Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:45:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nghĩa Tình Đồng Đội  (Đọc 37911 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2010, 06:01:53 pm »

Nghĩa Tình Đồng Đội
Đại tá: Nguyễn Văn Hồng
Nhà Xuất Bản: Hội Nhà Văn
Số hoá: crawling0805, GG

LỜI NÓI ĐẦU

Nghĩa tình đồng đội, cuốn sách chưa đến 200 trang của đại tá Nguyễn Văn Hồng, một người đã trải qua cuộc chiến chống Mỹ và 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Anh là một phó tư lệnh, tham gia nhiều trận đánh lớn, tận mắt chứng kiến những số phận của bạn bè, đồng chí trong chiến tranh và cả trong thời bình. Nhiều tấm gương hi sinh khiến anh không thể quên, và hàng chục năm sau vẫn còn đau đáu ví chua tìm được tung tích về đồng đội. Anh viết sách về họ. Những bài viết ngắn gọn, có thể ngày nay nhìn lại, không phải người nào cũng có một câu chuyện li kỳ hấp dẫn. Nhưng tất cả đều chân thực, đều có ý nghĩa thực sự với tác giả. Chỉ người nào có mặt trong những giờ phút ác liệt, qua nhiều năm dài chiến tranh mới hiểu được.

Ngoài những tấm gương nổi tiếng, trong chiến tranh có vô số những mất mát tình cờ mà người ta có thể nhanh chóng quên đi. Trong nhiều câu chuyện của anh đại tá Nguyễn Văn Hồng, anh thậm chí không nhớ họ của người đồng đội. Chí có một cái tên. Ví như chuyện của liệt sĩ Bình, người xạ thủ đã bắn cháy 6 xe tăng Mỹ. Sau khi anh hi sinh, đơn vị chuyển đi quá vội không kịp để lại danh tính. Nhiều năm sau, tác giả trở lại tìm, tuy nhiều người vẫn còn nhớ, nhưng hài cốt anh đã chuyển vào cùng với những liệt sỹ “chưa xác định được danh tính” trong nghĩa trang xã, không thể tìm được nữa. Một số phận chỉ gói gọn trong vài giờ vinh quang trên chiến trường, sau đó không còn gì nữa, nếu không ai tìm lại thì chẳng còn có thể biết đã từng tồn tại con người như thế trên đời. Tác giả cuốn sách này là người trăn trở nhiều với những số phận như thế.

Cuốn sách vì thế được viết ra với một mục đích thiết thực. Biết đâu, qua những trang viết người thân của những liệt sĩ vô danh ấy – có thể biết được chút gì đó về sự hi sinh của các anh. Nếu không, đó đơn thuần là kỉ niệm của tác giả, để đáp tạ những người đã cùng sống và chiến đấu với mình. Nhiều câu chuyện thật cảm động.

Trần Xuân Nựu, bạn chiến đấu của tác giả, trong một lần đi trinh sát trên quốc lộ 19 đã bị mìn tiện đứt bàn chân phải. Tổ trinh sát, trong đó có tác giả, đi không nghỉ, hi vọng cứu sống anh. “Ban đêm, rừng kín mít, đất đá lởm chởm, không sao đi được. Đốt đuốc thì địch trên các chốt phát hiện, chúng tôi phải lấy những khúc gỗ mục có chất lân tinh, cho một người đi trước soi đường để tiếp tục khiên Nựu về căn cứ,… phải vượt qua đỉnh Hòn Giác cao hơn 300m so với mực nước biển và những đồi tranh trống trải…” Sau hai ngày trèo đèo lội suối, cuối cùng tổ cũng về đến trạm phẫu, và chỉ chậm 15 phút nữa là không thể cứu sống được. Tình cảnh hiểm nghèo, gay cấn lúc ấy chỉ có người trong cuộc, kề cận với cái chết mới hiểu được. 36 năm sau, hai người đồng đội cũ gặp lại nhau. Dù câu chuyện ngày ấy chỉ còn có họ nhớ đến thì cũng mang giá trị là cuộc sống ngày nay của một người.

Ngày 5 tháng 11 năm 1971, cuộc vượt đường của Tiểu đoàn công binh Sư đoàn 3 Sao Vàng rơi vào ổ phục kích của địch. Phó tham mưu trưởng Phan Văn Bảy sa vào tay giặc. Suốt thời gian dài từ tội, anh đã phải có sức mạnh thần tình để bảo vệ bí mật về thân phận mình. Thậm chí có lần trong trại giam, một chiến sĩ cấp dưới cũ gặp lại anh, mừng quá đã gọi là thủ trưởng, lại phải mất thêm nhiều tháng chống chọi, nhưng cuối cùng cũng qua đi. Một số đồng đội của anh vào đêm bị phục kích, trong đó có tác giả, đã may mắn thoát được, nhưng những gì đã xảy ra vào đêm kinh hoàng đó thì không ai có thể quên được. Sau 36 năm, qua cuộc gặp mặt rất tình cờ với người em rể của anh Bảy, tác giả mới tìm được nhân chứng thực của một sự kiện lớn trong đời mình. Sự may mắn đã dành cho họ cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa ấy.

Tác giả cũng là người tham gia vào cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Trần Duy Chiến (người viết cuốn nhật ký Tây Tiến viễn chinh), tham gia tìm kiếm và vận động giúp đỡ những người đồng đội là thương bình, đang sống khó khăn… dù anh cũng rất bận bịu, người lính năm xưa nay đã là một doanh nhân thành đạt. Anh thể hiện tình đồng đội bằng sự cảm thông và giúp đỡ thiết thực. Công sức, thời gian mà anh bỏ ra để tìm kiếm tung tích các liệt sĩ, tìm kiếm những người hảo tâm, tổ chức gặp gỡ, quyên góp… là không hề nhỏ. Có những người bên cạnh ủng hộ anh, như anh Hoàng Văn Đông, trước đây là một sĩ quan hậu cần rất tháo vát, nay trở thành người làm kinh tế giỏi, đã đóng góp rất nhiều để giúp đỡ đồng đội cũ. Còn có nhiều người như thế nữa, khi nhìn thấy những hành động ấy, họ cũng sẽ quan tâm, và những người lính có thể tìm lại nhiều điều.

 
*
*  *
Điểm qua một số những mẩu chuyện trên để thấy việc một con người cất công đi tìm đồng đội là người có trái tim bao la nhân ái - thực sự là hiếm có trong cuộc sống tất bật mà mỗi ngày mỗi giờ người ta đều quy đổi ra vàng bạc, ra đô la. Nhớ nhau thì có nhớ nhưng không thể bỏ được cái sự ham sống ham làm của ngày hôm nay. Chiến tranh để lại dọc chiều dài đất nước cơ man nào là mộ chí trắng xoá, cơ man nào là nghĩa trang. Những người có tên và chưa có tên – Hàng ngàn con đường mòn trong rừng đã từng có chiến sĩ nằm xuống, đánh dấu bằng gốc cây hòn đá để đồng đội lại lên đường. Những con đường rừng ấy chỉ vài tuần không có người đi qua là cây rừng lấp ngay. Làm sao mà còn nhớ chỗ liệt sĩ nằm. Rồi những bãi cát dọc biển bao la, những gò đồi… đâu đâu cũng có liệt sĩ. Liệt sĩ nằm trên đất quê hương nhưng nếu không biết anh ở chỗ nào thì người thân vẫn canh cánh trong lòng chưa thể sống yên. Anh Nguyễn văn Hồng không chỉ kể về những người thân, bạn bè, người cùng đơn vị, anh còn làm công việc của một nhà ngoại cảm, tìm kiếm những mắt xích liên quan đến từng liệt sĩ… Cứ như thế miệt mài tháng năm. Tôi là một người đã tham gia chiến tranh, đã như các anh chứng kiến nhiều hy sinh của bè bạn, tôi thực sự xúc động khi đọc những bài viết chân thực của anh.

Cảm ơn anh và các anh chị có trái tim nhân ái dành cho đồng đội. Và đồng đội chúng ta vẫn luôn ở bên bạn vè và mang may mắn đến cho chúng ta.

              
LÊ MINH KHUÊ
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Tám, 2020, 06:51:44 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #1 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2010, 06:05:10 pm »

LỜI CẢM ƠN

Để có được cuốn sách này, ra mắt bạn đọc, cuối năm 2006 và trước đó, tôi đã hai lần về lại chiến trường xưa, tại một số địa phương thuộc Liên Khu 5, đặc biệt tại hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, địa bàn tác chiến của sư đoàn 3 Sao Vàng.

Tôi là một quân nhân đã lớn lên và trưởng thành trong đội hình chiến đấu của sư 3, một trong những sư đoàn chủ lục Quân khu 5.

Ngoài việc xác minh, kiểm chứng lại tại thực địa, tôi đã được sự giúp đỡ tận tình của nhiều đồng chí, đồng bào, là những “nhân chứng sống”, cung cấp cho tôi nhiều tư liệu xác thực, có đối chiếu với những dòng hồi ức của những năm tháng chiến đấu tại chiến trường mà tôi đã ghi nhớ được.

Tôi xin cảm ơn những người vừa là những nhân vật trong từng câu chuyện, vừa nhân chứng đã giúp đỡ nội dung cho cuốn sách này: bà Nguyễn Thị Nhị, vợ của liệt sĩ Hoàng Văn Bình, một du kích đã hy sinh cùng với đồng chí Bình và đồng chí Đức trong trận đánh giao thông tại mục tiêu Cống Đôi; ông Hai Bình, là người trực tiếp chôn cất liệt sỹ Bình và Đức; ông Thành, nguyên là xã đội trưởng (năm 1969). Những người này hiện ngụ tại xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Hoàng Chuân, nguyên chiến sĩ thông tin liên lạc thuộc Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3, nay là một thương binh đang cùng với vợ, con sống tại thị xã Ninh Bình thuộc tỉnh Ninh Bình, người chiến binh dũng cảm năm nào trên mặt trận đường 19, đã nhiệt tình giúp tôi tìm được nơi cư ngụ của Trung tá Lê Anh Kiên, tại xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, người tiểu đội trưởng trinh sát năm xưa, đã cung cấp cho tôi nơi hy sinh và mai táng của liệt sỹ Thảo tại chiến trường đường 19, tỉnh Bình Định năm 1971.

Anh thương binh cụt một chân Trần Xuân Nựu, nguyên là một sỹ quan tác chiến thuộc Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12 đã gửi cho tôi một lá thư dài (tôi đã trích một đoạn trong bài viết) sau 36 năm chúng tôi mới gặp lại nhau. Hiện anh cùng gia đình đang sống tại xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, Hà Tình.

Anh Đào Quang Diệm, nguyên phó Giám đốc Sở Lao Động Thương Binh vã Xã Hội tỉnh Hà Tĩnh, là người anh ruột của liệt sỹ Đào Quang Phát, mà tôi có bài viết về trường hợp hy sinh của em anh. Đoàn Như Hưng, người đã cùng với tôi thuộc đại đội công binh Sư đoàn 3 trong những năm 60, nay là cựu chiến binh, ngụ tại thôn Vạn Trung, xã An Hảo, huyện Hoài Ân, Bình Định, người đã giúp tôi có được những thông tin khá chính xác một số liệt sỹ, hy sinh tại huyện Hoài Ân và An Lão, Bình Định, nay hài cốt các liệt sỹ đã được đưa vào nghĩa trang xã.

Thân nhân gia đình liệt sỹ Hồ Huy Liễu, hiện trú tại xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Gia đình anh chị Nghiêm Thanh Huề, Trương Thị Sen, những quân nhân thuộc Trung đoàn 12, Sư đoàn 3, đã liên tục trong 10 năm sống và chiến đấu tại chiến trường miền Trung. Hiện anh chị đang sống tại phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
   
Trung tá Phan Văn Bảy, nguyên tham mưu phó, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3; người sỹ quan tác chiến, không may bị sa vào tay giặc trong một tình huống hiểm nghèo, đêm 4-11-1971 tại mặt trận đường 19. Hiện trú tại số 39C Hai Bà Trung, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Anh đã cung cấp cho tôi một số tình tiết xảy ra trước, trong và sau khi anh bị bắt mà tôi đã ghi lại trong bài “Đêm ấy, không may anh bị sa vào tay giặc” của cuốn sách này. Trong cuốn hồi kí “Cuộc chiến đấu tự nguyện”, nxb Hội Nhà Văn – 2007, tôi có viết về sự kiện này. Gặp lại anh lần này và được anh cung cấp thêm thông tin, chứng minh những dòng hồi ức của tôi, cách nay 36 năm là chính xác.

Tôi cũng xin chân thành cảm ơn những người sau đây đã cho tôi có cơ hội, những bài viết sẽ trở thành một cuốn sách, mà theo tôi, hy vọng sẽ góp phần thực hiện được ước muốn hướng về đồng đội, những người đã cống hiến máu xương cho đất nước được như hôm nay, cần nhắc đến họ, đời đời biết ơn họ. Các liệt sỹ, thương binh vẫn là đề tài nóng bỏng đối với tôi.
Nhà văn Đặng Vương Hưng và gia đình liệt sỹ Trần Duy Chiến đã đóng góp vào kho tàng văn học của thế hệ chúng ta cuốn nhật ký chiến trường của một liệt sỹ trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở CPC (Tây Tiến Viễn Chinh). Tôi cũng được vinh dự thay mặt cho những chiến binh ngày ấy làm sáng tỏ thêm về thời điểm lịch sử và những gì mà liệt sỹ Trần Duy Chiến đã viết trong cuốn nhật ký của anh. Và, đã cùng với nhà văn Đặng Vương Hưng, Quận uỷ và Uỷ ban nhân dân Quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng và thân nhân liệt sỹ Trần Duy Chiến thực hiện được ước nguyện của anh và gia đình là đưa hài cốt của anh về yên nghỉ tại quê nhà – nghĩa trang thành phố Đà Nẵng.

Xin cảm ơn Thiếu tướng Lê Chí Thuận, một vị tướng chiến trường, người đã cùng tôi trải qua một chặng đường dài từ chiến tranh giải phóng đến lúc hoàn thành nhiệm vụ quốc tế ở CPC. Ông đã không phản đối khi tôi viết về ông, cả những thành công trong sự nghiệp cũng như bất hạnh diễn ra trong đời thường, cả những cái đáng có và không nên có trong con người ông. Những uẩn khúc về đời tư có mấy ai muốn đưa lên trên những trang giấy…

Một người có cùng quan điểm, cùng cộng tác với nhau trong chiến đấu: Trung tá Hoàng Văn Đông. Trong những năm làm nhiệm vụ quốc tế, anh và những cộng sự trong ngành hậu cần đã giúp chúng tôi rất nhiều, giải quyết tốt công tác bảo đảm cho chiến đấu. Nay, về với cuộc sống đời thường, anh đã làm được nhiều việc có ích, được Uỷ ban nhân dân Quận Tân Bình tặng giấy khen. Anh đã giúp tôi nguồn tư liệt cho bài viết về nghĩa tình đồng đội của những cựu chiến binh hôm nay.
Cuối cùng, có được cuốn sách mang nhiều ý nghĩa về nghĩa tình đồng đội, không thể không nhắc đến Trần Văn Tám, nguyên là quân nhân lái xe lúc tôi còn là Phó tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, nay Tám đã là chủ của một doanh nghiệp “ăn nên làm ra”, đã bỏ lại công việc sản xuất kinh doanh, giao cho vợ, Nguyễn Thị Oanh trông coi để cùng tôi rong ruổi đúng một tháng trời đi thu thập nguồn tư liệu phục vụ cho việc hoàn thiện cuốn sách.

Bản thảo của cuốn sách cũng đã thu nhận nhiều ý kiến góp ý của một số vị lão thành cách mạng và một số cựu chiến binh: Đại tá Trần Hồng Cơ, Nguyễn Quý Hợp, Thiếu tướng Trần Tấn, Đại tá nhà văn Nguyễn Phán và nhiều đồng chí khác.
Mong rằng “Nghĩa tình đồng đội” sẽ được tiếp tục trong thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.
 
TP. HCM, tháng 7 năm 2007
                         TÁC GIẢ
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #2 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2010, 06:08:59 pm »

THƯA CÙNG BẠN ĐỌC

Sau năm 1975, trên làn sóng của đài tiếng nói Việt Nam, đài truyền hình Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải mục “ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI”.

   Đây là việc làm hết sức cần thiết, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là quan điểm của Đảng và Nhà nước ta.

   Chiến tranh lâu dài với nhiều kẻ thù xâm lược đã để lại hậu quả nặng nề cho dân tộc Việt Nam, hàng triệu sinh mạng đã nằm lại trên các chiến trường chưa được tìm thấy, hàng vạn liệt sỹ trong các nghĩa trang chưa xác định được danh tánh. Đó là nỗi trăn trở lớn nhất của nhiều gia đình, người thân và cộng đồng.

   Mỗi lần nghĩ về đồng đội, những người đã nằm lại trên các chiến trường, người thân chưa biết con em mình đang nằm ở đâu, chúng ta cảm thấy day dứt.

   Tôi tin rằng, trong các thế hệ, những người may mắn còn sống sau chiến tranh, nhiều người trực tiếp hay gián tiếp biết đồng đội của mình đã hy sinh được chôn cất ở nơi này, chỗ nọ; song, một số vì tuổi cao, sức yếu, trí nhớ lại mai một; một số do phải vật lộn với cuộc mưu sinh nghiệt ngã trong đời thường, và nhiều lý do khác… mà bỏ qua những cơ hội giúp người thân của những người đã hy sinh tìm lại họ.

   Tôi nghĩ khả năng tinh tế nhất của con người là khả năng biết yêu thường. Thật là thiếu sót và tội lỗi nếu là “vô cảm” với công việc này. Đã đi qua hai cuộc chiến tranh: chiến tranh chống xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam và cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc trên biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, tuy tuổi đã cao, sức khoẻ giảm sút, song trí nhớ còn minh mẫn, tôi xin nêu lên một vài trường hợp, đặng giúp cho những gia đình có người thân đang nằm lại trên chiến trường hoặc các địa phương đã quy tập phần mộ các liệt sỹ vào các nghĩa trang họ vẫn chưa biết.

   Cuộc “Trường chinh tìm đồng đội” đối với tôi không những đi tìm những liệt sỹ đang nằm ở đâu có chưa được phát hiện hoặc đã đưa vào cac nghãi trang, người thân chưa được biết, mà còn đi tìm những đồng đội đã một thời chia ngọt sẻ bùi trong những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ ác liệt, mang thương tật nay tứ tán mọi miền đất nước. Có khi là đi tìm những nhân chứng do chính liệt sỹ để lại, để các thế hệ mai sau biết dược những hậu quả nặng nề của chiến tranh đêm lại cho các thế hệ cha anh, hoặc là những người không may sa vào tay giặc nay đã trở về với đồng đội, v.v…

   Mong rằng cuộc “Trường chinh tìm đồng đội” được các tầng lớp nhân dân ta quan tâm sẽ không có điểm dừng. Chúng ta hãy làm một việc gì đó để dịu bớt những đau thương, mất mát của hàng triệu gia đình.

NGUYỄN VĂN HỒNG
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #3 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2010, 06:11:59 pm »

NGƯỜI XẠ THỦ BẮN CHÁY 6 XE TĂNG - THIẾT GIÁP MỸ ĐÃ VÀO NGHĨA TRANG XÃ BÌNH NGUYÊN, HUYỆN BÌNH SƠN, QUẢNG NGÃI.

Trong các mối quan hệ cộng đồng, mỗi người mang một tính cách riêng, một đặc điểm nổi trội dễ làm những người xung quanh nhớ lâu, có khi nhớ đến suốt đời.

Tôi được sống và chiến đấu với nhiều cán bộ, chiến sỹ, họ đã in sâu vào ký ức những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc chiến đấu ở chiến trường, cũng như trong cuộc sống đời thường. Có người với những chiến công xuất sắc trong chiến đấu, họ đã hy sinh hoặc bị thương, có người đã một thời cùng chia ngọt, sẻ bùi, nhường nhau từng bát cơm, củ sắn; lại có người không may sa vào tay giặc nay đã trở về với đồng đội…

Trong những câu chuyện dưới đây, tôi viết về những người đã in đậm nét trong ký ức tôi không bao giờ quên được.

Trước hết là tấm gương hy sinh dũng cảm của người xạ thủ súng chống tăng B41, trong chiến đấu anh đã bắn cháy và phá huỷ nhiều mục tiêu là xe tăng, xe thiết giáp và các hoả điểm khác của địch trong cuối những năm 60 tại chiến trường Khu 5. Đặc biệt là trong trận tập kích cụm xe tăng địch tại Dốc Sỏi, phía tây thị trấn Châu Ổ thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào đêm 25/02/1968. Trận này một mình đồng chí đã bắn cháy 6 xe tăng, xe thiết giáp, một lực lượng của Sư đoàn Ameriacan Mỹ đi càn quét. Đó là đồng chí Bình (rất tiếc tôi không nhớ họ của đồng chí). Chỉ biết rằng: đồng chí là người dân tộc Mường, quê tỉnh Thanh Hoá.

Nói về chiến công của anh, trong cuốn hồi ức mang tự đề “Cuộc chiến đấu tự nguyện” tái bản ở Nxb. Hội Nhà Văn 2007, trang 150 có đoạn viết:

“…Không thể chờ đợi thêm được nữa. Tôi ra lệnh cho đồng chí Bình nổ súng. Quả đạn B41 đầu tiên, Bình tiêu diệt ngay một xe tăng cách đó khoảng 15 mét. Địch dựa vào các xe tăng, xe bọc thép bắn ra như vãi đạn. Đạn bay vèo vèo trên đầu, những luồng đạn lửa của súng trung liên, đại liên từ các tháp pháo xe tăng phóng ra xung quanh tua tủa. Có những luồng đạn lửa chạm vào đá sỏi, gốc cây bay vút lên không trung như những chùm pháo thăng thiên. Ánh chớp đầu các nòng pháo thỉnh thoảng lại toé lên như những cái máy chụp ảnh có dùng đèn palat… Nhưng mọi loại hoả lực đều bay vút ra phía sau. Vì chúng tôi đã lọt vào góc tử giác (cự ly an toàn). Lúc này chúng tôi mới thấy hết tác dụng của lối đánh gần (bám thắt lưng địch mà đánh), nhất là mục tiêu xe tăng.

Trong lúc địch điên cuồng bắn ra xung quanh, anh em nằm sát vào gốc dừa “giải lao” quan sát từng luồng đạn lửa của chúng đang phun ra từ các họng súng trên xe tăng để xác định vị trí cụ thể của từng mục tiêu. Sau hơn 10 phút sôi động, trận địa lại im ắng, chỉ còn lại các trận địa pháo, cối từ các căn cứ bắn xung quanh. Nhưng chúng tôi vẫn an toàn, vì đang “nằm chung” với xe tăng địch trong cự ly rất gần. Xa xa về hướng Nam, tiếng súng lại rộ lên, pháo sáng địch bắn lên từng chùm, treo lơ lửng trên không trung, toả sáng cả một vùng. Chắc giờ này, một số căn cứ địch ở hướng Đức Phổ, Mộ Đức hay thị xã Quảng Ngãi… cũng đang bị ta tiến công. Quan sát một lúc khá chính xác, đồng chí Bình lại giương súng lên bắn phát thứ hai, thêm một chiếc xe tăng bốc cháy. Quan ngọn lửa và ánh chớp, chúng tôi phát hiện thêm các mục tiêu khác. Sau phát đạn thứ hai này, bọn địch không phản ứng đồng loạt, sợ lộ mục tiêu. Chỉ có chỗ nào bị đánh, chỗ đó phản ứng. Pháo cối từ Chi khu Châu Ổ và các căn cứ gần đó bắn liên tục ra xung quanh, nhất là hai bên trục đường phía Tây mục tiêu đang bị chúng tôi tiến công. Lần này chúng sử dụng cả “pháo chụp” đạn nổ trên không trung chụp xuống hòng sát thương ta. Chúng tuyệt nhiên không bắn pháo sáng, sợ lộ các mục tiêu còn lại.

Trong thực tế chiến đấu, có trận không theo một nguyên tắc, bài bản nào cả. Chúng tôi bám vào mô đất, gốc dừa, trụ lại một chỗ, bắn cháy lần lượt từ xe tăng này đến xe tăng khác, cho đến lúc hết một cơ số đạn B41 mà vẫn không bị địch phát hiện. Cuối cùng địch chỉ còn lại một xe, trong khi chúng tôi đã hết đạn, phải rút lui. Lại thêm một lần ân hận. Lúc xuất phát, anh Quang và anh Biền nhắc chúng tôi mang thêm mấy trái lựu đạn chống tăng để dự bị. Chúng tôi đã không thục hiện.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Mười Hai, 2010, 06:32:02 pm gửi bởi crawling0805 » Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #4 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2010, 06:13:52 pm »

Sáng hôm sau địch cho một tiểu đoàn hỗn hợp, dưới sự yểm trợ của máy bay trực thăng chiến đâu, có kết hợp với pháo binh từ thị trấn Châu Ổ lên càn quét hai bên trục đường đất đỏ. Chúng cho xe tăng lên kéo 6 chiếc xe tăng, xe thiết giáp bị chúng tôi bắn cháy, bắn hỏng về căn cứ”.

Như vậy, trong trận này, ngoài đồng chí xạ thủ phụ làm nhiệm vụ tiếp đạn, một mình Bình đã bắn cháy 6 xe tăng, xe thiết giáp, bẻ gãy hoàn toàn cuộc tấn công càn quét của địch từ thị trấn Châu Ổ lên huyện lỵ Trà Bồng, thuộc tỉnh Quảng Ngãi trong chiến dịch Mậu Thân 1968.

Tiếc thay, trong một trận đánh giao thông đêm mùng Bốn, rạng mùng Năm tháng 12 năm 1968 tại mục tiêu Cống Đôi trên đường quốc lộ số 1 thuộc xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Bình đã hy sinh cùng với đồng chí Đức và một du kick tên Huỳnh Văn Bình.
Năm 1968, sau chiến dịch Mậu Thân, để phân tán sự đối phó của địch ở chiến trường trọng điểm, ngoài nhiệm vụ kìm chân các lực lượng chủ lực địch trong các căn cứ, ngăn chặn chúng ra phản kích, một bộ phận chủ lực ta kết hợp lực lượng vũ trang địa phương đẩy mạnh việc đánh phá giao thông, góp phần cô lập địch trên từng khu vực. Đại đội công binh chúng tôi được giao nhiệm vụ bám đường quốc lộ số 1 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đánh phá cầu cống dựng chướng ngại vật, và khi điều kiện cho phép có thể tổ chức các trận phục kích diệt các đoàn xe, tốp xe vận tải của địch từ cảng Quy Nhơn, Sa Huỳnh ra Chu Lai, Nước Mặn…

Một trong những mục tiêu được chú ý trong thời gian này, Cống Đôi – Đây là điểm chốt giao thông của địch trên đường số 1 và đường sắt, nằm ở đoạn giữa căn cứ Chu Lai (Quảng Nam) và căn cứ Nước Mặn (Quảng Ngãi), cách ga xe lửa Trị Bình 300m về hướng Bắc. Địch có một trung đội hỗn hợp gồm cả Mỹ và lính Bảo An. Chúng lợi dụng đường tàu hoả, cố thủ trong hầm, được xếp bằng bao cát dày tạo nên những lô cốt nửa chìm, nửa nổi rất vững chắc. Xung quanh có một lớp rào lò xo một cuộn kết hợp mìn vướng nổ, đạp nổ và mìn Kleymo điều khiển. Mục tiêu nằm hoàn toàn trên cống đường sắt, cách cống đường 1 từ 15 – 20m. Bởi vậy mà ở đây nhân dân thường gọi là Cống Đôi.
Hai hướng Đông và Tây là đồng trống, lúa đang thì con gái. Về phía Tây khoảng 400m là làng mạc nằm dọc theo triền núi chạy dài từ Bắc xuống Nam, nối với căn cứ Nước Mặn. Đây là vùng giáp ranh, tuy sát nách các căn cứ địch, song ban đêm ta hoàn toàn làm chủ.
Vì sao chúng tôi chọn mục tiêu này, Cống Đôi?

Trước hết, địa thế, cho phép ta cơ động lực lượng từ căn cứ xuống đây, trong quá trình chuẩn bị cũng như lúc tiến công và sau đó có điều kiện cơ động về lại căn cứ. Điều thuận lợi cơ bản thứ hai là ở đây phong trào du kích lên mạnh. Bộ đội địa phương và dân quân du kích miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng không những đã giúp đỡ cho bộ đội chủ lực trong bước trinh sát, nắm địch mà còn là lực lượng sát cánh cùng bộ đội chủ lực tiến công vào các mục tiêu.

Trận này cũng đã cho tôi một bài học kinh nghiệm trong việc chọn mục tiêu, việc đánh giá tình hình và sử dụng lực lượng cũng như về cách đánh. Trong chiến đấu, có tinh thần tiến công địch vẫn chưa đủ, người chỉ huy, dù ở cương vị nào cũng phải nắm chắc những nguyên tác cơ bản về tổ chức chỉ huy, về áp dụng các hình thức chiến thuật phù hợp với nhiệm vụ và mục tiêu được phân công.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #5 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2010, 06:15:40 pm »

Đêm 4 tháng 12 năm 1968, chúng tôi tổ chức một tổ 3 đồng chí, gồm đồng chí Bình, Đức và một du kích tên Huỳnh Văn Bình đột nhập từ hướng Bắc, men theo đường tàu hoả, chui qua lớp hàng rào kẽm gai, tiếp cận lô cốt bằng bao cát ở hướng Bắc. Phía Đông, một tổ hoả lực B41 bố trí cách mục tiêu là ụ súng khoảng 150m. Để tạo điều kiện làm chủ mục tiêu, trên đường số 1 bố trí 2 tổ, nhiệm vụ là ngăn chặn quân phản kích ứng cứu từ Nước Mặn ra và từ Chu Lai vào.

Đêm cuối năm, trời mưa lất phất và rét. Sau khi tổ chức hợp đồng xong, các mũi các hướng tiếp cận mục tiêu.

Một tình huống bất ngờ, trên hướng Nam mục tiêu: địch đưa lực lượng ra canh gác sát lớp rào kẽm gai, tổ hoả lực B41 không thể vào triển khai được. Đã gần 4 giờ sáng rồi mà địch vẫn không rút vào lô cốt. Phương tiện liên lạc không có, chỉ hiệp đồng ban đầu. Chúng tôi quyết dịnh cho tổ hoả lực phía Đông nổ súng. Lúc đầu địch cũng bị bất ngờ. Một số nhà bạt bị trúng đạn, bốc cháy – qua đám cháy phát hiện trong chốt địch bị rối loạn, vợ con lính kêu la.

Vì nổ súng trễ, từ hướng Bắc địch cơ động bằng xe vào ứng cứu. Xe tăng của chúng từ Dốc Sỏi bắn dọc đường 1 và đường sắt nghe rát rạt. Thế là các tổ bố trí bên ngoài rút khỏi vị trí. Tổ của đồng chí Bình không ra được và bị hy sinh bên cạnh lô cốt ở phía Bắc Cống.
Ngay sáng hôm đó, địch mở cuộc hành quân càn quét vào thôn Trị Bình, chúng tôi phải cấp tốc di chuyển, không kịp để lại danh tánh của hai đồng chí bộ đội Bình và Đức cho địa phương biết.

Tiếc thương đồng đội, tôi quyết tâm đi tìm những “nhân chứng sống”. Hy vọng sẽ tìm được nơi yên nghỉ của các anh.

Đầu năm 2004, tôi về xã Bình Nguyên, vào Uỷ bản nhân dân xã. Lần đó tôi mới chỉ biết được một ít tin tức: một số nhân chứng trong trận đánh đó nay vẫn còn sống. Nhưng vì thời gian eo hẹp, tôi chưa tiếp cận được họ:

Người thứ nhất là nữ du kích có tên là Hoà và cô em gái tên Thuận – cô Hoà năm nay đã gần 60 tuổi, người đã cùng với tôi đặt vị trí chỉ huy tại ga xe lửa Trị Bình, thuộc xã Bình Nguyên trong đêm tiến công mục tiêu Cống Đôi.

Người thứ hai, tôi còn nhớ có tên là Nhị, một nữ thanh niên mới lớn ở địa phương. Cô Nhị có em gái tên là Nhằn. Hồi đó hai chị em còn ít tuổi, cô Nhị khoảng 16 – 17 tuổi, cô em khoảng 14 – 15 tuổi, trong một gia đình cơ sở cách mạng ở thôn Trị Bình. Ngày đó gia đình cô Nhị ở ven sườn núi phía Tây căn cứ Nước Mặn. Trước mặt là cánh đồng lúa nước rộng khoảng 500 mét, theo con đường làng ra đường sắt và đường số 1. Những ngày đi chiến đấu chúng tôi được anh em du kích xã Bình Nguyên tận tình giúp đỡ và phối hợp hoạt động. Nhiệm vụ chủ yếu của bộ đội chủ lục chúng tôi là đánh giao thông trên đường Quốc lộ số 1. Ban ngày đồng chí Nguyễn Văn Mau, xã đội trưởng đưa chúng tôi lên sườn đồi. Ở đó có đài quan sát, có hầm bí mật. Nếu địch càn vô đây, chúng tôi sẽ cùng với du kích xã chống càn, hoặc xuống các hầm bí mật để bảo toàn lực lượng. Vì vậy, tuy gần bên căn cứ Nước Mặn, một trung đội quân chủ lực ta cùng với du kích xã ở đây, có khi ở cả ban ngày mà địch vẫn không phát hiện được. Không có hàng rào, lô cốt nào kiên cố bằng lòng dân. Đêm 4, rạng 5 tháng 12, chúng tôi gửi tư trang tại gia đình cơ sở này, tiếp cận mục tiêu Cống Đôi.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #6 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2010, 06:17:56 pm »

Ngoài hai nhân chứng nêu trên, còn một số người dân khác, chúng tôi không biết tên, vì thời gian tác chiến ở đó chỉ có 1 tuần lễ.
Ngày 31 tháng 11 năm 2006, tôi về lại xã Bình Nguyên một lần nữa, với hy vọng gặp được cô Nhị. Co Nhị có vai trò rất quan trọng trong việc tìm mộ đồng chí Bình và đồng chí Đức.

Tiếp nối những kết quả của chuyến đi trước, trong chuyến đi này tôi đến thẳng thôn Trị Bình. Theo con đường ngang từ đường số 1, rẽ về phía Tây, cách ga Trị Bình khoảng 200 – 300 mét về phía Bắc. Con đường đất đỏ đã được bê tông hoá, chạy thẳng vào thôn Trị Bình. Hai bên đường lúa xanh tươi tốt.

Đây rồi! Ngôi nhà đầu làng trước đây là trường tiểu học. Năm 1968, cứ mỗi buổi sáng, bọn Hội đồng của chính quyền cũ đi xe Honda ngang qua ngôi trường này để vào thôn Trị Bình làm việc. Một buổi sáng chúng tôi tổ chức một tổ, ban đêm vào ém sẵn trong ngôi trường, kê nòng súng lên cửa sổ chờ đợi. Khoảng 6h30 sáng, hai tên Hội đồng đi xe máy vào trước họng súng của anh em ta. Cả tổ đồng loạt nổ súng, diệt một tên tại chỗ, một tên bỏ xe lại, chạy thoát thân. Anh em ra thu vũ khi và đốt luôn chiếc xe Honda.

Tôi tiếp tục đi sâu vào thôn được người dân ở đây hướng dẫn đường đi, nước bước và cuối cùng gặp được cô Nhị. Hồi đó tôi được anh chị em du kích kháo nhau rằng cô Nhị là người yêu của du kích Huỳnh Văn Bình, một trong ba đồng chí đã hy sinh ở Cống Đôi.

Cô Nhị nay vẫn giữ được dáng người mảnh dẻ. Trông bên ngoài chị đã già, nhưng dáng đi còn hoạt bát, nhanh nhẹn. Chị vẫn chưa biết tôi là ai? Vì sao tìm đến chị? Chi rót nước mời tôi và câu chuyện được bắt đầu:

- Chị có phải là chị Nhị, có cô em gái là Nhằn? Hồi còn chiến tranh, gia đình chị ở phía sau căn cứ Nước Mặn, giáp với  xã Bình Thuận?

Tôi nói để khẳng định việc tôi tìm đến chị là chính xác.

- Cuối năm 1968, chúng tôi tập kích mục tiêu Cống Đôi, trên đường số 1 và đường sắt, gần ga xe lửa Trị Bình, trong trận đó có 3 đồng chí hy sinh, trong đó có anh du kích tên Bình, hình như người yêu của chị? – Tôi nói tiếp.

Chị nói chậm rãi như thì thầm:

- Đó là chồng tôi!

Chúng tôi lặng đi một lúc…
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #7 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2010, 06:20:57 pm »

Tiếng chó sủa ngoài sân làm tôi và chị Nhị sực tỉnh, trở lại với câu chuyện.

- Anh Bình nhà chị tôi đã nhìn thấy bia mộ ở nghĩa trang xã Bình Nguyên rồi. Còn 2 đồng chí bộ đội đến giờ chúng tôi vẫn chưa tìm thấy! Đầu năm 2004, tôi có qua xã Bình Nguyên, vào Uỷ ban xã hỏi thăm chị, biết hị vẫn còn sống. Vì thời gian eo hẹp, tôi phải đi ngay, không gặp được chị, tôi có để lại cho chị một lá thứ? Lần này tôi tìm đến chị…

Tôi nói để gợi trí nhớ của chị về sự kiện xảy ra cách đây gần 40 năm. May ra chị còn nhớ và biết được phần mộ của 2 đồng chí bộ đội đã hy sinh cùng với người thân của chị.

Chi cho biết:

- Trận đó diễn ra vào đêm 4 rạng 5 tháng 12 năm 1968 (tính theo âm lịch). Sáng hôm đó tôi không dám ra nhận xác anh Bình, mà một người thân của anh Bình ra nhận xác ảnh về chôn. Đó là ông Hai Binh ở xóm 5, thôn Nam Bình, xã Bình Nguyên. Còn 2 anh bộ đội, một anh to con, nặng khoảng 70 kg, mặc xà lỏn bôi nhọ nồi đen thui (tức là đồng chí Bình, xạ thủ B41 – TG) và một anh người tầm thước (đó là đồng chí Đức – TG) thì không có ai nhận. Bọn lính thuê luôn ông Hai Binh cùng mấy người nữa mang đi chôn. Lúc đó, đồng chí Thành lên thay đồng chí Mau làm xã đội trưởng (đồng chí mau bị hy sinh sau đó)!..

- Chị có thể dẫn tôi đến nhà ông Hai Bình và anh Thành được không?

Không trả lời tôi, chị lật đật vào buồng thay quần áo, với tay lên giàn bếp lấy cái nón lá rồi cùng tôi lên xe đến thẳng nhà ông Hai Binh. Trên đường chúng tôi đều im lặng, mỗi người theo đuổi một suy nghĩ. Chẳng mấy chốc chúng tôi đến nơi nhà ông Hai Binh ở trên đầu dốc, gần đối diện với nghĩa trang liệt sỹ xã Bình Nguyên qua đường số 1 và đường tầu hoả, thuộc sườn phía Đông căn cứ Nước Mặn.

Ông Hai năm nay đã gần 70, nhưng thân hình vẫn mạnh khoẻ, hai bắp thịt cuộn lên trên đôi tay cháy nắng. Ông đang bơm nước tắm rửa cho đàn heo. Ông làm nghề nấu rượu, lấy bã để nuôi heo. Thấy chị Nhị và tôi đến ông đi rửa chân và mời chúng tôi vào nhà. Người dân quê Quảng Ngãi thật thà trông đến dễ thương.

Sau lời giới thiệu của chị Nhị và lời đặt vấn đề của tôi về 2 đồng chí liệt sỹ hy sinh tại Cống Đôi, ông Hai nói ngay:

- Chónh tay tôi chôn cất hai anh bộ đội miền Bắc, bọn chúng thuê người chôn cất, nhưng tôi đâu phải vì tiền. Thấy anh em bộ đội miền Bắc, bọn tôi thương đứt ruột, nhưng không dám biểu lộ, vì sợ chúng trả thù!

- Thế bây giờ mộ của 2 đồng chí bộ đội ở đâu, nhờ ông Hai chỉ giùm! – Tôi đề nghị.

Rót nước mời tôi và chị Nhị, ông nói chậm rãi:

- Hôm xã có chủ trương quy tập các mộ liệt sỹ vào nghĩa trang xã. Lúc đó tôi đi vắng. Khi về thì họ đã bốc đưa vào nghĩa trang đầu dốc!  Ông chỉ tay lên sườn núi, cạnh đường số 1, sườn phía Đông căn cứ Nước Mặn. Ông nói thêm:

- Hồi đó, đơn vị bộ đội rút đi, không để lại tên tuổi của hai anh đó, nên hiện giờ có nhiều tấm mộ đều ghi “chưa xác định được tên”. Nhưng chắc chắn hài cốt của hai anh đã được đưa vào nghĩa trang xã rồi đó!...

Chúng tôi lên nghĩa trang thắp nhang cho các anh. Bên cạnh mộ của đồng chí du kích Huỳnh Văn Bình, Nguyễn Văn Mau (xã đội trưởng) có nhiều nấm mộ chưa xác định được tên. Trong những ngôi mộ đó chắc chắn có hai đồng chí của chúng ta là đồng chí Bình và đồng chí Đức.
   
Rời nghĩa trang xã Bình Nguyên, chia tay với chị Nhị, lòng tôi bùi ngùi thương nhớ các anh.
   
Riêng đối với hai đồng chí Bình và Đức, người viết bài này mong muốn tìm được địa chỉ của thân nhân để chuyển đến họ nơi yên nghỉ cuối cùng của hai anh. Mọi chi tiết xin liên hệ với tác giả bài viết này:

Nguyễn Văn Hồng – ĐT: (08)-8105660 hoặc 0913.957777. Hoặc những người đã nêu trên ở xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi – TP. HCM tháng 12 – 2006
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #8 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2010, 06:37:48 pm »

NƠI ANH NẰM XUỐNG CHỐT CÂY RUI

Gần cuối năm 1969, sau một loạt các trận chiến đấu thắng lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi: đánh sập cầu Châu Ổ (tháng 2/1968), tập kích cụm xe tăng Mỹ ở Đốc Sỏi, phía Tây thị trấn Châu Ổ (cuối 2/1968), đánh địch càn quét ở thôn Trà Bình, bắn cháy xe tăng, tiêu diệt một số tên và bắt sống một tên Mỹ khác thuộc Sư đoàn American (tháng 3/1969); phục kích tiêu diệt và bắn cháy đoàn xe vận tải quân sự của địch trên quốc lộ 1A (tháng 10/1969) tại huyện Đức Phổ; và cả trận tập kích không thành mục tiêu Cống Đôi tại xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, đại đội công binh Sư đoàn 3 chuyển vào phía Nam tỉnh Bình Định, sáp nhập cùng tiểu đoàn 6, trung đoàn bộ binh 12, làm nhiệm vụ đánh giao thông trục đường quốc lộ 19 – Đèo An Khê.

Để phối hợp với mặt trận B3 mở chiến dịch tiến công ở Tây Nguyên sẽ diễn ra vào đầu năm 1972, trung đoàn 12 trong đó có tiểu đoàn 6 bước vào công tác chuẩn bị chiến trường. Nhiệm vụ chính là cắt đứt đường quốc lộ 19 tại đèo An Khê không cho địch vận chuyển tiếp tế từ vùng đồng bằng miền Trung lên Tây Nguyên. Đây là một địa bàn hết sức khó khăn, phức tạp. Đối tượng tác chiến là sư đoàn “Mãnh hổ” Nam Triều Tiên, trực tiếp là trung đoàn số 24 (*).

Để cắt đứt đường 19, ta phải làm chủ được mặt đường. Ngoài các trận địa hỏa lực, bộ binh phải bám đường để tiêu diệt bộ binh, cơ giới của địch và đánh bại cuộc phản kích, giải tỏa của chúng.

Trước khi mở chiến dịch, trong quá trình chuẩn bị chiến trường cũng đã có nhiều đồng chí bị thương vong, trong đó có đồng chí Thảo (lại một trường hợp tôi không nhớ họ của đồng chí).

Đây là trường hợp thứ hai, có thể gia đình chưa biết được phần  mộ của anh. Vì anh hy sinh ở một nơi đặc biệt khó khăn. Đến nay đã 35 năm tôi vẫn chưa biết thân nhân, quê quán của anh. Hy vọng nhờ bài viết này, linh hồn anh mách bảo, sẽ đưa anh về với gia đình.

(*): Xem “Cuộc chiến đấu tự nguyện” – NXB Hội Nhà Văn tái bản 2007.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #9 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2010, 06:39:10 pm »

Tôi chỉ nhớ tên anh là Thảo, hy sinh tháng 11 năm 1971 tại núi Cây Rui, phía Nam đỉnh đèo An Khê, nơi giáp giới giữa hai tỉnh BÌnh Định và Gia Lai.

Lúc ấy, trong điều kiện xa căn cứ, việc qua lại từ phái Nam sang phía Bắc đường 19 phải qua hệ thống đồn bót của địch và con sông Côn ngăn cách; đồng chí Thảo được mai táng tại sườn phía Nam chốt Cây Rui khoảng 2km.

Có câu chuyện vui làm tôi nhớ mãi về anh và cũng từ đó tôi đã tìm được “nhân chứng sống” của trường hợp này.

Tôi là một cán bộ tham mưu, thường rất gần gũi với anh em chiến sỹ trinh sát. Trinh sát là “tai mắt” của người chỉ huy. Tiểu đội trinh sát của tiểu đoàn do Nguyễn Văn Cọng và Lê Anh Kiên chỉ huy. Lê Anh Kiên có bố tên là Lê Văn Thảo. Chúng tôi thường hay nói đùa Kiên với đồng chí Thảo là hai bố con. Từ đó, mỗi lần nghĩ về Lê Anh Kiên là nhớ đến đồng chí Thảo. Có một lần đi chúng tôi trinh sát mục tiêu chốt Cây Rui, để phục vụ cho kế hoạch chiến đấu, cắt đường 19. Chốt Cây Rui có một đại đội thuộc Sư đoàn “Mãnh Hổ” Nam Triều Tiên, đóng chốt trên một điểm cao của đỉnh đèo An Khê. Đây cũng là nơi tiếp giáp giữa hai tỉnh Gia Lai và Bình Định. Phía Bắc núi Cây Rui là đường quốc lộ 19 chạy ngoàn ngoèo theo sườn Nam của dãy Núi Ông Bình, từ phía Đông thuộc tỉnh Bình Định lên Gia Lai. Phía Nam là rừng già liên hoàn, cây cối rậm rạp, kín đáo. Bao quanh chốt Cây Rui là 4 lớp rào kẽm gai, xen kẽ mìn sát thương bộ binh. Chốt Cây Rui là một vị trí rất lợi hại. Từ đây ta có thể khống chế hàng chục km đường đèo hiểm trở. Muốn cắt đứt sự vận chuyển tiếp tế của địch lên Tây Nguyên là phải làm chủ và giữ vũng chốt Cây Rui. Ngược lại, chốt Cây Rui còn thì vẫn còn làm chủ được Đường 19, dù là ta hay địch.

Vì vậy chúng tôi đã tập trung khá nhiều về nhân lực và thời gian cho việc chuẩn bị tiến công chốt Cây Rui. Tổ trinh sát vừa từ phía Nam tiếp cận Cây Rui, đồng chí Thảo vướng phải mìn, hy sinh… Đồng chí Thảo là một chiến sỹ trinh sát dũng cảm, đã cùng với tiểu đội trinh sát của tiểu đoàn 6, luôn luôn bám mặt đường, theo dõi quy luật hoạt động của địch tại đèo An Khê, bảo đảm cho tiểu đoàn hạ quyết tâm và làm kế hoạch chiến đấu chính xác. Nhờ đó hầu hết các trận đánh giao thông tại đây đều đạt hiệu suất cao, bắn cháy và phá hủy nhiều đoàn xe vận tải của địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi ở chiến trường Tây Nguyên, đồng chí Thảo hy sinh là một tổn thất lớn cho tiểu đoàn trong quá trình chuẩn bị và chiến đấu lâu dài ở đây. Chúng tôi vô cùng thương tiếc.
   
Vì quân số ít, đường về căn cứ mất hơn 2 ngày, núi cao hiểm trở, chúng tôi không đưa được đồng chí Thảo về căn cứ. Tiểu đội trinh sát đã chôn cất đồng chí Thảo ở sườn phía Nam của chốt Cây Rui như đã nói ở trên. Sang năm 1972, ta mở chiến dịch Tây Nguyên. Trung đoàn 12 tiến hành cắt đường 19 trong suốt 18 ngày đêm. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt giữa Trung đoàn 12 Sư đoàn 3 quân Khu 5 với Su đoàn “Mãnh hổ” Nam Triều Tiên trên đoạn đường đèo chưa đầy 10 km. Xác giặc ngổn ngang, nhưng Trung đoàn 12 nói chung, Tiểu đoàn 6 nói riêng cũng bị tổn thất nặng nề (xem lịch sử Sư đoàn 3 Sao Vàng).
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM