Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:54:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chỉ một con đường  (Đọc 90276 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #70 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2010, 09:44:49 pm »

CHƯƠNG VI

VỀ SƯ ĐOÀN 2

Thế là tôi phải xa chiến trường Quảng Ngãi, xa quê hương Núi Ấn - Sông Trà mang truyền thống khởi nghĩa Ba Tơ (1945), khởi nghĩa Trà Bồng (1959), xa biển Sa Kì, Mĩ Á… quanh năm lộng gió, xa những con đường tỉnh lộ thân quen: Châu Ổ - Trà Bồng, Sơn Tịnh - Sơn Hà, Minh Long - Giá Vụt; xa thiên nhiên miền tây Quảng Ngãi, nơi phát nguyên sông Rin, sông Tang, sông Xàlò, sông Re (H’Re) và các con sông đầu nguồn cần mẫn quanh năm đưa nước về sông Trà Bồng, Trà Khúc, để cho những guồng xe mang nước tắm mát những cánh đồng Mộ Đức, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa trù phú, làm nên những mùa vàng nuôi quân đánh giặc. Quảng Ngãi với những đặc sản đường phổi, đường phèn, mạch nha, những đồng suối Sa Huỳnh đã từng cứu sống đồng đội tôi trong những năm tháng ở căn cứ Nước Rễ, và những di tích và cảnh đẹp mà hai năm qua tôi đã biết trong những lần đi nghiên cứu chiến trường như: “Thành Gấm” nằm bên bờ sông Trà Khúc, “Thiên Ấn - Niêm Hà, Long đầu hí thủy, Thiên Bút phê văn, Hà Nhai vãn độ, La Hà thạch trận, Cổ Lũy cô thôn…” khó quên trong kí ức chúng tôi. Ngoài cảnh đẹp và di tích lịch sử, chính nơi đây đã sinh ra nhiều văn thân chí sĩ yêu nước như danh tướng Bình tây Đại nguyên soái Trương Công Định, cầm quân chống Pháp ở Gò Công Nam Bộ, như Lê Trung Đình, Cảnh Thụy, Lê Ngung khởi nghĩa Duy Tân 1916. Vào thời có Đảng Cộng sản lãnh đạo như Thủ tưởng Phạm Văn Đồng, một nhà ngoại giao, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những tướng lãnh tài ba như Nguyễn Chánh, Trần Nam Trung, Nguyễn Đôn, Trần Quý Hai, Trần Văn Trà… mà cả nước đều biết đến, làm sao không lưu luyến khi xa vùng đất này.

Tôi về đến căn cứ Bộ Tư lệnh Quân khu, tại đây tôi gặp đồng chí Hà Văn Trí. Hai anh em tay bắt mặt mừng, lòng dạt dào cảm xúc, nhưng rồi phải chia tay sau đó. Tôi nhận quyết định về làm Phó chính ủy sư đoàn 2 Quân khu 5. Hà Văn Trí về làm phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Mặt trận 4 Quảng Đà, và anh hi sinh sau mùa tổng tiến công 1968. Được tin Hà Văn Trí hi sinh, tôi bàng hoàng và thương tiếc một cán bộ quân sự tài năng, thông minh và đức độ. Trong tâm tưởng tôi tự hẹn rằng, nếu ngày thống nhất đất nước tôi còn sống, sẽ về thăm quê của Trí và thắp nén nhang của anh. Tôi chưa thực hiện được ước mong đó, mà chỉ gặp con gái anh đang là cô giáo dạy học ở Quảng Ngãi.

Nhận công tác ở sư đoàn 2, ấn tượng trong tôi tươi nguyên hình ảnh và kỉ niệm hồi năm 1965-1966, khi chiến dịch Sơn Tịnh nổ ra. Khi đó, tôi là thành viên của bộ chỉ huy chiến dịch, được tiếp xúc với Sư trưởng Nguyễn Năng (quê Thanh Hóa). Ngay lần gặp đầu tiên anh đã để lại cho tôi ấn tượng đậm nét. Người anh cao nghệu, giọng nói sang sảng, tác phong sâu sát từng đơn vị, khi chiến đấu thì bình tĩnh và dũng cảm, trong sinh hoạt thì tôn trọng tổ chức, khi tiếp xúc với mọi người thì đôn hậu ôn hòa. Với sư đoàn phó Lê Hữu Trữ (Lê Thạch), quê Quảng Trị, Phó chỉ huy sư đoàn, đẹp trai, thông minh, quyết đoán. Anh là một trong những thanh niên “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” Trong cương vị một sĩ quan trong đoàn quân Nam tiến thơi đánh Pháp hồi 9 năm, tính tình hiền lành nhưng rất nghiêm trong sinh hoạt, nhất là khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới tỉ mỉ và cụ thể. Với Chính ủy sư đoàn, Nguyễn Minh Đạo (quê Thanh Hóa), anh là một cán bộ mẫu mực trong sinh hoạt, tận tụy với đồng đội, gặp giai đoạn khó khăn, đơn vị thiếu lương thực, thực phẩm, anh cùng cần vụ lội suối bắt ốc, chia ngọt sẻ bùi cùng chiến sĩ. Trong lãnh đạo anh nắm vững nguyên tắc Đảng, tôn trọng tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Trước một việc quan trọng bao giờ anh cũng đem ra bàn bạc rồi mới quyết định.

Điều đáng tiếc là khi tôi về sư đoàn, anh Lê Hữu Trữ và Nguyễn Minh Đạo đã hi sinh, anh Năng thì đi nhận công tác khác. Đội ngũ lãnh đạo của sư đoàn về sau này là những tướng lĩnh tài ba như: Đồng chí Thượng tướng Giáp Văn Cương, Hoàng Anh Tuấn, Lê Kích và đồng chí Nguyễn Chơn, sư trưởng trực tiếp chỉ huy đường 9 Nam Lào, về sau là Thượng tướng, thứ trưởng quốc phòng, tổng tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đơn vị cảm phục tặng anh cái tên trìu mến: “Anh hùng Nguyễn Chơn, suốt đời say mê đánh giặc”.

Sư đoàn 2 là sư đoàn chủ lực của Quân khu, được thành lập ngày 20/10/1965 tại làng An Tráng, xã Phước Hà, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Có mặt trong đội hình sư đoàn là trung đoàn 1, trung đoàn 21, tiểu đoàn 12 pháo cối, tiểu đoàn cao xạ 19/5, cùng với nhiều đơn vị hợp thành, bảo đảm về kĩ chiến thuật và sức chiến đấu cơ động.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #71 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2010, 09:46:58 pm »

Trung đoàn 1 là trung đoàn quy tụ phần lớn cán bộ, chiến sĩ ở các tỉnh trong Quân khu 5 ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Họ là những cán bộ chiến sĩ đã cùng với nhân dân và dân quân du kích địa phương diệt đồng, phá ấp dành dân, mở rộng phong trào trong những năm quân địch thực hiện chiến dịch “tố cộng diệt cộng” ở miền Nam. Từ tháng 3/1962, trung đoàn được tăng cường cán bộ, chiến sĩ con em các tỉnh Khu 5 tập kết ra Bắc, trở về và trở thành trung đoàn, kiêm luôn công việc của tỉnh đội Quảng Nam, do đồng chí Quách Tử Hấp, làm trung đoàn trưởng, Dương Loan, chính ủy trung đoàn. Đến cuối năm 1963, được cấp trên quyết định tách khỏi nhiệm vụ quân sự địa phương để tập trung xây dựng thành một đơn vị chủ lực cơ động của Quân khu. Biên chế trung đoàn lúc này có các tiểu đoàn bộ binh 40, 60, 90 và tiểu đoàn 400 trợ chiến do đồng chí Lưu Thành Đức, trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Đình Trọng, chính ủy. Mùa thu 1964, trung đoàn đánh trận Kì Sanh, Tam Kì. Trận đánh có ý nghĩa lớn, mở đầu đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” của địch trên chiến trường đồng bằng Khu 5. Mùa xuân 1965, trung đoàn diệt cứ điểm Việt An, phá vỡ tuyến phòng thủ của địch ở phía tây tỉnh Quảng Nam. Trong trận này, trung đoàn thực hiện khẩu hiệu: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, liên tiếp đánh bại 5 cuộc hành quân giải tỏa của quân ngụy trên đường 16. Trong chiến dịch Sơn Tịnh 1965, tiểu đoàn 90 của trung đoàn, đã diệt gọn tiểu đoàn 1 trung đoàn 51 ngụy. Trận thứ hai, trung đoàn tập trung 3 tiểu đoàn, đã diệt gọn một chiến đoàn quân ngụy gồm tiểu đoàn 39 biệt động quân, tiểu đoàn 3 lính thủy đánh bộ, tiểu đoàn 2 trung đoàn 51 ngụy. Trận thứ 3, trung đoàn diệt cứ điểm Gò Cao, do 1 tiểu đoàn ngụy đóng giữ. Trong chiến dịch này, trung đoàn đã nêu 3 kỉ lục: Tiểu đoàn ta diệt tiểu đoàn ngụy, trung đoàn ta diệt chiến đoàn ngụy, tiểu đoàn ta diệt tiểu đoàn địch trong cứ điểm có công sự vững chắc. Trung đoàn còn hỗ trợ cho địa phương tiến công và nổi dậy diệt địch, giải phóng 27 xã và 20 vạn dân. Đây là chiến dịch tiến công tổng hợp đầu tiên tương đối hoàn chỉnh trên chiến trường Quân khu 5.

Từ bám dân, bám đất đánh du kích, hỗ trợ cho phong trào địa phương, khi Mĩ vào, trung đoàn 1 trở thành trung đoàn nòng cốt của sư đoàn trong điều kiện quân Mĩ 8 ta 1, trung đoàn dã đánh thắng Mĩ trận đầu ở Vạn Tường (18/8/1965). Trung đoàn 1 nổi dậy với cái tên “Trung đoàn Ba Gia” “Trung đoàn thép” và chiến công đi vào lịch sử của lực lượng vũ trang nhân dân Quân khu 5 với những trận đánh như:

Nhanh như Chóp Nón
Gọn như Ba Gia
Dũng cảm như Vạn Tường
Kiên cường như Hội Đức


Trung đoàn 21 là trung đoàn tập trung, con em của nhân dân hai tỉnh Hải Dương và Hà Bắc. Một số cán bộ chiến sĩ từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển ngành về địa phương công tác được gọi trở lại đội ngũ theo tiếng gọi chống Mĩ cứu nước của Đảng. Tháng 7/1965, trung đoàn 21 vào chiến đấu tại chiến trường Khu 5. Đây là một trung đoàn “cựu binh” có truyền thống và tinh thần quyết tâm đánh Mĩ và thắng Mĩ xâm lược khi được vào miền Nam. Trong chiến dịch tây Sơn Tịnh đầu năm 1966, trung đoàn đã đánh tiêu diệt một tiểu đoàn Mĩ và đánh bại một tiểu đoàn khác, loại khỏi vòng chiến đấu 800 tên Mĩ, bắn rơi 6 máy bay.

Trung đoàn 31 tiền thân là Trung đoàn 54 của sư đoàn 310, một trong những trung đoàn chiến đấu giỏi trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ thời kháng chiến chống Pháp, đã được Bác Hồ tặng danh hiệu “Dũng cảm đánh hăng”. Trung đoàn do đồng chí Nguyễn Việt Sơn, trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Thận, chính ủy. Tháng 10 năm 1966, trung đoàn 31 về đứng chân trong đội hình sư đoàn 2. Thêm trung đoàn 31, sức chiến đấu của sư đoàn tăng lên rõ rệt và lịch sử của sư đoàn cũng thêm phần phong phú.

Sau khi trung đoàn 31 về sư đoàn 2, tiểu đoàn 70, được Quân khu quyết định điều trở lại chiến trường Quảng Nam.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #72 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2010, 09:48:20 pm »

Tiểu đoàn súng máy phòng không, sinh ra trên đất Tổ Hùng Vương, tiểu đoàn vinh dự được mang tên ngày 19/5. Hầu hết cán bộ chiến sĩ là con em của Thủ đô Hà Nội, với hào khí Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội. Theo lời kêu gọi chống Mĩ cứu nước, tiểu đoàn vào Nam đánh Mĩ được cấp trên bổ sung về sư đoàn 2.

Tiểu đoàn 12 pháo, cối, cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn là con em của tỉnh Thanh Hóa, tiểu đoàn có 1 đại đội DKZ 75, 1 đại đội sơn pháo 75, 1 đại đội súng cối 120 li. Với truyền thống “Chân đồng vai sắt” của pháo binh quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 8/1965, tiểu đoàn có mặt trong đội hình chiến đấu của sư đoàn 2.

Trong đội ngũ của sư đoàn có những đơn vị được xây dựng trên cơ sở nòng cốt là cán bộ chiến sĩ của trung đoàn 1, từng lăn lộn chiến đấu nhiều năm trên chiến trường được rút về làm công tác chuyên môn như trinh sát, thông tin, quân y, vận tải, hậu cần…

Sư đoàn 2 Quân khu lấy nhiệm vụ tác chiến tập trung tiêu diệt địch, giành dân mở rộng vùng giải phóng. Sư đoàn 2 phải vưa tác chiến vừa xây dựng, không ngừng nâng cao trình độ quy mô tác chiến tập trung diệt sinh lực và phá hủy phương tiện chiến tranh, phá vỡ từng khu vực phòng thủ của địch.

Địa bàn tác chiến của sư đoàn 2 là từ các tỉnh Quảng Ngãi đến thành phố Đà nẵng. Đảng bộ sư đoàn có 3 Đảng bộ trung đoàn, 3 Đảng bộ cơ quan tham mưu chính trị, hậu cần và 11 Đảng bộ tiểu đoàn, gần 100 chi bộ, tổng số đảng viên hơn 2.000 đồng chí, chiếm 30% quân số trong sư đoàn.

Tôi về đến sư đoàn bộ hôm trước, liền hôm sau được Bộ Tư lệnh phân công cùng đồng chí Sư đoàn trưởng Giáp Văn Cương, đi nghiên cứu chiến trường, chuẩn bị phương án chiến dịch giải phóng chi khu quận lị Khâm Đức, ở phía tây tỉnh Quảng Nam.

Chủ trương của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu là tiêu diệt cụm cứ điểm quận lị Khâm Đức, giải phóng địa bàn này thành khu liên hoàn nối đường vận chuyển chiến lược của Trung ương, đưa lương thực, vũ khí, đạn dược, thuốc men vào chi viện cho các hướng chiến trường Khu 5.

Thung lũng Khâm Đức có chiều dài 3km, chiều rộng 1,5km, phía nam giáp sông Nước Chè, bên kia sông Nước Chè là trại nuôi dê nằm trên độ cao (676 mét) Ngọk Tà Vák (738 mét), phía Đông có sông Nước Trảo, ngầm nước Mĩ, phía tây là rừng đại ngàn. Đường 14 từ Hòa Cầm qua Thượng Đức đến Khâm Đức, gặp đường 165 tạo thành ngã ba Khâm Đức, đi vào Nam Bộ. Tại đây, quân địch xây dựng một trung đoàn huấn luyện biệt kích, tạo bàn đạp đánh phá phong trào cách mạng ở khu tam giác các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum. Sau nhiều lần củng cố và mở rộng, Khâm Đức có 10 cứ điểm phòng ngự. Khu trung tâm chi khu có 5 cứ điểm, khu ngoại vi có 5 cứ điểm, quân số địch gồm 7 đại đội, nằm trong hệ thống công sự ngầm kiên cố.

Tuy nhiên, chi khu quận lị Khâm Đức là một cứ điểm bị cô lập giữa bốn bề là rừng đại ngàn và vùng kiểm soát của ta, nên tiếp tế của bọn địch trông cậy vào đường hàng không mỗi tháng 2 lần.

Đứng trước nguy cơ chi khu quận lị Khâm Đức bị tiêu diệt, quân địch đã lập tuyến tiền tiêu hướng tây nam - Hướng duy nhất quân ta triển khai đánh chiếm Khâm Đức nên quân địch thường xuyên cho quân sục sạo quanh địa bàn có bán kính từ 1 - 2km, sân bay Khâm Đức cũng gấp rút được sửa chữa để có thể đổ quân tăng viện trong trường hợp khẩn cấp.

Khi giao nhiệm vụ cho sư đoàn đi nghiên cứu chiến trường, Tư lệnh Quân khu đã đề ra một yêu cầu quan trọng là phải chủ động kìm giữ, không cho quân địch đưa quân tiếp viện lên Khâm Đức.

Phân tích thế và lực của địch, nếu ta đánh Khâm Đức, lực lượng chi viện tốt cho Khâm Đức, chỉ có thể là sư đoàn không vận số 1 (sư đoàn American) với 2 lữ đoàn 196 và 198 đóng ở Quảng Nam. Với khả năng của địch như vậy, để việc tấn công giải phóng Khâm Đức đạt kết quả, Bộ Tư lệnh Quân khu giao cho sư đoàn 2 tổ chức một khu chiến mới. Khu chiến này có nhiệm vụ nổ súng trước để căng kéo, đánh tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch, khiến quân địch không thể chi viện cho Khâm Đức và nếu chi viện thì lực lượng địch cũng không đáng kể. Sư đoàn 2 đã hoàn thành nhiệm vụ được giao ở trận đánh này.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #73 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2010, 08:22:58 pm »

CHIẾN THẮNG NÚI NGANG

Cuộc tấn công đồng loạt của quân và dân ta trong mùa xuân Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn nặng vào ý chí xâm lược của đế quốc Mĩ. Tuy nhiên quân địch vẫn lộng lộn điên cuồng tung quân đánh phá vào vùng giải phóng. Ở Quảng Nam trong chiến dịch “Toàn thắng”, “Đẩy Việt cộng về rừng”, hai lữ đoàn kị binh 196. 198 đóng tại Tuần Dưỡng, huyện Thăng Bình và núi Quế, huyện Quế Sơn mở cuộc càn vào vùng giải phóng phía tây huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước. Lữ đoàn 196 cho tiểu đoàn kị binh và đại đội pháo 105mm đóng chốt tại dãy núi Ngang nằm trên đại phận 3 xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà thuộc huyện Tiên Phước, khống chế vùng hậu phương của ta. Hằng ngày tiểu đoàn kị binh ở núi Ngang dùng từ một đến hai đại đội lùng sục ra khu vực chung quanh và cho đồng bọn chiếm sườn núi Liệt Kiểm (cao 446 mét), núi Vú (cao 428 mét) để phòng ngự từ xa.

Khu chiến thứ hai đã xuất hiện. Để thử hiện ý đồn mở khu chiến thứ 2, Bộ Tư lệnh Quân khu điện gọi tôi trở về cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu. Ở hướng Khâm Đức, Tư lệnh sư đoàn Giáp Văn Cương, Chính ủy sư đoàn Nguyễn Ngọc Sơn trực tiếp chỉ huy tiến hành phương án giải phóng Khâm Đức. Tôi vừa bước vào cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu liền được đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu nói: “Đồng chí mới về Quân khu, ưu tiên giao cho đồng chí và Sư phó Lê Kích, nghiên cứu mở khu chiến núi Ngang” - Nói đến đó, đồng chí Tư lệnh nắm lấy tay tôi siết mạnh - “Chắc ăn nghe!”. Tôi đứng nghiêm ráng chịu cái đau của bàn tay đồng chí Tư lệnh siết chặt, để thể hiện quyết tâm của mình.

Đoàn cán bộ nghiên cứu khu chiến núi Ngang ngoài tôi và sư đoàn phó Lê Kích, còn có ban chỉ huy trung đoàn 31 và tiểu đoàn trưởng các tiểu đoàn. Chúng tôi hình thành 2 mũi, một mũi do tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 10 đặc công tổ chức nghiên cứu tiêu diệt bọn Mĩ đóng tại núi Ngang, mũi nghiên cứu địa hình chốt chặn, thực hiện ý đồ đánh địch của Bộ Tư lệnh Quân khu giao theo kế hoạch sau đây:

- Tiêu diệt đại đội kị binh Mĩ ở núi Ngang, diệt xong chốt lại, buộc địc phải dùng máy bay lên thẳng, đưa quân phản kích giải tỏa, lôi bọn kị binh ra khỏi “công sự” di động là máy bay lên thẳng, biến chúng thành những tên lính bộ binh để tiêu diệt.

- Thực hiện ý định của Quân khu, kiềm giữ chân địch từ 20 đến 25 ngay cho các bộ phận của sư đoàn rảnh tay giải phóng hoàn chỉnh chi khu quận lị Khâm Đức.

- Rút kinh nghiệm cách đánh của Bộ Tư lệnh Tây Nguyên (B3), Tộ Tư lệnh Quân khu 5 bổ sung và thực hiện chiến thuật “Chốt” kết hợp với cơ động để diệt địch tại núi Ngang, sau trận đánh này hoàn chỉnh chiến thuật: “Chốt” kết hợp với cơ động của bộ đội ta. Đây là một hình thức chiến thuật mới mà đồng chí Chu Huy Mân rất quan tâm.

Như vậy, trong chiến dịch giải phóng Khâm Đức, sư đoàn 2 chiến đấu trên 2 khu vực khác nhau và cách xa nhau:

- Sư đoàn đảm nhận tiêu diệt cụm cứ điểm Khâm Đức mở thông đường vận chuyển cơ giới.

- Trung đoàn 31, được sư đoàn tăng cường 1 đại đội súng máy phòng không 12,7mm, mở khu chiến tại núi Ngang, chủ động kéo quân của sư đoàn American ra để tiêu hao tiêu diệt và giữ kèm tại chỗ không cho chúng chi viện cho chi khu quận lị Khâm Đức.

Núi Ngang là một dải đồi dất đỏ chen đá núi, có độ cao 348 mét so với mặt biển. Mặt đồi núi Ngang bằng, thuận tiện cho điểm đóng. Núi Ngang nằm phía tây huyện Tiên Phước trên địa bàn 3 xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà. Cách Tam Kì 30km và cách Việt An 2,5km. Bao quanh núi Ngang có Chóp Chài (407 mét) núi Gai (434 mét), núi Liệt Kiểm (446 mét), núi Ông Giai (434 mét), núi Dương Vọng (396 mét). Đối diện và cách núi Ngang khoảng 2km là con sông Khang, qua sông Khang đến núi Hàm Yên (112 mét), núi Đầu Voi (205 mét) đến núi Hàn Thôn (583 mét). Ở phía bắc núi Ngang là con đường 16 từ Hà Lam lên Việt An - Từ Việt An đi Đắc Nhe, đường 586 từ Cẩm Khê đi Quán Rường lên Phước Hà, Phước Hà lên An Tráng. Đây là những con đường huyện lộ và hương lộ có ý nghĩa cho hành quân vận chuyển và cơ động chiến đấu. Khu vực núi Ngang địa hình trung du, dưới chân núi Ngang xen kẽ đồng ruộng bậc thang, các lưng núi là đồi Cỏ tranh, lưa thưa các bụi cây sim, cây gió, cây bời lời…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #74 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2010, 08:24:08 pm »

Xa chiến trường Quảng Nam quá lâu, khi đặt chân trở lại trên những con đường hồi 9 năm, lòng tôi chợt bồi hồi trước thiên nhiên phong cảnh cũ. Dốc Lưng, Na Sơn, Sơn - Cầm - Hà, An Tráng… vùng chiến khu của 3 thơi kì cách mạng: Nguyễn Duy Hiệu (1885). đánh Pháp 9 năm (1945-1954), và nay là cuộc kháng chiến chống Mĩ đã có nhiều đổi thay lạ lẫm, đồng bào sinh sống thơ thớt, sản xuất chưa mấy phát triển. Sau 3 ngày nghiên cứu từng điểm cao, từng khu đồi, bố trí tuyến công sự chốt hút địch, đoàn cán bộ cắm tiền trạm và cho trinh sát trở về đưa công binh và bộ đội “thợ” lên chiếm lĩnh khai thác cây rừng làm kéo lắp chữ A. Địa hình của 12 khu đồi, xanh một màu cây cỏ, cũng có những lưng đồi đất đỏ, từ núi này nhìn sang đồi kia nếu không nghi trang kĩ địch sẽ dễ phát hiện ngay màu đất mới đào. Ban ngày, bộ đội nghỉ, đêm đến lên đào công sự và phải nghi trang thật tốt không cho địch phát hiện. Các đơn vị phải đào 3 loại công sự, loại lắp hầm kèo chữ A chống bom, chống pháo, loại hầm để thương binh chứa lương thực, loại công sự cá nhân chiến đấu. Cả ba loại công sự đều có giao thông hào dẫn về hầm chính của chốt trưởng chỉ huy để trận chiến nổ ra, ta di chuyển địch không phát hiện được.

Để phục vụ cho các đơn vị, trung đoàn 31 tổ chức lò rèn, lấy sắt ấp chiến lược rèn cuốc, xà beng, dao, rựa, xẻng phục vụ cho bộ đội đào công sự. Mọi công tác chuẩn bị cho khu chiến đều được làm rất khẩn trương. Tuyến công sự trên 12 khu đồi được hoàn tất, từ núi Dương Chấn qua đèo Cây Trâm, từ núi Dương Vọng đến núi Ông Giai, từ núi Hoắc qua sang dốc Xoài, từ núi Lớn qua núi Lợn, và từ núi Liệt Kiểm qua ngã ba Đồng Tranh… giao thông hào liên kết như những mạch máu trong cơ thể. Tất cả hỏa lực, súng bộ binh đều có thể chi viện cho nhau khi quân Mĩ nhảy vào khu chiến đánh phá, tháo chạy hay cứu viện.

Sau khi hoàn thành công tác “độn áo giáp” công sự cho bộ đội có sự quan tâm của đồng chí Tư lệnh Quân khu, cử cán bộ xuống trực tiếp giúp đỡ. Bộ Tư lệnh sư đoàn và trung đoàn 31 mở lớp tập huấn ngắn hạn cho cán bộ từ trung đội trưởng trở lên, để khi trở về đơn vị huấn luyện cho bộ đội. Phương án tác chiến của từng tiểu đoàn, đại đội đến trung đội, tiểu đội được thảo luận thông suốt, mọi vướng mắc đều được giải quyết dứt điểm.

Hậu cần trung đoàn chuẩn bị đủ gạo và thực phẩm cho toàn trung đoàn chiến đấu trong thời gian quy định. Mỗi chiến sĩ có 5 ngày lương khô, 2 cặp đường bát, mỗi chốt có 5 - 10 mét ni lông lót hầm đựng nước. Đến ngày 2/5 các tiểu đoàn, đại đội được phân công triển khai lực lượng sẵn sàng chiến đấu, chốt bám công sự.

Do lộ bí mật, mất yếu tố bất ngờ, tiểu đoàn 10 đặc công không diệt được đại đội Mĩ ở núi Ngang như dự kiến. Có lẽ vì phát hiện được hoạt động của quân ta, tiểu đoàn kị binh của lữ 196 đóng ở núi Ngang xin thay quân.

Ngày 4/5, lữ 198 cho một tiểu đoàn kị binh lên thay tiểu đoàn 196 chốt núi Ngang. Bọn này chỉ bốc quân, còn trận địa pháo 6 khẩu 105mm vẫn để lại.

Ngya 5/5, trung đoàn trưởng 31 Dương Bá Lợi lệnh cho cố 82mm, DKZ 75mm bắn trực tiếp vào bọn Mĩ đóng trên núi Ngang, vì bọn này mới đến nên hoàn toàn bị động không dám chống trả, im lặng nghe ngóng.

Ngày 7/5, bọn Mĩ ở núi Ngang cho 2 đại đội kéo xuống thôn 5 Phước Sơn lên chiếm núi Hoắc. Nếu để cho quân kị binh Mĩ chiếm núi Hoắc, trận địa ta sẽ bị chia cắt thành đôi. Các đại đội 1, đại đội 2 và đại đội 5 của tiểu đoàn 7 chốt tại đây được lệnh nổ súng. Ngay loạt đạn đầu hơn 10 tên Mĩ ngã gục trên sườn đồi. Những tên sống sót lôi bọn bị thương lùi ra. Các phía trước sau, bên sườn, quân ta đều đánh rát vào bọn kị binh Mĩ. Suốt ngày 7/5, những trận đánh ác liệt diễn ra ở hai nơi Dốc Xoài và núi Hoắc, lực lượng quân ta làm chủ trận địa, ghìm quân địch để tiêu diệt.

Ở khu chiến núi Ngang đã mở màn theo kế hoạch trước Khâm Đức 4 ngày. Sáng ngày 8/5, không quân Mĩ cho 2 tốp máy bay phản lực và máy bay AD6 (Skraider), có máy bay trinh sát OV10, OV13 dẫn đường ồ ạt ném bom xuống khu chiến núi Ngang. Chúng dùng nhiều loại bom khác nhau và thay đổi cách đánh. Chúng ném bom phá, là loại bom đào sâu xuống mặt đất mới nổ để phá công sự, còn bom phạt là loại bom vừa chạm đất là phát nổ để chặt (phạt) tất cả những gì có trên mặt đất, bom napal để đốt sạch cây cỏ trên mặt đất và bom khói tung hỏa mù, để cho bọn kị binh Mĩ luồn trong khói dấu mình tràn lên chiếm điểm chốt. Nhưng tất cả những thủ đoạn đó không thắng được sự cảnh giác và tinh thần chiến đấu quả cảm của chiến sĩ ta. Bọn kị binh luôn bị đánh bật trở lại.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #75 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2010, 08:24:51 pm »

Mặt trời đứng trưa, hai đại đội Mĩ từ phía tây tràn lên Dốc Xoài. Khảu đội súng máy phòng không của sư đoàn tăng cường bố tí ở hướng này lập tức hạ nòng theo góc tà nhả đạn. Cùng lúc đó, chính trị viên Nguyễn Minh Trang cho đơn vị nổ súng tạt sườn, bọn kị binh Mĩ đang hung hăng bỗng khựng lại. Tức thì những quả đạn cối 82mm, 60mm của đại đội trợ chiến tới tấp băm nát đội hình quân địch. Đợt tấn công của quân kị binh Mĩ bị đập tan. Những tên sống sót cố chạy tháo thân, có tên chúi đầu vào các thân cây tránh đạn trong cảnh khói lửa và tiếng nổ át cả một vùng.

Trong ngày 8/5, cán bộ chiến sĩ đại đội 1 của Nguyễn Minh Trang và các bộ phận trợ chiến phối thuộc, đã đánh bại 6 đợt tấn công của bọn kị binh. Đánh thiệt hại nặng một đại đội, tiêu hao 1 đại đội khác thuộc tiểu đoàn 1 lữ đoàn 198 Mĩ. Từ chỉ huy sở trung tâm tại đồi Liệt Kiểm, sư đoàn phó Lê Kích và tôi quan sát toàn cảnh khu chiến, chúng tôi thống nhất nhận định khả năng diễn biến chiến sự và quyết định tổ chức đưa đội cơ động của ta lên phía trước chờ địch.

Sáng ngày 9/5, sau những đợt bom pháo tàn khốc, địch tiếp tục đưa vào khu chiến 2 đại đội kị binh, mở đợt tấn công ác liệt lên Dốc Xoài và núi Hoắc cố chiếm giữ bằng được hai ngọn đồi này. Trận địa ta đã sẵn sàng chờ bọn kị binh bò lên lưng chừng sườn núi, liền cho hỏa lực bắn nát đội hình của chúng. Hỏa lực vừa dứt, đội cơ động được lệnh xuất kích dùng lưỡi lê đâm vào lưng bọn tháo chạy. Vùng trời và mặt đất trận địa Dốc Xoài, núi Hoắc rung chuyển tiếng pháo tiếng bom và tiếng gầm rú của máy bay địch. Từ trận địa súng máy phòng không, xạ thủ Lê Hữu Tựu cùng đồng đội ngẩng cao đầu bám chắc từng mục tiêu, bắn rơi liền 8 máy bay lên thẳng, có 1 chiếc HU1A bị đứt làm 3 đoạn.

Trải qua 3 ngày chiến đấu anh dũng, bộ đội tiểu đoàn 7 trung đoàn 31 giữ 02 chốt Dốc Xoài và núi Hoắc đã đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 1 lữ đoàn 198 kị binh Mĩ, chúng buộc phải rút chạy khỏi khu chiến.

Trong những ngày chiến trận, cán bộ sư đoàn, trung đoàn chúng tôi lên từng chốt nắm tình hình thăm hỏi động viên chiến sĩ, bộ phận cơ động của khu chiến, tích cực tu sửa bổ sung sự canh gác cho các chiến sĩ trên chốt nghỉ ngơi sau một ngày chiến đấu. Nhân dân 3 xã Sơn - Cẩm - Hà thẩm thỏm lo âu, nhưng luôn sẵn sàng vượt qua bom đạn cử người lên chốt đem quà bánh bồi dưỡng cho chiến sĩ và chuyển thương binh ra khỏi khu chiến để chăm sóc. Việc làm của bà con càng làm thắm đượm thêm tình quân dân gắn bó, chia sẻ những khó khăn ác liệt cùng bộ đội, động viên các chiến sĩ bám giữ trận địa chiến đấu đến cùng.

Ngày 12/5, tiểu đoàn Mĩ thay thế chốt ở núi Ngang, cho pháo 105 bắn ác liệt vào trận địa ta. Hai đại đội kị bình của tiểu đoàn này tổ chức nhiều đợt tấn công lên Dốc Xoài đều bị thất bại.

Ngày 14/5, các trận địa pháo núi Ngang, Tuần Dưỡng, Cấm Dơi chấu nòng bắn vào trận địa Dốc Xoài, núi Hoắc cùng 6 chiếc phản lực, 3 chiếc AD6 (Skraider) theo bọn trinh sát OV10, OV13 nhào lộn ném bom. Luồn trong khói bom dày đặc đó, bọn trực thăng HU1A quần đảo bắn rốc két, cho bọn CH47 rà thấp đổ quân. Cuộc chiến đấu của các chiến sĩ giữ chốt Dốc Xoài bước vào những giây phút hiểm nghèo. Các trận địa pháo buổi sáng của địch làm hư hại một số vũ khí, bộ đội thương vong chưa kịp bổ sung, một vài công sự của ta bỏ ngỏ. Quân kị binh Mĩ liều lĩnh đã chiếm được 2 công sự tiền duyên của chốt, chúng liền theo giao thông hào trào lên chốt. Chính trị viên Nguyễn Minh Trang, linh hồn của chốt, anh động viên chiến sĩ “Còn người, còn vũ khí ta còn chiến đấu!”. Các chiến sĩ đại đội 1 từ trong những công sự đổ nát bật dậy dùng AK, lựu đạn đánh xối xả vào các tốp lính liều lĩnh. Những tên kị binh Mĩ cao to chết gục trong đường giao thông hào vào hầm thương binh của ta. Mũi tấn công của chúng bị chặn đứng dồn lại lúc nhúc. Lập tức những chùm lựu đạn được ném ra tới tấp, những tiếng nổ kép gầm lên đẩy xác Mĩ lăn lông lốc xuống đồi. Ở chốt phía nam Dốc Xoài, ta chỉ còn 2 chiến sĩ, nhưng bọn Mĩ không nhích lên được bước nào. Trước sức chiến đấu kiên cường của quân ta, bọn kị binh chạy thụt lùi ra khỏi trận địa Dốc Xoài, nhưng chúng làm sao thoát được thế trận khu chiến núi Ngang, nơi nào cũng nằm trong tầm ngắm của các chiến sĩ, theo sát và ghìm chúng vào thế bị động đối phó.

Cùng thời gian, trận địa chiến đấu ở chốt núi Hoắc cũng diễn ra vô cùng ác liệt. Bọn Mĩ giành giật với ta từng khu đồi, từng công sự. Cuối cùng 140 tên xâm lược gục ngã trước mép công sự của các chiến sĩ giữ chốt.

Hồi học tập ở miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, tôi đã từng đọc truyện nói về trận đánh “Thượng Cam Lãnh” của Bắc Triều Tiên với quân Mĩ, đến nay so sánh với trận chiến trên núi Ngang thì ác liệt còn hơn thế nữa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #76 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2010, 08:25:35 pm »

Thua đau, bọn chúng càng lồng lộn. Ngày 18/5, chúng tiếp tục tăng quân. Những trận đánh mở rộng ra trên toàn khu chiến núi Ngang. Hai đại đội kị binh Mĩ đánh lên núi Lớn liên bị đại đội 6, của tiểu đoàn 8 xuất kích 3 lần diệt gần hết một đại đội, tiêu hao một đại đội. Học tập tinh thần chiến đấu của đại đội 6, ngày 19/5, đại đội 11, lực lượng cơ động của tiểu đoàn 9 tại chốt núi Ông Giai đã loại khỏi vòng chiến đấu 80 kị binh Mĩ.

Khu chiến núi Ngang trong những ngày cuối tháng 5 tiếp tục lập công. Ngày 23, 25/5, 2 tiểu đoàn Mĩ đổ xuống chốt Hòa Yến bên tả ngạn sông Khang, bị lực lượng cơ động của trung đoàn 31 diệt 1 đại đội. Trong các ngày 5 và 6/6, trung đoàn 31 tập hợp lực lượng cơ động của tiểu đoàn 8 và 9 tập kích quân Mĩ tại Hòa Yến, diệt 240 tên.

Một điều phấn khởi cho ban chỉ huy khu chiến và đơn vị chiến đấu là một ngày, đồng chí Tư lệnh Quân khu gởi 2 bức điện: Buổi trưa thăm hỏi bộ đội liên tục chiến đấu, buổi chiều hướng cách đánh cho ngày hôm sau. Vì vậy ban chỉ huy khu chiến đã xử lí kịp thời.

Cả hai lữ đoàn 196, 198 kị binh Mĩ đã bị sa lầy trong thế trận “chốt” kết hợp với cơ động, hiểm hóc của trung đoàn 31, sư đoàn 2 Quân khu 5. Trong suốt thời gian lâm chiến, quân Mĩ không hề diệt được một “chốt” nào của ta, trái lại bị cán bộ chiến sĩ trung đoàn 31 đánh chúng “thất điên bát đảo”. Thế trận của ta giăng sẵn buộc quân Mĩ sa vào là thất bại, chúng muốn rút lui cũng không dễ dàng vì “chốt” của ta nằm cạnh sườn quân địch, như cái gai đâm vào mắt nhức nhối không chịu được, buộc địch phải đưa quân đối phó, mà càng đối phó càng bị sa lầy.

Hòa trong tiếng súng tấn công đợt 2 của toàn miền Nam, sư đoàn 2 Quân khu 5 hoàn thành chiến dịch giải phóng chi khu quận lị Khâm Đức. Mục tiêu phối hợp chung trên chiến trường và phối hợp chiến dịch trong phạm vi của sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ. Ngày 12/06/1968 nhận lệnh của Quân khu, trung đoàn 31 chủ động rút quân ra khỏi khu chiến núi Ngang.

Trải qua 38 ngày đêm liên tục chiến đấu, trung đoàn 31, sư đoàn 2 Quân khu 5 chốt chặn khu chiến núi Ngang đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.700 tên kị binh Mĩ, bắn rơi 65 máy bay, có 15 chiếc phản lực, 2 AD6 (Skraider).

Chiến thắng núi Ngang phát triển và nâng cao chiến thuật “cơ động, kết hợp chốt” dài ngày tạo cơ sở cho sư đoàn đúc rút kinh nghiệm trong việc dùng lực lượng ít, nhưng thu hút và kéo, kìm, giữ chân một lực lượng lớn của địch, thực hiện tốt kế hoạch hợp đồng chiến dịch.

Thành công của chiến dịch giải phóng Khâm Đức và mở khu chiến núi Naang là thành công của sự hợp đồng giữa điểm và diện, sử dụng lực lượng hợp lí giữa 2 khu chiến. Riêng ở núi Ngang, cán bộ chiến sĩ trung đoàn 31, sư đoàn 2 đã hoàn thành 6 yêu cầu của Bộ Tư lệnh Quân khu đề ra:

1. Thực hiện đúng ý đồ kéo địch ra để diệt. Dùng chiến thuật “chốt” kết hợp cơ động thu hút quân địch vào khu chiến, đây là một sáng tạo mới làm cho quân địch bất ngờ.

2. Trên một địa bàn giữa 4 bên là địch, có điều kiện binh khí kĩ thuật hiện đại, vũ khí tối tân chi viện cho nhau. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã chọn đúng địa điểm mở khu chiến đánh địch giữa ban ngày, tìm được chỗ nhược điểm của địch để đánh địch, buộc địch phải ra khỏi trực thăng, biến quân kị binh bay thành bộ binh để diệt.

3. Với chiến thuật này, sư đoàn 2 Quân khu đã diệt được nhiều sinh lực địch, bắn rơi nhiều máy bay, bên ta ít thương vong.

4. Khu chiến núi Ngang kèm giữ quân địch vượt thời gian trên giao, buộc địch điều quân chiến đấu theo ý của ta.

5. Trận núi Ngang là một chiến thuật mới, được áp dụng để đánh với một binh chủng sừng sỏ trên chiến trường là quân kị binh - Một binh chủng đặc thù của quân đội Mĩ.

6. Lần đầu tiên trên chiến trường đồng bằng Khu 5 chiến thuật “chốt” kết hợp với cơ động diệt địch được áp dụng thành công trong chiến dịch góp phần đánh địch hiệu quả trên chiến trường.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #77 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2010, 08:27:56 pm »

LIÊN TỤC TÁC CHIẾN, GIỮ THẾ CHỦ ĐỘNG
TIẾN CÔNG ĐỊCH TRÊN CHIẾN TRƯỜNG

Thực hiện chiến lược “Quét và giữ” của tên tướng xây dựng Abram, quân địch ra sức bình định triệt phá hạ tầng cơ sở cách mạng. Chúng lặp lại hành động gom dân lập ấp, giành lại vùng nông thôn giáp ranh thành phố, thị xã, thị trấn trên chiến trường Quảng Nam. Đầu tháng 8./1969, Mĩ - ngụy cho 2 trung đoàn mở cuộc càn “Liên kết 72” đánh vào khu tam giác ba huyện: Hiệp Đức, Tiên Phước, Quế Sơn. Mũi quân trung đoàn của ngụy đánh sâu lên cầu Bà Huỳnh, Bà Xá, mũi quân Mĩ chiếm lại quận lị Hiệp Đức đóng quân điểm cao 230 núi Liệt Kiểm (Đây là vùng đất do sư đoàn 2 giải phóng từ cuối năm 1965 đến nay bị địch chiếm lại). Trước những thủ đoạn đánh phá đó, bộ đội sư đoàn 2 và các địa phương trọng điểm gặp một số khó khăn như cửa khẩu thu mua lương thực bị tắt, bộ đội phải ăn cháo độn rau, nhiều đơn vị đứt bữa, đường hành lang vận chuyển bị địch phục kích đánh phá.

Kiên quyết khắc phục khó khăn, giành thế chủ động tiến công địch trên chiến trường, hỗ trợ cho lực lượng cách mạng của các địa phương phát triển, chống địch bình định. Bộ tư lệnh sư đoàn quyết định đưa trung đoàn 21 vê đứng chân tác chiến ở Đại Lộc và căn kéo địch để lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Đà đánh phá sân bay Đà nẵng, tấn công chi khu quận lị Hòa Vang, hỗ trợ cho biệt động Đà Nẵng đánh Quân vụ thị trấn, đài phát thanh Đà Nẵng. Tiểu đoàn đặc công của sư đoàn, tiêu diệt bọn Mĩ đóng ở điểm cao 230, tiểu đoàn cối 120 li pháo kích quân Mĩ ở núi Ngang, quận lị Tiên Phước, đại đội đặc công cùa trung đoàn Ba Gia diệt địch ở núi Vú Em, trung đoàn 31 cho tiểu đoàn 7 nổ súng vây ép quận lị Phước Lâm, tiểu đoàn 9 cùng lực lượng ”vành đai diệt Mĩ” Chu Lai nổ súng tiến công sân bay Chu Lai, quận lị Lí Tín. Ở cứ điểm Ô Vuông và nhiều vị trí khác, quân địch bị ta diệt 1 đại đội, một sở chỉ huy tiểu đoàn, phá hủy trung tâm thông tin, 1 rađa và 2 đại bác 105mm.

Bị đánh mạnh ở hậu cứ, Mĩ - ngụy phải chấm dứt cuộc càn “Liên kết 72”. Đoán biết ý đồ quân địch, sư đoàn quyết định đưa trung đoàn 31, chặn đánh quân ngụy đi mở đường, cô lập trung đoàn 5 ở Bà Huỳnh, Bà Xá huyện Quế Sơn. Ngày 24/8 bọn chỉ huy ngụy cho 1 trung đoàn xe tăng, xe bọc thép và 2 đại đội bộ binh càn lên hướng Quân Rường, Eo Gió, huyện Tam Kì, khi cánh quân Bảo an vừa đến địa phận xã Tam Phú, liên bị một bộ phận của sư đoàn của ta nổ súng. Bọn trung đoàn 5 hốt hoảng kéo lên núi Đá Đen và chạy thoát về hướng huyện Thăng Bình. Trong khi đó, đoàn xe tăng 40 chiếc, cùng đoàn xe bọc thép số 5 của chúng từ Tam Kì đánh lên, đang tiến về làng Tam Cẩm xã Kì Thịnh. Trên trời bọn máy bay lên thẳng, máy bay phản lực chúi đầu ném bom, bắn rốc két mở đường cho xe tăng. Chờ cho địch vào thật gần, khẩu đội DKZ 75 và 57 của đại đội 1, tiểu đoàn 7 bố trí phía đông làng Tam Cẩm bắn cháy ngay chiếc xe tăng và xe bọc thép đi đầu. Cả 2 đoàn xe tăng địch lùi lại, ngay lúc đó khẩu đội súng máy phòng không của sư đoàn tăng cường hạ thấp nòng rà sát tháp xe tăng, xe bọc thép của địch nổ súng, kìm chế không cho xạ thủ đại liên trên xe tăng của địch phát huy tác dụng, cả 3 mũi xe tăng của địch bị chặn đứng.

Chúng tiếp tục cho máy bay trực thăng, máy bay phản lực bắn rốc két, ném bom. Nhà cháy, cây cối đổ ngổn ngang, cả một vùng rộng lớn cháy khét mùi đạn pháo, bon napan.

Sau hơn hai tiếng đồng hồ bắn phá, 3 mũi xe tăng dồn lại đội hình dàn hàng ngang tấn công vào trận địa ta. Lúc này khẩu đội DKZ bị bom phá hủy, ở hướng này xe tăng đã vào giữa làng, liên lạc với cấp trên bị gián đoạn. Trong giờ phút hiểm nghèo đó, Đảng ủy tiểu đoàn 60 quyết định tổ chức chiến đấu độc lập, động viên bộ đội bám địa hình đánh địch, hạn chế không cho xe địch lùng sục vào hợp điểm. Áp dụng bài học về đánh ở Vạn Tường, tổ diệt xe tăng của các đồng chí Đào, Mộc, Hiệp, Sào… do Đặng Đình Đào chỉ huy, quần lộn với đoàn xe tăng địch bắn cháy 6 chiếc, có 5 xe tăng M118, 1 xe M113. Trời sập tối, những chiếc xe tăng thoát chết ở làng Tam Cẩm đang trên đường rút về, đã không thoát được đội hình đánh tăng, do tiểu đoàn phó tiểu đoàn 60 và đại đội trưởng đại đội 6 chỉ huy, thêm 9 chiếc xe tăng và xe bọc thép của địch bị phá hủy. Cả đoàn xe tăng và xe bọc thép gồm 40 chiếc lúc đi vào, chỉ còn 18 chiếc hoảng loạn tìm đưởng tháo chạy, 22 chiếc phải nằm lại ở những nơi chúng đến gieo tội ác, cày xới hoa màu, ruộng đồng, vườn tược, nhà cửa của nhân dân.

Ngày 25/8, bọn địch cho tiểu đoàn 1 trung đoàn 11 kị binh thiết giáp đóng tại căn cứ Tuần Dưỡng huyện Thăng Bình lao vào vòng chiến. Cánh đồng Kì Thinh, huyện Tam Kì lại diễn ra trận đánh xe tăng của bộ binh trung đoàn 31 sư đoàn 2 Quân khu. Mặc cho máy bay địch quần lộn ném bom khống chế, các chiến sĩ bình tĩnh bám sát địch, chia cắt đội hình đoàn xe tăng 36 chiếc, bắn cháy và phá hủy 30 chiếc, bắn rơi 9 máy bay.

Hai ngày đánh gục 1 trung đoàn xe tăng và xe bọc thép của Mĩ - ngụy, các chiến sĩ sư đoàn 2, giáng một đòn nặng vào chiến thuật “Mũi dao nhọn” của địch mới áp dụng trên chiến trường Quảng Nam.

Năm 1968 rực rỡ chiến công và đầy những thử thách ác liệt, nhưng cũng là năm trưởng thành của sư đoàn về nhiều mặt, nhất là kinh nghiệm đánh xe tăng, xe bọc thép Mĩ… năm 1969, thế trận diễn ra trong sự giằng co quyết liệt giữa ta và địch trên chiến trường. Mĩ - ngụy tiếp tục thực hiện chiến lược “Quét và giữ” với biện pháp chủ yếu “Bình định nông thôn”. Đánh phá vào nhân dân và cơ sở cách mạng ở thôn xã ở cả 3 vùng thành thị nông thôn và miền nuií bằng nhiều mức độ càn quét, lấn chiếm khác nhau.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #78 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2010, 08:28:53 pm »

Địa bàn hoạt động của sư đoàn trong thời gian này nằm trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà. Nơi quân địch tập trung 38 tiểu đoàn và một số lượng binh khí kĩ thuật hiện đại gồm: 14 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mĩ, 6 tiểu đoàn của sư đoàn thiết giáp ngụy, gần 300 đại bác từ 105mm đến 203mm, chưa kể pháo hạm và hàng trăm máy bay dã chiến khác sẵn sàng tham chiến. Lực lượng này chúng bố trí theo công thức: Mĩ vòng ngoài, ngụy vòng tỏng, hình thành 2 tuyến phòng ngự vững chắc hỗ trợ cho nhau, kết hợp với pháo binh, không quân hỗ trợ, chưa kể lực lượng bảo an, địa phương quân đông đúc.

Thực hiện kế hoạch này ở vòng trong, địch cày ủi đánh phá khu vực giữa sông Thu Bồn và sông Cẩm Lệ, làm bàn đạp đánh phá khu vực Gò Nổi, Đại Lộc, Duy Xuyên. Ở phía tây thị xã Tam Kì, Quế Sơn lính Mĩ, lính Nam Triều Tiên điều đến từng đại đội, trung đội để hỗ trợ cho quân ngụy. Chúng tổ chức nhiều hình thức đánh phá như phục kích, giả dạng thay quân, nhưng tìm cách nằm lại dai dẳng ở những nơi xung yếu. Ở vòng ngoài, quân Mĩ liên tục hành quân càn quét vùng a, vùng b huyện Đại Lộc, Hiệp Đức, càn sâu vào vùng căn cứ của ta ở Yanh Brai, Thạnh Mĩ, làng Rô. Bà Huỳnh, Bà Xá, Trạm Mười Một, Nước Oa, máy bay B52 ném bom rải thảm, mang tính hủy diệt các vùng dọc sông Tranh, Dốc Quế, trạm 10, khu căn cứ Hòn Tàu.

Những thủ đoạn đánh phá ác liệt, nham hiểm của Mĩ - ngụy, Nam Triều Tiên trên đây, đã gây cho ta nhiều khó khăn và tổn thất. Đường giao liên, liên lạc, dân công vận chuyển từ căn cứ lên, xuống vùng đông các huyện luôn trở ngại, mất thời gian.

Để giữ thế trận chiến trường, sư đoàn 2 tiếp tục đứng chân tại địa bàn Mặt trận 4 đánh địch ở vùng a, vùng b Đại Lộc. Trung đoàn 31, được tăng cường đại đội đặc công, đại đội phòng không bao vây đánh nát chi khu quận lị Tiền Phước, hỗ trợ cho địa phương phá ấp giành dân.

Sau một tháng chiến đấu, các bộ phận của sư đoàn được phân công đứng cánh, đã linh hoạt chiến đấu đạt hiệu suất cao, loại ra khỏi vòng chiến đấu 2.000 tên địch bắn rơi 41 máy bay hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tạo thế cho chiến trường, mở ra các đợt hoạt động kết hợp 3 mũi giáp công, gây cho địch bị động chống đỡ đối phó.

Phát huy chiến công đạt được, tiểu đoàn 10 đặc công của sư đoàn, điều tra nghiên cứu phương án tập kích căn cứ hậu cần trung đoàn 5 lính thủy đánh bộ Mĩ tại An Hòa, phía tây huyện Duy Xuyên, An Hòa còn là khu công nghiệp lớn ở miền trung, do 5 nước: Mĩ, Tây Đức, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Thái Lan đầu tư xây dựng nhưng chưa hoạt động được gì. Ở đây có hệ thống công sự kiên cố, bao quanh khu An Hòa có 10 lớp rào, giữa các lớp rào là giao thông hào, bãi mìn. Ban đêm có hệ thống đèn pha cực mạnh, công sự bên trong bằng bê tông cốt thép.

Thực hiện chiến thuật “Đánh nở hoa trong lòng địch” các chiến sĩ ta bí mật thọc sâu, đánh trúng khu trung tâm thông tin An Hòa. Tổ trưởng bộc phá Nguyễn Mẫn và tân binh Lê Xuân Quyến dùng khối bộc phá 20kg đánh đúng hầm chỉ huy, diệt bọn tham mưu và tên đại tá trung đoàn trưởng trung đoàn 5 lính thủy đánh bộ Mĩ. Các trận địa pháo, bãi đổ máy bay lên thẳng, khu cơ giới, kho xăng, kho đạn chìm ngập trong lửa đạn. Hơn 200 tên Mĩ (có 30 sĩ quan tư đại úy đến đại tá) bị diệt, 10 khẩu đại bác từ 105mm đến 203mm, 10 máy bay lên thẳng, 9 xe tăng và xe bọc thép, 3 kho nhiên liệu và 5 kho đạn bị phá hủy hoàn toàn.

Ở quận lị Đại Lộc có cứ điểm Núi Lở. Đây là một cứ điểm nhỏ nhưng phạm vi khống chế rộng đến cả phía tây nam quận lị Đại Lộc. Núi Lỡ nguyên là một đồn trú từ thời Pháp, được Mĩ - ngụy củng cố trở thành một cứ điểm phòng thủ bất khả xâm phạm. Trận địa pháo ở đây chúng có thể bắn phá hầu hết 2 vùng a, vùng b Đại Lộc và vùng tây Duy Xuyên. Trước ngày sư đoàn giao nhiệm vụ cho đặc công trung đoàn Ba Gia, tấn công tiêu diệt Nũi Lỡ, quân địch bố trí thêm 7 lớp rào kẽm gai và mìn sáng, mìn sát thương.

Ngay trong đêm đặc công sư đoàn đánh An Hòa, bộ phận đặc công trung đoàn Ba Gia đột nhập cứ điểm Núi Lở. Đại đội trưởng Chắt, bắn B40 vỡ tung lô cốt đầu câu, phát lệnh cho 3 mũi đặc công tiếp cận đồn địch đang sẵn sàng tư thể nổ súng. Chỉ trong vòng 20 phút chiến đấu, các bộ phận đã đánh chiếm khu trung tâm, hầm ngầm, khu thông tin… Sức chống cự của địch trong cứ điểm hoàn toàn bị tê liệt. Cả tiểu đoàn pháo binh Mĩ gồm 12 khẩu đại bác từ 105mm đến 175mm và 200 tên xâm lược Mĩ bị tiêu diệt.

Năm 1969, đi qua với những chiến công đánh nhồi vào cứ điểm An Hòa, Dốc Mực, Núi Đá Đen, Bàn Cờ, Lộc Sơn, Lộc Thành, La Tháp… sư đoàn 2 Quân khu đã diệt gần 1 vạn tên địch, bắn cháy và phá hủy gần 200 máy bay, 50 xe tăng, xe bọc thép, và gần 100 khẩu pháo.

Do yêu cầu giữ thế chủ động trên chiến trường và đã giải quyết bớt khó khăn về lương thực, 3 trung đoàn của sư đoàn 2 phải chia đứng chốt ở 3 nơi. Trung đoàn 31 vừa củng cố vừa tác chiến ở Quế Sơn, Thăng Bình, Quảng Nam, Trung đoàn 21 cơ động Quảng Ngãi thay thế sư đoàn 3 hành quân về Bình Định. Tại đây trung đoàn 21 vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng, trung đoàn Ba Gia hành quân lên phía tây Quảng Đà tập trung củng cố. như vậy cùng một lúc sư đoàn phải tiến hành 3 nhiệm vụ:

- Tác chiến, giữ thế chủ động trên chiến trường.

- Củng cố huấn luyện nâng cao sức chiến đấu.

- Chuẩn bị cơ sở vật chất cho nhiệm vụ chiến đấu trong năm 1970.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #79 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2010, 08:31:47 pm »

CHƯƠNG VII

DẤU CHÂN SƯ ĐOÀN

Chiến lược chiến tranh “Quét và giữ”, thực chất là địch tăng cường về cường độ bom pháo đánh phá vào vùng hậu phương của ta một cách khốc liệt nhằm thực hiện chiến lược ”Phi Mĩ hóa chiến tranh”, “thay màu da trên xác chết”, “Lấy quân ngụy làm đối tượng chính với ta trên chiến trường và rút dần quân ra khỏi miền Nam trên thế thắng”. Những vùng chiến khu an toàn của ta trước đây đều bị máy bay B52 ném bom rải thảm, những cánh rừng đại ngàn bị chất độc khai hoang triệt trụi, bọn biệt kích thường xuyên thâm nhập lùng sục đánh phá. Hơn 60% nông dân ở vùng giải phóng không sản xuất được lương thực, nhiều vùng dân chúng phải nhờ sự chi viện của bà con ở vùng địch kiểm soát, các cửa khẩu cung cấp lương thực của ta đều bị địch phong tỏa bằng bom pháo và quân bộ. Nguồn lương thực tiếp tế từ hậu phương vào cũng gặp khó khăn. Số lượng lương thực về vùng giải phóng chỉ như “muối bỏ bể”. Từ cuối năm 1968, đến nửa năm 1970, lực lượng võ trang tập trung của các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung và quân chủ lực của Quân khu đèu lâm vào hoàn cảnh hết sức gian nan. Bộ đội thiếu ăn, nhiều nơi đã xảy ra nạn đói. Anh em đi công tác, đói quá treo võng nằm ven rừng có người đã qua đời, có người lâm trọng bệnh.

Đối với sư đoàn 2 Quân khu 5, sự khó khăn về lương thực, nếu đem so sánh với những năm 1960, 1963, thì sự thiếu thốn lương thực ở thời điểm này gấp trăm lần. Tuy nhiên, trong gian khổ, tình đoàn kết, gắn bó yêu thương đồng chí, đồng đội càng thêm ngời sáng. Các đồng chí trong Bộ tư lệnh sư đoàn hằng ngày cũng chỉ ăn cháo loãng với sắn, môn dóc. Do ăn uống kham khổ thiếu thốn như vậy, sợ sức khỏe các đồng chí suy sụp, phòng hậu cần có đề nghị: “Khó thì khó, nhưng phải để cho các thủ trưởng đủ sức khỏe, để tâm trí cho lãnh đạo chiến đấu. Nếu bộ đội ăn rau, thì lãnh đạo ăn cháo. Nếu chiến sĩ ăn cháo, thì lãnh đạo ăn cơm”. Nhưng đề nghị đó đã không được chấp nhận. Các đồng chí trong Bộ Tư lệnh sư đoàn đưa ra ý kiến: “Đã là con người thì sự đói no, như nhau. Chúng ta là người cách mạng, làm cách mạng thì phải công bằng, sao chỉ có chỉ huy mới được ăn?”. Chi bộ phòng tham mưu sư đoàn cuối cùng phải đề ra nghị quyết: “Các đồng chí trong Bộ Tư lệnh sư đoàn mỗi ngày phải ăn 250g gạo” (1 lon gạo/ngày). Nghị quyết buộc các đồng chí lãnh đạo sư đoàn phải chấp hành, nhưng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh xin nhận một nửa định lượng (nửa lon gạo/ngày) còn nửa định lượng gởi cho thương binh ở bệnh xá sư đoàn.

Ở các đơn vị, chiến sĩ thấy cán bộ chỉ huy đói, tự động đi tìm mọi cách để cải thiện bữa ăn, nhưng có gì hơn ngoài rau rừng và mon dóc. Hôm nào kiếm được vài củ sắn, chiến sĩ mời chỉ huy, chỉ huy lại nhường cho chiến sĩ. Cuối cùng phải chia nhau qua bữa. Truyền thống đồng cách mạng cộng khổ của cán bộ chiến sĩ trong sư đoàn càng thể hiện tình giai cấp, tình đồng đội trong những ngày khó khăn chồng chất tưởng như không vượt qua được, nhưng sự chịu đựng, ý chí chiến đấu và bằng sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, vừa lo đánh địch, vừa sản xuất, mở các tuyến thọc sâu vào vùng địch tìm nguồn lương thực. Tình hình dần dần được khắc phục. Vào chiến dịch Hè năm 1970, sư đoàn 2 Quân khu 5, phải tác chiến ở 2 hướng: Quảng Ngãi và Quảng Nam. Mỗi chiến trường đều gắn nhiệm vụ căng kéo địch ra để diệt, hạn chế sự sát thương của phi cơ và pháo binh Mĩ. Tác chiến theo địa bàn là để hỗ trợ cho lực lượng vũ trang địa phương phá kèm kẹp chống bình định, tạo thế cho nhiệm vụ giành dân, giành quyền làm chủ, mở rộng và phát triển chiến tranh du kích, giữ vững căn cứ. Đồng thời để giải quyết một vấn đề lớn là lương thực, chu cấp nuôi cả sư đoàn để đủ sức thực hiện nhiệm vụ liên tục tác chiến. tôi còn nhớ Bộ Tư lệnh sư đoàn lúc này do đồng chí Hoàng Anh Tuấn, sư đoàn trưởng(1), Nguyễn Chơn, sư đoàn phó, đồng chí Bùi Tùng, phó chính ủy và tôi, chính ủy sư đoàn.

Chấp hành mệnh lệnh của Quân khu 5, Bộ Tư lệnh sư đoàn chúng tôi phân công cho các đoàn cán bộ đi chuẩn bị chiến trường. Ở Quảng Ngãi do trung đoàn 21, đảm nhiệm nghiên cứu các cứ điểm địch ở 2 huyện Sơn Tịnh và Nghĩa Hành. Ở Quảng Nam do trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia) sau một thời gian củng cố học tập ở phía tây tỉnh Quảng Nam đã trở về, trung đoàn 31, được lệnh nghiên cứu các cứ điểm địch ở Hiệp Đức, Tiên Phước, Tam Kì…

Chiến dịch hè bắt đầu từ ngày 1/5 đến ngày 10/6, thời gian kéo dài 40 ngày.


(1) Sau này đồng chí Hoàng Anh Tuấn là Thứ trưởng ngoại giao nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, kiêm địa sứ ở Cộng hòa Ấn Độ. Đồng chí Nguyễn Chơ, sư đoàn phó, vào những năm 1989, 1999 là thượng tướng, Thứ trưởng quốc phòng, Tổng tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM