Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:16:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với sử học Việt Nam  (Đọc 69946 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2011, 06:48:15 am »

MỘT MÙA XUÂN KHÔNG THỂ NÀO QUÊN(1)

…. Mùa xuân đến với chúng tôi cập rập trên lưng đèo, trong đêm mưa.

Không biết giờ này, Bác và các anh đang làm gì. Tết Độc lập đầu tiên ở Thủ đô chắc là vui lắm. Mười ngày trưóc, đã nghe thư Bác kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào chia sẻ cuộc vui chung với các chiến sĩ ngoài mặt trận, với gia đình các chiến sĩ. Chiều hôm nay, khi qua Đà Nẵng, được đọc thư chúc Tết của Bác, Bác đã dành những tình cảm thắm thiết cho các chiến sĩ đang “đốt thuốc súng để giữ gìn Tổ quốc trong khi đồng bào đốt pháo mừng xuân”. Trong thư, Bác có mấy câu thơ:

      Bao giờ kháng chiến thành công,
      Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.
      Tết này ta tạm xa nhau,
      Chắc rằng ta sẽ Tết sau xum vầy.


Lá thư đầu xuân Bác viết chung cho cả nước đó, mỗi người đọc, đều tưởng Bác viết cho chính mình.

Hôm sau, ra tới Huế. Chúng tôi cùng dự buổi mít tinh lớn đón xuân của đồng bào tại bến Thượng Bạc. Rừng người, cờ và biểu ngữ bát ngát. Chiều xuân chan hòa nắng ấm. Tất cả Huế đều có mặt. Đồng bào Huế sôi nổi khi nghe nói tình hình mặt trận, quyết tâm của Hồ Chủ tịch và Chính phủ là đẩy mạnh kháng chiến, tích cực chuẩn bị kháng chiến lâu dài đề phòng địch mở rộng chiến tranh. Những khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, “Chuẩn bị trường kỳ kháng chiến!”, “Ủng hộ kháng chiến Nam Bộ!” vang lên như sấm dậy kết thúc buổi mít tinh. Lần đầu trong lịch sử Huế, đồng bào ta đón mùa xuân bằng những lời hô “Quyết chiến”.

“Một năm mở đầu bằng mùa xuân”. Bác đã viết ba lá thư gửi đồng bào, chiến sĩ, thanh niên và nhi đồng nhân dịp xuân Bính Tuất. Xuân này lại là xuân mở đầu của những mùa xuân độc lập, tự do trên đất nước. Tết này, theo ý của Bác, là Tết thực hành Đời sống mới, Tết chia sẽ niềm vui chung của mọi người từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, Tết nghĩ đến các chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận. Tối 30 Tết, tại Hà Nội. Như thường lệ, những đêm cuối năm, hai bên hè phố, các ngôi nhà, cửa đều khép kín. Đời sống vật chất còn nhiều khó khăn. Nhưng không khí của Tết Độc lập đã đến với mỗi căn nhà.

Dù giàu hay nghèo, nhà nào cũng đều có một bàn thờ Tổ quốc, có cờ nước, chân dung Hồ Chủ tịch, có đèn và hoa. Không còn ai phải đến chuyển lễ Tết các “quan trên”, các nhà chức trách, mối lo phổ biến của những người dân thành thị dưới thời Pháp thuộc. Sau bữa cơm cúng gia tiên, các chuyện ở mỗi gia đình đã là những câu chuyện mới, chuyện chính trị, chuyện về cuộc mít tinh lớn toàn thành để mừng xuân ngày mai, chuyện kháng chiến ở miền Nam. Mấy hôm trước, các khu đội tự vệ đã viết những bức thư chúc Tết, nhắc nhở đồng bào luôn luôn nhớ tới các chiến sĩ đang đem xương máu hi sinh chiến đấu ở tiền tuyến, ăn Tết Độc lập thật tươi vui nhưng tiết kiệm, dành tiền gửi cho các ủy ban Ủng hộ kháng chiến Nam Bộ.

Đồng chí Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố vừa ăn cơm tối ở nhà riêng xong, thì Bác tới. Bác đến đột ngột, không báo trước. Bác muốn đi chúc Tết đồng bào Thủ đô nhân dịp năm mới.

Trời mưa lâm thâm. Đường phố lúc này vắng vẻ, thơm mùi thuốc pháo. Những lá cờ ban đêm thắm lại dưới ánh đèn.

Anh Hưng đưa Bác tới một gia định ở phố Cửa Nam. Chủ nhà là đại đội trưởng tự vệ. cả gia đình này đều hăng hái tham gia các hoạt động cứu quốc.

Ở nhà này ra, Bác muốn đến thăm một xóm lao động. Bác nói hãy đưa Bác tới một gia đình thật nghèo. Người nghèo trong thành phố còn nhiều lắm, nhưng đưa Bác đến nhà ai bây giờ?


(1) Tiêu đề do Tạp chí Xưa & Nay đặt, số 0, tháng 3 năm 1994, tr.7-8.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2011, 06:49:01 am »

Bác bảo dừng xe trước một ngõ nhỏ ở phố Sinh Từ: Ngõ Hàng Đũa. Những ngõ, xóm này là cái mặt sau của thành phố mà bọn thực dân gần một trăm năm qua, không bao giờ nghĩ đến chuyện sửa sang, dù chỉ là xây một chiếc máy nước, hay bắc một ngọn đèn.

Trời tối. Đường mấp mô, lầy lội vì mưa. Những lá cờ treo trước các mái nhà lụp xụp, đụng cả vào đầu khách đi đường. Bác đi sâu vào trong ngõ.

Một căn nhà cửa để ngỏ, có ánh đèn dầu. Bác dừng chân, rồi rẽ vào.

Nhà khá đông người. Đây là nơi ở chung của mấy gia đinh. Giữa nhà, trên vách có treo quốc kỳ, ảnh Bác và những dây hoa giấy. Mọi người đang nói chuyện vui vẻ. Câu chuyện tạm ngừng khi ông một cụ mặc chiếc áo ka ki cao cổ, chống gậy bước vào.

Thoạt đầu, ai nấy nhìn nhau, người gia đình này tưởng ông cụ là khách của gia đình kia. Bác hỏi thăm việc chuẩn bị Tết. Những người trong nhà trả lời Bác vui vẻ. Nồi bánh chưng đặt ở góc sân, nước đang sôi. Đôi mắt Bác hiện lên ánh vui, Bác nói mấy lời chúc Tết. Mọi người bỗng nhận ra cụ già hồn hậu đến với các gia đình họ tối nay, chính là Hồ Chủ tịch. Đúng như là một giấc mộng đẹp. Người từ trên ảnh treo kia, bước ra, đứng giữa ngôi nhà nghèo nàn của họ. Khác với khi Bác tới, lúc này không ai nói nên lời. Mọi cặp mắt đều ngước nhìn Bác. Người nói:

- Nước nhà mới được độc lập. Miền Nam còn đang kháng chiến. Đồng bào lao động ta làm ăn bây giờ còn vất vả. Nhưng có độc lập rồi thì sẽ có tất cả.

Bác đi ra giữa lúc những người trong nhà còn bàng hoàng vì xúc động. Họ đã quên cả mời Bác và các đồng chí cùng đi uống nước. Tất cả đổ ra sân, đứng trông theo.

Tối hôm đó, Bác đi thăm khá nhiều nơi. Xuân độc lập đầu tiên, Người muốn mang lại niềm vui cho nhiều gia đình trong thành phố. Khi Bác tới nhà một viên chức nghèo ở phố Hàng Lọng, thì trời đã khuya. Người trong nhà sửa soạn đi ngủ. Nhưng chiếc màn đã được căng lên. Chiếc dây thép chăng giữa nhà, đầy quần áo. Không ai trong gia đình nghĩ có khách tới giờ này, và đó lại là cụ Chủ tịch nước.

Chương trình đi chúc Tết đồng bào của Bác đêm 30 đã xong. Ngày mai, mồng 1, Bác còn rất nhiều công việc. Bác sẽ tiếp các đồng chí trong Trung ương, trong Chính phủ và các đại biểu đoàn thể tới chúc Tết. Bác sẽ đi dự cuộc mít tinh đầu xuân của nhân dân toàn thành tổ chức tại Nhà hát lớn. Bác sẽ đến thăm và nói chuyện với một đơn vị Vệ quốc đoàn, vui chơi với các cháu thiếu nhi tại ấu trĩ viên, dự bữa cơm liên hoan với các chú cảnh vệ tại Bắc Bộ Phủ…

Tiễn Bác về xong, đồng chí Chủ tịch Ủy ban quay trở lại nhà. Sắp đến giao thừa, anh ra Bờ Hồ đón xuân. Phố xá lúc buổi tối vắng vẻ, giờ đã trở nên đông đúc. Người nào cũng muốn được hưởng không khí trong lành của mùa xuân độc lập đầu tiên. Chưa bao giờ, ở Hà Nội lại có một đêm giao thừa đông vui, nô nức như vậy.

Tiếng pháo đón xuân bắt đầu nổ ran khắp thành phố. Vui chân theo những người hái lộc, anh Hưng đến trước cổng đền Ngọc Sơn. Đang đi vào chùa, anh chợt nhìn thấy trong đoàn người tấp nập trên cầu Thê Húc, có một cụ già mặc áo dài, quấn chiếc khăn len quanh mặt. Chỉ thoáng nhìn đôi mắt sáng của ông cụ, anh đã nhận ra ngay đúng là Hồ Chủ tịch. Bác bước đi chầm chậm giữa những người đang chen chúc nhau vào chùa. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban lại thấy một người đứng gần đó, đưa mắt ra hiệu cho mình. Đó là đồng chí bảo vệ của Bác. Bác không muốn để người chung quanh nhận ra. Bác đã thấy mùa xuân tại một gia đình hăng hái tham gia cách mạng. Bác đã thấy mùa xuân ở một xóm lao động, ở gia đình một viên chức nghèo. Bác còn muốn biết những giờ phút đón xuân độc lập tại đây, giữa đồng bào, trên đường phố, trong một ngôi chùa rất thân thuộc với người Hà Nội, nằm giữa hồ Hoàn Kiếm.

Đồng bào đi đón giao thừa ở đền Ngọc Sơn đêm ấy, có thấy những cành xuân của mình hái năm nay đầy lộc?

Những chuyện này khi trở về Hà Nội, tôi được biết qua lời thuật lại của các đồng chí cùng đi với Bác đêm 30 Tết. Và hầu như nhiều đêm 30 Tết sau này của Bác, cũng đều như vậy. Bác vẫn đi chúc Tết đồng bào. Những nơi Bác tới, vẫn là những gia đình có công với cách mạng, có con em đi bộ đội, những gia đình lao động, thường là những nhà neo đơn. Những cuộc đến thăm của Bác bao giờ cũng bất chợt. Người muốn đem lại cho các gia đình niềm hạnh phúc mà họ không chờ đợi. Người còn muốn hiểu không khí thật sự ở mỗi gia đình trong những ngày vui. Tất cả những việc làm đó đều đã trở thành những thói quen bình dị trong đời sống rất mực binh dị và vô cùng vĩ đại của Người.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp    
Những chặng đường lịch sử   
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2010, tr.364-310.        
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Giêng, 2011, 06:59:30 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2011, 06:51:01 am »

HỘI NGHỊ ĐÀ LẠT
NĂM 1946
(1)

Mấy ngày sau cuộc gặp gỡ giữa Hồ Chủ tịch và Đácgiăngliơ trên Vịnh Hạ Long, đầu tháng Tư, hãng thông tấn Roitơ đưa tin: Đácgiăngliơ được cử làm người cầm đầu phái đoàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa… Thành phần của phái đoàn này gồm có đại biểu của các bộ kinh tế, tài chính, quốc phòng và Bộ Thuộc địa…

Nếu tin này đúng thì đây là một âm mưu của bọn phản động Pháp. Đácgiăngliơ là tín đồ trung thành của chủ nghĩa thực dân cũ xấu xa nhất. Cuộc nói chuyện giữa chúng ta với y sẽ không thể nào dẫn tới kết quả tốt. Việc chúng đưa đại biểu Bộ Thuộc địa vào trong phái đoàn có hàm ý: Việt Nam vẫn bị coi như một thuộc địa của Pháp.

Báo chí ta lập tức lên tiếng tố cáo đây là thủ đoạn của bọn phản động nhằm phá hoại Hiệp định. Chúng ta đòi cuộc đàm phán chính thức cần được tiến hành ở Pari theo nguyên tắc bình đẳng. Người Pháp phải từ bỏ ý định cử vào trong phái đoàn này một đại biểu của Bộ Thuộc địa. Người có quyền thay mặt cho Chính phủ Pháp trong cuộc nói chuyện với nước Việt Nam đã tự giải phóng phải là người trong Bộ Ngoại giao Pháp… Tin của hãng Roitơ không được xác nhận, cũng không bị cải chính.

Bác và các anh bàn việc tổ chức các phái đoàn đi Pháp và đi Đà Lạt. Phái đoàn Quốc hội đi thăm hữu nghị Quốc hội và nhân dân Pháp do anh Đồng làm trưởng đoàn. Tôi được chỉ định là Phó trưởng đoàn trong phái đoàn Chính phủ tới Đà Lạt để dự cuộc đàm phán trù bị. Đoàn này do Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng ngoại giao trong Chính phủ liên hiệp làm Trưởng đoàn. Ngày 16 tháng Tư, hai phái đoàn cùng lên đường một lúc. Phái đoàn đi Đà Lạt khởi hành từ Bắc Bộ Phủ lúc 6 giờ sáng. Bác có mặt từ sớm để tiễn đưa đoàn. Một lần nữa, Bác nhắc cúng tôi: “Cần đặt vấn đề Nam Bộ và vấn đề đình chiến lên đầu chương trình nghị sự”. Bác bắt tay từng người trước khi ra đi. Trời mưa lâm thâm. Phố xá còn yên tĩnh. Vì đồng bào được báo giờ lên đường của hai phái đoàn quá muộn nên không kịp đi tiễn. Từ mấy ngày hôm trước, khắp nơi đã tổ chức những cuộc mít tinh lớn để ủng hộ các phải đoàn sắp sửa lên đường.

Một số nhà báo kéo đến phỏng vấn phái đoàn về triển vọng của cuộc đàm phán. Thực khó trả lời. Mọi câu trả lời còn ở phía trước. Ta muốn đi đến một giải pháp chính trị với Pháp nếu Pháp thành thật thi hành những điều đã cam kết, tôn trọng những quyền cơ bản của nước Việt Nam tự do. Nhưng sự thành công của cuộc đàm phán không chỉ tùy thuộc vào ta mà còn ở cả đối phương. Cuộc đấu tranh giữa hai lực lượng tiến bộ và phản động tại Đông Dương và tại nước Pháp đang diễn ra gay gắt. Những dấu hiệu đầu tiên không hứa hẹn gì nhiều. Đã có tin phái đoàn đàm phán của Pháp do Mắc Ăngđơrê làm trưởng đoàn. Chính phủ Pháp đã chịu làm theo yêu cầu của ta cử những người thay mặt từ nước Pháp sang. Nhưng Mắc Ăngđơrê lại là người của nhà băng, một người thuộc phong trào Cộng hòa bình dân. Phong trào này vốn là đảng Thiên chúa giáo Pháp trước kia. Cầm đầu phong trào là những đại biểu của giới tư bản lũng đoạn có mối liến hệ chặt chẽ với Mỹ và tòa thánh Vanticăng. Với một người đối thoại như vậy, không thể trông đợi hội nghị sẽ diễn ra một cách thuận buồm xuôi gió. Còn về phía ta, thành phần phái đoàn đàm phán không thuần nhất. Nguyễn Tường Tam, tháng trước đã không chịu ký tên vào bản Hiệp đinh. Đến giờ phút chót, Vũ Hồng Khanh phải ký thay. Ngoài ra, một số đại biểu Nam Bộ, tên đã được công bố trong danh sách phái đoàn, nhưng vào giờ phút lên đường vẫn chưa có mặt.

7 giờ, máy bay cất cánh. Từ trên cao nhìn xuống, dưới các tầng mây, lúc là màu xanh ngọc lấp lánh của biển với những gợn sóng trắng, lúc là màu xanh lá cây rậm rì của núi rừng Trường Sơn trùng điệp. Có lúc là một dòng sông vàng rực ánh mặt trời, quanh co lượn khúc. Người xưa nói: Non sông gấm vóc. Đó chính là hình ảnh đất nước của ta hiện ra dưới cánh bay.

Ngày hôm đó, chúng tôi chỉ tới được Pắc Xế. Chiếc đakôta dừng lại đây để lấy xăng, nhưng khí sắp cất cánh đi tiếp thì máy móc trục trặc. Đoàn phải ở lại chờ máy bay dự bị ở Sài Gòn lên thay. Chúng tôi đi dạo quanh các phố, vào thăm một ngôi chùa cổ, rồi ra bờ sông Mê Công. Dòng sông rộng, đỏ quánh phù sa chia đôi hai nước Lào, Thái Lan, ở cả đôi bờ đều là những dải đất bằng phẳng. Việt kiều trong thành phố nghe tin phái đoàn Chính phủ qua, kéo đến thăm rất đông. Những cuộc gặp gỡ không chờ đợi, rất cảm động.

Ngày hôm sau, máy bay bay tiếp đến Đà Lạt. Xuống sân bay, thấy thời tiết khác hẳn. Khi chúng tôi ở Pắc Xế, trời nóng bức. Không khí ở đây thì mát lạnh như một ngày cuối thu. Đà Lạt là một nơi nghỉ mát, một thành phố du lịch dành cho người Pháp và những người Việt Nam thuộc giới gọi là “thượng lưu”. Khắp nơi đều thấy những biệt thự lớn, nhỏ, những khách sạn, những con đường để dạo chơi ngắm cảnh. Chung quanh thành phố là những đồi thông nối tiếp. Một thành phố xinh đẹp.

Đoàn ta ở khách sạn Lang Biang. Khách sạn này trông ra một cái hồ yên tĩnh, có những hàng cây bao quanh. Bên kia hồ là núi.


(1) Bài đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 150, tháng 10 năm 2003.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2011, 06:51:46 am »

Ngày 18 tháng Tư, hồi 9 giờ sáng, phía Pháp cử người tới báo với ta: 10 giờ 15 phút, Đácgiăngliơ sẽ gặp các trưởng đoàn của hai phía tại dinh thự của y, sau đó viên cao ủy sẽ gặp cả hai phái đoàn để giới thiệu phái đoàn Pháp và trưởng đoàn mới được chỉ định là Mắc Ăngđơrê. Việc này phía Pháp không hề bàn bạc trước với ta. Viên đô đốc đã chơi lối trịch thượng. Y muốn lấy danh nghĩa cao ủy Pháp để tiếp hai đoàn đại biểu trong một dinh thự của Liên bang Đông Dương. Người Pháp còn nói thêm, sau khi các đoàn đại biểu gặp nhau thì cao ủy sẽ khai mạc ngay phiên họp toàn thể đầu tiên. Việc này cũng do phía Pháp tự ý định ra. Lẽ tất nhiên, chúng ta không thể tán thành.

Để đáp lại, chúng ta cử đồng chí thư ký của phái đoàn sang báo với phía Pháp là trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đề nghị gặp Đácgiăngliơ để thương lượng về những vấn đề do phía Pháp vừa nêu ra.

10 giờ, phái đoàn Pháp đã có đủ mặt tại dinh thự của Đácgiăngliơ. Phóng viên các báo cũng kéo tới đông. Tất cả cứ ngồi đó đợi ta đến 11 giờ trưa. Đoàn ta kiên quyết bác bỏ cuộc gặp mặt trịch thượng của ông đô đốc. Không khí trở nên căng thẳng.

Phía Pháp thấy khó xử, bèn nghĩ ra một cách giải quyết cho đỡ bẽ mặt là mời đoàn ta tới dự một bữa tiệc. Thế là cuộc gặp gỡ đầu tiên của hai phái đoàn và ông cao ủy diễn ra quanh bàn ăn. Đácgiăngliơ hết cơ hội lấy danh nghĩa cao ủy để khai mạc hội nghị.

Tôi gặp Đácgiăngliơ lần đầu. Ông thầy tu phá giới này có cặp mắt nhỏ sắc sảo, tinh ranh nằm dưới vầng trán đầy nếp răn, và đôi môi mỏng dính. Ngồi với y một lát đã thấy ngay y là một con người từng trải và xảo quyệt, tự phụ và nhỏ nhen. Một con người như vậy chỉ có thể là con người của dĩ vãng, của chính sách thực dân.

Đácgiăngliơ tự khoe là đã biết nhiều về chúng tôi. Y hỏi thăm tôi về gia đình, về những năm hoạt động bí mật, về thời kỳ Nhật khủng bố và hẹn sẽ còn gặp để nói chuyện nhiều. Y rủ tôi chủ nhật tới sẽ cùng đi trèo núi. Hai bên cũng đề cập đến tương lai cuộc bang giao Việt - Pháp. Tôi nói: “Thế nào cũng còn gặp nhiều khó khăn nhưng đó là những khó khăn để mà vượt qua. Chúng tôi sẽ vượt qua những khó khăn đố nếu có được sự cố gắng của cả hai bên”.

Trong câu chuyện, Đácgiăngliơ nói có người đã gọi y là “con người của im lặng và khổ hạnh”. Chắc viên cao ủy muốn khoe mình vốn là một nhà chân tu. Thực ra, y là một chính khách nham hiểm hơn là một kẻ thủ hành.

Qua cuộc gặp này, hai bên thỏa thuận sẽ họp phiên toàn thể vào ngày hôm say. Phiên khai mạc sẽ do người của phái đoàn Việt Nam chủ tọa. Đây là sự nhượng bộ đầu tiên của Pháp. Nhưng sự nhượng bộ này hoàn toàn không có ý nghĩa là những khó khó khăn đã giảm bớt, đôi bên đã nhích lại gần nhau hơn. Hội nghị đàm phán trù bị giữa Việt Nam và Pháp họp phiên toàn thể đầu tiên vào sáng ngày 19 tháng Tư tại trường trung học Yécxanh. Trong đoàn Pháp có mặt nhiều viên quan cai trị cũ như: Métxme, Bútxkê, Pinhông… Một số người đã tới Đông Dương từ hồi đầu Cách mạng tháng Tám. Riêng Métxme, được thả dù xuống miền Bắc hồi tháng Chín năm 1945, bị dân quân ta bắt nhưng sau đó đã trốn thoát.

Ngày 20 tháng Tư, tiểu ban chính trị họp. Cúng tôi đòi phải ghi ngay vào chương trình nghị sự vấn đề thực hiện một không khí chính trị thuận tiện cho cuộc đàm phán, và vấn đề đình chiến tại Nam Bộ. Phía Pháp bắt đầu có những luận điệu quanh co. Họ lẩn tránh yêu cầu của ta bằng cách nói những vấn đề này vượt quá thẩm quyền của hai phái đoàn. Ta đã viện những cơ sở pháp lý của Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng Ba và những lẽ phải thông thường buộc Pháp phải nhận. Tranh cãi hồi lâu, Pháp nhượng bộ một phần. Họ đồng ý ghi vấn đề: “Thực hiện một không khí chính trị thuận tiện cho cuộc đám phán”. Ta đòi phải ghi cả vấn đề định chiến tại Nam Bộ.

Trong giờ giải lao, người Pháp bàn bạc với nhau. Khi cuộc họp tiếp tục, Pinhông, cố vấn chính trị của phái đoàn Pháp, lại nói là họ không có đủ quyền hạn để xét vấn đề đình chiến tại Nam Bộ. Chúng tôi hỏi lại Pinhông:

- Ông hãy cho biết phái đoàn Pháp có đủ quyền hạn để thảo luận những vấn đề ghi trong Hiệp định mồng 6 tháng Ba không?

Pinhông đáp lại một cách miễn cưỡng:

- Có.

- Vậy trong Hiệp định phải chăng là đã ghi: “Hai chính phủ lập tức quyết định mọi phương sách cần thiết để đình chỉ cuộc xung đột”?

Người Pháp bị đẩy vào một thế lúng túng. Chờ đến hết giờ là việc buổi sáng, họ vẫn chưa tìm ra cách trả lời. Vấn đề đành để gác lại.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2011, 06:52:48 am »

Buổi chiều, tôi đi dạo một lát trên bờ suối Cam Ly. Đã có thể thấy rõ thái độ phản động của người Pháp. Không thể trông đợi gì nhiều ở cuộc đàm phán này. Dù sao, cuộc thương lượng giữa ta và Pháp vẫn còn tiếp tục… Đường đi ngập lá thông. Bên bờ suối, nhiều hoa sim dại. Thành phố yên tĩnh, không khí trong lành, quang cảnh lại đẹp. Đà Lạt thật là một thắng cảnh của đất nước ta. Chỉ muốn đi mãi trên con đường có gió mát và tiếng thông reo. Trời sắp tối, tôi quay về khách sạn. Ngồi vào bàn làm việc vừa ghi chép thì có tiếng gõ cửa gấp. Tôi chưa kịp đứng dậy, cửa đã mở. Một đồng chí ngó đầu vào, nói vội vàng:

- Mời anh lên phòng trên, anh Thạch tới rồi!

Đồng chí Phạm Ngọc Thạch đang chiến đấu tại Nam Bộ. Tên anh đã được công bố trong danh sách của phái đoàn, nhưng chúng tôi vẫn nghĩ là anh sẽ không có mặt trong cuộc đàm phán. Không hiểu anh Thạch đã tìm cách nào tới được đây đúng vào lúc cuộc họp bắt đầu. Bọn Pháp cũng chưa biết anh tới.

Chỉ một lát sau, cả đoàn, trừ Nguyễn Tường Tam, đều kéo đến. Người anh Thạch đen sạm, gầy, nhưng rắn rỏi. Chúng tôi ôm chầm lấy anh. Mừng rỡ, cảm động. Giọng nói của anh còn mang khí thế chiến đấu của Nam Bộ. Anh Thạch kể lại chuyến đi từ Sài Gòn lên. Một cuộc đi mạo hiểm. Anh nói về tình hình Nam Bộ, những gương hi sinh dũng cảm của chiến sĩ và đồng bào. Chúng tôi hàn huyên với nhau đến rất khuya.

Ngày hôm sau, anh Thạch bị bọn Pháp bắt trước khách sạn Parc. Đoàn ta phản kháng mạnh mẽ. Chính phủ ta lên tiếng phản đối việc làm trái phép của Pháp. Đồng bào ở nhiều nơi họp mít tinh đòi Pháp phải trả lại tự do cho anh Thạch. Nhưng anh Thạch chỉ được chúng thả ra sau khi cuộc đàm phán kết thúc.

Hội nghị tiến hành khẩn trương. Ngoài những phiên họp toàn thể, những phiên họp ở các tiểu ban, còn có nhiều cuộc trao đổi cả ngoại hành lang. Mắc Ăngđơre, Métxme, Buốcgoanh… đôi khi có cả Đácgiăngliơ cũng dự vào những cuộc trao đổi ý kiến không chính thức này. Tuy vậy, trên tất cả các vấn đề được đặt ra, cuộc đám phán hầu như không tiến triển.

Đoàn ta đã giữ được sự nhất trí trong tất cả các buổi thảo luận. Riêng Nguyễn Tường Tam đã lẩn tránh phần lớn các phiên họp, và cũng ít tham gia và các cuộc bàn bạc trong đoàn.

Vấn đề đình chiến dây dưa nhiều buổi. Không khí hội nghị trở nên nặng nề. Phía Pháp biết rằng nhất định phái đoàn ta sẽ không bỏ qua. Chúng ta đã nêu lên vấn đề định chiến tại Nam Bộ một cách kiên quyết, và có lý lẽ. Người Pháp tỏ ra khó xử. Buốcgoanh, một chuyên viên về kinh tế ở Đông Dương, phải thốt ra: “Vấn đề đó gây phiền toái cho chúng tôi ghê quá. Họ (y muốn chỉ chúng ta) rất có lý”. Một vài người Pháp cũng có ý nghĩ như Buốcgoanh.

Sau mấy phiên họp, người dân ở Đà Lạt bắt đầu bàn tán xôn xao về những lập luận vô lý của phía Pháp. Ngay trong phái đoàn Pháp cũng có người nói thẳng với chúng ta: “Các ông có những nhà biện chứng đáng gờm”.

Phía Pháp không viện được lý lẽ gì để bác bỏ yêu cầu của ta, nhưng vẫn không chịu ghi vấn đề này vào chương trình nghị sự. Rõ ràng là Pháp không muốn đình chiến tại Nam Bộ.

Một câu hỏi được đặt ra trong đoàn ta: Nên tiếp tục cuộc đàm phán hay nên cắt đứt?

Ngày 23 tháng Tư, hai phái đoàn họp phiên toàn thể. Đoàn ta lại đưa ra vấn đề đinh chiến ở Nam Bộ ra trước cuộc họp. Người Pháp có một nhượng bộ. Họ đề nghị thành lập một ủy ban hỗn hợp hạn chế, gồm những người không có chân trong hai phái đoàn hiện nay, để thực hiện ngừng bắn ở Nam Bộ đồng thời giải quyết những vấn đề có tính cấp bách khác. Ủy ban này lúc đầu sẽ đóng ở Đà Lạt, sau đó sẽ đóng ở Hà Nội.

Ta biết đây là một cách trì hoãn. Tuy nhiên, cũng do sự nhượng bộ này của phía Pháp mà các phiên họp vẫn tiếp tục.

Cuối tháng 4, tướng Gioăng, tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp trên đường từ Nam Kinh trở về Pari, ghé thăm hội nghị Đà Lạt. Trong cuộc gặp Gioăng khoảng hai mươi phút, tôi đã nói thẳng:

- Người Pháp phải thực hiện đình chiến ở Nam Bộ theo đúng tinh thần của bản Hiệp định. Nếu không, nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng. Tôi muốn nói với ông điều này với tư cách là một người kháng chiến.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2011, 06:55:35 am »

Ngoài những cuộc tranh luận gay gắt tại tiểu ban chính trị, ở tất cả các tiểu ban quân sự, kinh tế, văn hóa đều có những cuộc tranh cãi giằng co.

Về kinh tế, ta chủ trương giữ vững những quyền lợi kinh tế.(*)

Muốn cho cuộc bỏ phiếu được hợp pháp, công bằng, ta chủ trương bảo đảm tự do cho những người dân bỏ phiếu. Ta đề nghị một chế độ chấp chính tạm thời của một hội đồng ba mươi người ở Nam Bộ. Hội đồng bầu lên ủy ban chấp hành, có nhiệm vụ trong một thời gian ngắn thực hiện đình chiến triệt để, thả hết tù chính trị, đình chỉ hết khủng bố, làm cho các tổ chức chính trị của nhân dân được hoạt động tự do. Phía Pháp trả lời một cách mơ hồ là sẽ bảo đảm tự do cho cuộc trưng cầu dân ý ở Nam Bộ; họ không đồng ý để người Việt Nam tham gia vào việc chấp chính hiện thời ở Nam Bộ.

Lập trường của ta và của Pháp rõ ràng là khác xa nhau. Những người thay mặt cho nước Pháp mới tới dự cuộc đàm phán đã tỏ ra rất lạc hậu trước tình hình đã đổi thay tận gốc trên bán đảo này. Họ vẫn còn mang nặng tư tưởng chủ nghĩa thực dân cổ truyền của đế quốc Pháp. Trưởng đoàn của Pháp Mắc Ăngđơrê ngày càng bộc lộ bản chất phản động. Có lần trong một bữa tiệc, y đã nói: “Với Việt Nam, người Pháp đã tỏ ra rất rộng rãi, Pháp nhượng bộ như thế là đã quá lắm rồi, không thể cứ nhượng bộ mãi, không thể theo truyền thống Muyních”.

Cũng vào những ngày đầu tháng Năm này, tại Pháp, bản dự thảo hiến pháp mới đã bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu ý dân. Đây lại là một khó khăn lớn nữa đối với phong trào đấu tranh cho các quyền dân chủ ở nước Pháp. Phái hữu đã giành được một thắng lợi. Bọn phản động Pháp ở thuộc địa sẽ ngóc đầu dậy. Cuộc đấu tranh của chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Ngày 10 tháng Năm, lại họp phiên toàn thể. Đoàn ta tiếp tục nêu lên chủ trương của mình về việc thực hiện trưng cầu ý dân tại Nam Bộ. Các đại biểu Pháp vẫn giữ thái độ ngoan cố. Chúng ta đã nói thẳng với họ là một số người Pháp có âm mưu tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, âm mưu đó không thể dung thứ, nhất định sẽ thất bại. Sau một cuộc tranh luận gay go, cả đoàn ta đứng dậy bỏ phòng họp.

Đêm hôm đó, sau buổi hội ý trong đoàn, tôi thức khuya. Nhìn ra cửa sổ trời tối đen. Không còn nhận ra đâu là hồ, đâu là núi. Những quả đồi thông xinh đẹp, những cánh rừng hoang vu của cao nguyên Lang Biang chìm trong bóng đêm. Cuộc chiến đấu của đồng bào ta, của các chiến sĩ du kích trong những mỏm núi cao, những khu rừng rậm nơi xa kia đang tiếp tục và sẽ còn phải tiếp tục. Từ hôm đi đến giờ, chúng tôi vẫn thường xuyên báo cáo tình hình hội nghị với Bác và các anh. Báo chí và đài phát thanh của ta đã phản ánh kịp thời cuộc đấu tranh của phái đoàn ta tại hội nghị. Bác và các anh ở nhà đang theo dõi rất sát diễn biến của cuộc đàm phán. Trong phiên họp sáng nay, tôi đã nói với đoàn Pháp: “Các chiến sĩ Việt Nam đã trải qua nhiều khó khăn trong cuộc chiến đấu giành tự do cho Tổ quốc, chỉ có thể chấp nhận hòa bình trong công bằng và danh dự… Nhân danh một dân tộc đã có hàng ngàn năm tôi luyện trong lao động và đấu tranh, tôi khẳng định với các ông rằng: Ngày nào Nam Bộ còn bị tách khỏi Việt Nam thì ngày ấy mỗi người dân Việt Nam còn không ngừng dốc hết nghị lực của mình vào cuộc đấu tranh để đưa Nam Bộ trở về trong lòng Tổ quốc. Nếu tiếng nói của chúng tôi không được đáp lại, bản Hiệp định không được tôn trọng thì chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra trong tương lai… Lịch sử sẽ chứng minh lời nói của chúng tôi là đúng…”. Chúng ta đã nói với người Pháp những điều cần nói. Nhưng người Pháp vẫn giữ nguyên lập trường thực dân của họ. Ta đã đánh giá thêm được sức chống đối quyết liệt của bọn phản động. Qua cuộc đàm phán này, càng thấm thía một điều: Trong đấu tranh chính nghĩa đòi độc lập, tự do cho đất nước, ngoại giao nhất thiết phải dựa trên lực lượng của nhân dân. Mỗi người dân Việt Nam cần phải có đầy đủ nghị lực và quyết tâm bồi bổ thực lực của mình. Dân tộc ta phải mạnh. Công việc ngoại giao phải bắt đầu từ đó. Lại nhớ lời Bác nói hôm trước: “Thực lực như cái chiêng, ngoại giao như cái tiếng; chiêng có to tiếng mới lớn”…

Phiên họp sáng nay đã trở thành phiên họp cuối cùng của hội nghị Đà Lạt. Dù sao cuộc đàm phán này cũng chỉ mới là cuộc đàm phán tại chỗ có tính cách trù bị. Sợi dây liên lạc giữa ta với Pháp chưa hoàn toàn bị cắt đứt.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp   
Những chặng đường lịch sử, Sđd
tr.364-310.             


(*) Đến đây trong sách bị thiếu một đoạn nên hơi khó hiểu và không liền mạch, người số hóa bổ sung nội dung đoạn dưới đây từ nguồn khác:
Về kinh tế, ta chủ trương giữ vững những quyền lợi kinh tế cơ bản của ta, bảo đảm điều kiện cho kinh tế Việt Nam phát triển, đồng thời có những nhân nhượng nhất định đối với quyền lợi kinh tế Pháp ở Đông Dương. Những vấn đề được đặt ra trong tiểu ban này là:

- Vấn đề thuế quan.

- Vấn đề tiền tệ.

- Vấn đề những doanh nghiệp hiện tại của Pháp ở nước ta.

Những bất đồng lớn xoay quanh vấn đề tiền tệ và việc kinh doanh của người Pháp tại Việt Nam.

Về văn hóa, hai bên đã đạt được một số thỏa thuận. Ta chỉ còn không đồng ý việc Pháp đòi đặt một số cơ quan văn hóa ở Đông Dương trực thuộc với liên bang và đề nghị dùng tiếng Pháp làm tiếng chính thức thứ hai sau tiếng Việt.

Về quân sự, qua nhiều buổi trao đổi, không giải quyết được gì. Vấn đề quân sự phải phụ thuộc vào vấn đề chính trị. Không thể nào có được những thỏa thuận về quân sự chừng nào vấn đề chính trị còn chưa giải quyết xong.

Vấn đề chính trị là cơ bản, gay go, chiếm nhiều thời gian nhất trong suốt quá trình đàm phán.

Lập trường có tính nguyên tắc của ta là: Nước Việt Nam phải là một nước tự do. Liên bang Đông Dương chỉ mang tính chất kinh tế không được phương hại đến những quyền cơ bản của Việt Nam.

Về mối quân hệ giữa các nước trong liên bang Đông Dương với Pháp, đoàn ta tuyên bố chấm dứt chế độ toàn quyền. Ta chủ trương tổ chức một liên bang thực tế chỉ có tính chất kinh tế. Đại diện của Pháp ở liên bang chỉ có tính cách một nhân viên ngoại giao. Liêng bang Đông Dương sẽ phối hợp về chính sách thuế quan và tiền tệ, về việc đặt kế hoạch kiến thiết cho các nước trong liên bang theo nguyên tắc không làm phương hại đến chủ quyền của các nước.

Phía Pháp chủ trương viên cao ủy Pháp vừa là đại diện cho liên hiệp Pháp vừa là chủ tịch liên bang Đông Dương. Họ đòi các ngành tư pháp, ngoại thương, tài chính, hối đoái, vận tại, y tế, các cơ quan nghiên cứu và phát minh về văn hóa, khoa học, kinh tế, viện thống kê, nhà bưu điện và vô tuyến điện, cơ quan phụ trách di dân đều phải thuộc về liên bang… Với chủ trương này, người Pháp đã để lộ rõ ý đồ muốn làm sống lại chế độ toàn quyền trước đây.

Người Pháp đề nghị Việt Nam công nhận bản tuyên ngôn về quyền lợi của người dân trong liên hiệp Pháp. Ta hoan nghênh nguyên tắc dân chủ của bản tuyên ngôn nhưng chưa công nhận nó. Chính dân chúng Pháp cũng chưa công nhận bản tuyên ngôn này. Thực ra, người Pháp cũng chưa xác định được cái “liên hiệp Pháp” họ đưa ra là thế nào.

Về ngoại giao, lập trường của ta là Việt Nam sẽ có đại sứ ở Pháp và viên cao ủy Pháp ở đây là đại diện của Pháp ở Việt Nam. Nước Việt Nam tự do phải có quyền đặt đại sứ ở các nước trong liên hiệp Pháp và ở các nước ngoài. Pháp chủ trương người đại diện Pháp ở Việt Nam là một viên chức Pháp do viên cao ủy Pháp cử ra và nước Việt Nam chỉ có đại diện ngoại giao với các nước khác thông qua liên hiệp Pháp.

Về vấn đề Nam Bộ, Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng Ba đã đề ra sẽ giải quyết bằng một cuộc trưng cầu ý dân. Ta chủ trương mục đích bỏ phiếu không phải là để hỏi chủ quyền Nam Bộ thuộc về đâu vì lãnh thổ Việt Nam không phải gồm có ba kỳ; cuộc đầu phiếu chỉ nhằm hỏi ý kiến nhân dân Nam Bộ có muốn giữ giới hạn “kỳ” hay không trong khuôn khổ nước Việt Nam thống nhất. Pháp chủ trương đầu phiếu để hỏi cả chủ quyền Nam Bộ thuộc về đâu.

Theo quan điểm của ta, và đó cũng là lẽ đương nhiên, cuộc trưng cầu ý dân chỉ tiến hành ở Nam Bộ. Nhưng Pháp đòi phải bỏ phiếu ở cả Trung Bộ và Bắc Bộ để hỏi chủ quyền từng kỳ thuộc về đâu.}
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Giêng, 2011, 09:19:21 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2011, 09:26:11 am »

PHẢI LÀM CHO NƯỚC TA
VỪA ANH HÙNG, VỪA GIÀU MẠNH
(1)

… Ngày 19-12-1946, ngày mở đầu cho cuộc kháng chiến 30 năm chống thực dân, đế quốc đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi về tinh thần yêu nước quật khởi của dân tộc ta trước những kẻ thù xâm lược tàn bạo, ngạo mạn.

Phát động toàn quốc kháng chiến vào ngày 19-12 thể hiện sự lãnh đạo của Bác Hồ và Đảng ta hết sức sáng suốt, đã bám sát tình hình thực tiễn, nắm vững thời cơ, chọn đúng mặt trận chính, tính toán thời điểm nổ súng chính xác, biến bị động thành chủ động, tạo nên thế trận mới cho mặt trận Hà Nội có điều kiện giam chân quân địch hai tháng để cả nước chuyển vào kháng chiến trường kỳ. Nổ súng phát động toàn quốc kháng chiến ngày 19-12 giữa thủ đô là một trường hợp hiểm thấy trong lịch sử, thể hiện một nghệ thuật khởi đầu cuộc chiến tranh cách mạng đúng dắn, quả cảm, sáng tạo.

Trong tình thế nền độc lập mới giành được, đất nước đang trong tình hình ngàn cân treo sợi tóc, địch mạnh, ta yếu mà dám kiên quyết, kịp thời hạ lệnh toàn quốc kháng chiến vào đêm 19-12-1946 là thể hiện Bác Hồ và Đảng ta đã có niềm tin mãnh liệt vào nhân dân ta, dân tộc ta - một dân tộc đã có truyền thống yêu nước anh hùng bất khuất, qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước; đã có đường lối kháng chiến đúng đắn, động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, dựa vào sức mạnh to lớn của toàn dân ta. Đồng thời, Bác Hồ và Đảng ta cũng đã thể hiện tấm gương hết lòng vì nước, vì dân nên nhân dân ta đã có niềm tin vững chắc vào lãnh tụ kính yêu, vào Đảng, mới nhất tề đứng lên quyết chiến như vậy.

Trong giờ phút Tổ quốc lâm nguy, lời kêu gọi kháng chiến thiêng liêng của Bác Hồ như một lời hịch của non sông cổ vũ tinh thần yêu nước quật khởi của cả dân tộc ta đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược.

Tinh thần quật khởi quyết chiến quyết thắng của ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12 được kế tục và phát huy suốt cuộc kháng chiến 30 năm đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập, thống nhất hoàn toàn cho Tổ quốc, rửa được mối nhục mất nước hàng trăm năm.

Ngày nay, dân tộc ta đang bước vào một thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ tiến hành công cuộc đổi mới vĩ đại, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Với thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến 30 năm, mở đầu vào ngày 19-12-1946, Việt Nam đã trở thành một nước anh hùng, đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc.

Trải qua 30 năm xây dựng, đặc biệt là 20 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, nước ta vẫn còn là một nước nghèo, khoảng cách tụt hậu về kinh tế và khoa học còn xa so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Chúng ta đã gia nhập WTO. Đây là một bước tiến quan trọng trong chủ trương chủ động hội nhập nền kinh tế quốc tế; cơ hội mới mở ra, nhưng thách thức mới không nhỏ.

Công cuộc chiến thắng nghèo nàn lạc hậu xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, làm cho nước ta trở thành một nước vừa anh hùng vừa giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, một thách thức mới hết sức to lớn, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải có một sự nỗ lực vượt bậc, một tinh thần quật khởi mới.

Kỷ niệm 60 năm ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12 là một dịp để chúng ta khởi dậy tinh thần yêu nước và ôn lại những bài học sâu sắc của ngày lịch sử ấy vận dụng vào công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đó là tinh thần yêu nước, quật khởi của toàn dân tộc, trước đây là không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ; ngày nay là không chịu nghèo nàn lạc hậu, không chịu tụt hậu thua kém bạn bè, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế và khoa học công nghệ, phải bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Đó là bài học lãnh đạo phải bám sát thực tiễn, đánh giá đúng tình hình, nắm đúng ghời cơ, chọn đúng mặt trận chính, đề ra quyết định kịp thời, đúng đắn, giành chủ động trong thế bị động.

Đó là bài học về niềm tin mãnh liệt vào lòng yêu nước của nhân dân ta và có đường lối cách mạng đúng đắn, đoàn kết toàn dân tộc, động viên toàn dân, dựa vào sức mạnh to lớn của toàn dân, của cả dân tộc; đồng thời Đảng ta phải luôn tiên phong gương mẫu để giữ vững niềm tin của nhân dân ta đối với Đảng.

Tôi nghĩ rằng những bài học ấy đang rất cần thiết, rất thời sự đối với chúng ta trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay…


(1) Trích thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Hội thảo khoa học “60 năm Ngày toàn quốc kháng chiến” (19-12-1946 - 19-12-2006). Tiêu đề do Tạp chí Xưa & Nay đặt. Tạp chí Xưa & Nay, số 247, tháng 12 năm 2006.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2011, 09:28:31 am »

HÀ NỘI
NHỮNG NGÀY ĐẦU KHÁNG CHIẾN
(1)

Sau này nhìn lại mới biết ngày đầu toàn quốc kháng chiến chúng ta đã làm một điều mà theo nhiều nhà lý luận quân sự kinh điển thì khó mà làm được.

Cuộc tổng giao chiến đầu tiên giữa bộ đội ta với quân viễn chinh đương nhiên bắt đầu từ Thủ đô Hà Nội và nhiều thành phố, thị xã.

Trong các cuộc chiến tranh cách mạng, chưa có trường hợp một lực lượng vũ trang yếu kém đương đầu thắng lợi với một quân đội chính quy tại thành phố. Ănghen đã có nhận xét: “Dù cho không đông về số lượng, quân đội vẫn có ưu thế về trang bị và huấn luyện, về chỉ huy thống nhất, về việc sử dụng lực lượng chiến đấu một cách có kế hoạch và kỷ luật. Do đó, ngay cả trong những trận chiến đấu bằng chướng ngại vật trong đó xuất hiện chủ nghĩa anh hùng vĩ đại nhất của lực lượng vũ trang cách mạng (ở Pari tháng 6 năm 1848, ở Viên tháng 10 năm 1848. ở Đresđen tháng 5 năm 1849) cũng kết thúc bằng sự thất bại”. Sau đó, ông còn nói thêm với sự xuất hiện của pháo binh, tình thế ngày càng bất lợi cho những người khởi nghĩa trong cuộc chiến đấu ở thành phố. Chúng ta đã biết, trong cuộc chiến tranh kháng Nhật, Hồng quân Trung Hoa đã nhận chỉ thị không xâm nhập vào “những thành thị lớn, những ga xe lửa và một số miền đồng bằng nào đó mà địch dùng một lực lượng lớn mạnh để khống chế”. Mao Trạch Đông có lần nói: “Mađrít của Trung Quốc ở đâu? Trước kia ta chưa có một Mađrít nào, từ nay về sau phải tranh thủ tạo ra mấy chỗ như thế, nhưng hoàn toàn phải xem điều kiện như thế nào”.

Như vậy, lịch sử chưa để lại cho chúng ta tiền đề chiến thắng trong những trận đánh sắp tới. Chúng ta phải tự tìm lấy qua những kinh nghiệm không nhiều từ trận đánh ở Thái Nguyên trong Tổng khởi nghĩa, từ trận đánh anh dũng, kiên cường nhưng không có thời gian chuẩn bị ở Sài Gòn, sau đó ở Nha Trang, và gần đây nhất là Hải Phòng. Chúng ta phải xây dựng một kế hoạch chiến đấu cho bộ đội và nhân dân lần đầu chiến đấu với một kẻ địch bội phần mạnh hơn mình.

Chúng ta đã sớm nghĩ tới việc chuẩn bị chiến đấu bảo vệ Hà Nội và các thành phố.

Ngày 19 tháng 10 năm 1946, khi cuộc đàm phán ở Phôngtenblô không đạt kết quả, Hội nghị cán bộ Trung ương đã có nhận định: Trước sau Pháp cũng đánh ta, ta phải cảnh giác, phải chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Sau Hội nghị, Bộ Tổng tham mưu được chỉ thị nghiên cứu ba vấn đề: cách đánh trong thành phố, lấy Hà Nội làm trung tâm; cách đánh xe tăng, thiết giáp; cách phá hoại đường sá. Cơ quan tham mưu thành lập một tổ nghiên cứu ba vấn đề trên, trọng tâm là vấn đề đánh địch trong thành phố. Tôi thường xuyên dự những cuộc thảo luận của tổ. Khi anh Văn Tiến Dũng được Đảng điều về Bộ phụ trách Cục Chính trị, tôi trao đổi với anh sớm nghiên cứu cách tiến hành công tác chính trị trong trường hợp chiến tranh bùng nổ trên cả nước.

Ngày 16 tháng 9 năm 1946, Bác rời cảng Tulông (Pháp) trở về nước. Ngày 16 tháng 10, Bác gặp Đácgiăngliơ ở vịnh Cam Ranh. Thỏa thuận ngừng bắn trong Tạm ước 14 tháng 9 không được thực hiện ở Nam Bộ. Ngày 5 tháng 11, Bác viết bản bút kí nổi tiếng “Công việc khẩn cấp bây giờ” mà mãi sau này ta mới biết. Trung tuần tháng 11, trong một buổi làm việc, Bác hỏi tôi:

- Nếu vạn nhất không tránh được chiến tranh thì Hà Nội có thể giữ trong bao lâu?

Tôi đáp:

- Phải cố giữ ít nhất là nửa tháng. Thời gian qua, cơ quan tham mưu đã chuẩn bị xây dựng một kế hoạch chiến đấu ở thành phố trong trường hợp địch gây chiến.

Sau khi địch chiếm thành phố Hải Phòng ngày 23 tháng 11, Thường vụ nhận định nhất định địch sẽ gây hấn ở Thủ đô, chiến tranh trên cả nước là không thể tránh khỏi. Bác và Thường vụ nghị quyết: Nếu quân Pháp tái diễn ở Hà Nội việc chúng đã làm ở Hải Phòng thì cả nước sẽ nhất tề đứng lên kháng chiến chống quân xâm lược. Chủ trương quân sự trong thời gian đầu toàn quốc kháng chiến là tiêu hao, tiêu diệt một một bộ phận địch, bảo tồn lực lượng ta, giam chân cô lập địch càng lâu càng tốt ở từng thành phố, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Bác nhấn mạnh: “Quân Pháp chỉ chờ có cơ hội là lập tức đánh ta. Ta cần tìm mọi cách để tránh nổ ra chiến tranh. Trong khi hết sức tích cực, khẩn trương chuẩn bị kháng chiến, tuyệt đối không sa vào âm mưu khiêu khích để địch lợi dụng đánh ta sớm. Ở thành thị, biến mỗi đường phố thành một chiến hào, ở nông thôn, mỗi làng thành một pháo đài. Kháng chiến của ta là toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến”

Sau cuộc họp, Bộ Tổng tham mưu và Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội được trao nhiệm vụ gấp rút xây dựng một kế hoạch tác chiến cho cả nước và riêng tại Thủ đô Hà Nội. Với tư cách là người được Đảng phân công phụ trách công tác quân sự, tôi triệu tập nhiều cuộc họp cán bộ dân, chính, đảng của Thủ đô để phổ biến chủ trương chuẩn bị kháng chiến của Thường vụ.


(1) Kỷ niệm 60 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, Tạp chí Xưa & Nay trích đăng một đoạn trong hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định về cuộc chiến tranh nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược dưới sự lãnh đạo tài tình và kiên quyết của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những ngày đầu chỉ đạo cuộc cầm cự ở Hà Nội đã hé mở những thiên tài quân sự của các tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, sẽ đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi vẻ vang ở Điện Biên Phủ. Bài đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 273, tháng 12 năm 2006, tr.7-9, 23-24.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2011, 09:29:23 am »

Cuối tháng 11, Thường vụ họp mở rộng với Bộ chỉ huy và Ủy ban Bảo vệ Chiến khu đặc biệt Hà Nội (Khu 11) mới thành lập. Các anh Nguyễn Quyết, Vương Thừa Vũ, Lâm Kính, Quang Trung, Lê Quảng Ba đã lần lượt làm Khu trưởng Hà Nội từ sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Anh Lê Trung Toản phụ trách tự vệ chiến đấu, tự vệ thành và dân quân tự về toàn thành. Sau khi các anh Nguyễn Quyết, Quang Trung lần lượt đi Nam tiến, anh Lê Quảng Ba về Khu 12, Bộ chỉ huy Chíến khu Hà Nội lúc này gồm anh Vương Thừa Vũ, Chỉ huy trưởng, anh Trần Độ, chính ủy. Trong phòng khách lớn tại Bác Bộ Phủ, nay là phòng việc, ngoài Bộ chỉ huy Khu còn các anh: Trần Quốc Hoàn, phái viên của Trung ương theo dõi Mặt trận Hà Nội, anh Nguyễn Văn Trân, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ.

Tôi trình bày vắn tắt tình hình khẩn trương do Pháp quyết tâm tái chiếm nước ta bằng vũ lực, và nêu rõ nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô theo nghị quyết của Bác và Thường vụ: Một là, phải tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân địch, chiến đấu giam chân chúng càng lâu càng tốt tại Hà Nội cũng như những thành phố khác, tạo điều kiện về thời gian cho cả nước chuyển sang chiến tranh. Hai là, đi đôi với tiêu diệt địch cần thấu triệt chủ trương gìn giữ lực lượng của ta, theo dõi sát tình hình mặt trận để lúc cần thì chủ động rút lực lượng ra ngoài cùng toàn quân và toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Ba là, Thủ đô phải nêu cao tinh thần anh dũng và sáng tạo chiến đấu làm gương cho cả nước, đoàn kết chặt chẽ giữa bộ đội, tự về chiến đấu, tự về thành, lực lượng công an, đoàn kết và giúp đỡ đồng bào chưa kịp tản cư và ngoại kiều.

Từ những đặc điểm địch, ta trên cả nước và ở Thủ đô, tôi nêu lên biện pháp tác chiến chủ yếu là “phải sử dụng những lực lượng nhỏ, triệt để lợi dụng địa hình, địa vật ở từng khu, dựa vào những ngôi nhà có cấu trúc kiên cố, xây dựng nhiều chướng ngại vật trên các đường phố đánh địch bằng mọi hình thức, tránh tung lực lượng vào những trận quyết chiến lớn, gây khó khăn, lúng túng cho địch bằng nhiều chiến thắng nhỏ…”.

Tổng số quân viễn chính Pháp ở Đông Dương lúc này đã lên tới 90.000. Về phía ta, lực lượng bộ đội cả nước khoảng 82.000. Không có chênh lệch lớn về số lượng. Nhưng về trình độ tổ chức trang bị, kỹ thuật, thì đây là một khoảng cách có tính thời đại.

Quân viễn chinh Pháp là một quân đội nhà nghề, với những đơn vị bộ binh, thiết giáp, pháo binh, không quân, hải quân vừa chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Họ có những trang bị hiện đại nhất của phương Tây. Chỉ riêng sự xuất hiện khẩu tiểu liên Thompson cũng đủ làm nản lòng những đơn vị bạch binh kiêu dũng của Nhật hoàng năm trước trên quần đảo Xalômông. Còn quân đội ta, đơn thuần là bộ binh, hầu hết là người dân mới khoác áo lính, trang bị yếu kém. Mỗi đơn vị, nhiếu nhất là một phần ba chiến sĩ có súng, toàn là súng cũ đủ loại với rất ít đạn. Những chiến sĩ khác trang bị bằng giáo, mác, đại đao, gậy gốc. Mỗi trung đoàn có từ ba đến bốn khẩu trung liên hoặc đại liên, vài ba khẩu súng cối. Những đơn vị ít nhiều rèn luyện trong chiến tranh chống Nhật ở Việt Bắc thì hoặc đã lên đường Nam tiến, hoặc phân tán đi làm cán bộ ở những đơn vị mới tổ chức. Vì phải bắt tay ngay vào làm nhiệm vụ tiếp phòng với quân Pháp, nên các chiến sĩ ít được huấn luyện về kỹ thuật, số đông chưa qua bắn đạn thật. Bộ đội ta được tổ chức thành trung đoàn, mỗi trung đoàn gắn với một, hai hoặc ba tỉnh. Ở Bộ Tổng chỉ huy và các Khu, ngoài đại đội cảnh vệ chưa có một đơn vị chủ lực nào.

Thủ đô Hà Nội là nơi quân Pháp tập trung đông, gồm một trung đoàn bộ binh, một trung đoàn xe tăng, thiết giáp, một tiểu đoàn pháo, một bộ phận biệt kích, một bộ phận dù, cùng với không quân và thủy quân. Tất cả khoảng 6.500 người. Ở đây còn phải kể tới 7.000 Pháp kiều đã được phân phát vũ khí. Một cuốn sách của Pháp viết là ở Hà Nội lúc đó có 4.500 binh lính và 7.000 Pháp kiều được trang bị súng và lựu đạn; có thể là không kể số quân Pháp bị Nhật bắt làm tù binh, được thả ra sau ngày Nhật đầu hàng.

Lực lượng ta ở Hà Nội có 5 tiểu đoàn vệ quốc quân, 2.515 người, khoảng trên 8.000 tự vệ, gồm tự vệ chiến đấu cứu quốc, tự vệ các xí nghiệp, tự vệ thành Hoàng Diệu và một lực lượng công an xung phong. Bộ Tổng chỉ huy đã chỉ thị tăng cường trang bị chiến đấu cho Hà Nội nhưng cũng không hơn những nơi khác bao nhiêu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2011, 09:30:53 am »

Bộ Tổng chỉ huy quyết định: Chiến khu Hà Nội không thể bị rơi vào thế bất ngờ, nếu địch đánh trước, ta có thể quật lại ngay. Trận đánh ở Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải tiêu biểu cho tinh thần kháng chiến của cả nước. Hà Nội cần giam chân quân địch ít nhất là một tháng tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang chiến tranh.

Mặt trận Hà Nội được coi là chiến trường chính trong trận tổng giao chiến đầu tiên.

Trong quá trình bàn bạc cách đánh ở Hà Nội, mặc dù mục tiêu, biện pháp tác chiến đã được phổ biến, vẫn có đồng chí đề nghị tập trung một số đơn vị bộ đội và tự vệ thành gan dạ bí mật đột nhập thành Hà Nội, đánh thẳng vào đại bản doanh của quân Pháp. Đây là cách quân Nhật đã làm đêm mồng 9 tháng Ba. Kế hoạch này có nhiều tính phiêu lưu, vì quân viễn chinh Pháp hoàn toàn không giống đội quân thuộc địa Pháp đầu năm 1945, và các chiến sĩ ta còn xa mới có được trang bị và trình độ thiện chiến của quân đội Nhật. Một sĩ quan cũ của Nhật đã sang hàng ngũ ta, nêu ý kiến nên thiết lập ba phòng tuyến bằng công sự vững chắc bao quanh Hà Nội để ngăn chặn quân địch từng bước. Đây là cách phòng ngự cổ điển. Ta không chủ trương phòng ngự theo cách này và cũng không đủ người và cơ sở vật chất để thực hiện.

Tôi lưu ý Bộ chỉ huy Hà Nội trường hợp một tiểu đoàn vệ quốc quân và một tiểu đội xung phong tuyên truyền đã cầm chân quân Pháp suốt cả một ngày tại Nhà hát lớn Hải Phòng. Những công thự có kiến trúc vững chắc và cần được bảo vệ như Bắc Bộ Phủ, Tòa thị chính, Nhà bưu điện… cùng với Trại bảo an binh cũ có thể kết hợp thành một khu vực chiến đấu liên hoàn cầm cự với quân địch một thời gian. Những khu vực có nhiều đường phố nhỏ và nhiều ngõ ngách như Liên khu 1 rất thuận lợi cho việc xây dựng chiến lũy, tạo vật chướng ngại ngăn cản xe tăng, xe cơ giới và bộ binh địch đột nhập để kéo dài cuộc chiến đấu. Một vị trí hỏa lực xuất hiện bất ngờ từ những ngôi nhà cao có tác dụng rất lợi hại. Trong trận đánh Thái Nguyên, tôi đã chứng kiến một khẩu súng máy quân Nhật đặt trên ngôi nhà hai tầng đã kiểm soát suốt dọc phố. Cần đặc biệt nghiên cứu cách đưa bộ đội ra an toàn khi có lệnh, nên tìm hiểu hệ thống cống ngầm; trường hợp cấp bách, những con đường nằm dưới lòng đất này có thể giúp ích cho ta. Cán bộ đi điều tra về báo cáo những cửa cống thông ra cửa sông đều bị ngăn bằng song sắt. Ta đã chuẩn bị để khi cần phá bỏ ngay những song sắt này.

Nửa năm qua, người Hà Nội đã làm quen với chiến thuật bari-cát những lần Pháp gây hấn, qua bàn bạc, thấy những vật chướng ngại như bàn, ghế, giường, tủ… chất đống giữa đường, ngả cây, cột điện, đẩy xe ôtô, toa xe lửa, toa tàu điện chắn ngang cũng chỉ gây cản trở cho quân địch một thời gian ngắn. Cần phải xây dựng nhiều lớp chiến lũy, kết hợp với đào chiến hào và bố trí lực lượng chặn đánh thì mới có thể chống xe tăng, cơ giới và bộ binh địch có hiệu quả. Vì đường phố đã có những chiễn lũy chắn ngang nên cần đục tường nhà nọ thông sang nhà kia để đảm bảo sự cơ động lực lượng của ta.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Bộ chỉ huy Khu 11 trình bày kế hoạch “Trong đánh - ngoài vây”, theo cách nói của đồng chí Vương Thừa Vũ là “trùng độc chiến”. Liên khu 1 của Hà Nội với những đường phố cổ tiếp giáp Thành Hà Nội, nơi tập trung quân Pháp, được chọn làm khu vực cố thủ bên trong thành phố. Ngày đầu nổ súng, năm tiểu đoàn Vệ quốc quân cùng với tự vệ sẽ tiêu diệt những vị trí lẻ của địch, phá hoại những vị trí lẻ của địch, phá hoại những cơ sở vật chất quan trọng như Nhà máy điện, Nhà máy nước, Kho xăng dầu, phá cầu Long Biên, đánh sân bay, chiến đấu bảo vệ một số cơ quan tiêu biểu như Bắc Bộ Phủ, Tòa thị chính, Nhà bưu điện… Sau vài ngày chiến đấu, một tiểu đoàn vệ quốc quân sẽ rút vào Liên khu I, cùng với lực lượng tự vệ cố thủ tại đây. Bốn tiểu đoàn khác cùng với tự vệ Liên khu II và III sẽ giản ra các đầu ô dựa vào chiến lũy tiếp tục chiến đấu, thường xuyên đột kích để yểm trợ cho Liên khu I và ngăn chặn quân Pháp đánh ra ngoại thành.

Tôi tán thành kế hoạch này, một kế hoạch “nội công ngoại kích” gây cho quân địch sự lúng túng phải đối phó ở cả hai mặt, bên trong và bên ngoài, đồng thời bảo đảm tính cơ động của lực lượng ta, không bị cố định trong những phòng tuyến cứng nhắc.

Trung tuần tháng 12 năm 1946, tôi báo cáo với Bác có thể giữ được Hà Nội từ một tháng trở lên.

Bộ Tổng chỉ huy quyết định nổ súng vào 20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1946, nhưng chỉ có Hà Nội thực hiện mệnh lệnh đúng thời gian. Những nơi khác đều chậm từ hai đến bảy giờ. Có nơi bộ đội ta bị địch tiến công trước.

Kể cả Hà Nội, quân Pháp cũng không hoàn toàn bị bất ngờ. Tác giả cuốn Lịch sử Việt Nam(1) đã kể lại, 18 giờ ngày 19, một người Pháp lai, nhân viên phản gián của Pháp trà trộn trong hàng ngũ ta, đã báo tin: “ba đại đoàn Việt Nam và lực lượng tự vệ đã được lệnh tiến công vào tối nay”. Moóclie, tư lệnh quân viễn chinh ở miền Bắc Đông Dương, lập tức đặt toàn bộ quân Pháp trong trạng thái báo động cao.

Như vậy, ở tất cả mọi nơi, quân Pháp đều sẵn sàng. Điều bất ngờ đối với họ chỉ ở chỗ: có lẽ nào một đội quân non trẻ với những trang bị yếu kém lại dám nổ súng vào quân viễn chinh? Đó là lợi thế duy nhất mà ta giành được khi khởi đầu chiến tranh trên cả nước.


(1) Philíp Đờvile: Historie du Viet Nam.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM