Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 11:02:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với sử học Việt Nam  (Đọc 70056 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #60 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 07:58:24 am »

Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân lúc đó có ba đồng chí tiểu đội trưởng, trong đó có đồng chí Quý người Dao tiền, năm kia (1989) tôi gặp vẫn khỏe mạnh, gần đây thì đã ốm nặng, giá mà đồng chí ấy kể lại được tất cả việc đã làm, có người ghi lại tấm gương của đồng chí cho chúng ta thì thốt bao nhiêu.

Tôi còn nhớ rõ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân một tuần sau khi thành lập đã được phát triển thành đại đội, rồi ba, rồi bốn trung đội, có đầy đủ đại đội trưởng, chính trị viên đại đội, trung đội trưởng và chính trị viên trung đội, trong đó có một số đồng chí cán bộ trung kiên của Cứu quốc quân tham gia từ đầu. Đáng lẽ đến bây giờ đã có những qiuyển sách ghi lại tên tuổi các cán bộ và chiến sĩ đội du kích Pác Bó, các đơn vị Cứu qốc quân I, II, III là những ai, trung đội vũ trang tuyên truyền là những ai, đại đội đầu tiên trên với ba rồi bốn trung đội phát triển một tuần sau là những ai, bây giờ là chậm, nhưng vẫn còn kịp và phải làm.

Hôm nay gặp nhau tại đây, trước hết, lòng chúng ta bồi hồi nhớ đến Bác Hồ, người lãnh tụ của Đảng, của dân tộc, người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân. Nhớ đến những ngày Bác ở Pác Bó và cảm thấy như Bác vẫn còn ở bên cạnh chúng ta. Chúng ta nhớ đến tất cả các anh chị em đồng chí, đồng đội thân thiết cũng chiến đấu bên nhau gian khổ, ngọt bùi có nhau mà đến nay không còn nữa.

Tôi nhớ lại và suy nghĩ về đội quân của chúng ta từ đâu mà ra. Ở Bắc Sơn, nhân dân nổi dậy, Đảng kịp thời chỉ đạo, đội du kích Bắc Sơn ra đời từ nhân dân. Các đội Cứu quốc quân cũng vậy, cũng từ nhân dân mà ra, chứ không phải do một đội quân cũ nào đó chuyển thành. Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân cũng thế, cũng là do nhân dân mà ra, tất cả là con em nhân dân các dân tộc địa phương. Hầu hết các đồng chí lúc đó là người Tày, người Nùng, người Dao, người Mông, một số là người Kinh. Hơn nữa, chúng ta đều thấy từ đội du kích Pác Bó, đến các đội Cứu quốc quân, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đều thành lập trên vùng đất quê hương của các dân tộc thiểu số, được đồng bào thương yêu đùm bọc, đó là đặc điểm nổi bật của cách mạng nước ta và của lực lượng vũ trang ta mà chúng ta cần nhớ. Nhớ nguồn là phải nhớ cho rõ điều ấy.

Bác Hồ là người lãnh đạo cách mạng Bác đề xuất những chủ trương lớn về tổ chức quân đội. Bác là người con của nhân dân Nghệ - Tĩnh, từ Nghệ - Tĩnh đi khắp đó đây trên thế giới, rồi trở về Cao Bằng cùng với Đảng chủ trì lãnh đạo cách mạng, nhưng dù quê ở đâu thì Bác cũng là từ trong nhân dân mà ra.

Chúng tôi một số cán bộ người Kinh làm việc và chiến đấu bên cạnh nhân dân các dân tộc, được nhân dân đùm bọc như con em của mình, chúng tôi cũng tự thấy mình là người của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, không có phân biệt gì cả.

Như vậy, quân đội ta là một quân đội thực sự từ nhân dân mà ra, một quân đội của dân tộc, của toàn thể cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mà lúc đầu ở Cao - Bắc - Lạng thì chủ yếu là của đồng bào thiểu số. Nói như vậy để chúng ta càng thấy rõ vai trò của căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng.

Chúng ta mãi mãi nhớ ơn đồng bào các dân tộc, các pố, mế, các ví noọng, các cháu nhi đồng đã hết lòng giúp đỡ và phối hợp hoạt động với chúng ta.

Vì là từ trong nhân dân mà ra, nên ngay từ đầu đã được nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc và ủng hộ. Bên cạnh đơn vị bộ đội chủ lực tập trung, còn có cả một lực lượng dân quân du kích tự vệ, cả nam lẫn nữ. Đó là những người dân tự đứng lên cầm súng chiến đấu để giải phóng đất nước. Khi bàn về vũ trang khởi nghĩa, chúng tôi lo là không có vũ khí thì làm thế nào? Bác nói: Các chú không lo, cứ đi vào nhân dân mà vận động và tổ chức quần chúng đi, chú trọng các cháu thanh niên, có dân sẽ có súng. Tư tưởng của Bác Hồ là “Người trước súng sau, có dân thì có tất cả”. Khi ta bắt đầu xây dựng lực lượng vũ trang, thì ta hầu như không có một cây súng nào, mà trong nhân dân cũng không có súng, trừ mấy cây súng kíp, nhưng về sau ta dựa vào nhân dân thì có tất cả. Lúc đó tôi mới 29, 30 tuổi, đến đâu tôi cũng tổ chức thanh niên trước, cả nam lẫn nữ. Từ trong thanh niên tổ chức ra các đội tự vệ, các đội tự vệ chiến đấu, những tổ vũ trang tự túc được súng đạn, rồi mới tổ chức ra các tiểu đội, trung đội. Trong sổ công tác của tôi hồi đó nay xem lại, thấy có ghi: Hăng hái nhất: 1/ Phụ nữ. Đúng như vậy, trong lúc cách mạng và lực lượng vũ trang có nhiều khó khăn nhất, thì chính các chị là người giúp đỡ nhiều nhất. Lúc ấy, ai tiếp tế cho chúng ta nếu địch phát hiện là có thể bị xử bắn, thế mà các chị vẫn rất hăng hái, rất dũng cảm và mưu trí tìm mọi cách tiếp tế cho chúng tôi. Chị Toàn, chị Nga, chị Bạch Lan, chị Phù Dung, chị Xuân Dung, còn nhiều các chị khác nữa hôm nay không có mặt. trong sự giúp đỡ của nhân dân phụ nữ đã góp phần quan trọng.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Giêng, 2011, 09:34:37 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #61 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 08:00:10 am »

Việc thống nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân nói lên sự lớn mạnh đoàn kết thống nhất của các lực lượng vũ trang cách mạng trong những ngày tháng lịch sử của cao trào cách mạng 1945. Trước đó đã có đội du kích Pác Bó, Du kích Bắc Sơn, các đội Nam tiến… khi tôi nhận nhiệm vụ đã tổ chức 19 đội xung phong Nam tiến. Tôi có cuộc họp ở Lũng Hoàng với anh Chu Văn Tấn, anh có giới thiệu cho tôi năm đồng chí du kích Bắc Sơn và Cứu quốc quân để tham gia vào đội Nam tiến, sau này phần lớn trở thành đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân như anh Hoàng Thịnh, anh Thái (đã hy sinh ở Nam Bộ), còn anh Hiên hôm nay vẫn còn nhưng hơi mệt. Trong Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân có bốn anh là Cứu quốc quân, trong các đội Nam tiến cũng có. Như vậy là ngay từ lúc đó đã có sự đoàn kết giữa lực lượng vũ trang Cao Bằng với Cứu quốc quân. Sự đoàn kết đó đã được xây dựng từ đầu, nhất là từ ngày tổ chức các đội xung phong Nam tiến. Trong lúc các đội Nam tiến từ Cao Bằng đi xuống thì ở dưới này anh Chu Văn Tấn cũng tổ chức đi lên. Khi mở đường thông qua được núi Phìa Bioóc (nghĩa là núi Đá Hoa, tôi đặt tên là núi Cứu Quốc), ở trên kia xuống có anh Nông Văn Lạc, chị Hựu, anh Đức Xuân; đi xa về phía chợ Đồn có anh Lý Công (anh Quang), anh Lê Thùy, Bảo Ngọc… Chúng ta đi trên triền núi, gặp nhau lần đầu ở xã Nghĩa Tá, tôi đặt tên là xã Thắng Lợi, rồi tiến về phía Nam nữa, gặp anh Tân Hồng ở bản Pìng. Anh Tân Hồng bắn được một con nai, khao chúng ta một bữa có cái giò nai đem nướng, nướng cháy quá thế mà cũng cùng nhau chén hết. Nhớ những chuyện như thế, lúc còn đương gian khổ thì càng thấy thương yêu nhau. Xung phong Nam tiến thành công, tôi trở về gặp Bác Hồ và Tổng bộ Việt Minh tặng một lá cờ “Xung phong Nam tiến thắng lợi”. Nhưng sau đó thực dân Pháp khủng bố trắng, khủng bố ghê gớm, khủng bố từ trên Cao Bằng xuống dưới này, nhưng do có nhân dân ra sức bảo vệ, lực lượng vũ trang đoàn kết thống nhất, nên cách mạng không những tồn tại mà còn tiếp tục phát triển, đường Nam tiến vẫn được giữ vững.

Tháng 4 năm 1945, Trung ương họp Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ dưới sự chủ trì của anh Trường Chinh quyết định thống nhất Cứu quốc quân, các lực lượng vũ trang khác, các chiến khu phía Bắc của Đảng với độ quân chủ lực là Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Làm lễ thống nhất tại Định Biên Thượng, tôi nhận nhiệm vụ Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân, anh Tân Hồng làm Chính trị viên Việt Nam Giải phóng quân. Tôi nhắc lại là đến Hội nghị cán bộ Trung ương ở Tân Trào - thủ đô của Khu Giải phóng thì có nghị quyết thống nhất lực lượng vũ trang trong cả nước, lấy tên là Việt Nam Giải phóng quân. Nghị quyết của Hội nghị đó có nội dung khá đầy đủ về thành công lực lượng vũ trang cả nước.

Hạ tuần tháng 5 năm 1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tân Trào, Khu Giải phóng được lập ra. Trường Quân chính kháng Nhật được thành lập, học viên khóa I là các đồng chí ở các đơn vị chiến đấu, các đồng chí công tác ở địa phương được triệu tập về, có mấy chục đồng chí ở dưới xuôi lên nữa.Bác Hồ nói: Khu Giải phóng là hình ảnh của nước Việt Nam mới sau này. Ở Khu Giải phóng có quân đội, có trường Quân chính kháng Nhật. Đội tuyên truyền Nước Nam Mới, báo Nước Nam mới, báo Quân giải phóng đều xuất bản ở Tân Trào. Các đồng chí làm báo Nước Nam mới với tôi hôm nay cũng có mặt ở đây. Tôi làm chủ nhiệm, chủ bút, tổng biên tập, còn đồng chí Nguyễn Tài thì làm biên tập, in ấn, phát hành. Báo ra được mấy số thì cách mạng thành công, những tư liệu lịch sử này rất quý.

Hôm nay, nhìn lại, thấy thấm thoắt mới đó mà đã gần 50 năm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Chúng ta được sống trong cảnh Tổ quốc được hoàn toàn thống nhất đã gần 20 năm. Lúc đi vào Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tôi nghĩ rằng đấu tranh vũ trang là rất quyết liệt, mình chắc sẽ nằm lại trên một miền rừng núi nào đó của Cao - Bắc - Lạng; tôi có nói với anh Hoàng Văn Thái, tham mưu trưởng của đơn vị, nếu có xảy ra chuyện gì đối với tôi thì còn anh và các anh, công việc vẫn cứ phải tiếp tục.

Khu Giải phóng thành lập, có cử ra Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu Giải phóng. Khi anh Tân Hồng còn, anh ấy cứ hỏi tôi lịch sử Ủy bàn chỉ huy lâm thời Khu Giải phóng như thế nào? Ủy ban chỉ huy lâm thời này thành lập có năm người, có anh Vũ Anh, anh Phạm Văn Đồng (lúc đó còn ở Cao Bằng), anh Đức Thanh (tức Đàm Minh Viễn - anh ruột Đàm Quang Trung sau này hy sinh ở Buôn Ma Thuột), anh Tân Hồng và tôi. Tôi phụ trách tất cả công việc lúc đầu của Ủy ban. Lịch sử có những biến chuyển mau lẹ; Ủy ban chưa kịp họp phiên nào cả, vì các ủy viên chưa có ai về kịp tới Tân Trào thì tình hình đã thay đổi: Nhật đầu hàng, Đại hội Quốc dân họp. Rồi thời cơ đến, cách mạng thành công. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Và sau đó là cuộc Nam tiến về Hà Nội, rồi lại tiếp tục Nam tiến nữa để tiếp sức cho đồng bào Nam Bộ. Nhân thể nói thêm, quân đội ta là của toàn dân, của toàn dân tộc nên có nhiệm vụ Nam tiến. Con đường Hồ Chí Minh phải nói là bắt nguồn từ Pác Bó, Pác Bó về tân Trào, về Thái Nguyên, về Hà Nội và rồi Nam tiến nữa đến Nam Bộ. Các đồng chí đội viên Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân được vinh dự làm nhiệm vụ Nam tiến. Các đồng chí như Quang Trung, Nam Long, đồng chí Hữu Thành, đồng chí Thu Sơn, đồng chí Đàm Minh Viễn, đều đã tham gia Nam tiến, Riêng Nam Long, Quang Trung đã Nam tiến đến hai lần, lần đầu Nam tiến lúc miền Nam đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp; sau này lại Nam tiến nữa khi đồng bào miền Nam “Thành đồng của Tổ quốc” đứng lên kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lịch sử của dân tộc ta là như vậy, có quân đội thống nhất và rồi có Nam - Bắc thống nhất. Nam - Bắc thống nhất là nguyện vọng của cả dân tộc, là chân lý không bao giờ thay đổi như Bác Hồ đã nói.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Giêng, 2011, 09:35:58 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #62 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 08:01:27 am »

Ý nghĩa cuộc họp mặt hôm nay nói lên sự đoàn kết thống nhất của lực lượng vũ trang. Như chúng ta đã biết, lúc đầu ta có các đội du kích ở Bắc Sơn, đội vũ trang Cao Bằng, các đội Cứu quốc quân, các đội Nam tiến, đã thành lập đội quân chủ lực đầu tiên là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Ngay khi đó lực lượng cách mạng đã có ba thứ quân: đội quân chủ lực, các đội du kích thoát ly hoạt động ở các địa phương, các đội tự vệ và tự vệ chiến đấu ở các bản mường, các làng xã, rồi đến Hội nghị cán bộ Trung ương họp ở Tân Trào - tôi nhắc lại - thì quyết định tất cả các lực lượng vũ trang từ Nam chí Bắc thống nhất lại thành Việt Nam Giải phóng quân, sau này đổi tên là Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia, rồi Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Sự đoàn kết thống nhất của Việt Nam Giải phóng quân dẫn đến sự đoàn kết lực lượng vũ trang Trung - Nam - Bắc thành một đội quân thống nhất của cả nước.

Nói đến lịch sử quân đội, tôi lại nhớ đến câu nói của Bác khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Bác nói: “Nó là đội quân chủ lực… là đội quân đàn anh, tuy lúc đầu còn bé nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang, nó sẽ đi từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”.

Đội quân bé nhỏ đó phát triển lên, rồi cùng với các đội quân của cả nước trở thành một đội quân trên một triệu, thực hiện đúng lời tiên đoán tài tình của Bác là đi suốt từ Nam chí Bắc, trên khắp nước Việt Nam của chúng ta.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cho đến năm 1950 chúng ta đã chiến đấu trong vòng vây: bên kia là Tưởng, ngoài kia là biển và hạm đội của đế quốc, còn ở Lào và Campuchia thì lực lượng cách mạng còn yếu. Quân đội ta lúc đó phải tự lực tự cường, độc lập sáng tạo mà tiến lên với truyền thống yêu nước bất khuất. chiến đấu giành độc lập thống nhất dân tộc, và sau này nói rõ thêm mục tiêu tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Ngay từ ngày đầu cho đến ngày nay, người đảng viên cộng sản bao giờ cũng đi trước, ngay ở trong các lực lượng vũ trang ở Cao - Bắc - Lạng đều đã có tổ chức Đảng. Lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Bác nói: “Chi bộ là hạt nhân lãnh đạo”. Ta đã phát triển Đảng trong quân đội và Đảng đã lãnh đạo quân đội từ đó đến nay. Nói đến sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội khi đó chưa có luật lệ gì, chưa có hiến pháp ghi, song quân đội vẫn tin ở Đảng và chính nhờ có Đảng lãnh đạo mà có mối quan hệ giữa quân đội với nhân dân như máu và thịt. Vừa qua, tôi trở lại thăm Pác Bó, tôi nghĩ lại sao lúc khó khăn như thế, đi với Việt Minh là bị bắn, thế mà đồng bào vẫn tham gia Việt Minh. Đó là thực chất của mối quan hệ giữa Đảng với quân đội, giữa Đảng với nhân dân, đó là mối quan hệ thiêng liêng. Bây giờ chúng ta cũng phải làm sao để mối quan hệ đó ngày càng được củng cố và phát triển.

Cuộc họp mặt hôm nay là cuộc họp mặt Việt Nam Giải phóng quân của những người chiến sĩ đã kiên định đi theo đường lối của Đảng, luôn luôn đoàn kết thống nhất. Thống nhất ý chí, thống nhất hành động là ta có thể vượt qua mọi khó khăn. Gần đây khi đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, có người hỏi tôi: Xin Đại tướng cho biết so với năm 1946 thì như thế nào? Tôi đã nói: Năm 1945, mới thành lập nước Bác Hồ đề ra diệt ba thứ giặc. Diệt giặc dốt thì lúc đó cả nước mới có vài trăm học sinh đại học; bây giờ trường sở không những bình dân học vụ mà từ phổ thông cơ sở đến đại học và trên đại học, cả nền giáo dục đã phát triển khác trước nhiều lắm rồi. Diệt giặc đói, thì bây giờ có nơi này nơi kìa còn có khó khăn, nhưng nước ta đã là nước xuất khẩu gạo. Diệt giặc ngoại xâm thì bây giờ không còn giặc ngoại xâm, nữa, ta đã thắng hai đế quốc to; nhưng vẫn còn cái “giặc” diễn biến hòa bình và cũng còn nguy cơ xâm lược của các thế lực thù địch, như vậy ta phải đề cao cảnh giác bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, nhưng rõ ràng là tiềm lực quốc phòng của ta đã khác trước rất nhiều rồi.

Về đường lối đổi mới, tình hình mọi mặt của đất nước đã có nhiều tiến bộ, nhưng cũng còn những khó khăn. Nếu theo đúng tư tưởng của Bác Hồ, của Đảng, nắm vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đoàn kết các dân tộc, giữ mối quan hệ máu thịt giữa quân đội với nhân dân, giữa Đảng với nhân dân, có tinh thần tự lực tự cường, độc lập sáng tạo, thì chúng ta có thể làm được mọi việc.

Đó là lịch sử của quân đội tư từ lúc mới có những tổ chức vũ trang đầu tiên. Nhớ lại tình hình lúc đó, chúng ta càng thêm tin tưởng. Anh Quang Trung vừa nói, tuổi cao nhưng chí khí vẫn hăng hái. Bác Hồ có nói: “Tuổi cao thì chí khí càng cao”. Tôi muốn nói, tuổi tác tuy đã cao, nhưng tâm hồn thì vẫn trẻ. “Vài nươi năm nữa tròn trăm tuổi, tấm lòng cộng sản vẫn thanh xuân”, có đồng chí chúc tôi như vậy. tôi bây giờ làm việc cũng vẫn say sưa hăng hái như trước và tình cảm của tôi đối với các anh các chị cũng vẫn như trước. Hôm nay ta gặp nhau ở đây tuy không được đầy đủ, nhưng thật là quý hóa, thật là vui.

Năm trước, tôi vào Đồng Tháp Mười, có đến thăm nhà một đồng chí đặc công đã 70 tuổi, đồng chí ấy có cái tên là anh Ba Quốc Hội, vì khi được đi học phân viện Nguyễn Ái Quốc nghĩ tên mình phải làm sao có chữ Quốc, nên anh em đặt cho cái tên là Quốc + Hội, và mọi người gọi tên đồng chí ấy là Ba Quốc Hội. Đến nơi, thấy nhà anh đầy ắp thóc; trên tường nhà, trước mái hiên, đắp một hàng chữ nổi: “Gặp nhau được là quý rồi”. Đồng chí ấy nói: bao nhiêu năm nay cứ mong được gặp Đại tướng. Năm nay tôi đã 70 tổi, khi làm đặc công, nghe nói đến Đại tướng mà lo không được gặp, thế mà hôm nay đã được gặp Đại tướng. Cái nguyện vọng lớn nhất của tôi đã đạt được. “Gặp nhau được là quý rồi”. Hôm nay, đến dự cuộc họp mặt này một ngày, các anh các chị còn cho là ít thì giờ quá, nhưng tôi muốn nói với các anh các chi rằng: Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu là tình cảm, bây giờ gặp nhau kẻ mất người còn, nhưng tình cả của đồng chí đồng đọi vẫn còn nguyên vẹn, vì vậy chúc các đồng chí dồi dào sức khỏe và chúng ta đều vui mừng vì “Gặp nhau được là quý rồi”.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Giêng, 2011, 09:37:44 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #63 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2011, 07:03:07 pm »

ĐẠI TƯỚNG LÊ TRỌNG TẤN,
NGƯỜI CHỈ HUY KIÊN CƯỜNG, LỖI LẠC,
NGƯỜI BẠN CHIẾN ĐẤU CHÍ THIẾT!
(1)

Đồng chí Lê Trọng Tấn là một vị tướng xuất sắc của quân đội và nhân dân ta. Từ một hội viên cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, làm công tác binh vận trong thời kỳ hoạt động bí mật trước Cách mạng Tháng Tám, đồng chí đã trở thành một trong những nhà chỉ huy lỗi lạc trong các cuộc chiến tranh giải phóng và giữ nước của thời đại Hồ Chí Minh.

Sự nghiệp quân sự của đồng chí gắn liền với quá trình xây dựng và chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, từ một đội quân du kích trở thành một đội chính quy - từ đơn thuần bộ binh trở thành một quân đội gồm nhiều binh chủng và quân chủng. Đồng chí là một trong những Trung đoàn trưởng và Đại đoàn trưởng đầu tiên của quân đội là trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tham gia từ các chiến dịch nhỏ đến các chiến dịch lớn, góp phần xứng đáng vào các chiến thắng vang dội của quân đội ta ở Biên giới (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953) và Điện Biên Phủ (1954).

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, lúc đầu trên cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam rồi Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, cùng với các tướng lĩnh tài ba khác, đồng chí đã góp phần cùng quân và dân ta đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt và chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ xâm lược. Tiếp đó, trên cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng, đồng chí liên tục được cử làm Tư lệnh các chiến dịch lớn như Đường 9 - Nam Lào, Cánh Đồng Chum (1971), chiến dịch Trị Thiên (1972), chiến dịch Giải phóng Huế - Đà Nẵng (3-1975), v.v. trở thành một trong những tư lệnh chiến dịch, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng giỏi nhất của quân đội ta.

Khi chỉ huy các đơn vị chiến đấu cũng như làm thủ trưởng cơ quan tham mưu chiến lược, làm Hiệu trưởng trường Sĩ quan Lục quân hay Viện trưởng Viện Khoa học quân sự Bộ Quốc phòng, đồng chí đã thường xuyên coi trọng công tác tổng kết kinh nghiệm chiến tranh, nghiên cứu khoa học quân sự, kết hợp thực tiễn với lý luận trong việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Sau Hiệp định Pari (1973), dưới ánh sáng Nghị quyết 21 của Trung ương, đồng chí đã tham gia các công trình nghên cứu về chống phá bình định, cách đánh chi khu quận lỵ, đánh thành phố, đánh tiêu diệt các sư đoàn ngụy… để thiết thực phục vụ chiến trường. Đồng chí cũng đã cùng lãnh đạo Học viện quân sự cao cấp chỉ đạo học viên làm bài tập về phương án tác chiến chiến dịch ở Tây Nguyên.

Là một người chỉ huy dũng cảm và sáng tạo, mưu lược và quyết đoán, có ý thức trách nhiệm và tổ chức kỷ luật rất cao, trong hoàn cảnh gay go phức tạp như thế nào, đồng chí cũng tìm cách khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sơn La, hoạt động ở vùng núi rừng Tây Bắc, đồng chí đã tạo một lòng tin tưởng ở đồng bào các dân tộc cùng đồng đội chịu bao gian khổ khó khăn, vừa đánh địch vừa xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng, thực hiện có hiệu quả phương thức hoạt động vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung theo chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, theo kế hoạch tác chiến lúc đầu, trong 3 đêm 2 ngày, Đại đoàn 312 phải liên tục đột phá 3 phòng tuyến mạnh của địch từ phía Bắc xuống Mường Thanh. Mặc dù đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, nhưng đồng chí vẫn tích cực hoàn thành mọi mặt công tác chuẩn bị cho đến khi có lệnh lui quân để chuyển sang phương thức mới.


(1) Bài viết nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của Đại tướng Lê Trọng Tấn (5-12-1986 - 5-12-1996), đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 34, tháng 12 năm 1996, tr.18-19.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #64 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2011, 07:03:40 pm »

Trong trận đánh Cửa Việt năm 1973, trước thái độ chần chừ của một số cán bộ, đồng chí đã có những quyết định kịp thời, quả đoán để giành thắng lợi.

Trong cuộc tiến công Đà Nẵng tháng 3-1975, đồng chí xin cho 5 ngày để chuẩn bị, nhưng khi được lệnh phải mau lẹ chộp lấy thời cơ chiến lược, trong vòng 3 ngày phải đánh chiếm Đà Nẵng, đồng chí đã nghiêm chỉnh hoàn thành đúng thời gian quy định.

Vinh dự lớn lao của đồng chí là đã trực tiếp chỉ huy đánh thắng những trận có tính chất quyết định. Trong hai trận quyết chiến cuối cùng của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí đều trực tiếp chỉ huy hai binh đoàn cơ động đánh vào trung tâm sào huyệt địch, bắt sống bọn chỉ huy đầu não, góp phần kết thúc chiến tranh.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí đã chỉ huy Đại đoàn 312 đánh thắng trận đầu ở Him Lam. Sau 55 ngày đêm phối hợp chiến đấu cùng các đơn vị bạn, Đại đoàn đã tham gia tổng công kích vào Mường Thanh, bắt sống tướng Đờ Cát.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, sau khi chỉ huy giải phóng Đà Nẵng, đồng chí được cử làm Tư lệnh cánh quân phía Đông, một cánh quân không nằm trong kế hoạch ban đầu, và là Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng Tư lệnh, cánh quân này đã thần tốc theo đường ven biển tiến về phía Nam, phá vỡ tuyến phòng thủ từ xa của địch ở Phan Rang, bắt sống tướng địch; tiếp đó, dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh chiến dịch, đã cùng các cánh quân khác của Đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, cắm cờ giải phóng trên Dinh Độc Lập.

Qua hơn 30 năm lăn lộn với các chiến trường, trên nhiều cương vị, đồng chí đã trở thành một vị tướng tài ba, dày dặn, có kinh nghiệm phong phú và bản lĩnh vững vàng cả về chiến thuật, nghệ thuật chiến dịch và chiến lược.

Về đạo đức cách mạng, đồng chí là một đảng viên trung thành tuyệt đối với lợi ích của Đảng, của Quân đội và nhân dân, là một cán bộ trung trực, chí công vô tư, luôn giữ vững phẩm chất cao cả và đạo đức trong sáng. Đồng chí sống với đồng chí đồng đội với cả tấm lòng thủy chung. Là một người chỉ huy nhân hậu, đồng chí rất mực thương yêu cán bộ, chiến sĩ, quan tâm chăm sóc khi ốm đau, rộng lượng nang đỡ khi cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm. Đồng chí đã phấn đấu thực hiện lời dạy của Hồ Chí Minh về 6 chuẩn mực của người tướng nên ở đâu cũng được cán bộ và chiến sĩ hết lòng tin yêu, kính trọng.

Đối với toàn quân, đồng chí Lê Trọng Tấn là một người chỉ huy kiên cường lỗi lạc. Đối với riêng tôi, đồng chí làn người bạn chiến đấu thân thiết, là một trong những cán bộ tin cậy nhất để thực hiện những ý đồ chiến lược của Bộ thống soái tối cao.

Đồng chí ra đi đột ngột ở tuổi 72 là một tổn thất lớn của Đảng, của quân đội và nhân dân ta; nhưng đồng chí đã để lại một tấm gương trong sấng và cao đẹp của một người đảng viên trung thành, của một vị tướng có đức, có tài, xông pha trăm trận với bao chiến công chói lọi.

Tôi phát biểu mấy lời này, nói lên lòng quý mến và tiếc thương vô hạn người đồng chí và người bạn chiến đấu chân thành, đã từng sát cánh trong cuộc trường chinh hơn 30 năm vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đã từng chia xẻ niềm lo lắng khi gặp khó khăn và niềm hân hoan những ngày thắng lợi.

Một lần nữa, tôi nhiệt liệt hoan nghênh Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức những buổi sinh hoạt sử học tưởng niệm các danh nhân, danh tướng nhằm nêu gương tài đức của những người vì nước vì dân, để mọi người học tập, để góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #65 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2011, 07:05:18 pm »

MỘT TÂM GƯƠNG TRUNG KIÊN - TÀI ĐỨC(1)

Tôi hoan nghênh Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cùng Ban Liên lạc truyền thống tổng cục Hậu cần tổ chức buổi sinh hoạt tưởng niệm đồng chí Thượng tướng Đinh Đức Thiện, một đảng viên cộng sản kiên cường đã mưu trí đấu tranh với kẻ địch trong nhà tù đế quốc, một tướng lĩnh tài năng trong hai cuộc kháng chiến, một cán bộ lãnh đạo sắc sảo đối với một số ngành kinh tế quan trọng trong hào bình xây dựng đất nước như gang thép, cơ khí luyện kim, dầu khí…

Đồng chí Đinh Đức thiện là người năng động và sáng tạo, có tinh thần cách mạng tiến công. Nhiệm vụ dù khó khăn đến đâu, đồng chí cũng suy nghĩ tìm mọi biện pháp để khắc phục. Đồng chí dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Đồng chí đã làm một số việc táo bạo, có người cho làm làm bừa, làm ẩu, nhưng thực ra đồng chí đã suy nghĩ, cân nhắc kỹ mới làm để phục vụ kịp thời cho chiến đấu. Nhiều việc quan trọng đồng chí đề xuất ý kiến, tập trung trí tuệ của cán bộ khoa học kỹ thuật, giải quyết thành công như xây dựng tuyến đường dẫn dầu vượt núi, băng đèo bằng các bộ đường ống dã chiến sử dụng trên địa hình trung bình, như tổ chức đưa xe tăng vào các chiến trường xa, như sản xuất xe và canô phá bom từ trường địch rải trên các tuyến đường sông, đường bộ.

Đồng chí Đinh Đức Thiện đã nhận thức được hướng phát triển của chiến tranh, vai trò của hậu phương đối với tiền tuyến, tầm quan trọng của kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Khi công tác ở ngành kinh tế, đồng chí chăm lo đến việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho quốc phòng, cho quân đội. Khi công tác trong quân đội, đồng chí quan tâm đến việc tham gia xây dựng hậu phương, tham gia xây dựng vùng giải phóng, xây dựng các căn cứ địa và các căn cứ hậu cần tại các chiến trường. Đồng chí và đồng chí Đồng Sĩ Nguyên cđã có công lớn trong việc xây dựng tuyến đường Trường Sơn 559, đã quyết tâm xây dựng hệ thống giao thông vận tải cho xe cơ giới từ hậu phương miền Bắc tới các chiến trường, trong đó có tuyến đường ống dẫn xăng dầu để bảo đảm chi viện cho miền Nam, tạo cơ sở hạ tầng cho cơ động lực lượng và vận chuyển lớn, phục vụ đắc lực cho các thời cơ chiến lược, nhất là Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Đồng chí Đinh Đức Thiện luôn quan tâm tới đời sống của bộ đội, của các lực lượng vũ trang, của nhân dân. Là Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, đồng chí luôn nghĩ đến việc nâng cao mức sinh hoạt của bộ đội, nhất là ở chiến trường, cải tiến quân trang, quân dụng, vũ khí trang bị cho gọn nhẹ, phù hợp với yêu cầu phải hành quân bộ đường dài. Đồng chí còn lo chuẩn bị để tham gia vào việc cứu giúp nhân dân ở các vùng tuyến lửa, vùng mới giải phóng. Lãnh đạo một số ngành kinh tế, đồng chí chăm lo cải thiện sinh hoạt cho cán bộ, công nhân, quan tâm tới việc học tập nâng cao trình độ kỹ thuật, nâng cao tay nghề…

Đồng chí Đinh Đức Thiện là người cương trực, thẳng thắn nói lên những điều suy nghĩ của mình khi thấy là đúng cũng như trong phê bình các sai lầm khuyết điểm. Đồng chí là một người có bản lĩnh, sống giản dị, bình thường.

Trong quan hệ công tác, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh, tôi làm việc nhiều với đồng chí Đinh Đức Thiện - Chủ niệm Tổng cục Hậu cần, Bí thư Đảng ủy hậu cần về các chủ trương hậu cần có tính chất chiến lược cũng như các công việc cụ thể lớn. Tôi đánh giá cao nhiệt tình cách mạng cũng như có tài năng tổ chức của đồng chí. Đồng chí đã có công lớn trong việc thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị nhanh chóng tăng cường lực lượng hậu cần cho miền Nam. Sau khi Mỹ rút quân, đồng chí đã lãnh đạo một đoàn cán bộ lớn gồm một đồng chí gồm các ngành hậu cần và một số binh chủng, quần chúng đi vào tiền tuyến lớn để nhanh chóng củng cố vùng giải phóng. Đồng chí đã có công lớn trong việc thực hiện chủ trương lãnh đạo của Quân ủy Trung ương: chuẩn bị hậu cần kkhông phải cho từng mùa như trước đây mà cho kế hoạch một năm rưỡi. Điều đó tạo điều kiện vật chất cho lãnh đạo tăng cường lực lượng với nhịp độ thần tốc, rút ngắn kế hoạch giải phóng miền Nam từ 2-3 năm xuống 1 năm rồi xuống 2 tháng.

Đối với tôi, đồng chí Đinh Đức Thiện là một người bạn chiến đấu thân thiết, quý mến nhau, tôn trọng nhau. Năm nào cũng như năm nào, dù mùa xuân ấm áp hay mùa đông giá lạnh, đến những ngày lễ lớn, đồng chí Đinh Đức Thiện không bao giờ quên mang hoa đến chúc mừng.

Đồng chí Đinh Đức Thiện là một tấm ngương của một cán bộ trung kiên, vừa có đức, vừa có tài, có bản lĩnh, cương trực bảo vệ chân lý, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đoàn kết và thương yêu đồng chí, ăn ở thủy chung.


(1) Bài viết nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất Thượng tướng Đinh Đức Thiện, đang trên Tạp chí Xưa & Nay, số 35, tháng 1 năm 1997, tr.16.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #66 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2011, 07:06:39 pm »

MỘT ĐỒNG CHÍ LÃNH ĐẠO XUẤT SẮC,
MỘT VỊ TƯỚNG TÀI BA
(1)

Tôi gặp anh Thanh lần đầu vào tháng 8 năm 1945 tại Tân Trào, lúc thời cơ đã đến, Bác và chúng tôi mong đợt từng ngày các đại biểu từ miền Trung, miền Nam ra dự Đại hội Quốc dân.

Lần thứ hai có dịp gặp lại anh là lúc trên đường đi vào kiểm tra mặt trận miền Nam theo chỉ thị của Bác. Tôi đã ghé lại Huế gặp anh và các đồng chí lãnh đạo Thưa Thiên Huế trao đổi cục diện tình hình chung và mặt trận Trị Thiên Huế. Anh và các đồng chí lãnh đạo bàn tổ chức cuộc míttinh ủng hộ Nam Bộ kháng chiến, các anh đề nghị tôi với tư cách là phái viên của Bác phát biểu động viên đồng bào và chiến sĩ ở Huế.

Đến năm 1950 sau khi cục diện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã có chuyển biến lớn, bắt đầu quốc tế hóa, ta vừa thoát khỏi vòng vây, đang chuẩn bị những chiến dịch lớn, Bác và Trung ương chủ trương củng cố các cơ quan lãnh đạo quân sự, đã điều động anh Thanh và anh Ninh vào quân đội cùng tôi tổ chức ra Tổng Quân ủy, hai anh là Phó Bí thư, tôi làm Bí thư. Tôi nhớ mãi những ngày cùng nhau làm việc trong Tổng Quân ủy. Càng nhớ lại và suy nghĩ, tôi càng nhận thấy, cơ quan Tổng Quân ủy gồm 3 đồng chí lúc bây giờ là một mẫu mực về tổ chức cơ quan lãnh đạo cấp cao vưa gọn nhẹ vừa có sức mạnh, điều kiện nhất trí cao, tôn trọng, yêu thương lẫn nhau, sâu sát tình hình thực tiễn, kịp thời thực hiện đường lối của Đảng bằng những chủ trương, kế hoạch cụ thể và sáng tạo, đã chỉ đạo, động viên và tổ chức quân dân ta nêu cao tinh thần quyết thắng, chủ nghãi anh hùng cách mạng giành thắng lợi lớn dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Chúng tôi thường nói với nhau: làm việc như thế này thích thật, các cuộc họp ít kéo dài, có khi chỉ nói nửa câu là đã hiểu ý nhau và đi ngay đến quyết định.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Quân ủy, các mặt công tác tham mưu, chính trị, hậu cần trong quân đội được kiện toàn và thực hiện có chất lương. Công tác tham mưu đề ra các kế hoạch tác chiến thích hợp, công tác hậu cần với yêu cầu khối lượng vượt bậc đều được thực hiện, đặc biệt là anh Thanh được phân công phụ trách công tác chính trị và công tác Đảng đã tiến hành một cách sắc bén, có hiệu quả.

Về sau anh Thanh được điều động ra phụ trách mặt trận nông nghiệp thì đã phát động phong trào Đại Phong. Khi anh trở lại quân đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong những ngày làm việc ở miền Bắc, chúng tôi thường xuyên trao đổi công việc, làm việc mật thiết với nhau.

Nói đến dây, tôi nhớ trước ngay chuẩn bị đi vào miền Nam, anh đã nêu ý kiến cả hai gia đình cùng đi dạo Hồ Tây để chụp ảnh kỷ niệm; nhớ buổi gặp nhau trước ngày anh lên đường, anh cùng tôi trải cả bản đồ lên sàn nhà, cùng nhau bàn bạc về tình hình, dự kiến những chuyển biến và cách đánh sắp tới, nhớ đến bữa cơm tiễn biệt tại nhà 28 Cửa Đông. Không nghờ hôm ấy lại là buổi gặp nhau cuối cùng.

Anh ra đi đột ngột quá, đối với Đảng, với quân đội là một tổn thất lớn, đối với bản thân tôi là một mất mát lớn không gì bù đắp được.

Qua những năm tháng cùng làm việc với nhau, tôi thấy ở anh Thanh có mấy điểm nổi bật:

Thứ nhất, anh là một người đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng, xông xáo năng động, sáng tạo. Anh hết lòng thương yêu nhân dân, thương yêu đồng chí, đồng đội. Anh là một con ngời có bản tính cương trực thẳng thắn, có tác phong quần chúng, giản dị, sâu sát thực tiễn, luôn học tập tìm tòi nghiên cứu. Anh đã có những đóng góp vào sự phát triển đường lối và nghệ thuật quân sự của Đảng.

Thứ hai, theo sự phân công của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, ở cương vị chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, anh Thanh đã có công lớn trong việc xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng, xây dựng hệ thống thành công Đảng, tổ chức công tác chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh, công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội đã có bước phát triển mới cả về nội dung và hình thức, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân ta.

Thứ ba, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, anh Thanh vào miền Nam đã cùng với Trung ương Cục chỉ đạo phát triển chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là xây dựng bộ đội chủ lực. Anh đã góp phần xác định đúng bước chuyển biến chiến lược từ chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ, chủ động đánh quân Mỹ kéo vào miền Nam. Anh là người sắc sảo trong việc đánh giá thực chất sức mạnh của Mỹ, nêu cao quyết tâm, niềm tin đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Anh đã góp phần chỉ đạo động viên bộ đội đánh thắng Mỹ ngay từ trận đầu và đánh bại các kế hoạch chiến lược của Mỹ. Năm 1967, anh ra Bắc báo cáo tình hình, đã góp phần cùng Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đánh giá đúng thất bại của Mỹ, sự phát triển của cách mạng miền Nam và bàn định chủ trương tổng tiến công năm 1968.

Hôm nay, nhớ anh Thanh, tôi tưởng nhớ và vô cùng thương tiếc một người bạn chiến đấu thân thiết, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một vị tướng tài ba của quân đội ta, người đã có những cống hiên quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dan tộc Việt Nam ta.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đang đứng trước những nhiệm vụ cực kỳ to lớn. Tôi nghĩ rằng nhớ tiếc và học tập anh Thanh, trước hết là học tập tinh thần cách mạng kiên cường, đạo đức trong sáng, một lòng một dạ vì nước vì dân, sống cần kiệm giản dị, chống quan liêu, tham nhũng, để góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta mãi mãi nhớ đến anh Nguyễn Chí Thanh.


(1) Bài viết nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Bài dăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 41, tháng 7 năm 1997, tr.11-12.
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Hai, 2011, 12:34:58 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #67 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2011, 07:08:06 pm »

NHỚ ANH NGUYỄN CHÁNH,
MỘT CÁN BỘ LÃNH ĐẠO XUẤT SẮC CỦA ĐẢNG,
MỘT VỊ TƯỚNG TÀI CỦA QUÂN ĐỘI
(1)

Anh Nguyễn Chánh là một cán bộ lãnh đạo trung kiên của Đảng, một vị tướng tài của quân đội, đã có cóng hiến lớn vối cách mạng và kháng chiến. Anh ra đi quá sớm, năm 1957 lúc mới 43 tuổi, tài năng đang độ phát triển.

Lần đầu tôi biết và làm việc với anh vào những ngày đấu tranh hào hùng của Cách mạng Tháng Tám 1945, đặc biệt là vào những ngày cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ diễn ra sôi nổi. Cuối thu năm 1946, tôi được Trung ương và Chính phủ cử vào kiểm tra mặt trận phía Nam, tôi đã dừng chân tại Huế gặp anh Trần Hữu Dực lúc bấy giờ là Chủ tịch và anh Chánh là Ủy viên trưởng quốc phòng của Ủy ban kháng chiến Trung Bộ.

Về sau, trong 9 năm kháng chiến, anh Chánh đã mấy lần từ Liên khu V ra họp và làm việc ở Việt Bắc. Năm 1950 anh ra dự hội nghị tổng kết chiến dịch Biên giới, ở lại tham gia Đảng ủy các chiến dịch Đường 18 và Trung du đầu năm 1951 với cương vị Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Anh đã dự hội nghị Đảng toàn quốc lần thứ hai và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Lúc này Trung ương đã có ý định giữ anh làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nhưng do nhu cầu của chiến trường nên anh lại trở về Liên khu V.

Năm 1953, anh lại ra Việt Bắc, lần này để nhận nhiệm vụ quan trọng về chiến cục Đông - Xuân - Hè 1953-1954.

Trong thời gian đầu tiếp xúc và trực tiếp làm việc với anh Chánh, anh đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc, và chúng tôi đã quý mến nhau ngay từ lúc đó.

Sau năm 1954, anh ra làm Tổng Tham mưu phó, rồi Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ, chúng tôi đã thường xuyên làm việc với nhau. Anh và cả chị Trinh, vợ anh, cũng trở nên thân thiết với gia đình và bản thân tôi.

Cuộc đời, sự nghiệp cống hiến của anh Nguyễn Chánh trước hết gắn liền với Liên khu V, tức vùng Nam Trung Bộ, một chiến trường khó khăn về kinh tế, bị địch bao vây bốn bề, lại ở xa Trung ương, nhưng lại có truyền thống cách mạng lâu đời và là vị trí chiến lược rất quan trọng. Đặc biệt, với vùng Tây Nguyên, chiến trường này có vị trí chiến lược rất quan trọng, khống chế cả khu vực Nam bán đảo Đông Dương và là hành lang huyết mạch nối với Nam Bộ.

Anh Chánh tham gia cách mạng rất sớm, từ những năm 1930-1931, là một chiến sĩ cộng sản đấu tranh kiên cường trong nhà tù đế quốc. năm 1945, sau khởi nghĩa Ba Tơ, được Tỉnh ủy Quảng Ngãi phân công trực tiếp tham gia lãnh đạo đội du kích Ba Tơ mới ra đời, anh Chánh đã có chủ trương rất sáng tạo, sáng suốt: không để đội du kích luẩn quẩn trên vùng rừng núi, trong vòng vây của quân thù mà đã có chủ trương đưa quân về đồng bằng, dựa vào phong trào quần chúng cách mạng để xây dựng và chiến đấu, đồng thời phát triển dân quân tự vệ và tham gia phát động phát triển cách mạng của quần chúng. Anh đặc biệt quan tâm đến việc củng cố sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng chi bộ Đảng trong đội du kích. Chính do chủ trương đúng đắn, sắc sảo này mà trong một thời gian rất ngắn, đội du kích Ba Tơ từ mười bảy người đã phát triển thành hai đại đội mạnh, cùng với hàng vạn dân quân tự vệ và quần chúng cách mạng, tạo nên cao trào mạnh mẽ, 14 tháng 8 năm 1954 đã tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Ngãi, một trong những địa phương đã sớm vùng lên giành chính quyền, trong thời cơ phátxít Nhật đầu hàng.

Sau đó đội du kích Ba Tơ đã thực sự trở thành nòng cốt vững chắc của Giải phóng quân ở Nam Trung Bộ. Đội du kích Ba Tơ xứng đáng là một tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân chúng ta.


(1) Bài đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 43, tháng 9 năm 1997.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #68 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2011, 07:09:10 pm »

Nay nhìn lại, nghiên cứu kỹ cuộc kinh nghiệm Ba Tơ và lịch sử đội du kích Ba Tơ, chúng ta có thể thấy sự lãnh đạo của Đảng ở Quảng Ngãi và của anh Nguyễn Chánh hồi bấy giờ thật vững vàng, sắc sảo; ngay từ đầu đã nắm vững những vấn đề rất cơ bản trong việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng và của nhân dân. Những vấn đề về bản chất của quân đội nhân dân đã được khẳng định và thực hiện đúng đắn ngay từ đầu. Đó là điều hết sức quan trọng và không dễ chút nào, nhất là trong điều kiện cách mạng còn ở trong tình trạng trứng nước và ở xa sự chỉ đạo của Trung ương hồi bấy giờ.

Do vị trí đặc biệt của Liên khu V như đã nói trên, nên ngay từ ngày đầu kháng chiến toàn quốc được phát động, đồng chí Phạm Văn Đồng đã được cử vào làm đại diện của Trung ương và Chính phủ ở đây, trực tiếp chỉ đạo chiến trường này.

Trong thời kỳ này, có thể nói ở Liên khu V, Đảng bộ, đồng bào vvà chiến sĩ ta đã thực hiện được kỳ tích: giữa vòng vây của quan thù, vẫn giữ được một vùng tự do gồm gần trọn bốn tỉnh đồng bằng ven biển liên hoàn, không những đưng vững trước mọi o ép của địch mà còn xây dựng được cả một hệ thống chính quyền cách mạng hoàn chỉnh, có kinh tế tự túc ổn định, văn hóa giáo dục phát triển, trong nhiều năm giữ vững đường giao thông với vùng Cực Nam Trung Bộ, với Nam Bộ, thực sự trở thành một vùng hậu phương vững chắc cho kháng chiến lâu dài. Trong vùng địch tạm chiếm thì phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng và chiến tranh du kích đã phát triển khá đều khắp, ba thứ quân phát triển nhịp nhàng.

Với cương vị là Chính ủy Bộ Tư lệnh Liên khu V, anh Nguyễn Chánh đã có sự đóng góp quan trọng vào kỳ tích nói trên.

Từ khoảng năm 1949 trở đi, đồng chí Phạm Văn Đồng, rồi một số đồng chí lãnh đạo khác lần lượt được điều về Trung ương. Trách nhiệm của anh Chánh ngày càng nặng nề hơn, từ năm 1951, đã giữ trọng trách vừa là Bí thư Liên khu ủy vừa Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu V.

Đối với anh, đây là một thử thách lớn. Chính thử thách này càng làm bộc lộ bản lĩnh và tài năng của anh.

Phong trào cách mạng và kháng chiến ở Liên khu V không những tiếp tục được giữ vững, mà từ năm 1951 trở đi đã rõ ràng có những bước phát triển mạnh mẽ và nhanh hơn. Là Bí thư Liên khu ủy, anh tỏ ra là một người lãnh đạo toàn diện. Là Chính ủy Kiêm Tư lệnh, anh tỏ ra là một cán bộ có tầm nhìn chiến lược, đồng thời là một người chỉ huy kiên quyết và có tài năng tổ chức.

Có điều đặc biệt đáng nói rõ là ở Liên khu V trong thời kỳ này, đi đôi với sự phát triển của các lực lượng du kích và chiến tranh nhân dân du kích, lãnh đạo Liên khu và anh Nguyễn Chánh với chủ trương và sự chi viện của Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, đã chú trọng đúng mức, kiên định và liên tục xây dựng lực lượng chủ lực, biết sử dụng khéo quả đấm chủ lực để thúc đẩy kháng chiến phát triển, vừa tác chiến vừa xây dựng, trưởng thành khá vững và nhanh.

Chính đây là một trong những nhân tố quan trọng khiến liên khu V là một trong những chiến trường đã giành được thắng lợi rực rỡ nhất trong Chiến cục Đông - Xuân - Hè 1953-1954, phối hợp rất đắc lực với chiến trường chính Điện Biên Phủ.

Lúc này địch đưa ra một lực lượng khá lớn, mở chiến dịch Atlante hòng đánh chiếm vùng tự do đồng bằng Liên khu V. Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh chủ trương ta không thụ động đối phó với địch ở vùng tự do mà chủ động đưa lực lượng chủ lực tập trung đánh lên Tây Nguyên, giành lấy địa bàn chiến lược này, đẩy địch vào thế bị động. Đó là cách tốt nhất để giữ vững vùng tự do đồng bằng. Bấy giờ một số đồng chí chủ chốt trong cơ quan lãnh đạo Liên khu và Bộ Tư lệnh Liên khu còn có chỗ chưa thông, sợ mất vùng tự do, muốn dùng chủ lực giữ đồng bằng. Nhiều đồng chí lãnh đạo ở các tỉnh đồng bằng cũng e ngại, lo lắng, bộ đội và đồng bào thì thắc mắt nhiều. Anh Chánh đã kiên trì thuyết phục và đấu tranh với mọi ý kiến trái ngược, anh đã kiên quyết chấp hành nghiêm chỉnh và tổ chức thực hiện rất tốt chủ trương của Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #69 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2011, 07:10:19 pm »

Kết quả thật rực rỡ: một mang phòng ngự lớn của địch ở Bắc Tây Nguyên bị phá vỡ, tỉnh KonTum và cả vùng Bắc Tây Nguyên được giải phóng. Sau đó nhanh chóng phát triển chiến dịch, tiếp tục tiến xuống phía nam, đánh địch trên tuyến đường chiến lược số 19, tiêu diệt hoàn toàn Binh đoàn cơ động số 100 là một binh đoàn tinh nhuệ vào bậc nhất của quân viễn chinh Pháp vừa rút từ Triều Tiên về; bao vây Pleiku, thọc sâu vào cao nguyên Đăk Lăk, áp sát Buôn Ma Thuột, tạo điều kiện nối liên với chiến trường Nam Bộ, đồng thời tiến xuống cùng quân và dân địa phương đánh mạnh quân địch ở Phú Yên và uy hiếp ở Nha Trang. Ở các chiến trường địch hậu trong Liên khu, thừa thắng quân dân ta đã tiêu diệt, bức hàng hàng chục đồn bốt, giải phóng những khu vực rộng lớn với hàng chục vạn dân. Phía Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, ta phối hợp với quân dân bạn giải phóng một vùng rộng lớn. Chiến dịch Atlante của địch bị đánh bại hoàn toàn, vùng tự do đồng bằng Liên khu V được giữ vững và mở rộng. Thế trận ở Tây Nguyên cũng như trên toàn Liên khu lúc này thật đẹp, tạo triển vọng giành thắng lợi lớn hơn nữa.

Tướng chỉ huy quân viễn chinh Pháp trên chiến trường Tây Nguyên và Tư lệnh chiến dịch Atlante (đợt I, II) là De Beaufort đã hết sức thán phục, và sau khi chiến tranh kết thúc đã tỏ ý muốn gặp “vị tướng đã làm cho tôi điêu đứng trên chiến trường…”. Tôi đã cho tổ chức và đã dự cuộc gặp gỡ lý thú ấy khi anh Chánh và cả tướng De Beaufort có mặt tại Hà Nội.

Sự phát triển tài năng của anh Nguyễn Chánh có thể nói là một trường hợp khá đặc biệt. Anh chưa từng được đào tạo qua trường lớp học nào, ngay việc được học tập văn hóa từ nhỏ, cũng rất hạn chế. Nhưng đó là một con người thông minh, có ý chí tiến thủ mạnh, khiêm tốn và ham học. Những bài học cơ bản về khởi nghĩa vũ trang và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính là anh đã học được từ trong nhà lao Buôn Ma Thuột, khi các đồng chí của ta ở đây đã thực hiện “biến nhà tù của đế quốc thành trường học cách mạng” và sau đó trong thực tiễn chiến đấu, anh đã vận dụng hết sức thành công.

Mấy lần anh từ Liên khu V ra Việt Bắc công tác, tôi luôn nhận thấy anh hết sức chăm chú tìm hiểu học tập với một tinh thần thật sự khiêm tốn và cầu thị. Nhiều anh em ở Liên khu V đều bảo rằng sau mỗi chuyến ở Việt Bắc về, anh Chánh lại tiến bộ hơn, vững vàng hơn, sắc sảo hơn.

Anh Chánh còn là một con người có đức tính đoàn kết, tập hợp được cán bộ và chiến sĩ, quân và dân. Trước hết, là vì anh luôn toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp của cách mạng, chí công vô tư, có tâm hồn trong sáng và cuộc sống thanh bạch. Hơn nữa, tuy không được học hành nhiều ở trường lớp nào, nhưng từ nhỏ anh đã tiếp thu truyền thống quê hương gia đình, về sau đã nhanh chóng thấm nhuần đường lối của Đảng. Anh là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một người chỉ huy nghiêm khắc, quyết đoán, nhưng cũng là một con người cởi mở, nhân hậu, giản dị, biết linh hoạt trong ứng xử, ăn ở thủy chung với đồng chí, đồng bào. Anh được cán bộ chiến sĩ, được nhân dân Liên khu V hồi bấy giờ hết sức quý mến và khâm phục.

Sau năm 19754, anh chỉ mới ra làm việc ở Trung ương mấy năm nhưng đã gây được lòng yêu mến và kính trọng của các cơ quan và đơn vị. Khi được cử làm Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ thì mọi người đều vui mừng, tin tưởng.

Anh Chánh mất sớm là một tổn thất của Đảng và của Quân đội ta, tôi mất đi một người bạn chí thiết.

Cuộc đời một con người mới 43 tuổi đã để lại sự nghiệp như vậy có thể nói là một cuộc đời thật đẹp: cuộc đời của một người cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc, một vị tướng có đức có tài, một con người mẫu mực.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM