Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:04:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với sử học Việt Nam  (Đọc 69947 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2011, 06:28:32 am »



Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với sử học Việt Nam
Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia
Năm xuất bản: 2010
Số hóa: macbupda

Quân sử Việt Nam xin chân thành cám ơn
PGS, TSKH. Nguyễn Hải Kế đã gửi tặng diễn đàn cuốn sách này



BAN BIÊN SOẠN
GS. NDND. PHAN HUY LÊ
Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC
TRẦN XUÂN THANH
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Tám, 2020, 06:51:22 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2011, 06:30:07 am »

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một trong những người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị Đại tướng của nhân dân. Tài năng và đức độ của ông được thể hiện tập trung nhất ở tinh thần “Dĩ công vi thượng” (đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên hết). Trong suốt cuộc đời mình, ông luôn tâm niệm và làm đúng theo lời dạy đó của Bác Hồ. Tên tuổi và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với cuộc kháng chiến giành và bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, giành trọn niềm tin yêu của toàn Đảng, của nhân dân, toàn quân, của bạn bè quốc tế và của cả những người trước đây là đối thủ của ông trên chiến trường.

Vốn xuất thân từ một thầy giáo dạy lịch sử, ông còn là tác giả của nhiều công tình, nhiều tập hồi ký, ký sự, bài viết có giá trị tái hiện lại những thời kỳ đầy gian khổ, khó khăn nhưng cũng rất anh hùng, vẻ vang của dân tộc ta, quân và dân ta. Các bài viết của ông được thể hiện bằng tâm hồn và ngòi bút của một nhà sử học, một nhà văn hóa, thể hiện niềm tự hào của ông về lịch sử oanh liệt của đất nước, về truyền thống dân tộc cùng những trăn trở trước những vấn đề mà giới sử học đang quan tâm. Từ năm 1990 đến nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tôn vinh là Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Trên cương vị này, ông đã dành nhiều sự quan tâm cho nền sử học Việt Nam và có nhiều ý kiến chỉ đạo, định hướng cho hoạt động của Hội Khoa học lịch sử nhằm tôn vinh, bảo tồn các giá trị của nền văn hóa dân tộc và phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của nhân dân ta.

Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của vị Đại tướng nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp cùng Hội Khoa học lịch sử Việt Nam xuất bản cuốn Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với sử học Việt Nam. Cuốn sách gồm hai phần:

- Phần I: Những bài viết của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, tập hợp một số bài viết hoặc trích từ hồi ký của Đại tướng đã được đăng trên Tạp chí Xưa & Nay về hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, về các sự kiện lịch sử, các nhân vật lịch sử và các hoạt động của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

- Phần II: Những bài viết về Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, gồm các bài viết của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng, những kỷ niệm, những ấn tượng vô cùng tốt đẹp và lòng khâm phục, kính trọng mà họ dành cho vị Tổng Tư lệnh thân yêu của nhân dân.

Cuốn sách là một món quà nhân dịp Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta vui mừng chúc thọ Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, một tài năng quân sự, một nhân vật đã trở thành huyền thoại không chỉ của Việt Nam mà còn đối với thế giới.

Trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc

Tháng 8 năm 2010           
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2011, 06:32:08 am »

LỜI NÓI ĐẦU

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “người Anh Cả của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam”, là Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành lại trọn vẹn độc lập quốc gia và thống nhất Tổ quốc. Đại tướng là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Đại tướng của nhân dân. Tên tuổi và sự nghiệp của Đại tướng đã được ghi nhận, tôn vinh trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong nước và trên thế giới, đã ghi danh vào nhiều bộ Từ điển bác khoa và Bách khoa thư của nhiều nước. Đặc biệt, con người, nhân cách và cống hiến của Đại tướng đã được ghi tạc vào lòng dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với những chiến thắng vĩ đại mà ông góp phần làm nên đã từng vang lên trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc của nhiều nước thuộc địa châu Á, châu Phi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thế giới biết đến như là một trong những danh tướng của thế giới, một vị tướng huyền thoại của chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân.

Trước khi trở thành một Đại tướng lừng danh, Võ Nguyên Giáp đã từng là một nhà báo, nhà sử học, một thầy giáo dạy sử tại trường Thăng Long (Hà Nội). Và cùng với binh nghiệp rạng rỡ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn dành nhiều tâm sức cho sự nghiệp nghiên cứu và viết lịch sử. Những tập hồi ký của Đại tướng là những bộ sử kháng chiến trung thực, phong phú, sống động. Một số tác phẩm tổng kết chiến tranh của Đại tướng có giá trị như những bộ binh pháp hiện đại. Ngoài ra, Đại tướng còn nghiên cứu và công bố nhiều công trình, luận văn về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, về một số chiến công và sự kiện lịch sử tiêu biểu, về một số anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa, một số tướng lĩnh quân đội nhân dân hiện đại. Đại tướng vừa làm sử, vừa viết sử, một sự kết hợp hiếm có của tài năng quân sự với tài năng sử học.

Sau khi tổ chức lại và mở rộng hoạt động trên phạm vi toàn quốc, năm 1990 Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu làm Chủ tịch danh dự của Hội. Tiếp theo, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhiệm kỳ III (1995-2000), IV (2000-2005) và V (2005-2010) đều nhất trí tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Trần Văn Giàu làm Chủ tịch danh dự của Hội.

Tuy tuổi cao nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành sự quan tâm đặc biệt cho nền sử học Việt Nam. Đại tướng đã trực tiếp tham dự các Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, một số hội nghị Ban Chấp hành Tư Hội, các diễn đàn và một số hội thảo khoa học do Hội tổ chức. Đại tướng thường xuyên nghe báo cáo về tình hình hoạt động của Hội và đưa ra những ý kiến chỉ đạo rất cơ bản. Đại tướng luôn luôn nhấn mạnh vai trò, sứ mạnh quan trọng của sử học trong nghiên cứu khoa học cũng như trong phổ cập tri thức lịch sử, giáo dục truyền thống dân tộc và cách mạng trong nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ. Trước tình trạng sa sút của việc giảng dạy môn lịch sử trong các trường phổ thông, Đại tướng rất lo lắng và đã tham gia diễn đàn cùng giới sử học, các thầy giáo, cô giáo, tìm các giải pháp khắc phục và đưa ra các kiến nghị nâng cao chất lượng dạy và học sử trong nhà trường. Đại tướng cũng rất chăm lo đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa dân tộc và cách mạng. trong hoạt động của Hội Khoa học lịch sử, Đại tướng nhắc nhở yêu cầu tập hợp, đoàn kết giới sử học cả nước, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Theo đề nghị của Hội, Đại tướng đã vui lòng tiếp và trao đổi với một số nhà Việt Nam học nổi tiếng trên thế giới. Vài năm gần đây, tuy tuổi cao, sức yếu, Đai tướng vẫn dành sự quan tâm, ưu ái cho giới sử học, lắng nghe về những hoạt động của Hội.

Năm nay Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở tuổi 100 tính theo tuổi ta và ngày 25 tháng 8 năm 2010 là ngày sinh nhật thứ 100 của Đại tướng. Để bày tỏ tấm lòng tôn kính, biết ơn đối với một vị khai quốc công thần của đất nước, đối với vị Chủ tịch danh dự của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Ban Thường vụ của Hội đã xin phép Đại tướng cho xuất bản một cuốn sách mang tên: Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với sử học Việt Nam.

Cuốn sách tập hợp một số bài Đại tướng viết hoặc trích trong hồi ký của Đại tướng về hai cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất Tổ quốc đã đăng trên Tạp chí Xưa & Nay của Hội, những bài viết về một số sự kiện và nhân vật lịch sử, một số tướng lĩnh quân đội nhân dân trong các hội thảo khoa học, những bài viết, bài phát biểu về các hoạt động của Hội và một số bài của giới sử học viết về Đại tướng. Chúng tôi cũng tuyển chọn một số ảnh kỷ niệm những lần Đại tướng gặp gỡ, trao đổi, tham dự hoạt động của Hội, những lần mừng sinh nhật của Đại tướng, đưa vào cuốn sách.

Chúng tôi coi cuốn sách này là một tặng phẩm kính tặng Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch danh dự của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận dịp sinh nhật lần thứ 100 với tất cả tấm lòng tôn kính, quý mến, biết ơn của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và giới sử học cả nước.

Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2010  
GS, NGND. Phan Huy Lê           
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2011, 06:34:37 am »

Phần I

Những bài viết
của Đại tướng, Tổng Tư lệnh
Võ Nguyên Giáp

MỆNH LỆNH KHỞI NGHĨA CỦA ỦY BAN
CHỈ HUY LÂM THỜI KHU GIẢI PHÓNG(1)

Các đội trưởng chính trị viên, đội viên Giải phóng quân, các đội tự vệ các ủy ban nhân dân và các đoàn thể dân chúng,

Ngày 2 tháng Tám năm 1945, giặc Nhật đã hoàn toàn tan rã và xin đầu hàng quân Đồng Minh, cuộc hội nghị Nga, Anh, Mỹ họp ở Mạc Tư Khoa đã chuẩn y việc đầu hàng của Nhật, thế là cuộc chiến tranh Thái Bình Dương sắp kết liễu.

Giờ phút khởi nghĩa đã tới, cuộc chiến tranh chúng ta đến lúc quyết liệt. Các đồng chí hãy kiên quyết và bình tĩnh mà thi hành những chỉ thị dưới đây:

1. Huy động bộ đội đánh vào các đô thị, nếu đủ điều kiện thắng lợi.

2. Bố trí đánh chặn những bộ đội rút lui của địch.

3. Trước lúc hành động nên gửi tối hậu thư cho quân đội Nhật và lính bảo an, họ không đầu hàng hãy tiêu diệt.

4. Đối với quân đội Nhật đã hàng theo ta phải hết sức đối xử tử tế, một phần lớn cho vào tập trung dinh, còn một phần có thể tuyên truyền cho họ rồi tung họ về các bộ đội Nhật ở các nơi để gây ảnh hưởng. Binh lính người Việt Nam thì thả cho về sau khi tuyên truyền cho họ.

5. Khi đánh được một trận thì lập tức bổ sung bộ đội với số vũ khí thu được, trừ khi có bộ đội đặc biệt, còn thì một phần ba bộ đội lui về đóng ở địa phương. Hai phần ba chuẩn bị sẵn sàng kéo đi tới nơi khác cần chiến đấu hay chiếm đóng.

6. Sau khi chiếm các đô thị, tất cả những quân nhu lương thực không cần dùng đến ngay thì lập tức đưa vào những căn cứ của ta cất giữ.

7. Trong giờ phút này sự liên lạc cần giữ cho chặt, bộ đội bao giờ cũng phải liên lạc với đại bản doanh, có tình hình mới phải lập tức báo cáo.

8. Các ủy ban nhân dân và toàn thể dân chúng phải hết lòng, hết sức hợp với các bộ đội. Toàn thể quân và dân phải chuẩn bị cho đủ tinh thần để tiếp tục cuộc tranh đấu vì quyền hoàn toàn độc lập cho đất nước.

9. Đối với bọn Pháp Đờ Gôn thì cứ theo thông cáo cũ, còn đối với người ngoại quốc khác, thì sẽ có chỉ thị riêng.

10. Lúc này là lúc quân sự, hành động kỷ luật phải rất nghiêm.

Hỡi các đồng chí,

Để đảm bảo sự thành công của cuộc khởi nghĩa, các đồng chí hãy thi hành mệnh lệnh này cho nhanh chóng, kiên quyết, anh dũng, thận trọng.

- Tiêu diệt phát xít Nhật.

- Việt Nam hoàn toàn độc lập.

- Việt Nam giải phóng quân muôn năm.

- Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam muôn năm.

Ngày 12 tháng 8 năm 1945
Ủy ban Chỉ huy lâm thời  
Khu Giải phóng        
Văn                   


(1) Bài đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 19, tháng 9 năm 1995.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Giêng, 2011, 07:03:12 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2011, 06:37:53 am »

THỦ ĐÔ HÀ NỘI
VỚI CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

(Lược ghi bài nói tại cuộc gặp mặt truyèn thống
Các chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu ở Nhát hát lớn,
Nay 16-8-2000)
(1)

Hôm nay, tôi muốn phát biểu về tầm vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám. Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta cũng như lịch sử các nước trên thế giới, Cách mạng tháng Thám là một cuộc khởi nghĩa thành công vĩ đại nhất. Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, nhân dân ta đã tự lực đứng lên để giải phóng, đưa nước ta trở hành một nước độc lập, tự do, với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Vì đâu mà có sự kiện vĩ đại như vậy?

Một, trước hết là do có đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ anh minh của giai cấp và dân tộc. Đường lối đó được quyết định tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 họp vào tháng 5-1941. Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng của Bác Hồ: không sách vở, giáo điều, mà ngược lại xuất phát từ quan điểm thực tiễn: Đặt Tổ quốc lên trên hết, tạm gác cách mạng thổ địa, đoàn kết toàn dân, đoàn kết tất cả các lực lượng yêu nước, mọi giai cấp, giai tầng, cá nhân yêu nước trong một mặt trận - Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh - gọi tắt là Việt Minh, đánh đổ đế quốc xâm lược và bè lũ ay sai, giành lại độc lập và thống nhất cho nước nhà. Nếu không có quyết định lịch sử đó thì không có Cách mạng Tháng Tám. Không những thế, lúc đã có quyết định đúng đắn rồi, Đảng và Bác Hồ đã đề ra chủ trương chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa; theo dõi tình hình trong nước và thế giới, lúc thời cơ xuất hiện kịp thời chớp lấy thời cơ. Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã hướng dẫn cụ thể cho nhân dân, trong điều kiện nào, giờ phút nào, bằng cách nào thì đứng dậy khởi nghĩa.

Hai, nhờ có đường lối của Đảng, có truyền thống đấu tranh anh dũng bất khuất từ ngàn xưa được Đảng ta phát triển lên một tầm cao mới. Nhân dân ta đã nô nức tham gia Mặt trận Việt Minh chuẩn bị lực lượng, lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang của toàn dân. Lúc chuẩn bị khởi nghĩa, trong một cuộc họp ở hang Pác Bó, có cán bộ nêu vấn đề chuẩn bị khởi nghĩa nhưng mà không có súng. Bác Hồ nói: Không sợ, có người khắc có súng; người trước, súng sau; có dân thì có tất cả. Phong trào Việt Minh nhanh chóng lan rộng

Toàn dân trong cả nước theo lời kêu gọi của Đảng chuẩn bị sẵn sàng. Lực lượng to lớn nhất dưới bầu trời là lực lượng của toàn dân, trong đó có lực lượng nhân dân Hà Nội.

Ba, sức mạnh đoàn kết và nghị lực sáng tạo của quần chúng, đây là điểm nổi bật. Ngày 12 tháng 8, có tin Nhật sắp đầu hàng. Mệnh lệnh kinh nghiệm lập tức được ban hành trong Khu giải phóng. Ở Hà Nội, lúc thời cơ đến, tho đường lối của Đảng và chỉ thị của Trung ương, mặc dù Mệnh lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa và Quân lệnh số Một chưa đến Hà Nội thì nhân dân Hà Nội, các chiến sĩ Việt Minh ở Hà Nội, tự vệ Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội, lúc đó chỉ có mấy chục đảng viên, nhưng hết sức sáng tạo, gan dạ, đồng lòng cùng với đông đảo đồng bào đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân.

Ngày nay, nước ta đã bước vào thời kỳ lịch sử mới. Kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Tháng Tám, chúng ta càng phải ôn lại những bài học lịch sử, những nhân tố cơ bản đã đưa nhân dân ta đến thắng lợi vĩ đại: Đường lối đúng đắn, chỉ thị cụ thể, chuẩn bị lực lượng, nắm đúng thời cơ, phát huy sức mạnh đoàn kết và nghị lực sáng tạo của toàn dân.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành được những thắng lợi cực kỳ to lớn về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Tuy nhiên, chúng ta phải có dũng khí nhìn thẳng vào sự thật. Sự thật ấy là nước Việt Nam ta còn nghèo nàn và lạc hậu. Ham muốn tột bậc của Bác Hồ lầ nước nhà được độc lập, thống nhất, chúng ta còn có nhiệm vụ làm cho nhân dân được tự do, hạnh phúc. Bác cũng thường nhắc nhở: Cuộc chiến đấu chống nghèo nàn, lạc hậu còn khó khăn hơn cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Do vậy, chúng ta có quyền tự hào với những thắng lợi đã giành được, nhưng không được chút nào tự mãn. Nhiệm vụ của chúng ta làm làm sao khi bước vào thế kỷ XXI và thiên niên kỷ thứ ba, thì đất nước Việt Nam sẽ vững bước tiến lên nhanh hơn nữa, tiến kịp các nước trung bình rồi các nước tiên tiến trên thế giới. Chúng ta có làm được điều đó không, biến ước mơ đó thành sự thật không? Có lẽ không một ai không tin rằng chúng ta sẽ làm và nhất định làm bằng được.


(1) Cuộc gặp mặt truyền thống do Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tổ chức với sự có mặt của 361 cựu chiến sĩ Việt Minh đã tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội năm 1945. Tổng Bí thư Lê Khá Phiêu, Cố vấn Đỗ Mười đã gửi lời chúc mừng, các ủy viên Bộ Chính trị Nông Đức Mạnh - Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Phú Trọng - Bí thư Thành ủy và nhiều vị lão thành cách mạng khác đã đến dự. Bài đăng trên Tap chí Xưa & Nay, số 78, tháng 8 năm 2000, tr.4-5.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2011, 06:39:51 am »

Muốn làm được nhiệm vụ lớn lao ấy, trước hết, chúng ta phải nhận rõ tình hình của đất nước, dân tộc ta đã tỏ ra rất anh hùng, rất tài giỏi về nhiều mặt, nhưng như trên đã nói, chúng ta đang còn là một nước lạc hậu và nghèo trên thế giới. Thu nhập quốc dân và năng suất lao động còn thấp hơn hàng chục lần so với các nước trung bình của thế giới, thấp hơn hàng trăm lần so với các nước tiên tiến. Trong lúc nước ta còn là một nước nông nghiệp, bắt đầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì có những nước đang tiến vào nền kinh tế tri thức, nền văn minh trí tuệ. Trào lưu toàn cầu hóa đang lôi cuốn cả hành tinh như một một cơn lốc, cách mạng khoa học và công nghệ đang phát triển với một nhịp độ siêu tốc. Chúng ta đang đứng trước những cơ hội mới đi đôi với những thác thức quyết liệt.

Trước đây, Mác đã từng tiên đoán thiên tài: đến một ngày nào đó, lực lượng lao động sẽ thay đổi, sẽ có một giai cấp công nhân khoa học, và hàm lượng lao động cơ bắp trong mỗi sản phẩm xã hội sẽ thu lại đến mức cực kỳ nhỏ bé (infiniment petit), còn hàm lượng chất xám, hàm lượng lao động trí tuệ sẽ ngày càng tăng. Hiện nay, lao động trí tuệ, chất xám đã trở thành lực lượng sản xuất tiên tiến nhất, lực lượng sản xuất hàng đầu. Trước đây, Lênin đã từng nói: Chủ nghĩa cộng sản là chính quyền Xô viết cộng với điện khí hóa. Nếu Lênin còn sống đến bây giờ tôi xin mạn phép Lênin nêu lên: Ở Việt Nam, chủ nghĩa xã hội là chính quyền nhân dân cộng với “tin học mới”, cộng với khoa học công nghệ tiên tiến nhất, những công nghệ mũi nhọn của nền văn minh trí tuệ, của nền kinh tế tri thức. Với tư cách là một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn, chủ nghĩa xã hội phải có lực lượng sản xuất tiên têín nhất, cao hơn chủ nghĩa tư bản.

Chúng ta cũng cảm thấy rằng, hiện nay, một số nước tư bản phát triển đang sử dụng sức mạnh kinh tế, công nghệ và quân sự để khống chế thế giới, gây ra những cuộc xung đột, chiến tranh và nhiều hiện tượng tiêu cực; mặt khác, chủ nghĩa tư bản thông qua các tập đoàn xuyên quốc gia, cũng đang nắm những thành tựu tiên tiến nhất về khoa học và công nghiệp của nhân loại.

Trong suốt tiến trình lịch sử của mình, dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu nước, có tinh thần đoàn kết và có trí tuệ thông minh sáng tạo. Trong lịch sử, chúng ta đã từng có trạng nguyên của hai nước. Gần đây, chúng ta có đoàn học sinh Olympic tin học quốc tế, đứng đầu 65 nước, đáng lẽ phải hoan nghênh ít nhất thì cũng phải tương đương với các đội bóng đá, các cuộc thi thời trang…

Hà Nội, có được những thành tựu như ngày nay là vì Hà Nội là nơi biểu hiện tập trung của truyền thống yêu nước Việt Nam và trí tuệ sáng tạo Việt Nam.

Hôm nay tôi mong rằng, kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, các chiến sĩ Việt Minh năm xưa đã cùng với nhân dân ta làm nên những việc tưởng chừng như không làm được, làm nên huyền thoại, thì bước sang thế kỷ mới, nhân dân Hà Nội, đảng viên Hà Nội, Việt Minh cũ, Việt Minh mới, cả “Việt Minh carê” nữa, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và dưới sự lãnh đạo của Trung ương, dám nhìn rõ sự thật, dám xốc tới vươn lên phát huy tinh thần yêu nước cao nhất, trí tuệ cao nhất, sáng tạo cao nhất để làm chu Thủ đô Hà Nội trở thành một thủ đô giàu mạnh nhất, trí tuệ nhất.

Trước đây, Hà Nội có Văn Miếu (Quốc Tử Giám) là trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam nghìn năm văn hiến, thì rồi đây, thực hiện bằng được nghị quyết của Trung ương và Chính phủ coi giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách số một, tiến hành một cuộc cách mạng mới về giáo dục và đào tạo, xác định phương hướng mục tiêu và mô hình tổ chức hợp lý về giáo dục, mà hiện nay đang xuống cấp, thì Thủ đô Hà Nội sẽ đề nghị với Trung ương và Chính phủ thành lập ở Thủ đô một trung tâm đại học tiêu biểu cho trí tuệ cả nước - một Quốc Tử Giám của thời đại Hồ Chí Minh.

Vào lúc này, tất cả chúng ta đều nhớ đến Bác Hồ kính yêu, đến các đồng chí lãnh đạo năm xưa, đến các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để chúng ta có được ngày nay, hớ đến các thế hệ Việt Nam đã chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Có thể nói, trên thế giới, chưa có một cuộc chiến đấu nào trong một thành phố lớn, một Thủ đô giữa một bên là nhân dân với bên kia là lực lượng vũ trang chính quy và hiện đại của kẻ địch mà lại giành được thắng lợi. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, lúc đầu Mác và Ăngghen có nói đến khởi nghĩa ở thành phố, nhưng sau thì cho rằng không thể khởi nghĩa được nếu phải đương đầu với quân đội chính quy của kẻ thù.

Như vậy, Hà Nội là Thủ đô văn hiến, có truyền thống thanh lịch và trí tuệ, lại là nơi đi trước, dũng cảm và sáng tạo trong Cách mạng Tháng Tám. Mong rằng, Hà Nội sẽ tiếp tục đi trước, sáng tạo và sáng tạo hơn nữa, xứng đáng với truyền thống Thăng Long - Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam anh hùng.

Hà Nội vừa có vinh dự được Liên hợp quốc trao tặng danh hiệu “Thủ đô của Hòa Bình”. Chúng ta đều nhận thức, có được hòa bình là do thành quả chiến đấu và lao động của nhiều thế hệ nhân dân Hà Nội và nhân dân cả nước.

Cho nên, vừa rồi, được biết Hà Nội có ý sẽ xây dựng một tượng đài Hòa bình, đó là một sáng kiến tốt, cần phải xây dựng thật tốt vì đây là một công trình thế kỷ, công trình thiên niên kỷ, nhưng theo tôi, dưới chân tượng đài nên có một hệ thống phù điêu hoành tráng nói lên được cả quá trình chiến đấu và lao động của nhân dân Hà Nội.

Chúc Thủ đô Thăng Long - Hà Nội, ngày nay là Hà Nội của thời đại Hồ Chí Minh mãi mãi xứng đáng là Thủ đô của Việt Nam, tỏa sáng ở Đông Nam Á, ở Viễn Đông và trên thế giới
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2011, 06:43:08 am »

TRẬN CUỐI CÙNG “ĐỂ CHO NHỮNG THẾ HỆ
SAU NÀY MÃI MÃI ĐƯỢC SỐNG VỚI ĐỘC LẬP
TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC”
(1)

Thưa đồng bào,

Sau mấy chục năm tranh đấu quyết liệt chống bọn cướp nước, chúng ta đã gặp được thời cơ thuận tiện là cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai này. Bắt đầu từ năm 1940, nhân dân ta sửa soạn đứng lên đuổi người Pháp, rồi người Nhật để lấy lại nền độc lập. Trong bí mật, các tổ chức cách mạng của Mặt trận Việt Minh đã lan tràn trong cả nước, ở nơi rừng xanh núi đỏ các bộ đội du kích đã phát triển và tiến tới một khu giải phóng gồm sáu tỉnh miền Thượng du và Trung du Bắc Kỳ thành lập Việt Nam giải phóng quân đã mở đầu việc kiến thiết nước Nam mới. Rốt cuộc tổng khởi nghĩa đã đoạt được Chính quyền về tay nhân dân và thực hiện sự thống nhất quốc gia từ cửa Nam Quan đến núi Cà Mau. Trải muôn ngàn nỗi gian lao nguy hiểm trong đó biết bao chiến sĩ anh dũng của chúng ta đã hy sinh cho Tổ quốc, chúng ta mới có ngày nay. Giờ đây, mấy chục vạn đồng bào có mặt ở đây, cũng như hai mươi triệu đồng bào ở khắp nước, đều hồi hộp, phấn khởi dưới bóng cờ đỏ sao vàng và cùng với Chính phủ thề hy sinh đến cùng để giữ đất nước, chúng ta tuyên bố với thế giới cái quyền sống và cái kết quả cuộc chiến đấu của dân tộc ta, nó là một sự thực không ai có thể chối cãi được.

- Nước Việt Nam độc lập đã xuất hiện.

- Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập.

Sự nghiệp to tát đó sở dĩ thực hiện được là nhờ ba nguyên nhân:

Nguyên nhân thứ nhất là cuộc chiến đấu của các bậc tiên liệt đã đầu rơi rỏ máu trong bảy tám mươi năm dưới gót sắt của bọn xâm lược tàn ác, hoặc tại pháp trường, hoặc trong lao tù, hoặc ngoài mặt trận.

Nguyên nhân thứ hai là sự đoàn kết của các phần tử tiền phong trước đây và của toàn dân trong lúc này.

Nguyên nhân thứ ba là trào lưu dân chủ toàn thế giới. Sự đại thắng của Mặt trận chống phátxít đã có ảnh hưởng quyết định đến vận mệnh của nước ta.

Tuy vậy nước Việt Nam độc lập và Dân chủ Cộng hòa mởi vào những ngày đầu, hãy còn non nớt, nên chúng ta cần phải làm cho nó chóng đi đến bước trưởng thành, vững chãi, không có sức nào lấn át, lay chuyển được.

Do đó, Mặt trận Việt Minh vốn đã mở rộng, lại biến thành hẳn một phong trào cứu quốc cho toàn thể nhân dân, trong đó tất cả mọi đoàn thể, tất cả mọi cá nhân có ý chí phụng sự quốc gia đều đứng lên cùng gánh vác nhiệm vụ nặng nề là làm thực hiện sự đoàn kết của toàn dân chống mọi mưu đồ xâm lược. Một Chính phủ lâm thời có đại biểu của đủ các giới tham dự đã thay cho Ủy ban Nhân dân Cách mạng mà Quốc dân đại hội do Tổng bộ Việt Minh triệu tập đã cử ra.

Chính phủ Lâm thời bây giờ là ý chí của toàn quốc chứ không phải là ý chí của một tổ chức chính trị nào. Từ khi thành lập, nó đã kêu gọi quốc dân đoàn kết thêm, bố trí cuộc chiến đấu mạnh mẽ thêm. Tinh thần của dân ta ngày càng cao, lực lượng của nhân dân ta ngày càng lớn, Trung, Nam, Bắc cùng một lòng. Sĩ, Công, Nông, Thương, Binh cùng chung một chí. Cả đến các giáo sĩ đạo Phật và Cơ Đốc, cả đến vua Bảo Đại cũng đã nhiệt liệt hưởng ứng, tình nguyện góp sức đánh quân thù. Chính phủ Lâm thời là do sự đoàn kết, phấn đấu của nhân dân mà xuất hiện, nó lại làm cho sự đoàn kết, sâu rộng hơn nữa.

Để tăng gia và củng cố sự đoàn kết và phấn đấu ấy, chỉ nay mai Chính phủ Lâm Thời sẽ ra Sắc lệnh triệu tập Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ. Các đại biểu của Quốc hội đều do dân bầu theo lối phổ thông đầu phiếu. Quốc hội sẽ đem lại cho chúng ta một hiến pháp và một Chính phủ chính thức.


(1) Ngày Lễ Độc lập diễn ra trên Quảng trường Ba Đình lịch sử 2-9-1945 là một sự kiện trong đại. Tạp chí í Xưa & Nay đã đăng bài tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên tờ Cứu quốc 5-9-1945 Tạp chí ( Xưa & Nay, số 19, IX-1995) mô tả lại không khí hào hùng và những diễn biến chính của ngày lễ. Theo chương trình của buổi lễ, sau Bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác Hồ đọc là bài phát biểu của Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp. Để bạn đọc hình dung được bối cảnh lịch sử và ý nghĩa của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, Tạp chí Xưa & Nay, số 67, tháng 9 năm 1999 đăng lại toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đăng trên báo Cứu quốc ngay sau ngày Lễ Độc lập. Tiêu đề do Tạp chí Xưa & Nay đặt.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2011, 06:44:32 am »

Trong lúc chờ Quốc hội, Chính phủ Lâm thời có nhiệm vụ phải thi hành ngay những phương sách cấp bách về nội trị, ngoại giao, kinh tế, tài chính, văn hóa và cứu tế.

Về nội trị, chính sách của Chính phủ Lâm Thời là thống nhất và đoàn kết. Sự phân liệt Trung, Nam, Bắc sẽ không còn. Sự chia rẽ các dân tộc trên giải đất Đông Dương sẽ mất hẳn. Những người lầm lỗi mà biết quay lại con đường chính nghĩa sẽ được tha thứ. Tài sản và sinh mệnh của đồng bào ngoại quốc bao giờ cũng được tôn trọng. Chỉ có một điều đáng nêu cao là chính quyền của nhân dân kiên quyết bảo đảm tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Bởi chú trọng đến điều đó, nên một mặt Chính phủ đã bắt đầu đặt sự liên lạc mật thiết giữa Trung ương và các địa phương để thi hành một chính sách duy nhất cho khắp nơi, đặng tránh những hiểu nhầm hoặc lạm dụng, một mặt Chính phủ đã sửa soạn nâng cao ý thức của quần chúng bằng tuyên truyền, cổ động và giáo dục để quần chúng biết “giữ” và biết “dùng” quyền tự do dân chủ đã giành được.

Về quân sự, đội quân Giải phóng thành lập trong những ngày lưu huyết trên chiến khu và đã ghi được những thành tích rực rỡ, đang chỉnh đốn và mở rộng thành quân đội Quốc gia đủ mạnh mẽ để bảo vệ nền Độc lập và Chính phủ Dân chủ Cộng hòa.

Việc đào tạo những cán bộ quân sự để chỉ huy quân đội chính thức cùng là du kích và dân quân sẽ thành công cấp tốc để đối phó với tình thế.

Mưu mô xâm lăng của đế quốc Pháp đang đe dọa chúng ta, nhưng với sự đoàn kết, hy sinh của toàn dân ở đằng sau những đội quân cảm tử, chúng ta sẽ thắng. Và nhất định chúng ta sẽ đập nát tất cả những cùm xích mà bọn xâm lược chực đeo vào cổ dân tộc ta một lần nữa.

Về kinh tế, sự bóc lột của Pháp và Nhật làm cho kinh tế nước ta nguy ngập. Năng lực sản xuất bị nạn độc quyền kìm hãm, những ngành công nghệ bị chế biến thành những cơ quan chết tạo vật phẩm chỉ hữu dụng cho bọn quân phiệt, những đường mối thương mại bị nạn đầu cơ tích trữ làm cho rối bét. Ngày nay để phục hưng nền kinh tế, có người tưởng Chính phủ phải quốc hữu hóa tất cả những công cuộc doanh thương. Nhưng Chính phủ sẽ không làm thế. Chính phủ sẽ kiến thiết nền quốc dân kinh tế để cho ai nấy được tự do kinh doanh. Và hơn nữa, Chính phủ còn khuyến khích, nâng đỡ tư nhân trong những công cuộc kinh doanh to tát.

Về tài chính, chúng tôi cũng không ngần ngại gì mà tuyên bố ngay rằng tình hình rất đáng lo ngại và chắc chắn là Chính phủ sẽ gặp nhiều sự khó khăn. Nhưng Chính phủ đang trù tính những phương pháp vượt qua những khó khăn ấy.

Mặc dầu những nỗi khó khăn mà Chính phủ đã lường trước được, Chính phủ cũng sẽ thi hành dần dần những điều mà quốc dân mong mỏi như bãi bỏ thuế thân, thuế chợ để giúp cho sinh kế của người nghèo được dễ dảng.

Nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng các công cuộc kiến thiết và nhất là việc xây dựng quân đội quốc gia cần đến nhiều tiền. Cho nên để bù lại chỗ hao hụt của ngân quỹ, tất cả những phương sách đặc biệt như công trái, lạc quyên, đặt thuế lợi tức.

Trong những cách giải quyết ấy, Chính phủ trông cậy một phần lớn vào lòng ái quốc của đồng bào. Và chúng tôi tin rằng giờ phút nghiêm trọng này không còn một ai không nhận rõ là nước mất thì nhà cũng phải tan, nền Độc lập và chế độ Dân chủ Cộng hòa lung lay thì quyền lợi của riêng mình cũng sẽ không toàn vẹn. Quân thù mà trở lại đây được thì đừng nói là tự do của đồng bào, ngay đến tài sản của đồng bào cũng bị giày xéo.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2011, 06:45:40 am »

Về văn hóa, Chính phủ đã lấy lượng khoan hồng mà đối đãi những nhà văn, nhà báo trước kia đi lạc đường. Ty kiểm duyệt tuy còn tam giữ là để tránh những việc thông tin hay tuyên truyền có hại đến những việc ngoại giao hay nội trị biến chuyển hàng ngày. Nhưng rồi đây, khi tình hình chính trị đã sáng tỏ, quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, sẽ ban bố ngay.

Nền giáo dục mới đang ở thời kỳ tổ chức. Chắc chắn là bậc sơ học sẽ cưỡng bách, bậc trung học sẽ không có học phí, học trò nghèo sẽ được cấp học bổng. Việc giảng dạy hết sức thiết thực sẽ đặc biệt chú trọng đến sự rèn luyện đức tính cần thiết trong cuộc đời đoàn thể rộng rãi và năng lực về kỹ thuật cần lao của con người. Trong thời gian rất ngắn sẽ ban hành lệnh bắt buộc học chữ quốc ngữ để chống nạn mù chữ đến triệt đề. Vấn đề vô cùng quan trọng ấy chúng ta chẳng chờ đến lúc sự sinh hoạt trở nên bình thường mới giải quyết. Ngay trong cái hoàn cảnh eo hẹp này, chúng ta cũng quả quyết tiến hành.

Một nền học thuật Quốc gia sẽ gây dựng ngay và sẽ bắt đầu bằng việc thiết lập những ban chuyên môn nghiên cứu về từng ngành hoạt động tinh thần. Những tập quán, phong tục đồi bại, phản tiến bộ sẽ bị triệt bỏ cũng như tất cả những văn chương uế tạp bông lông đầu độc dân chúng!

Về cứu tế, nạn lụt hiện thời đặt chúng ta đứng trước một vấn đề lớn lao có ảnh hướng đến chính trị. Đó là vấn đề có gì ăn và một, hai tháng nữa phải tiếp tế cho dân những tỉnh thiếu gạo vì mất mùa. Cố nhiên là Chính phủ phải đẩm nhận cái trọng trách giữ cho nạn đói khỏi trở lại tàn sát đồng bào như mấy tháng trước đây.

Nhưng các nhà hằng sản ở khắp nơi trong nước cũng nên coi việc cứu giúp cho đồng bào như một bổn phận thiêng liêng chẳng những vì nhân đạo mà còn vì tương lai dân tộc.

Về ngoại giao, dư luận rất chú ý đến những phái bộ Đồng minh đã lục tục tới Hà Nội, và ai nấy đều băn khoăn về những kết quả ngoại giao của Chính phủ.

Trước hết, chúng tôi mong quốc dân hãy nhận định tình thế một cách trầm tĩnh để tránh những xu hướng quá chủ lạc quan, hay quá bi quan.

Chính sách ngoại giao của chúng ta dựa vào hai yếu tố: một là hoàn cảnh quốc tế, hai là lực lượng của chúng ta.

Hoàn cảnh quốc tế hiện thời có nhiều điều thuận lợi cho cuộc giải phóng dân tộc ta. Từ Hiến chương Đại Tây Dương cho đến các Hiệp định Têhêrăng, Yanta, Cựu Kim Sơn, nguyên tắc tự quyết dân tộc đã nêu cao. Các cường quốc trong Mặt trận dân chủ đã tuyên bố chiến đấu cho nền hòa bình thế giới, thì không có lý do gì mà ngày nay lại bảo vệ cho đế quốc Pháp đem quân đến gây chiến tranh với nước Việt Nam độc lập. Các cường quốc trong Mặt trận dân chủ đã tuyên bố chiến đấu cho sự bình đẳng giữa các nước, thì không có lý gì lại giúp cho đế quốc Pháp trở lại đè nén, bóc lột dân Việt Nam.

Chúng ta và cả thế giới không thể tưởng tượng được rằng sau khi đã tự ý đứng về phe Đồng minh đánh phátxít Nhật ở Đông Dương, sau khi đã góp xương máu vào cuộc chiến đấu của Đồng minh trên mặt trận Thái Bình Dương, chính chúng ta lại bị Đồng minh coi như sẽ phải ở dưới ách nô lệ của bọn thực dân Pháp là bọn đã bằng lòng cho phátxít Nhật chiếm đóng Đông Dương để làm căn cứ tiến công Phi Luật Tân, Mã Lai, Miến Điện, Hoa Nam, đã hàng phục phátxít Nhật, cộng tác với phátxít Nhật suốt thời kỳ chiến tranh. Kíp điến khi Nhật bị nguy hiểm, cướp đoạt cả quyền hành để tiện đối phó với Đồng minh, thì bọn Pháp tính đến việc trốn chạy hay đầu hàng hơn là chống lại. Trái lại, dân chúng Việt Nam đã hăng hái nổi lên đánh Nhật ở Thượng du và Trung du Bắc Kỳ, đã gây ra phong trào bài Nhật, bất hợp tác với Nhật ở khắp trong nước.

Chúng ta lại cần nói cho Đồng minh biết rằng trong suốt ba năm trời, Việt Minh luôn luôn kêu gọi người Pháp ở Đông Dương hợp tác kháng Nhật, thì họ, chẳng những đã làm lơ, mà còn thẳng tay đàn áp, bắt bớ, bắt giết những chiến sĩ chống phátxít. Ấy thế mà mỗi khi thắng trận gặp bọn Pháp bị Nhật cầm tù, chúng ta đều giải phóng cho họ.

Ngày nay, chúng đã nắm chính quyền trong tay, đối với người Pháp chúng ta vẫn đối đãi tử tế. Nhưng đó không phải là thái đội khiếp nhược hay trìu mến họ đâu. Họ nên biết điều mà công nhận quyền độc lập hoàn toàn của ta. Bằng như họ định dùng võ lực xâm phạm đến đất nước ta thì ta sẽ rỏ đến giọt mấu cuối cùng để chống lại họ. Và chắc chắn họ sẽ thất bại một cách đau đớn.

Đó là chính sách thân thiện của chúng ta đối với tất cả các nước. Riêng đối với Trung Hoa và Mỹ, chúng ta có một cảm tình đặc biệt. Trung Hoa là nước gần gũi ta nhất về địa thế và sinh hoạt, kinh tế cũng như văn hóa.

Những Hoa kiều ở đây đã bao lâu cùng với chúng ta chịu đau khổ dưới sức đè nén của Pháp rồi Nhật, đã sống giữa chúng ta một cách thân mật chẳng khác gì đồng bào ta, ngày nay đều mang sung sướng được thấy ngày giải phóng chung của hai dân tộc. Họ đã hoan nghênh, ủng hộ nền độc lập Việt Nam và Chính phủ Việt Nam sẽ bảo vệ quyền lợi của họ. Họ sẽ cùng chúng ta hưởng tự do, hạnh phúc trong một bầu không khí thân thiện, bình đẳng hoàn toàn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2011, 06:46:24 am »


Trong mọi việc ngoại giao hiện thời, điều đáng chú ý nhất là thái độ của Chính phủ Pháp Đờ Gôn đối với nền độc lập của chúng ta. Về mặt tuyên truyền, họ cố ý gây sự hiểu nhầm của các nước Đồng minh, hiểu nhầm hiện tình Đông Dương. Lúc thì họ nói là chúng ta trung thành với họ, vì họ mà đánh Nhật; lúc thì họ nói chúng ta là tay sai của Nhật, lúc thì họ vu cáo ta tàn sát đàn bà, trẻ em Pháp kiều. Nhưng chúng ta có đủ bằng cớ để đập tan những mưu mô xảo quyệt ấy. Về mặt chính trị thì họ đã bổ viên toàn quyền mới và ngầm xui những công chức người Pháp cứ âm mưu giành lại các công sở. Về mặt quân sự, họ sửa soạn đem quân vào Đông Dương. Nói tóm lại, cứ theo những tin thức nhận được gần đây thì rõ ràng là họ có ý lập lại chính quyền ở nước ta. Ta thề sống chết với họ. Dân tộc ta vốn chuộng hòa bình, song khi cần đổ máu thì cũng quả quyết đổ máu.

Thưa đồng bào.

Rồi đây tất cả mọi phương tiện, nhất là về ngoại giao, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Chúng ta không ỷ lại vào ai hết. Chúng ta cũng không cầu một sự may mắn nào. Chúng ta phải tự lo liệu để định doạt lấy số phận của chúng ta. Muốn cho nội trị hoàn hảo, ngoại giao thắng lợi, chúng ta phải mau mau gây một lực lượng bằng sự thống nhất, đoàn kết, bằng sự rèn luyện chiến đấu hy sinh, bằng những hành động ủng hộ Chính phủ một cách thiết thực.

Trong lúc này, chia rẽ, hoài nghi, lãnh đạm đều là phản quốc. Trong lúc này, tâm trí mỗi người dân phải hướng cả về sự chiến đấu cho nền độc lập, sự lo lắng của mỗi người phải là một sự lo lắng chống ngoại xâm. Chỉ có thế mới thoát được họa diệt vong, mới tránh được ách nô lệ.

Hỡi đồng bào thân yêu, con cháu của Trần Quốc Tuấn, của Lê Lợi hãy đứng dậy, xếp chặt đội ngũ để đợi lệnh của Chính phủ Lâm thời.

Để cảnh cáo những kẻ định tái diễn thủ đoạn xâm lược, chúng tôi xin nhắc lời của ông Tưởng Giới Thạch nói về thái độ của các dân tộc phương Đông bị áp bức khi cuộc thế giới chiến tranh này kết liễu: “Nếu họ không được tự do, bình đẳng thì một cuộc thế giới chiến tranh thứ ba sẽ theo gót cuộc thế giới chiến tranh thứ hai này, như cuộc thế giới chiến tranh này đã học theo gót cuộc thế giới chiến tranh thứ nhất vậy”.

Dân tộc Việt Nam phải được độc lập, tự do, bình dẳng. Đó không phải chỉ là nguyện vọng riêng của dân chúng Việt Nam mà còn là nguyện vọng chung của tất cả các nước dân chủ. Dân chúng các nước ấy đã hy sinh chiến đấu để phụng sự công lý, chứ không phải để phụng sự áp bức. Nếu dân chúng các nước ấy đều thiết tha mong mỏi trông thấy các dân tộc nhỏ yếu được giải phóng thì họ cũng nghĩ như ông Tưởng Giới Thạch rằng: “Cuộc chiến tranh đã hết thì đế quốc chủ nghĩa cũng phải hết nốt, vì đế quốc chủ nghĩa tức là nguyên nhân của chiến tranh”.

Dân tộc Việt Nam đòi độc lập, tự do, bình đẳng đến cùng. Đòi bằng ngoại giao, ôn hòa chẳng được thì chúng ta hãy tuốt gươm. Chúng ta sẵn sàng nhận tất cả mọi sự có thể xảy đến. Chúng ta có thể không mạnh bằng kẻ địch, song chúng ta sẽ thắng kẻ địch như chúng ta đời Trần. Chúng ta có thể thua năm mươi trận, nhưng thắng lợi nhất định sẽ về tay chúng ta.

Dù sao đi nữa, chúng ta quyết chí nỗ lực chiến đấu thì nhất định chúng ta duy trì được những thắng lợi ngày hôm nay. Đúng như lời ông Rudơven, sự áp bức và tàn bạo đã làm cho chúng ta biết tự do nghĩa là gì.

Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân ta sẽ đem hết của cải, xương máu ra xây đắp, tô điểm non sông, làm cho nước Việt Nam yêu quý của chúng ta lại được tươi sáng, phú cường bao năm lâm than kiệt quệ.

Noi theo truyền thống của các thế hệ trước, thế hệ chúng ta sẽ đánh một trận cuối cùng để cho những thế hệ sau này mãi mãi được sống với độc lập, tự do và hạnh phúc.

In trên báo Cứu quốc   
Số 40, 41, 42, 43 và 49,
Tháng 9-1945        
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Giêng, 2011, 07:01:17 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM