Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:52:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ai là thủ phạm trong vụ án Lệ Chi Viên ?  (Đọc 132356 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #20 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2009, 06:59:34 am »

MIẾU THỜ  LỄ NGHI HỌC SỸ NGUYỄN THỊ LỘ DUY NHẤT CÒN Ở THĂNG LONG

TS Đinh Công Vĩ

Kể cả làng Hới ở huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình, có hội chiếu mùa xuân lừng lẫy từng gắn với cuộc đời bà Nguyễn Thị Lộ, đến nay cũng chưa tìm thấy một di tích nào thờ bà. Những nơi thờ Nguyễn Trãi nổi tiếng ở Nhị Khê (Thường Tín) và ở Côn Sơn cũng khó tìm thấy nơi thờ xứng đáng, riêng cho Nguyễn Thị Lộ, người bạn đời, một trợ thủ đắc lực nhất của nhà văn hoá thế giới, vị anh hùng dân tộc; ấy thế, nhưng thôn Khuyến Lương (thuộc xã Trần Phú, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội) vùng đất còn ít người nhắc tới lại có miếu thờ Nguyễn Thị Lộ duy nhất ở Hà Nội (và nước ta) cùng với đền thờ Nguyễn Trãi.

Khuyến Lương là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về thăm. Đây từng là vùng đất cổ với cái tên "Kẻ Mui" lâu đời, từng là một bộ phận trong thái ấp của danh tướng Trần Khát Chân, người bắn chết Chế Bồng Nga, ông vua Chiêm Thành kiệt hiệt nhất, chặn đứng đội hùng binh xâm lược của ông. Nơi đây có chùa Diên Phúc với những di vật hiếm quý từ Lê đến Nguyễn, có đình xây từ đời Lê Thánh Tông. Nhưng quan trọng hơn: Khuyến Lương là nơi   có đền - miếu thờ Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ với câu thơ dân gian:

Khuyến Lương ngào ngạt khói hương
Nơi này còn dấú chung thường xuân thu
Hội làng đền miếu theo mùa
Khai xuân đánh mộc người đua múa quyền
Ức Trai để dấu một miền
Câu thơ Thị Lộ còn thiên bi hùng.


Khuyến Lương gần gũi với sông Hồng. Lấy miếu bà Lộ làm mốc, sát chân đê sông Hồng, chúng ta có thể dễ dàng tìm đến hàng loạt vùng đất để lại những kỷ niệm sâu sắc của Nguyễn Trãi ở cách đó không xa:

Từ đây xuôi với Nhị Khê.
Về Tây Phù Liệt vùng quê hào hùng.
Từ đây vượt nước sông Hồng.
Bên  kia Dạ  Trạch đền thiêng tìm về.
Vĩnh Tuy, Mai Động gần đê.
Muôn đời còn nhớ Hội thề Đông Quan.


Tây Phù Liệt là nơi từng đóng đại bản doanh của Lê Lợi - Nguyễn Trãi, đền Dạ Trạch là nơi Nguyễn Trãi đã viết bài văn cầu mộng dâng lên Tiên Dung, Chử Đồng Tử,  xin ý kiến, nhờ tìm chân chúa nước Nam. Từ miếu bà Lộ theo đường đê sông Hồng về phía Bắc đền Vĩnh Tuy, Mại Động ta sẽ tiếp xúc với nam thành Đông Quan thuở ấy, nơi có hội thề do Nguyễn Trãi thảo văn thề.

Về đời sống: Khuyến Lương gắn với sông nước, từng là vùng dâu tằm xanh biếc. Cũng như quê bà Lộ ở làng Hới (hay có thuyết cho là ở Đồng Triều - Quảng Ninh) đều gắn với sông nước, dâu tằm tươi tốt (chỉ có mỗi một cái khác: Quê bà Lộ có nghề làm chiếu nổi tiếng mà ở Khuyến Lương không có). Khuyến Lương cũng như các làng mang tên Mai (mơ) như Tương Mai, Hoàng Mai... đều thuộc vùng đất lập Thái ấp của Trần Khát Chân được gọi chung là Cổ Mai, từ thời xưa đã trồng rất nhiều mai. Nó phù hợp với Nguyễn Trãi là người hay làm thơ về mai, tỏ rõ ông rất thích mai (Xem Quốc âm thi tập và phần thơ chữ Hán của ông). Cho nên Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ rất thích sống ở Khuyến Lương (cũng như thích ở Côn Sơn, ở Nhị Khê) hơn là ở trong nội thành Thăng Long. Bởi hồi thơ ấu Nguyễn Trãi đã sống ở dinh thự ông ngoại ở ven bờ Bích Câu trong nội thành Thăng Long. Ông đã hoạt động chính trị, làm quan ở nội thành. Nhưng càng ở đó, ông càng thấy "cửa quyền quý ngại lượm chân tay" và càng thấm thía:

Ngại ở dân gian dưới trần
Thời nằm thôn dã miễn yên thân.

(Thuật hứng)

Miền "Thôn dã" Khuyến Lương là nơi trung gian dễ vào nội thành nhưng "yên thân" hơn nên cũng như Côn Sơn, Nhị Khê, Nguyễn Trãi đến đây ở lâu hơn, có điều kiện làm nhiều công đức hơn, làm cơ sở cho việc dựng đền miếu. Theo các cụ cao tuổi ở Khuyến Lương kể lại (dựa theo truyền tụng từ đời trước). Đến đây, Nguyễn Trãi chọn được khu đất cao nổi lên như hình cái bút giữa vùng hồ ao và ruộng sâu (gọi là vùng Thuẫn) gần giếng "Đồng" ở một bên làm nghiên mực. Trên khu đất cao có cây đề cổ thụ phía trước. Nguyễn Trãi dựng trường dạy học. Thuở ấy dân cư thưa thớt, nhà cửa chưa mọc lên lộn xộn như ngày nay, ngồi dạy học trong hương đồng gió nội, ông có thể nhìn thấy cả kinh thành ở phía Bắc. Ngày ông dạy học ở nơi này, tối ông lại về nghỉ với bà Lộ ở căn nhà tranh sát đường chân đê. Thưở ấy chưa bị bồi đắp như ngày nay, con sông Hồng còn chảy gần sát nền nhà tranh, những đêm trăng thanh gió mát hai người thường ra đây ngâm thơ, đàm đạo, soi mình trên sông nước Hồng Hà lấp lánh.

Sau đó là thảm án Lệ Chi Viên kết thúc cuộc đời hai  người. Nhưng mãi đến tháng 7 năm Giáp Thân, niên hiệu Quang Thuận thứ 5 (1464), vua Lê Thánh Tông chính thức ban chế tẩy oan, đến rằm tháng 7 năm ấy lễ tẩy oan Nguyễn Trãi được tổ chức trọng thể tại thôn Hạ - xã Nhị Khê thì sau đấy: Ở Khuyến Lương, đền Nguyễn Trãi mới dựng lên từ nền nhà dạy học. Còn miếu bà Lộ tiếp sau dựng nên từ nền nhà tranh. Triều đình phong kiến cấp hơn 1 mẫu ruộng hương đăng để dân làng phụng thờ hai vị. Khuyến Lương trước kia chia làm 6 phe, phe 5 và phe 6 giữ việc hương khói ngày rằm, mùng 1 và tổ chức giỗ Nguyễn Trãi ở vào ngày 16 tháng 8 âm lịch; còn phe 4 trông nom việc cúng tế ở miếu bà Lộ cũng vào các ngày này. Theo các cụ địa phương: Xưa kia đền Nguyễn Trãi và miếu bà Lộ đều xây tường dày từ 50 đến 60 phân suốt từ đáy đến chỗ vòm cuốn, bằng gạch Bát Tràng. Xưa miếu bà Lộ có đủ tiền tế hậu cung, bên ngoài vẽ hai long mã, bên trong thường xuất hiện hai "Hoàng xà" (rắn vàng) to lớn nhưng không cần ai, càng tăng thêm vẻ linh thiêng của miếu, gắn với truyền thuyết rắn của bà Lộ. Ngày nay, đền Nguyễn Trãi vẫn ở vị trí cũ nhưng thu lại, bé nhỏ giữa một khu dân lộn xộn lấn vào. Kiến trúc ngôi đền quá đơn sơ: Khung toà tiền tế làm bằng gỗ bình thường, mái lợp ngói ta. Hậu cung trong xây vòm cuốn, phía ngoài xây tường gạch, cũ mới lẫn lộn. Vài chữ Hán sót lại cho biết đền trùng tu lần cuối vào năm 1911 đời Duy Tân. Còn nay: Bức chân dung Nguyễn Trãi trong đền, bên cạnh bát nhang đang lặng lẽ suy tư, hai cây cau trước đền ngan ngát toả hương thầm như than thở cho cảnh buồn lạnh vì trừ những cụ già ở Khuyến Lương ra, nơi khác ít người biết tới. Còn miếu bà Lộ: Cũng theo các cụ, miếu đã được sửa chữa vào năm Thành Thái nguyên niên (1889), đời Khải Định (1916 - 1925) được sửa chữa lần nữa, nhưng từ sau thời cải cách ruộng đất và phong trào hợp tác hoá, miếu bị phá, bỏ mặc rơi vào hoang phế. Ở một phía gần miếu, người ta làm chuồng nuôi dê. Hồi chống Mỹ, có một số người dỡ gạch ở miếu để xây hầm trú ẩn. Nay trước mắt chúng tôi chỉ còn lại một phần hậu cung mà mái ngói tróc vỡ hết chỉ còn trơ lại một vòm cuốn cỏ cây hoang dại mọc lên xù xì, bên dưới bẩn thỉu không hơn gì một chuồng lợn. Dân cho biết thêm: Trước đây sát miếu là khu ruộng cấy lúa rồi người ta đào ao, vật đất lên làm trại chăn nuôi đã phát hiện một khối gỗ xếp hình cũi lợn dài rộng 4 x 4m, gồm nhiều thanh có kích cỡ 4 x 0,20 x 0,40 m xếp mộng rất khít tạo thành một ô vuông. Lúc mới đào lên gỗ mềm như bún, để một lúc sau thì khô cứng như đá. Anh Nguyễn Văn Khải (cháu cụ Nguyễn Đăng Nông) nhặt được chiếc trâm bằng vàng cắm búi tóc phụ nữ dài 15 phân ở trong cũi. Dư luận có người cho đấy là trâm của bà Lộ, sau khi bị chém, tử thi chôn cùng cũi, có người thì phân vân... Vậy mà nhưng di vật cực quý ấy nay không còn. Ngay cả khu lăng ở đây do Nguyễn Trãi dựng, nghe đồn đất phát, nhiều người đưa mồ mả đến chôn làm mất cả dấu ấn... Ở thời đổi mới, để chuẩn bị cho 1.000 năm Thăng Long, chúng ta có thể yên lòng để mặc cho vùng di tích có giá trị như thế ở Thủ đô ngày càng xuống cấp chăng?

Ngày 2 tháng 2 năm 2002
Logged
menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #21 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2009, 06:10:09 pm »

        Ngày 27-7-1442, vua Lê Thái Tông tuần du về phía Đông, đến thành Chí Linh, Hải Dương để thân duyệt quân đội. Đến ngày 1-9-1442, trên đườngvề kinh Thăng Long, nhà vua có ghé thăm cố nhân Nguyễn Trãi đã nghỉ hưu ở Côn Sơn, Hải Dương.
        Đêm 7-9, khi Thái Tông mang theo người thiếp yêu Thị Lộ của Nguyễn Trãi về đến Lệ Chi Viên (trại vải) ngủ lại làng Đại Lại, H.Gia Bình, Bắc Ninh, thì đột nhiên đêm đó ông bị cảm và đột ngột qua đời. Ngay lập tức, Nguyễn Thi Lộ(vợ lẽ của Nguyễn Trãi), người hầu đêm đó nhà vua trở thành nghi phạm số một. Chỉ vài ngày sau Nguyễn Trãi lập tức bị bắt và bị triều đình cáo buộc tội đồng mưu với vợ sát hại vua. Không cần xét xử kĩ càng, ngày 19-9-1442, Thị Lộ và Nguyễn Trãi cùng bị triều đình xử tội tru di tam tộc (giết ba họ: họ cha, họ mẹ và họ vợ). Đây là vụ án nghiêm trọng nhất gây nhiều dư luận bất bình nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
        Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi là người thế nào ? Phải chăng Thị Lộ thật sự là kẻ đã giết hại Thái Tông? Người chồng của bà ta-trọng thần Nguyễn Trãi có liên quan gì trong vụ án này?
        Nguyễn Thị Lộ (1390-1442) là vợ lẽ của Nguyễn Trãivừa đẹp vừa hay chữ, từng được Thái Tông vời vào triều phong chức Lễ nghi học sĩ giữ công việc dạy cung nữ và giảng sách cho vua.  Bà vốn là con nhà có học thức, quê làng Hải Triều, một làng làm chiếu có tiếng, thuộc huyện Ngự Thiên, Thái Bình (nay là thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, Thái Bình)
        Tương truyền, năm 1406 khi Nguyễn Trãi (26 tuổi) đang làm quan nhà Hồ, gặp Thị Lộ đang ở tuổi trăng tròn-16 tuổi ở Vũ Lăng. Mới gặp lần đầu sau cuộc mạn đàm thi ca, cả hai nhanh chóng đã tở thành tri kỷ. Tuy nhiên về làm bạn thơ thiếp với Nguyễn Trãi nhiều năm, Thị Lộ vẫn không có con. Họ nhận một người cháu của Ngô Từ là Ngô Chi Lan làm con nuôi.
        Trong thời gian Lê Lợi đứng lên khởi nghĩa, Nguyễn Trãi cùng em họ Trần Nguyên Hãn đồng tâm ra giúp sức tụ nghĩa chống quân Minh. Mỗi khi Nguyễn Trãi thảo thư từ, chiếu hịch đều có Thị Lộ ở bên giúp việc sửa chép. Lúc nào, Thị Lộ cũng cần mẫn tươi cười, nhẫn nại, hoạt bát, đoan chính làm việc thông thái nên được mọi người yêu mến, kính nể.
        Năm 1428, kháng chiến 10 năm chống giặc phương Bắc toàn thắng, Nguyễn Trãi được tước hầu, làm Thượng thư bộ Lại (trông coi nhân viên, quan lại). Nhưng chỉ một năm sau bị vua ngờ liên can đến nghi án Trần Nguyên Hãn (vốn bị vua nghi ngờ, buộc tội chết, Nguyên Hãn đã nhảy sông tự tử), Nguyễn Trãi cũng đã bị tống giam. Sau đó, nhờ các đại thần can thiệp, ông được miễn truy cứu. Chán cảnh quan trường đầy âm mưu thủ đoạn, ông làm quan một thời gian rồi xin nghỉ việc về Côn Sơn.
       

Bởi xưa chưa có Pháp y,
Cho nên thảm án tồn nghi dài dài.



1. Nhập cuộc khởi nghĩa Lam Sơn :

Nguyễn Trãi (阮廌, hiệu là Ức Trai 抑齋, 1380-1442) quê ở Nhị Khê, Thượng Phúc (nay là thôn Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Tây) sinh tại kinh thành Thăng Long. Cha là Nguyễn Ứng Long sau đổi tên thành Nguyễn Phi Khanh, đã từng đi dạy học rồi thi đỗ tiến sĩ đời Trần và làm quan dưới triều Hồ. Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh năm 1400 và giữ chức Ngự sử đài chánh chưởng. Khi nhà Hồ mất (1407), Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt đầy sang Trung Quốc, Nguyễn Trãi phải tạm ẩn náu một thời để che mắt quân thù. Khi gặp Lê Lợi, Nguyễn Trãi dâng tập Bình Ngô sách nêu nên “3 kế sách dẹp giặc Ngô”, trong đó tập trung vào việc “đánh vào lòng người”. Trong nghĩa quân, ông giữ nhiệm vụ thảo thư từ giao thiệp và kiên trì dường lối “Tâm công”, là Quân sư đắc lực của Bình Định Vương Lê Lợi .

2. Thăng trầm của bậc Danh nhân :

Sau 10 năm gian khổ nghĩa quân Lam Sơn toàn thắng, Ngày 3- 1- 1428, đội bộ binh cuối cùng của Vương Thông lên đường về nước. Ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428) Lê Lợi chính thức lên ngôi vua tại điện Kính Thiên, thành Ðông Ðô (tức Hà nội), xưng là “Thuận thiên thừa vận Duệ văn Anh Vũ đại vương”, đặt tên nước là Ðại Việt, đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ, ban bài Cáo Bình Ngô do Nguyễn Trãi thủ bút. Chính Lê Thái Tổ đã đặt nền móng vững chắc cho cả một triều đại và nền độc lập phồn vinh của Ðại Việt. Nguyễn Trái được phong tước Quan phục hầu, chức Lại bộ Thượng thư kiêm Quản công khu mật viện, được ban Quốc tính, đứng đầu quan Văn.

Nhưng vốn cương trực, ông bị dèm pha nên sau không được Thái Tổ tin dùng, phải lui về Côn Sơn.

Ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433) nhà Lê Thái Tổ băng ở Tẩm điện, hưởng thọ 49 tuổi truyền ngôi cho con thứ là Hoàng Thái tử Nguyên Long.

Lên ngôi vua ngày 8 tháng 9 năm Quý Sửu (1433), Lê Thái Tôn lấy niên hiệu là Thiệu Bình, đến 1439 đổi là Ðại Báo. Ông là một ông vua có “ tư chất sáng suốt tinh khôn; khi cầm quyền chính: Trọng đạo, chuộng Nho, đặt khoa thi chọn kẻ sĩ, chế lễ nhạc, rõ chính hình; trong ngăn ngừa kẻ cường thần, ngoài dẹp yên các manh động; văn vật rực rỡ đủ cả, đáng khen là vua hiền”. Chính Thái Tông vời Nguyễn Trãi ra phong chức Nhập nội hành khiển (1434). Nhưng việc thi thố Tài Đức của ông không được lâu bởi 8 năm sau đã xẩy ra sự kiện bi thảm nhất trong lịch sử nước nhà mà ông và gia đình là nạn nhân.

3. Từ Nghi án “Lê Chi viên” :

Ngày 27 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442) Thái Tôn đi tuần ở miền Đông duyệt quân ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn.

Ngày 4 tháng 8 vua về đến Lệ Chi Viên thuộc Đại Lải huyện Gia Ðịnh (nay thuộc huyện Gia Lương, Bắc Ninh) cùng với Nguyễn Thị Lộ, thiếp của Nguyễn Trãi là Lễ nghi Học sĩ được vua yêu quý vì sắc vì tài. Giữa dòng sông lộng gió vua cùng quan Lễ nghi uống rượu, ngâm thơ và bỗng nhiên rùng mình ớn lạnh. Cung nhân đưa ngài vào Ly cung, chỉ có Nguyễn Thị Lộ hầu bên cạnh. Gần sáng Vua băng ở tuổi 20.

Các hoạn quan Đinh Thắng, Đinh Phúc bí mật cùng đưa thi hài vua về, ngày 6 tháng 8 đến kinh sư, nửa đêm vào cung mới phát tang, quy cho Nguyễn Thị Lộ tội “giết vua”.

4. Đến thảm án “Tru di tam tộc” :

Ngày 12 tháng 8 năm đó (1442), bọn Trịnh Khải, Nguyễn Xí, Lê Thụ cùng với Lê Liệt, Lê Bôi tôn Hoàng tử Băng Cơ lên nối ngôi, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính và buộc Nguyễn Trãi chủ mưu vụ án Lệ Chi viên
Ngày 16/8 năm Nhâm Tuất 1442 Nguyễn Trãi và gia đình bị án “tru di tam tộc” rất thảm thương.

Sau vụ án Lệ Chi Viên, dòng họ Nguyễn Trãi ở Chi Ngại, Nhị Khê gần như bị thảm sát hết. Trong các phả hệ ghi lại số ít thoát nạn là: Nguyễn Phi Hùng, em thứ ba của Nguyễn Trãi chạy về Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh; Nguyễn Phù con Nguyễn Trãi (với bà cả họ Trần) chạy lên Cao Bằng, đổi họ sang họ Bế Nguyễn; Bà họ Lê vợ thứ năm của Nguyễn Trãi mang thai chạy về Phương Quất, huyện Kim Môn, Hải Dương. Bà Phạm Thị Mẫn vợ thứ tư của Nguyễn Trãi khi vụ án xẩy ra có mang ba tháng, được người học trò cũ của Nguyễn Trãi là Lê Đạt đưa chạy trốn vào xứ Bồn Man (phía Tây Thanh Hóa) sau lại về thôn Dự Quần, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Tại đây, bà sinh ra Nguyễn Anh Vũ. Để tránh sự truy sát của triều đình, Nguyễn Anh Vũ đổi sang họ mẹ là Phạm Anh Vũ.

5. Loạn Cung đình, ngôi về vua sáng:

Thái Tôn mất, giữa 3 hoàng tử do 3 bà sinh ra có sự tranh giành ngôi báu. Khi Nghi Dân bị lật đổ, triều thần rước Tư Thành lên ngôi, bấy giờ ông vừa tròn 18 tuổi.

Lê Thánh Tông , tự Tư Thành là con trai thứ tư và cũng là con út của vua Thái Tông, sinh ngày 20/7/Nhâm Tuất (1442). Chính vợ chồng Nguyễn Trãi có công đưa Ngô Thị Ngọc Dao (khi đó đang mang thai tư Thành) đi trốn lánh nạn tại chùa Huy Văn khỏi cái chết trong một âm mưu loạn Cung đình của mẹ con Bang Cơ. Năm lên 4 tuổi, mẹ Nhân Tông mới cho đón Tư Thành về phong làm Bình Nguyên Vương, học tập tại toà Kinh Diên.
Trị vì đất nước 38 năm, vào năm Hồng Ðức thứ 27 năm Bính Thìn (1496) vua bị mệt nhưng tự giải quyết các việc quan trọng. Tháng giêng năm sau vua càng mệt nặng rồi mất.

6. Nỗi oan được giải, hậu thế nổi danh :

Lê Thánh Tông là một trong những ông vua có nhiều vợ, 14 người con trai và 20 người con gái và ở ngôi lâu (38 năm), có nhiều đóng góp vào sự phát triển về mọi mặt của quốc gia Ðại Việt thời ấy. Chính ông vào tháng 7/1464 là người minh oan, truy phong quan tước cho Nguyễn Trãi, ca ngợi ông: "Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo". Con út Nguyễn Trãi, Nguyễn Anh Vũ (do bà Phạm Thị Mẫn sinh) được Lê Thánh Tông phong cho chức Đồng Tri Phủ huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), cấp cho 100 mẫu ruộng gọi là "Miễn hoàn điền" (ruộng không phải trả lại) con cháu đời đời được hưởng. Nguyễn Anh Vũ xây dựng mộ chí của Nguyễn Trãi tại xứ đồng Tai Hà, làng Dự Quần, lấy sọ dừa, cành dâu táng làm cốt; lấy ngày mất của Nguyễn Trãi - 16 tháng 8 là ngày giỗ họ. Ngày nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về tiền nhân và hậu duệ của Ức Trai-Sao Khuê.

Năm 1980 nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, UNESCO đã công nhận ông là danh nhân văn hóa thế giới.

Đ/c Nguyễn Văn Cừ sinh 9/7/1912, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (3/1938-01/1940), tác giả cuốn "Tự Chỉ trích" nổi tiếng, tháng 7/1939, chính là hậu duệ (dòng Tiên Du, Bắc Ninh) của Ức Trai Nguyễn Trãi.

7. Khuất tất này biết giải ra sao?

* Lê Thái Tông (1434-1442) có mắc bệnh tim, mạch, thần kinh không ?
* Vào tuổi 20 (vua sinh 11/1423) đã có 4 vợ, 4 Hoàng tử (không kể các Công chúa) là: Nghi Dân, Khắc Xương, Bang Cơ (Lê Nhân Tông sau này), Tư Thành (Lê Thánh Tông sau này) đều còn quá nhỏ (chỉ chênh nhau một vài tuổi) nên việc tranh chấp ngôi thái tử xảy ra giữa các bà vợ vua....chứng tỏ nguy cơ sát hại là có và cũng chứng tỏ hoạt động tình dục của vị vua này ra sao ?
* Đêm 04/8/1442 giữa ông Vua đa tình 20 tuổi tràn đầy sinh lực và bà Lễ nghi học sĩ 40 tuổi đa tài, được Vua mến mộ có xẩy ra giao hoan không ?
* Thuốc mà Nguyễn Thị Lộ dâng Vua uống là thuốc gì ?
* Quan Bộ Hình và Thái y có khám nghiệm không ?
* Phải chăng một âm mưu “loại bỏ” ngưòi hiền được thực hiện trót lọt ?

Điều băn khoăn của hậu thế là không rõ Thái Tông đột tử do nguyên nhân gì:

- Trụy tim mạch bệnh lý sau những ngày căng thẳng?
- Tai biến mạch máu não trong lúc chuyển mùa giữa sông lộng gió?
- Bị đầu độc (Ai, Loại gì ?)
- Hay Đức Chí tôn bị “Thượng mã phong”? .

Cho nên các sử gia sẽ còn tốn nhiều giấy mực để tìm ra lời giải về thực chất cái gọi là “Vụ án Lệ Chi viên”. Riêng người đưa bài này lại có một ước ao: giá ngày đó Lê triều biết và cho tiến hành KNHT, KNTT, GĐPY cẩn thận chu đáo thì biết đâu lịch sử đã có những trang khác.

Nói thế chứ thời hiện đại @ cũng còn khối vụ “đột tử” được xếp vào mục “thâm cung bí sử”. Nhưng cũng nên học người xưa “gái goá bàn chuyện triều đình” để tìm, ghi lại chuyện xưa, rút kinh nghiệm cho nay.


Logged

caytrevietnam
Trung tá
*
Bài viết: 471


Trồng sen trong biển lửa


« Trả lời #22 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2009, 09:09:48 pm »


Bởi xưa chưa có Pháp y,
Cho nên thảm án tồn nghi dài dài.
[/quote]

Vụ án Lệ chi viên sẽ mãi mãi không thể tìm được nguyên nhân chính, nhưng nếu nói thời xưa chưa có pháp y thì thật là lầm lạc, coi thường "trình" của các cụ ta ngày xưa quá  Grin

Dưới đây là một số quy định về vấn đề này

Sách Lịch triều hiến chương loại chí, chương Hình luật(3) cho biết:

- Quang Thuận năm thứ 6 (1465) ban hành lệnh: Gặp xác chết bên đường có vết thương thì phải cáo rõ với quan sở tại để làm đủ phép khám nghiệm rồi mới được chôn cất. Làm trái như vậy, luận tội trượng, biếm.

- Vĩnh Thọ năm thứ 3 (1660) định lệ đền mạng về đánh giết người, phải nộp lễ khám nghiệm cho nha môn phủ huyện 15 thước lụa và 1 quan rưỡi. Cho Chánh tổng Xã trưởng 10 thước lụa và 1 quan.

- Niên hiệu Vĩnh Trị thứ nhất (1676), định lệ xét xử kiện tụng: Việc kiện về nhân mạng thì phủ, huyện cứ theo án khám nghiệm của tổng xã mà xét đoán theo luật.

- Niên hiệu Chính Hòa thứ 15 (1694), định các điều lệ về khám kiện: Phạm kiện về nhân mạng thì ngay hôm đó, khổ chủ phải chạy xin bản tổng bản xã và quan phủ huyện về lập biên bản… Khám nghiệm cần lấy dấu vết thực làm bằng.

- Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719), Ngự sử đài sức cho nha môn Thừa hiến và phủ huyện: Phàm khi mới nhận được tin báo nên hỏi rành mạch về duyên cớ… Khám vết thương xem do đánh bằng chân tay hay khí giới, gậy gộc. Hết thảy phải ghi cho chính xác để lấy chỗ dựa khi xét xử.

- Niên hiệu Long Đức thứ 3 (1734), định điều lệ xét xử kiện tụng: Phàm kiện về nhân mạng phải có trình xin lập biên bản khám nghiệm mới cho xét xử. Nếu người đã chết hàng năm, không có biên bản khám nghiệm thì không được nhận xét xử.

Không những vậy, người xưa còn biên soạn 1 số sách về lĩnh vực này; cuốn dùng phổ biến có xuất xứ từ bên Tàu, có tên là Tẩy oan tập lục ; ngoài ra các cụ ta soạn các sách như Công án tra nghiệm bí pháp, Nhân mạng tra nghiệm pháp...  Grin

Logged

SỐNG VỮNG CHÃI 4000 NĂM SỪNG SỮNG
LƯNG ĐEO GƯƠM TAY MỀM MẠI BÚT HOA
menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #23 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2009, 10:02:55 pm »

Cám ơn caytrevietnam đã cung cấp thông tin cụ thể và bổ ích. Xem ra tư liệu của bạn phong phú không kém gì nội dung trong các bài giảng của Đại tá Giáo sư Vũ Ngọc Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Pháp y Quân đội.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Mười, 2009, 03:28:18 pm gửi bởi menthuong » Logged

caytrevietnam
Trung tá
*
Bài viết: 471


Trồng sen trong biển lửa


« Trả lời #24 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2009, 12:08:33 am »

Cám ơn caytrevietnam đã cung cấp thông tin cụ thể và bổ ích. Xem ra tư liệu của bạn phong phú không kém gì nội dung trong các bài giảng của Đại tá Giáo sư Vũ Ngọc Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Pháp y Quân đội.

Nhà cháu cũng từng học qua cái môn này mà  Grin
Logged

SỐNG VỮNG CHÃI 4000 NĂM SỪNG SỮNG
LƯNG ĐEO GƯƠM TAY MỀM MẠI BÚT HOA
menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #25 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2009, 04:24:44 pm »

Họ Nguyễn là họ có số đông người nhất nước ta. Tất nhiên không phải chung một Thủy Tổ. Gần đây tôi thấy nhiều bài viết về tổ tiên và hậu duệ của các Danh nhân họ này.

Không hiểu Đ/c Nguyễn Văn Cừ , nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (3/1938-01/1940), tác giả cuốn "Tự Chỉ trích" nổi tiếng (tháng 7/1939) có phải là hậu duệ của Ức Trai Nguyễn Trãi hay không ? Tư liệu nào minh chứng điều đó?.
Logged

lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #26 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2009, 09:29:44 pm »

Họ Nguyễn là họ có số đông người nhất nước ta. Tất nhiên không phải chung một Thủy Tổ. Gần đây tôi thấy nhiều bài viết về tổ tiên và hậu duệ của các Danh nhân họ này.

Không hiểu Đ/c Nguyễn Văn Cừ , nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (3/1938-01/1940), tác giả cuốn "Tự Chỉ trích" nổi tiếng (tháng 7/1939) có phải là hậu duệ của Ức Trai Nguyễn Trãi hay không ? Tư liệu nào minh chứng điều đó?.


Bạn có thể tham khảo ở đây:

http://www.nguoichilinh.com/Default.aspx?ID=0&cid=121&nid=80
Logged
lonesome
Moderator
*
Bài viết: 1244


« Trả lời #27 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2009, 10:18:30 pm »

Họ Nguyễn là họ có số đông người nhất nước ta. Tất nhiên không phải chung một Thủy Tổ. Gần đây tôi thấy nhiều bài viết về tổ tiên và hậu duệ của các Danh nhân họ này.
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237ntn3nqnqn31n343tq83a3q3m3237nvn
Logged
Trang: « 1 2 3   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM