Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 12:54:14 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp  (Đọc 87457 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
motthoang_hn02
Thành viên
*
Bài viết: 230



« Trả lời #20 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2008, 07:07:50 pm »

Về cội nguồn Chiến khu Việt Bắc

Nguồn : http://www.qdnd.vn/qdnd/baongay.psks.phongsu.44879.qdnd
 

Nắng thu bừng lên rực rỡ dải núi Hồng,rừng cọ, đồi chè, nhà sàn, vùng chiến khu Việt Bắc năm xưa. Sơn nữ Lý Thị Chiên phụ trách Bảo tàng ATK (An toàn khu) Định Hóa, đưa chúng tôi đến di tích nơi thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương (KTTƯ) Đảng. Từ đường ô tô Quán Vuông-Tân Trào, rẽ phải theo "đường Trường Chinh" độ 2km, đến đồi Pụ Miếu, xanh ngát chè, cọ, bao quanh là cánh đồng lúa vàng óng, giáp núi Hồng thuộc xóm Phủng Hiển, xã Điềm Mặc, Định Hóa (Thái Nguyên). Tại nơi đây còn vật chuẩn - cây Gội cổ thụ, gốc độ 3 người ôm, có 4 nhánh ngọn như cái chạc súng cao su. Cựu chiến binh Mông Chí Đệ kể lại: Vào năm 1948, Trần Đăng Ninh, thường gọi "ông Đỗ", chuyển đến ở cùng gia đình. Bố ông là Mông Chí Bằng dành cả đồi Pụ Miếu, cùng Lường Văn Lược, và mấy người dân dựng nhà, lán cho Ban Kiểm tra Trung ương. Con gái ông Ninh tên là Hạnh, cùng trông em ở nhà sàn, vẫn qua lại chơi với nhau. Vào giờ nghỉ buổi chiều, ông Ninh hay câu ếch ở bờ ao và các chằm lầy, các "đồng chí Trung ương" thả rau muống ở ao Thẩm Pa, hái măng nứa về cải thiện.


Đồng chí Trần Đăng Ninh (tức Nguyễn Tuấn Đáng), Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên của Đảng, sinh năm 1910 ở Quảng Nguyên, Quảng Phú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Đồng chí vào Đảng năm 1936, tháng 9-1940, lãnh đạo khởi nghĩa Bắc Sơn; ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng (tháng 5-1941), rồi Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ; ngày 21-11-1941 bị thực dân Pháp bắt giam ở Hỏa Lò, đi đày ở Sơn La, cùng Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu vượt ngục Sơn La (1943)... Ngày 15-5-1945, tại lễ thành lập Việt Nam giải phóng quân ở Định Biên, Định Hóa, đồng chí được cử vào Ban chỉ huy. Đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử lên Việt Bắc chọn khu an toàn (11-1946) đặt các cơ quan đầu não. Sau khi lên các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn khảo sát, theo đề xuất của ông, Đảng, Chính phủ quyết định chọn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên), Chợ Đồn, Chợ Mới (Bắc Kạn), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) xây dựng An toàn khu (ATK). Toàn quốc kháng chiến, huyện Định Hóa trở thành đại bản doanh của Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ…

Đầu năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kiểm tra hoạt động của Đảng bộ, chính quyền một số địa phương, Bác viết thư gửi các đồng chí Bắc Bộ và Trung Bộ chỉ rõ những khuyết điểm, quan liêu, hẹp hòi, bè phái, phải tăng cường công tác kiểm tra để uốn nắn, sửa chữa.

Ông Hà Xuân Mỹ (Hà Minh Quốc) nguyên bí thư Đảng ủy khối kinh tế Trung ương, nay đã 85 tuổi kể lại: Tôi làm ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy Quảng Trị, cuối tháng 7-1947 ra học lớp chính trị Tô Hiệu ở ATK Định Hóa. Khi quân Pháp vây riết, đánh lên Việt Bắc, tôi cùng Lê Khánh, Đặng Việt Lâm được đồng chí Lê Đức Thọ giữ lại làm công tác kiểm tra Đảng. Ngày 16-10-1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra Trung ương do Tổng bí thư Trường Chinh ký, gồm các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng; Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ Khu ủy (sau là Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư, mất 2008) và Hà Xuân Mỹ. Đồng chí Trần Đăng Ninh được cử làm Trưởng ban kiểm tra Trung ương chuyên trách đầu tiên của Đảng. Các phái viên kiểm tra, lúc đông nhất 23 người được điều động từ các Ban thường vụ tỉnh ủy từ Liên khu V trở ra: Lê Thanh, Đặng Việt Lâm, Hoàng Phú, Mai Công Thiệp, Trần Tấn, Trần Linh, Nguyễn Thành Tân, Nguyễn Danh Phan, Trần Thọ… Gần Ban KTTƯ ở (đồi B) có: Tổng bí thư Trường Chinh cùng Văn phòng Trung ương Đảng ở Khuổi Khê (đồi A), Ban Tài chính quản trị Trung ương do "anh Cả" (Nguyễn Lương Bằng), hơn chục cán bộ ở, làm việc ở đồi B, biên tập, phóng viên Báo Sự Thật do Hoàng Tùng phụ trách ở đồi C… Tổng bí thư Trường Chinh, các đồng chí: Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng…, từng đến làm việc với anh Cả và Trần Đăng Ninh ở đồi Pụ Miếu. Vào mùa đông, độ tháng 10, tháng 11 năm 1949, Bác Hồ đến làm việc. Người hỏi: Chú Ninh là Trưởng ban thì ai là phó? Rồi Người hỏi thăm sức khỏe, đời sống của cán bộ và trao đổi công việc với Trưởng ban…

Trụ sở ngày đầu thành lập Ban Kiểm tra Trung ương là "nhà dài" 20m, cột gỗ, vách vầu, lợp cọ, bàn ghế, giát nằm bằng cây mai, ngăn thành từng phòng. Ban thực hiện nhiệm vụ theo phương thức Phái viên. Trưởng ban Trần Đăng Ninh, cùng các phái viên lúc đi ngựa, khi đi xe đạp, cuốc bộ, luồn qua vùng Tề, vùng địch tạm chiếm, có mặt trên khắp nẻo đường kháng chiến, làm công tác "thanh - kiểm tra", giám sát, từ các Liên khu, các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… Có chuyến đi một tuần, có chuyến từ 1 đến 3 tháng. Các cuộc kiểm tra, thanh tra thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, hoặc do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị... Trần Đăng Ninh kiêm Phó tổng thanh tra Chính phủ.

Ông Lê Ánh, nguyên phát ngôn viên Văn phòng Chính phủ (1948-1954), cho biết: Hồi ấy Chính phủ có 2 đặc phái viên là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và Trần Đăng Ninh. Anh Ninh còn là phái viên của Bác Hồ. Ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra việc chấp hành Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước về chỉ đạo chiến tranh, chuẩn bị kháng chiến; chính sách tôn giáo, dân tộc, trí thức, chính sách mặt trận, cán bộ và quân đội…; công tác phòng, chống lãng phí, tham ô của các tỉnh ủy thuộc các Liên khu; việc thực hiện huy động nhân dân kháng chiến ở Bắc Giang, Bắc Ninh chuẩn bị hội nghị chiến tranh vùng trung du; kiểm tra nội bộ cơ quan "Hoa kiều vụ", vụ án gián điệp H122 ở Liên khu Việt Bắc; vụ "Hóa chất miền Nam" ở Liên khu V; thuyết phục giám mục Lê Hữu Từ ở Bùi Chu, Phát Diệm. Trần Đăng Ninh đi ngựa cùng Tô Quang Đẩu lên Đồng Văn (Hà Giang), thuyết phục "Vua Mèo" Vương Chí Sình ủng hộ Chính phủ kháng chiến; đi Sơn La, Hòa Bình làm nhiệm vụ Kiểm tra Đảng. Các Liên khu, tỉnh, có cấp ủy viên phụ trách kiểm tra. Liên khu Việt Bắc có Khu ủy viên Phan Lang. Ở Liên khu III có Khu ủy viên Vũ Oanh. Từ Ban kiểm tra Trung ương ở ATK Việt Bắc phát đi nhiều chủ trương, chỉ đạo xây dựng hệ thống cơ quan kiểm tra Đảng xuống các cấp bộ Đảng. Tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát giúp Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ chỉ đạo kháng chiến, kiến quốc, gây được lòng tin của nhân dân, chiến sĩ, củng cố thêm mối quan hệ công tác giữa Trung ương và địa phương.

Vào năm 1949, Chủ tịch Liên khu IV Hồ Tùng Mậu (tức Hồ Bá Cự) ra làm Tổng thanh tra ở đồi Pụ Miếu. Hà Xuân Mỹ cưới vợ Trần Thị Vinh (tức Lê Tâm), Bí thư Văn phòng phụ nữ Khu Việt Bắc, vào đúng ngày 19-8 nên có thịt bò ăn tươi. Cụ Hồ Tùng Mậu làm chủ hôn. Dự đám cưới có các anh Hoàng Tùng, Tô Quang Đẩu; các chị Đinh Thị Cẩn, Hoàng Thị Ái, Hà Giang…

Ông Lường Văn Lược, 86 tuổi từng làm lán cho Ban Kiểm tra Trung ương năm 1948, cho biết: Hồi ấy Phủng Hiển có 5-7 nóc nhà rải rác. Lứa chúng tôi vẫn vào chơi, thấy ông Ninh cùng anh em ăn ngô bung, cơm độn sắn. Vào ngày rằm, ngày tết vẫn mời các anh về, uống rượu, xôi bảy màu, thịt lợn, thịt gà... Dân được dặn không biết, không nghe, không thấy… để bảo vệ cơ quan, cán bộ. Gia đình ông Đệ còn giữ chiếc áo dạ capốt, nặng hơn 3kg do Trần Đăng Ninh tặng. Ông Đệ đã hiến tặng Bảo tàng ATK Định Hóa kỷ vật gắn với một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Chính phủ, quân đội với những cống hiến to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ngày 20-9-2008, đoàn cán bộ lão thành trở về cội nguồn, trồng cây ở đồi Pụ Miếu. Chúng tôi được ông Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nay đã 94 tuổi, kể lại: Sau Đại hội II một thời gian, Ban Kiểm tra Trung ương từ Phủng Hiển chuyển sang Thác Dẫng ở Sơn Dương, tôi và anh Nguyễn Chánh làm phó giúp việc cụ Hồ Tùng Mậu. Cơ quan có anh Tô Quang Đẩu, anh Nam, anh Tân, Quang Bụt, Nguyễn Văn Nho, anh Thiếp, anh Nhiên, anh Hoạch, anh Khiết, anh Hà…; có 4-5 cái nhà. Cụ Mậu ở tập thể cùng anh em trồng rau, nuôi gà… Cụ Hồ Tùng Mậu là bậc tiền bối, chúng tôi rất kính trọng đức, tài. Tôi từ bí thư, Chủ tịch Liên khu III, lên Việt Bắc, công tác thanh tra, kiểm tra còn mới mẻ, bỡ ngỡ, được cụ Mậu chỉ dẫn, giúp đỡ tận tình. Chúng tôi ghi nhớ lời dặn của Bác: Kiểm tra, giám sát, cũng là trị bệnh, cứu người, chứ không phải là dìm cho chết, xuống các địa phương phải giúp đỡ tìm cách tháo gỡ những khó khăn. Cụ Hồ Tùng Mậu vừa là trưởng ban vừa kiêm Tổng thanh tra Chính phủ, chia ngọt, sẻ bùi rất tâm huyết xây dựng ngành kiểm tra Đảng và tổ chức chỉ đạo thực thi nhiệm vụ của Bác Hồ và Trung ương giao để đẩy mạnh tổng phản công. Cụ cùng chúng tôi đi các khu, các tỉnh, kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết, Chủ trương, Chính sách của Đảng, thực hiện dân chủ, đặc biệt là công tác huy động nhân dân đóng góp sức người, của, vật chất cho tổng phản công. Tôi dẫn đoàn xuống Khu III. Anh Tô Quang Đẩu đi khu Việt Bắc. Cụ Mậu dẫn đoàn đi Khu IV, bị hy sinh vì máy bay giặc Pháp, ở làng Vạn Phúc (Hà Đông) còn Nguyễn Văn Nho biết chuyện. Ông Nho, người cán bộ bảo vệ, giúp việc cụ Hồ Tùng Mậu ở ATK Việt Bắc, khi kể lại chuyện không ngăn được nước mắt:

- Vào mùa hè, sau khi đoàn của cụ Hồ Tùng Mậu có hơn chục người, làm việc xong ở Thanh Hóa, trên đường vào Nghệ An. Khoảng 5-6 giờ chiều ngày 27-7-1951 đến thị trấn "Còng" (nay thuộc Tĩnh Gia) thì bị máy bay Pháp từ biển vào bắn phá. Cụ Hồ Tùng Mậu cùng một đồng chí hy sinh, một số bị thương. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đưa thi hài cụ Hồ Tùng Mậu về quê, làng Quỳnh Đôi, mai táng. Đoàn của Chính phủ từ Việt Bắc mang bài điếu văn của Bác Hồ về làm lễ truy điệu vào một đêm tháng 8-1951. Còn tại Việt Bắc, ông Lê Ánh nhớ lại, lễ truy điệu cụ Hồ Tùng Mậu, tại hội trường Hội đồng Chính phủ ở Thác Dẫng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm trưởng ban; dự có anh Phạm Văn Đồng, Phan Mỹ, Bùi Công Trừng… Đồng chí La Quý Ba, Đại sứ đặc mệnh đầu tiên của Trung Quốc tại Việt Nam mang vòng hoa, cùng cán bộ "giao tế xứ" đến viếng. Bác Hồ đọc điếu văn mà không ngăn nổi dòng nước mắt:

Chú Tùng Mậu ơi

Lòng ta rất đau xót, linh hồn chú biết chăng?

Về tình nghĩa riêng tôi với chú là đồng chí, lại thân thiết hơn anh em ruột… đã bao phen chúng ta đã đồng cam cộng khổ như tay với chân…

Mất chú, đồng bào mất đi một người lãnh đạo tận trung. Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, đoàn thể mất một người đồng chí trung thành và tôi mất một người anh em chí thiết…
 

Ban Kiểm tra Trung ương chuyển cơ quan sang Yên Lãng, ở dưới chân Đèo Khế, thuộc Đại Từ (Thái Nguyên). Đồng chí Nguyễn Văn Trân là Phó ban phụ trách, còn Nguyễn Chánh được Trung ương điều sang quân đội. Vào đầu tháng 12-1953, đồng chí Nguyễn Văn Trân làm Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Cung cấp Trung ương lo tổ chức vận tải, tiếp tế cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng đi có Tô Quang Đẩu và đa số cán bộ Ban chuyển lên tận Còi Nòi đứng chân, lập tuyến tiếp tế lên Tuần Giáo, Điện Biên. Công tác kiểm tra do Tổng bí thư Trường Chinh chỉ đạo.

Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng UBND xã Điềm Mặc làm lễ đón bằng xếp hạng cấp Quốc gia Địa điểm di tích thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương, khánh thành nhà bia di tích tại đồi Pụ Miếu và nhà văn hóa cộng đồng, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập ngành kiểm tra Đảng (16-10-1948/16-10-2008). Đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tâm sự: Đó không chỉ là tấm lòng, sự tri ân với đồng bào các dân tộc vùng chiến khu xưa mà còn ghi dấu cội nguồn, giáo dục, phát huy truyền thống ngành Kiểm tra Đảng trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước
 
Logged

Ngang tàng & bướng bỉnh trước những vấp ngã của cuộc đời, vẫn chưa hết những đam mê nông nổi !
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #21 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2012, 09:45:19 am »


TỰ HỌC TRỞ THÀNH TƯỚNG GIỎI

QĐND - Thứ Năm, 25/10/2012, 17:46 (GMT+7)

QĐND - Cuối tháng 9-1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh, quay lại tái chiếm Sài Gòn, âm mưu biến Việt Nam thành thuộc địa lần nữa. Đồng chí Trần Văn Giàu - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ gợi ý đồng chí Huỳnh Văn Nghệ, lúc đó là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến miền Đông quay về quê nhà Tân Uyên, lập chiến khu.

 Tháng 11-1945, tướng Nguyễn Bình vâng lệnh Bác Hồ vào Nam, tìm gặp Huỳnh Văn Nghệ, trao ông chức Chỉ huy trưởng quân giải phóng Biên Hòa. Và tháng 12-1945, tướng Nguyễn Bình cũng về chiến khu này đặt Tổng hành dinh khu 7 tại Lạc An. Đến giữa năm 1946, chiến khu Tân Uyên được đổi tên thành chiến khu Đ, gắn liền với tên tuổi Huỳnh Văn Nghệ.


Tướng Huỳnh Văn Nghệ tại Chiến khu Đ. Ảnh tư liệu

Lúc này mới 31 tuổi, Huỳnh Văn Nghệ không chỉ đảm nhiệm chức vụ chỉ huy trưởng quân sự mà còn là phó chủ tịch kiêm ủy viên quân sự Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Biên Hòa. Thời cơ ấy cũng là thuận lợi để ông tổ chức các quận quân sự, thực chất là các cụm quân sự liên xã. Vào thời điểm ấy, sau khi thành lập các chi khu Tân Uyên, Cây Đào... giặc Pháp bắt đầu đánh nống ra, mở rộng lấn chiếm, thực hiện bao vây, chia cắt lực lượng của ta. Nhờ tổ chức quận quân sự, việc chỉ đạo xuống xã vẫn thông suốt, các hoạt động quân sự ở cơ sở vẫn được duy trì, tổ chức du kích vẫn giữ vững và lực lượng ngày càng phát triển.

Tháng 6-1946, Vệ quốc đoàn Biên Hòa mang phiên hiệu Chi đội 10. Chỉ trong vòng nửa năm, tất cả các LLVT trong tỉnh đã được quy về một mối. Huỳnh Văn Nghệ có thêm Nguyễn Văn Lung, Chi đội phó từ Long Thành về hỗ trợ. Rồi Phan Đình Công, từ Phòng chính trị khu 7 xuống, với chức danh Chính trị viên chi đội. Đến tháng 8-1946, các cơ quan tham mưu-chính trị của chi đội hình thành.

Là thủ lĩnh quân sự địa phương, do "thế thời phải thế", đồng chí Huỳnh Văn Nghệ chưa được đào tạo qua một trường quân sự nào. Ông học kinh nghiệm từ tướng Nguyễn Bình, nguyên Tư lệnh Đệ tứ chiến khu Đông Triều thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ông học qua các tài liệu tự tìm kiếm như “Binh pháp Tôn Tử”, “Kinh nghiệm du kích Tàu”, “Cách huấn luyện cán bộ quân sự”. Ông học ngay từ thực tiễn chiến trường. Khi Chi khu Cây Đào cho đóng bót Võ Sa (nay là xã Lợi Hòa, huyện Vĩnh Cửu), ông cử hai đồng chí Ba Trợn, Tư Bạch và một số chiến sĩ  trá hàng, đến khi có thời cơ thì bót Võ Sa nổi dậy phản chiến, thu hết vũ khí, đạn dược và kéo hết quân ra, trở về với kháng chiến. Đòn "lấy gậy ông đập lưng ông" này làm rúng động hàng ngũ thân binh Pháp. Giặc Pháp từ đó cũng nghi ngờ, dè dặt trong việc tuyển mộ thân binh và ta có điều kiện thu hút thêm nhiều thanh niên trở thành  tân binh Vệ quốc đoàn...

Huỳnh Văn Nghệ còn nổi danh là một thi tướng với vần thơ nổi tiếng làm nức lòng chí trai của một thời dựng nước và giữ nước:

"...Từ thủa mang gươm đi dựng nước
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long..."  
KIM CHUNG

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/302/302/212647/Default.aspx
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #22 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2012, 11:27:20 am »

Người Thừa Thiên-Huế:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121117/nguoi-viet-tai-tri-giao-su-penicillin.aspx
Người Việt tài trí: Giáo sư Penicillin
18/11/2012 3:35
Những cơn mất ngủ vì lo lắng cuối cùng lại tình cờ mách cho GS Đặng Văn Ngữ cách gây lại chủng nấm penicillin…



Cách đây hơn 60 năm, vị khách kỳ cục Đặng Văn Ngữ khiến một cán bộ sinh nghi khi làm khách ở Thông tấn xã VN tại Bangkok (Thái Lan) chờ ngày về nước theo kháng chiến. “Ông khách từ khi vào phòng, đóng cửa lục đục suốt buổi. Mời đi ăn trưa cũng không mở cửa, nói vọng ra là không ăn... Gõ cửa rất lâu cửa mới mở. Cả gian phòng toàn chai lọ, dụng cụ bày lung tung. Đồng chí nhận định thế nào, là ta hay là địch” - cán bộ ấy ngay lập tức báo cáo với đại diện Chính phủ ta tại Bangkok.

Ban Cán sự Trung ương hải ngoại sau đó điện hỏa tốc về Bộ Chính trị xin ý kiến. Chỉ sau 24 giờ, điện sang có câu đầu tiên: “Hồ Chủ tịch gửi lời chúc mừng bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã trở về Tổ quốc”. Suốt trên chặng đường, ông Ngữ chỉ nói đến một việc - trở về để sản xuất kháng sinh Penicillin.

Tới chiến khu, bác sĩ Ngữ phải chọn rất kỹ nơi lưu trữ chủng nấm chiết xuất ra kháng sinh Penicillin mang từ Nhật Bản về này. Thế nhưng, điều ông không mong muốn vẫn xảy ra. “Về đến nhà, mở gói nấm dùng để làm Penicillin ra xem lại thì thấy nấm không còn công hiệu nữa”, sau này ông Ngữ viết trong hồi ký.

“Những nấm khác ở ngoài đã lẫn lộn vào. Thật là một sự bất ngờ và rất đau đớn cho tôi. Trước khi đi tôi đã chú ý để giống nấm vào phòng sạch sẽ nhất Việt Bắc, là phòng mổ của anh Tùng (GS Tôn Thất Tùng - NV), thế mà vẫn bị tạp nấm rơi vào. Có người đã bảo ở VN nhiều tạp nấm lắm, nên không nghiên cứu về nấm được. Ngay ở Viện Pasteur có đủ phương tiện như vậy, bọn Pháp cũng không đặt vấn đề nghiên cứu nấm được huống hồ là ở Việt Bắc”.

Sự cố nấm lẫn tạp chủng lừng lững như bức tường chặn công việc mà đích thân Bác Hồ giao cho ông - sản xuất nước lọc Penicillin để cứu chữa thương binh trong kháng chiến. Những ngày sau đó với ông Ngữ chỉ còn là đêm nghĩ về nấm, ngày loay hoay với nấm. “Ngày ngày tôi cấy hàng trăm cái nấm lấy ở ống giống ra để thử với vi trùng. Nhưng ngày nào cũng như ngày nào, vi trùng đều mọc quanh cái nấm chứng tỏ rằng nấm không còn có tác dụng nữa. Đêm đến, vấn đề nấm đeo đuổi tôi mãi không ngủ được”, ông Ngữ nhớ lại.

Rồi trong một lần thức giấc vào 3 giờ sáng, điều kỳ diệu đã đến khi ông lấy nấm ra xem. Ông mừng đến trào nước mắt khi thấy tất cả các con nấm đều có công hiệu, vi trùng không con nào mọc. Như thế nghĩa là nấm chưa hoàn toàn mất. Một tuần theo dõi nấm mọc hàng giờ sau đó, ông đã có lại nấm tốt như cũ.

Sau đó ông đã tìm ra được một thứ nước nuôi nấm rất tốt và rẻ tiền là nước thân ngô. Đúng hơn, nguyên liệu đó tìm đâu cũng thấy và hoàn toàn không mất tiền mua. Phương pháp nuôi để lấy nước lọc Penicillin được thực hành ở nhiều trạm, thậm chí có bác sĩ quân y tuyên bố đã dư dùng để chữa bệnh cho thương binh. “Những thành tích xán lạn của nước lọc Penicillin qua các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám và gần đây, kết quả rực rỡ của nước lọc Penicillin trong chiến dịch Lý Thường Kiệt càng làm phấn khởi anh em dược tá Penicillin đang cần cù và hăng hái góp sức xây dựng một ngành mới của y học trong khi phục vụ tiền tuyến”, BS Hồ Đắc Di, Giám đốc Trường đại học Y bấy giờ, đánh giá.

Sau này, cháu nội của GS Đặng Văn Ngữ là BS Đặng Phương Lan đã có  kỷ niệm thú vị liên quan đến nghiên cứu của ông mình khi theo học tại Đại học Y khoa Budapest (Hungary). Được thầy khen về một công trình nghiên cứu trong trường, chị vui vẻ nói với thầy hướng dẫn đại ý nghiên cứu này đâu có thấm thía gì so với ông nội chị - nhà bác học đầu tiên tìm ra giống nấm nhả Penicillin ở châu Á, chỉ sau Flemming ở châu Âu ít lâu. Vị giáo sư ngạc nhiên quá đỗi vì cho tới lúc ấy phần lớn người Hung chỉ biết Việt Nam có chiến tranh, đất nước kém phát triển chứ không có thêm khái niệm gì khác. “Từ lần đó, không biết có phải do nể ông nội tôi hay không, thầy hướng dẫn tôi rất nhiệt tình, bài luận án của tôi được giải nhất trong cuộc thi sinh viên”, chị Lan nhớ lại.

“Tôi không đi theo con đường nghiên cứu của ông nội nhưng cả gần chục năm học trên trường y giúp cho tôi trân trọng, tôn kính những người làm khoa học”, chị Lan viết. “Bên cạnh đó, tôi cũng biết được rằng trong xã hội hiện nay, không phải cứ ai học nhiều đều trở thành bác học cũng như nhiều người ít học mà vẫn sống ung dung. Chỉ có điều, con người ta cần đến kiến thức để phân biệt được đâu là những giá trị thật và giả trong cuộc sống. Tấm gương về cuộc đời và sự nghiệp của ông nội tôi sẽ giúp tất cả những ai muốn hiểu ra điều đó. Tôi rất hãnh diện vì ông nội của mình, một người ông chưa bao giờ được gặp mặt nhưng lại luôn ở trong trái tim tôi”.

GS Đặng Văn Ngữ (1910-1967)  sinh trong một gia đình nhà nho nghèo. Năm 1930, ông đỗ cả tú tài bản xứ và tú tài Pháp, nhờ vậy có học bổng khi theo học tại Đại học Y Dược. Tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1937. Năm 1943, ông được chọn đi nghiên cứu về y khoa tại Nhật Bản. Năm 1949, ông về nước tham gia kháng chiến.

Ông đã tổ chức sản xuất được “Nước lọc Penicillin” nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp. Hòa bình lập lại, ông xây dựng ngành ký sinh trùng Việt Nam. Năm 1957, ông sáng lập Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và côn trùng.

Ông hy sinh khi đang nghiên cứu sốt rét ở Trường Sơn. GS Đặng Văn Ngữ được tặng thưởng 2 Huân chương Kháng chiến, truy tặng Huân chương Lao động hạng nhất và danh hiệu Anh hùng. Năm 1996 ông được nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Trinh Nguyễn
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #23 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2012, 10:07:39 pm »

Người Nghệ An: Đặng Văn Việt
http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Dang-Van-Viet-va-nhung-nguoi-dong-trang-lua-ky-1/201211/244951.datviet
http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Dang-Van-Viet-va-nhung-nguoi-dong-trang-lua-ky-2/201211/245135.datviet

Đặng Văn Việt và những người đồng trang lứa (kỳ 1)

Cập nhật lúc :6:29 AM, 26/11/2012

Ông Đặng Văn Việt, trung đoàn trưởng trung đoàn 174 khi 27 tuổi, quê xã Diễn Tân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

(ĐVO) Ông sinh năm 1920, đầu năm 1945 là sinh viên trường Y. Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, ông tham gia giải quyết hậu quả nạn đói do Nhật gây ra ở Hà Nội rồi về làm học viên trường Thanh niên tiền tuyến ở Huế; tham gia giành chính quyền ở kinh đô, trở thành một trong những cán bộ chiến sĩ đầu tiên của Giải phóng quân Huế.

Chiến đấu trên đất bạn Lào

Trước tháng Tám 1945, anh Đặng Văn Việt hoạt động bí mật trong một tổ Việt Minh ở trường Thanh niên tiền tuyến của luật sư Phan Anh, giữ liên lạc thường xuyên với Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế. Sáng ngày 20/8/1945, nhận lệnh từ đồng chí Trần Hữu Dực (thường vụ tỉnh ủy, sau là Chủ tịch ủy ban Khởi nghĩa Trung Bộ, trước khi qua đời là Phó Thủ tướng Chính phủ) cùng Nguyễn Thế Lương (sau là Thiếu tướng tình báo Cao Pha) treo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ Huế trước cửa Ngọ Môn sáng 21/8/1945. Ngày 23/8, Cách mạng tháng Tám bùng nổ ở Huế. Những hoạt động sôi nổi của anh Việt và lớp Tiến tuyến bắt đầu, bảo vệ Huế, chi viện cho phía Nam, cho mặt trận Lào.

Sau khi phân đội 1 của giải phóng quân Huế vào Nam chiến đấu, anh Việt ở lại Huế làm hiệu trưởng trường Quân chính Trung Bộ. Cuối năm 1945, anh được giao lên Mặt trận đường số 9 (Hạ Lào) làm chỉ huy trưởng. Từ Huế, anh lên Đông Hà (Quảng Trị) đến Khe Sanh, rồi sang Sê Pôn (Tdrepone) sở chỉ huy của Mặt trận đường 9. Sê Pôn là thị trấn nhỏ, cách Khe Sanh chừng 40 km đường chim bay, bên cạnh dòng sông Thạc Thôn, quân số của ông có ba đại đội nhưng hơn nửa đang chống chọi dịch sốt rét vốn rất phổ biến thời ấy ở trung du, nhất là vùng núi.

Quân Pháp đang xiết chặt vòng vây Sê Pôn, chúng có một tiểu đoàn trang bị hiện đại, tấn công từ ba mũi. Anh khẩn trương họp bàn cán bộ chủ chốt, phân tích địch ta, chủ động tiến công địch trước, không đợi địch đến gần mới đánh. Ta gom quân được hơn một đại đội, đón địch ở bản Keng Khang Bắc Sê Pôn 15 km. 22h30 phút, ta nổ súng vào nhà chỉ huy địch. trong vòng 30 phút, quân ta làm chủ chiến trường, thu hơn 100 súng các loại và nhiều đạn dược, trang bị.

Sau trận này, ban tham mưu Mặt trận đường 9 nghiên cứu đánh thị trấn Mường Phìn cách Sê Pôn 30 km. Phía ta có thêm hai đại đội từ Huế lên.

Ở Mặt trận đường 7 Thượng Lào, anh Việt làm Tham mưu trưởng, chỉ huy sở đóng ở Mường Xén, nơi nổi tiếng “ma thiêng nước độc”. Đường 7 nối ngã ba Diễm Châu (Nghệ An0 qua Anh Sơn, Cửa Rào, Con Cuông, Mường Xén, Nọng Hét, Xiêng Khoảng, Sầm Nưa. Pháp đã chiếm Nọng Hét, Xiêng Khoảng, Sầm Nưa... nhưng không thể vượt biên giới vào Việt Nam từ hướng này được vì Mặt trận đường 7 của ta ngăn trở hiệu quả.

Người chỉ huy trung đoàn

Năm 1947 anh Việt phụ trách Ban nghiên cứu, phòng tác chiến Bộ Tổng tham mưu. Thu Đông 1947, tướng Salan, tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương huy động 12.000 quân, mở cuộc tấn công lớn vào căn cứ Việt Bắc với mục đích: tấn công vào cơ quan đầu não của ta, tiêu diệt quân chủ lực ta, phá hủy cơ sở kinh tế quân sự của ta. Nhưng kế hoạch “to lớn” của chúng thảm bại! Địch không chịu thua, chiếm Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê, Bắc Kạn. Ta chủ trương thành lập các đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung ở các tỉnh để phát triển chiến tranh du kích, kết hợp đánh du kích và đánh vận động. Mặt trận đường 4 hình thành. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ định Đặng Văn Việt làm trung đoàn phó rồi trung đoàn trưởng trung đoàn 28 (Lạng Sơn).

Anh Việt tổ chức đánh trận Bố Củng-Lũng Vài lần 1, trận Bản Nằm lần 1, diệt 200 địch, trận Bông Lau-Lũng Phầy lần 1... các trận đều thắng lợi. Những trận này đã tích lũy kinh nghiệm quý báu, làm kim chỉ nam tác chiến cho trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt ở đường 4-con đường huyết mạch tiếp tế cho quân Pháp ở Cao Bằng, Bắc Kạn. Và cũng trên đoạn đường này, ta và Pháp đánh đi đánh lại nhiều lần như các trận: Bông Lau-Lũng Phầy lần 1,2,3,4; Bản Nằm lần 1,2,3; Bố Củng-Lũng Vài lần 1,2,3; Đông Khê lần 1,2.

Với phương châm bám thắt lưng địch mà đánh, tích cực chủ động, chủ động tấn công, quân ta đã làm xoay chuyển tình thế. Địch phải bỏ đường 3, cụm lại ở Lạng Sơn, Đồng Đăng, Thất Khê, Đông Khê, Cao Bằng. Thế và lực giữa ta và địch có sự thay đổi.

Đường 4 anh hùng rực lửa

Trung đoàn 174, một trong những trung đoàn chủ lực mạnh đầu tiên của quân đội ta, thành lập ngày 19/8/1949, trung đoàn trưởng là Đặng Văn Việt, chính ủy là Chu Huy Mân. Ông Việt đã chỉ huy trung đoàn đến năm 1953, đánh thắng các trận Bông Lau-Lũng Phầy trên quốc lộ 4 (3/9/1949), lập chiến công diệt 97 xe quân sự (có một đại đội xe tăng) và một tiểu đoàn quân Pháp trong trận phục kích tại đoạn đèo Bông Lau-Lũng Phầy (nay thuộc huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn). Đây là trận Bông Lau-Lũng Phầy lần thứ 4, được xem là một trong những trận phục kích tiêu biểu.

Ngày 25-26/5/1950, trung đoàn tham gia trận Đông Khê 1, Đông Khê nay là thị trấn của huyện Thạch An tỉnh Cao Bằng, lúc dó là một trong những cứ điểm quan trọng trên đường số 4, do 2 đại đội lính Ma-rốc và một đại đội ngụy quân chiếm giữ. Ta diệt và bắt hơn 300 địch, thu và phá hủy 6 pháo. Trận Đông Khê 1 thể hiện sự trưởng thành của bộ đội chủ lực Việt Nam về trình độ kỹ thuật, chiến thuật và tác chiến hiệp đồng giữa bộ binh với pháo binh trong đánh công sự vững chắc.

Trận Đông Khê 2 (16-18/9/1950), trận tiến công của hai trung đoàn bộ binh 174 và 209 được tăng cường hai tiểu đoàn bộ binh, pháo, ĐKZ để mở đầu chiến dịch Biên Giới (16/9-14/10/1950). Chiến dịch Biên Giới được vinh dự đón Bác Hồ ra trận. Đại tướng Tổng tư lệnh chỉ huy toàn chiến dịch, Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái chỉ huy trận Đông Khê 2. Trung đoàn 74 là mũi chủ công, đột phá từ hướng Đông Bắc, còn trung đoàn 209 cho một mũi đột kích tại hướng Nam. La Văn Cầu là một bộc phá viên, đã nát một cánh tay. Trần Cừ chỉ huy một đại đội của trung đoàn 209 cùng vào pháo đài. Đến 10h sáng, ngày 18/9 ta đã làm chủ Đông Khê, loại khỏi chiến đấu 300 địch, phần lớn là lính Âu-Phi, bắn rơi một máy bay, thu toàn bộ vũ khí-đây là trận then chốt mở màn chiến dịch, tạo thế cho ta phát triển, buộc địch phải rút khỏi Cao Bằng.

Năm 1952, trong đội hình của đại đoàn 316, trung đoàn 174 có nhiệm vụ đánh đồn Mộc Châu, một vị trí quan trọng ở ngã ba: qua Lào (Pắc Hán), lên Sơn La về Hòa Bình, trên đường số 6. Đồn Mộc Châu có một tiểu đoàn lính và một đại đội biệt kích, có hai đại bác, hai cối và hơn 30 súng liên thanh từ trung liên trở lên. 23h ngày 29/11/1952 trận đánh bắt đầu, 2h30 sáng 20/11 trận đánh kết thúc, ta loại khỏi vòng chiến đấu 450 địch, thu toàn bộ vũ khí.

(còn tiếp)

Văn Tuấn
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #24 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2012, 10:11:02 pm »

Đặng Văn Việt và những người đồng trang lứa (kỳ 2)

Cập nhật lúc :8:12 AM, 27/11/2012

Ông Đặng Văn Việt, trung đoàn trưởng trung đoàn 174 khi 27 tuổi, quê xã Diễn Tân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông sinh năm 1920, đầu năm 1945 là sinh viên trường Y.

Nhiệm vụ đặc biệt

Hai năm 1949-1950, một phần lực lượng nòng cốt của trung đoàn 174 còn tiến hành những nhiệm vụ đặc biệt, trong đó tháng 4/1950, trung đoàn nhận nhiệm vụ bảo vệ một phái đoàn của trung ương ra nước ngoài. Ông Việt và ông Mân (chính ủy) phân công một đại đội đầy đủ quân số, vũ khí trang bị kèm theo một trung đội trinh sát làm nhiệm vụ này. Chỉ huy đại đội là tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu An (sau này là Thượng tướng).

Trung đoàn trưởng trực tiếp chỉ đạo. Trung đoàn chỉ được liên lạc với một người đó là đồng chí Trần Đăng Ninh (năm 1950-1955 là Chủ nhiệm Tổng cục cung cấp của Quân đội ta), ủy viên dự khuyết trung ương Đảng từ 1941. Đoàn xuất phát từ Nà Phặc, cách Cao Bằng khoảng 30 km, vòng qua Tào Hồ Xìn về Nước Hai, Mỏ Sắt rồi qua Mã Phục, Quảng Yên, xuống Phục Hòa, Tà Lùng. Đấy là đoàn do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu.

Những chiến sĩ trong lớp tiền tuyến

Thiếu tướng nguyễn Thế Lâm, sau này là Tư lệnh binh chủng tăng-thiết giáp (1970-1974), tháng 8/1945 ủy viên Mặt trận Việt Minh và ủy viên quân sự tỉnh Thừa Thiên. Tháng 10/1945, đại đội trưởng bộ đội Nam tiến...

Anh Lê Quang long chiến đấu ở Lào, tham gia nhiều trận ở Viên Chăn, Thà Khét. Nay là giáo sư về sinh học.

Anh Hà Đỗng trưởng ban nghiên cứu Không quân thời chống Pháp, đã thử nghiệm một máy bay cũ của Bảo Đại trên bãi cát sông Lô.

Thiếu tướng Cao Pha (Nguyễn Thế Lương): ông phụ trách quân báo trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, là Cục phó Cục nghiên cứu của Bộ Tổng tham mưu (nay là Tổng cục II Bộ Quốc phòng), từng là Phó Tư lệnh bộ đội đặc công khi binh chủng này ra đời, nhiều năm làm công tác tổng kết. Khi Mỹ đánh Iraq lần 2 (2003), ông là một trong những người dự báo Mỹ sa lầy ở đây.

Anh Lê Thiệu Huy (con giáo sư Lê Thước) sinh viên số 1 của trường ĐH Hà Nội, cử nhân khoa học, vảo vệ hoàng thân Souphenuvong vượt sông Mê Kông khi Pháp đánh Savannakhet, đã anh dũng hy sinh.

Thiếu tướng Đào Hữu Liêu trưởng thành từ kỹ sư công chính rồi trở thành sĩ quan công binh, chuyên gia thiết kế, thi công các sân bay.

Nhiều anh em trong lớp “tiền tuyến” tham gia Cục quân giới do kỹ sư, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa làm Cục trưởng như Hoàng Đình Phu (sau là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước), Phạm Đồng Điện (Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa).

Lớp thanh niên trên đã hạ cờ quẻ ly, treo cờ đỏ sao lên cột cờ Huế trước cửa Ngọ Môn, đã bắt gọn và tước vũ khí một toán nhảy dù của Pháp xuống Hiền Sĩ (Bắc Huế) hòng lập lại chính quyền thuộc địa ở Trung Bộ. 6 sĩ quan dù Pháp bị bắt. Ta thu 12 súng các loại, 2 điện đài, nhiều tài liệt, vật chất giá trị.

Đồng chí Trần Hữu Dực nói: “Chỉ cần ta bị chậm 1-2 ngày là bạn Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ có thể liên lạc được với Lực lượng Pháp, Việt của họ ở đây. Pháp có 500 người đang bị giam ở trường Prondence, Nhật ở Mang Cá có 4.500 người, chỉ cần một đêm là chúng có thể trợ lại các công sở, nắm trong tay lực lượng vũ trang, lực lượng phản động”.

Trong số lớp “tiền tuyến” do luật sư - Bộ trưởng Phan Anh sáng lập, có nhiều người đã hy sinh vì nước: Lê Thiệu Huy, Lương Phan Ngọc, Võ Ngân, Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Trung lập. Có 8 người trở thành tướng quân đội: Trung tướng Phó Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Khánh, các Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm, Phan Hàm, Cao Pha, Mai Xuân Tần, Võ Quang Hồ, Đào Hữu Liêu, Đoàn Huyên. Còn Đặng Văn Việt, địch gọi ông là Hùm Xám đường số 4, Vua đường số 4...

Tự họa, tự viết, tự sống

Từ 1960, Đặng Văn Việt chuyển sang Bộ xây dựng. Ông xác định: “Ở đâu đất nước cần, thì mình sẵn sàng ở đấy”. Và ông đã trong 5 năm liền, theo học ban đêm Kỹ sư xây dựng từ 1961-1965. Rồi ông lại về làm Cục phó Cục xây dựng Tổng cục Thủy sản, tham gia đắp đập ở Hạ Long, Quảng Ninh, chặn dòng chảy của 5 con sông để vùng đầm lầy rộng 600 ha thành hồ chứa nước mênh mông bát ngát, tạo nguồn thủy sản dồi dào.

Cùng với công trình thủy điện Thác Bà, ngành thủy sản có nhiệm vụ tái tạo lòng hồ để thả và đánh bắt cá. Tiếp theo, ngành thủy sản xây dựng 16 nhà máy đông lạnh để đưa thủy sản thành mũi nhọn xuất khẩu. Cục của ông phải xây dựng 12 nhà máy từ Móng Cái, theo ven biển đến Cà Mau, Kiên Giang. Chỉ trong hai năm đã hoàn thành kế hoạch, đến năm 2000, ngành thủy sản xuất khẩu được 1,75 tỷ USD.

Ông tâm sự, trận chiến trường lúc đánh Pháp cũng như 20 năm tham gia xây dựng kinh tế (1960-1980), ông luôn nhớ lời Bác Hồ dạu: “Mỗi khi các chú làm một việc gì đều phải nghỉ việc này có lợi hay có hại cho cách mạng, cho nhân dân. Nếu chỉ có lợi cho cá nhân mà có hại cho cách mạng, cho nhân dân thì các chú không làm. Nếu việc gì có lợi cho cách mạng, cho nhân dân thì các chú cứ làm và không bao giờ sai phạm về quan điểm, lập trường...”.

Ông còn viết sách, rèn luyện thân thể. Được sự động viên của nhà văn Nguyễn Tuân, cụ Phạm Khắc Hòe, ông nhiều lần thăm lại chiến trường xưa, gặp gỡ đồng đội, nhân dân vùng Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn... để viết cuốn sách đầu tiên: “Đường số 4 rực lửa”, đã in đi in lại nhiều lần với 9 vạn bản, được dư luận trong nước, ngoài nước chú ý, đón đọc.

Tự viết để rèn trí óc, tập thể dục thể thao đều đặn để rèn luyện sức khỏe và gắn bó với cộng đồng.

E174 - "Trung đoàn của tôi"

Ông luôn coi trung đoàn là cái nôi của mình. Suốt từ ngày thành lập đến nay, đơn vị đã tham gia chiến đấu ở 3 miền, ở Lào, ở Campuchia và biên giới phía Bắc, đã hai lần được nhận danh hiệu Anh hùng (1976 và 1979). Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trung đoàn đánh trận đồi A1. Trong chiến dịch tây Nguyên, 1975, trong đội hình sư đoàn 316, đánh sư đoàn 23, giải phóng Buôn Ma Thuột, đã tiêu diệt quân Mẹo Vàng Pao, bảo vệ và làm chủ Cánh đồng Chum (1969-1970). Ông Việt tâm sự: “Tôi hằng nhớ các cán bộ, chiến sĩ đã bỏ mình nơi chiến địa trên khắp các nẻo đường Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Tôi ghi nhớ công ơn to lớn của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các nơi trung đoàn đã sống, chiến đấu, đã đùm bọc giúp đỡ trung đoàn hoàn thành mọi nhiệm vụ”.

Còn nhà nghiên cứu Phan Ngọc viết: “Cuộc đời người lính già Đặng Văn Việt bao giờ cũng nguyện làm tròn nhiệm vụ, bảo vệ những giá trị chân chính”.

Trong miền nhớ từ thời niên thiếu của tôi đã có dấu ấn “cậu ấm Việt”-sinh viên trường Thuốc Đông Dương, đẹp trai, học giỏi, hài hoa. Và từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, rồi qua kháng chiến cứu nước, tên anh, Đặng Văn Việt rực rỡ: “Đệ tử quốc lộ đại vương”. Lúc bấy giờ trung đoàn trưởng trung đoàn 174 Đặng Văn Việt mới ngoài 20 tuổi. Đến ngày 28/6/1986 chiến tranh đã lùi xa, Đại tướng Hoàng Văn Thái, một lần nữa ghi nhận vào tác phẩm “Đường số 4 rực lửa”: “Bạn bè và kẻ địch thường mệnh danh đồng chí (Đặng Văn Việt) là “Đệ tử quốc lộ đại vương”.

Trải qua những biến cố... những chuyển biến, những thăng trầm, Đặng Văn Việt vẫn nhất quán đi theo con đường Hồ Chí Minh vì nước, vì dân... Cuốn sách ông viết “Đường số 4 rực lửa” và ra được đông đảo bạn đọc ghi nhận... Ông, mọt hội tụ của cội nguồn văn hóa truyền thống của ba dòng đại tộc, danh giá-Đặng Văn, Cao Xuân, Hoàng Đạo-trong cộng đồng dân tộc Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh”.

Nhà văn Sơn Tùng, Anh hùng lao động


Văn Tuấn
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #25 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2015, 01:40:54 pm »

Có một người xứ Lạng trong 34 chiến sĩ năm xưa

LSO - Là người Việt Nam chắc không mấy ai không biết đến tấm ảnh 34 chiến sĩ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân trong khu rừng Trần Hưng Đạo làm lễ tuyên thệ. 34 chiến sĩ ấy là tiền thân của quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. Thế nhưng chắc ít người biết duy nhất có một người xứ Lạng trong tấm ảnh ấy.



Ông Lộc Văn Lùng đội mũ nồi ( thứ 6 từ trái sang, theo giới thiệu của bà Lộc Thị Dung)


Tìm người trong ảnh

Rất tình cờ tôi có được tấm ảnh 34 chiến sĩ trong đội Việt Nam tuyên Truyền giải phóng quân do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giao cho Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy. Với nhiều người Việt, chắc không ít người có tấm ảnh này. Nhưng tấm ảnh mà tôi có trên đó nghi rõ tên từng người, đó là điều khác biệt nhất so với những tấm ảnh khác. Hình ảnh mà tôi ấn tượng nhất đó là một chiến sĩ dáng thấp nhỏ được ghi, Lộc Văn Lùng, Cao Lộc, Lạng Sơn. Và tấm ảnh, dòng chữ ấy đã thôi thúc tôi tìm người trong ảnh. Thế là từ đó gặp ai cao tuổi, đã từng đi bộ đội tôi cũng hỏi, nhưng mỗi lần hỏi lại thêm một lần thất vọng. Rồi “không phụ người có lòng”  may mắn đã mỉm cười với tôi, số là anh Đường Văn Hải, con trai bác Đường Thị Kim, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh vô tình kể câu chuyện anh đã được xây nhà cho ông Lộc Văn Lùng. Thế là ngay sau câu chuyện, phần vì tò mò, phần vì có “hoa tiêu” là anh Hải chúng tôi có ngay chuyến ngược đường về quê người chiến sĩ giải phóng quân năm ấy.




Chân dung ông Lộc Văn Lùng (ảnh do gia đình cung cấp)


Mai Pha (nay thuộc thành phố Lạng Sơn) giờ đây đã đổi khác, những con đường bê tông chạy dài, từng thửa ruộng đã gặt nhưng vẫn vương màu vàng như mật ong báo hiệu một mùa no ấm làm chúng tôi vui với cái vui thôn dã. Là người đã từng công tác ở đây nhưng chính anh Hải cũng không thể nhận ra con đường. Thế là chúng tôi đến đâu hỏi đến đấy. Nhưng hỏi mãi cũng chẳng ai biết ông Lùng. Vòng đi vòng lại mãi, đã có lúc định bỏ cuộc vì trời đang tối dần. Cũng chính lúc đó chị doanh nghiệp đi cùng chúng tôi lên tiếng: “Bác Lùng ở đâu chỉ đường cho cháu với”. Không biết có phải sự hiển linh hay không nhưng khi chúng tôi định bỏ cuộc hẳn thì một người đàn ông hớt hải đuổi theo chúng tôi: “Các anh tìm nhà ông Lùng phải không? Ngay chỗ cây đa ấy”. Nói rồi anh vội vụt đi như khi đến. Theo cánh tay chỉ của anh, chúng tôi tìm đến một ngôi nhà vắng hoe. Đẩy cửa vào thấy trên bàn thờ còn nghi ngút khói hương là một tấm ảnh duy nhất một anh bộ đội đeo quân hàm Đại uý. Lại gần tấm ảnh tôi nhìn thấy một dòng chữ rất mờ Lộc Văn Lùng, chúng tôi như reo lên vì đã tìm đúng nhà, đúng người và trong câu chuyện này có cái gì đấy rất li kỳ mà chính chúng tôi không lý giải nổi.

Cậu bé chăn trâu vượt biên tìm Đảng

Thấy có khách mấy bác hàng xóm cứ nhoay nhoáy gọi điện cho chủ nhà. Chưa đầy 20 phút cả nhà đã có mặt đông đủ. Giới thiệu từng thành viên trong gia đình với khách xong bác Lộc Thị Dung, con gái ông Lộc Văn Lùng đứng trước bàn thờ rành rẽ: “Bố ơi hôm nay có nhà báo Lạng Sơn, anh Hải Tỉnh đội, chị doanh nghiệp đến thắp hương cho bố”. Rồi nước mắt chị chảy thành hàng dù vẫn nói, cười với khách. Chị kể rành rẽ từng chi tiết, kể như chưa bao giờ được kể, sợ chúng tôi không nghe hết. Cũng phải thôi, đã bao năm nhiều người không biết ông Lùng là ai, phải nhớ, phải nói chứ kẻo nữa lại quên. Theo bà Dung, ông Lộc Văn Lùng sinh năm 1903, tại Nà Chuông, Cao Lộc. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, cậu Lùng rất căm tức nên hay nghĩ ra những trò để trêu trọc chúng. Có lần cậu cùng đám bạn chăn trâu làm cờ ba que cắm lên bãi phân trâu. Hành động ấy được coi là chống lại nhà nước bảo hộ nên mẹ ông bị gọi lên và suýt bị phạt. Năm 1924, nghe tin ở nước ngoài tập hợp thanh niên yêu nước, thế là cậu Lùng khăn gói vượt biên. Trong gần chục năm, từ thanh niên yêu nước, được Đảng soi đường, Lộc Văn Lùng đã trở thành chiến sỹ cộng sản. Thời điểm ấy ngày đi làm, tối ôn luyện, học đủ thứ để về quê hương.




Bà Lộc Thị Dung, con gái ông Lùng nói chuyện về ông với phóng viên


Năm 1941 khi Bác về nước cậu Lùng cũng cùng những người cộng sản lần lượt về Cao Bằng xây dựng cơ sở. Ngày 22/12/1944,  khi 34 chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tuyên thệ Lộc Văn Lùng là 1 trong 34 chiến sĩ trong hàng ngũ đó và cũng là người Lạng Sơn duy nhất có mặt trong đội hình quân giải phóng. Ngày đầu mới thành lập, ông được Bác Hồ tin tưởng giao cho 500 đồng Đông Dương để mua sắm hậu cần cho đội. Và ông trở thành người đầu tiên trong ngành hậu cần quân đội. Ngay khi được giao tiền ông ra chợ mua một chiếc chảo để nấu ăn cho anh em trong đội, thế nên khoản chi đầu tiên của ngành tài chính là một chiếc chảo. Với cương vị làm quản lý, lo từng bữa ăn cho đội ông đã làm tròn trọng trách để quân ta đánh thắng đồn Phai Khắt, Nà Ngần lập chiến công đầu. Khi biết tin ông Lộc Văn Lùng theo cách mạng, bọn cường hào địa phương luôn rình mò, làm khó dễ với gia đình ông, có lúc chúng bắt mẹ ông và vợ ông nhốt mấy ngày liền. Những hy sinh cay đắng ấy chắc còn ít người biết.

Năm 1954, khi tiếp quản Thủ đô Hà Nội ông được phân về một đơn vị tăng gia. Theo bà Dung, con gái ông Lùng sau khi nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp đến đơn vị phong quân hàm đại uý và đưa về Bộ Quốc phòng. Với ông đấy là niềm vui nhưng ông còn một nỗi buồn là sau nhiều lần sinh nở mẹ tròn, con không vuông vợ ông không sinh thêm được. Cũng theo bà Dung, cả bà và ông Lộc Văn Niếng (tức Lý A Niếng) được ông nhận làm con nuôi, riêng bà Dung được nhận tại Bệnh viện Bạch Mai khi bà mới lọt lòng, vì bố mẹ đẻ của bà phải đi làm nhiệm vụ tại chiến trường miền Nam. Năm 1963, do sức yếu, ông Lộc Văn Lùng xin về địa phương đoàn tụ gia đình. Từ đó ông luôn là người cha mẫu mực, ông luôn dạy con phải sống sao cho xứng đáng với những người đi trước. Đặc biệt với bà Dung ông vừa là người cha vừa là người bạn. Một chi tiết mà bà Dung còn nhớ mãi: “Khi Bác Hồ mất, bố tôi tự làm khăn tang đội cho tôi, rồi bố tôi nói, có Bác mới có bố con mình hôm nay, con hãy nhớ điều đó”. Cho đến hôm nay khi ông đã đi xa nhưng bà Dung con gái ông vẫn khắc ghi lời bố, một người chiến sĩ cánh mạng trong Đội tuyên truyền Giải phóng quân năm xưa.


(Bài viết có sử dụng tư liệu của bà Lộc Thị Dung và ông Đường Văn Hải, thuộc Ban chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn)

Bài, ảnh(ST): Nguyễn Đông Bắc

Nguồn: http://baolangson.vn/tin-bai/phong-su/co-mot-nguoi-xu-lang-trong-34-chien-si-nam-xua/30-85-58147
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #26 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2017, 03:54:47 pm »

Thanh gươm của cụ Mét

Ngọn đồi Xu Mông với bạt ngàn cây xà nu (cây thông ba lá), nơi ông A Mét đi đi về về trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đã trở thành nguyên mẫu cụ Mết trong truyện ngắn Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc).


Ông Đinh Rương và thanh gươm, kỷ vật của cụ A Mét

Nhưng mấy ai biết, làng kháng chiến và cuộc đời của người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân A Mét trong đời thực có khác gì truyện.

Khi chúng tôi hỏi đường về làng Xốp Dùi cũ của cụ A Mét, ông A Nghem, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xốp, H.Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, bảo làng Xốp Dùi đã di cư hàng chục ki lô mét từ làng cũ về trung tâm xã mấy mươi năm nay. Làng cũ bây giờ không còn ai ở nữa. Muốn về phải qua ngọn đồi Xu Mông có rừng xà nu trùng điệp. Ngọn đồi này xưa là chỗ "ưỡn ngực" đỡ đạn pháo khi các đồn binh Pháp bắn vào làng, cũng là nơi đội quân của cụ A Mét trinh sát, canh gác mỗi ngày để đánh lính Pháp và sau này là Mỹ đi càn qua làng.


Đường về xã Xốp

Tao là Đinh Môn đây!

Chuyện đánh giặc của cụ A Mét vô cùng ly kỳ. “Tui nghe nói cha tui đánh giặc tài lắm, nên nhiều lần hỏi ông A Rin (cùng chỉ huy trong đơn vị với cụ A Mét) và mấy già làng, ai cũng nói chuyện thiệt còn hay hơn chuyện kể. Đi đánh giặc, trải qua hai cuộc kháng chiến, ổng không bao giờ mặc áo, cầm súng mà chuyên đóng khố, khoác tấm dồ, dắt theo thanh gươm”, ông Đinh Rương (66 tuổi, con cụ A Mét, ở TT.Đăk Glei, H.Đăk Glei) kể.

Hồi đó, Pháp thưởng đến 500 con trâu cho ai giúp bắt được Đinh Môn (tên thật của cụ A Mét). Có điều, lính Pháp (kể cả lính Mỹ sau này cũng vậy) không ai biết mặt Đinh Môn ra sao. Có một lần, thấy một người Xê Đăng vào đồn lính Pháp nói sẽ đưa đi bắt "thằng Môn". Đến một con dốc, người Xê Đăng kia hú lên một tiếng rồi lăn xuống dốc, còn cả trung đội lính Pháp thì hứng trọn bẫy đá và mưa tên của quân Đinh Môn mai phục.

Một lần khác, lính Pháp thấy một sĩ quan người Việt phục vụ cho quân đội Pháp bước vào đồn nói: “Chúng mày biết mặt thằng Môn chưa mà đòi bắt? Tao vừa được báo nó ở bên kia, mau theo tao”. Thế là Pháp huy động quân đi ngay. Kết cục, lại rơi vào phục kích của quân Đinh Môn và viên sĩ quan kia chính là Đinh Môn cải trang. Lúc ấy ông hét lớn: “Tao là Đinh Môn đây!”, khiến đám lính Pháp khiếp đảm.

Có lần Đinh Môn bị sốt rét hành nên nằm vật vạ ven đường, lính Pháp đi càn tưởng người đã chết bèn bảo người dân mang đi chôn. Do quan niệm là ma xấu, dân làng đưa xác lên bỏ vào hang đá ở trên núi. Vài hôm sau hết sốt, Đinh Môn về làng, dân làng sợ, tưởng là ma thì ông cười lớn: “Tao Đinh Môn đây, không chết đâu, người thật đấy”.



Bằng truy tặng Anh hùng LLVT nhân dân của cụ A Mét




Cụ A Mét

Truy quét, tìm diệt không được, lính Pháp rất sợ Đinh Môn, cho là "có bùa" nên đạn bắn không chết. Sợ nhất là ông cải trang nhiều lần nhưng chẳng lặp lại bao giờ, trong khi đó ông rất khỏe và bắn súng rất thiện xạ. "Sau năm 1975, một hôm ông mang theo súng AR15 dẫn tui vào rừng, đưa nòng súng hướng lên một cây cao 30 - 40 m, bắn rớt con chim bằng một phát súng", ông Đinh Rương kể.

Còn nói về sức khỏe, ông Môn dù cao chỉ hơn 1,6 m nhưng khỏe như một con trâu mộng. Khi thiếu thuốc nổ đánh xe cơ giới của Pháp, Đinh Môn cải trang xin lính Pháp đi làm dân vệ, xung phong đánh bộc phá làm đường. Viên sĩ quan Pháp thấy Đinh Môn nhỏ con, có ý chê, ông liền chỉ đám dân vệ cao to, nói: Tao vật ngã hết đám này. Viên sĩ quan Pháp bảo thử, Đinh Môn làm thật, tất cả nhóm dân vệ to cao đều bại dưới tay ông. Đinh Môn làm dân vệ một thời gian, kiếm được vô số thuốc nổ. Về sau, xe nhà binh Pháp bị cháy đều do bị dính mìn, bộc phá cài ven đường, nhưng đâu biết thuốc nổ này do chính mình vô tình cấp cho Đinh Môn.

Nhận ra con nhờ vết sẹo

Theo ông Đinh Rương, ngày còn nhỏ, một lần ông A Mét đang nướng bắp cho ông Rương ăn thì gặp “con chim sắt” (máy bay) của Pháp bay tạt qua nên bất cẩn để lửa táp vào đầu gối bên phải của ông Rương. Vết phỏng khá nặng nên để lại sẹo. Sau đó, năm 3 tuổi, ông Đinh Rương theo cha mẹ tập kết ra Bắc. Đến năm 1959, ông A Mét cùng anh hùng Núp được gặp Bác Hồ và xin Bác cho về Nam chiến đấu. Ông A Mét gửi Đinh Rương ở lại học tại Trường nội trú thiếu nhi dân tộc ở thủ đô Hà Nội.

Năm 1975, khi đất nước thống nhất, Đinh Rương vội đi tìm cha. Trong bộ quân phục quân giải phóng, Đinh Rương đến tìm cha tại Huyện ủy Đăk Glei khi ông đang họp với lãnh đạo huyện và tỉnh Kon Tum. Nghe thông báo có con trai tìm gặp, ông A Mét bảo với bộ đội bảo vệ: Nếu là thằng Rương thì đầu gối bên phải có vết thương đã lành.

Khi ông Đinh Rương ngồi chờ ở phòng bảo vệ, anh bộ đội vờ như thân mật, khéo léo tìm cách kiểm tra đầu gối ông Rương, thấy đúng như ông A Mét nói. Khi đó ông A Mét cũng vừa rời cuộc họp ra. Gần 20 năm mới gặp lại, hai cha con nhìn nhau rưng rưng rồi dắt nhau đi bộ dọc vỉa hè của TX.Kon Tum để hàn huyên. Ông Đinh Rương kể và chỉ cho tôi xem vết thương ngày nướng bắp ấy. "Nhờ vết thương này, hai cha con mới nhận ngay ra nhau. Bởi biền biệt xa cách gần 20 năm, tui khi ấy còn nhỏ, không thể nào nhớ gương mặt cha được mà cha cũng khó nhận ra tôi vì thay đổi quá nhiều", ông Rương nói.



Làng Xốp Dùi ở trung tâm xã Xốp ngày nay

Kỷ vật cuối cùng

Chiều Tây nguyên nhạt nắng, hoàng hôn gieo vàng ắp những ngọn đồi. Hôm ấy, ông Đinh Rương đưa tôi lên căn gác nhỏ, nơi thờ cúng cha mình. Ông vào phòng trong cầm ra một thanh gươm dài hơn 0,5 m. "Tục đồng bào Xê Đăng là chôn của theo người chết. Thanh gươm này thì không, bởi khi còn sống, cha dặn tui phải giữ thanh gươm này. Nó là vật tùy thân theo ông qua hai cuộc kháng chiến", ông Rương bùi ngùi.

Sở dĩ ông A Mét bảo lưu giữ là vì, vào năm 1998, những kỷ vật cùng ông đi qua hai cuộc kháng chiến như chiếc dồ dài 12 m, bộ cung tên, chiếc gùi nhỏ và vài vật dụng khác đã bị lửa thiêu rụi theo trận hỏa hoạn ở xã Xốp. Sau vụ cháy ấy, ông A Mét rất buồn, 2 năm sau thì mất.

Hỏi về lai lịch thanh gươm, ông Đinh Rương không biết nó có từ bao giờ. Theo lời nhủ của ông A Mét, nó được rèn ở Quảng Nam, xưa to bản nhưng qua năm tháng, giờ chỉ còn bằng 2 ngón tay, sắc bén lạ thường. Đốc gươm được khảm bằng đồng, còn bao bằng gỗ cây rừng ghép lại. "Bảo tàng và một số đơn vị đặt vấn đề hỏi mua thanh gươm, nhưng gia đình không đồng ý. Bởi đó là kỷ vật cuối cùng của ông cụ", ông Đinh Rương nói.

Phạm Anh

Truy tặng danh hiệu anh hùng

Trải qua hai cuộc kháng chiến, cụ A Mét (Đinh Môn) được thưởng nhiều huân chương cao quý. Năm 2012, cụ được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, do có nhiều thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp.

Cụ A Mét mất vì bệnh vào tháng 12.2000, thọ 87 tuổi.



Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/thanh-guom-cua-cu-met-890757.html
Logged
Trang: « 1 2 3   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM