Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 06:51:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chỉ một con đường  (Đọc 90132 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 06:37:52 am »

Phát huy chiến thắng Đăckpơ đường 19, lực lượng trung đoàn 120 và bộ đội địa phương tiếp tục bao vây huyện lị Cheo Reo, cắt đường 14. Ngày 15 tháng 7 quân ta pháo kích vào Cheo Reo. Lo sợ bị tiêu diệt, quân địch bị bao vây ở Pleiku mở đường máu tháo chạy, chúng sa vào trận địa phục kích của ta ở ChưĐrek, ta phá hủy 62 xe cơ giới, diệt 300 tên bắt sống thêm 200 tên địch. Hai đại đội 54 và 58 do đồng chí Nguyễn Hữu Trình, tham mưu trưởng trung đoàn 120 chỉ huy truy kích và lùng bắt quân địch chạy về Đăkpơ và Mang Giang, đồng thời tiếp tục bao vây địch ở Herel, cho pháo 105 li của Quân khu tăng cường, lấy tọa độ bắn vào Herel lần thứ hai thì đơn vị này nhận được lệnh của Quân khu: “Thôi tấn công quân địch ở Herel”. Đại đội pháo 105 của Quân khu được lệnh rút về Quảng Ngãi, hai đại đội 54, 68 được lệnh về tiếp quản An Khê. Lúc này ngoài công tác địch vận giáo dục tù hàng binh, tôi còn được trung đoàn bổ sung làm ủy viên Ban quân quản huyện An Khê.

Ngày 20 tháng 7 1954, Hội nghị Giơnevơ về Đông dương kết thúc. Hiệp định đình chiến ở Việt Nam và Đông Dương được kí kết. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi. Chào mừng thắng lợi Đăkpơ, Chưdrek và để ghi dấu ấn trong lòng đồng bào, trong khi chuyển quân đi tập kết, trung đoàn 120 tổ chức diễu hành mừng chiến thắng ở chân núi Hòn Công huyện An Khê. Mặc cho trời mưa nặng hạt, hàng nghìn đồng bào Kinh Thượng trong huyện An Khê thức đêm chờ sáng dự diễu binh mừng chiến thắng. Lực lượng trung đoàn 120 trong quân phục xita màu xám quen thuộc, vũ khí trang bị đầy đủ, bộ đội địa phương An Khê quần soóc áo cánh, dân quân du kích áo ló, trang bị cung tên giáo mác hiên ngang đều bước trên quốc lộ 19 đồng ca vang bài Tiến quân ca. Đường 19, mảnh đất quê hương yêu thương thắm máu của đồng bào, đồng chí bừng lên trong ngày vui chiến thắng, giàn cồng chiêng của đồng bào Ba Na vang động, cờ đỏ sao vàng dương cao phất phới như thắp sáng cả môt vùng trời. Đêm về, buổi chiếu phim về tình quân dân, về Tây Nguyên bất khuất, về anh bộ đội cụ Hồ và chiến thắng của quân và dân ta trên khắp mọi miền đất nước được thuyết minh bằng tiếng dân tộc Ba Nam và đêm văn nghệ liên hoan, âm vàng bài ca “An Khê chiến thắng” đã làm nức lòng bà con:

An Khê bao năm căm hờn
Xích xiềng đời nô lệ
An Khê hôm nay tưng bừng niềm vui chiến thắng trào dâng.


Và những bài ca tiễn đưa, dặn dò của những cô gái Ba Na với cán bộ chiến sĩ trung đoàn 120 cũng được dịp thổ lộ:

Xa nhau dù nắng dù mưa, cũng đừng quên chuyện cũ,
Cách nhau dù mấy núi, cũng đừng quên làng xưa…

(Dân ca Xê Đăng)

Bây giờ anh ra Bắc, nơi có Cụ Hồ làm mẹ làm cha
Bây giờ anh đi xa nhớ làng xưa người cũ
Nước có nguồn, cây có cội, đừng mau quên rừng núi anh ơi!


Đó là những bài ca, tiếng hát cất lên từ những trái tim chất chứa yêu thương trong đêm liên hoan văn nghệ chào mừng chiến thắng, ghi dấu ấn kỉ niệm tiễn đưa nhau, kẻ ở người đi, tạm biệt nhau hẹn ngày gặp lại. Và còn biết bao những cuộc tạm biệt âm thầm của tổ chức, các đồng chí lãnh đạo với các cơ sở của trung đoàn do yêu cầu bí mật của nhiệm vụ. Theo chủ trương của trên lúc bấy giờ tôi được biết, Ban chỉ huy trung đoàn 120 chọn khoảng 300 cán bộ chiến sĩ, những người có lập trường chiến đấu kiên định, có phẩm chất cách mạng trong sáng, bí mật ở lại không đi tập kết, các anh chôn dấu vũ khí, chuẩn bị tư tưởng tiếp tục chịu đựng tường kì gian khổ, bám dân xây dựng cơ sở, sẵn sàng đón thời cơ cho cuộc chiến đấu tiếp teo. Việc chuẩn bị bí mật này và sự hi sinh của các đồng chí ở lại, cùng với thời gian chỉ có cây rừng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mới biết và ghi nhận hết chiến công thâm lặng của họ mà thôi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 06:42:01 am »

Công việc trong ngay chiếm quá nhiều thời gian và vất vả, tôi tưởng chừng không dứt ra được. tại trụ sở Ủy ban quân quản huyện An Khê, tôi được lệnh phối hợp hoàn thành thủ tục danh sách tù hàng binh để trao trả cho đối phương. Công việc trao trả chỉ con chờ lệnh trên thì được lệnh triệu tập về trung đoàn bộ dự họp. Cuộc họp được tiến hành trong tác phong quân sự. Đồng chí Trương Công Minh, tức Trương An - nguyên xứ ủy Trung Kì (1939-1942) Bí thư tỉnh ủy GiaKon, kiêm chính ủy trung đoàn 120 bắc Tây nguyên, trịnh trọng khai mạc hội nghị, phổi biến thắng lợi của quân và dân ta ở chiến trường Điện Biên Phủ. Đồng chí nói: “Sau 55 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” chiến đấu liên tục, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm do Tướng Đờ Cát cầm đầu. Ngoài số quân địch bị tiêu diệt trong 55 ngày đêm ta còn bắt sống hơn 16.000 tên địch, tịch thu toàn bộ trang thiết bị chiến tranh của chúng ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Cuộc tấn công chiến lược Đông Xuân 19553-1954 của quân ta đã kết thúc bằng chiến thắng vĩ đại. Chiến thắng ở Điện Biên Phủ cùng với chiến thắng Đông Xuân 1953-1954 của quân và dân ở mọi miền đất nước đã mở ra cục diện chủ trương mới, buộc thực dân Pháp phải kí hiệp định Giơnevơ, ngày 20 tháng 7 năm 1954. Những kế hoạch quân sự đầy tham vọng của hai tên đế quốc Pháp và can thiệp Mĩ liên tục bị phá sản. Trên chiến trường Liên khu 5, chiến dịch Atlăng của quân Pháp đã cũng đã thất bại cay đắng. Bằng trận tiêu diệt binh đoàn GM100 Korea trên đường 19 An Khê không để một tên nào trốn thoát. Đè bẹp và đánh tan âm mưu xâm lược của thực dân Pháp…”. Nói đến đây đồng chí chính ủy Trương Công Minh, bỗng hạ thấp giọng - ông trân trọng từng lời: ”Chín năm gian khổ đói cơm lạt muối, tự lực cánh sinh, trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi đã trở thành hiện thực. Chiến công này là xương máu của đồng bào, đồng chí chúng ta trong 3.000 ngày, gian khổ mới làm nên. Chiến tranh đã chuyển giai đoạn từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị. Theo hiệp định Giơnevơ thì quân đội và chính quyền của ta tập kêt ra phía Bắc đất nước để học tập và xây dựng. Vĩ tuyến 17, giữa hai bờ bắc và nam sông Bến Hải là đường ranh giới tạm thời chia cắt đất nước ta trong hai năm. Ở miền Nam do quân Pháp quản lí. Đến năm 1956, hai miền sẽ tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Diễn biến tình hình còn phức tạp, đề phòng quân giặc tráo trở, cấp trên ra lệnh Đảng ủy và Ban chỉ huy trung đoàn họp mặt các đồng chí để quán triệt tư tưởng, kiên định lập trường và mài sắc ý chí để chúng ta sẵn sàng cùng bước vào giai đoạn chiến đấu mới”. Đồng chí chính ủy trung đoàn đọc một bài thơ có ý khẳng định và minh họa thực tiễn cách mạng. Tôi không biết bài thơ của tác giả nào, nhưng tháng năm đi qua đến nay tôi vẫn còn nhớ như in:

Trong lịch sử bốn ngàn năm dựng nước
Bốn ngàn năm ấy máu đắp giang sơn
Bốn ngàn năm tranh đấu để sinh tồn
Không khuất phục kẻ thù khi thất bại
Không kiêu căng khinh địch lúc thành công
Trước khó khăn nguy hiểm chẳng sờn lòng
Trong chia cắt vẫn không tàn lửa dũng…

Trong thâm tâm chúng tôi mỗi người theo đuổi một ý nghĩ mông lung khi trên đường trở về đơn vị. Tôi vừa đến Ban chính trị trung đoàn, đồng chí chủ nhiệm chủ trương trung đoàn Võ Đông Giang(1) gọi tôi lại đưa tờ giấy và nói nhỏ: “Đồng chí giao lại danh sách tù binh cho tôi quản lí, đồng chí được thủ trưởng trung đoàn cho đi phép về thăm gia đình ở Quảng Nam. Đến ngày quy định trong giấy phép đồng chí hãy mau trở lại đơn vị để cùng anh em sắp xếp xuống tàu ra Bắc tập kết”. Tôi chưa biết nói gì, cầm tờ giấy phép mà lòng như rộn lên niềm vui, vừa bâng khuâng, vừa phấp phỏng một nỗi lo lắng khó diễn đạt được trong lúc này. Thế là tôi phải đi xa, phải rời mảnh đất ân tình Tây Nguyên với những ngày gắn bó máu thịt và xa cả nơi “chôn rau cắt rốn” quê hương tôi.

Sáng hôm sau tôi lên đường rất sớm.


(1) Đồng chí Võ Đông Giang, Phó bí thư tỉnh ủy Gia Lai, kiêm Chủ nhiệm chính trị trung đoàn 120 sau này là Bộ trưởng ngoại giao CHXHCN Việt Nam.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 06:44:21 am »

CHƯƠNG III

TÌNH NON NƯỚC - NGHĨA ĐỒNG BÀO

Nhờ chiếc xe đạp mà tôi rút ngắn được chặng đường hơn 400km từ huyện Bình Khê, phía tây của tỉnh Bình Định về huyện Quế Sơn - quê tôi, sau 3 ngày rong duổi. Khi đến thị xã Tam Kì, tôi hăm hở tìm đến văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam để thăm các anh trong Tỉnh ủy và chạo tạm biệt để đi tập kết tho tinh thần Hiêp định Giơnevơ, nhưng tôi không gặp được ai. Hỏi ra tôi mới biết: Tỉnh ủy Quảng Nam đã giải tán cách đó 5 ngày và những người trong Tỉnh ủy đã dời chỗ ở nơi khác. Lần đầu tiên trong cuộc đời chiến đấu, từng gặp và trải qua bao nhiêu lần vui, buồn, gian khổ, nhưng lần này tôi thấy lòng mình dâng lên một nỗi buồn khó tả. Suốt trên chặng đường thiên lí, tôi đã dừng chân nhiều nơi để thăm bà con cơ sở mà trong 7 năm qua họ đã giup đỡ tôi nhiều mặt. ở đâu bà con cũng thể hiện một tình cảm vô cùng thắm thết, không thể nảo không bận lòng, như khi từ giã bà con ở Tam Kì, tay bắt mặt mừng mà nước mắt cứ rưng rưng. Và khi về lại quê nhà đến đầu ngõ, tôi đứng trên con đường thân quen một thời tuổi trẻ đã ghi nhiều kỉ niệm, lòng tôi bỗng trào lên niềm cảm xúc như đã có lần tôi viết trong nhật kí của mình:

Quê tôi đất Quế ngày xưa
Quan năm khi nắng khi mưa, dãi dầu
Li Li, khúc cạn khúc sâu
Bên bồi bên lở bể dâu bao lần.


Chỉ cách một hàng cây ven đường ngôi nhà tôi hiện ra trước mắt. Ở đó là những con người ruột thịt thân thiết của tôi. Cha tôi thì đã qua đời từ năm 1947, còn anh Sâm của tôi - một người đồng chí, trong quá khứ, khi những người cùng trang lứa với anh chưa biết cách mạng là gì, anh đã hết lòng che chở bảo bọc, cất giấu tài liệu giúp cho tôi qua mặt được bọn tay sai trong làng để hoạt động cách mạng - giờ anh cũng đã từ biệt để về cõi vĩnh hằng. Anh cả tôi từ trrước đến nay vẫn ở riêng. Ngôi nhà 3 gian từng ấp ủ tình cảm khuya sớm đi về của tôi đã bị bom thù đánh sập một mái, lâu rồi chưa được sửa chữa, cột gỗ lim đen đứng trơ giữa trời, tường vôi trắng đã bám rêu xanh. Sân gạch đỏ mọc đầy cỏ bàn, có gấu. Nhìn ngôi nhà xưa mà lòng tôi thêm chạnh. Nghe tin tôi về, anh Lộc tôi mừng rỡ đến thăm. Nhà tôi đông anh em, nhưng các chị tôi đi lấy chồng xa không có điều kiện để về họp mặt, chỉ có 3 anh em tôi chìm đắm trong niềm vui và nỗi xúc động của cuộc đoàn viên ngắn ngủi. Anh cả tôi là người Nho học nhưng lại ít quan tâm đến thời cuộc chỉ chí thú làm ăn. Anh luôn thể hiện tình cảm của một người anh đúng lúc, đúng nơi - là một con người có trách nhiệm với gia đình và dòng tộc. Mừng tôi về sau 7 năm đi xa anh nói: “Từ nay trở đi tôi cầu mong cho chú khỏe mạnh. ở chiến trường thì cần cảnh giác với hòn tên mũi đạn. Chú cố mà giữ thân chờ ngày đất nước thống nhất trở về!”. Tôi xúc động trước lời của anh cả, tôi chưa đáp lời thì anh Lộc lên tiếng có ý nhắc nhở tôi: “Hôm trước khi chú về, bọn tay sai núp bóng trong xã mình bàn nhau thành lập chính quyền theo quốc gia. Tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu, chú nên thu xếp mà đi sớm. Chú về thăm nhà một đêm như vậy là đủ rồi! Anh chị em trong gia đình biết chú còn sống, còn công tác là mừng lắm!”. Về phần tôi, kinh nghiệm công tác 5 năm trong vùng địch hậu đã cho tôi nhận định bản chất của bọn địch rõ ràng. Tôi trả lời anh Lộc: “Nói vậy chứ bọn chúng cũng phải dè chừng sức mạnh của cách mạng. Chiến thắng Điện Biên Phủ và hàng loạt chiến thắng ở miền Nam, trong đó có đơn vị anh em tham gia tiêu diệt binh đoàn GM 100 Korea trên đường 19 An Khê cũng làm cho bọn chúng rúng động. Việc cảnh giác là cần cảnh giác với bọn đảng phái phản động, khi cách mạng mạnh thì chúng nằm im, khi cách mạng gặp khó khăn thì chúng ngóc đầu dậy, trong tương lai bọn này làm đội quân tay sai đánh phá cách mạng, ta cần đề phòng và đối phó với các thủ đoạn của bọn chúng”.

Cuộc gặp lại gia đình thật ngắn ngủi trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp, tôi lại tạm biệt người thân ra đi. Tôi đạp xe lên huyện tìm đến văn phòng huyện ủy đóng trước đây, được bà con cho biết: “Huyên ủy đã giải tán và đi nơi mô chúng tôi không biết”. Hụt hẫng lần thứ 2, lòng tôi nặng trĩu nỗi nhớ bạn bè, đồng đội. Trên đường trở lại, có người nhận ra tôi ở bộ đội địa phương trước đây, bà con không ngần ngại thổ lộ tâm tư, chen lẫn nỗi lo lắng trăn trở về tương lai của cách mạng trên địa bàn huyện nhà: “Không biết khi Mĩ - Diệm đến đặt ách cai trị trên một vùng đất vốn là ùng tự do của cách mạng, rồi nhân dân và cơ sở sẽ ra sao?”. Tôi không đủ thời gian giải thích thêm về tình hình cách mạng trong tương lai, chỉ biết động viên và khuyên bà con bình tĩnh, giữ vững niềm tin vì Đảng không bao giờ xa dân. Trên đường, tôi quyết định ghé thăm hai đồng chí Ngô Tuận và Trần Huấn, tôi biết hai đồng chí được Đảng phân công ở lại làm cơ sở tổ chức hoạt động bí mật và còn có đồng chí Võ Trọng Hoàng (còn gọi là Bốn Hương) đã lên căn cứ sau đó nên tôi không gặp được. Đồng chí Ngô Tuận nói vói tôi: “Trước sau, những người được Đảng phân công ở lại xin giữ vẹn niềm tin đối với Đảng. Còn thực tế, thi thực hiện phương châm kiên trì, theo dõi hành động của bọn giặc để có đối sách thích hợp. Anh em chúng tôi mong các anh đi sớm trở về, để nếu quân địch đánh phá, ta có lực lượng đánh trả”. Tôi không ngờ đến năm 1962 khi vượt Trường Sơn trở về chiến đấu ở niềm Nam, tôi mới biết hai đồng chí đều đã trải qua cương vị tỉnh ủy viên, bí thư Huyện ủy Quế Sơn và đã bị kẻ thù giết hại một cách dã man. Chúng đã giết và cắt lìa đầu hai đồng chí của chúng ta để uy hiếp tinh thần nhân dân và gây hoang mng cho những cán bộ ta trong vùng bí mật.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 06:46:32 am »

Trong chuyến về thăm quê, tôi còn giành thời gian đến thăm cụ Biểu Quát - tên thật là Nguyễn Đắc, một người lớn tuổi trong họ Nguyễn, được dân trong tộc bầu làm đại diện cho tộc họ, quan hệ với tộc họ khác gọi là Biểu Quát. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp cụ Biểu Quát tham gia công tác chấp hành lão thành của xã, con của cụ Biểu Quát là đảng viên được phân công ở lại hợp pháp. Thấy tôi đến thăm, cụ Biểu Quát mừng rỡ và tiếp đón nồng hậu. Cụ hỏi tôi về tình hình cách mạng, chuyển biến sau Hiệp định Giơnevơ. Tôi thật tỉnh chỉ nói theo tình hình của Hiệp định không nói ra ngoàì sự hiểu biết của mình. Cụ Biểu Quát trầm tư nhìn tôi một lát rồi cụ nói: “Chú thiệt tình với cháu, trước sau dân tộc Việt Nam cũng sẽ thống nhất, chú tin tưởng vào đường lối của Đảng Cộng sản, sự lèo lái của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng chú không tin đối phương, vì chúng là kẻ thù trực tiếp. Bị thua trận và lắm mưu mô, rồi đây chúng sẽ không thi hành Hiệp định mà còn quay sang đánh phá cách mạng. Tình hình rồi sẽ xáo trộn ghê gớm đó cháu nghe! Không cách gì hai năm mà thống nhất được nước nhà mô. Kinh nghiệm lịch sử hồi thời phong kiến còn đó: Đàng trong, đàng ngoài chỉ tranh giành quyền lực thống trị nhân dân mà còn kéo dài lâu như vậy. Bây giờ cuộc đấu tranh này là cuộc đấu tranh giữa 2 hệ tư tưởng, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản; giữa dân chủ và độc tài; giữa duy tâm và duy vật thì cuộc đấu tranh này không chỉ có 2 năm là ổn. Cháu nên nghĩ rằng diễn biến ở tương lai là gay gắt, là quyết liệt, là hi sinh gian khổ hơn thời 9 năm đánh Tây, để đừng hồ nghi, cháu mới đủ tỉnh táo đi suốt đên cùng cuộc đấu tranh của dân tộc”. Lắng nghe cụ Biểu Quát phân tích tình hình một cách biện chứng và kết luận của cụ giúp cho tôi nhìn sâu hơn khía cạnh của vấn đề. Tuy nhiên tôi chưa hề đem chuyện giữa cụ và tôi kể lại với ai. Mãi đến năm 1961, tình hình diễn biến rõ ràng, trước khi lên đường về Nam, tôi thổ lộ tâm sự này với người cháu của tôi là Nguyễn Văn Hiền cũng tập kết, để xách định cuộc đấu tranh phía trước vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc là còn gay go, quyết liệt, hi sinh gian khổ, và thời gian phải mất cả 10 lần kí hiệu(1) lúc tiễn đưa nhau đi tập kết chứ không phải hai năm, hay bốn năm như một số người lạc quan sớm lúc bấy giờ…

Đến nay, khi viết lại những dòng hồi ức này, tôi nghiệm ra sự tinh tế, nhạy cảm của nhân dân ta đã đúc kết thành lôgíc lịch sử, đánh giá kẻ thù một cách thực tế và chính xác. Hơn ai hết, nhân dân miền Nam là người chịu nhiều đau khổ, đã dự lường thời gian và chuẩn bị tư thế sẵn sàng cho mục tiêu đấu tranh lâu dài, gian khổ, quyết liệt để giành thắng lợi ngày nay.

Sau 3 ngày ở thăm quê, tôi lại dong ruổi trên chiếc xe đạp theo đường cái quan để trở về trung đoàn. Khi tôi đến nơi, thì trung đoàn 120 bắc Tây Nguyên trước đây trở thành trung đoàn 120 Tây Nguyên. Tất cả các đơn vị người dân tộc trên địa bàn Liên khu 5 và trung đoàn 84 Đaklak thống nhất thành trung đoàn 120 mới. Hai đại đội độc lập 54 và 68 của trung đoàn 120 cũ về gia nhập vào trung đoàn 803 để họp nhất thành sư đoàn 305.

Thế la chỉ trong vòng 30 ngày - kể từ Hiệp định Giơnevơ được kí kết, các đơn vị được lệnh tập trung đã khắc phục gian khổ vượt đường xa, có đơn vị từ ngã 3 biên giới xa xôi đã chấp hành đúng tiêu lệnh thời gian, tập trung về xã Bình Phú thuộc huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định để chỉnh đốn quân ngũ, sắp xếp đội hình. Trong hàng ngũ tinh binh lúc đó có cả các đội vũ trang tuyên truyền trên các hướng của núi rừng Trường Sơn, trang phục của họ còn nguyên màu sắc dân tộc. Anh em gặp nhau mừng mừng, tủi tủi người còn người mất, hỏi thăm nhau mà lệ ngấn lưng tròng, những người con mũ nan dép lốp, đối đến xanh người, đói đến vàng da mà hiên ngang phối hợp chiến trường lập nên chiến công vây đồn, ép quận… Những cán bộ chiến sĩ người dân tộc, những cán bộ chiến sĩ các đơn vị nhiều vùng Tây Nguyên, hay miền tây các tỉnh đang bỡ ngỡ trước niềm vui, quang cảnh rộn ràng trong những ngày đầu hội quân trên cùng một dải đất quê hương, nhưng họ chưa bao giờ đặt chân đên… Các anh em du kích, các em thiếu niên dân tộc, chưa từng xa mái nhà rông, bếp lửa rừng trong đêm, còn rụt rè trong sinh hoạt… đã đổn dồn về đây. Bao nhiêu con người là bấy nhiêu tam trạng: Bâng khuâng, day dứt, nửa đi, nửa ở, nửa muốn về, tình nhà, nợ nước… như dồn nén trong tấc lòng mọi người.

Đầu tháng 8/1954, trung đoàn Tây Nguyên đã tập trung được 3.500 quân của 27 dân tộc anh em. Quân số biên chế thành 3 tiểu đoàn, 1 liên đội và 1 đại đội tăng cường(2).


(1) Kí hiệu chào nhau bàng hai ngón tay tức 2 năm thi hành Hiệp định Giơnevơ.
(2) Các đội miền Tây gồm: Đaktô, Daksút, tây đường 14 thành liên đội 9, do đồng chí Bạch Quang Kim, liên đội trưởng; đồng chí Đoàn Khắc Bảng, chính trị viên. Các đơn vị Quảng Nam gồm: Trà Mi, Phước Sơn, Hiên, Giằng thành đại đội tăng cường, do đồng chí Lê Ngưu, đại đội trưởng; đồng chí Văn Trọng, chính trị viên. Tiểu đoàn 1 gồm các đơn vị: Gia Lai - Kon Tum, do đồng chí Nguyễn Trọng Đàm tiểu đoàn trưởng; Đoàn Y Thanh, chính trị viên; Nguyễn Huy Chương chính trị viên phó; Văn Ngưu: tiểu đoàn phó. Tiểu đoàn 2 gồm các đơn vị Tây Nguyên do đồng chí Kpathin, tiểu đoàn trưởng, Từ Ngọc Hảo chính trị viên; Rơ Chăm Nghiêu, tiểu đoàn phó; Trần Văn Ái, chính trị viên phó. Ban chỉ huy trung đoàn; Đồng chí Yblok E Ban, trung đoàn trưởng (thay đồng chí Nguyễn Tuấn Tài được Đảng phân công rút vào bí mật); đồng chí Yyao, trung đoàn phó, đồng chí Phan Tâm, quyền chính ủy, đồng chí Lê Xuân Ban, chủ nhiệm chính trị; đồng chí Nguyễn Hữu Trinh, tham mưu trưởng, đồng chí Nguyễn Duy Trị, chủ nhiệm hậu cần.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 06:48:28 am »

Sau khi dự mitting và tham gia diễu binh mừng chiến thắng tại huyện Phù Cát ngay 13/10/1954, trung đoàn Tây Nguyên chuyển quân về xã Mĩ Tài và Mĩ chánh huyện Phù Mĩ tỉnh Bình Đinh, và tại đây 2 trung đoàn 84 Đaklak và 120 Tây Nguyên làm lễ sát nhập thống nhất thành trung đoàn 120 mới, trung đoàn chấn hỉnh đội ngũ, trang bị, chuẩn bị xuống tàu đi trong tư thế người chiến thắng, bước lên tàu với vẻ mặt rạng rỡ, phấn khởi trước những tên lính thực dân và bọn tay sai bại trận, họ làm nhiệm vụ trong ban liên hợp đình chiến có mặt tại bến cảng Quy Nhơn. Tôi không thể nào tả hết những hình ảnh diễn ra ở địa điểm trung đoàn đóng quân trước buổi chia tay. Những bà mẹ, người vợ, người yêu suốt mấy năm trường không gặp mặt người thân, nay được tin ngừng bắn mới vượt qua đồn bốt địch ra vùng tự do xuống xuống đến Quy Nhơn mới gặp mặt được thì phải nói lời chia tay. Những câu chuyện tình, những lời ước hẹn, những kỉ niệm trao tay… nước mắt, nụ cười, nỗi ưu tư lo lắng hiện rõ trên từng khuôn mặt gười đi kẻ ở. Tình quê hương, nghĩa vợ chồng, tình non nước, nghĩa đồng bào như chất chứa trong trái tim, ánh mắt, cái siết tai không rời của nhau:

Chiều đưa tiễn muôn ngàn thương nhớ
Tự tay em viết ở tang đầu
Cho dù phải cách xa nhau
Cũng không đổi dạ nào đâu thay lòng
(1)

Trải qua 2 ngày làm thủ tục chờ tàu, 17 giờ ngay 19/11/1954, các đơn vị trong trung đoàn được lệnh xuống tàu Kirinki (tàu của Ba Lan). Tàu nhổ neo, từ boong tàu anh em nhìn thấy mẹ cha, anh chị, vợ con và những người thân yêu tên cầu tàu đưa 2 ngón tay vẫy vẫy tiễn đưa - dấu hiệu 2 năm sẽ trở vê theo Hiệp định Giơnevơ, sẽ hiệp thương tổng tuyển cử và đó cũng là n gày tái ngộ những gia đình chia cách hôm nay.

Tặng anh cuốn sổ vừa xong
Con tàu đưa tiễn vượt ngàn trùng dương
Dừa xanh đứng lặng bên đường
Như em gái nhỏ quê hương đợi chờ


Sau 2 ngày 3 đêm tàu vượt sóng gió biển khơi, đến 15h ngày 22/11/1954, tàu Kirinki vào địa phận cửa Hội - một đảo tiền tiêu của tỉnh Nghệ An. Những ghe thuyền trong bến cửa hội đã được chuẩn bị sẵn ra cập mạn đón bộ đội vào bờ. Ngay đêm đó, bộ đội đã “hồi tỉnh” sau những những say sóng và được xem một đêm văn công do đoàn văn công Tổng cục Chính trị biểu diễn. Những bài hát “Giải phóng Điện Biên”, “Hò kéo pháo”, những điệu múa sạp sôi nổi rộn ràng, khi tiết mục Krông chiêng, với những cô gái, chàng trai Tây Nguyên lộng lẫy trong trang phục dân tộc thân thương và gần gũi xuất hiện tên sân khấu càng làm cho bộ đội trung đoàn 120 Tây Nguyên phấn khởi và cảm động vô cùng.

Đêm văn nghệ đi qua, các đoàn thể quân, dân, chính, đảng địa phương đến thăm trung đoàn và trao quà của bác Tôn Đức Thắng, Phó Chủ tịch nước cho trung đoàn. Cảm động trước tình cảm của đồng bào và các cấp, cán bộ chiến sĩ trung đoàn quyết tâm học tập và rèn luyện, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mới để đáp lại sự yêu thương chăm sóc của đồng bào và các cấp chính quyền trên miền Bắc thân yêu.


(1) Bài ca của Văn công Liên khu 5.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 06:52:36 am »

TRONG LÒNG MIỀN BẮC THÂN YÊU

Bước chuyển quân tập kết đã hoàn thành, cán bộ chiến sĩ trung đoàn 120 Tây Nguyên bắt đầu một giai đoạn rèn luyện và xây dựng quê hương miền Bắc, một nửa Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Trung đoàn 120 Tây Nguyên được cấp quân trang, quân dụng ngay tại cảng cửa Hội, liền được lệnh hành quân về Xuân Thành, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Những ngày đầu bộ đội chưa quen với trang bị: Mặc quân phục đồng màu, đội mũ, đi giày. Quân phục có 3 cỡ, người nhỏ nhất nhận đồ số 3 vẫn thấy rộng thùng thình, chân quen đi dép, đi trần, rồi nay mang giày vào chân bị bó rất khó đi, có đồng bào bị phồng rộp hai bàn chân trên đường hành quân trông vừa tội nghiệp vừa buồn cười. Nhưng tất cả đã được khắc phục để hành quân đến đích. Do đặc điểm của một trung đoàn tập trung nhiều sắc tộc, trung đoàn 120 ban đầu trực thuộc Bộ Quốc phòng và vừa trực thuộc Ban đại diện Bộ Tư lệnh Liên khu 5 lúc này đang đóng ở Thanh Hóa. Các cán bộ chiến sĩ về sống trong nhà dân, trong vòng tây thân ái của bà con Xuân Tành. Lúc đầu do ngôn ngữ bất đồng giữa các dân tộc trong đơn vị và trong quan hệ với nhân dân địa phương, vấn đề này được các đồng chí người Kinh thạo tiếng dân tộc phải làm thông dịch viên và qua học tập lẫn nhau, các chiến sĩ quen dần và hòa nhập với nhân dân.

Sau thời gian ổn định ở tại Xuân Thành, vào một ngày rét đậm, cán bộ chiến sĩ trung đoàn 120 Tây Nguyên vui mừng được đón Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đến thăm. Trên bãi cát sông Chu, trước hàng quân trang bị màu xanh Tô Châu, mũ cứng được đính quân hiệu trông thật nghiêm trang, thay mặt Quân ủy Trung ương Đại tướng căn dặn cán bộ, chiến sĩ trung đoàn ra sức học tập quân sự, chính trị, nhất là học văn hóa để có trình độ kiến thức nhất định hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, nhất là cho Tây Nguyên và cho các tỉnh miền tây, nam Trung Bộ trong tương lai. Thời tiết ở miền Bắc, đặc biệt là mùa đông 1954, nhiệt độ xuống rét đậm, cá dưới sông, trên đồng chết trắng. Trong hoàn chảnh khó khăn do chưa quen với khí hậu, thời tiết miền Bác, cán bộ chiến sĩ trung đoàn 120 Tây Nguyên được đồng bào Xuân Thành đùm bọc, nhường cho bộ đội từng ổ rơm để cho anh em yên giấc. Sống trong tình thương đó, các chiến sĩ đã thổ lộ tâm tình của mình bằng những bài thơ đậm tình cá nước:

Nhớ sao những sáng Xuân Thành
Ổ rơm chống lạnh mẹ giành cho con
Trở mình sau giấc ngủ ngon
Mắt nhìn thấy mẹ lom khom sửa màn
Mẹ thương con ở miền Nam
Có bao giờ chịu đại hàn như ri…


Cuối năm 1955, tình hình ở miền Bắc dồn dập những khó khăn. Bọn tay sai núp lén tuyên truyền xúi giục đồng bào di cư theo Chúa vào Nam, trung đoàn được lệnh đưa 2 đại đội 1 và 2 vào Tân Đạo giúp chính quyền ở đây ổn định tình hình trật tự, chống bọn phản động cưỡng ép đồng bào di cư. Với tinh thần kiên trì trụ bám trong những năm công tác ở vùng địch hậu Tây Nguyên, hai đại đội 1 và 2 khắc phục khó khăn thiếu thốn về vật chất, chịu đựng gian khổ, gần gũi tuyên truyền vận động đồng bào theo đạo Thiên Chúa chấp hành chính sách tôn giáo của Đảng, ổn định được tình hình chính trị địa phương Tân Đạo. Đại đội 1 và cùng chính quyền địa phương giữ được dân, chống âm mưu tuyên truyền lừa phỉnh đồng bào, lôi kéo bắt ép giáo dân di cư vào Nam. Đại đội 1 và 2 cùng nhân dân tăng gia sản xuất, xây dựng xóm làng xứ đạo trở lại yên binh.

Đầu năm 1956, trung đoàn 120 Tây Nguyên nhận lệnh thay đổi địa bàn hoạt động ở Xuân Thành, hành quân vào huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tại đây trung đoàn tổ chức xây dựng trung đoàn theo hướng mới. Trung đoàn sau khi biên chế trở lại có 3 tiểu đoàn bộ binh, 7 đại đội chuyên môn và 2 trung đội binh chủng. Thời kì này trung đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 4.

Trong thời gian ở Thanh Chương, bộ đội trung đoàn 120 Tây Nguyên được các mẹ, các chị hát ví dặm động viên thao trường, làm cho nghĩa tình quân dân càng đậm tình và sâu nạng. Các mẹ đã nhường chỗ bộ đội ngủ, tình thương đó đã được bộ đội trung đoàn viết thành thơ:

Nhà mẹ chia một nửa
Phản mẹ giành một đôi
Cơ cực mẹ quen rồi
Con bớt phần gian khổ
Chè xanh sênh như sữa
Giữa thao trường thơm hương
Mẹ chặt tre, cây vườn
Cho con làm công sự…

(Người mẹ Thanh Chương, báo tường trung đoàn 120)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 06:53:26 am »

Ở Thanh Chương, trung đoàn 120 được các cấp lãnh đạo quân đội và chính quyền quan tâm đặc biệt. Sau chuyến viếng thăm của Đại tướng Tổng tư lệnh, trung đoàn vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Chánh, Tổng cục cán bộ quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Bí thư Liên khu ủy, Tư lệnh Liên khu 5 - người anh cả của lực lượng vũ trang Liên khu 5 đến thăm. Đồng chí nói: “Nếu mai đây, ngọn cờ hòa bình bị kẻ thù phản bội, chúng ta sẽ trở về miền Nam, trở về quê hương Tây Nguyên với ngọn cờ quyết chiến quyết thắng. Tiếp đến, đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam vào thăm trung đoàn, đồng chí nêu rõ vai trò, trách nhiệm to lớn của trung đoàn với sự nghiệp cách mạng của các dân tộc Tây nguyên, là phải xây dựng trung đoàn Tây Nguyên thành một trung đoàn mạnh toàn diện, mỗi cán bộ chiến sĩ trung đoàn phải trở thanh một người lãnh đạo của dân tộc mình. Sau chuyến viếng thăm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, trung đoàn 120 Tây Nguyên bước vào một thời kì thi đua huấn luyện và học tập với khí thế mới và được lệnh hành quân về huyện Nam Đàn. Ngày 16/06/1957 tại Rú Đụn - nơi Mai Hắc Đế hội quân đánh giặc phương Bắc năm xưa - cán bộ chiến sĩ trung đoàn 120 Tây nguyên và cán bộ chiến sĩ sư đoàn 324 vinh dự được đón Bác hồ kính yêu đến thăm.

Từ trong tăm tối nô lệ, đến cách mạng Tháng 8 thành công và 9 năm kháng chiến gian lao, đồng bào miền nam, đồng bào Tây Nguyên và cán bộ chiến sĩ ước mong có ngày được gặp Bác Hồ, được nhìn thấy hình ảnh của người cha già dân tộc. Ước mong đó nay đã thành sự thật. Tin Bác Hồ đến thăm đã làm cho các chiến sĩ trung đoàn hồi hộp, đợi chờ, mừng vui không dấu nỗi. Bác đã đến, hôm ấy cùng đi với Bác Hồ có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Giáp Văn Cương, sư đoàn trưởng 324. Hôm ấy, bầu trời Nam Đàn và miền Bắc hậu phương trong xanh và nắng mật. Bộ đội hai đơn vị tập hợp đông đủ, vẻ mặt ai nấy rạng rỡ. Khi Bác đi qua khối quân của trung đoàn 120, toàn trung đoàn tung hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Bác Hồ muôn năm”. Bác vào đến khán đài, đồng chí Đại tướng mời Bác lên khán đài, Bácbảo: “Để Bác đi thăm các cô, các chú bộ đội một tí đã”(1). Khi Bác trở lại khán đài, Bác hỏi bộ đội: “Các cô, các chú có khỏe không?”; “Các cô, các chúi ăn có no không?” Cả binh đoàn đồng thanh đáp một tiếng “Dạ có”. Bác rất vui. Nhìn về khối quân của sư đoàn 324, Bác khen: “Thành tích học tập và giúp dân của các cô các chú là giỏi, đơn vị của các cô các chú đã chiến đấu và phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ giành thắng lợi lập lại hòa bình. Nhưng các cô các chú còn 4 khuyết điểm: Còn kém cảnh giác, còn lãng phí, còn kém quan điểm lao động và chưa chịu khó học tập để tiến bộ”. Bác dừng lại hỏi bộ đội: “Bác nói có đúng không?” một lần nữa cả khối quân đồng thanh: “Thưa Bác đúng ạ!” Bác hướng về các đồng chí chỉ huy sư đoàn 324 và trung đoàn 120, Bác đưa tay lên trước hàng quân: “Bác dặn các chú 5 điều; Các cô các chú phải khắc phục kém cảnh giác, phải lao động và tiết kiệm, phải ra sức học tập quân sự, chính trị, văn hóa, phải đoàn kết hơn nữa trong nội bộ và nhân dân, kiên trì đấu tranh giành thống nhất nước nhà”.

Thay mặt trung đoàn 120 Tây Nguyên, đồng chí Đinh Văn Thành, trung đoàn trưởng (lúc này đồng chí Eblok E Ban đã đi nhận công tác) đến tặng Bác ngà voi của nhân dân Tây Nguyên gởi cho trung đoàn trước khi đi tập kết - nhận ngà voi Bác nói: “Cám ơn các chú đã tặng Bác sừng voi, nhưng nhớ lá Bác không bao giờ bị cắm sừng đâu nhé”. Cả Bác cháu cùng cười.

Cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 120 Tây Nguyên vui lòng hả dạ, được đại diện cho các dân tộc Tây Nguyên và dân tộc các tỉnh miền Tây đón tiếp Bác, được Bác khen ngợi. Cán bộ chiến sĩ trung đoàn xin nguyện làm tròn nhiệm vụ của Đảng và Tổ quốc giao cho, để xứng đáng lòng tin yêu của đồng bào các dân tộc anh em và của đồng bào miền Bắc ruột thịt, đồng bào miền Nam anh dũng và của Bác Hồ kính yêu.


(1) Tài liệu của Trung đoàn 120 Tây Nguyên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #37 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 06:55:49 am »

TẤT CẢ CHO MỘT LẦN VỀ NAM

Những ngày đầu về xã Nam Thanh, Nam Diên, Nam Trung thuộc huyện Nam Đàn, trung đoàn 120 Tây Nguyên tiếp tục xây dựng hoàn thành doanh trại, tạo chỗ ở khang trang cho bộ đội học tập văn hóa, chính trị và rèn luyện trong suốt năm 1957, từng bước tiến lên chinh quy đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong thời kì mới.

Kể từ tháng 1/1958, bản thân tôi được cấp trên cho đi đào tạo tại Học viên chính trị. Trong suốt thời gian học tập tại học viên không phải lúc nào tôi cũng nhớ, nhưng thỉnh thoảng vê đêm, khi tôi đặt mình chợp mắt thì hình ảnh đồng bào, đồng chí của tôi hiện ra đưa 2 ngón tay vẫy vẫy. Đó là lời hẹn 2 năm chúng tôi sẽ trở về theo Hiệp định Giơnevơ hiệp thương tổng tuyển cử. Suốt trong thời gian qua, nhân dân miền Nam kiên trì chờ đợi mong muốn sống hòa bình, nhưng không quên nung nấu ngọn lửa đấu tranh. Quân thù đã lật lọng, cấu kết với nhau phá hoại Hiệp định, rồi tổ chức đánh phá đàn áp nhân dân, cơ sở cách mạng. Chúng xây dựng chính quyền, lập đồn bót, tổ chức các sắc lính và nhà tù.

Chế độ Ngô Đình Diệm tay sai và quân đội của chế độ Nam triều Bảo Đại tay sai của tực dân Pháp chuyển sang chiến dịch chống Cộng, biến thành cuộc chiến tranh đơn phương dìm miền Nam trong bể máu, trong bóng tối của nhà tù, tra tấn khủng bố, gây ra nhiều vụ thảm sát dân lành. Điển hình như ở Quảng Nam - Đà Nẵng là vụ thảm sát Sơn Cẩm Hà, hơn 400 người dân bị chôn sống; vụ chợ Cây Cốc, Tiên Kì, 330 người bị chúng xả súng tàn sát (2 vụ này thuộc huyện Tiên Phước); vụ đập Vĩnh Trinh, 52 người bị chúng lấy dây kẽm gai xỏ xiêng hai bàn tay rồi buộc đá vào cổ, bỏ họ vào bao tời thả xuống đập Vĩnh Trinh (đập Vĩnh Trinh thuuộc huyện Duy Xuyên); vụ chợ Được (thuộc huyện Tam Kì) chúng cướp của, đốn cây và bắn xả vào đồng bào vì không cho nó chặt phá, đánh đập làm chết hàng trăm người vô tội… Tất cả những vụ thảm sát đó, quân thù đều gây ra ở những vùng vốn trước đây là vùng tự do của cách mạng. Nỗi đau thương căm hận đó đã được nhân dân nói lên lời phẫn uất:

Chợ Mĩ Lược khăn tang trắng xóa
Đập Vĩnh Trinh cánh quạ đen ngòm.


Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và phong trào cách mạng đang sôi sục ở miền Nam, Nghị quyết 15 TW của Đảng ra đời nêu rõ:

“Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam Việt Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, xây dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.

Nghị quyết con khẳng định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam là “bạo lực” Nghị quyết 15 TW đã đáp ứng nguyện vọng tha thiết và nóng bỏng của nhân dân miền Nam vùng lên phá xích xiềng nô lệ, Nghị quyết là ngọn đuốc soi đường mở ra một thời kì cho cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Đón nhận định hướng chiến lược của Đảng, những người con miền Nam tập kết ra Bắc đều chung một nguyện vọng là được trở về miền Nam chiến đấu. Đêm Nam ngày Bắc, tình cảm và ước mơ đó như thôi thúc, giục giã chúng tôi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #38 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2010, 07:03:33 pm »

Mùa xuân năm 1959, vừa tốt nghiệp Học viện Chính trị, tôi được đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đôn, Tư lệnh Quân khu bốn tực tiếp đến Học viện rut tôi về làm chính trị viên trường đặc công Quân khu 4. Lúc đầu, trường đặc công Quân khu 4 mới có khung huấn luyện, về chỉ huy có 3 người. Tôi, đồng chí đại úy Nguyễn Cụ, anh hùng quân đội, nguyên là cán bộ đặc công quê ở Khánh Hòa, quê ở Bình Định làm tham mưu trưởng. Chúng tôi bắt tay vào nhiệm vụ “vì miền Nam ruột thịt”, tổ chức rút cán bộ của tiểu đoàn 303 đặc công về làm khung, chuẩn bị giáo trình huấn luyện. Lúc đầu, nhà trường chọn rút số quân nhân người miền Nam tập kết là đảng viên, cấp bậc từ tiểu đội trưởng trở lên, có nguyện vọng về miền Nam chiến đấu. Về sau tiêu chuẩn này được mở rộng lấy cả đoàn viên thanh niên, những người có tư tưởng và quyết tâm tố cũng được chọn về học tập tại trường. Do nguyên tắc bí mật, cấp trên quyết định các cơ quan trực tiếp phuc vụ cho nhà trường đều liên hệ trực tiếp với Tư lệnh Quân khu 4. Tất cả cán bộ, giảng viên nhà trường đều là người có kinh nghiệm chiến đấu, nhưng chưa có khả năng dẫn lược trên bục giảng. Nhưng sau thời gian nghiên cứu, được sự lãnh đạo của Tư lệnh Quân khu 4, nhà trừng đã tập huấn bồi dưỡng thực tế và lí luận thành từng tiết giảng. Động tác kĩ thuật và lí luận là sự tổng thợp các đánh giặc truyền thống, mà làm nên chiến thuật đặc công, là một cách đánh của chiến thuật du kích, được nâng cao thành những động tác kĩ thuật quân sự của quân đội ta từ khi thành lập, chiến đấu xây dựng và trưởng thành đến ngày nay. Trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5, nhà trường tổ chức bồi dưỡng cho khung huấn luyện, để từ tháng 5 đến tháng 12 năm 1959, nhà trường tổ chức huấn luyện khóa 1, với 3 đại đội thực binh và được đưa về trước cho chiến trường miền Nam, 30 cán bộ đặc công qua đường Bến Hải, Quảng Trị. Bắt đầu từ năm 1960, trường đặc công Quân khu 4 khai giảng khóa 2, thời gian đào tạo 6 tháng cho một tiểu đoàn. Bài học đầu tiên của mỗi khóa là lấy mục tiêu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc để giáo dục cho cán bộ học viên. Mỗi khóa có 1 tháng học tập chính trị, rồi mới chuyển sang huấn luyện quân sự, bắn các loại súng bộ binh và huấn luyện bắn cối, pháo, từ 60mm, 81mm đến 105mm, sử dụng các loại chất nổ, chắp nối hỏa cụ, tự làm bộc phá; huấn luyện chiến thuật đặc công bắt đầu từ cách đánh tổ, mũi, đại đội đến tiểu đoàn; đánh địch trong công sự, đánh địch ngoài công sự, đánh các loại căn cứ địch như sân bay, bến cảng, kho tàng, các chỉ huy sở các cấp của địch.

Bước sang năm 1961, việc tổ chức huấn luyện lực lượng đặc công phục vụ cho chiến trường miền Nam ngày càng quy mô hơn, phương thức chọn người cũng được mở rộng. Nhà trường tổ chức các đoàn cán bộ về sư đoàn 324, 305, 325, lữ đoàn giới tuyến và trung đoàn 271 để chọn lựa thành phần học viên theo quy định. Bộ tư lệnh Quân khu 4 quyết định lấy khu vực doanh trại trung đoàn 271 ở Nghi Liên làm vị trí đóng quân. Tháng 2 năm 1961, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chuyển trường đặc công ra thành phố Hải Phòng để huấn luyện. Hải Phòng là thành phố cảng, là địa bàn thuận lợi có nhà máy xi măng, nhà ga, sân bay, có sông Cầu Rào… phù hợp với những yêu cần huấn luyện. Bộ đội luyện tập đánh sân bay thì đã sân bay Cát Bi; đánh tàu thủy thì có sông Cầu Rào, đánh nhà ga thì có ga Hải Phòng. Nhà trường liên hệ với nhà ga xin đầu tàu, goong tàu cho chạy để huấn luyện bộ đội. Khóa huấn luyện này nhà trường đưa khoa mục tập lái các loại xe tăng để cướp xe tăng địch; tập lái tàu hoặc để cắt tàu, cướp tàu và nhảy tàu; tập lái ô tô để cướp ô tô địch… thời hạn học tập kéo dài đến 12 tháng, bộ đội ra trường cũng được đưa vào miền Nam.

Vào tháng 10/1961, sau gàn 3 năm lãnh đạo và xây dựng trường đặc công Quân khu 4, tôi được lệnh bàn giao công tác cho đồng chí Nguyễn Cụ và nhận quyết định về trung đoàn bộ binh, rèn luyện để sẵn sàng lên đường về miền Nam chiến đấu. Cầm tờ quyết định trong tay, lòng tôi rộn lên một niềm vui khó tả. Tôi liền thu xếp hành lí mua vé tàu hảo về Hà Nội để kịp chuyến xe về Hòa Bình. Đơn vị tôi về công tác đang ở thị trấn Xuân Mai, tỉnh Hòa Bình. Bay chỉ huy trung đoàn do đồng chí Nguyễn Hường, trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Đình Trọng, chính ủy. tôi được Bộ Quốc phòng quyết định về nhận phó chính ủy, kiêm chủ nhiệm chính trị trung đoàn. Trung đoàn có 3 cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, 3 tiểu đoàn bộ binh và 7 đại đội chuyên môn: thông tin, công binh, trinh sát, cao xạ, ĐKZ, cối, vận tải. Đây là một trung đoàn khung cán bộ từ tiểu đội trưởng trở lên. Nhiệm vụ chính trị của trung đoàn trong những tháng cuối cùng, trước khi lên đường về miền Nam là dồn sức xây dựng quyết tâm, nêu cao ý chí “vì miền Nam” thân yêu. Ban ngày bộ đội được học tập chính trị, ban đêm tập luyện hành quân đường dài mang vác nặng mỗi ngời từ 30kg trở lên. Địa hình hành quân luyện tâp là vùng nông thôn Xuân Mai, Hòa Bình. Vào mùa đông năm ấy, có đêm nhiệt độ xuống dưới 11oC, trời rét ghê gớm nhưng với tinh thần “vì miền Nam” bộ đội hăng hái rèn luyện. Cuối đợt rèn luyện ban chỉ huy trung đoàn hợp đánh giá các mặt xây dựng, huấn luyện bộ đội và đề ra chỉ tiêu thi đua mới. Xuất phát từ tình cảm thiêng liêng với Bác Hồ, Đảng ủy trung đoàn đã đề nghị Tổng cục Chính trị cho Ban chỉ huy trung đoàn được gặp thăm Bác Hồ trước khi lên đường về Nam. Nguyện vọng của chúng tôi được Tổng cục Chính trị và Bác Hồ đồng ý, cho cử đại diện đến gặp để nghe Bác dặn dò trước khi trung đoàn hành quân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #39 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2010, 07:04:46 pm »

Vào một buổi chiều đông giữa tháng 12/1961, một chiếc Commăngca đến trung đoàn chở 3 chúng tôi gồm Nguyễn Hường, trung đoàn trưởng, Nguyễn Đình Trọng, chính ủy, tôi - Nguyễn Huy Chương, chủ nhiệm chính trị, cùng đi có 2 xe chở 6 anh em Nam Bộ đến phủ Chủ tịch. Trên đường xe đến phủ Chủ tịch tôi nghĩ tới giờ phút thiêng liêng được gặp Bác. Đã từ lâu, ý nguyện lớn nhất của tôi là cố gắng rèn luyện học tập, lập được nhiều thành tích để được gặp Bác và trở về miền Nam chiến đấu. Ý nguyện đó đã trở thành hiện thực. Xe dừng, đồng chí hướng dẫn đưa 9 chúng tôi vào phòng khách. Chưa đầy 3 phút sau, chúng tôi thấy Bác Hồ đang bước ra. Bác mặc bộ kaki, đầu đội chiếc mũ “Lênin” cũng bằng vải kaki đã bạc màu. Nỗi mừng vui trong lòng chúng tôi không sao tả xiết, tất cả 9 chúng tôi đứng nghiêm đưa tay chào vị lãnh tụ kính yêu. Sau động tác chào, chúng tôi dợm chân muốn chạy đến bên Bác. Bác tươi cười khoát tay, tất cả chúng tôi ngồi xuống. Trên bàn khách lúc này bày sẵn 3 địa kẹo, 3 bao thuốc lá. Bác và đồng chí Vũ Kì - thư kí của Bác ngồi bên kia bàn khách, đồng chí bảo vệ đứng sau lưng Bác. Bên này, 9 chúng tôi ngồi đối diện. Lời đầu tiên Bác hỏi chúng tôi: “Các chú có khỏe không?”. Chúng tôi đồng thanh đáp: “Thưa Bác, chúng cháu khỏe ạ!” Bác bảo; “Các chú ăn kẹo hút thuốc đi”. Chúng tôi vẫn bất động chăm chú nhìn chòm râu bạc của Bác rung rung theo lời Bác nói: “Bác biết các chú sắp lên đường về Nam, các chú muốn gặp Bác. Hôm nay Bác lên đây để thăm các chú, và nói với các chú mấy việc:

1. Tình hình cách mạng miền Nam phát triển rất tốt, nhưng kẻ địch khủng bố hết sức dã man tàn bạo, đồng bào đấu tranh quyết liệt và cũng mong mỏi các chú trở về để tiếp sức với đồng bào. Kẻ địch hiện có một bộ máy chiến tranh đồ sộ để đàn áp cách mạng. Lực lượng ta phát triển tốt nhưng chưa đều, chưa đông. Các chú vào lúc này phải giữ bí mật hoạt động cho cẩn thận. Các chú biến mình như những con mọt, con mối, đục vào những cây gỗ to của nó làm ruộng từ bên trong, khi có thời cơ phong ba bão táp đến, hùn sức xô ngã một ngôi nhà đồ sộ. Đó là phương thức hoạt động bí mật, không ồn ào, lộ liễu để kẻ địch phát hiện, nó sẽ đánh phá gây tổn thất cho cách mạng.

2. Các chu vào lần này, chiến đấu gian khổ, cuộc đấu tranh còn dài và ác liệt hi sinh, không phải có điều kiện đủ đủ ăn, đủ mặc được nghỉ ngơi học tập như bây giờ, có thể nói cực kì gian khổ, nhưng so với đồng bào thì đã chịu đựng hơn 6 năm nay, nếu các chú có lập được những chiến công xuất sắc cũng không vì vậy mà công thần, kiêu ngạo, làm phiền phức đến nhân dân. Các chú phải luôn giữ tinh thần khiêm tốn, hi sinh, cống hiến, đó mới là phẩm chất của người Cộng sản.

3. Từ đây bắt đầu đi, đường sá xa xôi, đi xe có, đi bộ có, qua nhiều trục đường giao thông, nhiều thị xã, thị trấn, khi đi qua suối qua sông, hất thiết phải giữ bí mật không để lộ dấu vết. Kinh nghiệm của các chú đi trước đã tổng kết: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Đó là thực tế trong hoạt động cách mạng. Các chú đi, Bác chúc các chú mạnh khỏe, lập nhiều chiến công, thực hiện lời Bác dặn”.


Tất cả 9 chúng tôi lắng nghe Bác nói, để nhớ từng lời, từng câu của Bác, nhưng vẫn tranh thủ ghi chép để khi về đơn vị truyện đạt lại cho cán bộ chiến sĩ nghe.Trong suốt 30 phút chúng tôi được gặp Bác, chúng tôi tập trung trí tuệ để nghe Bác dặn. Khi nói xong Bác bảo chúng tôi: “Các chú cứ ăn kẹo và hút thuốc lá rồi về nhé!”. Thấy Bác dợm bước đi khỏi ghế ngồi, một lần nữa chúng tôi định chạy lại ôm Bác, nhưng đồng chí bảo vệ đưa tay ra hiệu chúng tôi và đưa Bác rời phòng khách. Chúng tôi đứng lại ngẩn ngơ, lòng tự nhủ, không biết bao giờ được gặp lại Bác như những giây phút vừa qua. Quay lại chỗ ngồi, các đồng chí phục vụ đã sắp kẹo và thuốc lá thành 9 gói, chúng tôi nhận quà của Bác bỏ vào “xà cột” mang về làm quà cho đơn vị.

Sau khi về trung đoàn tôi được Đảng ủy ban chỉ huy trung đoàn phân công nghiên cứu 3 điều Bác dạy cho bộ đội. Lời Bác dạy tuy ngắn nhưng chứa đựng nhiều ý tứ, từ việc đánh giá địch ta, phương châm hoạt động cách mạng, đến bài học đạo đức cho người Cộng sản. Lời Bác dạy đã trở thành bài học cách mạng trong suốt những năm chiến đấu ở miền Nam và hôm nay, sau 25 năm hòa bình vẫn còn nguyên giá trị trong tôi. Nếu như ngày xưa tôi nghĩ về Bác, là để cống hiến hi sinh rút ngắn giai đoạn giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc để được đón Bác vào thăm, thỏa lòng mong đợi của nhân dân miền Nam; còn ngày nay, tôi nghĩ về Bác là để trân trọng quá khứ, để thấm nhuần đạo đức chí công vô tư của Bác, để thấy Bác luôn gần gũi bên mình. Như lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng người học trò xuất sắc của Bác đã nói về Bác bằng cả tình cảm và tư duy sâu sắc:

“Hồ Chí Minh cao mà không xa
Lớn mà không làm ra vĩ đại
Soi sáng mà không gây choáng ngợp
Gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu


Gần nửa thế kỉ mải miết trên con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã vạch ra và lãnh đạo, tôi không bao giờ quên được giây phút gặp Bác giữa lòng thủ đô Hà Nội. Ngày đó, Bác hao gầy nhưng nhanh nhẹn, quắc thước, đôi mắt tinh anh và giọng nói trấm ấm lạ thường. Tôi thầm hiểu cuộc đời Bác không có một giờ nghỉ ngơi, an nhàn, mà luôn luôn vất vả, lo toan vì dân, vì nước, nhất là những ngày đồng bào miền Nam chìm trong đau thương, tang tóc dưới ách xâm lược tàn bạo của Mĩ - ngụy, đang ngày đêm anh dũng vùng lên chiến đấu chống kẻ thù. Quân và dân miền Nam, quân và dân Khu 5, chiến đấu vì sự nghị giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, trong đó còn vì Bác Hồ kính yêu, mà không nề hi sinh, gian khổ. Tôi nghĩ, đất nước ta, dân tộc ta thật hạnh phúc biết bao,vì có Bác Hồ, vị cha già dân tộc, mà mỗi khi nhắc đến lòng ai cũng rưng rưng thương nhớ, kính yêu Bác.

Mới đó mà đã hơn 30 năm trôi qua. Bác đã đi vào cõi vĩnh hằng. Có lẽ các đồng chí cùng với tôi ngày ấy, hẵn không sao quên những lời dặn dò, khuyên bảo ân cần của Bác trước lúc lên đường về Nam là nhiệm vụ. Năm 1969, được tin Bác qua đời, cả miền Nam lịm đi trong nước mắt. Từng cán bộ, chiến sĩ động viên nhau, biến đau thương thành hành động cách mạng. Khẩu hiệu ấy trở thành phong trào trong toàn quân, ra sức giết giặc lập công. Nay sống trong khung cảnh hòa bình, đất nước yên vui, mà lòng tôi, tâm trí tôi vẫn mãi mãi in đậm hình bóng Bác. Mỗi khi nhớ Bác là nhớ đến lời bác Phạm Văn Đồng, nói về Bác Hồ, đúc kết như một danh ngôn trên đây. Chúng ta càng thêm tự hào vì đất nước ta, dân tộc ta có một danh nhân, một vĩ nhân Hồ Chí Minh uyên bác, giản dị và vĩ đại biết bao!
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Mười Hai, 2010, 08:03:31 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM