Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 01:34:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Huyền Trân Công chúa  (Đọc 35290 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #70 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2010, 11:51:02 am »

- Thưa bệ hạ, thiếp chưa hề được thấy một dòng sông nào kỳ lạ như dòng sông này. Chẳng hiểu sao ngay từ dưới hạ lưu ngược lên, thiếp đã thấy thi thoảng một mùi hương. Càng đi, mùi hương càng đậm đặc. Thiếp ngờ rằng dòng sông có hòa trộn với một nguồn nước thơm nào, từ đâu đó chảy ra. Đã có đôi lần thiếp vốc nước lên để nếm, để ngửi. Song nhạt nhẽo như nước của mọi dòng suối, dòng sông khác.

- Đấy, bệ hạ cứ hít hà trong gió thoảng mà xem. Đúng là trong hương thơm có vương cả mùi mật ngọt…

Càng ngược lên thượng nguồn, dòng sông càng hẹp dần, nhưng hương thơm đặc sánh, tới mức mọi người đều có ý ngồ ngộ: con thuyền đang đi trên một dòng mật ngọt giữa hai bờ hoa thơm. Không ai có thể đếm hết được các loài hoa, cũng như không thể biết hết tên gọi các màu hoa. Trên hai bờ không chỉ có hoa dại thân mền mọc cao hơn mặt đất dăm bảy gang tay, mà còn có cả rừng hoa với những cây gỗ thân cao to tới mấy người Càng lên sát thượng nguồn, càng nghe rõ tiếng rì rầm của bướm, của ong. Đôi lúc có những đàn bướm bay rợp dòng sông, khiến người trên thuyền ngỡ rằng một lốc xoáy vừa ập đến, đã bốc cả ngàn hoa ném lên không trung.

Khi bắt gặp những hòn đá mồ côi to như những đống rạ nằm chắn ngang dòng nước, cũng là lúc viên quan hướng đạo cố rướn thuyền của mình lên cho kịp với thuyền ngự. Một thoáng ngần ngừ, Huyền Trân hỏi nhà vua:

- Tâu bệ hạ, dòng sông này tên gọi là gì?.

Nhà vua như sực tỉnh, chính ông cũng không biết tên con sông này là gì. Quốc vương bèn quay sang hỏi viên hàn lâm phụng chỉ và viên ngự sử. Họ cũng không biết gì hơn nhà vua. Với vẻ thanh thản và bằng một thứ giọng trầm sâu, nhà vua nói:

- Cái gì rồi cũng phải có tên gọi, Gọi lâu thành quen. Nay qua chơi một dòng sông đẹp, ta chắc hoàng hậu hài lòng. Vả chăng miền đất này nay mai ta sẽ giao trả về Đại Việt. Nên chăng hoàng hậu đặt cho nó một cái tên, để lưu dấu chút tình.

Chế Mân thầm nghĩ: “Dòng sông máu thịt của ta ơi. Từ nay ngươi sẽ đi vào tâm trí ta như một DÒNG SÔNG NỖI NHỚ”.

Huyền Trân chưa dự liệu cho tình huống này. Song nàng tự nghĩ: Cứ như bên Đại Việt ta, theo hình thù của vật mà đặt tên. Dòng sông lớn nhất Đại Việt có màu nước lúc nào cũng ngầu đỏ, người ta gọi nó là “Sông Hồng”. Còn quãng chảy qua Thăng Long, dòng sông chia làm hai nhánh, lại có tên: “Nhị Hà”. Ôi, miền đất hai châu, sao lắm thứ quí, lạ. Yến sào, voi trắng, trầm hương, với biết bao nhiêu thứ sản vật dị thường. Đến dòng sông cũng khác lạ. Những sản vật này, núi sông thành quách này, và những con dân thuần hậu này, sẽ làm cho non sông Đại Việt ta trở nên cẩm tú, hùng cường.

Sực nhớ việc đặt tên cho dòng sông. Huyền Trân nhẩm tính: “Còn dòng sông này vừa có hoa đẹp, vừa có hương thơm…”. Buột miệng nàng nói luôn:

- Đội ơn bệ hạ, cho thiếp được vinh hạnh này. Vậy thiếp xin đặt cho nó cái tên đúng như nó có: SÔNG HƯƠNG.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #71 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2010, 09:13:31 pm »

Chương 24

Kinh đô Chà Bàn náo động hẳn lên bởi cái tin nhà vua và công chúa Đại Việt sắp trở về. Khắp kinh thành chăng đèn, kết hoa, sửa sang đường phố. Đội kỵ binh, đội tượng binh và nhất là đội thủy binh đang lo sửa sang cờ xí, luyện tập quân sĩ để đón rước nhà vua.

Nghe đồn quan Thiên phủ (chức quan coi về kho tàng của Nhà nước) sắp được lệnh mở kho chẩn cấp cho dân chúng Chà Bàn. Và từ các đài, sảnh, viện, đô, vệ, sở… tới thứ dân đều được nghỉ ba ngày để đô thành vào hội.Cũng mấy bữa nay bên dinh quan Bố-đề khách khứa ra vào nườm nượp. Vị tể phần vừa dự vào hàng bá phụ của nhà vua, vừa là quan đầu triều, nên có nhiều người vị nể, chạy chọt. Nhưng sao sắc mặt quan tể tướng lại gờn gợn điều gì như là một sự lo âu, căng thẳng. Ngài cũng hay lui tới bên sứ đoàn nhà Nguyên. Có khi cuộc thù tạc giữa ông với viên chánh sứ kéo dài tới cả khuya. Trái với quan tể tướng, bọn sứ thần này lúc nào mặt cũng vênh vênh váo váo ra điều đắc chí lắm.

Bỗng một tin như sét đánh đến tai hoàng hậu Tapasi, rằng đức vua đã tấn phong công chúa Đại Việt tước vị hoàng hậu, ngay từ lúc mới gặp nhau ở địa giới nước Champa. Bà đau khổ đến nhức nhối, không biết chia xẻ cùng ai, cũng không biết bấu víu vào ai. Bà úp mặt xuống gối khóc tức tưởi suốt một ngày. Đêm xuống, bà thao thức nghĩ kế thoát thân. Công chúa Đại Việt lên ngôi hoàng hậu, hẳn là bà phải bị giáng xuống hàng phi tần . Mà nếu con yêu tinh ấy nó chưa hài lòng, thì bà lại bị đẩy vào lãnh cung, còn hoàng thái tử ắt bị hại. Chao ôi, số phận sao mà trớ trêu. Muôn trùng cách trở, phụ vương và mẫu hậu có thấu cho con nỗi niềm này chăng?

Đang lúc hoàng hậu than thân trách phận, thì có tiếng nhạc rung ở ngoài thềm. Bà biết đó là hiệu lệnh của quan Bố-đề. Ông bước thẳng vào dinh hoàng hậu mà không cần báo trước. Hoàng hậu vừa ló vào sảnh đường đã thấy ông ngồi chễm chệ trên kỷ. Ông liếc nhìn hoàng hậu với cái nhìn dò xét. Nét lo âu khiến cho đôi má hoàng hậu chảy xệ xuống. Nước da nâu không được trang điểm tái tím nhợt nhạt. Quan Bố-đề hiểu rằng hoàng hậu cũng đã biết tin. Ông hỏi phủ đầu:

- Vậy chớ hoàng hậu định liệu thế nào?. Câu hỏi gieo cho hoàng hậu một nỗi hoang mang, bà không biết nên trả lời thế nào cho phải. Lưỡng lự một lát bà nói:

- Thưa đức ông, số phận mẹ con tôi do hoàng đế định đoạt. Tôi cũng không biết mình phải làm gì. Chỉ thương hoàng tử còn trong độ tuổi vị thành niên. Đức ông là rường cột của triều đình, lại là bậc thượng phụ của hoàng tử, chắc đức ông mang tới đây lời răn dạy chí tình.

- Ta không thiếu những lời khuyên, chỉ sợ hoàng hậu không có gan làm những việc cần làm vào đúng lúc.
Nói xong, ông ta giả vờ mân mê bộ ria mép, kỳ thực ông ta liếc nhìn xem sắc diện của hoàng hậu, để dò tìm nội tâm bà mà lựa lời cho thích hợp. Đoạn ông ta nói rất thong thả, cân nhắc từng âm. Đôi chỗ ông ta nhấn mạnh và rít lên nghe buốt nhói như mũi kim châm.

- Thiên vô nhị nhật, quốc vô nhị vương. - Để tăng thêm phần bí hiểm của câu chuyện, quan Bố-đề trích dẫn một câu nói của người Trung Hoa, ông mới học lỏm được của vị sứ giả nhà Nguyên. Hoàng hậu không hiểu nghĩa câu ông ta nói, lòng dạ bà càng rối bời. Ông giảng giải:

- Các thánh nhân Trung Hoa nói thế, có nghĩa rằng: Trời không thể có hai mặt trời, cũng như một nước không thể có hai vua. Đã không có hai vua, cũng chẳng làm gì có hai hoàng hậu. Vậy thì một trong hai người không còn là hoàng hậu nữa. Chẳng nhẽ nhà vua lại phế truất người mà ngài vừa tấn phong? Sự thể đã rõ ràng. Xin hoàng hậu tự liệu.

Như một liều thuốc độc cứ ngấm dần vào cơ thể, khiến hoàng hậu Tapasi bủn rủn cả người.

Làm ra vẻ hệ trọng, hoặc giả sợ có kẻ rình mò, do thám, quan Bố-đề ghé tai hoàng hậu thì thầm. Chẳng biết ngài nói gì, chỉ biết mặt hoàng hậu xanh xám lại, mồ hôi hột vã ra, mặt đờ đẫn, đầu gật lia lịa như người mất hết cả hồn vía.

Trong khi ở Chà Bàn, người ta đặt điều nói xấu nhà vua, người ta tìm cách hãm hại ông và ‘đóa Bạch trà kiều diễm “của ông, thì Chế Mân vẫn thản nhiên hưởng tuần trăng mật với Huyền Trân, và vẫn cứ ung dung rong ruổi.

Như linh cảm thấy điều chẳng lành có thể xảy ra, nên sau khi đã đi hết phần đất hai châu Ô-Lý, hòa thượng Thích Minh Thái nói với Huyền Trân khuyên nhà vua đi đường thủy về Chà Bàn cho chóng. Ông cũng khuyên Huyền Trân giục khéo nhà vua chỉ dụ cho các viên an phủ sứ và phòng ngự sử ở hai châu, sớm giao lại vùng đất này cho các quan chức Đại Việt để tránh những sự rắc rối về sau.

Nhân lúc cả đoàn thuyền vào trú giông trong vụng biển, tình cờ hai chiếc thuyền của hòa thượng Du Già
và hòa thượng minh Thái ghé sát nhau, thế là hòa thượng Du Già bèn sang đàm đạo với vị hòa thượng Đại Việt mà ông hằng ngưỡng mộ.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #72 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2010, 09:14:27 pm »

Nhà sư Du Già, mặc dù đã nhiều lần được tiếp xúc với Trúc Lâm đại sĩ (pháp hiệu của Trần Nhân tôn) , nhưng ông vẫn không ngừng tìm hiểu về trường phái này. Ông hỏi hòa thượng Minh Thái:

- Chúng tôi và quí quốc đều theo một đạo, cùng trong một trường phái. Nhưng sao đạo ở quí quốc ngày một phát khởi, mà ở nước chúng tôi cứ ngày một thu hep.

Ngừng một lát, ông lại tiếp, giọng ông ôn nhuần nhưng hơi buồn:

- Cách đây bốn, năm trăm năm, Phật giáo ở nước chúng tôi là một đại đạo độc tôn, là quốc đạo. Mọi người đều thờ Phật. Cung điện nhà vua và chùa thờ Phật cùng xây trên một doi đất. Nhà vua sùng kính đạo
Phật, coi trọng tăng, ni. Các chính sách của nhà vua trước khi ban bố đều xin ý chỉ của hòa thượng quốc sư. Vua In-dra-vac-man II đã  lấy tên hiệu Phật làm miếu hiệu của mình: Paramabuddhaloka. Vậy mà đến ngày nay đạo Bà-la-môn lên ngôi thống trị. Còn đạo Hồi cũng đang len lỏi tìm vào.

(Indravaman II trị vì khoảng từ 875-890, ý nhà sư Du Già muốn nói đến Vương triều Đồng Dương từ giữa thế kỷ thứ 9 tới thế kỷ thứ 10 - có thể coi như đây là một vương triều Phật giáo)

Hòa thượng Minh Thái không trả lời vào điều mà hòa thượng Du Già than vãn, tiếc nuối, ông chỉ nói lên nỗi băn khoăn của mình:

- Bạch hòa thượng, tiểu tăng nhiều khi không lý giải nổi, tại sao đạo Phật lại không phát triển được mạnh mẽ như đạo Bà-la-môn ngay trên quê hương của đức Phật? Phải chăng vì đạo Phật quá thâm sâu, ít người lãnh hội được? Phải chăng vì đạo Phật đã là một chân lý vĩnh hằng và quá lớn rộng, nên không cần bảo vệ, cũng không cần tranh cạnh với các đạo khác.

- Cao kiến của hòa thượng thật là diệu lý. Giáo lý của Phật không phải là để thôn tính các giáo phái khác, dành cho mình địa vị độc tôn trên toàn cõi nhân thế này. Phật chỉ mong cho chúng sinh thôi thù hận nhau, để biết thương yêu nhau, giúp đỡ nhau. Sao cho tất cả đều được sống trong hạnh phúc.

Hòa thượng Du Già vừa ngừng lời thì hòa thượng Minh Thái tiếp ngay:

- Cách làm cho mình có hạnh phúc là phải trước hết chăm lo cho hạnh phúc của người khác. Ban nãy hòa thượng có hỏi tại sao đạo Phật bên nước chúng tôi khởi sắc được. Ấy là bởi các đấng trị vì của chúng tôi, từ trước tới nay đều là các bậc đại trí cả. Trước khi đạo Phật vào, nước chúng tôi có hai đạo của Trung Hoa tràn sang. Ấy là đạo Giáo của Lão Tử, đạo Nho của Khổng Tử. Nước chúng tôi không có sự tranh chiến trong các dòng đạo, mà lọc lấy cái tốt của mỗi đạo, rồi dung hòa với nền văn hóa dân tộc làm phương tiện giáo hóa cho trăm họ. Chúng tôi nhờ đạo Phật để khai mở cái tâm cho con người hướng họ vào cõi thiện. Đạo Khổng dùng để khai trí. Đạo Giáo để rèn đức. Ấy là cái đức của thiên nhiên, vũ trụ hòa đồng trong cuộc sống con người. Sở dĩ chúng tôi phải khai phóng cho con người trước hết có cái tâm thiện, là bởi nếu trí tuệ sung mãn mà trước vẻ đẹp của thiên nhiên con người không xúc cảm được, hoặc thờ ơ với nỗi đau của đồng loại, tức là dấu hiệu báo trước cho một xã hội cằn cỗi, và rồi cái ác sẽ lên ngôi thống trị. Hòa thượng biết đấy, nước chúng tôi ba lần đánh thắng quân Nguyên. Nhưng chưa một lần nào vô cớ cất quân vào cõi người khác. Ngay việc với quí quốc đây, các vua của chúng tôi cũng xử sự như những người có Phật tính cao. Không thiếu gì các tướng lĩnh đòi nam chinh để thu hồi miền đất cũ. Tuy chiến tranh đã kết thúc hai chục năm, nhưng thượng hoàng chúng tôi vẫn ngăn không cho ai làm cuộc chiến. Nếu nói rằng sợ phương bắc đe dọa, thì từ năm Quí tỵ( 1293) , Thế tổ nhà Nguyên băng; Thành tôn lên ngôi, xét mình không đủ lực đã xuống chiếu bãi bỏ việc tiến quân (Về việc này, Đại Việt sử ký toàn thư chép (Sự việc xảy ra năm Quí tị 1293). Nhà Nguyên sai Binh bộ thượng thư là Lương Tằng sang dụ vua vào chầu. Vua chối từ đang có bệnh, sai Đào Tử Kỳ đem sản vật địa phương sang biếu. Nhà Nguyên giữ Tử Kỳ ở Giang Lăng, lập ra An Nam hành sảnh, lấy bọn bình chương sự Lưu Nhị Bạt đô cầm binh đóng ở Tĩnh Giang, đợi tiến đánh. Tháng giêng năm sau Nguyên thế tổ băng. Thành tôn lên ngôi, xuống chiếu bãi việc tiến quân, thả cho Tử Kỳ về nước) . Đó là thời cơ để Đại Việt trở về phương nam đòi đất. Nhưng liền đó thượng hoàng Nhân tôn lại xuất gia. Người lên Yên Tử để lập trường phái Trúc Lâm như hòa thượng đã biết. Và ngài cấm ngặt triều đình không được gây sự với bất cứ nước láng giềng nào. Hòa thượng Minh Thái ngừng lời như để thăm dò ý tứ.

Hòa thượng Du Già lấy làm hài lòng với những kiến giải về đạo Phật, và thiện chí của Đại Việt đối với Champa, ông nói:

- Những người thức giả và cả quốc vương chúng tôi, hết thảy đều thấy được điều hòa thượng nói. Không, chúng tôi không nghi ngờ gì lòng khoan dung đại độ cúa Trúc Lâm dại xí. Còn miền đất Ô-Lý có đưa về Đại Việt, thật ra cũng là hợp lẽ. Đó là đất Việt Thường xưa, người Champa lập quốc chiếm lấy, nay trả về cho Đại Việt, coi như vật hoàn cố chủ. Tôi vô cùng kính phục Trúc Lâm đại sĩ, vì người có bổn tâm chí thiện, người muốn loại trừ tận gốc nạn binh lửa cho con dân hai nước, nên mới có cuộc lương duyên này. Tôi đã hiệp tâm cùng với Đại sĩ và quốc vương tôi hoàn tất chủ trương, nhưng bị nhiều thế lực cản phá, thành thử công việc trễ tới ngày nay.

- Dù sao thì cũng đã dẫn tới kết cục đáng mừng. Hòa thượng Minh Thái nói. - Có một điều tiểu tăng rất băn khoăn, xin lưu tâm hòa thượng. Tức là các thế lực kình chống con đường hòa hiếu của hai nước, do những người có thiện tâm xây đắp; sự kình chống đó ngày càng quyết liệt chứ không hề giảm thiểu. Muốn gìn giữ được hòa bình lâu dài, có hai yếu nhân quan trọng nhất cần phải được bảo vệ. Xin hòa thượng hết sức lưu tâm. Đó là quốc vương Yaya Sinhavarman và hoàng hậu Paramecvari. Tôi chắc sẽ có sự xúc xiểm làm cho hoàng hậu Tapasi nổi máu ghen tuông. Sự rạn nứt sẽ từ đó mà ra. Kẻ thù có thể tìm cách ám hại cả quốc vương rồi đổ lỗi cho việc ghen tuông. Hoặc chúng vu cáo cho hoàng hậu Paramecvari, rồi lấy cớ làm hại bà. Tôi lưu ý rằng, nếu không có kế sách bảo vệ hữu hiệu hai người đó, công cuộc hòa bình coi như sụp đổ. Cho nên hòa thượng cùng quốc vương phải đề phòng chặt chẽ, giống như người xưa nói: Bình định thiên hạ, phải bắt tay từ khi chưa sinh ra mầm loạn.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #73 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2010, 09:15:02 pm »

Nhân đây tôi cũng xin nói thêm để hòa thượng lựa lời khuyên quốc vương rằng, trong việc giao trả vùng đất Ô-Lý về cho Đại Việt, hiện thời quốc vương vẫn đang còn phân tâm.

Hòa thượng Du Già giật mình kinh sợ về những điều mà hòa thượng Minh Thái vừa nói. Ông tư nghĩ: Người này thông tuệ hơn ta nhiều lắm. Mưu lược như thần. Ta cũng đã tính đến sự kình chống của bọn Bố-đề và lũ sứ thần nhà Nguyên cùng tay chân của hoàng hậu Tapasi. Nhưng đến khi ông ta nói đức vua đang phân tâm trong việc giao trả Đại Việt đất Ô-Lý, đủ tỏ ông ta là người siêu việt, biết tận tâm gan của kẻ khác. Ông ta chỉ là một nhà sư trong chốn thảo am mà hiểu thế sự, hiểu nhân tình thế thái làm vậy. Đại Việt quả là nước có nhiều anh tài. Hèn gì  mà bọn người Tống, người Nguyên không thua. Đúng là mới hôm trước, đức vua có ý thương đám lê dân vùng Ô-Lý, lại tỏ ra luyến tiếc một vùng non sông gấm vóc. Ta cho chuyện đó là lẽ thường của một người có tấm lòng yêu nước, thương dân. Nếu như đức vua lại không màng gì tới miền đất đã gắn bó với quốc gia mình tới cả ngàn năm, thì mới là chuyện lạ. Song ta cũng đã khuyên nhà vua không nên đổi ý. Vì thế nước, tất không thể tham được. Phải biết tiến lui cho hợp với thời thế và sức lực của mình; nếu không, sẽ đem đặt vận mệnh quốc gia lên chiếu bạc. Quốc vương cũng đã bình tâm, chấp thuận... Ngước nhìn hòa thượng Minh Thái, nhà sư Du Già thầm đánh giá: "Nhà ông hòa thượng này, tuy là một người sắc sảo cao kiến, nhưng bổn tâm chí thiện, nên khỏi lo đề phòng. Hợp tác với những con người như thế, ta thật yên tâm...”

Trong khi hai hòa thượng đàm đạo thì ở phía thuyền ngự, nhà vua và hoàng hậu cũng nhàn đàm thế sự. Đức vua vừa bằng trực cảm, vừa bằng tâm cảm, ngài nhìn thẳng vào khuôn mặt và đáy mắt của hoàng hậu, xem có tìm ra được một chút gì khiến ông phải băn khoăn. Tuyệt nhiên không một gợn nhỏ. Dường như hoàng hậu là hiện thân của sự trong trắng, tới mức nhà vua phải tự răn mình: “Với nàng - đóa Bạch trà kiều diễm này, nếu ta có thoáng chút nghi ngờ, ấy là lòng ta đang bệnh hoạn, đầu óc ta u tối”. Bất chợt nhà vua quay nói với hoàng hậu:

- Đóa Bạch trà kiều diễm của ta, nàng làm ta vừa ngạc nhiên, vừa xúc động.

- Tâu bệ hạ, về điều gì cơ ạ? - Huyền Trân e ấp hỏi lại.

- Ta vẫn băn khoăn chưa hiểu, tại sao nàng nhảy vũ khúc hoan ca của Champa đẹp làm vậy? Ai đã dạy
nàng? Tại sao nàng lại học điệu vũ đó? Và rồi cả tiếng Champa nữa, nàng thông thạo đến mức khiến ta nghi ngờ?.

Huyền Trân mỉm cười duyên dáng, nàng nhìn vào đáy mắt Chế Mân, thong thả nói:

- Hoàng thượng đa nghi quá. Nếu thiếp không yêu tha thiết nước Champa của hoàng thượng, thiếp quan tâm làm gì đến nền vũ nhạc Champa? Không phải thiếp chỉ biết có vũ khũc tamane hrung, mà thiếp còn biết nhiều vũ điệu khác nữa. Hoàng thượng muốn biết ai đã dạy thiếp ư? Đó là một người Chăm: bà Trà Hoa Tuyết.

Huyền Trân vừa nói đến vũ nữ Trà Hoa Tuyết, nhà vua giật thót mình như chạm vào lửa. Sắc mặt nhà vua tái đi rồi đỏ bừng lên, ông nói:

- Ngay buổi đầu gặp nàng trong điệu vũ hoan ca, ta có cảm giác như đang nhảy với thần linh. Ta chưa từng được chứng kiến một người nào nhảy nhẹ nhàng với cốt cách thần tiên như nàng. Đến nối, ta cảm như kiếp trước nàng là một vũ sư của Chiêm quốc, nay đầu thai nhầm cửa, nên lại tìm nẻo về Chiêm. Trà Hoa Tuyết - Người ta nói về bà như nói về một huyền thoại. Bà là vũ nữ dưới triều đại của ông ngoại ta. Bà bị bắt về Thăng Long, nhưng có nỗi hận lòng gì đó nên bà không muốn trở lại đất Champa. Hóa ra bà vẫn đang còn sống? Vậy là bà đã gửi được hồn mình vào trong các vũ điệu của nàng về cho cố quốc. Ngừng một lát, như để cho niềm xúc động vơi nguôi dần, Chế Mân lại hỏi:

- Thế còn tiếng Champa, ai đã bầy cho nàng học?.

Huyền Trân thật sự phân vân, không biết việc mình học được tiếng Chàm, có gì phiền phức cho vị chúa Chiêm này không. Nàng nói:

- Tâu bệ hạ, chẳng hay thiếp biết được tiếng nói quê chồng, điều đó có làm bệ hạ vui buồn? Người bắt thiếp phải học tiếng Chàm, học các lễ nghi và vũ nhạc Chàm chính là phụ vương của thiếp. Còn người dạy thiếp không ai khác ngoài Tá thánh thái sư thượng tướng quân Trần Nhật Duật. Đó là bậc thượng phụ của thiếp. Thái sư biết nhiều tiếng nước ngoài, lầu thông cả phong tục tập quán của họ nữa. Học tiếng Chàm, cũng còn là sở nguyện của thiếp. Bởi lẽ thiếp không thể sống với bệ hạ bằng tâm trạng của một người xa lạ, lúc nào cũng có mặc cảm mình như một kẻ vừa điếc vừa câm?
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #74 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2010, 09:15:36 pm »

Chế Mân nắm lấy tay hoàng hậu, bằng cử chỉ truyền cảm tâm linh, nhà vua muốn nói với hoàng hậu rằng ngài không có gợn một chút hoài nghi nào cả. Một lúc sau ông nói:

- Đóa Bạch trà kiều diễm của ta ơi, việc nàng biết nói tiếng Champa, biết cả nền văn hóa Champa, không những làm ta xúc động, mà còn kinh ngạc nữa. Điều đó làm ta sung sướng bội phần, chớ có gì mà hậu nói ta đa nghi. Bởi từ trước ta vẫn có mặc cảm, mấy nước lớn thường coi khinh nước nhỏ. Đã có mấy nhà quyền quí của xứ này lấy vợ Trung Hoa. Nhưng suốt cuộc đời sống nơi quê chồng, họ vẫn giữ kiểu cách Trung Hoa từ ăn đến mặc. Tới lúc họ hiểu và nói được tiếng Champa, họ cũng không thèm nói. Ta hận điều đó lắm. Chỉ sợ nàng cũng đem kiểu cách nước lớn áp đặt cho ta. May sao, phụ hoàng là người trí huệ, ngài lo liệu cho nàng như vậy, khiến ta không bao giờ có thể quên được tấm lòng từ bi hỉ xả của người. Thề suốt cuộc đời ta, và cả cháu con ta sau này, sẽ mãi mãi giữ tình hòa hiếu cốt nhục với Đại Việt. Nàng hãy tin ở ta, và gắng giúp rập ta cho sự nghiệp này được tỏ sáng.

Hoàng hậu không giấu nổi niềm xúc động trước tình cảm chân thực của nhà vua, nàng nói:

- Việc thiếp học tiếng Chàm và vũ nhạc Chàm, không phải không có người cản trở. Nhưng phụ hoàng đã răn dạy họ đến điều. Người nói: “Nhà Tống, nhà Nguyên ỷ mình là nước lớn, nên coi thiên hạ như cỏ rác. Vua chúa các nước, họ chỉ gọi là “quận vương”, còn họ tự xưng là “thiên tử”, với “thiên triều”. Các nước láng giềng họ gọi là “phiên thuộc”. Dân các nước nhỏ họ gọi là “di”, “địch”, tức thuộc loài sâu bọ chó má. Sự kỳ thị lố lăng đó, là một sự tự hạ giá nhân phẩm. Vậy ta có nên bắc chước, có nên học đòi kiểu cách nước lớn chăng? Đó là một sự dị hợm của bọn người thiển cận. Nước Trung Hoa văn hiến với trăm nhà, trăm phái, thiếu gì cái cao sâu huyền diệu ta có thể học được. Cho nên phải để công chúa học tiếng Chàm sao cho khi về quê chồng, con ta có thể hòa hợp ngay được với cộng đồng dân tộc - nơi con ta phải sống cả cuộc đời”. Đấy, thiếp đã học tiếng nói của bệ hạ, với sự sáng suốt của vua cha, và tấm lòng thiếp kính yêu quê chồng.

Chế Mân vô cùng cảm kích, ông nói:

- Tấm lòng tri ân tri kỷ này của phụ vương và của nàng dành cho ta, biết lấy chi báo đáp. Ôi, cái bọn người Nguyên quỉ quái kia, hóa ra họ lại là kẻ thù chung của cả hai dân tộc.

- Chính thế, tâu bệ hạ. Phụ vương thiếp thường nói: Nếu các nước nhỏ yếu nằm ngoài Trung Hoa, không biết liên kết nhau lại làm nên sức mạnh, mà cứ để họ xui nguyên giục bị, làm cho nhau bất hòa mà gây cuộc tranh chiến, thì thật là bất hạnh. Rốt cuộc, các nước sẽ suy yếu dần, làm mồi cho họ thôn tính, họ đồng hóa. Bệ hạ cứ xem, người Trung Hoa khi lập quốc mới chỉ quẩn quanh trong lưu vực sông Hoàng Hà, bây giờ họ bành trướng lớn biết chừng nào. Ấy cũng là với quốc sách chia rẽ các quốc gia lân cận, rồi thôn tính. Thiếp chỉ mong sao thiện tâm của phụ vương thiếp, cùng cao kiến của bệ hạ, khiến cho hai dân tộc ta hợp quần lại cùng chống kẻ thù chung phương bắc. Điều quan yếu nhất trong kế sách, là phải làm sao cho người trong hai nước chúng ta đừng có nghi kỵ nhau. Nghi kỵ là đầu mối của mọi hiềm khích, là mầm mống của mọi đổ vỡ, xin bệ hạ lưu tâm.

Suốt chặng đường dài, hết đi bộ lại đi thuyền, qua các cuộc chuyện trò đàm đạo, nhà vua càng thấy yêu, thấy trọng Huyền Trân. Nàng là một đóa hoa hiếm thấy trên đời. Sắc đẹp nàng vừa lộng lẫy, vừa kín đáo. Nhưng đức hạnh và tài năng nàng mới là điều đáng nói.

Chế Mân tự nhủ: “Khắp vương quốc ta, không tìm đâu được một người con gái trí tuệ như nàng”. Nhà vua cứ triền miên suy tưởng về người vợ yêu của mình. Mặc dù có biết bao nhiêu người khuyên nhà vua, phải cẩn trọng lắm với người con gái Đại Việt này. Nhưng càng ngày nhà vua càng thấy những lời răn dặn của đám cận thần là thừa. Mười phần nhà vua đã thấy tin ở Huyền Trân tới tám, chín phần rồi.

Về phần Huyền Trân, nàng luôn nhớ lời căn dặn của vua cha: “Chân thực là tình cảm quí nhất của con người”.

Bỗng một phát pháo hiệu nổ vang, át cả tiếng sóng biển vỗ ào ào. Rồi một đoàn thuyền chiến đổ ra. Chiếc thuyền dẫn đầu treo cờ hiệu đô đốc. Mặt biển vang lên những giọng nói đồng thanh, như là biển nói lời cầu chúc: “Đức vua vạn tuế!”. “Hoàng hậu vạn tuế!”.

Đoàn thuyền chiến chia làm hai đội đi vòng phía sau hộ tống thuyền ngự tiến về Chà Bàn.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #75 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2010, 09:16:28 pm »

Chương 25

Hội mừng đức vua và hoàng hậu Paramecvari đã kết thúc gần một tuần trăng rồi, mà dư âm vẫn còn xôn xao bàn tán mãi. Đã từ lâu lắm rồi dân chúng Chà Bàn chưa bao giờ có được một cuộc vui bồng bột, hồn nhiên đến như vậy. Ngay cả hồi đức vua làm lễ đăng quang kế vị cũng không được vui như thế. Hoặc giả ngày công chúa Chà Và, tức hoàng hậu Tapasi về làm dâu xứ Champa, cũng đâu có được không khí nô nức như thế này.

Lễ đăng quang, thật ra chỉ vui trong triều đình và phủ đệ của các quan đầu triều, vui trong hoàng gia, hoàng tộc thôi, chứ dân chúng có dự phần gì. Còn như lễ cưới công chúa Chà Và cũng không có gì đặc biệt. Bà tuy xinh đẹp, giàu sang nhưng nom bà cũng chẳng khác gì người Chàm, cũng nói tiếng Chàm, đi lễ đền tháp và hát múa như người Chàm. Nhưng với công chúa Huyền Trân tức hoàng hậu Paramecvari thì lại khác. Chỉ mới nghe đồn về sắc đẹp của nàng, cả kinh thành xôn xao. Còn hoàng hậu thì mất ăn mất ngủ, mặt võ mình gầy, lúc nào cũng rầu héo như nhà có tang. Ngoài ân sủng mà nhờ có nàng về Champa mới có lệnh này, như cả kinh thành được nhà vua chẩn cấp suốt ba ngày khánh hạ. Các án tù nhất loạt được ân giảm từ sáu tháng đến ba năm. Ngoài những thứ đó ra còn biết bao điều hấp dẫn khác mà những kẻ tò mò đồn đại, khiến mọi người háo hức đợi chờ.

Sau buổi các quan trong triều đến bái kiến hoàng hậu Paramecvari, thì tin đồn về hoàng hậu ngày một sôi nổi và người ta đã có những mẩu chuyện kể về bà. Nào là hoàng hậu có nước da trắng như bông. Miệng cười tươi như một đóa phù dung. Tóc dài và mềm mại như một suối nước. Nào là hoàng hậu nói tiếng Chăm lịch lãm như một người Chăm cao quí. Nhưng phải đợi tới buổi hoàng hậu đứng ra điều hành cho cả ban vũ nhạc của Đại Việt, trình diễn trước công chúng Chà Bàn, thì tiếng tăm của hoàng hậu và đoàn tùy tùng Đại Việt mới nổi như cồn. Ngay việc trình diễn trước công chúng của đoàn Đại Việt cũng là một biệt lệ. Vì từ trước tới nay, chưa từng có chuyện công chúng được xem như vậy.

Hoàng hậu Paramecvari ra mắt công chúng Chà Bàn, với nguyên cốt cách của công chúa Đại Việt. Nàng vận gần giống như buổi tiếp kiến đầu tiên với đức vua Yaya Sinhavarman, làm cả đám công chúng ngất ngây về sắc đẹp. Người ta kính trọng bà, biết sử dụng màu trắng là màu dành cho các đấng vương giả của đất Champa, một cách cực kỳ khéo léo, và nó được khuôn trong các kiểu trang phục truyền thống của Đại Việt. Người ta cũng kính phục những bàn tay cắt may, thêu thùa tinh tế của người Đại Việt. Nhất là những tay thợ kim hoàn đã đẽo, gọt, khắc trạm một cách tinh vi những đồ trang sức như vòng cổ, hoa tai, trâm, hài, mũ mãng... mà mỗi sản phẩm là một kỳ công tuyệt sảo. Với trang phục như vậy, hoàng hậu nói vài lời cảm tạ công chúng, đã có lòng ái mộ đức vua và những người Đại Việt, hiện có mặt tại kinh kỳ. Nàng nói bằng tiếng Việt, rồi lại tự dịch sang tiếng Chiêm làm công chúng vô cùng sửng sốt, nhưng nó cũng xác định lời đồn đại về hoàng hậu bấy lâu nay là đúng đắn.

Người ta nhớ mãi điệu múa đèn mà hoàng hậu sắm vai chính, trong đó cây tọa đăng như dính chặt trên đầu nàng, khiến công chúng vô cùng kinh ngạc. Và cả điệu múa đèn với cách biến ảo đội hình, cùng những động tác múa cực kỳ sinh động, gây hứng thú cho người xem tới mức có lúc công chúng phải nín thở, thóp bụng và tự nhiên hai tay giơ lên đỡ lấy đầu, tưởng như ngọn đèn trên đầu hoàng hậu và các vũ nữ Đại Việt sắp nghiêng đổ. Và khi các ngọn bấc lại bùng lên, các cây đèn chụm lại tỏa sáng như một ngọn hải đăng, thì công chúng hò reo đến lạc cả giọng. Hoàng hậu còn trình diễn một điệu múa tự nàng sáng tác, nói về một bà già bán quán bên sông, đã chỉ đường cho giặc Nguyên sa vào bẫy chông và hầm hố, khiến chúng chết gần hết. Quân giặc thất trận trở về chặt hai tay bà rồi phóng lửa đốt quán. Nội dung điệu múa Huyền Trân dựa vào sự thật về một bà lão mà nàng đã bắt gặp nơi quán chợ, hồi về Thiên Trường. Nàng diễn tả cực kỳ sinh động, trong cả các vai địch và vai bà lão. Nhất là khi bà lão với hai cánh tay cụt vung lên, dường như bà không còn cảm thấy đau đớn nữa, và khi bà ném ánh mắt vào ngọn lửa đang bùng cháy, thì người xem  cảm thấy như ngọn lửa cháy lên từ ánh mắt bà, chứ không phải từ chiếc quán tranh. Điệu múa kết thúc giữa sự bàng hoàng của người xem. Đó cũng lại là một sự lạ đối với công chúng Champa. Vì rằng ở Champa, đánh giặc là việc của triều đình, của lính tráng, chứ làm gì có chuyện người dân tự giác tham gia như ở Đại Việt.

Ban nhạc cũng để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người xem, với các tiết mục múa săn thú theo nhịp trống đồng. Rồi trình diễn dàn cồng, với đủ các tiết tấu diễn tả mọi sinh hoạt trong đời sống của con người. Tiếng cồng mừng em bé ra đời, mừng ngày hội xuống đồng, tiếng cồng xua đuổi thú rừng, tiếng cồng gọi bạn tới nơi hò hẹn vào những đêm trăng sáng, tiếng cồng đưa tiễn người già tới nơi an nghỉ... Những âm thanh lúc bổng, lúc trầm, lúc thưa thớt, nỉ non, lúc dồn dập, sục sôi diễn tả mọi trạng huống tình cảm và tâm linh của con người Đại Việt, vừa phong phú đa dạng, vừa phức tạp. Những âm thanh đó, khiến người ta có thể hình dung đầy đủ một xã hội đang bận mải với mọi sự sinh sôi. Nó không hề giống với tiếng trống pa-ra-nưng của Champa, dẫn dắt hồn người vào cõi giới tâm linh huyền bí.

Bích Huệ, Thúy Quỳnh ngoài những tiết mục múa, thể hiện sự uyển chuyển, mềm mại của đôi cánh tay và thân hình người con gái Đại Việt, bỗng chuyển sang trình diễn tiết mục múa song đao, khiến người xem đi từ ngạc nhiên đến sửng sốt. Và cũng là chuyện chưa từng thấy ở Champa. Còn hòa thượng Minh Thái lại đặc sắc ở dạng khác. Hòa thượng vừa đánh đàn, vừa leo cột ngược, chỉ bằng hai bàn chân. Hòa thượng lại vừa thổi ống tiêu vừa leo thang xuôi, ngược đan mình qua các bậc thang, cứ như người không có xương sống, mà tiếng tiêu vẫn du dương, réo rắt đưa người xem vào cõi mộng.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #76 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2010, 09:17:14 pm »

Chính buổi đoàn tùy tùng của hoàng hậu Paramecvari trình diễn vũ nhạc dân gian Đại Việt đã gây một ấn tượng không bao giờ phai nhạt trong đầu óc dân chúng kinh đô Chà Bàn. Người ta bắt đầu hiểu đất nước và con người của Đai Việt chan chứa tình yêu. Người Chiêm Thành chuyển cảm tình của mình về hướng Thăng Long. Song cũng vì thế người không có thiện chí tỏ ra bực tức. Họ tìm cách bài xích và gây không khí chống đối Đại Việt.

Người ta thấy quan Bố-đề chạy tớn tác hết dinh này sang phủ nọ. Ông ra vào nơi sứ bộ nhà Nguyên chẳng kể ngày đêm. Người ta cũng thấy viên chánh sứ nhà Nguyên ở Thăng Long cũng đã có mặt ở Chà Bàn. Nom sắc mặt cũng đủ biết y đang có điều gì hậm hực trong lòng. Mắt y lúc nào cũng ngầu đỏ, đằng đằng sát khí.

Hoàng hậu Tapasi sau lễ tương kiến đầu tiên đã nhìn hoàng hậu Paramecvari có phần độ lương. Với tấm lòng chân thực và với tình cảm nồng nàn, hoàng hậu Paramecvari đã dâng lên hoàng hậu Tapasi chuỗi ngọc trai mầu hồng với những viên ngọc lớn khác thường. Đây là một loài ngọc quí, mà biển phương nam không có.

Mới vào chuyện, hoàng hậu Tapasi đã bị sức trẻ trung duyên dáng của hoàng hậu Paramecvari cuốn hút khiến những nghi ngờ, bực tức, đố kị, ghen tuông chất chứa bấy lâu nay biến đi như sương giá trước bình minh. Bà say sưa ngắm nghía khuôn mặt của Trần Huyền Trân, rồi lại liếc nhìn chuỗi ngọc và thầm so sánh: “Cô bé có khuôn mặt đẹp đẽ, trong trẻo hơn cả những viên ngọc quí kia”. Hoàng hậu Tapasi tự nhủ: “Vẫn ngỡ như quan Bố-đề nói, nàng được phong hoàng hậu thì ta phải loại xuống hàng thứ phi hoặc bị phế truất. Còn hoàng tử sẽ bị bức hại. Nhưng nay đã rõ ràng ta và nàng cùng là hoàng hậu, cùng trong bậc mẫu nghi thiên hạ. Con ta đã lớn mà nàng chưa có con, vậy ta còn lo nỗi gì”. Hoàng hậu Tapasi nghĩ tới đó bỗng rùng mình như người lên cơn sốt. Vừa lúc đó, hai tì nữ bưng hai chiếc khay bạc, trên mối khay là một chiếc chén bằng vàng, đựng một thứ nước màu xanh sẫm, đặt phía trước hai hoàng hậu.

Đoạn các nàng khẽ cúi đầu lui ra, và sáp luôn vào một điệu múa dâng trà. Những vũ nữ Chiêm này được chọn lọc cẩn thận, tập luyện chu đáo nên biểu diễn khá thành thạo. Múa xong một điệu, các nàng vào bưng khay quỳ xuống dâng tận tay hai hoàng hậu. Hoàng hậu Tapasi đỡ lấy chén nước, tay run run liếc nhìn hoàng hậu Paramecvari với ánh mắt hơi dài dại. Cử chỉ của Tapasi không lọt qua mắt Huyền Trân được. - Nhất là những ngày về Chà Bàn, nghe ngóng binh tình, hòa thượng Minh Thái đã căn dặn Huyền Trân đủ điều. Kể cả việc ăn uống, không được khinh suất. Vì vậy, Huyền Trân đang lo cách đối phó sao cho hợp lý. Lập tức nàng quay ra hỏi Tapasi một cách đột ngột, tay giơ lên đụng luôn vào khay trà, khiến tì nữ tuột tay rơi luôn cả khay và chén nước đổ lăn ra sàn nhà.

Hành động của Paramecvari cũng không qua được mắt Tapasi, bà khẽ nhếch mép, rồi cau vừng trán, bà ra lệnh phạt:

- Pansi! Ngươi có hai bàn tay không dùng vào việc gì nữa rồi. Mi dám đánh đổ nước trước mặt ta và hoàng hậu Paramecvari. Tội mi đáng chết chém. Nhưng ta nể hoàng hậu Paramecvari là người theo đạo Phật, cấm sát sinh, nên ta chỉ sai chặt cụt hai bàn tay mi thôi. Mi phải biết, thế là ta đã gia ân với mi nhiều rồi đấy.
Pansi rụng rời, lặng đi như người chết đứng.

Chưa biết luật lệ và hình phạt trong hoàng gia Champa quy ước như thế nào, Huyền Trân trong lòng áy náy bội phần. Nàng chỉ sợ khinh suất, sẽ bị hoàng hậu Tapasi cho là lộng hành. Mà không can thiệp, chắc Chiêm nữ kia sẽ trở thành tàn phế suốt đời. Huyền Trân cũng biết, đây không phải là hoàng hậu Tapasi giả vờ làm nghiêm. Vì cứ nom sắc mặt bà cũng đủ biết, cơn giận đang bốc lên ngùn ngụt, như một đám cháy rừng.

Đột ngột Huyền Trân quì sụp xuống trước Tapasi, hai mắt đẫm lệ, nàng nói:

- Muôn tâu hoàng hậu Tapasi đức hạnh. Lỗi tại thiếp. Thiếp đã vô ý chạm vào khay trà nên bị rớt. Xin hoàng hậu hãy trị tội thiếp mà tha cho tì nữ kia.

Hoàng hậu Tapasi luống cuống đỡ Trần Huyền Trân dậy. Bà lắp bắp nói:

- Hoàng hậu Paramecvari, sao nàng lại làm thế. Hoàng thượng trông thấy cảnh này, ắt người phải chém
đầu ta.

Huyền Trân nhất định không chịu đứng lên, nàng khẩn nài:

- Nếu hoàng hậu không tha thứ cho Pansi, tức là thiếp không được hoàng hậu gia ân.

- Thôi được, ta bằng lòng. Hoàng hậu Tapasi với vẻ miễn cưỡng, rồi khoát tay nói thêm:

- Con tiện tì kia, nếu ta không nể mặt hoàng hậu Paramecvari xin cho, ắt mi phải chết. Tại sao mi còn
đứng đấy mà không lạy tạ người.

Pansi cảm động khóc nức nở, sụp lạy cả hai hoàng hậu.

Chợt lóe lên trong đầu một dự liệu, hoàng hậu Tapasi nói luôn:

- Con Pansi đã đội ơn cứu tử của hoàng hậu. Nếu hoàng hậu không ngần ngại nó đã là nô tì của ta, ta xin
biếu. Âu cũng là lưu một chút tình cho sự tương kiến của chị em ta.

Không hiểu có mưu sâu chước lạ gì trong tấn trò này, nhưng cảnh ngộ buộc Huyền Trân không thể chối từ.
Nàng tự nhủ: “tương kế tựu kế”. Đoạn nàng quay ra nói với hoàng hậu Tapasi:

- Đội ơn hoàng hậu. Rồi nàng bảo Pansi:

- Ta với em chắc có duyên nghiệp chi đây. Hãy lạy ta hoàng hậu rồi theo ta.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #77 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2010, 09:17:52 pm »

Bích Huệ, Thúy Quỳnh phải chờ ngoài đại sảnh. Lâu quá không thấy chủ ra, hai cô đâm nghi. Bích Huệ tung chiếc quạt thước lên không rồi bắt lấy, hai tay múa tít như người múa côn. Dừng lại đột ngột Huệ nói:

- Chị Thúy Quỳnh ơi, em phải đi xem hoàng hậu thế nào nhé. Chị cứ ngồi đây chờ em một chốc.

- Chắc là hai hậu gặp nhau, tỏ bầy tình cảm thôi chứ không có chuyện gì đâu. Hãy nán lại một chút, nếu không thấy người ra, hai chị em ta cùng đi, chị Bích Huệ ạ.

Một lát sau Huyền Trân bước ra dẫn theo tì nữ Pansi. Pansi mặt mày tươi tỉnh, vừa đi vừa nói líu ríu những lời biết ơn.

Bốn thầy trò lên kiệu về cung. Cung hoàng hậu là một tòa nhà không lớn lắm, nhưng được xây cất đẹp đẽ, thoáng mát, nằm ở phía bắc một quả đồi. Ngay sát cung hoàng hậu, thiết lập một chiếc am vừa là nơi thờ Phật, vừa là nơi thờ cúng tổ tiên, có hòa thượng Minh Thái giữ việc đèn nhang kinh kệ sớm chiều.

Trần Huyền Trân lập tức thuật lại câu chuyện vừa xảy ra bên cung hoàng hậu Tapasi cho hòa thượng nghe.
Hòa thượng suy nghĩ rất lao lung. Nhà sư không ngờ sự chống đối quyết liệt xảy ra quá sớm. Ông thầm đoán: đây là một vụ đầu độc không thành. Nhưng là một vụ có dự mưu, tức là có tính toán sắp đặt từ trước. May mà công chúa sáng suốt. (Ông vẫn coi Huyền Trân như một nàng công chúa, mà thượng hoàng Nhân tôn phó thác cho ông phải coi sóc). Một lát, ông hỏi Huyền Trân:

- Lệnh bà có nghĩ rằng hoàng hậuTapasi có dự mưu hạ độc thủ chăng? Việc này phải hết sức tỉnh táo.

Huyền Trân thong dong đáp:

- Thưa hòa thượng, tôi đến với hoàng hậu Tapasi bằng tấm lòng trong sáng. Bởi vậy khi trò chuyện hoàn toàn thoải mái. Tôi linh cảm dường như có lúc bà ấy đã có cảm tình với tôi.Bỗng bà ấy giật mình và sắc mặt hơi ửng đỏ. Tôi chắc bà ấy nghĩ về một điều gì không lành mạnh. Câu chuyện lại trôi đi bình thường cho tới lúc bọn tì nữ dâng trà. Tôi thấy lòng vẫn thanh thản bình yên, lại tự trách mình cứ hay suy nghĩ vơ vẩn. Tới lúc bà ây bê chén nước, tay run lật bật, mắt nhìn tôi vẻ ngây dại. Bà ấy không vội uống, cũng không nài ép tôi. Chợt như có một dấu hiệu vô hình nào đó ngăn tôi lại không cho uống. Thay vì giơ tay ra đón chén nước tôi lại giơ tay ra để gạt cả khay trà. Và phần tiếp theo như tôi đã kể với hòa thượng từ đầu.

- Vậy chớ còn gì khiến lệnh bà hoài nghi nữa không?. Hòa thượng tự nghĩ: ‘Cũng không hiểu tại sao đúng lúc ấy, ta nghe văng vẳng bên tai như tiếng thượng hoàng nhắc nhở: “Hãy cứu con ta. Không được uống ăn gì. Ra lệnh cho nó ngay lập tức!”. Thế là ta định thần trong thế tọa thiền và ra lệnh cho nàng. Ta ngờ chẳng bao lâu nữa, thượng hoàng sẽ thành quả phúc. Suy nghĩ giây lâu, bỗng Huyền Trân “à” lên một tiếng:

- Tôi nhớ lúc bà ta ra lệnh chặt hai tay con nữ tì. Tôi quì xuống xin bà ta tha tội chết cho nó. Bà ấy hốt
hoảng bảo tôi: ‘Hoàng thượng mà trông thấy cảnh này, ắt người phải chém đầu ta”.

Tôi nghĩ rằng bà ấy cho là nhà vua sủng ái tôi hơn, và vì thế bà ta nể sợ.

- Lệnh bà nghĩ như thế nào về việc hoàng hậu Tapasi tha tội chết cho tì nữ Pansi, rồi lại đem y tặng cho lệnh bà?.

- Tôi vẫn băn khoăn giữa cái thật và cái giả trong tâm địa và việc làm của hoàng hâu Tapasi. Nửa phần tôi
cho đây là sự thật. Nửa phần tôi hồ nghi đây là kế khổ nhục, như Chu Du đã dùng Hoàng Cái trá hàng trong trận Xích Bích. Vậy nên như thế nào, xin hòa thượng chỉ giáo cho. Tôi không lường trước được những trạng huống phức tạp như vậy. Hiện tôi còn một chút băn khoăn. Nếu quả đây là khổ nhục kế, thì mưu ấy không phải xuất phát từ nơi hoàng hậu Tapasi.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #78 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2010, 09:18:31 pm »

- Lệnh bà vô cùng sáng suốt. Tôi không có cao kiến gì hơn. Tôi sẽ để tâm cứu xét việc này. Rõ ràng là kẻ thù không để cho ta yên. Họ đã khai đao trước ta. Tôi hết sức lưu tâm lệnh bà, việc đi lại, ăn uống nhất nhất thận trọng. Nửa bước không rời hai con Bích Huệ, Thúy Quỳnh. Tôi đã căn dặn chúng nó kỹ lưỡng rồi. Đối với con Pansi phải giám sát xem nó có thậm thụt gì không. Phải canh chừng cả ban đêm, có khi nó lẻn ra ngoài để gặp nhau. Nhưng lại phải đối xử với nó thân tình, có thể nó sẽ phản tỉnh. Tôi cũng báo để lệnh bà biết, tên chánh sứ Lý Quý, người Nguyên ở Thăng Long hiện đang có mặt ở Chà Bàn. Hẳn không phải là hắn đi chơi. Lệnh bà có nhớ bữa cả kinh kỳ đưa tiễn lệnh bà ở bến Đông bộ đầu, y cũng nhớn nhác đi theo.
Từ một đời sống trong sáng ở chốn khuê các, chỉ lo tu sửa đức hạnh, trau dồi lễ, nghĩa, thi, thư, nay vừa bước ra khỏi nhà đã phải cùng một lúc đối phó với hàng trăm việc. Việc gì cũng hệ trọng. Xảy ra một tí, không mất mạng cũng mất thể diện quốc gia. Trần Huyền Trân giật mình lo sợ về trọng trách lớn lao. Và nàng mơ hồ nhận ra, dường như mình sống không phải cho riêng mình nữa. Chợt nhớ là mình đang đàm luận với nhà sư - người mà phụ vương tin tưởng phó thác. Huyền Trân tiếp:

- Dám xin hòa thượng chỉ giáo cho, hiện thời tôi cần phải làm gì?.

- Cũng khó nói, việc gì ta dự liệu, lại chưa xảy ra. Còn việc ta chưa dự liệu, nó lại đến. Tỉ như việc xảy ra trong cung hoàng hậu Tapasi chẳng hạn.

Cho nên tùy cơ ứng biến, như lệnh bà đã làm là cực kỳ mưu trí. Mưu trí của lệnh bà có được, là xuất phát từ cái tâm ngay thẳng hiền đức của mình. Song có một vài việc lớn, tôi thấy lệnh bà phải hiệp sức với quốc vương mới làm nổi. Ví như để cho hoàng hậu Tapasi và những kẻ âm mưu chống lại lệnh bà yên tâm, lệnh bà nên khuyên nhà vua sớm lập con trưởng làm thế tử.

Ngoài ra nhà vua phải đích thân dẹp bớt bọn âm mưu chống đối lại mình, và hạn chế các hành động ngông cuồng của sứ đoàn nhà Nguyên ở Chà Bàn. Với vị tể tướng, những ý kiến phản bác nhà vua trong từng chủ trương, từng công việc đôi khi là cần thiết. Vì không phải tất cả mọi quyết định của nhà vua đều đúng. Nhưng khi nó bành trướng ra như là một thế lực chống đối, lệnh bà phải làm cho nhà vua ý thức được, đó là mầm loạn. Lệnh bà hiện giữ một trọng trách cực lớn, trong việc mưu cầu hòa bình bền vững cho cả hai quốc gia. Đương nhiên lệnh bà được nhiều người yêu trọng. Song cũng không ít kẻ chống đối lệnh bà. Nếu không ý thức đầy đủ về các thế lực kình chống, chúng ta sẽ phí sức, uổng công mà rồi ân hận suốt đời, để lại tiếng cười cho hậu thế.

Cảm thấy đầu óc căng thẳng, Huyền Trân nói như để tự răn mình:

- Thưa hòa thượng, tôi thật ngây thơ quá đỗi. Tôi cứ tưởng về làm dâu xứ này, là tôi đã làm xong được một việc nghĩa đối với dân với nước. Ai ngờ việc ấy lúc này mới bắt đầu. Không ai nghĩ rằng đi làm dâu lại đi vào trường tranh đấu. Mà nếu không khéo lại là đi vào cõi chết.

Hòa thượng hết đỗi băn khoăn về lời nói của Huyền Trân. Đúng là nàng phải gánh một trọng trách quá lớn. Thật sự là nàng đã bước vào một cuộc chiến đấu. May mắn làm sao nàng đã sớm nhận ra. Và nàng cũng ý thức được bổn phận của mình. Một lát sau, hòa thượng lên tiếng:

- Tâu lệnh bà. Tôi vui mừng khôn xiết vì lệnh bà là người có nhãn quan thấu thị. Tôi thấy không cần phải nói gì thêm, và mọi lời an ủi lúc này cũng là thừa đối với lệnh bà. Tôi chỉ nêu một câu trong kinh Vệ Đà do Đức Phật răn dạy: “Nếu con không chiến đấu để bảo vệ lẽ phải, thì đương nhiên con đã phản bội nhiệm vụ, đức tính và vinh quang của con, và con là người có tội. Con không việc gì phải khóc cho sự chết, vì ai sinh ra thì chắc chắn sẽ chết, và ai chết thì chắc chắn sẽ sinh ra. Vì vậy, đối với những việc không thể tránh được thì không có gì phải buồn”.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #79 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2010, 09:19:40 pm »

Chương 26

Nhà vua từ khi cưới được Huyền Trân mà ông gọi là “đóa Bạch trà kiều diễm”, ông chưa dời nàng được một ngày nào. Ông quí hoàng hậu tới mức đưa cả nàng tới dự lễ thiết triều. Cũng qua các buổi lễ đó mà Huyền Trân biết được thiên hướng chính trị của triều đình và năng lực của các đại thần.

Nhà vua kéo dài tuần trăng mật bằng những cuộc du ngoạn, những cuộc tuần thú trên vương quốc giàu đẹp của mình.

Nhà vua đã dẫn hoàng hậu tới thăm kinh đô cổ xưa của nước Champa ở Sinhapura. Đó là một khu đền đài tháp cổ được tạo dựng với một nghệ thuật độc đáo, khác hẳn với cách xây dựng theo lối cung điện, đền chùa của Đại Việt.

Có nơi còn cả một thung lũng đền đài, nom như một hành cung của thượng đế. Thật khó mà tưởng tượng được đó lại là công trình do con người tạo dựng. Huyền Trân cũng đi xem các xưởng làm gạch. Những người thợ thủ công gầy gò đen đủi cứ nai lưng ra mà trộn đất, đóng gạch, nung gạch. Những viên gạch mỏng màu đỏ hồng kiểu như là gạch lá nem của Đại Việt. Nhà vua cũng dẫn hoàng hậu tới xem những người thợ tạc tượng. Hoàng hậu xem không chán mắt những bàn tay nghệ sĩ tài hoa. Khi xem tới những nhát đục cuối cùng của pho tượng nữ thần Apsara,hoàng hậu hết nhìn pho tượng lại nhìn nghệ sĩ điêu khắc. Đến nỗi bà không tin vào mắt mình nữa. Rõ ràng là hai thái cực khác nhau. Tượng đã mỡ màng, sinh động, duyên dáng, kiều diễm như một vũ nữ đang trình diễn. Còn người tạc tượng hệt như một bộ xương biết cử động. Tóc ông ta phủ đầy bụi đá, loại đá gan gà màu tím sẫm. Mắt ông ta, ngoài đôi tròng lấp lánh tỏa sáng là hai hõm sâu như đáy huyệt. Bộ ngực trần trơ xương. Duy chỉ có hai bàn tay là sinh động.

Ông ta buông đục thở phào. Liếc nhìn bức tượng, ông mỉm cười với vẻ hài lòng, rồi đứng dậy chắp hai tay cung kính, có ý chờ nhà vua và hoàng hậu sai bảo. Như đoán được ý nghĩ của hoàng hậu, vua hất hàm hỏi nhà điêu khắc:

- Tượng thần Apsara do chính tay ngươi tạc từ những phiến đá kia, hay có ai giúp rập thêm vào?

Thấy nhà vua hỏi đúng như lòng mình đang băn khoăn, hoàng hậu vừa chăm chú nhìn người nghệ sĩ, vừa lắng nghe ông ta trả lời.

Dường như nhà nghệ sĩ không nhìn đức vua, cũng không một mảy may cử động, tiếng ông phát ra nghe như một âm vang từ xa thẳm vọng về.- Tâu đức vua và hoàng hậu chí kính. Đúng là tượng nữ thần Apsara, do bàn tay vụng về của kẻ đói khát khốn khổ này tạo nên, từ những phiến đá thô kệch kia.

Nhà vua lại hỏi:

- Thế còn các tượng hộ pháp, tượng sư tử, tượng thần Shiva và các tượng kia cũng là do tay người tạo
nên cả?.

Nhà vua nói với giọng bình thản có pha chút tự hào, bởi trong vương quốc ông trị vì, có biết bao kẻ tài giỏi vẫn một lòng một dạ thờ vua, chịu thương chịu khó làm ăn như thế.

- Bẩm đức vua, đúng như thế ạ. Kẻ khốn khó này đã làm việc suốt đời cùng với lũ học trò bất hạnh.

Hoàng hậu tiến lên vài bước, gần chỗ nhà điêu khắc và pho tượng, nàng ôn tồn hỏi:

-Xin nghệ sĩ tha thứ cho tính tò mò của phụ nữ. Tôi muốn mua một bức tượng nữ thần Apsara, nhưng tôi muốn được chứng kiến từ nhát đục đầu tiên vào phiến đá mà tùy tôi lựa chọn.

Nhà điêu khắc chưa kịp trả lời, đức vua cười sảng khoái và nói:

- Cả đất nước này là của ta. Từ ánh sáng mặt trời đến gió mưa và mọi sinh vật, hoàng hậu muốn gì mà
chẳng được. “Đóa Bạch trà kiều diễm của ta”. Sao nàng phải hạ mình tới mức đi hỏi mua tượng của cái tên nghệ sĩ ẩm ương kia làm gì. Đoạn đức vua quay về phía nhà điêu khắc:

- Ta ban cho ngươi một đặc ân, ngươi phải làm cho hoàng hậu một trăm tượng nữ thần Apsara!.

Hoàng hậu vội hét lên, ngăn lại:

- Không! Không!. Như một người biết mình có lỗi, hoàng hậu nói giọng nghẹn ngào:

- Vương thượng ơi, sao người không biết giữ gìn tài năng quí báu của đất nước. Mỗi bức tượng kia là một công trình nghệ thuật siêu phàm. Cả đời người, làm được vài công trình như vậy, góp vào kho báu nhân gian, cũng là vĩ đại lắm rồi. Thiếp chẳng qua tò mò, vì thấy bức tượng đẹp đến mức không tin rằng bàn tay người thường có thể làm được, mà phải có sự giúp rập của thần linh, nên thiếp muốn được xem tận mắt khi nó còn là một phiến đá. Nhưng bây giờ thì thiếp tin. Xin bệ hạ hãy coi thân xác nhà nghệ sĩ héo khô đi thế kia, mà trong từng thớ đá của bức tượng, bệ hạ cứ nhìn kỹ, sẽ thấy sự chuyển động. Ấy là máu và hồn của nghệ sĩ đã phả dồn vào trong đá. Chỉ còn thiếu một chút nữa, là tượng chưa bước ra khỏi đá để hòa vào với nhịp sống đời thường.

Nghệ sĩ lắng nghe tiếng nói của hoàng hậu khiến ông xúc động. Ông tự nhủ: “Ta sống ở đất nước này, tim ta sắp kiệt khô đến giọt máu cuối cùng rồi. Ta chưa một lần nào, nghe ai nói được một điều gì về nghệ thuật và người nghệ sĩ, ưu ái như bà hoàng hậu này. Nghe nói bà ta là con đức vua Đại Việt - Một đức vua dũng lược đã hai lần đánh thắng quân nhà Nguyên, nhưng bây giờ ngài lại nhường ngôi báu để xuất gia, tu Phật”. Ông ngước mắt nhìn hoàng hậu. “Đúng bà là nữ thần sắc đẹp do Thượng đế phái xuống đất nước này”. Nghĩ vậy, ông bèn mạnh dạn nói với hoàng hậu:

- Muôn tâu lênh bà, nếu đức bà cho phép, kẻ hèn mọn này xin tạc hầu đức bà chân dung của người, để lưu lại cho hậu thế.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM