Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 12:11:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chỉ một con đường  (Đọc 90119 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2010, 07:11:31 am »

Tôi cầm tờ quyết định trên tay mà hai tiếng Tây Nguyên như có sự thúc giục lôi cuốn trong tôi. Địa bàn Tây Nguyên, qua sử sách tôi được biết. Trong xâm lược nước ta lần thứ nhất, thực dân Pháp đã dốc mọi cố gắng nhằm kiểm soát chặt với mưu đồ nắm dân, mua chuộc dụ dỗ đồng bào dân tộc, cố thủ vùng đất này để bảo vệ Đông Dương. Trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, trong tình hình Cách mạng Tháng 8 của dân tộc ta mới thành công chưa đầy một năm, chính quyền cơ sở ta chưa kịp tổ chức giác ngộ đồng bào các dân tộc, thì quân Pháp đã chiếm Tây Nguyên. Chúng dốc sức bình định Tây Nguyên để giữ thế chiến lược ở phía nam Đông Dương. Bọn chóp bu thực dân cho rằng: “Muốn chiến thắng Cộng sản thì phải kiểm soát bằng đợc vùng chiến lược này”. Tây Nguyên có biên giới giữa ba nước Đông Dương là Việt Nam - Lào - Campuchia, là địa bàn chiến lược quan trọng sống còn của miền Trung và cả nước ta; là địa bàn cộng đồng 43 dân tộc anh em. Người Kinh đông nhất tập trung sống ở các tỉnh ven biển và thành phố, thị xã. Người Dẻ Triêng, Sê Đăng, Ba Na, Gia Rai ở Gia Lai, Kon Tum; người Ê Đê, Mơ Nông ở Đắc Lắc; người Răclây ở miền Tây Khánh Hòa và Ninh Thuận, người Re ở miền tây Quảng Ngãi, người Kơtu, Katăng, Ve, Đê, Kor, Lodong, Bơ Nông, Lạc, Chăm, Roi sống ở các vùng thuộc Tây Nguyên và miền tây các tỉnh đồng bằng. Dân tộc ít người nhất là dân tộc Rơ Năm sống ở Chư mơ rộng, Plei Mơnông huyện Sa Thầy (Kon Tum) sát biên giới Campuchia… Tuy dân cư sống thưa thớt, trình độ kinh tế, văn hóa chưa phát triển, nhưng Tây Nguyên là căn cứ lâu dài bền vững của cách mạng, người Tây Nguyên kiên cường bất khuất trước quân thù, thủy chung son sắt với cách mạng, tin yêu Đảng, tôn kính Bác Hồ, sẵn sàng kề vai sát cánh cùng nhau chống kẻ thù chung.

Địa bàn bắc Tây Nguyên gồm 2 tỉnh: Gia Lai và Kon Tum. Tỉnh Gia Lai phần lớn diện tích núi cao. Phía đông: đèo Mang Giang đến thung lũng An Khê, Kongchro, phía đông nam, thung lũng Cheo Reo có đồng bằng Azunha, Kôngpa, phía đông bắc có dãy núi Kôngkakinh cao 1761 mét, từ dãy núi chạy về phía nam chia thành 2 hệ: hệ núi dọc biên giới phía Đông tỉnh chạy vào Nam, tạo thành độ cao phân cách giữa Gia Lai với các tỉnh đồng bằng duyên hải Khánh Hòa, Ninh Thuận, với các núi: Kôngmroiu cao 1251 mét, Kôngkbang 1064 mét, rồi thấp dần với các đỉnh cao dưới 100 mét và đứt đột ngột ở đèo An Khê, rồi lại nhô lên phía đông huyện KôngChro với các núi Komhde cao 1017 mét, KomLong cao 1020 mét, KonWanRiom 1300 mét và thấp dần vào đồng bằng Konchueng với các đỉnh cao 1383 mét, 1571 mét, 1567 mét. Hệ núi này chia tỉnh Gia Lai thành 2 phần: sườn tây Trường Sơn và sườn đông Trường Sơn; phía bắc Gia Lai giáp tỉnh Kon Tum có núi Hereng cao 1045 mét; phía bắc thành phố Pleiku có các dãy núí Chư Mâm cao 1484 mét, Chưzo cao 1402 mét.

Tháng 3 năm 1949, đoàn cán bộ cơ sở xây dựng vùng địch hậu của trường chính trị Liên khu 5 về đến ban chỉ huy trung đoàn 120 Tây Nguyên đóng quân ở Bình định. Trung đoàn 120 vốn là của hai trung đoàn 94 và 95 sáp nhập lại trực tiếp hoạt động tác chiến ở chiến trường Gia Lai. Liền sau khi đoàn cán bộ xây dựng cơ sở đến, ban chỉ huy trung đoàn thành lập đội vũ trang tuyên truyền 103 đủ 30 người. Hầu hết anh em là đảng viên, từ cán bộ đến tiểu đoàn phó trở lên trung đội, văn hóa từ yếu lược đến priamire. Thời bấy giờ mà chọn cán bộ như vậy là rất khó. Đội vũ trang tuyên truyền 103 lúc đầu do đồng chí Trần Đức Thăng làm đội trưởng, tôi làm chính trị viên. Trước khi ra công tác, mọi người phải qua một thời gian huấn luyện quân sự, chủ yếu là học sử dụng các loại vũ khí cá nhân, nắm chắc chiến thuật và các thế võ thuật để tự vệ khi có địch tấn công. Bên cạnh đó chúng tôi còn được học tiếng dân tộc Ba Na, Giơrai; học các bài ca truyền thống về Tây Nguyên. Một thuận lợi cho chúng tô lúc bấy giờ là có được sự hướng dẫn của đồng chí Siu Năng - chính trị viên đại đội người dân tộc Giơrai thông thạo tiếng Kinh, biết tiếng Pháp, có trình độ văn hóa diplome, hiểu phong tục tâp quán đồng bào các dân tộc trên sườn đông Trường Sơn. Hàng tuần chúng tôi được tập trung để kiểm tra, bằng cách dùng tiếng dân tộc để nói chuyện với các chiến sĩ người dân tộc, hoặc giảng viên hướng dẫn gợi ý đặt câu hỏi cho chúng tôi trả lời. Bằng cách học đó, hầu hết cán bộ được sát hạch đều đạt yêu cầu, có đồng chí giỏi viết và nói thông thạo tiếng Ba Na. Tôi còn nhớ lúc về trung đoàn, mới 23 tuổi, lứa tuổi còn quá trẻ so với nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên tôi luôn tin tưởng và sự lãnh đạo của cấp trên nên không ngại việc, ngại khổ. Tôi tự giác làm việc, tự giác đúc rút kinh nghiệm và đánh giá mức thành công của công việc đã làm. Sở dĩ tôi có quyết tâm như vậy là vì tôi muốn tự khẳng định mình trước “sa mạc” thực tế của công tác phía trước.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2010, 07:12:26 am »

Sau khi biên chế lại, để phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới, trung đoàn 120 được giao phụ trách địa bàn tây Bình Định và chiến trường Gia Lai. Ban chỉ huy trung đoàn lúc đó có đồng chí Trương Cao Dũng, trung đoàn trưởng và Nguyễn Duy Đề, chỉ huy. Trung đoàn 120 có 1 tiểu đoàn tập trung, 4 đại đội độc lập (quân số mỗi đại đội hơn 300 người) và 3 đội vũ trang tuyên truyền (101, 102, 103) phương hướng nhiệm vụ của trung đoàn trong giai đoạn này là đưa các đôi vũ trang tuyên truyền tiến sâu vào vùng sau lưng địch, xây dựng và phát triển cơ sở, đẩy mạnh địch, ngụy vận, phát triển du kích chiến tranh, biến hậu phương địch thành tiền phương của ta. Trên khắp các chiến trường bắc Tây Nguyên gồm 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum do trung đoàn 120 phụ trách theo phương châm 3 vùng: vùng bị địch chiếm, vùng du kích, vùng căn cứ địa. Về phương thức hoạt động, lực lượng vũ trang trên chiến trường ở vùng địch hậu là: vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung. 3 giai đoạn này thể hiện trên từng bước đi:

- Các đội vũ trang tuyên truyền có nhiệm vụ tiến sâu vào vùng sau lưng địch, tuyên truyền giác ngộ nhân dân đoàn kết chống Pháp, xây dựng các cơ sở quần chúng, hướng dẫn quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, tiến hành công tác địch ngụy vận, diệt tề trừ gian, tổ chức dân quân du kích đánh địch giữ buôn làng.

- Thực hiện phương châm, kiên nhẫn, thận trọng, chắc chắn, lấy vận động chính trị làm chính. Hết sức giữ bí mật, không rầm rộ, lộ liễu.

- Mỗi đội vũ trang tuyên truyền chỉ biên chế trên dưới 30 cán bộ chiến sĩ, phần lớn là người Kinh và một phần các chiến sĩ dân tộc có phẩm chất tốt, vững vàng được trang bị vũ khí gọn nhẹ và quần áo để cải trang, còn được cấp phát một số tiền Đông Dương để mua bán trong vùng địch.

- Được cấp ủy địa phương bổ sung cán bộ có kinh nghiệm công tác ở các vùng đồng bào dân tộc, thạo tiếng nói dân tộc. Khi hoạt động ngoài vũ khí cá nhân còn mang theo nông cụ như rựa, rìu, cuốc… cong (kiềng bạc, đồng) chuỗi cườm và muối để trao đổi với nhân dân.

- Trong các đội vũ trang tuyên truyền thường phải tổ chức trinh sát đi nắm tình hình, chuẩn bị đường sá mọi mặt cho đội theo sau mở rộng phạm vi tuyên truyền. Đội vũ trang tuyên truyền có nhiệm vụ chuẩn bị địa bàn và những điều kiện cần thiết cho đại đội độc lập hoạt động tiếp theo.

- Đại đội độc lập, thường là một đại đội tăng cường có 4 hoặc 5 trung đội, phụ trách 1 vùng (tương đương với 1 huyện đã có cơ sở tương đối rộng rãi, có chính quyền và tổ chức lực lượng võ trang, tổ chức đoàn thể do đội vũ trang tuyên truyền giao lại, kết hợp chặt chẽ với cấp ủy địa phương kèm cặp và phát triển dân quân du kích, bộ đội địa phương huyện hay vùng liên xã. Các đại đội độc lập phải biết phân tán và tập trung linh hoạt để chống càn quét, đánh phá giao thông địch, phá âm mưu dồn dân của địch, phát triển lực lượng du kích.

Võ trang tuyên truyền là một việc làm mới mẻ, các đơn vị lại đi sâu vào lòng địch hoạt động trong vùng đồng bào dân tộc. Vì vậy Ban chỉ huy trung đoàn phân công đồng chí Nguyễn Thuận (Sau này là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục dân quân, Bộ Quốc phòng), trung đoàn phó phụ trách các đội vũ trang, thường xuyên theo dõi chỉ đạo hoạt động hàng ngày.

Để tiến hành các bước trên đây, Ban chỉ huy trung đoàn phân công 3 đội vũ trang tuyên truyền về hoạt động các địa bàn:

- Đội vũ trang tuyên truyền 101, do đồng chí Phan Thanh làm đội trưởng và đồng chí Nguyễn Khoa là chính trị viên, có nhiệm vụ gây dựng cơ sở vùng tây nam đường 4 giáp đồn điều Bàu Cạn.

- Đội vũ trang tuyên truyền 102, do đồng chí Rah Lan Boat, làm đội trưởng và đồng chí Đoàn Xảo (Đoàn Xảo tức Đoàn Y Thanh nay là thiếu tướng Phó tư lệnh Quân khu 5 đã nghỉ hưu) làm chính trị viên, gây dựng cơ sở ở vùng ĐakĐoa - Biển Hồ (đông bắc Tây Nguyên) rồi từ đó tiến dần lên xây dựng cơ sở phía tây bắc đường 14.

- Đội vũ trang tuyên truyền 103, do đồng chí Trần Đức Thăng, làm đội trưởng tôi - Nguyễn Huy Chương làm chính trị viên gây dựng cơ sở ở vùng ĐakBơt, vùng tây nam Plêiku, vùng Desơrơn, vùng ĐêKur, phía đông đường 14, phía nam đường 19.

Nắm vững phương châm hoạt động, phương thức tiến hành vũ trang tuyên truyền, các đội vũ trang tuyên truyền 101, 102, 103 tổ chức hành quân ra phía trước, tỏa đi các vùng đồng bào dân tộc, trong cao trào cách mạng của những năm đầu kháng chiến chống Pháp đã thu được những thắng lợi vững chắc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2010, 07:13:25 am »

LÒNG DÂN TÂY NGUYÊN

Đầu tháng 6 năm 1949, đội vũ trang tuyên truyền 103 hành quân lên huyện ĐakBớt. Những người lính đồng bằng chúng tôi từ nay bắt đầu cuộc sống và công tác mới ở núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn hùng vĩ. Tôi bỗng nhớ bài hát của nhạc sĩ Đức Tùng, với lời ca thật giục giã: “Ta mau lên đường nhằm Tây Nguyên ta tiến lên. Theo tiếng hú thiêng liêng, theo gió khắp nơi vang rền. Âm u điệu nhạc, rừng ngân lên vang đồi núi, giục ta mau tiến bước, sá chi núi rừng hiểm nguy…”

Dãy Konchueng sừng sững hiện ra phía trước đoàn quân với 3 ngọn núi khổng lồ 1383 mét, 1567 mét kẹp hai bên, để xem dãy Konchueng là ngôi nhà trời, còn các nhà quân sự cho dãy Konchueng là tâm điểm chiến lược quan trọng chạy qua địa phận Gia Lai,đó là: đường 19, đường 14, đường 25 (còn gọi la đường số 7). Đường 19 xuất phát từ cảng Quy Nhơn chạy qua Gia Lai đến huyện Đức Cơ, dài 167km, rồi từ Đức Cơ chạy đến tận trung tâm tỉnh Stung - Treng (Campuchia). Đây đồng thời là con đường chiến lược trọng yếu ở phái nam Đông Dương - con đường sống còn của địch ở Tây Nguyên. Nhiều nhà chiến lược quân sự cho rằng: Ai kiểm soát được Tây Nguyên trung phần, người đó kiểm soát được cả Việt Nam. Còn con đường 14 đi qua địa phận cao nguyên Gia Lai 112km, nối đông bắc Kon Tum với Quảng Nam - Đà Nẵng và tỉnh lộ 25 nối đường 14, từ ngã ba Mĩ Thạch đi qua huyện Azunpa, Kogpa vào Đắc Lắc. Đây cũng là con đường trọng yếu chiếm vị trí cơ động trung tâm tên chiến trường bắc Tây Nguyên và miền Nam Việt Nam.

Để đến được huyện Dakbơt đội vũ trang tuyên truyền 103 phải hành quân qua các xã phía tây của huyện Bình Khê (Bình Định), là: Bình Thành, Bình Phú, qua Bình Tường lên Bình Quang đến Bình Giang. Sở dĩ cũng tôi phải hành quân vòng vòng như vậy là để nghi binh tránh bọn thám báo, gián điệp ở đồn An Khê thường xuyên “thả mồi bắt bóng” ở vùng này. Một khi bọn chúng biết được động tình của ta, lập tức chúng gọi pháo 105 bắn tới, hoặc đưa quân đi phục kích đánh chặn gây thương vong cho lực lượng ta.

Sau gần một tuần lễ đi trong mưa núi, ngày dấu mình, đêm bí mật, cán bộ chiến sĩ đội vũ trang tuyên truyền 103 mới đến địa phận xã Gia Hội nằm ở phía bắc tuyên truyền An Khê - xã Gia Hội là một trong những xã có phong trào du kích chiến tranh phát triển mạnh ở Gia Lai. Có thể xem địa bàn Gia Hội là hậu phương của đại đội YBinNam. Việc làm đầu tiên của đội vũ trang tuyên truyền 103 là chọn địa điểm thành lập căn cứ, để sau một đợt công tác trở về bộ đội có nơi học tập và sinh hoạt. Ban chỉ huy đội 103 chọn khu rừng nguyên sinh dưới chân dãy Konchueng làm căn cứ bàn đạp triển khai công tác năm tình hình chung - từ xã Gia Hôi đến các xã phía tây của địa bàn huỵện Đăkbớt. Xã Gia Hội có 22 làng tộc Ba Na, với số dân hơn 2.000 người, trong số này còn 2 làng: Kồ (Đêkruk) - Gật (Đe Chơzơn) dân số chiếm gần 50% Còn nằm trong vùng kiểm soát của địch, 19 làng còn lại dân số tuy ít hơn nhưng bà con bất hợp tác vói quân địch, cùng nhau đoàn kết rào làng chiến đấu, tổ chức đánh địch bằng cung nỏ, bẫy đá, chông hầm làm cho bọn giặc khiếp sợ. Đã có lần chúng tổ chức càn quét trên quy mô lớn vào xã Gia Hội để cắm đồn nhưng chi được một thời gian liền bị bộ đội YBinNam và dân quân du kích Gia Hội bao vây bứt rút. Chiến công của Gia Hội trong trận đó gắn liền với tên tuổi hai cán bộ xã đội và hai thôn đội là: đồng chí Sói và đồng chí Gớt; đồng chí Dzơn và đồng chí Ron là bốn đảng viên đầu tiên của Gia Hội.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2010, 07:17:00 am »

Trung tâm hoạt động của đội vũ trang tuyên truyền 103 trong đợt này, là đồng thời triển khai trên diện rộng công tác xây dựng cơ sở trong vùng địch hậu, lấy 2 thôn Kồ và Gật làm trọng tâm. Ban chỉ huy đội 103 phân công từng tổ, từng cán bộ chiến sĩ đi sâu vào buôn rẫy tìm bắt liên lạc với những người dân ở các làng: Kon Thoup, Đe Daktrang, Kon Mour, PleiKlah, PleiDaklơn, Plei Dâu… tuyên truyền chính sách dân tộc của Đảng cho đồng bào, quyết tâm vô hiệu hóa quân địch trước số dân trong vùng chúng kiểm soát. Được đồng bào Ba Na ở 19 làng của Gia Hội giúp đỡ, cán bộ chiến sĩ đội vũ trang tuyên truyền 103 từ đây sống hòa nhập cùng đồng bào, ba lô đựng tư trang được thay bằng gùi, đến bữa cũng bốc mắm Bồ hốc(1) ăn cơm, đêm ngủ đất, để tóc dài, mặc khố, có đồng chí cà răng căng tai, để đảm bảo bí mật hoạt động cho đội. Buổi đầu chưa quen với nếp sống và tác phong của người dân tộc, đồng bào dân tộc Ba Na ngoài việc tập dượt cho bộ đội từng động tác sinh hoạt, đến lao động trồng tỉa trên nương, vác rựa đi rừng, còn chỉ cho bộ đội đi lấy nước ở con suối xa dân, đi con đường riêng, không cho dân biết và nấu cơm tiếp tế cho bộ đội ngoài rừng. Bộ đội quen rồi đồng bào mới mời vào làng ăn ở. Địa bàn Đakbớt còn đến 2 đồn địch nên việc hoạt động của đội 103 phải thận trọng và chính xác, chọn đúng người tuyên truyền mới phát triển cơ sở. Tuy cuộc chiến đấu ở đây không trận tuyến, nhưng tính chất ác liệt gian khổ không tách rời sự hi sinh, đòi hỏi người cán bộ địch hậu phải kiên trì dũng cảm, lăn lộn và dám hi sinh. Phải biết khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước tình đoàn kết bất khuất, lòng khát khao cuộc sống độc lập tự do của đồng bào còn nằm trong vùng địch, mới xây dựng được cơ sở vững chắc vùng địch hậu. Trong cuộc chiến đấu gian khổ ác liệt ban đầu, đến công tác tại địa bàn Tây Nguyên đã xuất hiện những tâm gương hi sinh vì sự nghiệp cách mạng. Đồng chí Nguyễn Hữu Nhơn là một trung đội phó vũ trang tuyên truyền được phân công xây dựng cơ sở ở làng ĐeCrap. Dân làng ĐeCrap bị địch khủng bố và kiểm soát gắt gao, chúng thường giả dạng người cách mạng len lỏi vào các rẫy để lừa phỉnh và kiểm soát lòng dân. Một vài người mất cảnh giác bị chúng bắt về tra tấn, vì vậy dân không dám tiếp xúc và không cho người lạ mặt vào làng. Kiên trì bám dân, đồng chí Nhơn sống ngoài rừng chịu đói, chịu lạnh. Ban ngày đồng bào đi làm rẫy, Nhơn bám theo gợi chuyện làm quen. Người lớn không tiếp xúc, anh quay qua làm quen với trẻ con, gây được cảm tình. Một vài người dân thử thách lòng anh… Được biết Nhơn là người cách mạng thật, Già Mom bắt chuyện. Già không ngần ngại nói cho Nhơn biết chủ làng ĐeCrap cũng là người cách mạng, ông từng tham gia cướp chính quyền ở Gia Lai và An Khê hồi khởi nghĩa năm 1945. Mặc dù được Tây giao cho làm chủ làng, nhưng chủ làng ĐeCrap không theo Tây, không phản bội cách mạng. Gặp được chủ làng ĐeCrap Nhơn chuyện trò, chủ làng ĐeCrap gọi luôn Bruc - nguyên là xã đội du kích hồi khởi nghĩa năm 1945 ra hợp tác với cách mạng. Bài học Nguyễn Hữu Nhơn kiên trì đã cắm đợc cơ sở ở làng ĐeCrap phát triển được mạng lưới cơ sở cách mạng nòng cốt, tạo được thế đứng vững chắc trong vùng địch kiểm soát trở thành một điển hình cho công tác tuyên truyền xây dựng cơ sở ở vùng địch hậu Tây Nguyên. Học tập tấm gương kiên trì của Nguyễn Hữu Nhơn, đội 103 từ đó nhờ chủ làng ĐeCrap dẫn cán bộ đến làng ĐêKruk. Già làng ĐeCrap khóc nói: “Từ khi giặc chiếm làng đến nay bọn tao vẫn chờ cách mạng. Một số thanh niên không chịu cầm súng cho thằng Tây, chúng nó chạy hết vào rừng. Bọn tao về sống hợp pháp để làm cái nương cái rẫy để tiếp tế cho bọn nó trong rừng.

Bất ngờ quá! Hôm nay tau gặp Cách mạng, có Đảng của cụ Hồ đến rồi chác từ nay tau sống được!”. Già làng Đê Kruk lau nước mắt nhìn anh em bộ đội cũng đóng khố, mang gùi như dân làng mình rồi nói tiếp: “Tau nói tụi bay nghe, bây giờ làng Đê Kruk và mấy làng khác nữa có chủ làng do thằng Tây đặt, nhưng bọn chúng có thằng xấu, có thằng không xấu, bọn tau có cách liên lạc được và sẽ gọi chúng nó đến gặp cách mạng”. Từ đó làng Đê Kruk có cơ sở cách mạng. Đồng bào còn quy định ám tín hiệu: Khi có giặc đồng bào treo nhánh xương rồng trước cửa, hay để một cây củi đốt dở, đùa quay ra cổng làm tín hiệu cho bộ đội biết mà tránh, và từ đây đồng bào các làng Pleiklah, Peidâu, Pleimeieu, Decluc… gọi tôi bằng một cái tên mới “Capital Chương”, “Capital(2) Chương” là bội đội cách mạng của cụ Hồ. Ở những làng chưa có cán bộ đến công tác, bằng một lối thông tin riêng bà con cử ngươi tin cần đi liên lạc trước, mời đồng bào ra địa điểm rừng quy định, khi cán bộ đội 103 đến đã có đồng bào tề tựu sẵn dự mitting. Tôi còn nhớ một lần tổ chức ăn thề với làng De Blang, người đại diện cho làng De Blang, tôi đại diện cho cách mạng cùng uống rượu ăn thề. Già làng De Blang tay bê bát rượu đưa lên ngang mày, đầu cúi trân trọng đọc lời thề: “Từ nay dân làng De Blang một lòng đi theo cách mạng đánh Tây, không chỉ đường cho Tây, sống chết với Việt Minh” Tơ Bah LuPhang, Tei! Bloh đi Lú Ayat!” Dịch nghĩa: “Đánh lũ Tây, giết sạch bọn bán nước!”. Lời già làng De Blang vừa dứt, đồng bào đồng loạt giơ tay hô vang theo lời già làng vừa nói. Tiếp theo hai thanh niên Gơri, Gơrứt đại diện cho các đoàn thể lần lượt lên ngậm súng đọc lời thề: “Hôm nay tôi xin thề đi theo cách mạng do cụ Hồ lãnh đạo, đánh thằng Tây đến cùng! Nếu bị thằng Tây bắt không khai báo, không dẫn đường cho Tây đi đánh bộ đội Cụ Hồ. Ai làm điều sai thề trước đầu súng sẽ bị chết”. Một hôm, cơ sở móc được chủ làng Kon Thoup ra rừng. Gặp tôi chủ làng Kon Thoup nói: “Tau buộc phải nhận chức chủ làng với Tây nhưng không làm hại dân. Tau nghĩ để cho đứa khác làm thì tau không kiểm soát được hăn khi hắn cầm súng của Tây khi hắn cầm súng của Tây trong tay hắn. Nay cách mạng đã về đến làng tau tin tụi bây là bộ đội cách mạng của cụ Hồ, tau giao chức chủ làng cho chúng mày cử người khác làm. Từ nay tau xin cách mạng một cây súng vào rừng làm du kích thôi”. Tôi thật bất ngờ trước ý thức và lòng trung thành với cách mạng của chủ làng Kon Thoup. Tôi đeo vào già làng một cái cong (cái vòng bằng bạc) làm tin và lấy một lưới cuốc, một cái rựa đưa cho chủ làng Kon Thoup. Chủ làng Kon Thoup mừng rỡ hẹn ngày huy động dân làng ra dừng dự mitting. Tại buổi mitting sau đó tôi giải thích cho bà con hiểu biết âm mưu của giặc Pháp với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và đọc thư của Bác Hồ gửi đến Đại hội dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku ngày 19 tháng 8 năm 1945. Nghe tôi giới thiệu về Bác Hồ, mọi người im lặng trân trạng đón nghe thư của Bác viết “… Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt, chúng ta sống chết cho nhau, trước kia chúng ta xa cách nhau, một là do thiếu liên lạc, là vì kẻ thù xúi giục để chia rẽ chúng ta… Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ của chúng ta, nên xin tất cả các dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu, phải kính trọng nhau, đểu giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cái chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt, chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ quyền tự do, độc lập của chúng ta”. Tôi đọc thư của Bác Hồ bằng tiếng dân tộc Ba Na, đồng bào nghe đều vỗ tay tán thưởng và hô vang: “Bác Hồ! Bác Hồ!”


(1) Mắm bồ hốc làm bằng loại ruột non già của các con vật giết thịt, được làm sạch đem băm nhỏ trộn với muối rồi đem bỏ vào chum hoặc những thứ đựng khác để càng lâu ăn càng ngon.
(2) Capital (ngang hàm Đại úy).
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Mười Hai, 2010, 07:23:19 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2010, 07:19:16 am »

Từ đó, đồng bào dân tộc trong làng hăng hái vào hội Việt Minh, đánh Tây, tham gia làm rẫy đánh Tây. Tổ chức hội họp đoàn thanh niên, phu nữ, nông dân… cung cấp tình hình địch và dẫn đường cho bộ đội 103 đi công tác. Tôi có thể nói là đến lúc này thì “sa mạc” thực tế mà tôi nghĩ trước đây đã trả lời bằng những “dãy núi” đầy ắp thực tiễn. Phong tục tập quán của đồng bào là điều tôi quan tâm, được thể hiện chung nhất, đàn ông quanh năm đầu trần chân đất, đàn bà mặc mỗi chiếc xà rông (bận váy), đau thì uống thốc lá rừng, sốt thì tắm nước lá, lạnh thì đốt lửa như thế mà người nào cũng bóng như cây lim, cật, sến, vững vàng như dãy Konchueng. Chính những điều chung nhất ấy tạo nên điều giống nhau là kiên định ý chí, vững vàng trong bão táp, dù Ba Na hay Ê Đê, Gia Rai hay M’nông đều thể hiện bản sắc văn hóa của mình: Trung thành với Đảng, tôn kính Bác Hồ. Chỉ bằng ấy điều thôi tôi cũng có thể nói rằng “Các dân tộc Tây Nguyên có khoảng một triệu người, nhưng đó là dãy Trường Sơn, là rừng thiêng, lũy thép của Tổ quốc ngăn bước quân thù, tạo thế cho cách mạng giành thắng lợi từ đây.

Đầu tháng 12 năm 1949. Sau 6 tháng đội vũ trang tuyên truyền 103 cắm ở huyện Dakbớt, đội đã xây dựng cơ sở ở 27 làng giáp tới sông Azumpa, củng cố được các căn cứ Gia Hôi, Đesơrô, Fama, với 3.000 dân. Đội vũ trang tuyên truyền 103 được lệnh trung đoàn bàn giao địa bàn Dakbớt cho đại đội (đại đội YBinNam. Ở Gia Lai lúc đó có hai đội YBinNam và YBinBắc) của đồng chí Nguyễn Trọng Đàm đại đội trưởng và Nguyễn Loan, làm chính trị viên. Đại đội YBinNam lúc này có quân số hơn 300 người. Sau khi bàn giao địa bàn đội vũ trang tuyên truyền 103 được lệnh trở về hậu cứ chỉnh đốn đội ngũ, hoc tập và chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới.

Năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta từ phòng ngự chuyển sang thế tiến công quân địch ở nhiêu chiến trường trong cả nước. Trước nguy cơ thất bại, giới cầm quyền Pháp cầu cứu Mĩ chi viện. Thực dân Pháp lừa bịp dân ta bằng cách trao trả độc lập cho con bài Bảo Đại. Bảo Đại thành lập đội quân tay sai gọi là quân quốc gia Nam triều, cờ vàng 3 sọc đỏ. Đội quân này do Mĩ huấn luyện và trang bị. Tướng Đờlát Đơtaxinhi (De Lastre Detasigni) tư lệnh khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang thay tướng Salan làm tổng chỉ huy quân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương. Đờ-lát ra sức tiến hành chiến tranh tổng lực, bình định vùng tạm chiếm, khủng bố lực lượng cách mạng, đẩy mạnh chiến tranh xâm nước ta. Ở địa bàn Tây Nguyên, đồng thời với thủ đoạn chiêu an, vũ trang cho quần chúng phát triển Guom (Guom, nguyên tiếng gốc Ả rập, chỉ lực lượng vũ trang làng xã của địch) củng cố đồn bốt tăng quân giữa các tuyến giao thông chiến lược, tuyên truyền chia cắt, đất Tấy Nguyên là đất của người Thượng, để chia rẽ Kinh Thượng. Địch còn thực hiện các thủ đoạn như:

- Thông qua tề ngụy các cấp, đẩy mạnh các cuộc hành quân chiêu an, thực hiện việc có mặt thường xuyên ở buôn làng: dùng muối, thuốc kí ninh, dụng cụ để mua chuộc bằng vật chất, duy trì phong tục tập quán lạc hậu và duy trì chế độ già làng để nắm dân. Đi đôi với các thủ đoạn này chúng lập đồn Kan Nat, Thủy Tú, Cửu An, Thượng An… tạo vành đai bảo vệ cứ điểm và đồn địch nhằm kiểm soát dân chống lại cán bộ ta nhập làng.

Để đối phó với âm mưu thủ đoạn của địch, đưa sự nghiệp kháng chiến của dân tộc ta trên địa bàn Tây Nguyên phát triển, Liên khu 5 đề ra nhiệm vụ cho chiến trường bắc Tây Nguyên - vùng xung yếu nhất giữa địch và ta là:

Ra sức động viên mọi khả năng của đồng bào vào công cuộc tổ chức và phát triển cơ sở, đẩy mạnh chiến tranh du kích phá âm mưu củng cố Tây Nguyên của địch. Cũng trong thời gian này Liên khu ủy 5 quyết định sáp nhập tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum thành lập tỉnh Gia-Kon chia thành 8 khu trực thuộc(1), trên cơ sở đó phù hợp với địa bàn, Bộ tư lệnh Quân khu 5 quyết định hợp nhất trung đoàn 120 mới phụ trách chiến trường bắc Tây Nguyên. Sau khi làm phiên chế trung đoàn 120 có 8 đại đội và 10 đội vũ trang tuyên truyền, có 30 cán bộ chiến sĩ (mỗi đội). lúc này tôi được Ban chỉ huy trung đoàn quyết định làm đội trưởng vũ trang tuyên truyền 103, đồng chí Bùi Dự làm chính trị viên. Liền sau đó trung đoàn lệnh cho đội vũ trang tuyên truyền 103 và đội vũ trang tuyên truyền 101 của đồng chí Nguyễn Hồng Hương(2) làm đội trưởng và đồng chí Trịnh Quang Ngọc, chính trị viên. Về hoạt động ở vùng ChưPrông phía tây đường 14 gần Bàu Cạn. Đội 103 hoạt động từ Cheo Reo đến giáp Buôn Hồ lên biên giới Campuchia. Vậy là hai đội vũ trang tuyên truyền 101 và 103 chúng tôi từ ngày thành lập đến nay mơi có dịp sát cánh bên nhau hoạt động chung một địa bàn. Tuy nhiên, theo lệnh trung đoàn để tạo bất ngờ và để tránh thương vong trên đường công tác, đội 103 không được hành quân cùng đường với đội 101 (đi theo đường của đội 101 chỉ mất 1 tuần lễ) vì từ ngày chiếm lại Tây Nguyên quân Pháp lập tuyến phòng thủ phía tây đường 14 rất gắt gao. Hiểu vấn đề, hai đôi vũ trang tuyên truyền 101 và 103 thống nhất lấy núi Chứ Đơn làm tọa độ chuẩn, lấy làng Plâyme làm địa điểm bắt liên lạc, hai đơn vị chúng tôi cùng quy ước đơn vị nào đến trước thì xây dựng cơ sở trước. Chúng tôi chia tay. Đội 101 lên đường.


(1) Khu I: Đăclei; Khu 2: Đăktô, Khu 3: Complong, Khu 4: bắc An Khê; Khu 5: Đakbơt, Khu 6: Gia Hội, Sơrô, Kơnchơngbơ; Khu 7: Vùng kinh tế An Khê; Khu 8: Pleikon. Mỗi khu tương đương với 1 huyện.
(2) Đồng chí Nguyễn Hồng Hương quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, sau khi sát nhập đội 101, 103 thành đội vũ trang tuyên truyền 118 đồng chí được cử làm liên đội trưởng. Tập kết ra Bắc 1954, chuyển ngành, sau 1975 đồng chí trở lại Gia lai làm Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Gia Lai. Đồng chí Bùi Dự quê ở Mộ Đức Quảng Ngãi được phân công trở lại chiến trường miền Nam; là huyện ủy viên huyện Chứ Ti. 1958 bị địch bắt và hi sinh trong nhà tù đế quốc; đồng chí Nguyễn Thành quê ở Tam Kì, trung đội trưởng vũ trang tuyên truyền 118 được phân công ở lại miền Nam trong kháng chiến chống Mĩ. Là tỉnh ủy viên Gia Lai. Sau năm 1975, là phó bí thư tỉnh ủy Gia Lai hiện nghỉ hưu tại Gia Lai. Tất cả những đồng chí tôi ghi tên ở phần chú thích đã có cong lao lớn đóng góp cho đội vũ trang tuyên truyền 118 công tác ở vùng địch hậu, trong thời kì khó khăn tăm tối nhất ở Tây Nguyên. Người còn sống xin xem đây là sự chia sẻ niềm vui với tôi trong ngày đoàn tụ, là một nén hương của lòng tôi nghĩ về những đồng đội đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng của Đảng; vì nghĩa lớn đối với dân tộc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2010, 07:24:43 am »

Tháng Giêng ở Tây Nguyên trời xanh và cao hơn, thời tiết đang vào mùa khô, những cơn gió bấc từ cửa biển Sa Huỳnh, cửa biển Quy Nhơn thổi lên làm cây rừng Tây Nguyên nghiêng ngả, đêm nay không đứng yên. Ai đã lên Tây Nguyên, đã gắn bó với đất này mới biết gió Tây Nguyên, khi thì thống tháo, khi thì cồn cào gan ruột, gió xô nghiêng cả người đi, ngươi đứng. Các ngọn đồi gió gọt sạch cỏ tranh trơ ra mặt đất úa bầm. Lúc này đội vũ trang tuyên truyền 103 chúng tôi đứng chặn tại xã Bình Phú huyện Bình Khê phía tây tỉnh Bình định, nhận lệnh trung đoàn hành quân xuống thành Bình Định (xưa là thành Bồ Đàn). Suốt 6 tháng trường công tác ở vùng địch hậu Tây Nguyên, nay chúng tôi trở về đồng bằng đi giữa bao la của vùng tự do cách mạng, mọi người tấp nập như đi hội trên tấm thảm xanh của đồng ruộng, làng quê; trong tiếng nô đùa của các em râm ran niềm vui mới. Hiện thực đó như bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người lính vệ quốc chúng tôi. Cuộc hành quân của đội vũ trang tuyên truyền 103 được cấp trên quan tâm, nơi cần đến liên hệ đều có công văn đi trước và cho đơn vị cầm theo. Tôi đến ga Bình Định làm việc xin goòng đi La Hay. Đến 16 giờ chiều cùng ngày cán bộ chiến sĩ vũ trang tuyên truyền 103 đến ga La Hay Phú Yên, địa đầu của tỉnh Phú Yên. Từ giã quê hương Bình Định thân yêu với những vườn dừa bạt ngàn xanh mát quanh năm, chúng tôi hành quân lên địa phận xã Xuân Quang ở phía tây huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên. Địa hình Đồng Xuân lúc này rừng còn bạt ngàn, nơi đây là chiến khu dựng quân của Trần Cao Vân và Võ Trứ dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp năm 1898. Cuộc khởi nghĩa này tuy không thành công nhưng ngọn đuốc do các lãnh tụ khởi nghĩa đốt lên còn ấm lòng dân tộc (Trần Cao Vân sau này là lãnh tụ khởi nghĩa chống Pháp 1916; Võ Trứ là bộ tướng Nguyễn Thành Phương thời nghĩa hội). Hơn 40 năm sau, những người linh vệ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, của Bác Hồ kính yêu, về dây tra lại dấu chân trần của cha ông đi cứu nước. Từ xã Xuân Quang tôi và đồng chí Bùi Dự đến văn phòng tỉnh ủy Phú Yên tình công văn của đồng chí Nguyễn Chánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Liên khu ủy, Tư lệnh kiêm chỉ huy Liên khu 5 gởi cho tỉnh Phú Yên. Công văn yêu cầu tạo điều kiện cho đội vũ trang tuyên truyền 103 hành quân lên tỉnh Đaklak. Đồng chí Lê Vụ, Bí thư tỉnh ủy Phú Yên vui vẻ nói với chúng tôi: “Từ nay hậu phương thì xa còn tiền phương thì gần. Đường đi trắc trở gian nan, các đồng chí cần bồi dưỡng đôi chân cho tôi. Mọi cố gắng của các đồng chí sẽ không thừa”. Trở về đơn vị tôi cử một tổ trinh sát đi nắm trước tình hình đường hành lang, khi có tín hiệu báo yên mới ra lệnh xuất phát. Bộ đội 103 theo đường Cây Vừng, Kí Lộ lên Trà Bương, Machoi, Maphu vào địa phận Đaklak qua sông Cà Lúi Eabreh đến Ơinu và chuẩn bị vượt sông Ba (Eâp). Tuy trời còn sáng, ở đây lại là vùug tự do nhưng Ban chỉ huy đội 103 vẫn cho cán bộ chiến sĩ dấu mình trong cánh rừng xanh, cho trinh sát bến bãi, chờ đêm đến mới cho bộ đội vượt sông Ba. Sông Ba mùa này nước cạn nhưng chảy xiết lắm. Chúng tôi đội ba lô lên đầu lội qua sông. Nước sông cuồn cuộn, trời đêm sâu thẳm, rừng núi mênh mông, lòng tôi dây lên bao niềm cảm xúc:

Sông Ba nước chảy về đâu
Chạnh lòng chiến sĩ khơi sâu căm thù
Nhớ ngày cách mạng mùa thu
Vũ trang công tác chiến khu lên đường…


Vượt sông Ba chúng tôi đi chếch hướng đông tránh đồn địch để qua đường số 7 an toàn và đi về hướng Đềplâygia liên hệ để vào căn cứ của trung đoàn 84, do đồng chí Giáp Văn Cương, trung đoàn phó chỉ huy. Được trung đoàn 84 giúp đỡ, đội 103 triển khai trinh sát nắm tình hình phía đông và phía tây đường 14, mới đưa quân qua cầu gỗ Woanh Chăm vào địa phận Buôn Hồ. Chúng tôi đi phía trên, Hồ Lức ở phía dưới, còn phía bắc là sông Srrêpốc (Êa Srrêpốc). Ban chỉ huy đội 103 chọn địa điểm dừng quân tổ chức lại trại ở, triển khai công tác. Đội vũ trang tuyên truyền 103 chúng tôi bắt đầu xây dựng cơ sở từ phía bắc Đakmin qua huyện Cônhec - một huyện biên giới thuộc tỉnh Mon Đun Kê Ri (Campuchia) và bắt liên lạc với đội vũ trang tuyên truyền đông bắc Miên do đồng chí Trương Minh Lí, quê ở Duy Xuyên, phụ trách. Và kể từ đây đội 103 xây dựng cơ sở ra hướng bắc địa phận tỉnh MonĐu Kê Ri, rồi về lại ngã ba Mĩ Thạch trên đường 14 và đường 25, đến tọa độ chuẩn trên núi Chứ Đơn, phát tín hiệu cho đội 101 đến làng Pleime, bắt liên lạc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2010, 07:25:33 am »

Suốt 4 tháng trời hành quân, đội vũ trang tuyên truyền 103 xây dựng được 20 làng cơ sở dọc hành lang trên tuyến đường hành quân gần 1.000km. Niềm phấn khởi của cán bộ chiến sĩ hai đôi vũ trang tuyên truyền 101 và 103 - những người chiến sĩ sống xa quê hương lâu ngày gặp lại nhau không thể nào tả xiết. trong suốt 4 tháng qua, hai đội 101, 103 thi đua hoàn thành công tác xây dựng cơ sở địch hậu, điều đáng mừng nhất là cán bộ chiến sĩ hai đội đoàn kết đảm bảo được an toàn cho hai đơn vị và cho các cơ sở không bị địch tập kích, phục kích gây thươg vong. Địa bàn từ Đakmin dọc theo hai tỉnh biên giới Mon Đun Kê Ri và Na Ta Kê Ri (Campuchia) về phía tây đường 19 huyện Chứ Ti (Đức Cơ) trở thành tuyến hành lang an toàn cho hai đơn vị. Vì ở đây đồng bào dân tộc H’Mông, Ê Đê, Zơrai… sống hai bên biên giới đều có quan hệ huyết thống sắc tộc, nên sự thống nhất rất cao. Cơ sở trên đất Việt Nam xây dựng ở làng Ê Đê, thì làng Ê Đê bên Campuchia ủng hộ và ngược lại. Mỗi khi có địch càn quét bên phía biên giới Campuchia thì cơ sở bên[97] Campuchia chạy về Việt Nam tránh né, khi địch càn ở Việt Nam thì cơ sơ ở biên giới Việt chạy về Campuchia tránh né. Cứ như vậy, các dân tộc sống hai bên miền biên giới của hai nước, luôn tận tâm giúp đỡ nuôi dưỡng cán bộ chiến sĩ hai đôi vũ trang tuyên truyền 101 và 103 hoạt động. Một thuận lợi nữa đến với hai đơn vị là đã phát triển được người dân tộc ở địa bàn hai bên biên giới vào công tác ở hai đôi 101 và 103, Ngôn ngữ Ba Na mà hai đơn vị đã học trước đây không còn thích nghi ở địa bàn công tác mới. Những chiến sĩ dân tộc mới phát triển vào đơn vị, được hướng dẫn học tập chữ quốc ngữ để trở thành như một thông dịch viên truyền đạt chủ trương chính sách của Đảng đến với đồng bào dân tộc hai bên biên giới. Một vùng biên giới tự do rộng hơn 300km mở ra liên hoàn. Tôi nghĩ từ lúc quân đi trong đêm, đất trời không bờ bến, đến nay dù cách mạng chưa thành công nhưng ta đã có đất và trời, có cả cộng động các dân tộc hòa nhịp sống bao la của cuộc kháng chiến cứu nước.

Đến tháng 8 năm 1951, Ban chỉ huy trung đoàn 120 ra lệnh sáp nhập đội vũ trang tuyên truyền 103 và 101 thành liên đội vũ trang tuyên truyền 118. Liên đội vũ trang tuyên truyền 118 do đồng chí Nguyễn Hồng Hương làm liên đội trưởng, tôi nhận quyết định làm chính trị viên, hai đồng chí Trịnh Quang Ngọc và Bùi Dự làm đội phó. Liên đội vũ trang tuyên truyền tuy là một nhưng trở về hoạt động trên địa bàn trước khi hai đơn vị sát nhập. Có nghĩa là đội vũ trang tuyên truyền 103 vẫn hoạt động trên địa bàn hai tỉnh biên giới Mon Dun Kê Ri và Ra Na Ta Kê Ri và một phần huyện PleiKli[98] tây đường 14, còn đội 101 vẫn hoạt động trên địa bàn Chứ Ti, tây nam đường 19. Phương châm và nhiệm vụ của Liên đội vũ trang tuyên truyền 118 thời gian này là:

Nắm vững phương châm kiên trì vận động cách mạng, tích cự đẩy mạnh công tác củng cố cơ sở, củng cố hành lang bàn đạp, chú ý vùng biên giới mở rộng và bảo vệ căn cứ du kích xây dựng cơ sở vùng bị chiếm.

Ra sức địch ngụy vận phá âm mưu vũ trang cho dân, phát triển Guom của địch, chống chính sách dồn dân của chúng; tích cực đấu tranh triệt phá kinh tế địch, xây dựng kinh tế ta; tuyên truyền giáo dục chính trị cho nhân dân, củng cố khối đoàn kết kháng chiến; rèn luyện cho cán bộ đảng viên chiến sĩ tư tưởng: Trường kì gian khổ tự lực cánh sinh nhưng nhất định thắng lợi. Thực hiện quan điểm bình đẳng dân tộc. Trong công tác tổ chức thì quan tâm chỉnh đốn tổ chức Đảng ở cơ sở để tiện sinh hoạt thích hợp với hoàn cảnh chiến trường. Ban chỉ huy Liên đội vũ trang tuyên truyền 118 tổ chức quán triệt nhiệm vụ cho cán bộ chiến sĩ và ra quân công tác. Một thuận lợi của Liên đội vũ trang tuyên truyền 118 là gặp được anh Ksor Thanh. Ksor Thanh là người dân tộc Zơrai, có học vấn diplôme, nói thông thạo tiếng Pháp, tiếng Việt, hiểu phong tục tập quán của ác dân tộc sống trên vùng biên giới Việt Nam, Campuchia. Ksor Thanh nguyên là chủ tịch huyện Chứ Ti (Đức Cơ) hồi khởi nghĩa 1945. Từ khi giặc Pháp chiếm lại địa bàn Chứ Ti, Ksor Thanh tập hợp một số trai tráng trong huyện vào rừng phát[99[ rẫy sinh sống, bất hợp pháp với quân địch chờ ngày cách mạng trở về. Kso Thanh được liên đội 118 kết tập công tác. Có Ksor Thanh, việc phát triển thanh niên địa phương bổ sung cho liên đôi 118 được thuận tiện. Căn cứ đứng chân của liên đội ở núi Chứ Ti được củng cố. Khi thế đơn vị lúc này phấn khởi, quân số vừa đông về số lương, vừa mạnh về ý chí và tư tưởng, số thanh niên mới vào liên đội lên đến 40 người, toàn đơn vị đã có 101 đồng chí. Chính quyền cách mạng ở từng làng được tổ chức chặt chẽ, trên có chủ tịch làng, dưới có đoan thể thanh niên, phụ nữ, nông dân, thiếu niên. Mỗi làng có một tổ du kích mật, tiểu đội du kích chiến đấu. Du kích mật có nhiệm vụ hợp pháp bám địch, bám đường khi cán bộ về công tác và bảo vệ nhân dân trong các cuộc họp mit ting. Ở những làng xa quốc lộ 19, 14 xa đồn địch, liên đội 118 tổ chức cho đồng bào làm rẫy tỉa lúa tự túc lương thực nuôi bộ đội và lập kho dự trữ gạo muối ở căn cứ, đề phòng địch càn quét. Đến năm năm 1951, địa bàn hai huyện Chứ Ti (Đức Cơ) và Pleikli các cơ sở quần chúng đã được phát triển đều khắp, có làng ở sát đường 19, 14, trong vùng địch kiểm soát cũng đã phát triển được cơ sở cách mạng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 06:32:11 am »

Tháng 7 năm 1951, tôi được trung đoàn chỉ định về dự Đại hội Đảng bộ Liên khu 5. Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự một hội nghị quan trọng của Đảng. Tại đại hội tôi cố nắm bắt và quán triệt những nghị quyết quan trọng của đại hội như nghị quyết: “Nhiệm vụ công tác của vùng sau lưng địch”; Nghị quyết về “Vùng địch tạm chiếm là vùng du kích”; Nghị quyết nhấn mạnh công tác vùng sau lưng địch là: “Tích cực tranh thủ nhân dân vùng địch hậu, kiên trì xây dựng cơ sở tạo điều kiện phát triển chiến tranh du kích, phá chính sách bình định của địch”. Hồi đó chưa có phương châm: Hai chân 3 mũi giáp công, nên nghị quyết công tác vùng bị địch chiếm và vùng du kích như sau: “Các địa phương phải biết căn cứ vào tương quan lực lượng giữa địch và ta trên mỗi địa phương mà định hướng đấu tranh cho thích hợp, khi trọng về chính trị, khi chính trị quân sự đi đôi, khi trọng về quân sự, nhưng điều cơ bản phải lấy dân làm gốc. Mọi công việc trong hai vùng đều phải xoáy quanh ba vệc: Dân vận, vận động quân ngụy, chiến tranh du kích”. Tháng 10 năm 1951 Liên khu ủy quyết định thành lập mặt trận miền Tây. Phạm vi mặt trận miền Tây gồm: Đại bộ phận tỉnh Kon Tum và miền Tây tỉnh Quảng Ngãi. Tỉnh Giakon sau khi chuyển các huyện thuộc tỉnh Kon Tum về mặt trận miền Nam còn lại các huyện: Komlong, An Khê, PleiKon và vùng tây đường 14. Lúc này tỉnh Gia Lai quyết định thành lập Ủy ban kháng chiến huyện Chứ Ti. Đồng chí Ksor Thanh vẫn làm chủ tịch huyện, đồng chí Đỗ Huyên thường vụ huyện Đakbớt được rút lên làm Bí thư ban cán sự huyện Chứ Ti và huyện PleKli. Tôi và đồng chí Nguyễn Hồng Hương được bổ sung vào ban cán sự huyện Chứ Ti. Địa bàn này, cơ sở cách mạng tay đường 14 và đông bắc đường 19 gần như đều khắp, phong trào đấu tranh hợp pháp cũng như bất hợp pháp lên cao. Các đồn địch đóng ở Chứ Ti, Pleikli, Peimoedươc, Bàu Cạn bị vô hiệu hóa trước nhân dân. Khi chúng đi càn thì bị du kích cắm chông, gài bẫy, rào đường, bắn ná tên độc gây cho địch nhiều nỗi lo sợ.

Khi tôi đi dự đại hội về, tình hình đơn vị có những biểu hiện khác thường. Nếu trước đây cán bộ chiến sĩ trong liên đội sau thời gian công tác trong đêm, sáng ra phải rút về cứ, thì nay ở lại trong làng, trong rẫy, đi lại công khai coi thường địch. Có một só đồng chí còn đi lẻ. Vì anh em nghĩ rằng, cơ sở quần chúng cách mạng đã nuôi nấng, che chở bảo vệ họ, thì kẻ địch sẽ không làm được gì. Về phía địch, từ lâu chúng cho gián điệp giả dạng thương lái, đi sâu vào làng điều tra cơ sở của ta, những cán bộ chiến sĩ đi lẻ trên địa bàn hai huyện Chứ Ti và Pliekli chúng liền bí mật cho quân đón bắt đem tra tấn và thủ tiêu. Nắm được điểm yếu của ta, nhiều lần chúng xua quân đi đốt rẫy phá làng triệt hại kinh tế của ta. Mặc dù bị địch khủng bố nhưng nhiều cơ sở bí mật vẫn giữ được liên lạc với cán bộ, nhờ đó tinh thần đồng bào vẫn hướng về cách mạng. Chính do sự chủ quan, mất cảnh giác đó mà trong năm 1952, liên đội 118 tổn thất gần 20 cán bộ chiến sĩ, cả người Kinh lẫn người dân tộc. Từ đó địch tăng cường bố phòng tuyến đường 14 gây khó khăn cho liên đội 118, đến cuối năm 1953 sau khi được củng cố, liên đội 118 hoạt động trở lại. Ban chỉ huy đơn vị mới liên lạc được với hậu cứ của trung đoàn 120.

Đầu năm 1954, sau những thắng lợi của quân ta trên chiến trường Tây Nguyên, tù binh địch bị ta bắt rất nhiều. Ban chỉ huy trung đoàn 120 lệnh rút tôi về công tác tại Ban chính trị trung đoàn. Chủ nhiệm chủ trương trung đoàn Võ Đông Giang giao nhiệm vụ cho tôi phụ trách công tác địch vận và giáo dục tù hàng binh ở trại giam do trung đoàn quản lí.

Suốt 5 năm làm công tác vũ trang tuyên truyền vùng địch hậu, gắn bó với anh em đồng đội, đồng chí, biết bao buồn vui, gian khổ. Xa anh em đồng đội, xa đơn vị, lòng tôi bùi ngùi khôn xiết, nhưng vì nhiệm vụ của một đảng viên được Đảng phân công công tác, tôi không thể thoái thác. Tôi mang ba lô về hậu cứ mà lòng trĩu nặng yêu thương đồng đội, đồng bào vùng địch hậu đã gắn bó với tôi suốt 5 năm qua. Tôi đi trong niềm tin của đồng đội tôi đang ngày đêm chiến đấu ở phía trước.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 06:34:54 am »

Với tôi, điều rút ra qua 5 năm công tác vùng địch hậu ở chiến trường Tây Nguyên có những điều không thể nào quên được đó là nhân dân; đó là đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Không hề từ chối một gian nguy nào, một khi đã chấp nhận đi theo cách mạng thì gắn cả cuộc đời theo lời nguyền dù chết cũng không quên. Tôi không bao giờ quên được trận càn của hơn 400 tên địch đánh vào làng Stor trong suót 150 ngày từ tháng 9 năm 1950 đến tháng 2 năm 1951, chúng vây quét, trút lúa, phá rẫy, đốt làng cố xóa dấu vết làng Stor. Nhưng dưới sự lãnh đạo của thôn trưởng Đinh Núp, đồng bào Stor dựa vào địa thế hiểm trở của núi rừng, tổ chức đánh địch bằng chông, mang, bẫy đá, cung tên… đồng bào Stor chín lần dời làng, trải qua nhiều ngày đói khổ, thiếu muối đói cơm. Thiếu gạo đồng bào lấy củ rừng thay gạo, thiếu muối, đồng bào đốt cỏ tranh thay buối, người Ba Na ở làng Stor vẫn không hề nao núng tinh thần. Trong suốt những ngày gian khổ ấy đã có một Đinh Núp kiên trung, có một Pi dũng cảm, có một SơRan anh hùng luôn luôn bám làng gần gũi gắn bó với nhân dân, giữ vững lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ. Thôn đội trưởng Đinh Núp khẳng định: “Nếu địch có đánh chết còn một người cũng phải đánh lại, chết thì chết, không đầu hàng!” đó là ý chí đánh Pháp của người dân tộc Ba Na. Vẫn còn đây một Bok Wừu hai lần bị địch bắt, la hai lần Bok Wừu mưu trí thoát ngục, lần thứ ba (tháng 4 năm 1952) Bok Wừu sa vào tay giặc, chúng đưa về Đakdoa, Đedoa, Kon Tum để tra tấn dã man, chúng đã cắt mũi, xẻo tai, chặt lìa mười đầu ngón tay, mười đầu ngón chân, gây khủng khiếp cho gia đình và dân làng. Thế nhưng Bok Wừu vẫn một lòng không khai báo cơ sở cách mạng trong xã. Trong cơn đau thân thể Bok Wừu còn động viên nhân dân: “Đồng bào đừng sợ, hãy đoàn kết đấu tranh diệt cho hết lũ Azat!” (Azat: bọn giặc cướp nước). Kẻ thù khiếp sợ trưởng phẩm chất anh hùng của Bok Wừu, chúng dùng lưỡi lê khoét mắt Bok Wừu, dùng tiểu liên bắn xả vào người, hất xác Bok Wừu xuống suối. Máu của Bok Wừu hòa vào dòng suối thấm đẫm cho đất rừng xanh tốt, giăng thành lũy ngăn bước quân thù. Tôi cũng không bao giờ quên được tinh thần của một cán bộ người Zơrai, ở biên giới Việt Nam - Campuchia khi địch bắt anh về Bàu Cạn để tra tấn, chúng hỏi: “Việt Minh ở đâu”. Người cán bộ cơ sở chỉ vào đầu, ngực mình và nói: “Việt Minh nó ở trong óc tao, nó ở trong tim tao, nó đã thành hơi thở cho tao sống, bọn máy có cần thì mổ đầu lấy óc, mổ ngực lấy tim mới thấy được Việt Minh”. Và quân thù dã man, hèn hạ, chúng làm thật như vậy. Người chiến sĩ cơ sở cách mạng Zơrai đã hi sinh như một anh hùng. Và còn đây, những biểu hiện sinh động của tấm lòng người dân vùng biên giới. Mới gặp chúng tôi đồng bào nói: “Buổi đầu tụi bây đến tao sợ tụi bây như cho heo, như con báo; con heo nó phá rẫy, con báo nó bắt trâu bò gà vịt. Nhưng sống với tụi bây rồi, tao thương tụi bây như con chó ở trong nhà, thằng nào chết dân làng cũng muốn thờ hồn nó, và mong hồn của nó ở lại với dân làng đừng về dưới xuôi. Tụi bây con Kinh đi đâu cũng có xe cộ, lanh thì có áo ấm, mắc chi lên đây đầu trần chân đất chịu cực khổ như người dân tộc? Tao biết tụi bây cũng vì cách mạng, giải phóng dân tộc, để cho người dân tộc chúng tao đỡ khổ…”. Một đặc điểm văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây nguyên làm cho tôi khâm phục vô cùng, tuy họ chưa có nếp sống văn minh, chưa tiếp xúc với tiế bộ khoa học kĩ thuật nhưng họ không bao giờ lấy của cải của nhau; không bỏ vợ đánh con. Tôi có ước nguyện sau này đất nước thanh bình, tôi sẽ về lại chiến trường xưa thăm đồng bào, đồng đội tôi - những người đã gắn bó hi sinh cả cuộc đời mình cho cách mạng trong những năm cực kì gian nan, cực kì ác liệt và chính họ đã giúp tôi dũng khí để chịu đựng gian khổ thời đó. Tuy nhiên đến nay, sau 25 đất nước độc lập tôi vẫn chưa thực hiện được ước nguyện đó của đời mình.

Trở lại với tình hình quân địch lúc này, sau hơn một tháng đọ sức giữa quân ta và quân địch (từ ngày 30 tháng 1 đến ngày 7 tháng 2 năm 1954) tỉnh Kon tum với 14.000km2 và 200.000 dân đã được giải phóng. Niềm phấn khởi của đồng bào ở đây Kinh cũng hư Thượng không gì tả xiết. Trong đám dự mitting chào mừng thắng lợi, bộ đội và đồng bào được nghe thư khen của đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thắng lợi Kon Tum là thắng lợi lớn của ta trong mùa xuân này trên chiến trường toàn quốc. Đó là một đòn nặng giáng lên đầu quân giặc ở miền Nam, nhất là địch đang sa lầy ở Tuy Hòa… Tôi gửi lời khen ngợi các cán bộ chiến sĩ mặt trận Kon Tum, đã vượt qua gian khổ khó khăn, chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng thị xã Kon Tum và tỉnh Kon Tum”. Sau thư khen của Đại tướng Tổng tư lệnh, bộ đội Khu 5 biều diễn một chương trình văn nghệ đặc sắc phục vụ đồng bào. Chị Komling người dân tộc Ba Na, bài hát ca ngợi tình cảm của đồng bào với bộ đội Cụ Hồ. Bài hát được dịch ra tiếng Kinh như sau:

Anh ở Trung Châu
Không phải ở đây
Anh là người Kinh
Không phải người Thượng
Tình thương anh rộng
Nên mới lên đây
Chỉ để đánh Tây
Cho mình vui sướng
Anh đến chỗ nào
Núi rừng đều khác
Ăn uống cực khổ
Nhưng anh cũng cố
Chung giúp đồng bào
Anh cũng làm theo
Cái phép người Thượng
Muốn ăn con cá
Xuống suối anh bắt
Muốn ăn cái thịt
Vào rừng anh kiếm
Muốn ăn con nhái
Chờ ngày mưa to
Đêm mai anh đi
Đường có nhiều dốc
Chị em tôi thương
Chỉ thấy dấu chân
Không thấy hình anh
Đồng bào nhớ mong
Chờ ngày anh về
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Mười Hai, 2010, 09:50:19 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 06:36:16 am »

Ngày 7 tháng 5 năm 1954, tin chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng đem đến có cán bộ chiến sĩ chiến trường Tây Nguyên niềm vui sướng nức lòng. Ở Khu 5 địch phải căng ra, phân tán để đối phó. Từ sau thất bại Kon Tum, binh đoàn 42 của chúng bị giam chân ở Pleiku, Bộ tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam do tướng Nava cầm đầu, đã tung ra một nước cờ táo bạo, và chúng đã chuốc lấy thất bại thảm hại trong lịch sử cầm quân đi xâm lược nước người của hắn. Nava ra lệnh rút trung đoàn GM10 Korea, từ Nam Triều Tiên đổ sang Việt Nam chiếm giữ đường 19, để nối liên lạc với binh đoàn 42 tiến xuống An Khê thành 2 gọng kìm chiếm đóng vùng tự do Bình Định của ta. Đón biết ý đồ của quân địch, Bộ Tư lệnh liên khu 5 đưa trung đoàn 96 do đồng chí Nguyễn Minh Châu làm trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Hữu Thành, chỉ huy(1). Trung đoàn 96 lúc này có 2 tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn trợ chiến, được Bộ tư lệnh Liên khu rút đại đội 54 và 68 quân số hơn 600 người của trung đoàn 120 tăng cường cho trung đoàn 96, đồng thời phối hợp với bộ đội địa phương An Khê do đồng chí Nguyễn Hữu Trinh, tham mưu trưởng trung đoàn 120, phối thuộc với trung đoàn 96 đánh địch, tạo điều kiện cho trung đoàn 96 tiêu diệt hoàn toàn trung đoàn GM100 Korea (Trung đoàn lê dương 100 của Pháp ở Nam Triều Tiên sang) tai địa phận Đăkpơ.

Ngày 24 tháng 6 năm 1954, khi đại bộ phận quân địch lọt vào khu quyết chiến điểm của quân ta bố trí. Theo kế hoạch đã vạch sẵn, tiểu đoàn chặn đầu lập tức nổ súng. Cả đoàn xe của binh đoàn GM100 Korea, lũ lượt nối đuôi cố vượt lên để kịp hội quân với binh đoàn 42 từ Pleiku kéo xuống, bất ngờ bị hỏa lực mạnh của quân ta chặn lại. Chiếc xe đi đầu bốc cháy, hàng loạt xe sau húc lên nhau dồn lại tạo thành mục tiêu tập trung cho hỏa lực và bộ binh ta tiêu diệt.

Sau hơn một tiếng đồng hồ chiến đấu quyết liệt ta làm chủ trận địa. Suốt trên dải chiến trường dài 3km ngổn ngang xe pháo và xác địch, từng đoàn lính Âu Phi bị bắt, trong đó có tên đại tá Baru chỉ huy cùng Ban tham mưu binh đoàn GM100 Korea của chúng với 229 xe cơ giới, 20 đại bác, 1.000 súng các loại và hàng chục tấn đạn dược bị quân ta tịch thu.

Thừa thắng quân ta truy kích tiêu diệt thêm một bộ phận của binh đoàn 42 ứng cứu cho bọn GM100 Korea, quét sạch hệ thống cứ điểm trên đường 19, giải phóng toàn bộ An Khê và khu vực phía đông Pleiku.

Không khí thắng lợi, nô nức dâng tràng trong lòng quân và dân Tây Nguyên trong nỗi vui mừng khó tả ấy, tôi liên tưởng đến hào khí của tổ tiên ta đánh giặc Minh thơi nhà Lê, được Nguyễn Trãi miêu tả trong “Bình Ngô đại cáo”

“Đánh một trận sạch sanh kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông”


Bọn tù binh bị bắt tinh thần bạc nhược, được ta đưa về trại quân; chúng phục tùng học tập cải tạo; được cách mạng thực thi chính sách khoan hồng chính nghĩa; được học tập âm mưu chia rẽ Kinh, Thượng của chủ nghĩa thực dân Pháp và các thế lực thù địch; cũng được cấp đầy đủ lương thực vật chất hàng ngày; những tên ốm đau thương tật được điều trị thuốc men lành bệnh; ước mơ được sống để trở về đoàn tụ với gia đình được nhen nhóm trong chúng.

Sau khi chiến thắng Đăkpơ, Hồ Chủ tịch, lãnh tụ kính yêu của Đảng ta và dân tộc ta đã gởi thư khen cán bộ và chiến sĩ mặt trận An Khê:

“Các chú hoạt động có thành tích khá, Bác vui lòng. Thay mặt Chính phủ khen ngợi các chú và thưởng đoàn vừa chiến thắng ở An Khê Huân chương kháng chiến hạng nhất.

Bác khuên toàn bộ cán bộ chiến sĩ cần phải nắm vững tình hình địch, thi đua giết giặc lập công. Phải ra sức tranh thủ lấy thành tích to lớn hơn nữa.

Bác chờ nhiều tin thắng lợi của các chú và thân ái hỏi thăm đồng bào trong đó.


Chào thân ái và Quyết thắng.
Bác Hồ Chí Minh”


(1) Đồng chí Nguyễn Minh Châu trong kháng chiến chống Mĩ là Tư lệnh Quân khu 6 - sau 1975 Tư lệnh Quân khu 7 - Thượng tướng, Tổng Thanh tra quân đội nhân dân Việt Nam; đồng chí Nguyễn Hữu Thành, Cục trưởng Cục Xăng dầu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM