thác mỏ ở Ga-bông, Dăm-bi-a và Công-gô. Tổng cộng đã có trên 600 hãng và công ty của Trung Quốc hợp tác với châu Phi.

   Điều đáng chú ý là trong khi mở rộng ảnh hưởng sang châu Phi, Trung Quốc sẽ không lặp lại sai lầm của các chế độ thực dân trước đây tại châu lục này mà là chinh phục thế giới theo triết lý của Khổng Tử, buộc các đối tác phải “tâm phục khẩu phục”. Các nước Châu Phi đặc biệt hài lòng khi Trung Quốc thực hiện các đề án kinh tế quy mô lớn tại đây mà không hề gây bất kỳ một áp lực chính trị nào đối với họ, kiểu như “dân chủ hoá” hoặc “bảo đảm quyền con người” như Mỹ vẫn làm. Vì thế, trong số những đối tác của Trung Quốc có cả ông Ô-ma An-Ba-xia, Tổng thống Xu-đăng - một người bị buộc tội tổ chức các hoạt động diệt chủng ở Đa-phua; hoặc ông Rô-bec Mu-ra-bê, Tổng thống Dim-ba-bu-ê - một nhân vật bị Mỹ lên án.

   Hoạt động của Trung Quốc ở châu Phi khiến Mỹ lo ngại

   Tháng 7-2008, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị, ông E-ric Ê-đen-man, tuyên bố trước các thành viên của Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Mỹ rằng, hoạt động ráo riết và mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng và thắt chặt các mối quan hệ với các nước châu Phi có thể có tạo ra những hậu quả “có tính bùng nổ” đối với Mỹ. Lầu Năm Góc đặc biệt quan tâm tới ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi. Mặc dù, Chính phủ Mỹ phủ nhận lý do thành lập Bộ chỉ huy quân sự đặc trách châu Phi “AFRICOM” là nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng thực chất là nhằm thực hiện chiến lược kiềm chế Trung Quốc ở châu lục này.

   Giới phân tích chính trị - quân sự ở Mỹ cho rằng, hoạt động của Trung Quốc trong các quá trình kinh tế và ngoại giao ở châu Phi có thể sẽ gây ra nhiều phiền toái đối với Mỹ. Xét từ quan điểm quân sự, hoạt động của Trung Quốc gây khó khăn cho Mỹ tiến hành các chiến dịch khủng bố vì các nước trung thành với Trung Quốc sẽ ngăn cản Mỹ bố trí lực lượng quân sự trên lãnh thổ châu lục này. Xét từ quan điểm chính trị, một khi thắt chặt quan hệ với các nước châu Phi, Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng ngày càng lớn trong các tổ chức quốc tế như Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, trong đó châu Phi có tới 10 thành viên không thường trực.

   Xem ra, Mỹ và Trung Quốc, trong cuộc chạy đua tranh giành lợi ích chiến lược ở châu Phi, mỗi bên có một phương sách khác nhau, nhưng cuối cùng họ sẽ phải “so găng” trong một cuộc đấu không khoan nhượng. Đó là điều khó tránh trong thời đại mới - thời đại cạnh tranh địa - chính trị./.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #43 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 10:41:50 am »

NATO CHỦ TRƯƠNG XÚC TIẾN QUÁ TRÌNH ÁP-GA-NI-XTAN HÓA CHIẾN TRANH

   Trong hai ngày 23-10 và 24-10-2009, tại Bra-ti-xla-va (Xlô-va-ki-a), đã diễn ra Hội nghị Hội đồng NATO ở cấp Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên. Chưa bao giờ, một hội nghị tương tự đề cập tới nhiều vấn đề phức tạp và quan trọng của NATO lại chỉ diễn ra vỏn vẹn trong hai ngày. Vì phức tạp, nên khó có thể đạt được sự đồng thuận trong khối.

   Không ai muốn dính vào cuộc “chiến tranh vô bổ” ở Áp-ga-ni-xtan

   Ngay cả khi Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã có tuyên bố rằng, nước Mỹ cần phải tiến hành cuộc chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan, nhiều chuyên gia phân tích chính trị - quân sự của Mỹ và NATO vẫn cho rằng, cách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc chiến chống khủng bố ở Áp-ga-ni-xtan là “sai lầm cơ bản về an ninh”. Trong cuộc họp NATO lần này, gần như tất cả các nước NATO, ngoài Mỹ ra, đều không muốn gửi thêm quân tới chiến trường này. Vì thế, để không đưa hội nghị tới chỗ bế tắc, các thành viên quyết định không thảo luận chung về khả năng tăng quân cho Áp-ga-ni-xtan. Tất cả chỉ giới hạn ở những cuộc trao đổi ý kiến về những vẫn đề “không chết ai” như: ổn định tình hình và cuộc bầu cử tổng thống bất thành vừa qua ở quốc gia này.

   Áp-ga-ni-xtan hoá chiến tranh

   Vì không một nước NATO nào, ngoài Mỹ, coi Áp-ga-ni-xtan là “cuộc chiến tranh của họ”, nên tốt hơn hết là xúc tiến quá trình Áp-ga-ni-xtan hoá, nghĩa là từng bước “bàn giao” cuộc chiến cho người Áp-ga-ni-xtan. Theo chủ trương đó, Tổng thư ký NATO An-đơ Phốc Rát-mu-xen (Anders Fogh Rasmussen” yêu cầu các thành viên của khối này nỗ lực hơn nữa trong việc tham gia huấn luyện và trang bị cho các lực lượng quân sự và an ninh của Áp-ga-ni-xtan. Theo ông, nếu không hành động kịp thời, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng, bởi hiện nay phiến quân Ta-li-ban đang hồi sinh ngày càng mạnh mẽ. Vì thế, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đang cân nhắc về lời đề nghị của các tướng lĩnh Mỹ tăng thêm 10.000 quân tới Áp-ga-ni-xtan trong những tháng tới.

   Tuy nhiên, trong điều kiện chính quyền thân Mỹ và phương Tây ở Áp-ga-ni-xtan lại là một chính quyền tham nhũng, mất lòng dân, không ngăn chặn được hoạt động sản xuất và buôn lậu ma túy đang phát triển với tốc độ nhanh hơn dưới thời cầm quyền của Ta-li-ban và vừa qua lại bị kết tội gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống, thì liệu quá trình Áp-ga-ni-xtan hoá chiến tranh có đem lại kết cục mong muốn.

   Theo Thời báo Niu Oóc (New York Times) số ra ngày 23-10-2009, Báo cáo của Liên hợp quốc vừa công bố cho biết, hiện thị trường hê-rô-in thế giới ước tính khoảng 65 tỉ USD, chủ yếu là có xuất xứ từ Áp-ga-ni-xtan. Theo nhận định của ông An-tô-ni-ô Ma-ri-a Cốt-xta (Antonio Maria Costa), một quan chức cấp cao của Liên hợp quốc, hiện nay, số người chết vì thuốc phiện trong các nước NATO lớn hơn rất nhiều so với con số binh lính của họ chết trận ở chiến trường này kể từ năm 2001. Theo ông An-tô-ni-ô, nếu NATO không có các biện pháp giải quyết vấn đề này thì sẽ gặp nhiều rắc rối khi hóa giải các vấn đề khác. Siêu lợi nhuận từ hoạt động sản xuất và buôn, bán thuốc phiện sẽ dẫn đến sự hình thành các “tơ-rớt ma túy” ở Áp-ga-ni-xtan, bao gồm cả sự tham gia của các quan chức tham nhũng trong bộ máy quyền lực ở quốc gia này.

   Có thực mới vực được đạo

   Dù nói gì thì nói, nhưng một trong những vấn đề “đầu tiên” mà NATO đang phải đối mặt hiện nay là thiếu tiền. Theo tuyên bố chính thức, ngân sách hằng năm của NATO vào khoảng 20 tỉ euro, trong đó có 540 triệu euro dùng để duy trì hạ tầng cơ sở, 300 triệu euro để duy trì bộ máy hành chính và khoảng 1 tỉ dùng để tiến hành các chiến dịch quân sự.

   Phát biểu tại hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng lần này, Tổng thư ký NATO An-đơ Phốc Rát-mu-xen đã phải tuyên bố: “Các nước thành viên đang đặt ra trước chúng ta nhiều nhiệm vụ cấp bách mà để giải quyết thì không biết lấy kinh phí ở đâu ra. Chúng ta không thể để tình trạng này kéo dài mãi”. Hiện nay, thâm hụt ngân sách của NATO đã lên tới 50 triệu euro. Tới năm 2010, thâm hụt ngân sách của NATO sẽ lên tới 545 triệu euro, do liên quan tới chiến dịch quân sự ở Áp-ga-ni-xtan. Trong khi các nhà quân sự đòi tăng ngân sách cho huấn luyện quân sự, thì các nhà chính trị lại đòi cắt giảm nó để lấy uy tín chính trị. Như vậy, NATO đang rơi vào tình cảnh “nằm giữa hai làn đạn”.

   Không phải ai cũng cần lá chắn tên lửa của Mỹ

   Tại hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng lần này, các bên vẫn phải đề cập tới một vấn đề được coi là “trung tâm”, đó là hệ thống phòng thủ tên lửa chung cho châu Âu. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết đã phải báo cáo về cơ cấu hệ thống lá chắn tên lửa mới mà theo tuyên bố của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma là “hiệu quả hơn, kinh tế hơn, hiện đại hơn”. Theo báo cáo cùa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết, tới năm 2011, ở châu Âu sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa “Aegis” của Mỹ bố trí trên biển, được trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 Block IA hiện có trong trang bị của Hải quân Mỹ. Từ năm 2007, Mỹ đã thử nghiệm thành công 7 lần phóng tên lửa này. Tên lửa SM-3 Block IA trị giá 10 triệu USD, rẻ gấp 7 lần so với các tên lửa đánh chặn khác của Mỹ. Đến năm 2020, Mỹ sẽ lần lượt triển khai các tên lửa đánh chặn hiện đại hơn, gồm các loại SM-3 Block IB, SM-3 Block IIA và SM-3 Block IIB. Những tên lửa này sẽ được bố trí ở Ba Lan và Cộng hoà Séc.

   Trong khi Ba Lan và Cộng hoà Séc đã chấp nhận tham gia hệ thống lá chắn tên lửa mới của Mỹ, thì Đức lại tuyên bố sẽ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa riêng, còn ông Rô-bớt Phi-dô, Thủ tướng Xlô-va-ki-a - nước chủ nhà đăng cai hội nghị Hội đồng NATO lần này, thì tuyên bố dứt khoát rằng, chừng nào ông còn làm thủ tướng nước này thì ông sẽ bác bỏ mọi khả năng bố trí các bộ phận thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hoặc NATO trên lãnh thổ Xlô-va-ki-a./.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #44 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 10:43:05 am »

HỐI LỘ TRONG CHIẾN TRANH

   Vừa qua, trong nội bộ các nước NATO đã dấy lên cuộc tranh luận khá gay gắt về chuyện các lực lượng Italia ở Apganixtan có thể đã đút tiền hối lộ các chiến binh Taliban để không bị sa vào chiếc “cối xay thịt” trên chiến trường. Chuyện hư thực thế nào sẽ được phân giải nhưng ít ai biết được rằng các lực lượng vũ trang Mỹ có thể được xếp đầu bảng trong “chiến thuật hối lộ” đối phương để giành chiến thắng nhằm tránh đổ máu.

   Nói đến chuyện hối lộ, Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam có đưa ra lời diễn giải thế này: “Hối lộ là một loại hình tham nhũng, lạm dụng chức vụ, quyền lực, uy tín của mình hay của cơ quan một cách phi đạo đức và trái pháp luật nhằm đạt được lợi ích cá nhân bằng các thủ đoạn trắng trợn hay tinh vi buộc người khác lễ lạt của cải, tiền bạc cho mình để làm một việc, một dịch vụ không thuộc trách nhiệm, quyền hạn của mình hoặc không làm một việc, dịch vụ mà mình phải làm, theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Ví dụ, trong việc xét xử một vụ kiện, trong việc đề bạt chức vụ, trốn thuế, lậu thuế v.v.. Mỗi một xã hội có những tiêu chuẩn riêng về giá trị văn hóa, bao hàm những tiêu chuẩn chung để xác định bản chất hối lộ và tham nhũng; nhưng dù với hình thức, phương pháp, thủ đoạn như thế nào mà công chức hay người có quyền hành nhận hối lộ của tư nhân, hoặc của một tổ chức, một người khác nhờ mình đều là tham nhũng dưới hình thức hối lộ và bị pháp luật trừng trị. Không những nhận hối lộ là phi đạo đức và phạm pháp, mà hành vi đưa hối lộ cũng là phi đạo đức và phạm pháp. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn đặt ra những khoản thu trực tiếp hay gián tiếp để chia nhau hưởng lợi ngoài giới hạn quy định, không được pháp luật cho phép, cũng là một hình thức hối lộ”. Theo cách diễn giải này về khái niệm “hối lộ” thì xem ra không có chuyện hối lộ trong chiến tranh, nơi diễn ra cuộc chiến giữa cái sống và cái chết.

   Thế nhưng, ngày 15-10-2009, tờ The Times công bố tài liệu khẳng định, một trong các chỉ huy của Taliban và hai quan chức Apganixtan đã chính thức xác nhận các cơ quan tình báo Italia thường xuyên đưa tiền hối lộ trị giá hàng chục nghìn USD cho các chiến binh đối phương để nhận được sự bảo đảm an ninh, mà nói thẳng ra là để không bị tiến công, trong khu vực Xarôbi nằm ở phía Đông thủ đô Cabun do các lực lượng của Italia trong NATO kiểm soát. Theo tiết lộ của một quan chức đại diện của Taliban có tên là Môhamét Ixmaen, theo một bản “hợp đồng” song phương bất thành văn được thỏa thuận ngầm từ năm 2008, các chiến binh của Taliban nhận tiền của các lực lượng Italia đang làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh ở Apganixtan, còn các binh sĩ của Italia sẽ không bị phía Taliban tiến công. Cũng theo xác nhận từ một số quan chức khác của Taliban, thoả thuận ngầm đó đã được áp dụng ở một số khu vực khác trên lãnh thổ Apganixtan, thí dụ ở Gerate, những nơi thuộc phạm vi trách nhiệm của các lực lượng liên quân đến từ Italia.

   Mọi chuyện có thể đã êm thấm nếu như các lực lượng của Italia đóng quân mãi ở những khu vực được NATO giao trách nhiệm. Nhưng theo thoả thuận trong NATO, các lực lượng của Italia chỉ có mặt tại Xarôbi đến giữa năm 2008, sau đó phải bàn giao trách nhiệm bảo đảm an ninh tại địa bàn này cho quân Pháp. Tuy nhiên, các chiến binh Italia đã không “bàn giao hợp đồng” lại cho những người kế nhiệm nên quân Pháp không hay biết gì về “chuyện giao kèo kỳ lạ, này và đã bị Taliban liên tục “giáng đòn”.

   Về chuyện này, báo The Times tiết lộ rằng các cơ quan tình báo Mỹ đã biết rõ về nội dung “hợp đồng bí mật” giữa các lực lượng của Italia ở Apganixtan với Taliban thông qua kết quả giải mã các bức điện vô tuyến trao đổi giữa hai bên ký “hợp đồng”. Phía Mỹ đã kịch liệt phê phán phương pháp hoạt động mờ ám của các cơ quan tình báo Italia. Đại sứ Mỹ ở Italia đã gửi công hàm phản đối tới Chính phủ Italia. Vài ngày sau đó, quân Pháp ở Apganixtan đã bị tiến công dữ dội và trong trận chiến hồi tháng 8-2009, ngay sau khi nhận bàn giao từ các lực lượng của Italia, đã có 10 quân nhân Pháp thiệt mạng. Đại sứ quán Mỹ ở Rôma đã không đưa ra bất cứ lời bình luận nào về sự kiện này với lý do “cơ quan ngoại giao không có quyền tiết lộ thông tin về các cuộc đối thoại mang tính chất nội bộ”. Cũng theo tiết lộ của báo The Times số ra ngày 16-10-2009, trước đó vài ngày, quân Mỹ đã tiêu diệt một trong các thủ lĩnh của Taliban đã từng nhận tiền hối lộ của các lực lượng quân sự đến từ Italia.

   Chính phủ Italia đã kiên quyết bác bỏ chuyện các cơ quan tình báo của họ hối lộ Taliban. Bộ trưởng Quốc phòng Italia, ông Ignaxiô Ruxa, tuyên bố rằng những cáo buộc trên đây đối với các lực lượng Italia ở Apganixtan là “chuyện bịa đặt một trăm phần trăm” bởi ông không có được bất cứ thông tin nào về việc các cơ quan tình báo Italia hối lộ tiền cho các chiến binh Taliban để được bảo toàn tính mạng. Đại diện Chính phủ Italia của ông Xinviô Bêluxcôni cũng thông báo rằng người đứng đầu chính phủ không cho phép có các hành động hối lộ Taliban.

   Nhân câu chuyện này, một trong các viên chỉ huy của NATO ở Cabun nhận xét rằng, việc đưa tiền hối lộ cho các chiến binh của Taliban trong một số điều kiện nhất định là “hoàn toàn có thể và nên làm”, nhưng không thể không thông báo cho các lực lượng của Pháp biết được “bí mật” đó để họ có cách đề phòng, biết đâu quân Pháp cũng áp dụng “công nghệ” tương tự để tránh thương vong. Cũng dễ hiểu thôi, trong chiến tranh, người Mỹ chủ trương sử dụng cả “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm”. “Sức mạnh cứng” thì ai cũng biết, gồm tàu sân bay, máy bay tàng hình, tên lửa Tomahawk và nhiều loại bom đạn “thông minh” khác. Còn “sức mạnh mềm” thì hết sức đa dạng, bao gồm vô vàn các thủ đoạn phi quân sự, trong đó có các các thủ đoạn mua chuộc, hối lộ, tống tiền, mỹ nhân kế, v.v..

   Được biết, ngay cả trong chiến dịch quân sự mạng tên “Tự do bền vững” do Mỹ phát động vào tháng 10-2001 nhằm tiến công lật đổ chính quyền của Taliban, Mỹ đã bỏ ra hàng chục triệu USD để mua chuộc nhiều chỉ huy quân sự trong Liên minh phương Bắc để họ đứng về phía Mỹ, đồng thời hối lộ nhiều chỉ huy của Taliban để họ từ bỏ hàng ngũ của tổ chức này. Còn trong cuộc chiến tranh Irắc năm 2003, trước sức chống trả khá quyết liệt của quân đội Irắc Mỹ và liên quân phải đứng trước khả năng bị rơi vào bẫy một cuộc chiến tranh du kích khá cam go và kéo dài, nếu không muốn nói là thất bại, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ đã bỏ ra hàng chục triệu USD để mua chuộc một số chỉ huy chủ chốt trong đội Vệ binh cộng hoà của Tổng thống Xatđam Hútxen để họ đầu hàng vào thời điểm quyết định khi Mỹ và liên quân tiến vào thủ đô Bátđa. Về sau, các tướng Mỹ đã công nhận rằng “chiến thuật hối lộ” quả là “cao cường” bởi giá một quả tên lửa hành trình “thông minh” Tomahawk ngót nghét một triệu USD và Mỹ đã phóng tới hàng ngàn quả vào Irắc nhưng chưa đập tan được đội quân Vệ binh cộng hoà. Thế nhưng, chỉ cần một khoản tiền chưa bằng trị giá vài quả tên lửa Tomahawk, Mỹ đã buộc nhiều sư đoàn tinh nhuệ của Irắc đầu hàng. Theo quan niệm thực dụng của người Mỹ thì quả là kinh tế và tiết kiệm!

   Chuyện hối lộ của quân Mỹ trong hai cuộc chiến tranh ở Apganixtan và Irắc, cũng như chuyện các chiến binh Irắc hối lộ Taliban để được an toàn tính mạng gợi ý cho các nhà biên soạn các loại từ điển bách khoa nên bổ sung thêm nội dung khái niệm “hối lộ”, có cả chuyện hối lộ trong chiến tranh. Thêm nữa, Mỹ và liên quân có thể hối lộ để thắng trong chiến tranh nhưng không thể dùng “chiến thuật hối lộ” để mang lại dân chủ và tự do cho người Irắc và Apganixtan, bởi cái giá của tự do và dân chủ không thể chỉ có được bằng tiền.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #45 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 10:45:41 am »

PHẦN III
MỸ VÀ QUAN HỆ MỸ - NGA


NIỀM LẠC QUAN KHÔNG HÓA GIẢI ĐƯỢC MÂU THUẪN VÀ XUNG ĐỘT

   Ngày 14-05-2008, Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ cùng phu nhân lên đường bắt đầu chuyến thăm Trung Đông. Trong vòng 6 ngày, Tổng thống G.Bu-sơ đã hoàn thành một chương trình ngoại giao đồ sộ: tới thăm I-xra-en nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà nước Do Thái, A-rập Xê-út và Ai-cập; gặp mặt và hội đàm với Tổng thống Pa-le-xtin Ma-hơ-mut A-bat (Mahmud Abass); Tổng thống I-rắc Gia-la Ta-la-ba-ni; Tổng thống Ap-ga-ni-xtan Ha-mit Ca-zai; và Thủ tướng Li-băng Phu-át Xi-nhi-ô-ra. Họ là những người đứng đầu các quốc gia mà Tổng thống G.Bu-sơ đang có ý định “dân chủ hoá” theo ý đồ chiến lược đề ra trong “Kế hoạch Trung Đông Lớn” do ông đề xướng vào năm 2004.

   Bối cảnh chuyến thăm không mấy sáng sủa

   Chuyến thăm rất có thể là cuối cùng trên cương vị tổng thống của Tổng thống G.Bu-sơ đến Trung Đông diễn ra trong bối cảnh tình hình ở khu vực này đang ở trạng thái khá phức tạp. Trong vòng nhiều thập niên vừa qua, Trung Đông được coi là “khu vực lợi ích chủ yếu và được ưu tiên” của Mỹ. Các chiến lược gia ở Mỹ liên tiếp đưa ra các sáng kiến nhằm ổn định tình hình nhưng đều không mang lại kết quả. Sau hơn 5 năm tuyên bố “giành chiến thắng” trong cuộc chiến tranh I-rắc, hiện Mỹ đang bị sa lầy ở quốc gia này, chưa tìm ra lối thoát, và “vấn đề I-rắc” trở thành chủ đề tranh luận hàng đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang diễn ra đầy kịch tính ở Mỹ. Vấn đề hạt nhân I-ran chưa được giải quyết. Xung đột giữa Pa-le-xtin và I-xra-en có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Nhiều lò thuốc súng khác rất dễ được châm ngòi. Sắp kết thúc hai nhiệm kỳ cầm quyền với biết bao trăn trở về “Trung Đông Lớn”, Tổng thống G.Bu-sơ lại một lần nữa tuyên bố sẵn sàng thực hiện mọi nỗ lực có thể tìm ra hướng “hóa giải” cái vòng luẩn quẩn này.

   Trước khi Tổng thống G.Bu-sơ chuẩn bị lên đường sang Trung Đông, nhiều chuyên gia phân tích chính trị quan tâm tới một vấn đề đang được nhiều người bàn luận: liệu những nỗ lực của Mỹ sẽ đi tới đâu? Các chuyên gia nghiên cứu chính trị quốc tế am hiểu tình hình Trung Đông thống nhất ở một nhận định rằng, chuyến thăm lần này của Tổng thống G.Bu-sơ sẽ không có ảnh hưởng đáng kể đến tình hình ở khu vực này. Từ trước tới nay, chưa có một ai, kể cả Tổng thống G.Bu-sơ, đưa ra được một giải pháp cho hàng loạt các vấn đề được coi là rất “nóng” trong khu vực. Trong khi đó, thời điểm mà Tổng thống G.Bu-sơ lựa chọn để thực thi chuyến công du này thật không mấy thích hợp.
 
   Lý do chính thức của chuyến thăm lần này của Tổng thống Bu-sơ tới I-xra-en là dự lễ Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà nước Do Thái. Nhưng trong lúc này, đại diện của giới tinh hoa chính trị ở Ten-a-víp không mấy vui vẻ. Thủ tướng I-xra-en, ông Ơ-hút Ôn-méc-tơ (Ehud Olmert), đang bị cáo buộc dính líu vào các vụ tham nhũng. Các đối thủ của ông một mực khẳng định, Thủ tướng Ơ-hút Ôn-méc-tơ đã nhận tiền bất hợp pháp của một số doanh nhân người Mỹ. Nếu các lời cáo buộc đối với Thủ tướng Ơ-hút Ôn-méc-tơ được minh chứng thì I-xra-en sẽ phải tổ chức chiến dịch vận động bầu cử mới và cuộc đối thoại giữa thế giới A-rập với I-xra-en thông qua vai trò trung gian của Mỹ có thể sẽ bị đóng băng trong một thời gian dài nữa. Đến lúc này, “cuộc đối thoại thế kỷ” đó vẫn chưa tạo ra được chuyển biến đáng kể nào. Ngoài ra, các nước A-rập chưa thể dự đoán được chủ nhân Nhà Trắng sắp tới ở Mỹ sẽ có quan điểm thế nào đối với vấn đề Pa-le-xtin.
 
   Nhà Trắng cũng còn mất ăn mất ngủ trước hoạt động ngày càng gia tăng của các lực lượng Hồi giáo cực đoan có xu hướng chống lại I-xra-en hiện đang hoạt động ở Dải Ga-da và ở Li-băng. Đúng vào ngày Tổng thống Bu-sơ đặt chân đến I-xra-en, các chiến binh thuộc tổ chức Ha-mat (Hamas) đã mở các đợt pháo kích dữ dội vào một thành phố nằm ở phía Bắc I-xra-en. Tổng thống Pa-le-xtin Ma-hơ-mut A-bat, người được Mỹ, I-xra-en hậu thuẫn và đặt nhiều hy vọng, chỉ kiểm soát được một trong hai khu vực của người Pa-le-xtin là bờ Tây sông Giooc-đăng (Jordan), còn Dải Ga-da đang thuộc về quyền kiểm soát hoàn toàn của các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Những lực lượng này lại hoàn toàn không muốn đàm phán với Mỹ cũng như với I-xra-en.

   Tại nước Li-băng láng giềng, lực lượng Héc-bô-la tạm thời kiểm soát phần chủ yếu trong thủ đô Bây-rút, đang buộc Chính phủ phải nhượng bộ. Tình hình đang diễn ra ở Li-băng chứng tỏ ai mới là người thực sự kiểm soát tình hình ở quốc gia này. Tuy nhiên, Tổng thống G.Bu-sơ làm ra vẻ như không nhận thấy những khó khăn phức tạp đang diễn ra, và vẫn chủ trương tiếp tục tiến trình đàm phán. Trong bài trả lời phỏng vấn báo “Bưu điện Giê-ru-xa-lem” (“Jerusalem Post”) trước khi lên đường đi Trung Đông, Tổng thống G.Bu-sơ bày tỏ sự tin tưởng rằng, các cuộc đàm phán với Tổng thống Pa-le-xtin “không sớm thì muộn sẽ đem lại kết quả”. Ông còn gọi Thủ tướng I-xra-en, ông Ơ-hút Ôn-méc-tơ là “một người đàn ông chân thành”.

   I-rắc vẫn là chủ đề chính

   Trong chuyến thăm các nước Trung Đông lần này, Tổng thống G.Bu-sơ đặc biệt quan tâm đến vẫn đề I-rắc. Về phương diện này, các cuộc đàm phán giữa Tổng thống G.Bu-sơ với Quốc vương A-rập Xê-út, ông Áp-đu-la Áp-đun A-dít (Abdullah bin Abdul Aziz) và với Tổng thống Ai-cập, ông Hô-xni Mu-ba-rắc (Hosni Mubarack) sẽ có tầm quan trọng đặc biệt. Ngoài sự viện trợ kinh tế, I-rắc đang rất cần sự ủng hộ về mặt chính trị từ phía các nước A-rập. Không còn úp mở gì nữa, nhiều quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông coi chính phủ hiện nay ở I-rắc là do Mỹ điều khiển. Trong bối cảnh đó, Tổng thống G.Bu-sơ đang đề nghị người đứng đầu các chính phủ A-rập Xê-út và Ai-cập khẩn trương thắt chặt quan hệ với I-rắc, bởi I-ran - quốc gia láng giềng với I-rắc, đang xúc tiến các nỗ lực ngoại giao hướng tới I-rắc và các nước khác ở Trung Đông, nhằm giành vị thế lãnh đạo trong thế giới Hồi giáo. Nhìn chung, các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Bu-sơ với nguyên thủ các nước A-rập không mấy dễ dàng, bởi lẽ uy tín của Mỹ trong thế giới Hồi giáo đã bị tổn thương lớn. Hành động của Mỹ ở I-rắc có ảnh hưởng tiêu cực đối với quan hệ giữa Mỹ với A-rập Xê-út - một thời từng đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông.

   Điều này khó có thể tạo điều kiện cho ông chủ Nhà Trắng đạt được tiến bộ trong việc giải quyết một vấn đề nhức nhối nữa đối với Mỹ. Đó là giá dầu mỏ đang có nguy cơ tăng vọt. Sự tăng giá dầu một phần quan trọng là do các nước OPEC không chịu tăng khối lượng khai thác dầu, trong đó A-rập Xê-út là một trong những thành viên có vai trò then chốt của tổ chức này.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #46 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 10:46:54 am »

   Kế hoạch “Trung Đông Lớn” trước nguy cơ phá sản

   Tình hình khó khăn mà Mỹ đang lâm vào ở Trung Đông phần nhiều liên quan đến tiến trình thực hiện kế hoạch “Trung Đông Lớn” do Tổng thống Bu-sơ đề xuất. Khái niệm “Trung Đông Lớn” hoặc “Đại Trung Đông” được Tổng thống G.Bu-sơ và các chuyên gia nghiên cứu chính trị ở Mỹ sử dụng để chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị G-8 họp ở Xi-xlan-đơ (Mỹ) năm 2004. Thuật ngữ “Trung Đông Lớn “cũng được sử dụng khi soạn thảo một văn kiện quan trọng của Mỹ mang tựa đề “Đề án đối với nước Mỹ trong thế kỷ mới”. Việc Tổng thống G.Bu-sơ sử dụng khái niệm “Trung Đông Lớn” xuất phát từ Chiến lược toàn cầu của Mỹ đưa hai khu vực nhiều dầu mỏ nhất thế giới là vùng vịnh Pếch-xich và Biển Ca-xpi vào chiến lược phát huy ảnh hưởng của Mỹ. Trong Trung Đông Lớn có thêm các quốc gia thuộc khu vực Trung Á và khu vực Cáp-ca như A-dếch-bai-dan, Ác-mê-ni-a, Gru-di-a và Bắc Phi. Trung Đông là khu vực đặc biệt nhạy cảm về chiến lược, kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo.

   Tình hình Trung Đông đang trở nên bất ổn hơn và đáng lo ngại hơn bao giờ hết. Nhiều cuộc xung đột đã và đang diễn ra tại đây hoặc đang tiềm ẩn. Nguồn gốc xung đột rất đa dạng, xuất phát từ sự tranh giành ảnh hướng của các nước lớn, trước hết là Mỹ; từ sự tranh giành tài nguyên nước, dầu mỏ, khí đốt được thiên nhiên phân bố không đồng đều ở các nước trong khu vực; do sự khác biệt về tôn giáo, sắc tộc và văn hoá v.v.

   Hiện nay, ngoài nguy cơ xung đột do sự tranh chấp tài nguyên dầu mỏ, tại đây đang tiềm ẩn cuộc xung đột mới liên quan đến nguy cơ thiếu nước ngọt. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay hơn 2 tỉ người đang bị thiếu nước ngọt. Còn theo dự báo của Cục tình báo trung ương Mỹ, đến năm 2015, sẽ có khoảng một nửa dân số trên hành tinh sinh sống ở các khu vực thường xuyên thiếu nước ngọt. Vì thế, nước ngọt đang trở thành tài nguyên thiên nhiên quý hiếm. Việc thiếu nước đang làm nảy sinh hàng loạt vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị, có nguy cơ gây mất ổn định trên thế giới và dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn cầu. Theo Báo cáo “Xu hướng toàn cầu 2015” (“Global Trends 2015”), sau 10 năm nữa, ở trung tâm châu Phi, số người chết vì đói khát sẽ tăng lên 20%, thúc đẩy cư dân từ các nước nghèo đói di chuyển đến các nước giàu có. Nạn thiếu nước ngọt có thể dẫn đến các cuộc chiến tranh đẫm máu ở Trung Đông. Tại khu vực này đang xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng. Trong 40 năm gần đây, cư dân ở các khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã phải giảm nhu cầu tiêu dùng nước xuống còn 1.250 lít/1năm. Vấn đề nước đã làm căng thẳng thêm quan hệ vốn đã rất phức tạp giữa các nước ở khu vực này. Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc B.Ga-li đã từng dự báo rằng, cuộc chiến tranh tiếp theo ở Trung Đông sẽ là “cuộc chiến tranh vì nước ngọt”.

   Để thực hiện “Kế hoạch Trung Đông Lớn”, Tổng thống G.Bu-sơ, một mặt, chủ trương trấn áp các lực lượng chống Mỹ, mặt khác, ủng hộ các quốc gia và lực lượng sẵn sàng đi theo quỹ đạo của Mỹ. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nhiều nỗ lực của các đời tổng thống Mỹ trước đây đã không mấy kết quả. Lần này, dường như tất cả các vấn đề liên quan đến Trung Đông mà Tổng thống G.Bu-sơ định giải quyết đều chưa đạt được tiến bộ đáng kể. Đi ngược lại các nỗ lực ủng hộ của Mỹ, đến nay, I-xra-en vẫn chưa trở thành một quốc gia “an toàn”. Tại I-rắc, sau khi lật đổ chế độ cầm quyền Xát-đam Hút-xen (Sadam Hussein), Mỹ và đồng minh đang đưa quốc gia này chìm đắm trong tình cảnh hỗn loạn, “huynh đệ tương tàn”. Chính phủ của Tổng thống Ta-la-ba-ni chỉ duy trì được ảnh hưởng của họ nhờ lực lượng quân sự chiếm đóng của Mỹ, còn những lực lượng không có thiện cảm với phương Tây đang có ảnh hưởng ngày càng lớn, thậm chí, còn vượt cả ảnh hưởng của các lực lượng đi theo Tổng thống Xát-đam Hút-xen đã quá cố.

   Vấn đề hạt nhân I-ran: bài toán khó giải đối với Mỹ

   Đã có lúc, một số báo ở Mỹ liên tục “tiết lộ” thông tin về khả năng Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ sẽ ra lệnh tiến công quân sự nhằm vào I-ran, thậm chí một số báo còn đưa ra cả “kịch bản” các đòn tiến công đầu tiên nhằm vào các cơ sở hạt nhân và kết cấu hạ tầng của I-ran. Cũng không ít chuyên gia phân tích cho rằng, rất ít khả năng Tổng thống G.Bu-sơ sẽ phát động một cuộc chiến tranh mới, cuộc chiến thứ ba, sau hai cuộc chiến còn dang dở ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. Quả thật, lúc này ông G.Bu-sơ đang đứng trước sự lựa chọn đầy khó khăn, thậm chí có người còn cho rằng đó là “sự lựa chọn lịch sử” đối với nước Mỹ. Vì sao vậy?

   Nếu Tổng thống G.Bu-sơ lựa chọn phương án chiến tranh, giải pháp này có thể sẽ dẫn đến thất bại có tính toàn cầu đối với nước Mỹ. Với khả năng nhân lực hạn chế, tinh thần phản chiến ngày càng gia tăng và rộng khắp ngay trong hàng ngũ các binh sỹ Mỹ, việc Mỹ phải đồng thời tiến hành chiến tranh trên ba mặt trận: Áp-ga-ni-xtan, I-rắc và nếu sắp tới là I-ran - sẽ là nhiệm vụ khó kham nổi. Thêm nữa, Tê-hê-ran đã chuẩn bị khá công phu về mọi mặt để “tiếp đón” quân Mỹ. Họ vừa hoàn thành hợp đồng nhập khẩu các vũ khí phòng thủ hiện đại của Nga, lại vừa tự nỗ lực phát triển các phương tiện chiến tranh mới có khả năng đối phó với các đòn tiến công của Mỹ. Nếu Tổng thống G.Bu-sơ “có thừa quyết tâm và phương tiện” như ông từng tuyên bố để tiến công quân sự I-ran, thì rất có thể đó sẽ là cuộc chiến tranh đẫm máu và kéo dài với kết cục khó lường đối với Mỹ. Với I-ran, Mỹ sẽ phải khó khăn hơn khi chiếm đóng một quốc gia có dân số gần 70 triệu người đi theo tín ngưỡng Hồi giáo, kiên quyết chống Mỹ, với địa hình đồi núi phức tạp khiến Mỹ sẽ phải lâm vào tình trạng sa lầy còn tồi tệ hơn ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. Các chỉ huy quân sự Mỹ hiểu rất rõ điều đó. I-ran còn là “điểm huyệt” trong hệ thống các quan hệ rất nhạy cảm của nền kinh tế và chính trị thế giới.

   Giới phân tích cũng đưa ra khả năng rằng, rất có thể, Tổng thống Bu-sơ sẽ lựa chọn phương án “cách mạng màu” nhằm lật đổ chế độ cầm quyền ở Tê-hê-ran. Lúc đó, sự phô trương sức mạnh quân sự ở Vùng Vịnh chỉ là để hậu thuẫn cho lực lược nổi dậy bên trong I-ran. Để tiến hành “cách mạng màu”, Mỹ phải có được sử ủng hộ rất mạnh bên trong I-ran. Điều này là rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể đối với Mỹ, nếu xét về sự khác biệt tôn giáo, văn hoá và tư tưởng giữa hai nước. Thí dụ, để có được sự ủng hộ bên trong I-ran, Mỹ phải đưa nền kinh tế nước này vào tình trạng khủng hoảng. Muốn vậy, Mỹ sẽ phải giảm đáng kể giá dầu mỏ để hạn chế nguồn thu ngân sách của quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu này của thế giới. Về lý thuyết, Mỹ có thể làm được điều đó bằng cách cho các mỏ dầu do Mỹ kiểm soát khai thác hết công suất và tung ra thị trường thế giới một khối lượng dầu mỏ khổng lồ. Nhưng nếu làm thế, Mỹ sẽ vấp phải một vấn đề rất tế nhị là quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc. Sự phát triển kinh tế với nhịp độ nhanh tới “chóng mặt” của siêu cường kinh tế Trung Quốc đang tiêu thụ một khối lượng dầu mỏ và khí đốt ngày càng lớn, biến nguyên liệu dầu mỏ thành dòng thác hàng hóa đồ sộ chiếm lĩnh thị phần đáng kể trên thế giới. Bất kỳ sự giảm giá dầu và khí đốt đáng kể nào cũng sẽ làm giảm chi phí sản xuất ở Trung Quốc, làm tăng khả năng cạnh tranh của họ và gia tăng đột biến nhịp độ phát triển kinh tế Trung Quốc vốn đã ở mức rất cao. Mỹ, chắc chắn, không muốn nhìn cảnh Trung Quốc “hốt bạc”, còn mình lại “xơi đạn và lửa” ở Trung Đông. Trước tình trạng khó xử như vậy, Mỹ buộc phải duy trì giá dầu mỏ ở mức cao trên thị trường thế giới để kìm hãm sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và các đối thủ khác đang “khát dầu” như EU, bất luận ai cầm quyền ở Mỹ, Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ. Do đó, Tổng thống G.Bu-sơ đã phải làm một công việc trái với phong cách của một siêu cường duy nhất là ngồi cùng bàn đối thoại với các quốc gia không chịu sức ép từ phía Mỹ, trong đó có cả I-ran.

   Niềm lạc quan cuối cùng

   Tổng thống G.Bu-sơ không muốn kết thúc nhiệm kỳ cuối cùng của mình trong một tình cảnh ảm đạm như vậy, nên trong khoảng thời gian còn lại hơn 8 tháng, ông có ý định triển khai các hoạt động ngoại giao quy mô lớn trên hướng Trung Đông. Nhưng những cái bắt tay hào hứng và những lời tuyên bố mạnh mẽ trước ống kính camera truyền hình khó có thể thay đổi được điều gì. Thủ lĩnh các nước trong khu vực nhận thấy điều đó và họ đang hướng sự chú ý nhiều hơn về phía Oa-sinh-tơn xem ứng cử viên nào đang tham gia cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ sẽ trở thành chủ nhân của Nhà Trắng./.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #47 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 10:48:47 am »

HỆ THỐNG PHÒNG THỦ TÊN LỬA QUỐC GIA: HY VỌNG GIÀNH ƯU THẾ QUÂN SỰ CỦA MỸ

   Trong thời gian gần đây, dư luận quốc tế rất quan tâm đến triển vọng kế hoạch của Mỹ triển khai một phần hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia, viết tắt là NMD (National Defense Missile), ở Ba Lan và Cộng hoà Séc, thậm chí còn có tin Mỹ sẽ đàm phán để triển khai hệ thống này trên lãnh thổ Cộng hoà Lit-va, nhằm đánh chặn tên lửa đường đạn từ phía I-ran hoặc CHDCND Triều Tiên. Trước đó, Mỹ đã tuyên bố kế hoạch triển khai trạm ra-đa quan sát ở Nam Cáp-ca, ngay sát biên giới nước Nga. Không loại trừ khả năng sau khi kết nạp U-crai-na và Gơ-ru-di-a vào NATO trong thời gian tới, Mỹ sẽ triển khai các thành phần của NMD trên lãnh thổ các quốc gia này. Ngày 20-6-2008, phát biểu tại Oa-sinh-tơn, Ngoại trưởng Mỹ Côn-đô-li-da Rai-xơ đã yêu cầu Nga “nên chấp nhận đề nghị của Mỹ và NATO triển khai các thành phần thuộc hệ thống NMD tại các nước Đông Âu”. Ngày 8-7-2008, Cộng hoà Séc đã chính thức ký thoả thuận cho phép Oa-sinh-tơn xây dựng trạm ra-đa thuộc một phần lá chắn tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Cộng hòa Séc bất chấp sự phản đối kịch liệt từ Nga. Theo kế hoạch của Oa-sinh-tơn, trạm ra-đa này sẽ giám sát phát hiện mục tiêu và dẫn đường cho 10 tên lửa bắn chặn được lắp đặt tại Ba Lan. Tuy nhiên, trước đó, Thủ tướng Ba Lan Đô-nan Tu-xcơ (Donald Tusk) chính thức tuyên bố bác bỏ kế hoạch của Mỹ bởi hai bên chưa đạt được kết quả thoả đáng trong việc tăng cường mức độ an ninh cho phía Ba Lan.
 
   Trong những tháng còn lại trước cuộc đua nước rút vào Nhà Trắng, dư luận nhận thấy chính quyền của Đảng Cộng hoà đang gây áp lực mạnh mẽ đối với Nga nhằm chứng tỏ cho các cử tri ở Mỹ thấy họ chính là những người “kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ”. Trước thái độ có vẻ hối hả đó của Nhà Trắng, Điện Cơ-rem-li, một mặt, kiên quyết phản đối kế hoạch của Mỹ, mặt khác, vẫn tỏ ra khá bình tĩnh trong cách ứng xử với Oa-sinh-tơn.

   Một câu hỏi được đặt ra ở đây là các thành phần của hệ thống NMD bố trí ở Đông Âu nhằm đánh chặn tên lửa của ai, có phải là từ phía I-ran hoặc CHDCND Triều Tiên, hay nhằm vào mục tiêu khác? và vì sao Điện Crem-li lại có vẻ bình tĩnh tự tin trong phản ứng trước sức ép ngày càng tăng từ phía Mỹ?

   Kế hoạch đầy tham vọng nhằm giành ưu thế đơn phương

   Theo nhận xét của chính các chuyên gia quân sự Mỹ, ý đồ chiến lược xây dựng NMD được đưa ra trong bản báo cáo đặc biệt của Ủy ban Răm-xphen (Rumsfeld) đệ trình Quốc hội Mỹ năm 1998, trong đó, các chuyên gia hoạch định chiến lược của Mỹ đặc biệt lưu ý đến nguy cơ tiến công hạt nhân nhằm vào Mỹ từ phía “các quốc gia bất trị” như I-ran, I-rắc và CHDCND Triều Tiên. Bản báo cáo này là động lực chính thức tái khởi động các công trình nghiên cứu nhằm xây dựng hệ thống phòng chống tên lửa của Mỹ được khởi đầu từ chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao” đầu những năm 1980 nhưng sau đó bị Tổng thống Bin Clin-tơn đình chỉ vào năm 1995 do thiếu tính khả thi. Căn cứ vào các luận chứng trong bản báo cáo năm 1998, Quốc hội Mỹ đã thông qua “Đạo luật về phòng thủ tên lửa”, trong đó đưa ra quyết định xây dựng hệ thống NMD có khả năng bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ chống lại đòn tiến công hạn chế, ngẫu nhiên, không có chủ định trước hoặc có chủ định. Tuy nhiên, không có bất kỳ văn bản nào về sau này quy định cụ thể các tiêu chí để hiểu một cách minh bạch thế nào là “đòn tiến công hạn chế”.

   Trên những nét đại thể, hệ thống NMD của Mỹ gồm ba tuyến phòng thủ. Tuyến 1 (tuyến trên bộ), gồm các căn cứ tên lửa đánh chặn bố trí trên mặt đất, gọi tắt là GBI (Ground-Based Interceptor), trước hết là đặt trên lục địa Hoa Kỳ, cùng với các trạm ra-đa báo động sớm được xây dựng ở Mỹ, Na-uy và Grin-lan-đơ. Tuyến 2 (tuyến trên biển), gồm các chiến hạm lớn “Aegis” được lắp vũ khí đánh chặn tên lửa đường đạn. Tuyến 3 (tuyến đường không - vũ trụ) bao gồm mạng lưới các vệ tinh phát hiện và vũ khí tiến công bố trí trên máy bay và các vệ tinh bay trên quỹ đạo xung quanh Trái Đất. Theo kế hoạch, trong 10 năm tới, Mỹ sẽ bố trí tên lửa đánh chặn GBI và ra-đa phát hiện ở một số nước Đông Âu như Ba Lan và Cộng hòa Séc. Yêu cầu then chốt đối với hệ thống này là phải có khả năng đánh chặn tên lửa trong mọi giai đoạn của quỹ đạo bay, từ lúc mới rời bệ phóng cho đến khi nhằm vào mục tiêu.

   Hiện nay, hệ thống NMD đang được triển khai. Mỹ đã tiến hành thử nghiệm thành công bước đầu các tên lửa đánh chặn GBI đặt trên mặt đất và tên lửa đánh chặn SM-3 bố trí trên biển. Tên lửa GBI được bố trí tại các căn cứ quân sự Phốt-ri-lây ở A-li-a-xcơ và Van-đen-béc ở Ca-li-phoóc-ni-a. Còn các tên lửa SM-3 được bố trí trên 3 chiến hạm Aegis của Hải quân Mỹ và 3 chiến hạm khác được hiện đại hoá trong những năm 2006-2007. Ngoài ra, Mỹ đã thử nghiệm thành vũ khí la-de bố trí trên máy bay và trong tương lai sẽ bố trí loại vũ khí này trên vũ trụ đóng vai trò như những cỗ máy “phụt tia chết” nhằm vào các đầu đạn tên lửa của đối phương.

   Cùng với thời gian, hệ thống NMD của Mỹ ngày càng tiến xa khỏi mục tiêu ban đầu là chỉ để bảo vệ lãnh thổ Hoa Kỳ chống lại “cuộc tiến công hạn chế” đề ra trong “Đạo luật về phòng thủ tên lửa”, buộc dư luận phải nghĩ đến khả năng Mỹ đang nhằm các mục tiêu khác bởi lẽ không một “quốc gia bất trị” nào hiện nay và trong tương lai sắp tới có khả năng chế tạo tên lửa có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, ý đồ đích thực của Mỹ là xây dựng một hệ thống phòng chống tên lửa có khả năng bảo vệ lãnh thổ Hoa Kỳ chống lại đòn tiến công hạt nhân từ phía Nga và Trung Quốc. Một khi hệ thống đó tỏ ra có hiệu quả thực sự, Mỹ sẽ tước bỏ quyền trả đũa hạt nhân của các nước khác, còn họ sẽ rảnh tay dùng vũ khí hạt nhân làm công cụ để “dọa nạt” các nước khác nhằm đạt các mục tiêu chính trị. Sở dĩ Mỹ nuôi hy vọng lớn vào NMD là vì sau khi Nga đã cắt giảm trên quy mô lớn số vũ khí hạt nhân theo các hiệp ước về hạn chế vũ khí tiến công chiến lược và đạt tới ngưỡng thấp nhất về số lượng, vào khoảng 200-300 tên lửa, lúc đó không loại trừ khả năng những tên lửa còn lại của Nga có thể bị tiêu diệt trong đòn tiến công hạt nhân đầu tiên, còn những tên lửa nào kịp rời bệ phóng sẽ bị hệ thống NMD của Mỹ tiêu diệt nốt. Để tránh xảy ra tình huống này, Mỹ và Liên Xô trước đây đã từng ký kết Hiệp ước về hệ thống phòng thủ tên lửa năm 1972, cấm các bên xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia. Nhưng Mỹ đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước này. Tuy nhiên, Nga đã không chịu khoanh tay ngồi nhìn và đã có các biện pháp đối phó thích hợp để vô hiệu hoá hệ thống NMD của Mỹ.

   Sáng kiến “chiếu tướng” của cựu Tổng thống Nga V. Pu-tin
 
   Ngày 7-6-2007, tại Hội nghị G-8 ở Hai-lin-gen-đam (CHLB Đức), Tổng thống Nga V.Pu-tin đã đưa ra sáng kiến được đánh giá là nước đi bất ngờ và gây ấn tượng mạnh trên “ván cờ phòng thủ tên lửa”: ông đề nghị phía Mỹ cùng với Nga sử dụng trạm ra-đa 5H79 “Darial” bố trí ở ngoại ô thành phố Ga-ban của A-déc-bai-dan mà Nga đang thuê bao khai thác sử dụng, thay cho việc Mỹ sẽ bố trí các trạm ra-đa quan sát tên lửa trên lãnh thổ Ba Lan và Cộng hoà Séc để kiểm soát tên lửa của I-ran hoặc CHDCND Triều Tiên. Các chuyên gia phân tích chính trị - quân sự đánh giá đề xuất của Tổng thống Pu-tin là “nước cờ chiếu tướng”, dồn Tổng thống Mỹ Bu-sơ vào thế tiến thoái lưỡng nan. Theo các chuyên gia quân sự Nga, trạm ra-đa “Darial” có chức năng do thám và báo động sớm các cuộc phóng tên lửa đường đạn, giám sát không phận và khoảng không vũ trụ trong vòng bán kính tới 6.000 km. Trong Quân chủng tên lửa - vũ trụ của Nga, trạm ra-đa “Darial” được sử dụng kết hợp với các trạm ra-đa khác bố trí trên toàn lãnh thổ Nga theo một kế hoạch phòng thủ tên lửa thống nhất. Trạm ra-đa “Darial” có dàn ăng-ten hướng về phía Nam để quan sát và phát hiện các cuộc phóng tên lửa đường đạn ở các nước Trung Đông, trong đó có I-ran, khu vực Ấn Độ Dương và giám sát không gian vũ trụ trên hướng này nhằm kịp thời thông báo về các cuộc phóng tên lửa đường đạn cho Bộ chỉ huy phòng thủ hàng không - vũ trụ của Nga và cung cấp dữ liệu về mục tiêu cho trạm ra-đa điều khiển tên lửa phòng không bố trí ở ngoại ô thủ đô Mat-xcơ-va.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #48 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 10:50:19 am »

   Đề xuất của Tổng thống Pu-tin cùng với Mỹ sử dụng trạm ra-đa “Darial” nhằm đạt mục đích có ý nghĩa chiến lược trong chính sách đối ngoại của Nga là làm rõ ý đồ ẩn dấu đằng sau kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu. Nếu đồng ý cùng với Nga sử dụng trạm ra-đa “Darial”, Mỹ sẽ không cần xây dựng trạm ra-đa trên lãnh thổ Cộng hoà Séc. Như vậy, Nga sẽ tránh được khả năng Mỹ dùng trạm ra-đa bố trí ở Đông Âu để giám sát vùng không phận rộng lớn thuộc lãnh thổ phía tây nước Nga. Ngoài ra, khi đồng ý cùng với Nga sử dụng trạm ra-đa ở Ga-ban, Mỹ không thể dùng nó để điều khiển tên lửa đánh chặn nhằm vào các tên lửa đường đạn xuyên lục địa của Nga, vì trạm ra-đa này không có chức năng kiểm soát không phận Nga nhưng lại là phương tiện lý tưởng để giám sát không phận I-ran và có khả năng phát hiện bất kỳ tên lửa nào của Tê-hê-ran khi vừa mới rời bệ phóng. Như vậy, trạm ra-đa ở Ga-ban là “phép thử” giúp Nga xác định ý đồ đích thực của Mỹ trong việc xây dựng căn cứ tên lửa đánh chặn ở Đông Âu.

   Nếu Mỹ đồng ý cùng với Nga sử dụng trạm ra-đa quan sát không phận ở Ga-ban, có thể kết luận chắc chắn rằng, trên thực tế Mỹ có ý định bảo vệ các đồng minh ở châu Âu chống lại tên lửa đường đạn tầm xa của I-ran. Còn nếu Mỹ từ chối đề xuất của Nga và vẫn không từ bỏ ý định triển khai trạm ra-đa quan sát và báo động sớm ở châu Âu, thì rõ ràng họ không quan tâm đến việc phát hiện và báo động sớm các cuộc phóng tên lửa đường đạn từ phía I-ran mà nhằm mục tiêu hàng đầu là giám sát mọi động thái diễn ra trên phần lãnh thổ châu Âu của Nga, nơi có các dàn phóng tên lửa đường đạn xuyên lục địa và các sân bay cho máy bay ném bom chiến lược của Nga.

   Các chuyên gia quân sự cho rằng, đề xuất của Tổng thống Pu-tin đưa ra tại Hội nghị G-8 năm 2007 ở CHLB Đức có ý nghĩa rất quan trọng, buộc phía Mỹ phải đứng trước sự lựa chọn công khai có ý nghĩa chiến lược. Tiếp sau đề xuất rất bất ngờ đó, Tổng thống Pu-tin còn đi thêm một nước cờ nữa không kém ấn tượng. Ông đề nghị thay các dàn tên lửa đánh chặn mà Mỹ có ý định bố trí ở Ba Lan và Séc bằng các tên lửa đánh chặn cơ động bố trí ở Nam Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, I-rắc, Địa Trung Hải hoặc vùng Vịnh Péc-xich, nơi Mỹ hoàn toàn có khả năng và điều kiện để làm. Những dàn tên lửa cơ động đó có khả năng đánh chặn tên lửa đường đạn của I-ran với hiệu quả cao hơn nhiều so với các tên lửa đánh chặn bố trí ở Ba Lan và Séc.

   Phản ứng của phía Mỹ trước sáng kiến của cựu Tổng thống Pu-tin khiến dư luận thêm nghi vấn mục đích của Oa-sinh-tơn trong kế hoạch bố trí các căn cứ phòng thủ tên lửa ở Đông Âu. Ngoại trưởng Mỹ trong khi tuyên bố rằng đề xuất của cựu Tổng thống Pu-tin là “hoàn toàn bất ngờ” và “sẽ nghiên cứu sáng kiến này” nhưng vẫn tiếp tục chuẩn bị bố trí các dàn tên lửa đánh chặn ở Đông Âu. Còn Tổng thư ký NATO tuyên bố hoan nghênh sáng kiến của Tổng thống Pu-tin và cho rằng, hai bên nên tập trung vào chuyện đương đầu với các thách thức mới trong thế kỷ XXI mà không nên tái hồi “bóng đen của quá khứ”.

   Liệu Nga có cách gì đối phó với NMD của Mỹ?

   Trái với dự báo của các chuyên gia quân sự Mỹ và dư luận quốc tế, phản ứng chính thức và công khai của Nga là khá bình tĩnh trước hành động của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia NMD. Theo nhận định của tướng Y-u-ri Ba-lu-ep-xki, cựu Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, việc Mỹ triển khai NMD mang tính chính trị nhiều hơn là quân sự. Theo ông, trình độ khoa học và công nghệ hiện nay của Mỹ chưa có khả năng xây dựng hệ thống đánh chặn tên lửa có hiệu quả trong 10-15 năm tới. Đó là chưa tính đến khả năng Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa vào trang bị đầu đạn tên lửa “mẹ” xuyên lục địa mang theo nhiều đầu đạn “con” có thể tự dẫn tới mục tiêu cần tiến công.
 
   Hiện nay, công nghệ đó của người Nga đã tiến xa hơn so với những thập kỷ trước đây, khi công nghệ tên lửa mang nhiều đầu đạn tự dẫn độc lập tới mục tiêu, gọi tắt là MIRV (Multiple Independently Reentry Vehicle), mới được đưa vào áp dụng. Về đại thể, có thể chia quỹ đạo bay của tên lửa xuyên lục địa của Nga thành 4 giai đoạn. Với trình độ công nghệ hiện nay, các chuyên gia quân sự Mỹ quyết định hướng hệ thống NMD của họ vào tiêu diệt tên lửa của đối phương ở giai đoạn 1. Nhưng để đánh chặn tên lửa ở giai đoạn này, tốc độ của tên lửa đánh chặn của Mỹ phải lớn hơn nhiều so với tốc độ tên lửa của Nga, nếu phải bay qua một chặng đường khá xa từ lãnh thổ Mỹ sang Nga. Để rút ngắn đường bay, các chuyên gia quân sự Mỹ nghĩ ra cách dịch chuyển căn cứ tên lửa đánh chặn của họ sang các nước Đông Âu, sát với biên giới Nga.

   Trước khi rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa năm 1972 ký kết giữa Nga và Mỹ, trong đó có điều khoản quy định mỗi bên chỉ được xây dựng một căn cứ phòng thủ tên lửa, với số tên lửa đánh chặn không quá 100, Mỹ đã bắt đầu thực hiện các biện pháp cụ thể để bố trí các trạm ra-đa sát biên giới Nga nhằm phát hiện các cuộc phóng tên lửa và chỉ mục tiêu cho các tên lửa đánh chặn. Trạm ra-đa đầu tiên “Hav Stayer” được bố trí trên lãnh thổ Na-uy. Sau khi Mỹ bố trí các trạm ra-đa ở Ba Lan và Séc, toàn bộ lãnh thổ Nga đến tận dãy U-ran đều nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ.

   Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, mặc dù hệ thống NMD của Mỹ có đánh chặn được tên lửa ở giai đoạn 1, thì các đầu đạn vẫn tiếp tục bay theo quán tính với tốc độ 3,9km/s, đi xa 2.000km-5.000km và rơi xuống lãnh thổ các nước châu Âu, gây nên thảm hoạ sát thương hàng loạt. Vì thế, trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân, nơi đầu tiên hứng chịu đầu đạn hạt nhân sẽ là các nước châu Âu – nơi bố trí các căn cứ tên lửa đánh chặn của Mỹ. Như vậy, hệ thống NMD của Mỹ bố trí ở các nước Đông Âu đã đưa toàn bộ các nước này thành “con tin thí mạng” cho chính sách phiêu lưu của họ.

   Một trong những biện pháp căn bản của Mát-xcơ-va nhằm đối phó kế hoạch của Oa-sinh-tơn đánh chặn tên lửa của Nga trong giai đoạn 1 là rút ngắn thời gian bay của tên lửa ở giai đoạn này bằng cách lắp cho chúng kiểu động cơ phóng cực mạnh, tạo ra tốc độ siêu nhanh cho tên lửa sau khi rời bệ phóng và giảm thời gian bay trong giai đoạn 1 xuống còn khoảng 1 phút. Trong khoảng thời gian đó, hệ thống NMD của Mỹ rất khó có thể đánh chặn tên lửa của Nga ngay cả khi bố trí ở Ba Lan. Ngoài ra, Nga đã đưa vào trang bị tên lửa đường đạn chiến lược mới nhất “Topol-M” có khả năng cơ động ngay sau khi rời bệ phóng. Công nghệ tên lửa đường đạn vượt đại châu có khả năng cơ động là một thành tựu “độc nhất vô nhị” của người Nga. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, chưa có một quốc gia nào, kể cả Mỹ, làm chủ được công nghệ cơ động đầu đạn tên lửa xuyên lục địa. Với tên lửa này, Mỹ chưa có cách nào đánh chặn.
 
   Vì thế, theo các chuyên gia quân sự Nga, hành động của Mỹ rút khỏi Hiệp ước phòng chống tên lửa là một sai lầm về chiến lược. Nhưng Nga vẫn chú ý theo dõi các công trình nghiên cứu của Mỹ trong lĩnh vực này và chuẩn bị các phương án đối phó có hiệu quả mà ít tốn kém hơn so với Mỹ. Ngoài ra, nếu Mỹ xây dựng hệ thống NMD chỉ là nhằm “đối phó với tên lửa đường đạn của I-ran và của CNDCND Triều Tiên” như họ tuyên bố, thì Nga sẵn sàng phối hợp với Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu và đồng ý cho phía Mỹ bố trí các căn cứ đó ngay trên lãnh thổ Nga. Tuyên bố này của Mat-xcơ-va được giới phân tích quân sự và chính trị đánh giá là đưa Oa-sinh-tơn vào thế tiến thoái lưỡng nan.

   Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép: Mỹ nên dừng triển khai NMD ở Đông Âu

   Giới phân tích quân sự quốc tế bình luận rằng, nỗ lực của Mỹ giành ưu thế quân sự đối với Nga là ảo vọng và chỉ đưa thế giới lao vào vòng xoáy cuộc chạy đua vũ trang mới nguy hiểm và tốn kém, trong khi cả Nga và Mỹ đang rất cần phối hợp hành động để đối phó với các nguy cơ có tính toàn cầu. Tổng thống Nga Mét-vê-đép đã đề nghị Mỹ nên dừng triển khai NMD ở Đông Âu. Còn cựu Ngoại trưởng Mỹ Kit-xinh-gơ đã từng nhận xét, ngày nay nước Mỹ rất cần đến một nước Nga mạnh để cùng đương đầu với những nguy cơ mới có tầm toàn cầu. Ngày 20-6-2008, phản ứng trước kế hoạch NMD của Mỹ, Ngoại trưởng Nga La-vơ-rốp yêu cầu Mỹ dừng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu và ngừng mở rộng NATO sang phía đông, để hai bên có thể hàn gắn mối quan hệ đang rạn vỡ. Theo ông La-vơ-rốp, mức độ tin cậy giữa Nga và Mỹ hiện ở mức thấp hơn cả thời “chiến tranh lạnh”. Nếu phớt lờ đề nghị của Nga, Mỹ và các đồng minh sẽ phải chứng kiến sự băng giá hơn nữa trong quan hệ vốn đã rất lạnh giữa hai bên. Sau khi được tin Cộng hoà Séc và Mỹ ký thoả thuận về việc triển khai thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa, phía Nga tuyên bố hành động phản đối của họ giờ đây sẽ không chỉ dừng lại ở biện pháp ngoại giao mà sẽ có cả các biện pháp quân sự. Nhưng sẽ là biện pháp quân sự “phi đối xứng”, nghĩa là Nga sẽ không dính líu vào cuộc chạy đua vũ trang tốn kém với Mỹ, nhưng vẫn có khả năng vô hiệu hoá hệ thống phòng thủ tên lửa đầy tham vọng của Oa-sinh-tơn./.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #49 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 10:52:45 am »

VỀ CÁI GỌI LÀ “CAN THIỆP NHÂN ĐẠO”

   Theo quan niệm đã được cộng đồng quốc tế công nhận, can thiệp được hiểu là việc một hoặc một số quốc gia dùng áp lực tác động trực tiếp hoặc gián tiếp vào công việc nội bộ của các nước khác, vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Hành động can thiệp diễn ra dưới nhiều hình thức như kinh tế, quân sự, chính trị, ngoại giao... công khai, hoặc bí mật. Hình thức can thiệp nghiêm trọng nhất là can thiệp vũ trang, được thực hiện bằng tiến công quân sự hoặc tiến hành chiến tranh; bí mật nuôi dưỡng, huấn luyện, cung cấp vũ khí v.v.. cho các lực lượng đối lập. Quy mô và cường độ của can thiệp vũ trang tuỳ thuộc vào mục đích chính trị của bên tiến hành can thiệp.

   Tại Khóa họp lần thứ 20 (1965) của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên bố về việc cấm một quốc gia hoặc một nhóm các quốc gia can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác với bất cứ lý do gì.

   Tháng 3-1999, lấy cớ “can thiệp nhân đạo” nhằm bảo vệ “người An-ba-ni bị người Xéc-bi thanh lọc sắc tộc ở Cô-xô-vô”, Mỹ và NATO mở cuộc chiến tranh quy mô lớn vào Nam Tư, một quốc gia có chủ quyền. Những chuyên gia phát minh ra cái gọi là “Học thuyết can thiệp nhân đạo” cho rằng, “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, nên việc vi phạm chủ quyền quốc gia của ai đó với mục đích “nhân đạo”, “ngăn chặn thảm hoạ diệt chủng” là có thể biện minh được. Từ đó, nhiều người cho rằng, “Học thuyết can thiệp nhân đạo” là “phát minh” của các chuyên gia xây dựng học thuyết chiến tranh ở Mỹ và được họ áp dụng lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh Cô-xô-vô hồi tháng 3, tháng 4-1999. Năm đó, Mỹ và các nước NATO đã phát động một cuộc chiến tranh hiện đại nhất kể từ sau chiến tranh Vùng Vịnh ở I-rắc năm 1991. Sau cuộc chiến tranh này, “Học thuyết can thiệp nhân đạo” được đưa vào nội dung Chiến lược mới của NATO được thông qua tại dịp kỷ niệm 50 thành lập tổ chức này ở Oa-sinh-tơn (Mỹ).

   Trên thực tế, “Học thuyết can thiệp nhân đạo” đã từng được Mỹ thử nghiệm rất lâu trước năm 1999. Trong số nhiều cuộc chiến tranh và hành động quân sự mà Mỹ thực hiện trên thế giới sau khi ra đời Hiến chương Liên hợp quốc, có thể kế đến những hoạt động quân sự của họ ở Grê-na-đa, Pa-na-ma, sau này, ở Nam Tư và I-rắc.

   Ở Grê-na-đa, năm 1983, Tổng thống Mỹ hồi đó ra lệnh tiến hành chiến dịch quân sự tiến công phủ đầu, chống lại nhà nước Grê-na-đa ở vùng biển Ca-ri-bê, với danh nghĩa sử dụng sức mạnh quân sự đã được Tổ chức các quốc gia phía đông biển Ca-ri-bê thông qua. Nguyên cớ để mở đầu chiến dịch quân sự là do các sinh viên Mỹ bị bắt làm con tin. Về sau, mới biết rõ sự thật là nhà cầm quyền Grê-na-đa chỉ đơn giản là tổ chức lực lượng để bảo vệ các sinh viên Mỹ trước các hành động của một số phần tử quá khích trong các cuộc đụng độ vũ trang sau cuộc đảo chính bất thành của một thủ lĩnh địa phương.

   Tổng thống Mỹ tuyên bố rằng, Cu-ba và Liên Xô chuẩn bị đánh chiếm đảo Grê-na-đa và ở đó tàng trữ một khối lượng vũ khí lớn có thể rơi vào tay các lực lượng khủng bố quốc tế. Nhưng về sau mới được rõ, các kho vũ khí ở Grê-na-đa chỉ là các loại vũ khí cũ nát của Liên Xô, không hề có một khẩu súng mới nào. Phía Mỹ còn đưa ra tuyên bố rằng, trên đảo Grê-na-đa có 1.200 chiến binh người Cu-ba, nhưng trên thực tế chỉ có không quá 200 người Cu-ba, trong đó có tới 1/3 là các nhân viên dân sự. Trong cuộc “can thiệp nhân đạo” của Mỹ đánh chiếm đảo Grê-na-đa, con số thống kê cho thấy, tuyệt đại đa số người thiệt mạng là dân lành.

   Ở Pa-na-ma, năm 1989, Tổng thống Mỹ quyết định phát động chiến tranh và lật đổ chính phủ Pa-na-ma, với cớ là nhà nước Pa-na-ma, Chính phủ Pa-na-ma và tướng Ma-nu-en An-tô-ni-ô No-ri-e-ghi liên quan đến buôn lậu ma túy vào Mỹ. Ngoài ra, phía Mỹ cho rằng, thành phố Pa-na-ma là một trung tâm quốc tế của các hoạt động rửa tiền trong những năm 80 của thế kỷ trước. Hành động quân sự của Mỹ ở Pa-na-ma đã dẫn đến hậu quả là nhiều khu phố ở Pa-na-ma được xây dựng bằng gỗ từ những năm đầu thế kỷ XX bị đốt cháy hoàn toàn. Pa-na-ma bị thiệt hại khoảng 2 tỉ USD. Tại đây, lần đầu tiên, một đội quân gồm các nhà báo và phóng viên ảnh được điều tới đây trước khi xảy ra chiến sự. Chủ yếu nhóm phóng viên này có mặt tại các căn cứ quân sự của Mỹ. Những người khác, không được bộ chỉ huy quân sự Mỹ cấp phép tiếp cận khu vực chiến sự. Phía Mỹ tổ chức các cuộc họp báo và các cuộc phỏng vấn với các chính khách, doanh nhân và các nhân vật có ảnh hưởng tại địa phương. Tất cả những phóng viên không liên quan đến chiến dịch thông tin này của các báo và các hãng truyền hình nước ngoài đều bị khống chế trên toàn bộ lãnh thổ Pa-na-ma. Đài phát thanh và truyền hình ngay lập tức bị đánh chiếm để phục vụ cho chiến dịch tuyên truyền của Mỹ. Kịch bản “chiến tranh thông tin” này sau đó được lặp lại ở Nam Tư năm 1999 và I-rắc năm 2003 với công nghệ hiện đại hơn.

   Ở Cô-xô-vô, năm 1999, chiến dịch không quân của NATO tiến công Nam Tư được tiến hành dưới danh nghĩa ngăn chặn cái gọi là “thảm họa nhân đạo”. Trong chiến dịch này, phía NATO chỉ nói đến tình trạng của người An-ba-ni mà không để ý đến tình trạng khốn đốn không kém của người Xéc-bi. Chính tại Hội nghị thượng đỉnh của NATO tổ chức ở Mỹ tháng 5-1999 đã thông qua “Chiến lược quân sự mới” của NATO, trong đó đưa ra luận điểm mới về quyền của Liên minh này thực hiện các chiến dịch “can thiệp nhân đạo” trên toàn thế giới, mà không cần được phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

   Trong “Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ” năm 2002 có ghi rõ quyền tiến công phủ đầu nhằm chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Đến năm 2005, chiến lược này được bổ sung thêm nội dung cho rằng, chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa khủng bố chỉ có thể đạt được trong điều kiện phải lật đổ chế độ cầm quyền ở nhiều nước “có liên quan tới khủng bố” như I-ran, Xy-ri, Kiêc-ghi-di-a, U-dơ-bê-ki-xtan và Bê-la-ru-xi-a v.v. Lập luận được đưa ra là: để “viện trợ nhân đạo” có hiệu quả, phải vi phạm chủ quyền quốc gia các nước(!?).

   Hành động quân sự lớn nhất đã diễn ra mà không được phép của Liên hợp quốc là cuộc chiến ở I-rắc do liên quân Mỹ - Anh phát động, chống lại chế độ cầm quyền của Tổng thống I-rắc Sat-đam Hút-xen, vào tháng 3-4 năm 2003, với lý do “nhà cầm quyền ở I-rắc có liên quan tới mạng lưới khủng bố An-ke-đa (Al-Qaeda) và tàng trữ vũ khí hoá học”. Sau cuộc chiến tranh này, phía Mỹ đã không tìm ra được bất kỳ bằng chứng nào để xác nhận lý do phát động cuộc chiến.

   Đến cuộc chiến tại Nam Ô-xê-ti-a vừa qua. Sự thật hiển nhiên là xung đột được mở đầu bằng đòn tiến công ồ ạt của quân đội Gru-di-a nhằm vào dân thường tại thủ phủ Tơ-hin-van và lực lượng gìn giữ hoà bình của Nga tại đây. Ai cũng biết rằng, theo quy định của Liên hợp quốc, lực lượng gìn giữ hoà bình không được phép trang bị vũ khí tiến công, chỉ được mang theo vũ khí nhẹ để phòng thân. Vì thế, trong những giờ phút đầu tiên, dân thường Nga và lực lượng gìn giữ hoà bình của Nga ở thủ phủ Tơ-hin-van phải phơi mình trước giàn pháo phản lực bắn cấp tập và hoả lực từ pháo xe tăng của quân đội Gru-di-a, nên chịu tổn thất rất lớn về sinh mạng. Hành động đó của phía Gru-di-a được Tổng thống Đ.Mét-vê-đép và Thủ tướng Nga V.Pu-tin gọi một cách chính xác là “diệt chủng”.

   Điều đáng nói là, trong khi nhiều phương tiện thông tin đại chúng ở Mỹ và phương Tây, cũng như một số chính khách ở Oa-sinh-tơn, cáo buộc Nga có hành động “xâm lược” Gru-di-a, thì lại có nhiều chính khách và hãng thông tấn trên thế giới khẳng định Gru-di-a đã khơi mào cuộc chiến này. Cựu Thủ tướng Đức Gec-hat Sroi-đơ (Gerhard Shreder), trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí Đức “Spiegel”, tuyên bố, cuộc chiến ở Cáp-ca vừa qua là do hành động của phía Gru-di-a xâm lược Nam Ô-xê-ti-a. Ông gọi Sa-a-ca-svi-li là “kẻ phiêu lưu” và phản đối việc kết nạp Gru-di-a vào NATO.

   Lẽ ra, nếu hành động theo đúng nghĩa “can thiệp nhân đạo”, phía Mỹ phải ngăn chặn ngay hành động có tính diệt chủng của phía Gru-di-a nhằm vào lực lượng gìn giữ hoà bình của Nga tại đây. Nhưng, trước sự ngạc nhiên của nhiều người, Mỹ lại là phía ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với hành động của Tổng thống Gru-di-a Sa-a-ca-svi-li. Ngay cả sau khi các bên đã ký kết Thoả thuận dàn xếp hoà bình, phía Mỹ vẫn là bên “nhiệt tình nhất” yêu cầu Nga nhanh chóng rút quân khỏi Nam Ô-xê-ti-a, nếu không sẽ bị khai trừ khỏi Nhóm G8. Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ còn răn đe rằng, thoả thuận vừa được ký kết giữa Mỹ và Ba Lan về việc Vác-sa-va cho phép Oa-sinh-tơn bố trí trận địa tên lửa đánh chặn trên lãnh thổ của họ là “do hành động xâm lược của Nga ở Gru-di-a”.

   Điểm sơ lại quá khứ, cộng thêm đôi nét về sự kiện Nam Ô-xê-ti-a, để những người chân chính, yêu chuộng hòa bình và công lý thấy rõ thêm thực chất của cái gọi là học thuyết “can thiệp nhân đạo” và “tiêu chuẩn nước đôi” mà Mỹ thường áp dụng. Theo tiêu chuẩn này, cùng một hành động có bản chất như nhau, nhưng ở chỗ này, với người này thì được gọi là “A”, nhưng với người khác, ở chỗ khác thì lại quy kết ngược lại - “không A”. Có lẽ, chính vì sự nhập nhằng như thế, nên đến nay, thế giới vẫn chưa đưa ra được khái niệm thống nhất về “khủng bố” và “chống khủng bố”. Đồng thời, “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” do Tổng thống G.Bu-sơ phát động từ năm 2001 sau sự kiện 11-9-2001, vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn, thậm chí, khủng bố lại có xu hướng lan rộng hơn, còn Mỹ và liên quân vẫn tiếp tục sa lầy trong các “cối xay thịt” ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan./.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM