Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:28:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Truyện ngắn - Tạp chí Sông Hương  (Đọc 64823 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #50 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 04:17:58 pm »

Nhiều phút nữa trôi qua, chẳng ai nói. Rồi anh ta bặm môi hỏi, khi trán đã lấm tấm mồ hôi:

- Từ khi anh về đội, cho đến sau này, có bao giờ anh nghe nhắc đến Sơn Hải?

Tôi giật mình, bởi, câu chuyện về Sơn Hải đã bị chôn vùi trong quá khứ từ lâu lắm. Cái tên Sơn Hải ngày ấy đi vào lịch sử Đội biệt động. Cái tên mà bọn cảnh sát ngụy rất chờn khi nhắc đến, bởi tài xuất quỷ nhập thần của anh ta.

Những chiến công của Sơn Hải, mọi chiến sĩ trong đội còn nhắc mãi đến sau này. Bọn mật vụ tung ra một lực lượng đông đảo, rải khắp nơi, lần theo dấu vết Đội biệt động, nhưng, anh cùng những đồng đội vẫn liên tục gây xôn xao dư luận.

- Sơn Hải thì ai mà chẳng biết. - Tôi trả lời anh ta.

- Hắn là một tên phản bội!

- Nhưng… Không… - Tôi ớ người ra, trong tâm trạng không hiểu được mình định nói gì.


Không thể phủ nhận những chiến công của Sơn Hải!

Lần ấy, tên Giôn, một tên CIA dưới lốt cố vấn Mỹ, đang bí mật đi thu thập tin tức tình báo ở thành phố. Lệnh trên đưa về: khử gấp tên Giôn, thu toàn bộ tài liệu hắn đang giữ. Phải tiến hành ngay vì Giôn ở lại thành phố không lâu. Nhiệm vụ được giao cho Sơn Hải và hai chiến sĩ cùng phân đội. Bỏ ra một ngày nghiên cứu, Sơn Hải nắm được - tên Giôn liên tục thay đổi phòng ở tại khách sạn T., mỗi ngày vài ba lần là chuyện thường. Một buổi chiều, biết chắc giờ này hắn đang có nhà, Sơn Hải đeo lon trung úy cảnh sát, ngang nhiên phóng Hon Đa 67 vào khách sạn. Tên lính bảo vệ chặn anh lại:

- Ngài trung úy đi đâu?

Anh rút tấm “Công vụ lệnh đặc biệt” ra. Tên lính khúm núm như đã quen anh từ lâu:

- Xe của ngài đâu mà ngài đi xe này?

- Chú mi không đọc kỹ à? Chính vì sự “ đặc biệt” đó…

Bước nhanh về phòng giao dịch, anh chìa tấm công vụ lệnh cho cô tiếp viên:

- Tôi cần gặp ông Giôn-linh-cơ, chuyên viên hậu cần, mới ở Sài Gòn ra cách đây 5 ngày.

Người tiếp viên nhìn anh, thoáng nghi ngại, nhưng với dáng dấp phong trần của một cảnh sát, cặp lon trung úy “chói ngời” trên ve áo, cùng tấm công vụ lệnh đặc biệt đủ để anh khẳng định mình.

- Dạ… Ông chờ cho một lát. - Cô mở sổ liếc rất nhanh. - Ông Giôn mới chuyển phòng cách đây 2 giờ. Để tôi gọi báo trước. - Cô tiếp viên quay máy.

- Cô hãy nói với ông ta, tôi từ chỗ thiếu tá L.T. đến. Vừa nói anh vừa rút thuốc ra châm lửa.

- Xin mời ông lên phòng 207, ngài cố vấn đang chờ. - Cô tiếp viên nhã nhặn đặt máy.

Anh điềm tĩnh bước lên cầu thang. Bấm chuông phòng 207. Một người Mỹ mở hé cửa, nói giọng lơ lớ:

- Ông là ai?

- Tôi được thiếu tá L.T. cử đến gặp ngài. - Miệng nói, tay rút tấm công vụ lệnh chìa ra.

Tên Giôn mở rộng cửa khi nghe nhắc đến L.T. - một nhân vật quan trọng, y là nhân viên của CIA dưới lốt thiếu tá cảnh sát, khi ấy đang chỉ huy mạng lưới tình báo ngụy ở tỉnh T. Bước vào phòng. Khóa trái cửa. Tay trái đưa lên túi áo ngực như muốn rút ra giấy tờ gì đó, rất nhanh, tay phải anh rút súng ngắn có gắn ống giảm thanh. Tạch - Tạch… Tên Mỹ quỵ gục. Sơn Hải lục tung va ly, thu toàn bộ giấy tờ, tài liệu, cùng một máy ảnh nhỏ, nhét vào người. Mọi việc trong chớp mắt. Anh lẳng lặng đóng cửa đi xuống, chào cô tiếp viên. Nổ máy xe, chào tên lính gác. Ngoài đường đã có 2 người mặc thường phục ngồi trên chiếc 67 khác chờ anh. Sau 20 phút, cô tiếp viên nghi ngờ gọi điện thoại lên phòng 207. Không ai trả lời. Cô gọi tiếp cho viên sĩ quan chỉ huy khách sạn. Sau 30 phút, khách sạn báo động, xe cảnh sát hú còi inh ỏi chạy đến. Thời gian ấy đủ cho Sơn Hải giao xong tài liệu, thay biển số xe, rồi dúi xe vào một xó xỉnh nào đó. Đáng lẽ phải trở về nơi an toàn, nhưng anh đã mạo hiểm nhảy xe ôm trở lại. Trong bộ đồ thường phục, anh đứng nghênh ngang hút thuốc gần đó như một tên mật vụ, ngắm nghía sự xôn xao của cảnh sát trong khách sạn…

- Không nhưng gì cả! Đối với lịch sử, mãi mãi hắn là một thằng phản bội. Một kẻ hèn nhát!

- Ôi… lịch sử ư?... Tôi thẫn thờ buột miệng, một câu nói ngoài chủ đích.

Thực ra, tôi gặp Sơn Hải đúng một lần, cách đây hơn 20 năm, nhưng lại vào buổi tối, nên mọi hình ảnh chỉ còn lờ mờ trong ký ức. Đó là cái buổi xét kỷ luật anh. Bữa ấy, anh ngồi cúi đầu trong cuộc họp bất thường chỉ gồm 6 người (đội trưởng, đội phó, trưởng phân đội 5, Sơn Hải, Quang và tôi).

- Anh phải báo cáo lại toàn bộ hành trình của anh cho đến khi bị bắt. - Đội trưởng yêu cầu.

- Tôi phải kể đến 100 lần sao? Điều gì cần nói, tôi đã nói hết. - Sơn Hải trả lời nóng nảy.

- Đến lượt đồng chí Quang!

- Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ vòng ngoài. Những gì của tôi, tôi đã báo cáo xong. Còn sự việc xảy ra sau, tôi không được chứng kiến.

- Sơn Hải! Như vậy anh đã không bảo vệ được cho mình, không tự biện minh được việc làm của anh. Thử hỏi, khi chúng tóm được anh, chúng không mở tiệc ăn mừng ấy à? Làm gì có chuyện lại thả anh ra dễ dàng như thế! Những lời của anh báo cáo thật ngây ngô như con trẻ… Trong chiến đấu không có thì giờ để phán xét. Hồi sau sẽ rõ! Hôm nay tôi thay mặt toàn Đội, buộc phải nghĩ anh là người thỏa hiệp với kẻ thù. Nói đúng hơn là hèn nhát, phản bội. Dẫu anh có nhiều chiến công, nhưng, chỉ một phút như thế coi như xóa sạch…

- Trời ơi… Sơn Hải ôm đầu rú lên - ở vào hoàn cảnh ấy, người ta có thể làm khác tôi được không? Tôi không tin! Không tin! Tôi xin chịu kỷ luật và đi khỏi Đội, nhưng cũng phải nói với các anh rằng, trong hàng ngũ chúng ta có bàn tay kẻ thù nhúng vào. Chúng ta đã mắc mưu chúng nó. Mắc mưu…


- Đúng thế! Hắn là ai anh biết không?... Người đang ngồi đối diện với anh đấy!

- Trời!... - Tôi cúi đầu, mồ hôi ướt đẫm, không dám nhìn anh ta. - Chẳng lẽ lại như thế!

- …
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #51 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 04:19:30 pm »

Ngày ấy, Đội biệt động nội thành được chia ra nhiều phân đội nhỏ, từ 3 đến 5 người, sống trà trộn, lẩn khuất trong dân, làm đủ các nghề công khai từ đạp xích lô, chạy xe ôm, bán quán phở… cho đến những người là lính, là sĩ quan trong quân đội cộng hòa. Vì tính nguy hiểm của công việc, nên phân đội nào chỉ biết phân đội đó. Phân đội trưởng mới biết đội trưởng. Chiến sĩ khác phân đội không hề biết nhau. Chỉ những trận đánh phối hợp lớn, họ có thể gặp nhau chốc lát, không kịp biết tên, chưa kịp nhớ mặt, rồi ai lại về đó.

Lúc đầu, tôi cũng là người lính của một phân đội như Sơn Hải. Nhưng do sinh ra ở thành phố, thông thạo địa hình, tập quán, nên tôi được rút lên làm trợ lý tác chiến cho Đội. Thế là nghiễm nhiên tôi trở thành nhân vật thứ 3, sau đội trưởng và đội phó. Tôi là người trực tiếp truyền đạt mệnh lệnh của đội trưởng xuống các phân đội.

Tên Long - một đại úy mật vụ dưới lốt công chức. Một tên cáo già. Hắn chỉ huy mạng lưới mật vụ rải từ thành phố về một số huyện. Nhiều cơ sở của ta bị vỡ vì hắn. Khá nhiều cán bộ nằm vùng bị hắn bắt sống. Một đặc điểm - tên Long không bao giờ xuất đầu lộ diện. Chỉ thị của Thành ủy xuống Đội biệt động: lên bản án tử hình tên Long. Khẩn trương! Không thể để nó tác oai, tác quái được nữa!

Nhiệm vụ giao cho phân đội 5. Tôi là người đi truyền đạt. Sơn Hải chịu trách nhiệm trinh sát và thi hành bản án. Quang (chiến sĩ cùng phân đội) bảo vệ vòng ngoài. Toàn bộ kế hoạch đã tính kỹ từng chi tiết. Nhưng, rủi ro thay, bản án không thành. Sơn Hải bị tên Long bắt sống. Rồi được thả. Sự việc lùng nhùng ở đó. Có điều gì uẩn khúc?

Sau vụ này tên Long biến mất. Sơn Hải bị khai trừ Đảng, chuyển đi đơn vị khác theo quyết định của đội trưởng. Anh ta đi đâu? Chỉ có đội trưởng biết! Chiến sĩ các phân đội bàng hoàng khi nghe tin, mặc dù đa số chưa biết mặt anh. Người ta đặt nhiều dấu hỏi xung quanh số phận Sơn Hải. Cần suy xét ư? Nhưng, chiến tranh không có thời giờ để suy xét. Đội trưởng, một con người cương trực và quyết đoán, đã chỉ thị xuống các phân đội: “Không được nhắc lại chuyện Sơn Hải. Nên nhớ, thời gian chẳng cho chúng ta suy nghĩ nhiều. Không còn cách nào hơn, nếu như chúng ta không muốn gặp nhau trong trại giam và cùng nhận chung bản án tử hình của kẻ thù.”

Đó là nỗi đau và mất mát của toàn Đội biệt động.

Bốn tháng sau, mùa mưa dầm bắt đầu. Những trận đánh mới lại cuốn hút chúng tôi. Bị thương. Hy sinh. Rồi có người bị bắt. Mỗi lần như thế sẽ có một phân đội di chuyển chỗ ở và địa bàn hoạt động. Chúng tôi phải dành thời giờ cho những nỗi đau mới…

Thế là Sơn Hải, một thuở hào hùng khiến kẻ thù run sợ. Sơn Hải, kẻ hèn nhát. Sơn Hải, tên thỏa hiệp, phản bội. Và bây giờ… Sơn Hải - một công dân bình thường đang sừng sững ngồi trước mặt tôi. Biết nói gì đây, khi cả hai chúng tôi đều buồn bã ngồi suy ngẫm lại cái được và cái mất của ngày ấy.

Không ngờ sau chuyện Sơn Hải tôi còn có dịp gặp tên Long.

Năm 1975. Thành phố giải phóng. Chúng tôi đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình. Đội biệt động giải tán. Toàn thể anh em gặp nhau, những người còn sống. Bao năm phối hợp chiến đấu chỉ ước ao một lần được gần gũi nói chuyện, thế mà lúc bấy giờ nhiều người đã chẳng còn. Trong cái vui có thật nhiều cái buồn. Đôi dòng lưu bút, vài tấm ảnh kỷ niệm, rồi hối hả chia tay mỗi người mỗi ngả. Tôi lên đường về làm quản giáo ở một trại tập trung học tập cải tạo các sĩ quan ngụy. Khi ấy mới có thời gian ngồi ôn lại quá khứ. Đã có lúc tôi nghĩ đến tên Long.

Trong số mấy trăm sĩ quan ngụy, hầu hết trước đây thuộc các đơn vị đóng ở các tỉnh Q. và T., họ hay nhắc đến một người được mệnh danh là “Ngài nguy hiểm”, bởi gã nổi tiếng mưu mô, xảo quyệt với các chiến hữu. Giáp mặt gã, một người to béo, cổ ngắn, mắt một mí, có giọng nói sang sảng không hề vấp bao giờ, ai cũng thừa nhận ở gã cái nhìn nham hiểm…

Giật mình khi nghe nhắc đến Ngô Văn Long, tôi về ngay phòng quản lý hồ sơ, đối chiếu danh sách. Xin mở hồ sơ số 108. Một bản hồ sơ được đánh dấu đỏ: “… thiếu tá mật vụ đội lốt dân sự. Từ 19.. đến 19.. chỉ huy mạng lưới mật vụ từ thành phố H. đến thị trấn P. Từ 19.. đến 19.. chỉ huy mạng lưới mật vụ của hai huyện Q. và P…. Rất xảo quyệt. Gây nhiều tội ác, cụ thể tháng… năm…, rồi tháng… năm… Đã 2 lần bị cách mạng tuyên án tử hình, nhưng đều thoát chết…” Thế là rõ! Tôi gấp hồ sơ lại. Tìm cơ hội thuận lợi tiếp cận tên Long.

Dịp ấy đã đến. Một ngày lễ, đồng thời là ngày liên hoan mừng thành quả tăng gia sản xuất của số sĩ quan học tập cải tạo trong trại. Lệnh của trại trưởng cho mỗi mâm được quyền uống một chai rượu. Vào lúc tất cả đều đã lâng lâng, tôi đi về mâm tên Long.

- Chào ông Long! Chào “Ngài nguy hiểm!”

- Ô… ông cán bộ mà cũng gọi tôi thế ư? - Tên Long lúng túng.

- Sau một hồi bâng quơ, tôi quyết định vào đề:

- Ông Long! Trong cuộc đời binh nghiệp của ông, những kỷ niệm nào đáng nhớ?

- Ôi, kỷ niệm thì biết bao nhiêu mà kể.

- Thế thời kỳ ở thị trấn P.

- Cũng nhiều lắm, nhớ sao hết được. - Gã lúng túng và tìm cách lảng đi.

- Ông còn nhớ Sơn Hải chứ?!

- Sơn Hải nào? - Gã giật mình.

- Thôi, đừng giả vờ nữa. Cái người mà ông bắt được năm 1971, rồi thả họ ra ấy!

- Sao ông cán bộ biết rõ thế?!

- Chính tôi đã từng ở cái biệt đội của Sơn Hải. Tôi đã nghiên cứu kỹ vụ này, nhưng, vẫn muốn nghe ông kể đầy đủ hơn. Cụ thể, vì sao ông lại thả Sơn Hải ra?

- Ông đã biết thì tôi chẳng giấu làm gì.

Sau khi gật gù, ngẫm nghĩ khá lâu, Long nói tiếp:

- Thực ra hồi đó, trong hàng ngũ các ông có kẻ phản bội…

- Sao?... - Tôi giật mình theo cảm tính.

Dòng hồi tưởng của tôi bị cắt ngang, bởi, có một người bán báo đến gạ gẫm chúng tôi. Buộc lòng phải mua mỗi người một tờ. Rồi Sơn Hải tiếp tục kể:

- Tôi quen một cô sinh viên người thành phố. Thông thường cứ một tuần chúng tôi gặp nhau một lần. Vào tuần ấy, đúng ngày hẹn cô ta, tôi lại phải đi làm nhiệm vụ, rồi bị tên Long bắt, sau đó thì đi thẳng cho đến bây giờ. Tội nghiệp… Không biết cô còn chờ tôi bao lâu. Bởi chúng tôi đã vẽ ra nhiều viễn cảnh tươi đẹp khi chiến tranh kết thúc. - Sơn Hải thở dài thườn thượt.

- Sao anh không trở lại tìm cô ta?

- Còn gì nữa đâu mà trở lại. Đã trắng tay còn thêm nỗi nhục suốt đời đeo đuổi tâm can.

- Ngày ấy họ chuyển anh đi đâu?

- Lên rừng. Về một đơn vị hậu cần, làm đủ các thứ việc lăng nhăng dành cho tên hàn nhát. Tôi sống vật vờ, lay lắt như một cái bóng cho đến ngày kết thúc chiến tranh. Nhiều khi muốn chết mà không chết được.

- Sau đó?

- Được xuất ngũ. Không bị ra tòa án binh là may rồi! Trở về quê hương với bản lý lịch có đoạn ghi: “… Dù có nhiều thành tích trong chiến đấu, nhưng chỉ một phút yếu hèn đã thỏa hiệp với kẻ thù… trở thành phản bội…” Tôi nộp toàn bộ hồ sơ cho chính quyền xã. Ba ngày sau được gọi lên ủy ban. Chủ tịch và Bí thư nhìn tôi hằm hằm từ đầu đến chân như muốn ăn tươi nuốt sống: “Bao năm đi thoát ly, tưởng mày làm đến ông này bà nọ. Té ra cũng chỉ là thằng phản bội. Thảo nào mà mày còn lành lặn trở về. Người ta không hy sinh thì cũng mất cái này cái kia…” - Họ nguyền rủa tôi. Sống ở cái xã một trăm phần trăm các gia đình có người đi theo cách mạng, và cũng đến quá nửa các gia đình có con em hy sinh trong chiến tranh, tôi trở thành cái gai lạc lõng. Mọi người luôn kiếm cớ để xỉ vả tôi. Chán nản mà vẫn phải lập lại cuộc sống. Chiến tranh đi qua, để lại một dải cát trắng cùng những hàng rào kẽm gai bùng nhùng. Trước khi vỡ ruộng, người dân xứ tôi đi thu nhặt vỏ đạn, phế liệu chiến tranh, bán kiếm sống qua ngày. Tôi cũng hòa nhập vào cuộc đời mới như thế. Một đêm trăng sáng, nằm trong nhà thao thức với nỗi tủi hờn, tôi chợt nghe tiếng động ngoài sân. Chạy ra, thấy 3 thanh niên đang bốc những thành quả của tôi lên xe ba gác - những cuộn dây kẽm gai, những vỏ đạn pháo, sau bao ngày lượm lặt chờ để bán.

- Sao các anh lại lấy của tôi? - Tôi lên tiếng.

- A… thằng phản bội. Mày không được quyền như chúng tao nghe rõ chưa? Ai cho mày đi nhặt những thứ này? Nhân danh những người đã ngã xuống, chúng tao tuyên bố tịch thu của tên phản bội.

Tôi nhảy ra giữ lại thì… “Rầm”, một quả đấm giữa mặt làm tôi hoa mắt. Tiếp theo một thằng nhảy lên đá một cú rất có nghề vào giữa bụng, cú đá đích đáng dành cho tên phản bội. Tôi ngã nhào. Chúng nhảy xổ vào tôi như thú vồ mồi. Chắc chắn tôi có thể quật ngã cả 3 thằng. Nhưng đã kịp kìm lòng. Bao năm cái chết gần kề chẳng ngán, giờ phải chịu thua 3 thằng nhóc. Tôi biết bọn này chỉ là những kẻ quá khích. Chắc chắn sau lưng chúng có người xúi giục. Chúng bẻ quặt tay tôi ra sau lưng, trói vào cột nhà.

- Thằng phản bội! Quân lừa đảo! Mày nhảy múa trên xác đồng đội…

Chẳng còn từ xấu xa nào chúng không gán cho tôi. Cứ mỗi tội, một cái tát nảy lửa đầy uất hận.

- Tôi lạy các anh! Lạy… - Tôi van vỉ - dẫu sao tôi cũng phải sống, phải tồn tại. Hãy để cho tôi làm người bình thường, được làm lại cuộc đời trên mảnh đất này.

- Không! Mày không được làm người bình thường! Không được giống bọn tao! Không được làm những gì chúng tao làm, rõ chưa?

Dường như đánh đã mỏi tay, chúng cởi trói cho tôi, rồi hì hục cả đêm chuyển hết số phế liệu mà bao ngày tôi lặn lội bới móc, hòng kiếm sống qua ngày. Đêm ấy, tôi khóc tức tưởi: “Cuộc đời ơi! Còn nỗi khổ nào hơn thế nữa hay không?” Cứ thế lầm lũi cúi đầu mà sống. Rồi, một đợt điều động thanh niên rà phá bom mìn, tôi ghi tên đầu tiên. Chính vì thế mà có cái chân gỗ này. Sau lần đấy, họ hả dạ lắm, như đã trừng trị được tên phản bội. Cái nhìn với tôi có thay đổi chút ít, nhưng cũng chỉ một thời gian. Sau đó dịp may lại đến. Người ta kêu gọi thanh niên đi nông trường cà phê ở Tây Nguyên. Cơ hội cho tôi. Tôi xung phong. Và đã được chọn vì chẳng ai muốn đi. Ngày đeo ba lô ra đến đầu làng, tôi chỉ tay lên trời thề không bao giờ quay lại. Nhưng mà, anh thấy đấy!... quê hương làm sao quên được. - Sơn Hải ngẩng đầu, khuôn mặt tươi tỉnh - rất may cho tôi, phía trước đã khá hơn.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #52 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 04:20:10 pm »

Ánh nắng nhạt dần. Một cơn gió nhẹ thổi qua, mang theo mùi thơm dìu dịu của lúa. Đã một đêm, một ngày, anh giấu mình dưới ruộng. Người khô róc, toàn thân bỏng rát. Mở bi đông, anh ngửa cổ tu. Chỉ còn mấy giọt nước cuối cùng. Nhìn sang bên phải, anh ra hiệu cho Quang. Quang cũng dốc ngược bi đông lắc lắc - đã hết. Mặc dù nắm vững quy luật đi về của tên Long, nhưng cẩn thận, để tránh bất trắc, anh vẫn ẩn mình trước từ đêm qua để giành thế chủ động.

Mặt trời thấp dần. Xe tên Long đã về. Vẫn chỉ thấy 2 tên bảo vệ mặc thường phục. Tòa vi-la xây theo kiểu quê, ngự ở thị trấn P., có mặt tiền xoay ra cánh đồng, mà từ đây, nhìn xuyên qua hàng rào anh có thể thấy rõ mọi manh động bên trong. Suốt ngày đóng cửa im ỉm - đó là dấu hiệu tốt. Anh nóng ruột nhìn mặt trời - một đêm, một ngày qua nhanh, giờ còn khoảng một tiếng, sao mà lâu thế. Trong nhà có 2 con chó rất khôn, nhưng anh đã nằm ngoài ruộng với chừng ấy thời gian, chắc chắn chúng sẽ không kịp đánh hơi.

Bóng tối bao trùm. Anh ra mật hiệu cho Quang theo bờ ruộng bò sát hàng rào. Lại nóng ruột chờ đợi, cho đến khi bóng tên Long ngồi trong phòng khách đang in lên bức bình phong bằng vải dựng trước cửa. Hắn đã ăn xong và đang ngồi gật gù hút thuốc. Giờ này 2 tên bảo vệ thường ở nhà dưới. Cả 2 cắt hàng rào chui vào, nép theo những lùm cây ngoài vườn. Cách phòng khách chừng 20m, Quang phải nằm lại để cảnh giới, và sẽ nhảy vào khi nghe tiếng súng. Như một cơn gió, anh băng mình đến trước cửa. Thò tay định rút súng.

- Đứng im! Giơ tay lên trời!

Anh giật mình sửng sốt. Hai họng súng AR 15 đen ngòm từ hai bên hông cửa chĩa thẳng vào mặt anh. Cùng lúc, ngoài vườn, hai họng súng như thế bắt Quang nằm im.

- Làm gì phải to tiếng thế! Ông Sơn Hải hả? Mời ông vào. - Tên Long từ trong nói vọng ra.

Sơn Hải nhẩm tính: không kịp rồi, giờ có rút súng ra, chưa chắc đã bắn được, mà mình thì tan xác. Điều quan trọng là tên Long ngồi tận trong kia. Anh từ từ bước vào. Ở cửa hông thông với nhà dưới, 2 tên bảo vệ cũng lăm lăm 2 khẩu súng ngắn chĩa vào anh.

- Chào ông Sơn Hải, ông trẻ hơn tôi tưởng nhiều. Nghe tiếng ông đã lâu. Mời ông ngồi! Nhưng, trước khi vào bàn, đề nghị ông bỏ vũ khí ra.

Hai tên lính gác dí súng vào lưng anh, thò tay xuống rút khẩu súng ngắn có gắn ống giảm thanh đặt lên bàn.

- Ông chuẩn bị cho cú “viếng thăm” tôi khá chu đáo đấy ông Sơn Hải ạ! Nhưng, đáng tiếc… - Hắn vẫn ngồi yên nơi bộ sa lông giơ tay ra hiệu mời anh ngồi. - … Mời ông hút thuốc… Uống nước.

Sơn Hải điềm tĩnh rút một điếu thuốc châm lửa, không nói gì.

- Tôi biết ông là người có học, lại được đào tạo bài bản trong nghề quân báo. Tôi cũng thế! Cho nên chúng ta hãy chơi bài ngửa với nhau và hãy nói chuyện lịch sự.

- Tôi không cần lịch sự. Và cũng chẳng chấp nhận cuộc chơi nào cả. Lần này tôi đã thất bại. Nhưng ông đừng vội mừng… Số phận tôi hiện nằm trong tay ông. Xin cứ việc định đoạt. - Anh điềm tĩnh rít một hơi thuốc thật sâu.

- Đừng nóng tính. Ông còn trẻ lắm! Tôi sẽ rất tiếc là nếu phải bắn một người táo bạo và can trường như ông.

- Cứ việc bắn, chẳng có gì phải tiếc.

Dừng lại một lúc, giả vờ suy nghĩ, tên Long nói tiếp:

- Bây giờ tôi thả ông ra, ông tính sao? Liệu ông còn nuôi ý định quay lại khử tôi nữa hay không?

- Ông nên nhớ, tôi đến đây không phải vì tôi, mà vì những người đã bị ông bắt và giết.

- Ông vẫn nuôi ý định quay lại?

- Tất nhiên!

- Tôi tưởng ông là người có học, thông minh và quân tử.

Trong chiến tranh không có sự quân tử cá nhân… - Dừng lại ngẫm nghĩ một lúc, Sơn Hải nói tiếp - Được, ông đã nói thế, tôi cũng sẽ thoái thác một lần nếu lại được giao việc này. Nhưng, nên nhớ, chỉ một lần mà thôi, không có lần thứ hai. Trong cuộc chiến, thế đã là sòng phẳng lắm rồi.

Tên Long lại ra vẻ ngẫm nghĩ:

- Tôi tin ông. Xin ghi nhận. Tôi cũng chỉ cần thế! Thôi, ông có thể ra về bình yên bằng cửa trước. - Hắn nói với 2 tên lính - trả vũ khí lại cho ông ta.

Sơn Hải bước thẫn thờ, ra hiệu cho Quang rút lui bằng cửa trước: “Hỏng! Hỏng! Lộ hết rồi! Trong hàng ngũ chúng ta có kẻ phản bội.”

Chỉ ngày hôm sau, tin đồn có một chiến sĩ biệt động bị bắt và đồng ý cộng tác với địch đã loang ra…

Mặt trước của chiến tranh, đối với Sơn Hải cũng khép lại từ đấy.


Tôi tiếp tục hồi tưởng cuộc đối thoại với tên Long:

- Ông nói ai phản bội? - Tôi hỏi tên Long sau khi đã cố trấn tĩnh.

- Một trong những nơi mà các ông gọi là “cơ sở đáng tin cậy”. Chính cái chỗ phân đội 5 vẫn dùng để liên lạc với nhau. Anh ta đã bị chúng tôi đe dọa và mua chuộc. Đáng tiếc, anh ta chẳng phát huy được gì, bởi, kế hoạch của các ông kín như bưng, bao giờ cũng bí mật đến phút chót, người thì phân tán ở khắp nơi. Nhưng, lần ấy, các ông đã sơ hở, và anh ta nắm được.

Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh người đàn ông tên là Tâm, một “cơ sở đáng tin cậy của phân đội 5”…

- Đáng lý khi nhận được tin này tôi phải xa chạy cao bay. - Tên Long tiếp - nhưng, tôi đã quyết định liều mạng ở lại để đấu trí với các ông. Khi đầu tôi có ý định mua chuộc Sơn Hải nhưng rồi tôi gạt đi ngay. Chuyển qua tính kỹ một trong hai phương án: bắt một người hoặc cả hai. Tôi biết Sơn Hải là người thông minh và can trường, thường không thích dùng số đông. Chẳng bao giờ tôi có được những người lính như thế. Quả nhiên đúng, tôi mừng khi thấy mình anh ta xuất hiện, như thế, kế hoạch ly gián đã thành công. Không ai có thể thanh minh được cho anh ta. Việc bắt một mình Sơn Hải là thượng sách. Việc thả anh ta ra lại càng thượng sách hơn. Chẳng tốn phát đạn nào, tôi vẫn đạt hai mục đích: vừa loại được một đối thủ nguy hiểm khỏi võ đài, vừa gây hoang mang trong hàng ngũ các ông…

Sau cuộc đối thoại đó, tôi chẳng muốn gặp tên Long nữa. Chừng vài tháng sau, tên Long nằm trong danh sách chuyển ra Bắc, về một trại học tập khác. Hết hai năm làm công tác quản giáo, tôi được chuyển ngành về học đại học. Ra trường, sự nghiệp của tôi cứ thế thăng tiến...
           

Đoàn tàu dừng lại ga N. Sơn Hải đứng dậy thu xếp hành lý. Vồn vã bắt tay tôi:

- Thôi nhé, chào người đồng đội. Cứ tin rằng phía trước bao giờ cũng khá hơn. Phải hy vọng như thế mà sống, còn biết bám víu vào đâu nữa.

Sơn Hải đi xuống. Hình ảnh người cựu binh chân thấp chân cao đang bước trên sân ga, sắp hòa nhập vào dòng người vội vã cứ lòa nhòa trước mắt tôi. Anh vẫn ngẩng cao đầu. Ôi, đôi vai gầy bé nhỏ, mà phải gánh chịu nỗi bất hạnh quá nặng của một đời người.

Anh vẫn bước đi đầy tự tin.

- Dừng lại đi, Sơn Hải, hãy dừng lại. - Tôi hét lớn - tôi đây này, anh nghe không? Chính là tôi… Ngày ấy vì sơ suất tôi đã làm lộ khi đi truyền đạt mệnh lệnh. Và sau đó tôi biết kế hoạch bị lộ từ đâu. Nhưng tôi đã im lặng... cho đến bây giờ. Thế mà tôi vẫn can đảm ngồi xét kỷ luật anh nữa chứ! Ôi...

Những lời nói âm âm, u u bay tứ tung giữa không gian loạn nhịp. Chẳng ai thèm nghe tôi, bởi, phỏng còn có ích gì. Tôi gục mặt bên cửa sổ. Sơn Hải đã hòa vào dòng người hỗn loạn. Anh chỉ là một chấm nhỏ giữa cuộc đời, nhưng, một chấm sáng lung linh.

Còn tôi - mãi mãi cái bóng mờ nhạt.

Đoàn tàu xình xịch chuyển bánh, chở đi một khối tâm tư nặng đến hàng vạn tấn.                                       

Huế: 1992 - 2008
V.H
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #53 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2011, 01:39:50 pm »

Người đi xe máy một chân

ĐỖ KIM CUÔNG


Bây giờ bạn bè ít được gặp anh lang lang trên phố. Thảng hoặc dăm bữa nửa tháng, có khi hơn mới tóm được anh. Ấy là khi anh phải ra khỏi nhà đi nạp bài cho những tờ báo mà anh thường cộng tác, hoặc đi nhận nhuận bút một vài bài thơ lẻ in trên báo.

Vào lúc trong túi rủng rỉnh có tiền, gương mặt anh sáng hẳn. Tiện đường, ghé qua chỗ tôi thế nào anh cũng rẽ vào. Chưa thấy người, đã thấy tiếng. Chỉ cần nghe tiếng đế giày của chiếc chân gỗ gõ vào từng bậc cầu thang, biết là anh đã tới rủ đi chơi làm vài vại bia. Tôi không uống được, nhưng anh vẫn cứ mời, Có cái cớ để anh em được ngồi với nhau ít phút chuyện trò ba lăng nhăng. Những câu chuyện thường là không đầu, không đuôi. Giữa anh và tôi không có nhu cầu trao đổi công việc, hay bàn chuyện làm ăn, kể cả chuyện văn chương như anh nói “cũng nên cho vào sọt rác”. Nhưng lâu ngày anh và tôi không gặp nhau lại thấy nhơ nhớ, thấy thiêu thiếu, hệt như cái cảm giác một người đã quen với ly cà phê sáng, vì một lý do nào đó bẵng đi một thời gian không được uống cà phê nữa. Mỗi buổi sáng anh ta trở dậy, thấy buồn buồn, bâng khuâng và thèm có một ly cà phê, nói chuyện với bạn bè. Mỗi lần gặp tôi, cao hứng anh Hoàng còn đọc vài bài thơ mới viết. Giọng xứ Nghệ, lại sống ở Hà Nội nhiều năm, anh đọc thơ truyền cảm. Đôi mắt của ông thi sĩ đã ngoài sáu mươi vẫn lung linh sáng, quyến rũ. Tôi dám cược rằng giữa tôi và anh nếu gặp một cô gái đẹp thì chỉ ít phút sau câu chuyện của cô gái ấy và anh đã như ngô nổ. Tôi chỉ còn là một nhân vật phụ. Người nghe chuyện cứ ngỡ anh và cô gái là đôi bạn tri kỷ từ kiếp nào.

Vài tháng gần đây, anh Hoàng chết chẹt trong ngôi nhà hai tầng vuông vức như cái hộp ở khu tập thể cách xa trung tâm thành phố. Đơn giản – anh đã lên chức ông ngoại. Bữa con gái anh đẻ, tôi đang mắt nhắm mắt mở tìm đôi giày đi đá bóng, nghe tiếng anh nói to trong điện thoại “Con T đã đẻ rồi. Tao đã trở thành ông ngoại. Ba ký rưỡi em ạ. Nó có cái trán rộng, giống hệt như tao... Good bye nhé... Hôm nào gặp nhau, khao”.

Cái hôm nào ấy của anh đã mấy tháng nay tôi chờ chưa thấy tới. Bởi vì anh Hoàng bận rộn với đứa cháu ngoại “đích tôn”. Chị vợ anh Hoàng bỏ hẳn sạp hàng ngoài chợ để ở nhà chăm sóc con gái và đứa cháu ngoại. Anh đóng cửa ngồi nhà ngắm cháu và sẵn sàng nghe vợ và con gái sai bảo. Anh mua hàng đống sách dạy về ăn uống, chữa bệnh cho trẻ sơ sinh. Anh loay hoay đọc sách Tàu, sách Nôm để đi tìm chữ đặt tên cho cháu. Anh bỏ hẳn thú tập thể dục buổi sáng và niềm đam mê đánh cờ với các cụ hưu ở dưới gốc cây bàng trong khu tập thể để có thêm thời gian trông nom “con mèo bông yêu quý của ông”. Trẻ con mới đẻ ăn ít, mặc ít không đáng lo. Vả chăng cha mẹ chúng đều là kỹ sư, bác sĩ, tiền đâu có thiếu. Anh dâng tặng tình yêu con trẻ cho đứa cháu ngoại.

Một hôm, anh Hoàng đến chỗ tôi làm việc. Anh vất bịch cái cặp xuống ghế, nhìn tôi không nói năng gì. Mặt buồn như người mất sổ gạo. “Có chuyện gì vậy anh?”. Tôi súc ấm, pha trà nhìn anh ái ngại. “Mất rồi... Đi mất rồi!”. “Ai mất, ai đi?”. Tôi sốt ruột. “Con cháu ngoại nhà nội sang đón đi rồi, em ơi!”. Anh nói mà như khóc. Tôi phì cười. “Cháu nội nhà người ta, thì nó về ở với ông bà nội là đúng, chứ có sao?”. “Chị em buồn lắm. Còn anh cả đêm qua không ngủ được...”

Ở phòng khách có tiếng điện thoại reo. Lúc tôi trở vào đã thấy anh Hoàng ngủ, gối đầu lên thành ghế bộ sa lông ngáy ngon lành. Trông anh, ngủ thật tội. Mái tóc của anh luôn đen óng mượt, vài tháng nay không chải thuốc nhuộm đã thấy trắng lốm đốm nơi chân tóc. Gương mặt chữ điền, cương nghị hằn rõ dấu hiệu mệt mỏi. Đôi giày da của anh, một chiếc nằm lăn lóc dưới đất. Chiếc còn lại bó chặt lấy cái chân gỗ màu nâu được chằng néo bằng những sợi dây da chắc chắn. Một bàn chân lành lặn của anh gác lên thành ghế. Còn chiếc chân cụt tới đầu gối nằm sõng soài, bất động dấu trong ống quần. Nhìn gương mặt hiền lành của anh lúc ngủ, không ai nghĩ anh là người nóng tính, dễ nổi giận. Vậy mà có lần, anh đã túm áo một gã lái xe con, chạy ẩu xô ngã một chị chở rau bằng xe máy, toan bỏ chạy. Anh lôi gã ra khỏi xe và bắt xuống xin lỗi và đi mua bông, thuốc đỏ băng bó cho người đàn bà nhà quê. Chị ta chưa tan cơn hoảng loạn sau một phen thoát chết.

Vào những năm “chín mươi” khi làm việc ở một tờ Tạp chí Văn nghệ, tôi mới có dịp gặp mặt anh Hoàng. Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào, một lần tôi đi dự hội nghị ở Hà Nội. Trong đám giấy tờ người ta vất vào sọt rác, tôi lại lượm được một tập thơ của anh, bản photo, chữ nghĩa nhoè nhoẹt cả. Tôi cầm lên và đọc để cho qua quãng thời gian phải nghe những báo cáo, tham luận dài lòng thòng. Ngay từ những câu thơ, bài thơ đầu tiên của thi sĩ họ Hoàng đã cuốn hút tôi. Thơ của một người lính ra trận trở về xót thương cho người đồng đội đã mất. Thơ viết về mẹ, về Hà Nội. Rất nhiều bài thơ viết về tình yêu. Tôi đã mang những bài thơ ấy của anh về Nam chọn in vài bài trên tạp chí. Lần dò qua bạn bè, tôi cũng biết được anh Hoàng đang làm biên tập viên cho một tờ báo. Khi anh nhận được nhuận bút của những bài thơ và cuốn tạp chí anh có viết cho tôi vài dòng “Đã in thơ cho anh, lại còn gửi nhuận bút, thế là quý rồi. Anh yêu biển lắm, nhưng chưa có dịp nào ghé Nha Trang”. Chưa gặp tôi bao giờ, chẳng thân quen, anh đã xưng hô như vậy.

Rồi một ngày anh Hoàng đến Nha Trang thật. Tôi và mấy cô ở toà soạn được nhìn tận mắt, sờ tận tay một thi sĩ đã nổi danh với những truyện ngắn, bài thơ gây nhiều tranh cãi. Bữa cơm chiều tôi đãi anh món vịt Cầu Dứa. Ngồi lân la chuyện trò, tôi mới vỡ lẽ ra anh cũng là lính giải phóng thuộc Công Trường 5, quân của ông Thân Trọng Một. Anh vào chiến trường năm 1966, lặn lộn nhiều với vùng giáp ranh quanh cố đô Huế. Cái thứ lính bộ binh quân giải phóng, quanh năm suốt tháng sống ở vùng gáp ranh mặc quần đùi, đi dép râu, đầu trần mang AK trước ngực, ăn nằm ở dề với du kích địa phương, đi xây dựng cơ sở bám dân, giữ đất. Anh Hoàng đã từng nhiều ngày nằm hầm, chui bụi ở Hiền Lương, bãi cát Triều Dương, các mạ cá o trong các làng kháng chiến đã nhiều người nhận anh làm con nuôi, anh nuôi và cả làm con rể hụt. Đánh xong chiến dịch Mậu Thân – 1968 đại đội của anh hy sinh quá nửa. Đơn vị lại được điều sang vùng Hương Thuỷ, đêm đêm về các làng Thanh Thuỷ Thượng, Nham Biều, Thuỷ Dương vừa kiếm gạo ăn, vừa giữ địa bàn vùng giáp ranh xôi đỗ đầy hiểm nguy và phức tạp. Suốt ngày chốt gác theo dõi địch. Ba bốn giờ chiều trinh sát đã phải bám đường xuống đồng bằng mua gạo mắm, nắm tình hình địch. Nhiều đêm, vấp địch phục kích, bộ đội, cán bộ du kích cáng thương binh, liệt sĩ, ôm gùi rỗng trở về.

Anh Hoàng kể – Một lần về ấp Năm lấy gạo, chẳng ngờ tao bị dính mìn Clay mo của tụi Mỹ “mũ lồi xanh”. Vết thương ở bụng, nhưng không nguy hiểm tới mạng sống. Tao được cáng lên điều trị ở bệnh xá Nam. Chưa đầy nửa tháng, vết thương đã lên da non, những trận sốt rét lại ập đến. Cứ một ngày hai cữ. Cơn sốt đến vào quãng chiều và đêm. Ăn cái gì nôn ra cái ấy. Dạo đó Mỹ đang càn mạnh vùng giáp ranh Huế. Bộ đội đói vàng mắt. Thành uỷ chỉ đạo các đơn vị phải ưu tiên cho thương bệnh binh đang điều trị tại trạm xá. Tiêu chuẩn cho thương bệnh binh cũng chỉ đủ cho một người mỗi ngày nửa lon gạo. Gạo ít, anh chị em phục vụ trạm xá đành nấu cháo loãng cho người ốm, nấu lẫn với môn vót. Một thứ nước xanh rớt, ngai ngái đến người khoẻ ăn còn khó nuốt, huống chi tao đang sốt rét thập tử nhất sinh. Quờ tay lên đầu, tóc rụng lả tả. Nhưng tao không muốn chết. Cố mà húp chút nước cháo cho có hơi gạo. Húp vào chưa ấm bụng lại nôn. Cô y tá chăm sóc cho tao trong những lúc đau ốm ở Trạm xá Nam tên là Lược, anh em hay gọi là O Lược. Cứ mỗi lần nôn, O Lược đã để sẵn một cái xoong dưới gầm sạp. O Lược vừa đấm nhẹ vào lưng tao vừa nói: “Nôn chi mà dữ hè... Ráng chịu eng Hoàng...”. Khốn khổ càng ráng chịu càng nôn. Nôn cho tới khi ói ra mật xanh, mật vàng, người lả đi, miệng đắng nghét mới cảm thấy sung sướng, sảng khoái dễ chịu. Mồ hôi túa ra. Mệt rũ người và cơn sốt đã lui từ lúc nào. O Lược cho tao uống chút nước gạo rang để lấy sức “cho có chất gạo”. O nheo mắt cười “Ráng sống mai này thống nhất còn về quê lấy vợ nghe eng Hoàng”.

Hỡi ôi, vào những năm “sáu chín”, “bảy mươi” khốc liệt ấy, mấy người lính có đủ tự tin, lạc quan để hy vọng mình còn sống để trở về quê hương. Ngày chiến thắng, ngày thống nhất như lời của các ông chính trị viên, mỗi khi xuống đơn vị làm công tác tư tưởng, giảng bài cho bộ đội đều khẳng định sẽ có. Nhưng trong sâu thẳm trái tim mỗi người lính như cánh tao đều hiểu rằng cuộc chiến này vẫn còn gian khổ, khốc liệt và số phận dành cho một người lính trong chiến trường như hạt cát giữa rừng bom lửa. Cả một đại đội bộ binh của tao vào chiến trường, sau hai lần tấn công về Huế, còn lại 18 người. Chậm tiến bộ, ngang ngạnh như tao cũng đã là trung đội phó. Những năm sống ở giáp ranh, quen biết nhiều cô du kích, cán bộ, nhưng tao chẳng thân với cô nào.Có người chưa kịp làm quen, họ đã hy sinh trước mắt mình. Chỉ một đêm đi đồng bằng mua gạo. Một trái mìn nổ. Một quả pháo bắn vu vơ vào hậu cứ. Lãnh đủ. Gần một tháng trời nằm ở trạm xá, được o Lược tận tình chăm sóc, chuyện trò... tao có cảm tình với o. O Lược người Vĩ Dạ, lên xanh từ những năm 1965. Công bằng mà nói o không thật đẹp, nhưng có duyên, là một trong số những y tá, hộ lý thương lính ở Trạm xá Nam. Trạm xá tiền phương chỉ có một ông bác sĩ và gần chục cô y sĩ, y tá, hộ lý. Họ vừa phải lo cứu chữa trị cho bộ đội, cán bộ huyện xã bị thương tật, đau yếu dưới đồng bằng, giáp ranh chuyển lên trước khi chuyển tiếp cho Viện Quân Khu, vừa phải lo cùi gạo cơm để đảm bảo bữa ăn cho mười mấy con người. Lúc bình thường không có địch thì không có vấn đề gì. Lo đào hầm cho chắc, chốt gác đề phòng tụi thám báo, biệt kích. Nhưng căng thẳng nhất mỗi lúc địch càn vào hậu cứ, tất cả từ thầy thuốc đến thương, bệnh binh phải cầm súng để bảo vệ thương bệnh binh.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #54 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2011, 01:40:25 pm »

Mùa khô 1969, thật khủng khiếp. Khắp rừng núi Trị – Thiên đâu đâu cũng thấy lính Mỹ thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay số I càn quét, chiếm đóng các điểm cao. Suốt dải giáp ranh bao quanh Huế, chúng đổ quân xây dựng nhiều cứ điểm phòng thủ. Quân Mỹ, quân ngụy rải quân chốt chặt đường 12, càn lên cả đường tuyến vùng A So, A Lưới. Người Mỹ và chính quyền Ngụy đã thấm thía với những đòn tấn công và nổi dậy của Việt Cộng. Chúng không muốn tái diễn một “Mậu Thân” nữa! Vào một buổi sáng mùa hè, một trung đoàn quân Mỹ và trung đoàn E54 ngụy tổ chức càn lớn vào vùng rừng giáp ranh Hương Thuỷ, Hương Trà, Phong Quảng. Một tiểu đoàn lính biệt động quân nhảy dù xuống điểm cao dọc bờ sông Hương, chia thành ba mũi xọc thẳng vào khu vực hậu cứ của bệnh xá Nam. Địch chia cắt luôn đại đội vận tải, một đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ cho khu bệnh xá. Các mũi tiến quân của địch tiến rất nhanh. Chúng đã phát hiện ra một vài căn hầm, kho quân lương. Một cô y tá và một anh thương binh đi lấy măng bị tụi biệt kích bắt sống ngoài Bãi Đá. Một anh du kích xã lúc địch tấn công vào hậu cứ,, khiếp sợ quá đã ra chiêu hồi, chỉ điểm nơi đóng quân của các đơn vị. Pháo địch căn sẵn toạ độ, bắn cấp tập từng đợt để bộ binh tiến vào truy quét.

Bác sĩ Khuê trạm xá trưởng đã quyết định chia nhỏ số thương binh sơ tán, tránh địch. Tao sốt rét chưa dứt, được o Lược và một cậu chiến sĩ bị thương nhẹ đưa vào rừng tránh địch. Tao bước đi không nổi, tay chống gậy, lưng đeo chiếc gùi lội dọc theo con suối Đá. Địch đã vào được khu trạm xá và nơi đóng quân của đại đội vận tải. Chúng bắn loạn xạ. Ném lựu đạn, đặt mìn giật hầm. Nghe rõ cả tiếng tụi ngụy gọi nhau í ới truy bắt Việt Cộng... Gần hai tiếng đồng hồ, o Lược đã đưa được tao tới một hang đá gần bờ sông Hai Nhánh. Cậu bộ đội bị thương chẳng rõ đi lạc hướng nào, sau này biết rằng cậu ta đã nhập vào với trung đội vận tải. Bị sốt lâu ngày sức yếu tao mệt lử, chân cẳng rủn ra. Nhiều lúc o Lược phải dìu đi... Đến được bãi đá bên sông, o Lược mới dừng lại. Chưa kịp mắc xong chiếc võng. Cơn sốt đã ập tới. Mắt hoa, đầu đau như búa bổ. Chỉ thấy nhói đau ở cánh tay. Người lúc nóng, lúc lạnh. Triền miên trong những cơn mơ. Lúc thấy tụi ngụy đuổi. Lúc lại  thấy con cọp vằn lông trắng đứng nhe nanh, chực vồ. Loáng thoáng nghe như có tiếng pháo nổ rất to ở trên đỉnh hang đá, ngoài bãi rẫy của đồng bào Vân Kiều. Đến khi tao tỉnh lại, thấy mình đang nằm trong một cái ổ được lót bằng cỏ tranh, lá đùng đình, lá nón êm ái. Không gian tối om. Râm ri tiếng côn trùng kêu trong đất. Mi có biết lúc ấy người đang nằm ép sát, ôm lấy tao là ai không?...”

Anh Hoàng hỏi tôi và đưa một cọng hành tươi ngâm đá lên miệng nhai. Mải nghe chuyện, đĩa thịt vịt luộc hai anh em mới chỉ ăn được vài lát.

“O Lược đấy! Anh Hoàng nói – chắc là thấy tao rét quá, chăn mùng không đủ ấm, o Lược đã sưởi ấm cho tao bằng chính cơ thể mình. Tao nằm im bất động, nín thở để nghe nhịp tim của một người con gái. Hơi thở nhẹ, phảng phất cả mùi xà bông Mỹ trên mái tóc cô. Lâu lâu, o Lược lại lấy cái khăn mặt lau nhẹ lên trán, lên mặt của tao. Tao biết, o Lược cũng không ngủ được. Có lúc o cầm lấy bàn tay giá lạnh của tao. Bàn tay o mềm mại, nóng ấm.

Một lúc lâu, o Lược trở dậy, cời than. Lửa cháy bập bùng. Ngoài cửa hang o Lược đã dùng một tấm ni lông che bớt ánh sáng. O lật từng chiếc áo, chiếc quần đang hong quanh bếp lửa. Buổi chiều lúc luồn rừng, chạy giặc, áo quần đều ướt hết cả. Rồi o Lược khẽ nâng đầu tao dậy, kề miệng vào chiếc ca US cho tao uống chút nước cháo. O bảo “Ngủ đi ông tướng ạ. Mai còn có sức để leo núi. Mỹ vô càn đông hung. Chúng nó vào cứ đốt hết cả lán trại rồi... Eng mơ chi mà dữ rứa hè? Cứ la hét hoài à... Ngủ đi cưng, ngoan nào...” Thì ra, o biết tao cũng thức. Nhưng o giả đò như không hay. Tao đã nói với o như ri: “Cám ơn em! Anh sống được đến lúc này là nhờ em... Mai ngày còn có lúc gặp lại, anh sẽ trả ơn...”. “Eng là bộ đội giải phóng, em là lính trạm xá... Biết lấy gì mà trả ơn cho nhau đây?” Nghe o Lược nói, nước mắt tao ứa ra. Ấm nóng hai gò má. Tao và o Lược đã sống với nhau ba ngày trong hang đá, cho đến khi tụi Mỹ, tụi ngụy rút khỏi hậu cứ”.

Anh Hoàng nhìn tôi: “Tao không còn cơ hội để trả ơn o Lược. Chuyện rồi cũng đến tai Ban chỉ huy trạm xá. O Lược là đảng viên, chi bộ họp kiểm điểm suốt một đêm. Tao được bác sĩ Khuê và anh chính trị viên trạm xá mời lên viết bản tường trình. Học theo tính cách của thủ trưởng Thân Trọng Một, tao chỉ viết một chữ “KHÔNG” to tướng vào tờ giấy kẻ xé ra từ tập vở Côdiđô 100 trang của học trò. Hai ngày sau, tau được trả về đơn vị dưới giáp ranh. O Lược bị cách ly với kẻ “tình nhân nguy hiểm” bằng hình thức đưa vào trại sản xuất của Trạm xá cách hậu cứ hai ngày đường”.

Tôi gắp vào bát của Hoàng mấy miếng thịt vịt, bắt anh ăn. Thịt vịt nướng, chấm ruốc mắm gừng, nhậu với Lade đặc sản của dân Cầu Dứa. Anh Hoàng ăn có vẻ khoái. Tôi hỏi anh. “Chị nhà có biết chuyện o Lược không?”. Anh nhìn tôi, tay vẫn cầm chiếc đùi vịt. “Biết, bà ấy cạo đầu... Mi là lính Công Trường 5, tạo mới kể cho nghe chuyện này... Bem đấy nghe!” Về cô y tá Lược ở Trạm xá Nam tôi cũng đã có lần được gặp chị. Trong chuyến cáng thương binh vượt đường 12 sang giao cho chúng tôi chục lon gạo để ăn dọc đường. Sau ngày Huế giải phóng, tôi không bao giờ được nghe tin tức về chị nữa.

Tôi biết nhiều về người vợ anh Hoàng bây giờ. Trong con mắt tôi chị thực xứng đáng với danh hiệu người phụ nữ anh hùng. Anh Hoàng đã cho tôi xem tập album gia đình. Nhiều bức ảnh chị chụp từ thời con gái rất trẻ, đẹp, đầy sức sống và nghị lực của các cô gái sinh ra trong những năm đất nước có chiến tranh. Chị chưa bao giờ nói cho tôi lý do vì sao chị dũng cảm lấy anh Hoàng. Còn tôi đinh ninh cho rằng chỉ có sức mạnh của tình yêu, của tình mẫu tử, tình yêu con người mãnh liệt, một cô gái như chị mới dám vượt qua tất cả để chọn anh làm chồng. Một anh thương binh cụt một chân. Chưa tới bốn mươi tuổi đã ngồi chơi xơi nước, ăn theo vợ. Nghề nghiệp không có. Lại hay mơ mộng viển vông là hy vọng sống bằng THƠ, chết vì THƠ. Lạ thật? Một kẻ không có tem phiếu, còng cọc sống bằng mấy đồng thương tật lại đủ sức làm một cô gái Hà Nội như chị xiêu lòng. Vậy mà anh chị đã sống rất vui vẻ, hạnh phúc! Nhiều lần tôi đi ngang qua khu chợ xép, lẳng lặng đứng nhìn chị bán hàng. Cái gánh hàng ăn vặt vãnh ấy, đã giúp chị nuôi chồng, nuôi cô con gái quý hơn vàng đủ sống và ăn học thành người. Trong những câu thơ của anh tôi đọc ngoài những ý tưởng cao xa, sang trọng còn ẩn náu cả vị mồ hôi mặn mòi của người đàn bà bán hàng rong, lẩn quất cái mùi nước tanh nồng bao quanh ngôi nhà mái lợp giấy dầu khi xưa của anh vào những ngày Hà Nội dầm trong mưa và úng lụt...

Bây giờ anh Hoàng đã được sống trong ngôi nhà tầng thoáng rộng. Cô con gái lắp cho bố điều hoà. Anh làm thơ, viết báo bằng vi tính. Đi xe máy đến toà soạn. Cuộc sống cơ cực, nghèo khổ đã bị đẩy lùi xa. Kể cả việc anh đã lần mò tìm ra tung tích của o Lược, người con gái đã vì anh mà chịu nhiều tai tiếng, đau khổ. Nhiều năm sau anh mới biết rằng o Lược đã có lần được đưa ra Bắc chữa bệnh. O không có ai quen biết ở xứ Bắc, vậy mà o đã về tận làng quê anh ở miền Trung lần tìm tung tích người yêu. Làng quê anh bom đạn tàn phá hết cả. Cha mẹ anh đã mất, anh em ly tán. Anh Hoàng đi khỏi làng từ bé, chẳng ai biết anh ở đâu mà tìm. Có tin đồn anh đã hy sinh ngoài mặt trận. Chị Lược chán nản quay về trại điều dưỡng. Lúc ấy có đợt cán bộ đi Nam. Chị xin với cấp trên trở lại chiến trường. Trên đường giao liên Trường Sơn, ngày o Lược trở về Nam cũng là ngày anh Hoàng nằm trên võng cáng bị đạn tiện mất một chân, thương tật đầy mình, ra Bắc. Giời đã không cho o Lược được gặp anh. O Lược lại trở về sống với những cánh rừng hoang dã một thuở.

Ai nhỉ, ai đã nói câu này: ẩn khuất trong mỗi con người đều chứa đựng cả một pho tiểu thuyết. Anh Hoàng đấy, biết bao nhiêu là câu chuyện vui, buồn. Lâu ngày mới gặp lại anh, đến đây định chơi với tôi anh lại ngủ. Thật rõ chán! Mỗi chuyện cỏn con – đứa cháu ngoại được ông bà nội đón về bên nhà, đã khiến anh buồn đến vậy ư? Lạ nhỉ!

Tôi còn đang loay hoay với đống giấy tờ, công văn, anh Hoàng đã trở dậy từ lúc nào. Anh thành thạo đút đoạn chân cụt vào phần chân gỗ đã xỏ giầy. “Chán nhỉ...”. Nghe anh than, tôi biết trong túi anh lúc này nhẵn tiền. “Anh ở lại đi ăn cơm bụi với em” Tôi động viên. Anh nói quả quyết. “Không. Anh phải về ăn cơm với chị. Chị bảo hôm nay có món chả rán, ngon lắm. Hay em về nhà anh, ta làm vài vại bia”. Tôi không thể đi theo anh được.

Chỉ một loáng, anh Hoàng đã biến khỏi phòng. Rồi tiếng xe máy rồ ga. Thi sĩ một chân của tôi đã mất hút vào con đường rợp xanh bóng cây của thành phố.

Đ.K.C
(185/07-04)
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #55 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2011, 10:50:31 am »

Duyên nợ trăm năm

NGUYỄN VĂN VINH


Tết Mậu Thân năm ấy tôi tròn mười sáu tuổi. Soi gương, tôi thấy y xì một con bé tóc lơ xơ hoe nắng, xấu tệ.

Ngân bạn tôi lại bảo: "Dung không đẹp nhưng dễ thương nhờ nước da trắng, mắt to, tính lại hiền". I...i, tôi hiền ư? Tại Ngân không thấy tôi vật thằng Khai té chỏng gọng trước sân nhà khi cùng chơi ù mọi. Mẹ tôi ngao ngán: "Con gái kiểu đó mai mốt ai dám rước". Tôi xụ mặt: "Thì thôi! Mẹ tưởng con thèm lấy...". Khai lồm cồm đứng lên phủi bụi cướp lời nói tiếp: "chồng lắm mẹ ơi!", rồi loe cái miệng loa ra sằng sặc cười và bỏ chạy tán vào xóm. Vừa lúc ấy, tôi gặp ánh mắt mẹ âu yếm nhìn tôi, tôi liền chạy vào định sà vào lòng mẹ nhưng khựng lại vì thấy đôi mắt lém lỉnh của tụi con trai còn đứng đấy, tôi sợ mai đi học tụi nó loan truyền và chọc quê tôi đã lớn rồi còn nũng nịu với mẹ.

Tết đó ba mẹ tôi vừa xây nhà xong. Ba mẹ tôi vất vả làm lụng suốt gần hai mươi năm mới xây được ngôi nhà tường, mái ngói. Cũng có công chị em tôi nhặt đá vụn trong vườn trong những ngày nghỉ học, dồn đống cho ba tôi đúc táp-bờ-lô. Đất nhà tôi toàn sỏi, đá vụn, chúng tôi nhặt bớt  giúp ba tôi đỡ công cào gom khi đánh vồng trồng trọt. Đất vườn nhà tôi sát đồn lính. Đồn mấy lần lấn đất nhà tôi bằng ba hàng rào thép gai khum khum hình mái nhà và gài đầy lựu đạn, mìn! Dải đất dọc hàng rào ba tôi phải bỏ hoang cho lau lách mọc đầy, chớ ra đó vỡ đất có ngày vướng mìn, toi mạng. Tết ấy, cả nhà tôi được ở nhà mới. Tôi thích nằm ngửa trên nền xi măng láng nhìn lớp lớp ngói đỏ thứ tự, lớp lang và băng, kèo, rui, mèn toàn bằng gỗ kiền nâu ngù mà lòng tràn trề sung sướng. Cây lá quanh vườn nhà tôi cũng rỡ ràng hơn mọi năm. Cội mai già trước sân đã sớm điểm mấy bông hoa vàng tươi mơn mởn, suốt ngày khẽ rung theo ngọn gió đông như muốn cùng gia đình tôi mừng nhà mới, xuân mới.

Tết sầm sập tới. Mẹ tôi búi đầu trong đống hàng áo quần bà con lối xóm xa gần đặt may. Mẹ tôi, ba tôi, anh thợ và hai chị học may phải thức khuya may cho kịp. Tôi cũng thức để làm khuy, nút giúp mẹ và lo chè, cháo giữa đêm cho thầy, thợ. Tiếng máy chạy : "Xè... xè..." và ánh đèn măng- sông sáng suốt đêm, thật vui. Mẹ tôi muốn ăn một cái Tết trong ngôi nhà mới đàng hoàng, đầy đủ hơn mọi năm nên nhờ bà ngoại tôi dưới làng lên gói bánh tét và làm giúp vài loại mứt, bánh. Tôi tưởng gói bánh tét dễ. Ai ngờ tôi gói trầy trật mãi mới được một đòn bánh vừa đầu to đầu nhỏ và lỏng lẻo chứ không đều rí múi lạt và chặt chịa như những đòn bà ngoại gói. Thế mới biết người xưa dạy, học ăn, học nói và còn học gói nữa... Củi nấu, ba tôi đã chuẩn bị mấy tháng trước khối củi gộc khô đượm chất sau chái bếp từ đầu tháng chạp. Chiều hai chín Tết thợ thầy đã nghỉ. Ba tôi nhúm bếp ngoài sân, che bên một tấm bạt cũ phòng mưa, sợ nấu trong nhà khói ám tường mới. Xong, bắc nồi đồng to đùng lên, chất bánh vào, đổ nước lút bánh và nấu sôi sùng sục suốt ngày đêm. Ba tôi thức coi chừng lửa và châm nước cho bánh chín đều. Tôi cũng háo hức ngồi chầu rìa chờ vớt bánh nhúng vào thau nước lạnh rồi mở ra thử xem đòn bánh đầu đời của tôi gói hương vị thế nào.

Đêm ba mươi thăm thẳm, cảnh vật, sinh linh chìm trong yên tĩnh. Hình như nàng Xuân đã tha thướt ngự về vén màn sương khuya tỉ tê, tâm sự với vạn vật sau bao tháng xa cách. Tôi thức dậy, co ro lên nhà trên để chờ ba tôi sai bảo và phụ mẹ cúng giao thừa. Pháo đì... đùng nổ rộ, khắp nơi đón giờ phút thiêng liêng mới mẻ của một năm. Hương cháy một hồi rồi mà pháo vẫn còn nổ. Ồ không, tiếng súng!?. Tiếng súng  đùng... đoàng... nổ khắp đây đó, phía sau nhà tôi cũng nổ từng hồi rát rạt, veo veo... Ba tôi giục cả nhà xuống hầm. Ngồi trong hầm ba tôi thì thào với mẹ tôi: "Chắc Việt Cộng về rồi, mẹ mi nợ!!". Một lát sau tiếng súng hơi yên, ba tôi lên. Tôi cũng thè thẹ đi rón rén sau lưng ba. Nhìn qua khe cửa ra ngoài đường nhờ nhờ sương đêm, tôi thấy có bóng người chỉ mặc áo may ô, quần xà lỏn xách súng chạy. Sáng mồng một, vẫn còn tiếng súng nổ từng hồi dưới đồn Mang Cá, nơi đóng quân của lính Cộng hoà. Bà con xóm tôi đều ùa ra đường, tụ tập từng nhóm năm ba người đứng nhỏ to bàn tán, ai cũng lo lắng, sợ sệt. Sau đó tôi biết chính xác, Giải Phóng quân đã về. Chính cái đồn lính sát nhà tôi, các anh đã chiếm rồi bỏ trống để tiếp đi giải phóng nơi khác, nên hồi khuya mới có một số lính hoảng loạn chạy tản ra nhà dân trốn. Sáng nay đã nghe loa gọi ra trình diện cùng với lớp lính tráng đã trốn chui nhủi đâu đó, tử thủ. Tối mùng hai Tết nhiều Giải Phóng quân đến nhà tôi, nhưng số đông họ đứng lẫn ngoài vườn, chỉ hai anh đưa vào năm, sáu ruột tượng gạo nhờ mẹ con tôi nấu cơm rồi vắt từng cục cho họ. Ba tôi chất một giỏ tre bánh tét tặng các anh, nhưng các anh không nhận. Các anh khiêng hai thúng cơm đi mất vào bóng tối. Lần đầu tiên được gần gũi với các anh giải phóng. Tôi thấy các anh cũng hiền, thậm chí còn đẹp trai và sáng sủa, tuy hơi có vẻ bí ẩn một chút. Chứ không bặm trợn, nham nhở, chọc gái thô tục như những ông lính cộng hoà tôi từng gặp những lúc tôi mặc áo dài trắng đạp xe đến trường. Các anh ấy đi và không bao giờ trở lại nhưng đã gieo trong lòng tôi những tình cảm tốt về Giải Phóng quân.

Suốt buổi sáng ngày mùng ba Tết, đồn bắt loa phát lệnh buộc gia đình tôi đi tản đi nơi khác để đồn mở rộng phòng ngự và tầm xạ thủ! Ba tôi nấn ná vì lưu luyến ngôi nhà mới ở chưa đầy hai tháng. Bỗng bên đồn nã đại liên vào "khu đị" nhà tôi. Mẹ tôi hoảng réo ba tôi và kéo chị em tôi chạy đại ra đường. Qua bên Niệm Phật Đường xin tá túc, ba tôi mới sực nhớ chưa kịp đem theo áo quần thay và đồ gia dụng. Ba tôi trở lui xin vào nhà. Hai cha lính cầm súng lừ lừ, trợn trạo không cho. Ba tôi và tôi cùng năn nỉ họ mới kéo thép gai cho vào lấy được ít ký gạo. Trong lúc gấp gáp như vậy ba tôi cũng chôn được hai đầu máy Singer xuống hầm rác sau khi đã bọc vào tấm toa-đờ-tăng. Ba tôi chạy qua Niệm Phật Đường được một lát thì nghe: "ầm" ba tôi chạy lại. Ngôi nhà tôi đã bị lính giựt sập ngổn ngang gạch đá. Ba tôi nhặt được một miếng tường bể văng ra ngoài hàng rào còn mới nguyên màu vôi hồng, cầm đi lui đi tới khóc ràn rụa, tôi cũng thút thít khóc theo nhưng vẫn chưa thấm đâu được nỗi ở nhà thuê mướn sau này. Cũng chiều đấy có mấy anh giải phóng vào Niệm Phật Đường, leo lên bệ quan sát bên đồn. Hai anh mang súng AK, một anh mang cây súng như ống thổi lửa và mấy trái lựu đạn to như bắp chuối sứ. Ba tôi gọi súng B40. Lòng tôi đang căm thù bọn lính đang tâm giựt sập nhà tôi. Tôi lân la đến bên các anh và ngõ ý dẫn các anh tiếp cận đồn vào một nơi kín đáo, dễ nhìn vào trong. Các anh hội ý riêng với nhau rồi đồng ý. Tôi dẫn các anh theo con hẻm ngoằn ngoèo luồn lách trong xóm đến một lớp học bỏ hoang gần cái lô cốt. Tôi thấy lớp bao cát chắn bên trên như bung ra bởi lớp bụi bốc lên. Tôi hả dạ nhảy cỡn lên vỗ tay. Một anh giơ ngón tay bảo im lặng rồi vẫy tôi rút lui.

Hôm sau tôi lại theo đám bạn xóm, toàn những cu cậu rắn mắt, nghịch ngợm nhất, chỉ tôi và cái Vy là gái, kéo thành đoàn chạy ra cồn, một anh du kích đứng gác dưới lùm cây chặn lại. Thằng Khai mau miệng: "Dạ tụi em ra cồn nhổ sắn ăn, nhà hết gạo rồi!". Tôi đoán anh ấy là du kích vì anh không mặc bộ đồ màu cỏ úa mà mặc áo đen, quần tây xanh. Chúng tôi ra cồn, nhảy từ ngôi mộ này đến ngôi mộ khác tìm đồ hộp do máy bay trực thăng thả cho lính trong đồn, vì du kích bắn rát quá nên đã quýnh quáng thả ra ngoài vòng đai đồn lính. Chúng tôi tìm được mấy thùng đạn và một thùng đồ hộp. Cả bọn khiêng vào nạp đạn cho các anh du kích. Đồ hộp các anh cho tụi tôi chia nhau đem về gia đình ăn tạm qua ngày. Hôm sau nữa, chúng tôi kéo ra cồn nhiều người hơn và cũng nhảy trên các ngôi mộ, mả Tàu tìm đồ hộp. Bất thần trong đồn bắn ra mấy loạt đạn. Đạn bay chiu chiu và veo véo trên đầu. Cái Vy nhảy choi choi trên nấm mộ đất, miệng nói. "Đạn chê! đạn chê!" thì bị một viên đạn bắn trúng ngực ngã vật chết không kịp kêu lên một tiếng. Cả bọn vừa chạy vừa ré om sòm. Tôi cũng la hớt hải, thì bị đạn xuyên thủng ruột. Anh du kích hôm trước tôi gặp đã bất chất nguy hiểm lao vào tầm đạn của lính trong đồn vác tôi chạy vào cho cô cứu thương băng bó, chích thuốc sơ cứu. Lát sau, ba và chú tôi làm cáng gánh tôi xuống bệnh viện. Giữa đường tôi thấy các anh Giải phóng đứng lấp ló trong các con hẻm ven đường. Biết tôi bị đạn các anh chỉ cho ba tôi những đoạn đường không bị xác những chiếc xe tăng cháy và cầu sập. Nằm viện tôi được các y bác sĩ Giải phóng tận tình cứu chữa cho dến khi họ rút qua bên kia sông.

Năm 1977 tôi tốt nghiệp Trung học Sư phạm, được bổ dạy miền núi năm năm. Về dạy huyện đồng bằng hai năm nữa tôi được nhận nhiệm sở huyện ven đô. Cầm quyết định về trường phổ thông cơ sở, tôi ngạc nhiên khi thầy hiệu trưởng cười cười, nhìn tôi vẻ thân quen và hỏi:

- Dung đấy phải không?

- A... anh! Xin lỗi... sao thầy biết tên em?

Thầy hiệu tủm tỉm cười:

- Chính Dung đã giới thiệu cho tôi đấy thôi.

- I...i, em cho thầy biết tên bao giờ đâu

Thầy hiệu cười xoà.

- Hồi Mậu Thân.

Trong cái đầu mụ mị của tôi bỗng mường tượng ra anh du kích có nước da đen, thắt lưng đeo mấy trái lựu đạn chày và nhất là mỗi khi miệng anh cười cứ như một lời hẹn ước xa xôi. Tôi lắp bắp:

- Là... là anh du kích bồng em chạy băng qua cồn mồ?

Chúng tôi tìm hiểu nhau và quyết định lập gia đình với nhau. Trái đất quả tròn, ai ngờ Tết Mậu Thân năm ấy lại mở đầu duyên nợ trăm năm của chúng tôi. Và nay năm Giáp Thân, vợ chồng tôi tổ chức đám cưới bạc. Hôm nay, chồng tôi chở tôi về xóm xưa, nền cũ đã có người khác ở, tìm thăm ông Khai, bà Ngân và những bà, ông bạn năm nào rồng rắn một đoàn chạy ra cồn mồ nhặt đạn cho Giải Phóng quân. Và chúng tôi không quên đến thắp hương mộ Vy, cô bạn gái của tôi chết vào ngày mùng năm năm ấy.

N.V.V
(183/05-04)
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #56 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2011, 10:58:18 am »

Lâm thâm nước mắt ngày vui

CHÂU DIÊN


Đơn vị của tôi đi bộ từ một tỉnh miền Trung, lên qua Mường Phăng thì Điện Biên đã giải phóng. Sau một tháng đi bộ nhưng gần như chạy bộ, chúng tôi được phép nghỉ lại hai ngày ở một bản, hồi đó bản này nằm khá sâu trong rừng, nhưng nay thì nó đã ở bên một nhánh đường mới làm dẫn ra phố huyện Tuần Giáo để nối vào con đường số 6 chạy tuốt lên Điện Biên Phủ.

Thời đó, không có chuyện nghỉ là nằm ườn ra đâu. Nghỉ là thay đổi hoạt động. Không có một tẹo tèo teo thời giờ nào đủ cho ai đó ngồi một mình nghĩ vơ nghĩ vẩn đâu. Nhưng cũng chẳng có gì nhiều nhặn để thay đổi, vì vậy cứ nói đến nghỉ là nghĩ ngay đến chuyện liên hoan. Mệt thì cũng liên hoan cái đã. Mà đã liên hoan thì thế nào cũng có tiết mục diễn kịch lửa trại. Và hễ đã diễn kịch thì thế nào tôi cũng phải đóng vai nữ. Cái ông chính trị viên đại đội của tôi là một ông thích kịch. Và chẳng rõ vì sao, ông bao giờ cũng chủ trương kịch là phải vừa cảm động vừa vui. Mà muốn vui thì tốt nhất là cố nhét vào một vai nữ. Nhất hạng khi vai nữ lại do một anh lính đóng thì vui càng thêm vui. Nguyên cái việc người ta vừa xem diễn vừa bàn tán xem  "ai đóng nữ đấy nhỉ" là đã đủ vui rồi, chả cần cốt truyện hấp dẫn lẫn diễn viên tài ba. Ấy vì thế mà tôi chẳng được nghỉ ngơi gì đã được chính trị viên lôi ngay vào cuộc tập kịch.

Tôi bảo anh:
- Xin phép thủ trưởng cho em sang bản bên kia, em có người nhà trong đại đội dân công nhắn sang lấy thư gia đình.
- Thôi đi ông tướng, đừng có bịa chuyện, lại lần mò sang cô dân công nào bên đó chứ gì?
- Thật sự là em có thư mà...
- Sao khi gặp người ta không đưa thư ngay, lại vẽ vời bắt qua bên đó lấy?
- Nào ai ngờ là anh em gặp nhau trên đường chiến dịch?
- Anh em thật hay anh em kết nghĩa đấy?
- Báo cáo thủ trưởng, không phải anh em ruột, nhưng gọi là người làng thôi thì cũng đúng mà gọi là anh em họ cũng được, ở làng chúng em nhà nào mà chẳng có tí họ hàng với nhau... Em không biết nói sai đâu thủ trưởng ạ. Ở quê, em đã có người hứa hẹn rồi.
- Cậu này, lính mà dài dòng. Tôi chọn cậu đóng vai con gái quả là tinh đời. Được rồi, tôi tin cậu. Nhưng tập ba lần cho nó thuộc vở hòm hòm rồi cho cậu đi.

Vở kịch đúng là cảm động và vui. Lạy giời đất, chính trị viên của tôi giá mà sau đó anh không giẫm phải mìn, thì sau này chắc là phải có chân trong giới kịch. Cầu cho anh yên nghỉ! Cầu cho mọi người không bao giờ quên anh!

Chính trị viên bữa đó đã bịa ra câu chuyện kịch như thế này. Cô gái tên là Lụa, chính trị viên giảng cho chúng tôi, tên cô gái này trùng tên cô Lụa trong vở kịch  "Anh Sơ đầu quân" của ông Nguyễn Huy Tưởng, nhưng trong vở này cô Lụa đi dân công và bị thương. Một anh bộ đội trẻ đi ngang, liền dắt trộm một con trâu của đồng bào để cô ngồi lên cho đỡ mệt và tự anh dắt trâu đưa cô về trạm quân y. Đó là tội vi phạm kỷ luật rất lớn, vì theo đúng lời thề quân đội nhân dân, không ai được tơ hào cái kim sợi chỉ của dân, thế mà đây lại tơ hào hẳn một cái to đùng bằng cả một con trâu. Nhưng anh bộ đội trẻ trót thương và yêu cô Lụa, anh tìm cách cho cô cưỡi lên lưng trâu, đưa cô trót lọt về quân y. Người dân mất trâu đi mách cấp chỉ huy. Mọi người chắc mẩm khi anh bộ đội kia về thì thế nào cũng bị thi hành kỷ luật. Trên đường trở về đơn vị, anh đã trúng bom địch và hy sinh. Còn con trâu thì quen đường đã chạy về với chủ. Người chủ đến gặp cấp chỉ huy xin tha kỷ luật anh bộ đội trẻ, và cũng là lúc nhận được tin anh bộ đội mới hy sinh...

Đúng là điềm gỡ hay sao ấy, chính trị viên nhất định đòi đặt tên cho vở kịch là "Lâm thâm nước mắt ngày vui". Anh xếp đặt cho câu chuyện xảy ra vào ngày chiến thắng, và đúng ngày chiến thắng thì có người bị thương và có người trúng mìn. Thủ trưởng quân sự không cho vở kịch được đứng cái tên đó. Bảo là đặt tên thế nó sái. Sái là gì? Sái là sái, thế thôi, không đặt tên như vậy, chả ai đặt tên kịch như vậy hết. Sau đành thoả hiệp đặt cái tên vui vui, "Con trâu bị thương ở đít". Vì trong vở kịch có chi tiết anh bộ đội trẻ tán cô dân công, "con trâu bị thương ở đít nhưng anh bảo đảm nó đủ sức chở em về trạm quân y, em đừng lo..."

Nhưng trong câu chuyện này, đúng vào cái ngày sắp diễn kịch ấy, chính tôi mới thực sự là kẻ lâm thâm nước mắt ngày vui.

Tập kịch xong, đã thấy cô em từ bản bên kia sang. Cô sốt ruột chẳng hiểu vì sao chờ mãi mà không thấy tôi qua. Vừa gặp nhau, cô nói Mự nhớ eng lắm và mấy tiếng quê đó làm cho người tôi như tan ra. Ờ, thế mà đã ba năm rồi đó. Ba năm rồi kể từ ngày tôi cầm tấm giấy chứng nhận đặc cách tốt nghiệp phổ thông 9 năm, rồi đi tòng quân. Giờ đây, cái gương mặt tròn căng da ngăm đen kia đang làm tôi nhìn lại và thấy hết, cái bến sông với những cô gái có gương mặt căng tròn thế kia, những chuyến chở củi với những tay chèo có gương mặt căng tròn thế kia, những câu hát vui ghẹo loang đi trên mặt sóng từ khoé miệng những cô gái giặt lụa có những gương mặt căng tròn thế kia...

Tôi ngây người không biết vì mải nhìn em hay chỉ là vì chờ em đưa thư cho. Nhưng cô chỉ im lặng dắt tay tôi lôi ra phía đồi sim, rồi kéo tôi ngồi xuống bên cạnh. Hương vị người con gái kề sát bên mình khiến tôi chợt nhớ tới điều cần nhớ:
- Thư đâu, cho anh xem nào.
- Gì mà vội thế?
- Thư ai viết cho anh?
- Thì cứ đôi hồi đã, em khắc nói... Mà anh phải bình tĩnh kia... Không được đùng đùng lên đâu đấy... Em nói thật nhé... Ba bốn năm anh đi, anh có đoái hoài về nghỉ phép lần nào đâu... Từ bữa đó biết bao nhiêu đổi thay, anh có ở nhà cũng chẳng hiểu hết, phương chi là xa nhà xa làng nước...
Tôi bắt đầu cảm thấy có điều gì không ổn trong những lời rào đón của cô em họ.
- Chuyện cái Cảnh với anh hử?
- Còn cảnh vẻ gì nữa, chị ấy cắt đứt anh rồi...
- Sao kia?
- Tuyên bố rồi, tuyên bố giữa cuộc họp xóm là cắt đứt, tuyên bố trước các bà con bần cố là không dây dưa gì hết nữa...
- Chuyện gì vậy, em?
- Thì đã bảo là anh phải bình tĩnh mà!...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #57 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2011, 11:00:09 am »

Tôi nhìn cô em, mơ hồ mong là em đang đùa trêu mình đây. Nó mới chưa đủ mười tám. Nó mới nhớn. trên nét mặt tơ căng tròn, vẫn tưởng như nó đang cùng tốp thiếu nhi hát múa ở sân đình. Tôi vẫn thấy như nó còn rất trẻ con. Tôi vẫn nghĩ là nó đang trêu đùa. Nhanh thật! Mới đủ lông đủ cánh thế mà đã xung phong xa nhà đi dân công chiến dịch.

- Thôi, anh van em đấy, có chuyện gì ở nhà thì nói cho anh nghe đi. Đừng làm anh sốt ruột nữa. Tốt nhất là đưa thư đây cho anh coi.

Cô em không nói gì, quay mặt sang nhìn tôi, mắt ngân ngấn nước. Rồi em ôm mặt khóc nức nở. Tôi đứng vụt dậy. Em ngừng khóc và lấy tay khẽ kéo tôi ngồi xuống.

- Nhiều điều lạ lắm anh ạ... Để em nói, anh đừng hỏi gì hết... Ôi, em thương anh quá... tội thân anh quá... Anh chẳng được ở nhà mà xem, mọi thứ hoàn toàn không giống như hôm anh ra đi đâu... Mà anh không biết cũng phải, thư từ chẳng ai gửi được... Có ai được đi khỏi nhà đâu?... Là nói bên phía nhà anh ấy... Nhà em may còn là trung nông nên cũng có tự do không bị bao vây, nhưng cũng chẳng dám chạy qua chạy lại, vì sợ bị quy là liên quan...

Tôi chẳng hiểu gì hết về một loạt những điều mới lạ cô em gái vừa nói ra. Nào bao vây, nào liên quan, nào trung nông, nào tuyên bố, nào cắt đứt, nào dây dưa...

Tôi ngắt lời cô:
- Mẹ anh thế nào hả em?
- Mự ốm nặng... Ốm đói...
- Thế còn chị dâu cả nhà anh đâu?
- Chị cả đã bỏ ra ở riêng. Anh cả ở bộ đội mãi đẩu đâu chắc là cũng chưa biết tin tức gì... Chị cả tuyên bố cắt đứt rồi. Cũng như cái cô Cảnh của anh ấy. Cũng cắt đứt rồi... Em chỉ thương ông nội... Ông nội đói lắm... Người nho nhã thế mà chiều tối phải đứng bên rào gọi sang nhà cháu dâu... Con lạy bà, bà thương con, bà cho con xin nắm sắn khô... Cả làng im phăng phắc, nghe rõ tiếng ông nói hừ hừ như người rên...
- Vậy là đã xảy ra chuyện gì ở làng?
- Em cũng chẳng hiểu hết nữa. Bố anh thì bị bắt..
- Thế là nghĩa gì?
- Em cũng chẳng biết nữa. Hôm nào chiến thắng giặc Pháp anh về anh khắc biết. Bây giờ, em chỉ biết báo tin cho anh đến vậy thôi.
- Vậy là em không mang theo thư từ gì hết?

Em ngước mắt nhìn tôi, cặp mắt trong veo như thể muốn nêu câu hỏi: hoá ra em nói với anh từ nãy giờ anh vẫn chưa hiểu gì cả sao? Cô đờ đẫn ngồi im một lát. Như thể cô chẳng còn biết cách kể nhiều hơn nữa sao cho tôi hiểu nhiều hơn nữa. Rồi cô nói, chẳng ra nói với tôi, chẳng ra nói với ai hết:

- Giời ơi là đất ơi, giá mà lúc nào cũng cứ vui như cái ngày tiễn anh đi tòng quân, làng nước sung sướng biết bao nhiêu!

Những ngày vui như cô em mới nhắc đến tôi đã quên rồi. Hay nói cho đúng, lúc vui thì chẳng để ý, bây giờ có người nhắc lại, bỗng thấy ngỡ ngàng. Ba năm trước, nó nhảy múa sòn la đố để tiễn đưa các anh trai lên đường. Chia tay mà vui như ngày hội. Vậy là đã từng có những ngày vui. Bây giờ đã là những ngày vui xưa, liệu có còn những ngày vui khác? Tôi không rõ. Tôi chỉ biết một điều, cô em đây, mười tám tuổi, nhớn nhao rồi, không còn nhảy múa như xưa, em sống giữa những biến cố, mà chỉ biết kể lể, ngoài ra thì không biết vì sao lại có những điều này nọ đã xảy ra. Sau này về già, tôi còn biết thêm một điều nữa, rằng cũng chẳng nên trách ai, vì chính tôi đây nào cũng có biết gì nhiều...

Buổi tối, vỡ diễn "Lâm thâm nước mắt ngày vui" vẫn phải ra mắt mọi người.

Tôi không biết nói với chính trị viên như thế nào để được thủ trưởng cho phép nghỉ diễn. Mà làm sao nghỉ được? Tôi như người chiến sĩ bị thương. Bị thương mà có điều kiện thì vẫn phải làm nhiệm vụ chứ? Tôi không thể vì việc riêng mà làm hỏng cuộc liên hoan của tất cả mọi người. Lửa trại hồng rực một góc rừng. Trên trời máy bay địch không bay đêm nữa. Vẫn cử người canh gác máy bay, nhưng chưa một lần nào tiếng kẻng phải gõ lên và nước phải giội vào đống lửa khuya bập bùng như mọi khi.

Tiếng nói yếu ớt của tôi trong vai cô Lụa khiến cho ai ai cũng cảm thấy tôi sắm vai nữ giỏi, đúng là cái chất giọng khoẻ nhưng bị hụt hơi của một cô gái đi dân công bị thương... Hết buổi diễn, có mấy người còn đến gần đưa tay sờ sờ vào vai tôi xem có đúng là con gái không...

Câu chuyện vừa kể có một chi tiết trong cuộc đời nhà nghiên cứu văn hoá họ Mai. Tết Giáp Thân, ông tặng tôi những bài thơ ông viết cách đây nửa thế kỷ. Tôi xin phép từ cuộc đời ông viết ra một câu chuyện khác, thì ông bảo:
- Cũng được, nhưng văn chương sao nói hết?
- Sau chiến dịch, ông về nhà chứ?
- Vẫn chưa về được. Xuất ngũ. Rồi công nhân thủy lợi. Sửa sai mới về. Cả gia đình đoàn tụ hết, có người chiến đấu ở Nam Bộ ra tập kết cũng về, cả chị dâu nữa, cùng đi bốc mộ ông nội. Mẹ thì già rồi, nhưng đi nhanh con cón...
- Thế còn cô Cảnh?
- Cảnh vẻ gì nữa...
- Quên, còn bố?
- Bố bị án tù chung thân, sửa sai thì được tha ngay, rồi đi tham quan Liên Xô, rồi được ra làm việc trở lại, cụ là một trong những đồng chí sáng lập Đảng hồi ba mươi ba mốt mà...
- Sao rồi anh thành nhà nghiên cứu văn hoá?
- Cũng như mọi người thôi. Làm công nhân một hồi thì nhờ bố được sửa sai thì con cũng được cho đi đại học. Mình chọn đi học Sử. Học cái mệnh lâm thâm nước mắt ngày vui ấy mà...


Biệt thự Nha Trang,
giữa tháng 2-2004
C.D
(183/05-04)
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #58 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2011, 11:10:58 am »

Chuyện ở làng Hạ

NGUYỄN TRƯỜNG


Làng Hạ nằm phía hạ nguồn sông La Ngà. Đất chật. Người đông. Đói nghèo thành nếp. Hồi hai bên đánh nhau, nơi đây là vùng địch hậu. Giải phóng hơn chục năm mà làng Hạ đói nghèo vẫn hoàn nghèo đói. Không ít người bỏ làng đi xa chẳng thèm ngoái cổ nhìn lại. Vậy mà hơn mười năm lại đây, nhờ vực dậy cái nghề tơ tằm truyền thống vốn có từ xưa, làng Hạ đang trở thành một làng nghề giàu có nhất nhì trong vùng. Nhà cũ lỗi thời phá đi xây mới. Đường làng bùn lầy được thay bê-tông. Trường tiểu học tranh tre nứa lá hồi nào nay lên hai tầng. Điện lưới dọc ngang khắp làng đã đẩy năng suất ươm tơ kéo sợi lên cao chưa từng thấy. Chất lượng tơ tằm đạt chuẩn xuất khẩu. Hàng bán chạy hơn cả tôm tươi. Thu nhập người dân ngày một cao.

Làng Hạ đổi đời. Nom ai cũng có máu mặt.

Phú quý tất sinh lễ nghĩa. Và lễ nghĩa hợp cái tâm người làng Hạ lúc này là dỡ bỏ ngôi đình làng lâu nay hoang phế để xây ngôi đình mới to đẹp hơn. Thế là chuyện được đem ra bàn. Cả làng Hạ ngàn người như một: không để thua đình làng Thượng vừa xây xong. Đúng quá! Hoan hô! Nhưng ngót một trăm rưỡi triệu lấy đâu ra? Ối! Lo bò trắng răng! Có gì ghê gớm lắm đâu! Hô một tiếng là êm ngay thôi mà!

Quả vậy, "Tâm thư" của làng "thống thiết" đến nỗi mới phát ra chưa đầy nửa tháng mà "hảo tâm" của người làng Hạ ở trong nước và ở cả nước ngoài đã vượt ngoài dự đoán: hai trăm triệu có thừa! Trong số dân làng hiện ở nước ngoài gửi tiền về giúp làm đình có ông Dù là vượt trội hơn hết.

Tháng 5 năm Quý Mùi khởi công xây đình. đến giữa tháng 8 là hoàn tất đâu vào đấy. Một ngôi đình cao to đường bệ, đẹp lộng lẫy, biểu tượng cho truyền thống văn hoá làng và sự phát đạt của một làng quê đang soi bóng lung linh bên bờ sông La Ngà, khiến cả làng Hạ những ngày này vui như có hội.

Ngày khánh thành đình làng kết hợp với thu tế cũng đã đến. Nhận được thư mời, ông Dù từ nước ngoài bay về. Ông về sớm mấy ngày đợi chờ trên thành phố. Sáng nay ông đi ô tô con về làng dự lễ. Chẳng may bị kẹt xe giữa đường nên ông tới chậm không kịp dự lễ khánh thành mà chỉ kịp dự lễ tế mà thôi. Ông vội vã thay bộ com-lê để mặc vào bộ y phục truyền thống, rồi hoà vào đám bô lão đang khăn áo chỉnh tề đứng phủ phục trước hương linh các ngài khai canh khai khẩn nên làng Hạ này.

Chuyện ông Dù ngày xưa đi lính làm đồn trưởng ở đây ra sao coi như được khép lại. Mọi người ai cũng niềm nở, tay bắt mặt mừng đối với ông và xem ông như vị thượng khách của làng trong ngày hội này. Nhiều cặp mắt dồn về phía ông. Nhưng đang lúc hành lễ nên việc chào hỏi tạm gác lại. Trước mặt là ba gian thờ, đèn nến sáng trưng, kèn trống rập rình. Lời xướng theo nghi lễ tế thành hoàng làng đĩnh đạc vang lên hoà với tiếng trống, tiếng chiêng rung động cả khoảng không yên lặng, làm cho lễ tế vô cùng uy nghiêm. Một con bò thui và ba con heo quay vàng ươm, béo ngậy được đặt cúng ở chính điện và hai gian thờ hai bên. Dân làng Hạ tập trung về chật cứng trong ngoài. Nét mặt ai nấy rạng rỡ...

Sau lễ tế là tiệc rượu. Nói là rượu, nhưng cả làng được một phen uống bia xả láng. Có Việt kiều về làng mà! Sẵn mang theo mấy chai rượu ngoại đắt tiền, ông Dù đem khui mời làng, làm cho bữa tiệc thêm màu mè, rôm rả.

Cuộc vui đang nửa chừng thì ông Dù cao hứng, tự đứng ra giữa đình làng có đôi lời. Ông hắng giọng, nói: "Thưa làng. Là con dân của làng ở phương xa về, tôi vô cùng cảm kích vì chúng ta đã xây được ngôi đình tráng lệ thế này để thờ phượng các ngài có công với dân với nước...". Thấy nhiều người ngửa mặt lắng nghe, ông Dù tiếp: "... Tôi cũng hết sức cảm động khi nghĩ rằng, nhờ phước đức của các ngài mà dân làng ta nguyên vẹn như hôm nay và xem ra chẳng mấy ai phải chịu nhiều bất hạnh trong cuộc chiến tương tàn vừa qua. Nay tôi về sau 20 năm biệt xứ, đề nghị chúng ta...". Ông Dù vừa nói tới đây thì cả cuộc tiệc bỗng ồn lên, không còn ai nghe ông nói thêm được gì nữa. Có vài tiếng xì xào ở mấy bàn cuối: "Cha này nói mà không biết sờ sau gáy mình!"; "Lão ta nói chối tai thế mà nghe được à!"; "Ối, có tiền đô rủng rỉnh, nói quấy nói quá sao chẳng được!".

Ông Dù vừa nói xong thì một anh dân làng ăn mặc tuềnh toàng, mặt đỏ gay, tay cầm ly rượu tiến tới trước mặt ông, hất hàm nói: "Tôi đề nghị ông nói lại đi. Có đúng dân làng này không mấy ai bất hạnh vì chiến tranh, phải không?". Một số vị cao niên biết sẽ có chuyện chẳng lành xảy ra, vội cầm tay anh ta dằn lại: "Thía ơi, mày ngồi xuống nói năng đuề huề một chút được không!". Thía vung tay xô những người can ngăn ra. Bằng cặp mắt có lửa, Thía nhìn thẳng mặt ông Dù, nói như hỏi tội: "Thế ông có biết hồi chiến tranh, ai đã cưỡng hiếp một người đàn bà ở làng này không? Cưỡng hiếp không được, ai đã bày mưu bắt bà ta đày ra bỏ xác ngoài Côn Đảo?". Ông Dù đang chếnh choáng hơi men, chẳng biết người chất vấn mình là ai. Ông trố mắt nhìn anh ta với thái độ thách thức. Giá như ông biết thủ thế để nói năng khôn khéo một chút thì có thể chẳng có chuyện gì lớn xảy ra. Đằng này, do khoái chí bởi một vài người quen thân ngồi quanh xun xoe, tâng bốc nên ông càng tỏ ra yêng hùng của kẻ "bạo vì tiền", đã buột miệng thốt lên: "Nếu điều đó do chính cái người đang đứng trước mặt anh gây ra thì đã sao? Tại sao anh không nói tất cả đều vì chiến tranh tương tàn để quên nó đi, mà lại khêu gợi ở đây làm gì?". Ông Dù nói thế làm Thía đã ngứa gan rồi, nhưng có lẽ còn nhịn được. Không ngờ ông Dù lấn lướt, chỉ tay vào mặt Thía: "Sao anh quá dốt, ăn nói chẳng giống ai bây giờ cả. Vậy anh muốn làm gì tôi nào?". Đang lúc đấu khẩu căng thẳng thì có mấy người sấn tới, nói như thét vào mặt Thía: "Thía! Mày đúng là quân phá đám! Mày ăn nói ngang ngược và vô phép như vậy được à!".

Trong cơn điên tiết, lại như có lửa đổ thêm dầu, Thía gạt phăng những kẻ bênh vực ông Dù ra, chồm tới túm lấy ngực áo thụng ông ta, mặc cho nhiều người lao tới cố giải cứu. Đang lúc giằng co, Thía dồn sức vào một cánh tay đẩy ông Dù một cái thật mạnh về phía sau làm đầu ông ta đập vào cột đình, toé máu tai. Ông Dù gục ngay tại chỗ, bất tỉnh nhân sự. Hoảng quá, một số người ôm chặt Thía, ghì lại. Còn ông Dù tức tốc được đưa ra ôtô con đi cấp cứu.

Cuộc tiệc đến đây láo nháo như ong vỡ tổ. Không khí ngày vui của làng phút chốc trở nên nặng nề, nghiêm trọng. Không ít người tỏ ra bực dọc, lặng lẽ bỏ về. Số người ngồi lại tiếp tục cầm đũa nhưng chẳng còn tâm trí nào để vui vẻ với nhau.

Thía bị áp giải ra trụ sở xã để lập biên bản. Hồ sơ ghi rõ: "Trần Thía lâu nay thần kinh bất thường, do uống nhiều bia rượu, lại bị kích động mạnh, đã dẫn đến hành vi phạm tội đánh người gây thương tích". Thía bị quản chế. Sau đó người ta đưa Thía đi khám ở bệnh viện tâm thần, rồi nhập viện luôn. Riêng ông Dù bị chấn thương ở đầu, phải nằm điều trị ở Bệnh viện Thành phố.

Mấy ngày sau, làng Hạ cử một số người lên thành phố thăm và nói lời lỗi phải với ông Dù. Tiện đường, họ tạt vào Bệnh viện tâm thần xem Thía thế nào. Lúc ghé mắt qua chiếc cổng sắt, người ta thấy Thía ngồi một mình ở ghế đá ngoài sân. Phát hiện ra người làng Hạ. Thía nói với vẻ mặt buồn buồn: "Bà con có đến thăm ông Dù, cho tôi gởi lời xin lỗi ông ấy!..."
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #59 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2011, 11:12:23 am »

Mùa đông năm 1954, anh Bài đi tập kết lúc đứa con trai đầu lòng vừa tròn hai tuổi. Tưởng hai năm sau anh sẽ trở về, ai ngờ càng ngày anh càng biệt vô âm tín. Tháng ngày đằng đẵng, chị Ngọt lo tảo tần buôn bán nuôi con. Đã ngoài ba mươi tuổi mà trông chị xuân sắc vẫn căng tròn như thời con gái đẹp nhất của làng Hạ này. Nhiều đấng mày râu trong làng dẫu đã yên bề rồi vẫn thấy thèm khát gạ gẫm, chòng ghẹo làm cho chị phải chịu không ít tai tiếng đồn đãi trong bà con chòm xóm.

Từ ngày về làm đồn trưởng ở đây, tên Dù thường lân la chỗ chị Ngọt. Là bạn học cũ với anh Bài, nhưng hồi "Chín năm", anh Bài "xếp bút nghiên" theo kháng chiến, còn Dù thi mãi bằng thành chung không đỗ, buồn tình quay sang đi lính cho Pháp. Dáng người Dù cao kều. Nước da tái tái. Cứ trông đôi môi mỏng dính, tương phản với cặp lông mày rậm rì nhô ra ở phía trên hai con mắt ti hí, nhìn ai như không muốn mở hết, là đủ biết con người này thuộc hạng háo sắc, lại ranh mãnh không phải vừa.

Sau ngày vào lính, do hăng máu đánh trận nên Dù được thăng cấp rất nhanh. Mới cấp đội, hắn nhảy tót lên cấp quan một trong vòng chưa đầy một năm. Hoà bình lập lại, hắn đeo lon trung uý, chỉ huy một đại đội lính đóng ở giữa làng Hạ, nơi quân Pháp chiếm đất xây đồn từ năm 1947 đến giờ.

Một hôm, tên Dù đến chơi nhà chị Ngọt. Hắn ngồi nhắc chuyện cũ và nói không ngượng miệng với chị Ngọt rằng: "Hồi ấy, anh là kẻ đến trước, nhưng Bài đã thắng vì nó học giỏi lại đẹp trai hơn. Nay Bài đi lạc hướng chẳng biết bao giờ trở về. Anh khuyên Ngọt nên bước đi bước nữa kẻo già mất!". Thấy chị Ngọt im lặng, hắn tưởng xuôi gió thuận buồm, bèn giở giọng sỗ sàng: "Anh tuy vợ rồi, nhưng vợ anh không còn khả năng sinh đẻ được nữa. Vậy Ngọt hãy đồng ý...". Không để cho hắn thừng đưng dài dòng, chị Ngọt đứng dậy, nghiêm mặt: "Tôi là đàn bà có chồng. Anh không được ăn nói bậy bạ như thế!". Tên Dù cụt hứng, đành lủi thủi ra về mà lòng vẫn chưa nguôi ham muốn người phụ nữ đẹp này.

Vào cái đêm trung thu năm ấy, đường làng rộn ràng tiếng trống trẻ em. Dù xăm xăm tìm tới chị Ngọt. Lâu nay hắn cũng muốn cho mọi người nhìn thấy hắn đeo đuổi chị Ngọt, và lấy làm thoả chí khi có ai đó thêu dệt nên chuyện "dan díu" giữa hắn với người đàn bà xinh đẹp này. Vừa đến đầu ngõ, hắn thấy chị Ngọt một mình ngồi khâu vá dưới ánh đèn toả sáng trong nhà. Hắn nhẹ bước vào đứng trước thềm một lúc. Lòng hắn bỗng rạo rực lên, vì chưa bao giờ hắn thấy chị Ngọt quyến rũ và hấp dẫn như lúc này. Hắn vào nhà, lên tiếng chào hỏi rồi chủ động ngồi xuống bên cạnh chị Ngọt và buông lời ong bướm như mọi khi. Chị Ngọt vẫn giữ phép lịch sự tối thiểu đối với hắn. Không ngờ, hắn đột ngột thổi tắt ngọn đèn, dùng sức đè ngửa chị xuống giường. Hắn hôn lấy hôn để lên người đàn bà mà lâu nay hắn thèm khát đến điên cuồng. Hắn vừa thở vừa nói lí nhí không nên lời. Giọng hắn trở nên thều thào, yếu ớt như kẻ van xin. Trong khi hai tay hắn sờ soạng, cào cấu như con thú vồ mồi. Bất ngờ hắn bị một cú hích rất mạnh. Chị Ngọt đã hất hắn đổ ình xuống đất, rồi chạy bổ ra sân, hô hoán lên. Cả xóm tưởng nhà chị có trộm cướp, mọi người đốt đuốc chạy tới làm hắn một phen bẽ mặt, vội chuồn thẳng về đồn, vừa hổ thẹn vừa căm tức lên tận cổ.

Đã không lấy thì khuấy cho hôi; thế mà "lấy" chẳng được, "khuấy" chẳng xong, giờ hắn chỉ còn cách... trả thù.

Thời kỳ này, Mỹ ngụy ở miền Nam đang công khai xé bỏ hiệp định Giơ-ne-vơ và thi hành chính sách tố cộng gắt gao. Ở làng Hạ, bọn tề ngụy càng đục nước béo cò, tìm đủ cách để lung lạc, bôi lem hoặc quy kết rồi bắt tù đày đối với những người kháng chiến hoặc có người thân tập kết ra Bắc. Chị Ngọt là người chịu chung số phận cay đắng ấy.

Những ngày cuối đông năm Bính Thân, trời mưa tầm tã và gió rét căm căm kéo dài cả tháng trời. Dân buôn bán làng Hạ ai nấy tê cóng vẫn phải hối hả nối đuôi nhau đổ về thị tứ từ sáng tinh mơ. Suốt cả năm làm ăn chỉ nhờ vào những ngày giáp tết như thế này.

Sáng nay chị Ngọt dậy sớm. Sau khi lo cho cu Thía xong, chị tất tả quang gánh ra chợ bình thường, mà nào hay đây lại là buổi sáng định mệnh của đời mình.

Vừa trông thấy chị gánh hàng qua ngang qua trước cổng đồn, tên Dù vội cho lính gọi chị vào đồn xét hỏi. Hắn nhìn chị bằng đôi mắt trơ tráo của kẻ cuồng si lại hết sức giảo hoạt trước một người đàn bà mà hắn cố tình chiếm đoạt không thành. Hắn đường đột sấn tới giở trò sàm sỡ với chị ngay trước mặt đám lính. Bị xúc phạm quá trắng trợn và thô lỗ, chị không kìm được bực tức. Sẵn đòn gánh trong tay, chị phang thẳng lên người hắn. Thế là bọn lính đứng đó ập tới, hô hoán lên, rằng bắt quả tang kẻ đột nhập vô đồn để ám hại đồn trưởng. Vốn có tên trong "sổ đen", lại có hành vi phạm pháp rõ ràng, lập tức chị bị bắt ngay tại chỗ, rồi bị đưa lên giam ở lao tỉnh một thời gian. Sau đó chị bị kêu án tù, đày ra Côn Đảo biệt tăm biệt tích.

Khi mẹ đi tù, cu Thía chưa đầy 4 tuổi. Ông bà ngoại phải đem Thía về nuôi. Nhà ngoại nghèo nên Thía chẳng được học hành mấy. Xong lớp ba, Thía phải bỏ học để ở nhà giúp ngoại cắt cỏ, chăn trâu. Tuổi nhỏ kham khổ, cái ăn cái mặc chẳng bằng ai, nhưng Thía vẫn lớn như thổi. Lớn lên, Thía hơi cộc tính và chẳng biết sợ ai bao giờ. Có lần Thía đánh chảy máu miệng thằng Hiệp con ông đội Sừng ở xóm chợ chỉ vì hắn dựa thế cha đi lính Tây để nói xấu gia đình Thía. Đám bạn cùng lứa đều nể mặt Thía vì Thía có sức vóc hơn hẳn bọn chúng và thường "ra tay" dẹp yên bọn choai xóm chợ càn quấy trong làng. Người làng Hạ phần lớn ai cũng thương yêu Thía. Mỗi lần gặp Thía đâu đó, người ta thường nói với nhau: "Đúng là cha nào con nấy!".

Ở tuổi mười lăm mà trông Thía khôi ngô, lực lưỡng chẳng khác nào một thanh niên. Quanh năm bám đồng bám ruộng lo làm lụng vất vả nuôi thân, Thía vẫn ngày đêm mong ngóng ngày đoàn tụ gia đình. Năm Thía hăm hai tuổi là lúc miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thía nóng lòng chờ tin mẹ, tin cha từng giờ, từng ngày. Nào ngờ đâu, một cái tin đầy bất hạnh đến với Thía như cú sét ngang trời: trong đoàn người trở về từ Côn Đảo không có mẹ của Thía. Chị ấy đã nằm lại đất đảo vì một cơn bạo bệnh cách đấy mấy tháng. Mấy ngày sau, lại một tin đau đớn nữa đến với Thía: cha của Thía hi sinh trong ngày tiến quân vào giải phóng Sài Gòn xuân 1975. Hai cái tin ập đến một lúc như xé gan xé ruột ấy đã làm Thía bị sốc quá mạnh, ngã gục xuống và trở thành như người mất hồn sau đó. Thía không ăn uống, nằm vật vã mấy ngày liền. Cặp mắt Thía quầng thâm, sưng tấy lên, thể lực giảm sút hẳn. Từ đó về sau, tính tình Thía thay đổi khác thường. Có lúc Thía ăn nói khôn ngoan, hiểu đời hơn trước. Song cũng lắm khi giở chứng, Thía nói năng lung tung, không chuyện nào ra chuyện nào. Những ngày gần đây Thía hay đi lang thang. Nếu ai mời vài ly rượu, lúc say lên, Thía trở nên hung dữ, chửi bới loạn xạ không nể mặt một ai. Dân làng Hạ bảo nhau: Thằng Thía bị thần kinh thật rồi!

Những ngày nằm viện, ông Dù mới hay người hành hung mình ở đình làng Hạ hôm ấy là ai. Ký ức xa xăm của những năm tháng làm đồn trưởng lại hiện về trong ông làm ông giật mình. Có lẽ vì tự cho mình là người có công giúp làng làm nổi ngôi đình to đẹp thế kia, nên ông ăn nói bạo miệng mà không nghĩ đến có một thời ông là kẻ có tội với bao gia đình ở mảnh đất làng Hạ này, trong đó có gia đình anh dân làng hôm nọ. Những ngày nằm viện là những ngày ông hồi tưởng, liên hệ... Rồi ông tự trấn an mình. Bởi, có nhiều chuyện oan nghiệt, đau lòng do chính ông gây nên ở làng Hạ, nhưng xem ra giờ đây chẳng ai nhắc lại chuyện cũ đầy thù hận ấy làm gì, trừ Thía con bà Ngọt mà ông vừa tỉnh ngộ ra sau cuộc đụng độ hôm ấy.

Bệnh trạng ông Dù không đến nỗi tệ hại lắm nên ông cũng sớm xuất viện để kịp lên máy bay theo chiếc vé khứ hồi. Trước ngày lên đường, ông ghé bệnh viện tâm thần gặp Thía để nói với Thía những điều mà ông đã nghĩ kỹ là cần phải nói vào lúc này.

... Sáng nay, người ta thấy ông Dù dùng ô tô con đưa Thía về làng trước sự ngỡ ngàng của bà con làng Hạ kéo nhau ra ngõ đứng xem. Ông Dù dừng xe, đưa tay chào mọi người với vẻ mặt tươi tỉnh và nụ cười cởi mở như chẳng có chuyện gì xảy ra. Còn Thía thì tỉnh bơ với đôi mắt như vô cảm. Có tiếng xì xào đâu đó trong đám đông: "Chắc hai người họ đã hoà hợp với nhau để khép lại chuyện cũ rồi chứ gì!”.

N.T
(182/04-04)
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM