Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:31:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến bí mật - Hồ sơ Lực lượng đặc biệt Quân đội VNCH  (Đọc 384567 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #10 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2011, 10:31:22 pm »

Lại nói, sau khi khám phá ra chiếc thuyền của điệp viên Ares trong tháng 2, Hà Nội đã để ý. Ngày 1/3, Đảng cộng sản Việt Nam ra nghị quyết về tăng cường cho lực lượng an ninh chống đối phương xâm nhập. Toán Castor dự kiến sẽ lên đường ngày 27/5, đúng thời điểm trăng tròn, thời tiết lý tưởng. Không như các đơn vị biệt kích đường biển, chuyên xâm nhập vào các đêm không trăng, các phi công cần ánh sáng mặt trăng để bay, thường mỗi tháng chỉ có bốn đêm trăng sáng nhất. Vả lại, những biệt kích quân cũng cần ánh sáng để điều khiển dù xuống bãi đáp.

Theo đúng kế hoạch, bốn biệt kích quân trong toán Castor sẽ được chiếc C47 không phù hiệu đậu sẵn trong sân bay Tân Sơn Nhất đón. Cơ trưởng không ai xa lạ, mà chính là Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ. Cả phi hành đoàn đều không đeo phù hiệu, không đem theo bất cứ một thứ giấy tờ nào để đề phòng trường hợp bị bắn rơi trên không phận miền Bắc thì vỏ bọc bên ngoài của họ chỉ là thường dân đi buôn lậu. Mỗi người được mang theo 100 USD, để phòng khi cần tẩu thoát sẽ dùng đến. Chiếc C47 chở toán Castor ghé qua Đà Nẵng tiếp thêm nhiên liệu. Đúng 10h đêm, Nguyễn Cao Kỳ cất cánh, bay ra vịnh Bắc Bộ, hướng về phía Ninh Bình. Sau đó theo hướng tây bắc bay qua không phận các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, rồi băng qua sông Đà. Đến cao điểm 828, Nguyễn Cao Kỳ bật đèn xanh, cho đẩy những thùng đồ tiếp tế ra phía cửa sau, và toán Castor cũng nhảy theo. Chiếc C47 vòng lại, bay về hướng miền Nam.

Tại cao điểm 885, trung sĩ Hà Văn Chấp, trưởng toán Castor ra lệnh tháo dù và tập hợp lại. Họ xuôi xuống chân đồi, cách 1 bản gần đó chừng 1 km. Đi về hướng Nam 9 km là sông Đà; thêm 10 km nữa là quốc lộ số 6. Đó là con đường chính, xuyên qua các tỉnh Tây Bắc để đến tây nam tỉnh lỵ Sầm Nưa của Lào. Chính quyền Kennedy cho rằng Sầm Nưa là đất dụng võ của phía Cộng sản. Do đó, nhiệm vụ của toán biệt kích Castor là cung cấp tin tức về hoạt động chuyển quân của đối phương trên quốc lộ 6.

Khi toán Castor nhảy dù xuống cao điểm 885, dân bản gần đó nghe tiếng động cơ máy bay đã báo cho lực lượng CAND vũ trang Bắc Việt. Nên ngay sáng 28/5 họ đã đoán được địa điểm nhảy dù của toán biệt kích đêm qua và sử dụng lực lượng bao vây xung quanh cao điểm 885. Ba hôm sau, họ bắt được cả bốn biệt kích quân của toán Castor. Thế nhưng Phòng 45 vẫn chưa hề biết chuyện gì đã xảy ra với toán Castor, nên vẫn tiếp tục chương trình thả thêm những toán biệt kích khác.

Nguyễn Cao Kỳ - Đặng Tuyết Mai

...và nay

« Sửa lần cuối: 29 Tháng Giêng, 2011, 11:16:02 pm gửi bởi NicolasCage » Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #11 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2011, 10:41:15 pm »

Ngày 2/6, toán biệt kích thứ hai gồm ba người, mang mật danh Echo, xuất phát từ Đà Nẵng, do chiếc C47 của VIAT chở, bay ra Bắc Việt. Chiếc máy bay bay vòng qua vĩ tuyến 17, đến không phận tỉnh Quảng Bình, toán biệt kích Echo được lệnh nhảy dù xuống vùng rừng núi phía bắc làng Trúc khoảng 5 km.

Không gì xui xẻo hơn, khi toán biệt kích Echo mới ra khỏi máy bay cũng là lúc ở dưới mặt đất dân chúng hai làng đang họp. Nghe tiếng máy bay, họ ùa ra xem, nhìn rõ mồn một chiếc C47 trên bầu trời sáng rực đầy trăng sao. Chỉ một giờ đồng hồ sau, lực lượng vũ trang Bắc Việt đã tổ chức xong cuộc truy tìm toán biệt kích, bao gồm công an vũ trang, bộ đội địa phương và cả chó nghiệp vụ.

Chuyện rủi ro đến với toán biệt kích Echo diễn ra ngay từ lúc đầu. Một biệt kích quân bị dạt đi khoảng 3 km, vướng trên một ngọn cây, anh ta cắt dây dù, rơi xuống đất và bị gãy chân. Hai người còn lại biết bị lộ bèn báo cáo tình hình nguy cấp về Sài Gòn và định chạy về hướng biên giới Việt – Lào hòng thoát thân. Thế nhưng trước lúc họ bắt đầu thực hiện ý định, quân đội Bắc Việt đã bao vây chặt khu rừng nên cả ba biệt kích quân đều bị bắt vào ngày hôm sau.

 Kết cục bi thảm trên cũng không ngăn được CIA tiếp tục kế hoạch thả biệt kích thâm nhập Bắc Việt. 12 ngày sau, toán biệt kích thứ ba, mang mật danh Dido, gồm bốn quân nhân gốc người dân tộc Thái đen đã rời sân bay Đà Nẵng. Mục tiêu hoạt động của toán biệt kích Dido là vùng dân tộc Thái đen là Lai Châu, thuộc khu tự trị Thái – Mèo, sau đổi lại là khu tự trị Tây Bắc.

Toán biệt kích Dido nhảy dù xuống gần quốc lộ số 6, khoảng giữa tỉnh lộ và con đường dẫn đến huyện lỵ Tuần Giáo. Toán Dido sẽ do thám lượng xe cộ của Bắc Việt đến Tuần Giáo, nhất là lưu lượng xe cộ qua lại trên tuyến đường đi về lòng chảo Điện Biên Phủ, qua Tây Trang để sang Lào. Đây là địa bàn đóng quân của Sư đoàn chủ lực 316 Bắc Việt, nên việc do thám, thu thập thông tin càng trở nên vô cùng cần kíp.

Trước một mục tiêu quan trọng như vậy, để an toàn, Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ chọn đường bay từ vùng vịnh Bắc Bộ, lái vòng sang các tỉnh thuộc không phận Việt Bắc, thả truyền đơn xuống địa bàn tỉnh Cao Bằng ngay sát biên giới Việt – Trung. Khi đến địa điểm thả dù thuộc tỉnh Lai Châu, bốn biệt kích quân của toán Dido nhảy ra và chiếc C47 sẽ theo lộ trình thả toán biệt kích Castor trước đây để tức tốc quay về Miền Nam.

Trang phục, vũ khí thường thấy

Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #12 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2011, 11:08:09 pm »

Tại bãi đáp đất, cả bốn biệt kích quân nhanh chóng tháo dù đem giấu rồi tập hợp lại. Thùng đồ của họ đã có đủ cả quần áo, lương thực, vũ khí. Còn máy truyền tin thì bị trôi dù lạc mất, tìm không ra. Sau ba tuần lễ bị đói, trên đường di chuyển sang Lào, toán biệt kích Dido chạm trán với lực lượng công an nhân dân vũ trang và bị bắt ngay biên giới Việt – Lào.

Như vậy, tính đến tuần lễ thứ hai của tháng 7, ít nhất Hà Nội đã nắm trong tay ba toán biệt kích. Họ biết rõ, sau khi không thể không đem ra xét xử vụ biệt kích xâm nhập Bắc Việt. Ít ra viên phi công hoặc cả 7 biệt kích quân biết rằng phi vụ của họ là tái tiếp tế cho toán biệt kích Castor. Nếu họ khai trước tòa án, Bắc Việt sẽ biết rằng đã có toán biệt kích hoạt động trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đồng thời Sài Gòn cũng biết toán biệt kích Castor đã bị bắt. Thế nhưng Hà Nội đã dàn dựng một câu chuyện khác.

Chỉ có ba người bị đưa ra tòa trong tháng 11, bốn biệt kích quân khác đã chết do trọng thương. Trước tòa, cả ba biệt kích quân đều nhận tội có liên quan đến vụ xâm nhập của biệt kích và đang trên đường đến tỉnh Hòa Bình chứ không phải Sơn La. Đến cuối 1962, CIA và Sài Gòn vẫn tin rằng toán biệt kích Castor đang hoạt động hữu hiệu. Tại Sài Gòn, trung tá Tung cũng cảm thấy hài lòng về việc chuẩn bị thả thêm nhiều toán biệt kích khác ra miền Bắc.

Và rồi CIA phải tìm kiếm phương tiện khác để chuyên chở vì chiếc C47 duy nhất đã bị bắn rơi. Họ giờ đã chán loại máy bay C47 với hai lý do. Một là, tầm hoạt động của C47 ngắn, do đó máy bay phải bay thẳng đến mục tiêu. Thứ hai, máy bay phải tiếp thêm nhiên liệu tại Đà Nẵng, và biết đâu điệp viên Bắc Việt đã chẳng xâm nhập vào sân bay Đà Nẵng? Cuối cùng họ chọn loại máy bay C54 và huấn luyện hoa tiêu Việt Nam. Còn các phi công tình nguyện sẽ phải hoàn tất khóa huấn luyện vào đầu năm 1963.

Phòng 45 chuẩn bị cho toán biệt kích Europa gồm 5 biệt kích quân người Mường lên đường. Ngày 20/2, họ xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất, do Trung tá Nguyễn Cao Kỳ lái và không cần ghé lại Đà Nẵng như các phi vụ trước đây. Đến địa điểm thả dù thuộc không phận tỉnh Hòa Bình, địa bàn cư trú tập trung chủ yếu của dân tộc Mường, Nguyễn Cao Kỳ bật đèn xanh, cả năm biệt kích quân người Mường đều biến mất vào màn đêm.

Theo kế hoạch, việc chọn địa điểm thả toán biệt kích Europa thuộc địa bàn huyện Tân Lạc là bất lợi, bởi quốc lộ số 6 chạy xuyên qua giữa huyện, có nhiều đường liên tỉnh, liên huyện thông thương và bản mường đông đúc. Vì thế toán biệt kích Europa đã bị lộ ngay khi dù của các biệt kích quân chưa thả. Ít lâu sau, CIA sẽ phải thả dù tiếp tế cho các biệt kích quân. Vì vậy Hà Nội buộc hoặc thuyết phục các hiệu thính viên các toán biệt kích hợp tác, báo cáo về Sài Gòn là họ vẫn an toàn. Kết quả là Bắc Việt đã lấy được lượng đồ tiếp tế của CIA cho các toán biệt kích đã bị bắt và tóm luôn những toán sẽ được thả sau đó.

Đúng 12h trưa ngày 29/6, nghĩa là khoảng một tháng sau khi xâm nhập, toán Castor gửi đi bức điện văn đầu tiên. Họ được Sài Gòn khích lệ và hứa sẽ thả dù tiếp tế trong vòng bốn ngày sau. Chiều 1/7, đồ tiếp tế được bí mật chất lên chiếc C47 đậu sẵn ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Đúng ra, Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ trực tiếp thực hiện phi vụ này, nhưng đến giờ chót, chẳng hiểu vì sao Nguyễn Cao Kỳ lại giao trách nhiệm cho Trung úy Phan Thanh Vân. Phi hành đoàn có thêm 3 hạ sĩ quan thuộc Liên đoàn Quan sát số 1 để phụ giúp thả những thùng đồ tiếp tế xuống các mục tiêu đã được xác định. Chiều 1/7, sau khi nạp thêm nhiên liệu tại phi trường Đà Nẵng, chiếc C47 bay theo lộ trình đã thả 2 toán biệt kích Castor và Dido. CIA đâu có biết tại bãi thả, công an vũ trang Bắc Việt đã bao vây, đợi đón đầu chuyến thả tiếp tế cho toán biệt kích Castor.

Trong lúc đó, tại Hòn Ne, cách bờ biển Ninh Bình khoảng 5 km, công an, bộ đội Bắc Việt đã phát hiện ra tiếng động cơ máy bay. Chiếc C47, như thường lệ, bay thấp để tránh rađa và súng phòng không ở Hòn Ne phát hiện. Nhưng đã quá muộn, chiếc C47 đã bị trúng đạn, rơi xuống một cánh đồng rộng khoảng 20 ha.

Sau vụ bắn rơi chiếc C47, bắt sống 7 biệt kích quân, trong đó có phi công Phan Thanh Vân (1971 ra tù, được chị ruột bảo lãnh sang Pháp một thời gian rồi sang Mỹ định cư, chết tại Virginia; ct N.C.), Hà Nội đã công bố trên đài phát thanh, báo chí. Sáng hôm sau, công an vũ trang phối hợp với quân dân tự vệ, học viên của trường sĩ quan biên phòng… truy lùng ráo riết toán biệt kích. Tất cả các biệt kích trong toán đều bị bắt vào ngày hôm sau.

Một bóng hồng của Nha Kỹ Thuật

Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #13 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2011, 01:07:51 pm »

Hiệu thính viên toán Europa buộc phải gửi báo cáo về Sài Gòn, rằng toán đã đến mục tiêu an toàn. Phòng 45 khấp khởi, chuẩn bị tái tiếp tế cho toán Castor, tính đến thời điểm đó đã nằm vùng gần 10 tháng. Họ hy vọng rằng với loại máy bay C54 mới, lần này sẽ gặp may. Chuyến đi này do Đại úy Hội lái. Chiếc C54 bí mật chở đồ tiếp tế cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất bay đi Sơn La. Trước khi đến mục tiêu, chuyện xui xẻo lại xảy ra: chiếc C54 gặp một cơn giông lớn. Trong lúc đó tại Sài Gòn, mấy tay CIA thuộc Ban kế hoạch hết sức mất mặt vì trong vòng 7 tháng đã bị mất hai chiếc máy bay. Điều an ủi duy nhất là theo bức điện văn bắt của Hà Nội cho biết chiếc máy bay rơi, trước hết là do lỗi của viên phi công gây nên tai nạn và họ không để ý đến vụ mất mát đó (?). Cũng vì lẽ đó nên cơ quan tham mưu ở Sài Gòn đinh ninh rằng toán biệt kích Castor vẫn đang hoạt động.

CIA lại phải tìm kiếm loại máy bay khác. Lần này họ liên lạc với Đài Loan, vì cho rằng không lực xứ này có kinh nghiệm thả điệp viên xâm nhập Trung Hoa lục địa từ năm 1952. Vả lại, đã có nhiều hoa tiêu Đài Loan tình nguyện bay những phi vụ bí mật xâm nhập Bắc Việt Nam. Mặt khác CIA cũng từng bố trí cho phi công của mình từ Air America (CIA) sang Đài Loan huấn luyện cho những phi công tình nguyện về kỹ thuật bay ở cao độ thấp.

Trong thời gian huấn luyện cho phi công Đài Loan, CIA và Phòng 45 đã chuẩn bị cho nhóm biệt kích kế tiếp xâm nhập miền Bắc. Toán mới này mang mật danh là Atlas, gồm bốn người quê ở Nghệ An. Cả bốn người được đưa về sống ở những mật cứ tại Sài Gòn để huấn luyện. Toán biệt kích Atlas có nhiệm vụ xâm nhập địa bàn tỉnh Nghệ An, đặc biệt là khu vực gần đường số 7. Cũng như toán Echo trước đây, Atlas sẽ do thám mức độ di chuyển của quân đội Bắc Việt qua đất Lào, đồng thời bắt liên lạc với hai linh mục công giáo nhờ giúp đỡ, che chở.

Trong tuần lễ đầu tiên của tháng 3/1962, toán Atlas được đưa sang Thái Lan. Thế nhưng những phi công Đài Loan vẫn chưa được huấn luyện xong, buộc CIA phải sử dụng trực thăng của Air America đưa toán biệt kích đến biên giới Việt – Lào, thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An. Sau đó toán Atlas sẽ di chuyển bộ đến mục tiêu. Chiều ngày 12/3, toán Atlas lên đường cùng với phương tiện, vật chất bảo đảm, do hai chiếc trực thăng H34 đảm nhận, cộng với một chiếc hộ tống. Theo máy bay hướng dẫn, trực thăng thả toán biệt kích lúc trời nhập nhoạng tối xuống một ngọn núi sát biên giới Việt – Lào. Toán Atlas mặc bà ba đen, vũ trang tiểu liên Stern (theo quy định của CIA, không dùng vũ khí Mỹ).

Sau ba ngày di chuyển về hướng đông Nghệ An một cách suôn sẻ, đến ngày thứ tư, toán biệt kích Atlas gặp một đứa trẻ. Theo lời một thành viên trong toán kể lại: “Đứa trẻ biến vào rừng nhanh như chớp!” Sau đó, lập tức lực lượng an ninh đến bao vây toán Atlas, một biệt kích quân trúng đạn, bỏ mạng tại trận. Trên đường chạy trở lại đất Lào, thêm một biệt kích quân nữa giẫm phải mìn, chết. Hai người còn lại không liên lạc được với Sài Gòn vì thời tiết xấu, cuối cùng đều bị bắt.

Rút bài học kinh nghiệm xương máu này, CIA tiếp tục lên kế hoạch cho những chuyến thả biệt kích tiếp theo xuống lãnh thổ Bắc Việt Nam. Lần này CIA quyết định sử dụng loại máy bay C46, xuất phát từ căn cứ không quân Takhli của Thái Lan. Họ sẽ được hai Đại úy Ron Sutphine và M. D. Doc Johnson bay trước hướng dẫn vào bãi thả dù. Toán kế tiếp mang mật danh Remus, gồm 6 biệt kích người dân tộc Thái đen. Cũng như toán Dido trước đây, gồm những biệt kích người dân tộc Thái đen, toán Remus sẽ nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên Phủ, thuộc địa bàn tỉnh Lai Châu.

 Điện Biên Phủ không chỉ là căn cứ quân sự lớn nhất ở vùng Tây Bắc, cùng với sự hiện diện của Sư đoàn 316; hơn thế nữa, Sư đoàn này thường xuyên có những hoạt động trên đất Lào. Để tránh bị lộ, toán Remus sẽ nhảy dù xuống khu vực gần biên giới Việt – Lào, rồi xâm nhập bằng đường bộ đến mục tiêu. Ngày 16/4/1962, sáu biệt kích quân nhảy dù xuống cách Điện Biên Phủ 15 km về hướng Tây Bắc an toàn. Toán Remus tập hợp lại và năm hôm sau báo cáo về Sài Gòn rằng họ bắt đầu vượt biên giới, xâm nhập vào Bắc Việt.

Sau khi thả toán Remus thành công, Phòng 45 quay trở lại làm việc với toán đầu tiên là Castor. Cuối tháng 4, toán Castor được lệnh di chuyển từ sông Đà về phía nam, đến huyện Mộc Châu, Sơn La. Tại đây, Castor sẽ nhận đồ tiếp tế cùng với toán Tourbillon xuống tăng cường. Không như những toán trước đây, toán Tourbillon gồm 4 dân tộc khác nhau; trong đó ít nhất có hai thành viên là người Kinh. Nhiệm vụ CIA giao cho toán Tourbillon cũng khác, không phải thu thập tin tức tình báo mà là tập kích, tấn công, phá hoại chớp nhoáng. Vì trước đó vào tháng 5, Tổng thống Mỹ Kennedy đã nhiều lần lệnh cho các giới chức lãnh đạo Hoa Kỳ chỉ đạo các toán biệt kích tăng cường hoạt động phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam, nhằm cải thiện tình hình bên Lào đang trở nên căng thẳng; tỉnh lỵ Nậm Thà bị Quân giải phóng Pathét Lào chiếm, với sự yểm trợ của vài tiểu đoàn quân tình nguyện Bắc Việt.

Một biệt kích bị bắt giữ khi dù vừa chạm đất

Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #14 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2011, 01:25:51 pm »

Toán Tourbillon sẽ nhảy dù xuống những ngọn đồi ở phía bắc huyện Mộc Châu, rồi di chuyển khoảng 6 km về hướng nam, đến quốc lộ 6, dự định sẽ phá sập những chiếc cầu trên quốc lộ 6 để ngăn chặn đường tiếp tế của Bắc Việt từ Điện Biên Phủ cho Quân giải phóng Pathét Lào, để phần nào giảm áp lực bên Lào. Trước đây trùm CIA Lansdale đã từng xác nhận: “Nằm vùng trong một xã hội quản chế nghiêm khắc đã khó thì việc phá hoại kể như quá khó khăn đối với những biệt kích quân trẻ tuổi”.


Trùm CIA Lansdale, chuyên gia đảo chính, gây rối. Được tiểu thuyết hóa qua tác phẩm "Một người Mỹ trầm lặng"

Để đảm bảo kế hoạch, Phòng 45 tiếp tục tuyển chọn tình nguyện quân từ Liên đoàn Quan sát số 1, thời điểm đó đã đổi tên thành Liên đoàn 77. Có 7 người được chọn học lớp huấn luyện nhảy dù và chiến thuật biệt động. Riêng người hiệu thính viên từng vượt biên xâm nhập đất Lào 2 lần nên ít nhiều đã có kinh nghiệm. Từ tháng 5/1962, quân đội Hoàng gia Lào liên tục bại trận, trước khi Quân giải phóng Pathet Lào làm chủ Nậm Thà.

Toán biệt kích Tourbillon khởi hành bốn lần đều phải quay lại vì lý do thời tiết và nằm chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày 9/5/1962, Quân giải phóng Pathet Lào làm chủ Nậm Thà. Một tuần sau đó, toán biệt kích Tourbillon xuất phát bằng phương tiện máy bay, do những phi công Đài Loan lái. Họ bắt buộc phải để lại mọi giấy tờ tùy thân trước khi lên máy bay.

Đến điểm hẹn với toán Castor, những biệt kích quân toán Tourbillon nhảy dù xuống đất mà không hề biết, ở dưới mặt đất, ngoài toán biệt kích Castor còn có ít nhất một đại đội công an vũ trang và cả chó nghiệp vụ đang chờ họ. Vào thời điểm đó, lại có gió thổi mạnh. Các thành viên biệt kích quân Tourbillon bị trôi dạt đi xa bãi đáp khiến cho đơn vị công an vũ trang phải đuổi theo. Chiếc dù của viên toán phó bị vướng trên ngọn cây và anh ta bị bắn chết. Những biệt kích quân khác đều mạnh ai nấy chạy, cố tìm lối thoát thân khi đáp đất. Nhưng chỉ hai hôm sau tất cả đều bị bắt. Nhân viên truyền tin lập tức bị cô lập và buộc phải báo cáo về Sài Gòn rằng toán đã đáp xuống mục tiêu an toàn. Phòng 45 tin tưởng rằng bãi đáp đã được toán Castor chuẩn bị và bảo vệ cẩn mật. Sau 11 ngày đấu tranh, suy nghĩ, tay nhân viên truyền tin đã gửi đi bản báo cáo đầu tiên rằng toán đã đáp xuống mục tiêu an toàn.

Bốn ngày sau khi toán Tourbillon nhảy dù xuống Mộc Châu, toán biệt kích kế tiếp mang mật danh Eros lên chiếc máy bay C54, xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất. Chuyến đi này phi công bay theo đường vòng qua đất Lào, xâm nhập không phận tỉnh Thanh Hóa, thả toán biệt kích chớp nhoáng rồi bay về. Phi vụ này diễn ra quá nhanh đến nỗi quân Bắc Việt chưa kịp đề phòng, chuyến xâm nhập coi như thành công.

Xuống tới đất, toán Eros gom lại an toàn. Họ gồm 5 người thuộc sắc tộc Mường và Thái đỏ ( Dao đỏ?), cả hai sắc dân thiểu số trên đều sống ở phía tây tỉnh Thanh Hóa. Có điều đặc biệt là trong số các thành viên của toán có 3 người Mường, thì hai người là anh em, người thứ ba là anh em họ. Hai người Thái là chú cháu. Phòng 45 hy vọng sợi dây liên hệ dòng tộc này sẽ làm cho toán gắn bó hơn và họ dễ dàng móc nối những người cùng sắc tộc khác.

Sau ba tuần lễ trong rừng, vài người Thái trông thấy toán biệt kích. Hốt hoảng, toán Eros chạy lên hướng bắc. Mấy người Thái quay trở lại tìm thấy những vỏ lon đồ hộp lạ, không phải sản xuất ở miền Bắc. Họ bèn báo cáo sự việc cho công an địa phương. Trong khi đó toán Eros trên đường chạy đã gần cạn lương thực, mà Sài Gòn lại đáp rằng do thời tiết xấu, chưa thể tiếp tế được. Những biệt kích quân phải tự tìm thức ăn cho mình.


Dân quân xã Phú Hải, Hà Cối, Quảng Ninh tham gia truy bắt nhóm biệt kích xâm nhập bãi biển Hà Cối 28/7/1963

« Sửa lần cuối: 30 Tháng Giêng, 2011, 11:32:44 pm gửi bởi NicolasCage » Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #15 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2011, 01:37:23 pm »

Ngày 2/8/1962, một lần nữa họ bị dân làng phát giác và cuộc truy lùng lại tiếp diễn. Lần này Phòng 45 nhận được công điện khẩn của toán Eros rằng họ đang bị truy lùng.

Ngày 29/9, sau khoảng 2 tháng bị truy đuổi, toán biệt kích bị bao vây. Một biệt kích quân bị trúng đạn bỏ mạng, một người bị bắt. Ba người kia chạy thoát, rồi nhập vào toán dân Lào đi săn. Tưởng thoát, ai dè họ lại bị phát giác và bắt sống, giao nộp cho Quân đội Bắc Việt.

Khi mặt trời chưa kịp nhô lên ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, từng đoàn đánh cá của ngư dân đã giăng như mắc cửi trên cửa sông Gianh, cách Đồng Hới, một tỉnh cực nam của miền Bắc Việt Nam, khoảng 40 km. Từ biển theo sông Gianh vào khoảng 40 km, có căn cứ hải quân Quảng Khê. Đây là bàn đạp xuất phát của lực lượng Phòng vệ Duyên Hải của Bắc Việt.

Ngày 16/2/1962, quang cảnh căn cứ Quảng Khê có vẻ bình yên. Không ai biết rằng dưới đáy biển có một chiếc tàu ngầm Catfish của Hải quân Mỹ đang do thám vùng biển Bắc Bộ. Chiếc tàu ngầm này từng hoạt động nhiều năm tại hải phận của Trung Quốc và Việt Nam. Lần này chiếc Catfish quan sát  những chiếc tốc đỉnh vũ trang Swatow của Hải quân  QĐND Việt Nam. Chiếc Swatow dài 83 bộ (25,3 m), được trang bị radar để phát hiện những chiếc tàu lạ xâm nhập hải phận, với hỏa lực gồm 3 khẩu súng máy phòng không 37mm, cộng với hai khẩu 14.5mm hai nòng và thủy thủ đoàn 30 người. Tàu có thể chạy với tốc độ 28 hải lý mỗi giờ.

Sau khi dò biết trong căn cứ Quảng Khê có ba chiếc Swatow đang bỏ neo, chiếc tàu ngầm Catfish kiểm tra lại tin tức tình báo và báo cáo về trung tâm tại thủ đô Manila, Philippin và văn phòng CIA tại Sài Gòn. CIA lập tức phác thảo kế hoạch sử dụng người nhái phá hủy những chiếc tốc đỉnh của Hải quân Bắc Việt.

Tàu Swatow 154 tại Quảng Ninh

Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #16 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2011, 01:50:18 pm »

Cùng thời điểm tháng 4/1962, Phòng 45 quyết định thành lập toán cảm tử quân người nhái do Đài Loan huấn luyện, mang mật danh Vulcan. Họ được đưa đến Đà Nẵng huấn luyện cách đặt mìn phá tàu. Sau khi xác định được mục tiêu, theo thông tin của tàu ngầm Catfish cung cấp, toán người nhái Vulcan cùng với 10 thủy thủ lên chiếc tàu Nautilus 2, hướng ra hải phận Bắc Bộ. Chiếc Nautilus 2 thả neo ngoài khơi trước của sông Gianh, để cho 4 cảm tử quân chèo thuyền vào căn cứ thám thính. Sau khi xâm nhập, bốn người này quay ra, báo cáo rất yên tĩnh.


Chiếc Nautilus 1 bị bắt giữ trước đó

Đại úy Hà Ngọc Oanh, với mật danh Antoine, từng phục vụ 2 năm tại phòng 45, đã nhận lệnh tấn công những chiếc tốc đỉnh Swatow vào ngày 28/6/1962. Trong buổi thuyết trình kế hoạch hành quân, với sự hiện diện của hai nhân viên CIA và ảnh chụp căn cứ hải quân Quảng Khê, Đại úy Hà Ngọc Oanh đã trình bày kế hoạch tấn công và đường rút lui trước các cảm tử quân người nhái được chỉ định tham gia phi vụ.

Theo kế hoạch, các cảm tử quân từ chiếc Nautilus 2 xuống thuyền gỗ, chèo vào bờ theo hướng cửa sông Gianh. Vì chỉ có ba chiếc Swatow trong căn cứ Quảng Khê nên người nhái thứ 4 là Nguyễn Chuyên sẽ ở lại giữ xuồng và làm dự bị. Ba cảm tử quân trong bộ đồ người nhái sẽ bơi vào căn cứ, gắn mìn vào ba chiếc Swatow, rồi rút êm. Sau buổi thuyết trình, mọi người chúc rượu, tiễn đưa đến tận khuya. Những người nhái thực thi phi vụ được đưa vào mật cứ riêng biệt để đảm bảo bí mật hoàn toàn.

Đúng 20h 30’ tối 29/6/1962, toán người nhái lên tàu xuất phát. Đêm hôm sau, họ đã nằm ngoài khơi hải phận Bắc Việt và tiến dần tiếp cận mục tiêu. Trước nửa đêm ngày 30, chiếc Nautilus 2 tắt cả hai máy, hạ thủy chiếc thuyền gỗ có gắn động cơ. Các cảm tử quân lặng lẽ xuống thuyền, chạy thẳng vào bờ. 15 phút sau, Lê Văn Kính đã có thể nhìn thấy cửa sông Gianh. Toán người nhái dự tính sẽ thực thi xong phi vụ trong vòng hai giờ đồng hồ, đủ thời gian bơi vào mục tiêu đặt mình, rồi bơi trở lại thuyền. Hợp đồng với đồng sự xong, Lê Văn Kính kéo kính che mắt lại rồi trườn xuống nước, theo sau là Nguyễn Hữu Thao.

Chiếc Swatow 108 bị máy bay đánh chìm

Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #17 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2011, 02:00:52 pm »

Trên boong chiếc Swatow mang số hiệu 185, người lính canh gác nghe tiếng chân vịt quạt vào nước. Lập tức thuyền trưởng Hồ Ngọc Minh dẫn mấy thủy thủ chạy xuống cuối tàu quan sát. Trong lúc đó, ở dưới nước, Nguyễn Hữu Thao đang gắn quả mìn vào lườn tàu. Nghe tiếng chân người chạy rầm rập trên boong, anh ta hốt hoảng, trật tay và quả mìn phát nổ, Thao chết ngay tức khắc.

Kính đã đặt xong quả mìn, bơi ra xa chiếc Swatow chừng 20 m, trồi lên khỏi mặt nước đúng lúc quả mìn của Thao phát nổ. Sức ép của quả mìn khiến anh ta tức ngực, chân tê dại, trôi vật vờ trên mặt nước. Kính trông thấy chiếc Swatow 185 bị hư hại nặng và biết chắc chắn lính Hải quân Bắc Việt sẽ tràn ra đầy căn cứ trong giây lát. Vì thế Kính gắng bơi vào bờ sông, rồi lủi vào bãi sậy trốn. Anh ta hy vọng khi sự việc lắng xuống sẽ tìm cách trở về căn cứ. Nhưng chuyện đó đã không bao giờ xảy ra, lính Bắc Việt đã tìm thấy và lôi anh ta ra từ bãi sậy.

Ngồi đợi ngoài thuyền, Nguyễn Chuyên cùng 2 thợ máy hoảng hốt khi trông thấy quả mìn phát nổ. Hải quân Bắc Việt phát hiện thấy chiếc thuyền nhỏ đợi ở ngoài xa, họ liền cho tàu đuổi theo. Chiếc thuyền cuống cuồng chạy ra khơi trong làn đạn truy đuổi, hướng về chiếc Nautilus 2. Khi đến được chiếc Nautilus 2, Chuyên trúng đạn bị thương.

Người nhái thứ ba là Nguyễn Văn Tâm cũng kém may mắn. Sau khi đặt mìn xong, anh ta bơi trở lại thuyền, rồi quả mìn thứ nhất phát nổ, chiếc thuyền vọt mất và Tâm bị bỏ rơi. Anh ta lấy một chiếc thuyền của một ngư dân, định chạy ra biển. Nhưng mới leo lên thuyền, anh ta đã rơi vào tay lực lượng tự vệ địa phương, vì quân đội Bắc Việt đã báo động khắp nơi.

Căn cứ hải quân Quảng Khê lại phát nổ, chiếc Swatow 185 chìm ngay. Trong lúc hỗn loạn, chiếc Swatow 161 chạy ra biển đuổi theo chiếc thuyền gỗ và phát hiện ra chiếc Nautilus 2. Trên tàu Nautilus 2, các thủy thủ cố cầm cự với đại liên, rồi tháo chạy về hướng nam. Đến 6h sáng hôm sau, chiếc Nautilus 2 bị trúng đạn, hỏng máy, đành nằm chờ chết. Không bỏ lỡ cơ hội, chiếc Swatow 161 bắn chiếc Nautilus 2 tan tành. Người nhái Nguyễn Chuyên thoát chết đợt đầu, nay cùng chung số phận với các thủy thủ còn lại. Sau khi chiếc Nautilus 2 bị bắn chìm, 10 người nhái sống sót được chiếc Swatow 161 vớt lên, bắt làm tù binh. Tuy nhiên vẫn sót một người nhái là Nguyễn Văn Ngọc trốn trong chiếc tàu đang chìm, không ai hay biết. Sau khi chiếc Swatow 161 đi khỏi, anh ta trôi vật vờ qua vĩ tuyến 17, được phi cơ tuần tiễu phát hiện và cứu sống.

Ngày 21/7/1962, Hà Nội đưa toán biệt kích hải quân Sài Gòn ra xét xử công khai. Đây là lần thứ hai Bắc Việt xét xử những tội phạm là biệt kích và có kẻ đã bị phạt tù chung thân. Thất bại này khiến cho CIA mất mặt. Phải một năm sau, họ mới toan tính tổ chức tiếp những đợt tập kích phá hoại ở vịnh Bắc Bộ.

Hồ sơ mật của CIA về các toán biệt kích xâm nhập bằng đường biển giai đoạn 1961-1963

Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #18 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2011, 10:09:20 pm »

Đến cuối mùa hè 1962, toán người nhái SEAL chuyên huấn luyện của Hải quân Mỹ đã huấn luyện xong cho 4 toán biệt kích hải quân Sài Gòn. Mỗi toán đều được phép tuyển mộ cả dân sự và hạ sĩ quan của lục quân Quân đội Sài Gòn.

Trong bốn toán thì Neptune là toán người nhái, toán Cancer gồm toàn biệt kích quân là người dân tộc Nùng, được tuyển chọn từ Sư đoàn bộ binh 5. Người tổ chức ra các toán biệt kích biển là Gougleman. Ông ta đòi hỏi được cung cấp loại tàu tốt nhất, với tốc độ cao, hỏa lực mạnh hơn để tránh lặp lại thảm họa của chiếc Nautilus 2, vốn là tàu gỗ đóng giả tàu đánh cá, mới xảy ra cách đó không lâu.

Theo yêu cầu của Gougleman, Hải quân Mỹ bàn giao 2 chiếc tàu tuần tiễu phóng thủy lôi mác PT-810, PT-811 cho Trung tâm hành quân biển (Marops, Maritime Operation). Hai chiếc tàu này khi đến Đà Nẵng được đổi tên thành PTF-1 và PTF-2. Trong lúc đó, CIA chẳng cần được phép hay không, đã đặt mua hai chiếc tàu Nasty của Na Uy, đem về đặt tên là PTF-3 và PTF-4.

Tàu Nasty của Na Uy

Thêm vào đó, về vấn đề nhân lực, CIA thuê hẳn người Na Uy lái tàu, vì người Mỹ không được phép đến hải phận Bắc Việt. Theo đó, ba thủy thủ Na Uy đã đến Đà Nẵng với thời hạn hợp đồng 6 tháng. Họ có biệt danh là “Viking”. Theo Đại úy Trương Duy Tài, một sĩ quan trong đơn vị biệt kích biển, thì người “Viking” sống hòa hợp với thủy thủ Việt Nam và rất rành đi biển.
Logged
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #19 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2011, 10:19:37 pm »

Ngày 15/12/1962, một chiếc PTF hướng ra biển Bắc Bộ, đem theo toán người nhái Neptune. Trước khi đến mục tiêu, chiếc tàu … bị lạc hướng, phải quay về Đà Nẵng, hủy bỏ phi vụ xâm nhập. CIA đợi đến ngày 14/1/1963 mới thực thi 2 phi vụ cùng một lúc. Hai chiếc Swift rời bến, chạy song song cho đến vĩ tuyến 17 mới tách ra. Một chiếc hướng về những nhà máy, công xưởng dọc theo bãi biển gần thị xã Đồng Hới. Chiếc thứ hai tiếp tục chạy thêm 18 km nữa đến cửa Ròn thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Toán biệt kích biển tấn công Đồng Hới có biệt danh Zeus không gặp trở ngại nào. Họ đến đúng lúc mặt trời lặn, toán biệt kích chèo xuồng cao su vào bờ, đặt dàn hỏa tiễn nhỏ, lắp kíp nổ hẹn giờ do CIA chế tạo, hướng vào nhà máy rồi rút êm trở lại chiếc Swift. Trước khi quay về, họ còn thả xuống biển thêm mấy thùng truyền đơn tuyên truyền chống phá chế độ Bắc Việt, để sóng đánh trôi dạt vào bờ.

Toán biệt kích thứ 2, với mật danh Charon không được may mắn như đồng sự của họ. Chiếc Swift còn cách mục tiêu chừng 19 km, viên thyền trưởng người Na Uy trông thấy có chiếc tàu từ hướng bắc chạy ngược chiều bèn chạy vòng vo để tránh. Cho đến khi mất bóng chiếc tàu lạ họ mới tiếp tục tiến đến mục tiêu nên chậm mất mấy giờ đồng hồ.

Sau khi thảo luận sẽ tiếp tục phi vụ, toán trưởng ra lệnh cho toán Charon xuống thuyền cao su hướng về cửa Ròn. Khi gần đến cửa Ròn, toán người nhái lắp chân nhái rồi bơi vào bờ theo từng cặp hai người. Một cặp sẽ bơi vào bờ phía bắc, cặp khác đến bờ phía nam cửa sông Gianh. Run rủi thế nào, một cặp bất ngờ gặp phải một chiếc tàu đi ra. Do lòng sông cạn, nhiều bùn, hai người nhái sợ người trên chiếc tàu nọ trông thấy, vội vã bơi trở lại chiếc thuyền cao su đang đợi ở cửa biển. Cặp người nhái thứ hai biến mất, không thấy trở lại. Viên thuyền trưởng người Na Uy vẫn gắng đợi cho đến khi mặt trời lặn. Lúc nổ máy, bỗng ông ta phát hiện có đèn hiệu chiếu ra từ bờ. Viên thuyền trưởng liều mạng lái chiếc Swift chạy vào bờ, vớt hai người nhái bị cho là mất tích từ lúc chiều. Coi như nhiệm vụ đã xong, họ hướng tàu về căn cứ xuất phát ở Đà Nẵng.

Cố vấn Mỹ huấn luyện biệt kích sử dụng thuyền cao su đổ bộ tại bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM