Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:17:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhà lao cây dừa  (Đọc 54600 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« vào lúc: 14 Tháng Hai, 2011, 10:04:30 pm »



Tác giả: Chu Lai
Thể loại: Ký sự
Nhà xuất bản Văn Học
Số hóa: crawling0805

Lời Giới Thiệu

Cùng bạn đọc thân mến!

Nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân, chúng tôi cho tái bản tập ký sự Nhà lao Cây Dừa, cuốn sách nói lên truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của chiến sĩ các lực lượng vũ trang ta trong một nhà tù dưới chế độ Mỹ ngụy thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nhà lao Cây Dừa là một trong những trại giam qui mô đã có từ thời thực dân Pháp đến thời Mỹ ngụy. Từ những năm đầu khi bọn tay sai Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền, chúng gạn lọc, chuyển tù chính trị ra Côn Đảo hoặc về các nhà tù trong đất liền, tại đây chỉ dành riêng cho tù binh chiến tranh khắp các miền của đất nước dồn về, có lúc con số lên đến 40.000 người.

Với ý đồ cách ly mọi quan hệ với xã hội bên ngoài, chúng đặt địa điểm nhà lao nằm sát mũi đất phía nam của huyện đảo Phú Quốc. Chính sách nhà tù ở đây có phần khắc nghiệt hơn mọi nơi. Bọn giặc dùng mọi trò mua chuộc, phân hóa, đàn áp, hành hạ, đánh đập dã man không thiếu một thủ đoạn nào; bởi đây là những người lính, những con người đã từng đối mặt trên các chiến trường làm cho chúng liên tiếp hứng lấy những cơn sấm sét phủ đầu, từng chiến thắng các chiến lược về mặt quân sự của chúng. Chúng lo sợ và căm uất triền miên, có dịp, chúng thẳng tay trả thù bằng mọi kiểu cách tàn bạo, đê tiện nhất. Vì vậy mà những tù nhân ở đây luôn luôn phải gánh chịu mọi cực hình man rợ mỗi khi chúng bị thua trên các chiến trường bên ngoài. Chúng thua càng đậm thì đổ đòn khủng bố trả thù càng nặng vào anh em tù nhân ở nhà lao Cây Dừa. Tuy nhiên, với ý chí bất khuất, hiên ngang, dũng cảm và thông minh, anh em tù nhân đã đối phó lại chúng bằng mọi cách để tiếp tục giành chiến thắng. Đấu tranh cá nhân, đấu tranh có tổ chức lãnh đạo từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, giáo dục tranh thủ, phân hóa hàng ngũ địch, diệt ác ôn để tổ chức vượt ngục, tiếp tục chiến đấu ở đảo hoặc trở về đất liền...

Nhà lao Cây Dừa là nơi quân thù tập trung nhiều nhất những tên khát máu tàn bạo, thâm hiểm và hèn hạ. Chúng có nhiều kinh nghiệm khủng bố tù nhân, nhiều thủ đoạn tra tấn, hành hạ con người. Biết rằng về tinh thần, về ý chí không thể nào khuất phục nổi tù binh, nên chúng tìm mọi cách kìm kẹp khắc nghiệt nhất, bày mọi trò hình phạt dã man nhất để làm chết dần chết mòn và họa chăng moi ra được một vài sơ hở yếu đuối của một số người để chúng lấy đó làm thành quả thắng lợi.

Nhà lao Cây Dừa là nơi tập trung điển hình về tội ác của chế độ Mỹ ngụy ở miền Nam Việt Nam. Ở đây, kẻ thù tự do đặt ra nhiều kiểu hành hạ con người một cách tối dã man vào tinh thần, vào thể xác tù nhân tưởng chùng như loài người chưa nghe thấy trên hành tinh này. "Nhất nhật lao tù thiên thu tại ngoại", bởi vậy ở đây cũng là nơi trui rèn, ung đúc và sản sinh những tấm gương, nhiều con người cực kỳ dũng cảm và thông minh mà sự thật đến bàng hoàng như huyền thoại!

Ở đây, ta thấy "lửa càng đổ, tuổi vàng càng cao", đó là sự nổi bật khí tiết cực kỳ dũng cảm và trung thành của người chiến sỹ cách mạng. Tình đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, tính chiến đấu, tính tổ chức kỷ luật cao xoay chung quanh sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng được thể hiện rõ nét nhất cũng tại nơi đây.

Qua ngòi bút dẫn chuyện của nhà văn Chu Lai, chúng ta sẽ hình dung được cái tổng thể của nhà lao Cây Dừa, chúng ta trông thấy được hình ảnh những bộ mặt điển hình thâm độc, tàn bạo và man rợ của những tên tay sai của đế quốc Mỹl và những tâm hồn, ý chí đầy khí phách hiên ngang, đầy thông minh can đảm của những chiến sỹ cách mạng trung thành, kiên trì đấu tranh trên chiến trường và khi đã sa cơ bị cầm giam, tù đày; sự đấu tranh với ý chí sắt đá vì lý tưởng cộng sản, vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của giai cấp.

Nhiều con người trong một trại giam, nhiều trại giam trong một nhà lao và một nhà lao trong một vùng đất đảo bị cô lập với đất liền. Anh em trong nhà lao chiến đấu kiên cường, vượt rào, trốn trại đều có phần tác động, hỗ trợ tích cực của Đảng, quân và dân Phú Quốc. Ngược lại, Đảng, quân và dân Phú Quốc mỗi ngày phong trào cách mạng lớn mạnh, lực lượng vũ trang và các cơ quan, đoàn thể được bổ sung phải nói là có không nhỏ sự cống hiến, hy sinh của anh em tù nhân vượt trại từ nhà lao Cây Dừa. Những nhân chứng sống của Phú Quốc, của nhà lao Cây Dừa còn đó! Trải qua bao nhiêu năm, nhưng những vết đau thương còn âm thầm hay những đóm sáng chói rực trong ký ức của mỗi người vẫn còn đậm nét, với ngòi bút thông mình, với nghệ thuật ghi chép hấp dẫn, nhà văn Chu Lai dắt chúng ta đi mãi trong những hoàn cảnh, sự việc, những tâm tư con người có dính dáng mặt này mặt khác chung quanh nhà lao Cây Dừa một cách có hệ thống. Và chúng ta cũng thấy được đây là một điểm chiến đấu vô cùng khắc nghiệt, dũng cảm điển hình của dân tộc Việt Nam bất khuất.

Đây là một cuốn sách ký sự lịch sử. Câu chuyện có thật, địa danh có thật, con người có thật và thời gian có thật, tuy cốt truyện được sắp xếp theo trình tự văn chương nhưng chuyện hoàn toàn không hư cấu. Chúng ta còn có những nhân chứng đang hiện diện và đáng tin cậy.

Mặc dù vậy, nhưng với một bối cảnh mênh mông, với nhiều nhân vật đang sống rải rác trên khắp miền đất nước, dĩ nhiên sự ghi chép của tác giả, sự đối chiếu, xác minh, điều chỉnh, bổ sung của chúng tôi vẫn còn nhiều sơ hở, thiếu sót. Mong bạn đọc gần xa thông cảm, phát hiện hiện thêm, chân tình góp ý, chúng tôi xin thành thật biết ơn.

HỘI CỰU CHIẾN BINH KIÊN GIANG
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 12:36:09 pm gửi bởi ptlinh » Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #1 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2011, 07:08:36 pm »

1.

Nhân một chuyến đi công tác vào phía Nam, tôi quyết định dành phân nửa thời gian ra thăm đảo Phú Quốc. Cái sự ra thăm này không phải là chuyện ngẫu nhiên. Nó tích tụ bởi những nguyên nhân hợp lý. Thứ nhất, do tính chất nghề nghiệp, tôi đã được đặt chân lên khá nhiều nơi, đã ăn cơm uống nước của khá nhiều thiên hạ nhưng riêng hòn đảo xa lạ này tôi lại chưa có một lần lai vãng tới. Lý do thứ hai, người đàn bà vốn là bạn thân thiết của vợ tôi, nhìn sâu trong ánh mắt vẫn thấy buồn lắm! Sao lại thế? Đã ngót hai chục năm rồi nhưng chị ấy vẫn ràng níu nghĩ đến người chồng cũ chẳng rõ hy sinh, mất tích ở đâu? Nghe phong thanh có người nói rằng có thể anh ấy bị đày ra đảo Phú Quốc rồi chết ở đó, chị càng khổ và biết tôi kỳ này có ý định ra đảo, nửa đêm chị còn sang nhờ cậy tôi thử hỏi thăm tin tức xem sao. Hỏi nhỏ tôi, gần như thì thụt bởi lẽ ông chồng mới còn đang nằm sờ sờ ra kia và tính tình cũng nhỏ hẹp, ít chịu nghĩ trước nghĩ sau. Nghe cái cách nói thảng thốt chìm sâu của chị, tôi cứ chắc mẩm rằng, nếu không có cái người đàn ông kia, chị dám khăn gói cùng tôi lên đường đi tìm lắm! Bỗng dưng thấy cảm động! Rốt cuộc, hình ảnh người lính, người chồng lính tưởng lâu nay do hiện tại nghiệt ngã đã vĩnh viễn chìm trong quên lãng của người đời lại không ngờ vẫn nằm sâu ẩn náu, ám ảnh không nguôi.

Nguyên cớ thứ ba lại thuộc về bệnh nghề nghiệp. Từ nơi xa tôi loáng thoáng nghe được nhà tù Phú Quốc có nhiều điều lạ. Nào là số lượng tù binh cao đến mức kỷ lục với tất cả những số phận éo le, nhiều màu sắc văn học, nào là tại đấy, chỉ bẳng một cái muỗng con, người ta đã đào được những đường hầm dài cả trăm mét vượt ra ngoài, nào là hàng rào gai tầng tầng lớp lớp như thế mà tù binh dám bươn ra giữa trưa nắng an toàn... Trong đó không thể không kể đến những ngón đòn bạo tàn và độc đáo mà ở những nhà tù khác thường không thấy. Lý do thứ tư, cái lý do này tưởng vu vơ nhẹ tênh nhưng lại thật nặng. Nặng đến xót xa. Đó là thằng con lớn của tôi, một sinh viên có thể tạm cho là đại diện cho lớp trẻ hôm nay, biết tôi đi đã nói ráo hoảnh: "Bố lẩn thẩn rồi. Cả nước người ta đang quay cuồng trong cơn sốt làm giàu, trong cuộc tranh đua vật lộn trên võ đài kinh tế, một mình bố lõm bõm lội ngược dòng tìm về quá khứ xem chừng lạ lõng đấy bố ơi!". Tôi tê dại cả người song vẫn cố làm ra vẻ điềm tĩnh hỏi lại:
- "Mày có biết Phú Quốc là gì không?".
- "Biết! Hạt tiêu Phú Quốc, nước mắm Phú Quốc ai còn lạ".
- "Chỉ thế thôi à?".
- "Vậy là quá đủ!"
Tôi im lặng. Tuổi trẻ hôm nay làm sao có thể giải thích được cho nó hiểu rằng Phú Quốc không chỉ có thế, Phú Quốc còn là nơi giam giữ khốc liệt tù binh trên toàn miền Nam trong thời kỳ đánh Mỹ mà bố nó cũng có một lần suýt nữa thì chịu chung số phận, và nếu có giải thích chăng nữa, chắc chắn sẽ nhận trở lại một câu trả lời còn ráo hoảnh hơn: "Ôi! Thế à? Thế mà tụi con cứ tưởng chỉ có Côn Đảo mới là đảo tù. Buồn cười nhỉ?!". Buồn cười nhỉ! Thế đấy! Quá khứ ư? Oanh liệt ư? Đau thương ư? Tất cả trở thành buồn cười, thành lá mục giữa rừng hết. Thì tôi lên đường. Càng cần phải lên đường, dù có làm một cuộc hành trình lõm bõm lội ngược dòng thì đã có sao! Ở đời, nhiều khi những cú đi ngược đó sẽ giúp cho người ta thực sự tìm được yên tĩnh, tìm được cái đẹp nhân bản mà bấy lâu do mải vật lộn để sinh nhai đã rơi vãi đi khá nhiều nếu không muốn nói là rơi vãi đi gần hết.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #2 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2011, 05:41:06 pm »

2.


Thời buổi cơ chế kinh tế bung hỏa, tất cả tự hạch toán, tất cả tự chịu trách nhiệm kể ra cũng dễ chịu thật! Chuyến xe đò tốc hành nửa đêm xuống Rạch Giá hôm ấy có cả những chào mời đon đả, những khóc cười duyên dáng và có cả video đa hệ. Ngồi ngả người trong chiếc ghế êm ái, vừa nghe gió sông, gió đồng ve vuốt hai mang tai, vừa mơ màng xem một đoạn phim lãng mạn, tự dưng thấy nhân cách, nhân quyền lên chót vót đến ngất ngây, đến khó tin là có thật. Mười hai giờ dằng dặc trôi qua cái vèo, tưởng như mình chưa đi, chưa lận đận qua bắc qua sông bao giờ. Cái cảm giác này càng được tênh nhẹ khi đến nơi lại được ngồi giữa làn không khí trong lành ấm áp tình đồng đội của các đồng chí cách mạng lão thành trong Ban lãnh đạo hội cựu chiến binh, Ban lịch sử Đảng, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ truyền thông kháng chiến Kiên Giang. Chính những người lính già sáu mươi, sáu lăm, bảy mươi tuổi đã cởi bỏ quân phục này đã khuyên khích và tạo điều kiện tối đa cho tôi, một lữ khách đường xa, được tiếp cận rẻo đất Phú Quốc. Thì ra, phía sau những mái tóc bạc, những đồng lương quân nhân hưu trí nhỏ nhoi, những số phận ngặt nghèo, trái tim người lính một thời ngang dọc vẫn đập mạnh mẽ trong lồng ngực các anh. Anh Chín Cửu, nguyên Khu ủy viên khu Chín, nguyên bí thư tỉnh ủy, nay đã thành ông nội, ông ngoại nhưng vẫn giữ được cái cười rất vang - Phải chăng con người có một độ tinh khiết tâm hồn thế nào, một cách sống thế nào mới có được cái cười khoáng đạt như thế - cùng anh Ba Kính, nguyên tỉnh đội trưởng, anh Sáu Nghĩa, tổng thư ký Hội, thường có lối chuyện trò rất hóm và anh Năm Chiến, chánh văn phòng ngấp nghé tuổi sáu mươi mà vẫn ồn ào sôi nổi như thời trai trẻ bắt chặt tay tôi và chúc tôi tìm được nhiều quặng trong cảm xúc và vốn liếng tư liệu. Anh Ba Tiến với dáng người cao to, khuôn mặt cân quắc, nguyên Thường vụ tỉnh ủy năm xưa dặn theo một câu:

Cái này hết sức quan trọng đối với lòng dân ông ạ! Vừa rồi có bà má tám mươi tuổi, đảng viên, con cháu theo cách mạng hy sinh gần hết đề đạt nguyện vọng nếu chết xin được chôn tại ngay bờ biển để ngày ngày được nhìn ra Phú Quốc. Bả nói, nơi đó thời Pháp - Mỹ anh em mình tù tội khổ đau, mất mát và anh dũng chiến đấu hy sinh nhiều lắm. Bả yếu lắm rồi...

Giọng anh Ba Tiến nghèn nghẹn, rồi không nói thêm được nữa. Sống mũi tôi bất giác cay cay, im lặng. Anh Chín Cửu nói lời sau chót:

- Sau này nếu có kinh phí, nhất định ta sẽ dựng một cái tượng đài ở đó, ngay giữa nhà tù. Và không thể thiếu được hình ảnh bà mẹ. Không phải chỉ là bà mẹ Rạch Giá, bà mẹ Kiên Giang, đây là biểu tượng của bà mẹ Việt Nam tần tảo hướng vọng, đợi chờ muôn đời khắc khoải những đứa con đang sống trong lao tù tàn bạo, phải dựng bằng được, bỏ qua đi, có tội với anh em, với bà con cả nước và với cả đám trẻ hôm nay lắm!

Sóng biên và gió chuyển mùa quyện vào câu nói tâm huyết của những người lính già đè nặng xuống vai tôi. Tôi đâu có lội ngược dòng thời thế mà ở ngay chính nơi đây, giữa những tấm lòng nhân hậu, tôi bắt đầu thực hiện một hành vi lội ngược dòng lịch sử để tìm về những giá trị đích thực.

Tôi lên tàu đò ra với trùng dương khi chiều đến muộn.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #3 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2011, 06:28:27 pm »

3.

Từ bờ ra Hòn Tre đi mất hai giờ. Hòn Tre ra Hòn Nghệ hai giờ nữa. Và từ hòn Nghệ đến khi cập đảo mạn An Thới hết đúng bốn tiếng. Tất cả là tám tiếng nếu trời yên biển lặng. Con tàu vạch một đường chỉ thẳng trong đêm, cứ hết hòn này, tầm mắt đã lại mờ mờ trông thấy hòn khác. Cứ mỗi cái mờ mờ đó là hàng chục cây số. Ba cái vấp mắt hết 115 cây số. Đảo cách thị xã Rạch Giá 115km. Chao ôi! Xa xôi diệu vợi biết bao! Diệu vợi trong thanh bình, càng điệu vợi trong chiến tranh. Tự dưng hình ảnh côi cút của đứa con xa mẹ đời này qua đời khác đòi hỏi phải sức vóc tự lực tự cường dữ dằn lắm mới không bị tan vụn chìm xuống đáy đại dương, dần dần nhen lên trong tâm trí tôi như một mạch ngầm, một âm hưởng chủ đạo về hòn đảo mang hình lưỡi mác này.

- Đảo Phú Quốc ngày xưa bà con kêu là hòn Củ Cải, vì nó giống củ cải, vậy thôi. Theo truyền thuyết...

Thiếu ta Tư Quý, phó chỉ huy trưởng huyện đội Phú Quốc châm cho tôi một điếu thuốc thơm, nói tiếp:

- Theo truyền thuyết, cách đây năm trăm năm đảo chưa có người, khắp nơi chỉ toàn rừng rậm và cây gai hoang vu. Trên rừng thì cọp rống sáng đêm, dưới rạch thì từng đàn cá sấu lội ngược xuôi đi kiếm mồi. Mà rừng ở đây nhiều gỗ quý lắm anh ơi! Sến, Táu, Gụ, Trai... Ôi chà! Tóm lại trên rừng có loại gì quý thì ở đây có ráo trọi. Đặc biệt là Trai. Thứ này đóng bàn, đóng tủ còn ngon lành hơn cả Cẩm Lai. Dùng chục năm, hai chục năm rồi nhưng chẻ ra bên trong thớ gỗ vẫn còn tươi rói. Cá nữa. Tất cả mọi loài cá quý hiếm trên đời này đều có. Phú Quốc mà. Phú Quốc là đất giàu mà anh Mười.

Tôi mỉm cười và nằm sát lại gần Tư Quý hơn. Người con trai đất đảo mới hơn ba mươi tuổi, vốn sinh ra và trưởng thành ở Phú Quốc này đang say sưa giảng giải cho tôi bài học địa lý vỡ lòng đầu tiên về đảo. Đêm trở lạnh. Tiếng máy nổ rì rầm. Sóng vỗ lao xao mạn đuôi tàu. Không gian bao la và ngan ngát gió. Gối đầu lên thành lan can gỗ, kéo thêm tấm vải nhựa lên sát ngực, bụm tay hút điếu thuốc, tôi lắng nghe tiếng nói của Quý thỉnh thoảng bị sóng gió chặt vụn ra trong cảm giác mơ màng hư thực.

- Bảy mươi phần trăm diện tích đảo là núi rừng có đủ cả nai, khỉ, lọ nồi, trăn, càng tôm... Càng tôm! Chà, thứ này nhậu đã lắm anh, chặt nhỏ xào khô với sả, cắn miếng nào cũng có xương, miếng nào cũng thơm lựng.
 
Trời lạnh thế này mà Quý chép lưỡi hít hà một cái rõ kêu như đang nhậu thật.

- Đảo có 99 ngọn núi nhấp nhô cao thấp khác nhau. Ngọn cao nhất là Vồ Quắp cao tới gần 600 mét so với mặt biển, thành thử quanh năm có khí lạnh sương mù lãng đãng như đỉnh Trường Sơn. Quý cười thật hiền - Trường Sơn... Là nghe thiên hạ nói thế chứ em đã nhìn thấy nó hồi nào. Đảo dài tính mút đầu mút đuôi khoảng 50km. Chỗ rộng nhất tại Bắc đảo là 28km, chỗ hẹp nhất chỉ có 3km. Tính trung bình là 15km. Đo giáp vòng đảo khoảng 128km. Đảo có hai con rạch lớn là rạch Cửa Cạn dài 28km, rà rạch Dương Đông 10km. Đó là chưa kể trên hai chục con rạch nhỏ khác ngắn dài chằng chịt như bàn tay người giữ chặt lấy đất đai. Ửa! Sao cười ta?

- Không! Mình có cười đâu! Nói tiếp đi! Hay lắm! Thi sĩ lắm! - Tôi chống chế và siết chặt tay Tư Quý - Mình có cảm nghĩ, chỉ cần lênh đênh một đêm ra đảo như thế này, con người ta dù không muốn cũng trở thành thi nhân. Tất cả đều tan chảy, tất cả đều bồng bềnh như trôi về miền hoang sơ chẳng vướng bận mảy may cái lo toan vặt vãnh thường nhật.

- Nếu mình lùi lại một ngày thì sớm mai anh sẽ được chứng kiến ngày lễ hội cụ Nguyễn Trung Trực - Quý nói, không mảy may để ý tới cái mẩu cảm xúc của tôi vừa lóe cháy... Đám giỗ to lắm! Năm nay làm ăn được, càng to. Cụ không phải người đất này nhưng là một trong những người dám phất cờ đánh Pháp đầu tiên trong toàn cõi, sau khi đốt cháy tàu Tây trên sông Nhật Tảo, sau khi bằng vũ khí thô sơ chiếm lại được cả tỉnh lỵ Rạch Giá, yếu thế, cụ lui binh về đảo lập căn cứ tác chiến lâu dài nên nhân dân coi như người anh hùng của Sông Kiên, của Phú Quốc. "Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa. Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần." Chắc anh đã nghe hai câu thơ này?

- Có. Mình còn biết trước khi giặc chặt đầu, cụ vẫn thét to: "Bao giờ nhổ sạch cỏ nước Nam thì người Nam mới thôi đánh Tây". Lời hịch kêu trong máu đó phát sáng, ăn nhập vào tâm khảm người Việt Nam cho mãi đến những năm tháng chống ngoại xâm sau này.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2011, 06:44:27 pm »

Chúng tôi cũng im lặng, để mặc cho tiếng động thời gian, tiếng động của lịch sử từ xa xưa rì rầm theo sống vọng về. Choáng ngợp và nao lòng.

- Có chuyện này lạ lắm anh Mười! Quý nói tiếp - Cùng lui về đảo với ông có bà vợ. Lúc chồng chết, bà lại sinh con, sinh giữa rừng trong vòng vây của giặc, trong đói rét. Giặc ra lệnh: "Nếu ai tiếp tế dù chỉ một hạt gạo cho vợ con tên "trùm giặc cỏ", ắt sẽ rơi đầu!". Không ai dám vào rừng cả. Bà không có sữa cho con bú nên đứa bé lăn ra chết. Trước lúc chết theo con, bà cất lời nguyền: "Bất cứ người đàn bà nào ở đây sinh con đều không nuôi được!". Quả là linh ứng. Từ đó trở đi, phụ nữ xã Cửa Dương cứ đẻ con ra là chết. Sau bà con phải lập đền thờ bà tại Cửa Cạn, tai nạn ấy mới qua. Kỳ không? Nếu ông Nguyễn Trung Trực nêu tấm gương sáng về khí phách làm người thì bà đã lưu lại cho dân đảo một bài học thấm thía về lẽ thủy chung, điều nhân nghĩa.

- Nói đùa. Đáng lẽ ông phải làm cán bộ nghiên cứu lịch sử thay vì cái quân hàm thiếu tá huyện đội này - Tôi nói.

- Làm dân Phú Quốc phải rõ nòi giống ông bà Phú Quốc chớ anh. Nói tiếp chuyện hồi nãy nghen! Hồi đảo còn hoang vu nghe nói Gia Long cũng chạy dạt ra đây đó anh. Từ thời Gia Long trở đi, bà con miền Trung mới bắt đầu di dân mỗi lúc mỗi đông. Có thể nói hết thảy những người gọi là dân Phú Quốc rặt - hôm nay đều có gốc là người ngoải.

- Có! Hôm rồi gặp anh Hai Phi, anh cũng có nói.

- Hai Phi hả? Hai Phi là chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh, cao to, trắng trẻo như Tây, nguyên là bí thư đảo này thời kỳ năm bảy ba, bảy lăm đó. Vậy ngon rồi! Ổng biết nhiều lắm!

- Anh Hai đã cho mình một cái Kim chỉ nam, một cái xương sống để lần tìm tung tích nhà tù Cây Dừa.

- Ở đảo có gia đình ông Hai Phi và gia đình ông Ba Nghĩa là theo cách mạng đông nhất, cả nội lẫn ngoại có tới bốn, năm chục người lận. Muốn tìm hiểu nhà tù, anh thử hỏi Ba Nghĩa coi! Ổng là người chỉ huy quân sự đầu tiên ở đảo thời chống Pháp đó anh ạ. Chắc ổng biết nhiều chuyện.

- Mừng quá trời Tư Quý ơi! Về nhà tù, ở tỉnh không có một mẩu tài liệu nào. Mà nghe nói ở huyện cũng không có nốt. Chỉ còn một cách là dò tìm những nhân chứng sống. Vợ mình có một bà bạn có ý nhờ mình tìm hộ tung tích người chồng tên là Quang. Cậu có nghe nói...

Tôi dừng lại. Vì cạnh tôi, tiếng ngáy vô tư của Quý đã nhè nhẹ vang lên. Chao! Giấc ngủ của chàng trai Phú Quốc đến mới êm đềm nhặm lẹ làm sao! Tôi lần mở công tắc cái đài con đặt ngang mặt... "Tình hình vùng vịnh Pécxich vẫn hết sức căng thẳng. Hàng triệu quân của lực lượng đa quốc gia đã tập trung về đây. Liệu một cuộc chiến tranh đẫm máu có xảy ra không?..."

Tôi thoắt nghẹn lồng ngực. Những người chết chưa tìm ra, loài người lại mấp mé miệng vực một cuộc chiến tranh nữa. Tôi thiếp đi...
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #5 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2011, 07:26:22 pm »

4.

Ngồi đằng sau chiếc Honda 67 của trung tá huyện đội trưởng Tư Dũng phóng ràn rạt giữa thung lũng An Thới mà tôi thấy hẫng hụt cả người. Theo anh kể thì đây chính là khu vực nhà lao Cây Dừa ác nghiệt năm xưa. Một nhà lao khổng lồ, choán toàn bộ khoảng trống 5 cây số vuông chạy suốt từ dốc đồi sim tới tận rạch Cầu Sấu, chứa trong lòng nó có lúc tới 40 ngàn tù binh mà giờ đây lại biệt vô tăm tích như thế này ư? Xung quanh tôi bát ngát một màu xanh cây cỏ hiền hoàn và hiu hắt, đâu rồi những phòng giam chật ních người, những chuồng cọp và lô cốt, đâu rồi những hàng rào kẽm gai trùng điệp, những cột đèn pha xé nát bóng đêm? Chỉ có nắng và gió xôn xao như nơi đây hàng ngàn năm vẫn quạnh quẽ chẳng một bóng người, như dấu tích đau thương oanh liệt của một thời chiến tranh chưa hề chạm bàn chân tanh tưởi của nó đến một lần. Bỗng dưng thấy buồn! Chiến tranh chả lẽ chỉ là bóng câu qua cửa rồi vĩnh viễn chìm trong câm lặng thôi sao? Chia sẻ cùng tôi dòng cảm nghĩ ấy, Tư Dũng khẽ nói:

- Tôi cũng mới về đây nghe nói lại, chỉ sau bảy lăm và tháng là khu nhà tù lập tức bị san thành bình địa rồi. Bộ đội, hải đoàn tới mang đi. Hàng chục vạn tấn sắt thép, tôn thiếc chứ ít gì đâu. Khu vực của Hải quân vùng Năm dùng làm căn cứ mà.

- Đi thôi!

Tôi giục Tư Dũng. Thực lòng tôi không muốn nấn ná ở lại lâu trước cái có nghĩa và vô nghĩa của sự vật này. Dễ mủi lòng buốt ruột lắm!

Xe chúng tôi đang bon trên con lộ giữa, chỉ lát nữa thôi, chúng tôi sẽ quẹo qua con lộ chạy theo mép biển về thị trấn Dương Đông rồi Cửa Cạn... Xin lỗi! Vì câu chuyện về những người tù còn dài nên tôi dừng lại một chút để bạn đọc tạm hình dung ra hình hài của đảo. Với diện tích khiêm nhường trên dưới 600 cây số vuông, mạng đường của đảo thật sơ sài. Trước đây toàn đảo chỉ có một con lộ chữ T nằm như cái giá đỡ lấy phần đất phía Nam, còn để mặc cho phần đất phía Băc gọi là Bắc đảo cứ gục gặc cái đầu nặng nề muốn nhủi xuống đại dương. Sau này, Mỹ mở thêm con đường ven biển để tiện hành quân cơ động. Nhìn sơ, mạng đường hôm nay giống như hai sợi lạt buộc cứng lấy tấm banh hình trái ấu. Trước đây lúc đánh Pháp, Phú Quốc chỉ có một thị trấn Dương Đông và ba xã: Cửa Dương, Bãi Bổn và Dương Tơ. Nay, theo cái lô gích chia nhỏ tỉnh, nhỏ huyện trên cả nước, Phú Quốc cũng đẻ thêm tên đất tên làng: Cửa Dương thêm Cửa Cạn, Dương Tơ thêm An Thới. Vậy là thành năm.

Lúc này chiếc 67 đang lượn rèn rẹt trên con đường ấp khu Tượng thuộc Cửa Dương. Gió thổi mạnh, đường êm như lụa, tôi ngắm nhìn những đỉnh núi nối nhau điệp trùng ở xa xa mà ngỡ như đang lạc vào một vùng Mèo Vạc, Đồng Văn ở biên giới phía Bắc. Phú Quốc, hòn đảo hình lưỡi mác, hòn đảo hình giọt lệ từ phía Nam đất nước chất chứa nhiều đau thương chảy ra nhập nhòa vào biển cả sao lại thu gom vào lòng mình tất cả cảnh sắc của một quốc gia: Có miền Biển, có sơn cước, có trung du và có cả đồng lúa, hồ ao của xứ đồng bằng? Phú Quốc cách đây vài trăm năm mới có con người đến sinh sống, sao lại chứa trong lòng nó tất cả sắc tộc của cả ba miền Bắc, Trung, Nam? Điều này khó nhận. Một lữ hành lần đầu đến đảo như tôi, mới thoáng nghe giọng nói ắt nghĩ rằng tất cả cư dân nơi này là người Nam, người Phú Quốc. Nhưng chỉ cần bước lên xe đò đông nghẹt chạy An Thới - Dương Đông mới thấy mình nhầm. Trên xe, do va chạm, do cự cãi chen lấn mà thiên hạ bỗng bật ra giọng nói thứ thiệt của quê mình. Nghệ Tĩnh có, Nghĩa Bình có, Hà Sơn Bình và cả Hoàng Liên Sơn xa ngái cũng có nữa.

Phú Quốc là quốc gia thu nhỏ. Phú Quốc là xã hội gom tụ tạo thành đại gia đình bốn mươi ngàn người hôm nay.

- Độ này là dân cư đông nhất đó - Anh Tư Dũng nói - có thời chỉ vỏn vẹn năm, bảy ngàn người, có thời lính đông gấp mấy lần dân, có thời tù đông gấp mấy lần cư dân lẫn lính gộp lại.

Vào đường cát, chiếc xe lạng nghiêng ngả. Tôi ôm chặt lấy mảng lưng chắc lẳn của vị trung tá bốn mươi bảy tuổi vốn là dân đặc công ven Sài Gòn năm xưa một cách đáng tin cậy. Tôi biết, để tìm ra được hơi thở và hình hài nhà lao, con người nhiệt tình và cởi mở này sẽ còn phải cưu mang, gắn bó với tôi khá nhiều.

Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #6 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2011, 11:54:28 am »

Đứng trước tôi là anh Ba Nghĩa. So với tuổi gần bay mươi, anh còn khá tráng kiện, khuôn mặt nở nang, hồng hào mặc dù tiếng nói có chiều run run, thật khó mà nhận ra cách đây bốn mươi lăm năm, anh là người chỉ huy đầu tiên lực lượng vũ trang trên đảo. Với cái cười tươi và hóm, anh nói:

- Phú Quốc là một chiến hạm án ngữ, phòng thủ phía Tây Nam của Tổ quốc. Nó có một vị trí chiến lược đặc biệt nên suốt từ thời Tây, tàu, Nhật cho đến Mỹ, Phú Quốc khi nào cũng nằm trong tầm nhìn thèm thuồng của họ nhưng không gặm nổi. Đất Phú Quốc cứng lắm ông ơi! Đất ba dan, đất sét pha sỏi mà.

- Anh Ba! Xin anh kể cho nghe...

- Khoan! Đừng vội ngắt lời tôi. Đồng chí muốn hỏi về nhà lao Cây Dừa chứ gì? Thì tôi đang nói dần dần đây. Tại sao gọi là nhà lao Cây Dừa? Biết không? (tất nhiên là tôi lắc đầu). Là vì nơi đó ngay từ đầu thế kỷ thằng tư sản người Pháp tên là Giăng Lớn đã mộ phu từ miền Trung vào lập đồn điền trồng dừa cho nó. Nhưng nhà lao buổi sơ khai đâu phải ở đó và cũng chưa kêu bằng Cây Dừa. Nó ở sát mí biển An Thới, nơi hải đoàn 5 đóng tổng hành dinh bây giờ kia. Nhớ xem nào... Đúng! Khoảng tháng 5 - 1953 khi quân tàu Tưởng vừa rút đi hết...

- Sao lại có tàu Tưởng xen vào đó, anh Ba?

- Vậy mới dài dòng. Quân Tưởng Giới Thạch do tướng Hoàng Kiệt chỉ huy bị hồng quân trung quốc đánh chạy dạt về đây. Họ chỉ có hai binh đoàn: Hoa Bắc và Hoa Nam, tất cả trên ba chục ngàn lính. Khi đó dân đảo mới ước chừng bảy ngàn. Bảy ngàn trên ba chục ngàn! Mới nghe tưởng tan đảo, nát nhà; Phú Quốc sẽ bị xéo nát hả? Không! Mình phải thuyết phục, lúc rắn, lúc mềm chứ. Họ xin gỗ làm nhà, được. Họ xin đất trồng mì, được. Nhưng phạm vô hạt lúa, củ khoai của dân là không xong, là phản đối, là kêu lên cấp chỉ huy của họ rần rần. Ngay từ thời đó, sức mạnh đấu tranh chính trị với pháp lý của dân đã bộc lộ rõ lắm! Họ ngán, họ sợ và họ nằm im. Trong số quân này có bốn đảng viên Đảng cộng sản trung quốc. Bạn mật báo cho ta biết như vậy - để tìm cách liên lạc với cách mạng ta. Nhưng khi ta tìm được mối thì cả bốn đều bị sát hại hết rồi. Sau họ rút, rút trên những chiếc tàu Mỹ há mồm to như trái núi vậy mà cũng mất vài tháng mới hết. Tuy thế vẫn có người chốn ở lại làm ăn, lấy vợ đẻ con tạo thành một cộng đồng người Hoa mới trên đảo. Tôi nhớ trong đó có một đại úy lấy vợ của một thiếu tá rồi cả hai trốn ở lại, bây giờ không biết ở đâu, xã nào, có còn trên đảo không?

Nghe Ba Nghĩa nói đến chuyện này không ngờ ít ngày sau trong câu chuyện với một tù binh nhà lao, tôi lại được nghe lại về chi tiết của cái cộng đồng người Hoa mới có.

- Lính Hoàng Kiệt rút. - Anh Ba nói tiếp. - Pháp thừa cơ nhảy vào, lợi dụng những khu doanh trại có sẵn liền củng cố thiết lập nhà tù luôn. Phải thừa nhận thằng Pháp có con mắt tinh đời. Phú Quốc không phải chỉ là một vị trí quân sự có tầm chiến lược, nó còn là một cô đảo tách xa đất liền, rất xa, làm nhà tù thì thuận lợi mọi bề. Thuận lời về đàn áp, đối xử, thuận lợi về phòng thủ an ninh. Vượt ra khỏi nhà tù đã quá khó. Vượt từ đảo về đất liền còn khó ngàn lần hơn. Doanh trại tàu Tưởng đẹp dữ. Kết bằng gỗ, bằng tranh, tre, nứa, lá thôi nhưng khá khang trang, đều tăm tắp. đứng trên cao nhìn xuống như doanh trại của quân tào trong Tam quốc chí. Thực ra từ năm 1942, 1943 sau khởi nghĩa Nam Kỳ, Pháp đã vẽ thiết kế, lên sơ đồ và tập kết nguyêt vật liệu bước đầu định dựng nhà tù nhưng không kịp do Cách mạng tháng Tám nổ ra. Tất nhiên không phải chỉ có thế. Tầm cỡ, mức độ cuộc chiến tranh càng lớn thì số tù binh càng nhiều, nó đòi hỏi phải hình thành thêm những nhà tù quy mô. Phú Quốc nằm trong đặc điểm ấy. Nhưng năm "năm ba"  nhà là chưa có mấy tù binh, khoảng hai ngàn gì đó, vào tháng sáu, toàn tù Thủ Đức, Hải Phòng về, tháng bảy đã lên ba ngàn. Chúng dự định đưa về 10 ngàn vào tháng 11 thì tình thế đột ngột biến động. Bố phòng nhà tù hồi này còn sơ sài dữ lắm, năm ba lớp rào thưa thớt, chó má, đèn pha, xe cộ chưa có; chế độ nhà tù còn dễ chịu do một thằng quan tư Pháp chỉ huy. Nói thêm, khác tất cả các huyện khác đều do ngụy quyền cai quản, riêng Phú Quốc từ xưa đã có một thằng quan Pháp đứng ra trực tiếp điều hành. Kể ra đặc công đánh một đêm là xong, nhưng mấy ngàn con người ra rồi ăn đâu, ở đâu? Đảo thiếu lương thực dữ lắm và thiếu thường xuyên. Đảo nuôi dân đảo đã mệt, làm sao nuôi nổi từng ấy con người? Thành ra muốn đánh lắm mà đành nuốt nước miếng chịu.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #7 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2011, 12:06:46 pm »

- Nghe nói lúc ấy anh Ba là huyện đội trưởng?

- Đó! Tôi đâu có muốn nói về tôi, nhưng do đồng chí hỏi đó nghen! Phú Quốc có một đặc điểm về mặt lịch sử Đảng là năm "bốn lăm" có chính quyền rồi nhưng vẫn chưa có Đảng lãnh đạo. Ngay chính quyền cách mạng cũng do ban hội tề, công chức cũ yêu nước đứng ra lãnh trách nhiệm thôi. Điều đó nói lên ngay từ buổi đầu, Phú Quốc đã biết tự khẳng định tính cách độc lập trong mọi tình huống của mình. Đồng chí là nhà văn, đồng chí thử tìm ra một từ ngắn gọn để chỉ tính cách, phong độ Phú Quốc coi nào? Khó đấy mà dễ đấy. Có lẽ kêu bằng "Bền bỉ tự cường" chăng? Hay "Ngang tàng và nhân hậu"? Thôi, vô đề tiếp nghe. Tôi nhớ ba đảng viên đầu tiên về đảo là ba chiến sĩ vượt ngục Côn Lôn được cử về, anh Nguyễn Bình Minh tức Sáu răng đen, anh Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Khắc Thiệu do anh Thiệu làm bí thư. Phải chăng người bí thư đầu tiên của đảo là tù vượt ngục  trở về mà tù đó nhà tù Cây Dừa liên tục mang được truyền thống và phong độ vượt ngục từ ấy. Nhưng bí thư ban cán sự thôi chư hồi đó đâu đã có huyện ủy. Cấp ủy huyện phải bắt đầu từ anh Thư Hùng kia. Đảng số ban đầu cũng chưa đủ chục người: Anh Huỳnh Văn Thãnh, Nguyễn Văn Hai, Đinh Trung Kiên, Lâm Nguyên Sự, Phạm Xuân Đường, Huỳnh Văn Lang, Tám Tao, bà Hồ Thị Huệ tức má tôi, rồi đồng chí Võ Văn Doãn từ mặt trận Hà Tiên về... Kể dài dòng vầy để nói Phú Quốc sau tháng tám năm bốn lăm mới có võ trang mà lại phân nửa là lính Pạc-ti-giăng do anh Đặng Văn Thơm là ủy viên quân sự; ngoài ra trưởng, phó chỉ huy là cai hết. Mãi tới tháng 3 năm bốn sáu, khi Phú Quốc đã mất vô tay Pháp, ban cán sự đã bị tan rã, tôi mới lọ mọddi học quân chính, vượt biển về. Vậy là phải làm lại từ đầu thôi. Sau này họ bảo tôi là người thành lập, người chỉ huy đầu tiên của bộ đội Phú Quốc, cũng có cái lý của nó. Sau đó tôi lên tỉnh, năm Pháp lập ra nhà lao cũng là lúc tôi trở về làm huyện đội trưởng. Đánh vài trận trong đó có trận Cây Cầy, cây Cầy chứ không phải cây Dừa như một vài người nói đâu nghe - hồi trận cây Dừa đâu đã có nhà lao - khá thối động. lôi kéo ít nhất hai trăm tù trốn trại chạy ra. Sau đó tiếp tục đánh nhỏ, đánh lớn, pháo kích liên tục vào khu vực xung quanh nhà tù khiến anh em trong lao phấn chấn tin rằng bên ngoài mình có lực lượng cũng rủ nhau vượt ra nhiều hơn. Thấy thế đứng mỏng manh, Pháp quyết định dời nhà lao về khu vực thung lũng An Thới ngày nay và ra sức bố phòng trở lại. Ở trong rừng nhìn ra thấy tàu chiến, máy bay vận tải chúng chở kẽm gai, sắt thép ra kìn kìn mà sốt ruột.

Đồng chí Lê Phú Hữu, phó bí thứ tỉnh ủy Long Châu Hà lúc ấy ra tận đảo và chỉ thị: "Cả nước sắp sửa bước vào những chiến dịch lớn, rất cần lực lượng nên chủ trương ở trên muốn giải phòng toàn bộ nhà tù". Chấp hành chỉ thị, bọn này móc nối cơ sở nội gián tạo một đường dây thông tin liên lạc trong ngoài, nhanh chóng đưa một cây kìm vào nhà giam, cùng lúc xin trên một phân đội đặc công thiện chiến có một sĩ quan chính quy chỉ huy. Vấn đề còn lại là nuôi anh em mình khi ra thế nào và phương tiện chuyên chở về đất liền ra sao? Cái này nan giải lắm. Như trên tôi đã nói, đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị. Chà! Đất hẹp, lương thực khan hiếm có quân số đông cũng kẹt. Đảo chỉ có một trung đội hay cùng lắm một đại đội là cùng; nhiều hơn, buộc phải đưa về đất liền. Chính thế mới xảy ra hiện tượng nghịch lý: Bao nhiêu năm qua, Phú Quốc đơn phương cung cấp người, vũ khí cho đất liền chưa bao giờ cung cấp trở lại. Vậy, chưa chuẩn bị xong thì chớ động dạng. Động dạng tầm bậy, tù binh túa ra hàng ngàn mạng có khi lại ôm nhau chết đói. Nhưng không nằm im, bộ đội tiếp tục nổ súng lai rai và anh em trốn ra cũng lai rai. Vậy mà cũng đến hàng trăm người, toàn bộ đội Hà Nam Ninh và Hải Phòng, bọn này giữ lại một trung đội rồi tổ chức đưa về đất liền ba chuyến mới hết. Nè! Trong số tù binh ra hồi ấy có một anh tên là Vũ Lăng, nguyên bí thư huyện ủy Tiên Lãng, Hải Phòng. Anh này hăng lắm, nhất định không về đất liền mà xin ở lại. Sau này anh Lăng làm trưởng ban tổ chức kiêm tuyên huấn của huyện. Cha! Vũ Lăng và Năm Luận tức Dương Quốc mà ngồi với nhau, thêm xị rượu nữa thì khỏi nói: nhạc, họa thơ văn ra cứ lai láng. Đồng chí có thể tìm gặp Vũ Lăng ở Sài Gòn, nghe đâu ổng đang công tác tại Ban thanh tra Tổng cục Cao su gì đó. Thôi heng! Tôi đang mắc bàn giao công việc để nghỉ hưu. Mệt rồi!
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #8 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2011, 01:42:13 pm »

- Anh Ba! Thế còn...

- Ủa! Cái gì nữa? Chuyện tù đày mênh mông, hỏi chuyện mỗi người mỗi chút chớ ai đâu nói hết đặng.

- Tôi có một người bạn... Mà thôi, thời đánh Mỹ chắc anh Ba không rành. Tôi muốn hỏi thăm tin...

- Dù có rành cũng khó biết lắm! Hàng chục ngàn tù binh, chết sống lại bất kỳ, biết sao mà hỏi thăm. Tôi chỉ nhắc lại nè: Ngay từ ngày đầu, cấp ủy địa phương đã quan tâm tới số phận anh em trong tù và cũng ngay từ thuở đầu ấy, anh em tù đã có truyền thống vượt trại để về với cuộc sống chiến đấu, trong đó không ít người đã ở lại cầm súng và hy sinh ngay trên đất đảo này. Thêm một chi tiết nữa, hồi đó nhà lao Phú Quốc không phải chỉ toàn là tù binh, nó còn giam giữ cả tù chính trị và tù phụ nữ. Sau này tù binh lên nhiều, tù chính trị chúng dồn cả về Côn Lôn, còn chị em phần lớn chuyển ra nhà tù Hố Nai. Tôi chỉ rành nhà tù thời Pháp, muốn biết thời Mỹ, đồng chí có thể tìm gặp Ba Toản, Tư Lửa là những người vượt trại hiện còn đang sống tại đây. Từ mấy người này sẽ tìm thêm ra những người khác. Chào nhé!

Ông bắt tay tôi rồi đi luôn. Cuộc sống đang vào guồng làm ăn, tối tăm mặt mũi, buộc ông dừng lại đôi hồi về dĩ vãng như thế kể ra cũng là nhiều, không thể đòi hỏi gì hơn.

Mở chiếc đài một pin, tình hình vùng vịnh Pécxich lại vang lên nóng bức như có lửa khói chiến tranh đang cháy rần rật ở trong đó. Tôi tắt đài, thế là vẫn chưa hỏi được tin chồng cho người đàn bà ấy.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #9 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2011, 06:04:56 pm »

5.


Kể từ đây, câu chuyện về nhà lao Cây Dừa trở thành một mối ám ảnh khôn nguôi trong tôi. Lời kể của anh Ba Nghĩa chỉ là khúc nhạc dạo đầu mà xuất phát từ đó, để đi hết bản hùng ca bi tráng lao tù, tôi tự biết rằng mình đang mò mẫm vào rừng thẳm bị bùng. Đúng! Với bốn chục ngàn tù binh, rải rác nằm ở khắp nước, tù Mục Nam Quan tới Mũi Cà Mau, với sự biệt vô âm tín như hòn chì ném ra biển cả, không để lại một dấu vết nào có tính chất văn bản, có tính sơ đồ tổng kết; mò mẫm vào đó tôi rất dễ sa xuống sình lầy. Nhưng biết làm sao được. Cái nghiệp cầm bút đòi hỏi quả cảm phi thường như cái nghiệp cầm súng. Phía trước là mênh mông, phía sau là vực thẳm, tôi chỉ còn có một cách là băng lên. Băng lên một cách chậm rãi, khoa học và tự tin ở mình. Tức là tôi phải đi dò tìm cái điểm nút ban đầu để từ đó mà lần ra sợi dây liên kết tạo dựng lên toàn bộ khung cảnh nhà tù.

Cái điểm nút đó là anh Hai Nam. Nguyên có thời là trưởng ban quân xa của nhà tù. Con người to cao, nước dao đen mun, hàng ria mép tỉa gọn nom cân quắc như một tài tử điện ảnh bây giờ đang giữ trách nhiệm phó giám đốc công ty xây dựng của huyện. Nội một chi tiết này cũng đủ thấy cuộc chiến tranh đẫm máu vừa qua đã thực sự trở thành quá khứ đối với tâm hồn người dân đảo rồi.

Nhưng cũng không hoàn toàn như vậy. Gặp tôi, đã nghe tên tôi, anh tỏ ra vui mừng pha chút lịch lãm. Ấy vậy, khi tôi yêu cầu anh, với tư cách đã một thời là người của phía bên kia có điều kiện đi qua đi lại hiểu biết nhiều, kể cho tôi nghe về nhà lao, anh lắng đi một chút vẻ không hài lòng:

"Cái gì đã qua là cho qua luôn đi anh!" - Anh nói.

"Tất nhiên rồi!" - Tôi đáp lại, "Nhưng cũng có cái không thể cho qua được như cái nhà tù này. Mai sau, thế hệ con cháu của chúng ta không hay biết gì về cái nhà lao khổng lồ đó chính chúng ta có tội. Tôi có tội, anh có tội, tất cả những người lớn có tội bất biết quan điểm, chính kiến, người phía bên này hoặc bên kia. Vả lại, hai mươi năm đã trôi qua, có nhắc lại quá khứ cũng chỉ là tâm tình, để hiểu nhau hơn".
Anh có vẻ xuôi.
Chiều ấy trên bãi biển trắng phau màu cát, bên ly rượu thuốc màu hồng nhạt, con người ấy đã chiều tôi mà quất ngược tư duy lệch về phía sau đôi chút.

- Kể ra anh tìm gặp được những nhân vật chủ chốt của nhà tù như chỉ huy trưởng, tổng giám thị, cai ngục, sĩ quan quân cảnh... chắc có lẽ hay hơn, nhưng tôi biết anh không gặp được đâu. Không phải họ không cho gặp mà hầu hết trong số họ sau khi ở trại cải tạo về đã lần lượt đi di tản, đi có bảo lãnh cả rồi. Còn tôi... Vợ con tôi ở đây, công việc tôi ở đây, tôi yêu mảnh đất này cho dù tôi là dân Phan Thiết.

Như anh nói đúng đó, tổng diện tích nhà lao ước chừng bốn đến năm cây số vuông. Chiều dài bốn cây số, chạy suốt từ miếu Cô Sáu, còn gọi là dốc Đồi Sim đến tận Cầu Sấu. Chiều ngang khoảng cây số hơn. Ráo trọi là đồng không đồi trọc được bao quanh bằng biển, rạch và rừng, tịnh không có một nhà dân, một bóng người nào ở gần đó. Người Mỹ họ giàu, họ sử dụng tối đa chất độc hóa học và những phương tiện cơ giới dọn dẹp sạch bóng ngoại vi tạo thành một vành đai trắng rộng bằng cây số. Bây giờ khu vực đó chẳng còn gì, sạch bóng luôn cả bên trong, sạch đến nỗi tôi là người trong cuộc mà thỉnh thoảng đi qua cũng không tài nào hình dung ra nổi trước đó là khu vực nhà tù - Anh khẽ mỉm cười, một cái cười đẹp và hiền.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM