Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 02:46:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết trong chiến tranh  (Đọc 126620 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #270 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2011, 09:53:23 am »

Cốc rượu đầu tiên được nâng lên chúc mừng sức khỏe các chiến sĩ Hồng quân, hải quân, các sĩ quan, tướng lĩnh và đô đốc. Cốc rượu thứ hai, trong tiếng hoan hô nhiệt liệt chúc mừng Đảng và Ban chấp hành trung ương Đảng.

Tiếp đó là cốc rượu chúc mừng nước Ba Lan dân chủ anh em, mà nhân dân đã đứng lên đấu tranh vũ trang đầu tiên chống những đạo quân Hít-le ăn cướp. Trong buổi tiệc trọng thể của chúng ta, có mặt một đoàn đại biểu những người thợ mỏ Ba Lan mặc quần áo dân tộc, đến với một đoàn xe chở than đá làm quà tặng nhân dân Mát-xcơ-va. Các đồng chí Ba Lan tiến đến bàn Đoàn chủ tịch, nơi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các nguyên soái Liên Xô ngồi, nhiệt liệt chào mừng các đồng chí rồi cất tiếng đồng ca một bài hát chúc mừng thật hay. Cả phòng vỗ tay như sấm hoan hô đoàn đại biểu.

Cốc rượu chúc mừng Mi-khai-in I-va-nô-vích Ca-li-nin (M. I. Ca-li-nin bấy giờ là Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô ND.) được tán thưởng nhiệt liệt. Tiếp đó là những cốc rượu chúc mừng từng đồng chí tư lệnh các phương diện quân và chúc mừng các vị lão thành trong hàng ngũ tướng soái của Hồng quân: C. E. Vô-rô-si-lốp, X. M. Bu-đi-on-nưi, X. C. Ti-mô-sen-cô. Và mọi người cũng không quên nâng cốc chúc mừng các đồng chí lãnh đạo Hải quân quang vinh, các nguyên soái các quân chủng, binh chủng, Hội đồng quốc phòng Nhà nước với Chủ tịch Hội đồng và Bộ tổng tham mưu.

Thời gian xen kẽ khá dài giữa mỗi lần nâng cốc chúc mừng được dành cho một chương trình âm nhạc đặc sắc. Những bài hát Nga từ sân khấu vọng lại. Các diễn viên ba-lê và diễn viên múa dân gian biểu diễn trước toàn thể tân khách.

Lúc kết thúc, I. V. Xta-lin đứng dậy, hướng về tất cả các đồng chí có mặt, nâng cốc:

- Các đồng chí, cho phép tôi nâng cốc chúc rượu một lần nữa, lần cuối cùng. Tôi xin nâng cốc chúc sức khỏe của nhân dân xô-viết chúng ta, và trước hết là chúc sức khỏe nhân dân Nga.

Cử tọa hô “u-ra” và nhiệt liệt hưởng ứng bằng những tràng hoan hô rất dài.

- Tôi uống, - Xta-lin nói tiếp, - trước hết để chúc mừng sức khỏe nhân dân Nga, vì đó là dân tộc lỗi lạc nhất trong tất cả các dân tộc hợp thành Liên bang Xô-viết.

- Tôi nâng cốc chúc sức khỏe nhân dân Nga, vì trong tất cả các dân tộc trên đất nước chúng ta, nhân dân Nga đã được nơi nơi, người người công nhận là lực lượng lãnh đạo của Liên Xô trong cuộc chiến tranh này.

- Tôi nâng cốc chúc mừng sức khỏe của nhân dân Nga không chỉ vì nhân dân Nga là một dân tộc lãnh đạo, mà còn vì nhân dân Nga có trí tuệ sáng suốt, ý chí kiên cường và đức tính nhẫn nại. 

- Chính phủ chúng ta đã mắc nhiều thiếu sót; trong những năm 1941 - 1942, ta đã có những lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, khi quân đội chúng ta rút lui, bỏ cả những làng mạc và thành phố thân yêu của chúng ta ở U-crai-na, Bê-lô-ru-xi-a, Môn-đa-vi-a, tỉnh Lê-nin-grát, miền Pri-ban-tích, nước Cộng hòa Ca-rê-li-a - Phần Lan, phải bỏ đi vì không còn con đường thoát nào khác. Nếu là một dân tộc khác, thì đã có thể nói với chính phủ rằng: các anh không xứng đáng với lòng mong đợi của chúng tôi, hãy cút đi, chúng tôi sẽ lập một chính phú khác, chính phủ ấy sẽ giảng hòa với Đức và sẽ bảo đảm cho chúng tôi được yên lành. Nhưng nhân dân Nga không chọn con đường ấy, vì nhân dân Nga tin tưởng vào đường lối đúng đắn của Chính phủ và sẵn sàng xả thân để bảo đảm việc đánh tan nước Đức. Lòng tin cậy ấy của nhân dân Nga đối với Chính phủ Liên Xô là sức mạnh quyết định bảo đảm cho chiến thắng lịch sử trước kẻ thù của loài người, trước chủ nghĩa phát-xít.

Xin cám ơn nhân dân Nga, cám ơn lòng tin cậy ấy!

Xin chúc sức khỏe nhân dân Nga !

Chúng tôi cho rằng: tiếng nói của Xta-lin chính là tiếng nói của Đảng với chúng tôi. Thế là dưới mái vòm của điện Crem-li lại nổi lên những tràng vỗ tay hoan hô như sấm dậy.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #271 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2011, 09:54:20 am »

*
*   *

Bữa tiệc liên hoan hôm ấy còn in sâu trong tâm hồn mỗi người chúng tôi. Chúng tôi nhớ lại nhiều điều, suy nghĩ đến nhiều việc.

Đất nước đã chuyển từ chiến tranh sang lao động thời bình. Cần phải khắc phục tình trạng kinh tế đổ nát, không ổn định trong đời sống. bồi dưỡng sức khỏe và khả năng lao động cho những người bị thương tật trong chiến đấu, phải quan tâm chăm sóc những trẻ mồ côi, những người vợ góa, những bà mẹ mất con. Tất cả những việc ấy đã gặp biết bao nhiêu khó khăn.

Bộ tổng tham mưu đã nghiên cứu và chuẩn bị để hàng triệu quân nhân chuyển sang hoạt động cho nền kinh tế quốc dân.

Trong khi ấy, các phương diện quân đang bắt tay vào tổ chức và tập trung những trung đoàn hỗn hợp, đưa họ lên đường tới các trạm tiếp đón.

Phải nói thêm là một số phương diện quân, được phép đặc biệt của Bộ tổng tham mưu, tổ chức ra trung đoàn hỗn hợp có số lượng tiểu đoàn và đại đội hơi khác, còn số người ở đại đội thì cũng có khác so với quy định trong chỉ thị ngày 24 tháng Năm. Tổng tư lệnh tối cao biết việc đó, nhưng không phản đối.

Trong khi chờ đợi các trung đoàn hỗn hợp đến, hầu như tất cả các xưởng may ở Mát-xcơ-va đều tập trung may lễ phục cho các chiến sĩ. Rất nhiều xưởng may và hiệu may được dành ra để may lễ phục cho các sĩ quan và tướng lĩnh. Nhà cho các đơn vị tham gia duyệt binh ở cũng phải thu xếp. Sân bay Trung ương thì dành cho việc tập dượt đội ngũ.

Rồi lại đến việc vạch kế hoạch tổ chức bắn súng chào, chăng đèn, kết hoa và bắn pháo hoa trong ngày lễ. Tổng cục chính trị đề nghị thả những quả bóng khinh khí trên bầu trời Mát-xcơ-va, mang theo những chân dung, cờ đỏ, và hình mẫu các Huân chương “Chiến thắng” và Sao đỏ; kích thước tất cả các thứ ấy mỗi bề lớn đến 18 mét, có những đèn pha cực sáng chiếu vào. Lại dự kiến mắc cả loa phóng thanh công suất lớn vào những quả bóng ấy nữa.

Ngày 10 tháng Sáu, các đơn vị hỗn hợp tham gia duyệt binh đã tập hợp ở Mát-xcơ-va và bắt đầu tập dượt. Hai con ngựa được chọn trước cho đồng chí duyệt binh và đồng chí chỉ huy cuộc duyệt binh: nguyên soái Giu-côp con ngựa bạch và nguyên soái Rô-cô-xốp-xki; con ngựa ô. Cả hai đồng chí đều là những kỵ sĩ lão luyện, nên gần như không phải tập dượt gì cả.

Các trung đoàn hỗn hợp mang về rất nhiều cờ của các binh đoàn và binh đội Hít-le đã bị đánh tan, trong đó có cả lá cờ hiệu của chính Hít-le. Mang tất cả những lá cờ ấy tới Hồng trường cũng không cần thiết, nên chỉ chọn lấy có 200 chiếc. Một đại đội được tách riêng ra để mang những tàn tích chiến đấu ấy của quân địch. Chúng tôi đã đồng ý với nhau là đại đội mang những lá cờ ấy sẽ cầm nghiêng cán, ngọn cờ chúc xuống, nhưng không quét lê mặt đất; rồi đến khi tiếng của hàng chục chiếc trống nổi lên thì sẽ ném tất cả xuống chân Lăng Lê-nin.

Nghiên cứu xong các nghi thức, chúng tôi đến báo cáo với Tổng tư lệnh tối cao, nhưng Xta-lin không nghe. Đồng chí nói:

- Đó là công việc của các đồng chí quân đội. Các đồng chí giải quyết lấy thôi.

Sau đó, Gh. C. Giu-côp và C. C. Rô-cô-xốp-xki hoàn toàn tập trung vào việc chuẩn bị lễ duyệt binh. Các đồng chí xem xét toàn bộ nghi lễ và đặc biệt chú ý tới những lá cờ chiến đấu và cách cầm cờ của các trung đoàn hỗn hợp lúc tiến vào Hồng trường, vì mỗi lá cờ trong số 360 lá cờ ấy đều đại diện cho một binh đội hay binh đoàn nào đấy. Ngọn cờ nào cũng đã thấm máu trong những trận đánh, ngọn cờ nào cũng đã trải qua những chặng đường cực kỳ gian khổ từ chân thành Mát-xcơ-va và Xta-lin-grát, từ chân dãy núi Cáp-ca-dơ và thành phố Lê-nin, nơi chôn nhau cắt rốn của cách mạng chúng ta, cho đến Bu-ca-rét và Bu-đa-pét, Viên, Bê-ô-grát, Béc-lin và Pra-ha, đến đường tiến quân tận cùng, nơi những tên lính Hít-le cuối cùng phải giơ hai tay lên hàng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #272 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2011, 09:55:02 am »

Lại có lệnh phải tổ chức đón rước thật trọng thể về Mát-xcơ-va lá cờ Chiến thắng đã cắm trên nóc nhà Quốc hội Đức. Sáng ngày 19 tháng Sáu, tại sân bay Béc-lin, đại tá Ph. I-a. Li-xít-xun, chủ nhiệm cơ quan chính trị tập đoàn quân đột kích 3, đã long trọng trao lá cờ ấy cho các Anh hùng Liên Xô: hạ sĩ Can-ta-ri-a, trung sĩ Ê-gô-rốp, thượng sỉ Xi-a-nôp, các đại úy Xam-xô-nốp và Ne-u-xtơ-rô-ép.

Cũng trong ngày hôm ấy, các đồng chí về tới sân bay Trung ương của thủ đô, ở đây ngọn cờ Chiến thắng được hàng rào danh dự của đơn vị bộ đội Mát-xcơ-va nghênh tiếp; chiến sĩ cầm cờ là Anh hùng Liên Xô, thượng sĩ Ph. A. Ski-rép, hai đồng chí trợ thủ, cũng là Anh hùng Liên Xô: chuẩn úy cận vệ I. P. Pa-nư-sép và trung sĩ P. X. Ma-sta-côp.

Trước ngày duyệt binh, ngày 23 tháng Sáu, khóa họp của Xô-viết tối cao Liên Xô kết thúc. Sau khi nghe báo cáo của Tổng tham mưu trưởng A. I. An-tô-nốp, Xô-viết tối cao Liên Xô đã thông qua quyết nghị cho phục viên những lớp người nhiều tuổi trong quân đội tác chiến.

Lễ Duyệt binh Chiến thắng ấn định tổ chức vào ngày hôm sau, tựa hồ sự kết thúc hợp lý của khóa họp. Liên bang Xô-viết bước vào hòa bình.

Từ sáng ngày 24 tháng Sáu ở Mát-xcơ-va, trời mưa rả rích, nhưng mọi người đều rộn ràng phấn khởi. Tuy nhiên, chúng tôi rất xúc động, vì nhận thức được tất cả những gì là tính chất đặc biệt của lễ duyệt binh này. Trong toàn bộ lịch sử của các Lực lượng vũ trang Liên Xô, chưa thấy có cuộc duyệt binh nào như thế. Hơn nữa, Hồng trường đã có từ tám thế kỷ nay, nhưng chưa bao giờ được chứng kiến có cuộc duyệt binh nào như hôm nay.

Đúng 9 giờ 45 phút, những đợt sóng vỗ tay lan khắp khán đài. Những đại biểu của Xô-viết tối cao Liên Xô, những người lao động tiên tiến của các công xưởng và nhà máy ở Mát-xcơ-va, các cán bộ khoa học và văn hóa, rất đông các vị khách nước ngoài đang đứng trên khán đài, chào mừng các ủy viên Chính phủ và các ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng, lúc vừa bước lên Lăng Lê-nin. Các tướng lĩnh của Liên Xô tập hợp trên một lễ đài đặc biệt đối diện với Lăng Lê-nin. Nguyên soái C. C. Rô-cô-xốp-xki đứng ở vị trí riêng, sẵn sàng bước ra đón nguyên soái Gh. C. Giu-cốp duyệt binh.

Chuông đồng hồ điện Crem-li điểm đền tiếng thứ mười, thì vang lên khẩu lệnh: “nghiêm!”. Tiếng vó của đôi tuấn mã khua rộn trên nền đường, tiếng nguyên soái Rô-cô-xốp-xki chỉ huy cuộc duyệt binh báo cáo, rồi đến tiếng nhạc trọng thể của đội quân nhạc vút lên cao, lan ra khắp Hồng trường.

Bắt đầu duyệt binh. Các trung đoàn hỗn hợp hô “u-ra” vang dậy đáp lời chào mừng của nguyên soái Gh. C. Giu-cốp. Rồi khi hai nguyên soái cùng trở về Lăng Lê-nin thì tiếng hô “u-ra” cứ thế vang theo, từ cuối phố Goóc-ki, từ quảng trường Tê-át-ra-li-nai-a và quảng trường Ma-ne-giơ-nai-a vang dội về tới Hồng trường.

Dàn nhạc hỗn hợp gồm 1400 người, do thiếu tướng X A. Tre-rơ-nét-xki và đại tá V. I. A-gáp-kin chỉ huy, tiến vào giữa quảng trường và cử bài “Vẻ vang thay, nhân dân Nga”.

Gh. C. Giu-cốp, thay mặt và được sự ủy nhiệm của Chính phủ Liên Xô và Đảng cộng sản toàn Liên bang, từ trên lễ đài Lăng Lê-nin đọc một bài diễn văn ngắn, chúc mừng thắng lợi tất cả những người có mặt. Đài phát thanh truyền bài diễn văn chào mừng này đi khắp thủ đô, đi khắp cả nước. Tất nhiên, bài diễn văn chào mừng ấy còn bay xa hơn nữa, tới các đơn vị bộ đội của ta đang đóng ở Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung, Ru-ma-ni, Nam Tư. Và cả những đồng chí, sau khi chiến thắng ở phía Tây, lại chuyển sang đóng quân ở Viễn Đông, cũng chăm chú nghe.

Các trung đoàn hỗn hợp bắt đầu diễu binh trọng thể theo thứ tự bố trí các phương diện quân, từ Bắc xuống Nam. Trung đoàn của phương diện quân Ca-rê-li-a đi đầu, nguyên soái C A. Mê-rét-xcốp đi phía trước. Tiếp theo là phương diện quân Lê-nin-grát có nguyên soái L. A. Gô-vô-rốp đi đầu Sau đó là trung đoàn của phương diện quân Pri-ban- tích 1 có đại tướng I. Kh. Ba-gra-mi-an đi đầu. Nguyên soái A. M. Va-xi-lép-xki đi phía trước trung đoàn hỗn hợp của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 3. Thượng tướng C. P. Tơ-rúp-ni-cốp, phó tư lệnh của nguyên soái Rô-cô-xốp-xki, hướng dẫn trung đoàn của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 2, còn trung đoàn của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 thì có trung tướng I. P. Rốt-xlưi hướng dẫn; vị phó tư lệnh phương diện quân này là đại tướng V. Đ. Xô-cô-lôp-xki đi ở trên đầu.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #273 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2011, 09:55:47 am »

Các đại biểu của quân đội Ba Lan đi thành một đội ngũ riêng có Tổng tham mưu trưởng Ba Lan V. V. Coóc-trít đi đầu

Tiếp theo là trung đoàn của phương diện quân U-crai-na 1 do nguyên soái I. X. Cô-nép đi đầu. A. I. Pô-crư-skin - ba lần Anh hùng Liên Xô - mang lá cờ của phương diện quân.

Trung đoàn của phương diện quân U-crai-na 4 do đại tướng A. I. Ê-ri-ô-men-cô hướng dẫn. Sau đó là trung đoàn của phương diện quân U-crai-na 2 có nguyên soái tư lệnh R. I-a. Ma-li-nôp-xki. Cuối cùng là phương diện quân ở xa mãi phía cực Nam, phương diện quân U-crai-na 3, có nguyên soái Ph. I. Tôn-bu-khin đi đầu. Cuối đoàn diễu binh là hải quân có trung tướng hải quân, phó đô đốc V. G. Pha-đê-ếp đi đầu.

Đoàn quân nhạc khổng lồ cử những hành khúc chiến đấu theo nhịp bước của các đoàn quân diễu qua, nối tiếp nhau không hề gián đoạn. Âm thanh đang dồn dập, dồn dập như thác xô bão cuốn, thì bỗng nhiên im bặt. Đó là lúc ngừng tiếng nhạc duy nhất trong toàn cuộc diễu binh, những người có mặt tưởng như nghe rõ tiếng tim mình đang đập. Nhưng rồi giữa không khí im lặng sâu xa ấy, bỗng nổi lên hồi trống đột ngột, một đoàn quân xuất hiện trên quảng trường mang theo 200 lá cờ của quân địch, những ngọn cờ chúc xuống mặt đường láng nước. Đi qua Lăng Lê-nin, các chiến sĩ dừng lại quay sang phải và vứt mạnh gánh nặng đáng ghê tởm ấy xuống mặt đá sũng nước của Hồng trường.

Trên lễ đài, những tràng vỗ tay vang dậy. Nhiều người hô lớn: “u-ra”. Tiếng trống vẫn đổ hồi liên tục và trước Lăng Lê-nỉn, đống cờ nhục nhã cứ cao dần lên mãi.

Xong, nhạc lại tiếp tục khi các đơn vị của bộ đội Mát-xcơ-va tiến vào Hồng trường. Trung đoàn hỗn hợp của Bộ dân ủy quốc phòng tiếp theo, rồi đến các đơn vị của các Học viện quân sự Phrun-de, pháo binh, mô-tô cơ giới, không quân và các học viện khác. Sau các đoàn học viện, đến đơn vị kỵ binh chạy nước kiệu, rồi pháo binh, xe tăng và pháo tự hành lao vút qua trước lễ đài.

Cuộc diễu binh kéo dài hai tiếng đồng hồ. Mưa như trút nước, nhưng hàng ngàn người đứng chật Hồng trường hình như không hề chú ý đến. Tuy nhiên, vì thời tiết xấu, nên phần diễu hành của những đoàn người lao động thủ đô phải bỏ bớt đi.

Tối đến trời tạnh hẳn, phố xá Mát-xcơ-va lại tưng bừng ngày hội. Những lá cờ đỏ thắm phấp phới tít trên cao trong ánh đèn chiếu sáng rực, Huân chương “Chiến thắng” lấp lánh, rực rỡ giữa trời. Trên các quảng trường đều có biểu diễn văn nghệ, các dàn nhạc cẻ hành cho nhân dân nhảy múa.

Đến ngày hôm sau, 25 tháng Sáu, trong Cung lớn điện Crem-li, tổ chức chiêu đãi những đơn vị tham gia lễ duyệt binh. Ngoài những nhân vật chính của buổi chiêu đãi, còn có mặt những nhà hoạt động nổi tiếng nhất trong giới khoa học, kỹ thuật, văn học và nghệ thuật, có cả những chiến sĩ “xta-kha-nôp” của các xí nghiệp ở thủ đô, những chiến sĩ thi đua trên các đồng ruộng nông trang, đại biểu của những người đã rèn đúc vũ khí cho mặt trận, đã khai thác kim loại, đã nuôi dưỡng và may mặc cho quân đội và hải quân chúng ta: tất cả hơn hai nghìn năm trăm người.

Cũng như trong bữa tiệc chiêu đãi trước, cốc rượu thứ nhất uống mừng các chiến sĩ và các vị chỉ huy Hồng quân và Hải quân cùng những người đã hy sinh vì thắng lợi. Sau đó, đến các cốc rượu mừng Tổng tư lệnh tối cao, nguyên soái Liên Xô I. V. Xta-lin, mừng từng đồng chí tư lệnh các phương diện quân trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại cùng các chiến hữu gần gũi của các đồng chí ấy.

Khi gọi đến tên mình, các tư lệnh phương diện quân và tập đoàn quân tiến đến bàn của Chính phủ và chạm cốc ở đấy với tất cả mọi người. Dàn nhạc liền nổi kèn chào, hoặc cử một hành khúc. Tổng tư lệnh tối cao thì chúc mừng từng đồng chí một.

Khi nâng cốc chúc mừng nguyên soái Gh. C. Giu-côp, tư lệnh phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 và các tướng V. Đ. Xô-cô-lốp-xki, V. I. Tsui-cốp, V. I. Cu-dơ-nét-xôp, X. I. Bô-gđa-nốp, M. E. Ca-tu-cốp, A. V. Goóc-ba-tốp, P. A. Bê-lốp, V. I-a. Côn-pác-tsi, Ph. I. Pe-rơ-khô-rô-vích, X. I. Ru-đen-cô và các đồng chí bước đến bên bàn thì Xta-lin lấy cốc rượu của V. I. Tsui-cốp, đổi cốc khác đầy hơn. Va-xi-li I-va-nô-vích Tsui-cốp cầm cốc ấy chạm với Tổng tư lệnh tối cao và tất cả cùng cạn chén.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #274 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2011, 09:56:29 am »

Tôi xin nói rõ thêm là trong bữa tiệc trọng thể lần này ở điện Crem-li, mới chỉ có mặt một phần của đội ngũ vẻ vang các tư lệnh tập đoàn quân. Trong thời gian chiến tranh. có khoảng 200 đồng chí đã giữ trọng trách ấy trong các tập đoàn quân binh chủng hợp thành. Tất cả các đồng chí ấy, trừ một số rất cả biệt, đều là những tướng lĩnh có trình độ xuất sắc giàu kinh nghiệm thực tiễn trong bộ đội. Trong số ấy có 66 đồng chí được tuyên dương Anh hùng Liên Xô và 11 đồng chí được thưởng hai Huy chương “Sao Vàng”. Sau này có bốn đồng chí là A. A. Grê-xcô, N. I. Crư-lốp, C. X. Mô-xca-len-cô và V. I. Tsui-cốp, được phong Nguyên soái Liên Xô. Được phong quân hàm cao quý đó cũng có cả P. Ph. Ba-tít-xki, P. C. Cô-se-vôi, nguyên là quân đoàn trưởng, và quân đoàn phó quân đoàn xe tăng 1 I. I-a-cu-bốp-xki.

Đặc biệt phải nói tới các đồng chí tư lệnh các tập đoàn quân xe tăng. Những liên binh đoàn chiến dịch ấy xuất hiện trong Quân đội Liên Xô từ tháng Năm 1942. Năm 1944 đã có tất cả sáu tập đoàn quân xe tăng và con số ấy không thay đổi cho đến lúc kết thúc chiến tranh. Giữ chức tư lệnh tập đoàn quân xe tăng trong từng thời kỳ, có tất cả 11 đồng chí: X. I. Bô-gđa-nốp, V. M. Ba-đa-nốp, V. T. Vôn-xki, M. E. Ca-tu-cốp A. G. Cráp-tsen-cô, Đ. Đ. Lê-liu-sen-cô, A. I. Rát-di-ép-xki, A. G. Rô-đin, P. L. Rô-ma-nen-cô, P. A. Rốt-mi-xtơ-rốp, P. X. Rư-ban-cô. Năm đồng chí trong số ấy được tuyên dương Anh hùng Liên Xô hai lần; sau chiến tranh, ba đồng chí được phong nguyên soái bộ đội xe tăng thiết giáp, và P. A. Rốt-mi-xtơ-rôp thành nguyên soái tư lệnh bộ đội xe tăng thiết giáp.

Những tướng lĩnh có tài năng, táo bạo và kiên quyết nhất, có khả năng nhận toàn bộ trách nhiệm vè những hành động của mình và không bao giờ chùn bước trước khó khăn, đã được lựa chọn để giữ chức vụ tư lệnh các tập đoàn quân xe tăng. Chỉ những người như thế mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ giao cho các tập đoàn quân xe tăng. Các tập đoàn quân ấy thường được sử dụng để đột phá và hành động trong tung thâm chiến dịch, xa những lực lượng chủ yếu của phương diện quân, tiêu diệt những đội dự bị của địch, đánh phá sau lưng chúng, làm rối loạn hệ thống chỉ huy của chúng, đánh chiếm những tuyến có lợi và những mục tiêu quan trọng nhất.

Pa-ven Xê-mi-ô-nô-vích Rư-ban-cô chỉ huy tập đoàn quân xe tăng lâu hơn cả. Đống chí là một người có học vấn uyên thâm và tính tình cương nghị: trong những năm đầu tiên sau chiến tranh, đã gánh trách nhiệm vẻ vang đứng đầu tất cả những đơn vị bộ đội xe tăng thiết giáp của ta. Đồng chí đã góp nhiều công lao và nghị lực vào việc cải tổ và trang bị lại những tập đoàn quân xe tăng.

Trong số những đồng chí chỉ huy xuất chúng của bộ đội xe tăng, tất nhiên phải kể đến Pa-ven A-lếch-xây-ê-vích Rốt-mi-xtơ-rốp. Dựa vào kinh nghiệm thực tiễn phong phú thu thập được trong chiến đấu và những kiến thức sâu rộng của mình, đồng chí cũng đã góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kỹ thuật xe tăng sau chiến tranh và đào tạo những cán bộ chỉ huy xe tăng có trình độ cao.

Mi-khai-in E-phi-mô-vích Ca-tu-côp là một quân nhân chân chính, rất am hiểu việc huấn luyện và chiến thuật bộ đội xe tăng. Lữ đoàn xe tăng do đồng chí chỉ huy trong chiến dịch Mát-xcơ-va là lữ đoàn xe tăng đầu liên của Quân đội Liên Xô được tặng danh hiệu cận vệ. Từ ngày đầu đến tận ngày kết thúc cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, Mi-khai-in E-phi-mô-vích luôn luôn bám sát chiến trường.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #275 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2011, 09:57:49 am »

Đơ-mi-tơ-ri Đa-ni-lô-vích Lê-liu-sen-cô được nhiều người trong các Lực lượng vũ trang Liên Xô biết đến với tư cách là một cán bộ chỉ huy bộ đội binh chủng hợp thành. Từ tháng Ba 1944, chắc là do tính cương quyết, lạc quan và linh hoạt nên đồng chí được chỉ định giữ chức tư lệnh tập đoàn quân xe tăng 4 và đã chỉ huy xuất sắc tập đoàn quân ấy cho đến lúc kết thúc chiến tranh.

Là một “vị tướng xông xáo” - anh em đặt tên cho đồng chí như vậy - Đơ-mi-tơ-ri Đa-ni-lô-vích hầu như không chịu ngồi yên trong cơ quan tham mưu, mà suốt ngày đêm lúc nào cùng ở ngoài tiền duyên. Khó mà tìm được đồng chí một khi đã nổ súng chiến đấu.

Tôi còn nhớ trường hợp sau đây, trong trận đánh ở Đôn-bát: một hôm Tổng tư lệnh tối cao muốn nói chuyện riêng với Lê-liu-sen-cô. Bộ tổng tham mưu phải mất đến gần một ngày đêm ra công tìm kiếm mới biết được đồng chí ở đâu, mặc dầu thông tin liên lạc với cơ quan tham mưu tập đoàn quân vẫn ổn định. Kết quả là sau việc ấy, phải ban hành một chỉ thị đặc biệt quy định các tư lệnh tập đoàn quân không được rời khỏi sở chỉ huy của mình trong một thời gian lâu.

Tư lệnh tập đoàn quân xe tăng cận vệ 2, Xê-mi-ôn I-lích Bô-gđa-nôp nổi tiếng vì lòng dũng cảm tuyệt vời. Bắt đầu từ tháng Chín 1943, tập đoàn quân của đồng chí đã tham gia hầu hết những trận đánh quyết định trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Cả trong thời gian sau chiến tranh, Xê-mi-ôn I-lích cùng tỏ ra có tài năng lỗi lạc, đồng chí đã làm giám đốc học viện và gần năm năm giữ cương vị tư lệnh bộ đội xe tăng của các Lực lượng vũ trang Liên Xô.

Tên tuổi của An-đrây Gri-gô-ri-ê-vích Cráp-tsen-cô gắn liền với tất cả những chiến thắng của tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 và nhất là với đợt tiến công tuyệt diệu vượt qua dãy núi Đại Hưng An ở Viễn Đông.
Các đồng chí tư lệnh tập đoàn quân không quân hợp thành một đội ngũ, như ta thường nói, thật là độc đáo. Trong thời gian chiến tranh, trong các Lực lượng vũ trang Liên Xô có tất cả 17 tập đoàn quân không quân thuộc các phương diện quân.

Chỉ huy những tập đoàn quân không quân ấy trong một thời gian dài là các đồng chí: M. M. Grô-môp, X. A. Cra-xốp-xki, N. Ph. Pa-pi-vin, K. A. Véc-si-nhin, X. C. Gô-riu-nốp, Ph. P. Pô-lư-nin, I. M. Xô-cô-lốp, T. T. Khơ-ri-u-kin, A. X. Xê-na-tô-rốp, V. A. Vi-nô-grát-đốp, V. N. Bi-bi-cốp, T. Ph. Cu-xe-va-lốp, X. Đ. Rư-ban-tren-cô, I. P. Giu-ráp-li- ốp, N. Ph. Na-u-men-cô, X. I. Ru-đen-cô, V. A. Xu-đét. Và còn sáu đồng chí nữa cũng đã từng giữ nhưng cương vị này là: X. A. Khu-đi-a-côp, C. N. Xmi-rơ-nốp, Đ. Ph. Côn-đra-chi-úc, V. N. Giơ-đa-nốp, Đ. I-a. Xlô-bô-gian, I. G. Pi-a-tư-khin.

Đứng đầu các Lực lượng không quân trên các hạm đội là: M. I. Xa-mô-khin, N. A. Ô-xtơ-ri-a-cốp, V. V. Éc-ma-tren-cốp, A. A. Cu-dơ-nét-xốp, A. Kh. An-đrê-ép, E. N. Prê-ô-bra-gien-xki, P. P. Lê-me-scô.
Trong suốt một thời kỳ chiến tranh dài (từ tháng Hai 1942 đến hết tháng Chạp 1944), A. E. Gô-lô-va-nốp chỉ huy không quân hoạt động tầm xa, một phương tiện đột kích của Đại bản doanh. Còn chỉ huy các Lực lượng không quân của Hồng quân là P. Ph. Gi-ga-rép (cho tới tháng Năm 1942) và A. A. Nô-vi-cốp (từ tháng Năm 1942 cho đến khi kết thúc chiến tranh).

Tôi xin nhắc lại là, không phải tất cả những con người xứng đáng trên đâu có thể có mặt đông đủ tại Ngày hội Chiến thắng ở Crem-li và cũng không phải tất cà đều được nêu tên trong bữa tiệc mừng ngày hội lớn ấy, nhưng tên họ của mỗi đồng chí đều đáng được nhắc đến và được hoan nghênh nhiệt liệt. Chặng đường chiến đấu của một số đồng chí không dài lắm, nhưng kết quả đấu tranh của bộ đội do các đồng chí lãnh đạo thật lớn lao.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #276 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2011, 09:57:58 am »

Những đồng chí trong những năm chiến tranh đã lãnh đạo các quân chủng, binh chủng trong các Lực lượng vũ trang, lãnh đạo những cơ quan trọng yếu trong bộ máy quân đội cũng đều được hoan nghênh nhiệt liệt. Đến lượt các đồng chí pháo binh tiến đến bên bàn Chính phủ. Đi đầu là nguyên soái tư lệnh pháo binh N. N. Vô-rô-nốp có vóc người cao lớn đĩnh đạc. Sau đến các nguyên soái pháo binh N. Đ. I-a-cô-lép, M. N. Tsi-xti-a-cốp, các tướng G. E. Đéc-chi-a-rép, G. Ph. Ô-đin-xôp, N. M. Khơ-lép-ni-cốp, M. M. Bác-xu-cốp, A. C. Xô-côn-xki, V. I. Ca-da-cốp, X. X. Va-ren-xốp, N. X. Phô-min, M. I. Ne-đe-lin.
Sau đó, chúng tôi nhiệt liệt chào mừng M. I. Ca-li-nin, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô, người đã giúp đỡ chúng tôi, những quân nhân, hiểu được công tác của mình, người cổ vũ nhiệt thành những truyền thống chiến đấu và những phẩm chất cao quý như lòng dũng cảm, tính gan dạ, nghĩa vụ quân đội, lòng trung thành với Tổ quốc.

Mọi người nhiệt liệt tán thưởng cốc rượu mừng chính sách đối ngoại đúng đắn của Liên Xô.

Tiếp đến là những tràng vỗ tay và cốc rượu Chúc mừng các nguyên soái C. E. Vô-rô-si-lốp, X. M. Bu-đi-on-nưi và X. C. Ti-mô-sen-cô, mừng nguyên soái tư lệnh không quân A. A. Nô-vi-cốp, nguyên soái tư lệnh bộ đội xe tăng thiết giáp I-a. N. Phê-đô-ren-cô và bộ trưởng Bộ dân ủy hải quân - đô đốc N. Gh. Cu-dơ-nét-xốp. Khi Bộ tổng tham mưu được nhớ đến, thì A. I. An-tô-nốp và tôi được mời lên. Chúng tôi bước đến bàn Chính phủ cùng vui mừng với tất cả các đồng chí và chạm cốc chào mừng thắng lợi của chúng ta. Mọi người lại nhiệt thành chúc mừng các cán bộ hậu cần của Hồng quân, với người lãnh đạo công tác hậu cần không hề biết mỏi mệt là đại tướng A. V. Khơ-ru-li-ôp.

Công lao của những nhà hoạt động khoa học cũng được đánh giá cao. Đại biểu của họ có mặt ở đây là Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Liên Xô V. L. Cô-ma-rôp và nhiều viện sĩ.

Tất cả lại nâng cốc chúc mừng đại biểu các công trình sư tiên tiến: A. X. I-a-cô-vlép, B. G. Spi-tan-nưi. V. G. Gra-bin, Ph. V. Tô-ca-rép. V. A. Đéc-chi-a-rép, X. G. Xi-mô-nốp, X. V. I-liu-sin, A. A. Mi-cu-lin, A. I. Mi-côi-an, X. A. La-vốt-xkin, V. Ph. Bôn-khô-vi-ti-nốp, A. Đ. Sơ-ve-xốp, A. N. Tu-pô-lép, V. I. Cli-môp.
Xta-lin đề nghị nâng cốc chúc mừng lần cuối cùng: “Chúc sức khỏe nhân dân xô-viết chúng ta!”.

Chúng tôi chia tay nhau, rời khỏi điện Crem-li lúc những tia nắng cuối cùng của ngày dài tháng Sáu còn chiếu sáng vòm nóc những ngôi nhà thờ lớn. Tôi nhớ mãi hình ảnh gian phòng khánh tiết ấy, ở đó chủ yếu tập trung các tướng lĩnh, các vị chỉ huy cao cấp của Hồng quân và hải quân. Không một đồng chí nào giống đồng chí nào. Nhưng dù khác nhau về bề ngoài, về tính cách, về phong cách, về kinh nghiệm, về học vấn, họ đều có một đặc điểm quyết định chung duy nhất là bất kỳ ở đâu và lúc nào, bất kỳ hoàn cảnh thế nào, họ vẫn mãi mãi là những người yêu Tổ quốc nhiệt thành, những đảng viên cộng sản chân chính.

Từ ấy, đã nhiều năm qua. Đã có nhiều biến đổi trên hành tinh chúng ta, trên đất nước chúng ta và trong quân đội thân yêu của chúng ta. Nhưng, những đảng viên cộng sản vẫn là những đảng viên cộng sản. Những phẩm chất cao đẹp của các đồng chí, như ngọn đuốc trao tay nhau, truyền từ đời cha sang đời con, đời cháu, sang những người đang cầm chắc vũ khí trong tay, bảo vệ công cuộc lao động hòa bình của nhân dân xô viết ngày nay và cả mai sau.

HẾT
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM