Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 06:59:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận Ia Drang và Playme, Sa Thầy  (Đọc 124713 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #30 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 04:58:09 pm »

CHIẾN DỊCH SA THÀY 2
(Tiến công, từ ngày 14 tháng 2 đến ngày 30 tháng 4 năm 1967)

Sau hai mùa khô 1965 -1966 và 1966 - 1967, quân Mỹ - ngụy đã bị quân ta đánh cho những đòn đau. Chúng đã rất choáng váng nhưng vẫn cố gắng gượng để vớt vát một phần nhỏ trong mục tiêu tham vọng của chúng. Về phía ta, dể đánh bại hoàn toàn gọng kìm "tìm diệt" trong cuộc phản chiến lược lần thứ 2 của địch, sau 2 tháng chuẩn bị, ngày 3 tháng 2, Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên họp và quyết định sử dụng toàn bộ lực lượng của mặt trận mở chiến dịch tiến công quân địch ở Tây Nguyên trong thời gian một tháng rưỡi hoặc hơn, nhằm phối hợp tác chiến với các chiến trường, tiêu diệt sinh lực địch, với chỉ tiêu cụ thể là diệt từ 8 đến 10 đại đội Mỹ, từ 5 đến 7 đại đội ngụy; nếu địch vào sâu quân ta ở thế rất thuận lợi thì cố gắng diệt gọn từ 1 đến 2 tiểu đoàn Mỹ, buộc chúng phải điều lực lượng lên Tây Nguyên, ta sẽ nhử địch vào sâu để tiêu diệt, góp phần phá tan âm mưu "bình định" của địch ở đồng bằng, phát triển chiến trường du kích và phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân, rèn luyện bộ đội.
Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Nguyễn Chánh trực tiếp làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy. Bộ tư lệnh chiến dịch đã đề ra phương châm: tích cực, chủ động, linh hoạt, các lực lượng, luân phiên đánh liên tục (cố gắng tiêu diệt gọn từ 1 đến 2 đại đội trong đánh vận động, đánh địch trong công sự phải bảo đảm chắc thắng), phối hợp chặt chẽ giữa các hướng, bố trí đội hình thưa, có kế hoạch nghi binh chiến dịch, đẩy mạnh đánh nhỏ lẻ trên các tuyến giao thông.

Với phương châm trên, kế hoạch tác chiến xác định như sau: sử dụng toàn bộ sư đoàn bộ binh 1 (Chú thích: Sư đoàn bộ binh 1 do đồng chí Nguyễn Hữu An. Sư đoàn trưởng, đồng chí Huỳnh Đắc Hương. Chính ủy.) (có 3 trung đoàn bộ binh 66, 320 và 88) và trung đoàn pháo binh 40 (gồm 2 tiểu đoàn cối, 1 tiểu đoàn súng máy phòng không) tiến công địch trên hướng chủ yếu ở khu vực đông và tây sông Sa Thày. Khi chiến dịch phát triển sẽ mở thêm hướng tiến công vào khu vực Sùng Thiện, bắc Chư Păk (ở đông sông Pô Kô), có nhiệm vụ tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch ở khu quyết chiến điểm, dùng quy mô vừa, từng tiểu đoàn đánh tiêu diệt từng đại dội địch, khi có điều kiện thuận lợi thì tập trung trung đoàn đánh tiêu diệt tiểu đoàn địch; với cách đánh bao vây uy hiếp quân địch đã có ở đông sông Sa Thày, kéo địch ra để tiêu diệt, từng bước dụ địch sang khu vực tây sông Sa Thày để tiêu diệt lớn quân địch. .

Hướng phối hợp, ở cánh nam sử dụng tiểu đoàn bộ binh 101 và tiểu đoàn 2 (thiếu) thuộc trung đoàn 95 tiến công địch ở khu vực đường 19 (bắc Plây Me); tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 95 bao vây ở Plây Mơrông. Ở cánh bắc, sử dụng tiêu đoàn bộ binh 6 cùng lực lượng vũ trang địa phương tiến công dịch ở khu vực Pa Kha, Tai Xeng. 

Hướng nghi binh, ở Kon Tum, do trung đoàn bộ binh 24 cùng lực lượng vũ trang địa phương đảm nhiệm; ở Buôn Ma Thuột do trung đoàn bộ binh 33 và lực lượng vũ trang địa phương đảm nhiệm. Sở chỉ huy chiến dịch ở tây nam điểm cao 637 ki-lô-mét (bắc huyện An Dong Pếch, Campuchia).

Địa bàn tác chiến chủ yếu của chiến dịch rộng khoảng 500km2 thuộc huyện Sa Thày (Kon Tum) và bắc huyện Chư Păk. Từ đông Sa Thày kéo dài về phía đông sông Pô Kô, rừng rậm, núi cao liên tiếp thành dãy. Từ sông Sa Thày kéo dài về biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia và phía bắc huyện Chư Păk có một số núi thấp, có nhiều bãi trống.

Đến đầu năm 1967, mặt trận ở Tây Nguyên đã thành lập được binh trạm nam và binh trạm bắc, căn cứ hậu cần khu vực bảo đảm chỗ đứng chân, xây dựng và tác chiến các đơn vị chủ lực.

Chiến dịch được bắt đầu từ ngày 14 tháng 2. Trước ngày ta nổ súng, từ ngày 5 tháng 2, địch đã tăng cường trinh sát đường không. Ngày 10, biệt kích Mỹ xuất hiện ở khu D và C (Chú thích: Các khu A. B C. D. C16. D10... là địa danh tác chiến do ta quy định vì khu vực này đồi núi ít địa danh. Hai khu C và D ở đông sông Sa Thày cách cứ điểm Pki Jirăng khoảng 12km về phía tây. Khu B ở tây sông Sa Thày (cách cứ điểm Pki Jirăng khoảng 8km về phía tây tây bắc. Khu A ở đông cứ điểm Pki Jirăng.) ngày 14, địch tiến sang tây sông Sa Thày bằng 2 mũi: hai đại đội của tiểu đoàn 1 lữ đoàn 2 Mỹ xuyên rừng chiếm cao điểm 346 và 1 tiểu đoàn Mỹ cùng 1 đại đội pháo đổ bộ xuống cao điểm 300.

Như vậy ta chưa khêu ngòi địch đã ra. Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định cho các đơn vị nổ súng đánh địch. Khoảng 18 giờ ngày 14, tiểu đoàn 8 của trung đoàn 66 tập kích đánh tiêu hao nặng 2 đại đội quân Mỹ, bắn rơi 4 máy bay lên thẳng ở cao điểm 346 (khu D) mở màn chiến dịch giòn giã. Tiếp đó ngày 15, lúc 6 giờ 30 phút, trung đoàn 320 tổ chức pháo kích vào cao điểm 300 (khu C), diệt một số địch, phá hủy 1 máy bay lên thẳng. Đến 10 giờ, địch đổ thêm một đại đội xuống điểm cao 346. Khoảng 12 giờ, tiểu đoàn 7 trung đoàn 66 phục kích diệt đại đội C (Charlie) thuộc tiểu đoàn 2 trung đoàn 8 lữ đoàn 2 Mỹ, bắn rơi 2 máy bay Mít Dép; tiểu đoàn 4 trung đoàn 320 vận động tiến công 2 đại đội (A và C) của tiểu đoàn 1, lữ đoàn 2 Mỹ, diệt 1 đại đội và 1 trung đội ở bắc điểm cao 300. Đêm, tiểu đoàn 3 trung đoàn 40 pháo kích sở chỉ huy lữ đoàn 2 Mỹ tại Sùng Thiện, diệt 30 tên, phá hủy 1 máy bay.

Vấn đề đặt ra cho Bộ tư lệnh chiến dịch là đánh như thế nào để địch phải tăng quân và giam chân chúng lại. Chủ trương của Bộ tư lệnh rút tiểu đoàn 7 về củng cố, để tiểu đoàn 6 lại khu B hoạt động, đưa một bộ phận thuộc trung đoàn 88 vây ép điểm cao 346, tiểu đoàn 4 trung đoàn 320 vây ép điểm cao 300, triển khai lực lượng bắn máy bay; đôn đốc các hướng hoạt động, tập trung trung đoàn 66 xong sẽ đánh địch thêm bước nữa.

Từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 2, địch co vào phòng ngự và dùng phi pháo oanh tạc. Ngày 21 tháng 2, tiểu đoàn 6 vận động tiến công diệt 1 đại đội Mỹ tại đông bắc công trường Đất Đỏ điểm cao 621. Ngày 25 tháng 2, đại đội A tiểu đoàn 1 trung đoàn 12 lữ đoàn 2 Mỹ tiến ra phía tây điểm cao 346 bị đại đội 1 của tiểu đoàn 1 trung đoàn 88 vận động tiến công tiêu hao đại đội này, bắn rơi 1 máy bay lên thẳng. Bị vây ép mạnh, địch đổ khoảng 1 tiểu đoàn xuống bắc điểm cao 300 kết hợp với lực lượng từ công trường Đất Đỏ vượt sang sông với ý định mở thêm hướng tiến công mới nhằm giảm áp lực của quân ta ở cao điểm 300 và cao điểm 346 (ngày 3 tháng 3, ta mới phát hiện lực lượng này) và có tin lữ đoàn 1 sư đoàn 4 lên Plây Ku và bọn ngụy sử dụng 2 tiểu đoàn biệt động quân và một chi đoàn thiết giáp mở cuộc hành quân 131 ở khu vực đường 19 từ 25 tháng 2 để phối hợp với quân Mỹ. .. Ngày 3 tháng 3, 1 đại đội của tiểu đoàn 4, trung đoàn 320 đánh tao ngộ với một bộ phận địch ở bắc cao điểm 300 diệt 1 trung đội. Chiều tối ngày 3, 2 đại đội của địch (một từ bắc xuống một từ phía nam lên) cụm lại tại khu vực điểm cao 289. Ngày 4, tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 320 tiến công tiêu hao 2 đại đội này. Cho đến ngày 8 tháng 3, bộ đội ta vẫn tích cực vây ép địch ở điểm cao 300 và 346. Các phân đội súng cối đã 5 lần pháo kích vào 2 vị trí này, diệt một số tên địch, các phân đội 12,7mm đã đánh 4 trận bắn rơi 5 máy bay. Lực lượng phòng không của trung đoàn 40 (bố trí phía bắc cao điểm 300) đã đánh 8 trận, bắn rơi 13 máy bay địch. Công binh và du kích đánh mìn trên đường vận chuyển của địch diệt 16 xe các loại. Bị đánh liên tục, 14 giờ ngày 8, địch rút khỏi điểm cao 346. Trên hướng phối hợp, tiểu đoàn 1 trung đoàn 95 đánh 8 trận diệt 119 tên, bắn rơi 5 máy bay lên thẳng, phá hủy 1 pháo 105mm và 5 xe quân sự ở Plây Jirăng. Tiểu đoàn 2 trung đoàn 95 phục kích ở Quỳnh Xom, đường 19, Tân Lạc, diệt nhiều địch và phá hủy nhiều xe quân sự của chúng. Các trận đánh của trung đoàn 95 buộc địch phải kết thúc cuộc hành quân 131. Ở Đắc Lắc, ngày 21 tháng 2, trung đoàn 33 tổ chức phá ấp chiến lược Buôn Lung, diệt 2 trung đội ngụy. Ngày 22 tháng 2, trung đoàn 33 chặn đánh diệt gần hết 1 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 45 ngụy. Ở Kon Tum, tiểu đoàn 6 truy quét biệt kích địch, diệt 42 tên (có 3 tên Mỹ).
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #31 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 04:58:27 pm »

Bộ tư lệnh chiến dịch chỉ thị cho các đơn vị kết thúc đợt 1 củng cố, rút kinh nghiệm và chuẩn bị mọi mặt cho đợt 2. Bộ tư lệnh cũng có bước điều chỉnh lực lượng. Tiểu đoàn 7 của trung đoàn 66 sang đông sông Sa Thày, tiểu đoàn 31 sang đông sông Pô Kô, tiểu đoàn 101 về khu vực tây Chư Ba (tiểu đoàn 5 và 1 đại đội thuộc trung đoàn 320 ở đông sông Sa Thày từ trước). .

Sau khi rút khỏi cao điểm 346, địch tập trung củng cố cao điểm 300, tăng cường hoạt động phi pháo, rải bom bằng máy bay B52 và thả chất độc hóa học nhằm tiêu hao lực lượng của ta. Chúng điều tiểu đoàn 2 thuộc lữ đoàn 3, sư đoàn 2 Mỹ tăng viện cho khu B và đổ bộ xuống cao điểm 621 (địa danh tác chiến là Đất Đỏ), điều lữ đoàn 1 thuộc sư đoàn 4 Mỹ về đông sông Pô Kô làm dự bị, đổ quân xuống bắc điểm cao 300 khoảng 10km.

Đợt 2 chiến dịch bắt đầu từ ngày 11 tháng 3. Trong ngày đầu của đợt 2, tiểu đoàn 7 phục kích diệt gọn một đại đội Mỹ tại Mít Dép, tiếp đó đánh tiêu hao nặng 1 đại đội và đánh tiêu hao nặng 2 đại đội khác của tiểu đoàn 2, trung đoàn 35, lữ đoàn 3 đến cứu viện.

Đêm 13 tháng 3, sư đoàn 1 tổ chức pháo kích ở Sùng Thiện 3 đợt, tiêu diệt 2 tiểu đoàn pháo, tiêu hao nặng 1 đại đội bộ binh cùng lữ đoàn bộ của lữ đoàn 2 sư đoàn 4 Mỹ và 2 đại đội biệt kích ngụy, diệt 350 tên Mỹ, 70 tên ngụy, phá hủy 8 khẩu pháo, 7 máy bay lên thẳng, 30 xe quân sự. Cùng đêm, sư đoàn 1 còn tổ chức pháo kích địch ở điểm cao 621 và điểm cao 300, diệt 1 đại đội pháo và một số địch. Lính ngụy tại đồn Đức Cơ, Plây Me, Kon Brai hoảng sợ đào rã ngũ hàng loạt. Chiến dịch đã có thế trận mới, Bộ tư lệnh chiến dịch điều trung đoàn 66 mở thêm 1 hướng tiến công khu vực Chư Ba. 9 giờ 30 phút ngày 15 tháng 3, lữ đoàn 1 thuộc sư đoàn 4 Mỹ cho 1 lực lượng đổ bộ xuống Chư Ba 2 bị mìn của công binh gài và cối của tiểu đoàn 31 chặn đánh, diệt 1 trung đội. Ngày 23 tháng 3, tiểu đoàn Mỹ ở Chư Ba 1 tiến về phía tây bị tiểu đoàn 101 phục kích, diệt gọn 1 đại đội và tiêu hao 1 đại đội khác

Trên khu vực đông và tây sông Sa Thày, do bị tiểu đoàn 2 của trung đoàn 88 vây ép, ngày 14 tháng 3, địch ở điểm cao 300 buộc phải đưa 2 đại đội Mỹ nống ra tây nam ở diểnl cao 300. Chớp thời cơ, tiểu đoàn 2 vận động tiến công điệp 1 đại đội và tiêu hao 1 đại đội khác. Ngày 15 tháng 3, lực lượng phòng không sư đoàn 1 bắn rơi 2 máy bay. Trước sức vây ép của ta, chiều ngày 15, địch rút khỏi tây sông Sa Thày.

Ngày 18 tháng 3, sau khi địch rút khỏi khu C, Bộ tư lệnh chiến dịch liền điều trung đoàn 320 sang vây ép địch ở điểm cao 621. Ngày 21 tháng 3, tiểu đoàn 5 thuộc trung đoàn 320 vận động tiến công địch ở bắc điểm cao 621 diệt 1 đại đội và tiêu hao 1 đại đội khác thuộc tiểu đoàn 2 trung đoàn 35 Mỹ. Ngày 26 tháng 3, địch rút quân khỏi Chư Pa; ngày 1 tháng 4, địch rút quân ở Sùng Thiện. Ta đã buộc địch rút lui, nhưng không tận dụng thời cơ để đánh quân địch rút chạy.

Trên hướng phối hợp, bộ đội và du kích ở 2 huyện Chư Păk, Chư Prông (Gia Lai) đánh mìn trên đường số 5 và 19, diệt 30 xe quân sự. Ngày 21 tháng 3, tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 95 phục kích diệt 1 đại đội địch ở đông bắc Plây Me, sau đó đánh quân địch cứu viện, tiêu hao 1 đại đội biệt kích; đồng thời trung đoàn 95 tổ chức pháo kích vào Plây Mo Rông và Đức Cơ. Ở Pa Kha, từ ngày 27 đến 28 tháng 3, tiểu đoàn 6 diệt 1 đại đội biệt kích địch, bắn rơi 2 máy bay. Ở Kon Tum, trung đoàn 24 diệt 148 tên ngụy. Ở Đắc Lắc, trung đoàn 33 tổ chức pháo kích địch ở Buôn Đôn, Buôn Hồ.

Sau khi rút khỏi Sùng Thiện, địch bố trí lữ đoàn 1 thuộc sư đoàn 4 Mỹ ở khu vực Sùng Lễ - Lệ Thanh, lữ đoàn 2 thuộc sư đoàn 4 Mỹ về Plây Ku. Từ ngày 2 tháng 4, tiểu đoàn 11 biệt động quân ngụy mở cuộc hành quân vào Tân Lạc, Thanh Giáo, Lê Ngọc (nam đường 19) nhằm gom dân; tiểu đoàn 22 biệt động quân ngụy mở cuộc hành quân nhằm đánh bật lực lượng của ta, ổn định đường 15. Bộ tư lệnh quyết định kết thúc đợt 2 chiến dịch và ra lệnh cho các đơn vị củng cố chuẩn bị đánh địch ở khu vực Chư Ba - Đức Cơ.

Bước vào đợt 3, tối 29 tháng 3, tiểu đoàn 1 của trung đoàn 88 vào khu vực nam đường 19 và vây ép địch ở Thăng Đức. Ngày 20 tháng 4, tiểu đoàn 22 biệt động quân ngụy và 1 chi đoàn bọc thép rút về Đức Cơ, bị tiểu đoàn 3 trung đoàn 88 chặn đánh, diệt 1 trung đội, phá hủy 3 xe bọc thép, bắn rơi 1 máy bay. Ngày 21 tháng 4, địch rút khỏi Thăng Đức. Ngày 29 tháng 4, 1 đại đội bộ binh và 1 đại dội pháo Mỹ đổ bộ xuống đông nam Đức Vinh 2km, tối 30 tháng 4, tiểu đoàn 3 pháo kích cụm quân địch này, diệt 40 tên.

Trên hướng Chư Ba, đêm 6 tháng 4, trung đoàn 66 tổ chức pháo kích địch tại Chư Ba. Ngày 20 tháng 4, đại đội của tiểu đoàn pháo 200 pháo kích địch ở Sùng Lễ.
Trên hướng Gia Lai, tại huyện Chư Prông, 1 tiểu đoàn Mỹ càn quét khu vực bắc Plây Me bị đại đội 3 thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 95 phục kích, tiêu hao nặng 2 đại đội. Ngày 30 tháng 4, trung đoàn 95 chống càn ở Plây Ya Pran, diệt 80 tên Mỹ. Tại huyện 4, đêm 8 tháng 4, bộ đội địa phương pháo kích địch ở Blang Yan, diệt 50 tên Mỹ.

Trên hướng Buôn Ma Thuột, ngày 14 tháng 4, trung đoàn 33 phục kích địch ở Buôn Dơn; ngày 15 tháng 4, phục kích địch ở Buôn Cang, diệt 100 tên.
Ý đồ của địch đã bị đánh bại. Để chuẩn bị cho các nhiệm vụ tiếp theo, ngày 30 tháng 4, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch. Kết quả, các đơn vị đã đánh 140 trận, diệt 10 đại đội và 1 trung đội Mỹ; 1 tiểu đoàn, 3 đại đội và 3 trung đội ngụy; loại khỏi vòng chiến đấu 3.397 tên, Mỹ và 1.541 tên ngụy, bắn rơi và phá hủy 61 máy bay, 20 khẩu pháo và 180 xe quân sự, thu 129 súng các loại và 17 máy vô tuyên điện.

Nét đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch là nghệ thuật khêu ngòi bằng vây ép nhử địch vào các khu vực ta đã chuẩn bị sẵn để tập trung lực lượng bao vây, tiêu diệt từng cánh quân ứng cứu giải tỏa bằng đường bộ và đường không của chúng. Vận dụng kinh nghiệm các chiến dịch trước, biết địch thường dựa vào sức cơ động cao, hỏa lực mạnh, khi bị ta uy hiếp một vị trí nào đó hoặc phát hiện chủ lực của ta, chúng kết hợp các mũi hành quân bộ luồn rừng và kết hợp đổ quân chặn sau lưng quân ta để bao vây. Bằng tập kích tiêu hao nặng bọn địch ở điểm cao 300 và điểm cao 346, Bộ tư lệnh chiến dịch đã biến 2 vị trí này làm "mồi" để nhử quân địch đến ứng cứu, ngay sau đó đã thực hành bao vây rộng, đưa một số đơn vị vào các vị trí chuẩn bị sẵn (cài thế) ở các khu vực: Mít Dép, Chư Ba, bắc 300, tây 346, rồi nhanh chóng bẻ gãy từng mũi tiến công ứng cứu, giải tỏa địch. Đặc biệt trong chiến dịch này, các đơn vị trong chiến dịch đã sử dụng pháo đồng loạt tập kích địch trong cùng thời gian, hiệp đồng nhịp nhàng, chặt chẽ, góp phần nhanh chóng cải thiện thế trận chiến dịch, tạo điều kiện mở thêm hướng tiến công mới, nhanh chóng giành thắng lợi cho chiến dịch.

Chiến dịch tiến công Sa Thày 2 hoàn toàn thắng lợi, đã đạt được mục tiêu đề ra và tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giam chân một số đơn vị lớn của chúng ở chiến trường Tây Nguyên để phối hợp chiến đấu với các chiến trường, đánh bại thủ đoạn đổ bộ đường không kết hợp với tiến công luồn rừng của địch. Những kinh nghiệm rút ra ở đây thực sự là những bài học quý, có ý nghĩa rất thiết thực cho những chiến dịch tiếp sau trên toàn chiến trường, đặc biệt chiến trường Tây Nguyên. 


(Viện Lịch sử quân sự, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, NXB QĐND, 2003)
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #32 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 05:01:06 pm »

CHIẾN DỊCH ĐẮC TÔ
(Tiến công, từ ngày 3 đến ngày 22 tháng 11 năm 1967)

Sau khi đã đưa khoảng 55.000 quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam, để vừa tiếp tục thực hiện chiến lược hai gọng kìm "tìm diệt" và "bình định", vừa giữ ổn định tình hình tạo hậu thuẫn cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 1968, tướng Oét mo-len (West Moreland) tiến hành điều chỉnh lại thế bố trí chiến lược, âm mưu tập trung lực lượng chuẩn bị mở cuộc phản công lần thứ 3 (mùa khô 1967-1968) trên hướng ở miền Đông Nam Bộ hòng cải thiện tình hình. Ở Trung Trung Bộ, địch đánh phá, ngăn chặn ta ở dọc biên giới Việt - Lào, trọng điểm là ở Plây Ku và Kon Tum, tìm diệt chủ lực ta, phá các căn cứ, hỗ trợ cho bình định dọc miền duyên hải.
Bước vào mùa khô năm 1967, quân địch ở Tây Nguyên (gồm lực lượng của vùng 2 chiến thuật, sư đoàn 22 ngụy và sư đoàn 4 Mỹ) ra sức thăm dò các động thái của quân ta. Cuối tháng 10 năm 1967, khi phát hiện ta đang chuẩn bị mở chiến dịch ở bắc Kon Tum, sư đoàn 4 Mỹ vội vã kết thúc cuộc hành quân Mác Át- tơ (Mác Acthur) ở tây thị xã Plây Ku và vùng tây bắc Gia Lai chuyển hướng về vùng rừng núi Đắc Tô. Ngày 2 tháng 11, lữ đoàn 1 Mỹ đến Đắc Tô, chúng thiết lập sở chỉ huy hành quân tại sân bay và hình thành hai cụm quân: cụm thứ nhất ở khu vực ngã ba đường 14 và đường 18 gồm trung đoàn 42 ngụy ở Tân Cảnh, quận lỵ Đắc Tô và sân bay Đắc Tô 1. Cụm quân thứ 2 nằm dọc đường 18, cách ngã ba Tân Cảnh 4km về phía tây, gồm sở chỉ huy hành quân, cụm kho hậu cần của quân Mỹ và sân bay Đắc Tô 2.

Về phía ta, Mặt trận Tây Nguyên được Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ tiến hành các đợt hoạt động trong đông xuân 1967-1968, nhằm tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ, thu hút lực lượng chủ lực cơ động của địch lên Tây Nguyên, tạo điều kiện cho chiến trường Khu 5 và toàn Miền diệt địch, chống phá bình định, sẵn sàng đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ 3 của địch. Quán triệt nhiệm vụ được giao, ngày 10 tháng 9. năm 1967, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định tập trung lực lượng vũ trang ba thứ quân mở chiến dịch tiến công địch ở Đắc Tô nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực Mỹ, buộc chúng phải điều lực lượng cơ động lên Tây Nguyên. Đồng thời tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân ngụy, phối hợp chặt chẽ với các chiến trường, rèn luyện nâng cao khả năng tác chiến tập trung của bộ đội, chú trọng rút kinh nghiệm và xây dựng hoàn thiện chiến thuật "Vận động tiến công kết hợp chốt", nâng cao trình độ tập kích địch phòng ngự ở điểm cao.

Bộ tư lệnh đề ra phương châm: Tích cực, chủ động, linh hoạt, tạo thời cơ nhử địch vào thế trận ta đã chuẩn bị sẵn, tiêu diệt từng tiểu đoàn Mỹ phản kích, phản đột kích ứng chiến bằng đường bộ và đổ bộ đường không, tiến tới đánh thiệt hại nặng đơn vị lớn hơn của chúng; thực hiện tiến công liên tục đánh vào toàn bộ đội hình chiến dịch của địch, bao vây chia cắt chiến dịch, đánh cả phía trước và phía sau, đánh vào các căn cứ hành quân chiến dịch của địch, vận dụng chiến thuật linh hoạt, kiên quyết bám trụ, vận dụng cách đánh gần, đánh chồng, đánh bồi của các binh chủng; bố trí đội hình chiến dịch có chiều sâu, có đội dự bị mạnh, có chốt chiến dịch vây hãm và uy hiếp địch buộc chúng phải ra khu quyết chiến để ta đánh tiêu diệt. Phối hợp chặt chẽ giữa quân sự, chính trị, tác chiến và địch vận.

Bộ tư lệnh chiến dịch gồm: Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh; đại tá Trần Thế Môn, Chính ủy; đại tá Cao Văn Khánh, Phó tư lệnh; thượng tá Bùi Nam Hà, Tham mưu trưởng; thượng tá Đặng Vũ Hiệp, Chủ nhiệm chính trị.

Địa hình khu vực tiến công chính của chiến dịch là quận Đắc Tô (Kon Tum). Quận lỵ nằm trên ngã ba đường 14 và đường 18, cách thị xã Kon Tum 40km về phía bắc, đây là vùng thung lũng có bình độ trung bình từ 600 - 700m, chiều dọc từ bắc xuống nam khoảng 9km, chiều ngang từ đông sang tây khoảng từ 8km đến 9km. Khu vực tác chiến bị chia cắt thành 2 vùng phía bắc và phía nam bởi con sông Pô Kô và đường 18, có nhiều dãy núi cao có giá trị về chiến thuật mà điển hình là dãy Ngọc Bơ Biêng, nếu bị ta chiếm thì toàn. bộ thung lũng Đắc Tô sẽ nằm trong tầm khống chế của hỏa lực pháo binh. Nhìn chung địa hình có lợi cho ta, ta ở thế cao hơn địch, loại bỏ được khả năng sử dụng cơ giới của chúng. Mặt khác vì vùng này chưa có các hoạt động quân sự lớn của ta nên khi ta mở chiến dịch sẽ tạo được bất ngờ đối với địch.

Về kế hoạch tác chiến, Bộ tư lệnh xác định hướng khu vực tiến công chủ yếu ở tây nam Đắc Tô (phía nam sông Pô Kô và đường 18) từ Ngọc Bơ Biêng, Ngọc Kom Liệt đến nam điểm cao 875, do sư đoàn bộ binh 1 (Chú thích: Sư đoàn bộ binh 1 do đồng chí Nguyễn Hữu An. Sư đoàn trưởng; đồng chí Hoàng Thế Thiện. Chính ủy.) đảm nhiệm; sẽ chia làm 3 khu chiến: khu chốt chiến dịch gồm các cụm chốt bộ binh và pháo binh ở Ngọc Bơ Biêng, Ngọc Tang, uy hiếp địch ở Đắc Tô - Tân Cảnh, là nơi khêu ngòi kéo địch ra, tạo thời cơ diệt địch ngoài công sự, do tiểu đoàn 6 của trung đoàn 24, 1 đại đội pháo 175 (2 khẩu) đảm nhiệm. Sử dụng trung đoàn 320 của sư đoàn 1 đánh địch ở khu chiến thứ nhất: ở cao điểm 782, Plây Lang Lo Kram và điểm cao 823, nhằm đánh bại các đợt phản kích và đòn phản đột kích thứ nhất của địch. Sử dụng 2 trung đoàn 66 và 174 của sư đoàn 1 đánh địch ở khu chiến thứ 2 và là khu quyết chiến ở Ngọc Kom Liệt, Bãi Le, điểm cao 875 trong đó điểm cao 875 là trọng điểm. Tiểu đoàn pháo hỏa tiễn ĐKB của Mặt trận do sư đoàn nắm để chi viện chung.

Hướng và khu vực tiến công thứ yếu ở đông bắc Đắc Tô, gồm các điểm cao của dãy Ngọc Lan, Ngọc Sịa, điểm cao 1323, 1030 và quận lỵ Đắc Tô; do trung đoàn 24 (thiếu tiểu đoàn 6), tiểu đoàn 304, 2 đại đội đặc công, 1 đại đội cối, 1 đại đội công binh (thiếu) của tỉnh đảm nhiệm. Có nhiệm vụ đánh vào sau đội hình địch, tiêu diệt từng tiểu đoàn ngụy, từng đại đội Mỹ, dùng lối đánh nhỏ uy hiếp Tân Cảnh, khống chế sân bay Đắc Tô, đường 14 (đoạn nam, bắc Tân Cảnh) nhằm phân tán địch, hỗ trợ cho hướng chủ yếu.

Các hướng nghi binh và phối hợp, ở Gia Lai, do trung đoàn 95, tiểu đoàn 101, 1 tiểu đoàn pháo cối hỗn hợp (6 ĐKZ 75mm, 4 cối 120mm, 4 cối 82mm) cùng lực lượng vũ trang địa phương đảm nhiệm; ở Đắc Lắc do trung đoàn 33 (thiếu), 1 tiểu đoàn bộ binh, 2 đại đội đặc công và 1 đại đội cối 82mm cùng các lực lượng vũ trang địa phương đảm nhiệm.

Để đảm bảo cho một chiến dịch tiến hành trong điều kiện quân số không đông, trang bị không mạnh hơn địch, bộ đội thường xuyên phải tác chiến dài ngày và quyết liệt, việc chuẩn bị sức mạnh tinh thần cho bộ đội trở thành vấn đề cực kỳ quan trọng. Đảng ủy Mặt trận đưa ra nghị quyết triển khai sâu rộng công tác đảng, công tác chính trị, kịp thời giáo dục bộ đội nhận rõ ý nghĩa, mục đích và yêu cầu của chiến dịch phải bước vào chiến đấu sớm hơn so với hành động của địch, động viên cán bộ, chiến sĩ tranh thủ mọi thời gian chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm chất lượng cao nhất để chủ động đánh Mỹ. Công tác tư tưởng tập trung quán triệt quyết tâm, tư tưởng chỉ đạo và cách đánh của chiến dịch.

Trong công tác huấn luyện, các đại đội, tiểu đoàn đều có thao trường huấn luyện các hình thức chiến thuật. Kết hợp ôn luyện kỹ thuật bắn súng, ném lựu đạn khi vận động lên dốc và xuống dốc. Trong những ngày chuẩn bị, các đồng chí trong Bộ tư lệnh chiến dịch chia nhau đi xuống các đơn vị giải quyết những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, xây dựng mối quan hệ gắn bó, mật thiết giữa cấp trên và cấp dưới.

Công tác vận tải bảo đảm hậu cần cho chiến dịch trong điều kiện phải giữ bí mật tuyệt đối là một khó khăn rất lớn. Bộ tư lệnh chiến dịch đã sử dụng công binh và vận tải mở thêm và sửa chữa hệ thống đường cho xe thồ từ cửa khẩu VQ5 đến vùng ba biên giới, dài 200km, làm hệ thống đường bộ cho pháo mang vác, đưa tổng số đường bộ đã mở trong địa bàn tác chiến trên hướng chủ yếu của chiến dịch ở bắc Kon Tum lên đến 500km. Mặt trận phải huy động lực lượng các binh trạm, nhà trường, viện quân y, xưởng sửa chữa, các cơ quan và nhân dân tham gia vận chuyển. Trước ngày nổ súng đã đảm bảo được 679 tấn lương thức, thực phẩm, đạn dược và thuốc men (trong đó có 10.000 bánh lương khô tự chế của ngành hậu cần Tây Nguyên). 

Trong khi ta đang triển khai công tác chuẩn bị, thì quân Mỹ tiến hành các hoạt động thăm dò nhằm đánh phá trước cuộc tiến công mùa khô của ta. Trong tình thế này, Bộ tư lệnh một mặt cho các đơn vị ở sau lưng địch và các hướng khác đẩy mạnh hoạt động để nghi binh, đồng thời lệnh cho các đơn vị tham gia chiến dịch hành quân chiếm lĩnh trận địa sớm hơn dự định 3 đến 5 ngày. Ngày 15 tháng 10, các đơn vị trên hướng chủ yếu cơ động vào vị trí tập kết. Ngày 29 tháng 10, các đơn vị ở khu chốt chiến dịch chiếm lĩnh trận địa xong và đến ngày 2, các đơn vị cơ bản đã vào vị trí chiến đấu.

Ngày 3 tháng 11, chiến dịch bắt đầu. Đầu tiên ta cho hai khẩu pháo 75mm bố trí ở Ngọc Bơ Biêng bắn vào sân bay Đắc Tô 2, để khêu ngòi. Địch phản ứng tức khắc. 10 giờ ngày 3, địch đổ 2 đại đội Mỹ xuống điểm cao 882 Ngọc Dơ Lang, 2 đại đội xuống Ngọc Non, đồng thời triển khai lực lượng pháo binh nhằm tiến công vào khu chốt của ta ở Ngọc Tăng, Ngọc Bơ Biêng. Qua trinh sát kỹ thuật, ta biết địch sẽ dùng lữ đoàn 173 dù và lữ đoàn 1 thuộc sư đoàn 4 phản kích ta trên 2 hướng tây, tây nam Tân Cảnh và sẽ hợp vây tại khu vực điểm cao 875. Bộ tư lệnh lệnh cho các đơn vị khu chốt chiến dịch kiên quyết chặn địch, sư đoàn 1 giữ kín lực lượng, chờ địch vào khu chiến để tiêu diệt.

15 giờ 30 phút ngày 3 tháng 11, các đơn vị của tiểu đoàn 6 phòng ngự ở khu chốt chiến dịch bắt đầu nổ súng đẩy lùi các đợt tiến công của lữ đoàn 1 Mỹ suốt từ ngày 3 đến ngày 9 tháng 11, tại khu vực này, các phân đội nhỏ của ta đã kiên cường giữ vững các điểm cao, đánh lui nhiều đợt công kích của địch, tiêu hao nhiều đại đội Mỹ. Ngày 10, bộ đội ta rút khỏi khu chốt chiến dịch...

Trong lúc các trận đánh ở khu vực Ngọc Bơ Biêng đang diễn ra ác liệt thì 13 giờ ngày 6, địch đổ 2 đại đội thuộc tiểu đoàn 1 trung đoàn 503 lữ đoàn 173 xuống các điểm cao: 823, 845, 882 ở dãy Ngọc Kom Liệt, hình thành 2 mũi tiến đánh vào sườn sư đoàn 1. Các chốt chiến thuật của trung đoàn 66 ở khu vực này đánh thiệt hại nặng đại đội D (Delta), bắn rơi 2 máy bay lên thẳng, thu 4 súng và 1 máy vô tuyến. Liền sau đó 2 đại đội của tiểu đoàn 4, trung đoàn 503 đổ bộ xuống chân điểm cao 823 và đánh chiếm điểm cao này bị lực lượng trinh sát của trung đoàn 66 diệt 60 tên. Trong 2 ngày (6, 7 tháng 11), trung đoàn 66 tổ chức tập kích và pháo kích vào điểm cao 823, buộc tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 503 phải bỏ điểm cao này rút về dãy Ngọc Kom Liệt.

Cùng thời gian trên, tại Ngọc Dơ Lang, ngày 6, hai đại đội địch từ điểm cao 882 tiến công chốt của dại đội 9 (tiểu đoàn 6) ở điểm cao 843, chúng bị diệt 20 tên nhưng địch chiếm điểm cao. Ngày 7, địch từ điểm cao 843 tiến về điểm cao 724 bị đại đội 9 thuộc tiểu đoàn 6, trung đoàn 320 vận động tiến công, diệt 10 tên, thu 6 súng của đại đội C (Charlie), tiểu đoàn 3, trung đoàn 8 Mỹ, địch còn lại co cụm ở điểm cao 724.

Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định cả hai cánh quân địch đều bị chặn đánh, nhưng có khả năng chúng còn tiến sâu hơn nữa nên lệnh cho trung đoàn 174 hành quân ra khu vực tây nam Lăng Lố Kram chuẩn bị chiến đấu. Chỉ thị cho hướng thứ yếu đánh mạnh vào Đắc Tô - Tân Cảnh và đường 14.

Thực hiện ý định trên, tối 8 tháng 11, tiểu đoàn 4 và đại đội 10 của tiểu đoàn 6, trung đoàn 320 tập kích địch ở điềm cao 724; đang hành quân tiếp cận gặp địch di chuyển ra phía tây bộ đội ta nhanh chóng vận động tiến công, diệt 100 tên, đánh thiệt hại nặng đại đội A và đại đội B của tiểu đoàn 3, trung đoàn 8 lữ đoàn 1 Mỹ. Để chi viện cho trung đoàn 320 đánh địch, sư đoàn 1 đã tổ chức cối 120mm và ĐKZ 75mm pháo kích vào Ngọc Rinh Rua và điểm cao 823, phá hủy 2 khẩu pháo, 2 máy bay lên thẳng, diệt 50 tên địch. Từ ngày 7 đến 10 tháng 11, tại Ngọc Kom Liệt, do bị ta tiến công dồn dập nên tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 503 Mỹ từ điểm cao 823 hành quân về phía tây. Tiểu đoàn 7 của trung đoàn 66 được các chốt trinh sát yểm hộ, vận động tiến công tiêu diệt gần hết tiểu đoàn Mỹ này. Một số ít còn lại bị tiểu đoàn 8 của trung đoàn 66 tiêu diệt. Để cứu nguy, 12 giờ ngày 11 tháng 11, 2 đại đội A và B thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn 503 Mỹ từ Ngọc Kom Liệt tiến xuống, nhưng bị tiểu đoàn 8 và đại đội 12,7mm của trung đoàn 66 chặn đánh và tiêu diệt. Tổng số địch bị diệt khoảng 400 tên, ta thu 21 súng các loại, 6 vô tuyến điện; địch phải dùng máy bay (cả B52) ném bom thiêu hủy và buổi chiều đổ tiếp tiểu đoàn 2 của trung đoàn 503 xuống điểm cao 845. 14 giờ cùng ngày, tại Ngọc Dơ Lang, tiểu đoàn 3, trung đoàn 8 Mỹ cho 2 đại đội đánh ra phía tây để phối hợp với đồng bọn ở điểm cao 724, bị tiểu đoàn 5 thuộc trung đoàn 320 vận động tiến công diệt gọn đại đội B, tiêu hao nặng đại đội D, diệt 120 tên, số còn lại co về cụm ở điểm cao 724. Các trận đánh của 2 trung đoàn 66 và 320 thắng lợi đã chứng minh: với hình thức chiến thuật "chốt kết hợp vận động", bộ đội ta có thể đánh liên tục dài ngày dưới phi pháo ác liệt của địch (Chú thích: Mỗi ngày địch sử dụng 700 lần chiếc máy bay (có cả B52) ném bom, có những bãi bom B52 đi bộ 1 ngày chưa qua hết. Chiến dịch Đắc Tô" VLSQS xuất bản năm 1997.) để giành thắng lợi, đồng thời nó cũng chứng minh sự phán đoán của Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch về hướng hợp vây chiến dịch của địch là đúng.

Từ nhận định, đánh giá và dự kiến khả năng của địch, từ thắng lợi bước đầu giành được, Bộ tư lệnh giao cho sư đoàn 1 sử dụng 2 trung đoàn 66 và 174 thực hiện trận then chốt quyết định; trong đó trung đoàn 174 làm nhiệm vụ chủ yếu của trận then chốt, bố trí ở điểm cao 875; trung đoàn 66 bố trí ở Ngọc Kom Liệt, điểm cao 823, 845 đánh địch vòng ngoài, bảo vệ sườn trái.

Sáng 12 tháng 11, sau khi không quân và pháo binh bắn phá, lữ đoàn dù 173 Mỹ đổ 2 đại đội thuộc tiểu đoàn 2 trung đoàn 503 xuống điểm cao 845. 10 giờ chúng phản kích lên điểm cao 882. Tiểu đoàn 3 của trung đoàn 174 xuất kích kết hợp chốt diệt 2 trung đội thuộc đại đội A. Lực lượng còn lại chạy về điểm cao 845. Hai ngày 13 và 14 tháng 11, địch tiếp tục đánh lên điểm cao 882, tiểu đoàn 8 liên tục đánh địch, loại khỏi vòng chiến đấu 100 tên Mỹ, thu 6 súng, làm chủ trận địa. Để chi viện cho trung đoàn 174, sư đoàn 1 dùng cối 120mm bắn vào điểm cao 823 tiêu hao nặng đại đội C thuộc tiểu đoàn 4 trung đoàn 503, chặn đứng hỏa lực địch bắn vào điểm cao 882. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến thuật, trung đoàn 174 rút tiểu đoàn 3 và một bộ phận của tiểu đoàn 1 về hai bên sườn điểm cao 875.

Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #33 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 05:01:29 pm »

Cùng thời gian, từ ngày 12 đến 16 tháng 1, đại đội sơn pháo 75mm tập kích 4 trận bằng hỏa lực (16 giờ ngày 12, 8 giờ và 15 giờ ngày 15, 8 giờ ngày 16) vào căn cứ tiền phương của sư đoàn 4 Mỹ ở Tân Cảnh, sân bay Đắc Tô diệt khoảng 350 tên, phá hủy 3 máy bay C130, 4 xe quân sự, 2 kho xăng, 1 kho đạn. Ở hướng đông bắc Đắc Tô, trung đoàn 24 cùng bộ đội tỉnh tiến công quận lỵ Đắc Tô và Tân Cảnh, chặn đánh các toán quân ứng cứu giải tỏa của địch. Điển hình là các trận của trung đoàn 24 ở Ngọc Sịa ngày 14 tháng 11, ở Tân Cảnh ngày 16 tháng 11, trận phục kích của công binh, trinh sát chiến dịch ở Plây Cần (đường 18), của tiểu đoàn 304 ở Võ Định trên đường 14 ngày 14 tháng 11.

Theo tin trinh sát kỹ thuật, ngày 12 tháng 11, tiểu đoàn 2 thuộc lữ đoàn 1 kỵ binh không vận và chiến đoàn dù 3 ngụy đã đến thị xã Kon Tum. Tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 12 lữ đoàn 1 sư đoàn 4 nống ra nam Ngọc Dơ Lang. Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định: thế trận của địch đã rối loạn nên quyết định tổ chức lực lượng kiềm chế cánh quân của lữ đoàn 1 sư đoàn 4; diệt cánh quân của lữ đoàn dù 173; dùng ĐKZ và cối 82mm kiềm chế địch ở Ngọc Dơ Lang.

Đêm 17 tháng 11, sư đoàn 1 tổ chức pháo kích trận địa hỏa lực của địch ở nam Ngọc Dơ Lang, điểm cao 530, phá hủy 5 pháo 105mm, 3 cối 106,7mm. Sáng 18 tháng 11, hai tiểu đoàn 1 và 2 của trung đoàn 503 Mỹ chia làm 2 mũi tiến công về điểm cao 875; tiểu đoàn 1 Mỹ tiến theo sườn tây bắc điểm cao 882, đến 13 giờ 30 phút bị tiểu đoàn 8 và 1 đại đội của tiểu đoàn 9 thuộc trung đoàn 66 chặn đánh và ghìm chặt tại đây diệt 90 tên, thu 6 súng. Tiểu đoàn 2 Mỹ từ cao điểm 845 tiến chiếm đồi "biệt kích" ở tây bắc điểm cao 875 khoảng 1km để tạo bàn đạp đánh sang 875. Cùng thời gian, ở đông 875, hai đại đội biệt kích, thám báo từ bãi Le tổ chức tiến công vào điểm cao 875. Từ lúc 8 giờ 30 phút ngày 18 đến 11 giờ ngày 19, đại đội 7 của tiểu đoàn 2 đã chịu đựng hỏa lực phi pháo ác liệt của địch (có cả B52), liên tục đẩy lùi các đợt tiến công của chúng, giữ vững 875. Trong lúc địch đang tập trung lực lượng đánh lên 875, tiểu đoàn 2 (thiếu đại đội 7) và 1 đại đội của tiểu đoàn 1 trung đoàn 174 bí mật vận động tiếp cận chúng từ bên sườn và phía sau. 14 giờ ngày 11, sau khi ta bắn 30 quả đạn cối vào sở chỉ huy địch, 4 mũi của ta đồng loạt xung phong vào quân địch đang tập trung ở đồi Yên Ngựa, dưới chân điểm cao 875. Bị đánh bất ngờ, đội hình địch rối loạn. Chớp thời cơ, đại đội 7 từ điểm cao 875 cũng xuất kích đánh xuống. Đến 17 giờ, phần lớn địch bị tiêu diệt, số còn lại bỏ chạy bị trúng bom và đạn pháo của chúng chết một số. Trận đánh đã loại khỏi vòng chiến 300 tên Mỹ, ta thu 18 súng AR15 và 6 máy thông tin vô tuyến điện. Sau đó trung đoàn cho đại đội 7 chốt lại tại điểm cao 875, còn trung đoàn rút về phía sau củng cố.

Ngày 20 tháng 11, tiểu đoàn 2 của trung đoàn 8, lữ đoàn 1 Mỹ đổ bộ xuống bãi Le và tổ chức 7 lần tiến công lên điểm cao 875 nhưng đều bị đại đội 7 bẻ gãy; cho đến 12 giờ ngày 22 tháng 11, đại đội 7 vẫn giữ vững chốt. Chủ trương của Bộ tư lệnh chiến dịch là khi giải quyết xong thương binh, liệt sĩ sẽ bỏ chốt. Thực hiện ý định đó, 18 giờ 40 phút ngày 22, ta bỏ chốt 875, chỉ để 1 trung đoàn 12,7mm và 1 trung đoàn cối 82mm cơ động kiềm chế địch. Đến 24 giờ, địch lên được 875 thì ta đã rút.

Phối hợp với khu quyết chiến, tại khu chốt chiến dịch 13 giờ ngày 17 tháng 11, 1 trung đội của đại đội 11, tiểu đoàn 6 phòng ngự ở điểm cao 1338 đã đánh bại 10 đợt phản kích của địch, diệt 100 tên. Ngày 19 tháng 11, lực lượng chốt ở điểm cao 1262 đánh lui 5 đợt phản kích của địch, diệt 70 tên. Ngày 20 tháng 11, chốt ở điểm cao 1294 diệt 20 tên địch.

Trên hướng đông bắc Đắc Tô - Tân Cảnh, trung đoàn 24 và lực lượng vũ trang tỉnh Kom Tum đã đánh sâu vào thị xã Kon Tum và thị trấn Tân Cảnh, đường 14, tiêu diệt nhiều địch, hoàn thành nhiệm vụ phối hợp chiến dịch. Trong các ngày 17, 18, 19 tháng 11, chiến sự xảy ra ác liệt tại Ngọc Lan: 7 giờ ngày 17, tiểu đoàn 3 dù ngụy tiến công vào chốt của đại đội 7 thuộc tiểu đoàn 5 trung đoàn 24, bị đánh thiệt hại nặng, địch liền đưa tiểu đoàn 2 vào tiến công, bị 2 đại đội của tiểu đoàn 5 đánh bật xuống chân đồi, diệt hơn 100 tên, số còn lại cụm tại chỗ không dám tiến công. 5 giờ ngày 19, tiểu đoàn 5 bất ngờ tập kích cụm quân địch này, diệt 170 tên. 2 tiểu đoàn dù bị thiệt hại nặng, địch đưa tiểu đoàn 23 biệt động quân và tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 23 biệt động quân và tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 42 lên cứu nguy, nhưng tiểu đoàn 5 đã hoàn thành nhiệm vụ phối hợp chiến dịch và rời khỏi khu vực Ngọc Lan.

Ở Gia Lai, ta đánh 10 trận diệt 189 tên địch (có 114 tên Mỹ ), bắn rơi 5 máy bay, phá hủy 7 xe quân sự. Ở Đắc Lắc, ta đánh 8 trận, diệt 250 tên địch (có 150 tên Mỹ), bắn rơi và phá hủy 27 máy bay (có 1 chiếc C130), phá hủy 3 khẩu pháo, 2 xe M113, 1 kho đạn, 1 kho xăng. Các đòn tiến công phối hợp này đã góp phần quan trọng hỗ trợ cho sư đoàn 1 - lực lượng chủ yếu của chiến dịch thực hiện trận đánh then chốt quyết định ở khu vực điểm cao 875. Chiến dịch Đắc Tô kết thúc vào ngày 22 tháng 11, vào lúc trận then chốt ở điểm cao 875 giành thắng lợi.

Kết quả, trên hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch, các đơn vị đã đánh 57 trận, có 12 trận phòng ngự, 5 trận vận động tiến công kết hợp chốt, 6 trận vận động tiến công, 15 trận pháo kích, 1 trận phục kích, 1 trận tập kích, 1 trận tiến công thị trấn; loại khỏi vòng chiến 3.000 tên địch, trong đó có 2.000 tên Mỹ, phá hỏng nặng 2 sân bay, bắn rơi và phá hủy 38 máy bay (có 3 chiếc C130), phá hủy 7 xe quân sự (có 2 xe thiết giáp). Toàn chiến dịch, ta đã loại khỏi vòng chiến 4.570 tên địch, có 4.030 tên Mỹ; phá hỏng 3 sân bay, bắn rơi và phá hủy 70 máy bay, phá hủy 18 khẩu pháo, 52 xe quân sự có 16 xe thiết giáp, 2 kho đạn, 3 kho xăng, thu 104 súng các loại và 17 máy vô tuyến điện; diệt gần hết 2 tiểu đoàn Mỹ, đánh thiệt hại nặng 6 tiểu đoàn (có 4 tiểu đoàn Mỹ) và 6 đại đội (có 2 đại đội Mỹ); đánh quỵ lữ đoàn 173 dù, đánh thiệt hại nặng lữ đoàn 1 thuộc sư đoàn 4 Mỹ.

Về nghệ thuật, nét đặc sắc trong chiến dịch này là ta đã chọn đúng và tổ chức thế trận chiến dịch trên hướng chủ yếu hình thành 3 khu chiến: khu vực khêu ngòi nhử dịch, khu vực đánh bại phản kích và khu quyết chiến để đánh trận then chốt quyết định tiêu diệt một bộ phận quan trọng thê dội 2 của địch. Cả ba khu vực đầu là địa hình hiểm trở, núi cao, rừng rậm, ta có lợi thế chiếm giữ các điểm cao để ngăn chặn địch nếu chúng phản kích và phản đột kích, buộc chúng phải triển khai đội hình ở thế bất lợi, phải đánh lần lượt từng điểm cao, khó tập trung được lực lượng lớn vào một mũi tiến công, chi viện hỏa lực khó khăn, không có sức cơ động và đột kích bằng xe tăng, xe thiết giáp, lực lượng địch phải bộc lộ ra ngoài công sự để ta tiêu diệt.

Trong khêu ngòi chiến dịch, Bộ tư lệnh chiến dịch đã sử dụng 1 tiểu đoàn bộ binh và 1 đại đội pháo ở dãy Ngọc Tang, Ngọc Bơ Biêng là nơi địch khó có khả năng ứng cứu giải tỏa nhiều hướng bằng đường bộ, chặn đánh quân của lữ đoàn 1 thuộc sư đoàn 4 Mỹ tại đây và dùng hỏa lực pháo và ĐKZ bắn thẳng phá hoại sân bay Đắc Tô uy hiếp trực tiếp đầu não chỉ huy và căn cứ của chúng, buộc địch phải đưa quân ứng cứu giải tỏa bằng đường không rơi vào thế trận đã chuẩn bị sẵn của ta. Trận vận động tiến công kết hợp chốt tiêu diệt tiểu đoàn 2 thuộc lữ đoàn dù 173 và một đại đội kỵ binh không vận Mỹ ở điểm cao 875 của trung đoàn 184 từ ngày 18 đến 21 tháng 11 đã thể hiện rõ nét độc đáo của nghệ thuật điều động và thu hút địch để ta thực hiện thành công trận đánh then chốt kết thúc chiến dịch. Tại đây đã khẳng định và hoàn thiện một hình thức chiến thuật mới của quân đội ta đánh địch rất hiệu quả, trước hết ở chiến trường Tây Nguyên: "Chiến thuật vận động tiến công kết hợp chốt". 


(Viện Lịch sử quân sự, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, NXB QĐND, 2003)
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #34 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2009, 08:33:52 pm »

Nào chúng ta cùng sang trận đánh có vô số tranh cãi này Grin



Trận Ia đrăng, 14/11 – 18/11/1965


Bối cảnh

Tháng 10/1965, BTL Mặt trận Tây Nguyên mở chiến dịch Plây Me, sử dụng trung đoàn 33 vây hãm trại LLĐB Pleime và trung đoàn 320 phục kích đánh quân viện VNCH ứng cứu Plây Me bằng đường bộ. Để đối phó, lữ đoàn 3 sư đoàn 1 kỵ binh (cơ động đường không) số 1 Mỹ được điều lên Tây Nguyên, mở các trận tập kích đánh vào lực lượng QGP. Ngày 14/11/1965, trong khi tiến hành 1 cuộc hành quân “tìm diệt”, tiểu đoàn 1/7 thuộc lữ đoàn 3 Mỹ đổ bộ bằng trực thăng xuống khu vực thung lũng Ia đrăng (tây nam thị xã Pleiku 45km) đã đụng độ với trung đoàn 66 QĐNDVN vừa hành quân tới chiến trường. Đây là cuộc đọ sức lớn đầu tiên giữa quân Mỹ với 1 đơn vị chủ lực miền Bắc.


Diễn biến

09h17 ngày 14/11/1965, hỏa lực dọn đường của quân Mỹ bắt đầu bắn phá khu vực bãi đáp Xray. Đến 09h50, lực lượng xung kích đầu tiên của tiểu đoàn 1/7 Mỹ là đại đội B (thiếu) và tiểu đoàn bộ được không vận bằng trực thăng đổ quân xuống bãi đáp Xray. Cuộc hành quân được các đơn vị trực thăng vũ trang của sư đoàn 1 KB và trận địa pháo 105mm 12 khẩu đặt tại căn cứ hỏa lực Falcon yểm trợ.


10h20, đợt trực thăng thứ 2 đổ bộ phần còn lại của đại đội B và 1 trung đội + đại đội bộ của đại đội A. Cũng trong thời gian này, lính trinh sát đại đội B bắt được 1 quân nhân VN đào ngũ và qua đó biết được sự hiện diện của trung đoàn 66 QĐNDVN trong khu vực núi Chư Pông.

11h20, đợt trực thăng thứ 3 đổ bộ phần còn lại của đại đội A. Quân Mỹ lập tức tổ chức đại đội A bố trí phòng thủ bãi đáp Xray, trong khi đại đội B được lệnh tản rộng ra về phía bắc và tây nhằm ngăn cản bộ đội VN ở càng xa bãi đáp càng tốt. Tại đây đại đội B đã thọc đúng vào khu vực tiểu đoàn bộ tiểu đoàn 9 trung đoàn 66 và có chạm súng lẻ tẻ với bộ đội VN.

Lúc 11h45, đại đội B bắt đầu bị hỏa lực của bộ đội VN bắn dữ dội. Trận đánh Ia đrăng chính thức bắt đầu. Vào thời điểm này các đơn vị của trung đoàn 66 vẫn còn đang bị phân tán. Đơn vị duy nhất có mặt trong khu vực là tiểu đoàn 9 sau khi tổ chức lại lực lượng đã liên tiếp phản kích, tiến đánh 4 đợt vào đại đội B và cắt rời, bao vây trung đội 2 của đại đội B với phần còn lại của tiểu đoàn 1/7.

12h35, đợt trực thăng thứ 4 đổ bộ đại đội C (thiếu). Đội hình quân Mỹ được tổ chức lại với đại đội C giữ sườn đông, đại đội A và B (thiếu) giữ sườn tây bãi đáp. Đại đội B (thiếu) được tăng cường 1 trung đội của đại đội A cố gắng đến giải vây cho trung đội 2/B nhưng bị chặn lại. Tiểu đoàn 9 VN cũng tổ chức 1 đợt tiến công kéo dài 1 tiếng rưỡi vào khu vực của đại đội C.

13h30, đợt trực thăng thứ 5 đổ bộ phần còn lại của đại đội C cùng với đại đội bộ, trung đội cối và trung đội chống tăng của đại đội  D. Bộ phận này được điều sang sườn đông bãi đáp tăng cường cho các đơn vị phòng thủ của đại đội C. Đợt tiến công của tiểu đoàn 9 VN bị đẩy lùi, tuy nhiên quân Mỹ cũng bị thiệt hại nặng.

Trước tình hình khó khăn của tiểu đoàn 1/7 Mỹ, chỉ huy lữ đoàn 3 Mỹ ra lệnh báo động đại đội B tiểu đoàn 2/7 tới tăng cường cho tiểu đoàn 1/7.

14h20, đợt trực thăng thứ 6 đổ bộ phần còn lại của đại đội D cùng với trung đội trinh sát.


Khoảng 14h45, đại đội A và B mở đợt tiến công nhằm giải vây cho trung đội 2/B nhưng bị chặn lại. Tiểu đoàn trưởng 1/7 Mỹ ra lệnh cho 2 đại đội này tạm thời rút lui, di tản số thương vong. Đại đội C tiếp tục phòng thủ sườn đông bãi đáp.

13h20, đại đội A và B mở đợt tiến công thứ 2, lần này có sự dọn đường của pháo binh và trực thăng phóng rocket. Đại đội B bị chặn đứng trong khi đại đội A tiến được khoảng 100-150m thì bị bộ đội VN chặn đánh quyết liệt. Đến 16h40, tiểu đoàn trưởng 1/7 Mỹ phải gọi pháo bắn yểm trợ và cho 2 đại đội này rút về.

16h00, đợt trực thăng thứ 7 đổ bộ đại đội B tiểu đoàn 2/7 Mỹ. Quân Mỹ tổ chức lại đội hình phòng thủ bãi đáp Xray gồm các đại đội A, B (thiếu), C, D tiểu đoàn 1/7 và đại đội B tiểu đoàn 2/7. Trung đội 2/B tiếp tục bị tiểu đoàn 9 VN bao vây chia cắt. Suốt đêm 14/11 các cuộc đọ súng tiếp tục diễn ra lẻ tẻ khi bộ đội VN tìm cách xâm nhập vành đai phòng thủ của quân Mỹ. Khoảng 03h sáng 15/11, tiểu đoàn 9 mở 3 đợt tiến công đánh vào trung đội B/2 nhưng không tiêu diệt được trung đội này.



BCH lữ đoàn 3 Mỹ cho di chuyển tiểu đoàn 2/5 tới khu vực bãi đáp Victor để đi tăng viện cho tiểu đoàn 1/7 ở Xray sáng hôm sau.

21h30, sau khi 2 đại đội của tiểu đoàn 7 đi lấy gạo trở về, BCH trung đoàn 66 quyết định mở đợt tập kích quân Mỹ với lực lượng tiểu đoàn 7 (thiếu). Do bị pháo binh bắn chặn và lạc đường nên tiểu đoàn 7 không thực hiện được nổ súng lúc 02h00 ngày 15/11 như kế hoạch.

Đến 05h30, tiểu đoàn 7 (thiếu) sau 1 loạt cối 82mm bắn chế áp bắt đầu nổ súng tiến công vào đại đội C Mỹ. 0615, tiểu đoàn 7 tiếp tục đánh vào khu vực bố trí súng cối của đại đội D. Đến 06h30, tiểu đoàn 7 (thiếu) gần như đã chọc thủng vành đai phòng ngự của đại đội C. Quân Mỹ phải cho pháo binh và không quân bắn trùm lên khu vực và điều 1 trung đội của đại đội A cùng trung đội trinh sát tới tăng viện. 08h10, trực thăng Mỹ tiếp tục đổ bộ đại đội A tiểu đoàn 2/7. Giao tranh trên hướng này tiếp tục kéo dài đến khoảng 10h00 mới tạm ngừng, gây thiệt hại nặng cho tiểu đoàn 1/7 Mỹ. Tiểu đoàn 7 (thiếu) sau khi rút về vẫn tiếp tục để lại lực lượng bắn tỉa và pháo kích quấy rối.


Trong khi đó, lúc khoảng 07h00, tiểu đoàn 2/5 Mỹ từ bãi đáp Victor bắt đầu hành quân tới bãi đáp Xray. Lúc 12h15, đại đội B (thiếu) tiểu đoàn 1/7 phối hợp đại đội A và C tiểu đoàn 2/5 mở đợt tiến công mới và đến 14h30 giải vây được cho trung đội 2/B. Đến 15h00, tất cả các đơn vị Mỹ quay về và bố trí vành đai phòng thủ bãi đáp Xray.

Tối 15/11/1965, BCH trung đoàn 66 quyết định mở tiếp trận tập kích với lực lượng đại đội 3 tiểu đoàn 7 được tăng cường 1 trung đội của đại đội 1 tiểu đoàn 7.

Khoảng 02h30 ngày 16/11, đại đội 3 tiểu đoàn 7 sử dụng súng cối bắn 1 loạt cối 82mm chế áp và bắt đầu nổ súng tập kích quân Mỹ ở Xray. Từ 03h00 đến 07h00 ngày 16/11, đại đội 3 đã tổ chức 5 đợt tiến công đánh vào các vị trí của tiểu đoàn 2/5 và 2/7 nhưng đều bị ngăn chặn quyết liệt. Trước tình hình đó, BCH trung đoàn 66 quyết định cho rút quân.


Mặc dù đọ súng lẻ tẻ vẫn còn diễn ra khi quân Mỹ càn rộng ra xung quanh khu vực nhằm kiểm soát chiến trường, nhưng đến đây trận đánh ở khu vực bãi đáp Xray đã kết thúc. Sau 3 ngày chiến đấu, quân Mỹ chịu tổn thất 79 chết và 121 bị thương. Theo phía Mỹ, “đếm được” 634 tử sĩ VN và ước tính còn có 1.215 người khác bị chết. 6 người bị quân Mỹ bắt làm tù binh.

Sau khi trận đánh kết thúc, quân Mỹ tổ chức rút khỏi bãi đáp Xray.

Ngày 16/11, tiểu đoàn 1/7, đại đội B tiểu đoàn 2/7 và 1 trung đội thuộc đại đội A tiểu đoàn 2/7 được trực thăng không vận về căn cứ Holloway ở Pleiku.

Sáng 17/11, tiểu đoàn 2/5 và 2/7 rời bãi đáp Xray. Tiểu đoàn 2/5 hành quân về bãi đáp Colombus và đến nơi lúc 10h40 mà không có đụng độ với bộ đội VN. Tiểu đoàn 2/7 (thiếu) được tăng cường đại đội A tiểu đoàn 1/5 hành quân về bãi đáp Albany. Trong khi đó về phía VN, tiểu đoàn 8 trung đoàn 66 đang trên đường hành quân vào khu vực Ia đrăng.


Lúc 10h57, đơn vị đi đầu của tiểu đoàn 2/7 bắt được 2 quân nhân thuộc trung đoàn 33 QĐNDVN. Khi tiểu đoàn bộ 2/7 và đại đội A tiểu đoàn 2/7 tới bãi đáp Albany, các đơn vị còn lại của tiểu đoàn vẫn còn trải dọc hơn 500m thì trận đánh nổ ra.


Lúc 12h20, đạn cối bất ngờ nổ giữa đội hình của tiểu đoàn 2/7 Mỹ, tiếp theo đó là các đợt xung phong của bộ đội VN. Tiểu đoàn 8 trung đoàn 66 và tiểu đoàn 1 (thiếu) trung đoàn 33 cùng 2 trung đội của trung đoàn 320 tổ chức bao vây, tiếp cận và tiến công chia cắt tiểu đoàn 2/7 Mỹ. Trong quá trình chiến đấu tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8 và tiểu đoàn phó tiểu đoàn 1 đều hy sinh.

Lúc 15h30, đại đội B tiểu đoàn 1/5 từ bãi đáp Colombus tới tăng cường cho tiểu đoàn 2/7. 17h45, đại đội B tiểu đoàn 2/7 được trực thăng vận xuống bãi Albany. Đến chiều tối, các bộ phận quân Mỹ co cụm được lại và gọi pháo binh, không quân bắn phá xung quanh trận địa để đẩy lùi các đợt tiến công của QĐNDVN.


Kết thúc trận đánh ở bãi đáp Albany, quân Mỹ tổn thất nặng với 151 chết, 121 bị thương và 4 mất tích (sau đó được xác nhận là chết). Theo phía Mỹ, “đếm được” 403 tử sĩ VN và ước tính 100 người khác chết.


Kết quả

Trong trận đánh Ia đrăng (bãi đáp Xray và Albany), quân Mỹ có tổng cộng 234 chết và 242 bị thương. Theo tài liệu Mỹ, QĐNDVN có 2.352 người chết.

Theo tài liệu VN, trung đoàn 66 có 157 hy sinh và 239 bị thương. Không rõ tổn thất của tiểu đoàn 1 trung đoàn 33.



* Lưu ý: bộ phim We Were Soldiers dựng dựa theo hồi ức của H. Moore, tiểu đoàn trưởng 1/7 Mỹ đã cắt đi phần nói về trận đánh ở bãi đáp Albany và phịa ra tình tiết ở cuối phim quân Mỹ xung phong tiêu diệt cả SCH của VN. Trên thực tế như phía Mỹ tuyên bố, khi tiến hành càn quét khu vực Xray sáng 16/11 họ chỉ tiêu diệt được 27 bộ đội VN.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Ba, 2009, 10:20:29 pm gửi bởi Tunguska » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #35 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2009, 08:49:48 pm »

Về trận đánh này thì tư liệu và hình ảnh rất phong phú:
http://www.lzxray.com/
http://www.history.army.mil/books/Vietnam/7-ff/Ch1.htm
http://www.quansuvn.net/index.php?topic=2047.0

Diễn biến chiến đấu 14 - 16/11/1965
http://www.wtj.com/articles/xray/index_map_01.htm
http://www.wtj.com/articles/xray/index_map_02.htm
http://www.wtj.com/articles/xray/index_map_03.htm


Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #36 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2009, 08:58:26 pm »

 Theo tài liệu ta thì trận Ia đrăng kết thúc vào ngày 18/11/1965 sau trận tập kích của Trung đoàn 33 vào trận địa pháo Phan-cơn chứ không phải ngày 17/11.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #37 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2009, 09:39:12 pm »

Trong trận Ia đrăng bộ đội VN đã chiến đấu như thế nào, sau đây là trích từ chính báo cáo của H. Moore nhận xét về đối phương:


1. Họ tỏ ra là được huấn luyện tốt. Họ rất dữ tợn. Họ được vũ trang vượt trội bằng vũ khí tự động với khá nhiều đạn. Mỗi người có 3-5 lựu đạn chày TQ. Họ mang theo người túi cơm bằng cỡ quả bóng mềm, phần lớn mang quân trang dùng khi ngủ gồm một tấm vải nhựa chống thấm nước (tăng) và võng. Vũ khí của họ được bảo quản tốt.

2. Họ là những chuyên gia trong ngụy trang và tận dụng địa hình địa vật để ẩn nấp một cách hoàn hảo. Chỉ với vũ khí cá nhân, súng cối và súng chống tăng, họ hiển nhiên là cố gắng tiếp cận quân ta (Mỹ) nhanh chóng với số lượng lớn - trước khi chúng ta phát hiện - có thể là để giảm hiệu quả chi viện hỏa lực của ta và chắc chắn để tràn ngập và bắt quân ta đánh theo kiểu của họ. Không có nhiều hỏa lực hỗ trợ, hợp lý là họ phải dựa vào khả năng ngụy trang tốt, tấn công ồ ạt (strike in mass), xâm nhập và các toán thiện xạ giấu mặt (stay-behind killer parties).

3. Họ là những tay súng chết người. Khi xem xét những người chết và bị thương, tôi đã choáng váng vì số lượng lớn những người bị trúng đạn vào đầu hoặc phần trên của cơ thể - đặc biệt là vào đầu. Họ chủ tâm nhằm vào những chỉ huy - những người hò hét, chỉ trỏ, trao đổi qua điện đài. Họ cũng nhằm vào những người mang điện đài. Họ cũng tỏ ra là chú ý đến những người mang dấu hiệu cấp bậc - nhất là các hạ sĩ quan với vạch cấp bậc trên cánh tay. Trong cuộc chiến này, tôi tự hỏi là liệu có cần thiết, có lẽ thậm chí là ngu xuẩn khi bắt các hạ sĩ quan - hay bất cứ quân nhân nào mang vạch cấp bậc để hút đạn như vậy. Trong các đơn vị nhỏ, tất cả đều biết chỉ huy của mình. Ở căn cứ, các chỉ huy có thể mang dấu hiệu cấp bậc. Khi chiến đấu, họ không nên mang gì trên cánh tay.

4. Khi tấn công, các đơn vị QĐNDVN đối đầu với chúng tôi sử dụng chiến thuật xung phong ồ ạt (mass assault) trong một số trường hợp được khởi đầu bằng hỏa lực cối nhẹ và rocket chống tăng. Cái thứ hai tôi tin rằng vẫn thường bị nhầm với hỏa lực súng cối. Họ cũng sử dụng cách vận động bao vây (encircling movement) với các toán 50-75 người. Họ triển khai súng máy hết sức tốt và hiểu rõ giá trị của hỏa lực  (grazing fire). Ban đêm, họ dùng các toán nhỏ xâm nhập vị trí quân ta. Những toán đó triển khai trên các tổ mối, trên cây và những vị trí bắn tốt trong cự ly gần. Họ rất giỏi trong việc đột nhập vành đai phòng thủ của ta và có nỗ lực lớn trong việc buộc các vị trí của ta phải nổ súng.

5. Khi bị súng cối, pháo binh, không quân hay trực thăng phóng rocket bắn chặn họ tỏ ra rối loạn hơn. Napan và đạn phốtpho trắng hiển nhiên là những thứ họ không thích.

6. Họ có vẻ là không có điện đài. Các sĩ quan chỉ huy bằng cách la hét. Kèn được sử dụng trong đêm 14 và 15/11 ở trên núi ngoài chu vi phòng thủ của tiểu đoàn. Ngoài ra, trong đêm ở trên núi họ cũng dùng đèn hiệu.

7. Họ chiến đấu cho tới chết. Khi bị thương, họ vẫn tiếp tục chiến đấu bằng vũ khí cá nhân và lựu đạn. Họ tỏ ra cuồng tín (fanatical) khi bị thương và phải hết sức thận trọng khi lại gần. Nhiều lính ta đã bị bắn bởi các thương binh QĐNDVN.

8. Họ cũng tỏ ra cuồng tín (fanatical) trong việc nỗ lực thu hồi thương binh, tử sĩ và vũ khí của họ. Họ không bao giờ chịu ngừng điều này và tận dụng màn đêm, cỏ cao, tổ mối và các điều kiện khác để đạt được hiệu quả cao nhất. Chúng tôi tìm thấy nhiều xác chết với dây buộc quanh cổ chân và a short, running and free (?). Tôi thấy 2 lính của ta chết cũng được buộc dây tương tự.

9. Một số người đã đối diện với kẻ địch cho biết một số lính VN có vẻ "phê thuốc" (hopped up"). Họ lập luận dựa trên những gì đã chứng kiến là sau khi trúng đạn, nhiều lính VN tiếp tục chạy thêm nhiều bước và bắn trước khi gục xuống. Trong những trường hợp đó, có thể là đạn M16 với vận tốc cao đã đi xuyên qua người mà không gây hiệu quả tức thời. Ngoài ra vài người kể rằng họ thấy một số lính địch vẫn quàng súng mặc dù đang bị bắn. Một hạ sĩ quan kể rằng một toán 30 hoặc hơn thế tiếp tục đi ngang trước mặt tiểu đội của anh ta mặc dù bị bắn tan tác từ bên sườn.

10. Một chiến thuật ưa thích của QĐNDVN mà chúng tôi gặp có vẻ là sử dụng các phân đội nhỏ, mạnh cơ động bao vây (aggresive small-unit encircling maneuver). Một chiến thuật khác là dùng 6-10 lính VN xung phong nhanh chóng vào 2-3 lính của ta.

11. Chúng tôi tìm thấy một số thẻ bài và ví của lính ta bị giết trên thi thể lính VN.   

Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #38 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2009, 02:01:30 am »

Chúng tôi tìm thấy nhiều xác chết với dây buộc quanh cổ chân và a short, running and free (?).

"a short, running end free", tức là một đoạn dây ngắn, đầu kia không có gì.

Tài liệu mình có thông tin gì về quân số lúc đầu của d9 và d7 không nhỉ? Theo cái bài đã biến mất trên QĐND về trận Hướng Hóa thì d7/e66B năm 68 quân số tới 700 người?
 

« Sửa lần cuối: 22 Tháng Hai, 2009, 02:09:46 am gửi bởi altus » Logged
Hungnt_E1F2
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1072


« Trả lời #39 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2009, 10:51:19 am »

Chúng tôi tìm thấy nhiều xác chết với dây buộc quanh cổ chân và a short, running and free (?).
Đó là cách làm thông thường của lính mình khi đi dọn dẹp làm công tác chinh sách thương binh tử sĩ, nhằm chống lựu đạn hay mìn địch cài lại: buộc dây và đứng xa kéo ra chỗ khác rồi mới làm.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Hai, 2009, 10:57:13 am gửi bởi Hungnt_E1F2 » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM