Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:29:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc  (Đọc 84116 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #100 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2011, 09:42:09 pm »

Chúng tôi về khách sạn vào lúc hơn 5 giờ chiều. Dư âm của cuộc gặp mặt với anh Chương chiều nay vẫn còn xáo trộn trong trái tim tôi. Trước đây, trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, anh vừa là Chủ tịch tỉnh, vừa là trưởng Ban chỉ huy đảm bảo giao thông của Khu IV. Anh vô cùng bận rộn, vì bao nhiêu trọng trách trên vai. Hầu như anh suốt ngày thường trực cùng với anh Đạt ở sở chỉ huy tiền phương của tỉnh đặt tại xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Bận rộn như thế nhưng bao giờ anh cũng dành cho các nhà báo, nhà văn những thời khắc hiếm hoi để được gặp anh, xin anh những ý kiến quý báu chỉ đạo cho bài viết của mình. Anh chỉ nói về những điển hình tiên tiến nhất ở Hà Tĩnh. Còn về bản thân anh không nói gì. Đã nhiều lần tôi gợi ý hỏi về anh, nhưng anh né tránh rất khéo, dành thời gian hiếm hoi nói về đồng đội, về nhân dân Hà Tĩnh. Tôi rất ân hận, vì cho đến giờ phút này, sau hơn ba mươi năm trời đằng đẵng xa nhau mới được gặp lại, tôi vẫn không biết kỹ về gia đình anh. Đó là một thiếu sót không thể tha thứ được. Mong ngày gặp lại anh sau này, tôi sẽ sửa chữa được sai lầm đó.

Tôi đang hệ thống các tư liệu vừa thu thập được trong ngày làm việc cuối cùng ở đây, thì được lễ tân khách sạn báo tin có khách. Hai vợ chồng cô Hồng đến khách sạn tìm tôi.

Chỉ có ba anh em nói chuyện với nhau, nên chúng tôi có thể đi sâu vào những mảnh đời riêng đầy tâm sự. Tôi nói tóm tắt cuộc đời mình hơn hai mươi năm qua cho vợ chồng Hồng nghe, đưa địa chỉ và số điện thoại nơi ở hiện nay, để nếu có dịp ra Hà Nội thì báo cho tôi biết, tôi sẽ đến đón về thăm nhà. Tôi cũng hỏi địa chỉ, số điện thoại của cháu Hòa đang ở Hà Nội, để chủ động tìm gặp cháu. Tôi muốn các thế hệ con cháu chúng mình phải xích lại gần nhau hơn, để sau này về Đồng Lộc gặp nhau, không còn xa lạ nữa… Vợ chồng Hồng đều mong muốn như vậy, và hẹn gặp lại tôi ở Hà Nội.

Vợ chồng Hồng về rồi, tôi thao thức mãi không ngủ được. Nhưng đến khi thiếp đi, tôi lại chìm vào một giấc mơ kỳ lạ chưa bao giờ có trong đời…

NGÀY

Đúng 7 giờ 15 phút sáng thứ ba ngày 24 tháng 7 năm 2018, chiếc xe 12 chỗ ngồi chở gia đình tôi bắt đầu chuyển bánh, từ Hà Nội đi vào Hà Tĩnh, để dự lễ kỷ niệm tròn 50 năm Mười Cô thanh niên xung phong A4-C552-P18 hy sinh. Đây là chuyến đi vào Đồng Lộc cuối cùng của cuộc đời tôi.

Cùng đi với tôi có đầy đủ con trai, con gái, con dâu, con rể và các cháu nội đã lớn khôn.

Mọi người trên xe vui vẻ nói chuyện với nhau. Tôi bảo Minh (con trai thứ hai của tôi) lấy máy tính sách tay ra, để hai bố con tranh thủ làm việc. Minh chuẩn bị xong, tôi nói;

- Con thử lập phép tính Hà Lạc về chuyến đi này xem sao?

- Xin bố cho thông số, để con lập ngay…

- Khởi hành giờ Giáp Thìn, ngày Đinh Tỵ, tháng Kỷ Mùi, năm Mậu Tuất…

Minh đưa dữ liệu vào máy tính, rồi bấm một nút, kết quả hiện ra ngay, Minh vui mừng nói:

- Quẻ tiên thiên: Phong Sơn Tiệm, hào 5. Hỗ tiên thiên: Hỏa Thủy vị tế, hào 6. Quẻ hậu thiên: Thuần cấn, hào 2. Hỗ hậu thiên: Lôi thủy Giải, hào 1…

- Thế còn quẻ Nhân quả?

- Hỏa thiên Đại hữu, hào 2 và hào 5.

Cả nhà nhìn hai bố con tôi cùng cười vui vẻ, không hiểu vì sao. Tôi chỉ nói tổng quát.

- Nói chung là rất tốt. Có duyên lâu dài, trách nhiệm lâu dài…

Minh hỏi tôi;

- Bố ơi! Chiều nay làm lễ trọng thể vào lúc nào?

- 16 giờ 40 phút, giờ các cô hy sinh tròn 50 năm…

Minh không nói gì nữa, lại nạp dữ liệu vào máy tính, rồi ấn nút. Đọc kết quả xong, Minh nói như reo lên:

- Lạ quá! Quẻ Tiên thiên của buổi chiều ở Đồng Lộc lại chính là quẻ Hỏa thiên Đại hữu, nhân quả của quẻ trước, chỉ khác một chút là nguyên đường ở hào 1.

Tôi mỉm cười, hỏi Minh:

- Thế quẻ Nhân quả của chiều nay là gì?

- Sơn hỏa Bí, hào 1 và hào 4, bố ạ.

- Sơn hỏa Bí làm đẹp cho đời rồi. Hay lắm. Tốt lắm các con ạ.

Minh xếp máy tính lại, giọng trầm hẳn xuống.

- Những lúc như thế này con nhớ bác Xuân Cang… Kinh Dịch thật là tuyệt vời và kỳ diệu…



Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #101 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2011, 08:55:42 pm »

Xe qua cầu Bến Thủy là đến đất Hà Tĩnh. Một biểu ngữ đỏ rực chạy dài hàng chữ lớn màu vàng chanh: “KỶ NIỆM 50 NĂM NGÃ BA ĐỒNG LỘC ANH HÙNG” chăng ngang trên đường, đón chào các quý khách về thăm.

Minh bảo lái xe đi chậm lại, rồi đứng dạy nói;

- Chúng ta bắt đầu vào đến đất Hà Tĩnh. Tôi sẽ hướng dẫn đoàn ta theo lịch trình của bố. Đến nơi nào có người giới thiệu di tích thì lắng nghe. Có chỗ nào không hay, không phải hoặc không hiểu, thì hỏi tôi. Không được nói lung tung. Đến nơi nào có người nước ngoài tham dự, nếu như không có phiên dịch, thì biết tiếng nước nào, phải có trách nhiệm phiên dịch lại cho họ hiểu. Điều gì không biết chắc chắn, thì không được nói liều, phải hỏi tôi trước đã, rồi hãy trả lời họ. Đề phòng sai sót bị nhân lên trên báo chí Thế giới, thì không bao giờ sửa được. Đó là vấn đề chính trị, danh dự của đất nước, xin mọi người chú ý cho… Nơi đầu tiên chúng ta đến là nghĩa trang liệt sỹ xã Thiên Lộc. Đây là quê hương của hai liệt sỹ Võ Thị Tần và Võ Thị Hợi cùng ở tiểu đội A4, hy sinh đúng ngày hôm nay – 50 năm về trước…

Để mọi người hiểu rõ, tôi lên tiếng:

- Đây là nơi an táng đầu tiên, nơi sơ tán mộ Mười Cô liệt sỹ thay áo lần thứ nhất năm 1976, từ Ngã Ba Đồng Lộc về đây. Mãi cho đến năm 1990 các cô mới được di dời chính thức và vĩnh viễn ở nơi an táng hiện nay, tại Ngã Ba Đồng Lộc bây giờ… Mười lăm năm các cô yên nghỉ ở đây, cùng với các liệt sỹ xã Thiên Lộc, cũng đáng để chúng ta đến thắp hương tưởng niệm Mười Cô…

Chiếc xe rẽ ngay vào con đường rợp bóng bạch đàn, đổ bê tông phẳng lỳ như đường nhựa. Xe đi chầm chậm dưới bóng râm rừng cây bạch đàn ven chân núi Hồng Lĩnh và dừng lại trước nghĩa trang liệt sỹ Thiên Lộc. Trong nghĩa trang đã có mấy người đến trước, thắp hương cho các phần mộ liệt sỹ. khói hương bay tản mạn, quấn quýt trên những tán hoa bằng lăng quanh nghĩa trang đã ra hoa tím ngát vào dịp tháng năm.

Tôi cầm đầu đoàn gia đình tiến vào nghĩa trang. Minh nhanh tay đốt một bó hương trầm, hai tay đưa cho tôi. Tôi chia đôi bó hương, một nửa thắp ở đài Tổ quốc ghi công, còn một nửa đến lư hương trước bia tưởng niệm Mười Cô cắm xuống. Các cháu đặt đồ lề lên chiếc khay men to trước lư hương đang nghi ngút khói. Hai cô con dâu cắm và tu sửa bó hoa huệ trắng trong chiếc lọ hoa bằng đá trắng, đặt cạnh lư hương bằng đá đen tuyền. Cả nhà đứng trang nghiêm trước lư hương, đều chắp tay trước ngực, và cùng đọc tấm bia tưởng niệm:

NƠI ĐÂY ĐÃ TỪNG ĐƯỢC VINH HẠNH LƯU GIỮ PHẦN MỘ CỦA MƯỜI CÔ GÁI TRONG TIỂU ĐỘI ANH HÙNG THANH NIÊN XUNG PHONG A4-C552-P18, HY SINH LÚC 16 GIỜ 40 PHÚT NGÀY 24 THÁNG 7 NĂM 1968 (TỪ 1976-1990).

Hai bên bia tưởng niệm là mười tấm ảnh của Mười Cô được in màu và tráng men rất nghệ thuật. Các cô xếp thành hai hàng dọc. Hàng bên phải đứng đầu là Võ Thị Tần; hàng bên trái đứng đầu là Hồ Thị Cúc.

Những gương mặt thân thương của các em tôi ở đó, muôn đời trẻ mãi… Minh thấy tôi bắt đầu ứa nước mắt, trầm tư, thì vội vã vẫy mọi người ra xe, và dặn bác quản trang nhận hộ đồ lễ sau khi hương tàn. Khi mọi người lên xe đầy đủ. Minh bảo lái xe:

- Lại ra đường số Một, đi về phía Tiến Lộc, thăm làng K130.

Quỹ thời gian có hạn, nên tôi tranh thủ giới thiệu trước với mọi người về sự tích của nơi sắp đến.

Làng K130 chính là làng Hạ Lội ngày xưa; bây giờ là xã Tiến Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ở đình làng Cống – thuộc Hạ Lội – Trước đây có một cây đa rất to và cao, chứng tỏ làng này tồn tại rất lâu rồi, vào khoảng trên 800 năm… Đến năm 1967 thì Mỹ ném bom ác liệt vào làng Hạ Lội – vì có Cầu Già, cầu Nghèn đi qua… Đình làng Cống và cây đa cổ thụ tan tành… Đêm và ngày 12 tháng 8 năm 1986, 70 chiếc máy bay Mỹ tập trung đánh vào cầu Già, ném xuống Hạ Lội trên 800 quả bom các loại, để chặn đứt đường ra mặt trận. Với quyết tâm cao không để cho tắc đường, nhân dân Hạ Lội đã tự nguyện dỡ 130 ngôi nhà đang ở để có vật liệu lấp hố bom, làm lại đường cho xe ra mặt trận. Một bà cụ độc thân, chỉ có cỗ áo quan dự phòng lúc chết, nhưng cụ cũng hiến cả cỗ áo quan ấy cho việc lấp đường cho xe đi qua sông Nghèn. Đêm 13 tháng 8 thông xe vào mặt trận. Trong đoàn xe hàng ngàn chiếc ấy, có 130 chiếc xe chở xăng cho quân đội. Sự trùng hợp con số 130 đã khiến cho Hạ Lội trở thành làng K 130 từ đó…

Xe rẽ vào làng Hạ Lội, để thăm quan khu di tích lịch sử được nhà nước công nhận từ lâu. Từ xa xa, mọi người nhìn thấy một cây đa mới trồng trên mười năm nay. Cây đa lá đỏ lớn rất nhanh, bên cạnh ngôi đình làng Cống mới xây dựng lại hoàn toàn.


Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #102 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2011, 09:59:23 pm »

Xe dừng lại trước tượng đài kỷ niệm của khu di tích, có hai hàng cây hoa bằng lăng trồng hai bên.

Mọi người xuống xe, và ngỡ ngàng trước một bức phù điêu hoành tráng, dài 27 mét, cao 6 mét, trông xa như làm bằng đồng thau. Trên suốt bề mặt phù điêu diễn tả khái quát các cảnh tượng tiêu biểu của quân và dân ở làng Hạ Lội đã kiên cường chống Mỹ trong chiến tranh phá hoại năm xưa…

Bắt đầu là biểu tượng trận đánh ngày 30 tháng 9 năm 1966 chi đoàn Thanh niên và dân quân xóm Hà Nam đang san lấp hố bom phía bắc cầu Già, bị máy bay giặc Mỹ giội bom trúng đội hình làm tám thanh niên hy sinh tại chỗ và trên hai mươi người bị thương… Tiếp đến, là cảnh nhân dân Hạ Lội đang gánh tấp, bổi về lót đường chống lầy thụt. Tiếp theo là cảnh trận đánh ác liệt ngày 12 tháng 8 năm 1968 ở Cầu Già; cảnh nhân dân dỡ nhà lấy phương tiện san lấp hố bom. Chính giữa bức phù điêu hoành tráng là cảnh cụ bà Nguyễn Thị Trí tình nguyện hiến cỗ quan dự trữ của mình, để lót đường cho xe ra mặt trận. Tiếp theo là cảnh lát đường xong, xe nườm nượp lá ngụy trang đi vào miền Nam, trong đó có những chiếc xe chở xăng cho mặt trận. Cuối cùng là cảnh các anh bộ đội trên xe đang vẫy chào nhân dân làng Hạ Lội anh hùng…

Tôi rưng rưng nước mắt ngắm nhìn bức phù điêu hoành tráng, đẹp một cách bình dị, trong sáng và sang trọng. Tôi thầm nghĩ: “Chính nhân dân mới là những người làm nên lịch sử. Công nhận đây là khu di tích lịch sử của nhân dân làng Hạ Lội, tức là đã thay đổi cách đánh giá của trên về việc này!”.

Minh đã thắp hương và đặt đồ lễ trước bia tưởng niệm – đặt chính giữa bệ bức phù điêu. Cả nhà tôi đứng nghiêm trước tấm bia ghi tên tuổi, quê quán của những người đã hy sinh trên mảnh đất này hồi chống Mỹ, danh sách thật dài, tôi nhìn không còn rõ như xưa, nên không thể nhớ hết được.

Sau khi từ biệt những người quản lý khu di tích, chúng tôi lại lên đường, đi tiếp.

Xe đi ngược ra đến ngã ba Nghèn thì rẽ trái, hướng về Ngã Ba Đồng Lộc…
Minh đứng dậy nói;

- Nếu ta đi thẳng một mạch thì sẽ qua Cầu Dị, tới ngã ba Khiêm Ích, rẽ trái là đi thẳng đến Ngã Ba Đồng Lộc. Nhưng còn thời gian, chúng ta đi qua xã Vĩnh Lộc, đi thăm di tích Cầu Nhe. Xã Vĩnh Lộc là quê hương của liệt sỹ Nguyễn Thị Xuân và cũng là quê hương của anh hùng La Thị Tám.

Các cháu rụt rè:

- Di tích Cầu Nhe là thế nào hả bố?

- Xã Vĩnh Lộc có sống nhe chảy qua. Ngày 15 tháng 4 năm 1968 Mỹ ném bom rất ác liệt vào Cầu Nhe ở xã Vĩnh Lộc. Đúng lúc đó, bộ đội ta đang hành quân qua làng trong đội hình dài 2 km, thì bị đánh bất ngờ, nên 70 cán bộ, chiến sỹ hy sinh tại trận, trong đó có 53 chiến sỹ của Tiểu đoàn 351 thuộc Trung đoàn 42 – đơn vị chủ lực Quân khu II – và 17 chiến sỹ thuộc huyện đội Can Lộc. Ngay sau trận bom khốc liệt này, nhân dân xã Vĩnh Lộc bên bờ sông Nhe chỉ kịp tìm thấy và mai táng được 18 liệt sỹ… 35 năm sau, đúng vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mồng 2-9 năm 2003, nhân dân xã Vĩnh Lộc đã quyết tâm khai quật dưới chân Cầu Nhe – và xung quanh cầu – để tìm nốt các thi hài liệt sỹ còn lại. Quyết tâm của nhân dân Vĩnh Lộc đã được đền bù xứng đáng: Họ đã tìm thêm được 27 hài cốt liệt sỹ nữa, ở 27 vị trí khác nhau. Đến buổi chiều ngày 28 tháng 8 năm 2003 với sự có mặt đông đủ các đại biểu ở trung ương và địa phương, lễ truy điệu muộn mằn và trọng thể 27 liệt sỹ vô danh đã được tiến hành ngay tại xã Vĩnh Lộc. Sau đó, toàn thể nhân dân xã Vĩnh Lộc và các đại biểu đã tiễn đưa di hài các liệt sỹ về nơi an nghỉ cuối cùng, ở nghĩa trang liệt sỹ huyện Can Lộc…

Trong xe, cả nhà tôi im lặng nghe Minh nói. Tôi cũng không ngờ Minh giới thiệu đúng và xúc động đến thế. Có thể vì Minh cũng đã từng là người lính chăng?

Xe đến đầu Cầu Nhe thì dừng lại. dạt vào một góc bãi để xe.
Cả nhà tôi lại xuống xe, đi hàng một đến trước Nhà bia tưởng niệm.

Ở cầu Nhe không có bối cảnh hoành tráng như ở làng K130, nhưng lại có dòng sông Nhe êm đềm và làm nền cho Nhà tưởng niệm còn một hàng cây bằng lăng tươi tốt đang che rợp bóng sân. Trong nhà tưởng niệm, gian chính giữa đặt một lư hương rất lớn bằng đồng, luôn luôn nghi ngút khói hương. Trước lư hương là bệ đá hoa cương trắng muốt để khách thập phương đặt đồ lễ. Sau lư hương là tấm bia ghi đầy đủ họ tên, năm sinh, quê quán của bẩy mươi liệt sỹ hy sinh cùng một ngày 15 tháng 4 năm 1968 tại nơi này…

Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #103 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2011, 07:00:18 pm »

Gian bên trái nhà tưởng niệm là bảy mươi tấm ảnh  liệt sỹ đã được tráng men, xếp thành bảy hàng, theo thứ tự ABC … chứ không theo chức vụ và tuổi tác như ở một số nơi khác. Dưới mỗi tấm ảnh liệt sỹ đều ghi rõ họ tên… như trong bia tưởng niệm sau lư hương.

Gian bên phải nhà tưởng niệm là những tấm ảnh hiếm hoi của phóng viên Việt Nam thông tấn xã ghi lại được trong ngày 15 tháng 4 năm 1968 tại đây; và những tấm ảnh nhân dân xã Vĩnh Lộc truy tìm hài cốt các liệt sỹ Cầu Nhe sau 35 năm…

Minh đặt đồ lễ và thắp hương xong, cả nhà tôi đứng mặc niệm trước lư hương và tấm bia tập thể liệt sỹ cầu Nhe. Tôi cố gắng đọc những hàng chữ ghi quê quán của các liệt sỹ, và nhận ra rằng: gần khắp miền Bắc góp mặt ở đây liệt sỹ của mình. Tôi lại ứa nước mắt…
Minh nói:

- Còn sớm chán! Đoàn ta còn đi qua thôn Kim Bình, thuộc xã Trung Lộc – gần đây – để thăm Đài tưởng niệm các liệt sỹ Trung đoàn pháo 210…

Tôi nói tiếp luôn:

- Cả huyện Can Lộc có mười lăm khu di tích lịch sử nhưng Đoàn nhà mình chỉ đi những trọng điểm cần thiết nhất trong hôm nay thôi. Sau điểm này, chúng ta sẽ ra thẳng Ngã Ba Đồng Lộc, đường chim bay chỉ còn 1km!

Xe vào đến thôn Kim Bình, xã Trung Lộc, dừng lại trước Khu tưởng niệm Trung đoàn pháo 210 đúng lúc ba giờ chiều. Hai hàng cây bằng lăng đang đứng nghiêm chào khách.

Cả đoàn chúng tôi sững sờ trước vẻ uy nghi và hoành tráng của Khu tưởng niệm mới làm xong được ít năm nay. Khu nhà tưởng khang trang và bề thế lắm. Bên cạnh đó là một trận địa pháo cao xạ - y như thật – có mái vòm cao, trong suốt như pha lê, nhưng không phải là kính thông thường. Nắng và gió vẫn tràn ngập trong không gian trận địa tưởng niệm.

Chúng tôi được mời vào nhà tưởng niệm trước. Cả đoàn theo tôi bước lên chín bậc thềm rộng rãi, vừa bước chân đi thanh thản. Đón chúng tôi là một sỹ quan Pháo phòng không, cấp tá, cùng với hai cô hướng dẫn viên, cũng mặc quân phục, hàm Trung úy chuyên nghiệp. Các cô đều còn rất trẻ, duyên dáng và lịch sự, mời chúng tôi vào bên trong Nhà tưởng niệm, để hướng dẫn theo trình tự thời gian…

Những tấm ảnh ngày thành lập Trung đoàn 210 (25 tháng 9 năm 1959) thuộc Sư đoàn Phòng không, Không quân 367. Những ngày đầu bảo vệ Khu Gang thép Thái Nguyên. Những ngày bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 999 và 1000 ở Khu Gang thép. Những ngày đầu tháng 6 năm 1968 ở Ngã Ba Đồng Lộc. Tiểu đoàn D22 pháo 37 ly bảo vệ bến phà Linh Cảm. Năm đại đội pháo 57 ly và một tiểu đoàn pháo 24 ly, với ba đại đội pháo 37 ly bảo vệ Đồng Lộc.

Trận đầu tiên (6-6-1968) bắn rơi một máy bay Mỹ còn có ảnh đen trắng. Bắt đầu từ trận ngày 12 tháng 6 trở đi là các tranh minh họa. Mỗi bức tranh là một trận đánh, có kèm theo ảnh các liệt sỹ đã hy sinh ngay tại trận. Mỗi tấm ảnh liệt sỹ đều ghi rõ họ, tên, năm sinh, quê quán. Ai không có ảnh thì có chân dung truyền thần, chụp lại.

Trận đánh ngày 14 tháng 6 năm 1968 có ba bức tranh minh họa. Một bức vẽ đại đội 104 có hai liệt sỹ. Hai bức vẽ đại đội 102 có hai mươi liệt sỹ bao quanh. Tranh vẽ trận đánh ngày 6 tháng 8 năm 1968, Mỹ đánh thẳng vào chỉ huy sở Đại đội 101: Toàn bộ Đại đội 101 hy sinh. Xung quanh là ảnh hai mươi hai liệt sỹ đều còn rất trẻ… Cuối cùng là bảng tổng kết ghi rất rõ:

TRUNG ĐOÀN 210 – ĐƠN VỊ ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN – CÓ MẶT TẠI CHIẾN TRƯỜNG ĐỒNG LỘC VÀO ĐẦU THÁNG 6-1968, VƠI LỰC LƯỢNG HÙNG MẠNH, BAO GỒM 5 ĐẠI ĐỘI PHÁO 57 LY, 2 TIỂU ĐOÀN PHÁO 37 LY VÀ 11 ĐẠI ĐỘI HỎA LỰC. TỔNG CỘNG QUÂN SỐ KHI CÓ MẶT Ở ĐỒNG LỘC KHOẢNG 700 CHIẾN SỸ VÀ SĨ QUAN. SAU 147 NGÀY ĐÊM, VỚI 1076 TRẬN ĐÁNH ÁC LIỆT ĐÁNH TRẢ MÁY BAY MỸ, BĂN RƠI ĐƯỢC 12 CHIẾC; NHƯNG 122 ĐỒNG CHÍ ĐÃ HY SINH ANH DŨNG; TRONG ĐÓ CÓ 5/6 ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG ĐANG CHỈ HUY CHIẾN ĐẤU. 259 ĐỒNG CHÍ BỊ THƯƠNG NẶNG PHẢI CHUYỂN RA TUYẾN SAU. KHI CHIẾN TRƯỜNG ĐỒNG LỘC KẾT THÚC, TRUNG ĐOÀN PHÁO 210 CHỈ CÒN LẠI 40% LỰC LƯỢNG.

Tiếp theo bảng tổng kết về Trung đoàn 210, là hình ảnh các sỹ quan và chiến sỹ cũ của Trung đoàn 210 trở về Đồng Lộc tìm mộ đồng đội, di dời các di hài liệt sỹ về quê hương của họ. Hình ảnh thân nhân các gia đình liệt sỹ thăm trận địa cũ, nơi con, chồng hoặc cha anh họ đã hy sinh. Hình ảnh Tham mưu trưởng Trung đoàn Trần Bút và Đại đội trưởng đại đội 104 Nguyễn Văn Bảng ở Ngã Ba Đồng Lộc – những người còn sống sót, trở về Đồng Lộc hằng năm…

Tất cả những hình ảnh đó kết kết thúc tại Đài tưởng niệm liệt sỹ Trung đoàn 210. Một tấm bia đá đen rất to, khắc đủ tên,  tuổi, quê hương, chức vụ của từng liệt sỹ và ngày hy sinh. Thứ tự sắp xếp theo trình tự thời gian hy sinh, kẻ trước người sau, đủ tên 122 liệt sỹ… Nhìn vào phần quê hương của các liệt sỹ, tôi cũng thấy đầy đủ gần hết các tỉnh ở miền Bắc và miền Trung đều có đại diện ở tấm bia này…

Trước tấm bia đen to hết cỡ là lư hương hình ụ pháo, làm bằng đá đỏ Ngũ Hành Sơn. Bao nhiêu nén hương thơm cắm lên đây cũng được. Ngay trước Lư hương hình ụ pháo là cái đỉnh bằng đồng đen để đốt trầm. Trước đỉnh đốt trầm bệ đặt đồ lễ dài, lát gạch men màu nâu thẫm.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #104 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2011, 11:09:12 am »

Cả gia đình tôi đứng thẳng hàng ngay trước Đài tưởng niệm. Tất cả đều đứng nghiêm, im lặng nhìn lên. Chỉ có Minh là đứng chào theo kiểu người lính với các đồng đội đã hy sinh. Minh đang trào nước mắt…

Cô Trung úy hướng dẫn viên cùng tôi đi xuống chín bậc thềm Nhà tưởng niệm. Lúc nào cô cũng đề phòng tôi bị ngã, tôi cười:

- Cháu yên tâm. Ông vẫn còn khỏe… Cháu lên nhà tưởng niệm đi.

- Thưa ông, đến tháng 8 chúng cháu mới có nhiều khách ạ!

- Nhân ngày giỗ các liệt sỹ, phải không cháu?

- Vâng ạ!

- Khách du lịch phương Tây qua đây, có nhiều không?

- Thưa ông, nhiều ạ. Họ hỏi han kỹ càng lắm, rồi quay phim, chụp ảnh lia lịa. Có người còn ghi âm cả những lời thuyết minh bằng tiếng Anh của chúng cháu nữa! Thế là tự nhiên chị em chúng cháu phải thận trọng hơn, và nói cho chuẩn hơn…

- Có trường hợp nào… du khách là con cháu của những phi công Mỹ đã ném bom ở đây, và đến đây không?

- Thưa ông có ạ! Một lần… vào dịp hè năm ngoái, có một đôi vợ chồng người Mỹ đến. Họ xem Nhà tưởng niệm rất kỹ, và đều làm dấu thánh giá trước những tấm ảnh liệt sỹ bao quanh tranh mỗi trận đánh. Họ đứng rất lâu trước Đài tưởng niệm 122 liệt sỹ. Trước khi ra về, họ ngập ngừng hỏi cháu:

- Tôi là con một phi công Mỹ, trước đây đã ném bom vào Đồng Lộc. Chúng tôi sang tận đây, để hiểu vì sao cha tôi lại ân hận cho đến khi chết, vì quá khứ của mình. Giờ thì chúng tôi đã hiểu, và thông cảm với cha tôi nhưng nhân dân Đồng Lộc có tha thứ cho cha tôi không?

Cháu rất xúc động, trả lời họ:

- Nếu cha ông không ân hận gì về quá khứ của mình, thì nhân dân Việt Nam sẽ không tha thứ cho cha ông. Nhưng, cha ông đã ân hận cho đến khi chết.. . thì mọi người sẵn sàng tha thứ và thông cảm. Nửa thế kỷ trôi qua rồi… Thù hận dài lâu, phỏng có ích gì cho hòa bình và hạnh phúc của các dân tộc? Chúng tôi mong người Mỹ nào sang đây cũng có tình cảm như các bạn…

Cháu vừa nói xong, cả hai người ôm choàng lấy cháu, cùng khóc. Cháu cũng khóc theo… Mọi người xúm đến, ngạc nhiên, nhìn cháu. Cháu nói vắn tắt sự việc, để mọi người hiểu. Khi hiểu ra rồi mọi người đều bắt tay hai vợ chồng anh ta… Đó là một kỷ niệm đẹp, không bao giờ cháu quên được ông ạ!


Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #105 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2011, 09:36:57 pm »

Ngã Ba Đồng Lộc tràn ngập cờ, hoa và biểu ngữ “KỶ NIỆM 50 NĂM NGÃ BA ĐỒNG LỘC ANH HÙNG”. Xe lớn, xe nhỏ đủ các loại xếp kín một bên đường từ ngã ba Khiêm Ích, qua cầu Dương Tài đến ngã ba có một biểu trưng cho ngành Giao thông vận tải. Đó chính là Ngã Ba Đồng Lộc mới bây giờ.

Từ trên xe, chúng tôi thấy không biết bao nhiêu người là người. Tất cả đều ăn mặc chỉnh tề, trang nghiêm, và nhiều người sang trọng có mặt. Nhiều đoàn khách nước ngoài đứng lẫn với các đoàn Việt Nam khác, nhưng chúng tôi vẫn nhận ra họ, bởi mái tóc và trang phục rực rỡ hơn. Thanh niên ở mọi miền đất nước đều có đại biểu về đây. Thiếu nhi quàng khăn đỏ mấy xã quanh Ngã Ba Đồng Lộc cũng đều có mặt. Tất cả mọi người đều đứng xung quanh “Tượng đài chiến thắng” – tròn 20 tuổi – xây dựng xong năm 1998, Mậu Dần.

Tiếng loa truyền thanh của Ban Tổ chức lễ hội vang lên:

- Bây giờ là đúng 16 giờ. Tất cả chúng ta chuẩn bị làm lễ chào cờ.

Mọi người im lặng, sửa sang lại trang phục. Tôi lấy từ trong ngực áo vét ra tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng 2 còn mới tinh. Có Huân chương từ bao nhiêu năm nay, nhưng chưa bao giờ tôi đeo huân chương lên ngực – dù chỉ một lần. Nhưng lần này, về thăm Ngã Ba Đồng Lộc lần cuối cùng, tôi muốn tỏ lòng thành kính với các em tôi.

Huân chương vừa cài lên ve áo xong thì Ban nhạc của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam nổi Quốc ca. Tất cả mọi người đều đứng nghiêm, nhìn lên ngọn cờ ở vị trí cao nhất trên “Tượng đài chiến thắng” mà suy tưởng theo ý riêng mình. Những kỷ niệm thiêng liêng về lá cờ Tổ Quốc, ai mà chẳng có… Với riêng tôi, đó là lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện lần đầu tiên ở mười tám thôn Vườn Trầu trong Nam Kỳ khởi nghĩa; rồi đến lá cờ đỏ sao vàng trước Nhà Hát lớn Hà Nội trong ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945; Lá cờ trên quảng trường Ba Đình lịch sử trong ngày Quốc Khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phời bay trên nóc hầm Đờ-Cát ở Điện Biên Phủ năm 1954… Những lá cờ đỏ sao vàng tràn ngập trên phố phường Hà Nội trong ngày 10 thnág 10 cùng năm ấy. Tự nhiên, tôi liên tưởng đến những lá cờ đỏ sao vàng nhỏ hơn phủ trên nắp quan tài các liệt sỹ đã hy sinh, phủ trên nắp tiểu sành đựng di hài các liệt sỹ sau hơn ba mươi năm mới tìm thấy ở Cầu Nhe – Vĩnh Lộc.

Trên lễ đài có đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ; đại diện lãnh đạo tỉnh và các huyện ở Hà Tĩnh, các đoàn thể nhân dân trong tỉnh; một số Anh hùng thời chống Mỹ, giờ đây đã già lắm rồi. Tôi chỉ nhận ra La Thị Tám vì đã có một thời gặp gỡ. Bài diễn văn của vị Chủ tịch Tỉnh đang sang sảng trên loa…


                                                                                                        *
                                                                                                  *         *

Khu mộ của Mười Cô có nhiều thay đổi so với những lần tôi đến trước đây. Trước hết là cái hố bom ven đường không còn nông choèn như trước nữa. Nó là một hố bom to và sâu như thật. Bờ hố bom được ghép bằng đá hoa cương mầu đất đỏ, màu gan gà rất nghệ thuật, có sức bền mãi mãi với thời gian. Nước trong hố bom sâu trong veo và yên tĩnh. Lác đác có mấy bông hoa sen và hoa súng nở muộn. Từ trên bờ hố bom, mọi người vẫn có thể nhìn thấy nhiều con cá vàng đang bơi lội ở dưới đáy nước. Quanh bờ hố bom vẫn có những nén hương đang bốc khói, mảnh mai, uốn lượn theo chiều gió.

Mười cây hoa bằng lăng xòe tán rộng bao khu mộ Mười Cô. Hoa bằng lăng tím ngát đã nở rộ vào dịp đầu hạ, nay chỉ còn những chùm quả non và lác đác mấy bông hoa tím còn sót lại cuối mùa.

Đến trước các ngôi mộ quen thuộc tôi chợt nhận thấy lần này có một số thay đổi. Đó là sau mỗi ngôi mộ đều có thêm một tượng đồng bán thân của các cô. Tượng trông như thật, được đặt vững vàng trên những cột kim loại không han rỉ. Đặc biệt hơn cả là mỗi bức tượng đều đeo một sợi dây chuyền bằng bạc rất đẹp. Mỗi sợi dây chuyền đều đeo một tấm ảnh rất nét của mỗi cô. Khung ảnh hình ô van – bằng bạch kim.

Cả mười gia đình đều có mặt đông đủ. Gia đình ít người nhất cũng có đến năm người. Nhà nào cũng thấy có một cháu gái tầm tuổi 18 – 20 mặc bộ quần áo dài màu trắng, đứng ngay gần mộ liệt sỹ. Tôi chưa hiểu ra sao chợt nghe tiếng loa nho nhỏ vang ra từ khu mộ:

- 16 giờ 40 phút ngày 24 tháng 7 năm 1968 Mười Cô thanh niên xung phong A4-C552-P18 đã hy sinh trên mảnh đất thiêng liêng này. Để tưởng niệm Mười Cô hy sinh tròn 50 năm, chúng ta cùng mặc niệm…

Tất cả đều yên lặng. Không khí trang nghiêm đến tận cùng. Mọi người đều nghe rõ tiếng gió thổi vi vu trên những ngọn đồi phủ đầy cây xanh quanh khu mộ; Nghe rõ những tiếng nức nở cố kìm nén của các thân nhân liệt sỹ. Một phút sau, tiếng loa trầm và ấm lại vang lên:

- Xin mời đại diện Tỉnh Đoàn, Tỉnh Hội Phụ nữ, Tỉnh hội Cựu chiến binh, Công đoàn tỉnh, Tỉnh Hội Nông dân và lãnh đạo các huyện, thị có liệt sỹ hy sinh vào trong khu mộ Mười Cô.


Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #106 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2011, 09:18:49 pm »

Mọi người lại yên lặng, nhìn các đại biểu của Tỉnh tiến vào khu mộ. Mỗi vị đứng bên một bức tượng liệt sỹ. Khi đủ mười người, tiếng loa lại vang lên:

- Kể từ năm nay, nhân dân ta sẽ trao VÒNG TRUYỀN THỐNG cho các gia đình liệt sỹ của Tiểu đội Anh hùng này. Hậu duệ của Mười Cô nhận vòng truyền thống phải là những người chăm chỉ, ngoan ngoãn, hiếu thảo, học giỏi, có nhiều tài năng, có nhiều thành tích tốt trong học tập và công tác… Thời hạn đeo vòng Truyền thống là năm năm. Những người đeo chiếc vòng này sẽ được các Hội trao vòng bảo trợ về mọi mặt trong thời gian đó. Sau năm năm, lại đến thế hệ đàn em khác tiếp theo…

Mọi người lặng đi mấy giây vì sáng kiến bất ngờ này, rồi cùng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, loa truyền thanh nói tiếp:

- Lễ trao vòng truyền thống bắt đầu!

Năm màn ảnh truyền hình ở năm nơi trên Ngã Ba Đồng Lộc bắt đầu làm việc. Mọi người đều nhìn thấy cảnh các đại biểu bắt đầu nhấc những chiếc vòng Truyền thống từ những bức tượng các liệt sỹ  ra, rồi trân trọng choàng vào cổ những cô áo dài trắng – hậu duệ của từng liệt sỹ - đứng gần ngôi mộ nhất. Nhận vòng truyền thống xong, mỗi cô còn được nhận một gói quà tượng trưng và thẻ Truyền thống ghi tên mình. Mười Cô áo dài trắng xếp hàng ngang trước mộ Mười Cô, đều chắp tay trước ngực, và im lặng. Tiếng loa trầm và ấm lại vang lên:

- Chúng con xin thề trước linh hồn các liệt sỹ anh hùng là sẽ giữ vững Truyền thống vinh quang này đến trọn đời…

Buổi lễ trao vòng truyền thống kết thúc. Tiếng vỗ tay của mọi người lại vang lên khắp nơi… Các cô áo dài trắng đưa gia đình mình lên nhà khách Ban quản lý Khu di tích theo chương trình.

                                                                               *
                                                                         *         *
Yên lặng trước khu mộ Mười Cô đang ngập tràn khói hương, tôi nhìn từng pho tượng đồng mới dựng lên sau lưng mộ các cô. Cô nào cũng đang còn rất trẻ, phơi phới tuổi thanh xuân, tương lai nhiều hứa hẹn…
Tài hèn, sức mọn, nhưng tôi đã làm hết tâm lực của mình trong bao nhiêu năm qua, để tôn vinh tập thể các em cho đúng tầm lịch sử. Nếu còn gì thiếu sót, xin các em bỏ qua cho…

Năm nay, anh tám mươi tuổi rồi, không còn vào đây thăm nom các em như những năm trước đây được nữa. Anh sẽ lập bát hương riêng để thờ các em ở Hà Nội, phòng tuổi già sức yếu, anh không đi xa được… Khi nào anh thắp hương lên, các em hãy cùng nhau bay về Hà Nội với anh, dù chỉ có mấy bông hoa, chén nước nhạt và một chút thanh bông hoa quả theo mùa… Các em có đồng ý không?

Tôi đăm đắm nhìn lên pho tượng của  Võ Thị Tần, tự nhiên thấy Tần mỉm cười. Nhìn các pho tượng khác, cũng đều thấy các em mỉm cười cùng tôi… Chợt có tiếng nói thoang thoảng bên tai tôi:

- Em thay mặt tiểu đội Bốn cám ơn anh nhiều. Không phải là người con của Hà Tĩnh mà làm được như vậy, là quý lắm rồi. Anh đừng tự dằn vặt mình như thế. Chúng em đều ghi nhận tấm lòng anh…

Tôi chợt nhìn thấy các pho tượng đồng đều gật đầu với lời nói của Tần. Tôi dụi mắt, nhìn lên lần nữa. Các pho tượng vẫn im lặng, thản nhiên như lúc ban đầu…

Tôi tháo chiếc huân chương trên ngực áo, cho vào trong túi rồi đi lên nhà khách. Phía nhà khách sáng trưng, ồn ào, náo nhiệt quá.
Trong nhà khách đang có cuộc họp báo, nhà báo Trịnh Văn Cường ở Tạp chí Cộng sản đứng dạy, hỏi:

- Chúng tôi muốn biết: Tỉnh lấy kinh phí ở đâu để xây dựng mới một số Khu di tích, như ở Làng K130, ở Cầu Nhe và khu di tích Trung đoàn pháo 210.

Đồng chí Chủ tịch Tỉnh còn trẻ đàng hoàng trả lời:

- Chúng tôi có nhiều nguồn kinh phí để chi cho việc xây dựng các Khu di tích lịch sử nói trên. Đó là kinh phí của Nhà nước, là sự tự nguyện đóng góp của các thương gia Hà Tĩnh thành đạt ở khắp nơi trên thế giới gửi về; đó là những đồng tiền của Hội những người Mỹ yêu quý Việt Nam gửi sang. Hội này phần lớn các thành viên là con em của những người lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam từ năm 1960 đến 1975. Còn một nguồn kinh phí nữa, đó là việc thu hồi tài sản và tiền bạc của bọn tham nhũng các cấp, bị nhân dân phanh phui và truy tố trước pháp luật, trong mười năm lại đây…

Những tiếng vỗ tay kéo dài vang lên, nồng nhiệt khắp gian phòng.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #107 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2011, 10:38:52 pm »

Năm mươi năm về trước, ngày 24 tháng 7 năm 1968 rơi vào ngày 29 tháng 6 năm Mậu Thân. Cả đêm hôm đó, gần như không có mặt trăng, mọi người phải đốt đuốc lên để tìm thi hài Mười Cô. Năm nay, ngày giỗ các cô rơi vào ngày 12 tháng 6 năm Mậu Tuất. Trăng gần tròn, lại lên sớm, nên cảnh vật xung quanh Đồng Lộc đẹp một cách huyền ảo, dịu dàng. Đã thế, đèn trên Quảng trường Ngã Ba Đồng Lộc lại chiếu sáng khắp nơi, như ban ngày, khiến tôi có một cảm giác lạ lùng, không thể nào diễn tả nổi cảm xúc thiêng liếng đó.

Chúng tôi vào gian dành riêng cho các gia đình liệt sỹ. Một mâm cỗ còn nguyên vẹn đang chờ nhà tôi. Các mâm khác đã đông đủ mọi người ngồi. Mỗi mâm có một cô áo dài trắng đeo vòng Truyền thống chủ trì, thay mặt người đã khuất. Tôi xúc động nói:

- Xin chào các gia đình liệt sỹ! Năm nay, tôi vào thăm Ngã Ba Đồng Lộc là lấn cuối cùng, vì tuổi già sức yếu lắm rồi. Từ các năm sau, sẽ có các con và cháu tôi tiếp tục vào đây trong dịp giỗ Mười Cô. Xin chúc các gia đình liệt sỹ mạnh khoẻ, hạnh phúc, phát huy truyền thống anh hùng của Mười Cô đời đời, mãi mãi..

Anh Võ Xuân Tửu – em trai Võ Thị Tần – năm nay tròn bảy mươi tuổi, tóc bạc trắng, thay mặt các gia đình liệt sỹ, nói:

- Tôi xin thay mặt các gia đình liệt sỹ có lời cảm ơn bác Nghiêm Văn Tân và gia đình. Đã từ lâu rồi, chúng tôi coi bác như người nhà của chúng tôi. Mong bác luôn luôn mạnh khỏe, sống lâu, để khi có dịp con cháu chúng em còn ra thăm bác và gia đình ở Hà Nội.

Những cô A4 còn lại hôm nay cũng có mặt và đang tiến vào nhà khách với các gia đình. Đi đầu là Lê Thị Hồng, rồi đến Bùi Thị Tịnh, Lê Thị Lan, Trần Thị Nhị và Nguyễn Thị Hương. Riêng Xuân Đức Hồng không có mặt chẳng hiểu vì sao? Năm “bà lão” ngót nghét 70 tuổi tiến vào giữa vòng tay của các gia đình liệt sỹ. Họ là hiện thân của thế hệ liệt sỹ đã hy sinh. Nếu còn sống, họ cũng ngang tầm tuổi các o này, cũng đã lên chức bà nội, bà ngoại từ lâu rồi...

                                                                                 *
                                                                           *         *

Hội trường đã chật kín chỗ ngồi. Không khí của một ngày hội lớn đang tràn ngập khắp nơi. Mọi người đang chờ đợi màn trình diễn mở đầu đêm Vũ hội Nhớ ơn chợt có tiếng loa vang lên:

- Xin mọi người yên lặng, để đồng chí Chủ tịch Tỉnh thông báo một tin quan trọng.

Hội trường im phăng phắc ngay lập tức. Mọi người đều nhìn lên phía bục nói chuyện của các cuộc họp lớn ở đây, đã thấy ông Chủ tịch Tỉnh Hà Tĩnh đứng đó. Ông đang cầm một tờ giấy thông báo trong tay. Thấy mọi người đã yên lặng, ông tiến lại gần micro, nói:

- Kính thưa toàn thể nhân dân Hà Tĩnh.

Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý trong và ngoài nước đang có mặt tại Ngã Ba Đồng Lộc anh hùng.
Tôi xin thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, rất vui mừng được báo tin vui với tất cả mọi người.

Như chúng ta đã biết, Thiên thạch Asteroi 2004 MN4 dài gần 400 mét có thể lao vào trái đất vào ngày thứ sáu ngày 13 tháng 4 năm 2029, tức là ngày 30 tháng 2 năm Kỷ Mão. Thiên thạch Asteroi 2004 MN4 có khoảng 1600 megaton năng lượng, nếu lao vào trái đất. Nó không thể huỷ diệt được trái đất, nhưng có thể gây ra sự phá huỷ trên phạm vi khu vực lớn, gấp nhiều lần trận động đất và sóng thần ở Đông Nam Á ngày 26 tháng 12 năm 2004.

Mặc dù xác xuất thảm hoạ chỉ có 1 phần 300, nhưng các nhà khoa học trên thế giới đã cùng nhau tìm cách loại trừ thảm hoạ đang đe doạ trái đất này . Sau nhiều năm tính toán , tìm tòi, các nhà khoa học - chủ yếu là Nga và Mỹ - đã quyết định phóng tên lửa vũ trụ lên huỷ diệt Thiên thạch Asteroi 2004 MN4. Thiên thạch này đã bị huỷ diệt vào lúc 16 giờ ngày hôm nay, tức ngày 24 tháng 7 năm 2018, đúng vào lúc chúng ta đang tưởng niệm các liệt sỹ ở Ngã Ba Đồng Lộc anh hùng...

Cả hội trường ào lên những tràng pháo tay không ngớt và nồng nhiệt. Chờ cho mọi người yên lặng trở lại, ông Chủ tịch Tỉnh nói tiếp:

- Hôm nay, chúng tôi tổ chức Vũ hội Nhớ ơn, trước hết là để nhớ ơn các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ Quốc trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam, để dân tộc ta có những ngày như hôm nay. Sau đó, là để tỏ lòng biết ơn những người đã cứu vớt cả loài người tránh khỏi những thảm hoạ do thiên tai gây ra, như vụ phá huỷ Thiên thạch Asteroi, đem lại hoà bình và hạnh phúc cho toàn thế giới!

Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #108 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2011, 05:59:13 pm »

Cả hội trường vỗ tay rầm rầm. Con cháu tôi nhốn nháo cả lên trước tin vui bất ngờ này. Còn riêng một mình tôi, tôi khóc, vì không ngờ mình còn được sống đến những ngày như hôm nay...

                                                                                       *
                                                                                  *       *
 Có tiếng người gọi, và lay tôi tỉnh dậy. Tôi mở choàng mắt ra... Thấy mình đang nằm trên giường của khách sạn.
Tôi hỏi Đễ, vừa lay tôi dạy:

- Đây là đâu thế em?

- Khách sạn ở thành Vinh. Anh chuẩn bị lên đường về Hà Nội...

- Bây giờ là ngày, tháng, năm nào?

Đễ nhìn lên lịch treo tường:

- Hôm nay là thứ sáu ngày 17 tháng 10 năm 2003...

Tôi biết là mình đã trở về với thực tại, không thể nào níu kéo được giấc mơ tuyệt vời kia nữa. Tôi ứa nước mắt, thầm tự đặt câu hỏi:

- Đây chỉ là một giấc mơ hão huyền, hay một giấc mơ thiêng?

                                                                                         Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2004.

Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #109 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2011, 06:27:52 pm »


                                                                 PHẦN III. PHỤ LỤC

                                              SỐNG LẠI MỘT NGÃ BA ĐỒNG LỘC HUYỀN THOẠI

Rồi tôi cũng phải rơi nước mắt. Ráng kìm giữ. Càng ráng thì những giọt nước mắt càng ứa ra. Đó là cảm xúc của tôi khi đọc xong phần thứ nhất của cuốn truyện ký Mười cô gái Ngã Ba Đồng Lộc của Nghiêm Văn Tân, do NXB Phụ nữ in năm 2005. Trong đó phần một Đài Hoa Tím được coi như tái bản.

Mười cô gái Ngã Ba Đồng Lộc lâu nay đã thành đề tài cho bao nhiêu loại hình nghệ thuật. Và bây giờ, ở cuốn sách này, Nghiêm Văn Tân lại cho chúng ta được thêm lần sống lại cùng với thời những người con gái đã hy sinh anh dũng trên đất Hà Tĩnh năm nào. Trên đời này, đúng là có những cái chẳng cần tiểu thuyết hóa nó cũng đã đẹp lắm rồi. Chính vì thế, Nghiêm Văn Tân đã chọn thể loại truyện ký để kể về mười cô gái Ngã Ba Đồng Lộc. Tất cả còn trẻ măng. Người nhiều tuổi nhất mới hai mươi bốn tuổi. Người trẻ nhất vừa chớm tuổi mười tám. Cái tuổi mà các cô gái bây giờ tha hồ trưng diện, tha hồ thay xe, đổi mốt, thì mười cô gái anh hùng ngày ấy, suốt đêm suốt ngày bám mặt đường, chịu đựng bom đạn, giữ vững huyết mạch giao thông ở một điểm nút vô cùng quan trọng: Ngã Ba Đồng Lộc.

Không đầy ba trăm trang sách (nếu tính cả phần Vĩ Thanh) cứ hé lộ dần cuộc đời riêng của từng cô gái. Không chỉ là tính nết mà còn cả những vùng quê, người thân của mỗi người. Mười cô mười hoàn cảnh khác nhau. Có người cuộc sống thật éo le. Như tiểu đội phó Hồ Thị Cúc, cho đến lúc hy sinh chắc không mấy người biết được chị ấy đã lấy chồng từ năm mười tám tuổi. Người chồng bệnh tật, chết mất xác trên sông Ngàn Phố. Cũng ít người biết thân phận Hồ Thị Cúc ngay từ ngày còn thơ bé đã chịu cảnh mất cha, mẹ đi lấy chồng khi Cúc mới ba tuổi. Tám tuổi đã bị một tai nạ khủng khiếp: Nồi cám lợn đang sôi trút xuống lưng, để lại trên mình cô những vết sẹo bỏng lớn. Cúc mang thân phận như thế vào Thanh niên xung phong, sống trầm lặng nhưng giầu tình cảm với chị em trong tiểu đội. Cô đội viên Nguyễn Thị Nhỏ khi hy sinh mới mười chín tuổi, cũng có một số phận éo le. Cha bỏ mặc mẹ con cô đi theo người đàn bà khác. Mẹ lâm bệnh mất sớm. Cô sống trong sự đùm bọc chở che của người chị gái. Đến tuổi, cô tình nguyện đi thanh niên xung phong. Trong cô lúc nào cũng khát thèm hạnh phúc. Thèm khát đến mức tưởng tượng ra mình sẽ có một người yêu lái xe bánh xích. Trước lúc hy sinh, bạn bè tiểu đội đã giúp cô thấy một anh lái xe bánh xích bằng xương bằng thịt. Một chút thoáng qua, một bó hoa mua tím, một nụ cười, bàn tay vẫy khiến cô có được cảm giác hồi hộp của người yêu lần đầu. Ai biết được, sau đó ít phút cô đã bị bom Mỹ vùi lấp. Và cái hạnh phúc mà cô mong chờ kia không thể đến được, mãi mãi không đến được với cô. Tác giả Nghiêm Văn Tân đã khắc hoạ được mối tình rất đẹp của đội viên Nguyễn Thị Xuân. Cô người xã Vĩnh Lộc, nên chị em thường gọi cô là Xuân Vĩnh Lộc. Trong tiểu đội, ai cũng nghĩ là Xuân “đào hoa”, quen nhiều bạn trai. Thư bạn trai cũng rất nhiều. Ngày ấy mà có quan hệ như thế, sẽ được những người xung quanh đánh giá là thiếu đứng đắn. Mà đã thiếu đứng đắn thì đừng mong phấn đấu, đừng mong tiến bộ. Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần là nơi để Xuân thổ lộ tất cả. Thì ra, không phải như thế, trong trái tim Xuân chỉ có một mình anh Vĩnh, và chỉ có anh Vĩnh mà thôi.

Ngã Ba Đồng Lộc, túi bom, tử địa... Tất cả những cô gái ở tiểu đội Võ Thị Tần biết rất rõ điều ấy. Khi nhận nhiệm vụ ở đây, các cô đã chuẩn bị tinh thần rất vững. Nhưng họ còn rất trẻ. Dưới hai mươi một chút. Tình cảm gia đình còn đậm nét trong mỗi người. Họ chuẩn bị không chỉ cho mình, mà còn cho gia đình nữa. Dưới ngòi bút chân thực và giản dị, Nghiêm Văn Tân đã dựng lại cuộc chuẩn bị ấy giống như bộ đội tác chiến trên sa bàn vậy. Những cuộc về thăm gia đình của Xanh, Hà, Rạng... được mô tả thật kỹ càng, thật xúc động. Qua đó chúng ta thấy được một vùng quê Hà Tĩnh trong khói lửa chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Không khí chiến tranh hừng hực trong từng ngôi làng, trong từng căn nhà. Cùng với bom đạn là thiếu thốn, khó khăn. Miếng cơm, manh áo lúc đó của Hà Tĩnh là cả một chuyện lớn. Thế nhưng vì tiền tuyến, người Hà Tĩnh không tiếc một cái gì, kể cả những đứa con của mình dứt ruột để ra, những đứa em mà mình chăm chút ấp iu từ thuở nhỏ. Những cô gái Đồng Lộc được phép về thăm nhà chỉ một hai ngày thôi. 
Các cô không giấu gia đình là sẽ bám trụ ở Ngã Ba Đồng Lộc. Các cô cũng khống giấu giếm sự ác liệt ở đây. Các cô quá hiểu những người thân trong gia đình. Họ hiểu: Không phải vì bom đạn, chết chóc mà gia đình sẽ ngăn cản không cho các cô đi. Và đúng như thế, tất cả đều băn khoăn lo lắng, nhưng sau đó là cuộc tiễn đưa tuyệt vời với những lời dặn dò rất quen thuộc của những gia đình trung kiên lúc bấy giờ: Cố gắng cho bằng chị, bằng em. Mười cô gái Ngã Ba Đồng Lộc đã tranh thủ những ngày về thăm quê để tận hưởng những giây phút được mẹ vuốt ve, chiều chuộng, được chị chăm sóc nâng niu. Họ biết đó có thể là những giây phút hạnh phúc cuối cùng của đời mình. Có lẽ gia đình họ cũng nhận ra đây là những giây phút cuối cùng được gần gũi với con mình, em mình, nên bàn tay mẹ hình như ấm hơn. Bàn tay chị hình như cũng dịu dàng hơn. Có người mẹ nuôi một con gà, chỉ mong con về làm thịt cho con ăn một miếng ngon. Nhưng khi đứa con về lại tìm cách giấu con gà đi, không cho mẹ thịt.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM