Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:04:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Truyện ngắn - Tạp chí Sông Hương  (Đọc 64658 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #10 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2011, 09:48:34 pm »

Phía sau còn nhà. Cả ông A và ông B lúc này mới để ý. Chẳng trách gì ngoài này sơ sài, chỉ hai gian vách gỗ, bốn bộ bàn ăn. Góc trái phía trước đặt bếp và tủ thức ăn. Gần cửa thông ra sau và áp góc nhà kê một bộ dong gỗ. Nhà trong và gian ngoài cách nhau khoảng sân có mấy khóm chuối và vài cây trứng gà. Lúc này thì chủ quán như biến mất trong nhập nhoạng của mảnh vườn và từ đâu đó vọng ra tiếng tụng kinh gõ mõ. Trong ánh hoàng hôn chợt tắt và ánh đèn vừa chợt sáng, thời khắc giao hòa của ngày và đêm, của âm và dương, tiếng tụng kinh kèm với tiếng cốc cốc điểm nhịp khiến không gian trở nên huyền hoặc đến lạ lùng. Chưa từng được chứng kiến một khung cảnh đầy vẻ liêu trai thoát tục như thế này, cả hai bỗng nhiên dừng đũa thẫn thờ…

- Anh em ăn đi chứ, không quen miệng ư?

Chỉ nghe tiếng mà không thấy người. Chủ quán đứng đâu trong bóng tối nhập nhòa nơi góc nhà, sau vườn cây nói vọng ra. Thị xã đầu hôm, vùng ngoại ô vắng lặng buồn tê tái. Xa xa, có lẽ đó là trung tâm cũng chỉ hừng lên mấy quầng sáng, còn lại tất cả ánh đèn chỉ le lói như những ngôi sao lẻ xa lắc trong màn đêm cuối tháng. Cả hai giục nhau ăn cho xong bữa để tìm chỗ ngủ. Thế rồi bữa cơm cũng ăn xong. Khách vừa dừng đũa thì chủ quán xuất hiện.

- Lại bàn uống nước, mặc tôi.

Chủ quán bưng mâm bát ra sau nhà, một lúc thì tiếng nước chảy, tiếng kì miết và tiếng lách cách của va chạm bát đĩa. Vậy là chỉ mình ông, vừa nấu nướng vừa phục vụ. Ông B đưa mắt nhìn ông A. Người nhà đâu cả? Ai đang tụng kinh gõ mõ trong kia? Hai người thì thào trao đổi bên ấm trà đã được chủ quán pha sẵn.

- Nếu không chê thì anh em cứ nghỉ ở đây. Chủ quán chỉ vào bộ dong gỗ. Cũng đã có anh em bên nhà sang làm ăn ngủ ở đó rồi. Anh em đi đâu thì đi, tối về đây…

Khoảng chín giờ, phố xá vắng tanh. Thi thoảng mới có đôi ba chiếc xe máy vụt qua, ánh đèn quét sáng trước quán một vệt phút chốc mất hút trong màn đêm. Chủ quán dọn dẹp đồ đạc rồi đóng cửa đi ra nhà sau. Buổi đầu như thế là thuận lợi. Có chỗ ăn nghỉ, lại gặp người đồng hương… Kêu mệt đi nằm, ông B vừa đặt lưng đã nghe tiếng ngáy nhè nhẹ. Ông A cũng đi nằm, chỉ một lúc cũng chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau, khi cả hai thức dậy đã thấy bếp lò đỏ lửa. Chủ quán giục họ rửa ráy để ăn sáng và đi sớm cho được việc. Ăn mỗi người nắm xôi chấm với một thứ chẻo lạ nhưng rất ngon, hai người hẹn chiều tối sẽ quay về rồi ra đi.

Họ thống nhất chọn những khóm nhà rìa thị xã. Vùng này trước đây chiến sự ác liệt lắm. Đúng thế, khi được hỏi người ta bảo hầu như nhà nào ở đây cũng có chút gì đó do chiến tranh để lại. Mảnh bom pháo, vỏ đạn, xác xe cộ... Mấy năm gần đây đã có người thu gom nên bây giờ đã ít đi. Ông A bảo ông B, trâu bạc đi đâu mất mùa đấy, tưởng đâu dễ ăn… Mấy mụ ở nhà độc mồm độc miệng. Dù vậy cũng không đến nỗi trắng tay, đến nửa buổi sáng họ gặp được mấy vỏ bom bi, dăm ống pháo sáng bằng nhôm và khung một chiếc xe Jep cháy. Bữa trưa ăn tạm vắt xôi chủ quán đùm cho mang theo rồi họ đi tiếp. Lác đác họ lại gặp vỏ bom, ống pháo sáng… Mua ở đâu họ gửi tiền đặt cọc ở đó, hẹn ngày tập kết rồi thanh toán luôn. Người Lào chỉ nói một lời, chữ tín với họ là điều bất di bất dịch. Ngôn ngữ bất đồng, mọi giao dịch phần nhiều chỉ dùng bằng tay…

Thấm thoắt họ sang đây đã được ba ngày. Nhẩm số hàng mua được đã kha khá, đủ cho một xe tải nhẹ. Ông A bàn với bạn, ta chỉ cần ở thêm một ngày nữa. Ông B ậm ừ… có lẽ vậy…

Ba ngày đã qua, ngày nào cũng như ngày nào, sáng dậy ăn rồi đi, chiều về chủ quán đã dọn sẵn cơm canh chờ. Chẳng bữa nào giống bữa nào, thực đơn được thay liên tục khiến cả hai rất ngon miệng. Và bữa nào cũng vậy, chủ quán chờ họ ăn xong để dọn rửa rồi đi mới đi nằm. Và đêm nào cũng như đêm nào, thân thể bấy bá, chân cẳng mỏi nhừ, cả hai nằm chờ giấc ngủ trong tiếng tụng kinh và tiếng cốc cốc điểm nhịp tẻ nhạt vọng ra từ sau mảnh vườn um tùm bóng lá đầy huyền bí. Đã mấy ngày rồi mà họ không gặp ai ngoài ông già chủ quán. Mà chủ quán cũng chỉ như chiếc bóng âm thầm. Chỉ có tiếng tụng kinh là hiện hữu, nó luôn được bắt đầu mỗi lúc hoàng hôn nhuốm đỏ trời chiều cho tới tận khuya. Giấc ngủ của hai người như trôi trong miên man những lời kinh kệ nhuốm màu huyền hoặc.

Tối thứ ba, lúc đó có lẽ đã gần nửa đêm, ông B chợt thức bấm vào sườn ông A… Ở nhà trong hình như có tiếng đàn bà. Tiếng nói thì thào loáng thoáng không rõ, lúc tiếng Việt lúc tiếng Lào. Có lẽ vợ chồng chủ quán đang trao đổi gì đó để giúp họ… Nào là chỗ nọ, chỗ kia. Nghĩ thế một lúc rồi cả hai lại chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau, ông A nói với chủ quán rằng mấy ngày được bác giúp đỡ nhiều. Hôm nay bọn em đi một ngày nữa, tối xin bác cho thanh toán để sáng ngày kia về sớm. Chủ quán ư hử rồi lặng lẽ làm công việc.

Chiều đó, một phần cũng cảm thấy mỏi mệt, một phần hàng tập kết đã được kha khá nên ông A bàn với ông B nên về sớm. Lúc cả hai về đến quán cơm thì mặt trời hẵng còn khá cao. Bên kia sông là đất Thái, vẫn làng mạc ruộng đồng và lác đác đôi cụm nhà tầng cao vượt. Tất cả soi bóng xuống mặt nước được ánh nắng cuối chiều quét lên một màu vàng mật ong khiến cảnh sắc trở nên tráng lệ và u hoài đến thăm thẳm. Một cảnh tượng thật ít gặp… Điều đó khiến ông A chợt cảm thấy nhớ nhà. Còn ông B... Ông A nhìn ông B đứng bần thần, vẻ mặt hoang vắng như hóa đá ngoài cửa quán. Ông A lẩm bẩm, lão sao thế không biết...

Vẫn cũng như mọi hôm, cuối chiều quán vắng tanh, chủ dọn cơm rồi để mặc hai người. Ông già đi ra ngoài và từ nhà trong lại vang lên tiếng tụng kinh gõ mõ như mọi hôm.   

Bữa tối nay cả hai đều ăn uể oải. Chẳng phải thức ăn không ngon, cũng chẳng phải vì mệt. Tầng tầng khói bếp lưu cữu trong góc nhà, sự nhập nhoạng của thời khắc giao hòa sáng tối khiến họ có cảm giác không còn là mình nữa. Thế rồi bữa ăn cũng đã xong. Chủ quán bước vào để dọn rửa, tiếng loảng xoảng của mâm bát làm hai người như sực tỉnh. Lúc đã ngồi vào bàn nước, ông A lại nói lời cảm ơn vì mấy ngày nay được chủ quán coi như người nhà. Ông A đưa ra một nắm tiền. Xin bác cho thanh toán… Ô, thế ra chúng ta không phải người nhà à? Không, em không có ý đó, nhưng… Thôi, thế này... Cũng chẳng đáng mấy. Gặp được bà con bên mình là tôi vui rồi. Chuyện tiền nong tôi lấy chỗ này bù chỗ nọ… Mở hàng ăn tôi không lấy lời lãi làm đầu… Dạ, bọn em có tiền mà... Tôi không bảo anh em không có tiền… Chủ quán rút tờ một trăm nghìn. Được rồi… Sao bác lấy ít vậy, ông A kêu lên, nào tiền nghỉ, tiền ăn… vả lại hôm nào bác cũng cho ăn ngon… Ông A nhẩm tính, như bên nhà, chừng ấy bữa ăn, chưa nói tới việc đi về nghỉ ngơi đàng hoàng, cũng phải tốn bạc triệu, vậy mà… - Các chú ngon miệng là tôi vui. Toàn đồ chay cả, chẳng hết mấy… Tôi lấy vậy thôi. Người mình cả mà…

- Ôi, sao đồ chay mà ngon vậy, bác thật tài chế biến! - Ông A kêu.

- Tôi mở quán ăn chay đã mấy năm. Đường tu còn dài lắm, công phu tu tập chẳng bao giờ cho đủ…

Vẻ mặt bình thản, dáng điệu từ tốn khoan thai, chủ quán nói mà như đọc kinh Phật. Cả hai người đều hiểu họ đang được hưởng phúc từ ông, người cùng quê hương dòng giống... Chủ quán nói tới hai tiếng “người mình”. Vâng, người mình… đơn giản vậy mà lúc này, giữa mảnh đất xứ người được gọi lên sao mà ấm áp… Cả ông A và ông B ngồi yên lặng. Họ đâu có những năm đằng đẵng của người xa xứ để mà hiểu được tấm lòng đau đáu hướng về cố quốc của người chủ quán. Người xa xứ thì có nhiều nhưng có phải ai cũng có tấm lòng như vậy đâu. Hình như chủ quán đang có niềm trắc ẩn hoặc sám hối điều gì…
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #11 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2011, 09:49:37 pm »

Để phá bỏ bầu không khí có phần nặng nề bởi sáng mai họ đã về nước, ông A cố nói giọng vui vẻ:

- Bác vẫn chưa kể chuyện cho bọn em nghe… Bác sang đây từ...?

- Cũng mới thôi. Chiến tranh li loạn…

- Bác cũng là bộ đội??

- Không, tôi là lính Sài Gòn… Chắc anh em cũng là lính.

- Dạ, dạ... chúng em cũng có tham gia bộ đội… Ông B lên tiếng. Lính Sài Gòn thì cũng là người mình, hơn nữa bây giờ…

- Cứ để tôi nói. Giờ đây không là chi nữa nhưng hồi trước thì… Chẳng phải là tôi thanh minh đâu, thực lòng chẳng ai muốn… Tôi trốn lính mãi mà không được. Anh em tin không thì tùy… Người ta bảo với tôi rằng là người dân ai cũng phải có nghĩa vụ với nước. Thực lòng lúc đó tôi cũng nghĩ thế, nhưng hóa ra... hóa ra... Năm 71, lúc đó tôi đã ba mốt tuổi. Sau mấy tháng quân trường được điều ra Quảng Trị tham gia Lam Sơn 719. Chắc anh em biết… Kết cục lữ dù 3 tan tác ở đường 9 nam Lào. Lữ trưởng bị bắt, lính số chết số bị bắt, tản mát hết... Tôi may mắn trốn thoát… Ông dừng lại rót trà rồi nâng chén nước lặng lẽ uống…

Cả hai chăm chú nghe như ngừng thở. Câu chuyện đã bắt đầu vào hồi gay cấn… Vứt bỏ quần áo súng đạn, tôi chạy một mạch không còn biết trời đất. Vượt núi luồn rừng, mãi đến lúc màn đêm buông xuống và không còn nghe tiếng súng nữa thì tôi mới dám dừng lại. Lần đầu vào rừng, lại là rừng rậm, đủ thứ sợ… Sợ thú, sợ người… Cuối ngày hôm sau, đói quá tôi phải liều đi tìm cái ăn. Chỉ xuống gần nơi có người thì mới có cái ăn. Tôi chui lủi quanh các rẫy cũ bẻ ngô, moi sắn, vặt trộm đu đủ, chuối xanh… Khi không còn gì thì ăn rễ cây cóc nhái kiến bọ… Một hôm định mò ra đào trộm sắn thì tôi gặp người. Ông nói, nói bằng tiếng Việt… Đừng chạy nữa. Đi với tao. Hóa ra ông ta đã biết tôi trốn ở đó mấy hôm rồi…

- Bác ở với họ bao lâu? Ông A hỏi.

- Ban đầu thì ở chung, sau ra riêng... Họ tốt lắm, cho tôi ăn, cho tôi mặc...

- Sao bác không tìm về? Ông B buột miệng.

- Về ư? Giao tranh đang ác liệt. Đường xa rừng thẳm. Không chết vì cái này cũng chết vì cái kia. Biết đâu lại rơi vào tay… Tôi ăn cơm Lào, mặc áo quần Lào, cũng đi nương, cũng đi săn. Và trở thành người Lào… Mấy năm sau nghe tin bên nhà đã hòa bình tôi mừng lắm. Vậy là hết cảnh bắn giết, sẽ không còn cảnh li tán chết chóc. Tôi lưỡng lự phân vân, họ bảo Việt Nam hòa bình Lào cũng đã hòa bình. Mày muốn về thì về, không muốn về thì ở lại… Lúc đó nhà chẳng còn ai, ba tôi đã mất trước đó mấy năm, má tôi cũng chết do mảnh pháo ngoài ruộng...

Nói đến đây mắt chủ quán ngấn lệ. Cả ông A và ông B ngồi im phăng phắc, nỗi buồn từ chủ quán truyền sang khiến họ tê tái… Tôi có đứa em gái không biết trôi dạt phương nào. Có lẽ ở quê lúc đó tôi đã bị xóa khỏi tâm trí của mọi người. Sáu năm trời rồi còn gì… Bấy giờ chủ quán khóc thật, khóc lặng lẽ, khóc đau đớn. Ông A nhìn ông B, hai người nhìn nhau lặng lẽ. Điều gì khiến họ trở thành chỗ để người đàn ông xa xứ này chia sẻ điều sâu kín?…

- Điều đau nhất của tôi là mất vợ… Lấy bàn tay xương xẩu chùi nước mắt chủ quán nói tiếp. Trước lúc lên trực thăng ở Đông Hà, anh bạn người làng về thăm nhà lên cho tôi hay tin con vợ tôi đã theo một sĩ quan vào sài Gòn… Chồng ra trận, vợ ở nhà theo trai… Nhưng thôi, không nói tới chuyện đó nữa… Trong hai người có ai tham gia trận Lam Sơn không? Ông già đột nhiên đổi hướng câu chuyện

- Không, anh em chúng tôi sau đó vài năm mới vào bộ đội. Em ở Thượng Lào, còn ông này…

- Còn em... Ông A chưa nói chưa xong thì ông B tiếp, em là lính lái xe chạy tuyến phía Tây.

Trời đã tối, và từ nhà trong lại vọng ra tiếng đọc kinh và tiếng mõ cốc cốc… Hai thứ âm thanh hòa quyện như xe vào nhau và kéo dài như không đầu không cuối.

- Xin lỗi bác… Do dự một lúc rồi ông A mạnh dạn hỏi. Thưa bác… Có gì không phải mong bác bỏ quá cho. Phải chăng chỉ mình bác ở đây? - Vâng, chỉ có mình tôi… Sang đây tôi cũng có vợ, nhưng… bà ấy tịch đã ba năm rồi…

- Trời, em xin lỗi…

- Chú có lỗi gì…

- Dạ thưa... Bác đã theo đạo Phật? Ông B thăm dò…

- Mô phật, cuộc đời vô thường, đời người là bể khổ. Chẳng mấy ai thoát khỏi kiếp luân hồi… Bỏ công tu tập may ra kiếp sau bớt được khổ đau… Sau hai lần sinh không được nuôi con vợ chồng tôi quyết định ăn chay niệm Phật trọn kiếp tu hành... Giọng nói chủ quán  nhuốm vẻ bi ai.

- Thế bác có bác gái lúc nào?

- Chuyện dài lắm, anh em đã buồn ngủ chưa?

- Chưa, chưa, bác kể tiếp đi!

- Ở trong nhà người Lào đó được mấy tháng thì xin ra ở riêng. Tôi dựng một gian nhỏ ngoài rìa bản, cũng phát nương tỉa bắp, cũng nuôi con chó con gà… Vậy mà ngày tháng trôi qua lúc nào. Dạo đó hòa bình đã gần một năm và đến mùa mưa. Mùa mưa bên này thì các chú biết rồi. Mưa dầm dề dẳng dai. Mưa ngập sông ngập suối mưa thúi đất thúi đai… Trưa đó, ngồi trong nhà nhìn ra tôi thấy một cái bóng chờn vờn bên kia đồi. Đầu tiên là một chấm nhỏ xuất hiện từ mí rừng rồi cứ xịch dần xịch dần. Hóa ra đó là người, một người có dáng điệu kì quái.

Chừng như đã mỏi, chủ quán ngừng kể, đi lại góc nhà kéo chiếc ghế phô tơi cũ đặt cạnh thành phản rồi ngả lưng. Đã gần chín giờ, nhà trong vẫn tiếng đọc kinh và tiếng cốc cốc vọng ra đều đặn miên man. Giọng chủ quán rủ rỉ, không gian yên ắng, tiếng đọc kinh và tiếng mõ đều đều càng vang lên rành rọt. Bất ngờ, giọng chủ quán cao vút khiến ông B giật mình.

- Tôi như không tin vào mắt mình. Chẳng lẽ là ma?… Nhưng không phải. Không phải ma mà là người. Một người đàn bà, một cô bộ đội Việt… Tôi nhận ra điều đó nhờ vào cái quần quân phục và cái nón vải ướt mèm trật bên vai khi cổ đến gần…

- Sao lại là bộ đội nữ… Ông A không hiểu.

- Đúng là nữ quân nhân, một cô bộ đội… Nhưng cổ bị điên… Cổ bị người ta bỏ quên…

- Bị bỏ quên…

Thật không thể tin được. Ông A lẩm bẩm trong miệng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #12 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2011, 09:51:30 pm »

- Thế đấy. Hòa bình đã được hơn một năm… Tỉnh lại cổ kể cho tôi nghe… Cổ là lính coi kho. Kho ở giữa rừng mà suốt ngày nhộn nhịp đông vui. Đi chiến trường hóa ra lại vui. Dạo đó là cuối năm bảy tư, khí thế cách mạng hừng hực… Ban đầu thì thế, không hiểu sao xe vào thưa dần, thưa dần rồi mất hẳn. Ba cô gái giữa rừng sâu không bom đạn, không cả tiếng máy bay. Vài tháng sau hai người kia lần lượt chết, một do sốt rét một bị rắn độc cắn. Vậy là chỉ còn lại một mình cổ. Một mình giữa rừng sâu, đàn ông còn hoảng huống chi là đàn bà con gái… Thân gái côi cút đơn độc hàng năm trời, đêm hôm, mưa gió… Chắc mưa rừng các chú đã biết…

Dạ, dạ… Họ trả lời như như máy và cảm thấy trong đầu bùng bùng, ầm oàng sấm chớp của những trận mưa rừng đã gặp… Ông A rùng mình nhớ lại những trận mưa hãi hùng ở vùng núi cao thượng Lào. Rừng núi bịt bùng. Những tầng mây đen ngập trời sà thấp tận ngọn cây và sấm chớp như muốn đánh vỡ cả núi non. Con người lúc đó có cảm giác như đang nằm dưới đáy đại dương đen ngòm…

- Cổ không đi một mình…, trên tay còn có đứa con… Chẳng biết ai đã để lại cho cổ đứa con…

Cả ông A và ông B lại điếng người. Câu chuyện sao mà kinh khủng, sao mà khó tin. Làm sao có chuyện như vậy được. Biết rằng trong chiến tranh tất cả mọi chuyện đều có thể, nhưng… Số phận con người cùng cực đến thế thì khó mà tưởng tượng nổi.

- Mình cổ để trần, khoác chéo qua người một đoạn dây rừng ngoắc lủng lẳng những vỏ lon, những củ sắn và túm rau rừng… Một tay bế con một tay cổ uốn éo vừa đi vừa múa.

Không khí trong quán như đặc quánh, cả hai nín thở. Câu chuyện càng lúc càng cuốn hút đến rợn người… - Cô ta xuống đến trước cái lều thì tôi đi ra. Tôi định ra bảo cô vô nhà trú mưa. Nhưng thấy tôi, cô giật mình hốt hoảng bế con chạy ngược trở lại vào rừng. Tôi chạy theo gào khản cả cổ mà cổ đâu có dừng… Mưa quất chéo rát và tối tăm mặt mũi. Thoáng chốc cô mất hút trong màn mưa. Lúc đó tôi chưa biết trong cái bọc là đứa con. Tôi cứ cắm môi bước, vừa đi vừa vạch lá tìm. Lúc lâu tôi mới bắt gặp được hai mẹ con. Dưới một gốc cây to cô ta đang cho con bú… Cổ còn trẻ lắm các chú ạ, còn trẻ lắm, có lẽ chưa tới hai mươi... Da xanh tái, tóc tai dính bết trên khuôn mặt xanh xao Tấm lưng trần gồ lên những đốt sống và những dẻ sườn... Chỉ có hai bầu vú… Hai bầu vú của người đàn bà trẻ trong kì nuôi con… nó đầy đặn... Lúc này thì giọng ông to hơn và như muốn đứt hơi... Bầu vú hồng hào... căng mọng… Các chú biết không? Ngước lên nhìn tôi bằng cặp mắt ngây dại, vô hồn rồi cổ lại cúi xuống cho con bú. Một tay cổ đỡ đầu đứa bé, một tay nâng bầu vú có cái núm thâm thâm ấn vào cái miệng bé tin hin… Nhưng... Ông nấc lên. Đứa bé… nó đã chết…

- Trời… Ông A và ông B đồng loạt thốt lên… Cả hai người bủn rủn chân tay.

...Sữa hòa với nước mưa chảy tràn trên khuôn mặt bé tí, đã tím bầm và trương mọng… Thế đó. Đứa bé đã chết… Nó đã chết. Có lẽ đã mấy ngày rồi. Chủ quán nấc lên… Thân thể nó tím ngắt và đã bốc mùi... Lúc đến gần nghe mùi khăn khẳn tôi chưa nhận ra… Cô ấy không biết gì hết, không hề biết. Đứng nhìn những giọt mưa như những mũi tên cắm xuống vỡ tan trên tấm lưng trần, vỡ tan trên khuôn mặt tím đen căng mọng của đứa bé và trên bầu vú no tròn trắng xanh của cổ mà tôi chết lặng...

Lúc này chủ quán cũng đang chết lặng, khuôn mặt tái nhợt và ngồi thở dốc. Trong không gian nhỏ của ngôi nhà chỉ có tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ chạy ở đâu đó vang lên rành rọt và một lúc thì lại có tiếng cốc cốc kèm theo tiếng tụng kinh vọng ra.

Chẳng lẽ những tiếng đó từ nơi khác vọng đến. Chung quanh đây có nhà nào gần đâu. Ông A nhìn sang, ông B vẫn ngồi bất động như đã hóa đá.

- Thế rồi sao nữa bác? Một lát thì ông A đánh bạo hỏi.

- Tỉnh lại tôi rất hoảng. Một lúc nhớ ra tôi chạy về bản gọi thêm người. Nghĩ rằng khó lòng mà dằng được đứa bé ra khỏi mẹ nó, ai ngờ… Tôi vừa đưa tay ra thì cô đã đặt nó vào tay tôi. Vừa chạm tay vào cái bọc thì một mùi hôi khắm không thể tả xộc lên khiến tôi nôn thốc nôn tháo… Nói đến đây ông nhăn mặt và đầy vẻ đau đớn… Lại ắng lặng một hồi lâu… Mấy người Lào dằng lấy cái xác trong tay tôi… Hiểu ra, tôi nắm lấy tay cổ, rồi tôi dìu cổ. Mưa to lắm, đường rừng vừa trơn vừa nhiều gai góc và đá nhọn. Lết đi được một đoạn, khi nhận ra không còn đứa bé trên tay cô lại gào lên rồi cấu xé tôi… Người ta đã chôn đứa bé… Dìu cổ về lều được một lúc thì mấy người đàn ông quay về báo đã chôn nó. Người ta chôn nó trong mưa, không hương không khói... Vậy là cái lều của tôi có thêm người đàn bà. Dân bản bảo nó là người Việt thì nó phải ở với mày. Có cổ trong nhà, tôi bận lắm. Hàng ngày phải canh cổ, đến bữa ăn cũng phải dỗ phải đút, lúc ngủ cũng phải canh. Có lúc cô xé toang áo quần rồi chạy vào rừng tìm con… Rất nhiều lần như thế. Phải tới nửa năm cổ mới hồi phục. Chẳng biết do tôi dỗ dành gợi nhắc hay do các loại lá cây, rễ cỏ dân bản mang cho mà cô khỏi điên.

- Thế rồi cô ta ở với bác chứ?

- Vâng. Có lẽ đó là duyên tiền định. Tôi yêu cổ ngay từ lúc dìu về và nghĩ rằng đây mới là người đàn bà của mình… Tiếp đến là những ngày chỉ có hai người… Tôi đút cho cổ ăn, tắm rửa cho cổ. Chúng tôi thành vợ thành chồng y như trời phật đã định sẵn vậy.

- Chuyện thật là… hiếm gặp, bác nhỉ. Mà sao cô lại…

- Thật tội nghiệp cho cổ… Cái kho... cổ không thể bỏ cái kho… Biết đâu sẽ có xe quay lại nhận hàng… Hơn một năm sống trong chờ mong đến tuyệt vọng… Hòa bình đã từ lâu, người ta kéo nhau về hết mà cổ đâu có biết… vẫn một mình với cái kho. Một mình tự xoay trở tất cả. Đứa bé chưa đầy năm bị ốm, chẳng biết xoay xở ra sao, cổ liều mạng bế con vượt rừng…

Trước mặt họ lúc này là một pho tượng, một pho tượng nhà mồ khô đét gồ ghề những vết rìu đẽo vạc. Chủ quán đã ngừng nói, ông hộc lên đau đớn như một con thú bị thương. Nỗi khổ đau của người đàn bà được ông cứu vớt và lấy làm vợ, dù đã mấy chục năm nay đang trở về hành hạ ông. Ông cứ ngồi thế, nét mặt đông cứng và toàn thân câm lặng. Chủ quán khiến cả hai nín thở và cảm thấy đau nhức vòm ngực. Mặt ông A tái xanh còn ông B run lẩy bẩy và mất hết thần sắc.

Chẳng biết lúc đó là mấy giờ. Xa xa, bên kia sông, phần đất Thái, ánh điện đang hồng rực, đang sáng xanh trên những tòa nhà cao tầng. Mặt trời lặn ở bên đó. Ông B nhớ chiều đầu tiên đến đây, trước khi tắt mặt trời cũng để lại một mặt nước sông Mê Công đỏ ngầu như màu máu... Câu chuyện của chủ quán khiến ông lúc này chỉ biết ngồi im lặng. Hình như không chịu được nữa sự nặng nề, căng thẳng, ông rụt rè.

- Thưa… sau đó thì thế nào ạ? 

- Chúng tôi trở thành vợ chồng và quyết định sẽ không về nước. Một năm sau chúng tôi dời xuống đồng bằng, cốt tránh xa cái nơi ám ảnh đau thương ấy. Thế rồi lại từ ATôPơ lên Thà Khẹt và bây giờ... trụ lại đây… Từng ấy thời gian, hai lần sinh đều chỉ là một bọc thịt… Chủ quán lắc đầu đau đớn. Họ rùng mình ớn lạnh…- Thấm thoắt thế mà đã sắp hết một đời người. Cổ đã chết, tôi cũng chẳng còn sống được bao nhiêu... Phật dạy muốn thoát khỏi luân hồi, người tu tập phải đi trên con đường vô ngã… Tôi biết đường về cõi niết bàn thì mịt mờ thăm thẳm. Một mình tôi vẫn cố giữ, quyết không xa rời năm giới, gắng sống sao để được phúc cho đời sau… Cổ làm gì mà phải chết buồn chết khổ như vậy. Khi sinh ra bọc thịt thứ hai cổ khóc đến mù cả hai mắt… Cổ chết… sau đó mấy tháng… Mười tám tuổi đi bộ đội, chân ướt chân ráo đã vào Trường Sơn coi kho. Còn tôi, tuy cầm súng nhưng đã nổ phát đạn nào đâu… Hay là 0tại kiếp trước… Chẳng biết kiếp trước chúng tôi ăn ở thế nào mà chịu quả báo như vậy. Thôi, khuya rồi đó, các chú đi nghỉ đi, mai còn về…

Chủ quán đứng dậy rồi mất hút vào khoảng tối sau nhà. Ông A và ông B cũng lẳng lặng lên chỗ ngủ. Đã quá nửa đêm, giấc ngủ đến với họ chập chờn chao đảo. Ông A nghe rành rọt tiếng tụng kinh, tiếng gõ mõ, rồi lại thấy như hương khói từ đâu đó ùa đến phủ kín chỗ nằm. Xa xa ánh đèn le lói như ma trơi dọi tới rồi tiếng nói tiếng cười lao xao và có cả tiếng rậm rịch của bước chân. Có lúc ông lại thấy bộ dong dưới lưng rung rinh trôi nổi. Ông bật dậy và giật mình. Chẳng biết bạn ông đã dậy từ bao giờ, một mình trong bóng tối và đang nói chuyện với ai đó…

Tiếng của ông B: Thế con chúng ta đâu… Sao em không báo cho anh… Ngày đó đang chiến dịch, gấp lắm… Giải phóng Sài Gòn… Về quê em người ta bảo em đã có giấy báo tử… Giọng ráo hoảnh như tiếng nói từ một cõi nào đó âm u vọng về, ông B vẫn độc thoại.

Ông A định lay cho bạn tỉnh lại thì bỗng dưng toàn thân ông B nảy lên bần bật rồi vọt xuống đất lao thẳng ra cửa.

Bóng đêm đã nuốt chửng ông B.

Quay vào nhà, ông A hốt hoảng định gọi chủ quán nhưng sững lại. Trong khuya khoắt thanh vắng, lại tiếng tụng kinh và tiếng mõ cốc cốc lại vang lên rành rọt. Trời ơi, mình biết làm sao đây…

Tháng 4 năm 2010
N.N.L
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #13 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 07:59:59 am »

HÔ-VI-LÔ

NGUYỄN KHẮC PHỤC


Ông X nổi tiếng đến nỗi, chỉ cần tôi nhắc tên ổng trước mặt bạn, bạn sẽ ồ lên đầy vẻ háo hức và lẩm nhẩm hát ngay một giai điệu nào đó trong một bài hát nào đó của ông.

Vì một công vụ, tôi buộc phải có mặt tại thành phố N. vào những ngày tháng sáu nóng khủng khiếp. Nóng đến nỗi, trước tám giờ tối, những công dân thành phố thích nấp dưới những bóng cây dọc con sông chảy qua thành phố hơn là trở về ngôi nhà nóng nảy của mình… May mắn thay, tôi được sắp xếp ở khách sạn K., một khách sạn không sang trọng gì so với các khách sạn khác trong thành phố. Nhưng nó lại nằm mấp mé bờ sông đoạn nối với biển nên gió trời thường xuyên thăm viếng các cửa sổ của nó. Bên cạnh cái hay bao giờ cũng kèm cái dở. Vì mấp mé bờ sông nên khách khứa trọ tại đây có nhiều dịp để thưởng thức mùi cá các loại từ khô, ướt, đến các mùi vị ươn nồng khác của cái bến cá tấp nập cho đến nửa đêm mỗi ngày… Và tôi được xếp phòng cạnh ngay căn phòng của ông X. Dĩ nhiên, như tôi vừa nói trên, cái hay và cái dở thường đánh bạn với nhau. Tôi được hưởng cái diễm phúc làm người hàng xóm với nhân vật nổi tiếng kia. Nhưng kèm theo lại có một tai họa. Ông X không mấy khi nhớ mở chốt cửa phòng vệ sinh sau khi đã sử dụng nó. Tôi cũng cần thuật lại một chút để các bạn có thể hiểu được cái bố cục kỳ khôi của khách sạn K. Để tiết kiệm diện tích và tăng thêm số phòng cho thuê, người thiết kế đã bố trí hai phòng ở liền nhau dùng chung một toa-lét. Bên này sử dụng thì mở cửa phần mình bước vào và khóa chốt của phần bên kia. Xong bao giờ cũng phải nhớ mở chốt cho láng giềng. Nhưng ông X lại ít khi dành thì giờ cho những chuyện lặt vặt như vậy. Đương nhiên sự đãng trí ấy của ông X gây cho tôi những trở ngại đáng kể trong sinh hoạt và không khỏi có lúc oán trách ông…

Nhưng cứ hễ có dịp ngó thấy mặt ông đăm chiêu, tư lự, khi hân hoan nồng nàn khi trăn trở mở rộng với mái tóc muối tiêu lượn sóng duyên dáng đi dọc hành lang tầng hai khách sạn, tôi lại ân hận và xấu hổ trước những nỗi khó chịu tầm thường của tôi. Nghệ sĩ thì phải vậy chớ, ông đâu còn tâm trí để nhớ cửa toa lét cho mình một khi những con ong vàng vo ve bên tai ông những nốt nhạc thần thánh hay êm ái… Tôi còn được những nhân viên khách sạn long trọng kể cho hay rằng, ông là khách mời đặc biệt của địa phương. Và mọi người đều hồi hộp chờ đợi ở ông một sáng tác phẩm, cụ thể là một ca khúc tuyệt vời như ông đã có dịp làm cho những địa phương khác trước đây. Bạn thử nghĩ xem, bạn kiêu hãnh vì quê hương bạn, bạn xúc động mỗi lần quê hương bạn hiện lên trong phim ảnh hoặc được người ta ca tụng trên báo chí hẳn bạn sẽ hiểu nỗi háo hức của những người ở đây chờ đợi ca khúc của ông X viết về mảnh đất yêu dấu của mình… Trong đó họ sẽ bắt gặp những giai điệu hào hùng, mà lại đằm thắm âm hưởng quê nhà…

Tôi còn biết thêm điều này nữa, ông X rất chú ý đến chiến công thời chống Mỹ của các chiến sĩ biệt động thành N. Ông dự tính phải viết bằng được một ca khúc tầm cỡ để ca tụng họ và thông qua cái sự ca tụng ấy bầy tỏ lòng biết ơn của nghệ sĩ đối với những người anh hùng, những người đã cung cấp chất liệu sống cho các nghệ sĩ cảm hứng và sáng tạo… Chỉ đến cuối tuần này ông sẽ tổ chức hát, trình bày bài hát đó trước đông đảo các vị đại biểu có thẩm quyền và hâm mộ âm nhạc nói chung, tài năng của ông nói riêng…

Vào một buổi chiều, có một chuyện đáng tiếc xảy ra trong phòng ăn. Từ trước tới rày, ông X thường ăn tiêu chuẩn 150 đồng một ngày. Không hiểu cô gái chịu trách nhiệm báo cơm nhằm đúng ngày có những xáo trộn về mặt trí nhớ báo lầm phần ăn của ông tụt xuống 50 đồng một ngày. Đứng ngay giữa phòng ăn, ông X mặt đỏ tía tai quát lên:

- Tôi là ai cô biết rồi chớ? Tôi có phải hạng người ăn thứ cơm 50 đồng không? - Cô gái báo cơm run lên, rồi rối rít xin lỗi và thật sự ân hận. Nhưng cơn giận dữ vì tự coi là cô gái cố ý làm nhục mình, ông X đùng đùng bỏ ra khỏi phòng ăn. Ông đi rồi, tất cả chúng tôi vội vã ngó vào phần ăn của mình để xem mình là hạng người nào. Hầu như tất cả chúng tôi đều là hạng ăn cơm 50 đồng một ngày…

Rồi cuối cùng ngày ông tổ chức trình bày ca khúc của ổng ca tụng các chiến sĩ biệt động mang một cái tựa đề khá gợi cảm và khái quát: “Hát về em, người nữ anh hùng biệt động”. Tôi không được vinh dự là khách dự buổi trình bày ấy nên không hiểu diễn biến cụ thể ra sao. Nhưng biết chắc một điều, buổi biểu diễn phải thành công lắm thì gương mặt ông mới rạng rỡ thế kia khi ông trở lại phòng. Và có lẽ ngây ngất trong vinh quang và xúc động, ông thấy cần chia xẻ chút ít với tôi, kẻ láng giềng bất hạnh của ông. Ổng nhẹ nhàng gõ cửa phòng tôi. Mở cửa trông thấy ông, tôi sung sướng mời ổng vào và long trọng khác thường mời ông dùng tạm ly trà Mai Hạc. Thế là quên bẵng nỗi buồn bị liệt vào hạng người ăn cơm bậc thấp nhất trong khách sạn, tôi rụt rè hỏi ổng: do đâu mà ông có thể viết bài hát tuyệt vời và chân thực đến thế. Ngạc nhiên vì sự thiếu hiểu biết và máy móc của tôi, ông trả lời hóm hỉnh: “Anh hãy yêu đi, anh sẽ hiểu bí quyết thành công của nghệ thuật!”

Vừa lúc đó một đồng chí phụ trách văn hoá địa phương lên thăm và chúc mừng thành công của ông X bước vào phòng tôi. Chúng tôi nói nhiều chuyện nhưng chủ yếu xoay quanh việc ca tụng và thán phục tài năng của ổng… Bỗng nhiên ở căn phòng đối diện, căn phòng dành cho những nhân viên khách sạn trực đêm văng vẳng ra một giọng hát phụ nữ, hát sai nhạc nhưng khá cảm động. Đặc biệt hơn nữa, cô gái nào đó trong căn phòng ấy lại hát đúng bài của ổng vừa sáng tác và vừa trình bày. Hình như người hát mỗi lúc một say sưa, cho nên bên cạnh cái vụng về chính ông X cũng phải thừa nhận, “ca sĩ” nghiệp dư này hát có hồn hơn ca sĩ chuyên nghiệp nhiều… Đồng chí phụ trách văn hoá mở cửa bước ra và ghé mắt vào cửa sổ che rèm sơ sài của căn phòng ấy nhìn mặt “ca sĩ” và hào hứng trở lại:

- Các anh biết không, người đang hát dĩ nhiên phải có hồn hơn ca sĩ chuyên nghiệp vì một lẽ đơn giản: chính chị ấy là nữ anh hùng biệt động thành N. thời chống Mỹ. - Không để ý tới thái độ kinh ngạc của tôi và ông X., đồng chí ấy kể tiếp: - Và hiện giờ chị ấy làm một công việc hết sức khiêm tốn: chuyên báo cơm cho khách ở khách sạn này!

Không hiểu ông X nghĩ gì lúc đó, còn tôi, tôi nhớ đến gương mặt bối rối và thái độ cuống quít của người nữ anh hùng ngày xưa ấy trước mặt nghệ sĩ sáng tác bài hát ca tụng chính chị khi chị báo cơm lầm từ 150 đồng xuống 50 đồng một ngày… - Và các anh hãy lắng nghe, dưới đường vừa vọng lên tiếng gì đó mơ hồ như là: Hô-vi-lô… Tôi lắng nghe, vâng, quả thực là tiếng Hô-vi-lô của những người bán dạo hột vịt lộn trước cửa khách sạn. Tiếng rao ấy liên quan gì đến người nữ anh hùng biệt động và người nhạc sĩ nổi tiếng? Đồng chí ấy nói tiếp:

- Một trong những chiến công chói lọi nhất của chị ấy và đồng đội là trận đánh bọn sĩ quan Mỹ trong chính khách sạn này… (khi ấy đây là cư xá của chúng)… Họ đã dùng tiếng rao của những người bán hột vịt lộn làm khẩu lệnh tấn công… Hô-vi-lô… có giống ba nốt nhạc kỳ diệu không, thưa nhạc sĩ X?

Thành N ngày 20 tháng 9 năm 1983
N.K.P
(4/12-83)

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #14 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 08:03:09 am »

NGƯỜI CHA

NGUYỄN QUANG HÀ

Lúc bố đi bộ đội thì Nguyệt còn nhỏ lắm. Nhưng Nguyệt vẫn nhớ rất kỹ ngày đơn vị bố hành quân đi B, qua làng. Bố ghé tạt thăm nhà một tí thôi là đi ngay.

Mẹ con Nguyệt tiễn bố một chặng đường dài. Sau lưng bố đeo ba lô. Trước ngực bố bế Nguyệt. Mẹ đi theo sau. Cả nhà lọt thỏm vào giữa hàng quân dài dằng dặc. Đến bến đò quan thì hai mẹ con dừng lại. Nguyệt lấy tấm ảnh mới chụp để trong ví mẹ, tặng bố. Bố hôn lên trán Nguyệt, rồi xa, từ đấy.

Không ngờ, mấy tháng sau, Mỹ thả bom xuống cánh đồng đang gặt, Nguyệt không còn mẹ nữa. Bị một mảnh bom trúng ngực, mẹ Nguyệt chết ngay tại chỗ. Mẹ chết, Nguyệt khóc mấy ngày liền.

Càng thương mẹ, Nguyệt càng nhớ bố. Nguyệt hỏi ông bà:

- Bao giờ bố cháu về?

Ông bảo:

- Miền Nam đang tổng tấn công. Thắng trận thế nào bố cũng về ngay.

Nguyệt cứ mong bố hoài. Một hôm có chú bộ đội đến tìm Nguyệt ở lớp học. Cô giáo dắt Nguyệt tới, đặt tay Nguyệt vào tay chú. Chú bồng Nguyệt trên tay, âu yếm:

- Cháu có nhớ chú không?

Nguyệt đã nhận ra chú:

- Hôm ấy chú vác ba lô cho bố để bố bế Nguyệt.

- Đúng rồi. Cháu nhớ lắm.

Chợt nhớ bố, Nguyệt hỏi ngay:

- Thế bố Nguyệt đâu?

Chú bộ đội muốn trả lời ngay. Nhưng có cái gì ngăn nơi cổ, không muốn cho chú nói. Chú cứ ôm chặt lấy Nguyệt, và lòng thì cứ rối lên nỗi nhớ người đồng chí của mình, bên nhau giữ cửa Đông Ba suốt hai mươi tư ngày đêm, kiên cường, anh đã chết ở phút cuối cùng chặn địch.

- Bố cháu không còn nữa, Nguyệt ạ.

Nguyệt òa khóc. Vừa khóc, vừa gọi “Bố ơi! bố ơi! Trả bố đây! Trả bố đây!” Nước mắt Nguyệt tràn ra, tưởng không gì ngăn nổi. Chú bộ đội rơm rớm nước mắt:

- Bắt đầu từ giờ phút này chú là bố của con, Nguyệt ạ.

Những ngày nghỉ phép, bố đi đâu cũng cho Nguyệt đi đấy. Hai bố con như dính nhau cả ngày. Chưa bao giờ Nguyệt được chiều chuộng như thế. Hai bố con xin phép ông bà về thăm quê bố. Nguyệt có thêm ông, bà và nhiều chú bác, anh chị mới. Ai cũng quý Nguyệt. Ai cũng thương Nguyệt. Cả ông bà cũng muốn giữ Nguyệt ở quê. Nhưng hết phép, bố lại phải vào Nam chiến đấu. Ông bà nội phải xuống thăm quê bố, xin phép ông bà chú bác ở quê cho mang Nguyệt về họ hàng ở quê mới chịu.

Hôm chia tay, Nguyệt lấy bài thủ công cắt giấy dán chiếc mũ bộ đội, có ông sao vàng ở giữa, cô giáo chấm cho Nguyệt điểm mười. Nguyệt tặng cho bố:

- Lần sau bố về, con không cho bố đi nữa đâu. Bố hứa đi.

- Ừ. Lần sau về, bố ở hẳn nhà với Nguyệt. Đồng ý không?

Nguyệt thơm bố một cái thật dài vào cái sẹo trên trán. Thế rồi bố đi. Thời gian cứ trôi. Nguyệt ở nhà với ông bà, cũng lớn lên từng ngày. Nguyệt lên lớp ba, lớp bốn, rồi lớp năm. Hai bố con viết thư cho nhau rất đều. Nguyệt nhớ bố nên theo dõi kỹ từng bước đi của bố. Vì vậy Nguyệt chăm đọc báo, nghe đài. Mặt trận này nối tiếp mặt trận kia. Rồi bất ngờ chiến dịch Hồ Chí Minh nổ bùng ra. Tin chiến thắng tới tấp dội về làm náo nức cả làng xóm. Buôn Mê Thuột giải phóng. Huế giải phóng. Rồi Đà Nẵng vùng lên. Đơn vị của bố đang tiến thẳng vào Sài Gòn. Lá thư cuối cùng Nguyệt nhận được của bố gửi tại bưu cục Nha Trang. Rồi Sài Gòn giải phóng. Từ đó Nguyệt rất mong mà không có thư bố gửi về. Nguyệt chợt lo, rồi bồn chồn. Nguyệt hỏi ông bà:

- Có tin gì của bố con không?

- Ông bà cũng đang mong đấy.

Các chú bộ đội trong làng về thăm quê, làm Nguyệt càng nóng ruột. Nguyệt đã lớn rồi. Nguyệt đã biết nghĩ. Nên lắm lúc Nguyệt chột dạ: “Hay là…” Rồi Nguyệt gạt phắt đi, không dám nghĩ nữa. Có điều Nguyệt hay gặp lại bố trong giấc mơ nên càng nhớ. Một buổi trưa, Nguyệt ở trường về, thấy chú bộ đội ngồi với ông bà trong nhà. Ông bà nhủ Nguyệt cất sách vở rồi cho phép Nguyệt được ngồi cùng bàn. Linh tính báo cho Nguyệt chắc có chuyện gì. Chú bộ đội hỏi:

- Nguyệt có nhớ ra chú không?

- Không ạ.

- Cháu có nhớ dòng chữ hỏi thăm cháu viết bằng bút bi bên lề thư bố cháu gởi từ Nha Trang về không?

- Dạ, có ạ.

- Dòng chữ ấy là của chú.

- Thế bố cháu đâu hả chú - Nguyệt hồi hộp hỏi.

Chú bộ đội không trả lời. Chú lấy trong xắc ra, đặt lên bàn từ chiếc ảnh Nguyệt tặng bố trên bến đò quan, rồi từng lá thư của Nguyệt gửi vào chiến trường. Cuối cùng là quyển nhật ký của bố Nguyệt:

- Xe tăng của bố cháu bị bắn cháy ở Xuân Lộc. Nhưng xe tăng của chúng ta đã vào thẳng dinh Độc lập, đánh tan sào huyệt cuối cùng của kẻ thù. Bố cháu đã hy sinh rồi, và, Nguyệt ạ, bây giờ thì chú là bố của con. Kháng chiến đã thắng lợi. Nam Bắc đã thống nhất. Đất nước đã hòa bình.

Nguyệt ngồi lặng như khúc gỗ. Nước mắt Nguyệt cứ tràn ra. Nguyệt thấy nghẹn nơi cổ. Cố gắng lắm Nguyệt mới không òa khóc như ngày nào.

- Hãy lau nước mắt đi con.

Bất giác Nguyệt ôm chầm lấy chú bộ đội, và bất giác Nguyệt cất tiếng gọi:

- Bố!

- Con!

Ghì chặt Nguyệt trong lòng, chú bộ đội cũng thốt lên tiếng gọi ấy. Và chưa bao giờ anh nghe rõ tim mình đập, rộn ràng như thế.

N.Q.H
(4/12-83)
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #15 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 08:13:40 am »

NGƯỜI GÁC SAU CHIẾN TRANH

ĐINH DUY TƯ


Chiếc xe hồng thập tự chở đến bệnh viện một bệnh nhân tâm thần. Chị ta có thể gọi là một cô gái, hai mươi chín tuổi, có chồng làm thợ rừng. Cách đây mấy hôm, đột nhiên chị ta lên cơn điên dữ dội. Theo người nhà bệnh nhân cho biết, chị ta luôn miệng kêu gào tên một người nào đó.

Tiến gấp hồ sơ lại. Trước mặt anh, cô y tá trực vẻ mặt đầy lo lắng. Bên ngoài, trời nắng to, gian phòng họ ngồi không có gió nhưng mát lạnh. Bộ phận điều hòa nhiệt độ vẫn làm việc bình thường. Bệnh viện yên tĩnh. Dường như chưa bao giờ yên tĩnh đến thế! Những cây phượng vĩ sau mấy hôm mệt lữ vì gió Lào, giờ đây đứng yên rũ bóng xuống con đường lát đá.

Đột nhiên có tiếng thét. Rồi tiếng kêu và sau đó là những lời huyên thuyên.

- Chị ta đấy! Giọng nhỏ nhẹ, cô y tá nói.

Tiến đứng lên và bước về phía tiếng kêu. Cô y tá đi theo anh. Qua song cửa Tiến nhìn vào buồng bệnh. Người đàn bà bị điên đang nằm sấp, hai tay dập sàn sạt vào thành giường. Thấy Tiến đến chị ta ngẩng mặt lên nhìn. Khuôn mặt hốc hác, phờ phạc. Chị ta cười rú lên. Đôi mắt! Tiến sợ hãi vì đôi mắt quen quen ấy. Như không thể chịu nổi, Tiến vội vã sãi những bước thật dài như chạy trốn…

Cô y tá đuổi theo Tiến:

- Anh Tiến!

Tiến dựa hẳn người vào hành lang nói như ra lệnh:

- Cho cô ta ngủ. Tôi cần gặp người nhà của cô ta. Nói đoạn, Tiến trở về phòng.

Câu chuyện của họ xảy ra cách đây đã hơn mười năm nhưng Tiến vẫn không sao quên được cô gái thanh niên xung phong đã từng yêu anh chàng ở trạm đường ống đèo 101. Anh ta tên là Nhương, quê ở thị trấn Ba Đồn. Trong hang đá đặt những bể dầu trung chuyển, Tiến và Nhương đã ăn lương khô, uống nước suối Tiên hàng tháng ròng. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ đoạn đường ống từ cây số 38 trở vào. Họ có bốn bể xăng hết đầy lại vơi, hết vơi lại đầy. Tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác họ tiếp nhận và chuyển đi… Hai người trong hang đá, đêm nào cũng kể chuyện cho nhau nghe. Chuyện của họ giống như chuyện ngàn lẻ một đêm. Thường thì không tranh luận. Một người kể, một người nghe. Đêm nay người nầy mai người khác.

Tiến nhớ hoàn cảnh của Nhương không khỏi đau lòng. Trong những đêm nằm nghe tiếng chim từ quy gọi, Nhương thường bật dậy ngồi lắng nghe. Đời Nhương cô đơn ngay từ lúc lọt lòng mẹ. Cậu bé sinh được tròn một ngày thì có tin bố hy sinh ngoài mặt trận… Nhương ở với mẹ hai năm rồi phải về với ông nội. Mẹ Nhương đi lấy chồng. Bố mẹ, ngày xưa gặp nhau đất khách, bây giờ mẹ Nhương đi bước nữa cũng quê người. Nghe nói mẹ Nhương sau này cũng vất vả, lận đận bên một bầy con và người chồng làm chơi ăn thật. Đến nỗi không có tiền về thăm con…

Nhương bước vào học cấp ba cũng là năm giặc Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc. Dạo đó nhà trường phải đưa học sinh sơ tán lên rừng. Thương ông bà, Nhương không đành lòng ra đi. Đã một lần cậu bé trốn học trở về nhà… ông nội Nhương khẳng khái bảo đứa cháu:

- Ông mệ trốn thằng Mỹ phải ngồi hầm là điều bất đắc dĩ. Tuổi trẻ như cháu mà bỏ học để về ngồi hầm há chẳng phải hổ thẹn ư? Chiến tranh. Nhà nước đưa cháu lên rừng học cũng là sách lược “đánh vẫn đánh, xây vẫn xây” đấy cháu ạ.

Tiếng ông rất đỗi ngọt ngào. Ngày hôm sau Nhương lau nước mắt ôm bọc dù đựng áo quần sách vở ngược rừng lên trường… Nhương có ngờ đâu đó là lần cuối cùng cậu bé được sống bên ông bà nội. Bữa hay tin bom đánh trúng nhà - một loạt bom tọa độ, Nhương chạy về. Lần đầu tiên trong đời Nhương thấm thía trọn nghĩa hai chữ tang tóc. Nhà đã tan rồi! Ông mệ sống chung hầm chết chung mồ.

Nhương quyết tâm bỏ học. Lá đơn bằng máu thay cho một bài tập làm văn chạy suốt quyển vở dày đã làm chấn động ban giám hiệu nhà trường. Không ai cầm lòng giữ Nhương lại, đành cho cậu lên đường nhập ngũ.

Thế rồi Nhương được về đèo quyết tử - tên gọi đèo 101 dạo đó, thay thế cho một chiến sĩ vừa hy sinh. Một tổ thanh niên xung phong được điều đến hỗ trợ cho việc mở đường ống mới và đưa bốn bể xăng vào hang. Trong những ngày thi công Tiến được chứng kiến một tình yêu. Nhương đã chiếm được trái tim của cô gái thanh niên xung phong nổi tiếng về sắc đẹp và có giọng hát tuyệt vời.

Sau khi nhiệm vụ hoàn thành, cuộc họp mặt giữa hai thứ quân được tổ chức tại hang đá. Mọi người ăn lương khô hút thuốc lá và hát… đêm đó Hiền hát một bài dân ca quen thuộc: Người ơi người ở đừng về. Nhương ngồi trên phiến đá, cặp mắt cứ nhìn Hiền không động đậy. Hiền cũng vậy, cứ nhìn vào Nhương. Cuộc vui đến hai giờ sáng thì mọi người lăn ra ngủ. Đêm, bên ngoài cửa hang ánh trăng chiếu sáng vằng vặc. Núi rừng như được một lớp thủy ngân bao phủ. Thỉnh thoảng có một đợt gió ào qua, lùa vào hang như nàng tiên dưới suối mang hơi nước đến. Trong tiếng gió ấy vẳng lại tiếng người… Tiến mở mắt nhìn sang chỗ Nhương. Chiếc màn dạt về một phía, không thấy Nhương đâu cả.

Có lẽ có một đám mây vừa lướt qua. Ánh trăng đột nhiên mờ ảo.

- Đừng… em van… Tiếng người con gái yếu ớt như đang rạn ra từng mảnh.

- Anh thề… Người con trai nói, giọng quả quyết.

Tiến khẽ mỉm cười. Anh xoay người nằm nghiêng và ấn tai vào chiếc gối. Một cánh tay Tiến đưa lên bịt nốt tai còn lại. Chẳng biết thằng Nhương đang thề cái gì?

Chuyện ấy sớm được lãng quên.

Hiền ra lại đường mười, tiếp tục phá đá mở đường. Thỉnh thoảng Hiền lại lên hang. Hiền lên một mình, khi về đã có Nhương bên cạnh. Những lúc ấy, Tiến thường vác súng đi kiểm tra đường ống… Một bữa Tiến quay về, gặp Hiền vừa đi ngược lại vừa khóc. Tiến xộc vào hang, Nhương giật mình ngẩng đầu lên.

Tiến không nhận ra Nhương nữa.

- Sao cậu như ma chết trôi thế kia? Tiến thốt lên.

Hai người ngồi đối diện nhau. Nhương nhìn Tiến và lập tức quay mặt để tránh cái nhìn ngược lại. Một lúc sau, Nhương khẽ nói giọng đượm buồn:

- Tiến thông cảm cho… mình bồng bột…

- Chuyện gì mới được chứ?

Nhương cúi đầu, ngón chân dí trên mặt đất. Tiến thấy khuôn mặt Nhương như biến sắc. Một chuyện rất quan trọng. Tiến chuyển sang ngồi gần Nhương hơn. Sau những phút im lặng, Nhương bỗng nói:

- Tiến ạ, điều kiện này không thể để Hiền sinh nở được. Đành phải …

- Sao? Cậu bàn với Hiền phá thai à? Tiến hỏi như đánh trả lại những tiếng nói rất rõ ràng của Nhương.

- Ừ! Nhương nói thêm - Tôi xin chịu kỷ luật!

Tiến nổi cáu:

- Kỷ luật… con khỉ! Kỷ luật rồi cậu liệu có cứu được đứa bé kia không? Đằng nào cũng phải mẹ tròn con vuông cái đã…

Để xoa dịu thần kinh đang căng như dây đàn. Tiến xách súng đứng dậy. Anh bảo Nhương:

- Chuyện đó, tính sau. Đã đến giờ tuần tra!
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #16 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 08:15:29 am »

Thực tình Tiến muốn Nhương gặp lại Hiền. Chắc chắn trên một đoạn đường ống nào đó, Hiền đang ngồi để đợi phiên gác của Nhương. Câu chuyện vừa rồi đang dở dang… Cái gì dở dang là không ổn. Một cô gái lâm vào hoàn cảnh như Hiền thì không thể đưa đôi mắt đỏ hoe về đơn vị.

Sau khi Nhương ra khỏi hang, Tiến bắt đầu lần mò kiểm tra hệ thống bể chứa. Chợt Tiến sững lại, trước chiếc đồng hồ báo áp suất bơm… Áp suất bị tụt xuống quá mức quy định. Nguy rồi! Có một đoạn ống bị vỡ. Tiến vội vàng quay máy nói, báo về Tổng kho. Van bể được mở ra: van đường ống được đóng lại.

Tiến ra khỏi hang và đi ngược lên phía trước. Khẩu súng vang lên những tiếng nổ cấp báo. Từ bên kia đèo có những tiếng nổ khác đáp lại. Nhương đã có mặt chỗ đường ống bị vỡ! Hẳn cậu ta đang tìm cách bịt chặt đường ống và đợi Tiến đến.

Chợt Tiến đứng sững lại. Máy bay! Rầm rầm… một loạt bom tọa độ đánh xuống bên kia đèo. Những cột khói khổng lồ trùm lên và mảnh bom rơi lộp độp. Lá cây lả tả bay. Tiến nhoài người, nâng khẩu súng bắn tiếp một loạt đạn nữa. Không gian im lặng đến cháy lòng. Nhương không trả lời, có nghĩa là … Mới thoáng nghĩ đến đó, Tiến thấy mọi vật xung quanh quay cuồng, chao đảo. Mặc dù lấy hết sức bình sinh vượt lên đèo, Tiến vẫn nghe hai bàn chân nặng trịch. Con đường ống như cứ dài ra trước mắt anh…

Đêm đó thi hài Nhương được đưa về hang đá. Trên một tấm đá bằng phẳng, Nhương nằm như đang ngủ đầu quay về phía đông. Đồng chí chỉ huy trưởng rút một lá cờ đỏ phủ lên mặt anh. Mọi người không ai cầm nổi nước mắt khi nghe Tiến đọc lời vĩnh biệt. Lễ mai táng bắt đầu… Một tổ thanh niên xung phong đứng thành từng những bậc thang lấy đất dưới cửa hang đắp cho Nhương một ngôi mộ nổi. Ngôi mộ nằm sau một ụ đá nhỏ cao vừa đầu người. Ụ đá như một tấm bia. Mấy hôm sau, Tiến dùng con dao găm “năm tác dụng” đẽo gọt ụ đá thành hình người. Phải mất một thời gian khá dài, Tiến mới hoàn thành được đài kỷ niệm ấy.

Từ ngày Nhương hy sinh, Hiền vẫn lên hang đá đều đặn. Buổi sáng, cô ngắt những bông hoa rừng tươi mát nhất đem đến cắm bên chân tượng đài. Những hôm trời mưa, Hiền vẫn tần tảo kiếm bằng được những loài hoa ấy … Bên mộ Nhương, Hiền như cánh bướm tìm được nguồn mật dâng lên từ lòng đất. Chính trong những phút giây đó trái tim cô gái được an ủi bởi hình ảnh Nhương đang thật sự sống dậy trong cô. Hiền quyết định giữ lấy giọt máu của Nhương. Thế rồi trong một buổi chiều mở tuyến, Hiền đã sinh… Thông cảm hoàn cảnh của cô, ban chỉ huy tuyến giải quyết cho về địa phương với đầy đủ các giấy tờ. Trong đó, Hiền được cấp một tờ giấy đăng ký kết hôn với người đã khuất. Tờ giấy không có chữ ký của người chồng…

Vào một buổi sáng, sau một thời gian xa vắng Hiền bồng con lên thăm mộ Nhương. Vừa bước vào cửa hang Hiền nhận ra sự vắng mặt của Tiến. Hang đá lạnh lẽo và lặng ngắt. Bốn bể xăng nhô lên hình bán nguyệt, bụi bám một lớp dày. Một bầy dơi nghe động hốt hoảng bay vào ngách đá. Treo mình trên ấy, chúng bật lên những tiếng kêu như cố tình dọa dẫm hai mẹ con người đàn bà lạ.

Hiền đứng nhìn quanh và chợt hiểu vì sao chiếc đồng hồ áp suất không báo. Bếp lửa trong ngách đá kia thôi không reo. Mọi vật trong hang núi như đang đóng thành băng… Đi thêm mấy bước, mắt Hiền như bị thôi miên trước một con người đứng im, chiếc mũ cứng đội trên đầu và băng đạn đeo kín ngực. Chỗ này trước kia là “tượng đài” kỷ niệm của Tiến kia mà? Hiền cố ghìm chân để đứng thêm một lúc và quả quyết bước tới. Mộ Nhương và “tượng đài” vẫn đó. Đồng đội của anh trước lúc ra đi đã gửi gắm nơi anh hình ảnh người lính gác mãi mãi canh giữ cho cuộc đời…

***
Sau hiệp định ngừng bắn năm 1973. Tiến rời Trường Sơn. Ngày chưa nhập ngũ, Tiến có giấy gọi vào trường y. Bây giờ Tiến lại tiếp tục bước vào giảng đường sau những năm lăn lộn trên chiến trường. Suốt trong quãng thời gian hơn mười năm anh không hề gặp lại Hiền. Tuy vậy, qua những người thân quen, anh được biết vài nét sơ lược về người phụ nữ ấy.

Hôm nay bỗng nhiên gặp lại Hiền, Tiến không còn tự chủ được lòng mình. Anh đã từng tiếp xúc rất nhiều bệnh nhân tâm thần - kể cả những cô gái rất trẻ, nhưng chưa bao giờ họ làm cho lòng anh phải run lên. Với tư cách người thầy thuốc, lẽ ra phải ngồi lại thì anh bước vội về phòng mình, bước như chạy… Không! Có lẽ nào Hiền lại điên? Một con người đứng trước mộ Nhương. Mắt ráo hoảnh răng cắn chặt vào môi lại có thể loạn trí? Bao nhiêu năm trôi qua, vết thương lòng đang được cô gái hàn gắn bằng hạnh phúc thực tại, với ba đứa con, một ngôi nhà ấm cúng. Thế thì sao Hiền lại điên? Câu hỏi lặp lại không biết bao lần trong đầu óc Tiến. Anh nhớ ngày trước, mỗi lần bức xúc, Hiền thường chạy xuống rửa mặt ở suối Tiên… Những lần như vậy, Nhương thường phàn nàn: người mà chi lạ, giận là bỏ đi.

Không biết câu chuyện ngày xưa ấy có quan hệ gì đến bệnh trạng hiện nay của Hiền? Tiến tự hỏi lòng. Bất giác, anh quay sang người chồng đang đứng tựa lưng vào cửa sổ. Liệu anh ta có biết hay đó là chuyện riêng của Hiền? Đã là chuyện riêng thì mình cũng phải tôn trọng… Tiến nghĩ vậy và hỏi khéo:

- Hình như anh và chị ấy vừa qua có sự xung đột phải không?

- Không! Thưa bác sĩ hoàn toàn không… Chúng tôi sống rất hạnh phúc.

- Nghĩa là cơn điên của chị ấy bộc phát.

- Vâng!

Anh ta trả lời xong, vẻ mặt trở nên bối rối. Tiến nhận ra điều đó và khẽ thở dài:

- Căn bệnh gì cũng có nguyên nhân của nó. Tìm được nguyên nhân mới hy vọng cứu chữa…

Câu nói của Tiến như kéo những nếp nhăn trên vầng trán của anh ta giãn ra. Môi anh ta mấp máy, hai khóe miệng giật liên hồi. Nhưng rồi tiếng kêu thét của người vợ đang vọng lên kịp ngăn anh ta lại.

- Cô ta gọi gì vậy? Tiến hỏi và im lặng lắng tai nghe.

- Một người không quen biết! Người chồng trả lời và mở cửa bước ra ngoài.

Cô y tá chạy xộc vào, vừa thấy Tiến cô ta nói ngay:

- Chị ấy lại lên cơn… Anh Tiến! Kỳ lạ vô cùng. Cô ta lắc chiếc cằm ngắn và đầu hơi động đậy: - Không gọi chồng cũng chẳng gọi con. Suốt thời gian lên cơn cứ kêu tên một người không có trong gia phả.

Tiến như bật dậy:

- Ai thế? Người ấy tên gì?

- Nhương! Anh nghe không, chữ Nhường bỏ dấu huyền…

Tiến ngồi phịch xuống ghế hai tay ôm lấy thái dương, miệng Tiến lắp bắp:

- Hóa ra…

- Anh Tiến! Anh làm sao thế? Cô y tá hỏi dồn dập.

Tiến lắc đầu:

- Không! Tôi hơi choáng…
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #17 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 08:17:03 am »

Đêm hôm đó, Tiến không tài nào chợp được mắt. Anh nghĩ về người đồng chí của mình. Nhương ơi! Cậu hãy yên nghỉ đừng khuấy động thần kinh người con gái ấy. Cô ta bây giờ là bệnh nhân của mình… Cô ta đang vật vã, đang gọi cậu đấy! Cậu có nghe không?

Tiến chợt nghe bên ngoài đang có ai đi đến. Ai thế nhỉ? Hay là Hiền lại lên cơn, lại kêu gào và lại khóc.

- Bác sĩ! Bác sĩ Tiến… có tiếng người khe khẽ gọi.

- Ai đấy?

- Tôi!

Tiến bật công tắc. Ánh sáng trong căn phòng bừng lên. Chồng của Hiền bước vào.

- Xin lỗi bác sĩ, tôi có câu chuyện riêng.

Lại chuyện riêng của người chồng, Tiến thầm kêu lên. Mỗi người đều mang cái riêng ấy thì không thể gọi là hạnh phúc!

- Bác sĩ ơi, tôi có một câu chuyện này… Tôi làm nghề thợ rừng. À, bác sĩ có biết cây số 38 không?

- Đường mười hả?

- Phải!

Anh ta kể lại rằng chuyến đi rừng vừa rồi, anh ta đã đặt chân lên đèo 101. Trong khi hạ thủ một gốc cây, anh ta phát hiện chiếc hang đá và bốn bể xăng. Bốn bể xăng tuy đã vơi cạn, nhưng giữa lúc nhiên liệu hiếm hoi này thì giá cả của bốn “đáy” bể ấy không phải là nhỏ. Người thợ rừng xem đó là của trời cho và tính chuyện làm giàu.

Anh ta nghĩ cách làm ăn nhỏ giọt và lâu dài. Cứ mỗi chuyến đi, mang theo một chiếc can sắt đựng hai mươi lít… Anh ta đã làm được mấy chuyến liền.

- Xăng đâu mà anh bán cho xe khách tư nhân nhiều thế? Hiền lo lắng hỏi chồng, khi thấy anh đếm tiền.

- Xăng trên rừng…

- Của ai vậy? Người ta không bảo vệ à? Hiền vẫn hoàn toàn vô tình trong câu chuyện.

Người thợ rừng lắc đầu:

- Không! Một lát sau, anh lại nói: - Sao lại không? Có một người gác đã hóa đá… Anh ta cũng đội mũ, cũng quàng súng nhưng chỉ là bức tượng đá.

- Trời ơi! Hiền kêu lên.

Chuyện đơn giản thế thôi - Người thợ rừng tiếp tục, nhưng suốt đêm hôm đó vợ anh luôn giật mình. Cô ta ngồi dậy nhìn anh rồi lại nằm xuống không biết bao nhiêu lần, tâm thần cô ta hoảng loạn. Kêu rằng lửa cháy ở trong lòng; lửa nung thịt da từng mảng. Có lúc cô ta kêu: Đừng anh… rồi lại khóc. Tiếng khóc nghe ai oán và ngậm ngùi. Cặp mắt cô gái chứa đầy sự sợ hãi. Đang ngồi đột nhiên cô ta giơ hai tay lên trời: Anh Nhương, đừng bắn em! Em không có tội. Em bị oan…

Nhưng cũng có những giây phút cô ta tỉnh táo. Những giây phút đó đáng sợ hơn hàng trăm lần cô ta điên. Những thứ mà anh chồng vừa sắm được bằng tiền bán xăng, cô ta dùng hết sức lực đẩy ra khỏi nhà.

Anh ta kể như những lời thú tội. Tiến đã hiểu tất cả…

- Vợ anh điên nhưng rồi sẽ tỉnh; Còn anh - anh là một kẻ điên… Tiến nhìn thẳng vào mặt anh ta với một vẻ lạnh lùng.

- Thưa bác sĩ.. Một câu chuyện đơn giản chỉ có thế thì làm sao mà vợ tôi điên được?

Tiến cau mày giọng hạ xuống:

- Không đơn giản như anh lầm tưởng đâu. Máu và nước mắt anh hiểu không? Chẳng lẽ anh lại không hiểu một chút gì về chuyện riêng của cô ấy?

- Cô ta đã một đời chồng! Anh ta hy sinh rồi. Thưa bác sĩ.

- Anh đã thấy anh ta sao lại bảo anh ta đã hy sinh? Tiến nói, mắt nhìn lên bóng mình in trên tường.

Người chồng ngạc nhiên hỏi lại:

- Ai kia?

- Người gác kho xăng ấy. Anh ta là một người lính sau chiến tranh chưa trở về.

Người thợ rừng kêu lên:

- Bác sĩ, bác sĩ…

Như một thân cây bị bật rễ, anh ta gục mặt trên bàn. Tiến nhìn anh ta và như nói với người bạn cũ: Anh ta bắt đầu lên cơn điên rồi đấy. Cái mà anh ta gọi giản đơn chính là cái mầm của tội ác.

Bỏ mặc anh ta trong phòng, Tiến bước ra hành lang mở phanh cúc áo ngực. Anh nghe trong lòng mát rượi. Một cảm giác hoàn toàn êm dịu đang dâng lên…

***

Vào một ngày đầu thu, sau khi ra bệnh viện Hiền và Tiến lên thăm hang đá cũ. Hiền ôm trong cánh tay một bó hoa lớn, đủ màu sắc, Tiến cầm hương. Đi giữa hai người là một đứa bé mặc đồng phục màu xanh. Lên đến cửa hang họ dừng lại.

- Ai?

Có tiếng người quát hỏi. Một đồng chí bộ đội hiện ra trước cửa hang. Tiến khẽ chào và nói:

- Báo cáo anh, chúng tôi lên thăm mộ…

Anh bộ đội dẫn hai người vào hang. Chiếc hang như mở rộng cửa đón họ. Hiền và Tiến cùng đứng sững lại trước bức tượng.

- Anh Nhương đấy! Hiền thì thầm.

- Cậu ta vẫn gác. Tiến đưa tay lần theo từng đường nét anh tạo dựng hồi nào và khẽ thốt lên.

Anh bộ đội nhìn Hiền đang cúi xuống trước ngôi mộ. Hiền đặt bó hoa xòe như cánh quạt. Vẫn những cánh hoa tươi mát như ngày nào…

Đồn 119 tháng 6-1983.
Đ.D.T
(3/10-83)
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #18 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 08:24:19 am »

Ngã ba đường 9

THANH HẢI


Trạm gác ngã ba đường 9, một trạm gác lộng gió. Trạm làm bằng gỗ, vuông vắn, nằm ngay giữa trung tâm của những chuyến đi về, xòe hai cây tre chắn đường ra hai bên như hai cánh tay của cô gái Vân Kiều trong điệu múa dân tộc. Hai cánh tay ấy cử động theo một động tác mộc mạc gần như đơn điệu nhưng chân tình, trìu mến. Cánh tay nằm ngang. Mời các anh dừng lại, đường chưa đi được. Các anh xuống xe, đi bách bộ vài bước cho bớt cái co chân, chật chội trên thùng xe. Kìa cái màu xanh non của đồi gần. Kìa cái màu xanh đậm của núi xa. Bóng mây lởn vởn, chập chùng. Đường lên Lao Bảo đây. Đường về Khe Sanh đấy. Các anh hãy đi trong kỷ niệm và bồi dưỡng. Cánh tay giơ lên. Các anh đi nhé, đường thông rồi. Khói bộc phá tan dần đang ngược lên chiều gió.

Người ngồi ở trạm gác điều khiển hai cánh tay ấy là một anh bộ đội cao vừa phải, da sạm đen, có bộ đi nhanh, bao giờ cũng đeo cái còi lủng lẳng ở cổ, cây bút chì trên túi áo. Chiếc còi ấy chỉ lên tiếng khi có một chiếc xe nào đó do “trái tim dưới vòng tay lái” hơi mất bình thường một chút, chạy quá tốc độ khi gần đến ba-ri-e hoặc đỗ sai nơi quy định. Sau khi còi lên tiếng, cây bút chì làm việc: số xe… của… ngày… giờ…

Xe chúng tôi đỗ ở ngã ba chờ người trên Lao Bảo về. Khí hậu mùa này ở vùng đường 9 quả thật khó chịu. Nắng lên, nóng. Mây che khuất mặt trời, gió, lạnh. Trời như đang trong cơn sốt thất thường. Tôi đến tránh ở hướng tây khuất sau bức tường gỗ của trạm gác. Ở đây tôi đứng gần như sau lưng anh bộ đội coi trạm.

- Xe vào quân khu hả? Xin mời…

Anh bộ đội coi trạm không hút thuốc nhưng ngả người ra, mắt lim dim, hễ hả nhìn theo làn bụi cuộn lên đặc quánh, vàng nhợt rồi kéo dài như một làn khói rơm sau đoàn xe. Chúng nó lại vào. Những khuôn mặt trẻ măng gợi nhớ một cái gì, gợi suy nghĩ một điều gì. Cái gợi nhớ lâng lâng, tươi mát; cái suy nghĩ phơi phới, trẻ trung. Ra trận. Đi chiến trường. Như vậy đấy à! Mà mình cũng ở chiến trường đấy chứ. Điều mơ ước, tưởng tượng của anh khi còn ở quê làng, bây giờ hóa bình thường, quá đổi bình thường. Anh đã chuyển cái mơ ước, cái tưởng tượng hào hùng thi vị ấy qua cho người khác, những người khác, những đoàn xe…

- Ba hả?

Cánh tay giơ lên. Chúng nó đi phép. Nét mặt của những chàng đi phép náo nức lạ. Nếu xe dừng lâu ở ngã ba này anh có thể đọc được tiểu sử sơ lược của những anh chàng ngồi vắt vẻo trên thùng xe qua từng nét mặt. Anh này đăm đăm, lông mày nhíu lại, đôi môi tươi, kín đáo. Anh chàng có vợ, có con và giàu sức tưởng tượng. Ngồi đây mà anh đã mơ về quê nhà. Anh này trẻ nhưng thoáng nét ưu tư. Người yêu có vấn đề gì chăng? Còn mình? Sáu năm hơn rồi đấy nhỉ. Mỗi lần có xe đi phép qua, anh nhìn ngang, nhìn ngửa, bắt gặp một nét mặt quen, anh reo lên và trong gió đường 9 anh chạy theo gửi một lá thư. Lâu lâu những đứa đồng hương đi phép vào, dừng xe lại năm ba phút, trao anh một lá thư, một bao thuốc, một gói quà, một mớ tin tức bề bộn, cái sau thành cái trước, cái vừa qua thành cái đã qua. Rồi xe đi…

- Anh, vợ con anh đấy à?

- A… đồng chí!

Anh bộ đội coi trạm gác định nổi nóng với tôi nhưng lại thôi, không nói nữa. Một tấm ảnh cỡ 9x12 để trước mặt. Trong ảnh, một người mẹ uốn tóc dài trùm lấy khuôn mặt xinh xắn đứng cạnh đứa con gái lên năm, lên sáu. Hai mẹ con nói gì qua cái nhìn tươi tắn, thăm thẳm ấy, cái nhìn của ngàn tiếng nói, của trăm lá thư. Anh ạ, em với con đấy. Anh đi được năm tháng thì em sinh. Bây giờ con đi mẫu giáo rồi. Thùy Dương ngoan lắm! Hôm anh Định về phép qua nhà Thùy Dương cứ hỏi mãi… Đôi mắt anh từng hôn lên đó nhòe đi, ươn ướt. Đừng yếu đuối vậy em ạ. Bao nhiêu lá thư về anh đã viết: đất nước còn bóng giặc. Bao nhiêu lá thư gửi vào em đã viết: anh yên tâm.

Lại một đoàn xe nữa vào quân khu. Anh bộ đội coi trạm gác vội vàng kéo cây tre lên.

- Đi nhé! Tuấn, mày không nhận ra tao à? Chuyến này tao đi xa đây…

***

Tiếng còi ô tô gọi liên hồi. Xe trong ra. Ngoài này còi cũng gọi liên hồi. Xe ngoài vào đông hơn, tiếng còi lạ tai hơn. Không phải tiếng khét, chói tai của Din430. Cũng không phải tiếng ồm ồm, giọng trầm của anh chàng ba cầu. Nó như đánh nhịp, bông đùa. Một anh lái nào vui tính, bốc đồng chăng? Anh bộ đội coi trạm gác thổi còi cho chiếc xe trong ra dừng lại. DD 3402. Xe đi phép. Mời các vị bớt hồi hộp một chút, nhường đường cho người vào chiến trường. Anh DD 3402 đỗ sịch một bên đường. Chiến sĩ trên xe phóc xuống, uốn người, nhảy nhảy. Một anh bộ đội chậm chạp xuống sau, khẽ đặt giò phong lan xuống thềm xe. Một con két lông xanh mịn đậu trên vai anh nhúc nha nhúc nhích. Quà chiến trường cho con bé đây. Anh đủng đỉnh đi đến bên ba-ri-e. Cây tre chắn ngang đường sương gió mài nhẵn lì. Những bàn tay chờ đợi vuốt lên đó, ánh lên một màu vàng óng. Thời gian đợi chờ soi lóng lánh trong cái màu vàng quen thuộc đó. Tự nhiên anh bộ đội đưa tay mình cầm lấy cây tre. Bụi đất đường 9 theo bánh xe lăn cũng chia vòng theo hai ngả. Gió đẩy bụi chạy vào, tung lên, bốc theo ít lá xào xạc, chạy, cuồn cuộn chạy lên rồi vượt hẳn qua những đồi sim, me, tranh lẫn lộn. Mấy bụi cây cao ở góc đường nằm ngoài tầm gió khẽ đung đưa tàn lá. Dưới gốc cây, mấy viên đá tròn nhẵn bắt làm bếp vẫn ở thế cũ, xa xôi, bâng khuâng. Đôi cột trụ treo võng bám hờ hững ở hai gốc cây đàng xa. Vết lì trên thân cây ôm tròn sinh động nghe có tiếng võng của một đêm rừng. Anh bộ đội đi về phía lùm cây bất chợt hất lên một tờ giấy trắng ngả màu: Một chiếc B.52 và một dãy bom đang rơi. Mấy con cu ngói bay vút lên trời, màu lông óng ả. Chúng không bay thẳng mà lượn một vòng, sà theo gió, rồi chập chờn đậu xuống lùm cây xa. Đoàn xe vào đến ba-ri-e.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #19 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 08:25:08 am »

Anh bộ đội coi trạm gác lóng ngóng, lóng ngóng thật sự. Anh định kéo cây tre lên, rồi lại thôi. Anh ra cửa, lại vào. Chiến sĩ đi phép dàn cả lên mặt đường.

- Văn công! Văn công!

- Cho anh em bắt tay đi!

Những mái tóc tết đuôi sam. Những mái tóc uốn dài vòng quanh những cái cổ thon. Nụ cười trắng nõn, hàng mi cong chớp chớp. Chiếc mũi dọc dừa, đôi má đỏ ửng. Cặp mắt đen láy, ướt át. Khoảng khắc vẻ đẹp văn công đã hiện cả ra ngoài khung cửa. Một diễn viên - có lẽ là diễn viên xiếc - uốn mình một cái trên xe, nhẹ nhàng rơi xuống mặt đường làm mọi người cười rộ lên.

- Đạt! Đừng tếu đấy, còn để sức…

Tiếng nói từ trong xe vọng ra, làm vẻ già trước tuổi, đứng đắn, tỉnh táo.

- Có chị mới cần giữ sức…

Những tiếng cười con trai nổi lên. Cây tre chắn ngang đường vẫn nằm vậy không sốt ruột, cũng không mời mọc. Anh ta nằm im, vô tư, lơ đãng. Anh bộ đội ban nãy đứng bên lùm cây nhẹ nhàng đi về phía văn công. Tiếng nói trong thùng xe làm anh giật mình. Hai chân kéo anh đi. Anh đi bồn chồn, rất nhẹ, rất nhẹ sợ tan vỡ một cái gì đó đang hình thành.

- Huệ!

Một cái đầu trong thùng xe nghiêng ra, ngỡ ngàng, rồi…

- Anh Hanh! Ôi, anh…

Anh bộ đội coi trạm gác kéo cây tre lên rồi thả xuống. Anh chồm người nhìn ra khung cửa. Chị diễn viên đã nằm trong vòng tay người chồng.

- Con đâu?

- Em đi chiến trường… Anh…

- Anh về phép.

Hai dòng thương nhớ từ từ lăn trên má người vợ. Người chồng mím môi lại, cố hỏi thêm, nhưng tất cả đều tan biến. Năm năm rồi. Bé nga lên bốn. Mặt mũi nó thế nào? Nó ở nhà với bà ngoại. Nó có giống nét mặt nhòa nhòa trước mặt anh không? Đôi mắt ấy. Làn tóc ấy. Năm năm thương nhớ gửi về bây giờ là đây. Em có khác đi đấy chứ. Nào cái bàn tay đánh đàn của người nghệ sĩ nhân dân đã từng ra Cồn Cỏ…

Xe hai đầu ba-ri-e ùn lại, ùn lại. Mấy anh lái xe nóng tính bóp còi inh ỏi. Cây tre chắn đường vẫn làm ngơ. Trên trời một đám mây trắng trôi nhẹ, lơ lững, sà xuống một đỉnh núi xa. Ánh nắng xuyên qua mây, chiếu xuống màu xanh cây rừng, ngời lên sắc nõn ngỡ ngàng, tươi mịn. Lan trên đồi nở hoa màu trắng đục, nhấp nhô, nhấp nhô, bát ngát, vô tận. Đàng xa, màu hoa lẫn trong màu khói bộc phá làm đường nổ lên hàng loạt. Anh bộ đội coi trạm gác lơ đãng nhìn mây, tay gõ gõ tấm ảnh xuống mặt bàn. Người mẹ trong ảnh tách ra, đi xa dần. Bé Thùy Dương rung rung mái tóc lớn lên, lớn lên. Anh ngồi bên con. Vợ anh ở đâu về, đôi má hồng hào… Ra đi. Sum họp. Sum họp. Ra đi. Điều mong ước và điều phải làm cho điều mong ước. Trong ấy, trong xa ấy còn bao nhiêu điều mong ước, hai mươi năm nay vẫn còn là điều mong ước. Ai chỉ nghĩ đến cái mong ước của mình mà quên điều mong ước lớn nhất của đất nước, người ấy … Không! Đất nước chưa yên, quân thù còn đó. Sao lại lo vun quén, suy nghĩ, chăm chút cho hạnh phúc riêng mình?

Một anh lái xe, mặt đỏ bừng, vùng vằng chạy lại.

- Ngủ gật à?

Anh bộ đội coi trạm gác không nói, đưa mắt về phía Huệ và Hanh. Anh lái xe, ngoái lại, sững sàng, giọng thấp hẳn đi, hối hận.

- Họ gặp nhau!

Mây đường 9 sà thấp, ấm áp, trắng nõn. Gió thổi lên cao, lên cao theo những sườn đồi xanh mát. Tiếng đoàn xe nổ máy…

Tháng 12-1973.
T.H.
(3/10-83)
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM