Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 11:52:55 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chỉ một con đường  (Đọc 90116 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #80 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2010, 08:33:53 pm »

Bộ Tư lệnh sư đoàn chia 2 đoàn cán bộ đi công tác ở hai hướng chiến trường: Đoàn của đồng chí Nguyễn Chơn đi chuẩn bị hướng Tam Kì, Thăng Bình hợp điểm về khu vực Bình Kiều, bên Sông Tranh. Đoàn cán bộ đi chuẩn bị chiến trường ở Hiệp Đức có đồng chí Sư trưởng Hoàng Anh Tuấn bay chỉ huy trung đoàn 31 và tôi, gồm 13 người xuất phát từ dốc Đoát. Chúng tôi đi xuống Đồng Làng qua Tí, Sé vượt sông Tranh về Bình Kiều, Quế Sơn, chuẩn bị tiếp cận cứ điểm núi lớn ở Hiệp Đức và chuẩn bị khu chiến cho chiến dịch. Khi ra đi, khu lương thực dự trữ đã cạn. Tiêu chuẩn của mỗi người mang theo trong 10 ngày công tác, chỉ có 5 lon gạo và 2kg sắn lát khô. Mỗi bữa ăn tính ra chỉ có 2 lạng sắn khô và 1 lạng gạo. Đường xa lặn lội, sau 3 ngày mới về đến chiến trường. Chúng tôi dừng lại bên bờ sông Tranh kiểm tra các mặt và tính toán lương thực chi dùng trong thời gian ở lại nghiên cứu cứ điểm địch, đề phòng địch càn có gạo để ăn và chiến đấu. Đêm đầu tiên đoàn cán bộ trước khi xuất phát tiếp cận cứ điểm đị ch chỉ được ăn 2 lạng sắn khô luộc chấm với muối. Thời kì này đồng bào ở vùng giải phóng cũng quá nghèo không có điều kiện ủng hộ cho bộ đội. Thương đồng đội, đồng chí Phạm Thị Duyên (quê ở Hội An) quân y sĩ và kiêm nhiệm vụ chị nuôi của chúng tôi, lấy chiếc áo lót đổi cho dân được 12 củ dong riềng (có nơi gọi là củ huỷnh tinh) đem luộc. Trước khi đoàn chúng tôi xuất phát đi nghiên cứu cứ điểm núi Lớn, đồng chí Duyên đem phân phát cho 12 người chúng tôi “bồi dưỡng” (Sau này đồng chí Duyên về làm thị đội phó Hội An và hi sinh anh dũng).

Trong đêm, Duyên ở lại tranh thủ tìm hái được chừng 2kg rau má đem rửa sạch, dự kiến sáng ngày hôm sau nấu cho anh em thêm ngoài tiêu chuẩn. Xong công việc đoàn cán bộ trở về trời đã quá nửa đêm, bụng người nào cũng bị “kiến cắn” nhưng cũng ráng xuống hầm tìm giấc ngủ để cố quên cái đói cồn cào. Có lẽ vì quá đói đồng chí Hoàng Anh Tuấn, đến hỏi tôi “Củ dong riềng hồi tối ở đâu vậy, còn không cho tôi 1 củ, đói quá anh Chương ơi!”. Tôi trả lời: “Đồng chí Duyên đổi cái áo lót được 12 củ như vậy cho anh em ăn hồi tối rồi, đồng chí Duyên đâu có ăn”. Nói như vậy, nhưng tôi cũng đến hầm của Duyên hỏi: “Đồng chí Duyên ơi, có cái gì lót lòng không, anh Tuấn đói quá”. Đồng chí Duyên lấy bọc rau má ra nói nhỏ với tôi: “Em tranh thủ lúc các anh đi làm nhiệm vụ đã hái được một mớ rau má đây, thôi thủ trưởng đem cho thủ trưởng Tuấ một ít ăn với con cá nục muối này may ra đỡ đói”.”. Trong bóng đêm mờ tỏ sao trời, tôi nhìn thấy hai giọt lệ của sư trưởng lăn dài trên gò má hốc hác vì thiếu ăn, vì đói, và vì chiến trường ác liệt không có thời gian nghỉ ngơi, tìm giấc ngủ để quên đói.

Hoàn thành công tác nghiên cứu cứ điểm địch ở Hiệp Đức, đoàn chúng tôi hành quân trở về căn cứ. Khi đi qua một đám sắn hoang anh em phân công đào mót được một người khoảng 2kg sắn tươi. Có rau, có sắn và một ít lương thực còn làn, trưa hôm đó chúng tôi “liên hoan” với nhau một bữa tương đối no nê. Kiểm tra lại cả đoàn chỉ còn được 3 lon gạo và chừng 1kg sắn lát khô. 3 giờ chiều hôm đó, đoàn húng tôi gặp 6 chiến sĩ treo võng nằm ven rừng. Hỏi thăm anh em cho biết, 6 người đi cõng gạo, nhưng cửa khẩu bị địch càn chốt quân, trở về đến đây, bụng đói, người mệt không còn sức đi nữa. Tôi và anh Tuấn, bàn nhau trút hết số lương thực còn lại “cứu đói” cho 6 chiến sĩ, 6 chiến sĩ đó được gạo cũng không còn sức để đi nấu ăn, chúng tôi phải nhóm lửa nấu cho anh em một nồi cháo và gói số lương thực còn lại bỏ vào ba lô cho các chiến sĩ ăn ngày hôm sau.

Chuyến đi công tác gian nan, vất vả nhưng đạt kết quả. Bộ Tư lệnh sư đoàn tổ chức hội nghị xác định quyết tâm mở chiến dịch. Cuộc họp kéo dài trong 4 ngày. Nhưng khổ nỗi, cán bộ của sư đoàn về dự hội nghị lại không có gạo sắn cho anh em ăn. Hôm đó đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu đến sư đoàn nghe báo cáo tình hình và dự hội nghị. Biết sư đoàn khó khăn, đồng chí Tư lệnh cho 6 người mang lương thực về chi viện cho sư đoàn có ăn trong 4 ngày hội nghị. Có lương thực hội nghị sôi nổi hẳn lên. Sư đoàn hạ quyết tâm chỉ đạo các đơn vị ở 2 hướng chiến trường vượt lên hoàn thành nhiệm vụ.

Trong 40 ngày của chiến dịch, hướng chiến trường Quảng Nam tiêu diệt hơn 1.500 tên địch đánh thiệt hại trung đoàn 51 ngụy. Ở chiến trường Quảng Ngãi trung đoàn 21 của sư đoàn 2, đánh thiệt hại 3 tiểu đoàn cơ động của sư đoàn 2 ngụy, tiêu diệt hơn 500 tên. Cả hai hướng chiến trường của sư đoàn đều hoàn thành nhiệm vụ diệt và kéo, kèm lực lượng cơ động của địch, để cho các địa phương ở hai tỉnh đánh diệt bọn bình định nông thôn, hỗ trợ cho nhân dân giành quyền làm chủ và trở về làng cũ làm ăn.

Ngày 10/6/1970, Bộ Tư lệnh sư đoàn 2 nhận được bức điện của Bộ Tư lệnh Quân khu. Nội dung bức điện như sau:

“Sư đoàn 2 kết thúc chiến dịch, cho bộ đội dứt chiến. Ngày 12/6/1970, khẩn trương rút các đơn vị về lại hậu cứ để nhận lệnh mới của Quân khu. Riêng trung đoàn 21 vẫn đứng nguyên vị trí và tiếp tục tác chiến ở chiến trường Quảng Ngãi. Khi trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia), trung đoàn 31 rút quân, mỗi đơn vị để lại một đài 15W có đủ cơ yếu, báo vụ thường xuyên phát điện 1 ngày 2 lần, vào trưa và chiều, còn các bộ phận về hậu cứ vẫn làm việc thường xuyên bằng vô tuyến với Quân khu, để địch không phát hiện sư đoàn ở đâu”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #81 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2010, 08:35:13 pm »

Bộ Tư lệnh sư đoàn chúng tôi cấp tốc triệu tập họp Thường vụ Đảng ủy sư đoàn để thông báo lệnh dứt chiến và rút quân của Quân khu cho các đồng chí trong Thường vụ biết, thảo luận kế hoạch đưa quân về hậu cứ bảo đảm an toàn. Cuộc họp bàn các nội dung như sau:

- Quán triệt tư tưởng chỉ đạo khi rút uqân.

- Kiểm tra công tác thương binh, thực hiện chính sách mồ mả liệt sĩ.

- Quán triệt công tác bảo mật phòng gian, chống địch phát hiện dấu vết hành quân.

- Bảo đảm lương thực cho hành quân và vận chuyển lương thực ở các cửa khẩu về hậu cứ để nuôi quân.

- Chuẩn bị công tác tổng kết chiến dịch và tiến hành hội nghị quân chính sư đoàn.

Cuộc họp Thường vụ Đảng ủy vừa tiến hành được 40 phút, thì sư đoàn nhận tiếp bức điện thứ hai của Bộ Tư lệnh Quân khu. Nội dung bức điện ghi rõ:

“Sư đoàn chỉ về hậu cứ củng cố mọi mặt trong vòng phạm vi 10 ngày, trong đó có phần sơ kết chiến dịch ở cấp trung đoàn, còn sư đoàn về tổng kết sau.

Sư đoàn chuẩn bị khẩn trương hành quân về vị trí đứng chân ở khu vực bắc đường số 9 thuộc huyện Mường Phìn, tỉnh Khăm Muộn thuộc miền Trung nước Lào. Đợi lệnh”.


Đọc xong bức điện, chúng tôi cứ nghĩ rằng, do cơ yếu dịch nhầm. Bán tín bán nghi, tôi liền cho mời trưởng ban cơ yếu lên, bảo đồng chí phải dịch lại mật mã bằng chữ và ghi tọa độ trên bản đồ. Lần thứ hai, Bộ chỉ huy sư đoàn gồm bốn chúng tôi giở bản đồ tìm địa danh, vẫn đúng như lần trước: là hành quân ra đường 9 Nam Lào. Bộ chỉ huy sư đoàn triệu tập cuộc Thường vụ, phổ biến bức điện. Chúng tôi đọc lại bức điện một lần nữa, lòng vẫn nghi hoặc không hiểu vì sao địch ở miền Nam còn đầy rẫy, mà sư đoàn 2 Quân khu 5 lại điều ra đường 9 Nam Lào. Tôi và anh Hoàng Anh Tuấn, trực tiếp gọi điện thoại lên Quân khu xin gặp đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu, hỏi rõ về mật danh và tọa độ như vậy có đúng không. Vì sao sư đoàn phải di chuyển đi xa như vậy. Đồng chí Chu Huy Mân trả lời như sau: “Chấp hành đúng như bức điện, các đồng chí sư đoàn đã nhận lệnh của Quân khu, không hỏi thêm, không thắc mắc. Các đồng chí hãy nhớ: “Quân lệnh như sơn” nghiêm chỉnh chấp hành không hỏi lại. Một ngày gần đây tôi sẽ trực tiếp gặp sư đoàn tại địa điểm mới”.

Sau khi nghe điện thoại, tôi báo cáo lại trong cuộc họp Thường vụ, mọi người vẫn thấy lo lắng. Nhưng điều quan trọng, là nguyên tắc Đảng, cấp dưới phải phục tùng cấp trên và cán bộ quân đội cách mạng lúc nào cũng phải quát triệt, có lệnh là đi, có giặc là đánh, luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó là tiêu chí của các cấp lãnh đạo trước hết là Thường vụ Đảng ủy sư đoàn. Cuộc họp hết buổi sáng, Thường vụ sư đoàn bàn toàn diện, thành nghị quyết. Tôi được Thường vụ phân công trực tiếp truyền đạt nghị quyết cho cơ quan và các đơn vị kịp thu xếp mọi việc, chấp hành mệnh lệnh lui quân về hậu cứ. Liền sau đó các trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia), trung đoàn 31, các đơn vị trực thuộc họp Đảng ủy từ cơ sở trở lên bàn triển khai kế hoạch, để các chỉ huy đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện. Đúng ngày 20/6, sư đoàn tổ chức kiểm tra từng đơn vị chuẩn bị hành quân, những bộ phận nhỏ ở lại chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của sư đoàn.

Trong khi trung đoàn 21 vẫn đứng chân tại Quảng Ngãi, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định điều trung đoàn 141, ở Mặt trận Quảng Đà về đứng trong đội hình thuộc biên chế của sư đoàn 2.

Trung đoàn 141, được thành lập từ cuối năm 1950, đã tham gia các chiến dịch lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp, như chiến dịch Trần Hưng Đạo, chiến dịch Hoàng Hoa Thám, chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Thượng Lào và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, cán bộ chiến sĩ trung đoàn 141, đã lập những chiến công vang dội ở Tràng Bạch, Thu Cúc, Lai Đồng, điểm cao 660 (Ba Vì). Được Bộ Tổng tư lệnh tặng danh hiệu “Ba Vì anh dũng”. Tiếp theo là chiến thắng Sài Lương, Xốp Hào, mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ với trận thắng Him Lam oanh liệt, nổi danh anh hùng Phan Đình Giót, lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Đầu năm 1968, khi cuộc tổng tiến công nổi dậy đồng loạt của quân và dân miền Nam đang diễn ra quyết liệt, trung đoàn được lệnh hành quân cấp tốc vào chiến trường miền Trung. Sau một năm thử thách ác liệt, trung đoàn 141 đã lập nên những chiến công mới ở khu vực Túy Loan, Thượng Đức.

Như vậy, trung đoàn 21 ở lại Quảng Ngãi, xa đội hình sư đoàn, nhưng sư đoàn được bổ sung trung đoàn 141, càng làm cho đội hình và lịch sử chiến đấu của sư đoàn thêm phong phú, sức chiến đấu cũng tăng lên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #82 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2010, 06:41:14 am »

TRƯỜNG SƠN VẠN DẶM

Đúng ngày 22/6/1970, đội hình sư đoàn bắt đầu hành quân, các bộ phận tiền trạm của các đơn vị đều có mặt để lo cho đơn vị của mình trên từng cung đoạn của con đường Trường Sơn vạn dặm. Tôi và sư trưởng Hoàng Anh Tuấn đi trước với đoàn tiền trạm, tiếp theo là đội hình trung đoàn 1, trung đoàn 31 và các đơn vị trực thuộc, xuất quân qua Đồng Làng ngược lên huyện Hiên, vượt sông Tranh. Đã vào mùa mưa những cơn mưa rừng như “cầm chỉnh đổ”, nước một số con sông trên dãy Trường Sơn có đoạn dâng cao, tiểu đoàn công binh sư đoàn được lệnh tổ chức đóng bè để đưa bộ đội vượt sông. Chúng tôi phân công đồng chí Sư đoàn phó Nguyễn Chơn, Bùi Tùng, phó chính ủy cùng đi sau đội hình để kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị hành quân đúng lộ trình và thời gian. Lúc ra đi súng ống lỉnh nghỉnh, mang vác nặng nề, nhưng khi sư đoàn lên đến binh trạm 61 thì được lệnh bàn giao toàn bộ vũ khí lớn gồm súng DKZ, trọng liên, đại liên, cao xạ và toàn bộ cơ số đạn cho binh trạm, bộ đội chỉ mang 1/3 số lượng súng AK và CKC trang bị để sẵn sàng chiến đấu trên đường hành quân. Từ Nậm Bạc trở ra các binh trạm phía bắc, bộ đội được ăn no, đầy đủ cơm trắng, thịt hộp, bột trứng, đường sữa, lương khô, bảo đảm cho bộ đội ăn thoải mái, không tính tiêu chuẩn nhưng không được để thừa. Nói vui lúc này, “luận điểm” Chủ nghĩa xã hội là “làm việc tùy sức, ăn tiêu tùy cần” lần đầu tiên xuất hiện trên con đường kháng chiến của Trường Sơn vạn dặm và trong ý nghĩa của các chiến sĩ từ trong gian khổ thiếu thốn bỗng dưng tận hưởng thoải mái.

Hơn một tháng hành quân, ngày đi đêm nghỉ. Đường Trường Sơn mưa ướt lầy lội, đèo cao, suối sâu vẫn không làm bước chân chiến sĩ của sư đoàn dừng lại. Các binh trạm lán trại không đủ, cán bộ chiến sĩ sư đoàn phải che tâng để tú mưa. Đường đi vất vả nhưng nhờ có ăn uống đầy đủ, sức khỏe bộ đội tăng dần. Những anh em đói kiệt ở chiến trường cũng khỏe ra. Sư đoàn không còn những người quá ốm yếu, bệnh sốt rét cũng giảm dần.

Đến giữa tháng 8/9170, sư đoàn 2 Quân khu 5 đã đến địa phận tọa độ của Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 chỉ định, ở phía bắc đường số 9 thuộc huyện Mường Phìn, tỉnh Khăm Muộn, Trung Lào.

Cuộc chiến tranh chống Pháp lần thứ nhất thắng lợi. Cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước lại khởi đầu và diễn ra trên con đường huyền thoại bằng cuộc hành quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” từ những năm 1959, 1960. Thật không ngờ, trong cuộc chiến đấu ác liệt và gian khổ ở miền Nam suốt những năm qua, nay tôi lại được trở lại con đường xưa, nơi xuất phát của cuộc hành quân, ví như cuộc “Nam tiến” lần thứ hai, lòng tôi hợt dạt dào với bao cảm xúc.

Đường số 9, con đường vui chiến thắng
Đường ta đi sim nở tím đối hoa
Lòng rộn ước mơ, chim reo hòa trong gió
Đường chiến công rộn rã khúc quân ca.
Hỡi cô bạn mến thương ở phía chân trời xa
Đường đánh Mĩ nhiều hoa lắm trái.
Vội vã đuổi thù anh chưa kịp hái
Hẹn chiến thắng về tặng em cả trời hoa…


Sư đoàn đứng chân ở địa điểm quy định trên hành lang chiến lược của Trung ương, có đủ điều kiện thuận lợi để tập trung củng cố và huấn luyện. Có lương thực ăn no, có quân phục mặc ấm, có những khu rừng măng bát ngát. Những năm qua sống, chiến đấu quần lộn với địch ở chiến trường đồng bằng Khu 5. chịu đói khổ, thiếu thốn, nay lên rừng sống giữa đại ngàn, mỗi người lính chúng tôi như thấy được sự ấm áp che chở những cánh rừng, đúng như lời thơ, của nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Đường Trường Sơn đang trong mùa chiến dịch, hối hả tấp nập dòng người ra, vào giữa hậu phương lớn với chiến trường miền Nam, chiến trường Nam Lào. Từng đoàn xe bám bùn đất, bụi đỏ chở đạn dược, lương thực, kéo pháo, tải thương. Các binh trạm, cung đường, nam nữ thanh niên xung phong hồ hỡi san lấp hố bom, mở đường, vận chuyển vũ khí. Từng đoàn cán bộ, bộ đội vai ba lô, tay gậy hăm hở như mong sớm được vào tuyến lửa, với miền Nam ruột thịt. Tôi đã thực sự sống những ngày ở đường Trường Sơn, nhưng không sao tưởng tượng và hình dung được sự lớn mạnh nhanh chóng của lực lượng cách mạng. Thật vĩ đại và hào hùng biết bao!

Được lệnh cấp trên, Bộ Tư lệnh sư đoàn đã đến nơi tập kết, mở hội nghị để làm những vấn đề cơ bản và cụ thể về củng cố, xây dựng sư đoàn trong điều kiện đưa toàn bộ đội hình sư đoàn đi vào nề nếp chính trị, thực hiện việc xây dựng doanh trại. Rừng Lào bát ngát, cây cối còn nguyên sinh, phủ dày như một mái nhà xanh. Các đơn vị mượn cưa, dục, rựa, rìu của các binh trạm, để làm doanh trại. Lần đầu tiên giữ rừng già, những khả năng, năng khiếu của cán bộ chiến sĩ được tận dụng triệt để. Trong hai tuần lễ lao động, các đơn vị đã cơ bản hoàn thành công việc xây dựng những “căn nhà chiến tranh” nửa chìm nửa nổi để đề phòng máy bay địch đánh phá. Mỗi nhà đều có giao thông bên ngoài, đề phòng biệt kích địch bất ngờ tấn công và bộ đội có điều kiện chiến đấu. mặc dầu nhà dã chiến ở giữa rừng, nhưng các đơn vị vẫn bố trí thành từng dãy theo đội hình, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, có sạp bằng nứa để ngủ, tường vách được che phên kín đáo, có giá ba-lô giá súng được sắp đặt thuận lợi, và bàn ghế để hội họp sinh hoạt. Nhà ăn được làm giữa doanh trại. Từng đại đội, có cột cờ, sân bóng chuyền giàn hoa phong lan trông thật tiện nghi, sạch sẽ đẹp mắt.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #83 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2010, 06:42:41 am »

Sư đoàn được nhận quân trang quân dụng, trang bị mới. Lần đầu tiên cả đội hình sư đoàn động phục màu xanh Tô Châu, doanh trại gọn gàng, ngăn nắp, giá ba-lô, chăn màn đều mới, được sắp xếp thẳng tắp theo đúng điều lệnh quân đội. Căn cứ theo thực tiễn chiến trường mà quy định chế độ hội họp, học tập, công tác trên cơ sở điều lệnh quân đội thống nhất toàn sư đoàn, như:

Thực hiện chế độ chào cờ buổi sáng thứ hai hàng tuần, bộ đội được nghỉ chủ nhất mỗi tuần ở từng đại đội tổ chức độc báo và sinh hoạt buổi tối học hát “Tiến quân ca” và bài “Giải phóng miền Nam”, Báo Quân đội nhân dân, Văn nghệ quân đội và một số tuần báo khác được xuất bản trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cũng như các đoàn văn công phim ảnh đến phục vụ, được đọc, xem hằng tuần. Có thể nói, từ khi thành lập sư đoàn cho đến lúc này mới có được nếp sinh hoạt đúng nghĩa của một đơn vị quân đội chính quy. Sư đoàn đóng quân gần hậu phương lớn miền Bắc, nên có điều kiện tập trung củng cố xây dựng đơn vị. Tuy nhiên cũng có những cá nhân, trường hợp, được ăn no, mặc ấm, có đủ thuốc men chữa bệnh, có đủ báo chí để đọc, biết được tin tức trong và ngoài nước ấy lại nảy sinh những vấn đề về tư tưởng. Đảng ủy và Bộ Tư lệnh sư đoàn đã nhìn thấy trước tình hình và đã có ngay hướng khắc phục. Ví dụ như một bộ phận cán bộ chiến sĩ quê ở miền Nam vui mừng được học tập rèn luyện sinh hoạt đầy đủ, nhưng lại có suy nghĩ bao giờ thì được trở về lại chiến trường miền Nam. Đôi lúc có những chiến sĩ nhớ quê hương, lo lắng cho đồng bào, người thân bị giặc bắt tù đày, hoặc khủng bố tra tấn trong các ấp chiến lược, liệu khi họ trở về, những người thân có còn sống không, gặp lại nhau không? Còn các đồng chí cán bộ chiến sĩ quê ở miền Bắc đã vào Nam chiến đấu lâu ngày, nay ra đến đây lại có nguyện vọng được về thăm gia đình. Nguyện vọng đó của anh em thật chính đáng, nhưng yêu cầu nhiệm vụ của sư đoàn lại cấp bách, chưa thể đáp ứng được. Vì thế, một số đồng chí phát sinh tư tưởng chán nản, mệt mỏi, giản chiến, trễ nải trong việc học tập, rèn luyện. Sau một tuần lễ sư đoàn bám sát từng đơn vị, Đảng ủy sư đoàn họp, đánh giá, phân tích, tổng hợp tình hình và tổ chức đợt sinh hoạt tư tưởng trong toàn Đảng bộ sư đoàn, đấu tranh nghiêm túc và thẳng thắn, chân thành, góp ý xây dựng những biểu hiện không phù hợp làm hạn chế ý chí, sức mạnh của tập thể sư đoàn trong lúc cả tập thể đang tập trung huấn luyện sẵn sàng chiến đấu lập công.

Sau đợt sinh hoạt, toàn sư đoàn đã ổn định, mặt tốt được phá huy. Khí thế thi đua học tập tiến bộ rõ rệt. Sinh hoạt từng đơn vị đi vào nề nếp.

Giữa tháng 9/1970, toàn sư đoàn được bổ sung quân số từ miền Bắc chuyển vào. Anh em quê ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Hưng, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nam Ninh; hầu hết lớp chiến sĩ này đã tốt nghiệp phổ thông cấp 3, có một số là sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, tình nguyện nhập ngũ đi vào Nam đánh giặc, anh em được học tập 3 tháng quân sự, chính trị trước khi đi vào chiến trường. Cán bộ lãnh đạo cấp sư đoàn và trung đoàn vui mừng, phấn khởi vì lần đầu tiên biên chế của sư đoàn đầy quân, mỗi tiểu đoàn có 500 quân, trung đoàn có 2.000 quân cấp trực thuộc cũng đủ biên chế. Trang bị vũ khí chuẩn bị chiến đấu được cấp mới hoán toàn. Trong đó những loại binh khí kĩ thuật hiện đại, gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện chiến trường.

Thời gian này, sư đoàn được sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Cục chính trị và Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục hậu cần quân đội Nhân dân Việt Nam. Các cơ quan cấp trên cử cán bộ xuống sư đoàn vạch kế hoạch giáo dục chính trị, tập huấn quân sự và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho tất cả các bộ phận học tập tình hình, nhiệm vụ quân đội, nhiệm vụ của sư đoàn trong giai đoạn mới của cách mạng. Đảng ủy sư đoàn đồng thời triển khai cuộc vận động do Ban bí thư Trung ương Đảng phát động: “Nâng cao chất lượng chiến đấu của sư đoàn kết nạp đảng viên mới - Lớp đảng viên Hồ Chí Minh”. Qua đại hội các cấp trong sư đoàn, đảng viên, đoàn viên đều hoàn toàn nhất trí với phương hướng: “Xây dựng sư đoàn chính quy tinh nhuệ, tác chiến tập trung”.

Sau đợt sinh hoạt chính trị, Bộ Tư lệnh sư đoàn nhận được điện của Bộ Quốc phòng, triệu tập cán bộ của sư đoàn 2 ra dự tập huấn chiến dịch do Bộ Tổng tham mưu chủ trì. Lớp học được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trực tiếp khai mạc và giảng bài. Đại tướng nêu ý rõ tình hình, nhiệm vụ của cả nước trong giai đoạn sắp đến, tình hình địch ta ở miền Nam, yêu cầu của quân đội ta ở cả hai miền sẵn sàng chiến đấu cao, sắp đến tham gia những chiến dịch đánh hợp đồng binh chủng, cùng một lúc có nhiều sư đoàn tham gia trên một mặt trận, có binh khí kĩ thuật hiện đại trong đội hình lớn của binh chủng hợp thành. Yêu cầu nhiệm vụ sắp tới của quân đội ta là đánh to, thắng lớn, diệt gọn từng trung đoàn, chiến đoàn, sư đoàn của địch, phải đánh thắng tất cả mọi đối tượng, sắc lính của địch, phải tấn công giỏi, phản công giỏi, phòng ngự kiên cường. Đó là yêu cầu mới. Lớp tập huấn này, sư đoàn 2 cử đồng chí Nguyễn Chơn, sư đoàn phó, tôi là chính ủy sư đoàn, Dương Bá Lợi, tham mưu trưởng, Nguyễn Thí, tham mưu phó sư đoàn, Nguyễn Lĩnh, Phạm Trọng Hoàn, phòng hậu cần của sư đoàn, Nguyễn Tá, chủ nhiệm chính trị, Nguyễn Văn Huyên, phó chủ nhiệm chính trị sư đoàn, 3 trung đoàn trưởng và 3 chính ủy trung đoàn cùng đi dự.

Sau 15 ngày tập huấn, chúng tôi lên đường trở lại chiến trường. Một số đồng chí bị đau dạ dày, sốt rét chưa cắt cơn, nhưng không ai xin ở lại điều trị. Mọi người đều vui mừng phấn khởi, vì được tiếp thu tư tưởng mới trong tác chiến, thấy nhiệm vụ của quân đội rất đặc biệt và nặng nề trong mùa xuân 1971 sắp đến.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #84 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2010, 06:43:23 am »

Trong lúc tôi đang đi tập huấn ở hậu phương thì ở bản doanh sư đoàn, đồng chí Sư đoàn rưởng Hoàng Anh Tuấn, đưa cán bộ từ đại đội trưởng đến trung đoàn, sư đoàn và 3 cơ quan: Tham mưu, chính trị, hậu cần đi nghiên cứu địa hình ở Bản Đông, Sê Pôn, Tha Mé… dọc đường 9, nghiên cứu các điểm cao, đồi trục, khe suối, tuyến đường, tổ chức trinh sát về địa hình trên toàn bộ khu chiến,cho cán bộ pháo binh đo đạc phần tử xạ kích của pháo, và chọn trận địa cho các loại hỏa lực từ cối 81mm, pháo 105mm, pháo 155mm, pháo 130mm… chuẩn bị sẵn các mục tiêu địch có thể đổ bộ, chuẩn bị trận địa cho pháo cao xạ 37mm, 57mm sẵn sàng đánh địch đổ bộ, cho lực lượng công binh của sư đoàn phối hợp với công binh của Bộ, của đoàn 559, nghiên cứu các vị trí cầu phà và chuẩn bị làm đường để kéo các loại pháo vào trận. Các bộ phận thông tin của đoàn 559, của sư đoàn nghiên cứu các đường dây, các trạm triển khai mạng lưới thông tin trong suốt hai tháng 10 và 11 năm 1970. Cán bộ sư đoàn, trung đoàn 141, trung đoàn 1 và các bộ phận trực thuộc đều triển khai nghiên cứu địa hình trong khu vực tác chiến của đơn vị. Trong lúc đó, cán bộ cấp phó từ trung đoàn, xuống đại đội đều trực tiếp chuẩn bị thao trường và huấn luyện cho toàn sư đoàn.

Riêng trung đoàn 31, sau đợt củng cố kết thúc đại hội Đảng, được lệnh của Quân khu hành quân vào Nậm Bạc, trở lại chiến trường Tây Nguyên. Ý định của Bộ lúc đó, nếu quân địch không đổ quân ra đường 9 - Nam Lào, thì sư đoàn sẽ trở về chiến trường Tây Nguyên, mở chiến dịch tiến công phá vỡ hệ thống phòng thủ của địch, giải phóng Đắc Tô, Tân Cảnh, bắc Kon Tum. Nếu địch đổ quân ra đường 9 - Nam Lào thì  đội hình sư đoàn gồm có 3 cơ quan, 2 trung đoàn 141 và trung đoàn 1 ở lại trực tiếp đánh địch.

Do ý đồ chiến lược của Bộ và kế hoạch tác chiến chung trên chiến trường, nên Bộ Tổng tham mưu trực tiếp chỉ đạo kế hoạch. Cán bộ cục tác chiến, cục huấn luyện, trường sĩ quan lục quân đã cử một đoàn cán bộ 45 đồng chí, trực tiếp vào huấn luyện tận cơ sở đại đội ở sư đoàn. Các đơn vị binh chủng như pháo binh, cao xạ, xe tăng, công binh, thông tin cũng cử cán bộ vào trực tiếp huấn luyện và cùng đi chuẩn bì chiến trường với cán bộ các cấp trong sư đoàn. Bộ Tư lệnh sư đoàn chia nhau bám sát từng trung đoàn, từng đơn vị trực thuộc, kiểm tra huấn luyện và đi chuẩn bị chiến trường rất cụ thể. Tình hình đơn vị học tập khẩn trương, khí thế phấn khởi sôi nổi diễn ra trên từng bài tập. Cán bộ chiến sĩ đều quyết tâm học giỏi, tập tốt để chiến đấu giành thắng lợi, hạn chế tổn thất.

Đoàn cán bộ chúng tôi đư dự tập huấn ở Hà Nội về, có phái viên của Bộ tăng cường cùng vào giúp sư đoàn mở lớp tập huấn ngay cho cán bộ từ đại đội trở lên trong thời gian 10 ngày. Nội dung tấp huấn theo chỉ đạo hướng dẫn của Bộ, và chúng tôi vận dụng và thực tế các chiến lệ của các trận đánh trong chiến dịch hè năm 1970 ở Quảng Nam, Quảng Ngãi cho cán bộ học tập, nêu cả ưu điểm, khuyết điểm, thành công và thiếu sót về kĩ thuật chiến thuật, cách đánh để cán bộ liên hệ học tập. Khí thế bộ đội lên cao, tư tưởng giản chiến, sợ gian khổ, ngại hi sinh được khắc phục. Nguyện vọng được về thăm quê miền Bắc cũng không ai đặt ra nữa, mà chỉ tập trung cho đợt học tập sẵn sàng chiến đấu.

Trong những ngày ở Mường Phìn, một niềm vui mớiđối với sư đoàn la đồng chí Võ Chí Công, - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy V đi đự hội nghị Trung ương ghé vào thăm sư đoàn, trực tiếp động viên từng đơn vị. Sau đó đồng chí Chu Huy Mân - Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh kiêm chính ủy Quân khu trên đường đi dự hội nghị cũng đã ghé thăm sư đoàn. Cả hai đồng chí thăm viếng, động viên, gặp trực tiếp cán bộ từ tiểu đoàn trở lên, thông báo tình hình trực tiếp chiến trường Khu 5 trong lúc sư đoàn xa Quân khu. Tình cảm sâu đậm của đồng chí lãnh đạo cùng chia ngọt xẻ bùi, chịu đựng gian khổ trên dải đất Khu 5 thân yêu đã làm vơi nỗi nhớ quê hương, nhớ đồng đội đang chiến đấu ở miền Nam, của cán bộ chiến sĩ sư đoàn. Đồng chí Bí thư Khu ủy, Tư lệnh Quân khu biểu dương những thành tích sư đoàn đã đạt được trong thời gian hành quân đến địa điểm mới, đường đi phải vượt sông suối, núi đèo, đưa gọn được đội hình sư đoàn đi đến đích, triển khai xây dựng và huấn luyện đạt thành tích tốt. Hai đồng chí lãnh đạo nhắc nhở, dặn dò cán bộ chiến sĩ trong sư đoàn không chủ quan thỏa mãn và phải nỗ lực vượt bậc trong xây dựng, thi đua với đơn vị bạn ở chiến trường mới, phát huy truyền thống của Khu 5 gian lao nhưng anh dũng. Tiếp thu những lời dặn dò, động viên của lãnh đạo cấp trên, Bộ Tư lệnh sư đoàn chúng tôi đã tổ chức học tập những huấn thị ấy cho cán bộ chiến sĩ trong sư đoàn, tạo nên luồng sinh khí thi đua mới, quyết tâm mới xứng đáng với lòng tin của Đảng.

Đầu tháng 12/1980, công việc huấn luyện, xây dựng bộ đội đưa vào nề nếp chính quy khá tốt, việc chuẩn bị chiến tròng trong khu chiến được phân công cơ bản đã hoàn tất, nhưng đơn vị không dừng lại ở thành tích đạt được. Cùng thời gian này sư đoàn trưởng Hoàng Anh Tuấn được Bộ Tư lệnh Quân khu điều về làm Tham mưu trưởng Quân khu. Đồng chí Nguyễn Chơn, sư phó được cấp trên đề bạt làm sư trưởng. Sau khi trung đoàn 31 hành quân vào Nậm Bạc trở lại chiến trường Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh sư đoàn 2 nhận tiếp lệnh của Bộ Quốc phòng, lệnh cho sư đoàn 2 sắp xếp cử một đoàn cán bộ từ cấp tiểu đoàn trưởng trở lên đến sư đoàn, do đồng chí Nguyễn Chơn, sư trưởng, Bùi Tùng phó chính ủy sư đoàn dẫn đầu lên đường trở lại Tây Nguyên, chuẩn bì kế hoạch tác chiến, còn đại bộ phận sư đoàn tiếp tục huấn luyện chờ lệnh mới của Bộ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #85 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2010, 06:45:06 am »

CHIẾN DỊCH PHẢN CÔNG
ĐƯỜNG 9 - NAM LÀO

Một trong những sai lầm của các chiến lược gia quân sự Mĩ là chủ quan, họ cho rằng mở rộng chiến tranh sang hai nước Campuchia và Lào, chiếm giữ các vị trí chiến lược, liên minh các lực lượng phản động khu vực để đàn áp phong trào cách mạng trên bán đảo Đông Dương, triệt đường tiếp tế của cách mạng miền Nam trên hai hướng: Qua cảng Si-Ha-Núc-Vin (Campuchia) và đường chiến lược Trường Sơn qua đường số 9 - Nam Lào là có thể hoàn thành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, thay “màu da trên xác chết” ở chiến trường miền Nam. Họ cho làm được việc đó quân ngụy sẽ mạnh lên.

Đầu năm 1970, đế quốc Mĩ mở cuộc càn lớn lấy tên là ”Chen la 1” xua quân ngụy Sài Gòn tràn sang biên giới Campuchia đánh chiếm cảng Si-Ha-Núc-Vin.

Đầu năm 1971, đế quốc Mĩ tiến hành cuộc phiêu lưu quân sự mới: triển khai cuộc càn mang tên “Lam Sơn 719”. Kế hoạch nay đánh sang đường 9 - Nam Lào có tầm quan trọng đặc biệt đối với Mĩ - ngụy trong điểm “nút” của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Nếu cuộc càn quét này thành công, chúng cắt đứt được hành lang chiến lược, bịt nốt con đường tiếp tế từ miền Bắc theo đường Trường Sơn vào miền Nam, coi như thực hiện được mục tiêu bóp chết cách mạng miền Nam. Cuộc càn quét này còn nhằm mục đích đưa quân ngụy miền Nam ra thực nghiệm trong cuộc đọ sức với chủ lực của ta ở miền Bắc, tập luyện cho quân ngụy thành lực lượng nòng cốt của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh.

Để thực hiện tham vọng đó, Mĩ - ngụy tập trung một lực lượng lớn gồm tất cả các lực lượng dự bị chiến lược và lực lượng cơ động của quân đoàn, thuộc Quân khu 1 của ngụy, có sự chi viện tối đa của hỏa lực và không quân Mĩ. Ngoài ra còn có một bộ phận bộ binh và thiết giáp của Mĩ phối hợp tác chiến hỗ trợ ở phía Nam (địa bàn Quân khu 1 từ bờ nam sông Bến Hải vào đến dốc Sỏi). Tính ra lực lượng Mĩ - ngụy tham gia cuộc hành quân càn quét này có:

Sư đoàn 1, các sư đoàn dù và thủy quân lục chiến, liên đoàn biệt động quân gồm 42 ngàn tên (trong số này có 6 ngàn quân Mĩ), 2 lữ đoàn thiết giáp (464 xe tăng và xe bọc thép các loại), 11 tiểu đoàn pháo binh ngụy, 5 tiểu đoàn pháo binh Mĩ (258 khẩu pháo các cỡ), 700 máy bay (có 300 máy bay phản lực chiến đấu, 300 máy bay lên thẳng, 100 các loại máy bay khác). Lực lượng lúc cao nhất của chúng là: 55 ngàn tên (có 15 ngàn tên Mĩ) bao gồm 12 trung đoàn, 3 lữ đoàn quân ngụy, 3 lữ đoàn quân Mĩ, 578 xe tăng và xe thiết giáp, 318 đại bác từ 105mm trở lên, 1.000 máy bay các loại. Ngoài ra còn có 9 tiểu đoàn quân ngụy Lào phối hợp hoạt động ở phía tây đường số 9 - Mường Khương.

Theo kế hoạch của địch, cuộc càn quét đánh phá sang đường số 9 - Nam Lào sẽ chia thành 3 giai đoạn:

- Từ 30/01/1971 đến 08/02/1971 (nhằm ngày 04 Tết đến 13 tháng Giêng âm lịch), triển khai chiếm lĩnh bàn đạp Tà Cơn, Khe Sanh, Lao Bảo.

- Từ mồng 08/02 đến 14/02/1971, tiến công chiếm các mục tiêu: Bản Đông, Sêpon, lập tuyến ngăn chặn nhằm cắt đôi 3 nước Đông Dương.

- Từ 14/2 đến đầu tháng 5/19871, chuyển xuống phía nam đánh phá kho tàng của ta trong các khu vực Sa Di, Mường Noọng, A Túc, A Sầu, A Lưới.

Khi địch tập trung lực lượng chuẩn bị vượt biên giới, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nêu rõ quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân là: “Tập trung lực lượng, kiên quyết tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mĩ - ngụy, bảo vệ bằng được con đường chi viện cho tiền tuyến, phối hợp với các chiến trường, với nhân dân các nước Lào, Campuchia anh em, đập tan hành động phiêu lưu quân sự của đế quốc Mĩ và tay sai”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #86 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2010, 06:46:22 am »

Quán triệt chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam chủ trương mở chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào. Đây là một chiến dịch có ý nghĩa như một trận quyết chiến chiến lược trên một diện rộng. Lực lượng tham gia chiến dịch của quân đội ta gồm:

Binh đoàn B70 (gồm các sư đoàn chủ lực 308, 304, 320 và một số trung đoàn độc lập, các đơn vị binh chủng kĩ thuật) lực lượng của Bộ Tư lệnh đoàn 559, sư đoàn 324 và sư đoàn 2 Quân khu 5.

Với một khí thế mới, với một lòng tin và quyết tâm của toàn sư đoàn, với một tinh thần dũng cảm và quyết thắng, đội hình sư đoàn 2, lúc này, có 2 trung đoàn (trung đoàn 1 và trung đoàn 141 và các đơn vị trực thuộc). Trước khi triển khai đội hình đánh địch, tôi trực tiếp cầm điện thoại báo cáo với Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cơ quan của Bộ Tổng tham mưu: “Sư đoàn đang triển khai đội hình với 2 trung đoàn 141 và trung đoàn 1, riêng trung đoàn 31 đã trở lại chiến trường Tây Nguyên theo lệnh của Bộ”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời ngay qua điện thoại: “Bộ sẽ điều bổ sung trung đoàn 64 vò đội hình sư đoàn 2. Trung đoàn 64 do đồng chí Khuất Duy Tiến, chỉ huy, trong nội nhựt ngày N sẽ đến tọa độ K, đề nghị sư đoàn cho trinh sát đón đợi”.

Tôi mừng quýnh, quên trả lời chào đồng chí Tổng Tư lệnh, liền cho bộ phận trinh sát đi đón trung đoàn 64. Sư đoàn nhận mệnh lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận triển khai đội hình đánh địch trên 2 hướng: Trung đoàn 141 cho một tiểu đoàn triển khai đội hình từ Phu-đơ-tuyn đến Pha Lan - Mường Noọng, trước khi quân ngụy Sài Gòn càn sang đường số 9 và sẵn sàng đánh tan quân địch trong khu vực Sa di - Tam Luông, Mường Noọng. Hai tiểu đoàn còn lại của trung đoàn 141 nhanh chóng cơ động vềphía bắc điểm cao 1180, sẵn sàng đánh quân ngụy Lào (quân ngụy Lào lúc này theo lệnh Mĩ đưa lực lượng đến khu vực điểm cao 1188 phối hợp với quân ngụy Sài Gòn thực hiện đánh sau lưng đội hình chiến dịch của ta).

Trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia) và các đơn vị trực thuộc của sư đoàn kiên quyết chặn đánh, nếu quân địch ngoan cố đổ xuống Sêpon, thì không cho chúng nối liền Bản Đông với Tà Khống.

Lần đầu tiên tác chiến hợp đồng binh chủng trong đội hình chiến dịch lớn, gồm nhiều sư đoàn và các đơn vị pháo binh, cao xạ, thiết giáp được bảo đảm đầy đủ về trang bị kĩ thuật, toàn sư đoàn đều phấn khởi và quyết tâm thi đua lập công.

Để bộ đội phấn khởi ra quân đầu năm, Bộ Tư lệnh sư đoàn chủ động tổ chức cho bộ đội ăn Tết Tân Hợi mừng xuân. Noi gương Quang Trung Nguyễn Huệ cho quân ăn Tết trước khi giành thắng lợi ở Thăng Long.

Quyết tâm chiến đấu của toàn sư đoàn được Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh mặt trận thông qua và ra lệnh cho sư đoàn triển khai chiến đấu trước khi quân Mĩ - ngụy vượt biên giới càn sang đất Lào.

Ngày 08/02/1971 (nhằm ngày 13 tháng giêng Tân Hợi), quân ngụy bắt đầu vượt biên giới Việt - Lào.

Cánh quân thứ nhất của chúng do chiến đoàn dặc nhiệm, gồm lữ đoàn 1 quân dù và 2 thiết đoàn số 11và 17 theo đường số 9 đánh sang. Trong lúc đó, tiểu đoàn 9 của lữ đoàn dù dùng máy bay lên thẳng đổ quân đánh chiếm Bản Đông. Cùng lúc, 2 cánh quân bảo vệ sườn bắc và sườn nam của địch cũng ồ ạt đánh chiếmcác mục tiêu theo kế hoạch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #87 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2010, 06:47:00 am »

Địch vừa đổ quân, tiếng súng diệt địch của các chiến sĩ ta lập tức vang lên quyết liệt trên một diện rộng hàng chục km từ làng Sen đến điểm cao 500 ở bắc đường 9, vào đến Mường Noọng, Tam Luông và suốt từ Lao Bảo đến Bản Đông. Ở đâu cũng có lực lượng của ta nổ súng phủ đầu bọn địch khi cúng vừa đặt chân đến.

Với sự tính toán chủ quan, bọn chỉ huy cuộc càn quét dự kiến trong giai đoạn đầu chúng chỉ phải đối phó với lực lượng bảo vệ hành lang và kho tàng của binh đoàn vận tải chiến lược 559, quân chủ lực của ta không thể cơ động đến trước lúc chúng đạt được ý đồ của cuộc càn quét. Nhưng chủ lực ta đã bố trí sẵn và xuất hiện ngay từ đầu. Đây là bất ngờ lớn nhất đối với chúng. Thất bại trong đấu trí chiến lược, đã dẫn địch từ chỗ chủ động tiến công sang bị động đối phó.

Sau 23 ngày chiến đấu liên tục, ta đã bẻ gãy hoàn toàn cánh quân bảo vệ sườn phía bắc, tiêu diệt lữ đoàn quân dù số 3, thiết đoàn 17, đánh thiệt hại nặng liên đoàn 1 biệt động quân. Kế hoạch xây dựng các căn cứ hỏa lực để chi viện cho cánh quân chủ yếu của địch tấn công Sêpon bị đập tan.

Ở phía nam, ngay trong ngày đầu, lực lượng bảo vệ hành lang đã đánh địch ở Cô Bốc và điểm cao 550, bắn rơi 12 máy bay lên thẳng, tiêu diệt một đại đội và đánh thiệt hại nặng một đại đội khác của địch. Tiếp theo lực lượng cơ động của ta lại diệt gọn tiểu đoàn 2, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 3, trung đoàn 3, sư đoàn 1 ngụy.

Cánh quân phía bắc bị bẻ gãy. Cánh quân phía nam không phát triển được. Trong lúc đó cánh quân chủ yếu của địch cũng bị quân ta chặn đánh quyết liệt ở Hội San, cầu Ka Ki.

Trước tình thế đó, bọn chỉ huy cuộc càn quét của địch phải cho cánh quân chủ yếu dừng lại ở Bản Đông.

Hợp đồng chiến đấu theo kế hoạch chung của toàn mặt trận, trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia), cùng các đơn vị bạn chốt giữ, chặn đánh các toán quân địch nống ra phía tây Bản Đông. Ở phía nam, trung đoàn 141, sau khi hoàn thành nhiệm vụ bẽ gãy cánh quân ngụy Lào, đã nhanh chóng cơ động về khu tam giác Sa Di - Tam Luông - Mường Noọng, trung đoàn đã liên tục chặn đánh và diệt trên 400 quân của trung đoàn 1 ngụy, bắn rơi 20 máy bay lên thẳng.

Bị thất bại ngay từ đầu, nhưng để vớt vát ảnh hướng về chính trị, phô trương và nghi binh để rút quân. Ngày 03/3, máy bay lên thẳng của chúng lần lượt bốc và đổ sư đoàn 1 của ngụy xuống các điểm cao: 660, 723, 748 ở phía nam đường 9. Sau khi tạo được bàn đạp, ngày 06/3 địch cho máy bay lên thẳng đổ 2 tiểu đoàn của trung đoàn 1 (sư đoàn 1 ngụy) xuống đông bắc Sêpon.

Sêpon là một thị trấn lớn ở miền trung nước Lào, nằm trong một tung lũng rộng, được bao bọc bởi những dãy núi cao từ 400m đến hơn 1.000. Con sông Sêpon và đường 9 chạy dọc theo ven thị trấn từ đông sang tây, vừa tạo nên vẻ đẹp thiên nhiên non nước hữu tình, vừa thuận lợi cho giao thông thủy bộ. Vì vậy, thị trấn Sêpon trở thành một trong những trọng điểm đánh phá của không quân Mĩ. Theo kế hoạch, 2 tiểu đoàn của trung đoàn 1 ngụy, sau khi đổ bộ xuống đây sẽ bí mật luồn vào Sêpon đánh chiếm thị trấn. Tiếp đó, máy bay lên thẳng của chúng sẽ chở các phóng viên báo chí, vô tuyến truyền hình đến, tổ chức cuộc họp báo đưa tin, tuyên truyền chúng đã chiếm được Sêpon. Nhưng bọn đổ bộ quá hốt hoảng trước lưới lửa phòng không của quân ta, nên không một phóng viên nào dám đến Sêpon. 2 tiểu đoàn quân ngụy chỉ mới đến cách Sêpon 1km cũng vội vã tháo chạy qua sông Sêpon để nhập với đồng bọn ở điểm cao 748m.

Trong lúc đó, bọn địch ở đường số 9 đã chuyển sang phòng thủ giữ Bản Đông, ngăn chặn sức tiến công của ta từ phía Bắc vào, đồng thời ra sức giải tỏa đường số 9. Từ tiến công, địch phải chuyển sang phòng ngự và chuẩn bị rút quân. Thời cơ phản công đánh bại hoàn toàn cuộc càn quét của địch đã đến. Đảng ủy và Bộ Tư lệnh mặt trận đường 9 Nam Lào kịp thời hạ lệnh chuyển thế tiến công địch trên toàn chiến trường.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #88 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2010, 06:49:05 am »

TỪ VÂY, LẤN, TẤN, PHÁ, TRIỆT, DIỆT
TRUNG ĐOÀN 1 (SƯ ĐOÀN 1 NGỤY
TẠI ĐIỂM CAO 723m TRÊN DÃY NÚI PHÚ RỆP…

Dãy núi Phú Rệp có 4 điểm cao liên hoàn là điểm cao 680, 748, 639, 657. Riêng điểm cao 723 ở dãy núi Phú Rệp, nằm ở phía nam con đường 9 và cách thị trấn Lao Bảo khoảng 15-17km theo đường chim bay có ưu thế về nhiều mặt. Dưới chân núi Phú Rệp là con đường Sêpon, quanh nằm nước sông đầy ắp, tắm mát các vườn cây ăn quả, ngô lúa tốt tươi, nơi sinh sống của một bộ phận dân tộc Lào anh em giữa đôi bờ dòng sông thơ mộng, gắn với lịch sử hào hùng của cách mạng Lào.

Điểm cao 723, như một pháo đài tiền tiêu giữ một thung lũng bao quanh là núi cao trùng điệp. Điểm cao 127 có ưu điểm về mặt chiến thuật, khống chế được đường số 9 và toàn bộ bờ nam sông Sêpon, cũng như đường vận chuyển 35 của binh đoàn 559. Đây là điểm cao phòng ngự phía tây của Bản Đông. Bên nào chiếm được điểm cao 173, sẽ khống chế được hệ thống phòng ngự phía nam đường số 9. Chiều dài của điểm cao 123 là 150m, chiều rộng 80m. Bề mặt của điểm cao 725 đồi trọc, phía bắc và phía đông dốc thẳm hiểm trở, phía đông nam và tây nam sườn dốc thoai thoải. Từ chân dốc lên đến nửa thân dốc là rừng le, từ nửa thân dốc chạy lên đến đỉnh phía bắc là rừng già đại ngàn - Tiếp giáp với chân dốc Nguyễn Chí Thanh(1) thuận lợi cho việc tổ chức bố trí bộ binh, phát huy và hiệu chỉnh hỏa lực cối, pháo phòng không.

Sau hơn một tháng, Mĩ - ngụy mở cuộc càn đường 9 Nam Lào, chúng bị các lực lượng của quân ta tiêu diệt, bẻ gãy nhiều mũi tấn công, buộc chúng phải thay đổi thủ đoạn chiến thuật: Dừng quân, chuyển thế phòng ngự. Ngày 03/3/1971 (nhằm ngày 07 tháng 02 năm Ất Hợi), quân địch trong thê đội 2, là sư đoàn 1 ngụy ở Cô Bốc vào tham gia cuộc càn đường 9 Nam Lào, thay thế cho lực lượng cánh nam bị quân ta đánh thiệt hại nặng. Trong 3 ngày, từ ngày 03/3/1971 đến ngày 06/3/1971, chúng dùng máy bay trực thăng bốc quân của sư đoàn 1 đổ xuống các điểm cao. Trung đoàn 3 ở điểm cao 462, trung đoàn 2 ở điểm cao 748.

Sau khi kế hoạch đổ quân và họp báo ở Sêpon bị thất bại trung đoàn 2 ngụy bỏ điểm cao 748, co về điểm cao 660. Riêng trung đoàn 1 ngụy, sau khi đổ xuống điểm cao 723, chúng đã hoàn chỉnh cụm đóng quân phòng thủ tại đây.

Trong lúc đó, đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường của sư đoàn 2 Quân khu 5, do sư trưởng Nguyễn Chơn, dẫn đầu vừa đến trạm tiền phương mặt trận Tây Nguyên, chưa ăn hết bữa cơm thì gặp đồng chí Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên Hoàng Minh Thảo, chưa được đồng chí Tư lệnh giao nhiệm vụ thì gặp được tin sư đoàn 2 đã bước vào chiến đấu ở đường 9. Lúc ấy, Tư lệnh Quân khu 5 đã điện cho Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, cho đoàn cán bộ sư đoàn 2 cấp tốc hành quân trở ra đường 9 - Nam Lào. Nhiệm vụ vô cùng cấp bách, đoàn cán bộ sư đoàn 2 ở Tây Nguyên chấp hành mệnh lệnh, hành quân trở ra đường 9 - Nam Lào. Đói thì bộ đội ăn lương khô, khát thì uống nước suối, không kể trời mưa hay nắng, tất cả cán bộ trong đoàn đều bôn tập để nhanh chóng trở về đội hình sư đoàn với một ý chí thần tốc. Khi vào anh em đi đến 35 ngày, khi trở ra đoàn rút ngắn lại 18 ngày. Có khi các đồng chí đã đi 2 binh trạm, có đêm không ngủ. Ngày 03/3/1971, đoàn cán bộ cấp trưởng của sư đoàn đều có mặt ở đơn vị đúng vào lúc đội hình sư đoàn chuyển sang giai đoạn: Vây, lấn, tấn, phá, diệt, trung đoàn 1 (sư đoàn 1 ngụy) tại điểm cao 723. Trong cuộc họp của Bộ Tư lệnh sư đoàn, phương án đánh địch của sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn, được hội nghị nhất trí thông qua. Mục tiêu trước tiên là tập trung lực lượng tiêu diệt thật nhanh trung đoàn 1 ngụy ở điểm cao 723. Tiếp theo là trung đoàn 2 ngụy ở điểm cao 660.

Cuộc họp Bộ Tư lệnh sư đoàn vừa kết thúc, từ Bộ Tư lệnh mặt trận, đồng chí Lê Trọng Tấn, Tư lệnh mặt trận điện xuống cho sư đoàn. Thấy cần thiết cho toàn thể cán bộ tham mưu sư đoàn quán triệt lệnh của cấp trên, tôi ấn nút loa “tập thể”. Tiếng của Tư lệnh mặt trận vang lên: “Đồng chí Chơn và đồng chí Chương chú ý: Đánh cao điểm 723 bằng đặc công thì không đánh theo kiểu cũ, mà phải đánh dập đầu quân địch ngay từ loạt đạn đầu. Cách đánh đó, là sử dụng đặc công luồn sâu, lót sẵn đánh diệt chỉ huy sở, diệt trận địa pháo của địch, rồi dùng lực lượng bộ binh tấn công ồ ạt, áp đảo quân địch, không cho chúng kịp phản ứng. Đó là yêu cầu của cách đánh đặc công trong trận này. Hai đồng chí chú ý. Chúc sư đoàn 2 giành thắng lợi”.


(1) Khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên đường vào Nam dừng chân nghĩ lại nơi đây. Về sau bộ đội gọi là dốc Nguyễn Chí Thanh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #89 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2010, 06:51:22 am »

Triệu chứng tháo chạy của địch ở điểm cao 723 thật rõ ràng. Từ sở chỉ huy, sư đoàn tôi giữ liên lạc ngày đêm đôn đốc các đơn vị khẩn trương bám địch. Ngày 08/3. tiểu đoàn công binh và tiểu đoàn đặc công bí mật vượt sông Sêpon, lót sẵn ở phía đông bắc điểm cao 723.

Ngày 13/3, vòng vây của sư đoàn 2 quanh điểm cao 723 đã hình thành. Số phận trung đoàn 1 ngụy đã được quyết định.

Ngay từ ngày đầu cuộc càn quét, trung đoàn 1 ngụy, bị trung đoàn 141 do trung đoàn trưởng Đỗ Châu Sa và Chính ủy Nguyễn Hào chỉ huy đã tiêu diệt 400 tên ở khu vực phía nam đường 9. Khi “nhảy cóc” đến điểm cao 723, chúng lại bị 15 chiến sĩ của tiểu đoàn công binh, do trung đội trưởng Nguyễn Duy Đông, chỉ huy đánh phủ đầu diệt thêm 60 tên, bắn rơi 5 máy bay lên thẳng. Đêm 06/3, tiểu đoàn 10 đặc công, lại tập kích diệt thêm 250 tên, phá hủy 5 đại bác và súng cối 106,7mm. Bị đánh liên tục, bị tiêu hao, căng thẳng, mệt mỏi lại ở thế bị cô lập, nên phần lớn quân địch còn lại đều hoang mang, dao động. Liên tục trong 3 ngày 13, 14, 15/3 các loại hỏa lực của sư đoàn 2, từ cối 82mm, đến DKZ 75 và pháo tự hành D74, cối 106,7mm liên tục bắn phá làm hỏng phần lớn công sự mới đào của chúng. Hỏa lực phòng không của sư đoàn khống chế và kiểm soát chặt chẽ khu vực điểm cao 723, không cho một máy bay lên thẳng nào của địch mon men đến gần, làm cho bọn địch ở điểm cao 723 ngày càng thêm dao động. Bọn chỉ huy trung đoàn 1 ngụy liên tục điện kêu cứu cấp trên của chúng, nhưng sự chi viện của máy bay lên thẳng vẫn bặt tin, chỉ có bọn máy bay phản lực gầm rú thả bom và máy bay B52 liên tục rải thảm vòng ngoài điểm cao 723. Nhận thấy thời cơ dứt điểm đã đến. Đêm 15/3, sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn, từ trung đoàn Ba Gia vượt rừng về sở chỉ huy sư đoàn.

1 giờ 30’ ngày 16/3, hội nghị Thường vụ Đảng ủy, sau khi soát xét diễn biến chiến đấu trong 3 ngày qua và kiểm tra lần cuối kế hoạch của các đơn vị “đón lõng”. Sư đoàn trưởng ra lệnh nới vây và giao cho trung đoàn 1, chậm nhất là đến đêm 17/3 phải tiêu diệt xong trung đoàn 1 ngụy, đồng thời ra lệnh cho đồng chí Lê Lung (sau này là Thiếu tướng) phó Chính ủy trung đoàn 1 đưa đơn vị đón sẵn, chờ địch.

Thấy vòng vây của quân ta có chỗ hở, trung đoàn 1 ngụy ở điểm cao 723 vội vàng tháo chạy. Mờ sáng ngày 16.3, đài quan sát pháo binh báo về sở chỉ huy: “Địch ở điểm cao 723 đang chạy về hướng đông bắc”.

Từ sở chỉ huy, sư đoàn trưởng nhận định: “Địch đã đi theo đúng ý định của ta. Pháo binh lập tức bắn chặn các ngả đường, buộc địch phải đi vào các khu vực đã định sẵn của đơn vị đón lõng”. Trong khi đó có 2 tiểu đoàn của trung đoàn 141 từ các sườn núi cao được lệnh đánh xuống, kẹp chặt toàn bộ quân địch vào giữa. Cùng lúc tiểu đoàn 40 của trung đoàn Ba Gia vận động đánh cắt ngang sườn đội hình của bọn tháo chạy.

Mệnh lệnh: “Nắm thắt lưng địch mà đánh” được các chiến sĩ trung đoàn 1 và trung đoàn 141 vận dụng chuẩn xác. Từ 3 hướng, bộ đội ta xung phong mãnh liệt vào đội hình rối loạn của quân địch. Trung đội trưởng Lê Văn Phê, của tiểu đoàn 40 dẫn đầu 9 chiến sĩ dũng cảm, khôn khéo dùng lưỡi lê AK đánh gần diệt hơn 40 tên địch. Riêng Lê Văn Phê, diệt 26 tên. Trung đội phó Nguyễn Trọng Thảo và 6 chiến sĩ của tiểu đoàn 15 công binh chốt chặn ở một đoạn đường mìn, đánh bật 6 đợt liều mạng phá vây diệt tại chỗ hàng chục tên. Càng về trưa mặt trời càng gay gắt. Cao nguyên nam Lào khói bom, bụi đất khét nồng, bom pháo rung chuyển không ngừng. Từng tốp máy bay phản lực của Mĩ gầm rú điên cuồng, chui qua lưới lửa phòng không của ta cắt từng chùm bom napan xuống trận địa hừng hực, cây, đá, lá rừng tưởng như chảy trong sức nóng của lửa. Vòng vây của ta vẫn xiết chặt, 11 giờ ngày 16/3, tiểu đoàn 1 của địch đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Lực lượng cúa chúng còn đông, nhưng tinh thần đã tan rã. Trước tình hình đó, sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn đề xuất ý kiến: “Cán bộ sư đoàn tăng cường chỉ huy trực tiếp các đơn vị đẩy nhanh tốc độ tiến công, nhanh chóng tiêu diệt trung đoàn 1 ngụy. Chuyển tiểu đoàn 60, tiểu đoàn 90 của trung đoàn 1 và tiểu đoàn 3, của trung đoàn 64, cùng bộ phận hỏa lực bôn tập và vây ép trung đoàn 2 ngụy ở điểm cao 660. Khi trung đoàn quân giải phóng dứt điểm trung đoàn 1 ngụy xong, sẽ chuyển sang vây lấn, tấn, diệt trung đoàn 2 ngụy tại điểm cao 660”. Các đơn vị lập tức chấp hành mệnh lệnh của sư đoàn. Chủ trương nhạy bén, sáng suốt và táo bạo đó đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi. Một số ý kiến nêu lên với sư đoàn: “Như vậy có mạo hiểm không, có phân tán lực lượng không? Tập trung tiêu diệt trung đoàn 1 ngụy xong, sẽ chuyển sang vây điểm cao 660 có gì là muộn? Đánh như vậy có thực hiện đúng phương châm: Đánh chắc, thắng nhanh, diệt gọn từng đơn vị địch… như nghị quyết của Đảng ủy sư đoàn đề ra không?”
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM