Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 06:45:46 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhà lao cây dừa  (Đọc 54602 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #80 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2011, 06:25:45 pm »

Có một thước hầm chiều sâu rồi, chúng tôi chuyển sang chiều ngang. Đây là giai đoạn trọng yếu nhất. Ngay đào về hướng nào cũng phải cân nhắc kỹ. Tất nhiên phải ra hướng ngoài hàng rào rồi, nhưng coi chừng lại chọn phải khoảng cách xa quá. Suy đi tính lại, chúng tôi chọn hướng đào thông qua nhà bộ chỉ huy của nó. Vừa ngắn hơn vừa bất ngờ. Nếu chúng dùng máy dò địa chấn thì chắc sẽ dò chỗ khác chứ ai lại dò xung quanh nhà bộ chỉ huy, và thằng tù nào lại dám đào ngang mặt nó thế này. Yếu tố bất ngờ trên cũng được chúng tối sử dụng vào quyết định điểm mở miệng hầm. Miệng hầm mở khuất quá, chúng dễ nghi, mở lộ quá, chúng cũng dễ nghi. Tốt nhất là mở ngay chân tường đối diện nhà giám thị. Ai dại gì đi đào khoét ngay dưới chân đối phương bao giờ? Chắc cái đầu của chúng nghĩ thế.

Hướng thì hướng vậy nhưng đào có trúng hướng không lại là một chuyện khác. Hồi ở Điện Biên Phủ, có trong tay tất cả các khí tài hiện đại mà ta còn mở chệch cứ điểm A1 mấy thước nữa là chúng tôi bây giờ. Thôi, nghĩ thì cứ nghĩ cho thấu hết mọi nhẽ, còn việc làm cứ phải làm, làm tới đâu tính tới đó.

Bắt đầu phải dùng đến tổng lực rồi! Hiệp đồng kíp đào 5 người liên tiếp thay nhau. Năm người này đảm trách một đêm một ngày lại đến năm người khác, năm người khác nữa. Mỗi kíp phải đào được một mét mới được bàn giao cho kíp khác. Một mét đất chiều ngang nghe đơn giản nhưng xoay xở khó lắm. Địa thế chật chội, nằm mà đào chứ đâu được quỳ được ngồi mà xắn đất. Quỳ hay ngồi dễ đào hơn rất nhiều, nhưng đường hầm sẽ rộng quá, đất lấy lên quá trời, biết đổ đi đâu? Phương châm là đào càng hẹp càng tốt, miễn là vừa một thân người trườn đi được.

Mới nhủi sâu vào chừng được ba mét, sức lực của cả 15 người đã có vẻ cạn rồi. Cạn do đói khát, do bệnh tật nhưng cạn chủ yếu do ngộp thở. Gọi là 5 người nhưng mỗi người chỉ loay hoay được chừng nửa tiếng là lại phải trồi lên ngay thở dốc thở dác, mặt mày tái xám như đang cơn đau tim để người khác xuống thay. Mới chỉ có thế mà hai bàn tay ghì cán muỗng đã trầy trật hết da, nắm vào thấy rát bỏng. Khi đó nhìn lòng đất mênh mông đen ngòm mà nản quá, đã có người cáo bệnh định thôi nhưng nhờ anh em động viên nên lại cắn răng vào mà làm.

Nhưng lúc như thế mới thấy thấm cái nghĩa tình đồng đội cưu mang nhau. Trong khi đội cảm tử mở trận đánh nhọc nhằn trong lòng đất thì những bạn tù già, yếu không hề ở không. Họ cắt cử nhau cảnh giới vòng ngoài, phát hiện thấy tiếng chân địch từ xa để báo động vào trong. Họ rủ nhau đánh cờ, kể chuyện Tây Du, Thủy Hử để che đi cái miệng hầm đang có chúng tôi ở trong. Họ còn tình nguyện cắt bớt khẩu phần ăn vốn đã quá ít ỏi của mình cho đồng đội, và không ít người thấy chúng tôi vất vả quá đã cố ý xin được thay nhưng nhìn thân hình tiều tụy, xanh bủn của họ, chúng tôi chỉ lắc đầu.

Tất nhiên trong số đó không phải không có những người cầu an bình chân như vại. Họ không tỏ ý phản đối nhưng cũng không tỏ ra tán thành, thế nào cũng được nhưng không được làm ảnh hưởng đến họ. Họ thường tách riêng ra một nhóm mũ ni che tai, ngoài giờ đi làm, giờ ăn uống, họ co chân nằm lì, gọi không thưa, hỏi không nói. Đây là số đối tượng cần giám sát của đảng ủy. Biết đâu, từ cái dáng nằm u uất kia đến sự phản bội cách nhau có bao xa.

Vượt lên tất cả, đường hầm vẫn từng ngày nhích vô phía hàng rào, nhích từng phân một nhưng không hề dừng lại.

Càng vào trong, tốc độ càng chậm. Một trong những nguyên cớ để chậm đó là động tác lấy đất ra. Thông thường chúng tôi lấy đất bằng cách kéo dây, một thứ dây bện bằng quần áo tù xé nhỏ. người nào đến lần đào thì kéo theo mình chiếc can hỏng đã buộc một đầu dây vào đó, đầu kia nằm ở cửa hầm. Đất đào được lèn vào can rồi giật giật, người ở ngoài biết, vọi kéo ra. Kéo ra rồi mới phân nhỏ mang đi đổ? Chậm quá! Nhiều khi đất đào được nhiều rồi nhưng can vẫn chưa giải tỏa xong khiến người bên trong phải nằm chờ, trong khi sức lực không cho phép được nằm lâu trong đó. Cuối cùng chúng tôi bèn nghĩ ra một cách là khoan đào vào vội. Trước hết tập trung đào ngay một cái hố to ở ngay cửa ngách đã, tức là ở dưới chân cái độ sâu một mét. Cái hố này có tác dụng chứa đất tại chỗ, được can nào gọn ngay can đó mà đất từ hố mang đi đổ cũng dễ dàng hơn. Kế sách này đẩy tốc độ đào nhanh trông thấy nhưng cũng chỉ được ít ngày vì hố đã đầy rồi thì buộc phải trở lại cách thức ban đầu. Tuy vậy cũng không sao! Trong cuộc giành giật này, nhanh được ngày nào sống được ngày đó.

Nhưng gay go nhất vẫn là cách thức đối phó với địch.

Một lần đang đào thì chúng ập đến điểm danh. Vào sâu quá tôi lên không kịp, anh em buộc phải đậy nắp lại. Thế là thiếu một người. Nhưng rất may một ai đó đã nhanh tay tạo một cái hình nhân đang nằm trùm đầu trùm đuôi bằng những bao bì đựng cát khâu dính lại ở chính chỗ tôi vẫn nằm. Điểm danh xong một loạt, thằng quân cảnh bấm đèn pin vào cái hình nhân hỏi: "Thằng nào đây? Dậy!". Đưng ngay ở miệng hầm tim tôi thót lại, phen này chắc chết! Nó sẽ lấy đầu gậy lật chăn ra và... thế là xong. Tôi đã quay cuồng nghĩ đến chuyện mình sẽ từ từ đội nắp trèo lên và sau đó... Chợt có tiếng trả lời: "Nó đang bệnh. Hình như bị sốt thương hàn hay sao đó, ỉa tong tỏng suốt!".

Mới nghe đến hai chữ "thương hàn" thằng quân cảnh đã bật lùi trở lại. "Đù mẹ! Hàn hàn con mẹ gì! Ăn bậy ăn bạ lắm vào rồi còn bày đặt chuyện thương hàn. Đi!". Nó nhăn mũi quay sang điểm danh ở dãy nằm khác. Thoát! Tôi toát mồ hôi đầm đìa, chân tay nhủn ra muốn khuỵu xuống. Đã hết đâu! Không hiểu nó điểm danh kiểu gì mà tới cả mười lăm phút. Mười lăm phút không có không khí, giống như người bị bóp cổ, tôi trợn mắt ngáp ngáp mấy cái rồi nhủn ra thật...

Khi nó đi rồi, anh em lôi lên được thì tôi đã đang trong trạng thái ngất xỉu. Lơ mơ tỉnh dậy, nghĩ mình sắp chết, tôi thều thào trăng trối trở lại: "Tôi là Hòe, quê quán tại... Nếu tôi chết, hãy nhắn về cho vợ tôi là...". Nói xong tôi tỉnh luôn, lồm cồm bò trở dậy. Nhác thấy những khuôn mặt cúi xuống cười ra nước mắt.

Một lần khác, do đã rút được kinh nghiệm nên anh em không chơi trò hình nhân quá ư mạo hiểm ấy nữa. Chúng tôi sử dụng ngón tráo người. Khi chúng sắp gọi đến tên người còn ở dưới đất thì, nhờ có móc ráp trước, một đồng chí ở trại bên cạnh nhanh chóng chui rào qua tuồn vào thế chỗ và gân cổ "có" rõ to. Bọn giám thị không nói nhưng mấy tên quân cảnh có biết ai vào ai đâu, miễn là người nào "có" người đó và đủ số lượng.

Nhưng cái chúng tôi ngại nhất là máy do địa chấn thì cũng lại xảy ra. Một buổi trưa, anh em đang nằm nghỉ thì một tốp lính mở tung cánh cửa định ào ào vào với cái máy nhỏ xíu hình con rùa màu xanh trên tay. Chúng tôi đã nghe đến cái máy quỷ quái này nên ngán nó lắm. Nó có thể phát tín hiệu khi thấy một cái gì đó khác lạ ở độ sâu hơn năm mét chứ cái nắp hầm mỏng dẹp nằm sờ sờ ra đó thì ăn nhằm chi. Nhưng tổ chức Đảng đã lường trước nên vừa thấy bóng bọn công binh an ninh, hàng chục người nằm ở bệ xi măng gần cửa bỗng nổi cơn ho, vừa ho vừa rên, vừa khạc nhổ om sòm, nhổ luôn cả cục đờm xanh lè vào chỗ nắp hầm nữa. Đám an ninh lùi lại hỏi tên giám thị: "Sao vậy?" Tên giám thị lúng túng trả lời: "Ho lao! Đang có dịch ho lao" "Thôi, sang trại khác. Khi nào mấy ông trị xong cái dịch quỷ quái này, bọn tôi lại đến!" và nó bỏ đi. Tên giám thị nhìn theo càu nhàu mấy câu rồi cũng bỏ đi nốt, thực ra đây là chuyện "gậy ông đập lưng ông". Nếu hệ thống trạm xá của chúng đàng hoàng một chút và nếu tụi giám thị không cố tình để chết anh em thì ba cái ho này làm gì chúng không phát hiện ra thực hư.

Đại khái trong quá trình đào hầm, chúng tôi đã trải qua nhưng lần căng thẳng như thế mà không thể kể hết ra ở đây.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #81 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2011, 06:31:47 pm »

Sang tháng thứ ba, đường hầm đã dài được chừng 60 mét, tức là phân nửa. Trong 60 mét đó có biết bao nan giải đã xảy ra. Nan giải nhất vẫn là chuyện thiếu không khí. Càng vào trong càng thiếu. Có lần một kíp 5 người đều ngất xỉu, hè nhau vào lôi mãi mới ra. Cứ đà này thì chỉ vào sâu ít mét nữa là không tài nào chịu nổi. Chúng tôi quyết định trổ lỗ thông hơi cho từng đoạn. Nhưng trổ vào đâu lại là điều không đơn giản. Trổ lung tung ư? Lỗ thông hơi thòi lên trên đúng khoảng trống hay giữa nền nhà của lính thì tính sao? Thế là phải cử người lên mặt đất đo đạc cẩn thận, đo bằng mắt, đo bằng bước chân, đo bằng cả quãng cách giữa các hàng rào để lỗ thông hơi phải trổ trúng được rãnh thoát nước có cỏ mọc um tùm hay trổ trúng lòng hàng rào mà chúng không bao giờ để mắt, lai vãng tới. Trổ lần đầu, trượt lại lấp đi. Lần hai cũng thế. Đến lần ba, sau khi khớp cự ly trên dưới thật chuẩn xác mới trúng vào rãnh nước. Chà! Cái que sắt dùng để cời than liều mạng ăn trộm được của nhà bếp vừa bực lên một cái, không khí đã hun hút tràn xuống mát lạnh đến nổi cả da gà. Tất nhiên do sướng quá mà cảm thấy vậy thôi.

Có lỗ thông hơi rồi, giờ phải lo bảo quan được cái lỗ đó chứ không chỉ cần một hòn sỏi, một trận mưa ập xuống là lấp hết, lại bí như không, chúng tôi nghĩ ra một cách đi kiếm những ống thuốc pelixilin đã tiêm vất ở bãi rác mang về tiện đầu tiện đít rồi nối vào nhau thành một đường ống thủy tinh luồn vào cái lỗ đó, luôn hơi nhích đầu lên một chút. Lỗ thông hơi có thêm tác dụng tuyệt với làm ông nghe kiểu tìm địa đỉnh nữa. Đang đào, qua ống nghe bước chân, giọng nói chúng đến gần là tạm dừng lại. Rất tiện lợi.

Cứ thế, khoảng năm mươi mét chúng tôi lại tạo một đường ống như vậy cho đến điểm chót cùng. Công việc nhờ có nó mà thấy khỏe hẳn ra, có cảm giác đào cả đời cũng được.

Xong việc ngộp thở lại xảy ra việc lạc hướng. Những mét đầu, hướng đi còn thẳng, những mét sau đèn đóm không có, toàn đào mò như lạc vào thiên la địa võng không biết hầm chạy thao hướng nào, cong hay thẳng nữa. Có đoạn phát hiện ra cong quá, thế là đành phải uốn lại, mất công kinh khủng. Khi đào phải tiết kiệm từng xẻng đất, bỗng nhiên cong một cái, phải khoét thêm hàng chục mét khối đất nữa, đổ ém ra sao? Cũng may là còn có cái khoảng trống cong cong đó để đoạn thẳng uốn lại. có chỗ mà đắp đất vào. Về sau nghĩ ra cách dùng cây que dài một mét đặt trên ba điểm để tạo nên một đường thẳng mà đào. Cái này anh chưa thật hiểu phải không? Thế này nhé! Một cây que đặt trên ba cục gạch con làm chuẩn. Cứ đào được một đoạn vì chục phân lại chuyển cục gạch ở dưới cùng lên đầu rồi nhấc cây que lên theo, làm sao nó vẫn nằm đè lên cả ba cục là được. Nguyên tắc "qua hai điểm ta có thể kẻ được một đường thẳng" thôi, ở đây không phải kẻ mà là đào nên thêm  ra một điểm. Còn một cách để định hướng, đó là căn cứ ngay vào sự thẳng hàng của các lỗ thông hơi. Quan sát ở trên, thấy một cái ống thủy tinh nào nhô lên hơi lệch đi một chút là phải thông báo cho ở dưới rõ ngay. Tất nhiên những ống thuốc tiêm nào nhô lên ở xa quá hay gần địch quá không đi qua đi lại để xác định được thì đành thôi.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #82 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2011, 06:30:18 pm »

Cứ như vậy qua 6 tháng ròng rã, chúng tôi đã nạo khoét được hơn 120 thước đường hầm. Kiểm tra lại chúng tôi đã tiêu tốn hết ba chục cái quai cà mèn, hai chục cái can hỏng và thay đôi cũng hai mươi lần dây kéo đất. Còn ba chục bàn tay chúng tôi hết sưng lại rộp nhưng rồi cũng nổi chai, mọc sẹo không còn thấy đau nữa. Đêm nằm đụng phải tay mình nghe là lạ như bàn tay người khác. 120 thước đường hầm cũng là ít nhất 60 mét khối đất, 60 mét khối này, ngoài rải ra rừng, ra bụi, nó còn cần bao nhiêu lỗ đất mới ém hết? Vậy mà vẫn giữ được bí mật! Cứ nghĩ tới là rùng mình!

Thực ra 6 tháng cho một trăm hai mươi thước đất cũng gọi là nhanh. Tôi biết có khu giam, anh em phải trần lực tới 8 tháng, 12 tháng để đào được một đường hầm còn ngắn hơn thế này.

Công việc đang đến đoạn chót thì trại giam được bổ sung thêm 12 người tù. Trong số đó có một anh cao to dềnh dàng, da trắng bóc trông như Mỹ. Anh này thấy có chuyện đào hầm là xông vào ngay đòi được tham gia, chúng tôi không chấp nhận là vì: Một, thân thể quá cỡ thế kia, xoay xở sao được mà đào. Hai là, đáng khả nghi lắm! Ở tù cực khổ vậy, da dẻ vẫn hồng hào thế kia thì chỉ có thể là gián điệp trà trộn vào.

Đang còn bán tín bán nghi thì đồng chí bí thư đảng ủy rỉ tai tôi: "Tiếp tục đi! 12 người này hoàn toàn có thể tin được. Họ vừa giết một tên chỉ điểm ở nhà giam A7 nên bị nhốt chuồng cọp 10 ngày rồi điều qua đây. Cái con người to lớn kia khá lắm đó. Đến đâu quậy đấy, địch rất gờm và do hành động quá quyết liệt khiến chúng có cớ đàn áp anh em nên cũng được tổ chức phê phán nhiều lần.".

Sau này, khi ra cứ rồi, tôi mới hay đó là anh Bảy Hòa, Trương Văn Hòa, anh hùng các lực lượng vũ trang, giữ chức tiểu đoàn trưởng nhưng khi bị bắt, anh chỉ khai là trung sĩ, trung sĩ quân bưu.

Đang đào tiếp, lưỡi muỗng bỗng kêu tách một cái rồi quằn lại. Trong bóng tối đưa tay sờ thì thấy cả một cái cọc sắt to tướng cắm trước mặt. Cọc rào gai rồi. Tức là ta đã đào quá chếch lên trên. Cũng may, không có cái cọc này "cảnh cáo" thì cha con dám đào thủng luôn lên trên mặt đất quá! Lại phải mất năm ngày nắn sâu xuống để vượt qua cọc. Mọi sự suôn sẻ không sao, không may gặp một sự cố như cái sự cố cọc sắt coóc nhe này, trong lòng hụt hẫng hẳn, lại phải gồng mình lên chịu trận tiếp. 6 tháng trời, 180 ngày, 120 thước đất, đã có biết bao nhiêu sự cố như vậy xảy ra? Bây giờ ngồi đây nghĩ lại thì chịu, không trả lời được.

Xin lỗi! Chắc anh đã đọc Tây Du Ký rồi! Anh còn nhớ cái đoạn thầy trò Đường Tăng trải qua 80 cửa ai đã tưởng là xong nhưng Phật Tổ vẫn còn bày ra cái hạn thứ 81 nữa mới hết thử thách không? Bọn tôi cũng vậy. Đo đạc, cân nhắc cẩn trọng, chúng tôi rạng rỡ thông báo với anh em chỉ còn một mét nữa là ra đến ngoài vòng rào, anh em hãy chuẩn bị đi. Cả phòng giam đêm ấy như có hội, người nào cũng thao thức chờ cái giờ lên đường trở về với tự do, với sự sống bên ngoài. Bởi vì theo quy định, khi nào đội cảm tử sắp trổ cửa ra phải thông báo trước để anh em chuẩn bị chứ không trổ rồi mới thông báo e rằng không kịp, địch sẽ phát hiện cửa ra.

Nhưng đào mãi vẫn không thấy gì, vẫn chỉ thấy toàn đất là đất. Sao vậy? Tôi lẩm nhẩm tính toán trở lại mới ngớ ra là còn 3 mét chứ không phải một mét như đã tưởng. Cả một ngày đào hầm quần quật mới được có 5 mét, bây giờ là gần nửa đêm rồi mà còn những ba mét nữa thì tính sao đây?

Trong khi đó ở trên mặt đất, trong phòng giam, do chờ đợi quá lâu nên bắt đầu có sự chộn rộn qua lại, xầm xì hỏi han rất nguy hiểm nếu chúng xộc vào bất thần. Các đồng chí lãnh đạo phải đứng ra trấn an: "Không có gì. Vướng đá sỏi thôi!". Câu nói thông minh ấy đã làm mọi người yên lặng trở lại.

Như cuộc chạy vào nước rút, 3 mét đất còn lại, chỉ mất hai giờ đồng hồ, chúng tôi đã vượt qua ngon lành. Cửa hầm đã trổ ra trúng một bụi cây nằm dưới giao thông hào ngoại vi hàng rào.

Chúng tôi khẩn trương tổ chức bò ra. Tất nhiên là có đủ 15 người trong đội cảm tử. Sau đó có thêm 27 người xin ra theo nữa là 42 người. Tôi mời đồng chí bí thư đảng ủy cùng ra nhưng đồng chí ấy bùi ngùi lắc đầu: "Còn hơn sáu chục anh em nữa! Cứ ra đi, tìm cách liên lạc với đất liền và báo cáo tất cả cho Trung ương hay. Mình không thể bỏ mặc họ. Chúc may mắn! Cửa hầm mình sẽ cho ngụy trang kỹ lại". Tôi chỉ còn biết nghẹn ngào ôm chặt lấy ông rồi theo mọi người xuống hầm.

Trên đường ra có một chuyện tức cười. Hầm chỉ đào cho khổ người trung bình chui lọt chứ ai tính đào cho cả khổ người dềnh dàng của anh Bảy Hòa. Vì thế, ra được nửa đường thì anh Bảy bị kẹt cứng lại, ra tiếp không xong mà trở lại cũng không được. Cuối cùng để kịp thời  gian, chúng tôi cứ người đẩy người lôi anh ấy đi. Đúng là đôi vai anh cào đất rèn rẹt như một chiếc máy ủi. Lên được đến mặt đất chúng tôi mới kinh ngạc thấy anh ngất xỉu đi từ hồi nào, hông đùi và vai rách nát, máu chảy ướt cả một vạt cỏ.

Thế là thoát. Cứ nơi nào có pháo nổ là có quân ta, cứ nơi nào có bom đạn là đi tới, với khẩu lệnh hành quân ấy, mười ngày sau, chúng tôi đã tìm gặp được căn cứ huyện đội Phú Quốc nhưng... điểm chỉ còn 25 người. 17 đồng chí đã ngã xuống trên dọc đường đi tìm. Điều đó lý giải tại sao con đường hầm đã mở ra thông thoáng đến thế mà khi ra, cũng chỉ có hơn một phần ba số tù tình nguyện.

Tôi chia sẻ với anh Nguyễn Đức Hòe suy nghĩ ấy, cũng như bằng thiên phóng sự này, tôi đã chia sẻ biết bao nhiêu điều với các anh Ba Toản, Hai Hội, Sơn, Hồng, Hai Tỳ, Hai Nam, Chất, Ba Lửa, Năm Miên... chia sẻ luôn cả cái tin đài BBC đã đưa sau đó có một ngày "... Lại hơn 40 tù binh Cộng sản tại nhà lao Phú Quốc vượt thoát bằng đường hầm như kiểu địa đạo Điện Biên Phủ, bất chấp tất cả những phương tiện canh phòng hiện đại do người Mỹ cung cấp...".

Ngày đó trớ trêu thay, lại đúng vào ngày Thiệu trúng cử Tổng thống.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #83 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2011, 06:08:16 pm »

Tuy nhiên còn có một câu chuyện nhỏ liên quan đến huyền thoại đào hầm mà anh Hòe chưa kể cho tôi nghe và tôi không tiện hỏi.

Đó là chuyện cả một tổ đào hầm của trại giam sĩ quan đã bị địch lấp cửa chôn sống. Chỉ khác, con đường hầm tang tóc đó không đào về phía ngoại vi hàng rào mà thọc thẳng vào kho vũ khí ở bên kia sân banh, kế dãy nhà hai tầng lắp ráp bằng vật liệu Mỹ của bộ chỉ huy quân cảnh.

Tổ chức Đảng ở đó đã quyết định cướp kho vũ khí gồm hàng ngàn súng đạng các loại để trang bị cho tù binh đồng loạt nổi dậy tự giải phóng toàn bộ nhà tù nếu thời cơ cho phép. Nhưng lòng hầm mới nhích về phía kho chưa được một nửa thì kẻ địch phát hiện ra. Phát hiện bằng máy dò hình con rùa? Bằng sự phản bội của chỉ điểm? Hay phát hiện bằng chính sự bất đồng trong nội bộ trại tù? Rất có thể lắm chứ. Chủ trương vũ trang trong hoàn cảnh o ép  dở sống dở chết như thế, có phải chi bộ nào, đảng ủy nào cũng đồng lòng nhất trí cả đâu. Bởi lẽ có đảng ủy tích cực, có đảng ủy cầu an, lại có cả đảng ủy chủ trương tuân thủ kẻ thù kia mà. Song, tất cả những giả thuyết đó đều chưa có cơ sở khẳng định, hãy để cho lịch sử phán xét, lịch sử bao giờ cũng công bằng, miễn là lịch sử đừng quên họ.

Thời gian này tình hình các nhà tù trên toàn bộ lãnh thổ đã mở ra thoáng hơn. Do ở Côn Đảo. Anh em tù trong chuồng cọp bị chết nhiều quá, nên công luận quốc tế dữ dội lên án. Lên án nơi đó, tác động đến nơi này. Bọn chỉ huy nhà lao Phú Quốc buộc phải tạm thời hủy bỏ chế độ phạt tù trong chuồng cọp hay chuồng chó. Nhưng hủy bỏ cái này lại sử dụng cái khác độc ác hơn. Chôn sống tù là một ví dụ.

Trước khi chôn sống, tên chỉ hủy ban điều hành cho tập hợp toàn bộ tù binh lại: "Mấy thằng không muốn sống yên ổn trên mặt đất mà lại thích chui nhủi trong lòng đất thì ta cho vĩnh viễn chui nhủi luôn!". Nói xong, nó hô lính lấp kín cửa hầm lại. Những người tù hôm đó, tôi được nghe kể lại rằng, nhỡn tiền chứng kiến cái chết tức tưởi của đồng đội mà không làm gì được, đành cúi đầu làm một phút mặc niệm âm thầm trước nấm mồ chôn chung. Nấm mồ đó bây giờ ở đâu, nằm trong vị trí nào trong cả cái nhà lao rộng năm cây số vuông mà giờ đây chỉ còn là một thung lũng cỏ cây hoang mạc trải dài đến ngút ngàn trên địa danh An Thới? Chắc sẽ không có ai trả lời được câu hỏi này!.

Chưa hết! Ngày hôm sau chúng lôi người chủ xướng lên nhà bộ chỉ huy. Anh tên là gì? Quê quán ở đâu? Mỗi người nói một phách, không thể đưa ra được một cái tên chuẩn xác nên tôi buộc phải gọi ANH như một danh tù chung. Chúng đánh phủ đầu ANH ngay từ ngoài cửa đánh vào. Chưa đứng yên chỗ, một tên đã dùng kìm cắt rào cộng lực bẻ ngang hai ngón chân cái ANH sang hai bên nghe cái rắc! "Định trốn à? Định đào hầm nổi loạn à? - Nó nói - Bẻ tạm hai ngón chân cho mày thành người Giao Chỉ luôn, mặc sức mà trốn!".

ANH im lặng. Biết rằng sẽ chết nên ANH chỉ im lặng. Chúng không chịu nổi cái im lặng rùng rợn của người chiến sĩ đó nên nhanh chóng muốn anh biến đi khỏi mặt đất này. Hai thanh gỗ nặng nề kẹp cứng lấy phía trước phía sau lồng ngực lép kẹp... Hai cái đinh vít đã được bôi dầu... Hai cái cờ lê thi nhau vặn. Hai thanh gỗ vô tri chuyển động sát gần nhau, chuyển nữa. Tiếng xương rạn vỡ xào xạo... lục cục... Máu ở miệng, ở mũi người tù trào ra ướt đẫm mảng xương ngực đang tiếp tục vỡ, gãy... Chưa hả, chúng vung chiếc búa năm cân lên đóng lút cái đinh 10 phân vào hai đầu gối người tù, hai cái đầu gối không còn khả năng giữ thăng bằng nổi cái thân hình nặng chưa tới 40 ki lô gam ấy nữa... ANH gục xuống, chỉ có đôi mắt u buồn nhìn ngước lên...

Những người bạn tù của ANH, trước khi đưa anh ra nghĩa địa đã lau hết máu trên thân thể, đã cởi áo quần của mình mặc cho anh, đã kín đáo mang vào cho anh một đôi dép mềm và dưới đế dép có ghi cả tên tuổi, quê quán, ngày hy sinh... ANH an nghỉ đời đời ở nghĩa trang mới. Khu nghĩa trang cũ, do anh em mình đấu tranh găng quá, chúng đã ủi đi để mở hai con đường chặn ngang từ Đông sang Tây nhằm cắt nhỏ các khu vực trại giam để dễ bề khủng bố.

Con đường chặn ngang đó đến nay vẫn còn với cỏ dại mọc kín hai bên, nhưng số hài cốt nằm dưới đó liệu có còn không hay đã bị xe ủi ủi đi đâu rồi? Năm ngoái, với trách nhiệm và tình thương dồn tụ tận đáy lòng, những người mj, người chị, người em của Hội phụ nữ Phú Quốc đã mở chiến dịch đi lấy lên được 800 hài cốt của những người con từ khắp đất nước ngã xuống ở đây, mang về an táng, truy điệu tại nghĩa trang liệt sĩ nằm gần sân bay, trên một điểm cao bốn mùa lộng tràn gió nắng. Nhưng vẫn chỉ là tám trăm!

Tám trăm của khu nghĩa địa mới. Còn bao nhiêu ở khu nghĩa địa cũ nữa? Tám trăm hay bốn ngàn? Thông số đau lòng không muốn tin là thật này, ai sẽ trả lời? Chao ôi! Lịch sử của một nhà tù, lịch sử của một hòn đảo lại lắm cái cần phải trả lời thế ư? Vậy lịch sử của cả một đất nước, của cả một cuộc chiến tranh thì sao?

Bạn đọc thân mến!

Tôi đang nói đến người liệt sĩ trầm lặng anh hùng. Bài viết này sẽ rất khiếm khuyết nếu tôi không xin phép các bạn đẩy thêm số phận người tù này một tấc nữa về phía sau cuộc đời. Cuộc đời riêng tư.

ANH có một người vợ ở quê nhà Thủ Đức. Sau năm "bảy lăm", một người bạn tù của ANH sống sót trở về được, không rõ vì điều gì xui khiến hay chỉ là một sự hiểu lầm sai lạc đã thông báo ANH là kẻ chiêu hồi trong tù, bị anh em đánh chết... Một năm sau người vợ này chấp nhận ăn ở với người bạn tù đó như vợ chồng. Theo yêu cầu của người chồng mới, chị phải đổi họ hai đứa con riêng của mình sang họ người bạn tù để tụi trẻ nó sau này lớn lên khỏi tủi hổ. Chị nghe lời.

Bỗng một ngày có một người tù cao cấp đến chơi nhà. Anh kể lại toàn bộ cái chết oanh liệt của người chồng cũ mà anh được nghe người tù khác cho biết, cho người vợ nghe. Khóc lóc hết ba ngày. Ngày thứ tư chị đuổi con người phản bạn lừa thầy kia ra khỏi cửa rồi cùng người tù cao cấp khăn gói mở cuộc hành trình đi ra đảo. Hòn đảo vừa giải phóng, vẫn còn nóng bỏng hơi thở của chiến tranh, vẫn còn nguyên cái xác khổng lồ của con quái vật ăn thịt người. Sau ba ngày, bằng vào sự giúp đỡ của bà con Phú Quốc, của một người tù đã trực tiếp mang ANH đi chôn ngày trước mà vô tình chị gặp được, họ đã tìm ra hài cốt của ANH, cái hài cốt không còn nguyên xương ngực, nhưng đầu gối lại còn nguyên hai cái đinh han gỉ cắm lút vào.

Chuyến tàu đò chen chúc đêm đó, kẻ cắp không biết đã lấy đi cái túi xách đựng hài cốt của chồng. Trở về Thủ Đức, người vợ bỗng phát điên. Bệnh điên kéo dài suốt một năm. Sau này, bạn bè ANH chủ động đặt lại họ cho hai đứa con theo đúng họ của người cha liệt sĩ, chị mới dần dần trở lại trạng thái thần kinh bình thường.

Đây là câu chuyện nghe tưởng chừng như tiểu thuyết lâm li đang bán đầy đường đầy phố nhưng nó lại hoàn toàn có thật. Bởi lẽ người tù cao cấp đưa chị ra đảo đó chính là anh... Ba Trân, sư trưởng sư 1, Nguyễn Văn Trân, nhân vật mang ẩn số mà tôi cứ mất công đi dò hỏi mãi. Chính anh Ba đã kể cho tôi nghe câu chuyện này.

Tôi gặp anh trong bệnh viện "Vì Dân", tầng 5, phòng 512 vào những giờ phút cuối cùng không còn hy vọng gì được gặp nữa để chuẩn bị trở ra Hà Nội. Đã độ tuổi 65 mà nhìn anh còn trẻ quá! Ông sư trưởng đã có thời bị tù đày đẹp như một tài tử xi nê phương Tây đã về già mà tươi tắn sáng láng như một ông chủ tư sản vừa trúng một cổ phiếu hay áp phe lớn.

- Mình vào trị bệnh sỏi thận, ông ạ! - Giọng Huế anh nói nghe thật ngọt - Buồn cười! Thế quái nào mà thằng con mình nó chở mình bằng xe máy, cái cục sỏi trong thận lại tự văng ra. Nhưng vẫn phải vào đây nằm cho chắc ăn.

- Anh Ba! - Tôi đi thẳng vào chuyện - Tôi đến đây để nghe người tù binh cao cấp nhất nhà lao Phú Quốc kể chuyện, nếu vị tù binh ấy không sợ bị vi phạm chế độ nhà thương.

Anh ớ ra một chút rồi bất thần cười vang, cười rất lâu. Tôi chau mày, bệnh tật gì mà lại có cái kiểu cười ầm ào lính tráng như thế! Vỗ vai tôi một cái rõ nặng, anh nói:

- Vậy thì thất vọng rồi ông ơi! Ông nhà văn gõ nhầm cửa rồi! Tôi đâu có ở nhà tù Phú Quốc ngày nào.

- Sao kỳ vậy? Người ta ai cũng...

- Mà chả phải một mình ông nhầm đâu. Ấy, cứ ngồi chơi đã! Ông mới thất vọng chứ chưa đến nỗi tuyệt vọng kia mà. Tôi không ở Phú Quốc, nhưng số phận, nói đúng hơn là số tù của mình gắn bó với Phú Quốc rất ác.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #84 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2011, 05:22:19 pm »

Thế này nhé! Gần kết thúc Mậu Thân thì mình bị chúng tóm được tại kinh Vĩnh Tế. Bọn này đi có một trung đội bảo vệ và một cậu y sĩ, một cậu liên lạc. Đụng phục kích Mỹ, quần nhau hết hai giờ thì toàn bộ trung đội hy sinh, câu y sĩ hy sinh, chỉ còn mình với tay liên lạc cũng bị thương cùng mình. Biết thế nào cũng không thoát được, mình dặn cậu ta: "Đánh tới viên đạn chót nghe em! Giả dụ có bị bắt thì nhớ đừng nói cấp bậc, chức vụ gì của mình cả". Mới nói được thế, bọn chúng đã ùa tới từ bốn phía. Cây súng ngắn hết đạn. Theo một dự tính đã có sẵn, tôi vơ ngay lấy cái túi của đồng chí y sĩ đeo vô người.

Hai anh em bị giải về phòng xét hỏi vùng 4 chiến thuật đóng tại Cần Thơ. Một viên trung úy hất hàm:

- Mày tên gì?

- Tôi tên Hinh.

- Giữ chức vụ gì?

- Thấy lang.

- Trong quân đội cộng sản sao lại có thầy lang?

- Có chứ ạ! Vì trong rừng thuốc men thiếu thốn, quân đội phải biên chế thầy lang để khai thác nguồn thuốc nam của rừng.

Hắn hỏi thêm cậu liên lạc, cậu này cũng xác nhận, vậy là tin, mà tin cũng phải thôi vì hình dong mặt mũi của tôi cha mẹ sinh ra được cái cũng tạm coi là cao ráo trắng trẻo, lại cũng kha khá tuổi nữa, bốn chục ngoài rồi còn gì, đóng giả ông lang được quá đi chứ.

- Mày có biết Ba Trân không? - Nó hỏi thêm.

- Ba Trân nào kia ạ?

- Ba Trân sư trưởng của tụi mày đó, chúng tao nhận được tin hắn cùng đi trong toán ba chục thằng qua kinh Vĩnh Tế, cùng bọn mày kia mà.

Mẹt khỉ! Một thằng oắt con đáng tuổi con mình mà cứ "mày mày, tao tao" nghe lộn ruột lắm nhưng thấy nó cứ hỏi xoắn vào tên "Ba Trân" lại khoái thầm trong bụng, giống một trò chơi ú tim nên cố dằn lòng mà ngọt nhạt trả lời:

- Trời đất ơi! Làm gì có. Tôi chỉ là phận lang băm cấp đại đội, tôi làm sao có thể biết được cái ông sư trưởng ở cao chót vót ấy. Đến cái tên Ba Trân cũng chưa biết nữa là.

- Còn thằng này? - Nó quay sang cậu liên lạc - Biết không? Nếu biết, nói ra, dù hắn còn sống hay đã chết, tao cũng thả ngay. Lời hứa danh dự.

Cậu này lé mắt nhìn tôi nhanh một cái rồi lắc đầu. Tội nghiệp! Sau này bị đày đi Phú Quốc, chịu đòn không thấu phải chấp nhận chiêu hồi nhưng điều bí mật về thủ trưởng của mình, cậu ấy vẫn ghìm chặt trong bụng. Sau giải phóng, tôi có ý đi tìm nhưng không thấy tăm tích cậu ta ở đâu, có khi chết rồi!

- Kể tiếp đi anh Ba! - Tôi bị cuốn theo câu chuyện đầy chất kịch tính này nhưng vẫn đủ tỉnh táo để nhắc khéo - Thế cái gì khiến tên tuổi anh dính dáng đến Phú Quốc?

- Từ từ! Tôi đang bị sỏi thận mà ông quay tôi dữ thế? Hả! Tóm lại chúng nó dốc tâm tìm cái tên "Ba Trân". Về nhà tù Hố Nai, tôi bị truy gắt đế hơn.

Chúng không mất công hỏi khơi khơi nữa mà đi ngay vào ngón nhà nghề:

- ANh nói anh là thầy lang kiêm y tá. Vậy y tá thì phải biết tiêm. Anh tiêm thử tôi coi! Tiêm vào thằng tù nay! - Hắn hất mặt về một người gầy gò, rách rưới đang ngồi thù lù ở góc phòng.

Ối giời! Cái gì chứ cái đó thì dễ ợt. Tuy là chỉ huy nhưng tính tôi lại hay tò mò thích tìm biết mọi thứ, nhiều khi lại tự tay làm thử chơi. Bảo rằng mổ ruột hay cưa cắt chân tay, tôi còn chịu chứ ba cái trò này, kể luôn cả việc đỡ đẻ cắt nhau, tôi cũng làm bay; thế là, bằng những động tác thành thạo, hơi cố tình khoa trương một chút, tôi thực hiện cú tiêm vô đùi người tù một cách ngọt xớt.

- Đọc tên tất cả những loại thuốc này và nói công dụng từng thứ!

Chúng kêu một thằng thầy thuốc lên tiếp tục sát hạch tôi. Cũng ngon trớt. Tôi nói liền một hơi, tiếng tây tiếng ta đọc vanh vách khiến chúng phải đưa mắt nhìn nhau... Còn nữa. Tên thầy thuốc trực tiếp hỏi:

- Trong rừng có những thứ cây, cỏ gì có thể làm vị thuốc nam và tác dụng của từng vị.

Vẫn ngọt! Ông già tôi là ông trùm thuốc nam gia truyền mà. Tôi lim dim mắt tuôn ra một hơi nữa đến chóng mặt đối phương.

- Được rồi! Hắn cắt lời - ở rừng có dùng cao hổ cốt trị bệnh cho thương binh không?

- Có chớ! - Tôi lỡ trớn nói luôn.

- Vậy cách nấu cao thế nào?

Tới đây tôi hơi sững lại. Thấy mẹ rồi! Kiến thức này còn lơ mơ lắm, nói bậy là lộ tẩy hết. Để hoãn binh, tôi kêu nói nhiều nhạt miệng quá! Hắn đưa tôi một điếu thuốc. Tôi cầm, cầm đại đi chứ! Từ nãy đến giờ, mình đã bán bao nhiêu là chất xám, cả tây y lẫn đông y, mình có quyền ngửa cổ rít vài hơi chứ. Nói vậy chứ đầu óc nghĩ lưng lắm! Sao hè? Cái con khỉ thì mình đã trực mắt nhìn thấy mấy tay quân y trạm xá nấu rồi, còn con hổ... Gay đây! Chợt lóe một suy nghĩ: khỉ hay hổ cũng như nhau tuốt! Cùng loại bốn chân chạy trong rừng tuốt. Mẹ! Có khác gì nhau, chỉ có con hổ xương to, loài ăn thịt thì phải nấu kỹ hơn mà thôi! Kệ! Được ăn cả ngã về không!

Thế là rít xong hơi thuốc cuối cùng, mình mới làm ra bộ mắt hết sức tiên sinh đạo mạo nói một hơi, lửa củi phải thế này, xương phải giữ nguyên cả lóng thế kia, riêng cái sọ phải thế kia nữa... Lé mắt nhìn, thấy chúng nó tròn mắt lên nghe có vẻ say sưa lắm. Tưởng xong đã mừng! Một tên ở ngoài đi vào, bật lên một cái giọng Huế đặc sệt, mặt lạnh lạnh:

- Ba Trân là dân Thừa Thiên, năm nay trạc tuổi ông, giọng ông cũng Thừa Thiên. Hai người có bà con họ hàng gì không? Hay là... chính ông? Hả?

Thằng này đểu, hỏi một câu quá xỏ lá nhưng phải công nhận việc hành chánh của chúng giỏi thật, cái chi cũng cho được vô hồ sơ hết.

- Trung úy hỏi chi lạ! Nếu tôi là bà con của ông, một sư đoàn trưởng thì tôi đâu có phải làm lang băm y tá thế ni? Tôi phải là bác sĩ chớ! Cộng sản họ thiên vị riêng tư lắm mà. (Nói bậy vậy một chút để gỡ thế, đừng truy chụp hỉ?).

Không moi được gì, chúng thả mình về xà lim. Ra đến cửa... Đây là chi tiết quan trọng, một thằng còn giữ mình lại giữa luồng sáng, xâm xoi nhìn vô mặt rồi lại cúi xuống nhìn một cái gì đó ở lòng bàn tay. Mình nhìn theo và bỗng... giật thót người. Đây là tấm hình Ba Trân! Sao chúng lại có thể có được tấm hình này, mình không hiểu. Hình chụp ở quê hay chụp hồi ra ngoải tập kết? Hay có thằng phản bội nào đã lén chụp trộm mới đây ở trong rừng? Hay chúng họa lại? Truyền thần lại? Nhưng mà kệ? Nhưng mà kệ má nó! Mình không lo. Dù hình nào đi nữa thì mình cũng đã lường trước hết cả rồi. Ngay từ trại giam vùng bốn, mình đã hàng ngày lén lấy xi đánh giầy, hộp xi đổi bằng chiếc đồng hồ cho bọn lính gác, bôi mặt cho khác đi. Mặt trắng thì thoa đen, mũi cao thì bôi vẹo, cằm dài thì thoa ngắn... tóc tai cũng cào bới lòa xòa che đi vầng trán bắt đầu hói... Bữa ni cũng vậy nên làm sao chúng nhận ra.

Săm soi một lúc không được gì hơn, một cái bá súng thúc mạnh vô lưng mình đau điếng, đẩy đi...
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #85 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 06:22:30 pm »

- Vậy cái hình này cũng chấm hết ở đó - Tôi nói - có dính dáng gì đến Phú Quốc đâu?

- Lại vội rồi! Muốn có một phải biết hai. Muốn hiểu Phú Quốc phải hiểu từ Hố Nai. Hai thằng này như hai anh em song sanh. Cái này tạo truyền thống cái kia và cái kia phục hồi truyền thống trở lại cho cái này. Nói cách khác. Nhà tù Hố Nai là cái ga chờ, cái cửa khẩu của nhà lao Phú Quốc. Có người tù nào chở thẳng từ mặt trận về hòn đảo ấy đâu. Cũng như không có truyền thống vượt Côn Đảo thì chắc gì đã có hành vi vượt tù Phú Quốc.

- Nhất trí! - Tôi nói ngay để mong hướng anh trở lại luồng.

- Nhất trí hỉ - Anh Ba Trân cười - Nhất trí thì ta sang chuyện Phú Quốc. Nó là thế này. Không tìm được mình nhưng chúng vẫn mang máng đã tóm được mình - Tóm sống được một sư trưởng chủ lực là công bự lắm chứ - Tụi an ninh nhào xuống nhà lao Phú Quốc với tấm hình của mình trong tay. Nhưng chúng không trực tiếp ra mặt mà sử dụng một tên chiêu hồi nào đó đã có lần biết mặt mình. Trong khi đó mình vẫn đang ở Hố Nai. Thằng chiêu hồi này lang thang khắp các phòng giam. Gần 500 phòng hỉ? Đến đâu cũng cóm róm vô tận mặt từng người nhưng chẳng được tích sự gì. Hết Phú Quốc, nó trở ra Hố Nai. Và như vậy thì mình có thể nguy. Nhưng thằng này đã tới số của nó rồi. Một tù binh ở trại giam sĩ quan miền Nam thấy ghét quá, một phần cũng muốn bảo vệ đồng đội, đã chồm lên giết chết nó, cướp lại tấm hình, nhai nuốt vô bụng...

Từ đó số phận mình coi như được bảo hành, còn người tù tốt bụng kia sau đó có sao không? Hiện nay ở nơi nào? Còn hay mất? Bà xã mình bảo mình đi tìm để cám ơn người ta nhưng hai ba phen lặn lội mà đâu có thấy.

- Tức là tóm lại, anh chưa hề đặt chân tới Phú Quốc mà chỉ có tấm hình đi thay thôi - Tôi nói - Vậy mà tôi cứ đinh ninh ông sư trưởng 325 nổi tiếng sẽ là người chỉ huy, người lãnh đạo Đảng cao nhất 40 ngàn tù binh kia đấy.

- Anh em mình tốt lắm! - Giọng anh bỗng trở lên thâm trầm, khuôn mặt đang tươi tắn chợt già xọp hẳn đi. Tốt ngoài sức tưởng tượng kia. Đảng ư? Đúng? Nhà tù nào cũng có Đảng. Đảng góp phần quan trọng trong công việc giữ vững khí tiết nhưng quan trọng hơn là từng anh em biết lặng lẽ tự vượt mình, vượt lên tất cả để khẳng định nhân cách. Nếu có viết, ông hãy cố gắng viết về từng con người cá thể như thế. Tôi nhớ... Cái này nói thêm thôi. Một lần, vào khoảng ba giờ sáng, một ông già cơ sở bị bắt lẻn sang phòng nói với mình: "Tôi biết chú to, chỉ chỉ là tù mót (tức khai lậu) chú giữ khí tiết tốt, tôi mừng, mọi người đều mừng. Chú sa ngã, chú chớ trách tôi". Nói rồi lẻn trở lại luôn.

Một lần khác, chuyện này xảy ra ở Phú Quốc, một chiến sĩ liên lạc nhỏ tuổi làm nhiệm vụ đưa thơ trong tù bị đánh liền 6 tháng nhưng vẫn không chịu khai ra ai là người cầm đầu cuộc tuyệt thực trong trại. Bỗng một ngày, chú kêu khai. Bọn địch mừng quá, tập họp ráo trọi tù lại. Thằng thiếu tá hỏi:

"Mày khai phải không?".

Chú trả lời: "Khai! Nhớ nhà quá nên khai"

"Tốt! Khai đi, tao cho về"

"Vâng, thưa thiếu tá, tôi là liên lạc cho..."

"Cho ai?"

"Tôi liên lạc bằng cách chui rào!"

"Được rồi! Chui rào nhưng chui rào để gặp ai?"

"Để gặp Cụ Hồ!"

Thằng này dựng ngược mắt: "Đù mẹ! Mày định đùa với Chính phủ, đùa với tao hả?".

Cậu liên lạc lại khóc nấc: "Nhớ nhà quá! Biết Cụ Hồ ở Hà Nội, tính chui rào đi tìm".

Thằng chỉ huy được một phen mất mặt, còn anh em tù được một mẻ cười bể bụng.

Chuyện này, cũng xảy ra ở nhà tù Phú Quốc, một bác hàng thịt không hiểu sao trong một trận càn cũng bị bắt. Không phải chúng tưởng bác là cách mạng mà chính bác ngay từ đầu đã dương dương xưng mình là người cách mạng. Khi vào tù, thằng trưởng ban điều hành phẩy tay: "Ông lớn tuổi; tôi tha cho về. Lần sau nhớ là đừng có nhận bậy nữa!". Chẳng dè bác này lại nói: "Không về. Tôi là Đảng viên Cộng sản đàng hoàng." "Đơn vị nào" Ai kết nạp?" - Nó hỏi. "Mới mà, tôi làm sao nhớ nổi" - Bác trả lời tỉnh queo. Tên trưởng ban nổi quạu: "Nói! Ai kết nạp?". Lúc ấy ông già bán thịt mới thủng thẳng: "Đại tá chỉ huy cảnh sát. Chính ổng kết nạp. Bởi vì ổng vô có đánh tôi đau quá!".

Đó! Anh em bà con mình như vậy đó. Có lẽ chính vì cái lý do đó mà khi anh Mười Khang (tức anh Hoàng Văn Thái) nhắn vào sẽ dùng bộc phá phá nhà tù để cứu mình ra, mình đã lắc đầu vì sợ không an toàn cho đồng đội. Chỉ tiếc, cái lò lửa nhà tù đáng lẽ sản sinh ra những người con ưu tú của Đảng, những anh hùng của nhân dân thì lại cho ra những nỗi buồn day dứt không lý giải nổi. Sao kỳ vậy? Dù anh là anh hùng hay anh là kẻ hèn hạ, một khi đã vào tù thì đều được nhìn nhận bằng một con mắt như nhau tất. Tất nhiên trong đó có bao nhiêu sâu mọt nhưng con sâu đâu có phải khi nào cũng làm rầu nồi canh. Bao giờ chúng ta mới tháo bỏ được cái nhìn hẹp hòi thiên kiến này hả ông nhà văn thân yêu? Tháo bỏ trong mọi chuyện chớ không phải chỉ trong nhìn nhận phẩm cách con người. Mình muốn nói câu cuối cùng với danh dự người lính, danh dự đảng viên: Suốt trong ba chục năm chiến đấu dằng dặc, thành địch đã làm khổ ta quá nhiều rồi, ta lại còn nỡ làm khổ ta thêm nữa ư?

Tôi không nói nhưng tôi hiểu anh. Rất hiểu, anh Ba Trân ạ! Nghe nói vừa rồi anh mới được phong hàm tướng và sắp tới đâu sẽ đi chuyên gia ở một nước bạn xa xôi. Theo một lô gích thông thường của điều lệnh, từ trước Mậu Thân anh đã là sư trưởng một sư đoàn mạnh, nếu không rơi vào tù đày, dù trong tù đày anh chói sáng như một anh hùng đi nữa thì giờ đây anh sẽ mang cấp hàm và trọng trách gì? Chắc không phải chỉ là cái non khiêm nhường này.

Nhưng có sao đâu phải không anh Ba Trân! Nhìn nụ cười của anh, cách nói về đồng đội của anh, cách lý giải mọi điều trong cuộc sống của anh, tôi hiểu anh đã biết cách vượt lên trên mọi suy nghĩ so sánh để hôm nay gặp lại, tôi vẫn nhận ra anh là một người lính, một đảng viên đích thực. Điều đó mới thật là tồn tại vĩnh cửu phải không anh?

Tạm biệt anh, người tù cao cấp nhất không nằm trong đội hình Phú Quốc nhưng tên tuổi, hành vi của anh lại lưu truyền ảnh hưởng rất nhiều đến nhà lao hòn đảo hình lưỡi mác này.

Tạm biết anh mà trong lòng tôi cũng ngổn ngang nhiều điều lắm, bởi lẽ tôi cũng là người lính, cũng khoác bồng hành quân suốt một thời trai trẻ  như anh, bởi lẽ ngày hôm nay cuộc đời nghiệt ngã làm sao, còn nghiệt ngã nhiều hơn những ngày một bồng một súng nhẹ tênh đi giữa cánh rừng và cũng bởi lẽ, người chồng của  bạn vợ tôi cho đến nay cũng vẫn chưa tìm ra tăm tích gì.

Trong khi đó, chắc anh cũng cùng chung một mối lo lắng như tôi, phía trời xa, nửa nhân loại, đúng, nửa nhân loại theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen đang sắp sửa lao vào một cuộc chém giét tàn canh. Đằng sau những cuộc chém giết ấy là gì? Chắc anh và cả tôi nữa đều đã thấm thía đến đắng cay quá rồi!



Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #86 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2011, 06:18:48 pm »

Thay Đoạn Kết

Phú Quốc là đất giàu! Phú Quốc cũng là đất dữ. Bao đời nay hòn đảo hình lưỡi mác vung giữa biển khơi này đã chặt nát bao ý đồ xâm lăng tàn bạo của các loại kẻ thù.

Phú Quốc gần mà xa, xa mà gần. Phú Quốc cô đơn nhưng không bao giờ cô độc. Phú Quốc, vị trí chiến lược quân sự lợi hại, Phú Quốc lại cũng là địa thế chiến lược kinh tế tràn đầy hy vọng cho công cuộc kiện tạo giang sơn mai này.

Phú Quốc mang trong lòng nó tất cả dáng hình của tổ quốc. Nhưng dáng hình nào cũng vẫn đậm đà của bản sắc Phú Quốc làm sao! Phú Quốc mang trong lòng nó cư dân của khắp mọi nơi dồn về. Nhưng cư dân nào cũng thấm nhuần phong độ người Phú Quốc biết bao! Người Phú Quốc kiên cường trước kẻ thù, thuần phác với bạn bè, chân tình với khách bốn phương và khoáng đạt trong cách sống, cách làm.

Phú Quốc mang trong lòng nó một nhà tù. Một nhà tù khổng lồ cũng mang tên Phú Quốc.

Đã có nơi nào số phận người tù lại gắn bó khăng khít với số phận của người dân đảo như ở đây? Đã có nơi nào sự nghiệp đấu tranh của nhà tù thở cùng nhịp thở với cuộc kháng chiến trên đảo như nơi này?

Hai mươi năm tồn tại nhà tù. Hai mươi năm tồn tại tội ác. Hai  mươi năm thấm máu thương đau. Hai mươi năm quẫy cựa không ngừng khát vọng sổ lồng tung cánh. Hai trăm ba mươi chín người tù vượt ngục trong bốn mươi hai lượt người ra. 16 vụ vượt rào, 14 lần đi riêng lẻ, 7 cuộc đánh quân cảnh, 4 lần đào hầm... Những thông số khiêm nhường nhưng không hề ít ỏi đó nói lên điều gì? Sẽ không nói lên điều gì nếu như cuộc kháng chiến bên ngoài không tồn tại. Và sẽ nói lên tất cả một khi cái quật cường bên ngoài đã vẫy gọi, nâng đỡ cái quật cường bên trong. Tự nghĩ, nếu cái buổi hôm đó mà không có một đầu đạn mang nhãn hiệu CKC, nhãn hiệu của ta lọt vào trại giam thì những con số trên kia liệu có được hình thành không? Những con số hình thành bằng máu. Máu bên trong và máu bên ngoài. Truyền thống bên ngoài và khí phách bên trong thầm lặng hà hơi tiếp sức nhau.

Và nếu như bên ngoài là nơi tụ hội của dân cư mọi miền thì bên trong cũng là điểm tập trung tù binh của đất đai cả nước. Nếu bên ngoài  mang trọn dánh hình sông núi quốc gia thì bên trong, bốn mươi ngàn tù binh cũng tâm lý suy nghĩ mỗi người một vẻ. Tại sao lại có cái trong và cái ngoài trùng hợp nhau đến thế? Phải chăng cuộc đời gom tụ mọi sắc màu Việt Nam về đây để thử thách một phen. Phú Quốc, gương mặt của Việt Nam! Gương mặt sáng hay mờ? Trách nhiệm lịch sử ấy thiêng liêng và cũng nặng nề biết bao.

Hơn 400 người ra, nhưng chỉ 239 người đến đích. Thế mới biết, nằm trong lòng nhau, thở hơi thở của nhau, cách nhau không đầy gang tấc mà đến được với nhau gian khó làm sao!

Tổ anh Hai Hội, anh Tư Phước đi mất 11 ngày. Tổ Ba Toản 6 ngày, tổ của Hồng lại những 16 ngày, còn hàng trăm người khác nữa, hết bao nhiêu ngày? Nhưng cái đó có hề chi trước sau vẫn chỉ là số lượng, điều cốt yếu là đã đến được. Người ra trước kẻ ra sau, người gặp lại bạn, người không gặp lại bạn, tất cả đều mừng mừng tủi tủi trong cuộc đời mới mẻ.

Hơn 400 người ra, còn lại 239 người! Gần hai trăm người làm gì trong cái hòn đảo ít người cũng gay mà nhiều người quá cũng chết này? Huyện ủy và huyện đội để cho các anh được quyền lựa chọn tùy theo sở trường, ngành nghề của mình. Họ tản xuống các xã cùng du kích tham gia bám trụ địa bàn, ho gia nhập lực lượng võ trang huyện, họ vào trạm xá, trong các ban ngành của huyện ủy. Trong số họ có một ít người quá mệt mỏi xin ra làm rẫy, lấy vợ như một người dân, số khác xin được trở về đất liền móc ráp lực lượng, tìm lại đơn vị hay trở lại quê hương.

239 người có 15 sĩ quan từ thiếu úy đến trung úy, có 26 hạ sĩ quan từ hạ sĩ đến thượng sĩ, có 3 huyện ủy viên, 3 bác sĩ, 29 y sĩ, 5 y tá, còn lại là chiến sĩ gồm đủ các quân binh chủng: hải quân, bộ binh, pháo binh, đặc công, cơ yếu, thông tin...

Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #87 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2011, 06:26:40 pm »

Trong số sĩ quan có anh hùng quân đội Trương Văn Hòa. Chỉ khi khai lý lịch tại ban đón tiếp tù ở huyện đội, người ta mới biết được điều đó. Anh hùng là vốn quý của quân đội, của nhân dân, huyện báo cáo lên tỉnh, tỉnh báo cáo lên khu, khu báo cáo lên "Rờ" và "Rờ" báo lên Trung ương. Trung ương điện trở lại. Ba tháng sau, Trương Văn Hòa dù muốn ở lại đánh giặc nhưng đành phải chia tay mọi người vượt biển về đất liền. Ba tháng sau nữa, người lính Phú Quốc một đêm mở đài đã thấy tiếng anh đang tố cáo hành động chà đạp thô bạo lên công ước quốc tế về đối xử với tù binh chiến tranh của Nhà lao Cây Dừa trên làn sóng phát thanh Hà Nội.

239 người ra tù! 106 người tản về các cơ quan ban ngành, các bộ phận huyện xã. 50 người còn khỏe mạnh và nhiệt huyết về lực lượng chiến đấu, 34 người về đất liền, 7 người đau bệnh chết, 5 người mất tích không rõ lý do, 1 người tự sát, 1 người chết vì trốn về đất liền, 2 người đầu hàng địch trở lại... Những con số này cũng sẽ không nói lên điều gì nếu khi ra, người tù không gắn mình vào hoàn cảnh ngặt nghèo của cuộc kháng chiến trên đảo và sẽ nói lên tất cả nếu hàng trăm con người đó biết coi mảnh đất đảo này chính là mảnh đất chiến đấu của mình. 239 người thoát tù, còn lại gần hai trăm người trụ lại: Hầu hết những người trụ lại đều mang chung một tâm lý phục thù. Ngày đêm họ nung nấu ý nghĩ phải tấn công nhà lao bằng mọi cách, dù chỉ để phá vỡ đi một mảng, giải phóng được một số người. Sau những năm tháng đau khổ tột cùng, tâm lý muốn trả hận kẻ đã gây ra cho mình những khổ đau ấy là thường tình. Thường tình nhưng thực chất là cảm tính và manh động. Sự manh động này dẫn đến tự sát và khủng hoảng phong trào không mấy xa. Những cán bọ lãnh đạo chủ chốt thời gian này của huyện như anh Hai Hiến, Năm Nhất, Năm Sĩ, Ba Lon, Tư Tâm, Hai Phi và những người tù từng trải đã kịp thời ngăn chặn.

Đó là những hứng cảm chiến đấu chính đáng. Song cũng có những cảm hứng đời thường không mấy vui; ai không thèm khát cuộc sống thanh đạm yên hàn, nhất là sự thèm khát đó được nảy sinh sau những năm tháng tù đày kinh hoang. Nhưng cả nước đang có chiến tranh, hòn đảo đang có chiến tranh, làm gì có một thiên đường yên ả cho người tù trú ngụ. Phải chăng vì lẽ đó mà sau khi xin ra làm rẫy lấy vợ, đẻ con, người tù mang dòng máu lính một số không ít đã quay trở lại rừng lãnh một cây súng làm tiếp phận sự "Trai thời loạn" cùng với đồng đội. Số khác còn ngần ngừ, lập tức có kẻ xấu đến rỉ vào tai những điều bậy bạ nọ kia nhằm phân tán lôi kéo họ dạt sang hướng đối diện với trận tuyến của nhân dân.

Nhưng, giữa mệt mỏi cầu an và hành vi phản bội là chuyện khác nhau. Những người tù đó không thể phản bội lại quá khứ, phản bội lại đồng đội được. Nếu phản bội thì họ đã phản bội từ trong tù ngục rồi. Tuy nhiên, cũng có một người lính không tỉnh táo mà sa ngã. Khi nhận ra thì việc đã muộn. Lại phải chọn một mệnh đề thứ hai: Giữa phản trắc và cái chết. Người này tự sát (xin cho miễn được nói tên).

Tù ngục là lò luyện phẩm tiết. Nhưng tù ngục cũng có tác dụng phá vỡ nhân cách nếu anh một lúc nào đánh mất vị trí quân nhân cách mạng của mình. 239 người ra, 237 người nằm trong đội ngũ. Nhưng vẫn có 2 người không chịu được sự kham khổ và ác liệt bên ngoài, sau một đêm không ngủ với giấc ngủ của đồng đội, sáng sớm mai đã trở thành những tên đầu thú vào chi khu. Thật là một hành trình tăm tối: Từ đội ngũ vào tù, tù trở về với đội ngũ, và từ đội ngũ lại trở về với kẻ thù. Cuộc trở về lần ba đó còn khốn khổ hơn trở lại nhà tù. Một nhà tù phẩm cách, đạo lý và lương tâm. Sau này ta đã tìm diệt được một trong hai tên tăm tối đó và tôi cũng xin miễn phải nói tên.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #88 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2011, 05:49:10 pm »

Tại sao thế nhỉ? Con người là một mớ tổng thể những rắc rối lằng nhằng mà chính họ cũng không lý giải được. Ở tù gần kề cái chết thì khát thèm được thở hít khí trời tự do khoáng đạt dù chỉ một giờ rồi có vĩnh viễn xa lìa cõi sống cũng được. Vậy mà ra với tự do rồi lại loay hoay trăm thứ nọ kia. Băn khoăn về đãi ngộ ư? Về cấp chức ư? Về đường lối cách mạng, về tổn thất Mậu Thân ư? Cả một chút công thần về cái sự đã trải qua tù ngục nữa. Kỳ lạ! Hòn đảo cách đất liền 115 cây số nhỏ vô cùng và cũng gian lao vô cùng. Cả đảo chỉ có một đại đội không ngày nào không có người ngã xuống mà lại còn nhìn ngó trước sau ư? Khi ở tù làm gì có cái gọi là tồn tại cá nhân. Khi ra được, cái cá nhân lại nở phồng lên nhiều thế? Vậy là anh đã chậm lại so với tình hình. Thời gian tù đày là thời gian đông lạnh, trong khi cuộc sống ở ngoài vẫn cuộn chảy ào ào. Nếu không khéo, khi ra được, anh lại vô tình trở thành hòn đá tảng trong dòng chảy ấy. Nhưng rất may là cái đó không nhiều, thậm chí là rất ít. Một cán bộ đại đội bất mãn nằm ì, một thiếu úy chán ngán cảnh đánh đấm cò con, tự cho mình đứng ngoài kích thước của một tiểu đội, đã trộm nghe tính vượt biển trốn về đất liền, trốn về với đoàn quân chủ lực thôi nhưng không được. Cái chết do đạn lạc của anh đã làm cả đảo giật mình. Cấp ủy giật mình. Một bản tổng kết kinh nghiệm chỉ đạo tư tưởng với sự có mặt của anh Ba Ca, cán bộ tỉnh ủy ở đất liền ra đã tự đánh giá thấm thía: "Cấp ủy đảo đã không thật nhạy bén với tình hình anh em tù ra nhiều. Đã không đánh giá và phát huy hết năng lực của anh em. Trong cấp ủy vẫn có những đồng chí nóng vội, chấp chới chưa đi sâu tìm hiểu anh em thấu đáo, thậm chí có lúc có nơi còn vội vàng trong đánh giá, trong cách nói năng cư xử... Huyện ủy khẳng định đây là những hạt nhân quý giá nếu biết tận dụng sẽ rất có lợi cho phong trào chung...".

Thế mới biết, ở đời cái gì cũng có hai mặt của nó cả. Anh em tù ra đã thổi vào đảo một sinh khí mới, song cũng đẻ ra những khó khăn không nhỏ. Chỉ có điều cái sinh khí đó mới là hệ trọng, mới đóng vai trò quyết định.

Tôi xin được nói sâu về cái sinh khí này.

Trong số 50 anh em thiện chiến khỏe mạnh được bổ sung và tình nguyện bổ sung về chiến đấu ấy, có 20 anh em về thành lập phân đội đặc công. Bắt đầu là Hai Hội, Tư Phước rồi Hai Hội, Nguyễn Quang và sau nữa là Tư Tâm, Ba Toản rồi chót cùng là còn lại mình Ba Toản chủ trì.

Đọc đến đây chắc các bạn sẽ không trách tôi là sao lại có ý thiên vị viêt về Ba Toản lắm thế, lại viết đầu tiên nữa. Một con người làm nên công trạng trong tù đã nên khẳng định, cũng con người ấy lại tiếp tục quên mình đi, tạo nên công trạng trong giai đoạn ra tù nữa thì dù có thiên vị đi nữa, ắt cũng là chuyện thường, huống hồ đây đâu có phải là cái chuyện thiên vị hay địa vị mà là lịch sử, là khách quan.

Sau khi phân đội đặc công của anh Hai Hội, Tư Phước rồi Hai Hội, Nguyễn Quang đánh thắng trận Cửa Cạn, không khí chiến đấu chung có chiều hướng đi lên và binh chủng đặc biệt tinh nhuệ vốn đã được hình thành từ lâu nhưng đang teo tóp dần đi này lại được phục hồi trở lại. Ấy vậy, đến trận Cây Thông và trận Suối Đá, ta lại tổn thất do công tác phối hợp không chặt và kỹ thuật chiến đấu không nghiêm.

Sau hai trận này không khí lại lắng xuống. Một số mất tin nằm yên, số khác lại tiếp tục xin về đất liền. Ngay cả đồng chí phân đội phó cũng re ngang ra dân làm ăn... Trong nội bộ, trong nhân dân đã xuất hiện những tiếng nói nghe thật xót xa: "Coi chừng! Chúng mày cứ theo ba cái ông tù ra là chết hết! - "Chúng mày" đây là những anh em bên đại đội bộ binh của anh Dũng quẹo sang phối hợp.

Ba Toản khi đó cùng với Bảy Minh và Tư Hùng - Những bạn tù cùng chui ra một lượt là ba mũi trưởng, nghe được như vậy ruột gan cứ cụn lên. Tự ái người tù bị đánh thức dậy dữ dội. Ai đó nói đâu phải nỗi tại họ, lỗi là những tay súng được đào tạo chính quy mà đánh có ba cái thằng địch địa phương cũng không xong. Hổ danh binh chủng lắm! Ngày đêm anh nung nấu những phương cách mới. Phương cách tác chiến của chính mình dựa trên đặc điểm cụ thể của kẻ thù trên đảo.

Vừa may huyện ủy, huyện đội kịp chỉ đạo củng cố lại đội hình. Tư Phước đã về đất liền, tuổi tác và sức khỏe không cho phép anh Hai Hội ở lại trực tiếp chiến đấu thêm được nữa, anh đề nghị chỉ định Ba Toản, người mũi trưởng có năng lực nhất thay mình. "Bổ sung quân và huấn luyện lại đi Ba Toản ạ! Phải thắng được một trận thật ngon để gỡ lại danh dự NGƯỜI TÙ". Anh nói vậy và cùng với Nguyễn Quang về tham mưu huyện đội.

Trong trận cuồng phong của chiến cuộc, nhiều khi sức mạnh của người lính phụ thuộc vào tư cách và danh dự chứ có phải cứ mỗi khi xung trận là lại mang những cái cao siêu như lòng căm thù, tinh thần yêu nước, lý tưởng chính trị ra đặt ở đầu súng đâu. Đặt hết vào đó, nặng lắm, bắn thế nào được.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #89 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2011, 11:40:38 am »

Ba Toản chọn đánh lại mục tiêu "Đồn Cây Thông" là mục tiêu rắn mà thằng địch thường huênh hoang tuyên bố: "Nếu Việt Cộng đánh được, xin tế củ kiệu đầu heo nhậu chơi!". Đồn này lực lượng mạnh: một trung đội bảo an thiện chiến canh giữ, ba lô cốt, hàng rào 6 lớp dày đặc mìn trái và hai tiểu dội dân vệ chốt ở vòng ngoài.

Rút bài học lần trước, lần này Ba Toản tự mình đi nghiên cứu ba đêm liền. Có phương án rồi nhưng chưa thật yên tâm, anh lại trực tiếp vượt qua 6 hàng rào vào khảo sát lần cuối cùng rồi mới dẫn quân đi... Trận đánh thắng lợi giòn giã. Ta thu toàn bộ vũ khí, bắt sống tù binh và không thương vong một ai.

Thừa thắng, sau mấy tháng chờ cho địch củng cố xong, anh lại xin trên cho anh "Đồn Cây Thông" một lần nữa. Một làn bai, hai lần thắng mới mong xóa được tiếng dở để đời. Trận này dù địch tăng cường mạnh hơn nhưng cũng chỉ sau nửa giờ đồng hồ đã bị ta san thành bình địa. Truyền thống bắt tù binh, thu vũ khí, băng bó cứu chữa cho kẻ thù của Phú Quốc từ xa xưa lại được tiếp tục ở cấp độ cao hơn trong trận đánh bồi đánh nhồi này.

Thay vì những câu nói nghe đau lòng trước kia, sau trận này, một người dân từ ấp chiến lược mang rượu, đầu heo ra nói: "Trời đất! Mấy chú đặc công ta đánh ngon quá! Lính Quốc gia đang kháo nhau ầm cả lên kia kìa. Họ bảo, sau này có thấy mấy người nói tiếng trọ trẹ, tốt nhất là chạy thôi, họ còn đùn đẩy nhau rút tham khi bị điều lên đồn". Chao ôi! Nghe mát ruột quá! Tự ái người tù nằm trong cái tự ái non sông đã tạo nên một thế trận trên đảo.

Phân đội đặc công đã ăn nên làm ra. Tiếp tục phối hợp cùng với đại đội bộ binh của huyện diệt trọn trạm cảnh sát ác ôn ở gần thị trấn Dương Đông, cái ung nhọt chuyên cấm vận, làm khó làm dễ cho dân, cho phong trào bao vây lâu nay.

Tháng 10 năm 1971. Toàn bộ lực lượng vũ trang của huyện đảo tổ chức đánh thẳng vào dinh thiếu tá quận trưởng ác ôn. - Nơi xuất phát của những cuộc hành quân và tội ác. Phân đội đặc công với nghiệp vụ tinh thông của mình đã kết hợp với nội gián bên trong thực hiện một động tác điều nghiên rất chu đáo.

Đêm 25 tháng 10, trong khi kẻ thù đang họp bàn để tìm cách diệt ta trong mùa kho 1971-1972, lực lượng vũ trang ta trong đó lấy đặc công làm nòng cốt đã bí mật đi từ Bến Tràm về Dương Tơ, cắt ngang lộ số 10, tập kết tại núi Suối Mây rồi dựa theo mép sóng tiếp cận lên Ao Sen sát thị trấn. Đáng lẽ trận đánh thọc sâu này sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu như ta không bị lộ, đành phải tập kích từ xa. Tuy vậy, sau nửa giờ tên ác ôn thiếu tá cũng phải đền tội cùng với 50 tên khác trong đó có thiếu tá tiểu đoàn trưởng thuộc bộ chỉ huy sư đoàn 9 vừa chân ướt chân ráo đặt chân lên tới đảo để thực hiện một âm mưu bình định mới của kẻ thù. Khu thông tin và nhiều nhà lính bị đánh sập, ta thu và phá hủy một cây 12 ly 7, hai pháo 105, một cối 106,7 ly, 4 cụm rốc két hàng đêm nhả đạn vào rừng. Trận này ta hy sinh hai người trong đó có một người tù vượt ngục ra tên là Tân. Dòng máu của người lính đảo và người lính tù đã cùng đổ xuống cho một bước trưởng thành về chiến thuật, kỹ thuật của đường lối chiến tranh nhân dân đang tồn tại ở nơi đây - Từ chiến thuật phòng ngự chuyển sang chiến thuật tấn công.

Sau vụ tập kích rung động này, địch lo sợ vội đưa lực lượng cảnh sát của chúng vào vòng trong để tránh bị tiêu diệt. Nhưng thế trận đã mở ra, chúng trốn đâu cho thoát. Mùa mưa 1973, đội biệt động do Ba Toản chỉ huy đã giả trang luồn vào tận giường nằm của chúng và nổ súng, làm chủ toàn bộ chi khu cảnh sát ba, bốn tiếng liền...

Chiến công nối tiếp chiến công. Càng đánh lực lượng ta càng mạnh. Số anh em tù vẫn tiếp tục ra thay thế cho những anh em tù đã ngã xuống. Lúc ấy, cả tiểu đoàn 207 của tỉnh trong đất liền cũng chỉ được một trăm quân nhưng riêng đại đội chủ công của huyện đã có biên chế nhiều hơn thế rồi.

Chiến công này tạo đà cho chiến công khác. Dương Tơ anh hùng đã trụ vững kìm chân địch suốt trong những năm tháng gian lao. Hôm nay, nếu đi dọc theo con đường ven biển từ An Thới về Dương Đông, khách vãng lai sẽ nhìn thấy những cột mốc chiến thắng dựng ở ven lộ với ngày.... tháng... năm Quân và dân Dương Tơ đã diệt một trung đội... một tiểu đội...

Dường như ẩn sau những trụ xi măng đứng im lìm trong cỏ lác đối diện với biển cả bốn mùa sóng vỗ ấy, người ta thấy được bóng dáng xã đội trưởng Hai Sửu mà chiến công đánh giặc của anh được bà con lưu truyền như huyền thoại với tài nghệ xuất quỷ nhập thần, với sự gan góc đến thành liều lĩnh, với lối đánh gần như giáp lá cà khiến địch không kịp trở tay. Và nhìn thấy bóng dáng của cả những người tù quê ở bốn phương đêm ngày bám dân bám đất, chịu cực khổ cùng với người xã đội trưởng bản xứ của mình như: Nguyễn Đức Hòe, Ngọc, Sinh...
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM