Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 12:10:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với sử học Việt Nam  (Đọc 70034 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #100 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2011, 06:33:55 am »

Đến đây, tôi muốn nói rõ: về mặt công tác chính trị trong quân đội (gọi tắt là quân chính), Bí thư Quân ủy Trung ương Võ Nguyên Giáp là một vị chỉ huy có biệt tài, một nhà chính trị rất vững vàng trong quân đội.

Ngay từ khi chuẩn bị cuộc kháng chiến chống Pháp và ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Đảng đứng đầu là Bác Hồ, anh Văn rất coi trọng công tác chính trị và tư tưởng. Anh đã nhiều lần phân tích và nhấn mạnh tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng thực dân Pháp của toàn dân, toàn quân ta. Ngay từ hồi ấy, anh cũng đã nhiều lần phân tích về luận điểm chiến tranh toàn dân của Đảng.

Trong trận Điện Biên Phủ, giữa khói lửa và bom đạn dữ dội, một số chiến sĩ và cán bộ chỉ huy nản chí, thậm chí có những chiến sĩ bỏ ngũ. Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp lãnh đạo một cuộc đấu tranh tư tưởng rất kiên quyết, khẳng định quyết tâm giành toàn thắng của toàn dân, toàn Đảng, toàn quân. Chính vào những giờ phút đó, đồng chí đã viết một bảo báo cáo hùng hồn và thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn, lôi cuốn toàn quân ở mặt trận, lôi cuốn cả những người trót sa ngã về tinh thần, giúp họ trở lại đội ngũ chiến đấu.

Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ và suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, bằng cái bài viết và qua nhiều buổi nói chuyện, anh Văn cũng luôn luôn phân tích tinh thần đánh đánh, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ của toàn dân và toàn quân ta.

Từ năm 1970 đến năm 1972, với tư cách là Bí thư Quân ủy Trung ương, đồng chí Võ Nguyên Giáp dành nhiều thời gian trình bày với các cán bộ chỉ huy trung cao cấp toàn quân bảy bài giảng. Đó là bảy bài giảng nổi tiếng về việc tổng luận bước đầu lịch sử học thuyết quân sự Việt Nam từ xưa tới lúc bầy giờ. Đó cũng là bảy bài giảng nổi tiếng về hàng loạt vấn đề quân chính trọng yếu của cuộc chiến tranh giải phóng, góp phần giải quyết nhiều vấn đề cơ bản về thực tiễn và lý luận giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bảy bài giảng là một thành công, độc đáo nữa của công tác chính trị trong quân đội (tức là công tác quân chính) suốt từ ngày thành lập quân đội ta cho tới nay.

Phương pháp công tác chính trị trong quân đội của anh Văn là: thẳng thắn, nghiêm tục nhưng không bao giờ dẫn đến quy kết về tư tưởng một cách tùy tiện hoặc vội vã, không bao giờ tạo ra một không khí nặng nề.

Nghe anh Văn phân tích các vấn đề chính trị dù lớn hay nhỏ, tướng sĩ thường tiếp nhận được sâu sắc các quan điểm chính trị của Đảng, thấm sâu các quan điểm đó vào trái tim và khối óc rồi dần dần biến các quan điểm đó thành sức mạnh tinh thần và vật chất của mỗi người trong chiến đấu.

Các bài nói và bài viết của anh Văn về đường lối chính trị của Đảng thương làm dấy lên trong chiến sĩ niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam,về truyền thống yêu nước nhân văn chủ nghĩa của dân tộc.

Trên đây chỉ là một số trong nhiều dẫn chứng về biệt tài và sự vững vàng về công tác quân chính của Bí thư Quân ủy Trung ương Võ Nguyên Giáp.

* Thưa Thượng tướng, về mặt con người của Đại tướng, Tổng Tư lệnh?

Anh Văn là tấm gương sáng về đạo đức và về sinh hoạt của một người đứng đầu toàn quân và của một nhà văn hóa. Là Đại tướng, Tổng Tư lệnh nhưng bữa ăn hàng ngày của anh Văn bao giờ cũng đạm bạc, quần áo của anh mùa nào cũng chỉ có vài bộ quân phục và thường phục bằng vải thường.

Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thường nhấn mạnh đến công lao, tài năng và đạo đức của chác chiến sĩ và của cán bộ chỉ huy các cấp. Anh Văn rất ít nói đến bản thân mình. Ở anh Văn, sự độ lượng và đức khoan dung thật là sâu rộng.

Anh có tác phong quần chúng tốt. Anh là người rất quyết đoánh nhưng cũng rất gương mẫu trong việc thực hành dân chủ quân sự.

Là Bí thư Quân ủy Trung ương kiêm Tổng Tư lệnh, đồng chí Võ Nguyên Giáp đoàn kết và tập hợp được ba quân.

Anh Văn được nhân dân, quân đội và giới trí thức đặc biệt quý mến. Hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm ngày sinh anh, hết đoàn nọ đến đoàn kia, hết cá nhân này đến cá nhân khác tới nhà riêng của anh để chúc mừng. Đó là chưa kể nhiều thư, điện và tặng phẩm từ khắp nơi gửi về.

Ảnh hưởng và uy tín của Đại tướngTổng Tư lệnh trong toàn quân và toàn dân cũng như trong giới trí thức chẳng những đã từng sâu sắc và mạnh mẽ trong hơn 30 năm chiến tranh trước đây, mà còn tiếp tục sâu sắc và mạnh mẽ ngay cả vào thời điểm hiện nay, gần 20 năm sau khi đồng chí lần lượt thôi giữ các trọng trách trong Đảng, Nhà nước và quân đội.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #101 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2011, 06:37:52 am »

* Thưa lão tướng, tôi xin phép được ghi lại một vài kỷ niệm của lão tướng với đồng chí Tổng Tư lệnh trong cuộc đại trường chinh vừa qua của dân tộc?

Vị Tư lệnh 80 tuổi chớp chớp đôi mắt và sau hồi lâu im lặng, giơ tay bóp trán, nói tiếp, chậm và rõ:

- Những kỷ niệm của tôi với người Anh Cả của toàn quân Võ Nguyên Giáp suốt dọc cuộc trường chinh gian nan và oanh liệt của dân tộc rất nhiều, không sao kể hết và đến tận bây giờ, vẫn tươi thắm trong trái tim tôi.

Nắm cơm vắt, mớ rau rừng mà anh Văn và các đội du kích chúng tôi cùng nhau chia sẻ những năm tháng hoạt động bí mật ở chiến khu trước Cách mạng Tháng Tám là những hình ảnh bất diệt, mãi mãi còn đây…

Vâng, mãi mãi còn đây hình ảnh anh Văn và các chiến sĩ du kích Cao Bằng cùng nhau hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám…

Vâng, mãi mãi còn đây hình ảnh anh Văn với chiếc mũ phớt cũ, bộ comple nâu đã sờn, quần xắn tới bụng chân, khẩu súng lục đeo bên hông, chỉ huy các đội du kích, trong lòng dân, giữa núi rừng, đánh thắng những trận nhỏ mở đầu.

Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, mỗi khi hành quân, tôi thường phải đi trước, ngay gần anh Văn và bám đội hình phía trước. Nếu anh Văn đi theo không kịp, tôi sẽ báo hiệu cho đồng đội chậm lại chờ anh Văn. Leo dốc núi, đôi khi tôi phải kéo tay anh Văn. Vâng cứ thế, cứ thế, chúng tôi gắn bó với nhau trong lửa đạn suốt từ ngày ấy cho đến ngày 30-4-1975, và cho đến hôm nay.

Cho đến hôm nay, trong lòng tôi và trong lòng biết bao đồng chí khác, anh Văn vẫn là Đại tướng, Tổng Tư lệnh thân yêu như những ngày nào xa lắm, xa lắm mà cũng gần lắm, gấn lắm…

Cho đến hôm nay, mỗi lần nghĩ tới cuộc đại trường chinh của dân tộc và mỗi lần nghĩ tới đồng chí Tổng Tư lệnh, tôi lại nhớ ngay đến bản hành khúc Trường chinh ca hùng tráng, hiên ngang, xúc động, thắm thiết và tràn ngập lạc quan của nhạc sĩ chiến binh Lương Ngọc Trác, nhất là bản hành khúc Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ tài hoa và lỗi lạc Văn Cao, bản hành khúc Cảm tử quân của nhạc sĩ xuất sắc Hoàng Quý. Tôi nói điều này vì suốt hơn 30 năm chống Pháp và chống Mỹ, nhiều bản nhạc của Hoàng Quý, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình thi, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Phó Đức Phương, Nguyễn Đức Toàn và nhiều nhạc sĩ khác đã thôi thúc nhịp tước hành quân của bộ đội chúng ta.

Điều cuối cùng nhưng hết sức quan trọng tôi cần nhấn mạnh: Bác Hồ là người đầu tiên rèn luyện, dìu dắt Võ Nguyên Giáp và trao các trọng trách cao nhất về quân sự và quân chính cho Võ Nguyên Giáp. Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, nhân dân và quân đội ta sản sinh ra Võ Nguyên Giáp. Về phần mình, Võ Nguyên Giáp hoàn toàn xứng đáng với sự tín nhiệm và sự rèn luyện đó của Bác Hồ, nhân dân và quân đội. Khi còn sống, chính Bác Hồ đã từng gọi Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là người Anh Cả của quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là một vinh dự hết sức to lớn của Võ Nguyên Giáp.

Vị lão tướng đứng dậy, nhin về xa xa. Lát sau, ông đi đi lại lại và kết luân:

- Tôi chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ lưỡng sự nghiệp của anh Văn.

Trên đây, nhân dịp đồng chí Võ Nguyên Giáp 90 tuổi, tôi mới chỉ nêu một số ý kiến bước đầu của mình về hai mặt quân sự và quân chính của Đại tuóng, Tổng Tư lệnh yêu quý của nhân dân và quân đội ta dưới cái nhìn của một chiến binh ngót 60 năm chiến đấu dưới lá quân kỳ Quyết Thắng.

Còn biết bao nhiều nét đặc sắc nữa của nhân vật lịch sử Võ Nguyên Giáp mà tôi không thể biết hết. Ngay cả những điều tôi biết về anh Văn, tôi cũng không thể có đủ thời gian nói hết trong một bài phỏng vấn đã dài và kỹ lưỡng như bài này. Toàn quân và toàn dân trân trọng ghi nhận: đồng chí Tổng Tư lệnh đã đóng góp công sức đặc biệt to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quân đội từ 34 người với một ít vũ khí thô sơ năm 1944 trở thành hàng chục quân chủng và binh chủng hôm nay hiện đại, hùng mạnh. Đây là một vấn đề rất lớn. Dịp khác, thời gian rộng rãi hơn, tôi sẽ nói kỹ.

Tôi nghĩ: cần phải có, và chắc chắn sẽ có nhiều công trình nghiên cứu công bằng về sự nghiệp đồ sộ nhiều mặt (quân sự, chính trị, văn hóa, xây dựng quân đội, đạo đức, v.v) của Đại tướng, Tổng Tư lệnh.

Tôi cũng nghĩ: đóng góp của đồng chí Võ Nguyên Giáp trên các lĩnh vực chính trị và văn hóa là to lớn. Nhưng vì không chuyên trách về hai lĩnh vực này, tôi xin nhường lời cho các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa.

Giáo sư, Thượng tướng Hoành Minh Thảo gỡ chiếc kính lão đang đeo và nói rành mạch từng chữ từng lời: Hình ảnh anh Văn với chiếc mũ phớt cũ, bộ complê nâu đã sờn, quần xắn tới bụng chân, khẩu súng lục đeo bên hông, trước đây đã từng có mặt trong vô số trận đánh lớn nhỏ khắp đất nước suốt từ ngày thành lập quân đội tới ngày toàn thắng, giờ đây vẫn tiếp tục có mặt trên khắp đất nước Việt Nam Mới đang hòa bình và xây dựng.

Lão tướng Hoàng Minh Thảo ngừng phát biểu. Đôi mặt vị Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên nặng trĩu suy tư. Căn phòng trở lại im lặng.

Vừa lúc ấy, một nhà báo bước vào. Thượng tướng dặn tôi: nhớ trở lại nhiều lần để ông sửa chữa kỹ bản thảo.

Lần sau cùng, tiễn tôi ra tận cổng căn biệt thự đang sửa chữa (lúc 20 giờ 30 ngày 2-8-2001), Thượng tướng dừng lại ở cổng lâu hơn một lần. Vị giáo sư lão tướng, gương mặt hiền từ dưới ánh đèn đêm lờ mờ trên đường phố, nắm chặt tay tôi, nói chầm chậm bằng một giọng thật nhẹ nhàng và ấm áp: - Anh Văn đúng là một con người có bản lĩnh lớn, bản lính lớn, bởi vì anh đã bình tĩnh và tbình thản vượt qua những năm tháng sóng to gió lớn của cuộc chiến tranh nhân dân giải phóng và của chính cuộc đời mình…

Dắt xe đạp xuống đường, rồi quay đầu lại, tôi vẫn thấy vị giáo sư lão tướng tươi cười và điểm tĩnh giơ tay vẫy chào tạm biệt...

Hà Nội, đầu tháng 8-2001
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Hai, 2011, 07:14:16 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #102 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2011, 10:23:45 am »

VÕ NGUYÊN GIÁP
SỰ KẾT HỢP CỦA QUÂN SỰ VÀ VĂN HÓA
(1)

GS. ĐINH XUÂN LÂM

Thời thế tạo anh hùng, nhưng anh hùng góp phần tạo ra thời thế, đó là quy luật của lịch sử. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - là một minh chứng.

Thực vậy, đối với một bé trai sinh trưởng tại một làng quê hẻo lánh (An Xá), một huyện nghèo (huyện Lệ Thủy) của một tỉnh thuộc vào một loại nghèo nhất miền Trung (tỉnh Quảng Bình), lại xuất thân trong một gia đình trung nông, quanh năm không đủ bảo đảm một mức sống trung bình, thì con đường đi thông thường là lớn lên đi học, và nếu thông minh học giỏi sẽ đỗ đạt, có bằng cấp để rồi làm thầy giáo dạy học hay công chức trong bộ máy chính quyền thuộc địa lúc đó. Thế nhưng, anh thanh niên sau này đi hoạt động cách mạng với cái tên Văn thân mật - một cái tên phản ánh đúng bản chất văn hóa, tính cách nhân văn của con người về sau trở thành một vị tướng lĩnh, một người hành nghề võ - lại may mắn có điều kiện tốt đẹp góp phần bồi dưỡng nên nhân cách cao quý và tài năng lỗi lạc sau này.

Trước hết, phải kể tới truyền thống gia đình, cụ thân sinh vốn là một nhà Nho dạy học trong vùng. Trong xã hội cũ trước cách mạng, thầy đồ rất có uy tín, thường được nhiều người tin tưởng và noi theo. Cụ thân sinh là cháu ngoại một vị lãnh binh tham gia phong trào Cần Vương chống xâm lược Pháp hồi cuối thế kỷ XIX theo tiếng gọi của vua Hàm Nghi. Tuổi thơ của anh Văn thấm đượm bao câu chuyện vừa hào hùng, vừa bi thương của nghĩa binh chống Tây, với lời vè “Thất thủ kinh đô” đêm đêm vẫn nghe mẹ kể. Để rồi đến khi vào Huế học tiếp bậc trung học, một cách tự nhiên, anh đã hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh đồi nhà cầm quyền “ân xã” nhà yêu nước Phan Bộ Châu, dự lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Trên con đường mở rộng đó, anh học sinh họ Võ trường Quốc học Huế cùng các bạn bè đồng chí hướng, như: Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều) bất chấp mọi thủ đoạn theo dõi, o ép của thực dân Pháp và tay sai vẫn hăng hái hoạt động, lập câu lạc bộ thơ văn yêu nước, bí mật chuyền tay nhau đọc các sách bán từ Pháp gửi về như Người cùng khổ, Việt Nam hồn, Bản án chế độ thực dân Pháp, vận động học sinh ngày chủ nhật hằng tuần đến nhà cụ Phan Bội Châu ở đầu dốc Bến Ngự để nghe nhà yêu nước nói chuyện. Và tại nhà thầy giáo yêu nước tiến bộ Võ Liêm Sơn, lần đầu tiên anh được độc tác phẩm chủ nghĩa Mác bằng tiếng Pháp. Với những hoạt động tích cực đó, năm 1929 ông đã tham gia cải tổ Tân Việt cách mạng đảng thành Đông Dương cộng sản liên đoàn, một trong ba tổ chức cộng sản tham gia Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2 năm 1930). Sau đó bị thực dân Pháp bắt giam một thời gian, đến lúc được tự do, ông ra Hà Nội vừa hoạt động báo chí, vừa dạy học. Dạy một lịch sử ở trường trung học vào thời kỳ đất[416] nước còn trong vòng đô hộ của thực dân Pháp, thầy giáo Võ Nguyên Giáp vẫn kín đáo giáo dục cho học sinh, thông qua các bài giảng, tư tưởng yêu nước thương nòi, tinh thần độc lập, dân chủ, tự do cảu cuộc Đại cách mạng Pháp năm 1789. Rồi đến giữa năm 1940, cùng Pham Văn Đồng, ông bí mật lên đường sang Trung Quốc.

Chuyến xuất ngoại lịch sử đó mở đường phát triển tài năng cách mạng của người thanh niên trí thức họ Võ. Ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên tại công viên Thúy Hồ (Côn Minh) với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp vui mừng được gặp người bấy lâu hằng mong đời, từ nay sẽ hoàn toàn gắn bó suốt đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng do Người lãnh đạo.

Và một điều kỳ lạ đã xảy ra, Bác Hồ đã tin tưởng giao cho đồng chí Văn phụ trách công tác quân sự. Quyết định vô cùng chính xác này đã định hướng cho một cuộc đời với bao chiến công rực rỡ trong chiến thắng chung của toàn dân tộc. Từ những nhiệm vụ đầu tiên như phụ trách Ban xung phong Nam tiến, dùng hoạt động tuyên truyền vũ trang mở đường liên lạc giữa miền núi và đồng bằng Bắc Bộ (1942), thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (12-1944), Ủy viên quân sự cách mạng Bắc kỳ, Tư lệnh các lực lượng vũ trang thống nhất mang tên Việt Nam giải phóng quân (8-1945), rồi trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh trực tiếp chỉ huy các chiến dịch Biên giới (1950), Điện Biên Phủ (1954) và cùng Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương theo dõi, chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh 1975)…, đó là những bước phát triển đi lên vững chãi của một tài năng lớn về quân sự. Ngày 28-5-1948, trong lễ phong quân hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp tổ chức dưới tán cây rừng chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ xúc động nhân danh Chủ tịch nước trao tặng chức vụ Đại tướng “để chú điều khiến binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà quốc dân phó thác cho”.

Lịch sử đã chứng minh rằng lời hứa hơn 50 năm trước đến nay đã trở thành hiện thực. Nói đến Đại tuóng Võ Nguyên Giáp mà không đề cập tới hoạt động văn hóa của ông sẽ là một thiếu sót lớn, sự nghiệp quân sự của ông gắn liền với sự nghiệp văn hóa. Các luận văn quân sự như Chiến tranh giải phóng và quân đội nhân dân - Ba giai đoạn chiến lược, Điện Biên Phủ, Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng, Chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; đặc biệt là các hồi ký Những chặng đường lịch sử, Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu trong vòng vây… được công bố thời gian gần đây đều là những đóng góp có giá trị lý luận quân sự cũng như về giá trị văn học. Đồng thời, ông còn dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết vào việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện sâu sắc tình cảm gắn bó của ông với Bác Hồ, với tư cách là một lãnh tụ, một người thầy, một đồng chí. Lần lượt các công trình giá trị nối tiếp nhau ra mặt bạn đọc: Thế giới đổi thay, tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi, Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Noi gương Bác Hồ, ông đã rèn luyện cho mình một đức tính khiêm tốn, thực sự chân thành, từ trong bản chất con người, luôn luôn chú ý lắng nghe và học tập nhân dân. Với nụ cười hiền hậu, ông luôn luôn bình dị, ân cần với mọi người xung quanh. Cho nên, không gì lạ khi ông được binh lính, đồng đội yêu mến, coi như là “Người anh cả”, mà đông đảo nhân dân trong nước và bạn bè khắp năm châu đều một lòng tin tưởng và ngưỡng mộ. Cụ Hoàng Đạo Thúy, trước kia là Cục trưởng, Trưởng ban Thông tin chiến dịch Điện Biên Phủ, từng làm việc bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc sinh thời có kể lại cho bạn bè nhiều kỷ niệm của ông với Đại tướng. Như khi có người thắc mắc vì sao Đại tướng không rõ một số chuyện người khác gán ghép cho ông thì ông tươi cười trả lời: “Sẽ nói!”. Kể đến đây cụ Thúy hạ một câu: “Có lẽ ở ông Tướng này bài học lớn là về chữ Nhẫn!”. Tất nhiên chữ “Nhẫn” ở đây không có nghĩa là thụ động, thủ tiêu đấu tranh, mà là chờ đúng lúc và chọn đúng cách để nói. Cũng chính cụ Thúy, trước kia đã nói ra một sự thật lịch sử: “Người nói không phải là chính ông Văn, mà lịch sử nói đấy!”. Võ Đại tướng cũng đã dần dần nói lên sự thật lịch sử qua các hồi ký của ông. Nhưng rõ ràng, đó cũng là trách nhiệm của các nhà sử học khi có điều kiện và cơ hội.


(1) Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử quân sự, tháng 5 năm 2001, tr.2-3.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #103 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2011, 10:28:39 am »

THẦY VÕ - ANH VĂN(1)

TRẦN VĂN HÀ

Một chữ là thầy, huống chi là vạn chữ

Hồi đó, năm 1939, từ tỉnh lẻ Thái Bình, tôi thi đậu vào ban tú tài trường Bưởi. Phong trào học sinh yêu nước đã được nhen nhóm. Tựu trường, tôi xin dạy ngay truyền bá quốc ngữ. Nhưng nhà nghèo, tôi phải đi làm gia sư mới đủ tiền ăn học. Thế là thời gian vô cùng eo hẹp. Buổi chiều tan học, đến dạy con một ông tham biện tài chính, học lớp 6. Tối dạy “i, tờ” ở hội quán Trí Tri (tức trường Nguyễn Văn Tố ở phố hàng Quạt ngày nay.

Từ 9 giờ tối đến đêm khuya, mới được học và làm bài của mình. Được học Việt văn với thầy Dương Quản Hàm, văn chương Pháp với thầy Nguyễn Mạnh Tường là một hạnh phúc. Thầy giỏi, dạy hay, hấp dẫn, nhớ lâu. Chán nhất là lịch sử nước Pháp và địa lý thế giới với thầy Aga người Pháp: về nhà phải “cày” mãi, mất nhiều thời gian mới nhớ được. Trong khi đó, anh bạn ở cùng gác trọ học trường tư thục Thăng Long cứ luôn luôn khoe với tôi: “Thầy Võ Nguyên Giáp giảng lịch sử cách mạng Pháp thật tuyệt vời!”. Tôi mượn xem, quả lày hay thật! Bài học mà như chuyện kể, rất lôi cuốn: Đánh chiếm ngục Baxti (Prise de la Bastile); Ý nghĩa của ba chữ Tự do - Bình đẳng - Bác ái; lý lẽ của 17 điều trong bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Tự nhiên được khởi dậy trong người học, lòng yêu dân, yêu nước, chống áp bức cường quyền, chống bất bình đẳng, tự do… Rồi như có một sức mạnh vô hình thúc đẩy mình phải làm một cái gì?

Cấu trúc bài của thầy lại rất lôgích. Văn phong tiếng Pháp của thầy rất trong sáng, giản dị nên đọc là nhớ ngay. Thế là tôi đã học thầy Võ Nguyên Giáp mà không gặp thầy. thông qua trọn hai giáo trình của thầy do anh bạn quý mến cứ chuyền dến cho tôi hàng tuần: “Lịch sử cách mạng Pháp 1789” và “Địa lý thế giới”. Tôi thi đậu tu tài phần thứ nhất, vấn đáp trôi chảy, được xếp hạng khá (mentionzassez biên), phần quan trọng là nhờ thuộc, nhớ hai môn sử, địa của thầy.

“Trận Bạch Đằng Giang” tại Nhà hát lớn.

Là một trong 12 thanh niên đứng nghiêm dưới đài Độc lập để bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi vô cùng sung sướng và hồi hộp khi nghe Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Nhất là đến đoạn “Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là những lẽ phải không ai có thể cối cãi được”. Tôi vụt nhớ tới người thầy năm xưa đã truyền thụ cho tôi tinh thần của cuộc Cách mạng Pháp và cái tinh túy của bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền. Thầy đã từ Tân Trào về Hà Nội cùng với Bác Hồ mà tôi chưa được gặp.

Gặp lại thầy lần đầu tiên, sau 5 năm xa cách, tôi rất vui mừng, pha lẫn nhiều lo sợ và lúng túng. Xưng hô thế nào đây? Thầy hay là anh? Thầy? Thầy có biết mình đâu, vì mình học thầy từ xa, có ở trong lớp của thầy đâu, rồi lại phải giải thích, có thể bị hiểu lầm… Thôi thì gọi bằng anh cho tiện, vì đã quen gọi anh Năm (Trường Cinh), anh Tô (Phạm Văn Đồng), anh Trần Huy Liệu. Anh bạn tôi, Trần Lâm, lúc đó là Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam (nay đã 82 tuổi) lại cho tôi biết là làm việc với anh Văn phải cẩn thận đấy. Anh Văn rất nghiêm, làm việc dúng giờ, đã nhận là phải làm ngay và phải làm tốt. Lúc này tôi là Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền Hà Nội, kiêm Giám đốc Nhà Thông tin Tràng tiền, Hà Nội.

Anh Văn điện thoại, bảo tôi đến làm việc với anh tại Bắc Bộ Phủ. Anh nói: “Sắp đến ngày giỗ Trần Hưng Đạo, anh chuẩn bị cho buối nói chuyện của tôi tại Nhà hát lớn, anh kiếm giùm cho tôi cuốn “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim, anh xem kỹ và đánh dấu bằng bút chì ở mép trang những đoạn quan trọng. Anh cũng chuẩn bị cho nhân dân khoảng hai ba trang thôi, gạch đầu dòng, viết rõ ràng”.

Rất mừng và lo, lo nhiều hơn. Chuẩn bị bài nói chuyện về sử cho người thầy rất giỏi về sử, thật là một việc khó, vượt sức mình. Rất may là Nhà Thông tin Tràng Tiền có nhiều họa sĩ tình nguyện (hồi đó chưa có lương). Các anh Huỳnh Văn Thuận, Tạ Thức Bình, Nguyễn Sáng trong vài ngày đã vẽ xong “Bản đồ nước Nam khi nhà Trần chống Mông Cổ” đúng như sách của Trần Trọng Kim, cao 3m, rộng 2m. Những mũi tên màu đen của quân Thoát Hoan tiến vào Lạng Sơn, Chi Lăng, Vạn Kiếp, Thăng Long; những mũi tên màu xanh của quân Toa Đô vượt biển Nam Hải tiến vào Chiêm Thành, rồi ngược ra Nghệ An, Thanh Hóa, Thiên Trường, Hải Dương. Những mũi tên màu đỏ của quân nhà Trần chống quân địch ở Nghệ An, tấn công địch ở trận Hàm Tử Quan (Trần Nhật Duật phá quân Toa Đô), ở trận Chương Dương Độ (Trần Quang Khải khôi phục Thăng Long), ở trận Tây Kết (tướng nhà Trần chém được Toa Đô), ở trận Vạn Kiếp (Thoát Hoan trốn chạy về Tàu), ở trận Vân Đồn (Trần Khánh Dư cướp lương của quân Nguyên, ở trận Bạch Đằng Giang (Ô Mã Nhi bị bắt).

Tiếng anh Văn sang sảng, lúc trầm lắng với Hội nghị Diên Hồng, khi sôi nổi như cuốn hút mọi người vào các trận chiến, rồi vút lên cao với chiến thắng Bạng Đằng. Tiếng vỗ tay ầm vang như sấm hầu như không thể dứt. Nhà hát lớn thành phố đông nghịt người nghe. Những nắm tay chặt! Những lồng ngục bực sôi! Ai cũng thấy phải đồng tâm, hiệp lực làm được một cái gì. Tình hình đất nước lúc này cũng ngàn cân treo sợi tóc như đời Trần. Hàng vạn quân Tưởng phá phách, quân Pháp nghênh ngang khiêu khích, quân Pháp núp sau quân Anh đã khởi chiến ở Nam Bộ. Bác Hồ, sau khi ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, sang Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp. Lúc này, cụ Huỳnh Thúc Kháng là quyền Chủ tịch nước. Anh Văn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Nhưng nhiều người đã thấy trước rằng thầy Võ - Giáo sư trường Thăng Long, Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đầu tiên với những chiến thắng Phai Khắt - Nà Ngần, với bài giảng về những trận chiến thắng Hàm Tử - Bạch Đằng Giang sôi động được an Văn diễn tả lại hom nay, nhiều người đã thấy trước rằng anh Văn sẽ là một vị tướng tài.

Sau này, đọc các cuốn sử do người nước ngoài viết về Việt Nam, tôi thấy nhà báo, nhà sử học Benard Fall đã có một lời đánh giá rất xác đáng từ năm 1962 trong tác phẩm Võ Nguyên Giáp - con người và huyền thoại (Võ Nguyên Giáp - Man and Myth - New York F.P.Publishers, 1962): “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp với Võ Nguyên Giáp”


(1) Bài đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 87, tháng 8 năm 2001.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #104 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2011, 10:30:21 am »

“VÕ NGUYÊN GIÁP - MỘT SỰ ĐÁNH GIÁ”(1)

PETER MCDONLD
ĐẶNG VĂN VIỆT ghi

Người Việt Nam, nam cũng như nữ, đều là những nhân tố thật sự kiến tạo ra thắng lợi: họ đã tỏ ra cương quyết, hết lòng, kỷ luật, dũng cảm và nhiệt tình. Họ đã có một vị Tổng Tư lệnh phi thường, đó là Hồ Chí Minh, người cầm lái; Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy các lực lượng vũ trang (…).

Võ Nguyên Giáp có thể tự hào là đã chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh lớn…, đã góp công sức vào việc kiến tạo ra nền độc lập và thống nhất của đất nước ông. Những chiến thắng của ông đã làm cho ông là một thống soái vĩ đại của các thời đại.

Võ Nguyên Giáp trong 30 năm liền vẫn là Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang và trong gần 50 năm, vẫn tham dự những hội nghị chính trị ở cấp cao nhất của đất nước. Đó là hai sự kiện vô song trong lịch sử. Chúng ta khó mà so sánh ông với các tướng lĩnh khác về sự điều hành ở tầm cao của cuộc chiến tranh du kích và ở những cuộc hành binh lớn nói trên.

Võ Nguyên Giáp đã chứng minh rằng ông có những đức tính ngoài tầm cỡ bình thường trên mọi lĩnh vực lớn của cuộc chiến tranh (…).

Về chiến lược, ông có tầm nhìn xa về những diễn biến của các sự kiện và biết cách chọn lọc những vấn đề then chốt. Ông đã phá vỡ sự ổn định của đối phương bằng cách bố trí một cách khoa học, hợp lý các lực lượng của mình ở nhiều nơi. Lào, Campuchia, đồng bằng sông Mê Công, các cao nguyên, các đồng bằng ven biển, các vùng ven khu phi quân sự, v.v.

Về chiến thuật, Võ Nguyên Giáp là bậc thầy của chiến tranh du kích. Trên lĩnh vực chiến thuật, ông là một tổng chỉ huy xuất sắc qua các giai đoạn.

Trong lĩnh vực điều hành chiến tranh quy mô lớn, ông có nhiều sáng tạo.

Chẳng hạn ở Điện Biên Phủ, ông biết áp dụng cách đánh lấn: với những đường hầm, ông đã phá hủy lần lượt các vị trí phòng thủ của đối phương để cuối cùng, các đơn vị của ông tràn ngập lên các vị trí còn lại của quân Pháp.

Hơn ai hết, ông đã đánh thông tư tưởng cho các chiến sĩ về sự cần thiết và hiệu quả của yếu tốt bất ngờ của công tác ngụy trang, công tác nghi binh.

Trên lĩnh vực phép biện chứng, Võ Nguyên Giáp đã tỏ ra xuất chúng trong suốt cả cuộc chiến tranh Đông Dương. Nếu không ở tầm cỡ làm chủ được cách suy nghĩ biện chứng thì Võ Nguyên Giáp không thể nào thắng nổi trận Điện Biên Phủ (…).

Khi tôi hỏi tướng Marcel Bigéard cho biết những nhận xét, đánh giá của ông về trình độ chỉ huy của Võ Nguyên Giáp, ông tỏ thái độ rất thán phục. Chẳng hạn, ông nói: “Võ Nguyên Giáp đã rút ra được những bài học về sự thất bại và không để cho chúng lặp lại”. Hoặc: “Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy và chiến thắng qua một thời gian khá dài, đạt được kết quả ấy trong thời gian suốt 30 năm, thật là một chiến tích kỳ diệu”.

Tướng Bigeard còn bộc lộ một sự kích trọng lớn đối với người Việt Nam: “Họ là những con người gan dạ, thẳng thắn, thông minh và chăm chỉ”.

Tướng Oétmolen nhận xét: “Võ Nguyên Giáp là một con người cương nghị, một vị tướng vĩ đại”.

Tướng Oétmolen tìm thấy ở Võ Nguyên Giáp một con người đầy nghị lực. Ông nói: “Những vị tướng chỉ huy quân sự ở cấp cao buộc phải có đức tính này, nếu không, họ sẽ không tồn tại lâu được”.


(1) Võ Nguyên Giáp - Một sự đánh giá là tên gọi một cuốn sách, tác giả là người Anh và một chương sách giả là người Mỹ. Đó là hai trong số nhiều cuốn sách viết về Võ Nguyên Giáp.
Năm 1992, ông Peter McDonald, người Anh, một nhà quân sự và một nhà nghiên cứu, đã xuất bản tác phẩm Võ Nguyên Giáp - Một sự đánh giá (Giap, an assessment) bằng tiếng Anh (bản dịch tiếng Pháp là: Giáp - Hai cuộc chiến tranh Đông Dương). Ông đã sang Việt Nam và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp chuyện. Tạp chí Xưa & Nay, số 97, tháng 8 năm 2001, tr.10-11, trích giới thiệu một số đoạn trong chương cuối cùng.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Hai, 2011, 01:57:51 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #105 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2011, 10:32:09 am »

Về vấn đề đời sống chính trị của Võ Nguyên Giáp được kéo dài, tướng Oétmolen đã trả lời một cách rắn rỏi: “Với một vị tướng, điều ấy tùy thuộc vào sự tín nhiệm của quần chúng”.

“… Bề ngoài lạnh lùng của ông che đậy một khí chất dữ dội khiến người Pháp mô tả ông là một ngọn núi lửa phủ tuyết”.

“Ông trở thành một tỏng những vị tướng tài năng nhất của thế kỷ XX và chuyên gia vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân hiện đang còn sống”.

“… Ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất duy nhất của thế kỷ XX và một trong những thiên tài lớn nhất của tất cả các thời đại”.

“Võ Nguyên Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, dù thời kỳ đầu, trong tay chưa có quân nhưng vẫn liên tiếp đánh bại tàn quân của đế quốc Nhật, quân đội Pháp (đế quốc thực dân số 2) và Mỹ (một trong hai siêu cường thế giới) mặc dầu Mỹ đã ném vào cuộc chiến tranh những nguồn sức người, sức của và kỹ thuật to lớn trong một thời gian dài”.

“Ông là động lực đằng sau mội thắng lợi. Thành tích của ông là có một không hai và kết quả ông thu được là ph ithường. Đó chính là thiên tài quân sự”.

“… Những thách thức mà Võ Nguyên Giáp vấp phải đã khiến ông trở thành người thầy của chiến thuật, chiến lược và hậu cần. Ông phát minh ra một kiểu tác chiến chiến thuật mà cả Mỹ và Pháp đều “không thể thắng được””.

“Một nhà chiến thuật bậc thầy có thể là người đã tỏ rõ được khả năng đánh thắng nhiều kẻ thù siêu việt hơn. Võ Nguyên Giáp đã làm được như vậy (…). Ông đã chuẩn bị một cuộc chiến tranh lâu dài, đã chiến đấu phòng ngự cho đến khi đạt được thế cân ăng nhiều mặt và điều chỉnh cách giải quyết của mình theo nhu cầu để rồi đánh thắng các đội quân lớn của địch.

Một nhà chiến lược bậc thầy có thể khắc phục được những thảm họa tương lai và rút ra bài học từ thất bại. Võ Nguyên Giáp đã làm được điều đó. Những chiến dịch chống Pháp không may mắn ban đầu đã dạy ông cách chỉ huy và điều hành một quân đội. Những tiếp xúc ban đầu của ông với các đơn vị Mỹ đã  iến ông có ý tướng để đi đến chiến thuật “Nắm lấy thắt lưng địch mà đánh”, đó cũng là phương thức tối đa hóa quânlực của ông và tối thiểu hóa sức mạnh của Mỹ. Giáp cũng có những thất bại như ở Điện Biên Phủ khi các đơn vị của ông bị tiêu hao nặng và suýt nữa nổi loạn và như trong những ngày đen tối khi vũ khí công nghệ cao của Mỹ dường như thắng thế.

Một nhà chiến lược bậc thầy có thể hiểu biết về địch, lợi dụng những điểm yếu của chúng và nắm được toàn bộ cuộc xung đột. Võ Nguyên Giáp đã làm được như vậy. Ông hiểu việc nắm được nhân dân chủ yếu về mặt xã hội và chính trị có tầm quan trọng biết bao đối với kết quả cuối cùng. Những người dân này đã trở thành các chiến binh thầm lặng. Họ làm cho quân thù mòn mỏi, mất thăng bằng và chi viện cho các đơn vị chủ lực của ông tỏng những trận đánh quyết định (…) Những thành công như vậy là yếu tố xác nhận phẩm chất của một nhà chiến lược bậc thầy. Võ Nguyên Giáp cũng đã tránh được việc chủ yếu tập trung về quân sự trong trận chiến đấu chống hai kẻ thù chính của mình. Nếu Clausewits (nhà chiến lược quân sự bậc thầy của nước Phổ) còn sống, chắc hẳn ông cũng phải kính cẩn cúi chào vị Đại tướng này.

“Cùng với tháng năm trôi qua và cùng với thắng lợi ngày càng nhiều, Võ Nguyên Giáp đã tỏ ra nắm chắc được chiến lược. Do giàu óc tưởng tượng; do nắm chắc những nguyên tắc chiến tranh và những điều cơ bản của chiến lược cho nên trong tư duy, ông thường đi trước những đối thủ được đào tạo cơ bản hơn, mặc dù không phải lúc nào ông cũng đánh thắng họ. Ông linh hoạt, ngoan cường và kiên trì. Do có thể chịu được thất bại, ông cố tìm cách rút ra bài học từ những thất bại và chuyển sang một trận đánh khác được chuẩn bị tốt hơn. Là một người thầy và một người huấn luyện, ông cổ vũ các chiến sĩ nông dân tin tưởng nhiều hơn vào sự lãnh đạo của ông, thổi vào họ tinh thần dũng cảm chiến đấu, mặc dầu có những lúc ông phải khắc phục sự bất hòa, đồng thời truyền vào họ tinh thần sẵn sàng hy sinh thân mình cho sự nghiệp của Tổ quốc. Về nhiều mặt, ông là người tổ chức hàng đầu của toàn thể dân tộc.

Võ Nguyên Giáp là bậc thầy trong việc vận dụng tính né tránh của người châu Á và trong việc hiểu rõ cách đánh dùng các yếu tố thời gian và không gian để đối phó với phản ứng mạnh mẽ và công nghệ tiên tiến của phương Tây. Ông đã thắng. Trong lịch sử, ít người có những thành tựu quân sự sánh kịp ông”.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Hai, 2011, 02:00:04 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #106 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2011, 10:33:52 am »

THAY ĐỔI CÁCH ĐÁNH TRONG
CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
“MỘT QUYẾT ĐỊNH KHÓ KHĂN NHẤT
TRONG CUỘC ĐỜI CHỈ HUY CỦA ĐẠI TƯỚNG.
TỔNG TƯ LỆNH VÕ NGUYÊN GIÁP
(1)

GS, NGND. PHAN HUY LÊ

Trong điều kiện một nước nhỏ chống lại quân xâm lược của nước lớn, qua kinh nghiệm thành bại của nhiều cuộc kháng chiến, dân tộc Việt Nam đã sớm xác lập tư tưởng quân sự “Dĩ đoạn binh chế trường trận” (Trần Quốc Tuấn), “Lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” (Nguyễn Trãi), dựa vào sức mạnh đoàn kết toàn dân thực hiện chiến tranh nhân dân. Trong tư tưởng chỉ đạo đó, dân tộc Việt Nam tránh quyết chiến với đối phương lúc ưu thế binh lực thuộc về quân xâm lược và sau khi thay đổi được tương quan lực lượng, tạo nên lực, thời, thế thuận lợi, quân dân ta tổ chức trận quyết chiến chiến lược giành thắng lợi quyết định trên chiến trường để mở đường dùng biện pháp ngoại giao, chính trị kết thúc chiến tranh. Điều đó đã lặp lại nhiều lần như một quy luật trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Mỗi trận quyết chiến chiến lược trong tương quan lực lượng với đối phương và trong bối cảnh lịch sử cụ thể của đất nước cùng những mối quan hệ khu vực và thế giới, mang những hình thái và lối đánh rất phong phú, đa dạng, biểu thị tập trung nghệ thuật quân sự độc đáo và trí thông minh sáng tạo của dân tộc Việt Nam. So với những trận quyết chiến chiến lược trước đây, trận Điện Biên Phủ nổi bật lên hai đặc điểm quan trọng.

Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến mà cả hai phía đều chấp nhận, biết trước và ra sức chuẩn bị, quyết tâm giành thắng lợi. Trong lịch sử, trận Bạch Đằng năm 938 chặn đánh đoàn chiến thuyền Nam Hán từ biển vào, trận Bạch Đằng năm 1288 đánh đoàn thuyền quân Nguyên rút lui về nước, trận Như Nguyệt năm 1077 tiến công vào doanh trại phòng ngự trên sông Như Nguyệt (sông Cầu) của quân Tống, trận Chi Lăng - Xương Giang năm 1427 đánh đoàn quân tiếp viện của nhà Minh trên đường tiến về thành Đông Quan (Hà Nội), trận Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785 đánh quân Xiêm trên đường vận động định tiến công vào chỉ huy sở quân Tây Sơn, trận Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789 đánh thẳng vào hệ thống phòng ngự của quân Thanh ở phía nam và phía tây - nam thành Thăng Long. Trong tất cả những trận đánh trên, dù đánh quân địch trên đường vận động hay trong doanh trại phòng ngự, thời gian chiến đấu có thể ngắn hay dài, quân dân ta luôn luôn giành quyền chủ động chọn không gian và thời gian quyết chiến, bí mật bài binh bố trận, quân địch hoàn toàn bất ngờ và bị động, không hay biết gì về nơi và lúc chúng bị tiến công. Nhưng trận Điện Biên Phủ là trận quyết chiến được hình thành dần trong tính toán của cả hai phía tham chiến trong Đông - Xuân 1953-1954.

Về phía Việt Nam, từ tháng 8-1953, sau khi địch rút khỏi Nà Sản (từ ngày 8 đến ngày 13-8-1953, Bộ Tổng tham mưu trong chủ trương phá kế hoạch tập trung binh lực cơ động của H. Nava, đã đưa ra kế hoạch tác chiến gồm bốn nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ 4 là tăng cường hoạt động trên hướng Tây Bắc (Lai Châu), Thượng Lào(2). Bộ Chính trị trong phiên họp tháng 10 tại Tỉn Keo (Định Hóa, Thái Nguyên), đã xem sét kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954 của Tổng Quân ủy, xác định phương châm chung là “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và tác chiến là “đánh ăn chắc, đánh chắcthắng, đánh tiêu diệt, chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi chúng tương đối yếu mà đánh; giữ gững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng”(3) và thông qua hướng hoạt động lấy Tây Bắc làm chính, các hướng khác là phối hợp. Sau khi địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20-11, Tổng Quân ủy đã nhận định âm mưu của địch và cử ngay cơ quan tiền phương lên Tây Bắc chuẩn bị chiến trường  cho chiến dịch Điện Biên Phủ và một số đơn vị tham gia chiến dịch được lệnh lên đường. Bộ Tổng tham mưu tính toán mọi khả năng diễn biến của tình hình, kế hoạch tác chiến và dự kiến lực lượng sử dụng, cũng với Tổng cục cung cấp lo chuẩn bị hậu cần, đường vận chuyển. Ngày 6-12-1953, Tổng Quân ủy trình Bộ Chính trị “Phương án tác chiến mùa xuân 1954” gồm 4 phần: I. Tình hình địch và phương hướng chiến dịch, II. Binh lực sử dụng và thời gian tác chiến, III. Nhu cầu nhân lực, vật lực, IV. Kế hoạch đướng sá và vận chuyển(4). Phương án được Bộ Chính trị thông qua với dự kiến địch “tăng cường thành lập tập đoàn cứ điểm” thì “trận Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay”(5). Kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ đã chính thức được Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị phê duyệt. Hạ tuần tháng 12, Bộ Chính trị chỉ định Đảng ủy mặt trận và thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch. Như thế là Việt Nam đã quyết định chọn Điện Biên Phủ làm trận quyết chiến chiến lược trong Đông - Xuân 1953-1954. Chiến dịch được triển khai trong sự phối hợp chặt chẽ với các hướng tác chiến khác trên chiến trường toàn quốc và cả chiến trường Lào, Campuchia.


(1) Bài đăng trên Báo Nhân dân, ngày 19 tháng 4 năm 2004. Tạp chí Xưa & Nay, số 210, tháng 4 năm 2004.
(2) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr.23.
(3) Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh - thrực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.193.
(4) Nguyên bản lưu giữ tại Cục lưu trữ Trung ương Đảng, Ký hiệu DV 742, tr. 1/132 - 4/135. Xem: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.14, tr. 593-598.
(5) Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.14, tr.594.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Hai, 2011, 02:01:59 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #107 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2011, 10:39:39 am »

Mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt địch, giải phóng toàn bộ Tây Bắc, chiếm lĩnh một địa bàn chiến lược quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà trên cả chiến trường Đông Dương. Điện Biên Phủ nằm trên cánh đồng rộng lớn nhất ở Tây Bắc, tiếp giáp với Thượng Lào, có đường thông với Trung, Hạ Lào ở phía nam, Thái Lan, Miến Điện ở phía tây, phía bắc lên Trung Quốc. Từ đây có thể phát triển sang Thượng Lào, uy hiếp Luông Phabăng.

Về phía Pháp, được cử làm Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, thay Xalăng, ngày 19-5-1953, Đại tướng Hăngri Nava đến Sài Gòn. Sau khi đi khảo sát và nghiên cứu kỹ tình hình, H. Nava đưa ra một kế hoạch tác chiến gồm hai giai đoạn: trong chiến cục 1953-1954, giữ thế phòng thủ, tránh giao chiến lớn ở phía bắc vĩ tuyến 18, tiến công ổn định miền Trung và Nam Đông Dương; trong chiến cục 1954-1955, sau khi đạt ưu thế quân cơ động sẽ thực hành tiến công ở phía Bắc nhằm “tạo ra một tình hình quân sự cho phép đưa ra một giải pháp chính trị thích hợp để giải quyết chiến tranh”(1). Nhưng kế hoạch xây dựng khối cơ động tác chiến mạnh của Nava không thể thực hiện được một phần bởi những khó khăn về cung cấp tài chính của chính phủ Pháp như H. Nava than phiền, song chủ yếu bởi kế hoạch của Việt Nam buộc địch phân tán lực lượng theo tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh. Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức manh đó không còn”(2). Nhận thấy Nà Sản không có tác dụng che chở cho Thượng Lào, tháng 8-1953, H. Nava rút khỏi tập đoàn cứ điểm này. Cuối tháng 10, H. Nava nhận được tin tức cho biết đối phương sẽ tiến công trên hai hướng: một hướng đánh lên vùng núi Bắc Bộ và Thượng Lào, một hướng đánh vào miền Trung Đông Dương mà “không bảo vệ Thượng Lào tức là chấp nhận một thảm họa chung trong vòng vài tháng tới”(3). Vì vậy,  tuy Chính phủ Pháp không có quyết định rõ ràng về việc bảo vệ Thượng Lào, nhưng H. Nava quyết định mở cuộc hành quân Hải Ly (Castor) đánh chiếm Điện Biên Phủ với chỉ thị ngày 2-11 và thực hiện từ ngày 20-11-1953 bằng cuộc đổ bộ đường không, dù rằng một số tướng lĩnh Pháp phản đối(4). Điện Biên Phủ được xây dựng thành một tập đoàn cứ điẻm mạnh theo kế hoạch từ 5-6 tiểu đoàn có thể tăng lên 10-12 tiểu đoàn(5). Trong tính toán của H. Nava, với Điện Biên Phủ, quân Pháp sẽ khống chế vùng Tây Bắc, bảo vệ Thượng Lào và như cái “nhọt tụ độc” sẽ thu hút và kìm chân quân chủ lực Việt Minh, tạo ra thế cân bằng trên toàn chiến trường Đông Dương. Trong chỉ thị ngày 3-12-1953, tướng H. Nava tuyên bố: “tôi quyết định chấp nhận giao chiến ở Tây Bắc”(6). Quyền chỉ huy Điện Biên Phủ trước giao cho tướng Gilles (chỉ huy quân dù ở Đông Dương) và từ ngày 8-12 cử Đại tá Đờ Cát thay thế (sau được phong Thiếu tướng). Đó là một sĩ quan thiết giáp đã từng chiến đấu ở Ý, Pháp, Đức và đã hai lần có kinh nghiệm chiến đấu ở Bắc Bộ mà H. Nava “đánh giá cao khả năng quân sự của ông”(7).

Như vậy là với những tầm nhìn chiến lược và cách tính toán khác nhau nhưng cả hai bên tham chiến đều đầu tháng 12-1953 đã chấp nhận trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ. Đây là đặc điểm xuất hiện lần đầu trong các trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử Việt Nam. Đặc điểm này phản ánh tính hiện đại của cuộc chiến tranh khi mà các phương tiện thông tin và do thám hiện đại cho phép mỗi bên có thể theo dõi được những cuộc chuyển quân lớn của đối phương.

Trong điều kiện đó, thắng bại của trận quyết chiến không còn là sự bí mật, bất ngờ của điểm quyết chiến, mà là binh lực và tài thao lược, là cách bài bình bố trận, là nghệ thuật quân sự của mỗi bên, trong đó chỉ đạo chiến dịch hay nói cách giản đơn là cách đánh, giữ vai trò rất quan trọng.


(1) Henri Navarre: Le temps des Vérités, Palon-Paris, 1979; bản dịch: Thời điểm của những sự thật, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.93.
(2) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Sđd, tr.26.
(3) Henri Navarre: Thời điểm của những sự thật, Sđd, tr. 95-69.
(4) Xem: Jules Roy: La bataille de Dien Bien Phu, Paris, 1963; bản địch: Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tr.469-505.Xem: Henri Navarre: Thời điểm của những sự thật, Sđd, tr. 146.
(5) Xem: Henri Navarre: Thời điểm của những sự thật, Sđd, tr. 146.
(6) Jules Roy: Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, Sđd, tr.180
(7) Henri Navarre: Thời điểm của những sự thật, Sđd, tr. 180.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Hai, 2011, 02:04:02 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #108 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2011, 10:45:58 am »

*
*   *

Nghiên cứu trận Điện Biên Phủ, ai cũng nhận biết một đặc điểm nổi bật là sự thay đổi cách đánh về phía Việt Nam, chuyển phương châm chỉ đạo tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Ngày 26-11-1953, bộ phận tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh lên đương đi Tây Bắc chuẩn bị chiến trường và phương án tác chiến. Bộ phận tiền phương gồm tướng Hoàn Văn Thái - Tổng Tham mưu phó và một số cán bộ cao cấp như Lê Liêm - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đặng Kim Giang - Phó chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (đã đi trước), Đỗ Đức Kiên - Cục phó Cục tác chiến. Cùng đi còn có Cố vấn tham mưu Mai Gia Sinh trong Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc và Hoàng Minh Phương, Trường đoàn cán bộ phiêe dịch. Trên đường đi nngày 30-11 đoàn dừng lại 1 ngày ở Nà Sản để nghiên cứu tập đoàn cứ điểm do Xalăng xây dựng mà cuối năm trước quân ta đánh không thành công. Ngày 6-12, đoàn đến Chỉ huy sở tiền phương đặt ở hang Thẩm Púa. Ngày 8-12, quân địch ở Lai Châu rút bằng đường không và đường bộ về tập trung ở Điện Biên Phủ, bị quân ta chặn đánh và truy kích tiêu diệt một bộ phận. Ngày 9-12, bộ phận tham mưu, trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình địch ở Điện Biên Phủ đang ở trạng thái lâm thời phòng ngự, chưa kịp xây dựng công sự vững chắc, đưa ra hai phương án đánh nhanh và đánh chắc, và sau khi cân nhắc  thuận lợi và khó khăn, đã chọn phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”, chủ trương cần tranh thủ đánh sớm, đánh nhanh bằng sức mạnh hiẹp đồng của bộ binh và pháo binh. Đó là cách đánh mà Cố vấn Mai Gia Sinh gọi là “oa tâm tạng chiến thuật” (chiến thuật moi tim) dùng mũi thọc sâu “như một gươm đâm thẳng vào tim, tạo nên sự rối loạn ở trung tâm phòng ngự địch ngay từ đầu, rồi từ trong đánh ra từ ngoài đánh vào, tiêu diệt địch trong thời gian tương đối ngắn”(1). Lúc đó binh lực của địch ở Điện Biên Phủ đã tăng lên 10 tiểu đoàn bộ binh có 16 pháo 105, sở chỉ huy, trận địa pháo, một số cứ điểm đang xây dựng, sân bay Mường Thanh đang được sửa chữa và đã có 6 máy bay tiêm kích F8F Bearcats(2) .

Ngày 5-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh và bộ phận nhẹ của Bộ Chỉ huy chiến dịch lên đường ra mặt trận. Sáng ngày 12-1, tại Tuần Giáo, khi nghe tướng Hoàng Văn Thái báo cáo tình hình và phương án tác chiến, Đại tướng đã nhận thấy “ngay bây giờ đánh nhanh đã khó. Rồi đây hẳn càng khó” và “cần tìm hiểu thêm tình hình”(3). Chiều hôm đó đến chỉ huy sở ở Thẩm Púa, Đại tướng hội ý ngay Đảng ủy mặt trận, tất cả đều tán thành chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh” và tin rằng có thể giành thắng lợi trong vài ngày đêm. Tối hôm đó, Đại tướng lại gặp Trưởng đoàn Cố vấn Vi Quốc Thanh, Đại tá Hoàng Minh Phương làm phiên dịch. Trong trao đổi ý kiến, Cố vấn Vi Quốc Thanh tán đồng phương án đánh sớm, đánh nhanh do cán bộ tham mưu Việt Nam và cố vấn Trung quốc đã nhất trí đề xuất. Sau khi cân nhắc về những băn khoăn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Cố vấn Vi nói: “Nếu không tranh thủ đánh sớm khi địch còn đứng chân chưa vững, để nay mai chúng tăng quân và củng cố công sự thì không đánh được, ta sẽ bỏ mất thời cơ”. Trong hồi ký của mình, Đại tướng và Hoàng Minh Phương đều thống nhất ghi nhận nội dung của buổi trao đổi này(4).


(1) Hoàng Minh Phương: “Nắm ngải cứu trên đầu đồng chí Tổng Tư lệnh”. Tạp chí Xưa & Nay, số 208, tháng 3 năm 2004, tr.10.
(2) Jules Roy: Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, Sđd, tr. 531, 518
(3) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Sđd, tr.94.
(4) Xem Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Sđd, tr.96; Hoàng Minh Phương: “Nắm ngải cứu trên đầu đồng chí Tổng Tư lệnh”. Tạp chí Xưa & Nay, số 208, tháng 3 năm 2004, tr.12.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Hai, 2011, 02:06:12 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #109 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2011, 10:49:26 am »

Với tất cả tài năng, kinh nghiệm và sự nhạy bén của một vị Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận thấy “phương án đánh nhanh, thắng nhanh là quá mạo hiểm”(1), nhưng mới đến mặt trận chưa đủ cơ sở thực tế để bác bỏ, trong lúc toàn bộ Đảng ủy và các cố vấn lại nhất trí với  phương án đó. Trước khi ra trận, Bác Hồ trao cho Đại tướng nhiệm vụ “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Phải chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” và căn cặn: “Tướng quân tại ngoại, giao cho Chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau”(2). Đại tướng được Hồ Chru tịch và Bộ Chính trị tín nhiệm giao nắm quyền lực tập trung về quân sự; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh quân đội và trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ. Tướng H. Nava đã từng nói: “tôi phát ghen với tướng Giáp”(3). Nhưng cũng chính vì trọng trách và sự tín nhiệm đó, Đại tướng đứng trước một tình thế rất khó xử: biết phương án tác chiến mạo hiểm, ít khả năng thắng lợi, thậm chí chỉ có thể thất bại, nhưng lại được Đảng ủy và các cố vấn nhất trí tán thành, quân sĩ đang trong khí thế và quyết tâm cao. Bác Hồ giao cho Đại tướng toàn quyền quyết định, nhưng khi quyết định phải được sự thống nhất trong Đảng ủy và với cố vấn. Thời gian cũng không cho phép báo cáo xin ý kiến Bác Hồ và Bộ Chính trị (không dám dùng điện đài vì sợ lộ bí mật).

Đại tướng ở vào thế đơn độc và đành phải tạm thời cho triển khai phương án, ngày 14-1 triệu tập hội nghị cán bộ, phổ biến mệnh lệnh chiến đấu với dự kiến trận đánh diễn ra trong 2 ngày 3 đêm, giờ nổ súng định là 17 giờ ngày 20-1. Phương án đánh nhanh coi như được công nhận là chủ trương thống nhất của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch và các cố vấn Trung Quốc. Trong lúc đó, Đại tướng chỉ thị cơ quan tham mưu theo dõi chặt chẽ tình hình địch và thúc đẩy công việc chuẩn bị mọi mặt, nhất là việc kéo pháo vào trận địa. Đoạn đường kéo pháo bằng tay vào trận địa khá dài, qua những dốc cao vực thẳm, có dốc cao đến 600, trong lúc máy bay và pháo địch luôn luôn cản trở. Bộ Chỉ huy điều động 2 đại đoàn làm nhiệm vụ mở đường, kéo pháo, dự kiến hoàn thành trong 3 đêm. Thế mà sau 7 đêm, pháo vẫn chưa vào vị trí va thời gian nổ súng phải lùi lại 5 ngày tức ngày 25-1. Trong lúc đó, quân địch đã tăng lên 12 tiểu đoàn và một tập đoàn cứ điểm kiên cố đã hình thành.

Thế mà theo hồi ký của Đại tướng, chỉ có Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn phản ánh khó khăn phải đột phá ba lần mới vào được tung thâm và Cục phó Cụ bảo vệ Phạm Kiệt được cử đi kiểm tra kéo pháo phía tây dám nói lên tình trạng bố trí trận địa pháo dã chiến dễ bị phán pháo, bị máy bay đánh phá và một số pháo chưa vào trận địa. Trong khí thế dâng cao của quân sĩ, hầu như không ai dám nói lên khó khăn.  Do một chiến sĩ bị bắt và phát hiện điện dài địch thông báo ngày giờ tiến công của ta nên giờ nổ súng được lùi lại 24 giờ tức ngày 26-1.

Sau 11 ngày đêm suy tính, nhất là đêm 25-1 hầu như không chợp mắt, Đại tướng đi đến quyết định phải thay đổi cách đánh vì địch không còn lâm thời phòng ngự mà đã thành một tập đoàn cứ điểm kiên cố và phía ta có nhiều khó khăn chưa được bàn tính kỹ để tìm cách khắc phục.

Sáng ngày 26-1, Đại tướng cùng Hoàng Minh Phương gặp Trưởng đoàn Cố vấn Vi Quốc Thanh với nắm ngải cứu đắp trên trái vì đau đầu. Chỉ sau khoảng nửa giờ trao đổi, Cố vấn Vi đã nhất trí với sự phân tích, đánh giá của Đại tướng và đồng ý hoãn cuộc tiến công, chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Hồi ký của Đại tướng và của Đại tá Hoàng Minh Phương đã thuật lại nội dung cụ thể của cuộc trao đổi mang tính quyết định này(4).

Ngay sau đó, Đảng ủy mặt trận được triệu tập để thảo luận về thay đổi phương châm tác chiến. Dĩ nhiên lúc đầu mọi người không tán thành, nhưng khi đặt vấn đề phải bảo đảm “chắc thắng mới đánh” như quyết định của Bộ Chính trị và lời dặn của Bác Hồ thì mọi người mới nhận ra nhiều khó khăn chưa có biện pháp khắc phục mà thực tế 11 ngày đêm chuẩn bị chiến trường đã bộc lộ khá rõ. Trên cơ sở nhất trí đó, Đại tướng kết luận chuyển phương châm “đánh nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và ra lệnh toàn mặt trận hoãn cuộc tiến công, các đơn vị lùi về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Trận quyết chiến Điện Biên Phủ được chuẩn bị lại theo phương châm mới và đi đến thắng lợi ngày 7-5-1954 tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương với 21 tiểu đoàn phòng ngự trong những trung tâm đề kháng và cứ điểm có hệ thống công sự kiên cố và hỏa lực mạnh(5).


(1), (2) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Sđd, tr.96, 66.
(3) Henri Navarre: Thời điểm của những sự thật, Sđd, tr. 114.
(4) Xem Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Sđd, tr.107-108; Hoàng Minh Phương: “Nắm ngải cứu trên đầu đồng chí Tổng Tư lệnh”. Tạp chí Xưa & Nay, số 209, tháng 4 năm 2004, tr.29.
(5) Hiện nay, trong tài liệu lưu trữ của Cục Lưu trữ Trung ương Đảng chưa tìm thấy bức thư hỏa tốc do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị Bộ Chính trị và Bác Hồ cho chuyển sang phương châm đánh chắc, tiến chắc, nhưng còn lưu giữ được báo cáo của Đại tướng đề ngày 30-1-1954, trong đó phần I là “chủ trương tác chiến mới ở Điện Biên Phủ” phân tích những nguyên do phải thay đổi cách đánh, hoãn ngày nổ súng và hướng tiếp tục chuẩn bị trận đánh. Tài liệu mang đầu đề “Kính gửi Hồ Chủ tịch, đồng chí Trường Chinh và Bộ Chính trị” và ký tên Hưng (biệt danh của Đại tướng).
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Hai, 2011, 02:08:03 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM