Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:47:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến bí mật - Hồ sơ Lực lượng đặc biệt Quân đội VNCH  (Đọc 384562 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #60 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2011, 09:43:48 pm »

+ Sở chỉ huy hành quân Sigma (B56):

Khi nhịp độ chiến trường ngày càng leo thang thì nhu cầu tình báo tác chiến đòi hỏi ngày càng cao, đặt trách nhiệm nặng nề cho chương trình Delta. Tháng 8/1966, Liên đoàn biệt kích số 5 của Mỹ thành lập bộ chỉ huy 56, phụ trách chương trình hành quân Sigma, đặt căn cứ trong trại Hồ Ngọc Tảo. Sở chỉ huy hành quân Sigma được tổ chức tương tự như những sở chỉ huy do thám trinh sát khác, bao gồm có 8 toán viễn thám và 3 đại đội xung kích ứng cứu. B56 hiếm khi tuyển mộ người Thượng mà dùng lính đánh thuê người Nùng hoặc Khmer. Những toán biệt kích “đột nhập đường mòn” của Sở chỉ huy hành quân Sigma được chuyển về sáp nhập với Bộ chỉ huy hành quân B57 vào năm 1967.

Sở chỉ huy hành quân Sigma tham gia vào nhiều cuộc hành quân Blackjack trên địa bàn được phân công. B56 thường làm nhiệm vụ do thám cho các cuộc hành quân, đôi khi sử dụng lực lượng cơ động của Sigma phối hợp với lực lượng ứng cứu Mike Force.

Đến tháng 11/1967, vấn đề chỉ huy hành quân của B56 được đặt dưới sự kiểm soát của Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam, trực tiếp thuộc quyền chỉ huy qua viên Tư lệnh Quân đoàn II.
Đến năm 1969, B56 chuyển đến Buôn Mê Thuột và rút quân về Mỹ vào tháng 5/1971.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Có, Tư lệnh vùng II chiến thuật cùng các cố vấn thuộc Ban cố vấn Quân đoàn II, trong đó có Đại tá John Freund

+ Sở chỉ huy hành quân Gamma (B57):

Từ khi hiện diện nhiều đơn vị trinh sát, do thám hoạt động trên chiến trường Việt Nam, nhu cầu giải mã những nguồn tin tình báo thu thập được và cung cấp tin tức, hướng dẫn về các mục tiêu trở nên cấp bách. Vào tháng 6/1967, Sở chỉ huy hành quân Gamma (B57) được thành lập. Sở chỉ huy B57 đặt tại Sài Gòn nhưng có nhân viên làm việc rải rác khắp các vùng chiến thuật II, III và IV. Sở chỉ huy hành quân Gamma đặc biệt tuyển mộ, điều hành những điệp viên (người lấy tin tức) hoạt động trong vùng đối phương kiểm soát. Nhằm hỗ trợ cho nhân viên tình báo của lực lượng biệt kích, Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại Sài Gòn biệt phái một số chuyên viên tình báo, ngụy trang dưới tên “Nhóm cố vấn kỹ thuật hỗn hợp”. Khi tổ chức này hoạt động được hơn 1 năm thì đã thiết lập được một hệ thống gián điệp nằm vùng, có sẵn những nguồn tin tình báo. B57 thiết lập được mối quan hệ mật thiết với các cơ quan, đơn vị khác của chính quyền Sài Gòn nhằm trao đổi, thẩm định tin tức và phối hợp các hoạt động tình báo.
Sở chỉ huy hành quân Gamma chấm dứt hoạt động, rời Việt Nam về Mỹ vào tháng 3/1970.

+ Trường huấn luyện do thám (Recondo School):

Khi Sở chỉ huy hành quân Delta tăng nhanh quân số thì nhu cầu về huấn luyện về kỹ thuật tuần tiễu thám sát được đặt ra. Vào tháng 5/1964, Sở chỉ huy hành quân Delta bắt đầu huấn luyện trong phạm vi căn cứ ở Nha Trang. Một thời gian ngắn sau, các đơn vị được thông báo về khóa huấn luyện do thám và được phép gửi quân nhân về học. Khi Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam được báo cáo kết quả huấn luyện của Sở chỉ huy hành quân Delta, đã chỉ thị cho Liên đoàn biệt kích số 5 đảm trách về khóa huấn luyện.

Ngày 15/9/1966, Trường huấn luyện biệt kích thám thính kết hợp với Trung tâm huấn luyện thuộc Sở chỉ huy hành quân Delta (B52) chính thức khai giảng khóa học đầu tiên. Khóa học kéo dài 3 tuần về kỹ thuật tác chiến, tuần tiễu, trinh sát. Học viên đòi hỏi phải có đầy đủ sức khỏe, đã ở Việt Nam tối thiểu 1 tháng và còn 6 tháng phục vụ. Delta ưu tiên tuyển chọn những quân nhân từng là thành viên của toán biệt kích, các đại đội biệt động quân, các toán thám thính và những đơn vị trinh sát khác. Về sau, trường huấn luyện thêm khóa hướng dẫn về chiến đấu cho các biệt kích quân Mỹ mới đến Việt Nam. Trường chính thức đóng cửa vào tháng 11/1970.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Hai, 2011, 10:27:53 pm gửi bởi NicolasCage » Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #61 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2011, 10:01:51 pm »

+ Lực lượng xung kích cơ động (Mobile Strike Force):

Ý tưởng về tổ chức lực lượng xung kích cơ động dựa trên quan niệm cắm những đơn vị sâu vào vùng đối phương kểm soát trong một khoảng thời gian nhất định, nhằm đánh phá các căn cứ, vừa ngăn chặn mọi hoạt động của cộng sản. Bắt đầu từ năm 1966, các đơn vị xung kích cơ động thường bao gồm có một toán biệt kích, cộng với 1 đại đội dân sự chiến đấu, có quân số khoảng 150 người, đã được huấn luyện về kỹ thuật tuần tiễu dài ngày và 1 trung đội trinh sát, khoảng 34 người.

Dưới danh nghĩa Blackjack, những đơn vị xung kích cơ động này được đưa sâu vào vùng căn cứ, vùng giải phóng của đối phương. Công việc tiếp tế cho các toán xung kích cơ động này được thực hiện bằng phương tiện thả dù. Trong cuộc hành quân Blackjack 21, SOG đã sử dụng đơn vị đặc nhiệm 777, gồm 15 biệt kích quân Mỹ và 249 quân nhân Thượng. Hành quân Blackjack 22 gồm có một đại đội xung kích Mike Force và 1 đại đội xung kích cơ động. Hành quân Blackjack 33 gồm đại đội 3 xung kích Mike Force và đại đội xung kích 957.

Có nhiều cuộc hành quân Blackjack được tổ chức trong mùa mưa 1966-1967, trong đó các đại đội xung kích cơ động kết hợp với các đại đội xung kích Mike Force thành tiểu đoàn xung kích cơ động.

Mặc dù các trại biệt kích đều có lực lượng xung kích cơ động để đáp trả tức thì những hoạt động của đối phương, nhưng vẫn cần phải có thêm lực lượng ứng cứu, đặt dưới quyền điều động trực tiếp của các lực lượng đặc biệt Mỹ trong những trường hợp khẩn cấp, để giải vây cho các trại biệt kích trước áp lực nặng nề của đối phương. Năm 1966, thành lập đơn vị dự bị cho mỗi quân khu và đặt trực thuộc Bộ Tư lệnh quân khu (Quân đoàn). Các tiểu đoàn ứng cứu được huấn luyện và bắt đầu hoạt động từ mùa khô 1966-1967. Lúc đầu gọi là lực lượng dự bị cơ động, sau trở thành Mike Force (Mobile Reaction Forves-MRF). Đến 1967, tên gọi chính thức của các đơn vị trên là Lực lượng xung kích cơ động (Mobile Strike Force-MSF). Mỗi quân khu đều tổ chức 1 đơn vị xung kích cơ động. Đơn vị thứ 5 được thành lập, làm nhiệm vụ cơ động trên địa bàn của 4 quân khu.

Đức Phong, Sông Bé, 11/11/1969

Mặc dù theo quy chế tổ chức thì các đơn vị xung kích cơ động là lực lượng dự bị đa dụng, nhưng thực tế những đơn vị này ngay khi thành lập đã được sử dụng như là lực lượng chuyên trách bảo vệ căn cứ. Mỗi đại đội xung kích cơ động được biên chế 184 người và tổ chức như đơn vị quân chính quy, được trang bị vũ khí cơ bản. Mỗi tiểu đoàn được biên chế 522 quân. Tiểu đoàn xung kích thường có thêm đại đội trinh sát, biên chế 153 quân và Ban chỉ huy. Riêng đại đội công vụ được biên chế 227 người. Nhiệm vụ chính của các đơn vị xung kích là giải vây cho các trại biệt kích.

Trong năm 1966, lực lượng xung kích cơ động phối hợp với lực lượng dân sự chiến đấu trong nhiều cuộc hành quân. Về sau lực lượng xung kích cơ động thường được sử dụng ứng cứu cho các toán biệt kích của Đoàn nghiên cứu quan sát (MACV-SOG) trong trường hợp khẩn cấp. Đến năm 1967, lực lượng dân sự chiến đấu sáp nhập vào lực lượng xung kích cơ động, hoạt động cho đến khi lực lượng Mũ Nồi Xanh bàn giao lại cho Quân đội Sài Gòn.

Tháng 2/1966, Chiến đoàn 1 xung kích được thành lập, trực thuộc B16 lực lượng biệt kích, đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ Chỉ huy lực lượng biệt kích Vùng I chiến thuật tại Đà Nẵng. Trong 5 năm hoạt động trên chiến trường vùng I, Chiến đoàn 1 xung kích được tổ chức thành 2 tiểu đoàn, một đại đội trinh sát, Bộ Chỉ huy Chiến đoàn và đại đội bảo đảm.

Chiến đoàn 2 xung kích trực thuộc B20 lực lượng biệt kích ở Pleiku; B23 ở Buôn Mê Thuột và B24 ở Kontum. Tất cả đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ chỉ huy lực lượng biệt kích Vùng II, đảm nhiệm địa bàn thuộc vùng lãnh thổ Quân khu II. Trong 5 năm hoạt động, chiến đoàn 2 xung kích được tổ chức thành 5 tiểu đoàn, 1 đại đội trinh sát, Bộ chỉ huy vùng và đại đội bảo đảm.

Chiến đoàn 3 xung kích thành lập vào tháng 11/1967, đặt dưới quyền điều động của Bộ chỉ huy lực lượng biệt kích Vùng III, chịu trách nhiệm trên lãnh thổ Quân khu III. Bộ chỉ huy B36 lực lượng biệt kích trực tiếp chỉ huy Chiến đoàn 3 xung kích; được tổ chức gồm 3 tiểu đoàn, đại đội trinh sát, Bộ chỉ huy vùng và đại đội bảo đảm. Đến cuối 1970, Chiến đoàn 3 được chuyển giao cho Quân đội Sài Gòn. Tháng 2/1971, B36 được lệnh gọi về Mỹ.

Chiến đoàn xung kích 4 trực thuộc B40, Bộ chỉ huy lực lượng biệt kích vùng IV chiến thuật; được tổ chức gồm 3 tiểu đoàn, 1 đại đội trinh sát, 1 đại đội xuồng bay (Air boat) 184 người, Bộ chỉ huy vùng và đại đội bảo đảm. Khi mới thành lập, chiến đoàn chịu trách nhiệm trên địa bàn Vùng IV (Quân khu IV). Đến tháng 8/1969, Chiến đoàn đặt dưới quyền điều động của Biệt khu 44. Từ tháng 5/1970, chiến đoàn được bàn giao cho Quân đội Sài Gòn. Tháng 12/1970, B40 của lực lượng biệt kích Mỹ được lệnh triệu hồi về nước.

Đồng Tâm, 1968
Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #62 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2011, 10:21:19 pm »

+ Liên đoàn nghiên cứu, quan sát (MACV-SOG):

Liên đoàn nghiên cứu, quan sát trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân đội Mỹ (MACV-SOG) là cơ quan chỉ huy cao nhất đối với các cuộc hành quân đặc biệt. Ngay từ khi thành lập, chức danh Nghiên cứu, quan sát (đôi khi gọi là Hành quân đặc biệt) được triệt để sử dụng để che mắt đối phương trong các cuộc hành quân tối mật về lĩnh vực tình báo.

Phù hiệu của Liên đoàn Nghiên cứu, quan sát (MACV-SOG)

Từ lâu, Cơ quan Trung ương tình báo CIA của Mỹ luôn yểm trợ cho các hoạt động bí mật của chính quyền Sài Gòn. Cho đến năm 1963 thì CIA chính thức trở thành Bộ chỉ huy lực lượng biệt kích ở Việt Nam và thực hiện các cuộc hành quân đặc biệt. Khi cường độ cuộc chiến tranh gia tăng, nhu cầu cho các hoạt động đều tăng lên, thì lực lượng biệt kích Sài Gòn càng phát triển, trở thành Sở khai thác đặc biệt. Ngày 16/1/1964, Bộ chỉ huy Liên đoàn nghiên cứu, quan sát được thành lập ở Chợ Lớn, để chỉ huy các cuộc hành quân đặc biệt.

Năm 1966, Bộ chỉ huy MACV-SOG dời từ Chợ Lớn ra Sài Gòn, bao gồm 1 bộ phận đóng tại phi trường Tân Sơn Nhất. Riêng bộ phận yểm trợ không quân dời ra Nha Trang và bộ phận yểm trợ hải quân dời ra Đà Nẵng.

Mục tiêu hoạt động của MACV- SOG không chỉ trực tiếp nhắm vào những khu vực do đối phương kiểm soát trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam mà cả sang lãnh thổ Lào, Campuchia, Bắc Việt và nam Trung Hoa. Những phi vụ đặc biệt của MACV-SOG bao gồm việc thu thập tin tức tình báo chiến lược, phá hoại đường giao liên, tiếp vận của đối phương; tiến hành chiến tranh tâm lý; giải cứu tù binh và phát triển chiến tranh phá hoại chống lại chính quyền đối phương... Những phi vụ thám sát của MACV-SOG được lựa chọn kỹ càng và những bản báo cáo sau mỗi chuyến xâm nhập thường được gửi về Lầu Năm Góc để đánh giá, phân tích và gửi tới những địa chỉ cần thiết.

Năm 1967, cơ quan MACV-SOG được tổ chức lại thành 3 bộ chỉ huy: Bộ chỉ huy Bắc (CCN) ở Đà Nẵng; Trung (CCC) ở Kontum và Nam (CCS) ở Buôn Mê Thuột. Mỗi Bộ chỉ huy được tổ chức lại bằng cách gom một số căn cứ hành quân tiền phương (FOB), mà trước đây được thiết lập để yểm trợ, tiếp cận cho những cuộc hành quân xâm nhập. Các căn cứ này đóng ở Phú Bài, Huế; Kontum; Khe Sanh; Non Nước; Buôn Mê Thuột và trại Hồ Ngọc Tảo. Các Bộ chỉ huy hành quân gồm trên 1.600 quân biệt kích Mỹ, chia ra hơn 70 toán thám báo và 8.000 biệt kích quân Sài Gòn.

Cách thức tổ chức của Liên đoàn Nghiên cứu, quan sát cũng gần như song song với tổ chức của lực lượng biệt kích Mỹ, với các toán xâm nhập tương đương với các toán biệt kích Mỹ; Bộ chỉ huy hành quân tiền phương tương đương với Bộ chỉ huy Vùng; các Bộ chỉ huy Bắc, Trung, Nam tương đương với các Bộ chỉ huy Trung tâm lực lượng biệt kích Mũ Nồi Xanh.

Bộ chỉ huy Không Yểm bao gồm Phi đoàn 90 thuộc Trung tâm hành quân đặc biệt (SOS) của Không quân Mỹ, đóng tại Nha Trang, chuyên cung cấp máy bay C130 cho lực lượng biệt kích. Bộ chỉ huy Phi đoàn 20 (SOS) đóng ở vịnh Cam Ranh. Các đơn vị trực thuộc khác đóng tại Buôn Mê Thuột, Đức Lập và Tiêu Atar, chuyên cung cấp cho lực lượng biệt kích loại trực thăng yểm trợ. Ngoài ra, MACV-SOG còn có một đơn vị trực thuộc là Phi đoàn Đệ nhất, đóng căn cứ rải rác khắp miền Nam Việt Nam và cả Thái Lan.

Sân bay Utapao, Thái Lan, 1966; nơi xuất phát những chuyến B52 đến Việt Nam

Bộ phận yểm trợ Hải quân đóng căn cứ tại Đà Nẵng, gồm các đơn vị biệt kích (SEAL) của Hải quân Mỹ, các siêu tốc đỉnh cùng các toán người nhái, chuyên phá hoại trên biển, trực thuộc Hải quân Sài Gòn.

MACV-SOG còn có một trung tâm huấn luyện và đơn vị xâm nhập bằng dù ở Long Thành, Biên Hòa. Đơn vị này gồm các biệt kích quân người Việt Nam, được thả vào vùng đối phương bằng phương tiện nhảy dù.

Ngày 30/4/1971, cơ quan MACV-SOG ngưng hoạt động và chương trình được giao cho Trung tâm Yểm trợ, thuộc Nha Kỹ thuật 158 (STDAT). Một số biệt kích quân bộ đã chuyển sang nhóm cố vấn hành quân đặc biệt từ tháng 3/1971. Ngày 12/3/1972, STDAT cũng kết thúc sứ mệnh một trong những “huyền thoại” của lực lượng biệt kích Mũ Nồi Xanh của Mỹ.
Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #63 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2011, 12:50:48 am »

+ Sở chỉ huy Bắc (CCN):

Sở chỉ huy Bắc được thành lập vào ngày 1/11/1967 tại Đà Nẵng, với 3 bộ chỉ huy tiền phương: một, tại Phú Bài; hai, Bộ chỉ huy tiền phương số 3 tại Khe Sanh; ba là Bộ chỉ huy tiền phương số 4 tại Non Nước, cùng Liên đoàn biệt kích số 5 và Ban cố vấn hải quân Mỹ.

Các phi vụ hành quân vượt biên do Sở chỉ huy Bắc tổ chức đều nhằm vào lãnh thổ miền Bắc Việt Nam và Lào. Những cuộc hành quân trong vùng Nam Lào được biết đến với mật danh Shining Brass, bắt đầu triển khai từ năm 1965, nhằm phá hoại con đường tiếp tế, vận chuyển của Bắc Việt cho chiến trường miền Nam Việt Nam. Sau đó, Sở chỉ huy Bắc đổi tên là Prairie Fire. Khi chuyển về trực thuộc Nha Kỹ thuật thì lấy tên là Phù Dung.

Trùm CIA Wiliam Colby thăm Sở Bắc tại Đà Nẵng

Trong các cuộc hành quân của lực lượng thám báo, Sở chỉ huy Bắc còn có đơn vị tiếp ứng, gọi là đơn vị “Cảm tử đặc biệt”. Ngoài ra, CCN còn thiết lập những căn cứ hành quân bí mật trên lãnh thổ Thái Lan. Tuy nhiên nhiệm vụ chính của CCN vẫn là trinh sát, thu thập tin tức tình báo chiến lược.

+ Sở chỉ huy Trung (CCC):

Sở chỉ huy này đóng tại Kontum, gồm quân của Liên đoàn biệt kích số 5 Mỹ, có lúc được xem như là bộ phận mở rộng của Bộ chỉ huy liên đoàn biệt kích số 5. Địa bàn Bộ chỉ huy được phân công đảm trách là tam giác biên giới Việt-Lào-Campuchia. Các cuộc hành quân lúc đầu lấy tên là Daniel Boone, sau đổi thành Salem House nhằm phá hoại các căn cứ, kho dự trữ vật chất của cộng sản Bắc Việt; đặc biệt đối với những kho hậu cần ở vùng đông bắc Campuchia.

Dưới quyền điều hành của Bộ chỉ huy trung tâm, có tất cả 30 toán thám báo, mỗi toán gồm 3 biệt kích Mỹ và 9 biệt kích quân Sài Gòn. Ngoài ra còn có 4 đại đội khai thác, sử dụng tin tức do những toán thám báo cung cấp trong các cuộc hành quân tìm và diệt.

+ Sở chỉ huy Nam (CCS):

Sở chỉ huy Nam được thành lập vào tháng 11/1967, đóng căn cứ tại Buôn Mê Thuột. Đây là Sở chỉ huy nhỏ nhất trong các bộ chỉ huy của Liên đoàn nghiên cứu, quan sát (MACV-SOG). Địa bàn hoạt động chính là đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia. Tổ chức của Sở chỉ huy gồm có 1 số toán thám báo, cộng với 4 đại đội khai thác. Do địa thế vùng đồng bằng sông Cửu Long là sông nước, nên các đại đội khai thác thường sử dụng xuồng bay trong các cuộc hành quân tiếp ứng. Sự tham chiến của các biệt kích quân Mỹ tại Sở chỉ huy này chấm dứt vào tháng 1/1973, khi tất cả các đơn vị của quân đội viễn chinh Mỹ phải rút quân trở về nước.

Mộc Hóa, Long An ngày 13/7/1968

Đoạn kết:

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, phải có tới hàng núi tài liệu liên quan đến lực lượng biệt kích. Nhưng ít người được biết đến một cách tường tận, kể cả đến những biệt kích quân. Điều đó không có gì lạ, vì bí mật chính là nguyên tắc căn bản, sống còn của sắc lính biệt kích. Nhiều đơn vị có tên nghe rất lạ như: Lôi Hổ, Thám Báo, Sở Công Tác, Sở Liên Lạc, Biệt Kích... Đối với lực lượng biệt kích Mũ Nồi Xanh được quân đội Mỹ coi như “những chiến binh can trường”, vì họ được tuyển chọn và huấn luyện đầy đủ nhất. Ngay trong quân đội Sài Gòn, biệt kích quân cũng được xem là “những chiến binh can đảm, gan lì và bí hiểm”.
Ai đó đã coi họ là “những bóng ma biên giới”. Tiếc thay, họ đã quay lưng lại với chính dân tộc của mình, trở thành công cụ chiến tranh trong tay người Mỹ. Để rồi rút cuộc họ đã bị chính ông chủ của mình bỏ rơi ngay khi họ đang thực thi những phi vụ phá hoại Bắc Việt Nam theo lệnh CIA.

Theo tài liệu:
-   Harry Pugh, US Special, C&D Enterprises, Arlington, VA> 1993.
-   Francis J. Kelly, The Green Berets, Brassey Inc., New York, 1991.
-   Special Forces and Missions, Time-Life books, Alexandria, VA.

Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #64 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2011, 01:05:31 pm »

Bìa quyển Cuộc Chiến Bí Mật của Gs. Vũ Đình Hiếu

Ngoài lề. Lời giới thiệu khác về quyển sách:

Hồ sơ biệt kích – góc nhìn khác của lịch sử

Bằng những cứ liệu quan trọng trong hồ sơ của CIA, cuốn sách này chứng minh sự thất bại quan trọng nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, đó là thất bại về tình báo. Đã có một sự thật phũ phàng nào nằm ở mảng tối của vấn đề, mà kéo theo sau đó là những hệ luỵ xương máu đối với nhiều người Việt?

Từ năm 1957, lính biệt kích (lực lượng đặc biệt, gọi nôm na là lính Mũ nồi xanh) của Mỹ đã xuất hiện tại Việt Nam, với nhiệm vụ cố vấn, nâng đỡ cho chính quyền Sài Gòn. Nhưng về sau, đây chính là lực lượng huấn luyện biệt kích cho quân đội chính quyền Sài Gòn dưới sự điều khiển của CIA. Ý đồ sâu xa của chiến lược này, đó là dùng người Việt đánh người Việt, đỡ gây tổn thất xương máu cho quân đội Mỹ.

Từ năm 1961, những trung tâm huấn luyện biệt kích: Thủ Đức, Long Thành (Sài Gòn), Hoà Cầm (Đà Nẵng)… được thành lập và hoạt động mạnh, cung cấp quân biệt kích dù, biệt kích thuỷ phục vụ cho chiến lược theo dõi, thám báo, đánh phá miền Bắc và ngăn chặn khả năng tiếp tế miền Nam qua tuyến đường chiến lược Hồ Chí Minh của Việt cộng.

Từ tháng 2.1961 đến 10.1967 đã có 52 toán biệt kích được bung dù, đáp thuyền cài cắm vào các vùng Tây Bắc, Đông Bắc cho đến Nghệ Tĩnh, biển Quảng Bình và cả Khe Sanh, Hạ Lào… để đột kích Bắc bộ. Nhưng một con số gây rùng mình, có lẽ bất ngờ đối với cả những lính biệt kích người Việt từng đặt lý tưởng vào chiếc bánh vẽ “chủ nghĩa quốc gia” mà Mỹ đặt ra: có 500 lính biệt kích bị mất tích (chết, lạc trong rừng sâu do xác định sai toạ độ, hoặc bị bắt bỏ tù) mà thân nhân của họ chỉ được lực lượng chỉ huy quan sát (SOG) thông báo là đã chết, không có giải pháp ứng cứu, đem về…

Mục tiêu cuốn sách là vẽ lại khá chi tiết bức tranh số phận của những toán biệt kích được CIA Mỹ đưa vào chiến trường miền Bắc từ 1961 đến 1968, được tôn vinh như những anh hùng can trường nhưng phải đón nhận một cái kết quá đỗi thất vọng. Phải đến 20 năm sau, khi trên 300 biệt kích quân được trả tự do từ những trại giam trên đất Bắc thì sự “hai mặt” trong chiến tranh của Chính phủ Mỹ mới được đưa ra ánh sáng. Và cũng nhận ra rằng, có một sự thật tàn nhẫn đó là “các biệt kích quân Sài Gòn vẫn tiếp tục bị thả xuống lãnh thổ Bắc Việt, rồi bỏ rơi, ngay cả khi chiến dịch phá hoại của CIA đã kết thúc”.

Cuốn sách có một phần viết đầy cảm động về đời sống phẫn uất và đầy uất nghẹn, đầy ám ảnh của những biệt kích quân khi cảm nghiệm sự bỏ rơi lạnh lùng của người Mỹ đối với họ trong quá khứ và hiện tại. “Khi Tourison viết cuốn Đạo quân bí mật, trận chiến bí mật, thì hơn 100 biệt kích quân đã đến định cư tại Mỹ (theo nhiều con đường, trong đó phần lớn là vượt biên – trước 1985 và diện HO – sau 1985 cho người đã cải tạo đủ thời hạn – NV) và gần 200 người khác vẫn ở Việt Nam, cùng hàng trăm cô nhi, quả phụ của những biệt kích quân đã bỏ mạng chỉ vì cái bánh vẽ “chủ nghĩa quốc gia” mà CIA đã vẽ ra” (trang 74).

Mỹ Tho, 5/4/1968

Trang 76 cuốn sách viết: “Hầu hết các cựu biệt kích quân đã định cư ở Mỹ đều cố gắng xây dựng cho mình một mái ấm gia đình, có người được xem là thành công. Nhưng số đó không nhiều. Thỉnh thoảng, họ gặp lại nhau, bùi ngùi bên ly rượu mỗi khi nhớ về quá khứ nặng nề; về những người đã khuất. Và những người còn lại đều tin vào định mệnh. Khi họ lọt vào mắt CIA, được phong là “những người hùng”, rồi bị bắt ngồi nghiền ngẫm sự đời sau những song sắt trại giam trên đất Bắc, hầu hết lúc đó họ đều rất trẻ”. Và mục tiêu của cuốn sách đặt ra đầy tính nhân văn, cũng đầy chua chát, thuyết phục người đọc cần phải đọc nó với một tâm thế không phân biệt đúng sai phải trái hay chính kiến: “Người viết những trang sách này chẳng có tham vọng nào, chỉ mong khi đàn con cháu của họ lớn lên, đọc những trang viết này sẽ hiểu rõ thêm về cha, ông của chúng, những người được cho là may mắn hơn trong nhóm biệt kích”.

Những biệt đội lừng danh của Lôi Hổ trong cuộc chiến đầy bí mật đã có một kết thúc kéo dài trong bi thương. Năm 2000, Mỹ công bố những tài liệu có tính “chú giải và phân tích” về cuộc chiến quan trọng của Lầu Năm Góc: SOG the secret war of Americas commanandos in Vietnam (John L. Plaster), How American lost the secret war in Vietnam và Why American loat the secret war in North Vietnam (Kenneth Conboy Dale Andrale)… Những tài liệu này được lược dịch khá đầy đủ trong cuốn sách này, đồng thời bổ sung gần 60 trang phụ lục của đoàn Chỉ huy quan sát trực thuộc bộ Chỉ huy quân viện Việt Nam (MACV/SOG) về “Kế hoạch 34A” chủ trương dùng biệt kích gây hậu quả cho Bắc Việt.

Dịch giả của cuốn sách từng là một biệt kích quân Việt Nam Cộng hoà, đang là giáo sư công nghệ thông tin từng giảng dạy tại Mỹ, nay đang tham gia giảng dạy tại trường quốc tế RMIT – TP.HCM. Đây là một bộ tư liệu giá trị bên cạnh dòng tư liệu điệp viên, tình báo được thừa nhận, có tính chính thống. Nó khai mở được cái phần chìm đa nghĩa bên dưới những trang lịch sử khô khan, thiên kiến và hiềm khích mà ta vẫn thấy. Rất tiếc, có lẽ vì nhiều lý do “lấn cấn” trong khâu kiểm duyệt, nó được gọi là bản “lược dịch” và từ “biệt quân nguỵ” vẫn được dùng ngay ở trang bìa. Một điều đáng tiếc nữa là cuốn sách còn mắc quá nhiều lỗi chính tả.

Dù sao, những hồ sơ thế này rất cần đọc, để lịch sử được nhìn, thấu hiểu và cảm thông hơn là phân biệt.

Nguyễn Vĩnh Nguyên
(sgtt 1/5/2009)
Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #65 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2011, 09:48:14 pm »

NHA KỸ THUẬT, BỘ TỔNG THAM MƯU

Nha Kỹ Thuật là cơ quan tình báo chiến lược của Quân đội Sài Gòn, là một đơn vị đặc trách tổ chức, hoạt động thu thập tin tức tình báo, phản gián chiến lược từ trong lòng đối phương, cũng như trong hậu tuyến Quân đội Bắc Việt; hoặc những địa bàn có cơ sở, đơn vị đối phương trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Tiền thân là Phòng 6, Bộ Tổng Tham mưu, do Trung tá  Lung phụ trách. Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, Phòng 6 có tên là Sở Liên lạc Phủ Tổng thống và Lực lượng đặc biệt, do Đại tá Lê Quang Tung làm Tư lệnh. Từ sau cuộc đảo chính 11/1963 cho đến tháng 4/1975, Nha Kỹ thuật lần lượt do các tướng Nghiêm, Quảng, Lam Sơn, Phú; các sĩ quan như Trung tá Lan, Đại tá Hổ và cuối cùng là Đại tá Nu chỉ huy. Riêng tên gọi, được đổi từ Phòng 6 đến Sở Liên lạc Phủ Tổng thống; Lực lượng đặc biệt; Sở Khai thác địa hình và cuối cùng là Nha Kỹ thuật.

Bia Budweiser quá tệ

Dưới chính thể của Ngô Đình Diệm, mọi hoạt động của biệt kích đều do Đại tá Tung trực tiếp nhận chỉ thị cũng như phúc trình với Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu. Cùng thời điểm này, mọi hoat động của Nha Kỹ thuật đều do cơ quan Trung ương tình báo CIA Mỹ tư vấn, chỉ đạo và yểm trợ. Sau cuộc đảo chính lật đổ anh em Ngô Đình Diệm vào tháng 11/1963, mọi hoạt động đều do Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên trực tiếp chỉ huy, được Bộ Tham mưu cơ quan tình báo quân sự Mỹ SOG (Study and Observation Group) làm cố vấn và yểm trợ.

Về tổ chức, Nha Kỹ thuật gồm: Sở công tác; Sở Liên lạc; Sở Phòng vệ duyên hải; Sở tâm lý chiến; Sở yểm trợ không quân và Trung tâm Huấn luyện Quyết Thắng. Sở Công tác đóng tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Hai Đoàn 11 và 72 đóng tại Đà Nẵng, Đoàn 75 đóng tại Pleiku. Đoàn 68 đóng tại Sài Gòn. Các toán trong đoàn công tác được huấn luyện xâm nhập bằng đường không hay đường bộ vào lãnh thổ Bắc Việt Nam, dọc theo biên giới Việt-Lào-Campuchia hoặc Thái Lan. Sở Liên lạc đóng tại Sài Gòn; Chiến đoàn 1 đóng tại Đà Nẵng, Chiến đoàn 2 đóng tại Kontum và Chiến đoàn 3 đóng tại Buôn Mê Thuột.

Các toán biệt kích thuộc Sở Liên lạc xâm nhập vào hậu tuyến của đối phương từ vĩ tuyến 17 trở vào cho đến mũi Cà Mau. Sở Phòng vệ Duyên hải đóng tại Tiên Sa, Đà Nẵng gồm lực lượng tuần tra Hải quân Việt Nam, chuyên sử dụng  thuyền máy PCF, PT có tốc độ khá nhanh, hỏa lực mạnh để hoạt động tại bắc vĩ tuyến 17. Lực lượng biệt kích biển được huấn luyện thành các toán người nhái để xâm nhập vào lãnh thổ Bắc Việt bằng đường biển.

Sở Tâm lý chiến đóng tại số 7, đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn; chuyên tổ chức và điều hành 2 đài phát thanh: “Tiếng nói tự do”“Gươm thiêng ái quốc”. Ngoài ra, Sở Tâm lý chiến còn có nhiệm vụ gửi người ra Bắc hoạt động trong lĩnh vực tâm lý chiến. Sở Yểm trợ đường không đóng tại Sài Gòn để phối hợp với Phi đoàn trực thăng 219, Phi đoàn quan sát 110 tại Đà Nẵng trong việc xâm nhập, liên lạc, hướng dẫn và rút các toán biệt kích hoạt động trong lòng đối phương. Trung tâm Huấn luyện Quyết thắng đóng tại Long Thành, Biên Hòa, huấn luyện về chiến tranh ngoại lệ cho các toán, cũng như các phương pháp xâm nhập vào lãnh thổ đối phương, hoạt đông ở hậu phương, du kích chiến, ám sát, bắt cóc, phá hoại, chiến tranh tâm lý...


Vì lý do bảo mật, tuy cùng đơn vị nhưng nhiều biệt kích quân của Nha Kỹ thuật không được phép tiếp xúc hay tìm hiểu về nhiệm vụ của những đồng sự khác. Các cơ quan, đơn vị của Nha Kỹ thuật đồn trú trên khắp 4 vùng chiến thuật, hạn chế tối đa sự liên lạc với các cơ quan quân, dân, chính quyền địa phương. Vì vậy ít người biết về Nha Kỹ thuật hoặc chỉ biết mà không hiểu rõ về những hoạt động của nó. Quân nhân hoặc dân sự được tuyển chọn về Nha Kỹ thuật đều phải trải qua một cuộc điều tra tỉ mỉ về quá khứ và các mối quan hệ. Tất cả đều thuộc thành phần tình nguyện và khi nhận nhiệm vụ, họ đều phải hiểu rằng đó là công tác gian nan, nguy hiểm; một khi ra đi thì ít hy vọng trở về an toàn. Trong thực tế đã có biết bao nhiêu biệt kích quân đã bỏ mạng trên khắp vùng rừng núi Bắc Việt, ngoại biên hoặc sâu trong lãnh thổ miền Nam Việt Nam.

Những kẻ biến họ thành công cụ chiến tranh, có thể huyễn hoặc họ, gọi đó là sự hy sinh. Nhưng đối với đất nước và dân tộc thì cái chết của họ lại là nỗi đau và sự mất mát không thể bù đắp. Trải qua 20 năm tồn tại, dưới áp lực của bao diễn biến chính trị quốc tế về Việt Nam, Nha Kỹ thuật đã nhiều lần thay đổi về cơ cấu, tổ chức, phương thức cũng như quy mô hoạt động, nhưng bản chất bất biến của nó là mọi hoạt động đều nhắm vào mục đích phá hoại. Lẽ ra sự phá hoại đó phải dành cho kẻ thù dân tộc. Nhưng đáng tiếc, lại phục vụ cho mục đích chiến tranh. Bao nhiêu sinh mạng bỏ lại nơi rừng thẳm, non cao liệu có nghĩa lý gì không?
Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #66 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2011, 10:09:11 pm »

KẾ HOẠCH 34A - TÂM LÝ CHIẾN

Chiến tranh tâm lý, với mật danh là Forae được phê duyệt ngày 14/3/1968. Tướng Westmoreland ra lệnh không bằng văn bản. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên, bởi đó là nguyên tắc hoạt động của SOG cùng những kế hoạch bí mật trong lòng hậu phương của đối phương.
Forae khởi đầu với 6 kế hoạch. Ba trong số 6 bản kế hoạch đó được giao cho Đoàn Nghiên cứu, quan sát (SOG) để áp dụng trong chương trình chiến tranh tâm lý. Ba bản kế hoạch còn lại đều nằm trong “Kế hoạch 34A”, là xương sống của chương trình “Trở mặt”.

Mục đích của chương trình này là làm cho đối phương bối rối về mặt tâm lý. Bob Kingston quyết định: “Đặt máy phát thanh trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam”. Một số máy do các toán biệt kích đem theo gài, số khác thả bằng dù. Những máy phát thanh đó đã được điều chỉnh trước để phát đi chương trình phát thanh của 2 đài phát thanh “đen” là đài “Gươm thiêng ái quốc” và đài “Cờ đỏ”. Với kế hoạch này, Bob Kingston hy vọng sẽ làm cho đối phương phải sử dụng lực lượng an ninh biên phòng lùng sục những toán biệt kích mà thực ra chỉ là những máy thu thanh. Ngoài ra, những đài phát thanh đen này còn gửi những mật điện cho các toán biệt kích đang hoạt động trên lãnh thổ miền Bắc hoặc những mật điện giả, khiến cho đối phương phải bối rối.

Năm 1968, Bob Kingston giao cương vị đảm trách “Kế hoạch 34A” cho Bob Mc Knight, ông ta điều hành một bộ phận gồm những sĩ quan lo việc điều nghiên, tìm hiểu hệ thống an ninh  nội bộ trong hành ngũ đối phương. Họ cấu tạo một hệ thống “Trở mặt tay ba” rất phức tạp. Kế hoạch này gồm 3 chương trình:

+ Chương trình Borden:

Do Đại úy Bert Spivy đảm nhiệm, chuyên tuyển mộ tù binh Bắc Việt làm gián điệp cho SOG. Họ đến những trại giam tù binh Bắc Việt do quân đội Mỹ bắt được, chiêu dụ những tù binh “biết điều” hợp tác (họ không dùng những tù binh do Quân đội Sài Gòn bắt được). Có điều, các tù binh được chọn không biết được là có theo người Mỹ thật lòng hay không? Thậc ra, trong hồ sơ của chương trình Borden, họ hy vọng phần lớn những tù binh này sẽ ra trình diện và báo cáo cho cấp chỉ huy của Quân đội Bắc Việt về nhiệm vụ của họ. Những nhiệm vụ này đều là giả, cũng như những tin tức tình báo mà người Mỹ đã giao cho những điệp viên “đi hàng ba” này.
Khi được thả dù trở ra ngoài Bắc, những cựu tù binh sẽ hoạt động cho kế hoạch 34A một cách mù quáng mà họ không biết.


Trùm MACV-SOG, Đại tá Steve Cavanaugh, thay thế Jack Singlaub vào tháng 9/1968, giải thích: “Trong thời gian huấn luyện, chúng tôi cho điệp viên biết về nhiệm vụ liên lạc với các toán biệt kích đang hoạt động ngoài Bắc và trao cho họ những tin tức giả... Lẽ dĩ nhiên là không có toán biệt kích nào ở tọa độ đó cả. Tất cả đều là giả tạo, chúng tôi mong họ ra trình diện hoặc bị bắt để họ báo cáo cho các sĩ quan trong quân đội Bắc Việt về những toán “biệt kích ma” đang hoạt động trong lòng hậu phương của họ”.

Trong chương trình huấn luyện, những biệt kích quân thuộc Nha Kỹ thuật của Quân đội Sài Gòn được gài vào các trại tù binh, để thỉnh thoảng “rỉ tai” cho tù binh Bắc Việt về những toán biệt kích đã ra hoạt động ngoài miền Bắc rằng: “Phe ta đang làm ăn khấm khá”, cùng những tin đồn về các tổ chức “kháng chiến” đang được xây dựng ở miền Bắc. Họ cũng cung cấp cho tù binh những tin tức sai lệch hoặc báo cáo giả do điệp viên hay những toán biệt kích gửi về. Khi thả dù xuống miền Bắc, tù binh “hàng ba” cũng được trao cho “vinh dự nhảy ra trước vì đậu thủ khoa trong khóa huấn luyện”. Những người trong toán sẽ nhảy theo anh ta. Điều người cựu tù binh không được viết là khi anh ta đã rơi vào màn đêm, toán biệt kích thật sẽ tháo dây móc dù ra và ngồi xuống ghế. Mọi chuyện đều được sắp đặt trước, đến khi quân Bắc Việt tìm thấy dù vướng trên ngọn cây, toán biệt kích đã biến mất... Thật ra, đó là những tảng nước đá đã tan ra nước.

Cũng theo Spivy, lúc bắt đầu chương trình Borden dự định thả xuống miền Bắc hàng trăm điệp viên tù binh hàng năm. Trong năm 1968, khi chương trình bắt đầu xúc tiến, thì hồ sơ của SOG có ghi rõ là 98 tù binh được tuyển mộ, thì có tới 50 người bị loại, còn 44 người được thả xuống những khu vực do Quân đội Bắc Việt hoặc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kiểm soát. Bốn người khác sẽ được thả dù xuống vào tháng 1/1969. Năm 1968 được đánh giá là năm thành công. Đến cuối năm 1969, Washington ra lệnh chấm dứt tất cả mọi kế hoạch vượt biên xâm nhập lãnh thổ miền Bắc.
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Hai, 2011, 06:26:57 pm gửi bởi NicolasCage » Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #67 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2011, 10:34:13 pm »

+ Chương trình Urgency:
 
Tìm tù binh trong những trại giam tù binh hoặc bị bắt cóc trong chương trình Plowman ( tổ chức các cuộc hành quân bằng đường biển nhằm bắt cóc dân sống ngoài miền Bắc như SOG lập kế hoạch). Những người này sẽ đem ra đảo Paradise hay Cù Lao Chàm ngoài khơi Đà Nẵng. Họ bị nhồi sọ về những tổ chức kháng chiến ngoài Bắc và đài phát thanh “Gươm thiêng ái quốc” do khối Chiến tranh tâm lý do SOG điều hành. Sau đó chia thành 2 nhóm:

 Một, đối với lính Bắc Việt là Đảng viên Đảng cộng sản không chịu hợp tác, thành phần tin tưởng vào Hồ Chủ Tịch và Đảng cộng sản, theo Bob Mc Knight, những tù binh cứng đầu này sẽ bị dàn cảnh chụp mũ làm điệp viên cho người Mỹ, rồi thả trở lại miền Bắc. CIA hy vọng rằng họ sẽ bị bắt, bị tra tấn và bị giết bởi chính bàn tay của cộng sản, kế hoạch này quả thật rất hiểm độc.

Trại huấn luyện tại Cù Lao Chàm với những ngôi nhà có kiểu giống với miền Bắc

Hai, dành cho những tù binh ngoài Cù Lao Chàm muốn hợp tác. Họ được huấn luyện để trở thành điệp viên, được gửi ra miền Bắc nằm chờ lệnh, sẽ liên lạc sau.

Thật ra Kế hoạch 34A đã bắt đầu chương trình từ năm 1967, hai điệp viên mang mật danh Goldfish và Pergola đã trở ra ngoài Bắc vào tháng 9/1967. Nhưng cả hai đều biệt tăm.

+ Chương trình Oodles:

Sử dụng hệ thống phát thanh, truyền tin đánh lạc hướng Quân đội Bắc Việt. Trong hồ sơ SOG, chương trình Oodles sẽ ngụy tạo ra một màng lưới điệp viên đang hoạt động rất hữu hiệu trong một số vùng được xác định rất kỹ ngoài Bắc. Cho đến khi chương trình chấm dứt, có tất cả 14 toán biệt kích ma hoạt động trong lòng đối phương. Để làm như thật, nhiều điện văn giả được gửi đi cho những toán biệt kích ma. Những điện văn giả bao gồm lệnh hành quân lấy tin tình báo cho những mục tiêu, báo cáo về những hoạt động của các toán biệt kích khác, những chuyến thả dù tiếp tế và tăng cường thêm nhân lực sắp tới. Họ cũng tổ chức những chuyến thả dù tiếp tế ma, nhưng khi công an biên phòng Bắc Việt đến sẽ chỉ thấy những kiện hàng trống rỗng, còn đồ tiếp tế thì đã biến mất. Điều đó có thể khiến cho đối phương càng tin là những toán quân biệt kích ma là có thật. nhưng cũng giống như số phận của Borden và Urgency, tất cả đều chấm dứt vào cuối năm 1968.

+ Chương trình Strata:

Là các toán biệt kích hoạt động ngắn hạn. Những toán Strata cũng được thả ra ngoài Bắc với nhiệm vụ do thám đường giao thông và tìm mục tiêu chiến lược. Chương trình này bắt đầu từ tháng 5/1967. Hai toán Strata đầu tiên xâm nhập miền Bắc vào cuối năm 1967. Khu vực hoạt động của những toán biệt kích Strata nằm dưới vĩ tuyến 20, khoảng 150 dặm về phía bắc khu phi quân sự. Toán biệt kích thứ nhất có nhiệm vụ xâm nhập để thu thập tin tức về hệ thống đường mòn, dẫn đến 3 ngọn đèo để cuối cùng sẽ nhập vào đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Lào. Những toán biệt kích Strata chỉ hoạt động trong thời gian rất ngắn, do đó họ có cơ hội sống sót nhiều hơn những toán biệt kích thả sâu vào lãnh thổ Bắc Việt trước đó.

Những toán Strata thường gồm từ 5-15 biệt kích quân Sài Gòn hoặc người dân tộc thiểu số, xâm nhập miền Bắc bằng trực thăng Mỹ hay của quân đội Sài Gòn...Thời gian hoạt động của các toán biệt kích trong lòng đối phương khoảng 15-30 ngày.

Toán Idaho

Trong năm 1968, đã có 24 toán biệt kích Strata xâm nhập miền Bắc. Ngoài nhiệm vụ do thám hệ thống đường giao thông, các toán Strata còn có thêm nhiệm vụ gài mìn, bắt cóc và rải truyền đơn trên những lộ trình có dân, hoặc quân đội Bắc Việt di chuyển qua.

Đến năm 1969, các toán biệt kích Strata đã chuyển hướng hoạt động sang lãnh thổ Lào và Campuchia.
Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #68 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2011, 10:28:27 pm »

KẾ HOẠCH 34A - THẢ BIỆT KÍCH

Trong những tháng đầu năm 1964, cơ quan tình báo Trung ương Mỹ CIA hoàn tất việc bàn giao những toán biệt kích sẽ thả xuống lãnh thổ miền Bắc Việt Nam cho Đoàn nghiên cứu quan sát (SOG), bao gồm 4 toán Bell, Remus, Tourbillon và Easy, mà họ tin là vẫn đang hoạt động trong lòng hậu phương của đối phương, với tổng quân số gồm 30 người. Toán thứ năm Europa, do cơ quan CIA thả trong tháng 2/1962, bị mất liên lạc ngay khi đang tiến hành chương trình bàn giao. Cuối cùng CIA bàn giao điệp viên Ares, cùng căn cứ huấn luyện ở Long Thành, với khoảng 169 biệt kích quân đang huấn luyện và nhiều nhà tạm trú cho các biệt kích quân ở Sài Gòn.

Sài Gòn 1960s. Ngã 4 Châu Văn Liêm - Hùng Vương

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mc. Namara cùng những viên chức cao cấp khác ở Washington luôn muốn hành động. Họ thúc đẩy SOG gia tăng việc thả những toán biệt kích xâm nhập lãnh thổ lãnh thổ miền Bắc Việt Nam. Từ giữa tháng 4/1964 đến tháng 10/1967, gần 30 toán biệt kích và một số điệp viên đơn tuyến đã xâm nhập vào lãnh thổ miền Bắc Việt Nam, với tổng quân số khoảng 250 người. Nếu cộng thêm số biệt kích quân do CIA thả trước đó thì tổng số biệt kích quân có khoảng 500 người. Có điều, CIA và SOG đều biết khả năng thành công của “Kế hoạch 34A” nhằm thả những toán biệt kích xâm nhập miền Bắc Việt Nam là rất thấp.

Đến cuối 1967, chỉ còn lại 7 toán biệt kích là Remus, Tourbillon, Easy, Eagle, Hadley, Red Dragon, Romeo và điệp viên đơn tuyến Ares vẫn còn hoạt động ở Bắc Việt Nam.

CIA thả toán Tourbillon ngày 16/5/1962. Sau đó 2 lần thả thêm biệt kích quân tăng cường cho toán Tourbillon đang hoạt động ở vùng Tây Bắc, Bắc Việt Nam. Toán Tourbillon được lệnh tổ chức những vụ phá hoại; sau đó đổi sang thu thập tin tức tình báo. Nhưng không có tài liệu nào ghi lại những hoạt động của toán Tourbillon. Mỗi lần SOG tìm cách rút toán về thì y như rằng toán Tourbillon không đến được điểm hẹn để được bốc về (?!)

Tháng 8/1963, CIA thả toán Easy xuống vùng rừng núi tỉnh Sơn La để bắt liên lạc với các phần tử người H’mông, Thái lập ra những căn cứ cho các toán khác đến hoạt động. Ngoài ra, toán Easy sẽ thăm dò mức độ phản ứng của lực lượng an ninh Bắc Việt để tuyển mộ dân thiểu số, tổ chức những vụ phục kích, phá hoại trục đường giao thông trên địa bàn. Nhưng từ tháng 1/1964, những vụ phá hoại trên không được SOG chấp thuận, nhất là không cho phép tổ chức những trận phục kích, vì SOG cho rằng như vậy quá mạo hiểm. Easy chỉ còn nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo từ những người dân bản địa mà họ đã tuyển mộ. Trong hồ sơ của SOG, không có bản báo cáo nào quan trọng về toán Easy. Thực tế Easy được gửi tăng cường 4 lần, với tổng số 23 biệt kích quân. Khi SOG thông báo cho Easy biết rằng sẽ rút vài thành viên trong toán về, thì Easy tắt máy, chấm dứt liên lạc.

Riêng toán Remus, có 6 biệt kích quân nhảy dù xuống khu vực gần Điện Biên Phủ ngày 16/4/1962, để thiết lập căn cứ cho những hoạt động tình báo như: thu thập tin tức liên quan đến quân đội, tình hình chính trị và kinh tế...Ngoài ra, toán có thêm nhiệm vụ tìm kiếm những khu vực làm địa điểm thả dù tiếp tế, hoặc những khu vực an toàn cho những toán xâm nhập kế tiếp; tuyển mộ dân thiểu số cho công tác bảo đảm. Năm 1964, toán Remus báo cáo đã phá hủy 2 chiếc cầu. Bộ trưởng quốc phòng Mc. Namara rất hài lòng. Sau này ông trùm CIA W. Colby nhớ lại: “Lúc đó, ông Bộ trưởng phấn khích như trẻ con, khi nhận được bản báo cáo. Ông ta coi đó như một thành quả to lớn, có thể làm thay đổi cục diện chiến tranh”.

Do được SOG coi như thành công, toán Remus được tăng cường thêm 5 lần. Năm 1966, Remus được lệnh thay đổi nhiệm vụ, toán bắt đầu than phiền rằng không nhận được lệnh đầy đủ, rõ ràng. Năm 1967, SOG ra lệnh cho toán rút 2 biệt kích quân về. Remus trả lời là điều đó rất nguy hiểm.

Xuân Lộc, 14/4/1975

Năm 1968, mọi liên lạc bằng vô tuyến với toán Remus đều chấm dứt. Cùng thời gian đó, do thẩm vấn một tù binh Bắc Việt bị bắt, anh ta cho biết là có nghe nói đến vụ bắt được một toán biệt kích trên địa bàn mà toán Remus từng hoạt động hồi ... tháng 6/1962.

Ngày 13/5/1968, Hà Nội xác định có bắt được một toán biệt kích. Như vậy không còn nghi ngờ gì nữa, đó là toán Remus.
Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #69 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2011, 11:10:08 pm »

Ares là điệp viên duy nhất do CIA thả xuống Bắc Việt còn sống sót. Trong các bản báo cáo của mình, nhân viên CIA mô tả gặp Ares - Phạm Chuyên trong văn phòng định cư tại Sài Gòn ngày 29/8/1960. Qua thẩm định, CIA cho rằng Ares là người có khả năng, linh động và muốn chống lại chính quyền Bắc Việt. Sau đó anh ta được CIA tuyển mộ và được phái ra xâm nhập miền Bắc bằng đường biển vào đầu năm 1961, gần biên giới Việt – Trung. Lúc đầu Ares rất thành công, cung cấp những tin tức về miền Bắc, về nhà máy điện Uông Bí cũng như hệ thống đường sá, cầu cống, cảng Hải Phòng...cùng nhiều tin tức khác.

Tuy nhiên, đến năm 1966, SOG bắt đầu để ý đến những báo cáo cũng như yêu cầu tiếp tế của điệp viên Ares. Khi được lệnh tìm một địa điểm để thả dù tiếp tế, Ares đề nghị một phương thức khác. Điều này khiến cho SOG nghi ngờ. Khi được lệnh rút quân, anh ta không trả lời. Nhưng Ares vẫn tiếp tục liên lạc cho đến năm 1968.

Toán Eagle xâm nhập khu vực biên giới Việt – Trung ngày 27/6/1964, với nhiệm vụ phá hoại hai tuyến quốc lộ số 1, số 4 và phá hoại tuyến xe lửa Mục Nam Quan; căn cứ không quân Mai Phả. Tuy nhiên, chẳng có thông tin nào ghi nhận việc thi hành nhiệm vụ của toán Eagle. Chưa kể toán còn được giao nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo về những mục tiêu trên. Theo tổng hợp của SOG, thì những báo cáo của toán Eagle gửi về hầu như không có giá trị.


Năm 1966, toán Eagle nhận nhiệm vụ chỉ do thám đường giao thông. Nhưng kết quả báo cáo về cũng chỉ là con số 0. Năm 1968, toán được lệnh di chuyển về hướng nam để rút quân. Eagle báo cáo không tìm ra vị trí để thu quân, sau đó mất liên lạc hoàn toàn.

Toán Hadley cũng xâm nhập vào khu vực phía bắc khu phi quân sự, do thám con đường số 8, nối thông các tuyến đường số 15 với các tuyến đường 81, 12 và 121 của Lào. Đó là những trục đường giao thông được Quân đội Bắc Việt dùng để chuyển quân cũng như đồ tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Ngoài ra, Hadley còn phải đề ý theo dõi tuyến giao thông đường thủy sông Ngàn Phố, con sông này cũng chính là nguồn cung cấp nước chính yếu cho khu vực phía bắc khu phi quân sự. Thế nhưng Hadley đã bị phát giác ngay từ lúc đầu khi xâm nhập. Toán trưởng ngay lập tức báo cáo cho SOG rằng họ đã xâm nhập thành công, nhưng chẳng có gì chứng minh rằng Hadley hoạt động hữu hiệu cũng như không báo cáo được về những mục tiêu để chỉ điểm cho máy bay đến oanh tạc.

Toán biệt kích cuối cùng được thả vào ngày 21/9/1967. Đó là toán Red Dragon, gồm 7 biệt kích quân, với nhiệm vụ xâm nhập khu vực phía bắc hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Hai tỉnh địa đầu của lưu vực sông Hồng, dọc theo biên giới Việt – Trung. Ở đó, những trục lộ giao thông đường bộ, đường xe lửa, đường thủy đều đi qua hai tỉnh này. Đó cũng chính là những mục tiêu mà toán Red Dragon có nhiệm vụ do thám và phá hoại.

Theo các dữ liệu trong các bản báo cáo về tất cả những gì liên quan đến toán Red Dragon, cho thấy có những bất đồng khá sâu sắc giữa hai trung tâm chỉ huy lực lượng biệt kích Mỹ và Việt Nam. Người Mỹ tin là toán đã nằm trong tay đối phương và bị khống chế, buộc phải gửi đi những bản báo cáo sai sự thật về cho SOG. Các sĩ quan quân đội Sài Gòn thì ngược lại, cho rằng toán biệt kích Red Dragon vẫn còn hoạt động, vì toán vẫn tiếp tục liên lạc từ năm 1968, cho đến 1969 mới chấm dứt.

Trong bài diễn văn được phát trên các kênh truyền hình Mỹ ngày 31/3/1968, Tổng thống Johnson tuyên bố sẽ không ra tái tranh cử và ra lệnh chấm dứt việc ném bom ngoài vĩ tuyến 20 trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam. Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông tư cho SOG biết, không được điều máy bay xâm nhập ngoài vĩ tuyến 20. Thông tư trên gần như hợp thức hóa việc SOG bỏ rơi 6 toán biệt kích đã nhảy dù xâm nhập lãnh thổ miền Bắc trước đây.

Hà Nội đã bắt được vài toán biệt kích và khống chế những biệt kích quân này gửi đi những báo cáo sai sự thật về cho SOG. Trên tấm bản đồ miền Bắc Việt Nam treo trong Phòng hành quân, có ghim 8 cây kim màu xanh, đánh dấu vị trí hoạt động của 8 toán biệt kích. Trên hướng Tây Bắc, gần biên giới Việt – Trung, có 4 toán biệt kích là Remus, Easy, Tourbillon và Red Dragon. Hướng Đông Bắc, ngay sát biên giới là toán Eagle; gần bờ biển có điệp viên bí ẩn Ares. Khu vực miền Trung khu 4 (Thanh Hóa, Nghệ An) có toán Hadley và Romeo.

Hoạt động các toán năm 1961
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM