Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:18:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 7  (Đọc 78488 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2011, 09:33:28 am »

Ở Cánh Đông, Hiệp đồng tiến công với hai hướng chủ yếu, Đoàn đặc công hải quân 126 táo bạo tiến công Duyên đoàn 11 quân Sài Gòn ở Cảng Cửa Việt, sau đó triển khai đội hình kháo chặt quân cảng này, ngăn chặn địch ở biển vào cũng như từ Đông Hà xuống. Căn cứ Dốc Miếu nằm bên trục đường 1 bị pháo ta bắn phá thiệt hại nặng nề và bị vây hãm từ ba phía. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, sáng ngày 1-4, địch ở Dốc Miếu, Dốc Sỏi bỏ chạy về Quán Ngang. Chớp thời cơ thuận lợi, Tiểu đoàn 47 Vĩnh Linh phối hợp chặt chẽ với bộ đội đặc công và dân quân, du kích địa phương tiến công tiêu diệt các lực lượng bảo an, dân vệ ở các thôn ấp, tiểu khu của địch, giải phóng quận lỵ Gio Linh, khu tập trung Bến Ngự, Mai Xá Thị, Hà Thượng, Xuân Khánh… tạo điều kiện cho nhân dân các xã Gio Hà, Gio Lễ, Gio Mỹ, khu tập trung Quán Ngang nổi dậy diệt ác, phá kìm giành quyền làm chủ.

Cánh Nam do Sư đoàn 324 đảm nhiệm. Ngay từ đêm 29 rạng ngày 30-4, Bộ Tư lệnh Sư đoàn tổ chức cho Trung đoàn 1 cùng các đơn vị phối thuộc hành quân chiếm lĩnh trận địa. Mặc dù bị phi pháo địch đánh phá ngăn chặn, nhưng Trung đoàn 1 vẫn vượt qua khó khăn ác liệt ban đầu, nhanh chóng hình thành thế trận bao vây điểm cao 365 do Tiểu đoàn 8 Lữ đoàn 147 quân Sài Gòn chốt giữ. Gần 11 giờ trưa ngày 30-3-1972, địch sử dụng 2 máy bay trực thăng tiếp tế cho lực lượng đang chốt giữ điểm cao 365. Khi máy ay trực thăng vừa đáp xuống hai bãi đỗ, binh lính địch chưa kịp triển khai đội hình chiến đấu thì lệnh tiến công trên toàn tuyến của ta phát ra. Ngay từ loạt đạn đầu, hai chiếc trực thăng và một số mục tiêu lộ của địch đã bị trúng đạn, bốc cháy. Được pháo binh chi viện đắc lực và có hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 phấn khích lao vào trận đánh. Đến 1 giờ, hầu hết hỏa điểm lộ trong căn cứ 365 bị phá hủy. Địch hoang mang cực độ đinh bỏ chạy, nhưng mọi con đường bộ về hướng đông đã bị khóa chặt. Trung đoàn 1 lần lượt xung phong tiêu diệt những ổ kháng cự. 19 giờ, ta làm chủ trận địa. Mất điểm cao 365, địch ở điểm cao 367 hoang mang rút chạy về căn cứ Phượng Hoàng.

Bước sang ngày 2-4, trên cánh Bắc, sau khi nhận được thông báo của Bộ Tư lệnh chiến dịch về tình hình địch trên toàn tuyến đang bị dao động mạnh trước nhữn đòn tiến công như vũ bão của ta, Ban Chỉ huy Trung đoàn 48 Sư đoàn 320 lập tức triển khai chiến đấu ngay. Trung đoàn cho Tiểu đoàn 1 bôn tập tiến công cụm địch hỗn hợp của Thiết đoàn 20 đang tiến lên tăng cường chốt giữ Cam Lộ. Tiểu đoàn 2 phối hợp với đơn vị bạn bao vây tiêu diệt cụm địch ở đông bắc chi khu quân sự Cam Lộ. Bị bộ đội ta tiến công từ nhiều phía, bộ phận cứu viện đi đầu của Thiết đoàn 20 bị thiệt hại nặng, số còn lại không bám trụ nổi phải vượt đồi Cao Hạ tháo chạy về Đông Hà.

Cùng thời gian, Trung đoàn 24 Sư đoàn 304 ở cánh Tây Bắc cũng nhanh chóng xiết chặt vòng vây, công kích mãnh liệt quân địch ở Tân Lâm và căn cứ Trung đoàn 56 ngụy ở điểm cao 241. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, toàn bộ quân địch trong căn cứ gồm chỉ huy, cơ quan tham mưu trung đoàn cùng một tiểu đoàn bộ binh và các trận địa hỏa lực trực thuộc do viên trung tá Trung đoàn trưởng Phạm Văn Đính, thiếu tá Trung đoàn phó Nguyễn Vĩnh Phong chỉ huy chấp nhận đầu hàng. 12 giờ 45 phút ngày 2-4, toàn bộ khu vực phòng thủ cánh Tây Bắc của địch bị phá vỡ.

Phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị và các tổ vũ trang công tác mặt trận đã bí mật luồn sâu vào hậu phương địch, tổ chức các trận địa tập kích một số mục tiêu ở Đông Hà, Ái Tử, thị xã Quảng Trị khiến cho địch thêm bối rối, hoang mang. Bộ đội địa phương và du kích hai huyện Gio Linh, Cam Lộ chia thành nhiều cụm, đội bám sát các mục tiêu chuẩn bị đánh địch. Rạng ngày 31-3, các lực lượng vũ trang luồn sâu đồng loạt nổ súng vào nhiều đồn bốt, phát động quần chúng nổi dậy phá các khu tập trung đưa dân về làng cũ. Tại các xã có lực lượng vũ trang tại chỗ mạnh như Gio Hải, Cùa, Ba Lòng, nhân lúc bộ đội chủ lực tấn công áp đảo địch, nhân dân kịp thời nổi dậy. Đặc biệt hai xã Gio Linh, Gio Quang tuy bộ đội chưa vào kịp, nhưng dân quân du kích ở đây vẫn chốp thời cơ phát động nhân dân nổi dậy diệt địch, giành quyền làm chủ.

Ở các xã Cam Chính, Cam Nghĩa (Cam Lộ), trước giờ nổ súng, các huyện ủy viên phụ trách các tổ công tác đã phát động trên 2.000 quần chúng tự trang bị vũ khí nổi dậy, giành quyền làm chủ. Khu tập trung đồng bào dân tộc ở nam Cùa, tổ chức hân cốt cách mạng vận động ba trung đội dân vệ làm binh biến. Lực lượng binh biến tổ chức cướp xe ôtô địch, cắm cờ Mặt trận và cơ động khắp nơi, kêu gọi đồng bào phá khu tập trung trở về bản cũ. Tại Ba Lòng, các đội vũ trang công tác vận động được 14 lính bảo an ra đầu thú, tuyển chọn hàng chục thanh niên tăng cường cho lực lượng vũ trang xã.

Đến ngày 4-4-1972, bộ đội ta trên bốn cánh đã phá vỡ tuyến phòng thủ vững chắc vòng ngoài của địch, giải phóng hai huyện Gio Linh, Cam Lộ, tiêu diệt và bức hàng Trung đoàn 56, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 2 và Lữ đoàn 147 lính thủy đánh bộ, đánh bại Chiến đoàn 20, buộc địch phải bỏ toàn bộ tuyến phòng thủ đường 9 - bắc Quảng Trị và bốn căn cứ trung đoàn, bảy căn cứ tiểu đoàn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2011, 09:34:09 am »

Hàng rào điện tử Mắc Namara - phòng tuyến được mệnh danh là bất khả xâm phạm bị mất, Bộ Chỉ huy quân Mỹ và Bộ Chỉ huy quân đội Sài Gòn bị động đối phó. Ngày 3-4-1972, Nguyễn Văn Thiệu ra Huế trực tiếp thị sát tình hình, mở cuộc họp với các tư lệnh vùng, sư đoàn, lữ đoàn để bàn cách ngăn chặn các cuộc tiến công của ta. Sau khi nghe báo cáo tình hình, Nguyễn Văn Thiệu lệnh cho Vùng chiến thuật 1 và Sư đoàn 3 nhanh chóng tổ chức cụm phòng ngự Đông Hà, Ái Tử - La Vang quyết tâm tử thủ, bảo vệ những khu vực còn lại ở vùng này bằng mọi giá. Đồng thời, Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa khẩn cấp tăng viện cho mặt trận Quảng Trị. Ngày 4-4, Lữ đoàn 369 lính thủy đánh bộ quân Sài Gòn được không vận từ Vùng chiến thuật 3 ra khu vực Mỹ Chánh. Hai ngày 5 và 6-4, địch không vận tiếp ba liên đoàn biệt động quân (4, 5, 6) từ Vùng chiến thuật 2, Vùng chiến thuật 4 ra tăng cường cho Đông Hà, Quảng Trị. Chỉ trong ba ngày, với phương tiện vận chuyển hiện đại, địch đã đưa được 9 tiểu đoàn và nhiều phương tiện chiến đấu tới chiến trường nóng bỏng này. Cùng với việc tăng cường lực lượng cho các điểm cao còn lại phía tây Đông Hà, Ái Tử, tổ chức thành tuyến liên hoàn bằng lực lượng bộ binh, xe tăng, sử dụng lối đánh phân tán nhỏ, di động nhanh để đánh trả và tránh bị tiêu diệt lớn, địch còn tập trung một bộ phận lớn lực lượng không quân (kể cả máy bay chiến lược B.52) và pháo hạm đánh phá hết sức dữ dội nhằm ngăn chặn đà tiến công của ta.

Ngày 6-4-1972, mặc dù biết rõ diễn biến phức tạp của tình hình, Bộ Tư lệnh chiến dịch vẫn quyết tâm tổ chức lực lượng tiến công vào khu trung tâm phòng ngự mới của địch, nhằm không cho chúng kịp củng cố bàn đạp tạo thế trận phản kích ta. Bộ Tư lệnh quyết định sử dụng Sư đoàn 308 (thiếu Trung đoàn 88) được tăng cường Trung đoàn 28 và hai đại đội xe tăng, tiến công cụm địch ở Đông Hà, Lai Phước. Sư đoàn 304 tiến công cụm cứ điểm ở Ái Tử, khống chế cầu Quảng Trị, chặn đường rút lui của tập đoàn quân địch. Sư đoàn 324 đánh địch ở La Vang, Tích Tường, cắt giao thông quốc lộ số 1 từ cầu Nhùng đi Mỹ Chánh. Trung đoàn 27 và Tiểu đoàn 47 được hai đại đội xe giao thông K63 chi viện, thọc sâu vu hồi ở cánh Đông, hỗ trợ nhân dân trong các khu tập trung nổi dậy giành quyền làm chủ ở hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng.

Sau ba ngày chuẩn bị gấp cơ sở vật chất và tăng thêm lực lượng vào khu vực tác chiến, sáng ngày 9-4-1972, Bộ Tư lệnh chiến dịch cho các đơn vị tiến công vào đánh chiếm các cụm căn cứ Đông Hà, Ái Tử, La Vang.

Trên hướng Đông Hà do Sư đoàn 308 đảm nhiệm, Trung đoàn 36 và Trung đoàn 102 được xe tăng, thiết giáp yểm trợ đột phá quyết liệt quân địch chốt giữ trên địa bàn hình cánh cung dài 8 km từ chùa Tám Mái (tây bắc Đông Hà) qua dãy Động Quai Vạc đến điểm cao 36 (tây nam Đông Hà). Sau hai giờ đột phá, bộ binh và xe tăng ta đã chiếm được bốn quả đồi phía bắc và phía tây, tiêu diệt được một số tổ chốt hỗn hợp xe tăng và bộ binh địch. Một số mũi tiến công chủ yếu của ta sau khi đánh chiếm được mục tiêu, bị địch tổ chức phản kích quyết liệt. Trung đoàn 36 phải điều phân đội xe tăng dự bị lên hỗ trợ đột phá, giúp cho những mũi này giữ vững trận địa.

Ở phía tây bắc Ái Tử, Trung đoàn 24 sư đoàn 304 dùng sức mạnh hiệp đồng binh chủng ồ ạt đánh chiếm căn cứ Phượng Hoàng. Biết rõ vị trí chiến thuật sống còn của căn cứ Phượng Hoàng đối với Ái Tử, nên chiều cùng ngày, địch tập trung binh lực phản kích chiếm lại. Ngày 10-4, được sự chi viện đắc lực của pháo binh, sau hai lần đột phá mãnh liệt, Trung đoàn 24 mới làm chủ được trận địa.

Trên cánh đông, hai tiểu đoàn đặc công (19, 25) và Tiểu đoàn 47 Vĩnh Linh bí mật vượt sông Cửa Việt luồn sâu vào một số xã phía bắc huyện Triệu Phong. Lực lượng bảo an, dân vệ và binh lính Sài Gòn phòng giữa khu vực này đã chặn phá quyết liệt, quân ta bị tổn thất và để mất yếu tố bất ngờ, phải rút sang phía bắc sông để củng cố lực lượng, chấn chỉnh đội hình.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2011, 09:35:46 am »

Nhìn chung, qua hai ngày tiến công địch trên tuyến phòng thủ cơ bản Đông Hà, Ái Tử, La Vang, do không nắm chắc được sự thay đổi về nội dung và hình thức chiến thuật phòng ngự di động (còn gọi là chiến thuật di tản) của địch, nên các đơn vị tham gia tiến công của ta trên hướng chủ yếu không những không hoàn thành nhiệm vụ mà còn bị tổn thất về binh lực. Nội dung chiến thuật phòng ngự di động của địch là tận dụng khả năng chống đỡ và sức cơ động lớn của xe tăng, thiết giáp trên địa hình đồi thấp, trống trải, kết hợp với bộ binh tạo thành cụm hỗn hợp (tương đương tiểu đoàn) để phản kích ta. Các cụm được cấu trúc liên hoàn có thể yểm trợ cho nhau tạo thành tuyến phòng ngự. Các đơn vị chốt giữ vòng ngoài luôn thay đổi vị trí; ngày ở chỗ này, đêm đi chỗ khác. Xe tăng, thiết giáp được ngụy trang kín đáo, nằm trong công sự nhỏ, tháp pháo nhô lên tạo thành hỏa điểm mạnh. Chưa phát hiện được ta, chúng nằm im. Khi phát hiện được, chúng lập tức thông báo cho nhau hiệp đồng chống cự hay phản công. Các đơn vị ở vòng trong dựa vào hệ thống công sự ximăng cốt thép và chiến lũy vững chắc được thiết lập tại các thị trấn, thị xã để tạo chiều sâu nhiều tấng cho các tuyến phòng ngự. Ngoài ra, hỏa lực không quân chiến lược, chiến thuật, hệ thống pháo hạm và pháo mặt đất được địch sử dụng tối đa nhằm vừa ngăn chặn từ xa, vừa yểm trợ trực tiếp cho các trận đánh.

Ngày 11-4, sau khi chỉ đạo cho các đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm đợt chiến đấu không thành công ấy, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch đã họp bàn tìm biện pháp khắc phục. Bằng trí tuệ tập thể và kinh nghiệm chỉ huy tác chiến dày dạn, Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch đã tìm được giải pháp để chỉ đạo các đơn vị tác chiến. theo đó, đối với các cụm phòng ngự Đông Hà, Ái Tử, La Vang (đặc biệt là Đông Hà, Ái Tử) của địch, rõ ràng ta không thể dùng lối đánh ồ ạt, chớp nhoáng để đập tan các cứ điểm phòng ngự ấy bằng một đòn mà phải thực hiện bằng nhiều đòn liên tục nhằm đập vỡ từng đoạn, tiến tới đập tan nó bằng một đòn quyết định.

Vận dụng cách đánh mới, từ ngày 12 đến ngày 25-4-1972, trên hướng Đông Hà, Sư đoàn 308 chỉ thị cho Trung đoàn 36 chốt giữ khu vực Tây Trì tổ chức các trận đánh tập kích tiêu hao lực lượng bộ binh và xe tăng địch, sau đó tiến công tiêu diệt Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 57 quân Sài Gòn ở điểm cao 30, 28. Trung đoàn 102 khẩn trương xây dựng lực lượng mạnh để đột phá các mục tiêu chủ yếu, trước mắt tổ chức đánh nhỏ lẻ bóc vỏ các điểm cao 25, 30, 36; đánh bại chiến thắng co cụm của địch, tạo lập bàn đạp chuẩn bị đột phá phía nam Đông Hà và bắc cầu Lai Phước. Trung đoàn 48 (đơn vị tăng cường) tích cực hoạt động ở tây và nam Tân Vĩnh. Trung đoàn 58 pháo binh đưa Tiểu đoàn 10 lựu pháo 122 vào động Quai Vạc để vươn tầm bắn tới thị xã Quảng Trị.

Trên hướng Ái Tử, Trung đoàn 9 Sư đoàn 3043 đánh một số trận vào An Đông, Nhan Biều, áp sát cầu Quảng Trị, vừa kéo địch ra ngoài để tiêu diệt, vừa thực hiện ý đồ chia cắt chiến dịch. Ngày 10-4-1972, tại cầu Quảng Trị đã diễn ra trận chiến đấu vô cùng anh dũng của Trung đoàn 2 (thuộc Đại đội 11 tiểu đoàn 3 Trung đoàn 9 Sư đoàn 304), do Trung đội trưởng - thượng sĩ Mai Quốc Ca chỉ huy. Sau khi cùng đại đội đánh sập cầu Quảng Trị, Trung đội 2 đã ngoan cường bám trụ tại đây, đương đầu với 3 tiểu đoàn địch (có xe tăng, máy bay, pháo binh yểm trợ). Với 20 tay súng, trong suốt một ngày quần lộn với lực lượng địch đông gấp bội, cán bộ, chiến sĩ Trung đội 2 kiên quyết bám trụ trận địa, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch. Hai mươi dũng sỹ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh sau khi đã diệt hơn 100 tên địch và 1 xe quân sự. Trận chiến đấu ngoan cường trên cầu Quảng Trị của Trung đội 2 đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của chiến dịch tiến công Trị - Thiên và hành động chiến đấu dũng cảm, hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Trung đội 2 được đồng chí đồng đội mãi mãi gọi tên - Trung đội: “1 thắng 100” - Trung đội Mai Quốc Ca(1).

Đặc biệt, trong đợt hoạt động này, lần đầu tiên quân ta đưa vào sử dụng vũ khí chống tăng B72. Trong trận đánh ngày 23-4, các khẩu đội B72 Lục Vĩnh Tưởng và Lê Văn Trung được sự hỗ trợ đắc lực của các phân đội bộ binh đã bắn cháy 14 xe tăng, xe thiết giáp M.113. Hiệu lực của loại vũ khí mới này đã gây cho địch nỗi kinh hoàng về huyền thoại “đạn có mắt” của quân ta. Như vậy, trong đợt tác chiến tạo thế cho đợt hoạt động tiếp theo, ta diệt hơn 2.000 tên địch, bắt 38 tên. Điều đặc biệt quan trọng trong đợt chiến đấu này là ta đã phát hiện những điểm yếu trong chiến thuật co cụm cứng, khết hợp di động linh hoạt trên các khăng tuyến chính và phụ bằng bộ binh, xe tăng và đã tìm ra giải pháp hiệu quả đánh bại hình thức chiến thuật ấy của địch.


(1) Ngày 23-9-1973, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát, ký quyết định (số 107/QĐ-CPCMLTCHMNVN) truy tặng danh hiện Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung đội 2. Hiện nay, mộ của 19 cán bộ, chiến sĩ Trung đội 2 được chính quyền và nhân dân địa phương quy tập vào nghĩa trang xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Một chiến sĩ của trung đội bị địch bắt và được trao trả sau Hiệp định Pari.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2011, 09:03:12 am »

Trong lúc quân ta ở mặt trận Quảng Trị đang dồn sức hoàn thiện phương án tác chiến tiêu diệt tập đoàn phòng ngự địch ở Đông Hà - Ái Tử - La Vang, quyết tâm giải phóng tỉnh Quảng Trị, thì trên hướng phối hợp Thừa Thiên, ta liên tục tiến công địch ở Cù Mông, điểm cao 620, đường 12; đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn, 1 chi đoàn thiết giáp quân Sài Gòn, buộc chúng phải bỏ căn cứ Tà Lương về củng cố Động Tranh. Với kết quả này, lực lượng tiến công đã thực hiện được nhiệm vụ kiềm chế, thu hút lực lượng địch ở phía tây Huế tạo thuận lợi cho hướng Quảng Trị phát triển. Trên toàn Miền, quân dân ta cũng thu nhiều thắng lợi lớn. Ở hai hướng tiến công phối hợp quan trọng, ngày 7-4-1972, quân và dân miền Đông Nam Bộ tiến công giải phóng quận lỵ Lộc Ninh. Ngày 20-4, sau khi đập tan tuyến phòng thủ tây sông Pô Cô do hai lữ đoàn dù quân đội Sài Gòn chốt giữ, quân dân Tây Nguyên tiếp tục đánh chiếm quận lỵ Đắc Tô - Tân Cảnh. Ở đồng bằng Trung Bộ, ta đánh chiếm quận lỵ Bồng Sơn, Tam Quan, Tuy An… Thắng lợi dồn dập của quân dân ta trên các chiến trường càng cổ vũ quân dân Quảng Trị khẩn trương hoàn thành mọi công tác chuẩn bị cho đợt chiến đấu mới.

Phối hợp với đòn tiến công của quân và dân ta trên các huớng chiến lược, quân và dân Khu 5 do Thiếu tướng Chu Huy Mân làm Tư lệnh, đồng chí Võ Chí Công làm Chính ủy mở chiến dịch tiến công phối hợp ở bắc Bình định. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm Sư đoàn 3 bộ binh, hai tiểu đoàn đặc công, lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị của quần chúng tỉnh Bình Định. Chiến dịch mở ra ngày 9-4-1972. Tiểu đoàn 40 đặc công đánh chiếm cứ điểm Gò Lôi (huyện Hoài Ân), diệt một tiểu đoàn bảo an, uy hiếp quận lỵ. Địch buộc phải điều động một trung đoàn lên phòng thủ. Trung tuần tháng 4-1972, Sư đoàn 3 bộ binh sử dụng hai trung đoàn (2, 21) vận động bao vây tiến công liên tục, tiêu diệt Trung đoàn 40 quân đội Sài Gòn, giải phóng huyện lỵ Hoài Ân. Trong những ngay cuối tháng 4-1972, Sư đoàn 3 tổ chức vân lấy diệt hai căn cứ Đệ Đức (huyện Hoài Nhơn), Bình Dương (huyện Phù Mỹ), đồng thời cho một bộ phận đánh chặn, tiêu diệt Trung đoàn 41 quân đội Sài Gòn lên cứu viện. Được lực lượng vũ trang hỗ trợ, hơn 3 vạn dân Bắc Bình Định đã nổi dậy giành quyền làm chủ. Ở Quảng Nam, hai trung đoàn (38, 31) Sư đoàn 711 bộ binh được lực lượng vũ trang địa phương hỗ trợ, mở cuộc tiến công giải phóng quận lỵ Hiệp Đức, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn địch trên đường 15 (huyện Quế Sơn). Quân và dân Quảng Ngãi kết hợp tiến công với nổi dậy đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn, hai đại đội bảo an, giành quyền làm chủ ở 20 xã phía đông các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, trung tuần tháng 4-1972, lực lượng vũ trang Quân khu 9 nổ súng tiến công chi khu quận lỵ Ngang Dựa, đánh thiệt hại nặng một bộ phận của Trung đoàn 9 quân đội Sài Gòn. Trung đoàn 10 diệt căn cứ Ba Thần, Nông Cạn (xã Khánh Lâm) và sở chỉ huy Trung đoàn 33 (U Minh). Trung đoàn 3 diệt gọn yếu khu Thầy Phó (Vĩnh Long), 1 tiểu đoàn bảo an, 1 đại đội thám báo…

Cuộc tiến công chiến lược của ta phát triển mạnh, rộng khắp, làm cho quân đội Sài Gòn - xương sống của chiến lược Việt Nam hóa chủ trương có nguy cơ đổ vỡ. Níchxơn liền cấp tốc huy động một lực lượng mạnh gồm 40% máy bay chiến thuật (1.077/2.400) chiếc), 48% máy bay chiến lược B.52 (193/400 chiếc), 7 tàu sân bay, 65 tàu chiến chi viện hỏa lực cho quân đội Sài Gòn phản kích trên chiến trường miền Nam, trọng điểm là mặt trận Quảng Trị. Đồng thời, đầu tháng 4-1927, Níchxơn ra lệnh ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam.

Quảng Trị, đã và đang là mặt trận nóng bỏng, nơi thử thách ý chí và sức mạnh của cả hai bên.

Đến ngày 26-4, lực lượng địch bố trí trên chiến trường Quảng Trị có những biến động nhưng không lớn. Trung đoàn 57 (Sư đoàn 3) rút chạy về Cồn Tiên, miếu Bái Sơn về cùng với hai liên đoàn biệt động quân (4, 5) và hai thiết đoàn (17, 20) có nhiệm vụ ngăn chặn tiến tới đẩy lùi quân ta ra khỏi mục tiêu trọng yếu Đông Hà, tiến tới thu hồi những phần đất đã mất.

- Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3), Lữ đoàn 147 lính thủy đánh bộ và Thiết đoàn 11 phòng giữ cụm căn cứ quân sự Ái Tử, phối hợp chặt chẽ với hướng chủ yếu Đông Hà chốt giữ bằng được các tiền đồn ở phía đông căn cứ Phượng Hoàng, nam Tân Vĩnh, kiên quyết không cho ta phát triển từ hướng tây xuống và từ hướng đông sông Thạch Hãn lên.

- Cụm La Vang - thị xã Quảng Trị do Lữ đoàn 369 lính thủy đánh bộ, Liên đoàn 1 biệt động quân và các đơn vị hỏa lực đảm nhiệm ngăn chặn các đợt tiến công luồn sâu, vu hồi của ta vào các điểm cao ở phía tây thị xã và bảo vệ quốc lộ 1.

- Toàn bộ các lực lượng ở mặt trận Quảng Trị được Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu và trung tướng Hoàng Xuân Lãm - Tư lệnh Vùng chiến thuật 1 tiếp tục giao cho viên chuẩn tướng Võ Văn Giai - Tư lệnh sư đoàn 3 chỉ huy.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Giêng, 2011, 09:30:00 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2011, 09:04:06 am »

Về phía ta, sau đợt hoạt động tạo thế thành công, Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương; Tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt các cụm địch ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang hỗ trợ cho quần chúng hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng nổi dậy diệt ác phá kìm giành quyền làm chủ, giải phóng thị xã Quảng Trị. Hướng tiến công chủ yếu từ cầu Lai Phước đến thị xã Đông Hà, hướng phối hợp quan trọng là Ái Tử. Đoạn đường số 1 từ cầu Nhùng đi Mỹ Chánh là hướng chia cắt chiến dịch; đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng là hướng thọc sâu vu hồi.

Sư đoàn 308 dùng sức mạnh hiệp đồng binh chủng tiến công thị trấn Đông Hà và Lai Phước. Sư đoàn 304 tiến công cụm cứ điểm Ái Tử, Nhan Biều, chốt chặn địch ở cầu Quảng Trị. Sư đoàn 324 đánh cắt quốc lộ 1, ngặn chặn địch từ Huế ra, Quảng Trị vào. Trung đoàn 27, tiểu đoàn 47 được tăng cường hai tiểu đoàn thiết giáp và đặc công phát triển vào đồng bằng ven biển Triệu Phong, Hải Lăng, thực hiện nhiệm vụ bao vây vu hồi chia cắt chiến dịch và hỗ trợ quần chúng nỏi dậy phá khu dồn, giải phóng dân.

Phương thức tác chiến chiến dịch là hiệp đồng binh chủng, phát huy sức mạnh của binh khí kỹ thuật hiện đại, vừa bắn phá những mục tiêu chủ yếu trên toàn tuyến vừa tập trung diệt từng điểm, cụm; kiên quyết bao vây chia cắt chiến dịch, đánh vỡ từng mảng tiến tới tiêu diệt hoàn toàn 25 tiểu đoàn bộ binh, ba thiết đoàn cùng toàn bộ lực lượng bảo an và phòng về dân sự.

Chiều ngày 26-4-1972, sau khi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu của các đơn vị, Bộ Tư lệnh chiến dịch lệnh cho các cánh quân vào tuyến xuất phát tiến công.

Hướng Đông Hà - Lai Phước, Sư đoàn 308 cho Trung đoàn 102 bí mật phát triển dọc theo bờ sông Vĩnh Phước, hình thành thế bao vây điểm cao 26, điểm cao 23; dự kiến tiếp phương án đánh chiếm đồi Vuông, điểm cao 20. Trung đoàn 88 chia thành hai mũi luồn sâu bao vây điểm cao 24, 37. Trung đoàn 36 từ hướng Tây Trì tiếp cận điểm cao 19 và 28. Trung đoàn 48 tiến vào Tân Vĩnh. Xe tăng, xe thiết giáp phối thuộc các trung đoàn được lệnh dừng lại phía sau cách đội hình bộ binh từ 1 đến 2 km.

Khu vực Ái Tử Sư đoàn 304 cho Trung đoàn 9, Trung đoàn 24 áp sát các điểm cao 22, 23, 42. Cánh Đông, Trung đoàn 27, Tiểu đoàn 47 và các đơn vị phối thuộc được nhân dân Triệu Phong giúp đỡ vượt sông Cửa Việt tiến xuống áp sát quốc lộ 1 thực hiện chia cắt chiến dịch.

5 giờ 30 phút ngày 27-4, khi được các mũi, hướng báo về đã hoàn tất công tác chiếm lĩnh trận địa, Bộ Tư lệnh chiến dịch hạ lệnh tiến công.

Mở màn cho trận quyết chiếm chiến dịch, hỏa lực pháo 130, Đ74, lựu pháo 122, 105, súng cối 160, 120 mm, đạn hỏa tiễn A12, H12, ĐKB dội bão lửa lên tất cả các căn cứ địch từ Đông Hà tới thị xã Quảng Trị. Sau nửa giờ bắn phá, pháo binh ta chuyển làn; các cánh quân trên các chiến tuyến được lệnh xung phong.

Hướng Sư đoàn 308, Trung đoàn 88, sau khi cùng xe tăng, thiết giáp vượt qua điểm cao 327 đã chia làm hai mũi đánh vào quân địch và triển khai lực lượng chốt giữ vùng ngoại vi thị trấn Đông Hà. Mũi đột phái tiến xuống khu vực đồi Mâm Xôi - nơi tiếp giáp với điểm cao 24, 28. Trước sức tiến công mãnh liệt của ta, bộ binh và thiết giáp địch vừa chống cự vừa lùi dần về điểm cao 24 (sân bay Đông hà). Mũi hai luồn sau chiếm bàn đạp làng Mới, công kích Tiểu đoàn 30 biệt động quân, đẩy chúng vào tình thế bị uy hiếp từ nhiều phía. Thấy tình thế nguy ngập, chỉ huy địch ở Đông Hà cho một chi đoàn thiết giáp lên tăng cường chốt giữ các vị trí còn lại vào cho không quân, pháo binh bắn phá dữ dội hòng đánh bật Trung đoàn 88 ra khỏi bàn đạp vừa chiếm được.

Trung đoàn 88 với lối đánh gần, táo bạo chờ cho xe tăng, bộ binh địch (lực lượng mới tăng cường) vào sát trận địa mới nổ súng. Sau một lạot đạn hỏa lực gồm tên lửa chống tăng B72, ĐKZ, B40, B41, 8 xe tăng, xe thiết giáp địch đã bị bắn cháy. Lính biệt động mất chỗ dựa, bất chấp lệnh chỉ huy hò hét tử thủ, bỏ trận địa tháo chạy. Đến 9 giờ, Trung đoàn 88 đã làm chủ các điểm cao 35, 24, 37, đưa lực lượng bộ binh cơ giới thọc sâu bao vây sở chỉ huy Trung đoàn 57 quân đội Sài Gòn ở Đại Áng, Trung Chỉ.

Ở mũi tiến công chủ yếu do Trung đoàn 102 đảm nhiệm, cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt. Sau đợt pháo bắn yểm trợ, trung đoàn cho một lực lượng áp sát tiêu diệt đồi Vuông, rồi nhanh chóng chuyển sang bao vây địch ở điểm cao 26 và điểm cao 23. Địch dựa vào địa hình có thế cao, hào sâu và xe tăng yểm trợ, chống trả quyết liệt. Bằng sự dũng cảm, thông minh, dám chấp nhận hy sinh, bộ đội Trung đoàn 102 lần lượt làm chủ các điểm cao 26, 23, 32, áp sát bao vây điểm cao 28 để thực hiện ý định chốt cắt cầu Lai Phước.

Đem 17-4, sau khi xem xét lại diễn trình tác chiến trong ngày, Bộ Tư lệnh chiến dịch nhân thấy bộ đội ta trên các hướng phát triển nhịp nhàng, bước đầu hoàn thành được các mục tiêu đã giao. Nhưng muốn đảm bảo đánh chắc thắng, thắng nhanh, thắng giòn giã, các hướng phải trinh sát thật kỹ, luôn bám sát địch phòng ngừa chúng thay đổi vị trí và biện phá đối phó. Do đó, Sư đoàn 308 cần nhanh chóng tổ chức lại các mũi bộ binh thiết giáp đột phá ra đường 1 phá sập cầu Lai Phước. Sư đoàn 304 chiếm các điểm cao 23, 42, 48 ở phía tây để thông đường số 1, thực hiện tốt nhiệm vụ chia cắt chiến dịch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2011, 09:04:38 am »

Sáng ngày 28-4-1972, cuộc tiến công quy mô lớn của quân và dân Quảng Trị tiếp tục diễn ra. Mở màn, pháo binh chiến dịch trút đạn xuống trận địa địch. Bốn cụm mục tiêu Đông Hà, Ái Tử, La Vang, thị xã Quảng Trị chìm trong khói lửa. nửa giờ sau, các sư đoàn bộ binh, các trung đoàn độc lập có xe tăng yểm trợ đồng loạt tiến công.

Hướng Sư đoàn 304, khi Trung đoàn 24 đang triển khai đội hình phát triển vào Ái Tử thì cụm địch hỗn hợp bộ binh và xe tăng chốt vòng ngoài phát hiện được ta đã nổ súng. Tình huống đó không làm Trung đoàn 24 lúng túng. Chỉ huy Trung đoàn cho một phân đội dựa vào bình đội khuất, vòng trái nổ súng thu hút địch. Bị đánh bất ngờ, địch lập tức bộc lộ lực lượng, cho 10 xe tăng, xe thiết giáp và nhiều bộ binh dàn hàng ngang hùng hổ xông thẳng vào phân đội nghi binh. Theo kế hoạch hiệp đồng, hai tiểu đội tên lửa chống tăng B72 được lệnh phát hỏa. Sáu chiếc xe tăng M48 địch bốc cháy. Những chiếc xe còn lại khiếp sợ “đạn có mắt” vội vã quay đầu tháo chạy. Cùng lúc, Trung đoàn 48 (sau khi tiêu diệt căn cứ Tân Vĩnh ngày 27-4) đã nhanh chóng xốc lại đội hình, phối hợp cùng Sư đoàn 304 tiến công vào Ái Từ. Trung đoàn chia làm hai mũi, một mũi phát triển xuống phía nam Tân Vĩnh hỗ trợ lực lượng vũ trang địa phương diệt ác phá kìm giải phóng xã Triệu Giang, Triệu Ái (Triệu Phong); một mũi tiến xuống nam cầu Lai Phước đè bẹp các ổ kháng cự trên đưởng rồi thọc thẳng ra sân bay.

Gần trưa, hai trung đoàn 48 và 24 được sự yểm trợ đắc lực của xe tăng, thiết giáp mở nhiều đợt tiến công quân địch cố thủ sân bay Ái Tử. Địch chống trả điên cuồng. Nhiều trận đánh đẫm máu để giành giật từng đoạn hào, từng lô cốt đã diễn ra. đến 17 giờ cùng ngày, ta mới chiếm được hơn nửa sân bay. Nhưng quân số hao hut, đạn dược cạn dần, ta phải dừng lại củng cố, bổ sung lực lượng và đạn dược.

Ở mũi thọc sâu của Trung đoàn 66, chiến sự cũng diễn ra ác liệt. Ngay từ phút đầu, bộ đội ta chiếm lĩnh khu vực nam cầu Quảng Trị, chuẩn bị triển khai trận địa khống chế quốc lộ 1. Phát hiện bộ đội ta cơ động, địch sử dụng pháo đánh chặn rồi phản kích quyết đánh bật quân ta ra khỏi khu vực cầu. Ban Chỉ huy Trung đoàn vừa cho các đơn vị lợi dụng địa hình địa vật bám trụ phản kích địch, vừa gọi pháo binh chiến dịch bắn mạnh vào hai khu vực đầu cầu phía bắc và phía nam yểm trợ cho quân ta ổn định tình hình, phát triển tiến công. Đến 8 giờ, Trung đoàn phó Đinh Xuân Nguyên tập trung bộ đội đột phá quân địch chống giữ ga Quảng Trị. Bị đánh mạnh, địch núng thế chống cự yếu ớt rồi rút ra quốc lộ 1. Trung đoàn 66 đánh chiếm được phía tây thị xã Quảng Trị, tạo thế chốt chặn đường rút chạy của địch từ Đông hà, Ái Tử, trực tiếp uy hiếp Sở chỉ huy Sư đoàn 3 quân đội Sài Gòn và khu cố vấn Mỹ ở thị xã Quảng Trị.

Trên hướng chủ yếu, 5 giờ 30 phút ngày 28-4, pháo chiến dịch mới chuyển làn, cả Sư đoàn 308 và các đơn vị tăng, thiết giáp phối thuộc đã đồng loạt tiến công. Trung đoàn 102 ở hướng nam chia làm hai mũi phát triển ra đường 1 đánh chiếm cầu Lai Phước. Bộ binh và xe tăng địch phản kích ác liệt quyết giữ cầu bằng mọi giá. Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 9 tập trung súng chống tăng bắn diệt 3 xe tăng, 2 ổ đại liên. Phần lớn xe thiết giáp địch lợi dụng độ cao của đường sắt làm vật che khuất dùng hỏa lực khống chế xe tăng và bộ binh ta. Trung đoàn 102 buộc phải dừng lại điều chỉnh đội hình tác chiến.

Hướng Trung đoàn 88, được sự chi viện đắc lực của xe tăng, các tiểu đoàn tổ chức thành nhiều mũi xung phong đánh chiếm Trung Chỉ. Địch không chống cự nổi buộc phải tháo chạy về Đại Áng. Trug đoàn 36 ở hướng bắc thọc thẳng theo đương 1 tràn vào các đường phố Đông Hà. Địch bỏ chạy tán loạn.

Với sự phát triển thuận lợi trên toàn mặt trận, Bộ Tư lệnh chiến dịch nhận định: Quân địch ở Quảng Trị thất bại đã rõ ràng; vấn đề chỉ còn là thời gian! Nhưng để tiêu diệt gọn, bắt tù binh, thu vũ khí, các cánh quân cần đẩy mạnh tiến công địch hơn nữa, quyết không cho địch ứng ứu lẫn nhau. Sư đoàn 308 phải nhanh chóng phá sập cầu Lai Phước. Các đơn vị cần chú ý sự tan vỡ đột biến của tập đoàn quân địch.

10 giờ, pháo binh chiến dịch và pháo binh Sư đoàn 308 bắn phá mãnh liệt khu vực cầu Lai Phước. Pháo vừa dứt, bộ binh và thiết giáp của Trung đoàn 102 bất chấp sự chống cự của địch, ồ ạt phát triển qua đường sắt, chiếm khu vực ven sông, khống chế hai đầu cầu, bắn cháy một lúc ba xe tăng địch. Thấy nguy cơ mất cầu Lai Phước - một mục tiêu có ý nghĩa sinh tử đối với địch ở Đông Hà, quân lính bảo vệ cầu dồn sức phản kích quyết liệt. Nhưng với quyết tâm phải diệt bằng được cầu Lai Phước, được sự hỗ trợ của xe tăng, pháo binh và bộ binh, tổ bộc phá công binh cảm tử bao gồm ba đồng chí Bùi Minh Quyết, Hoàng Xuân Lạng, Phạm Công Dũng thay nhau lao lên mặt cầu liên kết và cho nổ khối bộc phá 120 kg, phá sập cầu Lai Phước.

Cầu Lai Phước bị cắt đứt như một tiếng chuông báo hiệu giờ cáo chung của căn cứ Đông Hà, khiến quân địch kinh hoàng khiếp sợ. Sư đoàn 308 lập tức lao vào trận đột phá tiêu diệt lực lượng then chốt của địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2011, 09:05:44 am »

Trung đoàn 102 ở phía nam đánh ngược ra Đông Hà. Trung đoàn 36 ở phía bắc theo đường 1 đánh tràn xuống phía nam. Trung đoàn 88 và lực lượng phối thuộc ở phía tây lấn ép xuống. Toàn bộ địch ở Đông Hà hoảng loạn cực độ bỏ xe cộ, vứt khí giới hòng chạy thoát thân. Chúng xông vào các xóm làng ven đường, ven sông tranh cướp quần áo cải trang làm thường dân rồi lao bừa ra sông Thạch Hãn tranh cướp thuyền ghe để chạy vào thị xã Quảng Trị. Đến 15 giờ ngày 28-4, toàn bộ Đông Hà - Lai Phước được giải phóng.

Chiến thắng Đông Hà - Lai Phước vừa cổ vũ vừa thôi thúc cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304 chạy đua với thời gian chuẩn bị chó trận đột phá cụm cứ điểm Ái Tử. Sáng 30-4 hai trung đoàn 24 và 48 được xe tăng, thiết giáp yểm trợ đánh tràn qua sân bay, xông thửng vào vào căn cứ Ái Tử đánh chiếm Sở Chỉ huy sư đoàn 3 và khu hậu cần quân đội Sài Gòn. Địch chống cự yêu ớt rồi phá chạy về bến phà Tả Kiên, tranh nhau bè chuối vượt sông sang thị xã Quảng Trị. 14 giờ ngày 30-4, ta làm chủ cụm căn cứ Ái Tử và khu vực Nhan Biều.

Ở hướng Đông, hòa nhịp với các đơn vị tác chiến trên hướng chính, Trung đoàn 28, Tiểu đoàn 47, Tiểu đoàn 3 Lữ đoàn 202 xe tăng thiết giáp, Tiểu đoàn 75 pháo mang vác và hàng trăm cán bộ quân - dân - chính địa phương tịch cực tiến công địch. Ngày 28-4, được nhân dân địa phương dùng thuyền mảng đưa sang sông, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị nhanh chóng đánh chiếm Long Quang, Thanh Hội, Vĩnh Hồ… Thừa thắng, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương được dân quân, du kích hỗ trợ đánh chiếm các mục tiêu nằm rải rác dọc đồng bằng ven biển Triệu Phong, Hải Lăng. Quân ta đi đến đâu cũng được nhân dân phấn khởi chào đón và phối hợp đấu tranh chính trị, binh vận. Khi nghe tin Đông Hà, Ái Tử được giải phóng, Trung đoàn 27 và các lực lượng vũ trang địa phương náo nức đẩy mạnh tiến công hệ thống đồn bốt kìm kẹp hơn một dân ở khu vực Gia Đẳng. Hàng nghìn bà con cô bác ở các xã Hải An, Hải Xuân, Hải Ba, Hải Thiện… đốt đuốc, gõ mõ, đánh trống, reo hò ủng hộ bộ đội Giải phóng. Khí thế đấu tranh rào dâng như nước vỡ bờ. Chiều 29-4-1972, Chi khu quân sự Triệu Phong đầu hàng. Ngày 1-5-1972, binh lính và nhân viên chính quyền địch ở Linh Chiểu, Mỹ Thủy, Phương Lang bỏ chạy. Sáng 2-5, ta đánh chiếm chi khu quân sự Hải Lăng.

Đông Hà, Ái Tử, Hải Lăng thất thủ, quốc lộ 1 bị cắt đứt nhiều đoạn từ cầu Nhùng đi Mỹ Chánh. Thấy không còn khả năng chốt giữ những khu vực còn lại, chỉ huy địch ở thị xã Quảng Trị quyết định rút chạy để bảo toàn lực lượng. Nắm được ý đồ của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch lệnh cho Sư đoàn 324 khẩn trương tổ chức lại đội hình, thực hiện chia cắt chiến dịch, kiên quyết tiến công tiêu diệt địch.

Sáng ngày 30-4, Trung đoàn 2 cho hai tiểu đoàn 5 và 6 tiến công Tiểu đoàn 8 (Lữ đoàn 369) lính thủy đánh bộ quân đội Sài Gòn ở khu vực Tân Điền, mở cửa cho Tiểu đoàn 4 tiiến xuống quốc lộ 1 đánh địch ở khu vực cầu Bến Đá. Ngày 1-5, các cụm cứ điểm của địch ở bắc sông Thạch Hãn bị thất thủ, địch ở thị xã Quảng Trị hoang mang cực độ, bắt đầu “rút lui theo kế hoạch”. Nhưng chúng bị các đơn vị thuộc Sư đoàn 324 chặn đánh quyết liệt ở cầu Nhùng, cầu Bến Đà, cầu Đài. Pháo binh ta bắn phá mãnh liệt khống chế đường số 1. Suốt ngày địch mở hàng chục đợt đột kích để thông đường chạy về phía nam, nhưng chúng đi đến đâu cũng bị đánh, chạy ngả nào cũng bị chặn. Không thực hiện được ý định “rút lui có tổ chức”, địch phải bỏ lại toàn bộ xe pháo, tháo chạy tán loạn. Cả đọn đường gần 30 km từ thị xã Quảng Trị đến cầu Mỹ Chánh trở thành “đại lộ kinh hoàng” đối với địch. Lữ đoàn lính thủy đánh bộ 369 chạy về nam sông Mỹ Chánh. Các cố vấn Mỹ chạy về Sài Gòn. Viên chuẩn tướng Vũ Văn Giai, Tư lệnh Mặt trận Quảng Trị cũng dùng trực thăng chạy về Đà Nẵng. Trên quốc lộ 1, quân ta truy đuổi địch đến nam cầu Mỹ Chánh. Trung đoàn 9 (Sư đoàn 304) tiến vào tiếp quản thị xã Quảng Trị. Đến ngày 2-5-1972, tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng.

Phối hợp với hướng chính Quảng Trị, các lực lượng vũ trang Thừa Thiên đẩy mạnh tiến công địch trên ba vùng chiến lược. Ngày 28-4, ở hướng đường 12 phía tây thành phố Huế, một tiểu đoàn địch chốt giữ Động Tranh và điểm cao 377 vừa bị bộ đội ta vây lấn đã hoang mang bỏ chạy. ngày 30-4 bộ đội ta đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 54 quân Sài Gòn lên ứng cứu cho đồng bọn trên hướng này. Ở hướng đồng bằng Thừa Thiên, lực lượng vũ trang địa phương được nhân dân hỗ trợ vây diệt chi khu Hương Trà, bức hàng yếu khu Nam Hòa. Các tổ vũ trang công tác tỉnh và du kích xã hỗ trợ cho nhân dân chi khu Hương Trà nổi dậy diệt ác, trừ gian, gianh quyền làm chủ.

Trước thất bại nặng nề ở Trị - Thiên (đặc biệt là Quảng Trị) Nguyễn Văn Thiệu cách chức Hoàng Xuân Lãm - Tư lệnh Quân khu 1, đưa viên tướng Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh Quân khu 4 ra thay, đồng thời điều thêm 5 lữ đoàn, trung đoàn từ Sài Gòn và Đà Nẵng ra Huế lập tuyến phòng thủ mới kéo dài từ nam sông Mỹ Chánh đến tây đương 12, hòng ngăn chặn cuộc tiến công vào Huế của ta, tạo lập bàn đạp phản kích, lấn chiếm vùng vừa rơi vào tay Quân giải phóng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2011, 09:08:04 am »

Đối với ta, sau khi giải phóng tỉnh Quảng Trị, mặc dù biết bộ đội qua hơn một tháng tiến công sức khỏe đã giảm sút, quân số và vũ khí các đơn vị chưa kịp bổ sung, trong khi đó địch đã tăng cường lực lượng phòng thủ chuẩn bị phản kích ra Quảng Trị, nhưng Bộ Tư lệnh chiến dịch vẫn nhận định: “Khí thế của bộ đội lên rất cao, có tiến bộ trong tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn; có kinh nghiệm đánh địch co cụm ở địa hình trống trải”, và “quân địch có ý định phản công lớn nhưng khả năng chỉ có thể vào mùa mưa vì còn phải bổ sung lực lượng khoảng 1 đến 2 sư đoàn”. Trên cơ sở nhận định này, Bộ Tư lệnh hạ quyết tâm thực hiện kế hoạch chiến dịch đã vạch ra: tổ chức tiến công đợt 3 vào trung tuần tháng 6-1972 nhằm: “Tiêu diệt tập đoàn chủ yếu của địch, phá vỡ thế phòng ngự của chúng, làm chủ đến giáp sông Hương không cho địch co cụm ở tuyến sông Bồ, tạo thế phát triển chiến dịch”, thực hiện mục tiêu: “Tiêu diệt đại bộ phận lực lượng quân sự địch, giải phóng Thừa Thiên kể cả Huế và Phú Bài, đưa cuộc tiến công chiến lược Trị - Thiên đến toàn thắng”(1).

Về tổ chức lực lượng, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng hai sư đoàn bộ binh 304 và 308 cùng một số đơn vị binh chủng kỹ thuật đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu nhằm vào cụm căn cứ Đồng Lâm, Phò Trạch, sau đó thọc sâu chia cắt chi khu An Lỗ, không cho địch phản kích từ Huế ra, từ phòng tuyến Mỹ Chánh vào. Sư đoàn 324, Trung đoàn 6 độc lập và một số đơn vị bộ đội địa phương tiến công vào tuyến đường 12, Động Tranh, Bình Điền, phá vỡ tuyến phòng thủ phía tây thành phố Huế. Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325), Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320B) mới được Bộ Quốc phòng tăng cường và Trung đoàn 27 độc lập tiến công từ hướng đông bắc đường 1 vào khu vực Lương Mai, Phong Lai, phá Tam Giang, quận lỵ Hương Điền, Quảng Điền, phối hợp với hướng chủ yếu hỗ trợ nhân dân nổi dậy làm chủ vùng đồng bằng ven biển.

Tối ngày 20-6, sau khi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu của các đơn vị, Bộ Tư lệnh chiến dịch hạ lệnh tiến công địch. Trên hướng chủ yếu, được sự chi viện của pháo binh chiến dịch, hai sư đoàn (304, 308) đánh chiếm các điểm cao 102, 156, Đá Bạc, núi Cánh Dơi và một số mỏm đồi khu vực núi Cái Mương. Do tốc độ tiến công của các đơn vị chậm, công tác hiệp đồng, thời gian tính chất không chặt nên trong ba ngày (22, 23, 24-6) địch ở Phò Trạch, Đồng Lâm phản kích chiếm lại hầu hết các mục tiêu ở tây nam sông Mỹ Chánh.

Trên hướng đông, trước khi ta nổ súng tiến công, hai lữ đoàn lính thủy đánh bộ 147 và 369 quân Sài Gòn được lực lượng của không quân và pháo binh yểm trợ đã bất ngờ hành quân ra Xuân Viên, Đông Dương, Thẩm Khê, Vân Lý, Hội Kỳ Phương. Hành động này của địch buộc hai trung đoàn 18 và 27 của ta phải nổ  súng phản kích. Qua ba ngày chiến đấu (20, 21, 22-6), hai trung đoàn 18 và 27 tuy diệt được một số địch, nhưng phía ta cũng bị thiệt hại phải dừng lại củng cố. Trung đoàn 64 vào thay thế Trung đoàn 18 chiến đấu dũng cảm nhưng cũng chỉ đủ sức làm chậm bước hành quân của địch. Trong khi đó ở hướng nam, công tác chuẩn bị cho đợt tác chiến triển khai chậm, lại bộc lộ một số sơ hở, địch chủ động đánh chặn từ xa. Đến ngày 25-6, ta mới nổ súng tiến công Khe Thai, điểm cao 372, đèo Su Na. Trận đánh không thành. Ta không đánh chiếm dứt điểm được các mục tiêu đề ra.

Nhìn chung, trong đợt 3 chiến dịch, sau một tuần tiến công, các hướng, các mũi đều không thực hiện được kế hoạch tác chiến đã đề ra. Hầu hết các đơn vị tham gia chiến dịch bị thương vong, sức chiến đấu giảm sút rõ rệt; trong lúc lực lượng tổng dự bị chiến lược của Quân đội Việt Nam cộng hòa được tung ra Thừa Thiên, chuẩn bị phản công quy mô lấn chiếm lại những vùng đã mất. Hằng ngày, máy bay (kể cả máy bay chiến lược B.52) và pháo hạm địch đánh phá hết sức ác liệt hậu phương chiến dịch của ta. Trước tình hình diễn biến phức tạp, đêm 27-6, Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương kết thúc chiến dịch tiến công, chuyển phương thức tác chiến mới nhằm đánh bại nỗ lực tái chiếm Quảng Trị của quân đội Sài Gòn với sự yểm trợ hỏa lực ồ ạt của không quân, hải quân Mỹ.

Tuy đợt 3 chiến dịch tiến công Trị - Thiên vấp phải sự chống trả quyết liệt của đối phương, lực lượng và phương tiện chiến đấu bị thiệt hại, nhưng toàn chiến dịch, trong hơn một tháng tiến công, ta diệt và làm bị thương 27.458 tên, bắt 3.388 tên, trong đó có một số đơn vị quân đội Sài Gòn như Sư đoàn bộ binh 3, Lữ đoàn 147 lính thủy đánh bộ, 2 liên đoàn biệt động quân, 4 thiết đoàn và nhiều đơn vị khác bị thiệt hại nặng. Ta phá hủy và thu 636 xe tăng, xe thiết giáp, 1.870 xe quân sự, 419 khẩu pháo các loại, bắn rơi và phá hủy 340 máy bay. “Chiến dịch tiến công Trị - Thiên (Hè 1972) đạt hiệu quả lớn. Trên chiến trường miền Nam lần đầu tiên ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh, tiêu diệt nhiều trung đoàn, đánh quỵ một sư đoàn quân ngụy, lần đầu tiên ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh Quảng Trị”(2). Chiến dịch tiến công hướng Trị - Thiên mở ra và giành thắng lợi tạo điều kiện thuận lợi cho hai hướng phối hợp quan trọng của quân và dân ta ở bắc Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.


(1) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.288.
(2) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Nghệ thuật chiến dịch Việt Nam (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.415.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2011, 09:08:44 am »

Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2011, 09:10:54 am »

II - TIẾN CÔNG ĐỊCH TRÊN HƯỚNG PHỐI HỢP
QUAN TRỌNG TÂY NGUYÊN, MIỀN ĐÔNG NAM BỘ

Đối với hai hướng phối hợp quan trọng trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ đạo quân và dân Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ mở các chiến dịch bắc Tây Nguyên và chiến dịch Nguyễn Huệ.

Đối với chiến dịch tiến công bắc Tây Nguyên - hướng tiến công phối hợp rất quan trọng trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ “Sử dụng lực lượng bản thân cùng lực lượng và binh khí kỹ thuật tăng cường, tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực Quân đoàn 2 và lực lượng tổng dự bị địch, giải phóng vùng Đắc Tô - Tân Cảnh, thị xã Kon Tum; khi có điều kiện phát triển xuống Plâyku, mở rộng vùng căn cứ Gia Lai, Đắc Lắc, hình thành một vùng căn cứ hoàn chỉnh, nói liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ”(1). Để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ huy trên hướng tiến công chiến lược phối hợp quan trọng này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch. Đồng chí Hoàng Minh Thảo được chỉ định làm Tư lệnh; đồng chí Trương Chí Cương, Phó Bí thư Khu ủy Khu 5 làm Bí thư Đảng ủy, kiêm Chính ủy.

Cho đến những tháng đầu của năm 1972, hình thái hoạt động của địch trên địa bàn Tây Nguyên là vẫn tiếp tục tăng cường lực lượng giữ thị xã Kon Tum: điều thêm lữ đoàn dù 2 thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược từ Sài Gòn ra lập tueýn phòng thủ mới ở khu vực điểm cao 1.049, 1.015 (tây sông Pô Cô). Trong khi đó, các lực lượng chủ lực Quân khu 2 ở bắc Tây Nguyên đã hình thành ba cụm phòng ngự ở Đắc Tô - Tân Cảnh, thị xã Kon Tum, thị xã Plâyku(2). Căn cứ vào nhiệm vụ được Bộ chính trị, Quân ủy Trung ương giao và sau khi nắm vững tình hình, bố trí lực lượng địch trên chiến trường, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định chọn địa bàn hai tỉnh Kon Tum, Gia Lai có địa thế núi cao, rừng rậm, thung lũng sâu, sông suối ngăn cách, trải dài hơn 100 km để mở cuộc tiến công tiêu diệt tập đoàn phòng ngự địch ở Tây Nguyên.

Để tiến công địch trên hướng Tây Nguyên, Bộ tăng cường hai sư đoàn chủ lực (320, 2), Trung đoàn 675 pháo binh, Trung đoàn 7 công binh, ba tiểu đoàn pháo cao xạ (37, 57), một tiểu đoàn xe tăng, một đại đội tên lửa B72. Ngoài các đơn vị được tăng cường, Bộ Tư lệnh chiến dịch bắc Tây Nguyên còn huy động bốn trung đoàn (666, 95, 28, 24), Trung đoàn 400 đặc công, Tiểu đoàn 631 bộ binh (lực lượng của mặt trận) vào chiến dịch tiến công này.

Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định trong giai đoạn 1, dùng Sư đoàn 320, Trung đoàn 28 hoạt động nghi binh lôi kéo địch ra dãy điểm cao phía tây sông Pô Cô và Võ Định; dùng hình thức tác chiến vận động tiến công tiêu diệt địch, tạo điều kiện cho Sư đoàn 2 (thiếu), Trung đoàn 66 và lực lượng tăng cường tiến công cụm cứ điểm Đắc Tô - Tân Cảnh.

Giai đoạn 2, phát huy thắng lợi đã giành được, Sư đoàn 2, Trung đoàn 28, Trung đoàn 64 tiến công hướng chủ yếu từ phía bắc; Sư đoàn 320 (thiếu) tiến công hướng thứ yếu từ phía nam vào thị xã Kon Tum. Các lực lượng vũ trang địa phương tỉnh, huyện trong quá tình tham gia chiến dịch phải tích cực vận dụng các hình thức đấu tranh hai chân, ba mũi, nổi dậy phá ấp giành dân ở huyện, quận, thị xã.

Đầu tháng 3-1972, thời điểm tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam nói chung, chiến trường Tây Nguyên nói riêng đang tới gần. Quân và dân Tây Nguyên dồn sức hoàn tất các mặt chuẩn bị chiến dịch. Lúc này, đề phòng cuộc tiến công của ta, Bộ Chỉ huy Quân khu 2 địch vừa tung thám báo, biệt kích thăm dò, vừa cho máy bay các loại đánh phá ác liệt hệ thống đường vận chuyển chiến lược, chiến dịch của ta. Đến giữa tháng 3-1972, mặc dù đã tập trung lực lượng tới mức cao nhất, nhưng lực lượng vận tải chiến lược trên tuyến 559, mới vận chuyển được 35% lượng hàng hóa phục vụ cho chiến dịch. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch kiên quyết chỉ đạo việc đảm bảo hậu cần phục vụ chiến dịch. Các tổ công tác có kinh nghiệm về khai thác hậu cần được lệnh mở thêm cửa khẩu thu mua hàng hóa (chủ yếu là lương thực). Mọi phương tiện được huy động tối đa nhằm đẩy nhanh công tác vận chuyển vũ khí, đạn dược và các loại vật chất đảm bảo tới các chân hàng phía trước phục vụ các đơn vị chiến đấu. Cuối tháng 3-1972, lượng hàng hóa quân sự phục vụ cuộc tiến công bắc Tây Nguyên đã hoàn thành, nhưng cũng chỉ đủ dùng trong giai đoạn đầu của chiến dịch.


(1) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Nghệ thuật chiến dịch Việt Nam (1945-1975), Sđd, tr.293.
(2) Đầu tháng 3-1972, địch ở bắc Tây Nguyên đã hình thành ba cụm phòng ngự gồm 3 sư đoàn, 2 liên đoàn, 10 chi đoàn thiết giáp, 112 trung đội dân vệ, 3 đại đội thám báo.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM