Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:33:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với sử học Việt Nam  (Đọc 69942 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 03:22:11 pm »

Nhân tố quyết định đưa đến thắng lợi Đông Xuân 1953-1954 và chiến thắng Điện Biên Phủ là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Sự lãnh đạo đó không những thể hiện ở đường lối chính trị và đường lối quân sự đúng đắn, sự chỉ đạo chiến lược tài tình mà điều quan trọng còn thể hiện ở vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên.

Trước thách thức quyết liệt của trận Điện Biên Phủ, biết bao đảng viên ưu tú đã một lòng vì nước vì dân, nêu cao tinh thần gương mẫu trong chiến đấu, không quản gian khổ, hy sinh, sẵn sàng xả thân để giành chiến thắng. Tại mặt trận, trước tình huống khó khăn, gay go, quyết liệt đã vang lên tiếng thét: “Các đảng viên cộng sản tiến lên! Ai là người theo Đảng hãy tiến lên!”. Hai tiếng đảng viên thiêng liêng và hành động tiên phong gương mẫu của đảng viên đã có sức mạnh cổ vũ đồng đội xông lên tiêu diệt quân thù, giành thắng lợi.

Ngày nay, sự lãnh đạo của Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn là nhân tố quan trọng, quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta có một đội ngũ cán bộ, đảng viên kế tiếp xứng đáng, có phẩm chất và năng lực, năng động, sáng tạo, làm hạt nhân lãnh đạo trong các cấp, các ngành, đưa công cuộc đổi mới tiến lên đạt những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, điều mà hiện nay toàn Đảng, toàn dân quan tâm và lo ngại là bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng, đang làm giảm uy tín và sức mạnh lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng. Vì vậy, toàn Đảmg, toàn quân, toàn dân ta đồng tâm, nhất trtí, tìm ra nguyên nhân yếu kém và biện pháp có hiệu lực, thực hiện bằng được nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, làm cho đội ngũ đảng viên thật sự hết lòng vì nước, vì dân, tiếp tục nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu trong nhiệm vụ cách mạng mới, như đã từng tiên phong gương mẫu trong chiến đấu. Đây cũng là nhân tố quyết định đưa sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc tiến lên đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đối với nhân loại, Điện Biên Phủ là điểm hẹn tất yếu của lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh một chân lý của thời đại là các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược, nếu biết đoàn kết đứng lên đấu tranh vì độc lập, tự do, vì quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của mình, có đường lối đúng đắn, dám đấu tranh và biết đấu tranh thì dân tộc đó nhất định thắng lợi Trong thời đại ngày nay, bất cứ dân tộc nào để áp đặt ý muốn của mình lên dân tộc khác thì cuối cùng nhất định sẽ thất bại.

Các lực lượng hiếu chiến dù có tàn bạo đến đâu thì cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì hòa bình, hữu nghị và phong trào, vì một trận tự thế giới công bằng, dân chủ nhất định thắng lợi.

*
*   *

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại, nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, nhớ ơn các bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hiến dâng cho đất nước những người con thân yêu. Chúng ta gửi lời thăm hỏi thân thiết nhất đến các đồng chí thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, của cuộc kháng chiến 30 năm chống đế quốc xâm lược.

Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã làm cho ba tiếng “Điện Biên Phủ trở thành biểu tượng của sức mạnh Việt Nam.

Tinh thần Điện Biên Phủ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 03:24:01 pm »

ĐIỆN BIÊN PHỦ XƯA VÀ NAY(1)

Điện Biên Phủ là một sự kiện lịch sử trọng đại. Cũng như mọi sự kiện lịch sử khác, người ta chỉ có thể nhận thức đầy đủ tầm vóc và ý nghĩa của sự kiện khi đặt nó trong dòng chảy liên tục của thời gian, phân tích nó trong biện chứng vận động và phát triển của lịch sử.

Nói “Điện Biên Phủ xưa và nay” không chỉ là sự so sánh đơn giản một thực tế ở hai thời điểm xưa và này. Lịch sử, nói chính xác hơn là hiện thực lịch sử chỉ xảy ra một lần, duy nhất và không thể chữa lại, nhưng nhận thức lịch sử, cũng như viết sử có thể làm đi làm lại nhiều lần. Thời gian như một thứ thuốc hiện hình sẽ làm cho các hiện thực của quá khứ ngày một rõ nét hơn, chân xác hơn; tất nhiên cũng có một lúc, một hoàn cảnh nào đó cùng với thời gian là sự lãng quên, thậm chí làm lu mờ hay méo mó lịch sử. Song thời gian với phép màu nhiệm của nó chắc chắn sẽ giúp chúng ta và các thế hệ con cháu chúng ta ngày một hiểu biết sâu sắc hơn về quá khứ, về Điện Biên Phủ. Với từng trải của 40 năm, giờ đây chúng ta nhìn lại Điện Biên Phủ sẽ thấy rõ hơn, sáng hơn những ý nghĩa và bài học lịch sử bổ ích cho công cuộc cách mạng hiện nay.

Trước tiên, Điện Biên Phủ là một chiến dịch lớn, là một trận đánh diễn ra trên lòng chảo Mường Thanh suốt 55 ngày đêm giao tranh quyết liệt và kết thúc vào ngày 7-5-1954, như một trận quyết chiến chiến lược.

Trở lại Mường Phăng vừa rồi, trong “lán chỉ huy” anh em bảo tàng vẫn để lại mấy tấm bản đồ tác chiến. Ngoài bản đồ khu vực Điện Biên, còn có cả một tấm bản đồ lớn khu vực Đông Dương, vì lúc đó tôi vừa là Chỉ huy trưởng của Mặt trận Điện Biên Phủ, vừa là Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo toàn bộ các mặt trận phối hợp với Điện Biên Phủ ở Khu V, Nam Bộ, kể cả chiến trường Lào và Campuchia. Ở đồng bằng Bắc Bộ đã có các anh Văn Tiến Dũng, Nguyễn Chí Thanh. Điện Biên Phủ thắng to là do ta đánh thắng trên chiến trường Đông Dương, thắng trong từng trận cụ thể, nhưng quan trọng hơn là thắng vì ta giành được quyền chủ động trên toàn chiến trường, địch bị căng lực lượng ờ khắp nơi trong khi ta tập trung được sức mạnh ở Điện Biên Phủ.

Bức tranh Điện Biên Phủ sẽ hiện rõ tầm vóc của nó nếu ta đặt trong một cái khung thời gian của toàn bộ sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, chấm dứt 100 năm đô hộ của thực dân Pháp và nhất là của 30 năm chiến tranh bảo vệ nền độc lập, tự do mở đầu bằng Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, được kết thúc bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 và Điện Biên Phủ là một cái mốc khẳng định ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam chúng ta. Nó là sự kế thừa của cách mạng Tháng Tám, nó cũng là tiền đề của thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này.

Trong sự nghiệp đánh đuổi xâm lược Pháp, ông cha ta đã biểu thị truyền thống yêu nước rất sâu sắc. Từ ngày đầu giặc Pháp đánh Đà Nẵng (1958), nhân dân ta đã chứng minh điều đó, nhưng cũng với thất bại của nhiều phong trào khởi nghĩa vũ trang, lòng yêu nước ấy đứng trước câu hỏi: làm thế nào để chiến thắng? (Rồi đây các nhà sử học thử phân tích vì sao khi quân Pháp xâm lược nước ta, với một đội quân không đông lắm, thạm chí có lú chỉ vài trăm quân cũng có thể đánh thắng đội quân của triều đình lúc đó rất đông lại có những vị chỉ huy rất anh hùng như Nguyễn Tri Phương hay Hoàng Diệu?). Niềm khao khát chiến thắng ấy chẳng đã một thời vang lên trong những “Hồi trống tự do”, “Tiếng chuông chiều hồn” hay những lời da diết “Gọi hồn nước” của Phan Bội Châu và các bậc chí sĩ ái quốc thời trước khi có Đảng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh với Chánh cương, sách lược vắn tắt từ hồi dựng Đảng được phát triển qua Cương lĩnh Mặt trận Việt Minh (1941) đã trở thành tư tưởng chủ đạo, tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc trong cao trào Cách mạng Tháng Tám 1945 giành lại non sông gấm vóc, tạo dựng nền Dân chủ Cộng hòa của một quốc gia độc lập.

Tư tưởng ấy cùng với sự hình thành lực lượng vũ trang cách mạng. Quân đội nhân dân Việt Nam mà cuối năm nay, chúng ta sẽ long trọng kỷ niệm vừa tròn nửa thế kỷ, chính là nền tảng lịch sử của thắng lợi của cuộc kháng chiến thần thánh chống đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ mà Điện Biên Phủ là một đỉnh cao quyết định.

Nếu ta ngược về quá khứ xa hơn nữa của lịch sử dân tộc, truyền thống giữ nước của tổ tiên ta đã hình thành rất sớm trong thời các vua Hùng và được kết tinh trong hình tượng Thánh Gióng mang tính huyền thoại kỳ vĩ. Dưới thời Bắc thuộc, truyền thống ấy đã dấy lên cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Hai Bà phát động nhân dân vùng dậy chống quân đô hộ, trong một thời gian ngắn lấy lại được 65 thành, giải phóng đất nước, xác lập quyền tự chủ. Nhưng nói theo ngôn ngữ hiện đại, Hai Bà đã thực hiện thành công cuộc khởi nghĩa dân tộc, nhưng cuộc kháng chiến giữ nước tiếp theo bị thất bại.


(1) Bài đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 2, tháng 3 năm 1994, tr.6-9.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 03:25:14 pm »

Ở thế kỷ XIII, nhân dân ta thời Trần cũng tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài 30 năm với ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông. Đó là một chiến công rất hiển hách. Nhưng nếu phân tích kỹ thì trong 30 năm ấy quân xâm lược đã ba lần tiến công vào đất nước ta: Lần đầu 1 tháng, lần thứ hai khoảng 6 tháng, lần thứ ba cũng khoảng 6 tháng. Cả ba lần quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Trần Hưng Đạo và các tướng lĩnh tài ba khác trên dưới vua tôi đồng lòng đánh bại không chỉ đội quân xâm lược mà cả ý chí xâm lược của giặc Nguyên - Mông. Tuy nhiên thời gian giữa ba cuộc chiến tranh ấy nước ta thời nhà Tràn vãn thanh bình và thịnh trị. Còn trong 30 năm tiến hành chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cả nước chúng ta đã trải qua một cuộc chiến tranh liên tục và khốc liệt.

Với khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi ở thế kỷ XV thì bắt đầu bằng một cuộc khởi nghĩa ở địa phương, quy tụ lực lượng từ nhiều nơi, từ châu Hoan Diễn tiến tới lấy thành Đông Quan, giải phóng đất nước. Chúng ta biết thêm rằng, trước đó ách đô hộ của giặc Minh cũng mới chỉ có 10 năm, sau khi quân xâm lược đã đánh bại nhà Hồ, một triều đại có quân đội rất mạnh, có truyền thống thượng võ cao.

Đến thời Tây Sơn, Nguyễn Huệ Quang Trung bắt đầu bằng một cuộc khởi nghĩa nông dân địa phương, đánh đổ các thế lực phong kiến đương thời, định đô ở Phú Xuân, tích lũy quân lương ở Hoan Diễn rồi tiến quân ra Bắc thần tốc đánh bại đại quân của giặc Thanh đúng với ý nghĩa của một trận quyết chiến chiến lược.

Nhắc lại những chiến công của cha ông vừa để tự hào vừa để so sánh những nét giống và khác với sự nghiệp cách mạng của thế hệ chúng ta, chính là để thấy được tính kế thừa, học hỏi tiền nhân cũng như sự sáng tạo và phát triển trong thời đại mới.

Đặt vào một bối cảnh rộng lớn hơn, chúng ta còn có thể sánh Điện Biên Phủ với nhiều trận đánh nổi tiếng trong lịch sử chiến tranh thế giới như Oatéclô, Bôrôđinô, Xtalingrát… Mỗi một sự kiện có ý nghĩa với thời đại của nó cũng như trong lịch sử chung của nhân loại. Với Điện Biên Phủ, không chỉ là sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam mà còn là sự khởi đầu cho cao trào cách mạng giải phóng dân tộc của các dân tộc nhược tiểu khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân trong lịch sử cận - hiện đại. Bởi vì Điện Biên Phủ là thắng lợi đầu tiên, thắng lợi chấn động địa cầu của một dân tộc vốn là thuộc địa, kinh tế lạc hậu, đánh bại quân đội hiện đại của một cường quốc công nghiệp, một đế quốc phương Tây. Bởi vì Việt Nam với Điện Biên Phủ đã nêu cao tấm gương, bài học: một dân tộc nhỏ yếu có thể đánh bại một cường quốc hùng mạnh một khi nhân tố con người trở thành quyết định vượt lên trên tất cả yếu tố tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự. Nhà viết sử phương Tây Jules Roy chẳng đã mô tả Điện Biên Phủ là nỗi “Kinh hoàng khủng khiếp, là thất bại lớn nhất của phương Tây báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ và sự cáo chung của nột nền cộng hòa ở Pháp”.

Sau này, khi tướng Đờ Gôn, Tổng thống Pháp đang có mặt ở Phnôm Pênh đã nhắn vọng cho Mỹ lúc này đã can thiệp sâu vào Việt Nam rằng: Mỹ nên học bài học của Pháp. Nhưng đế quốc Mỹ lại cho rằng Pháp đã thua nhưng Mỹ sẽ thắng. Và thực tiễn đã cho thấy: Tô đậm thêm cho bài học lịch sử của Điện Biên Phủ chính là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc kết thúc bằng chiến dịch mang tên Bác hồ vào mùa xuân 1975.

Bài học lớn ấy phải đã được thực hiện bằng một nghệ thuật chỉ đạo cách mạng và chiến tranh đúng đắn, sáng tạo. Một trong những tư tưởng chủ đạo của Bác Hồ ngay từ khi mới thành lập lực lượng vũ trang cách mạng là “Đánh phải chắc thắng”, bởi vì dân ta nghèo, xương máu của nhân dân và quân đội phải được quý trọng.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cái tư tưởng ấy luôn thường trực trong suy nghĩ của bản thân tôi cũng như của nhiều đồng chí khác, mỗi khi quyết định một trận đánh, một cách đánh… Ở Điện Biên Phủ, chính vào thời điểm quyết định, tư tưởng ấy đã giúp tôi đi tới một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy quân sự của mình. Bởi vì như lúc đầu, xuất phát từ sự phân tích cho rằng địch vừa đổ quân xuống một chiến trường mới, hệ thống phòng ngự chưa được củng cố, lực lượng của ta lớn hơn hẳn lại có sự chi viện mạnh của pháo binh, ở xa hậu phương nếu kéo dài sẽ gặp khó khăn về tiếp tế, phải đánh nhanh đề phòng sự leo thang can thiệp của Mỹ… Nên lúc đầu đã từng đề ra quyết định “Đánh nhanh thắng nhanh”.

Quyết tâm rất cao, nhất trí từ trên xuống dưới, gần như không ai có ý kiến khác và trên chiến trường thì pháo đã kéo vào trận địa, quân đã ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Chuyên gia của bạn cũng nhất trí từ đầu. Dự kiến sẽ đánh trong 3 đêm 2 ngày.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 03:26:36 pm »

Chính vào thời điểm ấy, như một linh cảm, hay đúng hơn là kết quả của một quá trình suy nghĩ theo theo tư tưởng đánh chắc, thắng chắc, theo lời dặn của Bác: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, tôi đã cho đi sâu theo dõi thực tiễn tình hình địch, đánh giá cho đúng mọi vấn đề trước giờ nổ súng. Mặc dù, như mọi lần vào trước trận đánh, tôi còn có thới quen yêu cầu mọi người phát biểu cho hết những khó khăn của mình, nhưng lần này tất cả đều nhất trí với cách đánh nhanh. Đảng ủy mặt trận họp cũng quyết định như vậy, mà Bác và Trung ương thì lại ở xa.

Tôi yêu cầu anh em quân báo ở Cục 2 trinh sát kiểm tra lại tình hình thì được biết: địch có chiều hướng đổ quân thêm càng đông, công sự và hệ thống phòng ngự xây ngày càng kiên cố. Những động thái của địch cần được đánh giá lại. Thí dụ trước đó thấy địch càn quét đốt phá một số bản làng chỉ cho rằng nó khủng bố nhân dân, sau theo dõi mới biết chúng lấy gỗ, đá về củng cố công sự…

Phân tích lại thì thấy, đến lúc này mà ta thực hiện chủ trương đánh 3 đêm 2 ngày thì cánh quân của ta từ hướng tây vượt qua cánh đồng Mường Thanh bằng phẳng chẳng khác gì phơi mình cho hỏa lực của địch gây thương vong. Ở Điện Biên Phủ, địch có hỏa lực rất mạnh về pháo binh, xe tăng, lại được tăng cường bằng không quân. Lực lượng pháo binh của ta lần đầu ra quân với quy mô lớn hợp đồng tác chiến với bộ binh trên toàn chiến trường, sau một nỗ lực phi thường và rất gian khổ đã đưa được một bộ phận quân pháo vào trận địa sẵn sàng tác chiến. Đồng chí Phạm Kiệt đi sát pháo binh bằng điện thoại đã cho biết lúc này pháo vẫn phơi mình trên mặt đất, chỉ kịp làm công sự dã chiến ban ngày địch mà phát hiện thì thật nguy hiểm.

Cũng qua đường dây điện thoại, tôi kiểm tra lại cánh quân của anh Lê Trọng Tấn đánh từ phía bắc đánh xuống. Anh Tấn là một tướng đánh giỏi, từng trải, đã trả lời rằng: Nếu thực hiện cách đánh nhanh, quân của anh phải đột phá liên tục qua ba phòng tuyến, rất khó khăn nhưng sẽ cố gắng…

Tổng hợp lại tình hình, tôi thấy rằng quan trọng của chiến sĩ ta rất cao nhưng nếu đánh nhanh thắng nhanh thì tổn thất sẽ rất lớn, chắc chắn sẽ thất bại… Ta đã xây dựng các đại đoàn từ trước khi mở thông biên giới (1950), nhưng kinh nghiệm đánh thì mới chỉ tiêu diệt cỡ tiểu đoàn địch phòng ngự trong công sự, chưa lần nào đánh lớn như Điện Biên Phủ, cũng lại là lần đầu hợp đồng tác chiến lớn với pháo binh mà chưa từng lâm trận…

Những ý nghĩa ấy khiến tôi đi đến quyết định thay đổi cách đánh gần như vào giờ chót. Lúc đầu ta đã quyết định giờ N là 17 giờ ngày 25 tháng 1 năm 1954, sua đó do có một chiến sĩ ta bị bắt nên quyết định lùi lại 24 tiếng. Và, trong buổi sáng của ngày nổ súng, tôi đã đưa vấn đề ra Đảng ủy, đi đến quyết định hoãn cuộc tiến công, lui quân ra và chuyển sang cách đắng chắc - thắng chắc… Và thực tế đã chứng minh đó là một quyết định đúng đắn và kịp thời.

Về quyết định này, tôi đã viết khá kỹ trong bài “Quyết định khó khăn nhất” đăng trong báo Nhân dân tháng 5 năm 1989 và vừa rồi đăng lại dưới nhan đề “Mùa xuân Điện Biên Phủ” trên Tạp chí Lịch sử Quân sự 2 số đầu năm nay, nhưng ở đây tôi nuốn nhắc lại một lần nữa rằng, bài học sâu sắc đối với tôi qua quyết định này chính là làm sao có thể phát huy được cao nhất trí tuệ và sức sáng tạo của con người vào những thời điểm quyết định. Nhớ lại cái không khí “Dân chủ nôi bộ” khi đó, ta thấy rất quý cái quyết tâm, sự nhất trí của mọi người, nhưng rõ ràng nếu chưa trình bày hết thực chất của vấn đề, chưa tạo được không khí dẫu chưa đánh thức tính chủ động, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm của mỗi người thì sự nhất trí ấy, quyết tâm ấy có thể trở thành “duy ý chí”, hay chỉ là sự nhất trí không có cơ sở của cấp dưới với ý kiến đề xuất của cấp trên. Ngay sau khi có quyết định thay đổi cách đánh, tôi xin ý kiến của Bác và anh Trường Chinh. Cũng như sự tin cậy của Trung ương đã giao phó trước khi vào chiến dịch, tôi đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn. Còn khi tôi ra lệnh cho các đơn vị: Đình chỉ nổ súng, kéo pháo ra, Đại đoàn 308 lập tức hành quân nghi binh sang Lào… thì sự đáp lại không chỉ là sự chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh cấp trên mà phần nào còn là sự giải tỏa những băn khoăn mà cấp dưới chưa dám nói ra… Sau khi tôi hỏi anh Phạm Ngọc Mậu nghĩ gì khi được lệnh rút pháo khỏi trận địa, anh cười và nói rằng: “Được lời như cởi tấm lòng”… Nhiều anh em khác sau này cũng tâm sự như vậy. Nhưng không phải như hồi kỷ niệm 30 năm, có người nói rằng ngay từ khi đưa ra cách đánh nhanh thắng nhanh, “nhiều người đã thắc mắc”. Cần nhắc lại rằng ngay trong buổi họp Đảng ủy cuối cùng để quyết định thay đổi cách đánh, chi khi đặt vấn đề: “Đánh nhanh có chắc thắng 100% không?” thì mọi người nhất trí và đi đến quyết định cuối cùng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 03:27:24 pm »

Và như thế, từ ý định đánh 3 đêm 2 ngày cuối cùng Điện Biên Phủ đã diễn ra trong 55 ngày vả đêm. Để thực hiện phương châm này ta cũng phải khắc phục vô vàn khó khăn, ví dụ như hậu cần: Phải đưa vũ khí, lương thực cung cấp cho hàng vạn chiến sĩ ở một vùng rừng núi xa hậu phương tới từ 5 đến 7 trăm cây số. Đồng bào Mông ở vùng cao dùng ngựa đưa lương thực xuống, đồng bào Sơn La chắt chiu chia sẻ bữa ăn hàng ngày của mình, đồng bào khắp các địa phương từ Nghệ An trở ra bằng mọi phương tiện đưa lên. Có lúc biểu đồ theo dõi dự trữ hậu cần tụt sát số không, Bác đã ra chỉ thị tất cả các đồng chí Trung ương tỏa đi khắp nơi để lo chi viện cho chiến trường. Về vũ khí đạn dược, càng về sau ta càng khai thác được nhiều quân dụng của địch từ máy bay thả xuống trận địa ta. Trong khi đó, ngược lại hậu cần của địch ngày càng kiệt quệ vì vòng vây ta thắt càng chặt. Mùa mưa sắp đến, chiến sĩ ta càng gian khổ, nhưng khó khăn của địch cũng lại tăng lên gấp bội. Cho đến lúc vòng vây của ta đã dồn địch vào một trận địa khoảng 1 cây số và 800m, giao thông hào của ta cắt ngang sân bay thì ưu thế của ta tăng lên theo cấp số nhân, một viên đạn cối hiệu quả như pháo lớn, mọi thứ súng tập trung bắn thẳng khiến địch thực sự ở trong địa ngục… Như thế là rõ ràng có nhiều yếu tố quyết định chiến thắng trên chiến trường nhưng yếu tố cơ bản nhất là phải biết chác đánh cho phù hợp với thực tế, quy luật vận động, cục diện chiến trường và nắm chắc thời cơ.

Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là trong giai đoạn quyết định vào Mùa Xuân 1975, bài học biết vận dụng quy luật và thòi cơ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ở Điện Biên Phủ, ta đã chuyển ý đồ đánh nhanh trong 3 đêm 2 ngày thành một trận tiến công và bao vây 55 ngày đêm và đánh giành toàn thắng. Mùa Xuân 1975 ta đã đề ra kế hoạch kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ trong vòng 2 hoặc 3 năm, hậu cần phải chuẩn bị trong một năm rưỡi. Nhưng khi chiến sự diễn ra tấn công thắng lợi Buôn Ma Thuột, tiếp đó tiêu diệt phần lớn quân địch rút chạy từ Pleiku thì cục diện đã thay đổi. Chúng tôi đề ra với Bộ Chính trị cần dứt điểm trong năm 1975. Và ngày 26-3, Bộ Chính trị họp trong lúc địch cố thủ ở Đà Nẵng và cánh quân của các anh Lê Trọng Tấn và Chu Huy Mân cũng đang tiến tới đó. Địch ở Đà Nẵng đang bị tiêu diệt. Chính trong bối cảnh như thế, tôi đã đưa ra phương châm, cũng là khẩu hiệu: “Thần tốc, Táo bạo, Bất ngờ, Chắc thắng” và rút thời gian xuống trước mùa mưa. Ngày 29-3 ta giải phóng Đà Nẵng. Và với phương châm “Thần tốc, Thần tốc hơn nữa” và quyết tâm của quân dân cả nước, ta đã toàn thắng ngày 30-4-1975. Như vậy từ ý định 2,3 năm cuối cùng thắng lợi hoàn toàn của chúng ta được thực hiện trong vòng 2 tháng. Ở đây, tôi cũng muốn nhắc lại rằng nắm được thơi cơ, quyết tâm thực hiện được mục tiêu cuối cùng với tinh thần quyết chiến quyết thắng phải trên cơ sở một tư tưởng đúng đắn và xuyên sốt cả một quá tình tích lũy kinh nghiệm và theo dõi phân tích những thay đổi mau lẹ trhên chiến trường, phát hiện cái mới, phát hiện quy luật và hành động theo quy luật.

Từ Pác Bó thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, Bác đã vạch trước con đường Nam tiến từ Cao Bằng đến Thái Nguyên, tiếp đó là cuộc Nam tiến khi kháng chiến bùng nổ. Như vậy con đường Hồ Chí Minh bắt nguồn từ Pác Bó, phát triển thành con đường Hồ Chí Minh trong chống Mỹ, góp phần để kết thúc thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp độc lập, tự do và thống nhất đất nước của dân tộc.

Tôi cũng muốn nhắc lại nời nói của Người rằng nước nhà có độc lập mà nhân dân không được hưởng hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì. Chúng ta đang đi trên con đường làm cho nền độc lập dân tộc càng ngày càng có ý nghĩa. Đó là con đường đổi mới, con đường xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh và hạnh phúc.

Trên con đường ấy đương nhiên không ít gian nan, thử thách. Để đi tới đích, chúng ta phải tiếp tục học hỏi những bài học lịch sử từ trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của ông cha, trong lịch sử hơn nửa thế kỷ cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, trong đó có những bài học quý báu của Cách mạng Tháng Tám 1945, của Điện Biên Phủ 1954 và của Tổng tiến công Mùa Xuân 1975. Có quyết tâm cao, biết nắm thời cơ, đi vào thực tiễn, phát hiện quy luật và hành động theo quy luật, có tinh thần tự lực tự cường, kiên định con đường phấn đấu vì sự nghiệp chính nghĩa… Những bài học ây đã giúp ta chiến thắng ở Điện Biên Phủ năm xưa, nay cũng đang giúp ta thực hiện thành công bước đầu công cuộc đổi mới.

Tôi nghĩ rằng một trong những nội dung chống “diễn biến hòa hình” của kẻ thù chính là làm sao cho mọi người chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ không được quên quá khứ vinh quang của dân tộc, những bài học quý giá mang tính thời sự nóng hổi của lịch sử, những chiến công hiển hách và thành tựu to lớn của cha ông đã được trả bằng mồ hôi và xương máu.

Chính vì thế, vai trò của sử học là rất quan trọng, tôi hy vọng nhiều đồng chí đã từng đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của Đảng trong đó có lớp những chiến sĩ Điện Biên Phủ hãy cùng nhau góp phần viết lại những trang sử đã qua để cho các thế hệ cùng nhau học hỏi và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển trường tồn của dân tộc. tôi cũng mong và tin rằng, kế tục và phát triển truyền thống quý giá vẻ vang ấy, thế hệ trẻ sẽ làm nên những Điện Biên Phủ mới của nước nhà.

Điện Biên Phủ xưa - nay và mãi mãi như vậy.

26-4-1994
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 03:29:05 pm »

TẾT MẬU THÂN - TRẬN QUYẾT CHIẾN
CHIẾN LƯỢC LỊCH SỬ
(1)

Cách đây 30 năm, đúng vào lúc giao thừa Tết Mậu Thân, hưởng ứng hiệu lệnh của Bộ Thống soái tối cao đứng đầu là Bác Hồ kính yêu, toàn quân và toàn dân ta ở miền Nam đã mở cuộc tổng tấn công và nổi dậy mà lúc bấy giờ đề ra là tổng công kích - tổng khởi nghĩa, đồng loạt đánh vào hầu hết các thành phố lớn, đặc biệt là Sài Gòn và Huế, các thị xã, thị trấn, chi khu, quận lỵ, vào các sân bay và căn cứ hậu cần của Mỹ, trên toàn chiến trường miền Nam Việt Nam.

Cuộc tiến công táo bạo và bất ngờ đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực cấp cao của Mỹ - ngụy, đánh chiếm những mục tiêu hiểm yếu như Đài Phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ, đánh vào Bộ Tổng Tham mưu, Tổng Nha cảnh sát ngụy ở Sài Gòn, đánh vào nội thành và làm chủ trong một thời gian dài cố đô Huế, phá hủy một khối lượng quan trọng các phương tiện chiến tranh và cơ sở hậu cần hiện đạy nhất của Mỹ - ngụy.

Bất ngờ về thời gian: lúc giao thừa.

Bất ngờ về mục tiêu: các đô thị và các căn cứ quan trọng.

Bất ngờ về quy mô: không phải đánh vào vài chục điểm nhỏ như phán đoán của tình báo địch, mà đánh đồng loạt, trên khắp chiến trường miền Nam.

Cuộc Tổng tiến công đã diễn ra trong tình hình địch đã leo thang đến đỉnh cao: trên 50 vạn quân đội viễn chinh Mỹ và chư hầu, cùng với đội quân được hiện đại hóa của ngụy, tất cả là 1 triệu 20 vạn quân; và trong khi tướng Oétmôlen đang chuẩn bị đợt tấn công thứ ba sau những trận tiến công thất bại của quân đội Mỹ trong hai mùa khô qua, trước mắt thì đang khẩn trương cứu nguy cho căn cứ Khe Sanh, ở đó 2/5 lực lượng chiến đấu Mỹ đã bị ta vây hãm và tiến đánh trong một cuộc nghi binh tài giỏi nhằm đánh lạc hướng quân địch.

Như nhận định của một nhà lịch sử quân sự Mỹ, cuộc tấn công đã gây cho Mỹ một cú “choáng đột ngột”, đã làm đảo lộn thế bố trí, phá vỡ kế hoạch tác chiến dự định của Mỹ. Nó đã làm rung chuyển không những toàn bộ chiến trường miền Nam mà còn làm rung chuyển Lầu Năm Góc và cả nước Mỹ. Cuộc tổng tấn công đã đưa cảnh tượng chiến tranh vào mỗi gia đình Mỹ, vào Quốc hội Mỹ. Trong phút chốc, nhân dân Mỹ bừng tỉnh, thấy nước Mỹ đang lao vào một cuộc chiến tranh đẫm máu, đang lún sâu vào đường hầm không có lối thoát; cao trào chống chiến tranh ở Mỹ lan rộng và lên cao chưa từng có. Té ra những câu chuyện “chiến thắng ở Việt Nam” mà Lầu Năm Góc thường tung ra đều là những điều dối trá. Cả thế giới theo dõi, khâm phục ý chí giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, phong trào ủng hộ nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của Mỹ phát triển mạnh.

Thắng lợi quan trọng nhất của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân là đã làm lay chuyển ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Tổng thống Giônxơn phải xuống thang chiến tranh, chịu ngồi lại đàm phán với ta ở Pari, thay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Giônxơn thôi không ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ hai.

Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu thân về cơ bản đã đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ, mở ra khả năng cho ta thực hiện chiến lược “đánh cho Mỹ cút”, để tiến tới “đánh cho ngụy nhào”, giành lại độc lập thống nhất hoàn toàn cho Tổ quốc Việt Nam.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân có được những kỳ tích ấy là do cả nột quá trình đấu tranh của đồng bào và chiến sĩ trên cả hai miền Nam - Bắc, do ta đã có một kế hoạch chuẩn bị gian khổ, kiên trì và mưu trí trên chiến trường miền Nam trong nhiều tháng, có nơi hàng năm như ở Sài Gòn, Huế… Do vậy khi nỏ súng tấn công thì các lực lượng tinh nhuệ của ta đã ém sẵn ở các vị trí hiểm yếu của địch, ở hầu khắp các vùng nội thành.


(1) Tham luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội thảo Khoa học “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968” do Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12-3-1998. Bài đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 49, háng 3 năm 1998, tr.7-8.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Hai, 2011, 04:59:03 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 03:29:52 pm »

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân thật là to lớn. Song, trong khi đánh giá cao thắng lợi, tại cuộc hội thảo khoa học này, chúng ta không thể không nói đến một số khuyết điểm, mà sau này Trung ương Đảng ta cũng đã nêu rõ. Do nhận thức và đánh giá chưa thật sát đúng tình hình, nên lúc đầu ta đã đề ra chủ trương tổng khởi nghĩa ngay trong lúc chiến tranh đang diểna quyết liệt, địch còn khá mạnh là không thực tế; cuộc tổng không khởi nghĩa đã không diễn ra. Ta đã kéo dài cuộc tổng tiến công vào các đô thị trong khi yếu tố bất ngờ không còn, địch đã củng cố. ta đã chậm chuyển hướng về nông thôn rộng lớn, ở đó một thời gian quân địch hầu như bị tan vỡ từng mảng, trước những cuộc nổi dậy của nhân dân. Khuyết điểm, sai lầm ấy đã gây cho ta những tổn thất và khó khăn về sau.

Tổ quốc mãi mãi ghi nhớ tấm gương nghĩa liệt của biết bao anh hùng liệt sĩ, của bộ đội biệt động và đặc công, bộ đội chủ lực, địa phương và du kích, của các cơ sở Đảng, cơ sở cách mạng, của đồng bào yêu nước đã có công lớn tham gia chiến đấu và nổi dậy, hưởng ứng và ủng hộ cuộc tổng tiến công để cho chúng ta giành được thắng lợi to lớn nói trên.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đánh dấu một bước phát triển mới trong học thuyết và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Lần đầu tiên, ta đã tổ chức và phát động một cuộc tấn công đồng loạt trên khắp chiến trường rộng lớn và các sào huyệt của địch mà vẫn giữ được bất ngờ đến giờ nổ súng.

Bài học lớn là: biết dựa vào dân, biết kết hợp chủ nghĩa anh hùng cách mạng vô song của nhân dân Việt Nam với trí tuệ sáng tạo Việt Nam, từ Bộ thống soái tối cao cho đến đông đảo quần chúng, thì sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam trở nên một sức mạnh vô tận, có thể làm nên những chiến công hiển hách, những kỳ tích phi thường, tưởng chừng như không thể làm được.

Diễn biến cuộc Tổng tiến công còn cho thấy: trong chiến tranh, thực tiễn địch ta biến chuyển mau lẹ, biết địch biết ta không những lúc đầu mà phải bám sát tình hình trong cả quá trình chuyển biến. Xuất phát từ thực tiễn luôn luôn vận động, với tinh thần tích cực, chỉ động và cơ động, linh hoạt, tìm ra quy luật, kịp thời điều chỉnh chủ trương cho sát đúng, luôn hành động đúng quy luật thì nhất định tránh được khuyết điểm, giành được thắng lợi to lớn hơn, trọn vẹn hơn.

Ngày nay, trong quá tình xây dựng, những bài học kinh nghiệm của trận quyết chiến chiến lược Mậu Thân vẫn còn có giá trị lớn.

Chúng ta hãy đem tinh thần cách mạng tiến công của Tết Mậu Thân vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Hãy luôn phát huy ý chí và quyết tâm cao, phối hợp với trí tuệ sáng tạo tuyệt vời của con người Việt Nam trong cuộc chiến đấu mới chống nghèo nàn và lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho nhân dân lao động, cho toàn dân.

Hãy luôn xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, dựa vào dân, tin tưởng ở dân, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, kịp thời đề ra những bước đi, những quyết sách phù hợp với quy luật của con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam ta nhất định vượt qua mọi thử thách, tranh thủ mọi vận hội, tiến lên giành thắng lợi ngày càng to lớn, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh, đáp ứng lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Giêng, 2011, 03:35:47 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #37 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2011, 08:33:01 am »

TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC
TRÊN BẦU TRỜI HÀ NỘI
(1)

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 25 năm trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội. Cho đến nay, các nhà quân sự, các nhà sử học trong nước và ngoài nước đã viết khá nhiều về trận đại thắng không quân chiến lược Mỹ, một trận mà nhiều nhà báo nước ngoài đã gọi là trận Điện Biên Phủ trên không.

Chúng ta đều biết, với thắng lợi to lớn của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Mỹ đã phải bắt đầu xuống thang chiến tranh. Qua 4 năm đàm phán với ta, đến tháng 10-1972, trước ngày bầu cử tổng thống một tháng thì Việt Nam và Mỹ đã đi đến thỏa thuận về một văn bản của “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, dự kiến sẽ ký kết ở Hà Nội ngày 22-10-1972 và sau đó ký chính thức vào ngày 31-10 tại Pari. Ngày 23-10, Níchxơn đột nhiên gửi công hàm cho Chính phủ ta đề nghị tạm hoãn việc ký kết vì có “trục trặc” với chính quyền Thiệu.

Ngày 26-10, Chính phủ ta đã có tuyên bố về tình hình cuộc đàm phán và công bố toàn văn bản dự thảo hiệp định trước dư luận thế giới, khẳng định “chính quyền Níchxơn phải chịu trách nhiệm trước nhân dân Mỹ về việc trì hoãn ký kết hiệp định làm cho cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài”.

Níchxơn và Kítxingiơ lập tức mở một đợt tuyên truyền rộng rãi cho rằng hòa bình đã trong tầm tay, chỉ còn một số vấn đề kỹ thuật. Và ngày 7-11-1972, Níchxơn đã thắng cử.

Trong cuộc đàm phán được nối lại, Kítxingiơ đòi sửa đổi gần 200 điểm trong văn bản hiệp định, điểm quan trọng nhất là trong khi quân Mỹ rút khỏi nước ta thì lực lượng quân đội miền Bắc phải rút khỏi miền Nam. Thực chất, Mỹ muốn kéo dài cuộc đàm phán để chuẩn bị hành động quân sự buộc ta phải chấp nhận điều kiện của chúng. Tổng thống Níchxơn đã có thư cho Kítxingiơ chỉ thị sẵn sàng ngừng đàm phán, phía Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động quân sự nếu cần. Trong thời gian đó, Níchxơn đã ra lệnh tăng cường phong tỏa Hải Phòng và tăng cường chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc.

Đến ngày 14-12, trong một cuộc họp của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Níchxơn phê chuẩn kế hoạch mở cuộc tập kích lớn bằng không quân chiến lược vào khu vực Hà Nội và Hải Phòng. Sau này, trong hồi ký, ông ta viết rằng: “Đây là quyết định khó khăn nhất của tôi trong cuộc chiến tranh này”. Mỹ đã huy động 193 máy bay B52, 999 máy bay chiến thuật, lập ra Bộ Chỉ huy lam thời để điều hành cuộc tập kích chiến lược lớn. Và chính vào lúc quả bom B52 đầu tiên của Mỹ ném xuống Hà Nội thì ở Pari, cũng vào lúc đó, phía Mỹ lại giử cho đại sứ ta đề nghị nối lại đàm phán.

Rađa ta đã phát hiện ngay từ khi các đội B52 của Mỹ từ Guam và từ Utapao bay về hướng bắc, đến Paksê thì theo dõi sát. Chúng vượt đèo Mụ Giạ thì Hà Nội và Hải phòng được lệnh báo động. Các đơn vị bộ đội sẵn sàng chiến đấu. Vấn đề là phải gấp rút sơ tán trong đêm hàng chục vạn thường dân vửa trở về, bằng mọi phương tiện, trên mọi nẻo đường, công tác dân phòng được tiến hành tốt, vội vã, khẩn trương.

Trong 12 ngày đêm, từ ngay 18 đến ngày 30-12-1972, địch đã sử dụng tới 663 lần chiếc B52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá vào thủ đô Hà Nội, trung tâm lãnh đạo và trái tim của cả nước ta, đánh phá thành phố cảng Hải Phòng, không phân biệt mục tiêu quân sự hay dân sự, đánh phá bừa bãi vào vùng đông dân cư.

Theo các nhà sử học quân sự Mỹ, trong 12 ngày đêm Mỹ đã tiến hành một cuộc ném bom rải thảm mà sự tàn phá đã lớn hơn sự tàn phá của các cuộc ném bom suốt trong cả cuộc chiến tranh từ trước cho đến lúc bấy giờ. Khối lượng bom đạn ném xuống trong cuộc tập kích tương đương với 5 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Níchxơn và các nhà chiến lược quân sự Mỹ tin chắc rằng với sức mạnh tàn phá ấy, Hà Nội nhất định phải khuất phục.

Trái với dự đoán chủ quan của Lầu Năm Góc, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích của Mỹ, gây cho không quân chiến lược Mỹ những tổn thất nặng nề, buộc Níchxơn phải chấm dứt cuộc tập kích tàn bạo và đề nghị nối lại cuộc đàm phán ở Pari theo những điều khoản đã được thỏa thuận trước đây.

Qua 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ trên bầu trời Hà Nội, bắn rơi 81 máy bay địch, trong đó có 34 máy bay B52, đạt tỷ lệ trên 17%, một tổn thất mà chính Bộ Tư lệnh không quân chiến lược Mỹ đã thú nhận là không thể chịu đựng được.

Đây là một thắng lợi vĩ đại, có thể nói là một thắng lợi kỳ diệu của quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.


(1) Ngày 16-12-1997, tại Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức cuộc Hội thảo: “Kỷ niệm 25 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không”. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài quân đội đã tham dự. Bài tham luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày tại Hội thảo được đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 46, tháng 12 năm 1997, tr.5-6.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #38 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2011, 08:34:57 am »

Thắng lợi “Điện Biên Phủ trên không” cổ vũ mạnh mẽ nhân dân cả nước ta, nhân dân tiến bộ trên thế giới. Ta còn nhớ suốt mấy ngày đêm, trong khi đài Hà Nội báo tin chỏ cả nước, thì đài Giải phóng đã phát thanh liên tục: “Lửa miền Bắc đang giục lửa miền Nam, lửa Hà Nội đang giục lửa Sài Gòn. Từ ngoài vô trong, từ tiền tuyến lớn anh hùng đến hậu phương bất khuất đều vang lên tiếng nói đanh thép: đánh!”.

Thắng lợi ấy đã góp phần quyết định thực hiện cho “Đánh cho Mỹ cút”, chuẩn bị đầy đủ tiên đề tiến lên “Đánh cho ngụy nhào”, thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, hoàn thành sự nghiệp độc lập, thống nhất nước nhà.

Có được thắng lợi to lớn như vậy, trước hết là do sự chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rất sớm, từ cuối năm 1967, Người đã chỉ rõ: Sớm muộn rồi đế quốc My cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ và chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã đẩy mạnh công cuộc xây dựng lực lượng phòng không và không quân, từ năm 1967 đã đưa một số đơn vị vào chiến trường để trực tiếp nghiên cứu đánh B52. Từ đó, quân và dân ta luôn luôn chuẩn bị về mọi mặt để sẵn sàng đánh bại nấc thang cao nhất của địch trong chiến tranh phá hoại.

Dưới sự lãnh đạo của Bội Chính trị, Quân ủy Trung ương và sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh quần chúng phòng không - không quân đã dày công nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tác chiến đánh B52, bảo vệ Hà Nội. Qua nhiều bước, tháng 7, tháng 9, tháng 10 với những kinh nghiệm từ chiến trường miền Nam, kế hoạch ấy ngày càng được hoàn thiện: từ thực tiễn chiến trường và qua công tác nghiên cứu, vấn đề phát hiện và đánh B52 đã được biên soạn thành tài liệu để huấn luyện bộ đội, đặc biệt là cho các đơn vị tên lửa và rađa.

Suốt trong 12 ngay đêm, chúng tôi luôn có mặt ở sở chỉ huy của Bộ Tổng Tư lệnh. Các đồng chí ở Bộ Chính trị đều chú ý theo dõi và chỉ đạo. Chủ tịch Tôn Đức Thắng, mặc dù tuổi cao sức yếu, vẫn cùng các đồng chí lãnh đạo khác đến thăm bộ đội và nhân dân, đặc biệt là ở những nơi chiến đấu ác liệt hoặc bị tàn phá nặng nề.

Đêm đêm, bầu trời Hà Nội đỏ rực từng phía, soi sáng màn bạc những màn dây nhiễu tua tủa phán ánh hành động tàn bạo của địch, và biết bao cảnh hy sinh tang tóc của đồng bào ta, nhà cửa đổ nát, bệnh viện hoang tàn, trường học, công trình văn hóa có nơi hầu như bị san phẳng. Ba ngày, đi thăm bộ đội và nhân dân, trước cảnh hố bom nối tiếp hố bom hàng chục mét, tưởng chừng như cảnh trên mặt trăng. Thế mà nhìn vào những thanh niên gái trai trên các nẻo đường, vẫn thấy ánh mắt bình tĩnh, cương quyết phản ánh niềm tin của dân tộc ta ở thắng lợi cuối cùng.

Thắng lợi của quân va dân ta đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ là thắng lợi của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của dân tộc ta. Như Hồ Chủ tịch đã nói: Dù chúng có B57, B52 hay B gì đi nữa, chúng ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh. Mà đã đánh là nhất định thắng.

Thực hiện lời dạy của Chủtịch Hồ Chí Minh, quân và dân miền Bắc đã vượt qua mọi mất mát, hy sinh, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Có thể nói, đây là cuộc chiến tranh toàn dân phát huy đến trình độ cao, trong đó không những bộ đội mà cả dân quân tự vệ và mọi người dân đều cùng một ý chí quyết chiến quyết thắng.

Thắng lợi của quân và dân ta đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ còn là thắng lợi của trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Mỹ đã huy động tới 50% lực lượng không quân chiến lược B52. Mỗi máy bay B52 là một trung tâm tác chiến điên tử, một kho bom di động trên không. Trong khi đó, chúng ta chưa phải đã tập trung lực lượng lớn lắm. Rõ ràng, đây là một cuộc đối chọi vô cùng quyết liệt về ý chí và trí tuệ giữa ta và địch. Điều mà Mỹ bất ngờ nhất là trong điều kiện các sân bay bị đánh phá và khống chế liên tục, không quân ta vẫn cất cánh đánh địch; trong điều kiện tác chiến điện tử hiện đại rất mạnh mà chúng cho rằng nhất định sẽ làm tê liệt hệ thống rađa và tên lửa Việt Nam, bộ đội ta vẫn phát hiện được chúng và bắn rơi nhiều B52 tại chỗ, có chiếc rơi ngay mà chưa kịp ném bom.

Thắng lợi đó là một biểu hiện thành công mới của học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh: lấy đại nghĩa để thắng bạo tàn, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của mọi lực lượng, kết hợp phòng tránh và đánh địch nhiều, lấy thô sơ và tương đối hiện đại thắng hiện đại, mang đầy đủ những nhân tố của một chiến dịch phòng không tạo nên sức mạnh và thế mạnh hơn địch để thắng địch.

Ở đây, chúng ta muốn nói lên lòng biết ơn chân thành đối với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đối với sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Kỷ niệm 25 năm trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội, nhân dân ta càng tin tưởng vào sức mạnh vô địch của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam kết hợp với trí tuệ Việt Nam, của lý tưởng độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội kết hợp với khoa học và công nghệ, luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn đổi mới và phát triển sáng tạo, ổn định vững chắc, tiến lên mạnh mẽ, chuẩn bị cho dân tộc ta với khí thế tin tưởng và tự hào tiến vào thế kỷ XXI dưới ngọn cờ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #39 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2011, 08:42:36 am »

TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG(1)

Trận “Điện Biên Phủ trên không” đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng đã diễn ra trong 12 ngày đêm tháng 12-1972. Đối với Mỹ, đây là trận cuối cùng, trận thất bại lớn kết thúc 8 năm chiến tranh cục bộ xâm lược Việt Nam bằng chính lực lượng của quân đội Mỹ. Đối với nhân dân ta và các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, đây là trận thắng Mỹ theo dự báo của Bác Hồ: Đế quốc Mỹ chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.

Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã thất bại sau nỗ lực chiến tranh nhiều năm, và đi đến Hiệp định Pari về Việt Nam. Trải qua 4 năm rưỡi thương lượng, ngay 17-10-1972 ta và Mỹ đã thỏa thuận toàn bộ nội dung Hiệp định, trong đó quy định Mỹ chấm dứt dính líu quân sự, rút hết quân Mỹ và quân đội các nước ngoài ra khỏi miền Nam Việt Nam. Hiệp định sẽ ký tắt tại Hà Nội ngay 22-10-1972, ký chính thức tại Pari ngày 31-10-1972.

Níchxơn lợi dụng thỏa thuận đó, tung ra chiến dịch tuyên truyền “Hòa bình trong tâm tay” để tạo thế cho y tái cử tổng thống bầu vào tháng 11-1972. khi đã biết chắc sẽ được tái cử, Níchxơn giờ trò lật lọng, chỉ thị cho Kítxinhgiơ đòi ta sửa đổi văn bản Hiệp định, đáng chú ý nhất là đòi sửa điều khoản “rút quân Mỹ khỏi miền Nam” điều khoản “cả quân Mỹ và quân miền Bắc đều rút khỏi miền Nam”.

Ngày 13-12 Mỹ hoãn các cuộc thương lượng, ngày 14-12 Tổng thống Níchxơn, Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Mỹ, ra lệnh ném bom Hà Nội, Hải Phòng bằng B.52. Mỹ huy động 50% lực lượng B.52 của nước Mỹ và hàng ngàn máy ban chiến thuật - lực lượng không quân lớn nhất trong một chiến dịch từ trước đến thời điểm đó, tin rằng chỉ cần mấy vạn tấn bom ồ ạt đánh phá Hà Nội trong 4-5 ngày thì chắc chắn buộc Việt Nam chấp nhận những điều khoản của Mỹ. Ngày 18-12, Níchxơn gửi công hàm cho Chính phủ Việt Nam, như một tối hâu thư, yêu cầu sau ngày 26-12 họp lại Hội nghị Pari, và ngay tối hôm đó cho không quân chiến lược B.52 tiến công Hà Nội để buộc Việt Nam chấp nhận điều kiện của Mỹ. Nhưng đế quốc Mỹ đã gặp phải một đối phương không hề lùi bước trước sức mạnh của kẻ thù.

Quân dân ta đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh báo trước: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, có thua nó mới chịu thua… nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Theo chỉ thị của Bác, Bộ Tổng tư lệnh đã vạch kế hoạch tiến hành chuẩn bị đánh B52, đưa lực lượng phòng không vào phía Nam để nghiên cứu và thực tập đánh B52 Mỹ. Quân dân Hà Nội không thể biết trước ngày giờ kẻ địch tiến công, nhưng đã sẵn sàng, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và sẵn sàng phòng tránh của nhân dân. Ngày 18-12-1972 khi không quân chiến lược Mỹ bắt đầu cuộc tập kích đường không, quân dân Hà Nội lập tức nghênh chiến. Những con người dũng cảm và thông minh của đất Thăng Long đã trừng trị đích đáng lũ giặc đường không. Mấy đêm trên không quân chiến lược Mỹ đã trút hàng vạn tấn bom xuống các mục tiêu dân sự và quân sự ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Lực lượng phòng không và không quân ta bắn tan xác nhiều máy bay B52 và nhiều máy bay chiến thuật của Mỹ, dân quân tự vệ Hà Nội cùng nhân dân bắt nhiều giặc lái.

Lịch sử chiến tranh đã ghi thêm một chiến công hiển hách của quân dân ta đập tan cuộc tiến công của lực lượng không quân mạnh nhất của Hoa Kỳ.

Tổng thống Níchxơn đành phải chấp nhận ký Hiệp định Pari y nguyên như bản Hiệp định đã thỏa thuận. Quân Mỹ đã rút hết khỏi nước ta vào đầu năm 1973. Dự báo của Bác hồ đã thành sự thật: đế quốc Mỹ đã chịu thua cuộc chiến tranh, sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.

Chiến công oanh liệt của quân dân Hà Nội, Hải Phòng đánh thắng không quân chiến lược Mỹ tháng 12-1972 là một biểu tượng rực rỡ về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ sáng tạo Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, một chiến công vẻ vang của lực lượng Phòng không - Không quân, của sức mạnh tổng hợp to lớn của chiến tranh nhân dân Việt Nam chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.[


(1) Bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12-1972 - 12-2002). Bài đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 129, tháng 12 năm 2002..
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM