Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:47:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhà lao cây dừa  (Đọc 54531 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #10 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2011, 06:21:39 pm »

- Hay quá! - Tôi bắt đầu giở sổ tay và tháo nắp bút - Bằng ký ức, anh cố tả lại cho tôi hình dung ra cái nhà tù đó nhé! Cần lắm! Nếu không phải là anh, những người như anh thì khó mà tả nổi. Rất đơn giản: Mỗi người tù chỉ biết được vỏn vẹn khu vực nhỏ nhoi của mình. Muốn nắm được hết, chả lẽ tôi phải mở cuộc lãng du mười năm để tìm mấy chục ngàn con người ư?

- Dạ! Khi tôi ra nhà lao mới chỉ có 6 khu. Sau này đặc biệt thời kỳ Mậu Thân, họ nới rộng ra đến 10 khu, 11 khu. Nghe 10 khu, 11 khu, chắc anh thấy thường nhưng thực chất mỗi khu đã mang hình hài một nhà tù khổng lồ. Cả 10 khu gom lại, nó có tầm cỡ đứng bậc nhất Đông Nam Á. Họ gọi bằng một cái tên chính thức: "Trại giam tù binh Cộng sản".

- Viết bảng treo ngay ở cổng à?

- Không! Họ gọi miệng. Mà thế nào là cổng? - Anh lại cười - Rõ ràng anh chưa hình dung ra nổi rồi. Hàng chục hàng tram công, mỗi khu vài ba cổng, biết đâu là cổng, đâu không. Tôi nói kỹ nghe. Mỗi khu chia thành 4 phân khu. Mỗi phân khu có từ 9 đến 18 nhà giam, lấy trung bình là 12 nhà. Mỗi nhà nhốt chừng một trăm đến một trăm hai mươi người, có lúc lên cao tới một trăm năm mươi. Tính thử coi nhen! Mỗi phân khu có 12 nhà, vậy 4 phân khu có 48 nhà. 10 lần cái 48 đó là 480 nhà giam. Nhà lao ở Phú Quốc có thể coi là 480 cái nhà lao cỡ nhỏ hay 48 nhà lao cỡ trung hợp thành. Từng phân khu có hàng rào bao quanh, từng khu cũng bao quanh những lớp rào kẽm gai. Chỗ dày có thể tới 10 đến 15 lớp rào, chỗ mỏng cũng phải năm đến bảy lớp. Nếu nhìn từ trên cao xuống thì sẽ thấy nhà cửa san sát và hàng rào lan ra như sóng biển. Thế thôi, chứ toàn bộ nhà lao không có một mảng tường, mảng cổng cao vòm kín nào hết. 10 khu chia làm hai, chẵn một bên, lẻ một bên, giữa là con đường trải nhựa ngày đêm có xe tuần tiễu lại qua. Ban đêm, trong những lớp rào có thả chó và ngỗng nằm im lìm mai phục. Và ánh sáng. Có cả một nhà máy phát điện và một trạm ra đa cũng như một sân bay dã chiến phục vụ nhà tù. Ban đêm đèn đuốc sáng trung như ban ngày. Mỗi phân khu có 4 ngọn đèn pha nằm trên chòi cu quét sáng, thấy động tĩnh gì là 4 khẩu đại liên tại chính nơi đó xả đạn liền. Xung quanh lớp rào trong cùng gắn chi chít đèn tròn cứ 10 mét treo một cái, một con chó chạy qua cũng không lọt. Vậy mà anh em tù vẫn vượt ra hết đợt này đến đợt khác như có phép thần, khiến lực lượng quân cảnh vừa uất vừa nể trọng. Chuyện vượt ngục này để anh hỏi chuyện những người khác, đúng là có một pho sự tích ly kỳ như không có thật. Nói vậy, anh tạm hình dung ra khung cảnh nhà lao chưa?

- Ra, nhưng... chưa thật rõ lắm!

- Vậy nói tiếp. Nhà cửa trong tù là loại nhà tiền chế, lấy khung thép lắp sẵn làm sườn rồi đắp điếm tôn thiếc vô, khắp trại không có lấy một viên gạch, một mảng bê tông. Vách dùng bằng thiếc, mái lợp thiếc, cửa cũng dùng bằng thiếc luôn. Trưa nắng nhìn vào cả nhà lao chói rực lên nhức mắt, tưởng như sắp sửa bùng cháy dữ dội. Chắc anh tính hỏi lực lượng bảo vệ? Ôi chao, đông lắm! Ngoài bộ chỉ huy quan cảnh do một trung tá hay đại tá, thạm chí có lúc lên đến chuẩn tướng cầm đầu trấn ngự tại một góc trong vòng rào và trên hết là một cố vấn trung tá người Mỹ tên là gì tôi không nhớ. Viên trung tá này ít khi ra mặt nhưng toàn quyền quyết định hết hay. Lực lượng chủ yếu là 4 tiểu đoàn quân cảnh, có lúc lên năm. Ai chỉ huy từng tiểu đoàn hay đại đội quân đó ư? Chịu! Tôi cũng có ý tìm gặp nhưng tìm không ra. Họ từ khắp các vùng chiến thuật dồn về mà. Và thực chất lính quân cảnh là lính kiểng, lính công tử, lính tìm mọi cách để trốn tránh trận mạc ác liệt, thú thiệt, tôi cũng nằm trong số đó. Nhưng sĩ quan quân cảnh lại là tuyển chọn. Một số ít trong số họ đậu bằng cử nhân luật, sau đậu tiếp cái bằng cử nhân văn khoa bởi lẽ trông coi tù tức là tiếp xúc với luật pháp và hành pháp, đâu có lạp xạp võ biền được. Chưa nói đấy còn là công ước quốc tế về đối xử với tù binh chiến tranh.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #11 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2011, 06:04:42 pm »

"Luật pháp hành pháp ư? Lại còn công ước quốc tế nữa! Vậy hàng ngàn xác chết, những cuộc tra tấn và tàn sát dã man đến bây giờ nhắc lại còn không tin được nó là cái gì?". Tôi tính cãi lại một câu như thế nhưng may mà kìm được. Cuộc chiến tranh đã đi qua nhưng mặc cảm về chiến cuộc vẫn còn, tốt nhất là không nên động đến cõi tiềm thức đang được cố tình quên đi của những người trong cuộc. Vả lại, với tư cách là trung sĩ quân xa, Hai Nam làm sao có thể biết hết mọi ngóc ngách sâu kín của sự việc.

- Nói tiếp đi anh! - Tôi nhắc khẽ.

- Một khu có một tiểu đoàn, một phân khu có một đại đội quân cảnh coi giữ. Bốn tiểu đoàn đó là 14, 7, 8, 9, trong đó tiểu đoàn 14 là sắt thép nhất. Ngoài lực lượng quân cảnh nhà lao còn có một trung đội quân khuyển toàn bẹc giê giống Anh, một trung đội bảo vệ sân bay, một trung đội quân tiếp vụ cộng một tiểu đoàn tiếp vận 3 trực thuộc trung ương, có nhiệm vụ tiếp lương, vũ khí cho cả nhà lao, phi trường, lực lượng hải quân và quân y viện. Riêng lực lượng hải quân gọi bằng hải đoàn vùng Bốn tương đương một sư đoàn giăng kín ngoài biển. Coi thế đủ thấy Sài Gòn coi trọng cái nhà lao Cây Dừa này như thế nào. Gần như là hình thành một tỉ lệ, cứ hai tù lại có một người lính trông coi. Chưa kể xe pháo tuần tra xuôi ngược rần rần suốt đêm. Những người lính ngang tài ngang sức giam giữ nhau đâu có phải dễ như trông coi trại tị nạn, trông coi đám thường phạm, anh!

Nếu tôi nhớ đúng thì một phân khu có từ hai đến ba giám thị, khu có tổng giám thị. Họ là lực lượng riêng, có nghiệp vụ được xét tuyển kỹ càng, hầu hết là hạ sĩ quan và là người Bắc di cư mà hồi ấy thường kêu bằng dân Bùi Chu. Số này lầm lì và phải công nhận là rất dữ đòn. Ê kíp giám thị chỉ trông coi tù ban ngày, ban đêm bàn giao cho quân cảnh. Cũng như hàng ngày, giám thị điểm danh tù lúc 7 giờ, quân cảnh điểm lại là 17 giờ, tất nhiên đó là ban đầu, sau này hai bên điểm danh cả ngày lẫn đêm liên tục để chống tù vượt ngục. Thành ra về đêm khi anh em mình vượt ngục, đám quân cảnh thường phải chịu trách nhiệm nặng nề. Cái nặng nề nhất là tống xuất ra mặt trận hứng đạn.

Còn điều này tôi nói thêm để anh tham khảo, có thể đúng có thể sai nhưng dù sao cũng là một lượng thôn tin. Từ năm "bảy mươi" trở về trước, nhà tù có hiện tượng đánh đập tù binh nhưng từ "bảy mươi" trở về sau, người Mỹ buộc phải can thiệp. Họ quy định: Bất cứ ai, dù là giám thị hay chỉ huy mà ngược đãi người tù thì sẽ bị đưa ra bộ binh. Do đó tình trạng trên có giảm.

Một lần nữa tôi lặng im. Đây đâu phải là lúc tranh luận dài dòng. Con người này đang nói những điều chân thật, không thiên vị ai, mặc dù cách nhìn của anh chưa thấu đáo. Mà thấu đáo làm sao được khi cả nhà tù mịt mùng như một vương quốc riêng, một mê hồn trận rợn người mà thường xuyên có tội ác ngự trị bên trong. Hai Nam thổ lộ với tôi điều cuối cùng.

- Bên cạnh guồng máy quân sự đồ sộ đó là những lực lượng nhà thầu như nhà thầu Năm Hòa ở An Thới hay bà Thủy ở Sài Gòn ra. Họ đứng ra tổng thầu cá, thịt, rau... Tóm lại là thực phẩm, đò ăn tươi, còn gạo và thực phẩm chính thì đã có quân tiếp vụ lo rồi. Nhà thầu mang tiếng là cung cấp thức ăn cho nhà tù, hàng ngày liên hệ mật thiết với nhà tù nhưng chọn duyệt lại là bộ chỉ huy quân cảnh ở Trung ương chứ không phải do chính bộ chỉ huy nhà tù quyết định. Thành ra giữa nhà thầu và nhà tù, giữa nhà tù và thượng cấp nhiều khi xảy ra bất đồng xung quanh đơn giá. Bởi lẽ, Bộ chỉ huy Trung ương sẽ chọn nhà thầu nào ô kê đơn giá rẻ nhất mới chấp nhận vào đường dây của mình. Trúng thầu rồi, nhà thầu mặc sức bòn mót xén khiến khẩu phần của nhà tù thường xuyên thiếu hụt. Anh bảo, ba chục, bốn chục ngàn người chưa kể lực lượng quân cảnh một ngày ăn hết bao nhiêu tấn gạo, bao nhiêu tạ cá, tạ rau? Cắt xén vô đó dù chút xíu thôi cũng có lợi lắm. Cho nên người ta nói: Con đường dẫn đến triệu phú nhanh nhất là con đường đấu thầu cơm tù. Bộ chỉ huy nhà tù dù có biết nhưng đành phải im lặng. Cảnh cáo ư? Dọa dẫm ư? Nhà thầu bố báo lên trên Trung ương, Trung ương không biết gì hoặc đã có chia chắc với nhà thầu, vậy là anh mất chức. Kêu cho đúng ba rem (thang bậc) ra thì tiêu chuẩn tù binh được 40 đồng một ngày, còn lính chỉ có 36 đồng rưỡi thôi. Song có bao giờ đủ.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #12 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2011, 06:22:12 pm »

- Nghe nói người Mỹ quyết định cho tù binh Cộng sản hưởng một ngày hai đô la nhưng thực chất khẩu phần không đáng một xu đô la nào? - Ngứa ngày trong người, tôi hơi chen ngang.

- Hai đô la? - Vầng trán Hai Nam nhăn lại một cách thật thà - Cái đó tôi không biết. Mà cũng có thể.

- Thôi, được, bỏ qua đi! Anh nói tiếp!

- Chắc anh nghe chán tai rồi phải không? Chuyện nhà tù nhà lao gì mà toàn những số liệu, toàn những cơm áo gạo tiền như hạch toán kinh tế. Nhưng phạm vi tôi chỉ biết có vậy.

- Không! Số liệu này nói lên rất nhiều điều, tôi đang nghe hào hứng.

- Nói chuyện vui. Nhà lao Cây Dừa trải qua khá nhiều đời chỉ huy trưởng. Tôi nhớ năm "sáu bảy" là thiếu tá Hoạt, năm Mậu Thân là trung tá Hải, người Hà Nội di cư, năm "sáu chín" là trung tá Phước rồi lại đại ta Trần Vĩnh Đắc, con rể nguyên đại tưởng Tổng Tham mưu trưởng Bùi Bằng Dực. Giữa ông Dực và ông Phước có chuyện lằng nhằng thông qua bà Thủy. Đúng ra về đấu thầu thì bà Thủy thường xuyên không đảm bảo định lượng ca lo cho một khẩu phần ăn trong tù, ông Dực quyết định phạt tiền. Bà Thủy kiện lên ông Phước lúc đó đã là Tư lệnh trưởng Quân cảnh quốc gia ở Sài Gòn. Ông Phước gọi ông Dực lên tổng tham mưu ngồi chơi. Dực kiện, Phước cũng kiện. Hai bên kiện qua kiện lại, rút cục cả hai đều đi đoong. Chỉ bà Thủy ở giữa là vẫn tiếp tục cắt xén vào phần ca lo định lượng tối thiểu của anh em.

- Cảm ơn anh Hai Nam! - Tôi đưa tay ra và dợm đứng dậy.

- Không! - Hai Nam nâng ly rượu ngang miệng - Uống nữa đi, còn sớm mà.

- Tôi sợ làm anh uổng phí thời gian trong khi thời giờ đối với một vị phó giám đốc xây dựng đang có quân thi công ồ ạt ở tận Cô Công Campuchia là vàng.

- Không có chi. Cái gì ra cái đó. Rạch ròi. Tôi nói thiếu, anh viết không thành, tôi lại mang tiếng. Anh nắm thêm một chút về bố phòng nhà lao nghen! Cạnh bộ chỉ huy quân cảnh có văn phòng ban giám thị. Có lúc, cạnh văn phòng ban giám thị lại đặt thêm văn phòng tổng đội bình định nữa. Về sinh hoạt, trong khu trại có sân banh nhưng quanh năm hiu hắt, ai đá ai coi? Giữa tim nhà lao có con đường cụt, bề ngang rộng 12 thước gọi là đường trại giam. Đường này chỉ có xe quân sự qua lại nên cũng buồn lắm! Thoạt đầu phương tiện thông tin chưa có gì, sau "bảy mươi" Mỹ cho xây trạm ra đa ngay trên đỉnh đồi. Tù đó Mỹ mở đường ven biển ngạy lên tới thị trấn Dương Đông dài 30 cây số. Trước đó, phương tiện qua lại lên xuống hầu hết bằng ghe thuyền nên nhọc nhằn lắm.

Còn chi tiết nữa: 11 khu chứa các loại tù binh nhưng trong đó chỉ có khu 2 và khu 9 là giam sĩ quan, cả sĩ quan người Nam lẫn sĩ quan người Bắc. Riêng khu 6 dành riêng cho số chiêu hồi gọi là khu "Tân sinh hoạt". Ôi chà! Những chế độ, địa danh cũng thay đổi luôn cho phù hợp với diễn biến từng thời kỳ. Cũng như mỗi lần thay một chỉ huy trưởng là thay một cách thức cai trị mới. Ông Hải thì lì lợm, không sợ máu; ông Phước mềm mại, lấy tranh thủ nhân tâm là chính nhưng lại hiểm độc; còn ông Đắc thì rất quy lát chính quy, cứ thẳng tay thi hành mệnh lệnh thượng cấp không đếm xỉa gì tới chuyện nhân tình, nhân đạo chi hết.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #13 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2011, 05:36:13 pm »

6.

Từ biệt Hai Nam, tự dưng tôi thấy buồn. Rút cục, câu chuyện của con người này cũng vẫn chỉ là bản nhạc dạo đầu. Chuyện anh Ba Nghĩa là dạo đầu, chuyện anh Hai Nam là dạo đầu đến chừng nào nữa? Bao giờ tôi mới tiếp cận được vào trung tâm vấn đề?

Từ đó, lúc thì ngồi sau xe Tư Dũng, lúc thì ngồi sau xe đạp của một nhân viên ban lịch sử Đảng, khi ở huyện đội, khi sang huyện ủy, khi lại lao sâu xuống xã, xuống ấp, nếu cần thì tôi tạm rời đảo vượt biển về đất liền, quá giang xe đò tới Cần Thơ, Sài Gòn rồi trở ngược xuống Tiền Giang. Tôi nhảy xích lô, ngồi bó giò đằng sau xe đạp ôm tìm đến phòng bảo vệ, phòng địch vận quân khu; đến Cục chính trị Bội nội vụ "B"; đến Ban thanh tra thành phố, Ban kiểm tra Trung ương... Tóm lại tôi có mặt ở bất cứ nơi nào nếu nơi đó có một nhân chứng sống biết về nhà tù, về cuộc kháng chiến của quân và dân bên ngoài. Hội cựu chiến binh tỉnh cung cấp cho tôi một số tên người, anh Tám Quýt nguyên bí thư tỉnh ủy những ngày đầu đánh Mỹ cho tôi danh sách một số người rất quý giá nữa. (Rất tiếc anh Tám đã đánh mất cả một cuốn sổ tay ghi chép tỉ mỉ những câu chuyện về nhà tù này), anh Sáu Hồng, nguyên bí thư của một chi bộ trong tù, sau đó là giám đốc viện bảo tàng tỉnh và bây giờ đã về hưu cũng cung cấp cho tôi không ít tư liệu có giá trị. Tất cả những tên người, những tư liệu này nếu có thể bám đến được là tôi đến. Có người tiếp tôi vui vẻ, có người lại lạnh nhạt thờ ơ, cũng có người cả vui vẻ lẫn cả thờ ơ. Tựu trung lại, họ ít muốn nhắc lại chuyện cũ, khi cái mới ngày hôm nay còn đầy rẫy phi lý khó khăn. Kệ! Tôi cứ làm mặt lì lấy kiên nhẫn làm bửu bối. Thời gian dần trôi qua, những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên hay tất nhiên gom lại cũng đã nhiều. Nhiều nhưng càng nhiều càng thiếu. Mỗi người một cảnh ngộ, mỗi người một số phận và mỗi người một ký ức khác nhau, càng tiếp xúc tôi lại càng bị ngợp như lạc vào rừng rậm. Đúng! Câu chuyện về nhà lao Cây Dừa hoàn toàn là một khu rừng rậm. Mỗi bước đi là mỗi mịt mù rối rắm. Tôi như người thám hiểm cô đơn và liều mạng. Nhưng đã có cái la bàn trong tim và con dao phát rừng trong tay, tôi cứ bước tới.

Trong quá trình bước tới, tất nhiên tôi không thể không để xảy ra những sai sót lớn nhỏ, những tên người tên đất đôi lúc bị quên đi hoặc buộc phải quên đi vì cái chung, cái cốt lõi.

Mênh mông quá, 480 nhà giam, tôi xin được chọn 5 nhà, bốn chục ngàn con người, tôi xin lấy ra vài chục người đại diện, và lịch sử nhà tù kéo dài suốt hai mươi năm (1953-1973), tôi chỉ xin cắt đoạn tròn hai năm, hai năm cô đặc điển hình nhất, hai năm sẽ nói lên tất cả, hai năm của trước và sau "Mậu Thân" hai năm cho hai mươi năm. Rất mong được sự lượng thứ nếu tôi không kể hết được mọi người.

Tức là tôi đang đi vào phần chính của câu chuyện mà bắt đầu từ anh Ba Toản.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #14 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2011, 07:47:49 pm »

7.


Anh định cư ở Khu Tượng. Tới nhà anh lần thứ nhất, không gặp, chị Ba nói anh về thị trấn mua ít đồ ăn, nhân tiện thăm cậu con trai cả. Tư Dũng hùi hụi phóng xe đưa tôi về Dương Đông. Anh lại về Khu Tượng rồi. Thế là tôi đành lội trở lại một lần nữa và gặp anh đang ở trần mặc quần cụt lúi húi bên mấy cái nọc tiêu chi chít trái.

- Năm nay trồng tiêu không khá - Anh nói - Các năm trước người ta thu mua 3,8 đô la một ký, năm nay chỉ còn 1 đô, chán, không muốn trồng nữa.

Ba Toản đã về hưu, vườn tiêu, vườn mì xanh ngút ngát. Cái nhà tầng gia đình anh ở vốn là của người vượt biên, ủy ban xã tạm chia cho. Suối chảy sau nhà và loài chó lưng xoáy giống Phú Quốc chạy nhởn nhơ đầy sân. Nghe nói đến Ba Toản đội trưởng đặc công biệt động khét tiếng sau khi vượt tù ra, một Ba Toản gốc Bắc xứ Hà Đông biết ca rành sáu câu vọng cổ, tôi cứ ngỡ anh người nhỏ con, săn rắn và mặt mày ngang tàng râu ria lì lợm. Vậy mà anh lại cao ráo, nét mặt trang nhã như một nhà giáo sắp về già. Anh năm nay đã trên năm mươi tuổi nhưng trông còn phong độ trẻ chung lắm. Về đêm trời hơi lạnh, tôi ngồi nghe anh trong sự yên tĩnh sâu thẳm. Yên tĩnh cả về mặt an ninh. Lạ quá! Đang ở những vùng đô thị bụi bặm tới đây, thấy cửa nẻo đi ngủ ban đêm không thèm đóng, thấy chiếc xe máy dựng ngoài xa hàng trăm mét cả buổi không cần khóa mà cứ ngỡ mình lạc đến xứ sở xa lạ nào.

- Tôi quê ở Đan Phượng Hà Tây anh ạ! - Ba Toản nói, giọng không hề pha một chút âm sắc Nam Bộ nào, mặc dù anh đã sống ở đây từ năm 1968 - Tôi vào Nam chiến đấu năm 1966 trong binh chủng đặc công và bị bắt vào đợt 3 tổng tấn công Mậu Thân tại chính giữa Sài Gòn. Khi đó đơn vị tôi đống giả lính biệt động rằn ri đánh vào Bộ tư lệnh Thiết giáp. Chắc anh đã biết, vào đợt 3, sức của ta đã yếu lắm và đối phương đã lấy lại được tinh thần, dần dần mạnh lên. Quần nhau nửa ngày phân đội tôi hy sinh gần hết, chỉ còn lại ba người bám trụ ở ba phía, diệt thêm được thằng nào thì diệt còn ngoài ra là ngồi chờ đến lượt mình đi theo đồng đội sang thế giới bên kia. Chính lúc ấy, nhà bị sập. Tôi ngất đi... Khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm còng queo trong nhà giam Hố Nai - Biên Hòa rồi.

Tôi dừng lại ở đây một chút để nói kỹ hơn về những trường hợp bị bắt và cái gọi là tù binh. Nói chung trong chiến tranh chả ai muốn bị bắt và đã để bị bắt rồi là trăm thứ rườm rà. Có người bị chết giấc như tôi, có người bị thương gãy giò, có người lại bị khui ra hầm mật, người này bị trực thăng chụp giữa bưng, người kia bị phục kích tóm gọn cả đội hình... Có thể kể hàng trăm ngàn các cảnh ngộ bị bắt khác nhau. Nếu gặp một ai đó không thể tất hỏi rập khuôn theo điều lệnh: "Thà chết không rơi vào tay địch kia mà! Chiến đấu ngoan cường đến giọt máu cuối cùng kia mà!" thì chúng tôi chịu cứng, biết trả lời sao? Dù muốn hay không, dù trong bất cứ cảnh ngộ hiểm nghèo nào, đã rơi vào tay địch là khó bề ăn nói lắm anh ơi! Chả lẽ đánh nhau hàng chục năm, đi hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, chẳm may sắp sửa rơi vào tay địch là cắn lưỡi tự sát ư? Tất nhiên là tôi biết không phải ai khi bị bắt cũng có lý do chính đáng cả. Có thể do hèn nhát, do chủ động cầu an nhưng số này không nhiều. Bị bắt rồi, bọn tôi đành lấy lời thề thứ ba: "Nếu bị địch bắt, dù trong trường hợp nào cũng giữ vững khí tiết là chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam... Quyết không cung khai phản bội" làm điều an ủi về danh dự vậy.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #15 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2011, 05:57:36 pm »

Tôi nói tiếp. Tôi bị giam ở Biên Hòa trong trung tâm hỗn hợp Việt - Mỹ ba tuần. Thấy anh em mình bị bắt ngày một nhiều biết cuộc tấn công bên ngoài đã tạm lắng. Buồn lắm và rộn lên không ít những suy nghĩ khác nhau. Tại đây tôi bị hỏi cung ít thôi nhưng đã bắt đầu bị đánh đập cẩn thận. Kẻ hỏi cung tôi là một trung úy còn trẻ nhưng đôi mắt cứ ánh lên cái sắc lạnh như chì. "Mày có biết chúng mày phạm tội gì không?". Chưa kịp trả lời, đánh! "Chúng mày đã giết chết một đại tá chỉ huy trưởng của tụi tao. Hình đây!". Chưa kịp nhìn hình, đánh! Đánh cho đã, đánh không phải để moi thêm tin tức như tù chính trị, như những cán bộ xã, huyện, tỉnh, những cơ sở nằm vùng, nội gián rơi vào tay chúng. Tù binh đánh trận hàng ngang, súng đạn ầm ào biết gì mà khai và số lượng tù nhiều thế, moi tin từng người thì thời gian đâu cho đủ. Tất nhiên bọn hỏi cung này thuộc an ninh quân đội chứ không phải cảnh sát tổng nha. Đã là lính tra hỏi nhau thì lấy võ biền để đánh đòn thù, đơn giản vậy thôi. "Các anh hành quân đường nào vô đây. Đơn vị các anh là đơn vị gì? Có bao nhiêu người? Ai chỉ huy? Căn cứ chúng mày ở đâu? Hãy nói vị trí kho gao, kho vũ khí ở cụm rừng nào...". Lúc kêu anh, lúc gọi mày tao loạn xạ. Tất nhiên tôi chả dại gì nói. Nói một, chúng đánh hai để moi nữa nên toàn bịa, bịa hết, bịa cho hợp lý, bịa cả tên tuổi, quê quán, chức vụ cấp bậc và phiên hiệu đơn vị. Nói chung không ai bảo ai mà đều nhất loạt khai hạ cấp bậc của mình đi. Sĩ quan khai hạ sĩ quan. Hạ sĩ quan khai chiến sĩ, càng nhỏ càng tốt để mong chúng ít để ý, ít thù. Nhưng ngay cái cũng có khi đúng khi sai, lát nữa tôi sẽ nói. May! Nếu chúng biết tôi là dân đặc công thì mệt lắm, sẽ tìm mọi cách để trả thù, thậm chí bí mật thủ tiêu. Buồn nhất là bị bắt những ngày ấy phần lớn lại là dân đặc công. Đánh sâu vào ngõ ngách đô thị còn ai thiện chiến hơn sắc lính này nên bị tóm cũng khá. Nhưng vì là tù binh đặc công nên khi ra Phú Quốc, anh em mình cũng làm được khối trò mà tôi sẽ kể cho anh nghe sau.

- Trường hợp khai tên giả là chỉ riêng anh hay hầu hết anh em mình? - Tôi buột hỏi khi chợt nghĩ đến tên người chồng của chị ấy.

- Tất cả. Tất cả đều mang tên giả. Nói tên thật, chúng lần tìm tung tích hoặc cho lên máy bay chiêu hồi, cho lên đài phát thanh "Sinh Bắc tử Nam". Vợ con nghe thấy thì sao.

- "Thế là tan tành hy vọng để hỏi một cái tên "Quang" thật trong hàng chục ngàn cái tên giả đó" - Tôi buồn bã nghĩ.

- Nhưng cũng có người mang tên thật, cấp bậc thật, ví dụ như bị bắt mà có giấy tờ trong người hoặc có ai đó nhận mặt phát hiện ra. Cái gọi là "ai đó" là cả một vấn đề để bi kịch đau lòng và phẫn uất mà tôi không thể nói gọn một câu coi như xong được.

Sau ba tuần, tôi cùng hai trăm người nữa được đưa ra sân bay, dồn tất cả lên chiếc C130 hình dáng giống con cá nóc có chửa. Mấy mươi phút sau, chiếc máy bay hạ cánh nặng nề xuống một vùng hoang hóa nhìn đâu cũng thấy một màu núi rừng ảm đạm. Lúc ấy chưa ai hay đó là Phú Quốc, cứ nghĩ rằng chúng đưa mình ra Côn Đảo hay lên một miền sơn cùng thủy tận nào đó.

Đang hoang mang thì tôi bỗng tá hỏa tam tinh vì một cú dùi cui bổ thẳng xuống giữa đỉnh đầu. Gượng dậy được nhìn ra tôi mới chợt thấy tất cả mọi người đều bị nện như thế. Nện ngay tại sân, nện ngay giữa sự ngơ ngác của con người. Đó là đòn phủ đầu, đánh cho biết mặt. Chúng thường áp dụng với một đợt tù binh mới tới. Cú phủ đầu này thâm độc lắm! Ai nhát gan có thể quỵ ngay hoặc tinh thần ý chí bị vỡ một mảng lớn.

- Đánh chơi một chút để chúng mày hiểu rằng chúng mày đang sống ở đâu, đang ở dưới bàn tay cai trị của người nào, hả?

Một tên đại úy còn trẻ nhưng râu ria đầy mặt, nói giọng Bắc mà sau này mới hay hắn là thằng Hiểu râu xồm ác ôn khét tiếng, chạng chân rít giọng nói chúng tôi đã đương xếp thành hàng.

- Đây là đảo Phú Quốc, chúng mày nghe rõ chưa? Phú Quốc, hòn đảo hoang cách đất liền hàng trăm ki lô mét, xung quanh chỉ toàn cá sấu, rắn rết và mìn trái của Quốc gia, thằng nào muốn trốn cứ việc trốn, xin mời. Trốn được, sẽ trọng thưởng thêm - Hắn cười nhạt - Vào đây chúng mày chỉ còn hai cách: tuyệt đối ngoan ngoãn tuân theo mọi quy định của nhà lao hay là chết, chết thê thảm, chết không toàn thây.

Nhớ kỹ chưa, bọn phiến cộng! Thực chất bọn mày chỉ là loài giặc cỏ phiến cộng đáng tội nghiệp!

Bất ngờ có một chiến sĩ trẻ từ trong hàng bước ra, quắc mắt nói lớn bằng chất giọng miền Trung:

- Chúng tôi không phải là phiến cộng. Chúng tôi là tù binh chiến tranh. Yêu cầu ông đại úy không được miệt thị tù binh, đề nghị theo đúng công ước Giơnevơ về đối xử với chúng tôi: không hành hạ, không trả thù, không được lăng mạ...

- Hả? Cái gì? - Tên Hiểu ớ ra một giây rồi lại cười gằn - Tù binh chiến tranh hả? Ngon đó. Mày tới số mày rồi! Tội nghiệp đời mày chưa từng nghe tới tên Hiểu cọp - Hắn đột ngột thét lên - Đến gần đây! Đến!

Người trẻ tuổi này chưa kịp phản ứng gì thì hắn đã sải giò bước tới, cây gậy đầu bịt đồng trong tay hắn vung lên. Rắc!... Tôi chỉ thấy anh này bụm chặt lấy miệng rồi loạng choạng ngã ngồi xuống. Khi anh bỏ tay ra, chỉ thấy cả một mồm máu và tại chỗ răng cửa đã bay đi đâu hai chiếc, chỉ còn lại một cái lỗ đen ngòm sủi bọt đỏ. Trước cảnh đó, một số người trong đó có tôi uất ức không chịu nổi đã nhào ra định ăn thua với nó nhưng không kịp. Một loạt súng từ trong tay tốp quân cảnh từ đầu đứng lầm lì đã vang lên xé tan không khí u ám. Ba người gục xuống, giãy đạp một hồi rồi nằm im.

Tên Hiểu gõ gõ cái đầu can vào lòng bàn tay"

- Thế nào! Đã vào đây là tính mạng chúng mày rẻ không bằng con rệp. Liệu đấy! Điên lên tao có thể ngay bây giờ cho tất cả chúng mày về chầu ông vải hết. Nào! Thằng nào muốn nói gì nữa! Nói!

Đám đông im phăng phắc. Nhìn cái mặt cô hồn của hắn đỏ lòm ma quái thế kia là biết hắn không đùa.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #16 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2011, 06:01:18 pm »

Chúng tôi nuốt giận, đành bất lực. Không ngờ chúng chơi dữ như vậy! Vốn là dân lính chiến đã quen trận mạc và hiểm nguy, bây giờ đành đứng đó để cho kẻ thù đánh đập và chửi rủa như đánh đập lũ con nít, nhục lắm! Nhục thấm thía mà không làm gì được. Đây cũng là bài học xương máu đầu tiên chúng tôi phải trả để dần dà tìm ra cách ứng xử hữu hiệu trong ngục tù. Chao ôi! Lúc ấy có một cây súng, chỉ một cây thôi... cạnh tôi! Người tù trẻ tuổi bị thọc gãy răng âm thầm để rơi hai giọt nước mắt bất lực!

- Anh ấy tên là gì? Bây giờ ở đâu? - Tôi hỏi vồ vập.

- Không rõ nhưng nghe tiếng nói, biết người Trung, mạn Bình Định gì đó. Đẹp trai, vạm vỡ, cằm vuông, mắt rất sáng, chừng hai mươi tuổi, tôi chỉ nhớ có thế. Bây giờ cũng phải trên bốn mươi rồi.

- Dạo đó các anh không được giam chung với nhau à?

- Không! Chúng xé lẻ từng tốp hai chục người đưa về từng phân khu khác nhau. Tôi về trại Đ7, còn anh ấy và một số anh em khác được coi là cứng đầu bị đưa về khu biệt giam. Mãi một thời gian sau tôi mới gặp lại anh ấy trong phòng biệt giam... Toàn nhà tù có một khu giành riêng cho biệt giam, cách hơi xa các khu khác một chút và tùy theo từng khu, từng phân khu có vấn đề chúng cũng dựng trại giam đặc biệt riêng. Sau đó, tôi mới hay khu của tôi cũng thuộc loại biệt giam. Nói chung biệt giam hay không biệt giam đối với chúng nó là tùy hứng lắm, chẳng có phân biệt gì rõ ràng.

Từ sân bay chúng tôi đi bộ chừng hơn một ki lô mét thì đặp mắt vào hàng rào gai. Trong hàng rào gai là những mái nhà lợp tôn nhấp nhô đứng thành hàng. Nhìn nhà tù lòng bỗng dưng ngao ngán. Rào nhiều thế này, rào mọi chỗ, trên trời, dưới rào, liệu trốn bằng cách nào đây? Những báng súng và những tiếng chửi tục đẩy nhanh hai chục chúng tôi vào một căn nhà dài 12 thước, rộng chừng 5 thước có đề bảng số 6 ở ngoài. Một mùi hôi thối xộc lên, cái mùi mà suốt đời không thể quên được đã khiến tôi muốn té xỉu. Khi dấp dính mở được mắt ra tôi thấy trong phòng đầy nghẹt người nằm ngồi ngả ngớn trên hai dãy bệ xi măng chạy dài sát tường thiếc, chỉ để một lối đi nhỏ ở giữa mà ngày cả lối đi đó cũng chật ních người. Họ giương mắt nhìn chúng tôi. Có người chào, có người gật đầu, lại có tiếng thở dài. Một tiếng nói từ góc phòng thốt lên: "Lại vô nữa. Chiều qua một đợt, chiều nay một đợt, cách mạng bên ngoài sao rồi mà anh em ta rủ nhau vô tù như đi hội vậy?".

Tôi để ý nhìn hết lượt gần một trăm sinh vật người không còn ra hình người nữa. Gầy, gầy quá! Áo quần màu nước dưa ố, cái còn cái mất, kiểu quân phục soóc dày cộm được nhuộm lại nham nhở của lính Pháp ngày xưa còn lại. Cái mùi tanh khẳm từ những bộ quần áo này phả ra, hay từ thân xác bên trong, hay từ chiếc cầu tiêu làm bằng phân nửa chiếc thùng phuy dựng ở góc nhà. Nóng hầm hập. Ngoài trời còn có chút gió, trong này nghẹt người lại bao xung quanh trên dưới toàn tôn thiếc đang bị nướng nóng đến cong vênh. Trên lưng áo người nào cũng in đậm hai chữ: TB (tức tù binh) và phía trước ngực là số tù dài ngắn khác nhau. So với họ - những người đến trước - chúng tôi còn có vẻ bảnh bao hơn. Bảnh bao về quần áo, bảnh bao cả về nước da chưa đến nỗi nào.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #17 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2011, 06:47:01 pm »

Họ im lặng bảo nhau nằm dẹp, ngồi thu vào dành chỗ cho người mới đến. Im lặng bao trùm. Họ chỉ nói với chúng tôi bằng mắt. Sau này tôi mới hiểu sự im lặng này là có lý do. Trong hỗn độn cả trăm con người từ tứ phương gom tụ, biết ai ngay ai gian mà bộc lộ tâm tình. Kẻ thù gài gián điệp, mật vụ và kẻ chiêu hồi vào khắp nơi đã trở thành nạn dịch cho tất cả các nhà giam. Ngay bữa ăn đầu tiên, tôi đã hiểu thế nào là khẩu phần cơm tù của nhà lao Cây Dừa. Mười người một xô cơm chỉ to bằng cái lon chứa dầu 1 lít. Tức là mỗi người chỉ vỏn vẹn được chừng dăm muỗng là hết. Những muỗng cơm ẩm xì hôi mùi gián ăn nhếu nháo với mấy con cá nát nhũn, thum thủm và nửa cà mèn canh lõng bõng vài ba miếng dưa leo. Thế thôi. Không bát không đũa, không tăm xỉa răng, nước chỉ vừa đủ để tráng miệng.

Đang ăn chợt nhìn thấy bàn tay người ngồi cạnh ghẻ chóc sần sùi mà rùng mình, miếng cơm tắc cứng trong cổ. Nhìn ra xung quanh, hóa ra ai cũng ghẻ lở đầy mình cả. "Chừng nhìn miết rồi cũng quen đi! Ở đây người lành lặn nhất thì trên mình cũng có trên chục nốt ghẻ, đó là chưa kể hắc lào, phù thũng". Người nói với tôi câu đó là một anh lớn tuổi, dáng trí thức có cái nhìn trầm tĩnh mà sau này tôi mới biết là bác sĩ Ba Châu chứ lúc đó người ta kêu anh tên Chung (dường như nếu có đổi tên hay họ thì người nào cũng đổi na ná cái tên cũ của mình cho khỏi tên hẳn tên cúng cơm - Ví dụ Châu thành Chung, tôi tên Toản thành Toàn).

Hai chục người mới tới làm thành hai tổ. Cả phòng một trăm người làm mười tổ. Tôi ở tổ bác Xê, người miền Trung, ít nói và đạo mạo như thầy đồ. Toàn phòng có một ông trưởng phòng để đại diện cho anh em làm việc với giám thị trong tất cả các mặt sinh hoạt, đối xử. Ông này có thể do anh em bầu ra hoặc do ban giám thị chỉ định hoặc do hòa hợp cả hai. Không ai muốn làm cái công việc trên đe dưới búa này hết. Được giám thị thì mất lòng anh em, vì quyền lợi của anh em nhiều khi lại bỏ mạng. Cạnh trưởng phòng có một liên lạc viên thường chọn người nhanh nhẹn, hoạt bát để thường xuyên liên hệ với giám thị. Phòng tôi lúc đó là cậu Tín, người Hà Nội rất đẹp trai và láu lỉnh. Chuyện về cậu này rất hay, rỉ rả để tôi kể cho anh nghe...

Dưới cổng, có chó xoáy giống Phú Quốc rất đẹp chợt kêu lên những tiếng chững chạc, dữ dằn. Giống chó xoáy cuốn lông lưng này người ta bảo nó đẹp mã, nhỏ con, mượt mà nhưng con béc giê nào đứng trước nó cũng co rúm lại. Vậy là ông chủ vườn tiêu ấp Khu Tượng có khách. Tạm nghỉ. Lựa lúc này xin cung cấp thêm cho bạn đọc một ít thông tin về cấu trúc nhân sự thuộc guồng máy vốn một thời khu ủy khu Chín cử ra phụ trách việc tiếp nhận tù binh trốn trại ở Campuchia thương mà xé sổ tay ra cho. Cái thông tin gián tiếp này sẽ bổ sung sâu hơn cho cái thông tin trực tiếp của Hai Nam mà không sợ có độ chênh gì quá lớn. Và cũng bởi vì câu chuyện của Ba Toản đã dẫn tôi vào trung tâm vấn đề, từ đây chỉ có khoét sâu dũi kỹ vào mọi hang hốc chứ không thể thoái lui được nữa. Một trong những khía cạnh hang hốc đó là nhìn kỹ thêm về phía kẻ thù để định lượng cái sức lực của ta. Bộ chỉ huy tối cao nhà tù là một bộ chỉ huy chung hỗn hợp Việt - Mỹ. Tất nhiên, người Mỹ bằng cách thức của họ, họ bao giờ cũng làm ra vẻ khiêm nhường ẩn núp ở phía sau nhưng mọi quyết định quan trọng lại xuất phát từ chính họ. Cũng như ở phía dưới, nhà tù chia thành năm ban: ban điều hành, ban giám thị, ban an ninh, ban chiến tranh chính trị, ban quân y do cấp thiếu tá người Việt phụ trách làm trưởng, còn thiếu tá Mỹ chỉ lo phận sự làm... phó.

Ngoài bốn tiểu đoàn quân cảnh (có lúc lên năm), họ còn tăng cường một đoàn công binh mà một phần ba là Mỹ và Tân Tây Lan làm nhiệm vụ mở đường, làm sân bay nặng và thiết kế những bãi mìn dày đặc xung quanh 5 cây số vuông nhà tù. Một liên đội gồm năm đại đội bảo an thiện chiến đóng ở cầu Đầm và trấn ngự tại năm điểm cao bao kín vòng ngoài. Liên đội này có mộtc ây cối 106,7 ly, ngày đêm nã cầm canh vào rừng nghe rất sốt ruột. Nếu có hiện tượng tù vượt trại, chính những trái cối bự như con heo ấy sẽ hủy diệt họ cho đến người cuối cùng. Một tốp trực thăng chiến đấu cũng thay nhau ngày đêm quần thảo trên bầu trời Phú Quốc tạo một cảm giác ảm đảm ngột ngạt cho những sinh linh nhỏ bé đang tồn tại khổ đau ở mặt đất.

Lực lượng hải quân ở đây gồm một hải đoàn mang bí số 42, chia ra một nửa trấn giữ phía nam nhà tù, tức là mạn bờ biển An Thới, nửa khác án ngữ ngoài khơi cùng với hai tàu lớn chứa dầu và hai tàu vận tải của Đại Hàn (Nam Triều Tiên) lo tiếp tế cho nhà tù. Lực lượng này tính ra có từ 40 đến 60 cố vấn Mỹ thường xuyên túc trực.

Về phương tiện cơ giới của nhà lao thời kỳ này lên tới 100 xe tải chở tù, 4 xe nồi đồng cũ, 33 GMC và 30 xe Jeep các loại. Ngoài hai máy đèn công suất 115 KWA và một trạm ra đa hiện đại còn có máy bay thả bom thường xuyên lên xuống cùng một L.19 và hai trực thăng.

Như vậy bộ máy đàn áp nhà tù lên tới 4.000 người gồm cả hải, lục, không quân. Với bộ máy này, họ tin rằng không chỉ hoàn tất tốt việc đàn áp mà còn đánh bại ngon lành bất cứ một lực lượng ngoại nhập nào tính liều mạng giải phóng nhà tù Cây Dừa. Và điều này họ không phải hoàn toàn không có lý.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Ba, 2011, 07:42:22 pm gửi bởi crawling0805 » Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #18 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2011, 06:29:33 pm »

Bây giờ tôi trở lại câu chuyện của anh Ba Toản vì khách của anh đã ra về.

- Khách nào mà đông thế? - Tôi hỏi.

- Mấy vị ở cấp ủy xã đến hỏi chút công việc.

- Ủa! Anh về hưu rồi kia mà.

- Trong lòng có chút buồn bực thì về thôi nhưng vẫn nặng nghĩa với phong trào địa phương. Anh bảo, đã gắn bó với nó hàng chục năm nay, một lúc đâu dễ phủi sạch tay. Thôi, đó là chuyện hôm nay, cái hôm nay còn nhiều sự nhức óc mệt mỏi hơn cái hôm qua nhưng bỏ đó đã. Tôi kể đến đâu rồi nhỉ? Chà. Khỉ gió! Đáng lẽ cái chuyện lao tù này tỉnh, trung ương và người viết mấy anh phải làm sốt sột ngay từ buổi đầu giải phóng kia. Bây giờ đã gần hai chục năm trời qua mới đào xới trở lại, sao mà nhớ hết và liệu còn có ai để nhớ. Trách các anh quá! Cả một pho sử đau thương dữ dội ngất trời vậy mà chả ai để tâm tới.

Tôi không trả lời, cuốn một điếu thuốc rê và nhả khói lấp đầy im lặng. Tôi biết cảm xúc này ở anh sẽ qua nhanh và anh sẽ quay về với những tháng ngày không quên của người lính.

- Đêm thứ hai có một sự kiện khiến tôi vỡ ra nhiều điều của cuộc sống tù ngục. Đó là việc anh em ta trùm chăn giết chết thằng chiêu hồi. Thằng này bề ngoài trông bình thường như mọi người khác, nhưng anh em để ý thấy thỉnh thoảng nó lại biến đi đâu một lúc và lúc trở về cái mặt, cái mắt nó khác lắm, cứ dáo dác không dám nhìn thẳng vào ai, ai bất giác ho to một tiếng nó cũng giật mình. Trong tù nhìn nhau rõ lắm!

Đói khát, bị đánh đập đến mụ mẫm thật, đêm nằm không chăn chiếu, không mền mùng để mặc cho khí lạnh từ núi phả vào buốt giá đến tận xương tủy thật nhưng ở một góc sâu trong đầu óc vẫn còn tinh nhạy lắm, ai động đậy con ngươi khang khác một chút cũng đoán biết được ngay. Con mắt hắn không giống với tất cả những con mắt khắc khoải, lo âu và hy vọng, hờn căm và tuyệt vọng, rầu rĩ và yêu thương thường thấy mà nhà tù tạo ra cho mọi người. Lại thêm trong phòng thỉnh thoảng lại có người nửa đêm bị gọi đi và không trở về. Hôm sau, một người lính quân cảnh tốt bụng nói nhỏ lại rằng người ấy đã bị quẳng xuống biển, đã bị đóng đinh 10 phân vào đầu hay đã bị vất vào chảo nước sôi... Những người bị gọi đi như thế thường là những người tốt, có khí phách được anh em tin cậy, được anh em hỏi ý kiến mỗi khi có sự việc gì đột biến xảy ra. Lính gác lảng vảng ở vòng ngoài, giám thị lâu lâu mới dám xuống. Vậy ai khai báo? Chỉ có người trong nội bộ, chỉ có kẻ đang tâm làm tay sai chỉ điểm cho giặc để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Và thế là, lựa lúc tối trời, chờ hắn vừa lỉnh đi đâu về, ba người có dáng khỏe mạnh nhất phòng cởi áo trùm chặt lấy mặt hắn, một người hỏi:

"Mày đi đâu về? Nói! Không tao giết". Nó ấp úng không trả lời. Một bàn tay ghì siết chặt lấy cổ! Hắn ằng ặc kêu xin.

"Nói không! Nói thật thì đánh một trận rồi tha, không nói, cho đi luôn".

Và lần này nó nói, nói hết. Do sợ khổ mà nó bán anh em đồng đội, bây giờ do sợ chết mà hắn không giữ gìn gì nữa. Nhưng niêm luật trong tù thật khắc nghiệt, đã phản bội là không còn đất sống, không có điều kiện và thời gian để cảm hóa. Nhà tù không có chỗ chứa cho sự nhân đạo chung chung, ủy mị một chút là trả giá bằng cả trăm mạng người... một phút sau, cái xác đó nằm im.

Bây giờ làm sao đây? Để nó chình ình nằm thế này, sáng hôm sau bọn giám thị dứt khoát sẽ trả thù. Chúng đã tuyên bố: nếu diệt người của chúng một, chúng sẽ diệt trở lại mười hoặc hơn thế. Chính tại phòng giam này năm ngoái, do anh em tự phát đập chết hai tên chiêu hồi cam tâm làm "trật tự viên" đánh đập anh em còn dữ dằn hơn chính bọn cai tù mà sau đó phải âm thầm mang hàng chục xác ra nghĩa địa chôn. Nhưng không thể không diệt.

Trước tình thế đó, anh em nghĩ ra một cách rất hay hoặc đã nghĩ ra rồi, đã có chỉ đạo rồi mới hạ phương án hành động. Lúc này, ngoài trời đã tối. Ngọn đèn treo ở hàng rào phát ra ánh sáng đục ngầu như con mắt kẻ sát nhân. Một bóng tù chui qua kẽ tường thiếc và theo đó hai người nữa lôi theo xác chết của tên phản bội đến gần chân rào. Rồi một người vung mạnh tay... choang! Con mắt ấy vụt tắt. Lập tức hai người khiêng nhanh xác chết quẳng xuống chân rào tối om. Cùng lúc, một tràng đại liên từ chòi cao phóng lửa xuống ngay nơi ngọn đèn tắt ấy... Gầm gào một hồi rồi lặng... Sáng hôm sau, trước mắt những người tù, xác tên phản bội nát bấy, chìm trong cỏ. Một sĩ quan quân cảnh lấy mũi giày hất mặt nó lên, chửi:

"Đ.mẹ! Thằng nào muốn vượt ngục hãy nhìn xác thằng này".

Thế là qua. Tên giám thị dù biết là ngón đòn của anh em nhưng đành ngậm miệng. Bằng cớ đâu. Tất cả chỉ do một quy luật anh em nắm được: Ban đêm, đèn tắt ở đâu thì đại liên xả vào đó. Vậy thôi.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #19 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2011, 07:15:45 pm »

Trong tù những câu chuyện đại loại như thế này kể hàng tháng không hết, mà anh cũng chả ghi chép nổi đâu. Mai mốt gặp người khác, họ bổ sung mỗi người một tí mới toàn diện. Tôi sẽ giới thiệu cho anh một vài người đang làm việc ở đây, chịu khó tìm sẽ gặp. Bây giờ tôi tóm lược cho anh về một số những hoạt động trong tù để anh hình dung.

Gọi là phòng số 6 hay số 7, gọi là khu A hay khu B gì đó nghe tưởng chừng cố định nhưng thực chất chúng xáo động luôn luôn. Xáo động không hẳn do lượng tù tăng lên giảm xuống hay do diện tích nhà cửa rộng hẹp. Chủ yếu chúng xáo trộn để đánh rã lực lượng ta và nhân thể cài điệp báo vào. Thông thường một nhà giam chỉ nội trong một, hai tháng là có thể hiểu nhau được hết. Một hai tháng ấy, ai tốt, ai xấu, ai dũng cảm, ai hèn nhát là phân loại được ngay. Tất nhiên loại luôn được những kẻ "nằm vùng". Chỉ buồn! Nếu kẻ thù giết ta bằng những trò thâm độc mà ít nhà tù nào có thì ta cũng trừng trị bọn phản bội tàn độc không kém như câu chuyện kể trên. Biết làm sao. Nhà tù cũng như ngoài mặt trận, muốn tồn tại, phải thẳng tay.

Chúng xáo trộn còn vì một lý do khác quan trọng hơn nữa: Để bọn quân cảnh chưa kịp bị ta địch vận (cần phải nói cho công bằng: Lính quân cảnh không phải hầu hết là xấu, có khá nhiều người trong số họ tỏ ra có thiện cảm với ta và giúp được ta không ít việc) và những dự tính vượt ngục của ta chưa kịp hoàn thành. Muốn đào được một đường hầm phải lựa mùa mưa, phải nhanh nhất cũng mất sáu đến tám tháng. Mới sang tháng thứ ba chúng đã xáo trộn lung tung thì đào sao kịp? Nên nhiều khi trận này đang đào dở bị chuyển đi đành nghi trang cho kỹ rồi vẽ sơ đồ nhét lại bàn giào cho người đến sau. Chuyện đào hầm là một kỳ tích mang đặc trung hết sức đáng tự hào của nhà tù Phú Quốc, anh phải đi tìm. Cho đến lúc này, chính tôi cũng không biết ai đã làm công việc đó và hiện nay ở đâu?

Ở khu biệt giam được hai tháng, tôi và năm mươi người nữa bị chuyển sang khu năm, phân khu 5B. Anh lưu ý biệt giam khác và biệt giam cấm cố khác. Nghe nói cậu Hồng, cái cậu trẻ tuổi bị thọc gẫy răng ngày đầu ấy bị điều sang khu biệt giam cấm cố. Về đó coi như tàn đời, anh thử đi tìm hỏi xem. Từ đấy tôi bặt tin bác sĩ Ba Chấu, con người trở thành linh hồn trong nhà lao với sự tận tụy phi thường đã cứu chữa lành lặn không biết bao nhiêu người bị đánh đập thành thân tàn ma dại. (Không ngờ chín tháng sau tôi lại gặp lại đồng chí này trong rừng Dương Tơ, căn cứ kháng chiến của huyện đảo). Nhưng đó là câu chuyện về sau. Còn lúc ấy, mạng người rẻ như bèo, không biết sống chết lúc nào.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM