Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:13:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận Ia Drang và Playme, Sa Thầy  (Đọc 124597 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
danngoc
Thành viên
*
Bài viết: 948

Đã bị khóa vĩnh viễn


« Trả lời #20 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2008, 10:46:44 am »

Vỉ tất vỉ tất
Logged

Chết vì ghét người!
TQNam
Thành viên
*
Bài viết: 1267


« Trả lời #21 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2008, 03:41:14 pm »

Nghe rất chi là VNCH, nói như huyphuc, các bác các chú ấy sính dùng từ Hớn Vịt cho nó oai. Nên mới có "thiết vận xa" là "xe chở sắt".
Chớ ngại dùng từ Hớn-Vịt, có lắm từ tuy gốc Hán nhưng đã trờ thành vốn từ tiếng Việt đượng đại. Chiến lệ cũng không phải do VNCH sáng chế, ta cũng dùng. Khi tôi học SQDB, các giảng viên cũng dùng từ nầy. Giữa "tài liệu tổng kết" với "chiến lệ" có hơi khác ở mục đích sữ dụng. Chiến lệ là các trận đánh, có thể thành hay bại, được tổng kết và biên soạn lại thành bài giảng cho các cán bộ chỉ huy học, minh hoạ cho một chiến thuật hay một vấn đề nào đó trong trong thực hành chỉ huy chiến đấu v.v.
Logged
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #22 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2008, 05:00:50 pm »

Trong các nhà trường quân đội vẫn dùng từ "chiến lệ" một cách bình thường!
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
ChimViet
Thành viên
*
Bài viết: 58


« Trả lời #23 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2008, 06:43:27 am »

Cảm ơn bác DepTraideu. Tôi phải thử xem được ko.
(Bác nên lấy tên chính là "kẻ thù của chị em" hay hơn. Còn '"kẻ thù của đế quốc" là đương nhiên rồi)

Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #24 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2008, 10:56:52 am »

Có 1 chi tiết ngoài lề: Phim We are Soliders nói bọn Mĩ còn phải chiến 1 số lớn quân của MTGP với bà ba đen, nón lá (ở đây đã thấy sạn rồi), liệu có đúng không nhỉ. Em thì chả tin vì nơi rừng rú không dân vậy mà có lắm quân MT thế thì đúng là không tưởng
À mà đúng là có khác biệt số liệu thương vong của ta. Tổng thì sàn sàn rồi nhưng số hi sinh lệch nhau gần 5 chục
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #25 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2008, 11:50:48 am »

Theo Moore thì ở Iađrăng có tiểu đoàn H15 của MTGP tham chiến (cái đội béo ú mặc quần áo đen nón lá trong phim đây). Còn tài liệu ta thì tiểu đoàn này là quân của tỉnh đội Gia Lai, đánh trên hướng phối hợp phía đông đường 14.

Số thương vong phụ thuộc báo cáo lấy ở thời điểm nào, vì có thể có một số "thương" chuyển thành "vong".

[attachment=1]
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #26 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2008, 12:16:44 pm »

Chiến lệ trận Iadrang bọn tớ học:

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #27 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 04:53:12 pm »

CHIẾN DỊCH PLÂY ME
(Tiến công, từ ngày 19 tháng 10 đến ngày 26 tháng 11 năm 1965)

Tháng 9 năm 1965, Bộ chỉ huy quân Mỹ đã điều sư đoàn kỵ binh không vận số 1 lên án ngữ ở An Khê (Gia Lai), ngăn chặn ta, cắt Tây Nguyên cùng với đồng bằng ven biển. Quân ngụy thành lập biệt khu 24 gồm 2 tỉnh Kon Tum - Gia Lai và chuyển giao nhiệm vụ tác chiến chủ yếu ở Tây Nguyên cho quân Mỹ để thực hiện kế hoạch "tìm và diệt" trong chiến lược "chiến tranh cục bộ" của chúng (Chú thích: Ngày 17 tháng 7 năm 1965. Tổng thống Mỹ L.Giôn-sơn chuẩn y về đề nghị tăng quân lên 44 tiểu đoàn và kế hoạch "tìm và diệt" của tướng Oét mo-len. Từ tháng 7 đến cuối năm 1965, các sư đoàn bộ binh (Anh cả đỏ) sư đoàn kỵ binh không vận số 1. lữ đoàn 1 thuộc sư đoàn kỵ binh không vận 101 (Thiên thần mũ đỏ). lữ đoàn 3 thuộc sư đoàn bộ binh 25 (Tia chớp nhiệt đới) trung đoàn ky binh thiết giáp 11 ... Tính đến tháng 12 năm 1965, tổng số quân Mỹ lên đến 184.314 tên vào trực tiếp tham gia chiến đấu ở miền Nam.)

Ở khu vực Plây Me, Bầu Cạn, Đức Cơ (tây nam thị xã Plây Ku 30km), địch có lữ đoàn kỵ binh không vận số 3, một chiến đoàn dù, 1 chiến đoàn thiết giáp quân đội Sài Gòn và 1 trung đoàn quân đội Nam Triều Tiên, có pháo binh, máy bay (cả máy bay B52) yểm trợ, để tìm diệt chủ lực của ta, hỗ trợ cho quân ngụy bình định.
Trong bối cảnh đó, Bộ tư lệnh chiến trường Tây Nguyên quyết định thay đổi chủ trương giải phóng bắc Tây Nguyên và hạ quyết tâm mở chiến dịch Plây Me nhằm mục đích phối hợp với chiến trường toàn miền Nam tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ để mở rộng và củng cố vùng giải phóng, xây dựng căn cứ, rèn luyện bộ đội và cơ quan chiến dịch. Qua chiến đấu từng bước tìm hiểu quân Mỹ, đồng thời xây dựng lòng tin đánh Mỹ và thắng Mỹ. Thiếu tướng Chu Huy Mân được chỉ định là Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch, đại tá Nguyễn Chánh và thượng tá Nguyễn Hữu An làm phó tư lệnh. Đồng chí Huỳnh Đắc Hương giữ chức phó chính ủy, thượng tá Nam Hà là tham mưu trưởng, thượng tá Đặng Vũ Hiệp làm Phó chủ nhiệm chính trị.
Lực lượng tham gia chiến dịch gồm 3 trung đoàn bộ binh (320, 33, 66), 1 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm; cùng lực lượng vũ trang địa phương đánh phá giao thông và hậu cứ địch.

Đầu tháng 10 năm 1965, căn cứ vào kết quả nắm địch và tình hình chuẩn bị của ta, Bộ tư lệnh chiến dịch đã xác định quyết tâm và giao nhiệm vụ cho các đơn vị như sau: mục tiêu và khu vực diệt địch là đồn Chư Ho, vây lấn đồn Plây Me, phục kích diệt viện trên đường 21 (từ điểm 538 đến đồi Blu). Khu vực đánh Mỹ là thung lũng Ia Đ'răng. Mục tiêu nghi binh là đồn Đức Cơ và Tân Lạc. Mục tiêu của bộ đội đặc công là đồn Bầu Cạn. Hướng phối hợp ở đông đường 14 và Công Tum. Tư tưởng chỉ đạo là bao vây điểm diệt viện; lấy tiêu diệt địch ngoài công sự là chính.

Về cách đánh: vây điểm để kéo quân ngụy ứng viện bằng đường bộ, tạo điều kiện diệt cỡ chiến đoàn hoặc trung đoàn chủ lực ngụy. Buộc quân Mỹ phản kích để lần lượt tiêu diệt từng đại đội Mỹ khi chúng vận động. Kết hợp đánh đòn tập trung chủ lực với hoạt động nhỏ lẻ của lực lượng khác, tạo thế liên tục tiến công, phân tán sức đối phó của địch.

Về sử dụng lực lượng: vây đồn Plây Me do trung đoàn 3 (thiếu tiểu đoàn 2), được tăng cường 1 đại đội súng máy phòng không 12,7mm. Bộ phận đánh viện trên đường 21 là trung đoàn 320. Trung đoàn 66 và tiểu đoàn 2 đảm nhiệm đánh địch phản kích. Nghi binh ở Đức Cơ do tiểu đoàn pháo 200. Nghi binh ở Tân Lạc là đại đội địa phương. Hoạt động ở hướng phối hợp là tiểu đoàn 15 Gia Rai.

Về kế hoạch, dự kiến chiến dịch chia làm 3 đợt: Đợt 1, vây đồn Plây Me, diệt quân ngụy đi ứng viện; đợt 2, tiếp tục vây đồn Plây Me buộc quân Mỹ vào tham chiến; đợt 3, tập trung lực lượng nhằm vào một cánh quân Mỹ để tiêu diệt và kết thúc chiến dịch.

19 giờ ngày 19 tháng 10, mở màn chiến dịch, tiểu đoàn pháo 200 và đại đội bộ đội địa phương tiến công đồn Tân Lạc và Đức Cơ nhằm thu hút sự chú ý của địch. 22 giờ 54 phút cùng ngày, trung đoàn 33 nổ súng diệt đồn tiền tiêu Chư Ho, đưa lực lượng vào bao vây đồn Plây Me.

Ngày 20, địch dùng không quân đánh phá dữ dội vào đội hình trung đoàn 33. Thông tin giữa đại đội và tiểu đoàn luôn luôn bị gián đoạn. Trên trục đường 21 địch cho một đại đội thám báo phân tán thành nhiều tốp nhỏ đi qua trận địa phục kích của trung đoàn 320. Ngày hôm sau (21 - 10), địch đổ tiểu đoàn biệt kích xuống làng Khọp cách Plây Me 5km về phía bắc. Chiến đoàn 3 và tiểu đoàn 21 biệt động quân lên tập trung ở Phú Mỹ.

Ngày 23 tháng 10 (12 giờ), chiến đoàn 3 thiết giáp từ Phú Mỹ hành quân lên Plây Me, ý định đến Plây Me vào buổi chiều. Đội hình thành 3 chi đoàn M113 và xe tăng; tiểu đoàn 21 biệt động quân, tiểu đoàn 1 trung đoàn 42 và 2 khẩu pháo 105mm. Địch đi chậm vì sợ bị phục kích. Lúc 16 giờ 30 phút, đầu đội hình đến giữa trận địa phục kích của ta. 16 giờ 48 phút, địch bất ngờ ném bom vào điểm cao 538 nơi ta triển khai lực lượng chặn đầu. Sau đó chúng dùng 5 xe tăng dàn hàng ngang đánh chiếm mục tiêu này. Tại đây bộ đội ta bắn cháy 2 xe, giữ vững trận dịa. Các tiểu đoàn 634 và 635 của ta xung phong tiêu diệt địch trên dọn đường 21. Một bộ phận địch co cụm ở đồi Độc Lập, quân ta tổ chức xung phong nhiều lần nhưng không chiếm được đồi. Kết quả, ta diệt 59 xe tăng, xe bọc thép và 800 tên địch, thu 2 pháo 105mm và 6 xe đạn, 40 súng các loại, bắn rơi 2 máy bay.

Trước thất bại của quân ngụy, tướng Oét-mo-len, tư lệnh quân viễn chinh Mỹ lên Tây Nguyên; lệnh cho trung tướng Ha-ri-kin-na, tư lệnh sư đoàn kỵ binh bay số 1: "phải tìm địch và cướp lấy quyền chủ động về tay mình". Nhận lệnh đó, sư đoàn kỵ binh bay số 1 vào tham chiến trên địa bàn chiến dịch. Lúc 7 giờ ngày 24 tháng 10, địch dùng 93 trực thăng đổ tiểu đoàn Mỹ đầu tiên xuống tây nam Phú Mỹ 2km. 15 giờ cùng ngày, Mỹ tiếp tục dùng 60 trực thăng đổ tiểu đoàn Mỹ cùng pháo 105mm và cối 106,7mm xuống Plây Đô Đoát đông bắc đồn Plây Me 10km.
Được sự hỗ trợ của quân Mỹ, số địch còn lại của chiến đoàn 3 và lực lượng mới bổ sung (tiểu đoàn 22 biệt động quân và tiểu đoàn 91 biệt kích) tiếp tục tiến về Plây Me, nhưng chúng bị ta chặn đánh quyết liệt. 

Ngày 26 tháng 10, sở chỉ huy chiến đoàn Mỹ đến Bàu Cạn, Vĩnh Hồ, tư lệnh quân đoàn 2 ngụy cũng có mặt trên trực thăng để chỉ huy quân ngụy giải tỏa cho Plây Me.

Quân Mỹ vào tham chiến đã làm cho cường độ hỏa lực địch tăng lên đột ngột. Chúng tập trung đánh phá vào đội hình của trung đoàn 33, để chi viện cho các mũi phản kích của quân ngụy. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định ta đã diệt được một phận quan trọng quân cơ động của ngụy buộc quân Mỹ phải vào tham chiến. Nhiệm vụ bao vây của Plây Me đã hoàn thành. Chủ trương của ta mở bao vây, điều chỉnh lại đội hình. Sử dụng 2 trung đoàn 320 và 33 sẵn sàng đánh bại các đợt phản kích tiếp theo của địch. Ngày 29 tháng 10, ta chủ động kết thúc đợt 1 chiến dịch. 

Những ngày cuối tháng 10, địch biết được hậu phương của hai trung đoàn 33 và 66 của ta. Ngày 31 tháng 10, địch cho trực thăng đổ quân Mỹ xuống làng Mùi tập kích tổ trinh sát của ta, sau đó rút ngay. Một đại đội khác của địch đổ xuống Plây Ia Briêng tập kích vào bộ phận thông tin. Ngày 2 tháng 11 một tiểu đoàn Mỹ tiến vào khu doanh điền Đức Nghiệp và ở lại đó một ngày. Ngày 3, một đại đội Mỹ đổ xuống Plây Thê, lực lượng này giao chiến với một đại đội trung đoàn 33. Ngày 4, một đại đội Mỹ cùng quân ngụy tập kích vào nơi cũ của tiểu đoàn 2, tiểu đoàn 3 của ta ở gần đó đã vận động đánh vào bên sườn diệt một trung đội dịch. Ngày 6, một đại đội Mỹ tập kích vào một đại đội của tiểu đoàn 1. Tiểu đoàn 2 đã chủ động phối hợp với tiểu đoàn 1 diệt gần 1 đại đội địch. Ngày 10 tháng 11, quân Mỹ quyết định thay lữ đoàn 1 bằng lữ đoàn 3. Trong đợt này Mỹ ra quân có tính chất thăm dò lực lượng ta. Ta đánh thiệt hại từng bộ phận quân Mỹ và điều chỉnh lực lượng tạo thể cho trận then chốt.

Ngày 11 tháng 11, một tiểu đoàn quân Mỹ tiếp tục đổ xuống Plây Ngo, cách Plây Me 12km về phía tây. Nhận được tin này, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định thực hiện phương án 2. Mở đầu cho đợt 3, đội đặc công của tiểu đoàn 952 dùng 4 súng cối tập kích hỏa lực vào sở chỉ huy lữ đoàn 3 của Mỹ ở Bàu Cạn. Phối hợp với chiến trường Plây Me và miền Đông Nam Bộ, bộ đội đặc công đã tập kích vào sở chỉ huy sư đoàn 1 ở An Khê.
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #28 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 04:53:26 pm »

Sau khi trinh sát xác định được vị trí đóng quân của tiểu đoàn 9 trung đoàn 66 ở đông bắc Chư Pông 3km (địch đặt tên khu vực này là bãi tia X), 10 giờ ngày 17 tháng 11, lữ đoàn 3 đổ 2 đại đội lựu pháo xuống phía đông bãi tia X khoảng 11km. Sau khi hoàn thành trận địa, địch tập trung pháo binh và máy bay trực thăng bắn phá khu vực bãi tia X. 10 giờ 48 phút, quân Mỹ dùng 8 trực thăng đổ bộ bộ phận đi đầu (Chú thích: Bộ phận này thuộc đại đội Bra-vô gọi tắt là đại đội B.) của tiểu đoàn 1 (109 tên trong đó có tiểu đoàn trưởng trung tá Hê-rôn Mo và đại úy Giôn-hê Rên) xuống bãi tia X. 35 phút sau, địch tiếp tục đổ đại đội A quân số 106 tên do đại úy Na- đan chỉ huy. Sau khi nắm được đại đội A, tiểu đoàn trưởng Mo cho quân chia làm 2 mũi tiến công vào tiểu đoàn 9 của ta. Trong lúc địch tiến công vào tiểu đoàn 9; tiểu đoàn trưởng đang đi nhận lệnh ở trung đoàn chưa về, đồng chí trợ lý tác chiến đã chỉ huy bộ đội ở cơ quan tiểu đoàn đánh địch và yêu cầu đại đội 13 tiếp ứng. Tuy bị bất ngờ nhưng bộ đội ta chiến đấu rất dũng cảm, các đại đội 13, 11 và 12 nghe tiếng súng đã chủ động cơ động bộ đội đánh vào bên sườn quân dịch. Đại đội B của địch bị đánh mạnh ở hai bên sườn. Trung đội 2 do trung úy Hen-rich chỉ huy bị cắt rời khỏi đội hình và bị bao vây. Tiểu đoàn trưởng Mo gọi đại đội A đến cứu nhưng đại đội này cũng bị ta tiến công. Chiều hôm đó tiểu đoàn trưởng và tiểu đoàn phó nhận lệnh về, nhưng không về vị trí chỉ huy nên không nắm được đại đội 11. Do vậy các đơn vị của tiểu đoàn 9 đà tự động rời vị trí: đại đội 12 và 15 lùi về suối Ea Kốc, đại đội 13 di chuyển về hướng tiểu đoàn 7. Trên đường lui quân, đại đội 13 gặp chính ủy trung đoàn 66, chính ủy lệnh cho đại đội này đưa trung đoàn 9 quay lại nắm địch, số còn lại chuẩn bị chiến đấu.

Đêm 14 tháng 11, nhận được báo cáo của trinh sát, Bộ tư lệnh tiền phương lệnh cho chính ủy trung đoàn 66 đi cùng tiểu đoàn 7 tập kích lực lượng còn lại của tiểu đoàn 1 Mỹ ở bãi tia X. Tiểu đoàn 7 (thiếu đại đội 3) ở đông nam Chư Pông cách địch 5km, được trung đội 9 đại đội 13 tiểu đoàn 9 dẫn đường, xuất phát lúc 22 giờ 50 phút nhưng không gặp địch vì chúng dã di chuyển. Đến 5 giờ sáng ngày 15 tháng 11, ta mới bám được địch, tiểu đoàn triển khai đội hình, dùng cối 82mm bắn chế áp ngắn, rồi xung phong. Ta và địch đánh giáp lá cà, địch bị bất ngờ chống đỡ yếu ớt, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 tên (có 80 tên Mỹ), số còn lại co cụm cầu cứu đại đội khác. Nhưng các đơn vị này của chúng cũng đang bị quân ta tiến công, nên không chi viện cho nhau được.

Trước sức ép của ta, địch đổ 2 đại đội pháo 105mm (12 khẩu) xuống phía đông bãi tia X 4,5km để phối hợp với trận địa pháo ở Phan Cơn và cùng không quân chi viện cho tiểu đoàn 1. Do hoảng hốt và đội hình ta-địch gần nhau nên không quân Mỹ đánh cả bom na pan vào vị trí chỉ huy của tiểu đoàn 1 (Mo). Tư lệnh lữ đoàn 3 vội vã điều khiển tiểu đoàn 2 do trung tá Ro-bớc-tưn-li chỉ huy xuống khu vực Vích To (tên do địch đặt) cách bãi tia X hai dặm để cứu nguy cho tiểu đoàn 1. 
Trong những ngày qua, địch đã tập trung hỏa lực ở mật độ cao: 2 cụm pháo 105mm (48 khẩu) đã bắn 6.000 viên/ngày; xuất kích từ 130 đến 140 lần chiếc máy bay chiến thuật mỗi ngày để yểm trợ cho quân Mỹ. Cũng trong đợt này (ngày 15 tháng 11), lần đầu tiên Mỹ dùng 24 chiếc máy bay B52 làm nhiệm vụ chiến thuật đánh xuống vùng Chư Pông hàng trăm tấn bom.

Sáng ngày 17 tháng 11, Mỹ liên tục cho máy bay B52 đánh phá khu vực núi Chư Pông, sau đó đổ 2 tiểu đoàn: tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn kỵ binh bay số 5 và tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn kỵ binh bay số 7 xuống khu vực Ia Đrăng nhằm ngăn chặn ta rút quân. Tại đây, hai tiểu đoàn (1 và 8 của trung đoàn 33) đã hình thành mũi tiến công vào bên sườn địch. Bị đánh bất ngờ địch co cụm chống đỡ. Trong quá trình chiến đấu, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8 hy sinh, chính trị viên cũng bị thương nặng, tiểu đoàn phó tiểu đoàn 1 chỉ huy hai tiểu đoàn chiến đấu quyết liệt và anh dũng hy sinh. Trong tình huống đó, bộ đội ta vẫn giữ vững trận địa, chiến đấu ở Ia Đrăng suốt 8 giờ liền, ta diệt gần hết tiểu đoàn 1 của Mỹ và đánh thiệt hại một tiểu đoàn khác của chúng. Đây là trận then chốt quyết định của chiến dịch Plây Me.

Ngày 17 tháng 11, địch đổ chiến đoàn dù xuống Đức Cơ và Plây Chê nhằm chia cắt phía trước với phía sau của ta. Trung đoàn 320 chỉ còn tiểu đoàn 334 ở địa bàn tác chiến nên không tổ chức đánh địch được. Ngày 25 tháng 11 năm 1965, chiến dịch kết thúc.

Kết quả toàn chiến dịch, ta tiêu diệt 1 chiến đoàn bộ binh cơ giới hỗn hợp của quân Sài Gòn; tiêu diệt trung đoàn 2, đánh thiệt hại tiểu đoàn 1 của sư đoàn kỵ binh bay Mỹ số 1, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.974 tên địch (có 1700 Mỹ), phá hủy 89 xe quân sự, bắn rơi 59 máy bay (Chú thích: Báo cáo của Mặt trận Tây Nguyên. HS 958. 501. Lưu trữ Cục Tác chiến BQP.).

Plây Me là chiến dịch đánh Mỹ đầu tiên của mặt trận Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến dịch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao, tiêu diệt được một bộ phận quân Mỹ ngay trong trận đầu. Thắng lợi của chiến dịch có ý nghĩa to lớn về cả chính trị và quân sự, động viên quân và dân khu 5 nói riêng và cả nước nói chung, góp phần củng cố lòng tin tưởng của quân dân vào sư lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp chống Mỹ, giành độc lập dân tộc. Thung lũng Ia Đrăng đã đi vào lịch sử, đánh dấu sự thất bại đầu tiên của Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam.

Thắng lợi của chiến dịch Plây Me không chỉ dừng ở số lượng quân ngụy, quân Mỹ bị tiêu diệt mà còn để lại nhiều bài học có giá trị về nghệ thuật quân sự:

Trước hết là nghệ thuật dự báo đúng đối tượng tác chiến. Khi quân Mỹ vào miền Nam, việc phải tác chiến trực tiếp là điều không thể tránh khỏi. Tuy vậy đến thời điểm này (10 - 1965) những hiểu biết của ta về Mỹ còn rất hạn chế, biên chế tổ chức, nghệ thuật tác chiến, khả năng của quân Mỹ là một câu hỏi chưa có lời giải. Để kiểm chứng điều này, nhân lúc Mỹ mới có mặt ở Tây Nguyên, ta mở chiến dịch tiến công Plây Me. Chủ trương của ta là vừa đánh vừa tìm hiểu để bổ sung cho những nhận định ban đầu. Thực tế cho thấy những dự đoán của ta là dúng.
Lựa chọn cách đánh và đánh thắng địch ngay trận đầu là nét độc đáo của nghệ thuật chỉ huy chiến dịch. Quân Mỹ mới vào miền Nam tuy có chiếm ưu thế về hỏa lực, sức cơ động nhưng chúng rất chủ quan không đánh giá đúng mình và coi thường đối phương. Đó chính là sơ hở để ta lợi dụng đưa Mỹ vào thế trận cài sẵn. Vì vậy, yêu cầu của chiến lược với chiến dịch này là dù phải hy sinh ác liệt tới đâu cũng quyết thắng trận đầu. Dựa vào cơ sở trên, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định dùng cách đánh vây điểm để diệt viện. Tận dụng những sai lầm của địch để đề ra kế hoạch tác chiến cho từng giai đoạn. Ta đã chuẩn bị chiến dịch đầy đủ, cụ thể là có quyết tâm đúng ở từng tình huống. Mặt khác ta không coi thường địch mà đã chuẩn bị tốt tư tưởng tâm lý cho cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng chấp nhận hy sinh để giành thắng lợi. Sự sắc sảo của nghệ thuật chỉ huy chính là biết khoét sâu vào chỗ yếu, chỗ sơ hở của địch để lựa chọn địa hình, lựa chọn cách đánh đúng, giành thắng lợi trong từng trận chiến đấu.

Trong chiến dịch này mưu hay của ta là lừa địch, kế giỏi là dụ quân Mỹ vào đúng điểm quyết chiến ta đã chọn; phát huy sở trường đánh gần của ta để làm hạn chế điểm mạnh về hỏa lực, cơ động Mỹ. Thắng lợi của chiến dịch đã khẳng định ta có khả năng đánh tiêu diệt từng tiểu đoàn quân Mỹ.


(Viện Lịch sử quân sự, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, NXB QĐND, 2003)
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #29 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 04:55:36 pm »

CHIẾN DỊCH SA THÀY
(Tiến công, từ ngày 18 tháng 10 đến ngày 6 tháng 12 năm 1966)

Tháng 10 năm 1966, trong chỉ thị của Quân ủy Trung ương chỉ rõ "... Tây Nguyên là một chiến trường ta có điều kiện đánh tiêu diệt vừa và lớn, có điều kiện giữ ưu thế chiến dịch dài ngày, có thể thu hút và giam chân nhiều lực lượng địch...". Từ chỉ thị này, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã giao nhiệm vụ tác chiến cho các mặt trận. Căn cứ vào nhiệm vụ của Quân khu giao, Đảng ủy và Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên quyết định mở chiến dịch tiến công địch trên hướng Sa Thày (Chú thích: Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên: đồng chí Chu Huy Mân. Tư lệnh kiêm Chính ủy mặt trận.) nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, cụ thể từ 2 - 3 tiểu đoàn Mỹ, từ 3 - 5 tiểu đoàn ngụy, hỗ trợ cho phong trào phá ấp, giành dân của địa phương, thu hút và giam chân chủ lực địch để phối hợp chặt chẽ với các chiến trường trên toàn miền đánh bại cuộc phản công của địch.

Khu vực tác chiến chủ yếu xác định khoảng 500km2 nằm trên địa bàn huyện Sa Thày và một phần tây bắc huyện Chư Păh. Cụ thể từ biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia đến đường 15 từ Sùng Lễ đến Sùng Thiện. Địa hình có hai phần tương đối rõ rệt: từ sông Sa Thày đến sông Pô Kô núi cao liên tiếp thành dãy, ở khu vực phía tây cứ điểm Plây Jirăng có một số núi thấp, gần sát sông Sa Thày có một số bãi trống; từ sông Sa Thày đến sát biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia là rừng bằng, cây thưa có nhiều bãi trống, rất có thể địch sẽ lợi dụng đổ quân bằng máy bay lên thẳng. Đường bộ, phía bắc có đường 18, phía nam có đường 19. Đường thủy, có 2 con sông chảy dọc theo địa bàn mở chiến dịch, nước chảy xiết, sông Sa Thày rộng từ 100 đến 200m, sông Pô Kô từ 300 đến 500m.

Phương châm tác chiến là đánh địch ngoài công sự là chính, thực hiện đánh phía trước, đánh bên sườn và đánh phía sau địch, kết hợp với tích cực đánh phá giao thông; bố trí có chiều sâu, có dự bị mạnh, nhử địch vào sâu để tiêu diệt.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm sư đoàn bộ binh 1 (Chú thích: Sư đoàn bộ binh do đồng chí Hoàng Kiện. Tư lệnh; đồng chí Huỳnh Đắc Hương. Chính ủy.), trung đoàn bộ binh 95 (do đồng chí Lê Khắc Cần, trung đoàn trưởng; đồng chí Nguyễn Hữu Hưu, phó chính ủy), tiểu đoàn cối 120mm, 2 tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm, đây là lực lượng tiến công trên hướng chủ yếu của chiến dịch (ở khu vực tây cứ điểm Plây Jirăng gồm 4 khu: khu A, khu B, khu C và khu D) (Chú thích: Bốn khu A. B. C. D là địa danh từng khu vực tác chiến do Bộ tư lệnh chiến dịch đặt.). Khu vực quyết chiến là 2 khu C, D; trong đó, trung đoàn 95 làm nhiệm vụ đánh khêu ngòi. Hai hướng phối hợp: sử dụng tiểu đoàn bộ binh 6 và 1 đại đội cối 120mm tiến công địch ở khu vực đường 18, tiểu đoàn bộ binh 101 tiến công địch ở khu vực đường 19. Thời gian chiến dịch dự kiến là 1 tháng. Ngoài ra còn huy động lực lượng 2 trung đoàn 24 và 33 hoạt động cùng lực lượng vũ trang địa phương để nghi binh, thu hút địch về bắc Kon Tum và bắc Buôn ra

Ý định chiến dịch: Đợt 1, đánh khêu ngòi, tạo phản ứng nhỏ để diệt đại đội hoặc tiểu đoàn dịch, dụ chúng vào khu B, C. Đợt 2, tập trung đánh một số trận lớn ở khu C và D. Trước khi ta mở chiến dịch, lực lượng địch ở Tây Nguyên gồm quân Mỹ có lữ đoàn 2 thuộc sư đoàn 4 bộ binh, lữ đoàn 3 thuộc sư đoàn 25 bộ binh ở Kon Tum và Tân Cảnh. Quân ngụy có trung đoàn 42 bộ binh (gồm 2 tiểu đoàn ở Tân Cảnh và 1 tiểu đoàn ở Kon Tum), 2 tiểu đoàn (trung đoàn 45 bộ binh), sư đoàn bộ sư đoàn 23 bộ binh ở Buôn Ma Thuột, 2 tiểu đoàn biệt động quân (21, 23) và tiểu đoàn 91 biệt kích dù ở Plây Ku. Ngoài lực lượng trên còn có lực lượng bảo an, dân vệ và địch có thể sử dụng từ 1 đến 2 lữ đoàn thuộc sư đoàn kỵ binh không vận, lữ đoàn 101 dù Mỹ, 1 trung đoàn quân Nam Triều Tiên và từ 1 đến 2 chiến đoàn ngụy vào tham chiến. Thủ đoạn tác chiến của quân Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên vẫn chưa thay đổi: ỷ vào sức cơ động nhanh, hỏa lực mạnh, khi phát hiện chủ lực ta, thường nhảy cóc sâu vào phía sau, thực hiện bao vây, chia cắt, chặn đường tiếp tế và hợp điểm tiêu diệt. 

Sau khi có kế hoạch tác chiến, các cơ quan và đơn vị tổ chức đi nghiên cứu và chuẩn bị chiến trường. Thực hiện quyết tâm của Đảng ủy và Bộ tư lệnh mặt trận, công tác đảng, công tác chính trị đã phối hợp chặt chẽ với các công tác khác, tập trung giáo dục, động viên bộ đội, trên cơ sở hiểu âm mưu, thủ đoạn hoạt động động của quân Mỹ, phát động bộ đội thực hiện dân chủ quân sự đề xuất được nhiều mưu kế nghi binh thu hút dịch và đánh địch sáng tạo. Thời kỳ này việc bảo đảm hậu cần là một công tác khó khăn, nhưng Đảng ủy và Bộ tư lệnh mặt trận và các địa phương đã huy động đồng bào căn cứ huyện Chư Prông, Chư Păh (Gia Lai), huyện Sa Thày (Kon Tum) đi dân công hoả tuyến gùi gạo, đạn và các cụm kho chiến dịch, trong điều kiện phải giữ bí mật tuyệt đối. Cho đến ngày nổ súng, hướng chủ yếu của chiến dịch đã nhận đủ 1.005 tấn gạo, thực phẩm và súng đạn bảo đảm cho bộ đội hoạt động. Ở các hướng phối hợp, trung đoàn 24 và trung đoàn 33 cùng lực lượng vũ trang địa phương bắt đầu hoạt động thu hút địch về bắc Kon Tum và bắc Buôn Ma Thuột.

Chiến dịch chia làm 3 đợt. Đợt 1, từ ngày 18 đến 29 tháng 10 năm 1966.
Ngày 18 tháng 10 năm 1966, tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn bộ binh 95 tổ chức pháo kích và bao vây đồn biệt kích biên phòng Plây Jirăng mở màn chiến dịch. Các đơn vị công binh và thông tin của Mặt trận phối hợp với trung đoàn bộ binh 95 bắc 2 cầu treo qua sông Pô Kô và mắc đường dây hữu tuyến điện chạy dọc phía tây sông nghi binh địch.

Phát hiện chủ lực quân giải phóng, quân Mỹ vội vã mở cuộc hành quân "Pôn Ri Vơ 4" đánh vào khu vực đông và tây sông Sa Thày. Trước khi tiến quân, sư đoàn 4 Mỹ lập các trận địa pháo binh ở Sùng Lễ, Sùng Thiện, dùng máy bay B52 rải bom ở khu vực cầu treo, đặc biệt là khu vực đông bắc Plây Jirăng, cho biệt kích sục sạo phát hiện lực lượng của ta, chiếm tuyến bàn đạp ở đông sông Pô Kô. Ngày 20 tháng 10, địch dùng máy bay lên thẳng đổ 1 đại đội biệt kích xuống làng Nú. Ngày 23 tháng 10, 2 đại đội Mỹ đổ bộ xuống đông bắc Chư Bai. Ngày 25 tháng 10, 2 tiểu đoàn bộ binh Mỹ và 2 đại đội pháo được máy bay B52 và pháo binh bắn phá dọn đường đổ bộ sang khu vực tây nam Plây Jirăng. 

Ngày 26 tháng 10, tiểu đoàn 2 trung đoàn bộ binh 95 tập kích 1 đại đội biệt kích ở tây bắc Plây Jirăng 10km, diệt 1 trung đội. Ngày 28 tháng 10, hai đại đội Mỹ hành quân bộ xuyên rừng tiến vào khu B và dừng lại ở B1 và B2 cao điểm 612; bị 2 tiểu đoàn 5 và 6, thuộc trung đoàn 320 tập kích diệt gọn. Cùng đêm, tiểu đoàn 2 tập kích 1 đại đội Mỹ ở bắc Sơn Ló, diệt 1 trung đội. Ngày 29 tháng 10, tiểu đội 6 thuộc trung đoàn 320 tập kích quân địch đóng ở làng Mít Dép, diệt 1 đại đội và 1 trung đội khác, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng. Đêm 29, tiểu đoàn 2 tập kích vào trận địa pháo địch ở bắc Chư Groll (khu A), phá hủy 2 khẩu 105mm, bắn rơi 1 máy bay lên thẳng (sau trận này, trên đã điều tiểu đoàn chuyển thuộc trung đoàn 320). Do không nhận thức được nhiệm vụ nên trung đoàn bộ binh 320 chỉ để lại tiểu đoàn 6 ở lại đánh nhỏ lẻ còn toàn bộ trung đoàn hành quân di chuyển lên phía bắc, tách khỏi địch. Căn cứ vào tình hình cụ thể, Bộ tư lệnh chỉ thị cho các đơn vị kết thúc đợt 1 chiến dịch, củng cố và chuẩn bị bước vào đợt 2.

Trong đợt 1, các đơn vị của 2 trung đoàn 95 và 320 liên tục tập kích vào các mũi tiến công, diệt gọn từng đại đội đã gây cho địch tổn thất nặng. Thủ đoạn đổ bộ bằng máy bay lên thẳng kết hợp với từng đại đội biệt kích Mỹ hành quân bộ xuyên rừng đánh chiếm khu vực địa hình khống chế ở đông sông Sa Thày của địch đã thất bại, chúng đã cụm lại ở 2 khu vực: Đất Đỏ và điểm cao 621 (khu B), điểm cao 389, mỗi nơi địch có 1 tiểu đoàn bộ binh và 1 đại đội pháo 105mm, ở vòng ngoài có các đại đội biệt kích lùng sục. Địch đã dùng máy bay B52 đánh 4 lần dọc theo trục cơ động trung đoàn 320.

Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định: địch đã phản ứng theo đúng dự kiến của ta, lữ đoàn 2 thuộc sư đoàn 4 Mỹ đã nhảy vào vòng chiến, có thể lữ đoàn 3 thuộc sư đoàn 25 Mỹ sẽ tiếp tục vào tham chiến. Nên đã lệnh cho trung đoàn 320 quay lại khu B, dùng một bộ phận nhỏ thu hút địch ra bờ sông Sa Thày cho công binh bắc một số cầu giả vượt sông tại 2 khu vực C và D.

Trước những hành động nghi binh của quân ta, địch đã cho nhiều toán quân biệt kích sục sạo ở hai bên bờ sông Sa Thày trong khu vực C và D, dùng máy bay B52 ném bom và tăng thêm quân hỏa lực ở khu vực đông Sa Thày, dùng biệt kích đánh mở đường sang bên bờ tây sông.

Đợt 2, từ ngày 5 tháng 11 đến ngày 26 tháng 1 năm 1966.

9 giờ ngày 5 tháng 11, tiểu đoàn 6 của trung đoàn 320 phục kích diệt 1 trung đội biệt kích địch ở bờ sông Sa Thày, mở màn cho đợt 2 chiến dịch. 14 giờ ngày 10 tháng 11, tiểu đoàn 9 của trung đoàn 66 phục kích tại D1 (khu D), diệt 100 tên biệt kích, bắt sống 3 tên, thu 4 súng tiểu liên. Sau đó địch đổ 1 tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 2 sư đoàn 25 Mỹ, 1 đại đội biệt kích và 1 đại đội pháo đóng thành 1 cụm tại bãi 10, nhưng trung đoàn 66 không nắm được địch. Ngày 11 tháng 11, một đại đội biệt kích tiến vào bãi 9, bị tiểu đoàn 3 trung đoàn 88 chặn đánh, diệt phần lớn đại đội này. 13 giờ, tiểu đoàn 2 thuộc lữ đoàn 2 sư đoàn 4 Mỹ, 1 đại đội biệt kích, 1 đại đội pháo 105mm, 1 đại đội cối 106,7mm đổ bộ xuống chốt cũ của chúng ở C1, điểm cao 289 (khu C). Như vậy ta đã dụ địch vào khu C theo đúng ý định của chiến dịch và cách bố trí của chúng gần đúng với dự kiến của ta. 17 giờ ngày 12 tháng 11 sau khi tiểu đoàn 32 (pháo cối) bắn gần 300 quả đạn cối 120mm và 82mm làm cho 2 đại đội pháo cối và sở chỉ huy tiểu đoàn 2 Mỹ bị tiêu diệt, bộ binh địch bị thương vong nặng, từ các hướng, các chiến sĩ trung đoàn 88 và tiểu đoàn 7 của trung đoàn 66 xung phong tiêu diệt gần hết cụm quân địch ở điểm cao 289 (còn 70 tên chạy thoát bằng máy bay), phá hủy 6 khẩu pháo 105mm, 6 khẩu cối 106,7mm, bắn rơi 7 máy bay lên thẳng. Ngày 13 tháng 11, dưới sự chi viện không quân, 1 đại đội Mỹ đổ bộ xuống điểm cao 289 nhặt xác đồng bọn rồi rút.

Cùng lúc, ở phía nam điểm cao 289, tiểu đoàn 9 trung đoàn 66 tiến công diệt gọn 1 đại đội Mỹ. Cùng ngày, tiểu đoàn 1 thuộc lữ đoàn 3, sư đoàn 25 Mỹ đổ bộ xuống khu D, chúng cho 1 đại đội lùng sục ra phía tây khu D, bị 2 tiểu đoàn 8 và 9 của trung đoàn 66 diệt gọn. Ngày 16 tháng 11, địch phải điều lữ đoàn 2 thuộc sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ đến. Ngày 19 tháng 11, hai đại đội thuộc tiểu đoàn 1, lữ đoàn 3, sư đoàn 25 Mỹ tiến vào đúng khu vực do tiểu đoàn 8 bố trí, bị diệt gần hết (còn 40 tên lên máy bay chạy thoát). Ngày 22 tháng 11, tiểu đoàn 8 (trung đoàn 66) đánh tiếp 1 trận ở tây khu D, diệt 59 tên Mỹ (xác chết có phù hiệu kỵ binh không vận), bắn rơi 3 máy bay lên thẳng. Điểm cao 346 (khu D) và điểm cao 300 (khu C), mỗi nơi khoảng 1 tiểu đoàn bộ binh và 1 đến 2 đại đội pháo 105mm. Ngày 24 tháng 11, địch đổ tiếp 2 tiểu đoàn Mỹ xuống nam và bắc khu B, bị trung đoàn 320 bằng các trận đánh nhỏ liên tục tiến công tiêu hao nên chúng chùn lại. Do có khó khăn về lương thực nên Bộ tư lệnh chiến dịch rút 2 trung đoàn 95 và 320 về khu vực xóm 10 cũ, chỉ để lại tiểu đoàn 6 đánh nhỏ ở các khư vực làng Nú và đường 5B cho đến hết chiến dịch.

Trên khu vực đường 19, tiểu đoàn 101 đánh nhỏ, uy hiếp tây Thăng Đức bằng bắn máy bay, phục kích, buộc địch phải đổ bộ 1 tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 2 sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ xuống Thăng Đức vào ngày 21 tháng 11. Tiểu đoàn 101 tổ chức tập kích ngay khi địch vừa đổ quân, diệt 1 đại đội

Trên khu vực đường 18, ngày 15 tháng 11, tiểu đoàn 6 phục kích địch ở Plây Cần diệt 1 trung đội và liên tục bám địch đánh nhỏ để bảo vệ nhân dân thu hoạch lúa. Ngày 2 tháng 11, đại đội cối 120 bắn vào cụm quân địch tại Plây Dốc diệt 50 tên, phá hủy 1 pháo 105mm. Ngày 25 tháng 11, Đốc binh cùng du kích phục kích địch tại Cần Can, diệt 4 xe GMC. Để phối hợp với chiến dịch, đêm 26 tháng 11, ta tổ chức pháo kích diệt địch ở Plây Me và phục kích chúng trên đường từ Phù Mỹ về Plây Me.

Bộ tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị kết thúc đợt 2 của chiến dịch, củng cố, rút kinh nghiệm để bước vào đợt 3 và nhận định: địch ở trong khu chiến cụm lại ở điểm cao 346 (khu D) và điểm cao 300 (khu C), chúng mới hình thành một cụm ở Bơn Lơn. Ở phía bắc khu B xuất hiện 1 tiểu đoàn kỵ binh không vận, trung đoàn 42 ngụy tiến ra Plây Leng, Plây Ke ... Sắp tới có thể địch sẽ dùng lữ đoàn 101 dù Mỹ với âm mưu và thủ đoạn mới, nên Bộ tư lệnh quyết tâm dụ địch vào khu C khu D để đánh một trận lớn nữa và kết thúc chiến dịch.

Đợt 3, từ ngày 2 tháng 12 đến ngày 6 tháng 12 năm 1966.

Liên tiếp bị đánh đau, địch dùng máy bay B52, máy bay phản lực và pháo binh yểm trợ tích cực cho bộ binh (bình quân mỗi ngày địch ném xuống khu chiến hơn 100 tấn bom và bắn hơn 100 tấn đạn pháo, trong toàn chiến dịch địch đã sử dụng 306 lần chiến máy bay B52 và 10.500 tấn bom đạn). Ngày 2 tháng 12, địch dùng 110 lần chiếc máy bay lên thẳng chuyển gần 2 tiểu đoàn từ các khu B, C, D đổ bộ lên xóm 10 (Cà Đin). Ngày 6 tháng 12, một tiểu đoàn của lữ đoàn 2 sư đoàn 4 Mỹ tiến vào Cà Đin; tiểu đoàn 200 (pháo cối) tập kích hỏa lực tiêu hao nặng tiểu đoàn này. Quân địch phải kết thúc cuộc hành quân và cũng để chuẩn bị cho các nhiệm vụ tiếp theo, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh ra cho các đơn vị kết thúc chiến dịch. 

Kết quả, ta đánh 34 trận, diệt 1 tiểu đoàn, 8 đại đội và 4 trung đội Mỹ tiêu hao nặng, 1 tiểu đoàn Mỹ khác, diệt 5 đại đội và 2 trung đội ngụy, tổng số 2.410 tên (trong đó có 2.050 tên Mỹ), bắn rơi 21 máy bay các loại, phá hủy 26 khẩu pháo và 28 xe quân sự, thu 68 súng các loại.

Nghệ thuật khêu ngòi, dụ địch từng bước là nét nổi bật về nghệ thuật của chiến dịch Sa Thày. Qua kinh nghiệm từ chiến dịch Plây Me, từ các cuộc hành quân Pôn Ri Vơ 1, 2, 3 của địch, Bộ tư lệnh chiến dịch đã nắm được thủ đoạn của chúng. Với khả năng cơ động cao, hỏa lực mạnh, khi địch dùng biệt kích sục sạo, phát hiện được chủ lực của ta ở khu vực nào thì chúng kết hợp các mũi tiến quân, luồn rừng và phối hợp đổ bộ bằng máy bay trực thăng xuống khu vực tác chiến tạo một thế trận bao vây ta, rồi bằng các mũi tiến công chúng hợp điểm để tiêu diệt chủ lực ta. Bộ tư lệnh chiến dịch đã có kế hoạch tỉ mỉ, chu đáo, sử dụng lực lượng thích hợp, khôn khéo khêu ngòi nhử địch bằng bao vây và pháo kích địch tại đồn Plây Jirăng, bắc cầu và rải dây thông tin ở bờ sông Pô Kô dụ chủ lực địch vào khu A và khu B để tiêu diệt (trong đợt 1).

Dụ địch vào đã khó, nhưng để diệt gọn chúng thì còn khó gấp nhiều lần, bởi vì, quân địch với quy mô lữ đoàn, chiến đoàn, lại được sự yểm hộ đắc lực của phi pháo. Bộ tư lệnh chiến dịch đã chỉ đạo tổ chức một hệ thống để dụ địch kết hợp với vận động tiến công của đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, liên hoàn có chiều sâu vài ki-lô-mét hoặc hơn chục ki lô mét, tiêu diệt từng cánh quân giải tỏa của địch. Như vậy trên thực tế hàng chục tiểu đoàn, đại đội Mỹ bị xé lẻ và sa vào lưới lửa giăng sẵn của chủ lực ta và bị tiêu diệt. Chiến thắng Sa Thày đã làm mất hiệu lực chiến thuật "trực thăng vận" của Mỹ ở chiến trường Tây Nguyên, là một chiến dịch có nghệ thuật cao, mưu hay, kế hiểm, để lại nhiều kinh nghiệm quý cho các chiến dịch sau.


(Viện Lịch sử quân sự, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, NXB QĐND, 2003)
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM