Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:00:54 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến bí mật - Hồ sơ Lực lượng đặc biệt Quân đội VNCH  (Đọc 385072 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #30 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2011, 10:03:28 pm »

Ngày 14/11/1963, một chiếc máy bay C123 bay ra không phận miền Bắc, thả toán biệt kích tăng cường cho toán Bell, đang nằm vùng tại địa bàn tỉnh Yên Bái, thành công. Trong lúc đó phi hành đoàn Cò Trắng của Nam Việt Nam chuẩn bị phi vụ đặc biệt, thả biệt kích xuống phá cầu Cấm ở phía bắc thánh phố Vinh. Cây cầu quan trọng này dùng cho cả tuyến đường sắt và đường bộ, nếu bị đánh sập sẽ cản trở việc lưu thông, tiếp tế cho chiến trường miền Nam của Bắc Việt. Theo kế hoạch, sau khi phá sập cầu, toán biệt kích sẽ dùng thuyền bơi ra biển, nơi có lực lượng biệt kích biển đợi sẵn để đưa vể miền Nam Việt Nam.

Phi vụ này phức tạp hơn hẳn những phi vụ trước. SOG tổ chức toán biệt kích Centaur gồm 33 người, gấp 3 lần những toán trước đây. Chương trình huấn luyện cho Centaur bắt đầu từ ngày 26/7/1963. Ba tháng sau, SOG điều chỉnh lại mục tiêu, thay vì tấn công cầu Cấm sẽ chuyển sang dàn radar bên bờ biển. Theo kế hoạch, tàu Nasty chở những biệt kích người nhái ra vịnh Bắc Bộ, họ sẽ dùng xuồng cao su bơi vào bờ thám thính. Sau đó chỉ điểm cho chiếc máy bay C123 chở toán biệt kích Centaur nhảy dù xuống tấn công đài radar. Xong nhiệm vụ tất cả sẽ rút lui bằng thuyền ra tàu Nasty. Ngày N được ấn định là ngày 22/12, đúng ngày thành lập của QĐND Việt Nam.

Để chuẩn bị cho cuộc tập kích, ngày 10/12/1963, hai chiếc tàu Nasty chở những biệt kích biển ra đậu ngoài khơi vịnh Bắc Bộ. Rồi toán biệt kích biển lại chèo thuyền vào bờ, đợi ra hiệu chỉ điểm cho chiếc C123, chở toán biệt kích Centaur, đang đến theo kế hoạch. Tại sân bay Đà Nẵng, toán biệt kích Centaur gồm 28 người đã lên chiếc C123, do phi công Hồ Văn Kiệt lái. Không hiểu sao, chiếc máy bay C123 mới cất cánh cách sân bay khoảng 10km, do bị khuất tầm nhìn vì mây che phủ, đã đâm vào vách núi, không một ai còn sống sót. Phi hành đoàn Cò Trắng quả là trắng thật. Cả một phi hành đoàn bị xóa sổ.

Không phải chỉ riêng những toán biệt kích nhảy dù xuống không phận Bắc Việt thất bại, mà cả những trận tập kích trên biển do người nhái thực hiện cũng làm cho SOG mất mặt. Từ tháng 6/1962 đến tháng 1/1964, biệt kích biển đã tổ chức 4 trận tập kích, nhưng duy nhất chỉ có 1 trận không bị tổn thất.

Trưa ngày 15/2/1964, bốn người nhái trong toán Neptune kiểm tra lại hành trang và lên chiếc Swift. Chiếc tàu lại hướng ra vịnh Bắc Bộ. Họ chạy cách xa bờ biển để tránh bị radar phát hiện. Vào lúc 23h, thuyền trưởng người Na Uy cho tàu chạy vào gần bờ. Toán người nhái âm thầm xâm nhập trong màn đêm. Một người trong toán là Vũ Đức Gương, vốn là giáo dân, di cư vào Nam năm 1954. Gương là một trong những người nhái đầu tiên do CIA huấn luyện. Anh ta cũng có mặt trong phi vụ 22/12/1963, từng chứng kiến cảnh chiếc Swift bị tàu Swatow Bắc Việt bắn chìm.

Toán người nhái cùng ba thủy thủ đoàn sẽ dùng xuồng cao su bơi vào bờ. Nhiệm vụ của họ giống toán Vulcan trước đây. Xuồng bơi đến cửa sông Gianh, toán người nhái bơi vào đặt mìn phá hoại, rồi bơi trở về xuồng. Sau đó chạy ra chiếc Swift tẩu thoát về miền Nam. Một thủy thủ trực máy liên lạc với chiếc Swift đậu ngoài khơi đề phòng chuyện bất trắc xảy ra. Kế hoạch sắp đặt sẵn đâu vào đó, nhưng chuyện không may lại xảy ra. Bỗng nhiên gió thổi mạnh, tạo nên những con sóng xô đẩy chiếc xuồng cao su. Khi toán người nhái đang xuống nước, một ngọn sóng lật úp chiếc xuồng, thế là máy móc, đồ đạc, trang bị rớt xuống biển hết, trong đó có cả mìn để gắn vào mấy chiếc Swatow.

Khi toán cảm tử quân lật được chiếc xuồng trở lại, động cơ và máy truyền tin bị ngấm nước không hoạt động được nữa, lại không thể gọi chiế Swift vào cứu, họ chèo xuồng bằng tay trong đêm tối, cố tìm đường trở lại chiếc Swift. Đến gần sáng, chiếc Swift đợi quá lâu nên chạy vào tìm, may gặp được chiếc xuồng cao su bèn lôi tất tả lên tàu, cứu được toán người nhái cùng 3 thủy thủ đoàn.

Hai chiếc PTF tại căn cứ Hải quân Đà Nẵng. Phía sau là BTL Hải quân vùng 1 Duyên hải.
Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #31 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2011, 10:14:50 pm »

Ban Cố vấn Hải quân của SOG, đóng tại Đà Nẵng, phải đợi đến đêm không trăng tháng sau mới tổ chức lại phi vụ khác. Chiều 11/3/1964, toán biệt kích Neptune trở lại cửa sông Gianh trên chiếc Swift. Toán trưởng là Nguyễn Văn Nhu, toán phó là Vũ Đức Gương, hai người nhái khác là Phạm Văn Lý, Vũ Văn Giỏi. Phi vụ thực thi có vẻ đúng theo kịch bản: chiếc Swift đậu ngoài khơi, xuồng cao su đưa 4 người nhái đến cửa sông Gianh, rồi đợi họ quay trở lại.

Mặc quần áo lặn, đi chân vịt, toán người nhái chia làm 2 tổ, bơi vào bờ. Hai tổ sẽ gặp nhau tại bến đậu của những chiếc Swatow. Vào đến nơi, Gương và Lý ngoi đầu lên quan sát, không thấy chiếc Swatow nào hết, cũng không thây 2 người trong tổ kia là Nhu và Giỏi đâu. Theo kế hoạch được quán triệt trước lúc lên đường, Gương và Lý bơi đến bến đậu thứ hai, họ phải bơi ngược dòng. Gương để ý thấy bình dưỡng khí sẽ không đủ ôxy để bơi trở lại xuồng cao su nên đã ra hiệu cho Lý lội lên bờ, cả hai tháo bình dưỡng khí, chân vịt ra giấu vào bãi sậy để dễ hành động. Bỗng dưng, có tiếng hô to: “Đứng lại!”. Tiếp theo là ánh đèn pin loang loáng soi khắp nơi, rồi tiếng súng nổ vang. Cả hai liền quay trở lại nơi giấu đồ nhái, nhưng không còn kịp nữa.

Trên chiếc xuồng cao su, mấy thủy thủ ngồi chờ cho đến lúc rạng đông. Không còn cách nào hơn, họ phải quay trở lại chiếc Swift, thiếu mất bốn người nhái.

Tin tổn thất về đến Đà Nẵng. Lần này toán cố vấn Hải Quân phác họa chương trình đánh phá mấy cây cầu dọc theo bờ biển miền Bắc. Toán biệt kích biển được chọn ra từ toán biệt kích Cancer toàn người dần tộc H’mông. Họ ngồi trên xuồng cao su bên hông chiếc Swift hướng về huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh. Khi chiếc xuồng cao su vào đến gần bờ, hai người ở lại ngoài biển. Vòng A Cầu, Châu Hềnh Xương bước lên trên cát. Một toán tuần tiễu đi ngang qua. Xương chiếu đèn hiệu ra chỗ xuồng cao su báo nguy, sau đó cùng với Cầu chạy lủi vào một bụi rậm, hy vọng sau khi toán tuần tiễu đi qua, họ sẽ cho xuồng vào đón.

Điều đó không diễn ra như dự đoán. Toán tuần tiễu Bắc Việt trông thấy dấu chân in trên cát và tức khắc mở cuộc săn đuổi. Thấy bị động, chiếc xuồng cao su chạy thẳng ra chiếc Swift và quay trở lại Đà Nẵng, thiếu hai người nhái là Vòng A Cầu và Châu Hềnh Xương.

Hai hôm sau, Ban Cố vấn Hải quân (NAD) tổ chức một phi vụ khác, dự định phá cầu ở tỉnh Quảng Bình. Theo kế hoạch cũ, 9 người bơi xuồng cao su vào gần bờ, thả toán người nhái, hai người trong nhóm đi nhầm vào đám ngư dân đánh cá đêm. Thêm lần nữa chiếc Swift trở lại Đà Nẵng, thiếu mất hai người nhái.

Ngày 1/4/1964, lực lượng Phòng vệ Duyên hải được chính thức thành lập tại Đà Nẵng, đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Ngô Thế Linh. Đơn vị mới này tuyển mộ, huấn luyện thêm nhiều toán biệt kích có quân số lên đến 30 người. Không như CIA, SOG có thể tuyển quân từ Quân đội Sài Gòn. Toán Romulus gồm những quân nhân từ binh chủng Thủy quân Lục chiến. Toán Nimbus tuyển từ Biệt động quân và lính dù. Hai toán khác từ Hải quân; toán Vega lấy từ đơn vị tàu biển; toán Athena tuyển từ các hạm tàu.

Toán Nimbus đang lên chiếc C 123 cho một phi vụ xâm nhập
Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #32 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2011, 10:30:00 pm »

Tấn công lên bờ khó thành công, Ban Cố vấn dự thảo chương trình khác mang mật danh Loki, bắt cóc ngư dân miền Bắc đem đến cù lao Chàm ngoài khơi Đà Nẵng cho Mặt trận Gươm thiêng ái quốc tuyên truyền.

Một ngư dân bị biệt kích bắt mang về giam tại cù lao Chàm theo chương trình Loki

SOG hy vọng sau khi nhận tàu Nasty, những trận tập kích phá hoại trên đất liền Bắc Việt có cơ hội thành công hơn. Theo đó, SOG lên kế hoạch sử dụng 26 biệt kích biển bố trí trên 3 chiếc xuồng cao su, sẽ tràn lên bờ bắn phá trong vòng 10 phút rồi rút nhanh. Chuyến kế tiếp SOG soạn thảo kế hoạch đánh phá cầu trên quốc lộ 1 thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa, xa hơn là những mục tiêu thực hiện trước đây, để Bắc Việt khó phán đoán địa điểm tập kích.

Đêm 26/6/1964, SOG cho triển khai vụ tập kích: 7 quân nhân làm nhiệm vụ phá cầu; 22 người khác làm lực lượng bảo vệ, cảnh giới. Trận này họ đã giết được hai người gác cầu và bốn người khác trong lực lượng tuần tra biển. Thanh toán xong mục tiêu, tất cả rút ra xuồng cao su và chạy về chiếc Nasty đang đợi.

Sau vụ tập kích thành công, tưởng dễ ăn, Ban Cố vấn tổ chức tấn công quy mô hơn. Họ sử dụng hai chiếc Nasty, một chiếc chở biệt kích, chiếc thứ hai hộ tống. Mục tiêu trận tập kích này là trạm bơm ở phía bắc Đồng Hới, Quảng Bình. Đêm 30/6/1964, hai chiếc Nasty xâm nhập hải phận Đồng Hới. Trong lúc 2 chiếc PTF-5 và PTF-6 đợi ngoài khơi, 30 biệt kích biển xuống xuồng cao su ập vào bờ, tập kích những mục tiêu đã định.

Bị tổn thất hai vụ trong vòng hai tuần, lần này Bắc Việt đã có kế hoạch “đón khách”. Khi toán biệt kích biển lên đến bờ, họ được chào đón bằng đủ các loại súng. Thấy vậy, chiếc PTF-5 ngoài khơi phải tăng tốc chạy vào bắn yểm trợ cho toán biệt kích rút lui, nhưng vẫn bị kẹt lại hai người. Ngày 15/7, biệt kích tiếp tục tập kích vào cửa sông Ron, để lại thêm hai người nữa. Chứng tỏ Bắc Việt đã mạnh tay hơn trong việc tiêu diệt các toán biệt kích quân Sài Gòn.

Cùng thời điểm trên, Phái đoàn Viện trợ Quân sự Mỹ (MACV) nhận được tin tình báo có 10 chiếc Swatow trên đường vào Đồng Hới, 4 chiếc khác đã đến sông Gianh để đón lõng bất kỳ toán biệt kích nào xâm nhập hải phận Bắc Việt.

Ngày 20/1/1965, dưới ánh trăng vằng vặc, một chiếc máy bay C123 màu xám không phù hiệu cắt ngang không phận phía tây tỉnh Lai Châu, bay vòng trên bầu trời về hướng bắc lòng chảo Điện Biên Phủ. Phi hành đoàn Đài Loan trông thấy lửa đốt sáng trong khu rừng ở dưới đất đúng theo hình dáng đã quy ước. Toán biệt kích 4 người nhảy ra khỏi phi cơ, chiếc C123 bay qua Lào rồi hướng về Nam Việt Nam.

Trở về sau chuyến xâm nhập
Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #33 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2011, 10:45:35 pm »

Những biệt kích quân vừa nhảy dù xuống vùng Lai Châu thuộc toán đầu tiên của SOG xâm nhập không phận Bắc Việt trong năm 1965, lẽ ra sẽ tăng cường cho toán Remus đã nằm vùng trước đó trong tháng 4/1962, nhưng do tình hình thay đổi, Remus nhận lệnh đổi sang thực thi những phi vụ phá hoại. Thế nhưng trước đây Remus chỉ được huấn luyện thu thập tin tức tình báo, cộng với không có phương tiện để phá hoại nên ngày 10/8/1963, SOG tăng cường thêm cho Remus hai “sư phụ”. Cả hai “sư phụ” đều là người Tày nên dễ làm việc với Remus và phù hợp với đặc điểm của toán biệt kích. Ba tháng sau, toán Remus báo cáo đã rải mìn trên trục đường chính về hướng Tây Trang, tây nam Điện Biên Phủ, chạy sang Lào.

Sau khi CIA bàn giao các toán biệt kích cho SOG trong tháng 1/1964, thì hoạt động phá hoại là nỗ lực chính của lực lượng biệt kích Sài Gòn trong kế hoạch 34A. Ngày 23/4, SOG thả thêm ba biệt kích người Mường xuống tăng cường cho Remus. Trong tháng 8, Remus báo cáo phá sập thêm 2 cầu nữa ở phía bắc thung lũng Điên Biên Phủ. SOG hứng khởi, thả thêm 4 biệt kích người Mường nữa cho Remus.



Buôn Ea Yang 3/1966. Gia đình người vợ trẻ nhận xác chồng, vốn là một biệt kích người Thượng

Trong tháng 1/1965, SOG dự kiến thả thêm 9 biệt kích quân Việt Nam xuống tăng cường cho Remus. Nhóm này mang theo hỏa tiễn 4.5 inch loại nhỏ, mới chế tạo đem vào chiến trường Việt Nam kiểm nghiệm. Toán Remus được lệnh dùng loại vũ khí mới này bắn phá sân bay Mường Thanh, Điện Biên Phủ. Đây là sân bay được không quân Bắc Việt sử dụng như một căn cứ tiền phương. Ngày 20/1/1965, bốn biệt kích quân Việt Nam nhảy dù xuống nhập vào toán Remus, năm biệt kích quân khác cáo bệnh để khỏi tham dự phi vụ trên. Công điện báo cáo của Remus cho biết, một biệt kích quân bị gãy chân lúc đáp đất, một bị ngã vỡ sọ chết.

Vài tháng sau, SOG đổi chủ. Người đứng đầu SOG từng được xem như là một trong những huyền thoại của Lực lượng đặc biệt Mỹ, đó là Đại tá Donald D. Blackburn. Năm 1965, không quân Mỹ bắt đầu đánh phá Bắc Việt, với chiến dịch “Rolling Thunder”. Quân Mỹ yêu cầu SOG đánh phá đường mòn Hồ Chí Minh nhằm ngăn chặn đường tiếp tế, chuyển quân của Bắc Việt vào chiến trường miền Nam. Để chỉ điểm cho các trận oanh kích, MACV ra lệnh cho SOG tổ chức những toán biệt kích quân Việt Nam do lực lượng biệt kích Mũ Nồi Xanh của Mỹ làm toán trưởng, sẽ xâm nhập, do thám hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh.

Theo đó, những tháng cuối năm 1965, SOG tuyển thêm quân Mũ Nồi Xanh, cùng huấn luyện họ chung với biệt kích quân Việt Nam tại căn cứ Long Thành. Những cuộc hành quân do thám đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Lào có tên là “Shining Brass”.
Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #34 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2011, 11:06:33 pm »

SOG tiếp tục tuyển mộ thêm lính tình nguyện trong Quân đội Sài Gòn, như toán Romeo gồm 5 quân nhân lấy từ Sư đoàn bộ binh 2 và năm thành viên là dân sự. Toán Romeo có 10 người, từng được huấn luyện hơn một năm, có nhiệm vụ do thám đường 103, chạy dọc theo khu phi quân sự, rồi nhập vào hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh.
Trong lúc toán Romeo làm công tác chuẩn bị, SOG tìm phương tiện khác để thả toán biệt kich. Những phi công Đài Loan lái loại máy bay C123 chưa phải là “hạng nhất”, mặt khác nếu nhờ trực thăng Air America sẽ mang tiếng. Hơn nữa, SOG là lực lượng thuần túy quân sự chứ không phải CIA. Cuối cùng, SOG quyết định sử dụng loại máy bay trực thăng H34 của Phi đoàn 219 (King Bee) của Quân đội Sài Gòn. Vả lại, những phi công của Phi đoàn 219 có nhiều kinh nghiệm thả biệt kích và rất liều mạng, khiến người Mỹ cũng phải thán phục.
Thế là 4 chiếc H34 không phù hiệu được biệt phái ra Nha Trang trong tháng 10/1965. Thực thi những phi vụ bay cho cuộc hành quân “Shining Brass”, phi công Việt Nam đều muốn chứng tỏ khả năng của mình. Trong các phi vụ thả, thu hồi những toán biệt kích Việt – Mỹ, phi công Việt Nam được người Mỹ xem là “loại siêu”. Cũng vì vậy SOG quyết định sử dụng loại trực thăng H34 chở toán Romeo xâm nhập không phận Bắc Việt.


Một toán Lôi Hổ trên trực thăng H34 trên đường xâm nhập miền Bắc Việt Nam

Sáng 19/11, theo kế hoạch 34A, 10 biệt kích quân được đưa tới Khe Sanh. Thời điểm đó nơi này chưa nổi tiếng, mới chỉ là một căn cứ của đơn vị biệt kích nhỏ, cách biên giới Việt – Lào 6 km; cách khu phi quân sự 40 km. Ba giờ chiều, toán Romeo lên 3 chiếc trực thăng H34, xuất phát từ Khe Sanh. Chiếc trực thăng đầu có 3 biệt kích quân, sĩ quan SOG, 2 xạ thủ đại liên và 1 phi công phụ người Mỹ. Cơ trưởng là Đại úy Nguyễn Phi Hùng, có biệt danh là “Moustachio”. Số biệt kích còn lại chia đều trên 2 chiếc H34 khác.

Đại Úy Phi Hùng dẫn đầu phi đội trực thăng bay về hướng bắc, khuất dần trong mây. Băng qua khu phi quân sự, đến mục tiêu, phi đội đáp thẳng xuống bãi đáp, thả toán biệt kích Romeo xuống, rồi bốc lên cao bay về phía nam. Chuyến thả biệt kích thành công.

Đến đầu năm 1966, SOG tin rằng mình có tới 9 toán biệt kích nằm vùng trên lãnh thổ Bắc Việt, với tổng quân số là 78 người. Hai toán mới nhất thả tháng 12/1965, tăng cường cho toán Romeo. Toán Kern gồm 9 biệt kích quân nhảy dù xuống gần đèo Mụ Giạ vào tháng 3/1966 đã liên lạc sau khi xâm nhập. Hai toán này có nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo theo lệnh của Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở Thái Bình Dương (CINPAC). Ông ta đinh ninh rằng Hà Nội đang cho sửa chữa gấp những con đường dùng để chuyển quân, chi viện vật chất cho chiến trường miền Nam. Do đó, buộc các toán biệt kích quân phải đếm số xe vận tải Molotova lưu thông trên đường mòn Hồ Chí Minh. SOG nhìn nhận rằng những mệnh lệnh của ông Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở Thái Bình Dương gửi xuống cho các toán biệt kích đôi khi rất mơ hồ, không rõ ràng.

William Westmoreland tại Bến Súc ngày 14/1/1967
Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #35 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2011, 11:17:42 pm »

SOG cũng đã nhận thêm loại máy truyền tin mới Delco 5300 thay cho loại máy cũ cồng kềnh RS-1 phải quay tay. Máy Delco 5300 cũng có thể truyền tín hiệu Morse. Vào thời điểm này, Hà Nội tiếp tục gia tăng hệ thống phòng không, khiến cho các phi công Đài Loan “lạnh gáy” trong những lần bay thả đồ tiếp tế. Lúc đó có hai toán cần được tiếp tế. Một là điệp viên Ares xâm nhập khu vực tỉnh Quảng Ninh năm 1961. Hai là toán Eagle, gồm 6 người nhảy dù xuống phía tây tỉnh Quảng Ninh vào tháng 6/1964. Hai toán này nằm gần thành phố Hải Phòng, nơi có hỏa lực phòng không rất mạnh. Tháng 2/1965, SOG đưa ra kế hoạch thả dù tiếp tế cho toán Eagle, rồi Eagle sẽ chia cho Ares, gộp thành 1 chuyến cho cả hai toán. Kế hoạch bị đình trệ nhiều lần do hệ thống phòng không ở Hải Phòng này có thêm cả tên lửa SAM của Nga. Nghe nói đến tên lửa SAM, những phi công Đài Loan xanh mặt, từ chối bay.

Thế nhưng việc tiếp tế cho hai toán biệt kích vẫn phải thực thi. Để tránh hỏa lực phòng không Bắc Việt, SOG tìm giải pháp khác, dùng loại máy bay có tốc độ nhanh hơn. Lúc này những phi công Việt Nam xem ra được để ý tới. Trong ba phi hành đoàn được huấn luyện bay với cao độ thấp ở Florida năm 1964, có một toán tử nạn trong lúc huấn luyện, một toán bỏ cuộc. Toán thứ ba sau này bị loại vì bay tiếp tế nhiều lần không thành công.

Để lấy lại uy tín, tướng Kỳ đích thân bay chuyến đầu tiên thả biệt kích, cũng là người đầu tiên bay phi vụ oanh kích trong tháng 2/1965, rồi cho phép sử dụng đơn vị nổi tiếng nhất của ông ta là Phi đoàn chiến thuật 83, có biệt danh Thần Phong, chuyên sử dụng loại máy bay Skyraider A-1G, không mang phù hiệu. Phi đoàn này tập hợp những phi công “thượng hạng” của không quân Quân đội Sài Gòn. Tháng 4/1966, một đơn vị A–1G vượt vĩ tuyến 17, bay thẳng đến những ngọn đồi gần đường 103. Khi nhận được tín hiệu của toán Romeo trên mặt đất, viên phi công thả hai quả bom Napalm, bên trong chứa đồ tiếp liệu cho toán biệt kích, theo kế hoạch 34A, gồm quần áo, lương thực, đạn dược.

Tiếp theo đến phiên không quân Mỹ tiếp tay. Phi đoàn chiến đấu 366 đóng tại phi trường Đà Nẵng sử dụng máy bay phản lực F4 Phantom thả tiếp tế cho toán Eagle ở phía tây tỉnh Quảng Ninh. Để tránh tổn thất, người Mỹ đã chuẩn bị kỹ hơn, một phi tuần F4 tấn công vào một mục tiêu gần đó, rồi hai chiếc F4 tách ra, bay về hướng khác. Họ bay cách mặt đất chừng 16 m, khi trông thấy tín hiệu của toán biệt kích Eagle, hai phi công thả những trái bom Napalm chứa đồ tiếp tế. Toán biệt kích Eagle báo cáo đã nhận đầy đủ đồ tiếp tế.

Skyraider trong một phi vụ
Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #36 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2011, 11:33:30 pm »

Tiếp theo đến phiên không quân Mỹ tiếp tay. Phi đoàn chiến đấu 366 đóng tại phi trường Đà Nẵng sử dụng máy bay phản lực F4 Phantom thả tiếp tế cho toán Eagle ở phía tây tỉnh Quảng Ninh. Để tránh tổn thất, người Mỹ đã chuẩn bị kỹ hơn, một phi tuần F4 tấn công vào một mục tiêu gần đó, rồi hai chiếc F4 tách ra, bay về hướng khác. Họ bay cách mặt đất chừng 16 m, khi trông thấy tín hiệu của toán biệt kích Eagle, hai phi công thả những trái bom Napalm chứa đồ tiếp tế. Toán biệt kích Eagle báo cáo đã nhận đầy đủ đồ tiếp tế.

Công bằng mà nói, nhờ những trận oanh kích ở Bắc Việt nên SOG được trang bị loại máy bay C130 để phục vụ cho những hoạt động bí mật. Trường hợp có máy bay nào bị bắn rơi trên lãnh thổ Bắc Việt, Mỹ sẽ nhận là của không quân Mỹ. Phi hành đoàn C130 sẽ được huấn luyện đặc biệt trong căn cứ không quân Pope, thuộc tiểu bang North Carolina. Mùa hè 1966, SOG nhận thêm 4 chiếc máy bay loại MC130, được gắn thêm “râu” trước mũi để bốc các toán biệt kích theo kiểu điệp viên James Bond 007 (Fulton Skyhook extraction system).

Tháng 10/1966, bốn chiếc MC130 đã đến Nha Trang, dưới danh nghĩa Phi đoàn Vận tải số 314, nhưng họ chỉ nhận lệnh từ SOG. Sau những lần bay thực tập, họ nhận lệnh xâm nhập không phận Bắc Việt thả truyền đơn và sẵn sàng thực thi những phi vụ đặc biệt. Đêm Noel, họ làm cú đầu tiên, thả 2 biệt kích dù xuống tăng cường cho toán Tourbillon. Cơ trưởng Leon Franklin kể lại: “ Chúng tôi cất cánh từ Nha Trang, bay dọc theo biển, ngang qua Đà Nẵng rồi vào đất liền. Phi hành đoàn gồm hai phi công, một cơ khí viên, hai sĩ quan hoa tiêu và một phi công đồ bản”. Khi chiếc máy bay đến mục tiêu, cơ trưởng Franklin để ý tìm tín hiệu nhưng không thấy gì hết. Họ bay vòng trở lại, lần này thấy lửa đốt lên theo hình chữ L. Đúng mật hiệu, hai biệt kích quân nhảy ra, chiếc phi cơ vòng lại bay về phương Nam.

SOG vẫn tiếp tục tìm kiếm thêm nhiều loại phương tiện để tăng khả năng hoạt động xâm nhập, phá hoại. Những phi công Việt Nam lái loại trực thăng H34 rất có khả năng và đã thành công trong việc thả toán Romeo trước đây. Tuy nhiên, SOG lại thích loại trực thăng CH3 của không quân Mỹ hơn. Loại máy bay này mới xuất hiện trên chiến trường miền Nam Việt Nam, có khả năng bay nhanh hơn, trọng tải lớn hơn so với trực thăng H34.

Trực thăng H34
Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #37 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2011, 11:41:01 pm »

Trong tháng 10/1965, tám chiếc CH3 đã đến Nha Trang trong đội hình Phi đoàn trực thăng 20. Tháng 4/1966, sáu chiếc máy bay mang biệt danh Pony Express được chuyển đến căn cứ không quân Nakhon Phanom của Thái Lan.


Toán biệt kích đầu tiên xâm nhập bằng loại trực thăng CH3 là toán Hector. Toán Hector được chia làm hai toán nhỏ. Hector-A sẽ xâm nhập Bắc Việt Nam, lập mật cứ do thám đường. Toán Hector-B sẽ xuống sau, có nhiệm vụ móc nối với các cơ sở trà trộn trong dân địa phương.

Ngày 22/6/1966, 15 biệt kích quân trong toán Hector-A lên đường đến phi trường Nakhom Phanom. Nhiệm vụ của họ là thăm dò đường số 137 chạy sát biên giới Việt-Lào. Đây là tuyến giao thông khá lớn, chạy ngang qua đèo Ban Karai, rồi nhập vào đường mòn Hồ Chí Minh. Toán Hector gồm toàn quân nhân Việt Nam tuyển từ các đơn vị trong Quân lực VNCH. Toán trưởng là Đại úy Nguyễn Hữu Luyện, người có cấp bậc cao nhất trong các toán biệt kích xâm nhập Bắc Việt Nam.

Hector-A không phải đợi lâu ở phi trường Nakhon Phanom của Thái Lan. Từ đây, họ lên hai chiếc CH3 đang đợi sẵn. Hai chiếc trực thăng Pony Express bay xuyên qua đất Lào, xâm nhập không phận tỉnh Quảng Bình. Khi mặt trời sắp lặn, họ đến bãi đáp, các biệt kích quân đẩy chiếc thùng đựng đồ của họ xuống trước, rồi nhảy theo. Ít lâu sau, toán Hector báo cáo đã đến vị trí an toàn. Toán Hector-B tiếp tục sang Thái Lan ngày 23/9/1966. Tương tự như toán Hector-A, họ đáp xuống bãi thả. Những biệt kích quân trong toán Hector-B biến mất vào rừng, để sau đó nhập lại với toán Hector-A.

Tại Sài Gòn, SOG đợi điện báo cáo của Hector-B đã nhiều ngày, nhưng không thấy họ lên tiếng. Khi SOG chất vấn Hector-A, được trả lời rằng họ không tìm thấy 11 biệt kích quân cúa toán Hector_B. Không màng tới chuyện Hector-B bị mất tích, SOG chuẩn bị thả toán biệt kích kế tiếp. Đó là toán Samson, có 8 người, gồm đủ thành phần các dân tộc thiểu số. Họ sẽ được trực thăng CH3 đưa đến sát biên giới Việt – Lào, rồi xâm nhập bộ qua biên giới, đến đèo Tây Trang ở hướng nam Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ của toán Samson là do thám đường số 4, con đường tiếp vận cho các đơn vị Bắc Việt hoạt động vùng Bắc Lào.

Ngày 5/10, chiếc trực thăng CH3 chở toán biệt kích Samson cất cánh từ Nakhon Phanom, bay về hướng bắc, ghé lại một trạm CIA trên đất Lào để tiếp thêm nhiên liệu, rồi tiếp tục bay đến mục tiêu thả toán biệt kích. Toán Samson gửi tín hiệu về Sài Gòn ngay tức khắc, chứng tỏ họ thành công.

Phi trường Nakhon Phanom, Thái Lan
Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #38 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2011, 11:49:23 pm »

SOG đợi đúng 3 tháng sau rồi tiếp tục thả toán Hadley, gồm 11 biệt kích quân Việt Nam. Cũng như Samson, toán biệt kích sẽ được thả gần biên giới rồi xâm nhập bộ vào Bắc Việt. Toán Hadley có nhiệm vụ do thám đường số 8, con đường này đi qua đèo Nape, rồi chạy sang Lào. Ngoài ra, toán phải đặt máy thăm dò chấn động trên đường. Loại thiết bị này CIA đã thử bên Lào. Đây là thiết bị có thể phân biệt chấn động do người hoặc xe cộ di chuyển. Toán Hadley sẽ thu thập những dữ liệu về lưu lượng xe cộ lưu thông trên con đường này gửi về Sài Gòn.

Ngày 26/1/1967, toán Hadley được đưa đến phi trường Nakhon Phanom. Ngoài các thành viên của toán, còn có Đại úy Nguyễn Văn Vinh, với mật danh March. Hai chiếc CH3 bay ngang không phận tỉnh Khammouane, tiến đến gần biên giới Việt – Lào. Mặt trời lặn thật nhanh, chiếc CH3 dẫn đầu đáp xuống một bãi trống, đổ toán biệt kích quân Hadley xuống, rồi ngóc đầu lên, bay về hướng Nam.

Khi chiếc trực thăng lên cao, Nguyễn Văn Vinh nhìn ra cửa sổ máy bay, cảm giác như tim ngường đập vì bên kia đồi, nơi vừa thả toán biệt kích là con đường đất. Khi được thông qua kế hoạch hành quân, trong tấm ảnh không hề có con đường đất đó. Như vậy họ đã thả toán biệt kích xuống lầm bãi! Chiếc CH3 thứ hai bay theo cũng phát hiện ra sự cố đó, liền lập tức báo cáo. Trung tâm buộc chiếc trực thăng thả toán biệt kích phải quay trở lại. Nguyễn Văn Vinh cùng quân nhân chuyển vận Việt Nam chạy ra khỏi trực thăng vào bìa rừng kêu gọi toán biệt kích. Họ gọi tên từng người, nhưng không ai trả lời, tất cả đã biến mất hút vào rừng.

Trở lại Nakhon Phanom, Vinh ngồi bên cạnh thùng đồ ăn cho toán biệt kích để sẵn sàng tiếp tế. Đã 48h trôi qua, Hadley vẫn biệt tăm. Trở lại Đà Nẵng, Đại úy Vinh ngồi sau chiếc khu trục A-1 do phi công Việt Nam lái. Trong hai ngày kế tiếp, họ bay ba lần ngang qua điểm hẹn với toán Hadley, hy vọng thấy tấm panô báo nguy hoặc tín hiệu của toán biệt kích, song tất cả chỉ hoài công.

Buồng lái trực thăng A-1 nhìn ra vị trí của xạ thủ đại liên

Hai hôm sau, Nguyễn Văn Vinh nhận được điện thoại của Đại úy Calisto từ Sài Gòn gọi ra cho biết: CIA bắt được công điện của Bắc Việt báo cáo lên trên rằng đã phát hiện toán biệt kích gần đèo Nape. Như vậy Hadley đã nằm trong tay Bắc Việt. Điều này đúng không? 18 ngày sau, Hadley bỗng báo cáo về trung tâm là đã chạm trán với quân Bắc Việt và hiện vẫn còn lẩn trốn trong rừng. Bức điện đã gây tranh cãi dữ dội ở trung tâm Sài Gòn. Để biết rõ thực hư, SOG tổ chức toán Voi nhảy dù xuống điều tra. Bốn biệt kích trong toán được trang bị ống dòm cực mạnh và máy chụp ảnh xa. Họ được lệnh nằm lại, chụp ảnh bất cứ người nào lấy thùng tiếp liệu thả xuống cho toán biệt kích Hadley. Điều này sẽ chứng minh toán Hadley đã bị bắt hay chưa.
Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #39 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2011, 08:18:00 pm »

Ngày 18/10, Nguyễn Văn Vinh đi theo toán Voi trên chiếc MC130. Đến Hà Tĩnh, toán biệt kích Voi nhảy ra khỏi phi cơ. Đại úy Vinh (Marc) đã dặn toán Voi khi xuống tới đất phải báo cáo ngay. Nhưng rồi toán Voi cũng biến mất luôn, không một lời báo cáo.

Trong tháng 10/1966, hiệu thính viên toán Romeo gửi về một điện văn ngắn: “Romeo đã bị bắt". Tháng 12 cùng năm, Hà Nội thông báo vụ xử toán Kern, gồm 9 biệt kích quân nhảy dù xuống đèo Mụ Giạ. Toán này xâm nhập từ tháng 3, lần cuối cùng trên lạc là tháng 9/1966. Tháng 3/1967, Hà Nội thông báo tiếp về vụ toán Samson, toán này mất liên lạc từ ba tháng trước. Tháng 6 đến phiên toán Hector-A bị điểm tên trên đài phát thanh Hà Nội, họ bị khép vào tội gián điệp. Cuối cùng đến lượt toán Bell bị đem ra xét xử.

SOG lại tuyển thêm nhân sự, mặc dù kế hoạch 34A (xâm nhập Bắc Việt) không còn là nỗ lực chính nữa, song SOG có thêm nhiệm vụ mới. Đến tháng 1/1967, SOG có 207 nhân viên Mỹ. Riêng lượng nhân viên là người Việt Nam (có 470 người tại thời điểm năm 1964, thì đến đầu năm 1966 tăng lên hơn 1.700 người). Phần lớn những quân nhân này nằm trong đội hình cuộc hành quân Shining Brass (xâm nhập qua Lào). Shining Brass đã bước qua giai đoạn thứ hai, sử dụng trung đội xung kích Hatchet tấn công mục tiêu trên đất Lào, do các toán biệt kích tìm ra.

Một trong những nhiệm vụ mới mà Tư lệnh Thái Bình Dương giao cho SOG là tìm kiếm những quân nhân Mỹ bị mất tích (MIA). Đầu năm 1967, SOG hoạch định chương trình chuyên do thám hệ thống đường Bắc Việt sử dụng đế tiếp tế cho miền Nam, hoặc tìm những mục tiêu ngắn hạn, gọi tắt là Strata. Kế hoạch sẽ sử dụng những biệt kích quân Việt Nam xâm nhập vùng phía nam của Bắc Việt để thu thập tin tình báo và bốc toán biệt kích về khoảng bốn tuần sau đó. Kế hoạch này có vẻ giống như kế hoạch hành quân Shining Brass, nhưng đã đổi tên là Prairie Fire. Francois được chỉ định theo dõi kế hoạch Strata.

Toán Strata đầu tiên xâm nhập Lào là toán Strata 111. Toán xuất phát từ căn cứ hành quân tiền phương Khe Sanh được trực 1 thăng H34 King Bee (Phi đoàn 219) thuộc không quân của Quân đội Sài Gòn đưa đến mục tiêu. Vài giờ sau khi xâm nhập, toán biệt kích phát hiện Bắc Việt có mặt ở khắp nơi. Công điện thu được của Bắc Việt cho biết toán biệt kích nhảy dù đúng căn cứ của Sư đoàn 325 Bắc Việt

Toán biệt kích Strata đội nón cối, mặc quân phục, trang bị AK47 như lính Bắc Việt cho họ thêm yên tâm. Bị lộ, họ chạy xa mục tiêu khoảng năm cây số và yêu cầu được rút lui khẩn cấp. Cố gắng tránh đụng độ với quân Bắc Việt và tìm được bãi đất trống trải, toán biệt kích Strata được trực thăng H34 đến bốc, đưa về Đà Nẵng. Tháng 8/1967, toán Strata 112 tiếp tục xâm nhập Lào từ căn cứ tiền phương ở Đakto (Kontum). Nhiệm vụ của toán là do thám một nhánh trên đường mòn Hồ Chí Minh. Họ đáp xuống mục tiêu an toàn. Ngày hôm sau di chuyển dọc theo con đường, họ khám phá ra vài căn chòi. Sáng hôm sau nữa, Strata bị phát giác. Họ điện về Sài Gòn, yêu cầu được rút lui . Mặc dù có quá nhiều mây che phủ nhưng các phi công H34 vẫn đáp xuống mục tiêu, bốc theo toán biệt kích Strata về tới Đakto an toàn.

Toán Strata 111
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM